Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Electronic Warfare - From The Battle Of Tsushima To The Falklands And Lebanon
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1605 / 46
Cập nhật: 2016-06-18 07:56:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: “Đột Phá Qua La Manche” (Operation Cerberus)
úc bình minh ngày 22 tháng 3 năm 1941, chiếc tàu tuần dương Đức “Scharnhorst” và “Gneisenau” được phái đến căn cứ hải quân Brest thuộc nước Pháp đang bị chiếm đóng. Cả hai tàu vừa hoàn thành một chuyến di biển dài ở Đại Tây Dương và cần sửa chữa sau khi đánh chìm hơn hai mươi tàu buôn Anh. Hai tháng sau, tại chính cảng này, một tàu chiến Đức nữa vào ẩn náu, đó là tuần dương hạm hạng nặng “Prinz Eugen”. Một vài ngày trước, tàu đã chiến đấu với hạm đội Anh cùng với thiết giáp hạm “Bismarck”. Tàu “Bismarck” bị đánh chìm, còn “Prinz Eugen” đã kịp trốn thoát.
Trong quá trình sửa chữa, 3 chiếc tàu lớn của Đức, mặc dù có ngụy trang kỹ lưỡng, chúng vẫn bị phát hiện bởi Không lực Hoàng gia Anh, họ ngay lập tức, ngày cũng như đêm, dội bom quân cảng. Trong thời gian các vụ ném bom, các tàu trên vài lần chịu thiệt hại, và sau một thời gian, Bộ Tư lệnh tối cao Đức quyết định đưa chúng về một cảng an toàn trong nước Đức. Trên bờ đối diện, người Anh hiểu rằng các tàu đối phương sớm hay muộn cũng phải rời Brest, để tránh các cuộc không kích hàng ngày và bắt đầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn điều đó.
Quá trình di chuyển ba tàu chiến từ Brest về Đức là cực kỳ nguy hiểm. Hitler, giống như một con bệnh ung thư, đích thân theo dõi tình hình; không hành động có nghĩa là phải nhận cái chết, mà hành động thì cái tạo ra một số cơ hội cứu rỗi cũng rất nguy hiểm. Vậy là người ta quyết định hành động. Điều đầu tiên cần làm là quyết định các tàu chiến sẽ đi theo hải trình nào để về Đức. Có hai tuyến đường biển, một đường tồi hơn đường kia. Tuyến thứ nhất – đi về phía tây và phía bắc vòng quanh quần đảo Anh, sau đó đi qua Biển Bắc, tuy nhiên, vụ đắm tàu “Bismarck” xác nhận thực tế là các hạm đội Anh sẽ có đủ thời gian để đánh chặn và đánh chìm tàu. Một tuyến khác – đi qua eo biển Anh (eo La Manche), tuyến đường biển này có lợi thế – vì ngắn hơn nhiều, nhưng phải vượt qua ngay trước mặt người Anh, với những hậu quả không phải khó tưởng tượng. Tuy nhiên, hải trình thứ hai cũng cho một số cơ hội để tránh cuộc tấn công của các tàu chiến hạng nặng Hải quân Anh, vì người Anh, thật hài hước, họ đã chuyển hầu hết tàu của mình đến các cảng phía bắc để tránh các cuộc tấn công đường không của Không quân Đức. Mối nguy hiểm chính trong eo biển La Manche là có mặt một số lượng lớn các tàu cao tốc phóng ngư lôi và các máy bay, các cỗ đại bác tầm xa của lực lượng pháo bảo vệ bờ biển, được bố trí dọc bờ biển eo Dover, và dĩ nhiên, thủy lôi bơi. Để chiến dịch hành quân không kết thúc bằng một thảm họa hoàn toàn, điều rất quan trọng là các tàu chiến Đức phải đến được eo biển Dover mà không bị phát hiện. Nếu chúng có thể đi đến Dover mà không bị phát hiện, khi đó có thể hiểu được từ những tính toán rất đơn giản, rằng từ giờ phút đó trở đi, hạm đội Anh không thể bắt kịp và tấn công chúng.
Sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến “đồng tình” và “phản đối”, Bộ Tư lệnh Hải quân Đức chọn một tuyến đường biển ngắn hơn qua eo biển Anh. Nhưng đồng thời nó phải giải quyết vấn đề khi rời Brest – đi ngày hay đi đêm. Xuất phát ban ngày có nghĩa là các tàu chiến có thể đi qua eo biển Dover vào ban đêm, nhưng đồng thời, xuất bến khỏi Brest vào ban đêm sẽ làm cho chúng thành các bia bắn trước các cỗ pháo vào ban ngày. Cuối cùng, họ quyết định cho xuất phát rời Brest ban đêm. Quyết định này dựa trên thực tế là sự nguy hiểm gây ra bởi trinh sát trên không của người Anh lớn hơn nguy cơ rơi vào lưới lửa của các cỗ pháo bờ biển.
o O o
Người đứng đầu Signal Corps của Không quân Đức, tướng Martini, đích thân nghiên cứu radar của đối phương kể từ tháng Tám năm 1939, khi mà ông cố gắng chặn thu, nhưng không đạt kết quả, các bức xạ điện từ trên bầu trời nước Anh (xem Chương 5). Với sự sụp đổ của nước Pháp vào năm 1940, dọc theo bờ biển phía bắc Pháp đã thiết lập nhiều trạm thu để đánh chặn bức xạ radar Anh. Theo cách này, người Đức do thám các đặc tính chủ yếu của radar Anh (tần số, độ dài xung, v.v) và sự phân bố của chúng. Tướng Martini được giao trách nhiệm gây nhiễu các radar của Anh trong chiến dịch “Nhảy qua La Manche” để giữ cho ba tàu chiến của Đức bị phát hiện chậm đến mức tối đa có thể được.
Mặc dù radar là một phương tiện trinh sát hiệu quả và điều khiển hỏa lực pháo binh, có thể nhìn xuyên qua sương mù và bóng tối, chúng dễ bị gây nhiễu và nhạy với các biện pháp đánh lạc hướng (nhiễu mô phỏng). Chính đó là tính dễ tổn thương của radar – chiến trường cơ bản của tác chiến điện tử. Radar nhạy với nhiễu vì thường các tín hiệu phản xạ từ mục tiêu rất yếu. Khi máy thu của radar đủ nhạy đối với việc tiếp nhận tín hiệu đáp ứng yếu của mục tiêu, nó có thể dễ dàng bị chế áp bởi các tín hiệu của máy phát nhiễu công suất mạnh hơn, hoạt động trên cùng một tần số và hướng thẳng vào nó. Để gây nhiễu thành công cho các radar Anh giám sát eo biển Anh, điều quan trọng là phải biết tần số hoạt động chính xác và các tọa độ địa lý gần đúng – thông tin trên đã được tướng Martini biết rõ.
Ngành công nghiệp Đức lập tức phát triển và cho ra đời các thiết bị gây nhiễu đặc biệt, có thể “nhồi đầy” (làm bão hòa) các máy thu radar Anh và làm mù CRT của họ. Martini triển khai chúng gần Ostend, Boulogne, Dieppe, Cherbourg, Rotterdam và tại các địa điểm thích hợp khác dọc theo bờ biển phía bắc Pháp. Mỗi máy phát nhiễu được trao một mục tiêu trong số các radar Anh.
o O o
Kế hoạch đơn giản nhưng khéo léo của tướng Martini gồm có cản trở người Anh sử dụng các radar của họ và không cho phép họ hiểu rằng các khí tài của họ đang bị đối phương chế áp có chủ định. Trong hai tháng trước khi các tàu xuất hành rời Brest, việc gây nhiễu hệ thống radar của Anh bắt đầu, với hy vọng làm người Anh tin rằng điều này là do nhiễu khí quyển. Lúc đầu, việc gây nhiễu chỉ kéo dài một vài phút, nhưng sau đó dần dần tăng lên từng ngày, vì vậy người Anh đã quen với nó, họ đi đến chỗ tin rằng điều này là do đặc tính khí quyển cụ thể của khu vực này, do đó họ không thể tránh khỏi. Sau khoảng một tháng hành động như vậy, kết quả mong muốn đã đạt được.
