Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 34
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi lang thang dạo gót không mục đích qua các dãy phố, lòng phấp phỏng sợ hãi lúc phải quay lại khách sạn. Đêm hôm trước tôi đã mơ một giấc mơ hãi hùng và tôi đã bừng tỉnh giấc bởi tiếng thét của chính tôi. Trước đó tôi thường mơ thấy bọn cảnh sát đuổi phía sau. Hoặc là những cảnh tượng khủng khiếp thường tới giày vò giấc ngủ của tất cả những người lưu vong: bỗng nhiên tôi lại bị ném về phía bên kia đường biên giới của nước Đức và tôi lại rơi vào nanh vuốt của bọn SS. Đó là những giấc mơ thường gợi dậy nỗi tuyệt vọng: liệu có phải là một chuyện đùa thôi chăng mà vì sự ngu ngốc của chính mình, tôi lại trở về nước Đức? Tôi chợt tỉnh dậy với tiếng thét, nhưng sau đó tôi lại nhận ra rằng tôi vẫn đang sống tại New York. Đưa mắt qua cửa sổ tôi nhận ra vòm trời ban đêm với quầng sáng phản chiếu từ ánh đèn thành phố đỏ rực, tôi thận trọng duỗi chân trên giường với tâm trạng dần thanh thản trở lại - tôi đã được cứu thoát rồi! Nhưng giấc mơ mà tôi thấy tối hôm qua là một giấc mơ khác - một giấc mơ mù mờ, nhớp nháp như nhựa cây, tăm tối, ám ảnh và tựa như không bao giờ kết thúc… Có một người đàn bà không quen biết, gương mặt xanh mét, hốt hoảng, khe khẽ lên tiếng cầu cứu tôi, nhưng tôi không tài nào giúp gì cho chị ta được. Thế là chị ta cứ chìm dần trong chiếc ao bùn quánh đặc như chảo nhựa đường đang chưng, mình mẩy lấm láp bùn đất và những vết máu, mắt vẫn trừng trừng nhìn tôi van xin. Tôi nhận ra lời van vỉ câm lặng trong cặp mắt đã bạc trắng vì khiếp hãi, tôi nhận thấy từ miệng chị một thứ dịch nhầy nhụa, đen đúa đang tứa ra. Ngay sau đó xuất hiện những gã đặc vụ. Tôi nhận ra những chớp lửa lóe trên đầu súng, tôi nghe thấy cái giọng nói the thé mang âm sắc của vùng Saxon, tôi nhìn thấy những bộ binh phục thoang thoảng bay lên cái mùi gây gây của tử thi, của sự rữa thối và của khói lửa, tôi nhìn thấy những cái lò với những cánh cửa mở toang phóng ra những cái lưỡi lửa đỏ rực, tôi nhìn thấy một người thân thể bầm nát, nhưng vẫn còn ngọ nguậy, nói đúng ra là tay anh ta vẫn động đậy, động đậy cái ngón tay duy nhất còn lại trên bàn tay. Tôi nhận ra cái ngón tay kia bỗng co gập lại tựa có một người nào đó vừa xéo lên nó…
Tôi dừng lại trước một tủ kính quầy hàng, nhưng không nhận ra bất cứ một vật gì ở bốn phía xung quanh. Chỉ sau đó một lát tôi mới hiểu là tôi đang đứng trên Đại lộ số Năm trước cửa hiệu vàng bạc Van Cleef và Arpels. Trong nỗi khiếp hãi không thể nào cắt nghĩa nổi khi tôi chạy trốn khỏi cửa hàng của anh em nhà Lowy, tôi vẫn nhớ rõ là cái hầm ngầm ở đấy chả hiểu sao tự dưng lại gợi nhớ đến những khám đá tôi từng bị giam cầm. Như một bản năng tôi muốn tìm tới với đám đông, tôi muốn tới những phố lớn, và thế là tôi đã tới Đại lộ số Năm.
Lúc này tôi không rời mắt khỏi cái vương miện vốn xưa kia thuộc về hoàng hậu Eugénie. Trong ánh sáng điện cái vương miện đặt trên chiếc gối nhung đen tỏa sáng lấp lánh. Phía bên này của vương miện là một chiếc vòng đeo tay bằng hồng ngọc, ngọc bích và xa phia, phía bên kia là những chiếc nhẫn và dây chuyền.
– Nếu được quyền chọn cậu sẽ chọn thứ gì trong cái tủ kính ấy? - Một cô gái vận đồ màu đỏ hỏi người bạn gái bên cạnh cô ta.
– Bây giờ người ta coi hạt trai là thứ mốt nhất. Trên thế giới hiện nay người ta chỉ đeo hạt trai thôi.
– Hạt trai thật hay giả?
– Có hạt trai thật lẫn hạt trai giả. Chỉ với cái mã ngoài như vậy mới được coi là thuộc thế giới thượng lưu.
