The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Tác giả: Rohinton Mistry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VI: Ngày Ở Rạp Xiếc, Đêm Về Ổ Chuột
gười đầu tiên nhận thấy cuộc tụ tập của dàn xe buýt hai tầng đỏ chói vào lúc sớm tinh mơ là một đứa trẻ nhà lão nát rượu. Con bé chạy lon xon vào mách mẹ. Nó thấy Ishvar và Om đã dậy, đang đứng ngoài cửa lán, và bảo với hai bác cháu luôn. Bố nó vẫn đang mê mệt trong giấc mộng sặc mùi rượu cồn.
Đám tài xế vừa đỗ xe lại vừa bấm còi chào nhau inh ỏi; hai mươi hai chiếc xe buýt nối đuôi nhau xếp thành hai hàng ngay ngắn. Hai người thợ may hứng nước rồi đi về phía đường tàu. Cả đêm qua trời mưa. Mặt đất nhão nhoét, bùn nuốt lấy bàn chân họ như một sinh vật có hàng trăm cái miệng.
“Hôm nay ta đến nhà cô Dina sớm đi,” Om rủ.
“Để làm gì?”
“Chắc Maneck dọn đến rồi đấy.”
Hai bác cháu tìm được một chỗ Ishvar thích, và ngồi xổm xuống. Ông mừng húm vì không thấy tăm hơi anh chàng thu mua tóc cùng những câu chuyện huyên thuyên bất trị của anh ta đâu. Ông chúa ghét các thể loại chuyện trò khi đang đi vệ sinh, kể cả những chuyện thầm kín.
Vận may của ông chẳng được bền; Rajaram đã hiện hình trên quãng cua của đường ray và thấy ngay họ ngồi ở mé cuối con mương. Anh ta ngồi xổm xuống bên cạnh hai bác cháu và bắt đầu đoán già đoán non về mấy chiếc xe buýt.
“Có khi họ đang làm một bến xe mới,” Om nói. “Thế thì tiện cho ta quá.”
“Nhưng họ không xây văn phòng bến xe đã à?”
Họ rửa ráy rồi đi đến chỗ mấy chiếc xe lấm lem bùn đất để tìm hiểu. Đám tài xế mặc đồng phục vải ka ki đang tựa vào cửa xe hoặc ngồi bệt thoải mái ngay vỉa hè, đọc báo, hút thuốc hoặc nhai trầu.
“Chào cả nhà,” Rajaram cất tiếng chào bâng quơ. “Hôm nay các anh thắng đám chiến xa đỏ đi đâu thế?”
Một người nhún vai. “Biết đâu. Sếp bảo đưa xe đến, chờ nhận nhiệm vụ đặc biệt.”
Trời lại đổ mưa. Những giọt nước rơi lộp độp trên nóc những chiếc xe trống không. Đám tài xế bèn rút vào xe và đóng hết các ô cửa sổ cáu bẩn.
Ít lâu sau, chiếc xe buýt thứ hai mươi ba trờ tới, cây cần gạt nước khua vô lực, lờ đờ và chậm chạp như một con lắc ướt. Chiếc này đầy chật người, tầng trên được dành riêng cho các cảnh sát mặc sắc phục sẵn sàng làm nhiệm vụ còn tầng dưới thổ ra một toán người tay lăm lăm cặp táp và truyền đơn.
Họ vươn vai, kéo giãn đũng quần đang thít chặt lấy bẹn do ngồi lâu, và bước vào khu ổ chuột. Để giữ mấy đôi xăng đan da khỏi mặt đất lầy bùn vì nước mưa, một số nhón mũi chân, nhấc cao gót mà bước, đi chon von dưới tán ô xòe rộng. Số khác lội lép bép bằng gót chân cho khỏi hại đế giày, mắt càn quét khắp mặt đất hòng tìm lấy vài bụi cỏ, mấy cục đá, hay viên gạch vỡ – bất kì thứ gì khả dĩ làm chỗ đặt chân ít bẩn thỉu hơn cả.
Cuộc “đi dây” qua bãi bùn chẳng mấy chốc đã thu hút cả một đám đông. Một trận gió thốc qua hàng ô; lũ người nọ liền chới với. Một đợt gió mạnh hơn nữa kéo họ ngã choáng choàng. Đám khán giả cười ồ. Mấy đứa trẻ con còn nhại lại kiểu đi đứng kì khôi nọ. Các vị khách mặc cho mấy đôi xăng đan ngập trong bùn và, cố lấy lại phong thái đường hoàng, bước về phía hàng người xếp hàng trước máy nước.
Gã đi đôi giày xịn nhất nói họ là người của đảng, đến gửi thông điệp của thủ tướng. “Thủ tướng gửi lời thăm hỏi và muốn tất cả các anh chị em biết rằng hôm nay thủ tướng có tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Ai cũng được mời đến tham dự.”
Một người phụ nữ đặt chiếc xô không dưới vòi nước. Tiếng nước chảy tồ tồ át cả lời gã kia, gã bèn chỉnh lại âm lượng. “Thủ tướng đặc biệt muốn nói chuyện với những con người cần lao, lương thiện như các anh chị em đây. Các xe buýt ở kia sẽ đưa các vị đến dự mít tinh, miễn phí.”
Dòng người xếp hàng lấy nước tiến lên phía trước, vẻ thờ ơ. Vài người rì rầm to nhỏ gì đó với nhau, rồi có tiếng cười rộ lên. Gã nhân viên của đảng bèn nói lại: “Thông điệp của thủ tướng là bà là đầy tớ của các anh chị em, và muốn giúp các vị. Bà muốn nghe lời nói từ chính miệng các vị.”
“Tự đi mà nói với mụ ấy!” Có người thét lên. “Mày không thấy chúng tao sống sung túc thế nào à!”
“Phải! Bảo mụ ấy bọn này vui sướng lắm! Việc gì chúng tao phải đi kia chứ?”
“Nếu mụ là đầy tớ của bọn tao, bảo mụ tự vác xác đến đây!”
“Bảo mấy thằng có máy ảnh chụp vài kiểu hình nhà cửa đẹp đẽ, con cái khỏe mạnh của bọn tao đi! Đem cho thủ tướng xem!”
Lại có những tràng cười mỉa mai khác, cùng tiếng xì xào đề xuất mấy trò chơi xấu có thể dùng cho bọn tay sai của đảng đã dám làm phiền đám dân nghèo đúng giờ lấy nước. Các vị khách bèn co cụm lại để hội ý.
Rồi tay cầm đầu lại lên tiếng. “Mỗi người sẽ được trả năm rupi. À, có cả trà và bánh trái miễn phí nữa. Mời các anh chị em xếp hàng bên ngoài lúc bảy rưỡi. Xe sẽ khởi hành lúc tám giờ.”
“Đi mà nhét năm rupi vào đít mày ấy!”
“Châm lửa đốt chỗ tiền ấy đi!”
Song những tiếng mạ lị chả mấy đã tạnh ráo, vì lời đề nghị mới rõ ràng đã gây được hứng thú. Đám nhân viên của đảng bèn tỏa đi khắp khu ổ chuột để loan báo tin tức.
Một gã nhặt ve chai bèn hỏi liệu vợ anh ta cùng sáu đứa con đi cùng có được không. “Được,” tay phụ trách tổ chức nói, “nhưng mỗi người bọn họ sẽ không được nhận năm rupi đâu. Chỉ anh thôi.” Ông bố nọ đang dào dạt hi vọng bèn tiu nghỉu bỏ đi, nhưng lại bị dụ dỗ bởi lời hứa trà và bánh miễn phí sẽ được nới rộng cho cả gia đình.
“Xem ra sẽ vui đấy,” Om nói. “Ta đi thôi.”
“Cháu có điên không? Phí mất một ngày công may ư?”
“Chả đáng đâu,” Rajaram đồng tình với Ishvar. “Bọn này toàn nói nhăng nói cuội ấy mà.”
“Làm sao anh biết? Anh đã đi dự buổi mít tinh nào thế này chưa?”
“Rồi, buổi nào chả như nhau. Nếu cậu đang vô công rồi nghề, tôi sẽ khuyên cậu đi, kiếm đỡ năm rupi. Lần đầu tiên xem mấy trò hề của chính phủ cũng vui. Nhưng bỏ hẳn một ngày may hoặc thu mua tóc ấy à? Không.”
Lúc bảy rưỡi dòng người xếp hàng trước tốp xe buýt còn chưa đủ dài để lấp đầy một chiếc xe hai tầng. Rặt một đám người làm công nhật đang rỗi việc, vài người phụ nữ cùng mấy đứa trẻ con, lác đác mấy người làm thuê ngoài bến cảng hiện bị thương. Đám nhân viên của đảng bàn thảo một lúc và quyết định áp dụng kế hoạch thay thế.
Chỉ ít phút sau, hạ sĩ Kesar, chỉ huy của toán cảnh sát, ra lệnh cho đám sĩ tốt xuống xe. Hơn chục người có nhiệm vụ chặn các ngả đường ra của khu ổ chuột, số còn lại theo lão vào trong. Lão cố di chuyển bằng những bước đi hiên ngang khoan thai, nhưng hai bàn chân to bè ngập trong bùn lại biến nó thành dáng đi lạch bạch chới với. Lão có một chiếc loa, hai tay lão bắc nó lên trước miệng, giơ cao như một cây kèn trom-pét.
“Chú ý, chú ý! Mỗi hộ phải có hai người lên xe buýt! Trong năm phút – không được chần chừ. Nếu không, các người sẽ bị bắt vì tội xâm phạm đất công!”
Ai nấy đều phản đối: xâm phạm là xâm phạm thế nào, họ đã trả đủ tiền thuê rồi còn gì? Cư dân khu lều lán đổ đi tìm Navalkar, người thu tiền nhà, nhưng lán của lão trống không.
“Không biết thủ tướng có biết bọn kia đang ép buộc bọn ta không nhỉ,” Ishvar nói.
“Bà ta chỉ biết những chuyện quan trọng thôi,” Rajaram nói. “Chuyện đám cánh hẩu của bà ta muốn bà ta biết ấy.”
Toán cảnh sát bắt đầu đi tróc người nhồi vào xe buýt. Những chiếc xe hai tầng dần dà được lấp đầy, lúc này trông chiếc nào chiếc nấy càng đỏ rực lên khi bụi bặm cùng bùn đất đã bị nước mưa rửa trôi bớt. Những tiếng cự cãi ở một số lán được dẹp yên dễ dàng khi mấy tay cảnh sát giơ dùi cui lên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục tùng.
Anh chàng dạy khỉ sẵn lòng đi, nhưng lại muốn mang theo cả hai con khỉ. “Chúng nó sẽ thích đi xe lắm đây, lúc chúng tôi đi diễn, bọn nó khoái ở trên tàu lắm,” anh ta giải thích với một gã nhân viên của đảng. “Với cả, tôi hứa sẽ không đòi thêm trà hay bánh đâu, tôi sẽ chia phần của mình cho chúng.”
“Mày không hiểu tiếng người à? Không có khỉ khiếc gì hết. Đây không phải cái rạp xiếc.”
Đứng sau lưng hắn, Rajaram thì thọt với các bạn: “Đích là rạp xiếc chứ còn quái gì nữa.”
“Xin ngài,” anh chàng dạy khỉ nằn nì. “Con chó có thể ở nhà một mình được. Nhưng Laila và Majnoo thì không được, không thấy tôi, chúng nó sẽ kêu khóc cả ngày mất.”
Hạ sĩ Kesar được vời tới phân xử. “Lũ khỉ của mày có được dạy dỗ tử tế không đấy?”
“Thưa thầy cảnh sát, Laila với Majnoo nhà cháu được dạy cẩn thận lắm ạ! Đây là hai đứa con ngoan của cháu đấy! Đây này, chúng sẽ chào thầy ngay đây!” Anh ta ra hiệu; hai con khỉ đồng loạt giơ chân trước lên ngang đầu.
Hạ sĩ Kesar khoái chí lắm, ông ta vừa chào lại vừa cười khanh khách. Anh chàng dạy khỉ đập hai sợi dây buộc xuống mặt đất, bọn khỉ bèn quỳ xuống vái. Hạ sĩ Kesar hoàn toàn bị chinh phục.
“Thành thực mà nói, tôi thấy cho bọn khỉ dự cùng cũng chả hại gì,” ông ta nói với tay nhân viên của đảng.
“Xin lỗi, thưa ngài hạ sĩ,” tay kia nói, đoạn kéo ông ta sang một bên. “Vấn đề là, lũ khỉ này có thể bị xem như một kiểu phê bình chính trị, và các đối thủ của đảng ta có thể dùng chúng để bôi xấu chúng ta.”
“Có thể lắm,” Hạ sĩ Kesar nói, tay vung vinh cái loa. “Nhưng nó cũng có thể được xem như bằng chứng cho thấy thủ tướng có quyền năng thấu hiểu không chỉ con người mà cả cầm thú nữa.”
Gã nhân viên của đảng trợn mắt. “Ngài có muốn tự chịu trách nhiệm bằng văn bản không? Với một tờ biên bản ghi nhớ sao ba bản nhé nhé?”
“Thành thực mà nói, chuyện đó không nằm trong phạm vi quyền hạn của tôi.”
Hạ sĩ Kesar buồn bã quay lại chỗ anh chàng dạy khỉ. “Xin lỗi nhé, đây là một cuộc mít tinh rất quan trọng đối với thủ tướng. Khỉ không được phép dự.”
“Cứ chờ khắc biết,” Rajaram khẽ nói với những người khác trong hàng. “Sân khấu sẽ toàn khỉ là khỉ cho mà xem.”
Anh chàng dạy khỉ cảm ơn hạ sĩ Kesar đã nói giúp. Anh ta nhốt Laila và Majnoo trong lán với Tikka và quay trở lại, mặt mày thiểu não. Giờ mấy chiếc xe buýt đã gần đầy và đoàn hộ tống cũng sẵn sàng lên đường ngay sau khi một vài ca cứng đầu ít ỏi còn sót lại được thuyết phục lên xe bằng gậy và tát.
“Đời tôi chưa thấy chuyện gì bất công thế này,” Ishvar nói. “Với cả cô Dina sẽ nói thế nào đây?”
“Ta sao tránh được,” Om nói. “Cứ tận hưởng cuốc xe miễn phí là hơn.”
“Phải đấy,” Rajaram nói. “Nếu ta đã phải đi, thì cứ vui vẻ mà đi. Chú không biết đấy thôi, năm ngoái bọn nó còn cho xe tải đến chở chúng tôi. Nhồi như cừu. Đi xe buýt thế này thoải mái hơn khối.”
“Bét ra mỗi cái phải chở cả trăm người,” Ishvar nói. “Tổng cộng là hơn hai ngàn. Chắc mít tinh lớn lắm.”
“Đấy là chỉ riêng số từ khu ta thôi,” Rajaram nói. “Chắc xe buýt đã được phái đi khắp nơi. Cả cuộc mít tinh phải có đến mười lăm, hai mươi ngàn người, cứ chờ khắc biết.”
Sau khi đi được chừng một tiếng, đoàn xe buýt ra đến ngoại ô thành phố. Om kêu đói. “Cháu mong sao họ cho ta uống trà ăn bánh ngay khi đến nơi. Và cả năm rupi nữa.”
“Lúc nào cậu cũng đói nhỉ,” Ishvar giả giọng the thé. “Cậu bị giun à?” Hai bác cháu cười phá lên, đoạn cắt nghĩa câu đùa liên quan đến Dina Dalal cho Rajaram hay.
Chẳng mấy chốc họ đã đi vào đường quê. Trời đã ngớt mưa. Họ đi qua những làng mạc, thấy người dân đứng giương mắt nhìn đoàn xe. “Tôi không hiểu,” Ishvar nói. “Sao họ phải lôi chúng ta về tận đây? Sao không đưa luôn mấy người dân làng kia đến chỗ mít tinh?”
“Quá lằng nhằng, tôi nghĩ thế,” Rajaram nói. “Bọn họ sẽ phải đi đến rất nhiều làng, dân cư ở đây thưa thớt quá mà – chỗ này hai trăm người, chỗ kia bốn trăm người. Cứ bứng cả cụm từ các xóm nhà lá trên thành phố có phải đơn giản hơn khối không.” Anh ta bỗng reo lên háo hức, tay chỉ ra. “Nhìn kìa! Nhìn cô gái kia kìa, ở cạnh giếng ấy! Mái tóc dài đẹp làm sao!” Anh ta thở dài. “Giá tôi có thể mang kéo đi khắp các làng quê, cần gì cắt nấy. Chả mấy mà giàu to.”
Họ biết mình đã gần đến đích khi đường sá đông đúc thêm và có những chiếc xe khác đi vượt qua họ, trên mình cũng chở nặng những khán thính giả được “đo ni đóng giày” cho thủ tướng. Thi thoảng, các xe buýt lại phải tránh đường để những chiếc xe hơi phấp phới cờ bay đang rước các vị yếu nhân vượt lên trong tràng còi inh ỏi.
Họ dừng lại gần một khu đất trống rộng mênh mông. Trong khi hành khách lục tục xuống xe, một nhân viên tổ chức nhắc họ ghi nhớ số xe buýt của mình cho chuyến về. Anh ta hướng dẫn mọi người đi đến khu ngồi của mình, nhắc lại hiệu lệnh vỗ tay cho từng nhóm. “Nhớ quan sát các vị chức sắc ngồi trên sân khấu. Khi nào họ bắt đầu vỗ tay, thì các người cũng phải vỗ tay theo.”
“Còn tiền thì sao?”
“Bao giờ xong việc khắc có. Bọn này biết tỏng mánh của các người rồi. Nếu bọn này trả tiền trước, thế nào lũ lưu manh các người chả đánh bài chuồn giữa chừng.”
“Vào nhanh! Vào nhanh!” Một người chỉ đường giục, đoạn giúp những người mới đến đi vào bằng một phát vỗ lên lưng.
“Đừng có đẩy!” Om vừa gầm gừ, vừa gạt bàn tay trên lưng mình đi.
“Kìa Om, bình tĩnh đi cháu,” Ishvar can.
Các cọc tre và ray đường sắt chia mảnh đất thành mấy khu có rào chắn, khu chính nằm ở mé cuối, giữa có một sân khấu được che chắn lại cao khoảng chín mét. Phía trước sân khấu là khu dành riêng cho các vị đức cao vọng trọng. Đây là khoảnh duy nhất có kê ghế, và cuộc tranh cãi hòng phân chia ghế đang đến hồi gay cấn. Ghế có ba loại: có nệm, có tay, cho các VVIP – nhân vật rất rất quan trọng; có nệm, nhưng không có tay, cho các VIP – nhân vật rất quan trọng; và ghế xếp bằng sắt trơn, cho các chức sắc ngành cảnh sát Ấn Độ. Các vị khách mời còn đang bận cự nự và cãi lộn với các điều phối viên, ép họ phải thêm một chữ “rất” vào danh vị của mình.
“Cố mà ra đứng gần rìa khu đất, sát cái lều kia kìa,” Rajaram nói. “Chắc đấy là chỗ phục vụ trà và bánh đấy.” Nhưng các tình nguyện viên đeo băng vải ba màu đã lùa cả đám đến khu rào trống ngay gần đó.
“Oa, bác nhìn kìa!” Om kêu lên sửng sốt, tay chỉ vào tấm hình thủ tướng cao xấp xỉ hai mươi lăm mét dựng ở cánh phải sân khấu. Cái hình người gia cố bằng bìa các tông và gỗ dán đứng đó, vòng tay dang rộng, như đang chờ ôm chầm lấy các khán thính giả. Một tấm bản đồ vẽ phác hình đất nước treo lơ lửng đằng sau cái đầu, một vòng hào quang te tua.
“Nhìn cả cái cổng hoa kia mà xem!” Ishvar reo lên. “Cứ như dải cầu vồng bắc ngang sân khấu ấy nhỉ. Đẹp quá phải không? Đứng đây cũng ngửi thấy mùi hoa thơm nữa.”
“Thấy chưa, tôi đã bảo hai bác cháu sẽ thích mà,” Rajaram nói. “Lần đầu bao giờ cũng vui.”
Họ ngồi bệt xuống đất rồi quay sang ngó nghiêng những khuôn mặt xung quanh mình. Mọi người mỉm cười và gật đầu. Người phụ trách âm thanh bước lên sân khấu để kiểm tra micro, khiến mấy chiếc loa rít lên the thé. Những tiếng lao xao háo hức nổi lên giữa đám khán giả rồi tan biến gần như ngay lập tức. Các đoàn xe buýt vẫn lũ lượt đổ xuống hàng ngàn hành khách. Lúc này nắng đã nóng như rang, Ishvar nói chí ít trời cũng không mưa.
Hai tiếng sau, tất cả các khu rào đã kín người, khoảnh đất chật ních, và những nạn nhân đầu tiên gục ngã trước ánh nắng mặt trời được khiêng đi hồi sức dưới bóng râm của mấy rặng cây gần đó. Ai nấy đều ngờ vực tính đúng đắn của việc tổ chức một cuộc mít tinh vào đúng khoảng thời gian nóng bức nhất trong ngày. Một nhân viên tổ chức giải thích là không còn cách nào khác, thầy chiêm tinh của thủ tướng đã xem kĩ thiên văn rồi mới chọn giờ.
Mười tám vị quyền cao chức trọng bắt đầu ngồi vào vị trí của mình trên khán đài. Vào hồi mười hai giờ đúng, có một tiếng gầm rú nổi lên giữa trời và hai mươi lăm ngàn cái đầu nhất tề ngửa lên. Một chiếc trực thăng lượn quanh khu đất ba vòng, rồi từ từ hạ cánh xuống phía sau sân khấu.
Ít phút sau, thủ tướng, bận bộ sari trắng, được một người mặc bộ kurta trắng, đội mũ Gandhi hộ tống lên sân khấu. Mười tám vị yếu nhân quyền uy đầy mình lần lượt quàng vòng hoa vào cổ lãnh tụ của mình rồi cúi xuống, chạm nhẹ lên ngón chân bà. Một vị chơi trội hơn cả bọn bằng cách nằm phục xuống trước mặt thủ tướng. Tôi sẽ quỳ mãi dưới chân bà, ông ta nói, cho đến khi nào thủ tướng tha lỗi cho tôi mới thôi.
Thủ tướng ngớ người, dù không ai có thể nhìn thấy nét bối rối đó vì mười tám vòng hoa đã nhấn chìm khuôn mặt bà. Một tay trợ lý bèn nhắc cho bà nhớ một cử chỉ bất trung nho nhỏ trước đây của vị kia. “Thưa thủ tướng, ông ấy đã hối hận lắm rồi, ông ấy nói muốn xin lỗi, bằng cả tấm lòng thành.”
Mấy chiếc micro đã bật sẵn đảm bảo đám khán giả đang bị nướng dưới ánh nắng mặt trời chí ít cũng có thể thưởng thức trò hề trên sân khấu. “Rồi, được rồi,” thủ tướng nói, giọng có vẻ sốt ruột. “Giờ hãy đứng dậy và thôi cư xử mất thể diện như thế đi.” Được trừng phạt xong, vị nọ liền nhảy phắt dậy như hệt như một vận động viên vừa thực hiện một cú lộn nhào.
“Thấy chưa?” Rajaram nói. “Tôi đã bảo hôm nay ta sẽ được xem đủ màn xiếc mà – có hề, khỉ, diễn viên nhào lộn, đủ cả.”
Khi cơn bão của những trò phỉnh nịnh giả tạo đã tan, thủ tướng bèn liệng từng vòng hoa trên cổ mình ra phía khán giả. Các cử tọa ngồi ghế VIP cùng nhóm chức sắc reo hò như hóa dại trước cử chỉ hào sảng ấy.
“Bố bà ta từng làm y như thế, khi ông còn đương chức,” Ishvar nói.
“Phải,” Rajaram nói. “Tôi cũng nhìn thấy một lần rồi. Nhưng khi làm thế, trông ông ấy khiêm nhường lắm.”
“Cái kiểu của bà ta nom như đang ném rác vào mặt chúng ta ấy nhỉ,” Om nói.
Rajaram cười phá lên. “Chả phải đấy là đặc sản của bọn chính trị gia à?”
Vị đại biểu quốc hội đại diện cho tỉnh bắt đầu bằng bài diễn văn chào mừng, cảm ơn thủ tướng đã tỏ sự quan tâm đặc biệt tới mảnh đất nghèo nàn, hèn mọn này. “Cử tọa thật quá ít ỏi,” ông ta nói, đoạn khoát tay bao quát đám đông hai mươi lăm nghìn khán giả bất đắc dĩ. “Nhưng đây là những cử tọa nhiệt thành và tha thiết, mang trong mình một tình yêu bao la dành riêng cho thủ tướng, người đã lao tâm khổ tứ biết bao để chúng tôi có cuộc sống tử tế hơn. Chúng tôi là những con người thô mộc, đến từ những làng quê bình dị. Nhưng chúng tôi hiểu sự thật, và hôm nay chúng tôi đến đây để lắng nghe vị lãnh tụ của mình…”
Ishvar xắn tay áo, tháo hai khuy và cúi thổi phù phù vào người cho mát. “Chả biết trò này kéo dài bao lâu nhỉ…”
“Hai, ba, bốn tiếng, còn tùy số bài phát biểu,” Rajaram đáp.
“… và nhớ ghi lại, thưa các nhà báo sẽ đưa tin cho báo ngày mai. Đặc biệt là các nhà báo nước ngoài. Bởi những ghi chép cẩu thả đã từng gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng. Rất nhiều lời dối trá đã được phát tán xung quanh Tình trạng khẩn cấp, vốn được tuyên bố đặc biệt vì lợi ích của toàn dân. Cứ trông mà xem: thủ tướng đi đến đâu, hàng ngàn người lại vượt bao dặm đường đổ về đấy, để nhìn thấy bà và nghe bà nói. Chắc chắn đây là dấu hiệu của một vị lãnh tụ vĩ đại thực thụ.”
Rajaram lấy ra một đồng xu và bắt đầu chơi trò đoán sấp ngửa với Om. Quanh họ, mọi người đang làm quen, chuyện gẫu, bàn tán về mùa mưa. Trẻ con tự nghĩ ra các trò chơi và vẽ bậy lên mặt đất. Vài người lăn ra ngủ. Một bà mẹ duỗi dài đôi chân phủ tấm sari, đoạn đặt đứa bé con ngồi xuống thung lũng giữa hai bắp đùi, và bắt đầu tập thể dục cho nó trong khi miệng khe khẽ hát, chị ta dang tay nó ra, bắt chéo lại trên ngực nó, giơ hai bàn chân bé tí lên cao hết mức có thể.
Những người giám sát và các tình nguyện viên tuần tiễu quanh các khu đất, theo dõi tình hình. Họ chẳng lấy làm bận tâm nếu dân chúng kín đáo kiếm trò tự tiêu khiển. Hoạt động duy nhất bị cấm là đứng dậy hoặc rời khu rào. Vả lại, đây mới chỉ là bài phát biểu mở đầu.
“… vậy mà có những kẻ dám nói thủ tướng phải từ nhiệm, rằng luật lệ của bà là bất hợp pháp! Những kẻ đó là ai mà lại cả gan nói ra những lời dối trá đến thế? Thưa các anh chị em, bọn chúng chỉ là những kẻ thiểu số được cưng nựng nuông chiều, sống trên các thành phố lớn và tận hưởng những tiện nghi mà tôi và các bạn còn không dám mơ tới. Chúng không thích những thay đổi mà thủ tướng đang áp dụng vì những đặc quyền bất công của chúng sẽ bị tước mất. Nhưng có một điều hiển nhiên rằng ở các làng quê, nơi bảy mươi nhăm phần trăm dân cư nước ta sinh sống, không có gì khác ngoài một lòng ủng hộ tuyệt đối dành cho thủ tướng kính yêu của chúng ta.”
Đến gần cuối bài phát biểu, ông ta vẫy tay ra hiệu với một người đang đứng chờ ở cánh gà với một chiếc bộ đàm. Vài giây sau, các bóng đèn màu giấu trong chiếc cổng hoa ở phía trước bỗng sáng lòe lên, đủ để ganh với ánh nắng ban trưa. Khán giả đều sửng sốt. Tiếng vỗ tay ép buộc lẹt đẹt dành cho bài phát biểu của ngài đại biểu quốc hội giờ đã trở thành những tràng pháo tay thực thụ khen tặng màn trình diễn hình ảnh.
Khi ánh đèn hừng hực vẫn còn chói lòa, tiếng máy bay trực thăng gầm rú lại choán ngợp cả bầu trời, những tràng phạch phạch phạch vọng xuống từ phía sau sân khấu. Bụng của cỗ máy kềnh càng nhả ra thứ gì đó. Cái bọc bung mở – toàn cánh hoa hồng!
Đám đông reo ầm ĩ, song viên phi công đã canh sai thời điểm. Thay vì đổ như mưa xuống đầu thủ tướng cùng các vị tai to mặt lớn, toàn bộ số cánh hoa lại rơi xuống một đồng cỏ sau lưng sân khấu. Một gã chăn dê đang trông đàn súc vật vội cảm ơn trời đất vì niềm vinh dự ấy, rồi lật đật chạy về nhà để khoe gia đình về điều kì diệu vừa qua.
Bọc thứ hai, hướng vào khu VIP, rơi đúng địa chỉ nhưng lại không bung ra được. Có người đã được đưa lên cáng khiêng đi. Đến khi bọc thứ ba được thả xuống khu khán giả, tay nghề viên phi công đã thành, đó là một cú thả hoàn hảo. Một cơn gió nhiệt tình nổi lên, hào phóng thổi tung những cánh hoa. Bọn trẻ con trong đám đông được một phen đuổi theo hoa thỏa thích.
Trên sân khấu bỗng xôn xao vì thêm nhiếu cái cúi đầu chào, vì tiếng kéo ghế kẽo kẹt, rồi thủ tướng tiến đến trước chùm micro. Một tay giữ vạt sari trên cổ, bà bắt đầu nói. Mỗi câu bà nói ra lại được hộ tống bằng một tràng pháo tay như sấm động từ trên sân khấu và khu VIP, kéo theo những tiếng vỗ tay đầy ý thức trách nhiệm dưới chỗ khán giả. Bài phát biểu của thủ tướng xem ra đang có nguy cơ bị bóp nghẹt bởi tình trạng vỗ tay quá khích. Rốt cuộc, bà đành rời bục diễn thuyết và thì thầm gì đó với một tay trợ lý, gã này bèn ra dặn dò các vị chức sắc. Kết quả hết ý. Kể từ đó, các tràng vỗ tay đã được phân bố hợp lý hơn.
Bà chỉnh sửa lại mảnh sari trắng đang tụt khỏi đầu và tiếp lời. “Không có lý do gì để lo lắng chỉ vì Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Đó chỉ là một biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực xấu xa. Nó sẽ giúp cải thiện cuộc sống cho những người dân thường. Chỉ có bọn lừa đảo, buôn lậu, chợ đen mới cần lo lắng, vì chúng ta sẽ sớm tống chúng vào sau song sắt. Và chúng ta sẽ thành công, bất chấp âm mưu ghê tởm đã được ấp ủ từ những ngày đầu tôi cho triển khai những chương trình vì lợi ích của những người đàn ông và phụ nữ lương thiện. Đang có một bàn tay nước ngoài can dự vào công cuộc chống phá chúng ta – bàn tay của những kẻ thù vốn không mong nhìn thấy chúng ta phồn vinh.”
Rajaram lấy ra một cỗ bài và bắt đầu tráo, Om thích chí lắm. “Anh chuẩn bị kĩ thật đấy, chắc luôn,” cậu nói.
“Dĩ nhiên. Xem ra buổi hôm nay dài đấy. Chú chơi không?” Anh ta hỏi Ishvar, và chia luôn cho cả ông. Những người ngồi gần họ nghển cổ lên, sung sướng vì có món giải sầu. Họ bu lại thành vòng tròn để xem chơi bài.
“… nhưng chẳng hề gì, vì chúng ta đã quyết một lòng, rằng các thế lực phá hoại phải bị thanh trừ. Chính phủ sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi không còn tồn tại một mối đe dọa nào đến nền dân chủ của đất nước ta.”
Đến lúc này thì Om không chịu vỗ tay nữa, cậu nói tay cậu đang đau. Cậu đánh một quân, thì một người ngồi gần cậu bỗng buột miệng: nhầm rồi, nhầm rồi. Om nhận ra mình đánh hớ, bèn lấy lại quân bài và xuống một quân khác; trong khi đó, những điểm chính của Chương trình Hai mươi mốt điểm đang được liệt ra.
“Điều chúng tôi muốn làm là cho người dân nhà ở. Đầy đủ lương thực thực phẩm, để không một ai bị đói. Vải vóc ở mức giá kiểm soát. Chúng tôi muốn xây dựng trường học cho trẻ em và bệnh viện để chăm sóc những người đau ốm. Các biện pháp hạn chế sinh đẻ cũng sẽ được miễn phí cho tất cả mọi người. Và chính phủ sẽ không dung thứ cho tình trạng người dân tùy ý gia tăng dân số bừa bãi, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên vốn là sở hữu của toàn dân. Chúng tôi xin hứa sẽ diệt trừ đói nghèo ở các thành phố và thị trấn cùng làng quê.”
Cuộc bài bạc càng lúc càng huyên náo. Om khoái trá đập bẹt quân bài của mình xuống, đi kèm là những tiếng kèn lệnh. “Tèn ten ten ten!” Cậu hát rầm lên khi đến lượt mình đánh.
“Chỉ thế thôi á?” Rajaram nói. “Có thế mà cũng ầm ĩ hả? Chuyện vặt nhá! Có giỏi thì thử đập lại cây này xem nào!”
“Hô hô! Chờ nãy giờ,” Ishvar nói, ù bài và khiến hai người kia kêu oai oái. Đám người xem bèn đồng loạt reo hò khen tài chơi bài của ông.
Chả mấy chốc, một khán giả – giám sát viên tò tò ra tìm hiểu. “Cái quái gì thế này? Phải biết tôn trọng thủ tướng một chút chứ.” Anh ta dọa sẽ tịch thu tiền công và bánh nếu họ không chịu cư xử cho phải phép và chú ý vào bài phát biểu. Cỗ bài được yêu cầu cất đi.
“… Và các đội cảnh sát cơ động mới thành lập của chúng tôi sẽ tóm cổ bọn buôn lậu vàng, phanh phui tham nhũng và tiền bẩn, và trừng phạt những kẻ trốn thuế đang làm nghèo đất nước. Các anh chị em có thể tin tưởng phó thác cho chính phủ hoàn thành nhiệm vụ này. Phần việc của các anh chị em trong công cuộc này rất đơn giản: ủng hộ chính phủ, ủng hộ Tình trạng khẩn cấp. Cái ta cần nhất lúc này là kỉ cương – kỉ cương trong mọi phương diện của cuộc sống, nếu muốn phục hưng đất nước. Hãy tránh xa mọi hình thức mê tín dị đoan, đừng tin vào các thể loại chiêm tinh và thầy bói, chỉ tin vào bản thân mình và lao động chăm chỉ. Tránh xa cả những lời đồn thổi và phao tin vô căn cứ nếu các anh chị em yêu quý đất nước mình. Trên tất cả, hãy thực hiện bổn phận của mình! Đây, thưa các anh chị em, là lời kêu gọi của tôi dành cho các bạn! Jai Hind![38]”
Mười tám vị ngồi trên sân khấu nhất tề đứng dậy chúc mừng thủ tướng đã có một bài phát biểu rung động lòng người hết sức. Một cơn sóng nịnh hót sôi nổi lại mở màn. Đến cuối cuộc, vị quan chức của đảng chịu trách nhiệm nói lời cảm ơn chính thức đến thủ tướng bước ra, miệng nở nụ cười ngô nghê với cái micro.
“Ôi, thôi!” Om kêu lên. “Lại một bài phát biểu nữa à? Khi nào ta mới được ăn bánh?”
Khi kho lời cảm ơn cũ rích cùng các bài tâng bốc nhàm chán đã cạn, vị diễn giả bất thình lình chỉ tay lên khoảng trời ở phía xa khu đất. “Trông kìa! Trên những đám mây! Ôi, bọn chúng ta thật quá may mắn!”
Khán giả nhìn lên rồi ngó quanh quất hòng tìm kiếm nguyên nhân gây ra nỗi phấn khích của diễn giả. Lần này không có chiếc trực thăng cánh quay phành phạch nào. Nhưng ở phía chân trời, đang trôi lơ lửng về phía cánh đồng, là một quả khinh khí cầu khổng lồ. Khối vòm màu cam, trắng, và xanh lục lướt ngang bầu trong xanh không một gợn mây trong bầu không khí lặng tờ như trong một giấc mơ. Nó giảm độ cao một chút khi tiến gần đám đông, và giờ những người tinh mắt đã có thể nhận ra khuôn mặt đang bay lượn trên cao giấu sau cặp kính râm. Cái hình người ấy giơ một cánh tay trắng phớ lên và vẫy chào.
“Ôi, những người dự mít tinh hôm nay thật may mắn gấp đôi!” Vị diễn giả hét sang sảng vào micro. “Thủ tướng thì ở trên sân khấu này với chúng ta, còn con trai bà lại đang ở trên trời cao, ngay trên đầu chúng ta! Chúng ta còn có thể mong mỏi gì hơn nữa!”
Trong khi đó, ông con trai ở trên trời đã bắt đầu ném các tờ truyền đơn xuống. Với khiếu kịch nghệ trời sinh, thoạt tiên anh ta chỉ thả một tờ xuống để nhử khán giả. Mọi cặp mắt đều đóng đinh vào tờ giấy đang hờ hững chao liệng và lượn vòng. Anh ta tiếp nối bằng hai tờ truyền đơn nữa, và chờ đợi, trước khi xả hết cả mớ bằng những nắm to đùng.
“Vâng, thưa các anh chị em, Người mẹ của Ấn Độ đang ngồi đây, trên khán đài với chúng ta, và Con trai của Ấn Độ đang ở trên trời cao kia! Hiện tại huy hoàng, ở đây, lúc này, và tương lai rạng rỡ, trên kia, đang đợi lúc hạ phàm và bao bọc cuộc đời chúng ta! Đất nước ta thật may mắn biết chừng nào!”
Những lá truyền đơn ít ỏi đầu tiên sà xuống đất, mang bức hình của thủ tướng cùng Chương trình Hai mươi Mốt Điểm. Một lần nữa, lũ trẻ lại được một phen thỏa thích đuổi theo đám giấy để đua xem đứa nào nhặt được nhiều nhất. Quả khinh khí cầu rời khỏi bầu trời, để lại không gian cho cuộc tấn công cuối cùng của chiếc trực thăng.
Lần này nó hạ thấp hơn nhiều so với trước đó. Rủi ro được đền đáp bằng sự chính xác: một cơn mưa cánh hoa hồng hoành tráng sau chót trút xuống sân khấu. Nhưng tấm hình thủ tướng cao hai nhăm mét bắt đầu rung chuyển trong cơn bão của cánh quạt trực thăng. Đám đông hét lên kinh hoảng. Cái hình người với đôi tay dang rộng rít lên, còn những sợi dây căng ra trước sức giằng của nó. Mấy nhân viên an ninh vừa điên cuồng vẫy chiếc trực thăng, vừa mắm môi mắm lợi giữ lấy các dây buộc cùng thanh chống. Song cơn lốc quá dữ dội, vô phương chống cự. Tấm pa-nô từ từ đổ về phía trước. Những người đứng gần bà khổng lồ bằng các tông và gỗ dán bỏ chạy tán loạn.
“Chả ai muốn bị rơi vào vòng tay của thủ tướng cả nhỉ,” Rajaram nói.
“Nhưng bà ta cứ đòi cưỡi lên người ta cơ,” Om nói.
“Thằng mất dạy,” bác cậu quở.
Họ hối hả chạy ra chỗ lán giải khát, nơi một dòng người dài bất tận đang nằm dưới vòng kiểm soát của toán nhân viên an ninh. Tình trạng thiếu cốc uống trà khiến nó khó dịch chuyển nhanh hơn. Suất ăn nhẹ – mỗi người một cái bánh rau chiên – đã hết sạch. Bàn tay những người cấp dưỡng càng lúc càng kém hào phóng đi theo nguồn trà dần teo tóp. Họ bắt đầu rót ra những cốc chỉ đầy phân nửa. “Không phải ít trà hơn đâu,” họ giải thích với những người lên tiếng phản đối thái độ bủn xỉn kia. “Nước đặc hơn đấy.”
Trong khi dòng người nhích từng bước về phía trước, xe cứu thương chạy dọc rìa cánh đồng, còi hú inh ỏi, thu thập những nạn nhân bị thương từ vụ đổ pa-nô hình thủ tướng. Sau một tiếng chờ đợi, Ishvar, Om, và Rajaram vẫn ở cuối hàng, khi trà đã cạn kiệt. Cùng lúc đó, có tin báo: Xe buýt sẽ lăn bánh trong mười phút nữa. Sợ bị bỏ lại đến cuống cả lên, ai nấy bỏ ngang cuộc cãi vã với mấy người chia trà và cắm cổ chạy ra khu đỗ xe. Họ được trả mỗi người bốn rupi khi lên xe.
“Sao lại bốn?” Ishvar hỏi. “Lúc đến, họ bảo chúng tôi là năm rupi cơ mà.”
“Một rupi tiền vé xe buýt, trà và bánh.”
“Bọn này có được uống trà ăn bánh quái đâu!” Om hùng hổ gí sát mặt vào mặt người kia. “Mà họ bảo xe buýt miễn phí cơ mà!”
“Gì? Ông kễnh muốn đi xe buýt chùa á? Bố chú mày là Divali chắc?”
Om sửng cồ. “Tôi cảnh cáo anh, đừng có lôi tên bố tôi ra.”
Ishvar và Rajaram vội dỗ cậu lên xe. Gã kia cười hô hố, chế nhạo chàng trai tướng tá như con bọ que lại còn học đòi ăn to nói lớn.
Họ ngồi ủ rũ trong suốt chuyến đi về, vừa khát vừa mệt. “Phí phạm cả một ngày,” Ishvar nói. “Lẽ ra ta đã may được sáu cái váy rồi. Mất toi ba chục rupi.”
“Đến tầm giờ này là tôi đã gom được khối tóc rồi.”
“Có lẽ khi nào về đến nhà, bác sẽ ghé qua chỗ cô Dina,” Ishvar nói. “Để giải thích thôi. Hứa ngày mai chúng ta sẽ đến.”
Hai tiếng sau, xe buýt dừng lại ở một khu lạ hoắc. Tài xế bắt tất cả xuống xe. Ông ta nói mình được chỉ thị như thế. Để phòng xa, ông ta quay kính cửa sổ lên kín mít và nhốt mình trong ca bin.
Dân cư khu lều lán giậm chân thình thịch lên sàn xe, nhổ nước bọt, đá vào sườn xe mấy lần liền. “Lũ mất dạy!” Gã tài xế gào lên. “Phá hoại của công thế hả!”
Vài cú đấm vớt được dội xuống chiếc xe trước khi đám đông bỏ đi. Ishvar và Om chả hiểu mình đang ở đâu, nhưng đã có Rajaram biết đường. Sấm vang rền, trời lại đổ mưa.
Họ đi bộ một tiếng ròng. Khi họ về đến khu ổ chuột, lúc ấy đã tối sụp.
“Ta ăn quàng cái gì đó đi,” Ishvar nói. “Rồi bác sẽ qua xin lỗi cô Dina.”
Ông đang bơm cái bếp Primus và quẹt một mồi diêm, thì bóng đêm bỗng bị xé toạc bởi một tiếng thét hãi hùng. Nó không giống tiếng người, cũng chẳng phải tiếng thú. Hai người thợ may xách vội cây đèn bão rồi cùng Rajaram chạy về phía phát ra tiếng thét, lều của người dạy khỉ.
Họ tìm thấy anh ta ở sau lưng lán, đang mắm môi mắm lợi bóp cổ con chó. Tikka ở bên cạnh anh ta, mắt lồi hẳn ra, bị đầu gối anh chàng dạy khỉ ghì nghiến xuống. Bốn chân con chó cào loạn trong không khí, cố tìm một điểm tựa có thể giúp nó thoát khỏi nỗi đau không lời nào tả xiết đang quấn lấy cổ nó.
Ngón tay người dạy khỉ siết chặt hơn nữa. Những tiếng thét điên dại của anh ta hòa làm một với tiếng tru kinh hoảng của Tikka. Thứ giai điệu ghê rợn hợp từ tiếng thét của người và vật tiếp tục băm nát màn đêm.
Ishvar và Rajaram cố mãi cũng gỡ được ngón tay anh chàng dạy khỉ ra. Tikka lóp ngóp bò dậy. Nó không chạy, chỉ thủy chung đứng đợi gần đó, vừa ho khạc, vừa giơ chân quào quào mặt. Anh chàng dạy khỉ lại cố tóm lấy nó nhưng bị mấy người vừa chạy đến ngăn lại.
“Bình tĩnh nào,” Rajaram nói. “Có gì chuyện gì thế, nói cho chúng tôi biết đi.”
“Laila với Majnoo!” Anh ta khóc nấc, tay chỉ về phía lán, nghẹn ngào không nói nên lời. Anh ta cố tìm cách dụ con chó lại gần, mồm tắc tắc mấy tiếng. “Tikka, Tikka, ra đây, Tikka ngoan!”
Những mong tìm kiếm sự tha thứ, con vật ngoan ngoãn lại gần. Anh chàng dạy khỉ giơ chân đá phốc vào sườn nó trước khi những người khác kịp kéo anh ta lại. Họ giơ đèn lồng lên và nhòm vào lán.
Ánh sáng lập lòe hắt lên tường, rồi trườn xuống nền nhà. Họ thấy xác hai con khỉ nằm lăn lóc trong một góc. Chiếc đuôi màu nâu dài thượt của Laila và Majnoo, lúc sống sinh động là thế, nay nom quắt queo đến kì dị. Như sợi thừng cũ xơ tướp, hai cái đuôi kéo lết bết trên mặt đất. Một trong hai con đã bị xơi mất một phần, ruột gan phòi ra lòng thòng một màu nâu nâu đen đen.
“Hai Ram,” Ishvar lẩm bẩm, tay đưa lên bịt miệng. “Kinh khủng quá.”
“Để tôi xem nào,” một người vừa nói vừa cố len qua đám đông.
Chính là bà cụ đã cho Om nước hôm đầu dọn đến, lúc vòi đang cạn. Anh chàng chơi đàn dạo khuyên mọi người nên nhường đường cho bà ta vào ngay, bà có thể xem tướng ruột thành thạo chẳng khác nào thầy pháp đọc Bhagavad Gita.
Đám đông rẽ lối, bà cụ bèn bước vào. Bà ta sai hạ chiếc đèn lồng xuống gần hơn. Đoạn bà giơ chân nhứ nhứ cái xác để bộ ruột lộ ra rõ hơn.
“Cái nạn mất hai con khỉ không phải mất mát lớn nhất cậu ta sẽ gặp,” bà tuyên bố. “Vụ giết chó không phải cái tội giết chóc nặng nhất mà cậu ta sẽ phạm.”
“Nhưng con chó,” Rajaram lên tiếng, “chúng tôi đã cứu nó rồi, nó đang…”
“Vụ giết chó không phải cái tội giết chóc nặng nhất mà cậu ta sẽ phạm,” bà cụ nhắc lại bằng một vẻ quả quyết sắt đá, rồi bỏ đi. Các khán giả của bà chỉ nhún vai, cho là bà cụ, dẫu nói như chém đinh chặt sắt là vậy, nhưng chắc chỉ do quá hoảng hốt và bối rối trước sự việc vừa qua.
“Tôi sẽ giết nó!” Anh chàng dạy khỉ lại rú lên. “Con tôi chết rồi! Tôi sẽ giết chết con chó khốn nạn ấy!”
Một người dắt Tikka ra chỗ an toàn, còn những người khác cố khuyên giải người dạy khỉ. “Con chó chỉ là giống súc vật đần độn. Đói thì nó ăn, thế thôi. Giết nó đi phỏng ích gì? Cũng tại anh nhốt chúng nó với nhau đấy thôi.”
“Nó chơi với bọn khỉ như anh chị em,” anh ta khóc mếu. “Cả ba đứa chúng nó có khác nào con tôi đâu. Giờ lại ra thế này. Tôi sẽ giết nó.”
Ishvar và Rajaram dắt người dạy khỉ đi xa khỏi lán của anh ta. An ủi anh ta sẽ dễ hơn khi mấy cái xác bê bết máu đã khuất mắt. Họ vào lán của Rajaram, rồi lại vội vã bỏ ra. Những bao tóc chất kín bốn góc, nom chả khác nào những cái xác bé tí đầy lông lá rùng rợn, không phải là thứ người dạy khỉ có thể đương nổi trong hoàn cảnh hiện tại. Vì vậy họ kéo vào lán của hai người thợ may và rót cho anh ta một cốc nước. Anh ta ngồi đó với cốc nước trên tay, khóc thút thít, run lẩy bẩy, rồi lại lảm nhảm một mình.
Ishvar quyết định, ghé qua nhà cô Dina lúc này đã là chuyện khỏi cần nghĩ nữa, vì cũng quá muộn rồi. “Ngày gì thế không biết,” ông thì thọt với Om. “Mai ta giải thích cho cô ấy cũng được.”
Họ ngồi bên người dạy khỉ đến quá nửa đêm, để mặc anh ta muốn khóc lóc bao nhiêu mặc tình. Một buổi lễ chôn cất đã được định sẵn cho Laila và Majnoo, và mọi người khuyên anh ta tha lỗi cho con chó. Vấn đề sinh nhai được nêu ra bởi Rajaram: “Cậu sẽ mất thời gian bao lâu để dạy bọn khỉ mới?”
“Chúng là bạn tôi – con tôi! Tôi không muốn nghe bất cứ câu nào về chuyện thay thế chúng!”
Anh ta im lặng một lúc, rồi, lạ thay, lại tự mình lôi chuyện đó ra. “Tôi còn nhiều tài vặt nữa, các anh không biết đấy thôi. Nhào lộn, đi trên dây, tung hứng, đi thăng bằng. Một tiết mục mới không cần khỉ cũng khả thi. Để từ từ tôi sẽ nghĩ xem làm gì. Giờ tôi phải khóc cho thỏa lòng đã.”
Dina tỏ vẻ không hài lòng khi Maneck đi học về muộn. Mà lại vào ngày đầu tiên nữa chứ, cô nghĩ thầm. Chả ai còn biết ngay giấc đúng giờ là gì nữa rồi. Có lẽ bà Gupta nói đúng, Tình trạng khẩn cấp cũng chẳng tệ lắm nếu nó dạy người ta biết để ý đến thời gian.
“Trà của cháu đã sẵn sàng từ hơn một tiếng trước rồi đấy,” cô nói, đoạn rót cho cậu một tách và phết bơ lên một lát bánh mì Britannia. “Cháu bận việc gì thế?”
“Cháu xin lỗi dì. Đợi xe buýt lâu quá. Sáng nay cháu cũng bị muộn học. Ai cũng cằn nhằn, hình như xe buýt biến đâu hết khỏi đường phố rồi thì phải.”
“Lúc nào mọi người chả cằn nhằn.”
“Hai người thợ may đã làm xong việc rồi ạ?”
“Họ có đến đâu.”
“Có chuyện gì thế ạ?”
“Nếu biết thì làm sao trông dì lại lo lắng thế này? Ngày thường họ đã đi muộn đều như đi đạo rồi, nhưng đây là lần đầu họ vắng mặt nguyên một ngày.”
Maneck uống vội tách trà rồi về phòng. Cậu đá tung giày ra khỏi chân, rồi hít hửi thử đôi tất – hơi có mùi một chút – và xỏ dép vào. Vẫn còn vài hộp nữa cần dỡ ra. Chi bằng làm luôn. Quần áo, khăn, kem đánh răng, xà phòng được cất vào tủ búp phê. Một mùi hương dễ chịu phả ra từ hộc tủ. Cậu hít một hơi thật sâu: cậu nhớ đến dì Dina, cô thật ưa nhìn – mái tóc rất đẹp, khuôn mặt dịu dàng.
Đồ đã dỡ xong hết, cậu ngơ ngẩn không biết phải làm việc gì nữa. Chiếc ô treo trên tủ khiến cậu chú ý. Cậu mở ra, trầm trồ hình ngôi chùa, và mường tượng cảnh dì Dina cầm nó xuống phố. Hệt như các quý bà quý cô ở trường đua trong phim My Fair Lady. Trông dì trẻ hơn mẹ nhiều, dù mẹ bảo hai người bằng tuổi, đến năm nay là bốn mươi hai. Và rằng cuộc đời dì đã trải qua lắm truân chuyên, nhiều bất hạnh, chồng dì mất từ sớm, nên Maneck phải đối xử tốt với dì, dù tính tình dì có khó khăn đi nữa.
Thảo nào dì Dina lại có phong thái như thế, cậu nghĩ, cũng vì một đời vất vả. Cách dì nói năng, giọng điệu lộ vẻ già nua, đã trải bao cay đắng ngọt bùi. Lời lẽ của dì lúc nào cũng sắc lạnh – lời lẽ của một con người mệt mỏi, đầy hoài nghi. Cậu ước sao mình có thể giúp dì vui lên, thỉnh thoảng chọc cho dì cười.
Căn phòng nhỏ khiến cậu thấy ngột ngạt. Cứ thế này mãi thật chán, và cả năm học còn lại hẳn cũng sẽ kéo dài lê thê. Cậu nhặt một cuốn sách lên, lật qua, rồi vứt lại lên bàn. Bộ cờ. Cậu bày bàn cờ và đi vài nước máy móc. Với cậu, niềm vui đã khô cạn trong những hình hài bằng nhựa. Cậu gạt chúng vào chiếc hộp màu huyết dụ có nắp trượt – từ nhà tù của những ô vuông sang nhà tù của cỗ quan tài.
Song cậu chí ít cũng đã thoát khỏi nhà tù của mình, cậu nghĩ, đã không còn phải nhìn thấy cái kí túc xá khốn kiếp kia nữa. Điều hối tiếc duy nhất của cậu là đã không có dịp chào tạm biệt Avinash, căn phòng của anh ta vẫn khóa kín im lìm. Có sẽ anh ta vẫn đang trốn ở nhà bố mẹ – có điên mới trở lại giữa lúc chế độ Tình trạng khẩn cấp đang thống trị trường đại học và nhiều người vẫn tiếp tục biến mất không một tăm hơi.
Maneck nhớ lại những ngày đầu quen anh ta, khi tình bạn của họ mới nảy nở. Tất cả những việc tôi làm đều như chơi cờ hết, Avinash đã từng nói thế. Giờ thì anh ta đang bị chiếu tướng gắt gao. Liệu anh ta có kịp đi nước hoán vị, để được che chở bởi ba con tốt và một con xe chưa? Còn dì Dina nữa, cứ phải đấu với hai người thợ may của mình, lựa từng nước đi giữa phòng trong và phòng ngoài. Và bố, gắng sức đương đầu với các địch thủ ngành giải khát, những kẻ không thèm tuân thủ luật lệ của cuộc chơi, những kẻ dám lấy quân cờ vua để chơi cờ đam.
Buổi tối tô đậm thêm những bóng đen trong căn phòng, nhưng Maneck chẳng buồn bật đèn lên. Dưới ánh chiều nhập nhoạng, những ý nghĩ kì dị về môn cờ vua bỗng mang một màu sắc đen tối, u ám. Mọi thứ đều nằm trong vòng nguy hiểm, và thật rối rắm. Cuộc chơi không chút khoan nhượng. Cuộc chém giết trên bàn cờ cuộc đời đã bỏ lại sau lưng nó những nạn nhân đầy thương tích. Bố Avinash dính bệnh lao, ba cô em gái của anh ta đang chờ của hồi môn, dì Dina vật lộn để chống chọi với đủ mọi bất hạnh, bố suy sụp và vỡ mộng, còn mẹ vờ tin rằng bố sẽ trở lại là con người mạnh mẽ, tươi vui ngày nào, rằng con họ sẽ quay về sau một năm học đại học, bắt tay vào đóng chai Kohlah Cola dưới tầng hầm, và cuộc sống của họ sẽ lại ngập tràn hi vọng và hạnh phúc, hệt như khoảng thời gian trước khi cậu bị đưa vào học trường nội trú. Song giả vờ chỉ có tác dụng trong thế giới tuổi thơ mà thôi, mọi sự sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa. Cuộc đời dường như thật vô vọng, chẳng còn gì khác ngoài nỗi đau cho tất cả mọi người…
Cậu đóng sập hộp cờ: một luồng gió hôn lên mặt cậu. Trên gò má ướt nước mắt, nụ hôn nghe lạnh băng. Cậu chùi mắt và sập hai cánh hộp lại một lần nữa, xếp quạt, rồi cầm cả cái bàn cờ phe phẩy cho mình.
Tiếng dì Dina gọi “ăn tối thôi”, mãi rồi cũng đến, chẳng khác nào một cuộc phóng thích. Cậu có mặt bên bàn ăn ngay tức khắc, đứng vẩn vơ xung quanh chứ không ngồi xuống đến tận khi được chỉ chỗ ngồi.
“Cháu bị cảm lạnh à?” Cô hỏi. “Mắt cháu trông ướt quá.”
“Không ạ, cháu chỉ nghỉ một tí thôi.” Chả có gì qua nổi mắt cô, cậu thầm nghĩ.
“Hôm qua dì quên mất chưa hỏi cháu, cháu thích ăn bằng dao nĩa hay bốc tay?”
“Thế nào cũng được, không quan trọng đâu ạ.”
“Ở nhà cháu ăn kiểu gì?”
“Nhà cháu dùng dao nĩa ạ.”
Cô bày ra con dao cùng nĩa và thìa quanh đĩa của cậu, để trống bên đĩa của mình, và bưng thức ăn lên.
“Cháu ăn bốc cũng được mà,” cậu gàn. “Dì không cần phải quan tâm đặc biệt đến cháu thế đâu.”
“Đừng tưởng bở nhé, thép không gỉ rẻ tiền thì có gì mà đặc biệt?” Cô múc thức ăn vào đĩa của cậu và ngồi xuống ghế đối diện. “Hồi dì còn bé, bàn ăn nhà dì lúc nào cũng được bày biện đủ lệ bộ. Đồ bạc nguyên chất. Bố dì rất kĩ tính về mấy chuyện đấy. Sau khi ông mất, nếp sống của cả nhà thay đổi hết. Nhất là khi bác Nusswan anh trai dì lấy bác Ruby. Bác ấy bỏ lệ này ngay. Bác ấy bảo, cần gì phải bắt chước bọn người nước ngoài, trong khi trời đã cho ta những ngón tay khéo léo tuyệt vời. Nói thế kể cũng đúng. Nhưng dì nghĩ chỉ vì bác ấy lười không muốn rửa mấy món dao nĩa linh tinh kia mà thôi.”
Ăn được một lúc, Dina rửa tay và lấy ra một bộ dao nĩa cho riêng mình. “Cháu làm dì có hứng rồi đấy,” cô mỉm cười. “Phải đến hai lăm năm nay dì không động đến mấy thứ này.”
Cậu nhìn lảng đi, cố không làm những ngón tay cô lúng túng. “Ngày mai hai người thợ may có đến không ạ?” “Hi vọng là có,” cô nói, gạt chuyện đi thật nhanh.
Nhưng nỗi lo lại kéo cô trở lại với nó. “Nếu họ chưa tìm được việc nào tốt hơn và biến mất luôn. Nhưng dì biết mong hòng gì được ở những hạng người đấy? Kể từ ngày dì mở xưởng may này, họ đã biến đời dì thành địa ngục. Ngày nọ nối ngày kia, họ làm dì muốn phát điên vì lo không làm xong hàng đúng hẹn.”
“Có lẽ họ bị ốm hay gì đó.”
“Cùng lúc cả hai người? Chắc ốm vì chè chén đây mà, hôm qua dì vừa trả công họ xong. Chẳng có tí kỉ luật, ý thức trách nhiệm gì hết. Mà thôi, chả hiểu sao dì lại làm cháu bận tâm vì việc của dì nhỉ.”
“Không sao đâu ạ.” Cậu giúp cô bê đĩa bẩn vào bếp. Mấy con mèo hoang đang kêu meo meo bên ngoài. Cậu nghe thấy tiếng chúng từ đêm qua, lúc đang chìm vào giấc ngủ, và mơ thấy lũ chó hoang tụ tập dưới hiên Cửa hàng bách hóa tổng hợp, bố vừa cho chúng ăn, vừa nói đùa là chả mấy chốc nữa ông sẽ phải mở một cửa hiệu riêng cho các khách hàng chó của mình.
“Đừng vứt ra cửa sổ, Maneck, vứt vào thùng rác ấy,” Dina ngăn, khi cậu ném mấy miếng xương xẩu ra ngoài.
“Nhưng cháu muốn cho bọn mèo ăn mà dì.”
“Đừng, đừng dung túng bọn nó.”
“Bọn nó đói đấy, dì xem, bọn nó đang ngóng kia kìa.”
“Vớ vẩn. Rặt một lũ của nợ rình ngoài cửa sổ chứ gì. Đã thế, bọn nó còn chui vào phá bếp lung tung nữa. Bọn này có mỗi một thứ có ích, ấy là bộ ruột. Để làm dây đàn vi-ô-lông, chồng dì bảo thế.”
Maneck tin chắc cô sẽ hồi tâm chuyển ý nếu ngày nào cậu cũng nói về bọn mèo như thể chúng là những con người; đấy là mẹo bố cậu vẫn hay dùng. Khi cô quay lưng lại, cậu bèn vứt nốt chỗ thức ăn thừa. Ngay lúc này cậu đã chọn được con mình thích: con mèo mướp vằn nâu trắng có một cái tai sứt đang nói, Ném thức ăn ra đây mau lên, tôi không chờ được nữa đâu.
Dọn dẹp xong, Dina mời cậu ra phòng trước ngồi cùng cô, muốn đọc sách hay học bài, làm gì tùy thích. “Cháu không cần phải ru rú trong phòng như thế. Cứ tự nhiên như ở nhà. Nếu cháu cần gì thì đừng ngại hỏi nhé.”
“Cảm ơn dì.” Cậu vẫn lo sợ sẽ phải trở vào xà lim của mình trước giờ đi ngủ. Cậu ngồi xuống chiếc ghế tựa đối diện chỗ cô và lật qua một tờ tạp chí.
“Cháu đã gặp họ hàng bên ngoại chưa?”
Cậu lắc đầu. “Cháu hầu như chả biết gì về bên ngoại. Mà cả nhà cháu cũng chưa bao giờ thân thiết với bên đó. Bố cháu hay bảo họ lù đù quá, dễ thường có thể chết vì chán đời mất.”
“Chậc, chậc, chậc,” cô nhíu mày, nhưng miệng lại nở nụ cười, tay lựa mớ vải vụn của mình. Khoảng nửa tá vuông vải đã được cô cắt cúp cho vừa vặn với nhau được trải hết lên mặt sô pha.
Maneck xích lại gần. “Cái gì đây ạ?”
“Bộ sưu tập vải của dì.”
“Thật ạ? Để làm gì thế ạ?”
“Chả lẽ cứ cần phải có một lý do hay sao? Người ta vẫn sưu tập đủ thứ đấy thôi. Tem, đồng xu, bưu thiếp. Dì không có an-bum, không có sổ lưu niệm, nhưng đã có vải.” “Vâng,” cậu đáp, đầu gật gù vẻ ngờ vực.
Cô để mặc cậu nhìn trân trối mất một lúc, rồi mới nói: “Đừng lo, dì không bị dở hơi đâu. Mấy mảnh vải này là để may chăn. Một cái khăn phủ đẹp cho chiếc giường của dì.”
“À, ra thế.” Cậu bèn lục lọi đống vải, góp ý, lựa ra những mảnh mà cậu thấy có thể hợp với nhau. Có vài mảnh, ví như mấy mẫu vải voan và tuýt xi đang nằm trên tay cậu đây, nom thật đẹp. “Nhiều màu sắc, mẫu mã quá,” cậu thốt lên.
“Cháu định làm nhà phê bình đấy à?”
“Không ạ, ý cháu là để chọn ghép các mảnh sao cho ăn ý cũng khó phết.”
“Ừ, đúng là khó thật, nhưng thế mới cần có gu và tay nghề. Chọn gì, bỏ gì, rồi đặt mảnh nào cạnh mảnh nào.”
Cô cắt bỏ những đường viền lởm chởm và xếp tạm sáu miếng vải cạnh nhau để ngắm nghía cho rõ. “Cháu thấy thế nào?” Cô hỏi.
“Đẹp lắm ạ.”
Cậu bé thật thân thiện dễ gần, cô thầm nghĩ. Những lo ngại của cô về một cậu ấm hư hỏng thật quá vô căn cứ. Và cảm giác có người để nói chuyện cùng thật dễ chịu. Ai đó không phải hai người thợ may, những kẻ luôn ngờ vực cô, mà kể ra cô cũng chẳng tin gì họ.
Chiều hôm sau, cô đón đầu Maneck từ ngoài hành lang khi cậu đi học về và thì thào rằng hai người thợ may đã vác mặt đến. “Nhưng đừng hở câu nào về việc hôm qua dì đã rất lo lắng nhé.”
“Vâng.” Nước thí tốt của quân hậu, cậu thầm nghĩ, đoạn quẳng mấy cuốn sách lên giường. Cậu ra phòng trước nhà đúng lúc hai người thợ trở về sau bữa trà.
“A, cậu ấy đây rồi, cậu ấy đây rồi!” Ishvar reo lên. “Sau cả tháng trời ta mới gặp lại, nhỉ?”
Ông chìa tay ra và hỏi thăm sức khỏe Maneck, còn Om đứng bên cạnh toét miệng cười.
Maneck đáp cậu vẫn khỏe, và Ishvar khoe hai bác cháu đều đang rất no đủ sung sướng, chủ yếu là nhờ nguồn công việc đều đặn mà cô Dina giao, quả là một bà chủ tốt. Ông hướng về phía cô tươi cười để lôi cô vào cuộc chuyện trò.
Suốt buổi chiều, cô ngồi nhìn ba người bọn họ bằng ánh mắt bất bình – làm như họ là bạn bè lâu ngày gặp lại vậy. Mà họ mới gặp nhau có một lần chứ mấy, trên tàu, lúc đang mò mẫm tìm nhà cô.
Đến tối, khi hai người thợ đang chuẩn bị cất dọn đống váy, cô bèn tiễn họ bằng vài lời khuyên nhủ: “Nhỡ thủ tướng có bắt hai người đi mít tinh lần nữa, các anh nên bảo với bà ta là công ăn việc làm của mình đang bị đe dọa. Có hai người thợ đang xin làm việc cho tôi đấy.”
“Không, không,” Ishvar nói. “Bác cháu tôi thực lòng muốn làm cho cô mà. Chúng tôi rất vui được làm cho cô.”
Dina ngồi một mình giữa căn phòng mé trong nhà sau khi hai người thợ may đã về. Dường như cả không gian vẫn còn rung lên bởi mấy chiếc máy Singer. Chỉ ít phút nữa thôi, cảm giác u ám của buổi tối sẽ hiện hữu, xâm lấn bầu không khí, trùm phủ lên chiếc giường cô nằm, ám ảnh cô từ giờ phút này cho đến sáng mai.
Nhưng khi trời nhập nhoạng tối và phố xá đã lên đèn, tâm trạng của cô vẫn tươi tỉnh. Chẳng khác nào phép thần, cô thầm nghĩ, cảm giác khác biệt nảy sinh từ sự hiện diện của một con người khác trong căn hộ này. Cô trở ra phòng trước để thực hiện cuộc trò chuyện nho nhỏ với Maneck như dự tính.
Quân hậu ăn quân mã, cậu nghĩ bụng.
“Cháu thừa hiểu tại sao dì phải nghiêm khắc với họ,” cô nói. “Nếu họ biết dì đang ở thế cùng, họ sẽ ngồi lên đầu dì ngay.”
“Vâng, cháu hiểu. À, dì ơi, dì có biết chơi cờ vua không?”
“Không. Và dì cũng phải nói luôn cho cháu biết, dì không thích cháu nói chuyện với họ nhiều thế đâu. Họ là thợ của dì, cháu là con trai Aban Kohlah. Phải biết giữ khoảng cách. Cứ suồng sã như thế là không được.”
Tình hình còn xấu đi nữa vào buổi chiều hôm sau. Cô không thể tin nổi vào tai mình – cái thằng bé Omprakash mới thật táo tợn, dám ngang nhiên hỏi Maneck: “Cậu có muốn đi uống trà với bác cháu tôi không?” Mà tệ nhất là trên mặt Maneck rạng rỡ nỗi háo hức muốn nhận lời ngay.
Đã đến lúc can thiệp, cô tự nhủ.
“Cậu ấy sẽ uống trà ở đây. Với tôi.” Giọng Dina lạnh băng.
“Vâng, nhưng có lẽ… có lẽ cháu sẽ uống ở ngoài, chỉ hôm nay thôi, dì nhé?”
Cô nói nếu cậu muốn phung phí tiền ăn ở của bố mẹ mình, cô cũng chẳng can.
Ngoài Hotel đồ chay Vishram, bầu không khí sống động hẳn lên bởi mùi xào nấu sực nức. Maneck có cảm giác chỉ cần thè lưỡi ra, cậu cũng có thể nếm hết các món trong thực đơn. Bụng cậu sôi sùng sục.
Họ ngồi quanh một bàn đơn và gọi ba tách trà. Thức ăn rơi rớt từ vô số món ăn cay nóng đã tẩm vào thớ gỗ một lớp véc ni mùi hăng hăng. Ishvar rút trong túi ra một gói thuốc lá và chìa ra mời Maneck.
“Không, cảm ơn chú. Cháu không hút thuốc.”
Hai người thợ châm thuốc. “Cô ta không cho bác cháu tôi hút cạnh máy,” Om nói. “Và giờ phòng chật ních, từ khi có thêm cái giường của cô ta. Trông chả khác gì một cái nhà kho nhếch nhác.”
“Thì đã sao?” Ishvar nói. “Cháu có phải chạy quanh phòng mà chơi bịt mắt bắt dê hay gì đâu.”
Người đầu bếp đứng ở một góc nhà hàng đang nấu nướng giữa một rừng xoong chảo. Ba bác cháu có thể nhìn thấy món trà của mình sôi lăn tăn trong một cái ấm không nắp. Ba chiếc bếp đang cháy bừng bừng phả những đám mây khói nhờn dầu mỡ lên trần. Những lưỡi lửa liếm vào cái đít đen kịt của chiếc chảo khổng lồ chứa đầy dầu nóng đang sôi, sủi bọt đầy đe dọa và đã sẵn sàng để chiên rán. Một giọt mồ hôi rời hàng lông mày bóng nhẫy của người đầu bếp rơi xuống; khiến dầu bắn tung tóe.
“Cậu có thích phòng mình không?” Ishvar hỏi.
“Có chứ. Tốt hơn ở kí túc xá nhiều.”
“Bác cháu tôi cũng tìm được một chỗ ở,” Om nói. “Hồi đầu tôi ghét chỗ đấy lắm, nhưng giờ thì ổn rồi. Quanh nhà chúng tôi có mấy người hàng xóm tốt lắm.”
“Hôm nào cậu phải đến chơi mới được,” Ishvar nói.
“Vâng. Có xa không ạ?”
“Không xa lắm. Đi tàu mất khoảng bốn nhăm phút.” Trà được đặt phịch xuống, nước sóng ra, mấy chiếc cốc ngồi giữa cái đĩa xâm xấp nước màu nâu. Ishvar bưng đĩa lên húp. Om đổ đĩa nước vào cốc lại và nhấp từng ngụm. Maneck cũng bắt chước cậu.
“Vậy trường đại học thế nào?”
Maneck xụ mặt. “Chán lắm. Nhưng kiểu gì tôi cũng phải học cho xong, để làm vừa lòng bố mẹ. Xong xuôi tôi sẽ lên chuyến tàu đầu tiên về thẳng nhà.”
“Khi nào dành dụm được ít tiền, chúng tôi cũng sẽ về quê,” Ishvar vừa nói vừa húng hắng ho. “Để kiếm một cô vợ cho Om. Nhỉ, cháu nhỉ?”
“Cháu không muốn cưới vợ,” cậu càu nhàu. “Cháu đã bảo bác bao nhiêu lần rồi.”
“Trông cái mặt nó như khỉ ăn ớt kìa. Thôi, uống nốt trà đi, hết giờ rồi.” Ishvar đứng dậy để trở về. Hai cậu trai uống nốt mấy ngụm cuối và quày quả rời quán trà nhỏ bé theo ông. Họ sải bước về căn hộ của Dina, đi qua người ăn mày ngồi trên cái bệ gắn bánh xe.
“Nhớ ông ta không?” Om quay sang hỏi Maneck. “Bác cháu tôi gặp ông ta ngay hôm đầu tiên ấy. Giờ ông ta là bạn chúng tôi rồi. Ngày nào chúng tôi cũng đi qua chỗ ông ta ngồi, ông ta hay chào chúng tôi.”
“Chào các chú!” Người ăn mày hát. “Lạy các chú! Các ông lớn rộng rãi của tôi!”[39] Ông ta tươi cười với ba bác cháu, tay lắc lắc cái ống bơ tiền. Maneck bèn thảy vào đó mấy đồng bạc lẻ vừa được thối lại ở chỗ Vishram.
“Mùi gì thế này?” Dina giận dữ nghiêng đầu hít ngửi áo sơ mi của Maneck. “Cháu hút thuốc với bọn họ đấy à?”
“Không ạ,” cậu khẽ nói, chỉ sợ rằng hai người kia ngồi ở phòng trong sẽ nghe thấy.
“Nói thật đi. Dì có khác gì bố mẹ cháu đâu.”
“Không, thưa dì! Họ hút thuốc, còn cháu ngồi bên cạnh, chỉ vậy thôi.”
“Nói cho cháu hay, nếu dì bắt được quả tang cháu hút, dì sẽ viết thư cho mẹ cháu ngay. Giờ nói dì nghe, họ có nói gì khác về hôm qua không? Lý do thật khiến họ vắng mặt ấy?”
“Không ạ.”
“Ba người nói chuyện gì?”
Cậu cảm thấy ghê tởm cuộc hạch hỏi. “Có gì đâu ạ. Chuyện này chuyện kia.”
Cô không hỏi thêm, chán ngán vì thái độ lì lợm của cậu. “Còn một việc nữa cháu cần đề phòng. Omprakash có chấy đấy.”
“Thật ạ?” Cậu sốt sắng hỏi. “Dì nhìn thấy rồi ạ?”
“Chả lẽ cứ phải cho tay vào lửa mới biết nó có nóng không? Lúc nào cậu ta cũng gãi cành cạch. Mà chả phải mỗi đầu đâu. Trên dưới đều có bệnh – chỗ nhiễm giun, chỗ có chấy. Nên hãy nghe lời dì, liệu đường mà tránh đi, nếu còn biết cái gì là tốt cho mình. Bác cậu ta chả phải lo gì, ông ấy gần hói trọc rồi, nhưng cháu có mái tóc dày đẹp thế kia, chắc bọn chấy thích lắm đấy.”
Lời khuyên của Dina rồi cũng đổ sông đổ bể hết. Ngày dồn thành tuần, giờ nghỉ buổi chiều ở Hotel đồ chay Vishram trở thành thói quen thường nhật của bộ ba. Một lần, Maneck mãi chưa đi học về, Om bèn thì thào với Ishvar rằng hai bác cháu nên đợi cậu về rồi hẵng đi.
“Ái chà chà,” nghe thấy thế, Dina bèn kêu lên. “Hoãn cả bữa trà cơ đấy. Cậu thấy trong người có ổn không? Liệu có gượng được lâu đến thế không?”
Ishvar ngẫm nghĩ không hiểu sao chuyện đó lại làm cô Dina khó chịu đến thế, việc họ đi cùng nhau. Khi Maneck về đến còn Om nhảy tót khỏi chiếc Singer của mình, ông quyết định ở lại. “Hai đứa đi đi, bác muốn may nốt cái váy này đã.”
Dina khen ngợi ông hết lời. “Hãy nghe lời bác cậu nói, chịu khó mà noi gương ông ấy,” cô nói với Om khi hai chàng trai rời nhà. Cô rót trà pha cho Maneck vào chiếc cốc riêng in hoa màu hồng và bưng lên cho Ishvar. “Anh uống đi.”
Ông cảm ơn cô đã vất vả. Ông nhấp một ngụm và nhận xét là Maneck và Om rất hợp, hai cậu xem ra thích trò chuyện với nhau lắm. “Hai đứa trạc tuổi nhau. Phải ở với ông bác già này suốt ngày, chắc thằng Om chán lắm. Hai bác cháu kè kè cạnh nhau suốt từ tinh mơ đến tối mịt.”
“Vớ vẩn.” Cô nói cứ theo ý cô thì nếu không nhờ sự hiện diện thường trực của ông bác, Om đã biến thành một kẻ vô tích sự. “Tôi chỉ hi vọng cậu ta không ảnh hưởng xấu đến Maneck.”
“Không, không, xin cô đừng lo. Thằng Om không phải đứa hư đâu. Nếu có lúc nào nó không nghe lời hay cáu kỉnh, thì cũng chỉ vì nó đang chán chường hay không vui thôi. Đời nó đã gặp nhiều chuyện bất hạnh lắm.”
“Đời tôi cũng có sung sướng đâu. Nhưng trời cho thế nào, ta phải gắng sức hết mức có thể.”
“Biết làm thế nào khác được,” ông gật gù.
Kể từ hôm đó, càng ngày ông càng ngồi lại thường xuyên hơn, còn Dina tiếp tục pha trà, tiếng là cho Maneck, nhưng lại rót vào cốc của Ishvar. Họ trò chuyện về những việc cả liên quan lẫn không liên quan đến may vá. Nụ cười biết ơn nửa miệng của ông là thứ cô luôn mong chờ, khi ấy, nửa khuôn mặt liệt cứng lại căng ra theo khi ông nở nụ cười rạng rỡ trước những bông hoa màu hồng in trên vành đĩa.
“Tay nghề của Om càng lúc càng tấn tới, cô Dina nhỉ?”
“Dạo này cậu ấy ít mắc lỗi hơn.”
“Đúng đúng. Từ hồi Maneck dọn đến, thằng bé vui hẳn lên.”
“Nhưng tôi cũng lo cho Maneck lắm. Hi vọng thằng bé học hành tử tế, bố mẹ nó trông mong vào đấy nhiều lắm. Họ chỉ có một cửa hiệu bé tí, làm ăn bây giờ lại đang khó khăn.”
“Ai cũng có khó khăn cả. Cô đừng lo, tôi sẽ nói chuyện với cậu ấy, nhắc cậu ấy học hành chăm chỉ. Hai thằng bé này chỉ cần có thể, làm việc chăm chỉ.”
Ishvar nhận thấy bữa trà chiều không còn khiến cô Dina khó chịu nữa. Nó khẳng định nghi ngờ của ông: cô thèm có người bầu bạn.
Cuộc trò chuyện của hai cậu trai tất yếu chuyển sang một hướng khác khi họ chỉ còn lại một mình với nhau. Om rất tò mò về cái kí túc xá nơi Maneck vừa rời bỏ. “Bọn sinh viên nữ có ở đấy không?”
“Cậu nghĩ nếu có mà tôi lại bỏ ra à? Bọn nó có một khu riêng. Lũ con trai không được vào.”
Ngồi ở Vishram, họ có thể nhìn thấy bảng quảng cáo phim treo trên một mái nhà phía bên kia đường, một bộ phim tên là Công chúa súng lục[40]. Tấm pa-nô là một cặp tranh đôi. Tấm thứ nhất vẽ hình bốn gã đàn ông đang xé toạc quần áo của một cô gái. Bộ ngực ngồn ngộn lồng trong chiếc áo lót bị phơi hẳn ra, còn mồm mấy gã đàn ông, đang ngoác ra cười rất dâm ô, hé lộ những hàm răng khát máu và mấy cái lưỡi đỏ lòm. Tấm thứ hai vẽ hình cô gái nọ, quần áo rách tả tơi, hạ gục cả bốn tên bằng một khẩu súng máy.
“Sao lại gọi là Công chúa súng lục nhỉ?” Om nói. “Cô ta đang cầm một khẩu tiểu liên kia mà.”
“Họ có thể đặt là Hoàng hậu súng máy. Nhưng nghe không hay bằng.”
“Phim này chắc xem cũng được đấy.”
“Tuần sau đi xem đi.”
“Tiền đâu? Bác Ishvar bảo phải tiết kiệm.”
“Không sao, tớ bao.”
Om nhòm lom lom vào mặt Maneck, tay rút bao thuốc ra, cố đoán xem cậu bạn có nói thật không. “Thôi, tớ bắt cậu trả tiền sao được.”
“Thì đã sao, tớ chả ngại gì đâu.”
“Để tớ hỏi bác đã.”
Điếu thuốc tắt ngóm, cậu bèn lục tìm bao diêm. “Cậu biết không, gần nhà tớ có một con bé. Vú nó to y như thế.”
“Phét.”
Lời bác bỏ thẳng đuột buộc Om phải ngắm lại tấm pa-nô. “Cậu nói cũng phải,” Om xuống nước. “Cũng không thực to bằng thế. Người ta hay vẽ vống lên ấy mà. Nhưng con bé này có cặp vú rắn lắm, hình dáng cũng ngon lành y hệt. Thỉnh thoảng nó vẫn cho tớ sờ đấy.”
“Dào, tớ có phải trẻ con đâu.”
“Tớ thề đấy. Tên nó là Shanti. Chỉ cần tớ thích là nó cởi khuy áo cho tớ bóp ngay,” cậu nói, thả cho trí tưởng tượng của mình chạy hết tốc lực. Thấy Maneck cười ngặt nghẽo và vỗ gối bồm bộp, cậu ngây ngô hỏi: “Thế ra cậu chưa làm thế với đứa con gái nào à?”
“Dĩ nhiên là rồi chứ,” Maneck vội vã đáp. “Nhưng cậu bảo cậu ở với ông bác trong một căn nhà rất bé cơ mà. Lấy đâu ra dịp làm trò ấy?”
“Dễ ợt. Gần khu nhà tớ có một con mương, mé sau có vô khối bụi rậm. Đêm đến bọn tớ lại ra đấy. Nhưng chỉ vài phút thôi. Nếu nó đi lâu quá, thể nào cũng có người đi tìm.”
Vừa bập nhẹ một hơi thuốc, cậu vừa vẽ ra những cuộc khám phá tóc và da thịt Shanti, cùng những chuyến du hành vào váy áo nàng.
“Vừa khéo cậu lại là thợ may chứ lị,” Maneck trêu. “Cái gì dính đến quần áo cậu chả thạo.”
Song Om vẫn thao thao bất tuyệt không chút nao núng, và kết lại câu chuyện ngay trước pha đột nhập sau chót. “Có một lần, tớ đè nghiến cô nàng ra, hai đứa suýt làm chuyện đấy. Tự nhiên trong bụi có tiếng động, thế là nó sợ.” Cậu húp cạn trà trong đĩa rồi nghiêng tách đổ thêm ra. “Còn cậu? Đã ấy lần nào chưa?”
“Suýt. Trên tàu hỏa.”
Đến lượt Om cười phá ra. “Cậu đúng là vua nói khoác, chắc luôn. Trên tàu á?”
“Không, thật. Hồi mấy tháng trước, lúc tớ đi từ nhà lên trường.” Bị kích động bởi trường ảo mộng của Om, óc sáng tạo của Maneck được thể thăng hoa tối đa. “Có một cô gái nằm ở chiếc giường tầng đối diện giường tớ, đẹp mê li.”
“Đẹp hơn cô Dina không?”
Câu hỏi khiến cậu ngớ người. Cậu nghĩ ngợi một lát. “Không,” cậu đáp thật thà. “Nhưng ngay từ lúc tớ bước lên tàu, cô ta đã nhìn tớ chằm chằm, nhân lúc không ai để ý lại cười tình với tớ. Phiền nỗi, bố cô ta lại đi cùng. Mãi đến lúc trời tối, mọi người kéo nhau đi ngủ hết. Chỉ có tớ với cô ta còn thức. Lúc mọi người đã ngủ, cả ông bố, cô ta lật chăn sang bên và vạch một bên vú ra.”
“Rồi sao nữa?” Om hỏi, háo hức thưởng thức những món hoa trái tưởng tượng.
“Cô ta bắt đầu nắn bóp bầu vú, và ra hiệu gọi tớ sang. Tớ hơi sợ, không dám trèo xuống. Nhỡ làm ai thức dậy thì chết. Nhưng rồi cô ấy đưa tay xuống háng và bắt đầu xoa xát các thứ. Thế là tớ quyết định trèo sang chỗ cô ta.”
“Dĩ nhiên. Có ngu mới không sang,” Om thở hổn hển.
“Tớ trèo xuống yên ổn, và chỉ trong chớp mắt, tớ đã được vuốt ve bầu vú cô ta. Cô ta túm chặt tay tớ, nài nỉ tớ trèo lên cùng. Tớ không biết phải trèo lên cách nào cho thật êm. Tớ không muốn làm rung giường của ông bố ở tầng dưới. Đột nhiên có động. Lão trở mình, mồm ú ớ gì đấy. Cô ta sợ cuống lên, vội đẩy tớ ra và ngáy ầm ầm. Còn tớ giả vờ đang đi tiểu.”
“Giá mà lão ôn vật cứ ngủ tiếp có phải hay không.”
“Thì đấy. Chán thế chứ lị. Biết đến đời nào tớ mới được gặp lại cô gái kia.” Maneck bỗng cảm thấy đau khổ vô cùng, như thể nỗi mất mát kia là thật. “Cậu may thật, nhà Shanti ở ngay gần nhà cậu.”
“Hôm nào cậu có thể gặp nó,” Om lên giọng hào phóng. “Lúc cậu đến chơi với tớ và bác Ishvar. Nhưng cậu không được nói chuyện với nó đâu, chỉ đứng từ xa mà nhìn thôi.
Nó nhát lắm, tớ chả nói rồi đấy, nó toàn gặp trộm tớ thôi.” Họ uống nốt trà và chạy về, vì đã quá giờ nghỉ.
Khoai tây rán, cơm cháy trộn, bánh rau chiên, rau băm chiên, nước quả – Maneck trả cho tất cả đồ ăn thức uống dùng ở Vishram vì Om chỉ được Ishvar cho tiền đủ mua một cốc trà. Tiền tiêu vặt bố mẹ gửi Maneck thừa đủ để trang trải, vì nay cậu không còn cần ăn thêm ngoài khẩu phần căng-tin nữa. Tuần sau đó, cậu giữ lời hứa và đưa Om đi xem phim Công chúa súng lục sau khi hết giờ làm. Cậu đề nghị mua một vé cho Ishvar, nhưng ông từ chối, nói thời gian đó ông nên dành để may thêm một chiếc váy nữa thì hơn.
“Thế còn dì? Dì có muốn đi xem không?”
“Kể cả cháu có mời, dì cũng không thiết xem mấy thứ rác rưởi ấy,” Dina đáp. “Nếu cháu thấy tiền nhiều quá để nặng túi, cứ bảo dì một tiếng. Dì có thể nhắn mẹ cháu khỏi phải gửi xuống nữa.”
“Đúng quá,” Ishvar hùa theo. “Thanh niên các cậu chẳng biết thế nào là quý đồng tiền.”
Phát ớn vì mấy bài lên lớp, hai cậu trai vội lên đường ra rạp. Cô bèn nhắc Maneck xem phim xong nhớ về thẳng nhà, cô sẽ chờ cơm cậu. Cậu vâng lời, tự càu nhàu rằng dì Dina đang nghiêm trọng hóa nghĩa vụ người giám hộ tự phong một cách thái quá.
“Lời tiên tri của bà cụ biến thành sự thật rồi,” Om nói, khi hai người đi bộ ra ga. “Đúng ra là một nửa, rốt cuộc anh chàng dạy khỉ cũng trả thù.”
“Anh ta làm gì?”
“Kinh khủng lắm. Chuyện xảy ra đêm qua.” Tikka đã quay về sống với Người dạy khỉ, hàng xóm láng giềng ai cũng ngỡ chủ tớ lại vui vẻ như xưa. Nhưng khi dân cư cả khu đã đi ngủ hết, Người dạy khỉ kê một cái sọt gỗ bên ngoài lán và bày hoa cùng một cái đèn dầu lên đó. Tấm ảnh chụp hình Laila và Majnoo cưỡi trên lưng Tikka được đặt ở chính giữa. Đó là một tấm ảnh Polaroid chụp từ rất lâu, quà của một du khách người Mĩ yêu thích trò diễn của anh. Bàn thờ đã sẵn sàng. Người dạy khỉ dắt Tikka ra trước bàn thờ, bắt nó nằm xuống, và cắt cổ nó. Rồi anh ta chạy đi khắp xóm, báo với mọi người rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
“Kinh lắm,” Om nói thêm. “Cả xóm chạy đến xem thì thấy Tikka nằm giữa vũng máu. Nó vẫn còn thoi thóp. Tớ suýt nôn mửa.”
“Nếu bố tớ có mặt ở đấy, khéo ông ấy sẽ giết anh chàng dạy khỉ mất,” Maneck nói.
“Cậu đang bốc phét hay than thở thế?”
“Chắc là cả hai.” Cậu đá một hòn sỏi trên vỉa hè xuống lòng đường. “Bố tớ còn thương bọn chó hoang hơn con trai mình.”
“Dào, đừng nói linh tinh.”
“Linh tinh cái gì? Thì đấy, sáng nào ông ấy cũng cho bọn chó ăn ngoài hiên nhà. Thế mà ông lại tống tớ đi xa. Những lúc tớ ở nhà, ông toàn gây sự với tớ, không muốn tớ xớ rớ lại gần.”
“Đừng nói linh tinh, bố cậu cho cậu lên đây học chỉ vì lo cho tương lai cậu thôi.”
“Cậu là chuyên gia về các ông bố chắc?”
“Phải.”
“Dựa vào đâu thế?”
“Vì bố tớ mất rồi. Gặp chuyện ấy cậu khắc biến thành chuyên gia ngay. Cứ tin lời tớ, đừng nói năng linh tinh về bố cậu nữa.”
“Được rồi, bố tớ là một ông thánh. Thế có chuyện gì xảy ra với Người dạy khỉ?”
“Mọi người trong xóm giận lắm, họ bảo nên báo cảnh sát, vì từ hồi bọn khỉ chết, người dạy khỉ có nuôi hai đứa trẻ con, ba bốn tuổi gì đấy. Bọn nó là con bà chị gái của anh ta, được anh ta dạy để diễn một trò mới. Nhỡ anh ta hóa điên thì sẽ rất nguy hiểm cho lũ trẻ. Nhưng sau nhiều người lại nói giao cho bọn lừa đảo quản một thằng điên phỏng ích gì. Vả lại, người dạy khỉ rất quý hai đứa bé. Anh ta chăm chúng nó cẩn thận lắm.”
Họ xuống tàu, chen lấn giữa đám đông đang chờ trèo lên. Bên ngoài sân ga, một người phụ nữ ngồi dưới nắng bên cạnh một cái rổ nhỏ đựng rau củ. Bà ta đang hong khô bộ sari vừa giặt, lần lượt từng mảnh. Một mảnh ướt sũng sĩnh được quấn quanh hông và cặp vú teo tóp của bà, bị dàn căng hết mức có thể. Mảnh còn lại được phủ lên hàng rào đường ray hong cho khô, tỏa ra từ thân người bà như hình một người cầu nguyện dưới ánh nắng chiều. Khi hai chàng trai đi qua, bà giơ tay vẫy chào Om.
“Bà ấy sống ở xóm tớ,” cậu vừa nói vừa len lỏi qua dòng xe cộ để sang con ngõ dẫn đến rạp chiếu phim. “Chuyên bán rau. Bà ấy có độc một bộ sari.”
Công chúa súng lục kết thúc muộn hơn dự định. Trong khi dòng thông tin cuối phim chạy, họ bắt đầu nhích từng tí một dọc lối đi, cố chờ rốn, không muốn để lỡ phần nhạc phim phát lại. Bỗng hình ảnh lá quốc kì phấp phới chen lên giữa màn hình, bài hát Jana Gana Mana nổi lên, dòng người lập tức ồ ạt đổ về phía cửa.
Nhưng đám khán giả đang lao ra ngoài bỗng vấp phải chướng ngại vật. Một toán tình nguyện viên Shiv Sena canh cửa khóa chặt đường thoát của họ. Những người ở phía sau, không hay biết nguyên do gây tắc nghẽn, bắt đầu la ó: “Xê ra! Xê ra, giời ạ! Đi đi, các anh chị! Hết phim rồi còn gì!”
Dẫu vậy, đám đông ở phía trước không cách gì tiến tới được, bị đe dọa bởi những cây gậy đang khua loạn của nhóm Shiv Sina cùng một lô xích xông biểu ngữ: HÃY TÔN TRỌNG
QUỐC CA! TỔ QUỐC CẦN CÁC ANH CHỊ EM TRONG GIAI ĐOẠN KHẨN CẤP NÀY! YÊU NƯỚC LÀ MỘT NGHĨA VỤ THÊNH LÊNH Không một ai được phép ra cho đến khi hình lá cờ biến mất trên màn hình và đèn sáng trở lại.
“Sao yêu nước lại là một nghĩa vụ thênh lênh?” Om cười như nắc nẻ. “Có chữ đó à?”
“Bọn đần này còn không đánh vần nổi từ thiêng liêng, lại còn dám dạy chúng ta phải làm gì nữa cơ đấy,” Maneck nói.
Om nhận thấy đám người cản đường tổng cộng chỉ có năm chục mống, trong khi số khán giả xem phim phải lên đến hơn tám trăm người. “Bọn ta có thể đánh bại chúng dễ như bỡn. Dhishoom! Dhishroom! Như anh chàng trong phim ấy,” cậu nói, siết chặt nắm đấm trước ngực.
Đang lúc cao hứng, hai chàng trai bèn nhắc lại những dòng thoại hùng tráng họ còn nhớ từ Công chúa súng lục. “Nợ máu phải trả bằng máu!” Maneck gầm lên, tay vung lên như đang đấu kiếm.
“Đứng trên mảnh đất thần thánh này, ta thề có trời rằng ngươi sẽ không bao giờ được thấy một bình minh nào nữa!” Om tuyên bố.
“Ối chà, cũng vì ngày nào ta cũng dậy muộn mà,” Maneck đáp. Phút trật chìa bất ngờ khỏi kịch bản khiến Om đánh mất cả thế đứng oai hùng vì cười.
Ngoài cửa ga xe lửa, người phụ nữ nọ vẫn ngồi với rổ rau. Nửa mảnh sari đã khô giờ quấn trên người bà, đến lượt nửa kia lên nằm rào. Chiếc rổ đã gần sạch. “Bà ơi, về nhà thôi,” Om nói, bà nọ bèn mỉm cười.
Đi đến sân ga, hai chàng trai quyết định thử chiếc máy có tên Cân nặng & Vận may 25P. Maneck lên trước. Bánh xe màu đỏ và trắng quay tít, đèn hiệu nhấp nháy, có tiếng chuông ngân lên, rồi một mẩu giấy bìa hình chữ nhật trôi ra khay chứa.
“Sáu mươi mốt cân,” Maneck nói, đoạn đọc dòng chữ đoán vận số ở mặt sau. “Một cuộc đoàn viên hạnh phúc đang chờ đón bạn trong tương lai gần. Nghe có vẻ đúng đấy – hết năm học, tớ sẽ về nhà.”
“Hoặc nó cũng có nghĩa là cậu sẽ gặp lại cô gái trên tàu hôm nọ. Cậu có thể kết thúc vụ mát xa ngực cho cô ta. Nào, đến lượt tớ.” Cậu trèo lên, còn Maneck lục túi để lấy ra một đồng hai lăm paisa nữa.
“Bốn mươi sáu cân,” Om nói, và lật mẩu giấy lên. “Cậu sẽ sớm được tới nhiều nơi mới mẻ và kì thú. Chả hợp lý gì cả. Về làng tớ sao lại tính là một nơi mới.”
“Tớ nghĩ nó ám chỉ những nơi bên trong áo và váy của cô nàng Shanti.”
Om lấy thế và giơ tay lên, miệng nhại lại một đoạn thoại trong phim: “Chừng nào những ngón tay này chưa siết quanh cổ ngươi, chưa kết liễu cuộc đời khốn nạn của ngươi, ta sẽ không bao giờ ngơi nghỉ!”
“Còn khuya, nếu ngươi mới nặng có bốn mươi sáu cân,” Maneck nói. “Ngươi nên tập luyện trên cổ gà trước thì hơn.” Tàu đến, họ bỏ quầy bán vé chạy ra để lên. “Mấy tấm vé tàu này trông giống hệt thẻ cân nhỉ,” Om nói.
“Giá tớ đừng mua vé có phải đỡ tiền không,” Maneck nói.
“Đừng, nguy hiểm lắm. Từ khi có Tình trạng khẩn cấp, bọn họ làm gắt lắm.” Cậu kể lại lần cậu và bác Ishvar bị tóm nhầm trong một vụ vây bắt dân lậu vé.
Đã qua giờ cao điểm, trên toa tàu chỉ lác đác khách. Hai chàng trai gác chân lên ô ghế trống. Maneck cởi dây và tuột giày ra, co duỗi ngón chân. “Hôm nay bọn mình đi bộ nhiều thật.”
“Chậc, cậu không nên xỏ mấy đôi giày bó ních kiểu đấy. Đi dép như tớ dễ chịu hơn nhiều.”
“Nếu thấy tớ đi dép lê ra đường, bố mẹ tớ sẽ cáu lắm.” Cậu xoa bóp ngón chân và gan bàn chân, rồi kéo cao tất và xỏ giày vào.
“Hồi xưa tớ hay mát xa chân cho bố,” Om nói. “Còn bố tớ lại mát xa chân cho ông nội.”
“Ngày nào cậu cũng phải làm thế à?”
“Không, nhưng nếp nhà tớ là thế. Tối đến, tớ với bố và ông ngồi ngoài hiên nhà. Lúc ấy, trời mát mẻ, chim hót líu lo trên cây. Tớ thích mát xa chân cho bố lắm. Làm thế khiến ông rất dễ chịu.” Thân hình họ khẽ lắc lư trên ghế theo nhịp rung của đoàn tàu. “Dưới ngón cái trên bàn chân phải của ông có một nốt chai do đạp máy khâu nhiều quá. Hồi tớ còn bé, mỗi lúc bố ngọ nguậy ngón chân, nhìn nốt chai đấy tớ lại cười ngặt nghẽo, vì trông nó giống hệt một cái mặt người.”
Om lặng thinh trên suốt quãng đường về, chỉ trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ. Maneck cố làm bạn vui lên bằng cách nhại lại những nhân vật trong phim Công chúa súng lục, nhưng tất cả những gì cậu thu được chỉ là một nụ cười nhạt nhẽo, rốt cuộc cậu cũng im lặng theo.
“Lẽ ra chú nên đi cùng bọn cháu,” Maneck nói. “Vui lắm. Đánh nhau cứ gọi là ra trò.”
“Thôi, cảm ơn cậu, đời tôi đã phải chứng kiến nhiều vụ đánh đấm quá rồi,” Ishvar nói. “Nhưng cậu định khi nào đến chơi nhà chúng tôi?” Ông cảm thấy những món tiền Maneck bỏ ra hàng ngày để đãi Om đã tích tụ thành quá nhiều ơn nghĩa, đã đến lúc hoàn trả bằng phương cách khiêm tốn nào đó. “Cậu phải đến ăn một bữa cơm với bác cháu tôi đấy.”
“Nhất định rồi, lúc nào cũng được,” Maneck đáp, ngần ngại không muốn hứa chắc. Dì Dina sẽ bực lắm – nguyên vụ đi xem phim đã là quá rồi.
Cũng may, Ishvar không đòi hẹn ngay một ngày cụ thể. Ông phủ tấm vải che lên chiếc Singer và ra về cùng Om.
“Cháu thỏa mãn rồi đấy nhỉ,” Dina nói. “Khăng khăng làm trái ý dì, bỏ ngoài tai mọi lời dì nói để giao du với cậu ta.”
“Chỉ là một buổi xem phim thôi mà dì. Đây là lần đầu tiên Om được đến một rạp chiếu lớn. Cậu ấy thích lắm.”
“Dì hi vọng ngày mai cậu ta may vá nên hồn, còn cháu có thể tập trung vào học hành. Mấy bộ phim toàn đánh đấm giết chóc kiểu đó chỉ tổ hại não. Ngày xưa phim ảnh đáng yêu lắm. Một ít hát hò, nhảy múa, hài kịch, hoặc chuyện tình yêu. Giờ chỉ toàn súng ống với dao búa.”
Ngày hôm sau, như để minh chứng cho giả thuyết của Dina, Om may phần thân của chiếc đầm cỡ bảy với phần chân váy cỡ mười một, dồn hết những chỗ thừa thẹo vào dải chun ở eo. Lỗi sai bị lặp lại ở ba chiếc đầm liền và mãi đến chiều mới bị phát hiện.
“Đừng may nữa, sửa chỗ đầm này trước đi,” Dina nói, nhưng cậu lờ tịt.
“Không sao đâu, cô Dina,” Ishvar nói. “Tôi sẽ tháo chỉ ra rồi may lại ngay đây.”
“Không, lỗi của cậu ta, cậu ta phải sửa.”
“Cô đi mà sửa,” Om vặc lại, tay gãi đầu cành cạch. “Tôi đang đau đầu lắm. Cô đưa nhầm vải cho tôi, đấy là lỗi của cô chứ.”
“Nghe cậu ta xem! Nói dối không biết ngượng mồm! Mà bỏ ngay cái tay xuống, cậu bôi hết dầu lên vải bây giờ! Suốt ngày gãi, gãi, gãi!”
Cuộc cự cãi vẫn tiếp diễn đến tận khi Maneck đi học về. Hai người thợ may không nghỉ uống trà. Cậu trốn tịt vào phòng và đóng chặt cửa lại, ước sao họ dừng lại. Trong suốt khoảng thời gian còn lại của buổi chiều, những lời chì tiếng bấc vẫn ri rỉ dưới chân cửa phòng cậu, dâng lên thành một bể u uất bao vây lấy cậu.
Đến sáu giờ, Dina gõ cửa và gọi cậu ra. “Hai người bọn họ về rồi. Dì cần trò chuyện với một người tỉnh táo.”
“Dì ơi, sao dì cứ gây sự thế?”
“Dì gây sự? Sao cháu dám! Cháu có biết ngọn ngành câu chuyện không mà đã nói ai gây sự?”
“Cháu xin lỗi dì. Thế do đâu mọi người lại cãi nhau?”
“Vẫn chuyện cũ. May sai, làm ẩu. Ơn trời còn có Ishvar. Dì không biết phải làm sao nếu thiếu ông ấy. Một thiên thần và một quỷ dữ. Phiền nỗi, khi thiên thần ở bên quỷ dữ, cả hai đều không đáng tin.”
“Có lẽ Om xử sự như vậy là vì đang gặp chuyện gì đó không vui, có thể vì dì khóa cửa nhốt họ mỗi lần dì ra ngoài.”
“A! Vậy là cậu ta có kể cho cháu nghe chuyện đó, phải không? Thế cậu ta có nói tại sao dì phải làm thế không?”
“Ông chủ nhà. Nhưng cậu ấy nghĩ đấy chỉ là cái cớ. Cậu ấy nói dì làm cho bác cháu họ cảm thấy mình giống hệt bọn tội phạm.”
“Lương tâm tội lỗi của cậu ta khiến cậu ta cảm thấy thế thì có. Chuyện ông chủ nhà là có thật, cháu cũng nhớ còn gì. Đừng bị lừa phỉnh bởi nụ cười ngọt ngào của lão thu tiền nhà để rồi thừa nhận chuyện bất cứ gì. Lúc nào cũng phải vờ là cháu của dì.” Cô bắt tay vào dọn dẹp căn phòng, nhặt sạch rác rến, nhồi mớ vải vụn vào ngăn dưới cùng. “Cặp tròng của lão Ibrahim đấy có thể soi thấu cả căn hộ từ tận cửa trước kia, lúc nào chúng cũng trợn tròn láo liên. Nhanh hơn cả tròng mắt Buster Keaton. Nhưng cháu hẵng còn trẻ, chắc chẳng biết Buster Keaton đâu.”
“Cháu đã nghe mẹ nhắc đến cái tên ấy rồi. Mẹ cháu bảo ông ta còn ngộ hơn cả Laurel và Hardy.”
“Dì không để ý, mà còn một lý do nữa. Nếu dì không khóa cửa nhốt bọn thợ may lại, bọn họ sẽ cho dì phá sản ngay. Cháu có biết Om đã có lần bám đuôi dì đến chỗ công ty xuất khẩu không? Cậu ta có kể cho cháu nghe chuyện đó không? Không, dĩ nhiên là không rồi. Dì được tí tiền hoa hồng họ cũng nuốt không trôi mà. Ai biết đâu dì vẫn phải giật gấu vá vai chán đây.”
“Để cháu bảo mẹ gửi thêm tiền nhé? Để trả tiền trọ và ăn uống của cháu ấy?”
“Không được! Dì tính giá thế là vừa, mẹ cháu cũng trả đủ rồi. Cháu nghĩ dì kể với cháu tất cả những chuyện này để xin bố thí ư?”
“Không ạ, cháu chỉ nghĩ là…”
“Khó khăn của dì đâu phải như vết thương của thằng ăn mày! Chỉ có thằng ăn mày mới vạch áo khoe cháu những chỗ què cụt ghẻ lở trên người nó, để cháu thấy mà ghê. Không, thưa cậu Mac Kohlah, tôi chỉ nói ra để cậu hiểu rõ hơn về cậu bạn Omprakash Darji quý mến của cậu mà thôi.”
Vào lần tiếp theo phải tới công ty xuất khẩu Au Revoir, Dina quyết định đặt thêm niềm tin vào Maneck. “Nghe đây, hôm nay dì sẽ không khóa cửa. Vì có cháu ở nhà, dì để cháu trông nom mọi việc đấy.” Trách nhiệm sẽ kéo cậu về phe cô, cô chắc mẩm thế; vả lại, Om cũng sẽ không dám giở trò làm xiếc bằng xe đạp thêm lần nữa.
Dina đi rồi, Ishvar vẫn cắm cúi may, ông ngại không dám tận hưởng phút nghỉ ngơi trên chiếc sô pha của Dina như thói thường khi đang có mặt Maneck. Còn Om lập tức ngừng tay, và lao ra phòng ngoài. “Hai tiếng tự do,” cậu tuyên bố, vươn vai rồi buông mình ngã phịch xuống sô pha ngay cạnh Maneck.
Trong khi cậu hút thuốc, cả hai lật xem mấy cuốn sách dạy đan cũ của Dina. Hình những cô người mẫu vận áo len với đủ kiểu dáng khác nhau in đầy các trang ruột. Những đôi môi đỏ mọng, làn da màu kem, cùng những kiểu tóc điệu đà trên trang giấy bóng láng mép bẻ gập làm dấu khiến họ ngây ngất. “Trông hai em này này,” Om nói, chỉ một cô tóc vàng và một cô tóc đỏ. “Theo cậu lông dưới háng của họ có màu giống thế không?”
“Sao cậu không viết thư đến tạp chí mà hỏi. ‘Thưa Ngài, chúng tôi xin mạo muội thắc mắc về màu sắc lông mu của người mẫu quý báo – cụ thể hơn, là nó có đồng nhất với màu tóc của họ hay chăng. Các người mẫu được đề cập xuất hiện trên trang bốn mươi bảy của số tạp chí ra…”’ – cậu lật trang bìa – “… tháng bảy năm 1961. Dào ôi, thôi bỏ đi, chả mười bốn năm rồi còn gì. Dù hồi ấy nó có màu gì, thì đến bây giờ cũng thành hoa râm với bạc hết rồi.”
“Tớ phải hỏi thằng cha Rajaram chuyên nghề thu mua tóc mới được,” Om nói. “Anh ta là chuyên gia về lông với tóc.”
Hai chàng trai cất mấy cuốn sách đan về chỗ và kéo vào phòng Maneck. Chiếc ô in hình ngôi chùa giúp họ tiêu khiển được một chốc, rồi chuyển sang thám hiểm bếp, dỗ gọi bọn mèo, nhưng chẳng con nào thèm lại gần cửa sổ vì chưa đến giờ ăn tối. Om định tạt nước bọn kia một mẻ để chúng gào lên xem sao, nhưng Maneck không cho.
Vào phòng trong, họ săm soi bộ sưu tập vải vụn, những mảnh ghép đầu tiên của tấm chăn. “Hai đứa đừng máy mó đồ của cô Dina,” ngồi bên máy khâu, Ishvar liếc mắt nhìn và nạt.
“Nhìn đống vải này mà xem,” Om nói. “Cô ta ăn bớt của bác cháu ta, trả công ta rẻ mạt, lại còn chấm mút của công ty nữa.”
“Cháu nói linh tinh gì thế, Omprakash,” bác cậu nói. “Đó toàn là vải vụn vứt đi được cô ấy tận dụng vào việc tốt. Thôi, ngồi vào máy đi, đừng phung phí thì giờ nữa.”
Om bỏ tấm chăn may dở xuống và chỉ vào chiếc rương kê trên chân đỡ trong góc. Maneck trợn mắt trước cử chỉ táo tợn nọ. Họ mở ra, và nhìn thấy kho băng vệ sinh tự may của cô.
“Cậu có biết cái này dùng làm gì không?” Om thẽ thọt.
“Gối tí hon,” Maneck đáp, miệng cười nhăn nhở, đoạn cầm hai tấm băng lổn nhổn lên. “Gối tí hon cho người tí hon nằm.”
“Cho thằng nhỏ của tớ gối đầu cũng được đấy.” Om kẹp một tấm vào giữa háng.
“Đừng nghịch cái rương đấy nữa,” Ishvar nói.
“Vâng, vâng.” Họ cầm một mớ băng ra phòng ngoài và tiếp tục trò cợt nhả.
“Cái gì đây?” Maneck hỏi, đoạn giơ hai miếng băng trên đầu.
“Sừng à?”
“Không,” cậu lúc lắc. “Tai lừa.”
Om đưa một miếng ra sau mông. “Đuôi thỏ này.”
Họ giữ miếng băng trước đũng quần như mấy cái dương vật và nhảy nhô nhảy nhếch khắp phòng, vừa nhảy vừa xóc hùng hục như đang thủ dâm. Mối chỉ ở cuối miếng băng của Maneck bật tung. Ruột vải rơi lả tả, còn lại trong tay cậu chiếc vỏ mềm oặt.
“Nhìn kìa!” Om cười phá lên. “Của quý của cậu gục rồi, ê ề!”
Maneck vớ lấy một miếng băng mới cứng cáp và đập Om túi bụi. Trận chiến bùng nổ nhưng vũ khí chẳng mấy chốc đã tan nát, vụn vải tung tóe khắp phòng. Họ nhặt hai miếng khác và cắm đầu lao vào nhau, như hai kị sĩ trên lưng ngựa, cây thương bằng băng vệ sinh nhô lên trước mép khóa quần.
“Ten ten ten tèn ten!” Hai chàng trai hét lên và tấn công. Lùi về góc của mình, họ chỉnh lại miếng băng gài ở đũng quần trong khi Om vừa hét vừa hí ầm lên như con ngựa đang nhay hàm thiếc.
Đúng lúc hai chàng trai đang sửa soạn xông tới lần nữa, Dina mở cửa và bước vào qua hành lang. Tiếng kèn lệnh tắt ngóm. Cô chỉ đi được tới chỗ sô pha, rồi khựng lại. Quang cảnh trước mắt khiến cô tắc nghẹn: sàn nhà vương vãi đầy vụn vải từ những miếng băng vệ sinh được cô may chi chút, hai chàng trai đứng đó đầy vẻ tội lỗi, tay nắm chặt món đồ chơi đáng hổ thẹn.
Họ buông thõng tay và loay hoay tìm cách giấu miếng băng sau lưng, rồi chợt nhận ra cử chỉ đó vừa vô ích lại vừa ngớ ngẩn.
“Lũ mất dạy!” Mãi cô mới lắp bắp thành tiếng. “Lũ mất dạy!”
Cô chạy vào phòng trong, nơi Ishvar vẫn đang cắm cúi đạp máy, vô tư không hay biết về những gì đang diễn ra ở phòng ngoài. “Dừng lại!” Cô hét lên, giọng run run. “Ra mà xem hai thằng ranh làm gì đây này!”
Om và Maneck đã bỏ mấy miếng băng xuống, nhưng Dina lại nhét vào tay mỗi người một miếng. “Làm đi!” Cô quát. “Làm cho ông ấy xem, cho ông ấy thấy hành động mất dạy của các người!”
Ishvar chẳng cần xem. Ông tự suy ra đã có chuyện gì đó rất đáng ghê tởm, nhất là khi cô phẫn nộ đến thế. Ông ra chỗ Om và tát vào mặt cậu. “Cậu thì tôi không tát được,” ông nói với Maneck. “Nhưng ai đó nên làm việc này. Có thế cậu mới khá lên được.”
Ông lôi Om vào phòng trong và ấn cậu xuống ghế. “Từ rày trở đi, bác không muốn nghe một chữ nào từ mồm mày nữa. Im miệng mà làm việc của mày, kì đến lúc về thì thôi.”
Bữa tối là một khoảng thời gian lặng lẽ, chỉ có dao nĩa lên tiếng. Dina dọn dẹp rất nhanh, rồi bỏ vào phòng may và đóng sập cửa lại.
Chẳng hóa ra mình là thằng cuồng dâm à, Maneck tự nghĩ, trong bụng khổ tâm vô cùng. Cậu chờ ở phòng ngoài một lúc, hi vọng cô sẽ bước ra, cho cậu một cơ hội để xin thứ lỗi. Đôi tai cậu bắt được tiếng mở rồi đóng ngăn kéo. Tiếng kẽo kẹt của chiếc giường cô nằm. Tiếng lách cách có lẽ của cây lược cô dùng. Tiếng lịch kịch của đôi ghế thợ may bị đẩy sang một bên. Cậu nghe thấy tiếng mở nắp rương, mặt cậu đỏ bừng vì xấu hổ. Rồi dải sáng dưới chân cửa phòng cô tắt ngóm, và nỗi đau khổ nhấn chìm cậu.
Liệu cô có viết thư cho bố mẹ cậu và ca thán không? Cậu đáng bị thế lắm. Suốt hai tháng nay, cô đã đối xử với cậu tử tế biết bao, trong căn hộ này của cô, còn cậu lại hành động thật ghê tởm. Lần đầu tiên kể từ ngày rời nhà, cậu mới có cảm giác an lòng, không còn gợn sợ hãi, nhờ có dì Dina. Được cứu vớt khỏi cái kí túc xá đã khiến cậu phát ốm, với cục nghẹn chặn trong ngực và cảm giác buồn nôn thường trực mỗi buổi sáng.
Giờ cậu đã mang chúng trở lại, bằng chính việc làm của mình. Cậu tắt chiếc đèn cạnh sô pha và lê thân về phòng.
Buổi sáng cũng không làm nguôi ngoai nỗi hổ thẹn hồi đêm trước của Maneck. Để giúp giữ nó luôn nóng hổi, Dina đặt sầm chiếc đĩa đựng hai quả trứng tráng trước mặt cậu vào bữa sáng. Khi đến lúc đi học và cậu gọi to “Cháu chào dì,” cô không ra vẫy chào cậu. Chán nản, cậu đóng lại cánh cửa trên dải hành lang trống tênh, trách móc.
Dấu hiệu tha thứ đầu tiên lẩn quất trong không gian sau bữa tối. Cũng như đêm trước, cô rút vào phòng trong thay vì mang tấm chăn ra ghế sô pha; dẫu vậy, cô để cửa mở hé.
Đợi chờ trong hi vọng ở phòng ngoài, cậu giết thì giờ bằng cách nghe ngóng hàng xóm láng giềng. Có tiếng ai đó chửi – cô con gái, cậu nghĩ thế. “Đồ mất nết!” Một giọng đàn ông vang lên. “Xem mày có khác gì con đĩ không, giờ này mới vác mặt về! Mày tưởng mười tám tuổi rồi thì không phải ăn đòn nữa phỏng? Để tao cho mày xem! Bố mẹ mày nói mười giờ về, tức là đúng mười giờ!”
Maneck liếc đồng hồ: Mười giờ hai mươi phút. Dì Dina vẫn chưa ló mặt ra. Đèn cũng chưa tắt. Đến giờ đi ngủ thường lệ của hai dì cháu, lúc mười rưỡi, cậu quyết định nhòm vào và chúc cô ngủ ngon.
Cô đang mặc váy ngủ, lưng quay về phía cửa. Cậu đổi ý và dợm bước ra, nhưng cô đã nhìn thấy cậu qua kẽ nứt. Trời ơi, cậu hoảng hốt nghĩ – thế nào cô cũng cho là cậu dòm dỏ mình.
“Vâng?” Cô cất giọng sắc lạnh.
“Cháu xin lỗi dì, cháu chỉ muốn sang chúc dì ngủ ngon.” ”Vâng. Chúc cậu ngủ ngon.” Vẫn một giọng cứng đơ.
Cậu nhắc lại mấy chữ nọ và lui bước, rồi dừng lại. Cậu dặng hắng. “Với lại…”
“Với lại cái gì?”
“Với lại, cháu muốn xin lỗi dì… vì hôm qua…”
“Đừng đứng ngoài cửa mà lắp bắp nữa. Vào đây đi, rồi muốn nói gì thì nói.”
Cậu ngượng nghịu bước vào. Đôi cánh tay trần của cô lồng trong váy ngủ nom thật đáng yêu, và qua lần vải cốttông mỏng, hình dáng của… nhưng cậu không dám cho phép mắt mình nấn ná chút nào. Trong khi cậu khi cậu cố kết thúc lời xin lỗi của mình, cậu sực nhớ ra cô là bạn của mẹ mình.
“Dì muốn cháu hiểu,” cô nói. “là dì giận hành động đáng xấu hổ của cháu không phải vì nó hại gì đến dì. Dì chỉ xấu hổ thay cho cháu, khi thấy cháu cư xử như một đứa vô tích sự. Như một thằng ma cà bông đầu đường xó chợ. Dì vốn chẳng mong hòng gì từ một đứa như Omprakash. Nhưng cháu, con cái của một gia đình Parsi tử tế đến thế. Và dì đã giao cho cháu trông nom họ, dì đã tin tưởng cháu.”
“Cháu xin lỗi,” cậu cúi đầu. Cô đưa tay lên tóc, cặp lại một chiếc kẹp vừa bị tuột. Cậu cảm thấy đám lông dưới nách cô mang một vẻ gợi dục ghê gớm.
“Đi ngủ đi,” cô nói. “Lần sau nên biết nghĩ một chút.”
Khi mơ màng chìm vào giấc ngủ, cậu nghĩ đến dì Dina trong bộ váy ngủ, hình ảnh cô dần hợp làm một với cô gái trên tàu, nơi giường tầng hai.
Cân Bằng Mong Manh Cân Bằng Mong Manh - Rohinton Mistry Cân Bằng Mong Manh