Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
iện sụt thế. Căn buồng vàng ủng. Mạng nhện quện bụi bặm, muội đèn lõng thõng mỗi góc buồng. Đường dây điện từ đầu thế kỷ Hai mươi vẽ những nét loằng ngoằng bẩn thỉu. Nền nhà trồi sụt mấp mô. Thuyên đã ngồi xuống chiếc ghế đẩu cách bàn Nhâm ngồi chừng một mét. Đưa mắt nhìn quanh căn buồng, thấy không một dấu hiệu đặc biệt, Thuyên có vẻ yên tâm. Và gần như là nhịn thở, y vào chuyện ngay như để giành phần chủ động từ phút đầu.
- Tôi sẽ cố gắng cộng tác với các anh. Tôi với Bội cùng một tổ, là chỗ bạn bè.
- Tôi biết.
Nhâm gật đầu, giữ giọng bình thường, không tỏ ra sốt sắng, cũng không thờ ơ. Thuyên tiếp:
- Bây giờ anh cho tôi xem ảnh cậu Bội lúc bị giết đi.
- Ảnh Bội?
- Vâng.
Khẽ lắc đầu, hai con mắt thâm trầm không rời mặt Thuyên, Nhâm cố ghìm và anh cảm thấy hình như đã giấu được cả nỗi chua chát lẫn chút cay cú trong giọng nói của mình;
- Anh đòi hỏi gì mà lạ thế, anh Thuyên? Làm gì có ảnh Bội! Chỉ có cái đầu bị cắt của Bội và thi thể anh ta bị phanh ra thành nhiều mảnh thôi. Không thể tưởng tượng được từ đâu lại nảy nòi ra một tên dã nhân như thế. Nó thích thú gì khi hành hạ một xác chết? Nhưng thôi, bây giờ, anh Thuyên, anh cho tôi hỏi một vài điều để làm quen với nhau đã. Gia đình anh làm nghề giết mổ, bán thịt lợn đã lâu chưa?
- Từ đời bà cụ nhà tôi truyền lại.
- Thế anh có biết chọc tiết, làm lông, xả thịt con lợn không?
- Cái gì!
Nhìn Thuyên chột dạ, há hốc mồm sau câu đáp giật giọng, Nhâm kéo dịch chiếc ghế vào cạnh bàn, đưa tay lên như che miệng, hạ giọng, nhả hơi:
- Chuyện làm ăn, bình thường thôi mà, anh.
Rồi nhìn thẳng vào Thuyên, anh khe khẽ:
- Thôi bây giờ thế này. Anh Thuyên, anh nhớ lại xem, rồi trả lời tôi nhé. Nhâm nói và sau mấy giây ngần ngừ, như để tìm cách diễn đạt cho thật mềm mại, bỗng dưng như không còn tự chủ được mình, giọng trở nên bẳn gắt rất kỳ quặc: Từ ngày mồng mười đến ngày mười lăm tháng Tư vừa rồi, anh làm những gì? Ở đâu?
Sau câu hỏi về nghề giết mổ lại là một bất ngờ nữa với Thuyên chăng? cả nội dung câu hỏi và cách hỏi? Có vẻ như Thuyên chờ đợi một câu hỏi khác kia? Một câu hỏi về tên tuổi, quê quán, quan hệ bạn bè, công việc làm ăn ở xí nghiệp chẳng hạn. Chứ không phải một câu hỏi mà ý tứ mu mơ không xác định, rất có thể là cạm bẫy như thế này? Thật ra, đó không phải là cạm bẫy. Nhâm chỉ thực hiện một thao tác nghề nghiệp đơn giản. Và trong linh hoạt của sự sáng láng, anh đã sử dụng nó như một phép thử, và hình như nó có phần quá đường đột với đối tượng. Hệ quả của sự đường đột là cái đầu méo mó gồ ghề của Thuyên ngẩng phắt dậy. Má phồng phồng như bọng con nhái, y đặt tay lên gờ dưới chiếc bàn và đôi môi xám xịt rúm ró của y thoáng một cái giật nhẹ:
- Tôi... tôi và Bội cùng là thợ trong một tổ cơ khí.
- Tôi biết rồi.
- Tôi và Bội cùng học ở Trường Phổ thông Ngọc Khải. Rồi tôi theo bố tôi học phụ xe. Ít lâu sau tôi mới về Trường Trung cấp Cơ khí, gặp lại Bội.
- Tôi biết!
- Tôi nhiều hơn Bội mấy tuổi. Khi học với nhau, tôi ở cùng khu phố với Bội.
Sao Thuyên lại trả lời ra ngoài những điều Nhâm hỏi thế? Thuyên đã bắt đầu lúng túng rồi ư? Nhâm nghĩ, đầu gật gật:
- Được rồi. Anh Thuyên này, anh có nghe rõ câu hỏi của tôi không?
Ngừng lời đột ngột, Nhâm như cố ý tạo nên một khoảng lặng để thu hút sự chú ý của Thuyên. Và nhìn thẳng vào cặp mắt vằn những tia máu đỏ của y, anh bỗng thấy mình rất điềm tĩnh và rành rọt:
- Anh Thuyên! Anh nghe lại câu hỏi của tôi nhé. Ngày mồng mười tháng tư vừa rồi, anh ở đâu? Làm gì?
Chiếc ghế đẩu cọt kẹt một tiếng rên. Thuyên hơi cúi xuống và Nhâm nhận ra không chỉ còn là lúng túng, Thuyên đã bắt đầu bối rối, y nói mà không hiểu mình nói gì:
- Ngày mồng mười là ngày thế nào nhỉ?
- Anh cứ bình tĩnh nhớ lại xem.
- Nhưng mà...
- Anh Thuyên này, tôi hỏi như thế để cho câu chuyện có đầu có đuôi thôi. Anh hiểu không? Vì vậy, sự thật thế nào, anh cứ nói, đừng ngại. Anh có cần uống nước không?
Với tay lên cái giá gỗ ở phía sau. Nhâm lấy chai nước lọc và chiếc cốc nhựa.
- Anh cố nhớ lại xem. Ngày mồng mười là ngày Chủ nhật
- Đã lâu rồi, anh hỏi thế tôi nhớ làm sao được!
- Thế nên tôi mới bảo anh cứ bình tĩnh, cố nhớ lại xem.
Thực tình là lúc này Nhâm muốn trấn an Thuyên. Và anh nhận ra, quả nhiên là cốc nước lọc và thái độ của Nhâm đã khiến y bớt lo sợ. Y nhăn nhăn trán để nhớ và liếm mép liên hồi:
- Chủ nhật mồng mười tôi đi ca chiều.
- Ngày tiếp sau, mười một.
- Tôi cũng đi ca chiều.
- Tốt rồi. Ngày mười hai, mười ba, mười bốn, cũng thế chứ gì. Thế còn ngày mười lăm, tức là thứ Sáu, anh nghỉ việc xí nghiệp, ở nhà.
-Dạ...
- Anh cứ bình tĩnh.
- Tôi nghỉ việc, ở nhà. Cái chuồng lợn bị tốc mái sau trận lốc, tôi cần lợp lại.
Nghỉ việc xí nghiệp, ở nhà! Bật lên một tiếng reo thầm. Nhâm bất ngờ với chính mình. Thì ra quan trọng là đúng đắn ngay từ hướng đi. Và về điều này, anh phải biết ơn ông Tầm. Toàn bộ lộ trình công việc của anh và Trừng đã được ông vạch ra và dự tính, chú ý. ông nói, chúng ta giống nghệ sĩ ở chỗ có khả năng biến một lời giải thành một câu đố. Và như vậy, với búi chỉ rối này, anh đã nắm được một đầu dây, một sự kiện để lần cởi
- Thế ngày đó, Bội cũng nghỉ ở nhà chứ?
- Tôi không rõ.
- Vậy buổi sáng mười lăm ấy anh ở nhà làm gì?
- À à...
Ho hó cái miệng, nhe nhe những chiếc răng nhọn, Thuyên ngắc ngứ. Nhâm nhấn:
- Có thế nào anh cứ nói thế, anh Thuyên.
- Nhưng mà sáng mười lăm tôi không có mặt ở nhà.
- Vậy anh đi đâu?
- Tôi lên thăm hai đứa con ở với ông bà ngoại trên làng Phùng ngoại thành.
- Mấy giờ anh về?
