Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Chương 7
T
ôi chuẩn bị một loạt những cảnh quay tĩnh để hai bố con xem. Đây là cách để hoan nghênh tất cả các diễn viên một cách nhiệt liệt, bằng cách đứng yên một chỗ. Đương nhiên, tôi bắt đầu với High Noon (Trưa hè nóng bỏng) (1952). Có những tình huống ngẫu nhiên rất vui trong nhiều bộ phim, ở đó mọi thứ dường như diễn ra rất trơn tru. Đúng kịch bản, đúng đạo diễn, đúng diễn viên. Casablanca (1942) là một, The Godfather (Bố già) (1972) là một phim nữa, và High Noon. Gary Cooper là viên cảnh sát trưởng đang trên đường rời khỏi thị trấn cùng người vợ mới cưới thì anh nghe tin một tên tội phạm nguy hiểm đã vượt ngục và trốn thoát cùng với ba kẻ đồng phạm, hắn đang đi theo hướng này để “xử” người đã bỏ tù hắn. Chúng đang đi chuyến tàu trưa để đến đây. Cooper chạy hết chỗ này đến chỗ khác quanh thị trấn để cố tìm người giúp mình; ai cũng có lý do để nói không. Cuối cùng chỉ có một mình anh, một khu phố vắng ngắt và bốn tên có vũ trang.
Bộ phim được làm vào thời điểm các nước phương Tây thường sử dụng những thước phim màu và hầu hết mang đặc trưng của những người hùng rắn rỏi, có tinh thần cao thượng, mang nhiều chi tiết hoạt hình hơn là con người thật. High Noon đột ngột xuất hiện, quay hoàn toàn bằng phim đen trắng - không có cảnh hoàng hôn và các dãy núi tuyệt đẹp; những gì chúng ta được thấy chỉ là một thị trấn nhỏ, nhìn rất tiêu điều. Đoạn cao trào của câu chuyện cũng có một cái gì đó không giống với bình thường: một người đàn ông rất sợ bị đau và lộ rõ điều đó ra mặt.
Tôi nhắc Jesse rằng bộ phim được quay vào đầu những năm 1950, rằng người ta có thể thấy được sự song hành của nó với cuộc săn lùng cộng sản đang xảy ra cùng thời điểm ở Hollywood. Những người bị tình nghi là có cảm tình với phe cánh tả thường bị bạn bè bỏ rơi chỉ qua một đêm.
Tôi chỉ ra rằng có những cảnh tuyệt vời, đầy tính nghệ thuật rất đáng chờ đợi trong bộ phim này. Hãy nhìn vào cách bộ phim thể hiện những đường ray quạnh quẽ. Chúng tôi xem đi xem lại các cảnh đó. Đây là một cách tạo ra cảm giác nguy hiểm không thể diễn tả bằng lời. Mỗi lần xem lại các cảnh đó, chúng đều nhắc cho chúng tôi nhớ rằng tội ác sẽ đến từ hướng nào. Cảnh chiếc đồng hồ cũng vậy. Tích, tắc, tích, tắc tiếng đồng hồ kêu thậm chí còn kêu chậm hơn khi thời điểm giữa trưa đến gần.
Và còn có cả Gary Cooper. Những diễn viên từng đóng phim cùng ông thường rất bất ngờ bởi việc ông ta hành động rất ít trong những cảnh quay. Dường như ông ta không hề “diễn”, không hề làm gì cả. Nhưng khi bạn xem diễn xuất của ông trên màn ảnh, nó làm lu mờ hết mọi người xung quanh. Những diễn viên quanh ông thấy diễn xuất của mình trở nên mờ nhạt.
“Để ý xem mắt con nhìn đi đâu trong những cảnh quay có ông ta,” tôi bảo Jesse. “Con hãy tưởng tượng mình là một diễn viên diễn cùng với ông ta.”
Chỉ vì vậy, chúng tôi không muốn trở nên quá kiêu ngạo, tôi cho nó xem bộ phim Internal Affairs (Vô gian đạo) (1990), một bộ phim hài hước thực sự khó gây cảm tình. Richard Gere vào vai một cảnh sát tham nhũng. Khi một sĩ quan có tinh thần không kiên định (William Baldwin) được gọi đến để làm chứng, chúng ta có thể thấy cách Gere tạo ra hình ảnh nhân vật phản diện tuyệt vời như thế nào. (Tốt hơn cả nam diễn viên thủ vai chính). Người đàn ông với đôi mắt ti hí, chính là Iago ở Phòng cảnh sát Los Angeles. Sự yên lặng của Gere - gián tiếp thể hiện sự điềm tĩnh - là điểm hấp dẫn đến mê hoặc. Tôi yêu cầu Jesse xem một cảnh, trong đó chỉ có một vài câu thoại được giãi bày thoải mái, và thậm chí còn tỏ ra thích thú, ông ta vặn to tiếng lên ở cảnh tình dục kinh dị trong trí tưởng tượng của Andy Garcia, viên Cảnh Sát được giao nhiệm vụ điều tra ông.
“Đừng để bị đánh lừa bởi vẻ ưa nhìn hoặc triết lý kiểu truyền hình của ông ta” tôi nói. “Richard Gere là diễn viên có hạng đấy.”
Chúng tôi chuyển sang Dead Zone (Vùng chết chóc) (1983) của David Cronenberg. Christopher Walken là một nhà ngoại cảm cô đơn, buồn thảm, một ông hoàng đích thực của trường phái tĩnh lặng. Sau đó là The Godfather Part II (Bố già phần 2) (1974). Bạn có thể nói gì về “Big Al” Pacino? Ông ta có một cảm giác rất sẵn sàng, “giữ mình” của một con lươn biển đang chờ đợi ở cửa hang. Hãy đợi đến cảnh quay tuyệt vời khi nghị sĩ nọ không nắm bắt được tầm quan trọng của lời đề nghị thứ hai mà Pacino đưa ra để có giấy phép mở sòng bạc.
* * *
Tôi chiếu phim Bullitt (1968); bộ phim này ra đời cách đây gần 40 năm nhưng vẫn có sức lôi cuốn, với một Steve McQueen chưa bao giờ điển trai hơn. McQueen là một diễn viên hiểu được giá trị của việc không làm gì nhiều; ông nghe ngóng với vẻ tĩnh lặng kích động của một vị thủ lĩnh vĩ đại. Tôi lục tìm dưới tầng hầm tài liệu của cuộc phỏng vấn trước đây với tay đạo diễn hay chuyện người Canada Norman Jewison, người đã làm ba bộ phim với McQueen.
“Steve không phải là loại diễn viên có thể đứng trên sân khấu với một chiếc ghế và mua vui cho người ta,” Jewison nói. “Anh ta là một diễn viên điện ảnh. Anh ta yêu máy quay và nó cũng yêu anh ta. Anh ta luôn rất thực, một phần vì anh đang vào vai chính mình. Anh không bao giờ phiền lòng khi bạn cắt mất một, hai lời thoại của mình. Chỉ cần máy quay vẫn hướng vào mình là anh ta đã vui rồi vì anh ta hiểu được điện ảnh là một phương tiện mang tính hình ảnh.”
McQueen có một cuộc đời khó khăn. Ông đã có vài năm sống trong trại cải tạo. Sau quãng thời gian gia nhập hải quân, ông dạt về New York và theo học một vài khóa diễn viên. Tôi giải thích cho Jesse rằng, nói một cách khác, ông không phải là một người yêu nghệ thuật hay được đào tạo bài bản. Tôi nói: Năng khiếu luôn luôn không xuất hiện ở những chỗ người ta thường nghĩ.
Chúng tôi xem Le Samourai (1967) với diễn xuất của Alain Delon, Lauren Bacall trong The Big Sleep (Giấc ngủ dài) (1946), và tất nhiên là một Clint Eastwood mạnh mẽ (nếu lặng lẽ hơn chút nữa ông sẽ chết) trong A Fistful of Dollars (Một nắm tiền) (1964). Người ta có thể dành rất nhiều thời gian cho Clint. Tôi bắt đầu liệt kê ra năm điều tôi thích về ông ấy.
1. Tôi rất thích cách ông giơ bốn ngón tay lên với người đóng quan tài trong A Fistful of Dollars và nói: “Tôi nhầm. Làm bốn cỗ quan tài đi.”
2. Tôi thích lúc, như nhà phê bình người Anh David Thomson đã chỉ ra, Clint đứng cạnh hoàng tử Charles tại Rạp chiếu phim Quốc gia London vào năm 1993, mọi người đều thấy rõ ai mới là vị hoàng tử thật.
3. Tôi thích cách Clint đạo diễn một bộ phim, ông không bao giờ nói: “Bắt đầu” (Action). Ông luôn nói một cách điềm đạm, khẽ khàng: “khi các bạn sẵn sàng”.
4. Tôi thích xem Clint ngã ngựa trong phim Unforgiven (Không được tha thứ) (1992).
5. Tôi thích hình tượng Clint, thủ vai Harry Xấu xa, bước xuống một con phố ở San Francisco, một tay cầm súng, tay kia cầm bánh mì xúc xích.
Tôi đề cập với Jesse về cuộc nói chuyện ngắn với William Goldman, người viết kịch bản cho phim Butch Cassidy and the Sundance Kid (Butch Cassidy và tên Sundance Kid) (1969) và sau đó viết phim Absolute Power (Quyền lực tối cao) (1997) cho Eastwood. Goldman thán phục ông. “Clint là diễn viên tuyệt nhất,” ông bảo tôi, “một chuyên gia nhà nghề trong một thế giới bị cái Tôi chinh phục. Làm việc với đạo diễn Eastwood,” ông nói, “bạn đi làm, hoàn thành việc của mình và về nhà; thường thì bạn về sớm vì ông ấy muốn đi chơi gôn. Và ông ăn trưa cùng với mọi người trong căng tin.”
Khi Clint được yêu cầu viết kịch bản cho bộ phim A Fistfull of Dollars (Một nắm đô-la) vào năm 1964, nó đã từng nổi tiếng trong một thời gian dài. Charles Bronson từ chối, đó là kịch bản phim dở nhất mà ông ấy từng xem. James Coburn không muốn thực hiện bộ phim bởi vì họ sẽ phải thực hiện cảnh quay phim ở Italia và ông ấy đã được nghe nhiều điều không hay về các đạo diễn người Italia. Clint quay bộ phim liên tục với chi phí lên đến 15 nghìn đô-la nhưng - tôi nhấn mạnh điều này với Jesse - khăng khăng đòi cắt giảm kịch bản, cho rằng bộ phim sẽ thú vị hơn nếu anh chàng đó không nói gì.
Tôi nói: “Con có thể đoán được vì sao ông ấy làm như thế không?”
“Có chứ. Người ta sẽ tưởng tượng đủ thứ về một anh chàng luôn im lặng,” Jesse nói. “Và lúc cất tiếng nói: anh ta sẽ thu hẹp được một vài khoảng cách.”
“Chính xác.”
Sau một chút sao lãng, nó nói: “Thật tuyệt khi có thể làm như thế trong cuộc sống thực.”
“Là sao?”
“Không nói quá nhiều. Trở nên bí ẩn hơn. Các cô gái thích kiểu như vậy.”
“Một số người thích, một số người thì không,” tôi nói. “Con là người hay nói. Phụ nữ cũng thích những người hay nói.”
Ba năm trôi qua trước khi Eastwood chứng kiến bộ phim kết thúc. Vào thời điểm đó, ông ấy gần như quên mất nó. Ông mời một số bạn bè đến phòng chiếu phim cá nhân và nói: “Đây có thể là một thứ chẳng ra gì, nhưng mọi người cứ xem qua đi.”
Vào phim được khoảng vài phút, một người bạn của Eastwood nói: “À, Clint kìa, bộ phim này cũng được đấy.” A Fistfull of Dollars làm hồi sinh điện ảnh phương Tây, tại thời điểm này vốn đã trở thành viện dưỡng lão cho các ngôi sao điện ảnh luống tuổi.
Sau khi bộ phim kết thúc, tôi yêu cầu Jesse để cho tôi, nói cách khác là đồng ý cho chúng tôi cùng xem lại cảnh James Dean cầm sợi dây thừng trong bộ phim Giant. Dean bị vây quanh bởi đám doanh nhân ăn mặc bóng bẩy, cố gắng cắt thỏa thuận, Rock Hudson đặt 1.200 đô-la lên mặt bàn. “Chàng trai, bây giờ cậu đã giàu có rồi đấy.” Dean chỉ ngồi đó, thỉnh thoảng nhúc nhích một chút. Tôi hỏi: “Ai được hoan nghênh nhiệt liệt? Ai được hoan nghênh trong suốt bộ phim?”
Tôi còn chuyển sang cả đề tài truyền hình - Edwarđ James Olmos làm cảnh sát trưởng bận đồ đen trong Miami Vice (1984-1989). Tôi nói: “Đây là một chương trình ngu ngốc, hoang tưởng, nhưng xem Olmos kìa - gần như là một trò quỷ thuật. Bằng cách không di chuyển, anh ta như đang nắm giữ một bí mật nào đó.”
“Bí mật gì ạ?”
“Đó là ảo tưởng của sự tĩnh lặng. Không có bí mật nào hết. Chỉ có sự liên quan của một người chiếm hữu,” tôi nói. Giọng tôi đang bắt đầu nghe như giọng của một nhà văn viết về rượu.
Tôi tắt đầu đĩa DVD.
“Con xem hết cả chương trình này cũng không sao đâu ạ,” Jesse nói. “Thế được không bố?”
Vậy là trong khi những nhà thầu đang đập, cưa và hàn tầng hai của căn hộ (càng ngày càng to ra) bên đường, Jesse và tôi xem ba tập liên tiếp của Miami Vice. Có lúc, người hàng xóm Eleanor của chúng tôi ngó sang cửa sổ và nhìn vào trong. Tôi tự hỏi bà ta đang nghĩ gì khi thấy hai chúng tôi xem ti vi ngày qua ngày. Tôi cảm thấy mình có một ước muốn ngu ngốc là chạy theo bà ta và nói: Nhưng đây không phải truyền hình, đây là điện ảnh. Tôi tự cảm thấy gần đây trong mình thi thoảng hấp tấp một cách vô duyên trong việc giải thích các chuyện có liên quan đến Jesse.
* * *
Từ nơi đang đứng trong phòng khách, tôi có thể nhìn thấy Rebecca Ng đang ngoặt vào góc ở đầu bãi đậu xe. Diện quần bò trắng, áo khoác bò màu trắng, áo phông màu lục nhạt, mái tóc đen tuyền của con bé để xõa xuống. Nhóm công nhân xây dựng ở phía chân bức tường của nhà thờ báo hiệu cho nhau và từng người một đều nhìn Rebecca khi con bé đi ngang qua chỗ họ. Tôi đang chuyển dần sang đề tài về thời kì tân điện ảnh của Đức. Hôm đó, chúng tôi đang xem phim Anguirre, the Wrath of God (Anguirre, cơn thịnh nộ của Chúa) (1972). (Tôi làm vậy để chắc chắn là nó có sự chuẩn bị cho cảnh một người lính của đội quân chinh phục châu Mỹ khớp ngón tay mình với vết máu trên tảng đá.) Đôi khi tôi biết được điều này nửa tiếng trước khi tôi bắt đầu bộ phim. Jesse đang ngồi ở bên ngoài. Nó bị choáng váng và đau đầu vì rượu. Nó không nói gì, nhưng tôi ngửi thấy mùi rượu tỏa ra khi nó bước lên cầu thang. Một trong những đứa bạn của nó, Morgan, được thả ra tối hôm trước (bị giam 30 ngày vì tội hành hung người) và qua chơi. Tôi đã phải khéo léo đuổi nó ra khỏi nhà vào bốn giờ sáng và bắt Jesse lên giường đi ngủ.
Đó là một ngôi nhà khó có thể diễn tả được và một vài ngày tôi cảm thấy như mình đang trừng phạt đống lộn xộn, rối loạn và vô trách nhiệm bằng một chiếc roi da và một chiếc ghế. Thật vậy, dường như có cả một cánh rửng đang mọc lên xung quanh ngôi nhà, đang liên tục hăm dọa ngôi nhà bằng cách đập các cành cây và dây leo của mình vào cửa sổ, dưới cánh cửa, lên phía trên tầng hầm. Đã hơn một năm kể từ khi Jesse rời khỏi trường học (bây giờ nó đã 17 tuổi) và chẳng hề có dấu hiệu nào của việc nó bước ra khỏi những bậc cầu thang để nắm lấy thế giới “bằng vạt áo.”
Nhưng rồi chúng tôi vẫn có câu lạc bộ điện ảnh. Những tấm thẻ vàng trên tủ lạnh, một đường gạch qua mỗi bộ phim đã xem, tất cả chúng đã cam đoan với tôi rằng ít nhất thì có một điều gì đó đang xảy ra. Tôi không bị hoang tưởng. Tôi biết tôi không đem đến cho nó một sự giáo dục bài bản qua điện ảnh. Đó không phải điều tôi muốn làm. Lẽ ra chúng tôi có thể dễ dàng đi lặn hoặc thu thập tem. Những bộ phim chỉ đơn giản là những dịp để chúng tôi dành thời gian cùng nhau, hàng trăm giờ, cũng như mang đến một cánh cửa rộng mở cho mọi vấn đề bàn luận - Rebecca, Zoloft, chỉ nha khoa, Việt Nam, bệnh liệt dương, thuốc lá.
Đôi lúc, nó hỏi về những người tôi từng phỏng vấn: George Harrison như thế nào? (một người tốt, mặc dù mỗi khi bạn nghe thấy chất giọng của vùng Liverpool, rất khó để không nhảy vòng quanh và hét lên rằng: “Anh ở trong ban nhạc Beatles. Chắc anh phải có cả tấn các cô gái xung quanh!”); Ziggy Marley (con trai của Bob Marley, một kẻ ủ rũ hơn ai hết); Harvey Keitel (diễn viên nổi tiếng nhưng đầu óc thì toàn bã đậu); Richard Gere (một diễn viên kiêm trí thức- nửa-mùa cổ điển, người vẫn chưa nhận ra rằng người ta nghe theo ông vì ông là một ngôi sao điện ảnh, chứ không phải vì ông là người thông thái); Jodie Foster (khó tìm hiểu như thể tôi đang cố đột nhập vào doanh trại quân đội vậy); Dennis Hopper (tục tĩu, vui tính, một người tuyệt vời); Vanessa Redgrave (ấm áp, oai nghiêm, và khiến bạn thấy như đang nói chuyện với nữ hoàng Anh vậy); đạo diễn người Anh Stephen Frears (một người Anh nữa không biết lúc nào không nên dùng nước hoa cạo râu. Thảo nào không có nổi một người phụ nữ chịu ngả vào lòng những chàng như thế này); Yoko Ono (một kẻ rất bảo thủ và dễ cáu gắt bất cứ khi nào bị hỏi về thông tin của “dự án” gần đây nhất của bà, thường trả lời rằng: “Liệu anh có hỏi Bruce Springteen câu hỏi đó không?”); Robert Altman (hay chuyện, có học, dễ dãi; bảo sao các diễn viên luôn làm việc cho ông chỉ vì một bài hát); đạo diễn người Mỹ Oliver Stone (rất lực lưỡng, thông minh hơn những kịch bản ông viết; “Chiến tranh và Hòa bình ư? Chúa ơi, câu hỏi kiểu gì vậy? Mới có 10 giờ sáng mà!”).
Chúng tôi nói chuyện về những năm 1960, ban nhạc Beatles (nhắc đến hơi quá thường xuyên nhưng nó chiều theo ý tôi), tửu lượng tốt, tửu lượng kém, rồi thêm một chút về Rebecca (“Bố có nghĩ cô ấy sẽ bỏ con không?”), Adolf Hitler, Dachau, Richard Nixon, sự phản bội đức tin, Truman Capote, sa mạc Mojave, Suge Knight, phụ nữ đồng tính, ma túy, trào lưu trang điểm như người nghiện, Backstreet Boys (ý của tôi), hình xăm, Johnny Carson, Tupac (ý của nó), ngôn ngữ mỉa mai, nâng tạ, kích cỡ của “cái ấy”, diễn viên Pháp. Quả là một chuỗi thời gian đẹp. Tôi có thể đang chờ đợi công việc của mình, nhưng tôi không chờ đợi cuộc sống. Nó đang ở ngay đây, ngay cạnh tôi trong chiếc ghế mây. Tôi biết nó thật tuyệt vời khi nó còn đang tiếp diễn - mặc dù tôi như hiểu rằng sẽ có một dải ruy băng trắng chờ đón chúng tôi ở cuối con đường.
Giờ đây, khi tôi quay lại nhà Maggie với tư cách một vị khách mời đến ăn tối, tôi rụt rè dừng lại ở hiên nhà. Tôi biết Jesse sẽ ra đây vào buổi tối muộn với một cốc cà phê nhưng chuyện sẽ không như hồi còn câu lạc bộ điện ảnh. Thật lạ là toàn căn nhà của cô ấy: bếp, phòng ngủ, phòng khách, và nhà tắm, đều không có dấu tích nào của tôi. Tôi không cảm thấy âm hưởng hay một sự vang vọng nào của quãng thời gian tôi ở đây. Ngoại trừ hiên nhà.
