Nguyên tác: The Hidden Flower
Số lần đọc/download: 1915 / 29
Cập nhật: 2016-06-02 14:09:31 +0700
Chương 6
J
osui đi yên lặng trong một đường phố ở Los Angeles. Ngày hôm ấy, nàng sửa soạn một công việc thật khổ tâm, không sao tránh được. Nàng dậy sớm và sau khi trang điểm kỹ lưỡng, nàng mặc một bộ quần áo màu xanh nước biển mới nguyên, chiếc áo khoác ngoài che thân hình đầy mập của nàng. Số tiền cha nàng gửi ở một ngân hàng ở San Francisco đủ cho nàng ăn mặc, trả tiền phòng và tiền ăn trong một ký túc xá tầm thường. Những gì còn lại, nàng phải trông chờ vào cứu tế cuộc. Nàng đã hỏi một người xa lạ địa chỉ một tổ chức bảo vệ thiếu nhi. Chính đến cơ quan này, ở một hộ khá nghèo mà nàng tới sáng nay. Cửa mở, Josui đi vào. Người nữ thư ký ngập ngừng nhìn nàng.
- Xin cho biết quí danh.
- Sakai.
- Xin mời cô vào.
Josui tuân lời. Nàng đứng trước một người đàn bà tuổi trung niên vẻ mặt hiền hậu ngồi ở một bàn giấy, sắc mạo không xứng với chân giá trị của mình.
- Cô Sakai, tôi biết giúp ích gì cho cô?
- Tôi nghe nói ở đây có săn sóc trẻ con...
- Cô sắp sinh nở?
- Vâng, không ngay lúc này, nhưng tôi phải sửa soạn trước.
- Cô có gia đình không?
- Không.
Người nữ thư ký ghi nhận những lời khai của Josui.
- Cô có muốn giữ đứa bé không?
- Không, tôi có một mình, tôi không thể giữ nó được. Nàng đã tập luyện nói câu này và nói không chút khó khăn.
Ồ! Lennie, nàng dỗ dành, an ủi mãi tận trong đáy lòng! Nó mới yên tĩnh làm sao! Tưởng như nó nghe thấy những lời nàng nói.
- Tên tôi là cô Bray, - Người đàn bà nói dịu dàng. - Cô hãy cho tôi biết chút ít về cô có được không?
- Tôi có một mình. Tôi không có gì đáng kể.
- Cô có thể cho tôi biết tên ông thân sinh ra cô được không?
- Ông là người Mỹ da trắng. Tôi là người lai Mỹ - Nhật.
- Vậy cha đứa bé có chịu nhận một phần trách nhiệm của ông ta không?
- Tôi không muốn cho chàng biết.
Cô Bray phản đối:
- Ồ! Cô em thân mến, như vậy không tốt! Tôi có thể nói cho ông ta biết nếu cô muốn.
- Không, cám ơn.
Giọng nói của Josui như không muốn người nghe đáp lại.
Cô Bray không nhẫn nại được nữa:
- Cô Sakai, như vậy thật khó nhận con cô. Việc thu nhận hầu như không thành vấn đề nữa. Không ai muốn nuôi một đứa con lai.
- Tôi biết, - Josui nhìn nhận thế, giọng nghẹn ngào.
Cô Bray thở dài:
- Thôi được! Để chúng tôi xem sao! Cô có thể trả một phần tiền được không?
- Vâng, tôi tưởng có thể được.
Josui hóa ra khờ khạo vì sự biến đổi này. Nàng không tự hỏi Lennie sẽ ra sao. Nàng hình dung một cô nhi viện, trẻ con chơi đùa trên cỏ dưới những cây lớn.
Cô Bray lại cầm bút chì và viết vài chữ.
- Tôi khuyên có nên lại một bệnh viện. Đây là địa chỉ. Cô hãy hỏi bác sĩ Steiner. Đó là một người đàn bà, một người tị nạn, rất hiền từ và dịu dàng. Chúng tôi sẽ đến bệnh viện tiếp nhận đứa bé. Tôi tưởng cô không nên trông thấy nó làm gì.
- Ồ! Có chứ! - Josui kêu lên, rất xúc động.
- Nếu cô quyết định xa rời đứa bé, tôi khuyên cô không nên nhìn mặt nó, - cô Bray nói và ngẩng đầu lên.
- Tôi muốn xem mặt nó.
Cô Bray nhún vai và nói tiếp:
- Có thể ngày nào sinh đẻ?
- Có lẽ tháng sáu.
- Địa chỉ cô?
Josui cho địa chỉ.
Cuộc tiếp xúc mà nàng rất e sợ, thế là kết thúc Lennie có thể ra chào đời, có người sẽ săn sóc nó. Josui đứng dậy.
- Xin cảm ơn cô. - nàng nói và nghiêng mình.
- Xin cô cứ tự tiện. - cô Bray lễ phép trao đổi.
Josui ngồi trong một công viên nhỏ để nghỉ ngơi. Nàng tự cấm mình không được nghĩ đến Allen. Bây giờ chàng biết là không bao giờ chàng trông gặp nàng nữa. Nàng không để lại một thứ gì, ngay cả một bức thư. Nàng giản dị ra đi, mang hết quần áo, đồ lặt vặt, chút ít nàng có. Có lẽ Allen sẽ trả lại căn nhà và trở về với bố mẹ. Riêng chỉ có Kobori biết địa chỉ của nàng, nhưng nàng cấm chàng không được lại thăm nàng.
Bác sĩ Steiner tò mò nhìn thiếu phụ Nhật xinh đẹp. Cô Bray báo tin cho bà là Josui sẽ tới và bà chờ đợi. Bà chưa biết một người Nhật nào.
- Vậy cô không có điều gì nói với tôi à? - Bác sĩ Steiner hỏi nàng một lần nữa.
- Không, - tôi xin bà, - tôi không lưu ý đến việc ấy.
Thấp và béo, bà bác sĩ hiểu rõ mình xấu xí. Bà không oán hận ai vì sự bất hành này, thu lãnh từ lâu. Giống một người thượng cổ tạc đẽo thô sơ trong một tảng đá xám, làm sao bà có thể hy vọng lôi cuốn được con mắt của người đàn ông. Và ít nhất bà cũng được trời phú cho thông minh nên bà nhất tâm chuyên chú vào khoa học. Điều tiếc nhớ cuối cùng trong lòng bà biểu hiện bằng sự khiêm nhường và cảm phục trước sắc đẹp của con người. Vì vậy bà ngắm nghía mãi Josui.
Sau nhiều tuần thất vọng, Josui không còn thấy xúc động trước lời ca tụng hay xót thương. Nàng luôn luôn đau đớn vì một nỗi lạnh lùng về tinh thần. Bà bác sĩ thấy dưới tấm mền đắp lên người thiếu phụ bàn chân bàn tay nàng lạnh ngắt.
