Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 7
A
nh cử nhân Nguyễn Sinh Sắc lại rớt khoa thi Hội Mậu Tuất (1898). Một số bạn thân của anh Sắc đang làm quan tại triều Thành Thái khuyên anh thôi việc học, ra làm quan vì đã ba mươi lăm, ba sáu tuổi mà các con đã đến tuổi ăn học, vợ thường bị đau yếu luôn, cuộc sống trong gia đình càng ngày càng eo hẹp. Nhưng, anh cử Sắc vẫn không nao núng chí học của mình.
Quan thượng thư Bộ Hình (33) Đào Tấn thông cảm cảnh nhà túng thiếu và rất trọng nể cái chí, cái tâm của cử nhân Nguyễn Sinh Sắc. Quan Đào Tấn đã bàn bạc với ông Nguyễn Viết Chuyên, một người dưới quyền của ông tại Bộ Hình, nên đón cử nhân Nguyễn Sinh Sắc về dạy học trong nhà. Ông Chuyên người làng Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ông có người con trai sắp đi thi Hương đang cần mời thầy dạy thêm. Nay ông Chuyên được quan thượng thư Đào Tấn mời giúp “ông cử Nghệ” nổi tiếng hay chữ và là người “học tài thi phận” về ngồi dạy cho con học ngay trong nhà.
Khi về Dương Nổ, anh cử Sắc cảm thấy việc ở trong gia đình ông Chuyên, một nhà quan khá sang trọng, không hợp với cảnh của mình có hai con theo ăn học. Anh cử Sắc nhận đến ở nhà ông Nguyễn Độ. Nhà ông Độ giàu, sẵn có ngôi nhà ba gian hai chái chỉ để thờ đằng họ nhà vợ. Ba cha con anh Sắc ở gọn trong ngôi nhà riêng biệt này. Gia đình ông Độ nhận phần nuôi cơm cả ba cha con thầy. Những học trò khác thì đóng tiền học hằng tháng cho thầy, tùy tâm của mọi người. Một số học trò cũ ở thành nội cũng theo thầy cử Sắc đến Dương Nổ trọ học. Công tôn nữ Huệ Minh không thể đi trọ học xa nhà được.
Anh cử Sắc vừa phải đến Quốc tử giám dự các buổi bình văn, ôn bài để rồi dự thi Hội khoa Tân Sửu (1901), vừa phải hằng ngày dạy cho những học hò với nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau. Riêng lớp học trò chuẩn bị đi thi Hương có tới sáu người. Loại học trò nhỏ khoảng bảy, tám em. Côn bé nhất mà cũng có khiếu học trội nhất. Mới lên tám tuổi, Côn đã có một trí nhớ khác thường.
Hôm anh Sắc đi tiễn quan Đào Tấn về phụng dương mẹ ốm, anh ra bài cho lớp học trò nhỏ trong hai ngày phải học thuộc và viết trầm mười lăm trang, mỗi trang mười sáu dòng của sách luận ngữ. Anh Sắc đi hôm trước, sáng hôm sau đã về. Lúc về đến xóm Dương Nổ Đông, anh thấy Côn đang ngồi câu cá dưới bến với mấy bạn học. Đám học trò nhìn thấy thầy định chạy trốn, nhưng không kịp. Côn thì vẫn bình tĩnh đặt cần câu xuống, lấy bàn chân đằn lên, khoanh tay trước ngực, lễ phép.
– Thưa cha… cha đã về… ạ.
Anh cử Sắc vẫn chưa nguôi cơn bực tức với đám học trò đang giờ học bỏ đi câu cá. Anh hỏi, giọng nghiêm khắc:
– Trò nào đầu têu cái việc đi câu cá giữa buổi học?
Mấy gương mặt thơ ngây nhìn vào mắt nhau lúng túng, sợ hãi. Côn hơi run, nói:
– Thưa.. thưa cha… con rủ… rủ bọn chúng nó đi ạ.
– Côn! – Anh Sắc quắc mắt. – Con phải nói lại.
– Dạ… thưa cha, con rủ các anh cùng đi chơi ạ.
– Sao vừa rồi con lại vô lễ, gọi các bạn học của con là “chúng nó”?
– Dạ, con sợ quá, nói líu lộn đó, thưa cha.
Anh cử Sắc mỉm cười. Anh hỏi Nguyễn Sĩ Khuyến:
– Hôm qua thầy đã dặn trò những gì lúc thầy ra đi?
– Dạ, thưa thầy… thầy dặn con ở nhà coi việc học bài, viết tập của cả lớp, không được rủ nhau đi chơi xa ạ…
– Trò nhớ lời ta dặn sao trò còn kéo nhau ra đây câu cá giờ này?
– Thưa thầy… anh Côn (34) bảo đi câu cá cho thoáng mát trong đầu rồi về học sẽ chóng thuộc bài.
Anh Sắc cố nén nụ cười, đôi môi tươi tắn hắn lên. Anh hỏi Diệp Văn Kỳ:
– Trò Kỳ đã học thuộc bài chưa?
– Bẩm thầy, con cũng chưa thục hết cả bài ạ.
– Trò Khuyến thuộc bài rồi chứ?
– Thưa thầy con cũng chưa thục hết ạ.
– Côn đầu têu việc đi chơi thì…
– Dạ… thưa cha, con đã thuộc cả mười lăm trang rồi ạ.
Anh Sắc nhìn con vẻ nghi ngờ. Anh định bụng “phạt” tại chỗ để Côn đỡ chủ quan. Anh bỏ cái nón dứa ra khỏi đầu, giục đám học trò:
– Cả các trò nữa, đi vô bóng mát để nghe Côn nó đọc bài coi.
Côn nháy mắt với Kỳ. Biết ý bạn, Kỳ lui lại sau nhặt cái cần câu đem theo đến bóng cây cổ thụ. Anh cử Sắc ngồi xuống bên gốc cây vẫy theo hai cậu học trò ngồi xuống bên cạnh; Côn ngồi đối diện với cha. Anh Sắc dáng ung dung kiểm tra bài học của con:
– Nào. Trò Côn bắt đầu đọc bài.
Côn khoanh vòng tay trước ngực đọc một mạch, không vấp một tiếng nào. Khuyến, Kỳ mắt tròn xoe nhìn bạn Côn đầy thán phục. Anh cử Sắc cũng ngạc nhiên trước trí nhớ ở cái tuổi lên tám của con trai mình. Anh bồi hồi liên tưởng đến cái đêm ngồi với bố vợ đốt hương trầm, uống rượu tìm chữ đặt tên cho con: Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành…
Côn đọc xong bài học. Anh cử Sắc đưa cho Côn cái que bằng chiếc đũa:
– Con viết lên mặt đất bài học mà con vừa đọc.
Côn lấy bàn tay phủi những cỏ rác trên vuông đất. Côn quỳ trệt chân trái xuống đất, chân phải co xổm. mặt hơi cúi nghiêng nghiêng, tay viết lia lịa, chữ hiện lên từng hàng đều đặn kín cả ô đất màu gan gà.
Anh cử Sắc đặt bàn tay êm ái lên đầu con:
– Viết từng ấy dòng cũng đủ rồi con ạ.
Côn để cái que bút xuống, nhìn cha, thở một hơi dài nhẹ nhõm. Anh Sắc với cặp mắt nhân từ nhìn con, nói:
– Con đã thuộc bài, các bạn của con chưa thuộc mà con rủ bạn đi câu cá là phạm lỗi. Cái lỗi ấy là: con chỉ thấy phần mình đã xong, không nghĩ đến phần người khác, như vậy là ích kỷ. Con đã rõ chưa?
Côn hơi cúi xuống:
– Dạ, con đã rõ, thưa cha.
Mặt trời đã đứng bóng. Anh cử Sắc đi thủng thỉnh, ba cậu học trò bước theo sau trên con đường làng man mát bóng tre.