Người Đức, với chu đáo thường lệ của họ, tiến hành mọi biện pháp phòng ngừa để đảm bảo chuyến xuất bến của các tàu chiến sẽ gây cho đối phương bất ngờ. Trước hết, kế hoạch chỉ được thông báo cho ba thuyền trưởng tàu chiến. Thứ hai, họ chủ định đánh lừa người dân Brest, mà nhiều người trong số đó là điệp viên Anh và các thành viên của phong trào kháng chiến Pháp bằng cách sắp đặt một vũ hội phục trang, gây ấn tượng rằng họ không có ý định ra khơi trong tương lai gần. Và cuối cùng, để thêm ấn tượng rằng các nhiệm vụ chiến đấu tiếp theo mà “Scharnhorst”, “Gneisenau” và “Prinz Eugen” phải đối mặt sẽ là tấn công đoàn công-voa của đối phương đang đi dọc bờ biển châu Phi ở phía Nam Đại Tây Dương, trên các tàu người ta chuyển đến các gói mũ sắt và và thùng dầu ăn, phía ngoài ghi “sử dụng trong các vùng nhiệt đới”, ngoài ra, các dịch vụ bưu chính bình thường và giặt là, cung cấp thực phẩm vẫn tiếp tục – tất cả nhằm mục đích làm giảm mối nghi ngờ của kẻ thù về việc ra khơi sắp tới.
o O o
Mặc dù tất cả các biện pháp phòng ngừa trên, Bộ Hải quân Anh, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình, tuy nhiên vẫn đi đến kết luận ba tàu Đức đang chuẩn bị rời Brest và gần như chắc chắn chúng đã chọn con đường qua eo biển Anh. Người Anh lên kế hoạch chiến dịch “Fuller” với mục đích ngăn chặn chuyến đi của 3 tàu chiến qua eo biển trở về Đức. Các chuyến bay trinh sát của Anh vào các ngày 29 và 31 tháng Giêng, thực sự chỉ ra rằng trong cảng Brest đã kéo về một số lượng lớn các tàu cao tốc phóng ngư lôi, các khu trục hạm hạng nhẹ và các tàu quét mìn, điều đó rõ ràng nói về chuyến xuất bến sắp xảy ra. Vì vậy, ngày 03 tháng 2, Bộ Hải quân Anh đã ban hành lệnh tiến hành các biện pháp khác nhau, được phát triển mới một thời gian trước đây đối với trường hợp xảy ra các sự kiện đột biến như vậy. Dọc theo các tuyến đường biển có khả năng tàu địch đi qua, người ta rải mìn, còn radar phòng thủ bờ biển và máy bay của Bộ chỉ huy phòng thủ bờ biển thuộc Không quân Hoàng gia được đưa về mức báo động chiến đấu cấp cao nhất. Bây giờ, cả hai đối thủ đã sẵn sàng cho trận chiến, sau khi đã trù tính, trong tình trạng bí mật nghiêm ngặt, tất cả các hành động của mình cho đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Chuyến khởi hành của các tàu Đức được lên kế hoạch vào nửa đêm ngày 11 tháng 2 năm 1942. Thời gian và ngày giờ đã được chọn sao cho tận dụng lợi thế của bóng tối một đợt trăng mới và thủy triều, làm tăng thêm 5 mét chiều sâu của luồng tàu, cũng như tốc độ dòng chảy liên quan là 3 hải lý. Ngay trước nửa đêm, cuộc không kích nghi binh đã được tổ chức; nhiều quả bom đã được thả xuống một số bãi cát hoang của cảng và cư dân Brest ẩn nấu tránh cuộc không kích trong các hầm tránh bom. Trong khi họ chờ đợi còi báo yên, ba tàu Đức cùng với tám tàu khu trục và 16 tàu nhỏ phóng lôi, nhổ neo và từ từ ra khỏi cảng.
Sau khi ra biển, thủy thủ đoàn cuối cùng mới được thông báo rằng họ đang trở về Đức. Tin này gây ra một cơn bão hân hoan với ý nghĩ được trở về nhà và được tham gia vào một chiến dịch táo bạo như vậy. Đêm tối và sương mù, các tàu đi gần sát bờ biển của Pháp đến mức có thể, theo một dải nước hẹp mới quét thủy lôi xong vài giờ trước đây bởi các tàu quét mìn Đức. Giữa các tàu duy trì chế độ im lặng vô tuyến và radar hoàn toàn, còn để trao đổi giữa các tàu, người ta sử dụng đèn chiếu hồng ngoại đặc biệt, vô hình với người Anh.
Các tàu chiến Đức có hỏa lực hùng mạnh: “Scharnhorst” và “Gneisenau” mỗi chiếc có chín pháo 280 mm, mười hai pháo 152 mm, mười bốn pháo 105 mm và một số lượng lớn pháo tự động 37 mm, ba mươi sáu ống phóng ngư lôi 533 mm. “Prinz Eugen” có tám pháo 203 mm, mười hai pháo 105 mm, mười hai pháo phòng không tự động 37 mm và mười hai ống phóng ngư lôi 533 mm. Ngoài ra, thêm vào đó là hỏa lực các tàu khu trục và tàu nhỏ phóng ngư lôi. Trên không, hải đoàn được yểm trợ của 250 máy bay tiêm kích tầm xa dưới sự chỉ huy của phi công tiêm kích nổi tiếng của Không quân Đức là Adolf Galland, người có đến 94 chiến thắng về phần mình trong không chiến, còn đến cuối chiến tranh, ông sẽ được công nhận bắn rơi 103 máy bay đối phương.
Thuộc quyền phía Anh, lần lượt, là toàn bộ hạm đội, và hàng trăm máy bay các loại, nhưng nó có lẽ mối đe dọa lớn nhất đối với người Đức đến từ mạng lưới radar của Anh trải dài dọc bờ biển phía nam nước này. Người Đức đã tiêm một liều nhiễu rất cẩn thận, để trong mọi trường hợp, không gây ra ngay cả những nghi ngờ nào dù nhỏ.
o O o
Suốt đêm, hải đoàn trải dài, không bị máy bay trinh sát Anh chú ý, mở hết tốc lực tiến đến eo biển Dover. Bình minh đang đến gần. Sự căng thẳng của các thủy thủ Đức, đang chờ đợi cuộc tấn công của hạm đội đối phương có thể đến bất kỳ thời gian nào, bắt đầu lớn dần. Trong những giờ bình minh đầu tiên, hai chiếc máy bay Heinkel He111 trang bị thiết bị gây nhiễu, bắt đầu chiến dịch gây nhiễu radar ven biển được chuẩn bị rất cẩn thận; họ bay dọc theo eo biển Anh, dọc bờ biển phía nam Vương quốc Anh, ngăn cản các radar Anh phát hiện trong không trung một nhóm lớn máy bay bay hộ tống hải đoàn tàu chiến Hải quân Đức. Mặt khác, các trạm phát nhiễu trên mặt đất không được bật trước 09:00, nhiệm vụ của chúng là che giấu sự hiện diện của tàu chiến Đức và họ phải mở máy khi hải đoàn Đức đi vào vùng phát hiện của radar Anh đang cảnh giới eo biển Dover. Vào thời điểm xác định, máy phát nhiễu được bật lên, chúng được tinh chỉnh khớp các tần số của radar Anh nên làm việc tốt đến mức một số trạm radar Anh đã phải tắt máy, trong khi những trạm khác thay đổi tần số hoạt động trong hy vọng hão huyền sẽ thoát khỏi nhiễu. Đột nhiên, một trạm radar hoàn toàn chưa biết bắt đầu phát sóng, nhưng nó cũng bị chế áp ngay lập tức. Tóm lại, các hoạt động gây nhiễu thành công đến nỗi các trắc thủ khai thác radar người Anh thậm chí không nghi ngờ có gì bất thường!