– Thế theo cậu, Eugénie có thuộc giới thượng lưu không?
– Tất nhiên rồi.
– Dẫu sao tớ cũng sẽ không từ chối nếu giả như có ai tặng tớ chiếc vòng đeo tay kia. - Cô gái vận đồ đỏ nói.
– Sặc sỡ quá! - Cô bạn trả lời.
Tôi đi tiếp. Thỉnh thoảng tôi dừng lại cạnh những cửa hiệu bán thuốc lá, bán giày dép, cửa hiệu bán đồ sứ hoặc cạnh những chiếc tủ kính cực lớn của các tiệm may mà những đám đông đang dán mắt tò mò ngắm nhìn những dòng thác tơ lụa rủ xuống từ giá treo, lấp lánh đủ mọi màu sắc. Tôi cười nhạo đám người hiếu kì kia, nhưng chính tôi cũng dán mắt vào những quầy kính, lắng nghe như muốn nuốt lấy những lời trao đổi đứt nối của mọi người, hệt như chú cá bị hắt lên bờ đang vội hớp những luồng không khí. Tôi đi qua sự tất tả, ngược xuôi của mọi người khi màn đêm đã sập xuống, mong hòa nhập vào làn sóng người kia, nhưng làn sóng ấy không tiếp nhận tôi. Không còn nơi nào để tôi đi nữa và cái bóng tối nhợt nhòa trong ánh đèn điện ban đêm lẽo đẽo bám sát gót tôi.
Thoạt đầu tôi muốn tìm Kahn, nhưng sau đó tôi suy nghĩ lại. Tôi không muốn gặp bất cứ ai gợi cho tôi nhớ lại quá khứ. Thậm chí cả Melikov cũng vậy.
Nhưng lẩn tránh những điều hãi hùng trong giấc mơ đêm hôm trước không phải là một việc dễ dàng. Thông thường khi trời đã sáng những giấc mơ thường nhợt nhạt, tan đi. Vài giờ đồng hồ sau đó chúng chỉ còn để lại những hình ảnh mù mờ, yếu ớt tựa như tấm màn sương của hồi ức cứ mỗi lúc một loãng dần ra rồi tan biến hẳn. Nhưng giấc mơ lần này không chịu tan biến đi. Tôi xua đuổi nó, nó cũng không chịu rời bỏ tôi. Nó để lại trong tôi cảm giác của một mối đe dọa, tuy không thật rõ rệt, nhưng tựa như sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
Dạo còn ở châu Âu tôi ít khi ngủ mơ. Đầu óc tôi luôn đầy ắp một mong ước: cố mà sống sót. Còn ở đây tôi cảm thấy mình đã thoát chết. Giữa tôi và cuộc đời ngày hôm qua là cả một đại dương, một khoảng không gian mênh mông bát ngát. Và trong con người tôi bừng tỉnh dậy hi vọng rằng tôi sẽ như một con tàu, tắt hết đèn trên boong, âm thầm tựa một bóng ma len lách giữa các tàu thuyền khác vượt lên, vượt lên để vĩnh viễn xa lìa cái bến bờ quá khứ hãi hùng kia. Bây giờ thì tôi biết cái quá khứ ấy vẫn bám theo từng bước chân tôi. Những mảng bóng đen kia bò lan tới những nơi mà tôi không thể nào ngăn cản nổi, bò lan vào trong những giấc mơ của tôi, vào tiềm thức của tôi mỗi đêm, dệt nên những thế giới kì quái để đến sáng hôm sau lại sụp đổ tất cả. Nhưng hôm nay, những thế giới mù mờ, kì quặc kia không chịu biến đi, chúng quấn chặt quanh tôi tựa như những luồng khói đặc quánh, ẩm ướt. Và từ đám khói này những đàn kiến bò ra, chạy dọc trên lưng tôi, cảm giác nhầy nhụa, ngòn ngọt đến buồn nôn. Thứ khói bốc ra từ các lò hỏa táng.
Tôi dáo dác nhìn về phía sau: không ai theo dõi tôi cả. Đêm yên ả, thanh bình. Có cảm giác như sự yên ả này đang cuồn cuộn bốc lên giữa những tòa nhà mà mặt tiền của chúng loang loáng hàng nghìn cặp mắt - hàng nghìn những ô cửa sổ sáng ánh đèn. Những quầy kính cao tới hai, ba tầng nhà chật căng các thứ bình cổ, các bức tranh, lông thú, đồ gỗ quang dầu… tất cả sáng bóng lên dưới ánh sáng của những ngọn đèn có chao. Cả khu phố này cứ như được đánh cho bóng lộn lên để làm hài lòng những niềm ham mê nhỏ nhoi, quái dị. Nó giống như một cuốn sách trẻ em với những bức minh họa sặc sỡ mà vị chúa của thói xa hoa, đàng điếm vừa lật giở từng trang vừa nói: “Mãn nguyện nhé! Mãn nguyện nhé! Đủ cho tất cả mọi người nhé!”