- Tôi ở trên đó đến chiều mới về.
- Vô lý! Hôm đó anh không đi làm ở xí nghiệp, ở nhà để lợp lại mái chuồng lợn bị bão tốc cơ mà!
- Ai bảo anh thế?
- Nhiều người nói như thế. Và chính anh, vừa rồi cũng nói thế.
- Không đúng!
- Sao lại không đúng?
- Tôi nhớ nhầm!
Buông sõng một câu, hai con mắt lồi gai ngạnh của Thuyên chòng chọc xối cối nhìn vào Nhâm và như lác xệch đi. Khi con vật ngáp ngủ, nó có gương mặt người. Còn bây giờ trong khoảng khắc, mặt y bầm tím lại. Một sắc chàm đặc đã nhuộm tràn mặt y. Trong khoảng khắc, đôi môi y bỗng nhâng cao lên, cổ y như phồng dậy và nghe như có tiếng gầm cuộn lên ở bên trong. Cùng lúc Nhâm nhận ra, vệt xương quai hàm y nổi hằn trong một cái nghiến răng ngầm, khiến khuôn mặt y trở nên dị dạng một cách khác thường. Nhâm đã đối diện với khuôn mặt mà theo nhân tướng học đã cảnh báo phải hết sức đề phòng. Ngồi lui ra, Nhâm đã có ý đề phòng. Nhưng Nhâm cũng vẫn bị bất ngờ, Thuyên đứng vụt dậy, cùng với tiếng kêu tắc nghẹn trong lồng ngực.
- Nhưng đây có phải anh đang hỏi cung tôi không?
Giọng đã lạc hẳn rồi. Lưỡi đã ríu lại, không duỗi mở được nữa rồi. Tiếng nói của Thuyên đã dính lại. Thuyên đã thất thần rồi ư?
- Anh ngồi xuống đi, anh Thuyên. Tôi chỉ muốn nhờ anh làm sáng tỏ một ít tình tiết có liên quan thôi.
- Nhưng bây giờ tôi chẳng nhớ gì sất cả!
- Mới có hơn bốn chục ngày thôi mà. anh Thuyên. Vậy thì tôi giúp anh nhớ lại nhé. Ta bắt đầu lại nào. Thứ Hai, ngày mười một anh đi làm ở xí nghiệp.
- Đúng.
- Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, anh cũng đi làm.
- Đúng.
- Thế vì sao ngày thứ Sáu, mười lăm anh lại nghỉ việc không đi làm?
- Tôi bị viêm họng.
- Anh uống nhiều rượu hay vì sao mà viêm họng?
- Uống nhiều hay ít thì mặc xác tôi, can hệ gì đến anh.
- Y tế xí nghiệp họ kết luận thế mà. Thế tối hôm mười bốn anh đi đâu mà khuya mới về?
- Tôi đi chơi đâu thì can hệ gì đến chuyện thằng Bội bị giết mà anh vặn vẹo tôi!
- Anh Thuyên, anh đừng nóng.
- Tôi đi chơi gái đấy!
Nhâm nhếch mép:
- Anh nhớ lẫn lộn hết rồi, anh Thuyên.
- Tôi không biết!
- Bây giờ tôi nhớ hộ anh đây. Ngày mười lăm anh ở nhà. Hôm ấy, Bội đi chiếc xe đạp Tiệp Khắc nhãn hiệu Fauorit tới.
- Xe Fauorit nào? Tôi không ở nhà, hôm ấy tôi đi chơi gái!
Đột ngột, Thuyên thót mình xoay người, ngẩng lên, giọng khê nồng. Nhâm lắc đầu, chậm rãi.
- Anh có đi chơi gái! Tôi xác nhận. Nhưng việc đó xảy ra sau ngày mười lăm, tức là sau ngày Bội bị giết hại.
- Không có chuyện ấy!
- Có đấy! Sau ngày mười lăm anh đi chơi gái ở quán Karaoke của ông Lý Quân Sầm số nhà 125 phố Dân Chủ.
- Đừng có gắp lửa bỏ tay người!
- Bình tĩnh, anh Thuyên!
- Nói láo! Nói láo!