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân, tác chiến điện tử được ứng dụng thực tế trong một tình huống chiến đấu. Hải đoàn Đức đi suốt gần mười giờ, nhanh chóng tiếp cận eo biển Dover. Không có dấu hiệu nhỏ nào cho thấy nó bị người Anh phát hiện, có vẻ như kế hoạch tác chiến điện tử được lập ra một cách tuyệt vời của người Đức đã mang lại thành công. Tuy nhiên, vào khoảng 10:00, một trong những radar của Anh bắt đầu phát sóng ở một tần số cao đến mức người Đức hoàn toàn không có cơ hội gây nhiễu; chính radar mới này đã báo cáo cả về các máy bay đối phương đang bay dọc bờ biển nước Pháp vào ở độ cao thấp. Khoảng 10:45, một số máy bay tuần tra của Lực lượng Không quân Hoàng gia phải đối mặt với một nhóm lớn máy bay Không quân Đức và khi cố gắng trốn tránh kẻ thù, họ hạ xuống cao độ đỉnh sóng, ở độ cao đó cuối cùng họ phát hiện ra các tàu chiến Đức. Do một số chậm trễ không giải thích được, Bộ chỉ huy Không quân và Hải quân Anh không biết gì về việc tìm thấy kẻ thù trong khoảng gần một giờ – cho đến 11:30. Lúc gần giữa trưa, khi hải đoàn Đức đang ở vị trí ngay trước Boulogne, đã vào tầm hủy diệt, bắn phá tại eo biển Dover, các khẩu đội pháo bảo vệ bờ biển của Anh mới khai hỏa từ cự ly 26 km. Tuy nhiên, không viên đạn nào trúng tàu Đức vì sương mù dày đặc không cho các pháo thủ Anh cơ hội quan sát điểm nổ xạ kích, và họ phải dựa vào radar của mình, vốn không đủ độ chính xác. Pháo bảo vệ bờ biển của Đức trên bờ biển nước Pháp ngay lập tức bắn trả và buộc đối phương phải im lặng.
Đây là nơi trận chiến thực sự bắt đầu. Thủy thủ Đức mặc dù đã một vài đêm không ngủ, nhưng đã được cảnh báo, chờ đợi cuộc tấn công của hạm đội Anh ở bất kỳ thời điểm nào. Họ chờ không lâu, khi sáu máy bay-phóng ngư lôi Fairey Swordfish thuộc phi đội 825 Hải quân Hoàng gia, hộ tống bởi 5 phi đội máy bay tiêm kích, bước vào công kích. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các phi đội là hoàn toàn không thể có vì phi cơ Cá Kiếm vốn tốc độ chậm (232 km / h), phải tấn công từ chiều cao đỉnh sóng. Do đó, họ phải tấn công mà không có bảo vệ, và chính vì vậy, tất cả bọn họ bị bắn hạ không thương tiếc từng phi cơ một mà không có quả ngư lôi nào bắn trúng mục tiêu. Cuộc tấn công tự sát này được thực hiện với lòng can đảm vô biên, và viên sĩ quan chỉ huy của họ, Thiếu tá Hải quân Eugene Esmonde được truy tặng Victoria Cross.
o O o
Các cuộc tấn công tiếp theo được thực hiện bởi một đội tàu phóng ngư lôi, được phái gấp từ Dover đến. Những con tàu nhỏ, phù hợp hơn cho các cuộc tấn công ban đêm, không thể cạnh tranh với tàu khu trục Đức đi hộ tống, nhưng chúng biết cách tiếp cận đủ gần để phóng đạn ngư lôi. Người Đức, với sự trợ giúp của màn khói và các chiến thuật tránh ngư lôi, cũng như sự giúp sức của hỏa lực áp đảo, đã buộc đối phương phải rút lui. Tại thời điểm này, người Đức đang đặc biệt lo lắng và tự hỏi Hải quân Anh và Không quân Anh conf những món gì khác dành tiếp họ. Chẳng mấy chốc, mười hai tàu khu trục Anh đã tới; đồng thời 240 máy bay ném bom cất cánh từ các sân bay Anh khác nhau, còn một phi đội máy thả thủy lôi bắt đầu rải mìn dọc theo tuyến đường biển có khả năng tàu Đức đi qua. Các tàu khu trục Anh can đảm tấn công các con tàu lớn của Đức, họ đến gần để phóng ngư lôi, nhưng mọi nỗ lực của họ đều vô ích và lòng dũng cảm của họ tỏ ra vô ích, trong khi đó, một trong các con tàu của họ đã bị hư hại nghiêm trọng do hỏa lực của người Đức.
Vào buổi chiều, “Scharnhorst” rung chuyển vì một vụ nổ bất ngờ. Đèn trên tàu tắt lịm, động cơ dừng làm việc. Tàu trúng mìn. Thủy thủ đoàn của tàu lặng lẽ quan sát xem “Gneisenau” và “Prinz Eugen” vượt qua; lệnh phải đi với bất cứ giá nào, và nếu một trong các con tàu bị bắn hỏng hoặc bị đánh chìm, những chiếc khác không cần phải dừng lại để giúp nó.
Trong khi thủy thủ đoàn của “Scharnhorst” cố gắng sửa chữa hư hại của tàu, trên bầu trời eo biển Anh diễn ra một trận không chiến tuyệt vọng. Ba mươi sáu máy bay-phóng ngư lôi Bristol Beaufort tấn công hải đoàn Đức, nhưng sự phối hợp hành động của họ tồi đến mức cuộc tấn công lại thất bại. Cùng lúc đó, thủy thủ đoàn của “Scharnhorst” đã nhanh chóng sửa chữa xong, con tàu tiếp tục hành trình.
Đến cuối ngày, 240 máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia phát động một làn sóng tấn công lặp đi lặp lại xuống các tàu chiến Đức, nhưng tầm nhìn không đủ làm cản trở các đường bay rất nhiều, trên thực tế, chỉ có bốn mươi máy bay có thể phát động cuộc tấn công, trong đó mười lăm chiếc bị bắn hạ, còn hai mươi chiếc – bị hư hỏng.
Vào khoảng 19:00 giờ, “Gneisenau” vấp mìn, nhưng thiệt hại không đáng kể, nó tiếp tục di chuyển với tốc độ 25 hải lý. Thêm vào cho mọi việc tồi tệ hơn, bây giờ lại nổ ra một cơn bão dữ dội. Tàu Đức mất liên lạc với nhau và không thể phân biệt sào ngắm do các tàu quét mìn thả đánh dấu. Sau đó, “Scharnhorst” lần thứ hai vấp mìn, nhưng lần này hậu quả nghiêm trọng hơn. Hầm tàu bị nước tràn vào khoảng 1.000 tấn, rất nhiều khoang bị ngập và mất điều khiển, tàu phải dừng lại và bắt đầu trôi dạt về hướng bãi mìn và bãi cát ngầm.
Trong đêm, Không quân Hoàng gia thực hiện hơn 740 phi vụ chống lại các tàu chiến Đức. Người Đức đáp trả các vụ ném bom bằng hỏa lực pháo phòng không trên hạm của mình – thủy thủ Đức phải liên tục tưới nước cho các nòng súng bắn liên tục cháy đỏ! Tuy nhiên, các cuộc tấn công này không mang lại bất kỳ kết quả thực sự nào.
Ngay trước bình minh, trên các tàu Đức loan truyền thông điệp về việc có các tàu lạ đang tiếp cận, tin này gây nhiều lo âu, bởi vì hải đoàn Đức không ở trong trạng thái có thể nghênh chiến hạm đội Anh, đặc biệt là vào thời điểm này. Tuy nhiên, hóa ra hai chiếc tàu không xác định được đó lại là các tàu hộ tống Đức, trong đêm tối đã mất liên lạc với các tàu khác. Mặc dù tất cả mọi thứ đã xảy ra, hải đoàn Đức vẫn thành công trong việc đạt mục tiêu của chiến dịch của mình mà không phải đối mặt với hạm đội Anh, đến buổi trưa ngày 13 tháng 2, nó đã về đến nhà.
Sự thành công của chiến dịch đầy khó khăn này được quyết định chủ yếu bởi công tác tổ chức gần như hoàn hảo của nó, và trên hết, biện pháp đối kháng điện tử.
Trường đoạn đó trong lịch sử hải quân nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của tác chiến điện tử: tính dễ bị tổn thương của radar khi bị gây nhiễu điện tử. Tính dễ bị tổn thương này dẫn đến một thực tế là tác chiến đối kháng điện tử vẫn còn nguyên hiệu quả ở ngày hôm nay.
Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) - Mario De Arcangelis Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland)