Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới, phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.

Eric Hoffer

 
 
 
 
 
Tác giả: Selma Lagerlöf
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2503 / 24
Cập nhật: 2015-12-10 13:31:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Đồng Êquy1 Của Cụ Arnơ Tại Nhà Giáo Sĩ Xứ Xonberga
Thời vua Frêđêrich đệ nhị, nước Đan Mạch còn trị vì xứ Bôhuxlăng, có một bác hàng cá nghèo tên là Tôraranh sinh sống ở Marxt'răng. Bác ta người gầy còm, yếu ớt. Một cánh tay bác bị tê liệt nên bác không chèo thuyền và đánh cá được. Bác không thể kiếm ăn trên mặt biển như mọi người dân khác trên quần đảo, nhưng bác đi khắp các miền trên cạn để bán cá muối, cá khô. Quanh năm bác đi từ làng này sang làng khác với cỗ xe chở cá, vì thế rất ít khi bác có mặt ở nhà.
Một ngày tháng hai, Tôraranh đánh chiếc xe trượt băng đi từ khu Kungxan tới giáo khu Xonberga. Mặt trời đang lặn. Con đường thật vắng vẻ. Không một người qua lại. Nhưng không vì thế mà Tôraranh phải im lặng. Trong xe, bên cạnh bác là một người bạn tốt mà bác có thể chuyện trò. Đó là một con cún mực, lông xù. Tôraranh đặt tên cho nó là Grim. Grim hầu như lúc nào cũng nằm im, đầu ghểnh lên hai chân trước, và chỉ nhấp nháy con mắt khi nghe chủ nói. Thế nhưng chỉ cần nghe thấy một tiếng động không vừa ý là nó đứng phắt dậy trong cỗ xe, hếch mũi đánh hơi và tru lên khủng khiếp hơn cả chó sói.
- Grim này, tao phải kể cho mày nghe những tin quan trọng tao vừa hay nhé, - Tôraranh nói, - Ở Kungxan cũng như ở Karêbi, người ta kể với tao rằng biển đã đóng băng rồi. Dạo này trời đẹp và yên tĩnh, chắc mày biết rõ điều đó hơn ai hết vì ngày nào mày chẳng ở trên đường. Biển đóng băng không những trong các vịnh, các eo, mà còn đến tận Katơgat. Tàu bè không thể qua lại giữa các đảo được nữa. Khắp nơi toàn những băng cứng chắc, người ta có thể đi ngựa, đi xe đến tận Macxt'răng và dùng đá ngầm Patenôxte.
Con chó nghe chủ nói có vẻ thích thú. Nó nằm yên cạnh Tôraranh, nhấp nháy đôi mắt.
- Xe chúng ta hết cá rồi, - Tôraranh nói tiếp với giọng của một người muốn thuyết phục. - Nếu đến ngã tư tới, chúng ta đổi hướng, rẽ sang hướng tây về phía bờ biển thì mày thấy thế nào? Chúng ta sẽ đi qua nhà thờ Xonberga để tới Ôtxmanxkin, từ đấy tao cho rằng không quá tám dặm nữa là về đến Marxt'răng thôi. Kể ra có lần trở về nhà mà không phải đi tàu bè thì cũng thật trứ danh đấy nhỉ.
Tôraranh và con chó vượt qua cái truông rộng Karêbi, và mặc dầu trời lặng gió, một làn hơi lạnh tràn qua truông tạt vào mặt, làm hai thầy trò đi rất vất vả.
- Có lẽ thiên hạ thấy chúng ta trở về nhà vào lúc công việc rất thuận lợi, sẽ bảo chúng ta là đồ lười, - Tôraranh vừa nói vừa vung tay cho đỡ lạnh. Nhưng tao với mày lang thang trên đường đã mấy tuần rồi, vậy chúng ta cũng phải được ngồi bên lò sưởi vài hôm để xua tan cái lạnh thấu tận xương tủy chứ.
Thấy con chó vẫn im lặng, Tôraranh càng vững dạ. Bác vui vẻ nói tiếp:
- Mẹ tao ở nhà một mình suốt thời gian qua, bà ta rất mong chúng ta về. Vả lại sống ở Marxt'răng vào mùa đông thì thật thích thú, Grim nhỉ, phố lớn, phố nhỏ đều tấp nập những dân chài và những lái buôn nước ngoài, và trong nhà các dân chài, tối nào cũng có khiêu vũ: trong các quán rượu bia tuôn như suối. Mày không thể tưởng tượng được đâu.
Sau bài diễn thuyết đó, Tôraranh cúi xuống xem con chó có nghe mình nói không.
Con chó không ngủ và chẳng tỏ ra có một dấu hiệu phản đối nào cả, vì thế Tôraranh rẽ vào con đường đầu tiên chạy về hướng tây ra biển. Bác quất roi da vun vút bên tai con ngựa để thúc nó đi cho nhanh.
- Chúng ta sắp đi qua nhà giáo sĩ xứ Xonberga, - Tôraranh nói, - tao phải vào đó để hỏi xem có đúng là đóng băng đến tận Marxt'răng không. Ở đó chắc là họ biết đấy.
Tôraranh nói nhỏ, không để ý xem con chó có nghe thấy hay không. Nhưng bác vừa dứt lời, con chó đã chồm dậy, tru lên kinh khủng.
Con ngựa nhảy sang một bên và ngay cả Tôraranh cũng hoảng hốt quay đầu nhìn lại xem có chó sói đuổi theo không. Nhưng khi nhìn thấy chính là Grim đang tru lên, bác tìm cách trấn tĩnh nó.
- Grim thân yêu, - bác nói - tao với mày đã vào nhà giáo sĩ xứ Xonberga biết bao nhiêu lần rồi còn gì. Tao không rõ cụ Arnơ có biết tình hình đóng băng ra sao không, nhưng tao biết chắc cụ ấy sẽ thết chúng ta một bữa ngon lành trước khi chúng ta đi lên mặt biển đóng băng.
Song, những lời của Tôraranh chẳng làm yên lòng con chó. Nó vẫn hếch mũi đánh hơi và càng tru lên kinh khủng hơn khiến chẳng mấy chốc Tôraranh bắt đầu thấy khó chịu.Trời đã nhá nhem tối, song Tôraranh vẫn nhận ra nhà thờ Xonberga nằm giữa cánh đồng mênh mông có những ngọn đồi cây cối um tùm che chở về phía đất liền và có những vách đá trơ trụi bao bọc về phía biển. Đi một mình trong khoảng trống bao la trắng xóa này, Tôraranh cảm thấy mình nhỏ xíu như một sinh vật bé nhất, trong khi những yêu quái chui từ khu rừng tối xẫm, từ những ngọn đồi hoang vu ra và đi lởn vởn trên khoảng đất trống nhân lúc tối trời. Và trên khắp bình nguyên này, chúng chẳng thấy một ai để vồ cả, ngoài Tôraranh.
Tuy vậy, Tôraranh vẫn tìm cách trấn an con chó.
- Thôi đi Grim, có điều gì khiến mày không thích cụ Arnơ như vậy. Cụ là người giàu có nhất vùng này. Cụ thuộc dòng dõi quý tộc, nếu cụ không làm mục sư thì chắc cụ đã là một lãnh chúa có thế lực rồi.
Con chó vẫn không chịu nghe. Thế là Tôraranh sốt ruột, nắm lấy cổ nó và quẳng nó xuống đất.
Con chó không chạy theo xe. Nó dừng lại trên đường, tiếp tục tru lên cho tới khi chiếc xe đến trước cái cổng đen ngòm của nhà giáo sĩ, rồi tiến vào trong sân có bốn căn nhà gỗ thấp, dài bao quanh.
2
Tại nhà giáo sĩ xứ Xonberga, cụ Arnơ đang ngồi ăn bữa tối với cả nhà. Ngoài Tôraranh, trong phòng không có một khách lạ nào khác.
Mục sư là một cụ già tóc bạc, nhưng trông còn cường tráng, tuổi già chưa làm còng nổi thân hình cao lớn của cụ. Bà vợ của cụ ngồi bên cụ, bà bị ảnh hưởng của tuổi tác nhiều hơn. Đầu và hai bàn tay bà cứ run rẩy liên hồi, còn tai bà thì đã nghễnh ngãng. Ngồi phía bên kia mục sư là ông phó mục sư, một người còn trẻ với khuôn mặt xanh xao đầy vẻ ưu tư. Ông ta có vẻ không gánh nổi mớ kiến thức mà ông đã thu thập được hồi còn đi học ở Vittăngbe.
Ba nhân vật này ngồi ở phía đầu bàn ăn kê cao cao có vẻ tạo thành một nhóm riêng. Tôraranh ngồi ở phía dưới, rồi tiếp đến các gia nhân, hầu hết đã có tuổi. Ba lão bộc đều đầu hói, lưng còng, mắt hấp háy và đầy nước mắt. Chỉ có hai vú già là còn tương đối trẻ và nhanh nhẹn hơn đôi chút. Tuy vậy, những tật nhược của tuổi già cũng làm cho họ trông yếu ớt và cứng nhắc.
Ngồi phía đầu bàn bên kia là hai cô gái. Một cô là cháu gọi cụ Arnơ bằng ông. Cô ta chưa quá mười bốn tuổi. Tóc vàng, người thon thả, khuôn mặt còn nét trẻ con, nhưng chắc cô sẽ trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Bên cạnh cô là một cô gái nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống trong nhà giáo sĩ. Hai cô bé ngồi sát vào nhau, rõ là một đôi bạn chí thân.
Mọi người ngồi ăn, hoàn toàn im lặng. Tôraranh hết nhìn người này đến người khác, nhưng chẳng ai muốn nói chuyện trong bữa ăn cả.
Mấy cụ già nghĩ bụng: "Thật là phúc lớn cho ta, ta được nuôi ăn và không phải chịu cảnh đói nghèo như ta đã nhiều lần trải qua trong cuộc đời. Trong khi ăn, ta chẳng nên nghĩ tới điều gì khác ngoài việc biết ơn Chúa nhân từ."
Tôraranh chẳng có ai để nói chuyện, nên đưa mắt nhìn khắp căn phòng. Bác nhìn từ chiếc lò sưởi lớn nhiều tầng xây sát tường, gần cửa ra vào, tới chiếc giường có tán che đặt trong góc phòng đối diện. Bác cũng nhìn những chiếc ghế dài kê dọc quanh tường và những cái cửa qua đó khói thoát ra ngoài, đồng thời cũng do đó mà khí lạnh mùa đông tràn vào cuồn cuộn. Ngắm nghía tất cả những cái đó, bác hàng cá Tôraranh, vốn sống trong túp lều bé nhỏ nhất, nghèo nàn nhất quần đảo nghĩ bụng: "Nếu như mình là một người có quyền thế, như cụ Arnơ, mình sẽ không chịu ở trong một căn phòng cổ lỗ sĩ chỉ có mỗi một phòng như thế này. Mình sẽ cho xây một tòa nhà có đầu hồi cao, có nhiều phòng như nhà của ngài thị trưởng và ngài thẩm phán Marxt'răng".
Song, vật làm cho Tôraranh luôn luôn chú ý đến nhiều nhất là cái rương bằng gỗ sồi đặt dưới chân chiếc giường có tán. Thiên hạ đồn rằng cụ Arnơ cất cả gia tài trong đó: những đồng bạc nhiều đến nỗi chất đầy đến tận miệng rương.
Và Tôraranh, con người đáng thương rất ít khi có nổi một đồng bạc trong túi, nghĩ: "Mình thật chẳng muốn có đống của cải này. Thiên hạ đồn rằng cụ Arnơ lấy nó trong các tu viện lớn ở xứ này ngày trước, và các tu sĩ già tiên đoán rằng số tiền của đó sẽ gây tai họa cho cụ".
Trong khi Tôraranh suy nghĩ như vậy, bác thấy bà cụ chủ nhà đưa tay lên tai để nghe cho rõ hơn, rồi quay lại bảo cụ Arnơ và hỏi: "Sao họ lại mài dao ở Branơhốc nhỉ?"
Trong phòng đang yên lặng như tờ, nên mọi người rùng mình và ngước mắt nhìn lên, hoảng hốt khi nghe bà cụ có vẻ đang lắng nghe cái gì, mọi người đặt thìa xuống và cũng gắng lắng nghe.
Mọi tiếng động đều bặt đi trong phòng, trong một lúc, nhưng bà chủ dường như càng lo lắng hơn. Bà đặt tay mình lên tay cụ Arnơ và nhắc lại: "Tôi không hiểu sao tối nay ở Branơhốc người ta cứ mài dao hoài vậy?"
Tôraranh thấy cụ Arnơ vuốt ve bàn tay vợ để trấn tĩnh bà, nhưng cụ không trả lời vợ và vẫn bình tĩnh ngồi ăn.
Nhưng bà cụ vẫn lắng tai nghe, nước mắt trào ra, đầu và tay bà càng run rẩy hơn vì sợ hãi.
Thế là hai cô gái ở đầu bàn bên kia cũng bắt đầu khóc vì sợ.
- Thế không ai nghe thấy tiếng mài ken két và tiếng giũa à? - Bà hỏi. - Không ai nghe thấy tiếng thép rít lên à?
Cụ Arnơ vẫn ngồi bình tĩnh và luôn luôn vuốt tay vợ. Cụ chưa lên tiếng thì chẳng một ai dám hé môi cả. Nhưng mọi người đều nghĩ rằng bà chủ đã cảm nhận thấy một tiếng động ghê rợn, báo trước những điềm bất hạnh lớn. Máu như ngừng chảy trong mạch máu. Chẳng còn ai ăn nữa, trừ cụ Arnơ.
Mọi người nghĩ rằng trước đây bà cụ chủ là người trông nom nhà cửa, bà luôn luôn ở nhà săn sóc một cách khôn khéo và hiền hậu, con cháu, đầy tớ, của cải, súc vật nên tất cả mọi việc đều tốt đẹp. Tuy bây giờ bà đã già yếu, chắc chắn bà là người trước tiên thấy được mối nguy đang đe dọa cả nhà.
Bà chủ mỗi lúc một kinh hãi thêm. Hai tay chắp lại, bà nức nở vì tuyệt vọng, nước mắt chảy dòng dòng trên gò má nhăn nheo.
- Arnơ Arnexông, thế mình không cần biết vì sao tôi sợ hãi đến thế à? - Bà rên rỉ.
Lúc đó cụ Arnơ nghiêng đầu về phía bà và nói:
- Tôi không biết vì sao mình lại hoảng hốt như vậy.
- Tôi sợ những con dao dài mà bọn chúng đang mài ở Branơhốc.
- Làm sao mà mình lại nghe được tiếng mài dao ở tận Branơhốc? - Cụ Arnơ bật cười nói. - Cái ấp đó cách gần một dặm cơ mà. Thôi mình hãy cầm lấy thìa và ăn nốt cho xong bữa đi.
Bà chủ cố nén sợ, cầm lấy thìa định múc sữa trong bát, xong thìa va vào miệng bát vì tay bà cứ run bắn lên.
Mọi người đều nghe thấy tiếng va chạm, và bà chủ vội vàng đặt thìa xuống nói: "Làm sao tôi có thể ăn nổi, tôi chỉ nghe thấy tiếng ken két, rin rít thôi!".
Lúc này, cụ Arnơ đẩy bát sữa ra và chắp hai tay lại. Mọi người làm theo, và ông phó mục sư bắt đầu đọc bài kinh tối. Kinh đọc xong, cụ Arnơ nhìn những người ngồi quanh bàn, thấy mặt họ tái xanh và hoảng hốt, cụ nổi giận, và bắt đầu kể về thời kỳ cụ mới đặt chân tới xứ Bôhuxlăng để thuyết giáo về cuộc cải cách của Luyte. Cụ và các môn đệ phải trốn phe cánh của giáo hoàng La Mã, chúng truy lùng cụ như lùng thú rừng.
- Thế chúng ta chẳng đã trông thấy kẻ thù rình mò khi chúng ta tới cửa Chúa đó sao? Thế chúng ta chẳng đã bị đuổi khỏi giáo khu và phải nương thân trong rừng như những kẻ không có tổ quốc đó sao? Vậy mà bây giờ chúng ta lại điên đầu lên chỉ vì một điềm gở hay sao?
Cụ Arnơ nói với vẻ mặt của một chủ tướng khiến mọi người lấy lại được can đảm.
- Đúng như vậy đấy, - họ nói với nhau. - Chúa đã che chở cho cụ Arnơ trong những cơn nguy nan nhất. Bàn tay chúa bảo vệ cụ. Chúa sẽ không để cho kẻ tôi tớ của Người bị chết đâu.
3
Tôraranh vừa ra đến đường cái là con Grim chạy ngay lại và nhảy lên xe trượt. Nhưng thấy con chó đã đứng đợi bác trước nhà giáo sĩ, Tôraranh lại cảm thấy lo lắng.
- Grim này, sao mày lại đứng ngoài cửa suốt buổi tối thế, sao mày không vào nhà để họ cho ăn? - Bác nói với con chó. - Một tai họa đang đe dọa cụ Arnơ chăng? Phải chăng đây là lần cuối tao gặp cụ ấy? Song một chiến sĩ quả cảm như cụ cũng có ngày phải chết. Cụ sắp tròn chín mươi tuổi rồi còn gì.
Tôraranh đánh ngựa vào con đường đi qua ấp Branơhốc để đến Ôtxmanxkin.
Vừa tới ấp Branơhốc, bác thấy trong sân có nhiều xe trượt. Ánh sáng trong nhà lọt qua những lá cửa chớp khép kín. Tôraranh nói với con Grim:
"Ở đây họ chưa ngủ đâu, tao vào hỏi họ xem tối nay ở đây có ai mài dao không?"
Bác đánh xe áp sát khu nhà chính. Khi bác đẩy cửa bước vào, bác thấy ở đây đang có một cuộc họp mặt đông vui. Các cụ già ngồi uống bia trên những ghế dài kê dọc tường, thanh niên vui chơi ca hát ở giữa phòng.
Nhìn lướt qua, Tôraranh biết ngay ở đây chẳng ai định chuẩn bị vũ khí để làm chuyện đổ máu cả. Bác bèn khép cửa lại, định bỏ đi, song ông chủ nhà đã chạy theo mời bác nghỉ chân một lát, vì dù sao bác cũng tới Branơhốc rồi. Ông ta dẫn bác quay lại trong phòng.
Tôraranh tán chuyện với mấy người nông dân một lúc lâu. Họ thật là vui tính, ngay bác cũng cảm thấy vui vẻ, quên cả những linh cảm đen tối lúc trước.
Nhưng bác vẫn chưa phải là người khách cuối cùng đến dự cuộc vui này. Sau khi bác vào một lúc lâu, có hai người, một đàn ông, một đàn bà, xuất hiện trên ngưỡng cửa. Họ ăn mặc xoàng xĩnh, rụt rè đứng trong góc tường giữa lò sưởi và cửa ra vào.
Ông chủ nhà vồn vã tới đón những người khách mới, cầm tay dắt họ vào trong phòng, vừa đi vừa nói với mọi người.
- Người ta thật có lý khi nói rằng, những kẻ ở gần nhất lại thường đến chậm nhất. Đây là những người hàng xóm gần nhất của tôi. Chúng tôi là những người nông dân duy nhất ở Branơhốc đấy.
- Phải nói bác là người nông dân duy nhất mới đúng, - người đàn ông nói, - bác đừng coi tôi là nông dân, tôi chỉ là một người đốt than nghèo được bác cho ở nhờ trên đất của bác thôi.
Người đàn ông ngồi xuống bên Tôraranh, và hai bên nói chuyện với nhau. Người khách mới kể cho Tôraranh biết vì sao bác ta đến muộn. Vợ chồng bác có khách lạ đến nhà nên không dám đi đâu. Đó là ba người thợ thuộc da, họ đã ở đậu nhà bác suốt cả ngày. Sáng sớm họ đến, trông họ ốm yếu và kiệt sức. Họ kể rằng họ đã ở trong rừng suốt cả tuần. Nhưng sau khi ăn uống ngủ nghê, họ đã lại sức. Đến chiều, họ hỏi xem ấp nào lớn nhất, giàu có nhất vùng này, họ muốn tới đó may ra kiếm được việc làm, bác gái đã trả lời rằng nhà giáo sĩ Arnơ là nơi sang trọng nhất. Thế là mấy người khách ấy rút ngay trong sắc ra những con dao dài và bắt đầu mài. Họ mài mất một lúc lâu. Trong khi mài nét mặt họ lộ vẻ hung ác đến nỗi vợ chồng bác không dám đi đâu khỏi nhà.
- Tôi như còn thấy họ ngồi mài dao ken két, - bác nói, - trông họ thật ghê gớm với bộ râu dài lâu ngày không sửa, với bộ áo da thú rách rưới bẩn thỉu - Tôi tưởng như có ba con yêu tinh đang ở nhà mình. Cuối cùng, khi họ ra đi, tôi thấy nhẹ cả người.
Sau khi nghe câu chuyện trên, đến lượt Tôraranh kể cho người đốt than nghe cảnh bác được chứng kiến tại nhà giáo sĩ.
- Vậy thì đúng rồi, tối nay người ta có mài dao ở Branơhốc thật, - bác vừa cười vừa kết luận. Bác đã uống nhiều rượu. Khi tới đây, lòng bác rất buồn rầu băn khoăn, nên bác đã tìm cách để mụ mẫm đi và để cố khuây khỏa.
- Thế là tôi thấy hoàn toàn phấn chấn hẳn lại - bác nói - bây giờ thì tôi rõ rồi, linh cảm của bà cụ giáo sẽ chỉ là do ba người thợ thuộc da kia mài dụng cụ của họ thôi.
4
Quá nửa đêm một lúc lâu, một vài người trong ấp Branơhốc bước ra thắng ngựa để về nhà.
Ra tới sàn, họ nhìn thấy một đám cháy lớn sáng rực trời ở hướng bắc.
Họ vội vã quay lại và kêu lớn: "Dậy đi, dậy đi, nhà giáo sĩ xứ Xonberga cháy rồi!"
Khách ở Branơhốc rất đông, những người có ngựa thì nhảy ngay lên yên; phóng như bay về phía nhà giáo sĩ, còn những người khác cũng vội vàng chạy bộ theo, và tới nơi không chậm hơn mấy tí.
Tại nhà giáo sĩ, chẳng thấy ai động đậy gì cả. Dường như tất cả đều đang ngủ yên trong nhà, mặc dù ngọn lửa bốc lên dữ dội.
Căn nhà không bén lửa. Nhưng ở cạnh tường nhà có kẻ xếp một đống củi và rơm, và đã châm lửa vào đó trước đấy không lâu. Ngọn lửa chỉ mới gây thiệt hại là hun đen những cây xà nhà bằng gỗ tốt và làm tan tuyết trên mái. Nhưng nó đang bắt đầu bén vào mái rơm.
Mọi người đều đoán biết ngay đây là một vụ đốt nhà gây tội ác. Không hiểu vợ chồng cụ Arnơ vẫn còn ngủ hay đã gặp bất hạnh.
Song, trước khi vào trong nhà, những người đến chữa cháy phải dùng những cây sào dài gạt đống lửa đang cháy đùng đùng cạnh tường. Họ trèo lên mái nhà, giật những đám rơm đã bốc khói sắp sửa bùng cháy.
Rồi một vài người chạy tới cửa ra vào, định vào đánh thức cụ Arnơ dậy. Nhưng vừa đến ngưỡng cửa, người đi đầu vội đứng tránh sang một bên, nhường chỗ cho người đi sau. Người tới sau, bước lên một bước, nhưng vừa nắm lấy cái then cửa, anh ta cũng lại vội tránh sang một bên dành chỗ cho người tới sau.
Ngay dưới cái ngưỡng cửa đã làm mọi người khiếp sợ này, một suối máu chảy lênh láng, cả cái then cửa cũng vấy máu.
Bỗng nhiên, cánh cửa bật mở, ông phó mục sư đâm bổ ra ngoài. Ông ta lảo đảo chạy về phía những người đang đứng chen chúc bên tường. Bị một vết chém sâu vào đầu, người ông bê bết máu. Ông đứng lặng một lát, giơ tay ra hiệu im lặng, rồi nói hổn hển:
- Đêm nay, cụ Arnơ và cả nhà cụ đã bị ba tên cướp giết hại, chúng trèo vào trong nhà qua lỗ hổng mái nhà phía trên lò sưởi. Chúng mặc áo bằng da thú có lông dài. Chúng lao vào chúng tôi như bầy thú dữ và giết chúng tôi.
Ông ta không còn đủ sức nói thêm, gục xuống chết ngay dưới chân mọi người.
Ai nấy đi vào nhà, thấy mọi điều đều đúng khớp như lời ông phó mục sư.
Chiếc rương gỗ sồi to tướng mà cụ Arnơ dùng để cất tài sản không còn đó nữa. Bọn lưu manh đã đánh cắp con ngựa của cụ Arnơ buộc trong chuồng và chiếc xe trượt băng đặt trong nhà chứa xe.
Dấu xe trượt in từ sân ra phía biển, xuyên qua cánh đồng của giáo xứ.
Hai mươi người lao theo dấu vết bọn sát nhân. Còn những phụ nữ thì vào nhà chăm lo những người tử nạn, khiêng họ từ trong ngôi nhà ngập máu ra ngoài sân phủ tuyết trắng tinh.
Họ không tìm thấy đủ số lượng người trong nhà. Cô gái nghèo được cụ Arnơ nuôi không có trong số người chết. Phải chăng cô đã trốn thoát, hay bọn kẻ cướp đã bắt cô đi rồi? Mọi người ngạc nhiên hỏi nhau.
Nhưng khi lục soát kỹ lại căn phòng, họ tìm thấy cô trốn trong khe hở giữa lò sưởi lớn và bức tường. Cô đã nép mình trong đó khi xảy ra cuộc tàn sát. Tuy không bị vết thương nào, cô vẫn kinh hoàng đến nỗi không còn nói nói một câu, trả lời nổi một tiếng.
TRÊN BẾN TÀU
Tôraranh đưa cô gái đáng thương vừa thoát chết về nhà mình. Bác rất thương cô, nên nuôi cô trong căn lều chật chội của mẹ con bác. Bác nghĩ:
"Đó là việc duy nhất mình còn có thể làm được để tỏ lòng biết ơn đối với cụ Arnơ, người hay mua cá của mình và cho phép mình ngồi ăn cùng bàn. Dù mình nghèo khổ đến thế nào chăng nữa, mình cũng phải đưa cô bé ra thành phố với mình, hơn là để cô ấy ở lại đây với những người làm ruộng. Ở Marxt'răng có khối nhà tư sản kếch vù, cô bé có thể tìm việc làm ở một nhà nào đấy, và kiếm sống một cách đáng trọng"
Trong những ngày mới tới thành phố, cô gái nhỏ khóc từ sáng tới đêm. Cô than vãn đã mất tất cả những người thân yêu nhất. Song cô khóc người chị nuôi nhiều nhất, cô nói cô chỉ muốn chết theo chị cô và tiếc rằng mình đã trốn sau lò sưởi.
Khi Tôraranh ở nhà, mẹ bác im lặng lắng nghe cô gái than vãn. Nhưng sau khi bác lại ra đi, một buổi sáng bà nói với cô:
- Enxalin này, bà không có đủ tiền để nuôi cháu ăn cháu mặc đâu, trong khi cháu cứ ngồi không để nghĩ tới nỗi đau thương của mình. Cháu hãy đi với bà ra bến tàu và tập mổ cá nhé.
Từ đó, Enxalin theo bà cụ ra bến tàu và làm việc suốt ngày với mấy chị hàng cá. Phần đông họ còn trẻ và vui tính; họ hỏi Enxalin vì sao cô lại buồn rầu và ít nói. Enxalin bèn kể cho họ nghe những sự kiện mà cô vừa chứng kiến cách đây ba hôm. Cô kể chuyện về ba tên cướp đã lọt vào nhà qua lỗ hổng trên mái nhà và đã giết tất cả những người thân yêu của cô.
Nhưng lúc cô đang nói, một bóng đen bỗng hắt xuống mặt bàn làm việc của cô. Ngước mắt lên, cô thấy đứng trước mặt cô là ba chàng quý tộc đội mũ rộng vành có gài lông chim, mặc quần áo nhung, phồng to,viền toàn bằng lụa và vàng.
Một người có vẻ là bề trên của hai người kia. Anh ta có bộ mặt xanh xao, không để râu, mắt chõm sâu. Có vẻ như anh ta vừa ốm dậy. Mặt khác, anh ta lại tỏ ra là một kỵ sĩ vui tính và mạnh dạn, đi dạo trên bến tàu ngập nắng như chỉ để cho mọi người ngắm bộ quần áo sang trọng và khuôn mặt điển trai của mình.
Enxalin ngừng tay làm việc và ngừng luôn cả câu chuyện đang kể. Cô há miệng, mở to đôi mắt ngắm chàng thanh niên lạ mặt. Còn anh ta thì mỉm cười với cô.
- Không phải chúng tôi đến đây cốt để làm cô sợ đâu, cô em xinh đẹp ạ, - anh ta nói. - Nhưng xin cô cho phép chúng tôi cùng được nghe câu chuyện của cô.
Tội nghiệp cho Enxalin! Cả đời cô đã bao giờ được gặp một chàng trai như vậy! Cô đành im lặng và cúi xuống làm việc.
Song chàng trai lạ mặt lại nói tiếp:
- Cô em đừng sợ. Chúng tôi là những người Xcốtlen. Nhưng đến đây, chúng tôi lại thấy tất cả các vịnh và các eo biển đều bị đóng băng, thế là bọn tôi phải dừng lại và chờ. Chúng tôi chẳng có việc gì làm cả, vì thế chúng tôi đi dạo chơi trên bến để gặp gỡ mọi người. Chúng tôi rất sung sướng nếu được nghe cô kể chuyện cô.
Enxalin hiểu anh ta nói vậy là để cô có đủ thời gian bình tĩnh lại, rồi cô tự nhủ: "Mình phải cố gắng tỏ ra là mình không đến nỗi quá ngu độn khi nói chuyện với một chàng quý tộc. Chẳng phải mình xuất thân từ một gia đình sang trọng chứ không phải từ một gia đình ngư dân đó sao."
- Tôi đang kể vụ tàn sát khủng khiếp ở nhà giáo sĩ xứ Xonberga - cô nói, - nhưng nhiều người khác cũng có thể kể lại sự việc.
- Đúng, - chàng trai lạ trả lời, - nhưng đến bây giờ tôi mới biết rằng vẫn còn có người nhà cụ Arnơ sống sót cơ đấy.
Enxalin bèn kể lại lần nữa những hành vi tàn bạo của bọn hung đồ. Cô thuật lại những việc đám gia nhân quây lại che chở cho cụ Arnơ, và việc cụ giật kiếm treo trên tường rồi nhảy xổ vào lũ sát nhân, nhưng bọn này thắng tất cả mọi người. Bà cụ chủ nhà vồ lấy thanh kiếm của chồng, xông vào bọn ác ôn, nhưng chúng chế giễu bà và đánh bà ngã ngã gục bằng một thanh củi. Sau khi giết hết đàn ông, chúng đã lôi đám phụ nữ trốn trên lò sưởi xuống và giết họ. Người bị giết sau cùng là chị nuôi yêu quý của tôi, - Enxalin nói - chị ấy van xin chúng tha chết cho chị, hai tên trong bọn cướp muốn bằng lòng, song tên thứ ba nói rằng cần phải thủ tiêu tất cả mọi người, rồi hắn đâm dao vào tim chị nuôi của tôi.
Trong lúc Enxalin kể lại cuộc tàn sát ba chàng quý tộc không nói một tiếng. Họ không hề đưa mắt nhìn nhau, nhưng tại họ căng ra chừng như nghe chăm chú lắm, mắt họ nẩy lửa, đôi lúc môi họ hé mở để lộ hàm răng sáng loáng.
Mắt rưng rưng lệ, Enxalin không hề nhìn lên một lần nào trong lúc kể chuyện, nên cô không thấy người thanh niên đứng trước mặt cô có đôi mắt và hàm răng của chó sói. Chỉ sau khi kể xong, cô mới lau nước mắt. Nhưng khi gặp ánh mắt Enxalin, anh ta liền thay đổi ngay nét mặt.
- Này cô gái xinh đẹp, cô đã nhìn rõ bọn sát nhân, vậy nếu cô gặp lại chúng, chắc cô sẽ dễ dàng nhận ra chúng nhỉ?
- Tôi chỉ trông thấy chúng qua ánh lửa của những cây củi đang cháy mà chúng rút từ trong lò sưởi để soi sáng trong lúc chúng giết người. - Enxalin trả lời. - Nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ giúp tôi nhận ra chúng. Và tôi ngày đêm xin Chúa cho tôi gặp lại chúng.
- Cô nói gì vậy? - Người thanh niên nói. - Chẳng phải là bọn khát máu đã chết rồi sao?
- Vâng, rất có thể như vậy, theo lời thiên hạ kể, - Enxalin trả lời, - Các nông dân đuổi theo chúng đã thấy dấu vết của chúng đi từ nhà giáo sĩ tới một cái hố trên mặt băng. Đến chỗ đó, họ thấy vết xe trượt, vết móng ngựa và vết giày đinh lớn. Nhưng qua lỗ hổng đó thì chẳng còn dấu vết gì trên mặt băng nữa, vì thế họ tin rằng ba tên sát nhân đã chết.
- Còn cô, cô có tin không? - Người lạ mặt hỏi.
- Có chứ. Tôi cho rằng chúng đã chết đuối. - Enxalin đáp. - Tuy vậy, tôi vẫn ngày ngày cầu xin Chúa cho chúng còn sống. Tôi muốn chúng còn sống để tôi có thể rút trái tim chúng ra khỏi lồng ngực của chúng. Tôi muốn chúng còn sống để tôi được thấy thân thể chúng bị cắt ra từng mảnh và trói vào bánh xe cực hình.
- Nhưng cô làm thế nào để đạt được mục đích đó, trong khi cô chỉ là một cô gái yếu ớt?
- Nếu chúng còn sống, - Enxalin kêu lên, - tôi sẽ tìm được cách để chúng không thoát khỏi trừng phạt. Tôi thà chết còn hơn để chúng thoải mái. Chúng có thể mạnh hơn tôi, nhưng dù sao chúng sẽ không thoát khỏi tay tôi đâu.
Người lạ mặt phá lên cười giễu cợt, nhưng Enxalin dậm chân nói:
- Nếu chúng còn sống, tôi sẽ nhớ rằng chúng đã phá tan tổ ấm của tôi, cho tôi thành một cô gái khốn khổ phải ra mổ cá ngoài bến tàu lạnh giá. Tôi sẽ nhớ rằng chúng đã giết tất cả những người thân yêu của tôi, nhất là chúng đã kéo chị nuôi tôi ra khỏi chỗ nấp, đã giết chị ấy, một người rất tốt đối với tôi.
Nhưng trước cơn giận dữ của cô gái nhỏ yếu này, ba người lính chiến Xcôtlen lại cười ầm ĩ. Họ cảm thấy vui đến nỗi phải bỏ đi ngay để Enxalin khỏi bực mình vì niềm vui ấy. Họ rời bến tàu, đi vào một ngõ hẹp dẫn tới chợ. Họ đã đi khuất từ lâu mà Enxalin vẫn còn nghe thấy tiếng cười giễu cợt chói tai của họ.
NỮ THIÊN SỨ
Tám ngày sau khi bị giết hại, cụ Arnơ được an táng tại nhà thờ Xônberga, và cũng hôm đó, người ta triệu tập một cuộc họp lớn tại quảng trường Branơhốc để mở cuộc điều tra về vụ tàn sát.
Cụ Arnơ rất có danh tiếng ở Bôhuxlăng, nên đám tang của cụ rất đông, cả người ở quần đảo lẫn người trên đất liền đều đến, cứ như một đội quân tập hợp quanh vị chỉ huy của mình. Đám người đi lại trên đường từ nhà thờ Xônberga tới Branơhốc đông đến nỗi không có tấc đất nào mà tuyết không bị dẫm nát.
Đến khuya, khi mọi người đã giải tán, bác bán cá Tôraranh đánh xe vào con đường chạy từ Xônberga đến Branơhốc.
Ngày hôm ấy, Tôraranh đã nói chuyện với rất nhiều người. Bác đã kể đi kể lại nhiều lần hoàn cảnh cụ Arnơ bị giết. Bác đã được thết đãi no nê tại cuộc họp, và đã uống rất nhiều bia với những người khách xa.
Tôraranh thấy mệt mỏi, bèn nằm xuống trong xe. Bác cảm thấy buồn bã vì cụ Arnơ đã ra đi. Và khi tới gần nhà giáo sĩ, những ý nghĩ càng ưu sầu hơn ám ảnh bác.
- Grim ơi, - bác nói, nếu như tao tin vào những tiếng mài dao báo trước mà bà chú nhà nghe thấy thì tao đã ngăn chặn được tai họa rồi. Tao cứ nghĩ đến chuyện đó hoài, Grim ạ, và tao rất khổ tâm, cứ như là tao đã góp phần đẩy cụ Arnơ sang thế giới bên kia ấy. Mày hãy nhớ lời tao nói với mày bây giờ; lần sau, nếu như tao nhận thấy một điềm báo trước như thế, tao sẽ tin ngay và tao sẽ ra tay.
Trong khi Tôraranh nằm nửa thức nửa ngủ trong xe, con ngựa được kéo xe đi tự do, và khi tới nhà giáo sĩ Xonberga, theo thói quen, nó vượt qua cổng chắn trước ngôi nhà rồi đi thẳng về phía chuồng ngựa. Tôraranh vẫn không biết gì. Mãi tới khi con ngựa đứng lại, bác mới ngồi nhỏm dậy nhìn xung quanh. Bác rùng mình thấy mình đang ở trong sân cái nhà mà cách đây mới một tuần, bao nhiêu người đã bị giết hại.
Bác vội túm lấy dây cương, định gò cho con ngựa phải quay lại đường cái, nhưng lúc ấy, một người vỗ vào vai bác làm cho bác quay đầu lại. Sau lưng bác là ông lão mã phu làm việc tại nhà giáo sĩ từ lâu lắm rồi.
- Có việc gì vội mà bác phải ra đi ngay tối nay vậy, bác Tôraranh? - Người đầy tớ già nói. - Hãy vào trong phòng đi, cụ Arnơ đang đợi bác đấy.
Không biết cơ man nào là ý nghĩ bỗng tràn ngập đầu óc Tôraranh. Bác mơ hay tỉnh đây? Lão mã phu Ôlôp mà bác đang thấy trước mặt bác đây, tươi tỉnh khỏe mạnh, mới tuần trước chính bác nhìn thấy lão nằm chết bên cạnh nhiều người khác, với một vết chém toang hoác nơi cổ.
Tôraranh càng nắm chặt dây cương. Tốt nhất là chạy khỏi nơi đây cho thật nhanh, bác nghĩ. Song bàn tay lão mã phu Ôlôp vẫn đặt trên vai và lão vẫn khẩn khoản mời bác vào nhà.
Tôraranh nôn nóng tìm cớ để từ chối: "Tôi không định đến quấy rầy cụ Arnơ trong lúc đêm khuya khoắt này, - bác nói, - đó là tại con ngựa của tôi tự đi vào sân nhà mà tôi không biết. Tôi cần phải đi ngay để tìm chỗ ngủ lại đêm nay. Nếu cụ Arnơ muốn gặp tôi thì ngày mai tôi sẽ trở lại."
Nói rồi, Tôraranh vươn người lên phía trước và đập dây cương vào con ngựa, giục nó đi tiếp. Song vô ích, ngay lúc ấy, lão đầy tớ đã đứng bên đầu ngựa, nắm chặt hàm chiếc, bắt nó phải đứng yên.
- Đừng có bướng bỉnh vậy Tôraranh - lão nói, - Cụ Arnơ vẫn chưa đi ngủ đâu. Cụ đang đợi bác đấy. Bác hẳn biết rõ ở đây, bác sẽ có một chỗ nghỉ tốt chẳng kém gì ở bất kì nơi nào khác trong giáo khu này.
Tôraranh muốn phân trần bác không thích nghỉ đêm trong một ngôi nhà không có mái. Nhưng trước khi nói, bác ngước mắt nhìn về phía ngôi nhà, và lạ thay, ngôi nhà cổ thấp vẫn đứng sừng sững trước mặt bác, nguyên vẹn và đẹp đẽ, y như trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn.
Bác giương to đôi mắt, giụi đi giụi lại, nhưng chẳng thể nghi ngờ gì được cả, ngôi nhà của giáo sĩ vẫn nguyên lành với mái rơm phủ đầy tuyết. Một ngọn khói vẫn luồn qua lỗ trống và những tàn lửa vẫn tóe lên. Qua những lá cửa chớp không khép kín, ánh sáng trong phòng lọt ra in trên nền tuyết bên ngoài.
Đối với một người khách đã lang thang rất lâu trên đường băng giá, chẳng có gì êm ái hơn là được trông thấy ánh lửa từ một căn phòng ấm áp soi rạng bóng tối bên ngoài. Nhưng nhìn thấy thế, Tôraranh càng sợ hãi. Bác quất vào con ngựa đang đá chân lồng lên, song không thể làm cho nó rời khỏi cửa chuồng ngựa lấy một bước.
- Thôi vào đi, Tôraranh, - lão đầy tớ lại nói. - Tôi cứ tưởng rằng không bao giờ bác lại muốn phải tự trách mình trong chuyện này nữa.
Thế là Tôraranh nhớ lại lời hứa của mình lúc ở trên đường, và, đang đứng vung roi giận dữ trên xe, bác bỗng trở nên hiền dịu như một con lừa.
- Thôi được, Olôp, tôi vào đây, - bác vừa nói vừa nhảy xuống xe. - Quả thật, tôi không muốn phải tự trách mình trong chuyện này nữa. Hãy dẫn tôi tới gặp cụ Arnơ.
Song, trong mọi chặng đường đã đi trong cuộc đời, Tôraranh chưa thấy chặng nào lại mệt nhọc vất vả bằng đoạn đường bác phải đi từ sân vào trong nhà này.
Khi cánh cửa mở ra, Tôraranh nhắm mắt lại để khỏi phải nhìn vào bên trong. Bác cố làm cho mình can đảm lên bằng cách nghĩ tới cụ Arnơ. "Cụ đã cho mình bao nhiêu bữa ăn ngon lành, cụ đã mua cá mình ngay cả khi trạn thức ăn của cụ còn đầy ắp. Lúc còn sống, bao giờ cụ cũng đối xử tốt với mình, vậy thì bây giờ khi đã chết, chắc cụ cũng chẳng muốn làm hại mình đâu. Có lẽ cụ muốn nhờ mình một việc gì chăng? Mình không nên quên rằng mình cần thể hiện lòng biết ơn của mình ngay cả với người đã chết".
Thế rồi, Tôraranh mở mắt nhìn xung quanh. Trong phòng, mọi vật vẫn y nguyên như khi bác đến thăm lần vừa rồi. Bác nhận ra cái lò sưởi lớn xây liền vào tường và những tấm thảm tự dệt lấy căng xung quanh căn phòng. Bác nhìn thật lâu những bức tường, trần nhà, và sàn nhà trước khi dám nhìn vào chiếc bàn và chiếc ghế mà cụ Arnơ vẫn thường ngồi.
Cuối cùng, bác quyết định nhìn vào đó, và bác thấy cụ Arnơ đang ngồi bên bàn, hoàn toàn khỏe mạnh, ở giữa bà vợ và ông phó mục sư, y như tám ngày trước đây. Cụ dường như vừa mới ăn xong, cụ đã đẩy đĩa thức ăn ra, và chiếc thìa của cụ vẫn còn nằm trên bàn, trước mắt cụ. Mấy lão bộc và vú già ngồi quanh cụ nhưng vắng mặt một trong hai cô gái trẻ.
Tôraranh dừng lại hồi lâu nơi ngưỡng cửa, nhìn những người ngồi quanh bàn ăn. Tất cả mọi người đều có vẻ buồn bã lo lắng. Ngay cả cụ Arnơ trông cũng u buồn như mọi người khác, cụ phải tựa đầu vào một bàn tay.
Rồi Tôraranh thấy cụ ngẩng đầu lên:
- Anh đưa khách vào phải không? Olôp?
- Vâng, - người đầy tớ trả lời. - Đó là bác bán cá Tôraranh hôm nay bác đã dự cuộc họp ở Branơhốc.
Cặp mắt cụ Arnơ ánh lên vẻ hài lòng, và Tôraranh nghe thấy cụ nói:
- Lại gần đây chút nữa, Tôraranh, bác hãy kể cho chúng tôi nghe tin tức về cuộc họp. Tôi ngồi đợi bác từ tối tới giờ đấy.
Mọi sự diễn ra rất thật, rất tự nhiên, nên đôi lúc Tôraranh dần dần cảm thấy vững tâm hơn. Bác mạnh dạn bước về phía cụ Arnơ và tự hỏi rằng phải chăng đó chỉ là một giấc mơ dữ dội khi bác tưởng rằng cụ Arnơ bị sát hại. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thật là bác đã nằm mơ.
Nhưng khi bước vào trong phòng, theo thói quen bác đưa mắt nhìn về phía cái giường có tán che, thường lúc nào cũng có cái rương lớn bên cạnh. Cái rương có đai sắt không còn ở đó nữa, và Tôraranh rùng mình khi nhận thấy nó đã biến mất.
- Tôraranh đến cho chúng tôi biết những điều đã được quyết định ở cuộc họp. - Cụ Arnơ nói.
Tôraranh cố làm cái việc mà mình được yêu cầu. Bác kể về cuộc họp, về cuộc điều tra, song vẫn không thể tự chủ giữ cho đôi môi khỏi lập bập, cho lưỡi khỏi cứng đờ. Bác ấp úng, lắp bắp.
Cụ Arnơ ngắt lời bác rất nhanh:
- Hãy nói cái chính thôi, Tôraranh ạ. Người ta đi tìm ra bọn sát hại chúng tôi và trừng trị chúng chưa?
Và Tôraranh đã dám trả lời:
- Thưa cụ chưa. Bọn sát nhân đã nằm dưới đá vịnh Hakơ rồi. Thế thì cụ bảo làm sao xuống đấy để tìm chúng được?
Nghe Tôraranh trả lời, cụ Arnơ có vẻ hơi hoạt bát lại như xưa. Đấm mạnh xuống bàn, cụ kêu lên:
- Bác nói gì vậy, Tôraranh? Có thật là ngài pháp quan ở Bôhu đã triệu tập một cuộc họp với các nhân viên pháp luật và viên lục sư của ngài, và chẳng một ai có thể thưa với ngài là có thể tìm thấy bọn hung thủ ở đâu không?
- Thưa cụ đúng như vậy, - Tôraranh trả lời. - Không có một người đang sống nào có thể nói với ngài pháp quan điều ấy!
Cụ Arnơ cau mày lại một lúc, mắt nhìn thẳng trước mặt. Rồi cụ lại quay về phía Tôraranh:
- Ta biết bác hết lòng với ta, Tôraranh ạ. Vậy bác có thể cho ta biết ta có thể trả thù bọn giết ta bằng cách nào không?
- Thưa cụ, Tôraranh đáp, - tôi hiểu rõ cụ muốn trả thù những kẻ độc ác đã cướp mất tính mệnh của cụ. Nhưng trong tất cả những người đang sống trên trái đất của Chúa này, chẳng ai có thể giúp cụ trong việc này được.
Nghe xong câu trả lời đó, cụ Arnơ ngồi trầm ngâm suy nghĩ, vẻ rầu rĩ. Hai người im lặng một lúc, rồi Tôraranh yêu cầu cụ Arnơ:
- Thưa cụ, tôi đã làm điều cụ mong muốn, tôi đã kể lại với cụ tình hình cuộc họp. Cụ không còn điều gì hỏi tôi nữa chứ, và cụ cho phép tôi cáo từ chứ ạ?
- Khoan đã, Tôraranh, - cụ Arnơ nói. - Trước khi đi, bác hãy cam đoan với tôi một lần nữa rằng trong số những người đang sống, không có ai có thể trả thù cho chúng tôi được.
- Nếu như tất cả mọi người ở Bôhuxlăng và Na Uy tập họp lại để đi tìm bọn sát nhân thì họ cũng không thể tìm thấy chúng đâu.
Nhưng cụ Arnơ nói:
- Thôi được, nếu những người đang sống không có khả năng giúp chúng tôi thì chúng tôi sẽ tự giúp mình vậy.
Rồi cụ cất tiếng to đọc kinh Lạy Cha không phải bằng tiếng Đan Mạch mà bằng tiếng La Tinh, như hồi xưa, mọi người trong nước quen làm.
Đọc một tiếng, cụ lại chỉ tay vào một người đang ngồi quanh bàn với cụ. Và cụ cứ làm như vậy cho đến lúc cụ cầu tiếng amen. Tới đây, ngón trở của cụ chỉ vào cô cháu nội của cụ.
Cô gái đứng lên ngay, và cụ nói với cô:
- Cháu biết việc cháu phải làm chứ?
Cô gái liền rên rỉ và nói:
- Xin ông đừng giao cho cháu một việc như vậy. Việc ấy quá sức một con bé yếu ớt như cháu.
- Sao lại không, chính cháu phải làm nhiệm vụ này, - cụ đáp, - cháu làm là đúng, bởi vì cháu có lý do hơn ai hết để đòi được trả thù. Trong chúng ta đây, không ai thiệt nhiều năm sống bằng cháu, vì cháu là người ít tuổi nhất.
- Cháu không đòi trả thù ai cả, - cô gái nói.
- Thôi lên đường ngay đi, - cụ nói tiếp, - cháu sẽ không đơn độc đâu, vì cháu biết rồi đấy: hai người tám hôm trước đây đã ngồi với chúng ta bên bàn này là ở trong số người đang sống.
Nghe xong vậy, Tôraranh đoán biết rằng cụ Arnơ chỉ định bác phải bước vào cuộc chiến đấu với bọn hung ác giết người. Bác kêu lên:
- Lạy Chúa, tôi van cụ, thưa cụ.
Ngay lúc đó, dường như bác trông thấy ngôi nhà và cụ Arnơ biến mất trong một đám mây mù. Bác cảm thấy mình rơi xuống từ một độ cao ngợp người, rồi ngất đi.
Lúc bác tỉnh lại thì trời đang rạng đông. Bác thấy mình nằm ngay trên mặt đất trong sân nhà giáo sĩ. Con ngựa và cỗ xe vẫn ở cạnh bác, còn con Grim thì đang ráng hết sức mà tru lên.
"Tất cả chỉ là một giấc mơ thôi, - Tôraranh tự bảo, - mình thấy rõ như vậy. Ngôi nhà này vắng vẻ và đang đổ nát. Mình chẳng hề nhìn thấy cụ Arnơ mà mình cũng chẳng thấy ai nữa cả. Nhưng giấc mơ làm mình kinh hãi đến nỗi ngã lăn xuống đất."
DƯỚI ÁNH TRĂNG
Nửa tháng sau khi cụ Arnơ bị giết có đôi ba đêm trăng đẹp. Một tối nọ, Tôraranh đánh xe đi trên những con đường ngập ánh trăng. Bác cứ phải luôn tay ghìm ngựa lại tựa hồ như bác rất khó định hướng đi.
Tuy vậy, không phải bác đi xuyên qua một cánh rừng hoang vu mà trước mặt bác hình như là một cánh đồng mênh mông trên đó rải rác những gò đá nhỏ.
Một lớp tuyết lấp lánh phủ khắp vùng. Vì lặng gió nên tuyết rơi rậm và đều, không cuốn thành lốc và cũng không dồn đống.
Nhìn hết tầm mắt, vẫn chỉ là một khoảng trống bao la trắng xóa, vẫn chỉ những gò đá nhỏ.
- Grim này, - Tôraranh lên tiếng, - nếu chiều nay, đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy vùng này, chắc chúng ta sẽ tưởng tượng là đang đi qua một vài cái truông lớn đấy. Nhưng cũng có thể chúng ta sẽ lấy làm lạ là tại sao mặt đất lại bằng phẳng đến thế, và trên đường lại không có những hòn đá hoặc mỏ đá nào. Chúng ta sẽ phải tự hỏi vùng này là vùng nào vậy mà không có hố, không có rào, không có lấy một bụi cây, một ngọn cỏ khô nào chồi lên mặt tuyết. Và tại sao không hề có một dòng sông, một con suối, trong khi ta vẫn thường nhìn thấy những dải nước xẫm cắt ngang những cánh đồng trắng xóa, ngay cả những lúc trời lạnh nhất.
Những ý nghĩ đó làm cho Tôraranh thấy rất vui và cả Grim cũng thấy hài lòng, nó nằm im không nhúc nhích trên xe, chỉ hấp háy đôi mắt. Nhưng Tôraranh vừa chấm dứt bài diễn văn của bác chưa được mấy chốc thì đã đến trước một cây hải tiêu.
- Nếu chúng ta không phải là dân vùng này, Grim ạ, - Tôraranh lại nói, - ắt chúng ta sẽ thắc mắc đấy là cái truông nào mà lại dựng những cái mốc như ta thường gặp trên mặt biển. Nói cho cùng thì đây không thể chỉ toàn là nước được. Thế nhưng tất cả những gò đá dường như nối liền với nhau này có phải là những hòn đảo lớn đảo nhỏ bị những đợt sóng động ngăn cách chăng? Không, chúng ta không thể tin như vậy được, phải không Grim?
Tôraranh cười, còn Grim thì vẫn nằm im. Tuy nhiên, trên đường đi tiếp, Tôraranh gặp một gò đá ngầm nhô cao, và bác phải đi vòng quanh. Bất chợt, bác kêu lên như nhìn thấy một cái gì kỳ diệu. Bác ngạc nhiên đến nỗi buông rơi dây cương và giơ hai tay lên trời.
- Grim ơi, mày không muốn tin rằng chúng ta đang đi trên mặt biển, vậy bây giờ chắc mày thấy rõ mày đang ở đâu chứ. Mày đứng dậy đi, mày sẽ nhìn thấy một chiếc tàu lớn ngay trước mặt chúng ta, mày không thể phủ nhận bằng chứng này, và mày sẽ phải thú nhận rằng chúng mình đang vượt biển.
Tôraranh còn dừng xe lại một lúc nữa để ngắm con tàu đang bị băng kìm giữ. Nó có vẻ như lạc đường giữa đồng bằng tuyết phủ này.
Nhìn thấy một cột khói nhẹ bốc từ boong mũi tàu, Tôraranh bèn đến bên con tàu và lên tiếng gọi thuyền trưởng, hy vọng sẽ bán được cá cho ông ta. Giờ bác chỉ còn vài con cá thu tươi dưới sàn xe, vì suốt cả ngày hôm ấy, bác đã đi một vòng tới mọi con tàu nhỏ bị mắc băng trong quần đảo, và bác đã bán hết xe cá.
Trền tàu, thuyền trưởng và các thủy thủ đang buồn đến chết được. Họ xô ra mua cả, không phải vì họ đang cần cá mà chỉ để có người nói chuyện.
Khi mọi người đã rời con tàu, đến bên Tôraranh, bác làm ra vẻ ngây thơ và nói chuyện về thời tiết.
- Từ xưa, chẳng có năm nào đẹp trời như năm nay, bác nói. - Đã gần ba tuần nay, trời rất lạnh mà không có gió, điều đó ít xảy ra ở quần đảo này.
Người thuyền trưởng, vốn đang bị mắc kẹt với con tàu chở đầy cá mòi trong một cái vịnh đóng băng gần Marxt'răng đúng vào lúc ông chuẩn bị ra khơi, bèn nhìn Tôraranh với vẻ mặt quàu quạu và vặn lại:
- Thật đấy chứ? Thế này mà gọi là đẹp trời à?
- Tôi nói khác thế nào được? - Tôraranh hỏi lại với vẻ hồn nhiên trẻ thơ. - Trời thì sáng và xanh, gió thì lặng, ban đêm cũng đẹp như ban ngày. Chưa bao giờ tôi có thể đánh xe đi trên băng hết tuần này sang tuần khác như thế này. Ít khi biển đóng băng tới tận đáy. Nếu như có năm nào biển đóng băng thì chỉ vài ngày sau là gió bão đã làm tan băng rồi.
Người thuyền trưởng vẫn u sầu rầu rĩ, ông chẳng đáp lại những lời ba hoa của Tôraranh.
Tôraranh bèn hỏi tại sao ông ta không đến Marxt'răng chơi, vì từ đây đến đó đi bộ không quá nửa giờ. Ông ta cũng không trả lời khiến Tôraranh đoán rằng ông ta không muốn rời con tàu, dù chỉ trong chốc lát, vì sợ không sẵn sàng nhổ neo ngay sau khi băng tan. "Thật ít khi mình thấy một người có đôi mắt lộ vẻ nhớ nhà đến u sầu như vậy". - Tôraranh nghĩ thầm.
Phải giam mình giữa những dãy núi ngầm bao nhiêu ngày nay, không thể giương buồm ra khơi và mất nhiều thời gian đắm chìm trong suy tư, người thuyền trưởng nói với Tôraranh:
- Bác đã đi khắp đất nước và được nghe mọi chuyện, vậy bác có biết tại sao năm nay Chúa lại đóng cửa mọi đường ra biển trong một thời gian dài và giam hãm chúng tôi như thế này không?
Nghe thấy thế Tôraranh không cười nữa, song làm như không hiểu và nói:
- Tôi không biết ông định nói gì?
- Thế này, - thuyền trưởng nói, - có một năm chúng tôi bị hãm lại ở cảng Berghen, suốt một tháng trời, ngày nào cũng có gió ngược đến nỗi không một chiếc tàu nào giương buồm ra khơi được. Đó là vì có một thằng ăn cắp của nhà thờ đang ẩn náu trong một chiếc tàu đang phải nằm lại đó, và nếu như không có bão to thì hắn đã thoát khỏi vòng pháp luật rồi. Cuối cùng người ta đã tìm ra nơi hắn trốn và người ta vừa mới dẫn hắn lên mặt đất là trời lập tức đẹp trở lại, và gió thuận lại thổi. Bây giờ chắc bác đã hiểu ý tôi khi hỏi bác tại sao Chúa lại đóng mọi cửa ra biển?
Tôraranh đứng lặng đi một lát. Có lúc bác đã định mạnh bạo nói lên sự thật, song bác lại đổi ý.
- Vì bị giam chân mãi giữa những tảng đá này nên ông mới có những ý nghĩ u sầu đó thôi, - bác nói. - Ông không đi Marxt'răng sao? Ở đó rất vui, ông cứ tin tôi đi. Hàng trăm người ngoại quốc đang ở đó, họ chẳng lo chuyện gì khác ngoài việc uống rượu và nhảy múa.
- Nhưng vì sao ở Marxt'răng người ta lại vui chơi dữ vậy? - Thuyền trưởng hỏi.
- Ồ, - Tôraranh đáp, ở đó dân đi biển đông như kiến, tàu của họ cũng bị kẹt giữa băng như tàu của ông ấy. Có cả nhiều dân chài vừa mới đánh cá mối xong nhưng chưa về nhà được vì trời lạnh. Hơn nữa, còn có rất nhiều người lính đánh thuê người Xcốtlen giải ngũ, đến Marxt'răng để đợi dịp trở về quê hương. Ông tưởng những con người lương thiện này đều mang bộ mặt đưa đám và không nhân dịp tốt để vui sống hay sao?
- Rất có thể những người đó sẵn lòng vui chơi, song về phần tôi, tôi cho rằng cứ nằm ở đây là tốt nhất, thuyền trưởng trả lời.
Tôraranh liếc nhìn ông ta rất nhanh. Thuyền trưởng người cao và gầy, đôi mắt ông ta trong suốt lộ vẻ buồn phiền.
"Chẳng có ai kể cả mình có thể làm cho con người này vui lên được." - Tôraranh tự nhủ.
Song thuyền trưởng nối lại câu chuyện một lần nữa:
- Những người Xcốtlen ấy có phải người tử tế không?
- Ông là người sẽ đưa họ về Xcốtlen chăng? - Tôraranh hỏi lại.
- Đúng, tôi chở hàng đi Ezimbuốc, vừa rồi có một người Xcốtlen tới đây đề nghị tôi chở anh ta và mấy người bạn. Nhưng tôi không muốn cho một bọn mọi rợ như vậy lên tàu. Vì thế tôi nói để suy nghĩ ít hôm đã. Bác có nghe nói gì về họ không? Theo ý bác, tôi có thể liều nhận họ lên tàu được không?
- Tôi chẳng nghe nói gì về họ cả, chỉ thấy thiên hạ khen họ là những chàng trai dũng cảm. Ông có thể yên tâm mà nhận họ.
Nhưng đúng vào lúc Tôraranh nói như vậy, con chó của bác nhổm dậy trong xe, hếch mũi lên trời và tru l ên. Tôraranh lập tức dừng lại không dám khen những người Xcốtlen nữa. Bác nói với con chó:
- Mày làm sao thế, Grim? Chắc mày thấy tao lần chần ở đây quá lâu, tán róc mất nhiều thời gian chứ gì?
Bác liền sửa soạn lên đường.
- Thôi, xin từ biệt các ông, - bác nói.
Tôraranh trở về Marxt'răng qua eo biển nằm giữa hai hòn đảo Klôvơrôn và Kôn. Khi về gần tới thành phố, bác nhận thấy không phải chỉ có mình bác trên mặt băng. Ánh trăng sáng ngời soi vào một người đàn ông có dáng hiên ngang bước đi trên tuyết. Tôraranh thấy anh ta đội một chiếc mũ gài lông chim và mặc bộ quần áo phồng sang trọng.
- Kìa, - Tôraranh nghĩ thầm, - đó chính là ngài Arsi, chỉ huy toán chiến binh Xcốtlen, chiều nay đã tới tận chiếc tàu kia để tổ chức chuyến đi trở về Xcốtlen.
Tôraranh đã đến sát bên Arsi. Chiếc xe trượt đã đuổi kịp cái bóng của anh ta đổ dài trên mặt đường, và con ngựa đã nện gót trên bóng chiếc mũ lông chim.
- Grim ơi, - Tôraranh nói, - liệu chúng ta có nên hỏi xem anh ta có muốn lên xe cùng về thành phố với chúng ta không?
Ngay lập tức, con chó chồm dậy, song Tôraranh đã đặt tay lên lưng nó:
- Yên nào, Grim thân mến, tao thấy màu không thích những người Xcốtlen.
Arsi vẫn không biết Tôraranh đã đến gần. Anh ta bước đi không hề ngoái lại phía sau. Tôraranh nhẹ nhàng cho xe lượn sang bên để vượt lên trước.
Lúc ấy, bác nhìn thấy phía sau người Xcốtlen sang trọng kia có một vệt gì giống cái bóng người khác nữa, một vật gì dài, mảnh, màu xám lướt nhẹ trên mặt tuyết, không để lại dấu chân mà cũng chẳng gây tiếng lạo xạo nào.
Anh chàng Xcốtlen bước những bước dài. Anh ta chẳng hề nhìn sang hai bên. Nhưng cái bóng xám mỗi lúc một sát vào người anh ta hơn, như muốn nói thầm vào tai anh ta.
Tôraranh cho xe chạy chậm lại để đi ngang với hai người kia. Và bác nhìn thấy rõ mặt người Xcốtlen dưới ánh trăng. Lông mày anh ta nhíu lại, nét mặt cau có, giận dữ, dường như anh ta đang bị những ý nghĩ phiền toái ám ảnh.
Tôraranh định vượt lên trước thì bỗng người Xcốtlen quay đầu lại như thể là hắn vừa nhận ra có người theo sau.
Tôraranh trông thấy rõ ràng một cô gái mặc bộ đồ lụng thụng đang lướt sau lưng Arsi, song Arsi không trông thấy cô ta. Cô ta đứng im lặng khi Arsi quay đầu lại, và cái bóng to lớn tối xẫm của anh ta chùm lên người cô ta.
Arsi lại tiếp tục bước thật nhanh, và cô gái lại đi theo anh ta, hình như có thì thầm điều gì đó vào tai Arsi.
Nhìn thấy thế, Tôraranh phát hoảng không thể chịu nổi, bác bật kêu lên và quất ngựa, thành thử bác đã phóng như điên về đến tận cửa nhà bác và con ngựa ướt đầm mồ hôi.
SĂN ĐUỔI
1
Thành phố với những ngôi nhà đủ các cỡ nằm trên phần đảo Marxt'răng hướng về trung tâm quần đảo và được nhiều đảo lớn đảo nhỏ bao bọc. Ở đó, dân cư đi lại như mắc cửi trên các đường phố lớn nhỏ. Ở đó, có bến cảng san sát tàu thuyền. Ở đó, người ta ướp cá mòi và mổ cá; ở đó, một ngôi nhà thờ đứng sừng sững giữa một bên là nghĩa địa, một bên là tòa thị chính. Và cũng ở đó, người ta đã xây một cái chợ. Những cây đại thụ cành lá đu đưa che mát thành phố trong những ngày hè.
Ở phía tây trông ra biển, đảo Marxt'răng chẳng có đảo nào khác hoặc dãy đá ngầm bao bọc, chỉ thấy những tảng đá trơ trụi, hoang vu, và những doi đất nham nhở trườn ra trên mặt sóng. Ở đó, một vài bụi cây thanh thảo vươn những cây đầy gai mọc rậm rạp quanh những hốc rái cá, những hàng rào và những tổ vịt biển và mòng biển. Song không có lấy một con đường nhỏ, một mái nhà, một bóng người.
Túp lều của Tôraranh nằm ở tít đỉnh hòn đảo, một phía trông xuống thành phố và một phía trông ra một dải đất hoang vu.
Khi Enxalin mở cửa, trước mặt cô là những tảng đá lớn trơ trụi, từ đó có thể nhìn ra xa về phía tây tới tận đường chân trời mờ mờ ngoài khơi.
Tất cả thủy thủ và dân chài đang bị băng giá giữ chân lại ở Marxt'răng đều phải đi ngang qua nhà Tôraranh để trèo lên những mỏm đá để xem xét tình hình lớp băng phủ trên các vịnh và eo biển.
Enxalin thường đứng ở ngưỡng cửa túp lều, mắt dõi theo những người đang trèo lên. Lòng cô tan nát kể từ khi cô gặp phải tai họa vô biên kia. Cô nghĩ: "Sung sướng thay những người vẫn còn chút gì để mong muốn. Chứ như mình thì thật chẳng còn ao ước cái gì trên đời này nữa".
Một buổi tối, Enxalin trông thấy một người cao lớn, đội mũ gài lông chim, đứng trên tảng đá như mọi người, nhìn về phía tây, phía biển khơi. Cô nhận ra ngay đó là Arsi, vị chỉ huy người Xcốtlen, kẻ đã nói chuyện với cô trên bến tàu.
Khi đi ngang qua nhà Tôraranh, anh ta ngoái đầu lại và nhìn thấy Enxalin đang đứng trước cửa, mắt đẫm lệ.
- Tại sao cô lại khóc? - Anh ta hỏi và dừng lại bên cô.
Enxalin trả lời:
- Tôi khóc vì tôi chẳng còn gì để mong ước cả. Khi tôi thấy anh trèo lên những tảng đá ngắm nhìn biển khơi, tôi nghĩ: "Chắc ở nơi đó, phía bên kia biển, có một xứ sở mà anh sắp được thấy trở lại".
Những lời nói này làm Arsi cảm động, anh ta nói:
- Bao nhiêu năm nay, chẳng ai nói với tôi về quê hương tôi cả. Có trời biết nhà cửa cha tôi bây giờ ra sao. Tôi rời nhà đi phục vụ trong quân đội nước ngoài từ khi mười bảy tuổi.
Và thế là Arsi theo Enxalin vào trong nhà, kể về nhà cha anh cho cô nghe.
Enxalin ngồi lặng yên, ân cần lắng nghe Arsi kể chuyện. Mỗi lời nói của anh ta đều làm cô vui thích.
Đến lúc phải ra về, Arsi xin phép Enxalin được hôn cô. Enxalin từ chối và bước vội ra cửa, nhưng Arsi đã chặn lối định cưỡng ép cô.
Ngay lúc ấy, cánh cửa phòng bật mở, bà chủ nhà đột ngột bước vào. Arsi lùi lại và đành bắt tay từ biệt cô, rồi bước nhanh ra ngoài.
Bà mẹ Tôraranh nói với cô:
- Cháu đã nhờ người đi tìm bà thật đúng lúc. Một cô gái trẻ ở một mình trong phòng với mọt người đàn ông như ngài Arsi này là không nên. Cháu biết đấy, lính đánh thuê thì chẳng cần gì đến danh dự, đến lương tâm!
- Cháu đã nhờ người đi tìm bà ư? - Enxalin thốt lên, ngạc nhiên.
- Chứ sao nữa, - bà cụ trả lời. - Khi bà đang làm trên bến thì có một cô gái lạ mặt đến nói với bà rằng cháu nhắn bà về ngay.
- Cô gái ấy trông thế nào? Enxalin lại hỏi.
- Bà không nhìn kỹ cô ấy nên không thể tả lại được, nhưng bà để ý cô ấy đi trên tuyết hết sức nhẹ nhàng, không hề có tiếng bước chân.
Nghe nói vậy, Enxalin bỗng tái mặt, cô thì thào: "Thế thì đó là một thiên thần, một thiên thần đến báo tin và đưa bà về nhà".
2
Một ngày khác, Arsi lại tới nhà Tôraranh nói chuyện với Enxalin.
Trong nhà chỉ có hai người ngồi chuyện trò vui vẻ với nhau. Arsi nói với Enxalin rằng cô nên theo anh ta về Xcốtlen, anh sẽ xây cho cô một tòa lâu đài và cô sẽ trở thành một bà chủ lâu đài sang trọng.
Anh ta nói rằng cô sẽ có hàng trăm gia nhân phục dịch và cô sẽ được đi dự các vũ hội trong triều.
Enxalin im lặng nghe Arsi, cô không hề nghi ngờ rằng đó chỉ là những lời hươu vượn. Arsi thì nghĩ thầm rằng chưa bao giờ anh ta lại gặp một người con gái dễ đánh lừa như Enxalin.
Anh ta bỗng im bặt và nhìn vào bàn tay trái của mình.
- Có gì vậy, Arsi? - Enxalin hỏi. - Sao anh không nói gì nữa thế? Tay anh bị đau hay sao?
Arsi bối rối quay lại và nói với cô:
- Enxalin, em có nhìn thấy những sợi tóc cuốn quanh bàn tay anh không? Em có thấy cái lọn tóc màu vàng này không?
Khi Arsi bắt đầu nói, Enxalin không nhìn thấy gì cả; nhưng khi Arsi sắp dứt lời, cô nhận thấy một nắm tóc tơ màu vàng quấn hai vòng quanh tay anh chàng Xcốtlen.
Cô gái sợ hãi đứng phắt dậy kêu l ên.
- Arsi, những sợi tóc cuốn quanh tay anh là của ai vậy?
Anh nhìn cô, vẻ ngạc nhiên phân vân:
- Rõ ràng đó là những sợi tóc thật, Enxalin ạ, anh cảm thấy nó mềm mại và mát rượi trong bàn tay anh. Nhưng nó ở đâu ra nhỉ?
Cô gái nhìn bàn tay chăm chú đến nỗi con mắt cô như sắp sửa rơi ra.
- Tóc của chị nuôi em cuốn quanh bàn tay kẻ giết chị ấy cũng y như thế đấy, - cô nói.
Arsi bèn cười, rút nhanh tay về, và nói:
- Em và anh, Enxalin ạ, chúng ta đã hoảng sợ như trẻ con ấy. Chắc cái mà chúng ta tưởng là tóc chỉ là một tia nắng đẹp rọi qua cửa sổ thôi.
Tuy vậy, cô gái vẫn khóc và nói:
- Em cứ hình dung như mình đang nấp sau lò sưởi, nhìn thấy bọn giết người đang đâm chém. Than ôi, em cứ hy vọng cho đến phút cuối cùng bọn chúng không tìm thấy người chị nuôi yêu quý của em. Nhưng rồi một tên đã lôi chị ấy từ nơi ẩn nấp ra, và khi chị ấy cố thoát thân, hắn đã xoắn tóc chị ấy quanh bàn tay hắn để giữ lại. Chị đã quỳ xuống van xin hắn: "Tôi còn trẻ lắm, xin ông hãy cho tôi được sống, để tôi có thời gian hiểu được vì sao tôi tồn tại trên trái đất này. Tôi có làm hại gì ông đâu mà ông muốn giết tôi, mà ông không cho tôi được sống?" Hắn đã không thèm nghe và đã giết chị ấy.
Trong khi Enxalin nói, Arsi cau mày, quay mặt đi.
- Ôi mong sao có một ngày em sẽ gặp lại hắn! - Enxalin thốt lên và nhìn Arsi, hai tay nắm chặt.
- Em không thể gặp lại hắn nữa đâu, - Arsi nói, - hắn chết rồi.
Cô gái buông người xuống ghế và thổn thức.
- Arsi, Arsi, tại sao anh lại làm em nhớ đến những người đã khuất? Em sẽ khóc suốt cả buổi tối, suốt cả đêm nay. Anh hãy đi đi, Arsi vì lúc này em chỉ nghĩ đến những người đã mất, em chỉ nghĩ đến tình thương mến của chị nuôi em đối với em thôi.
Arsi không an ủi nổi cô, trái lại, nước mắt và những lời than vãn của cô đã đẩy anh ta ra khỏi nhà cô và anh ta quay về quán rượu với bạn hữu.
3
Arsi không hiểu vì sao anh ta luôn bị những ý nghĩ đen tối ám ảnh, chúng cứ dai dẳng đeo đuổi anh ta, cả trong khi nói chuyện với Enxalin lẫn khi nhậu nhẹt với bạn hữu. Dù anh ta có đi nhẩy tại các nhà dân chài hay dù có đi dạo liên miên trên mặt biển đã đóng băng, anh ta vẫn không tài nào dứt khỏi chúng được. "Tại sao mình cứ phải nhớ lại mãi những điều mà mình rất muốn quên đi? - Arsi nghĩ. - Hình như có một người nào đấy cứ theo sát mình và thì thầm vào tai mình. Mình có cảm giác như người ta chăng lưới quanh mình để chiếm đoạt mọi ý nghĩ của mình, chỉ để lại cho mình ý nghĩ duy nhất đó. Mình không thể trông thấy kẻ săn đuổi đang chăng bẫy mình, nhưng mình nghe thấy tiếng chân khi người ấy lướt theo mình. Cứ như một họa sĩ luôn đi trước mình, và biến mọi cái trước mặt mình thành một bức tranh duy nhất. Dù mình nhìn lên trời hay nhìn xuống đất, mình vẫn chỉ trông thấy có một cái đó thôi. Mình tưởng như có một người thợ đá đang đục thủng trái tim mình và nhét vào đó một nỗi đau độc nhất vô song. Mình không thể trông thấy người thợ đá, nhưng mình nghe tiếng anh ta đập gõ suốt ngày đêm. Người đó nói ôi trái tim bằng đá, ôi trái tim bằng đá, cuối cùng mày cũng phải khuất phục thôi. Cứ đục mãi, cuối cùng cũng nhét được nỗi đau ấy vào mày thôi."
Arsi có hai người bạn, đó là Phillip và Rêginan lúc nào cũng cặp kè bên Arsi. Họ lấy làm buồn cho Arsi cứ rầu rĩ hoài.
- Có việc gì thế? - Họ hỏi Arsi. - Tại sao mắt cậu long lên mà mặt cậu lại tái mét đi thế?
Arsi không muốn thú nhận điều đang day dứt trong lòng mình. Anh ta nghĩ: "Các bạn ta còn coi ta ra gì nếu như họ biết ta đã để cho mình có những ý nghĩ chẳng mang khí phách nam nhi như vậy. Họ sẽ không vâng lời ta nữa nếu họ biết rằng một việc làm, tuy là rất cần thiết, lại gây cho ta bao nỗi ăn năn."
Vì họ thúc ép quá, Arsi đành trả lời để cho họ khỏi nghi ngờ:
- Mấy ngày qua mình thấy một điều lạ lùng lắm. Mình không tài nào gần được một cô gái mà mình muốn được yêu. Lúc nào cũng như có một cái gì chen vào giữa mình và cô ấy.
- Có lẽ con bé ấy không yêu cậu đó thôi! - Rêginan nói.
- Có chứ, mình cho rằng cô ta muốn điều tốt cho mình, - Arsi trả lời, - tuy thế hình như có một cái gì luôn luôn che chở cho cô ta, khiến mình không thể chinh phục cô ta được.
Rêginan và Phillip cùng phá lên cười và kêu lên:
- Thôi đừng lo. Chắc chắn là bọn này sẽ đem con bé ấy đến cho cậu.
Chiều hôm đó Enxalin đi một mình trong ngõ hẻm để về nhà. Cô trở về mệt mỏi sau một ngày làm việc và nghĩ thầm: "Cuộc sống này thật là vất vả, và chẳng mang lại cho mình một chút vui thích nào. Mình phát ngấy lên vì phải ngồi cả ngày giữa đống cá nặng mùi. Mình phát chán lên vì phải nghe những tiếng cười đùa choe chóe của mấy bà. Mình cũng đâm chán vì những con mòng biển háu ăn cứ bay lượn trên bàn chực cướp từng mẩu các của mình. Ôi, nếu có một người nào đó đưa mình đi khỏi nơi đây, mình sé theo anh ta đến tận cùng trời cuối đất."
Khi Enxalin đi tới quãng đường tối nhất, Rêginan và Phillip từ bóng tối nhô ra, đến chào cô.
- Cô Enxalin này, - họ nói. - Arsi nhờ chúng tôi báo tin cho cô...Anh ấy bị ốm nặng, nằm ở nhà trọ. Anh ấy rất muốn nói chuyện với cô và nhắn cô theo chúng tôi tới chỗ anh ấy.
Enxalin sợ Arsi ốm nặng nên quay lại ngay theo mấy anh chàng quý tộc Xcôtlen tự nguyện dẫn đường cho cô.
Phillip và Rêginan đi hai bên cô. Họ nhìn nhau cười và nghĩ rằng chẳng có gì dễ hơn đánh lừa Enxalin.
Quay trở lại con đường vừa đi, Enxalin vội vàng rảo bước gần như chạy, Phillip và Rêginan phải sải chân bước để khỏi bị rớt lại phía sau.
Nhưng trong khi Enxalin đang vội như vậy, có một vật gì lăn dưới chân cô, một vật gì đó đã bị ném ở đằng trước và suýt làm cô vấp ngã.
"Cái gì lăn trước chân mình thế nhỉ, - Enxalin nghĩ thầm, - chắc là mình đá phải một hòn đá làm nó lăn xuống dốc." Cô đang sốt ruột đến bên Arsi, và không muốn dừng lại chỉ vì cái vật đang lăn phía trước, cô liền hất nó sang bên đường. Nhưng vật đó lăn trở lại ngay lập tức, rồi lại lăn trước Enxalin trên com đường giốc đứng. Những khi vật đó va phải hòn sỏi và nẩy lên, nó kêu lanh canh như một đồng tiền, và Enxalin thấy nó lấp lánh trong bóng tối.
"Đó không phải là một hòn đá thường. Mình ngờ rằng đó là một đồng bạc". Nghĩ vậy, nhưng cô đang vội đến gặp Arsi nên chẳng để mất thời gian cúi nhặt nó lên.
Song vật đó vẫn tiếp tục lăn trước mặt cô. Cô nghĩ: " Nếu mình cúi xuống nhặt đồng bạc đó lên chắc mình sẽ đi được nhanh hơn. Và nếu nó chẳng đáng giá gì thì mình sẽ vứt nó ra thật xa."
Cô liền cúi xuống nhặt đồng bạc lên. Đó là một đồng êquy lớn bằng bạc tỏa sáng lấp lánh trong bàn tay cô.
- Cô nhặt được vật gì trông sáng ngời dưới ánh trăng vậy? - Rêginan hỏi.
Cũng vừa lúc đó ba người đi tới căn nhà lớn, nơi ở trọ của những người nước ngoài tới Marxt'răng đánh cá. Một chiếc đèn lồng treo trước cửa ra vào rọi ánh sáng yếu ớt ra ngoài phố.
- Cô cho tôi xem vật cô nhặt được nào. - Phillip dừng lại trước ngọn đèn nói.
Enxalin giơ đồng tiền ra trước áng sáng đèn, song vừa mới liếc nhìn nó cô đã kêu lên:
- Đó là đồng êquy của cụ Arnơ, tôi nhận ra nó mà, đó là một đồng êquy trong số bạc của cụ Arnơ.
Rêginan ngắt lời cô:
- Cô nói gì vậy? Tại sao cô lại bảo đó là đồng êquy của cụ Arnơ?
- Tôi nhận ra đồng êquy đó mà - Enxalin nhắc lại. - Tôi thường thấy cụ Arnơ cầm những đồng êquy của cụ trong tay. Chắc chắn đó là đồng êquy của cụ Arnơ.
- Cô đừng kêu to như vậy. - Phillip nói. - Đấy thiên hạn không hiểu tại sao cô kêu đang chạy tới kia kìa.
Enxalin không nghe lời Phillip. Cô thấy cửa một căn nhà để ngỏ. Bên trong một đống lửa bập bùng giữa nhà. Nhiều người đàn ông đang ngồi quanh đống lửa chuyện trò bình thản.
Enxalin chạy tới họ,, tay giơ cao đồng êquy.
- Cac ông ơi, xin các ông nghe tôi nói, - cô kêu to, - giờ đây tôi biết rằng bọn người sát hại cụ Arnơ còn sống. Các ông nhìn xem, tôi vừa mới tìm được một đồng êquy của cụ Arnơ.
Tất cả mọi người quay lại nhìn cô. Cô nhận ra có cả bác hàng cá Tôraranh cùng ngồi với đám dân chài.
- Sao cô rối rít lên thế?- Tôraranh hỏi. - Làm sao cô phân biệt được đồng êquy với những đồng êquy khác?
- Tôi có thể nhận ra chính xác đồng êquy này với những đồng khác. Nó cũ kỹ, rất to, và có một vết khắc trên mép. Cụ Arnơ nói rằng nó có từ thời các triều vua Na Uy khi xưa. Khi cần tiêu tiền cụ Arnơ chẳng bao giờ chịu dùng đến nó.
- Nhưng cô phải nói cho chúng tôi biết cô đã lượm được đồng êquy này ở đâu chứ? - Một người đánh cá nói.
- Tôi nhìn thấy nó lăn ở ngoài phố ngay trước mắt tôi. Chắc một tên trong bọn sát nhân đã đánh rơi nó.
- Có lẽ cô nói đúng đấy. - Tôraranh nói, song đồng êquy này sẽ giúp được gì cho chúng ta? Chúng ta làm sao tìm ra được bọn sát nhân chỉ với mỗi một điều là cô biết được rằng chúng đã đi trên đường phố này?
Mọi người đều cho rằng Tôraranh nói phải và họ lại ngồi xuống quanh đống lửa.
- Enxalin, cô đi với chúng tôi về nhà chứ? - Tôraranh nói tiếp. - Con gái không nên lang thang ngoài phố vào giờ này.
Nghe Tôraranh nói thế, Enxalin quay người lại đưa mắt tìm mấy anh bạn cùng đi, song Rêginan và Phillip đã biến mất từ lúc nào không biết.
--------------------------------
1 Một loại đồng tiền bằng bạc có giá trị cao, thông dụng ở nhiều nước Châu Âu trong thời Trung cổ.
Chiếc Xe Của Thần Chết Chiếc Xe Của Thần Chết - Selma Lagerlöf Chiếc Xe Của Thần Chết