Tôi đã khát khao biết bao được kết thân với xứ sở này - một xứ sở biết điểm trang cho các xác chết, tôn sùng tuổi trẻ và gửi những chiến binh của mình đi để chết ở các nước khác, chết vì một sự nghiệp mà chính họ chưa tỏ tường.
Tại sao tôi không thể trở thành một người như những người Mỹ kia được? Tại sao tôi lại thuộc cộng đồng những người không có tổ quốc, ngắc ngứ với mỗi một chữ, một từ tiếng Anh? Những người với quả tim đập thùm thụp trong lồng ngực, leo lên những bậc thang bất tận hoặc đang sải cánh bay lên trên cao trong những chiếc thang máy cứ phóng lên vun vút mãi để sau đó lại lê bước từ căn phòng này sang căn phòng khác. Những người không ưa chịu đựng bất cứ một điều gì và yêu đất nước này chỉ vì nó chịu đựng được họ?
Tôi đang trở thành một kẻ ủy mị đáng ghê tởm, tôi nghĩ thầm: Thật buồn cười! Chả lẽ tôi đã trở thành một trong vô số người luôn luôn nuối tiếc cái bếp lò đắp bằng đất và đôi dép khâu tay đi trong nhà rồi sao? Tôi đã trở thành một kẻ mang nỗi buồn nhớ tốt lành, quen thuộc về một đời sống tầm thường, tẻ nhạt rồi sao?
Tôi quay ngoắt trở lại và vội vã đi lướt qua các cửa hàng, cửa hiệu trên Đại lộ số Năm. Bây giờ tôi đang đi về hướng tây, bỏ qua một khuôn viên nhỏ - nơi cư ngụ của các tầng lớp dưới đáy xã hội - rời khỏi một dãy phố nơi mọi người ngồi im lặng trước khung cửa ngôi nhà của mình trên những bậc tam cấp khá cao, còn đám trẻ thì nhung nhúc trong các gian phòng hẹp lòng như những chiếc hộp. Tôi có cảm giác người lớn ở dãy phố này rất mệt mỏi nhưng không đến nỗi quá âu lo, phiền muộn nếu có thể tin cậy được ở sự dốt nát, tăm tối rằng nó sẽ bảo vệ họ.
Mình đang cần đàn bà đây - tôi thầm nghĩ khi bước tới gần khách sạn Reuben. Đàn bà! Một cô ả đần độn, cười toe toét với mớ tóc hoe vàng và cặp mông núng nính. Một cô ả không hiểu biết gì và không đặt ra bất cứ một yêu cầu, đòi hỏi gì ngoài một câu hỏi anh có đủ tiền không. Và tôi còn muốn một chai rượu California Burgundy, thêm một chút rum rẻ tiền, để pha với thứ rượu trên. Tôi cần phải qua đêm nay với một mụ đàn bà bởi lẽ tôi không thể quay trở về khách sạn được. Không nên quay lại khách sạn. Trong đêm hôm nay hoàn toàn không nên.
Nhưng tôi có thể tìm ở đâu ra một mụ đàn bà như ý tôi muốn? Một thứ điếm hạng bét? New York không phải là Paris. Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng cảnh sát New York tuân thủ rất nghiêm những luật lệ khi sự việc liên quan đến hạng cùng đinh. Gái mãi dâm mạt hạng không lang thang kiếm khách ngoài phố. Họ cũng không có những dấu hiệu để nhận biết: những chiếc ô, chiếc túi quá cỡ chẳng hạn. Tất nhiên, họ có số điện thoại, nhưng để gọi được họ cần phải có thời giờ và quan trọng là phải biết số của họ.
– Xin chào Felix, - tôi nói. - Chẳng lẽ Melikov chưa tới sao?
– Hôm nay là thứ bảy, - Felix đáp, - phiên tôi trực.
Đúng rồi hôm nay là thứ bảy. Tôi đã hoàn toàn quên điều này. Tôi sẽ trải qua một ngày chủ nhật dài lê thê, chán chường và nỗi sợ hãi sẽ lại đến tấn công đây.
Trong căn buồng tại khách sạn còn một chút vodka và hình như vài viên thuốc ngủ. Vô tình tôi nhớ tới gã Raoul béo. Mới hôm qua thôi chính tôi đã chế nhạo gã về cái thói chơi bời, trụy lạc. Lúc này tôi cảm thấy đơn độc khủng khiếp.
– Cô Petrovna cũng vừa mới hỏi thăm Melikov xong. - Felix nói.
– Cô ta đi chưa?
– Theo tôi thì chưa đâu. Cô ấy muốn đợi thêm chút nữa.