Lần này thì Thuyên quát to và chống tay lên mặt bàn, đứng vụt dậy. Nhưng đứng mà hai chân Thuyên lúc này bỗng run lẩy bẩy, nên chưa đầy một phút sau y đã rụi ngay xuống ghế và trong một phản ứng tự vệ đưa hai tay lên ôm mặt, cúi đầu. Như buột rơi từ trên cao xanh xuống một khoảng không vô thanh, căn buồng lặng phắc. Nhâm chợt thấy người rỗng rễnh trống không và uể oải lạ lùng. Anh đã tóm được tên đại ác rồi. Chắc chắn là thế. Ở căn buồng này, dẫu mới chỉ năm năm ra trường, anh đã hỏi cung và bắt bao tên lưu manh, côn đồ nhận tội. Tất thảy bọn chúng đều lì lợm, ngoan cố, loanh quanh và hèn mạt. Chúng rất giống nhau, hung hăng, ngoan cố, nhưng đơn điệu một chiều và nông cạn, tiếp xúc với chúng, chẳng hứng thú gì đã đành mà còn có cảm giác u ám nhem nhuốc vì dây bẩn. Xã hội kết cấu trên cả cái ác. Đạo Phật lý giải căn nguyên của nó. Chống lại cái ác, anh là một con người cần thiết. Đành là thế. Nhưng chẳng lẽ trí khôn của Nhâm chung quy chỉ nhằm một mục đích đơn giản là thế? Mưu mẹo tinh khôn của anh, ngôn ngữ uyển chuyển của anh chỉ là để tìm ra được cái đã có, đã xảy ra, chẳng sáng tạo ra được cái chưa hề có. Trong khi các bè bạn thuở học đường của anh, giờ đã là các nhà khoa học, nhà thơ, họ tạo nên các giá trị tinh thần và vật chất, họ khám phá ra những điều mới mẻ và cần thiết xiết bao cho con người. Còn anh, ở đây, hình như sẽ không bao giờ trở nên thông minh hơn được, vì công việc tháng ngày của anh chỉ là quẩn quanh, lặp đi lặp lại mỏi mòn như thế, cảm giác mình đang kém cỏi, cùn mòn đi đã có lúc như lúc này đang chế ngự anh; vì sao vậy, vì chẳng lẽ cái công việc tưởng là li kỳ, lắt léo có thể là môi trường thử thách trí thông minh, tài xét đoán, có khả năng lôi cuốn hàng triệu người vào cuộc thách đố, hình như chỉ mang hình dạng một lược đồ đơn giản? Vì chẳng lẽ ở đây chỉ có sư vận hành của phép tính quy tắc tam xuất đơn. Ở đây, chỉ có hiện thực trần trụi, ở đây chỉ có sự giản lược và thật là như thế thì thật là rất đáng buồn lắm sao!
- Anh Thuyên, đến bây giờ thì anh biết ai là kẻ giết Bội rồi chứ?
Đợi cho Thuyên dốc tuột vào họng cốc nước nữa, Nhâm mới trở lại câu chuyện. Và lần này, dẫu đã dự đoán, anh vẫn hơi bị bất ngờ. Thuyên từ từ đứng dậy, Trong tư thế đối phó, anh đã sẵn sàng. Không! Không có gì xảy ra cả. Thuyên đưa tay kéo khóa chiếc áo lông Đức. Để tuột chiếc áo lông xuống đất, y bắt chéo hai tay, kéo ngược chiếc áo len cổ lọ màu mận chín ở bên trong vượt qua đầu. Một chiếc áo sợi cổ quả tim nữa. Cuối cùng, khi chiếc áo phông đen dính đẫm mồ hôi được kéo qua đầu, ngực y hiện ra, lép kẹp nhưng như ngực con thú, đen sì, nhớp nháp, lông lá và sặc sụa mùi hôi nách lưu cữu. Đã xảy ra một kích ứng nội lực vô cùng mãnh liệt. Đã mất hết ý thức. Mọi hành vi đã diễn ra dưới sự chi phối của bản năng thuần túy. Tên đàn ông lông mọc đầy ngực và hai cánh tay có vẻ như là đứa con lai của thú dữ, giờ xẹp lại khéo chỉ còn nửa trọng lượng. Trán y dính bết tóc. Hai thái dương móp lại, khuôn mặt nhuốm chàm trong tình trạng mất nước càng hốc hác và như mặt đười ươi nhô hẳn về phía Nhâm. Y đúng là đã cho Nhâm cảm ứng về hình thể của một sự lại giống.
- Nhưng mà này, ông công an điều tra. Đừng chơi trò thò lò sáu mặt, lá mặt lá trái nữa. Bài ngửa ra đi! Định đưa nhau vào tròng đấy à? Không dễ đâu, ông!
Đột ngột, như thình lình ra khỏi cơn mê hoảng, Thuyên cất tiếng. Giọng y thật tỉnh, ngay ngắn và không đợi Nhâm phân giải, y đã xối xả.
- Và còn điều này nữa. Chẳng lẽ là kiếp trước tôi nợ nần anh hay sao mà gặp nhau bây giờ lại oan oan tương báo thế! Nói thật với anh, tôi không sợ chết đâu. Nhưng, tôi không giết thằng Bội! Tôi không giết thằng Bội!
Dằn mạnh hai lần câu phủ định, Thuyên tưởng là lấy lại được hùng khí, nhưng hóa ra y đã tự phản bội mình. Nói cho đúng, y đã hoàn toàn bất lực, y không thể tự trấn tĩnh. Y đã rơi vào cơn tuyệt vọng. Y đã mắc vào vòng lưới thời gian.
Thời gian! Thời gian! Ôi, thời gian, một ký hiệu ngôn ngữ, một khái niệm khoa học và thông dụng, dễ hiểu đến quen nhàm. Thời gian, một đại lượng vô thủy vô chung, không đầu không cuối; thời gian là một dòng chảy trên đó nó neo buộc vào mình mỗi đời người, mỗi sự kiện. Nào có ai tự mình giải thoát ra khỏi được dòng thời gian. Thời gian đi một đường thẳng. Và có sự kiện nào xảy ra mà lại ở ngoài dòng thời gian. Thời gian linh ứng. Thời gian vạn ứng. Thời gian để thóc nẩy mầm, để nòng nọc thành cóc con, để minh oan cho cóc mẹ. Thời gian hàn gắn vết thương. Thời gian tạo nên lịch sử. Thời gian cho rượu hạ thổ thành thần dược. Thời gian một đi không lộn trở lại. Thời gian là sự tồn tại được thể hiện bằng sự thay đổi không ngừng từ một cấu trúc không gian kiểu này sang một cấu trúc không gian kiểu khác. Nói cách khác, không bao giờ cùng một thời gian ta vừa ở cấu trúc không gian này lại vừa có mặt ở cấu trúc không gian khác. Làm sao buổi sáng ấy, cùng một giờ, một thời điểm, Thuyên được hưởng phép lạ tự phân thân thành hai, vừa có mặt ở nhà y, lại vừa có mặt ở nhà ông bà bên ngoại y? Cũng thế, Lẫm làm sao có thể bị quy tội là thủ phạm nếu ngày Bội bị hại, anh ta lại có mặt ở nhà ông Văn Xây làng Vân, cách nơi xảy ra vụ án hơn một trăm cây số?
Tên sát nhân tì mặt trên hai bàn tay chống gối như tượng hóa đá. Thời gian đang lướt qua cạnh y, lần giở những trang ký ức trong trí não đen ngòm của y. Thời gian, ngón đòn hiểm lợi hại nhất của Nhâm đã điểm trúng lỗ huyệt sinh tử của y.
Đúng lúc ấy, Trừng từ buồng bên bước vào, sau giấc ngủ ngắn lại sít. Thấy tên sát nhân rũ xuống ngay mặt bàn như một xác chết, Trừng bước tới, tóm gáy tên sát thủ, kéo lên nhìn chằm chằm vào mặt nó, rồi quay đi, nhổ bọt:
- Con chó sói, con lợn lòi, con đười ươi nào ngủ với con đàn bà đẻ ra mày thế, hả thằng mặt người dạ thú! Sát nhân giả tử! Mày đúng là loài vật đi bốn chân, ăn cứt đáng thái thành từng miếng, phơi khô, lấy mỡ đốt đèn dưới âm ti địa ngục đấy, thằng quỷ!
Bóng Đêm Bóng Đêm - Ma Văn Kháng Bóng Đêm