Nhưng tôi đang nói đến đâu rồi nhỉ? À, đúng rồi, chuyến ghé thăm của Rebecca buổi chiều mùa xuân dịu dàng đó.
Con bé khẽ khàng bước lên các bậc thềm: Jesse vẫn ngồi im. Đã có một cuộc nói chuyện giữa hai đứa: con bé đứng đó hai tay đút túi áo, vẻ mặt nó trông như nữ tiếp viên vừa nghe thấy một điều gì đó không tốt nhưng vẫn chưa chắc là nghe thấy đúng như thế. Một nụ cười lịch sự nhưng cẩn trọng. Một cái gì đó không bình thường đang xảy ra Tôi có thể thấy ở phía xa một trong những công nhân xây dựng đang nhìn, người cứng đơ, tay giữ chặt một bên thành cầu thang.
Tôi nghe thấy tiếng mở và chúng bước vào trong nhà. “Chào bác, David,” Rebecca nói. Nhẹ nhàng, thường trực. Hoặc ít nhất là nó muốn được nhìn nhận như vậy. “Hôm nay bác thế nào?”, nó nói.
Câu hỏi đó một lần nữa lại khiến tôi ngạc nhiên. “Tôi cảm thấy thế nào à?” Ồ, để xem nào. Cũng ổn, tôi cho là vậy. Mọi chuyện ở trường vẫn tốt chứ?”
“Bây giờ chúng cháu đang được nghỉ ngơi một chút, vì vậy cháu đang làm việc tại Gap.”
“Rốt cuộc thì cháu cũng sẽ muốn điều hành cả thế giới, Rebecca ạ.”
“Cháu chỉ thích kiếm những đồng tiền của chính mình,” nó nói. (Liệu đó có phải là một cú đánh hay không?) Jesse đang chờ đợi phía sau con bé.
“Rất vui được gặp cháu, Rebecca.”
“Cháu cũng vậy, David,” nó nói. Không bao giờ gọi tôi là “Bác Gilmour.”
Chúng đi xuống dưới nhà.
Tôi đi lên tầng trên. Bật máy vi tính và tìm tin nhắn đến lần thứ ba trong ngày hôm đó. Maggie là người cuối cùng trên trái đất này vẫn còn dùng mạng internet kết nối bằng điện thoại bàn, vì thế luôn luôn là sự chờ đợi, tiếng điện thoại reo, tiếng than vãn và tiếng cười ầm ĩ trước khi màn hình hiện lên tin nhắn.
Tôi đọc báo điện tử sáng nay. Tôi nhìn qua cửa sổ phía sau và thấy bà hàng xóm Eleanor đang dùng cuốc chọc xới quanh khu vười sau nhà, bà đang chuẩn bị cho một mùa trồng cây mới. Cây anh đào của bà đã trổ hoa. Sau một hồi tôi đi tới đầu cầu thang. Từ dưới tầng hầm, tôi có thể nghe thấy tiếng rì rầm của câu chuyện. Giọng Rebecca, sinh động; rồi giọng nó, đột nhiên rất vô tình, quá bẳng lặng, như thể nó đang cố nói từ ngực mình vậy. Giọng nói tỏ rõ một thái độ.
Sau đó là im lặng, rồi những tiếng bước chân ở tầng dưới, hai đôi bàn chân. Không lời được nói ra. Cửa chính mở ra và đóng lại, rất khẽ khàng như thể ai đó không muốn làm phiền tôi. Tới lúc tôi xuống dưới tầng, tôi thấy Jesse. Nó đang ngả người về phía trước, mặt nghhiêm trọng. Ở phía xa tôi thấy một bóng dáng nhỏ, Rebecca, đang xa dần về phía ở đầu bên kia bãi gửi xe. Những cậu công nhân xây dựng đều hướng về phía cô ta.
Tôi ngồi phịch xuống ghế. Suốt một lúc chúng tôi chỉ ngồi đó. Rồi tôi nói: “Có chuyện gì thế?”
Jesse quay về phía tôi, giữ bàn tay ở tư thế có thể che mắt nó lại. Tôi tự hỏi không biết nó có vừa khóc không. “Bọn con đã chia tay rồi.”
Đây là điều tôi đã lo sợ. Một anh chàng với một chiếc xe và một căn hộ sang trọng, một người môi giới chứng khoán, một luật sư trẻ. Một khán giả phù hợp hơn với khát vọng chuyên nghiệp của Rebecca.
“Con bé nói gì?” tôi hỏi.
“Cô ấy nói sẽ chết nếu không có con.”
Trong một tích tắc, tôi nghĩ mình đã hiểu nhầm ý nó. “Con bé nói gì cơ?”
Nó nói lại câu đó.
“Con bỏ Rebecca à?”
Nó gật đầu.
“Sao lại như thế?”
“Có lẽ vì cô ấy qua nói về quan hệ của bọn con quá nhiều.”
Tôi nhìn nó một hồi lâu: nước da nó xanh xao, đôi mắt nó lờ mờ. Sau một lúc, tôi hỏi “Con đang chóng mặt vì uống rượu tối qua đúng không?”
“Một tí thôi nhưng không liên quan gì đến chuyện này.”
“Chúa ơi.”
“Thật đấy, không liên quan đâu, bố ạ.”
Tôi bắt đầu đặt vấn đề một cách thận trọng. “Bố đã học được qua nhiều năm, Jesse ạ, rằng đưa ra một quyết định liên quan đến cuộc đời mình khi có hơi men trong người không bao giờ là một điều tốt đẹp cả.” Nó mở mồm ra định nói. “Kể cả khi rượu ảnh hưởng một cách gián tiếp. Như đau đầu sau khi say rượu chẳng hạn.”
Nó nhìm chăm chăm về phía xa.
“Con có thể làm gì để xoá bỏ điều này không?” tôi nói.
“Con không muốn thế.” Nó chợt nhìn thấy đám thợ xây. Cứ như hình ảnh của họ đã ủng hộ điều gì đó trong nó.
Tôi nói: “Được rồi, để bố nói với con điều này rồi con muốn làm gì thì làm, được chứ?”
“Vâng, được ạ.”
“Khi con rời bỏ một người phụ nữ, có những chuyện xảy ra mà con nghĩ sẽ chẳng sao. Nhưng khi những chuyện ấy có xảy ra thật, chúng sẽ trở thành những vấn đề không nhỏ.”
“Như kiểu có những người đàn ông khác hả bố?”
Tôi nói: “Có rất nhiều yếu tố con phải tính đến trước khi quyết định chia tay với ai đó. Và một trong số đó, cái lớn nhất, thường là người ta sẽ đi với người khác. Tin bố đi, điều đó có thể đem đến cho con cảm giác không mấy dễ chịu.”
“Bố nói không mấy dễ chịu nghĩa là thế nào ạ?”
“Là khó chịu. Trong trường hợp này thì là kinh khủng.”
“Con biết Rebecca sẽ có bạn trai khác.”
“Con biết à? Con đã thực sự nghĩ về điều đó chưa?”
“Rồi ạ.”
“Liệu bố có thể kể cho con nghe một câu chuyện không? Con có thấy phiền không?”
“Không, không hề ạ.” Nó nhìn lơ đãng. Chúa ơi, tôi nghĩ. Đây mới chỉ là khởi đầu mà thôi. Tôi bắt đầu: “Hồi học đại học bố có một người bạn thực ra, con có quen chú ấy. Chú ấy sống ở West Coast. Arthur Crammer.”
“Con quý chú Arthur.”
“Phải, rất nhiều người quý Arthur. Đó cũng là một phần của vấn đề. Bố từng có một người bạn gái - cách đây đã lâu lắm rồi; lúc đó bố lớn hơn con bây giờ vài tuổi. Tên cô ấy là Sally Buckman. Và một ngày, bố nói với Arthur - chú ấy là bạn thân nhất của bố - “tớ nghĩ là tớ chuẩn bị chia tay với Sally.” Và chú ấy nói: “Ồ, thế à?” Arthur thích cô ấy, nghĩ rằng cô ấy rất quyến rũ. Quả thật cô ấy rất quyến rũ.
“Bố nói: ‘Cậu biết đấy nếu muốn cậu có thể gặp gỡ Sally, tớ thấy không có vấn đề gì cả.’ Bố cũng tin vào điều đó. Vì vậy, vài tuần sau đấy, có khi là một tháng sau, bố chia tay với Sally Buckman và đi nghỉ cuối tuần ở nhà riêng của một người bạn ở nông thôn, ngôi nhà gần hồ. Con vẫn nghe bố nói đấy chứ?”
“Có ạ.”
Tôi tiếp tục. “Vào lúc đó, Arthur và bố chơi cho một ban nhạc lỗi thời; bố chơi trống, anh ta hát và thổi kèn ac-mô-ni-ca; nhóm bố tự nghĩ rằng mình là những ngôi sao nhạc rock. Những chàng mảnh mai hấp dẫn.
“Bố quay trở về thành phố vào tối Chủ nhật hôm đó sau kỳ nghỉ cuối tuần mà không hề nhớ Sally một chút nào. Trên thực tế, bố cảm thấy rất nhẹ cả người vì cô ấy không có ở bên cạnh.
“Bố đến thẳng buổi tập của ban nhạc. Và có Arthur ở đó, một Arthur Crammer thú vị, dễ gần, đang thổi kèn ac-mô-ni-ca và như dính vào với tay ghi ta bass. Đó là một anh chàng tuyệt vời. Đó là Arthur. Suốt buổi tập, bố cứ nhìn anh ta, cứ muốn hỏi câu hỏi ‘Cậu có gặp Sally lúc tôi đi nghỉ cuối tuần không?’ Nhưng bố không có cơ hội nào để hỏi. Bố hơi lo lắng. Nó đã chuyển từ một điều gì đó bố tò mò muốn biết đến một điều gì đó bố sợ.
“Thế rồi buổi tập kết thúc, những người khác ra về, và bố ngồi trong xe với Arthur. Cuối cùng, bố quay sang và nói rất tự nhiên rằng: ‘Thế cậu có gặp Sally cuối tuần vừa rồi không?’ Và, nghe hoàn toàn vui vẻ, anh ta nói: ‘Có, tớ có gặp cô ấy,’ như thể đó là một câu trả lời thú vị cho một câu hỏi thú vị. Rồi bố nói - và đây là những câu chữ đã tự tuôn ra - ‘Thế có chuyện gì xảy ra lúc đó không?’ Và anh ta nói một cách rất trang trọng: ‘Có chứ.’
“Bố sẽ nói với con, Jesse ạ. Điều đó như thể có ai đó tua một bộ phim nhanh gấp 10 lần bình thường. Cả thế giới phải chạy theo. Bố khó có thể thoát khỏi giọng rên rỉ. Arthur nói: ‘Này, hút một điếu thuốc đi.’ Điều này, bằng cách nào đó, lại khiến chuyện tệ hơn. Bố bắt đầu nói: siêu nhanh, ‘tất cả’ đều ổn với bố như thế nào nhưng không phải cuộc đời quá kỳ lạ hay sao, không phải mọi thứ thay đổi nhanh đến chóng mặt hay sao.
“Rồi bố bảo cậu ấy chở mình qua chỗ Sally. Cậu ấy thả bố xuống trước cửa căn hộ của cô ấy ở phố Brunswick. Đến giờ bố vẫn còn nhớ số nhà cô ấy. Bố chạy thẳng lên tầng trên nhanh như tên bắn và gõ cửa, cộc, cộc, cộc; Sally ra mở cửa, trên người là chiếc áo choàng, nhìn bố với vẻ, nói như thế nào nhỉ, nhút nhát đến xảo trá. Chẳng hạn như, “À, có quả bom nào trong gói đồ anh gửi cho em không?”
“Và bố kết thúc trong nước mắt, nói với cô ấy bố yêu cô ấy đến mức nào, rằng bố đã ‘thấy được ánh sáng.’ Tất cả những thứ đó. Bố tuôn tất cả ra như dòng nước lũ. Bố cho rằng mình cũng có ý định nghiệm túc trong mỗi lời mình nói. Con hình dung ra được, đúng không?
“Lúc ấy bố quay lại với cô ta. Bố bắt cô ấy phải vứt hết ga trải giường cũ đi, và kể cho bố nghe tất cả mọi chuyện đã xảy ra. Em có làm cái này không, có làm thế kia không? Những câu hỏi kinh tởm; những câu trả lời cũng kinh tởm như vậy.” (Đến đây thì Jesse cười phá lên.) “Bố mất gần cả tháng trời để nhớ ra rằng cô ta tồi tệ thế nào và rồi bố lại bỏ đi một lần nữa. Lần này là đi luôn. Nhưng bố đã cố để chắc chắn rằng lúc bố làm thế, Arthur đi vắng. Bố có cảm giác rằng cô ta sẽ lại giở trò cũ và bố không muốn anh ấy dính líu vào.”
“Cô ta có làm thế không bố?”
“Có. Cô ta lùng ra người anh em gàn dở của bố và ngủ với anh ấy. Cô ta là điềm xấu, bố đã bảo rồi mà, nhưng điều bố muốn nói là đôi khi con không thể biết được con sẽ khổ sở thế nào về những điều như thế này cho tới khi nó đã quá muộn. Đấy không phải chuyện con muốn hấp tấp quyết định.”
Bà Eleanor bước ra khỏi hiên nhà và nhét một chai rượu vào thùng rác. Bà ta nhìn xuống phố với một vẻ mặt đau đớn tựa như bà nhìn thấy dưới đó có một chuyện bà không thích, như mưa hoặc những kẻ hay phá phách, rồi bà bắt gặp chúng tôi cách đó vài mét.
“Ồ!” Bà ta nhảy dựng lên. “Chào hai bố con. Đang trong phòng làm việc hả?” rồi bà nở một nụ cười dữ dội.
Đến lúc bà ta đi khỏi, Jesse nói: “Con không nghĩ có đứa nào trong hội bạn của con đang đi với Rebecca.”
Tôi nói: “Chuyện là thế này, Jesse à, nó sẽ đi chơi với một ai đó, và tin bố đi, con bé chắc chắn sẽ để cho con biết. Con đã nghĩ về chuyện đó chưa?”
Bằng giọng người lớn, trầm hơn bình thường, nó nói: “Con nghĩ vài tuần đầu sẽ rất khó khăn, sau đó con sẽ vượt qua được.”
Tôi khăng khăng: “Vậy thì được thôi, đây là điều cuối cùng bố sẽ nói và sau đó, bố sẽ không nói thêm về việc này. Con bé có thể hủy bỏ quyết định. Con có thể nhấc điện thoại lên ngay lúc này, con có thể gọi con bé quay lại đây và con có thể tránh cho mình khỏi rất nhiều khó chịu.” Tôi để những lời lẽ đó được thấm nhuẩn. “Trừ khi con thực sự không còn thích con bé đó nữa.”
Một lúc yên lặng. “Con không thích cô ấy nữa.”
“Con chắc không?”
Nó chần chừ nhìn về phía nhà thờ, về phía những hình dáng đang di chuyển xung quanh dưới chân toà nhà. Tôi nghĩ nó đang nghĩ lại. Rồi nó nói: “Bố có nghĩ là con khóc thì rất nhu nhược không?”
“Sao cơ?”
“Lúc bọn con chia tay. Cô ấy cũng khóc ạ.”
“Bố có thể tưởng tượng ra được.”
“Nhưng bố không nghĩ con giống trẻ con chứ ạ?”
“Bố nghĩ có chuyện gì đó không bình thường với con, chuyện gì đó lạnh lẽo và không thoải mái, nếu con đã không khóc.”
Một chiếc xe đi ngang qua.
“Bố đã từng khóc trước mặt một cô gái bao giờ chưa?”
“Có cô gái nào mà bố chưa từng khóc trước mặt chưa ư?”, tôi nói. Khi tôi nghe thấy tiếng cười của nó, khi tôi nhìn thấy nó cười, nếu chỉ ngay trong chốc lát, những nỗi buồn biến mất trên nét mặt của nó (giống như một cơn gió đang thổi tan những tàn tro trên một chiếc bàn tuyệt đẹp), điều đó khiến tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn, như thể tôi có một cơn buồn nôn thoáng qua. Tôi nghĩ, giá mà mình có thể giữ được nó như thế này. Nhưng tôi có thể thấy, trên con đường phía dưới, hình ảnh nó đi bộ vào lúc ba giờ sáng và suy nghĩ về con bé.