Tôi gặp Natasha trong gian phòng đợi với thứ ánh sáng điện mờ đục. Tôi hi vọng là hôm nay cô ta sẽ không khóc, tôi nghĩ thầm trong đầu. Cô ta đứng lên và tôi lại ngạc nhiên lần nữa vì sao cô ta cao đến như vậy.
– Cô lại vội vã gặp anh thợ nhiếp ảnh sao? - Tôi hỏi.
Natasha gật đầu.
– Tôi muốn uống một chút rượu vodka, - tôi mời vụng về, - tôi có thể mang ra đây.
– Nếu không làm phiền anh. Ở chỗ anh thợ ảnh muốn uống bao nhiêu tùy thích. Tôi chỉ muốn ngồi ở đây một lát.
– Tôi mang vodka ra ngay thôi mà, có phiền phức gì đâu.
Tôi chạy lên cầu thang và mở cửa phòng. Chai rượu sáng lóe lên trên bậu cửa sổ. Không ngó nghiêng gì, tôi nắm lấy chai rượu và hai cái ly. Ra đến cửa, tôi ngoái đầu lại. Không hề có bóng ma hay bóng người nào ẩn trong phòng cả. Tôi lắc đầu vì sự ngớ ngẩn của mình và xuống tầng dưới.
Natasha Petrovna hôm nay đối với tôi không như tôi thường hay nghĩ về cô ta. Cô ta có vẻ bớt khùng hơn và nom giống một phụ nữ Mỹ hơn. Nhưng kìa, cái giọng the thé của cô đã vang lên và tôi nhận ra cô nói với một âm sắc hơi nhẹ. Không phải âm sắc Nga, mà là âm sắc Pháp. Là tôi cho rằng như vậy. Trên đầu cô quấn một chiếc khăn lụa màu hoa cà thắt trễ xuống theo kiểu turban.
– Để không làm hỏng kiểu tóc đã chải đấy mà! - Cô giải thích. - Hôm nay tôi chụp trang phục mặc buổi tối!
– Cô thích ngồi ở chỗ này à? - Tôi hỏi.
– Nói chung tôi thích ngồi ở các khách sạn. Tại khách sạn không cảm thấy buồn. Người đi vào, đi ra. Chào hỏi rồi tạm biệt. Gặp nhau và chia tay đều là những phút giây tuyệt vời nhất trong cuộc đời.
– Cô nghĩ như vậy sao?
– Đấy là những giây phút ít buồn thảm nhất. Còn những gì ở giữa hai khoảnh khắc ấy thì… - cô phất tay chậm rãi. - Những khách sạn lớn thường không có bản sắc riêng. Tại đấy con người ta thường che đậy khá kĩ lưỡng cảm xúc của mình. Anh có cảm giác là trong không khí thoảng bay lên mùi vị của những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng ta không thể nào trông thấy được chúng không?
– Ở đây cô trông thấy được, phải không?
– Đúng thế. Ở đây con người ta cởi mở mọi điều. Chính tôi cũng vậy. Ngoài ra tôi thích ông Vladimir Ivanovich. Ông ta giống người Nga.
– Chả lẽ ông ấy không phải người Nga sao?
– Không, ông ta là người Séc. Nói đúng hơn vùng quê nơi ông ta sinh ra xưa kia thuộc Nga, nhưng sau năm 1919 nó thuộc Séc. Sau đó nó bị bọn Quốc xã xâm chiếm. Có thể chẳng bao lâu nó sẽ một lần nữa thuộc về Nga hay Tiệp… Liệu người Mỹ có định chiếm xứ Séc này không đây? - Natasha cất tiếng cười vui vẻ rồi đứng lên. - Tôi phải đi đây. - Lưỡng lự giây lát rồi cô hỏi tôi. - Tại sao anh không đi với tôi nhỉ? Anh có hẹn hò với ai tối nay không đấy?
– Tôi chẳng hẹn với ai cả nhưng tôi sợ anh thợ ảnh kia sẽ đuổi tôi đi.
– Nicky ấy à? Thật là một ý nghĩ kì quái! Anh ta luôn luôn có rất nhiều bạn bè. Thêm hay giảm một người đối với anh ta chẳng có gì quan trọng cả. Họ là những người có máu nghệ sĩ nên thường hơi lơ đãng một chút…
Tôi đoán được nguyên nhân tại sao Natasha mời tôi đến chỗ anh thợ nhiếp ảnh: để làm dịu bớt sự lúng túng nảy sinh trong lần đầu chúng tôi gặp nhau. Nói đúng ra tôi không muốn đi với cô. Tôi sẽ làm gì ở đó kia chứ? Nhưng tôi vui vẻ chấp nhận bất cứ lời mời nào chỉ cốt không phải ngồi tại khách sạn. Khác với Natasha Petrovna, tôi không chờ đợi sự phiêu lưu. Nhưng trong đêm nay cũng đành thử liều.
– Ta đi tắc xi chứ? - Ra đến cửa tôi hỏi Natasha.
Natasha cất tiếng cười khanh khách:
– Những vị khách lưu trú ở khách sạn Reuben không đi tắc xi đâu. Tôi biết rõ điều này. Ngoài ra, đây tới đó có xa xôi gì cho cam. Còn buổi tối này thì quả là tuyệt vời. Những đêm New York! Không, Chúa trời sinh tôi ra không phải để dành cho cảnh điền viên nơi thôn dã. Còn anh thì sao?
– Tôi không rõ nữa.
– Anh không khi nào nghĩ tới điều đó sao?
– Không bao giờ, - tôi thú thực. - Và tôi cũng không chắc là mình có thời gian để nghĩ đến việc đó. Một thứ xa xỉ không được phép! Đối với tôi còn sống đã là điều vui sướng lắm rồi.
– Anh còn nhiều thứ ở phía trước lắm. - Natasha Petrovna nói.
Cô bước đi ngược chiều với dòng người đi bộ nom như chiếc thuyền buồm hẹp lòng, ván nhẹ. Gương mặt nhìn nghiêng của cô trong chiếc khăn quấn đầu màu hoa cà giống với gương mặt nhìn nghiêng của bức tượng gắn trên mũi một con tàu thời xa xưa, một bức tượng bình thản nhô cao trên mọi luồng sóng cả, xung quanh tung tóe bọt biển, hướng tới một thế giới chưa bao giờ được biết. Natasha bước đi khá nhanh với những bước dài tựa như chiếc váy cô đang mặc khá chật. Nhưng cô không gấp gáp và cô hít thở thật sâu. Tôi thầm nghĩ đây là lần đầu tiên trong suốt cả thời gian tôi sống tại nước Mỹ, tôi đang bước đi sóng đôi với một người đàn bà.
Mọi người đón tiếp cô như đón một đứa trẻ được cưng chiều lạc đâu một thời gian dài nay mới được quay trở về. Trong một gian phòng rộng thênh thang, ít đồ đạc, với những ngọn đèn giấu trong mái vòm, với những tấm bình phong màu trắng, có chừng mười người đang thung dung bách bộ. Anh thợ nhiếp ảnh và hai người nữa dáng vẻ hao hao anh tiến đến hôn Natasha. Những câu chuyện phiếm hình như đã sắp nguội lạnh lập tức được hâm nóng. Tôi được giới thiệu. Ngay lúc đó có người mang lại rượu vodka, whisky, thuốc lá. Còn sau đó tôi bỗng như được cố ý sắp xếp cho ngồi trong một chiếc ghế bành hơi cách xa mọi người và thế là tất cả quên tôi đi.
Nhưng tôi không buồn. Tôi được nhìn thấy ở đây những thứ mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Đám bạn hữu của Natasha mở ra những hộp các tông cực lớn bên trong đựng những chiếc áo đầm và áo khoác; người ta mang chúng ra phía sau những bức bình phong rồi lại mang vào. Mọi người đều nồng nhiệt tranh cãi cần phải chụp gì trước tiên. Ngoài Natasha Petrovna ra, tại tiệm thời trang này còn có hai cô người mẫu khác: một cô tóc vàng và một cô tóc đen, cả hai đều đi giày cao gót, cả hai đều rất đẹp.
– Ta hãy chụp áo khoác trước đã, - một thiếu phụ gương mặt và cử chỉ ánh lên vẻ cương quyết tuyên bố.
– Không, đầu tiên hãy chụp những bộ đồ mặc buổi tối, - anh thợ chụp ảnh phản bác ngay. Anh bạn này cao, gầy, tóc sáng màu, cổ đeo sợi dây chuyền vàng. - Không thế chúng sẽ nhàu hết.
– Nói chung là không nhất thiết phải vận đồ buổi tối phía dưới áo khoác đâu. Mà áo khoác cũng vận sao cho đúng kiểu. Trước hết hãy chụp áo khoác lông đi, hãng người ta đang đợi đấy.
– Thôi được, chúng ta sẽ bắt đầu bằng áo khoác lông.
Và thế là mọi người lại tranh cãi một lần nữa phải chụp áo lông như thế nào. Tôi dỏng tai nghe nhưng không tài nào hiểu nổi mọi người đang cãi cọ nhau điều gì. Sự sôi nổi, vui vẻ và sự hăng hái khi mọi người nêu ra những ý kiến này nọ đã khiến mọi điều diễn ra trước mắt tôi hệt như một màn kịch. Hoặc từ vở Giấc mộng đêm hè. Hoặc từ một vở kịch vui theo phong cách Rococo, đại thể như vở Người tình của hoa hồng. Hoặc từ những vở kịch vui Nestroy! Nhưng tất cả những gì đang xảy ra lại giống một vở kịch câm và gây cảm giác không thực.