- Cô bé ơi, cô lạnh đấy! - Bà kêu lên. - Nhưng theo y tá, ngày hôm nay lại nóng.
- Tôi vẫn bị lạnh luôn.
- Cô duỗi chân tay ra, tôi không thăm bệnh được. Nàng cứng rắn như một tượng đá, mà thật ra nàng giống thế. Nàng không suy nghĩ, không cảm thông và xua đuổi hết tất cả những kỷ niệm lướt qua đầu óc nàng. Vậy mà về đêm, khi nàng không ngủ được, những kỷ niệm xa xưa lại trở về với nàng, như máu trào lên vết thương mở rộng. Cứ như vậy nàng lại bội phần đau đớn, không phải vì quá khứ, nhưng vì nàng nhủ thầm nàng sẽ không được trông thấy Lennie, không được sống với con, không được thấy con khôn lớn, không bao giờ được nghe con nói, không được vui hưởng nụ cười đầu tiên của con, không bao giờ được tắm cái thân hình nhỏ bé cựa quậy luon.
Không bao giờ nàng biết con nàng nữa.
Sau nhiều giờ suy nghĩ, cuối cùng nàng chấp nhận lời khuyên bảo của cô Bray. Nếu nàng nhìn mặt con một lần, nàng sẽ không thể xa rời con nàng nữa. Nàng thật chán nản. Nỗi đau khổ của nàng vượt xa tất cả những nỗi đau khổ của đàn bà. Lòng nàng tan nát và tan nát, nàng tự trách lỗi lầm của nàng làm đau khổ đứa bé. Còn nhỏ bé như vậy, không có gì tự vệ, thơ ngây dễ bị xâm hại... và nàng đã bỏ con. Nó sinh ra đời theo luật của tạo hóa, ái tình có thủ vai trò, Lennie từ bóng tối ra chào đời. Vì đó là một đứa trẻ vui vẻ. Josui cảm thấy như vậy. Sau một đêm khóc lóc, đứa hài nhi cựa quậy đánh thức nàng dậy, và nàng cảm thấy nó cười trong khi chờ đợi được giải phóng ra ngoài. Trong lúc đau khổ bội phần, nàng cảm thấy đau đớn đến cực độ, vì biết rằng không bao giờ nàng được nghe tiếng con cười đùa.
- Cô rất khỏe mạnh, - bà bác sĩ cam đoan với nàng. - Tất cả đều bình thường. Hàng tháng cô hãy lại đây. Mọi việc sẽ tốt đẹp.
- Xin cảm ơn bà. - Josui nói.
Nàng mặc áo, búi lại tóc và đi.
Nàng đi rồi, bà bác sĩ gọi dây nói cho cô Bray:
- Tôi đã khám thiếu phụ Nhật, - bà nói lớn giọng, tưởng rằng ở điện thoại phải nói như vậy. - Nàng thật kỳ dị, rất đẹp và khỏe mạnh. Thiếu phụ này chắc phải ở giới quý phái. Đứa trẻ sẽ đẹp, thông minh và rất khỏe mạnh. Trong danh sách của cô có ai biết lượng giá báu vật này không?
- Chà, nếu bà biết được! (Tiếng nói giọng mũi và khô khan của cô Bray có vẻ chán nản). Chúng tôi có 370 cặp vợ chồng phải thỏa mãn. Họ thúc giục chúng tôi để có những đứa trẻ theo yêu cầu của họ và tất cả lỗi lầm đều rơi vào đầu tôi vì tôi không thể cung cấp những đứa trẻ như sự mơ ước của họ. Này! Tôi bỏ một mỹ kim đánh cuộc với bà là không một cặp vợ chồng nào muốn nhận đứa bé này.
Bà bác sĩ đỏ mặt.
- À! Nền dân chủ của cô làm tôi nghĩ đến tên ác quỉ Hitler! Tôi chỉ có một phần tám máu Do Thái, nhưng với Hitler, tôi hoàn toàn là người Do Thái.
Cô Bray không trả lời.
- Ồ! Thế cô không trả lời à?
- Tôi còn suy nghĩ. Tôi không có một ý kiến nào. Phải giao đứa bé này cho cô nhi viện «Cực Tây».
- Trên thực tế, họ không còn một chỗ nào để nhận thêm một đứa bé.
- Như vậy, tôi biết làm thế nào?
- Điều đó liên hệ đến cô Bray - bà bác sĩ kêu lên. Về phần tôi, tôi săn sóc đứa bé lúc sinh đẻ, sống và khỏe mạnh. Đó là công việc của tôi.
Bà mắc ống nói bất ngờ và lấy tay áo lau trán. Sự tức giận bao giờ cũng làm bà Steiner toát mồ hôi và bà vẫn tự trách mình tính hay giận dữ. Với thân hình mập mạp, những cơn giận dữ này có thể nguy hiểm được. Nhưng điều ấy đối với bà không cần. Bà cũng chẳng còn mong sống lâu, ngay cả ở Mỹ.
Trước mặt người nữ y tá rụt rè, tiếng bà ta như tiếng sấm!
- Đến lượt sản phụ sau... mau lên!
- À! À! - Bà bác sĩ Steiner hoan hỉ nói.
Bà đón đứa bé bà chờ đợi, nó sinh ra chậm vài ngày, một đứa bé trai mủm mỉm, thật cân đối đến tận những nét nhỏ, bà hứng thú chờ đợi nó, nóng nảy nữa. Tất cả mùa xuân bà nghĩ về đứa bé, thoạt đầu tự chế giễu mình, sau nhiệt thành nghĩ đến nó, một đứa bé không ai muốn nhận. Nó sẽ kỳ dị, đứa bé này: một kẻ phiêu lưu sinh ra, bất chấp cả những luật lệ và những sự căm hờn, một đứa trẻ táo bạo, sáng tạo ra một thế giới mới.
- À! - Bà bác sĩ nhắc lại dịu dàng hơn, mắt bao trùm đứa bé.
Nó chưa biết nhìn, bà biết rõ, vậy mà như nó nhìn bà. Nó có cặp mắt đen lớn và một khuôn mặt nhỏ tươi vui.
- Một đứa bé trai. - Bà báo tin cho Josui được đánh thuốc mê và không nghe thấy bà nói. - Đừng mang đứa bé đi, bà ra lệnh cho người nữ y tá, ta muốn tự ta săn sóc nó.
Người nữ y tá quấn đứa nhỏ trong chiếc mền cũ sạch, và đặt nó trong một chiếc giường trống. Bà bác sĩ đứng gần giường và ngắm nghía Lennie. Thiếu phụ không nói nhiều, nhưng trước khi bị mê, nàng đẩy chiếc mặt nạ ê-te ra.
- Tôi dặn bà hai điều quan trọng, - nàng nói với bà bác sĩ giọng rõ ràng. - Tôi không muốn nhìn đứa bé. Tên nó phải là Lennie.
- Không có họ sao?
- Không.
Bị quặn đau, nàng quyết định đặt chiếc mặt nạ lên mặt nàng.
- Lennie, - bà bác sĩ thì thầm.
- Tên này được lắm. Đứa bé có khuôn mặt nhỏ, nhẫn và xanh xao, một thân hình nhỏ rất cân đối.
Nó nhìn bà, nóng lòng muốn đùa nghịch, hoặc ít nhất bà cũng tưởng tưởng như thế. Nó làm bà ngạc nhiên hết sức vì những trẻ sơ sinh thường tiếp tục ngủ lâu. Nhưng Lennie thì không. Nó đã già dặn với đời. Một mối xúc động, một sự ham muốn nồng nhiệt rung động trong tấm lòng âu yếm của người đàn bà này không được tạo hóa ban ân. Chưa bao giờ bà được thấy rung động tình mẫu tử, có lẽ bà coi sự sinh đẻ là một địa hạt ngăn cấm, bà không bước chân tới được. Nhưng Lennie thật là độc nhất, khác hẳn những đứa trẻ khác. Quấn trong tấm drap trắng, hai tay nhỏ xíu nắm lại để dưới cằm, cặp mắt lớn và đen nhìn bà, nó như muốn đánh giá bà và nói: «Vậy bà cũng là một người phải không?».
Bà bác sĩ quay lại người sản phụ. Josui ngủ, duỗi thẳng, tưởng như nàng không bao giờ trở dậy nữa. Bà thấy nàng xanh xao và bắt mạch nàng. Mạch đập bình thường. Thuốc mê càng hiệu nghiệm khi thiếu phụ càng muốn được ngủ.
- Đưa nàng sang buồng khác, - bà nói. - Nàng không muốn nhìn mặt đứa bé.
Ngay chiều tối hôm ấy, trước khi về nhà, bà bác sĩ Steiner vào phòng các trẻ sơ sinh và tiến ngay đến nôi của Lennie. Nó ở kia, đứa bé vô song, nó ngủ bình thản, không có quắp, như số đông những trẻ sơ sinh khác, nhưng nó nằm duỗi dài, như muốn đo cái hình nhỏ bé của nó. Bà bác sĩ Steiner cầm cái bàn tay xinh xắn. Bà biết rằng những trẻ Á Châu không nắm tay lại như những trẻ Tây phương. Những trẻ như vậy có lẽ sinh ra đời dễ chịu đựng số phận của chúng, được phủ thêm cho đức tính ngoan ngoãn của một dân tộc thật cổ xưa. Phương diện hữu hình đặc biệt còn tiêu biểu một điều xa lạ, một sức hấp dẫn đối với trí tưởng tượng, nhưng một ngày kia khi người ta quan tâm đến đời sống hơn là cái chết, trí thông minh của người ta sẽ thám hiểm cái địa hạt huyền bí này. Mắt vẫn chăm chú nhìn Lennie, bà bác sĩ bỗng nghĩ tới cảnh cô đơn của đứa trẻ. Sau những ngày ngắn ngủi ở bệnh viện, nó sẽ đi đâu?
Bà bác sĩ Steiner bỗng quay đi không nhìn đứa bé và trở về nhà theo lộ trình quen thuộc hàng ngày. Bà sống ở ngoại ô, trong một biệt thự xấu xí kiểu mới. Bà đã cố tìm một nhà gian để sinh sống, nhưng không được. Mặc dầu vụng về việc bếp núc, bà vẫn cần phải có một căn nhà riêng. Bà tra chìa khóa vào ổ, và như thói quen đẩy chìa khóa vào quá sâu. Bao giờ bà cũng dậy sớm để căn nhà được sạch sẽ khi bà đi, không có một vẻ đẹp nào đối với con mắt người khác, ngoài mắt bà. Trên bàn chồng chất sách. Bà bác sĩ vừa bận rộn vừa nói to tiếng Đức. Bà tắm và mặc một chiếc áo choàng cũ vải bông. Rồi ba sửa soạn buổi cơm tối một món canh đun nóng và những mẩu bánh cắt dầy phết bơ.
Lẩm bẩm bà nói, bà tự hỏi có phải mình điên không? Ba cần gì đứa trẻ con? Bà biết làm thế nào để trả một người tâm phúc hiểu biết giá trị đứa bé kỳ dị này hầu săn sóc được nó? Bà ngồi xuống bàn và thận trọng rút hàm răng giả. Thoải mái, bà nhai bánh ngâm trong súp bằng lợi. Tất cả răng của bà đều rụng ở trại tập trung. Sau bữa cơm tối, bà rửa bát đĩa và ngồi trong chiếc ghế bành lớn bọc nhung đỏ đã phai màu. Bà mở một chiếc hộp, lấy một điếu xì gà và hút. Mặc dầu bề ngoài bình tĩnh, những ý nghĩ của bà quay cuồng trong đầu óc bà thật dữ dội.
Trong vòng mười phút, bà nhấc cần máy nói và đẩy điếu xì gà sang một khóe miệng, bà nói:
- Bray, cô đấy à?
Giọng nói mệt mỏi và xa xăm đáp:
- Thưa bác sĩ, vâng.
- Đứa bé đã sinh ngày hôm nay.
- Đứa bé nào?
- Bray, tôi xin cô, cô đừng có ngốc thế. Thiếu phụ Nhật xinh đẹp cô gửi đến tôi đó. Làm sao cô quên được? Bray, cô có nghe tôi nói không?
- Tôi nghe rõ bà hơn nếu bà đừng la như thế.
Bà bác sĩ Steiner hiểu rằng cô Bray bị mệt nhọc và dễ giận dữ.
- Làm thế nào mà cô không nghe được nếu tôi không nói to! Thật kỳ cục quá! (Bà nói to nữa.) Bray, tôi quyết định rồi, tôi giữ đứa bé này.
Bà chờ đợi kết quả của cái tin giật gân này, cô Bray im lặng.
- Bray, cô có nghe thấy tôi không?
- Vâng, tôi nghe rõ. Nhưng, theo nguyên tắc, chúng tôi không giao trẻ con những người đàn bà không có chồng.
Bác sĩ tức giận:
- Thế cô nhi viện có chồng không? Cô bảo tôi cô cho đứa bé vào một cô nhi viện. Nó sẽ bị bịnh đi tiêu chảy và chết. Mười đứa trẻ đã gặp trường hợp này năm nay. Tôi không muốn nó là trường hợp thứ mười một. Tôi sẽ nhận nó. Nếu có sự khó khăn, tôi xin chịu trách nhiệm.
Sau một ngày dài dặc, nóng oi ả, sau khi cật vấn nhiều sản phụ trẻ tuổi và cáu gắt, cô Bray thấy chán ngán tình yêu và những hậu quả của nó. Lúc này giá có một công việc nào cô cũng chẳng cần.
- Được lắm! - Cô kêu và thấy mệt quá sức.
Khi Josui thấy tờ giấy khai từ bỏ con, nàng ngập ngừng. Nàng hỏi cô Bray:
- Không ai nhận đứa bé hay sao?
- Hơn hết là cô không nên biết điều này, - cô Bray trả lời với giọng như không muốn đối đáp nữa.
Josui không nói gì. Bỗng giật mình, nàng cúi đầu và vội vã biên tên mình trên dòng ghi «người mẹ». Nước mắt trào lên mắt nàng và lóng lánh trên lông mi. Cô Bray cầm tờ giấy và thấm khô.
- Thế là xong. Nếu cô muốn biết tin tức đứa bé, cô có thể viết thư cho chúng tôi. Nếu có điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ báo tin cô biết. Tôi khuyên cô nên quên nó đi.
- Xin cảm ơn cô, - Josui nói khẽ. - Xin chào cô.
- Xin chào cô.
Josui đi ra ngoài đường phố nắng chói chang. Nàng muốn được yên tĩnh, nhưng bà bác sĩ Steiner chờ đợi nàng để thăm lần chót. Nàng thấy có thể tin tưởng ở bà bác sĩ này, mặc dầu bà có vẻ kỳ cục, đầu tiên vì đó là một người đàn bà, và sau nữa, Josui thấy bà hiền lành tuy nóng nảy. Sau khi thăm lần cuối này, nàng sẽ viết thư cho Kobori để hẹn gặp gỡ. Lúc đó hai người sẽ quyết định xử sự thế nào.
Xanh xao và im lặng, nàng đi vào phòng giấy bác sĩ đang nóng lòng chờ đợi nàng, vì bà đã có quyết định rồi. Bà bác sĩ nói ngay:
- Đây, tôi nói để cô biết... (Bà nhìn Josui lại ngắm nghía sắc đẹp mảnh mai của nàng.) Tôi muốn cô biết chuyện, nhưng xin cô đừng nói cho cô Bray rõ. Tôi không muốn có chuyện xích mích với người đàn bà dũng cảm nhưng đần ngu ấy.
Bà ngả người ra phía trước, hạ thấp giọng vẻ quan trọng:
- Đây, tôi giữ con của cô. Đó là một đứa bé kỳ dị. Nó gồm thu trong thân hình nhỏ bé của nó cả thế giới! (Bà bác sĩ giơ hai tay nắn làm một cử chỉ như bao quanh cả vũ trụ.) Tôi sẽ dạy dỗ nó trở thành một vĩ nhân. Điều đó sẽ dễ dàng vì nó đã chứa đựng một thứ gì cao cả. Vừa choáng mắt, vừa cảm động, Josui lắng nghe. Nàng cũng ngả người ra phía trước. Dưới những băng bó chặt, hai vú của nàng đau đớn, chan chứa một thứ sữa không có công dụng gì. Nàng nhiều sữa quá, theo cô nữ y tá ở bệnh viện, nàng có thể nuôi luôn ba đứa bé được.
- Vậy tôi có thể biết tin tức con tôi được, - nàng thở dài. - Tôi sẽ biết nó ở đâu.
- Cô có thể biết, - bà bác sĩ quả quyết - Cô có thể giữ nó trong một thời gian cũng được. Cô hãy đến căn nhà nhỏ của tôi và hãy săn sóc đứa trẻ.
- Ồ! Xin cảm ơn! (Tất cả những quyết định của Josui đều nhượng bộ trước một sự ham muốn mãnh liệt.) Tôi không thể ở lâu được, nhưng có thể một đêm...
- Xin cứ lại. Đây, chìa khóa. Cô hãy đến một mình. Tôi sẽ đem đứa bé về sau.
- Nhưng bà làm thế nào...
Josui nhìn chiếc bàn đầy giấy tờ.
- Tôi đã xếp đặt. Tôi có một bà láng giềng tốt, một bà già, nhưng không già lắm, con ba đều đi vắng. Bà sẽ trông nom đứa bé ban ngày. Các bà già thường yêu trẻ con lắm. Đến tuổi chúng ta, người ta hiểu rằng bọn con trẻ mang trong người chúng mối liên lạc giữa quá khứ và tương lai. Thôi, cô đi luôn bây giờ, và hãy sửa soạn đón tiếp đứa bé.
Josui cầm chiếc chìa khóa do cái bàn tay mập và vuông đưa cho nàng. Nàng cúi đầu xuống và đặt má lên bàn tay này một lúc, rồi nàng đi ra, không sao nói được lời nào. Như vậy, nàng sẽ bế con của nàng, con cả của Allen trong cánh tay nàng. Nàng có thể bế, tắm rửa và nuôi nấng con. Và trong khi đứa bé ngủ, nàng làm gì? Nàng khâu cho nó những quần áo nhỏ mà bà bác sĩ hiền từ và dễ giận dữ đã để dành cho nó khi lớn. Như vậy, con nàng sẽ biết mẹ nó yêu quí nó. Nàng vào một cửa hàng, mua những miếng dạ rẻo, màu hồng xanh, kim và lụa màu.
Cắp gói các đồ lặt vặt, nàng đi xe buýt về nhà có Lennie ở.
Bà bác sĩ Steiner về, bế Lennie. Bà đặt đứa bé vào chiếc nôi do Josui xếp đặt. Josui cởi khuy áo ngực và nhìn bà bác sĩ, vẻ van lơn.
- Cô bé đáng thương! - Bà bác sĩ nói, giọng thương xót. - Cố nhiên rồi, cô cứ tự nhiên. Ta sẽ làm tắt sữa khi nào cô muốn, hãy ẵm lấy con.
Chìm đắm trong nỗi hân hoan, Josui bế con trong cánh tay và ẩn mình trong phòng. Riêng với con, nàng nuôi nấng nó. Mắt chăm chăm nhìn cặp mắt trẻ thơ, nàng cảm thấy nỗi đau đớn cửa nàng tê tái, lên tới cực độ, tràn ngập cả tâm hồn nàng. Nàng khóc và nước mắt rơi xuống mặt Lennie. Nàng lau mặt con và không ngớt nhìn nó, rung động vì tình yêu thương.
Không mấy lúc no nê, thằng bé ngủ. Nàng đặt con vào nôi và chăm chú ngắm nghía khuôn mặt nhỏ bé, bàn tay và bàn chân con. Nàng nhận ra miệng nó giống miệng Allen, với cặp môi cong dịu dàng, nhưng cằm lại có vẻ cương quyết sửa đổi sự dịu dàng kia, đó là cái cằm của bác sĩ Sakai. Bàn tay đứa bé giống bàn tay mẹ. Còn hai vai vuông kia giống ai? Nàng trông cặp lông mi con: lông mi của một người đàn bà Mỹ, dài và cong, với đôi mắt phượng của người Á Đông. Cặp mắt tuyệt đẹp kia. Allen đã đi hưởng tổ tiên nào của chàng. Cặp lông mi giống lông mi của một người đàn bà Mỹ xinh đẹp nào mà Josui không thể bao giờ biết được.
Cứ như vậy khởi đầu cái tuần lễ kỳ thú, vì một tuần lễ qua đi hai người đàn bà mới có thể chia tay nhau được. Cuối cùng Josui kể câu chuyện ngắn về đời sống của Lennie. Vừa nói, nàng vừa nhớ lại những chi tiết đã lãng quên hoặc khi trước nàng không lưu ý đến.
- Khi lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ nhau dưới giàn hoàng hậu, cuối cùng khi chúng tôi... bà đã biết... hôn nhau.
- Không, tôi không biết. Không bao giờ tôi hôn một người đàn ông. Vậy việc gì xảy ra thế?
- Chúng tôi cảm thấy sự chuyển động nhẹ trong không khí, một làn gió thoảng, mặc dầu trời yên lặng và không có gió. Tưởng như có một sự hiện diện nào khác xen thêm vào sự hiện diện của chúng tôi. Bà tưởng như thế có thể được không?
- Không phải là không có thể được.
Ẵm đứa bé trong lòng, chiếc váy căng thẳng trên hai đầu gối mập, bà bác sĩ Steiner muốn giải thích cho Josui rõ vì sao Lennie đối với bà tiêu biểu sự đắc thắng của đức tin của bà.
- Nó đẹp quá, đứa bé này! Nó chứng mình lý thuyết của tôi sự tạp chủng có thể có những kết quả tuyệt vời. Tuyệt vời cô có rõ không, cô bé? Đó là một thắng lợi.
Lennie ngủ trong nôi ban đêm, vì lúc đó hai người đàn bà cuối cùng phải ngừng nói. Ban ngày, từ cánh tay mẹ, Lennie chuyển sang cánh tay bà bác sĩ Steiner. Nó ngủ, người ta cũng mang từ phòng này sang phòng nọ, người ta đặt nó lên hai đầu gối, đầy đủ tiện nghi hoặc người ta hiến nó một vài đầu vú căng sữa mà tức thời nó ngoặm lấy ngay, hai người đàn bà bao phủ nó bằng tình yêu thương. Tất cả những kỷ niệm đầu tiên của nó, chôn giấu trong trí nhớ của nó, chỉ nói lên tình yêu thương, tình yêu thương lại tình yêu nữa. Đó là một đứa trẻ được chiêu đãi nhất trên đời.
Ngày cuối tuần đến và Josui sửa soạn ra đi. Hạn kỳ đó, thoạt đầu nàng e sợ mãi, lúc đến gần, nàng đỡ lo sợ hơn. Nàng không còn muốn đem Lennie ra khỏi nơi này. Ở đây nó được che chở. Tấm lòng quảng đại của người đàn bà này, thấu hiểu đời sống và cái chết, không yêu thương ai khác là toàn thể nhân loại và Lennie. Gần bà, nó được an toàn.
- Ở đây với tôi, cô bé, - bà bác sĩ đề nghị với Josui. - Cả ba chúng ta sẽ sống chung với nhau. Tôi kiếm cũng được khá.
Josui từ chối:
- Đứa bé không phải của riêng tôi. Nếu tôi ở lại, một ngày kia, nó sẽ hỏi về bố nó. Tôi sẽ không thể chịu đựng được và cũng không thể trả lời được. Xin cho tôi đi.
Để tắt sữa, theo những lời chỉ dẫn của bà bác sĩ. Rồi nàng sửa soạn rời ngôi nhà nàng. Ở San Francisco, Kobori chờ đợi nàng, lúc ấy nàng sẽ quyết định. Lòng nàng bình tĩnh, bình tĩnh vì tình yêu đã hết. Lúc đi, nàng ôm con trong lòng. Nó đi giày vải màu xanh và hồng thêu mấy con bướm, do mẹ nó khâu. Nàng trao đứa bé cho bà bác sĩ Steiner, lùi lại một bước và cúi rạp xuống, theo kiểu Nhật.
- Xin cảm ơn, xin cảm ơn, bây giờ và suốt đời tôi và đời con tôi.
- Một ngày kia, xin mời cô lại.
Josui lại cúi người xuống nữa.
- Xin cảm ơn, - nàng nhắc lại, - xin cảm ơn. Nhưng nàng không muốn chính thức tỏ ý nghĩ của nàng: không bao giờ nàng trở lại nữa. Đứa bé nàng cho là cho hẳn. Giữa quá khứ và tương lai, nàng không muốn có dây liên lạc nữa.
Kobori đợi nàng ở ga San Francisco. Tàu đến đúng giờ. Josui lại đẹp và mảnh mai như xưa. Kobori cố hãm lại ý muốn định xổ lại đón nàng. Chàng ước ao mối buồn tình ái của nàng đã tiêu tan, nhưng cần phải nương nhẹ những cơn bệnh mới khỏi. Thành thật, chàng muốn để Josui tự do từ chối chàng. Vả nữa, chàng không thể hưởng một cách bình tĩnh sự đắc thắng ngẫu nhiên, nếu chàng không nói cho Josui biết cái tin đăng trên các báo từ ngày hai người gặp gỡ nhau.
Chàng trật mũ và chìa tay, không muốn người ngoài để ý cách chào cúi rạp của người Nhật.
- Josui.
Nàng không trông thấy chàng. Nghe thấy gọi, nàng quay lại phía chàng.
- Kobori, anh đi đón em, thật quý hóa quá!
Hai người đi gần nhau, Kobori không thể không ngắm nghía Josui. Chàng thấy người nhẹ nhõm khi trông thấy má nàng đánh phấn hồng dịu. Nàng đã trưởng thành, nay nàng bình tĩnh từ tốn. Đối với con mắt Kobori, những đức tính này càng tăng vẻ đẹp của nàng.
Chàng gọi một chiếc tắc xi, mời nàng lên xe và ngồi gần nàng.
- Anh nghĩ ta có thể cùng ăn buổi sáng được, - chàng ngập ngừng nói.
- Hay lắm! - Josui đáp.
Chàng nói địa chỉ cho tài xế và ngồi lên đệm xe. Chàng không biết nói gì. Và cũng vì một lý do chính đáng, chàng không muốn hỏi han về đứa bé. Chàng không muốn biết nó sống chết hay số phận ra sao.
May mắn tiệm cao lâu không xa. Kobori trả tiền xe và thưởng người tài xế rất hậu hĩ. Chàng những muốn khoác tay Josui như người Mỹ chàng trông thấy, nhưng chàng rất nhút nhát. Chàng đưa nàng vào một tiệm cao lâu nhỏ nhưng sang trọng. Từ chỗ ngồi, người ta trông thấy vịnh nhỏ. Trên bàn có bầy hoa thủy cúc màu tím lợt và cây mã tiên thảo màu vỏ cam của Kobori mua.
Chàng cố ngồi trên chiếc ghế quá nhỏ và cuối cùng bắt đầu thấy thoải mái và thích thú.
- À! Bây giờ em phải ăn các món anh đã gọi. Hình như đó là những món ăn đặc biệt nhất của tiệm này. Nó giống nhiều các món Á Đông nhưng có nhiều gia vị hơn.
- Em đói. - Josui nói. - Em thấy ăn ngon miệng từ ngày em không còn buồn rầu nữa.
Đó là một tin tốt lành: nàng không buồn nữa! Kobori mỉm cười. Rồi chàng lại nhớ một tin khác, mà chàng phải nói cho nàng biết.
- Còn phải đợi món tôm.
- Tôm là món ăn chắc phải nấu vào lúc cuối cùng.
- Chúng ta không vội, có phải không?
- Không, không có gì vội (chàng hắng giọng). Thật ra anh thấy chờ đợi lâu như vậy rất thích hợp. Anh có mấy tin báo cho em. Anh không rõ em cho là tốt lành không?
- Tin tức gì thế anh? - Nàng nhắc lại và nghĩ đến Allen.
- Tuần lễ trước, - Kobori bắt đầu nói, chăm chú để diễn tả được rõ ràng tình thế - anh được biết các vị thẩm phán California đã quyết định cho phép các cuộc hôn nhân giữa các người da trắng và người Nhật.
Chàng nhìn nàng, cặp mắt sắc xảo, như dò xét nàng.
- Điều đó có gì liên hệ đến em.
- Anh nghĩ em phải biết việc này vì nó có thể thay đổi tình thế. Nghĩa là em có thể, nếu em còn muốn, viết thư cho người Mỹ kia mà anh không muốn đọc tên. Bây giờ hai người được phép chung sống với nhau ở đây.
- Chúng em không thể sinh sống bất cứ ở nơi nào khác. Bây giờ không thể được nữa.
Kobori thấy lòng se lại:
- Em muốn nói rằng em không muốn sống với anh ta nữa phải không?
- Không phải vấn đề muốn hay không. Đó là một điều không thể thực hiện được nữa. (Giọng nói quả quyết của nàng có vẻ ngã lòng trong chốc lát.) Kobori anh có hiểu rằng, em không thể nhìn được nữa hay sao? Bây giờ luật lệ có làm gì? Cuối cùng em đã hiểu anh ta, không thể đủ cho cả một cuộc đời.
Như có những tiếng đập vào lồng ngực Kobori.
- Em không còn...
Nàng nói tiếp câu của chàng:
- Tình yêu đối với người Mỹ kia phải không? Điều đó không có quan trọng. Và nửa tình yêu không đủ. Người Mỹ có thể thỏa mãn với tình yêu được. Em thì không. Nay em hiểu rõ điều đó.
Chàng thở dài:
- Như vậy có nghĩa là em sẽ trở về Nhật hay sao?
Nàng trả lời không chút ngập ngừng:
- Vâng, anh Kobori ạ, như cha em.
Người hầu đến giữa lúc này, mang món tôm để trong một đĩa sứ đẹp. Y kiêu hãnh đặt đĩa tôm trước mặt Kobori và đưa cho chàng một bộ thìa đĩa.
- Chắc ông muốn tự đưa thức ăn mời bà?
Kobori ngạc nhiên, cầm một cách vụng về bộ thìa đĩa và nhìn Josui vẻ thiểu não:
- Anh chưa làm việc này bao giờ.
- Anh đưa em! - Nàng nói và giơ tay. - Anh Kobori, cho em đĩa của anh để em xẻ thức ăn.
Chàng đưa chiếc đĩa, nhẹ nhõm hẳn người.
- Cảm ơn em, - Chàng nói nhỏ.
Nhìn nàng, chàng lấy làm mãn nguyện thấy nàng còn giữ chuỗi hạt ngọc Ấn Độ. Chàng nói âu yếm:
- Anh là chủ, nhưng em lại làm hết, giỏi hơn anh nhiều.
Nàng mỉm cười không đáp. Nàng cảm thấy tự nhiên hầu hạ con người to lớn và vụng về này. Công việc đó là công việc của nàng. Nàng nghĩ trong hết phần còn lại của đời nàng.
Ngày hôm đó, trời nóng bức trong thành phố nhỏ này ở Virginia. Hồi này vào giữa mùa hạ.
Mảnh dẻ trong chiếc áo mỏng màu xanh, sau khi yên nghỉ giấc trưa, bà Kennedy đi xuống cầu thang đánh si bóng. Bà ngừng lại trong hồ tắm. Bà tỉnh giấc vì tiếng nói và tiếng vỗ nước: đó là Cynthia và Allen. Bà giữ ý không nói với Allen về Cynthia, bà không buộc con phải theo ý bà, từ ngày chàng trở về, trong mùa Đông trước, vì mệt mỏi một cách lạ lùng, nên chàng thường bực tức luôn. Bà liền dẫn chàng đi Wison Bring trong một tháng, không căn vặn gì chàng. Do ông Kennedy nói, bà biết thiếu phụ Nhật đã bỏ đi, không để lại một chữ nào. Allen thôi không làm công việc với tờ báo nữa và triệt hồi khế ước thuê căn nhà để về với cha mẹ chàng.
- Đó là điều hay hơn hết cả, - bà Kennedy nói với chồng và chỉ được đáp lại bằng sự yên lặng thường lệ.
Bà nấp sau cửa sổ để âu yếm nhìn đôi thanh niên nằm dài dưới gốc sung ở ngoài hiên. Bà thấy cả hai người đều đẹp. Bà buông tấm màn cửa và ngồi xuống. Từ tháng trước, bà hy vong hàng ngày Allen đến bảo bà:
- Thưa mẹ, ngày hôm nay Cynthia đã hứa hẹn...
Bà thận trọng tựa người vào lưng ghế để khỏi làm hư mớ tóc và nhắm mắt lại. Bà mỉm cười và chờ đợi.
Cynthia cọ đầu với chiếc khăn lớn màu xanh. Nằm ở phía dưới chân nàng, Allen hỏi nàng một câu vụn vặt:
- Có phải em lựa chiếc khăn màu xanh và em ưa thích màu này không, hay là em thấy chiếc khăn này hợp với em.
- Đi qua phòng tắm, em dù bắt chiếc khăn người ta ném cho, nhưng cũng có thể em lấy chiếc khăn này vì màu sắc của nó, có lẽ là một cử chỉ vô ý thức.
- Hoàn toàn biết rõ, như thường lệ, - Allen nói đùa.
- Có thể được.
Chàng chóng khuỷu tay lên.
- Chúng ta nói những điều điên rồ.
- Chẳng có gì thay đổi cả. Em còn nhớ khi anh khoảng lên mười, em thấy anh và cậu bé kỳ cục nhất.
- Nhưng hồi ấy, em yêu anh lắm phải không?
Nàng ngập ngừng, thận trọng:
- Có lẽ, đôi khi.
Sự thận trọng này làm cho Allen bực tức.
- Cynthia, em hãy bỏ chiếc khăn khốn kiếp xuống, - chàng ra lệnh.
Bỗng ngả người ra, chàng nắm lấy gốc khăn và giựt khỏi tay nàng. Nàng giựt lại và hai người giằng co chiếc khăn.
- Lại một cử chỉ kỳ khôi của anh rồi! - Thiếu nữ kêu lên.
- Được! Nhưng hãy nghe anh, anh ngán thái độ của em đối với anh. Em hiểu rõ rằng anh muốn nói gì và em không để cho anh hết lời, - chàng nói và bỗng buông chiếc khăn ra.
Nàng ném chiếc khăn xuống đất.
- Được lắm! Anh nói đi cho xong chuyện.
Allen cảm thấy khó chịu một cách lờ mờ trước cặp mắt xanh sáng ngời, môi mím lại. Chàng có quá tự tin về sự đắc thắng của mình không?
- Thôi, anh nói đi! - Nàng vật nài.
- Cố nhiên. (Bỗng chàng nói vẻ tức giận.) - Anh muốn em lấy anh. Em biết điều đó và em biết thế đã từ lâu.
- Được! Này! Còn em, em không muốn lấy anh. Đã đến lúc anh phải biết điều này.
Nàng trả lời như ném vật gì vào đầu chàng, nhưng nàng thấy chàng nghe mà không hiểu.
- Anh không muốn chấp thuận lời đối đáp của em. - chàng nghiêm trang nói - Nếu em nghĩ đến Josui...
- Đúng rồi, chính em nghĩ đến nàng.
- Vô ích, vì thế là hết tất cả rồi. Coi như việc này chưa xảy ra... Anh tự hỏi không rõ tại sao anh lại mắc mưu vào được. Anh ở xa nhà lâu quá. Và em biết, Cynthia... Cuối cùng phải nói với em, dù em lãnh đạm với điều này, nghĩa là chưa bao giờ anh tiếp xúc với đàn bà Nhật như những bạn bè khác.
Chưa chắc nàng đã nghe chàng nói. Nàng bất động như một pho tượng.
- Em tưởng như biết tại sao Josui lại bỏ anh đi. Nàng sắp sinh nở.
- Không. Nàng không có nói với anh.
Cynthia như để ý đi đâu.
- Em không tin như thế, - nàng nói. - Theo ý em, nàng biết rằng mẹ anh không chịu nhận nàng, nàng cũng chẳng muốn giữ đứa bé làm gì.
- Thôi em đừng công kích mẹ anh nữa! - Chàng phản đối. - Bà không chịu trách nhiệm và em đã biết. Em biết luật lệ.
- Thật nói dóc! Anh tưởng như miền Virginia là tiểu bang duy nhất của nước ta!
- Chính nhà của anh ở đấy!
- Nói dóc quá! - Nàng nhắc lại và mắt nàng ướt đẫm giọt lệ.
Trông thấy nàng khóc, chàng đứng dậy, hai tay giơ ra.
- Cynthia, em thân mến...
Nàng lùi lại:
- Đừng đụng vào em! Em không thể chịu được.
Nàng cúi xuống, nhặt chiếc khăn xanh, chạy qua thảm cỏ về nhà nàng.
Chàng nhìn nàng đi, lòng chán nản nặng nề, tưởng như không bao giờ thấy như thế. Vũ trụ như sụp đổ. Chàng rời căn nhà ở New York, cách đây một tháng, trong một tình trạng thảm thương... một ý nghĩ duy nhất trong đầu óc đau đớn của chàng, kéo lê về nhà để hàn gắn vết thương: Cynthia! Cynthia chờ đợi chàng ở nhà. Chàng sẽ để một khoảng thời gian để tự thuyết phục chàng là thật sự chàng không thương yêu Josui và cuối cùng sẽ quên nàng. Sau đó, chàng lại sống cuộc đời bình thường.
Allen đi thong thả qua thảm cỏ và thấy mẹ chàng đứng trước cửa. Chàng muốn bỏ vứt đi ngay cái tin ghê gớm kia.
- Thưa mẹ, con xin nói một lần chót và xin mẹ đừng nhắc lại chuyện này nữa: con có yêu cầu Cynthia lấy con và nàng từ chối.
- Allen, tại sao?
- Nàng không cho con biết lý do.
Thất vọng, bà nhìn người con lớn, rất đẹp trai và đoán nỗi đau khổ của chàng dưới cái bề ngoài hãnh diện.
- Con lại muốn tái đăng vào quân đội, thưa mẹ, - chàng nói giọng ngập ngừng.
- Ồ! Con yêu của mẹ.
Vừa thổn thức, bà vừa giơ tay ra đón con, nhưng chàng quay đi và lên phòng riêng.
Bà bác sĩ Steiner, ngồi trên ghế, cầm một chiếc khăn lớn bằng bọt bể trải trên đầu gối.
- Bây giờ nhấc nó lên, - bà Markey. Đặt nó lên đầu gối tôi.
Bà Markey ẵm Lennie ở trong bồn tắm ra và khẽ đặt nó vào lòng bà bác sĩ đang chờ đón nó. Thằng bé cố ngồi thẳng và mỉm cười với bà. Nó thường mỉm cười luôn với hai khuôn mặt quen thuộc. Nó chỉ kêu la khi một trong hai người đàn bà đáng yêu và vụng về này vô ý đâm chiếc kim vào nó, hoặc bắt nó chờ đợi bầu sữa, điều ít khi xảy ra. Cặp mắt lớn của nó giống trái hạnh đào, mầu đen như nhung, hơi cụp xuống, với đôi lông mi kỳ dị, rất dài và cong, làm bà bác sĩ hết sức vui vẻ. Bà lau chùi đứa bé hết sức kỹ lưỡng.
- Này, bà Markey, - bà nói giống như người diễn thuyết, - bà hãy lưu ý xem hai bàn tay Lennie. Ngón thứ nhất và ngón thứ tư duỗi thẳng, còn ngón tay cái, ngón thứ nhì và ngón thứ ba gập lại. Đó chính là điệu khiêu vũ ở Miến Điện và Thái Lan. Nghĩa là những người sáng tạo ra vũ điều này tại các xứ Á Đông trông thấy ở những cử chỉ này của đứa bé sự biểu lộ đầu tiên của bàn tay loài người.
Bà Markey, một người đàn bà tầm thường cung kính nhìn hai bàn tay Lennie, những ngón tay này bay nhảy như chim muông, đứa bé hầu như khiêu vũ, với tất cả những lỗ đồng tiền ở má và những nụ cười, linh động như nước chảy và những tia nắng. Bà so sánh nó với thằng con cháu bà, nặng nề hơn, mà một trong những người ấy đã đến tuổi thành nhân để đi lính và chết, không ai biết tới, tại một đảo bao phủ bởi toàn rừng rậm. Khi bà khoe khoang Lennie với bạn láng giềng của bà, người ta trả lời:
- Làm sao bà có thể say mê một đứa trẻ Nhật được thế?
- Lennie khong phải là Nhật, - bà Markey đáp. - Nó khác hẳn những đứa bé mà tôi biết.
Những người đàn bà chua ngoa lại nói vẻ độc ác:
- Và phải nói rằng con trai bà lại bị người Nhật giết.
Lòng bà đau đớn nhớ đến Sam con trai, nhưng bà trả lời:
- Lennie không chịu trách nhiệm về những việc này.
Làm thế nào các bạn láng giềng ngu ngốc của bà có thể hiểu được những ý nghĩa thầm kín của bà.
Bỗng Lennie thay đổi vẻ mặt. Khuôn mặt thông minh của nó bỗng sa sầm xuống và có vẻ kinh ngạc. Nó nhìn bà bác sĩ Steiner như trách móc, tuy đã hiểu rằng bà là nhân vật chính trong đời nó. Miệng nó như bông hồng hé mở khẽ run run những giọt lệ lóng lánh trên lông mi mắt.
- Mau lên! - bà bác sĩ Steiner hoảng hốt. - Thằng bé đói rồi! Phải, phải, cục vàng của ta! Bầu sữa, bà Mackey!
Bà Markey chạy tìm bầu sữa, bà bác sĩ cẩn thận sờ bầu sữa nóng ấm ra sao. Bà quấn chiếc tả cho Lennie và buộc chặt lại. Thằng bé không chịu đựng được khoảng thời gian ngắn ngủi này. Nó cử động mạnh chân tay mụ mẫm.
- Đây! Đây! - Bà bác sĩ xin lỗi. - Để ta làm từ từ, ta biết làm. Đây, bầu sữa của con.
Nó giơ tay (quá sớm đối với tuổi nó, bà bác sĩ ghi nhận như vậy), bám lấy bầu sữa và đút vào mồm, méo xệch đi vì nhăn nhó đói. Được cánh tay rắn chắc của bà bác sĩ nâng đỡ, nó bú sữa. Nguôi dịu, nó trầm ngâm nhìn khuôn mặt to lớn, hiền từ cúi xuống mặt nó. Bà bác sĩ vẫn tiếp tục nói:
- Tôi đã làm xong trắc nghiệm ngày hôm qua, bà Markey.
- À, thật à! - bà Markey lẩm bẩm, vẻ không tán thành.
Bà thấy tàn ác và bất chính khi bắt một đứa bé nhỏ xíu và hoàn toàn như Lennie phải chịu sự trắc nghiệm.
- Phải, tất cả các cuộc trắc nghiệm, ngay cả trắc nghiệm thần kinh, - bà bác sĩ nói lớn giọng và oai nghiêm. - Hệ số thông minh của nó, tôi rất hài lòng nói để bà biết, cao hơn tất cả những mẫu trẻ đồng tuổi nó. Thật phi thường, nhất định phi thường.
- Tại sao bà lại gọi Lennie là một «mẫu trẻ»? - Bà Markey hỏi vẻ khiêu khích.
Bà bác sĩ Steiner ngạc nhiên nhìn bà láng giềng:
- Và tại sao không được?
- Danh từ đó làm cho thằng bé mất cá tính. Lennie không những là một mẫu trẻ, nhưng là tình yêu đằm thắm của những đứa bé, một đứa trẻ đáng yêu nhất.
Lennie nghe thấy bà Markey nói liếc nhìn bà. Bà già yêu thương đứa bé đến chảy nước mắt.
Bà bác sĩ cười:
- Markey, bà không yêu đứa bé này à!
Bà Markey lấy tay che hàm răng hư hỏng trước khi mỉm cười:
- Tôi tự hỏi tại sao tôi lại yêu nó nhiều thế, sau những đứa bé tôi biết và sau cả con tôi đã chết. Nhưng khi thằng bé Lennie nhìn tôi, lòng tôi lại thấy như tan nát.
Lennie đẩy bầu sữa ra, một ít sữa chảy xuống cằm nó, nó mỉm cười đẹp như thiên thần và chạy lại bà bác sĩ mập mạp, vẻ chăm chú. Bà sẽ nói thế nào?
Bà bác sĩ cúi đầu xuống khuôn mặt tươi vui. Bỗng bà nghĩ đến những xác nhỏ trẻ thơ chết đói, bị giết bằng lưỡi lê, chất lên thành đống, bị giết vì cha mẹ chúng là Do Thái, theo Thiên Chúa giáo hay theo kháng chiến, bị thù ghét sợ hãi và khinh bỉ. Bà hãi sợ, chỉ e Lennie nhìn thấy những kỷ niệm này trong cặp mắt bà. Thằng bé thật dễ xúc động! Khối óc của nó chứa đựng tất cả những báu vật trên đời. Bà nâng cao nó lên, đặt lên vai bà và cảm thấy ở má bà những sợi tóc tơ mềm mại màu hung nâu. Bà đã trông thấy biết bao trẻ thơ chết nhưng đứa bé này, ba sẽ cứu sống.
- Thật mùa hoa nở! - bà khẽ nói, - mùa hoa nở đẹp quá.
Đắc thắng, bà khẽ đưa đẩy người vừa dịu dàng vuốt lưng Lennie.