Nhưng không phải bây giờ. Bây giờ chúng tôi đang ngồi ở hiên nhà, linh hồn của nó tạm thời rời khỏi cỗ quan tài, nhưng tôi biết thể nào nó cũng sẽ quay lại vào trong đó như những hồn ma vào lúc mặt trời lặn. Tôi định cho nó xem phim Last Tango in Paris ( Điệu tăng-gô cuối cùng ở Pari) một lần nữa nhưng đó dường như không phải một ý tưởng hay. Cảnh phim mùi mẫn có thể sẽ khiến nó liên tưởng đến toàn những thứ bất hạnh. Vậy thì xem gì bây giờ? Tootsie (1982), quá mùi mẫn; Vanya on 42nd Street (Vanya ở phố 42) (1994), quá đậm chất Nga; Ran (Nổi loạn) (1985), quá hay để mạo hiểm với sự thiếu tập trung của nó. Cuối cùng tôi cũng chọn được, một bộ phim làm bạn muốn lấy một khẩu súng săn và bắn vài phát vào cửa xe ôtô của chính mình. Một bộ phim đáng nguyền rủa.
Tôi đút nhanh đĩa phim Thief (Kẻ cắp) (1981) vào ổ DVD như thể đó là một băng đạn chín li. Cảnh tiêu đề phim hiện lên (một trong những cảnh tuyệt vời nhất: hai chàng trai phá vỡ một chiếc két sắt). Âm nhạc được thực hiện bởi Tangerine Dream, nhạc phim giống như tiếng nước chảy qua ống thuỷ tinh. Màu xanh lam, điện màu hồng, đèn nê-ông màu xanh. Tôi nói: Hãy xem máy quay như thế nào: cảnh quay thể hiện niềm yêu thích khi những chiếc đèn hàn và máy khoan được chiếu sáng; máy quay tập trung vào những dụng cụ này với tình yêu của một người thợ mộc khi nhìn ngắm các công cụ của mình.
Và James Caan, đương nhiên, chưa bao giờ đóng đạt hơn thế. Hãy chú ý cảnh tuyệt vời lúc ông bước vào văn phòng của một tên cho vay nặng lãi để lấy một ít tiền và gã đó giả vờ như không biết ông đang nói gì. Hãy xem khoảng im lặng của Caan. Như thể ông ta tức tối đến mức ông phải lấy hơi mới nói được. “Tôi là người cuối cùng trên đời ông muốn giở trò đấy,” ông nói.
“Thắt dây an toàn vào,” tôi nói. “Bắt đầu rồi đấy.”
o O o
Rebecca quay lại vào chiều hôm sau. Cô ta bận quần áo sành điệu, áo lụa đen, những chiếc khuy vàng nho nhỏ, quần bò đen. Đó là cái kiểu con bé đang cho Jesse liếc nhìn món tráng miệng trước khi cất đi. Hai đứa ngồi ở hiên nhà và nói chuyện một lúc. Tôi cố ý đụng chạm nồi niêu trong bếp, bật đài lên thật to. Tôi nghĩ thậm chí tôi còn hát theo nữa.
Cuộc nói chuyện không kéo dài quá lâu. Khi tôi mò vào phòng khách (“chỉ quét ít bụi thôi”) để ngó xem, tôi thấy một cảnh tượng lạ lùng. Jesse nghiêng về phía trước trên chiếc ghế mây với một vẻ không thoải mái, tự nhiên, như thể nó đang đợi chỗ trống cuối cùng trên một chuyến xe buýt, khi bên dưới nó, trên vỉa hè, một Rebecca sôi nổi (quần áo của cô bây giờ nhìn như một góa phụ nhện đen) đang nói chuyện với một nhóm thanh niên, tất cả đều là bạn của Jesse vừa qua chơi. Điệu bộ của cô ta gợi đến một vẻ nhẹ nhàng rất duyên dáng và hạnh phúc, chứ không phải một người vừa mất quyền kháng cáo, và tôi nhận ra rằng có một điều gì đó rất nguy hiểm về con bé. Jesse đã cảm nhận được và cũng đã chán nản điều đó. Tôi không bao giờ có thể bỏ một cô gái xinh đẹp như vậy, bởi một sự khoái lạc như ma tuý khi mình hơn hẳn mọi người vì có một cô bạn gái xinh xắn. Tôi biết, tôi biết, rất nhỏ mọn, dễ sợ và đáng khinh.
Ngay lập tức, ngoài hiên nhà đầy nhung nhúc đám thanh niên mới lớn. Rebecca đã về. Tôi gọi Jesse vào trong nhà và đóng nhẹ cửa lại. Tôi nhẹ nhàng nói với nó: “Hãy xem chừng những điều con đã nói với đám nhóc đó, được chứ?”
Nó nhìn tôi bằng vẻ mặt xanh xao. Tôi có thể ngửi thấy mùi của sự kích động phát ra từ nó. “Bố biết cô ấy đã nói gì với con không? Cô ấy nói: Anh sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa.”
Tôi xua tay đi. “Thế cũng tốt thôi. Nhưng hứa với bố, con sẽ để ý những điều mình nói đấy.”
“Được rồi, được rồi,” nó nhanh nhảu nói.