Nhưng nhìn kìa, ánh sáng những ngọn đèn công suất lớn đã bật lên, chiếu vào tấm bình phong, bên cạnh có một lọ hoa cực lớn với những bông hoa giả. Một trong những cô người mẫu đi đôi giày gót cao bước ra với áo lông màu nâu nhạt. Bà cửa hàng trưởng chạy tới sửa sang, vuốt nếp cho tấm áo lông. Hai ngọn đèn chiếu kê thấp hơn các ngọn đèn khác sáng lóe lên và cô người mẫu như chết đứng một chỗ, tựa như người ta sắp ngắm vào cô mà nổ súng.
– Được đấy! - Nicky reo to. - Thêm lần nữa nào, darling.
Darling (tiếng Anh trong nguyên bản): Cô em thân yêu.
Tôi ngả người ra lưng ghế. Thật tuyệt vì tôi đã tới đây. Không thể nghĩ ra trò gì hay hơn thế này nữa.
– Còn bây giờ đến lượt Natasha nào, - giọng ai đó nói, - Natasha mặc áo khoác lông cừu.
Natasha xuất hiện rất đột ngột. Thân hình mảnh mai rất nữ tính quấn trong áo lông đen nhánh, cô đứng hết sức tự tin trước tấm bình phong màu trắng. Trên đầu cô đội một chiếc mũ nom như một chiếc bê-rê, cũng bằng thứ lông đen nhánh kia.
– Tuyệt tác! - Nicky gào lên. - Cứ đứng như thế! - Anh ta gạt bà cửa hàng trưởng sang một bên khi bà ta đang định sửa sang tấm áo trên mình Natasha. - Tí nữa chúng ta sẽ chụp thêm mấy kiểu khác. Còn lúc này cần tới những tư thế khác.
Những tia sáng của các ngọn đèn chiếu như tập trung lên gương mặt của Natasha. Lúc này đôi mắt của cô nhuốm màu xanh biếc và trong luồng sáng cực mạnh hắt tới từ bốn phía, chúng lấp lánh như những vì sao.
– Tôi chụp đây! - Nicky kêu vang.
Natasha Petrovna không cứng ngắc như hai cô người mẫu trước. Cô đứng yên bất động nhưng trông hết sức tự nhiên.
– Hay lắm. - Nicky cất tiếng khen. - Bây giờ thì cởi nút áo khoác ra.
Natasha gạt hai tà áo khoác ra, chúng tựa như hai cánh bướm. Mới một phút trước có cảm giác như chiếc áo quá ngắn, nhưng thực ra nó khá dài. Tôi nhận ra lần vải lót màu trắng với những đường kẻ sọc lớn.
– Giữ lấy hai vạt áo, - Nicky lại thét lên. - Mở chúng rộng ra hơn chút nữa. Em nom hệt như chú ngài hoàng đế. Giỏi!
– Ở đây anh có cảm thấy thích thú không? - Có người nào đó hỏi tôi.
Đó là một người đàn ông tóc đen, với đôi mắt đen nhánh một cách kì lạ nom như những hạt anh đào.
– Rất thích, - tôi đáp một cách chân thật.
– Tất nhiên là hiện nay chúng tôi không còn kham nổi hàng Balenciaga và hàng của Pháp nữa. Hậu quả của chiến tranh đấy. - Người chưa quen biết thở dài nói thêm. - Nhưng những mẫu của Mainbocher và Valentino nom cũng không đến nỗi nào. Anh thấy sao?
– Hoàn toàn đúng như vậy, - tôi hưởng ứng mà không không hiểu anh ta nói gì.
– Chúng tôi hi vọng mọi điều đang xảy ra mau chóng kết thúc và chúng tôi sẽ nhận lại được loại vải hạng nhất, lụa Lyon chẳng hạn…
Có tiếng người gọi, anh ta đứng dậy. Cái nguyên cớ để anh ta thở than về chiến tranh tôi cảm thấy không có gì đáng cười cả. Ngược lại, chính trong gian phòng này điều anh ta thở than xem ra hoàn toàn hợp lí và thông minh.
Sau đó anh bạn nhiếp ảnh bắt tay chụp những bộ đồ mặc buổi tối. Và bỗng nhiên Natasha Petrovna xuất hiện ngay cạnh tôi. Cô vận một chiếc áo dài trắng bó sát người để hở vai khá nhiều.
– Anh không buồn chứ? - Natasha hỏi.
– Sao lại buồn? Hoàn toàn không. - Tôi nói, hơi chút bối rối và tôi chăm chắm nhìn cô sửng sốt. - Tôi nghĩ rằng tôi đang bị những ảo giác săn đuổi. Nhưng lần này là những ảo giác thật dễ chịu. Tôi đã nhìn thấy chiếc vương miện cô đang đội đâu đó trưa hôm nay tại cửa hàng Van Cleef và Arpels. Kì lạ thật…
Natasha cất tiếng cười.
– Anh có cặp mắt tinh tường đấy!
– Nhưng có đúng là cái vương miện đấy không?
– Đúng rồi. Tờ tạp chí mà chúng tôi sẽ cung cấp ảnh đã mượn tạm cửa hàng. Chẳng lẽ anh nghĩ là tôi mua cái vương miện này hay sao?
– Có trời mà biết! Hôm nay tôi có cảm giác là mọi điều đều có thể xảy ra. Trong đời tôi chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều áo khoác, áo choàng đến như vậy.
– Loại áo nào anh thích hơn cả?
– Khó mà nói được. Có thể là chiếc áo khoác rất dài, rất rộng bằng nhung đen mà cô vừa diện. Có lẽ nó là hàng Balenciaga.
– Đúng thế. Anh là gián điệp sao?
– Gián điệp? Chưa ai buộc tội tôi là gián điệp đâu. Thật thú vị nếu được biết tôi làm gián điệp cho nước nào đấy?
– Không cho nước nào cả, mà cho một hãng khác. Một hãng của những kẻ đang cạnh tranh với hãng của chúng tôi. Anh là chuyên gia về tất cả những gì anh nhìn thấy ở đây phải không? Xin anh hãy thú thật đi! Nếu không làm sao anh đoán được cái áo khoác ấy là hàng của Balenciaga.
– Natasha Petrovna. - Tôi nói nghiêm trang. - Xin thề với cô, mới mười phút trước đây thôi tôi còn chưa biết tới mấy tiếng Balenciaga. Khi nghe thấy cái tên ấy tôi đã cho rằng đấy là nhãn hiệu của một hãng xe hơi. Cái ngài mặt xanh xao, tóc và mắt đen ánh kia đã nhắc đến mấy tiếng ấy. Anh ta nói rằng những kiểu từ hãng Balenciaga bây giờ không cách nào vượt qua đại dương được. Tôi đùa một tí đấy mà.
– Vẫn tới được đúng nơi cần tới. Tấm áo khoác ấy đúng là hàng Balenciaga. Nó được chuyển sang Mỹ trên một chiếc máy bay ném bom. Trên “pháo đài bay”, như người ta thường nói, tức là từ con đường buôn lậu.
– Một kiểu sử dụng máy bay ném bom thật tuyệt vời. Chúng tôi hi vọng rằng mọi người sẽ noi theo gương của cô và trên trái đất này sẽ xuất hiện một kỉ nguyên vàng.
– Đúng như thế đấy. Vậy anh không phải là gián điệp. Tôi lại lấy làm tiếc vì điều này. Dẫu sao vẫn phải cảnh giác với anh. Anh nắm bắt mọi điều hết sức nhanh nhạy. Mà đồ uống của anh họ lo đủ không?
– Cảm ơn cô. Quá đủ là đằng khác.
Người ta đang gọi Natasha.
– Sau khi chụp ảnh xong chúng tôi sẽ đi chơi đâu đó. Chúng tôi sẽ đến quán El Morocco. Ở đấy rất dễ chịu, - vừa đi xa tôi, cô vừa nói. - Anh đi nhé?
Tôi không đáp lại. Đương nhiên là tôi không muốn đi cùng với họ. Tôi không cảm thấy hứng thú gì với những trò giải trí như thế. Sẽ phải giải thích cho cô hiểu sau thôi. Một viễn cảnh không lấy gì làm dễ chịu lắm nhưng vẫn còn thời gian. Hiện tại tôi không muốn nghĩ gì cả. Tôi không muốn nghĩ tới ngày mai, thậm chí ngay cả giờ sau nữa. Cô người mẫu da hơi ngăm đen vừa chụp ảnh xong với chiếc áo khoác bằng nỉ khá dài màu lục thẫm, lúc này đã cởi tấm áo ấy ra mặc tấm áo khác. Tấm áo mới chưa kịp chuẩn bị. Cô gái cứ đứng nguyên đó với bộ đồ lót. Nhưng điều này cũng chẳng làm một ai ở đây bối rối ngượng ngùng cả. Thấy rõ là hiện tượng này đối với mọi người cũng không có gì là mới lạ, thêm vào đó trong đám đàn ông có mặt ở đây có những kẻ đồng tính luyến ái. Tôi thấy cô người mẫu da hơi ngăm đen kia rất đẹp. Nàng mang vẻ tự tin của một người đàn bà có ý thức rằng mình luôn luôn là kẻ chiến thắng và không lấy làm vui thích vì điều này. Tôi cũng đưa mắt quan sát xem Natasha Petrovna thay đổi bộ đồ mặc buổi tối ra sao. Nước da cô trắng bóc, vóc cao, cân đối. Nước da ấy gợi trong tôi cái sắc màu của ánh trăng đêm phản chiếu trong những viên ngọc bích. Tôi không nói Natasha là típ người tôi thích. Típ người ấy nói đúng ra là cô người mẫu tóc đen có tên là Sonja kia. Những ý nghĩ này không rõ ràng cụ thể lắm và biến mất rất nhanh và tôi vẫn cảm thấy vui vui trong lòng vì trong tôi không hề có bất kì một mong muốn, một liên tưởng cụ thể, rõ ràng nào cả. Nhưng tôi vui hơn cả vì tôi đã không phải ngồi lại ở khách sạn. Thật ra tôi hơi sững sờ bởi lẽ những người đàn bà xa lạ hiện ra trước mắt tôi trong các dáng đi nước bước kia tựa như chúng tôi quen biết nhau đã từ lâu lắm rồi. Tất cả làm tôi liên tưởng tới một bức tranh gồm nhiều lớp màu khác nhau được đặt trên lớp màu làm nền, tuy lớp màu nền này lại dường như không nom thấy - cách hòa sắc như vậy đã phú cho bức họa gam màu ấm áp.
Chỉ mãi đến khi những bộ đồ mặc buổi tối đã được xếp lại vào các thùng các tông tôi mới nói với Natasha Petrovna tôi không thể đi với nhóm bạn bè của cô tới quán El Morocco được. Tôi biết rõ đấy là hộp đêm đắt tiền, sang trọng nhất ở New York.
– Vì sao anh lại từ chối? - Natasha hỏi.
– Tôi không có tiền.
– Ôi anh bạn ngốc nghếch của tôi! Thì chúng tôi mời anh cơ mà. Chả lẽ anh lại nghĩ rằng tôi bắt anh phải bao sao?
Giống như mọi khi cô cất tiếng cười hơi khàn khàn. Và tuy không biết vì sao, tiếng cười ấy khiến tôi nhớ tới tiếng cười của các cô gái sống bằng cái nghề không lương thiện kia - nhưng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu vì cảm nhận ra mình đang ở giữa nhóm người cùng cảnh ngộ.
– Này, cái vương miện đâu rồi? Cần phải trả lại cửa hiệu thôi.
– Để mai. Tờ tạp chí đã mượn rồi mà. Bây giờ chúng ta sẽ đi uống sâm banh.
Tôi không thể cưỡng lại được nữa. Ngày hôm đó kết thúc hoàn toàn bất ngờ đối với tôi: Tôi đã nhận ra cuộc đời trong mọi sắc màu khác biệt nhau nhất của nó. Thoạt đầu tôi thấy mọi việc có vẻ hài hước, tức cười. Nhưng sau đó tôi cảm nhận ra một sự biết ơn chân thành. Tôi cũng không ngạc nhiên khi chúng tôi ngồi tại một trong những gian của quán El Morocco có một ca sĩ người Hung biểu diễn những ca khúc của Đức, cho dù hai nước Mỹ và Đức đang đối đầu với nhau trong chiến tranh. Tôi chỉ biết rằng một việc như vậy không thể nào xảy ra ở Đức được. Thêm vào đó trong hộp đêm này, vào thời khắc ấy có rất nhiều sĩ quan Mỹ. Tôi có cảm giác như đang lang thang mãi giữa sa mạc bỗng nhiên tôi phát hiện ra một ốc đảo. Thỉnh thoảng tôi lại khẽ khàng thọc tay vào túi nhẩm đếm số tiền năm mươi đô la - cái gia tài lớn nhất của tôi và sẵn sàng chi trả cho cuộc vui đêm nay ngay khi có lời yêu cầu đầu tiên. Nhưng không ai yêu cầu tôi làm việc ấy. Cuộc đời quá êm ả, tôi nghĩ. Một cuộc đời êm ả mà tôi không hề biết tới, một cuộc đời không bợn một chút âu lo mà tôi chưa từng trải qua. Nhưng tự trong thâm tâm tôi không hề ghen tị. Thật tuyệt biết bao, mọi điều cứ trôi qua như vậy. Tôi ngồi giữa đám người chưa từng quen biết nhưng họ lại trở nên gần gũi, đáng yêu biết bao so với những kẻ mà tôi quen biết từ lâu. Tôi ngồi bên cạnh một người đàn bà đẹp, cái vương miện trên đầu mượn tạm từ một cửa hiệu sáng lấp lánh dưới những ngọn nến. Tôi là một vị khách đói khát giữa một đám người sang trọng hết sức tôn trọng, yêu quý tôi. Tôi uống thứ rượu sâm banh xa lạ và tự trong tôi xuất hiện thứ tình cảm tựa như cái cuộc đời còn hoàn toàn mới mẻ, xa lạ này lại phú cho tôi một mối quan hệ thân thương ngay trong một đêm hết sức dễ chịu. Sáng ngày mai tôi buộc phải trả lại cuộc đời này cho người ta.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường