Remember that great love and great achievements involve great risk.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Ý Yên
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Việt Thông
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1517 / 14
Cập nhật: 2015-10-06 21:43:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ôi quyết định trở về Đà Lạt ngay ngày hôm sau. Tôi đã không còn cảm thấy háo hức nữa. Tôi nhớ ba tôi, nhớ vú già và mang mang nghĩ đến chú Sỹ. Vẻ mặt hơi lạnh lùng của chú làm tôi suy nghĩ vẩn vơ. Niềm suy tư như nung nóng tôi.
Chuyến xe Sàigòn – Đà Lạt đưa tôi đi trở lại con đường quen thuộc. Tôi về không báo trước cho ba tôi đi đón.
Tôi xuống xe. Dốc nắng nghiêng nghiêng màu hồng lên tà áo dài nội hóa màu nâu của tôi. Chiều, tôi thơ thẩn tìm xe về nhà.
Chợt tiếng gọi sau lưng:
- Cô Uyên.
Tôi quay lại và không ngăn được tiếng reo “Chú Sỹ”.
Người đàn ông tiến lại phía tôi:
- Cô mới lên?
- Dạ.
- Ông cụ có đi đón không?
Tôi lắc đầu:
- Uyên về không báo trước.
Chú Sỹ nhìn tôi:
- Cô đưa va-li tôi xách cho.
- Chú đi bằng gì xuống đây? Chú đi chợ hả?
- Tôi đi Honda. Đi mua mấy món lặt vặt.
- Chú cho Uyên về với chứ? Chú mua xong chưa?
- Xong hết rồi. Thôi mình về.
Tôi trao cái va-li nhỏ cho chú. Chú ngẩng cao, xách vali đi một cách vững chãi, và tôi lúp xúp chạy theo. Tôi thấy mình bé nhỏ quá bên cạnh chú Sỹ.
Chú để va-li ở trước, rồ máy xe và tôi ngồi lên. Con đường dốc nghiêng nắng muộn. Thỉnh thoảng, xe thắng bất thần làm tôi ngã mình vào lưng chú Sỹ.
Gió thổi tạt mái tóc tôi ra sau. Tôi mỉm cười đón gió hiền Đà Lạt. Về đến đây tôi cảm thấy yên tâm. Tôi cảm thấy tin tưởng, không lo âu, không chán nản.
- Dạo này cô Uyên hay đi Sài gòn quá hả?
Tôi đáp lời chú Sỹ:
- Có việc mới phải đi chứ chú! Uyên cũng không thích đi xa đâu.
- Vụ cuốn sách đi tới đâu rồi Uyên?
Một vài đợt mây xám lơ lửng trôi trước mắt tôi. Tôi cảm thấy đau nhè nhẹ trong lồng ngực. Tôi đáp nhỏ:
- Buồn lắm chú!
- Sao vậy? Chú Sỹ có vẻ ngạc nhiên – Tôi thấy cô tin tưởng lắm mà!
- Uyên cũng hy vọng thời gian.
- Bây giờ đã tung bán rồi phải không?
- Dạ rồi.
Chú Sỹ gật gù:
- Nếu đã tung bán thì lo gì, rồi sẽ có người mua. Một người mua rồi nhiều người mua. Người ta sẽ truyền miệng nhau nếu cuốn sách hay.
Tôi rụt rè thú nhận:
- Uyên sợ không hay!...
- Ô kìa, sao bi quan thế? Tôi đã đọc rồi, được lắm. Nhưng vì cô mới viết lần đầu nên bố cục chưa được gọn.
Tôi không để ý đến lời phê bình sành sỏi của chú Sỹ. Tôi nói:
- Dù sao, chung quanh Uyên cũng không có người hướng dẫn. Nhưng Uyên sẽ cố gắng. Chú thấy Uyên có thể thành công không?
- Cô mới viết cuốn thứ nhất mà đã ăn chung gì! Cố gắng lên chứ! Khi cô đã có cái đà thì thành công khó gì!
- Uyên đã có gặp bà Mai Văn, thấy nếp sống của bà ấy Uyên mê quá. Không biết đến bao giờ mình mới được như thế!
Chú Sỹ hơi nhếch môi, nụ cười không nở vội:
- Nếp sống như thế nào mà cô mê dữ vậy?
Tôi mơ màng hình dung trở lại cảnh biệt thự lộng lẫy của bà Mai Văn, cảnh bà hiện ra uy quyền giữa những người làm công đầy khép nép. Những câu nói đầy kiêu bạc của bà. Tôi nghĩ đến mỗi bước đi của người nữ sĩ đó sẽ được đón tiếp nồng nhiệt. Tôi nói với chú Sỹ những ý nghĩ mà tôi chắc chưa bao giờ chú có. Tôi diễn tả với chú Sỹ những hình ảnh mà tôi nghĩ chưa bao giờ chú Sỹ tưởng tới:
- Chú chưa bao giờ biết được cuộc sống của bà Mai Văn sang trọng như thế nào. Bà ta có một biệt thự xinh xắn, có những người hầu và đã ra mệnh lệnh một cách oai quyền. Bà ta thật bệ vệ và không ai dám cãi lệnh. Vào gặp được bà, Uyên có cảm tưởng như mình đi gặp một Tổng Thống cũng chỉ khó khăn như thế là cùng. Tất cả những vinh dự đó là văn chương mang đến cho bà ta.
- Như thế, có nghĩa là cô ham thích văn chương vì ham thích những quyền uy, những vật chất đó thôi sao? Tôi nghĩ một người trẻ như cô không nên sớm có những ý nghĩ đó. Theo cô đã nói, thì văn chương là một cái gì cao thượng…
Tôi đỏ mặt. Quả thật chú Sỹ đã nói đúng ý nghĩ của tôi. Nhưng chỉ đúng một phần. Dĩ nhiên là ý tưởng tôi không phải hoàn toàn chỉ có ham thích vì những tiện nghi vật chất mà tôi thấy được ở bà Mai Văn. Tôi nghĩ đó là những phần thưởng mà văn chương đã đem lại cho chủ nó. Trong tôi, tinh thần yêu thích văn chương mạnh vô cùng. Tôi muốn sống với văn chương. Tôi muốn đem tâm sự của chính mình lên văn chương để mọi người cùng đọc, cùng hiểu. Tôi mong mỏi tên tuổi tôi sẽ đi vào lịch sử. Tôi ước ao một ngày nào đó, tôi sẽ được người ta nói đến như đã nói đến Mặc Uy, đã nói đến bà Mai Văn. Những ánh sáng chói lòa của những thần tượng khiến tôi náo nức. Tôi nghĩ đến những phần thưởng tinh thần lẫn vật chất mà sự thành công về văn chương sẽ mang lại cho tôi.
Chiếc xe đang lao trên triền dốc. Một chướng ngại vật đột ngột chắn ngang làm chiếc xe chồm lên. Tôi va đầu vào lưng chú Sỹ. Tôi nghe rõ mùi mồ hôi lạ của người đàn ông thoảng qua. Tôi nói:
- Không hẳn Uyên chỉ nghĩ như chú nói. Uyên cũng có tâm hồn văn nghệ lắm chứ. Nhưng chưa có dịp để tỏ ra như vậy đó thôi. Chú nghĩ xem, bây giờ Uyên chạy đôn chạy đáo để lo cho mỗi cuốn sách còn không xong nữa là…
Chú Sỹ thôi không hỏi nữa. Chú nói lảng sang chuyện khác:
- Sàigòn có gì lạ không cô Uyên? Chắc là vui lắm?
- Chú xa Sàigòn bao lâu rồi?
Tôi hỏi, thêm một chút kiêu hãnh vì sự “quê mùa” của chú Sỹ. Chú nói:
- Cũng khá lâu rồi. Sàigòn quanh quẩn cũng chả có gì vui.
- Chắc chú biết về Sàigòn nhiều lắm?
- Đi xe thì phải thuộc đường. Tôi biết hầu hết những con hẻm nhỏ nhất.
Chiếc xe xuôi xuống con dốc. Nắng nghiêng vào hoàng hôn, nắng nhạt dần trên áo. Tóc tôi bay tạt trên lưng áo chú Sỹ. Bất chợt tôi cười rũ. Chú Sỹ hỏi với giọng thoáng ngạc nhiên:
- Gì mà cười dữ vậy?
- Uyên không biết!
- Sao không biết? Giọng cười của cô có hồn lắm chứ phải rỗng đâu?
- Chú nói kỳ. Giọng cười mà cũng có hồn với không!
- Dĩ nhiên rồi. Khi cô nghe một người cười, tự dưng cô sẽ đoán biết ngay là họ cười thành thật hay miễn cưỡng.
- Uyên cười chú đó chú Sỹ.
- Tôi?
- Dạ.
- Tôi làm gì mà cô cười?
- Lưng chú lớn quá, che mất cả gương mặt Uyên nè. Tóc Uyên cứ đập vào lưng chú như muốn “khiếu nại” vậy đó.
Chú Sỹ cũng bật cười:
- Cô ví von hay quá. Nhưng tóc cô mà đập vào lưng chú, đau lưng chú thì cái lưng nó phải kiện chứ!
Tôi tự dưng tò mò, muốn đi vào đời tư chú Sỹ, đời tư của người đàn ông mà tôi đã quen nhiều nhưng chưa hiểu chút gì:
- Chú Sỹ nè, Uyên hỏi điều này chú đừng giận nha?
- Điều gì cô cứ nói, có gì mà dè dặt quá vậy.
- Tại hơi tò mò, Uyên sợ chú giận.
- Cô cứ hỏi.
Tôi nuốt nước miếng, cảm thấy hơi khó khăn:
- Uyên thấy chú sống… có vẻ lạnh lùng quá. Tại sao chú không mang một người về sống bên cạnh cho có bạn. Một người thân trong gia đình chú chẳng hạn.
- Tôi không còn ai!
- Sao kỳ vậy?
Giọng chú Sỹ nhỏ lại:
- Cha mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ. Sống với ông bà nội, tôi chỉ vừa đủ lớn để biết làm nuôi thân thì ông bà cũng đi luôn.
- Chú có một mình, không có anh chị em hở
- Ừ. Có một mình. Bây giờ tôi không còn ai thân thuộc… ngoại trừ một người.
- Ai vậy chú? Tôi hỏi một cách nôn nóng – Giọng chú Sỹ thật chậm rãi:
- Người đó là cô, nếu cô cho phép tôi coi cô là bạn. Người bạn nhỏ mà thân thích vô cùng.
Tôi thoáng một chút bối rối:
- Chú nói vậy chứ Uyên đâu đáng gì.
- Hay Uyên nghĩ rằng tôi…
Tôi biết chú Sỹ muốn nói gì. Tôi ngắt lời:
- Kìa chú… thôi Uyên xin nhận.
Xe chạy hơi chậm lại. Chú chùng tay ga quay lại nhìn tôi, trong ánh mắt lạnh lùng của chú như tỏa ra một tia lửa ấm vô cùng.
o O o
- Chị Uyên!
Tôi ngừng tay ngắt sâu trên lá cây thược dược, ngẩng đầu nhìn ra. Tôi thấy đứa con gái đứng lấp ló ngoài cổng. Cô ta cười cười.
- Cho Nhung vào với chị Uyên. Được không?
Tôi nhận ra cô ta ở biệt thự bên trái nhà tôi, tức nhà tôi nằm giữa nhà cô ta và nhà chú Sỹ. Tôi nói:
- Nhung vào đi. Cửa không đóng.
Cô ta xô nhẹ cánh cổng nặng, tung tăng chân sáo đến gần tôi. Cô ta đi giữa những luống hoa của tôi, những luống hoa mà chú Sỹ đã hết sức tận tâm săn sóc trong những ngày tôi vắng xa Đà Lạt vì công việc xuất bản sách. Cô ta liến thoắng:
- Chị Uyên có một vườn hoa đẹp quá à. Em đi ngang đây luôn thấy hoa đẹp lắm mà tại không quen chị, nên không dám vô xem.
Tôi mỉm cười:
- Đâu có gì mà Nhung ngại. Láng giềng cả mà. Mình ở đây cũng đâu có bạn bè. Nhung bao nhiêu tổi để mình tiện lối xưng hô
- Em 16.
- Vậy là kém mình… hai tuổi.
- Nhung làm em chị, nghe chị Uyên? Chị Uyên có em gái ruột không?
Tôi lắc đầu:
- Không, mình có một mình.
Nhung reo lên:
- Thích quá nhỉ! Em lại có một hơi bốn đứa em, mà em không có chị. Thôi vậy chị Uyên làm chị em nghe?
Tôi nhìn Nhung ngần ngại:
- Làm chị, nghe “lớn” quá hả?
Nhung van nài:
- Đi mà, chị Uyên. Em đi ngang đây hoài, em hay nhìn thấy chị đứng nói chuyện với cái ông vườn nhà bên kia. Em thấy vườn hoa của chị đẹp quá. Em thấy chị dễ thương nữa, em mến chị ghê. Em vẫn ước ao được làm quen với chị.
Cô bé nói một thôi dài. Tôi nhìn cô ta bằng ánh mắt thiện cảm:
- Bộ làm em chị sướng lắm sao mà ham?
Nhung đưa một ngón tay lên môi, suỵt một cái duyên dáng:
- Em còn biết điều này hay lắm nữa nè.
Tôi mở lớn mắt:
- Gì vậy?
Nhung nhìn tôi biểu lộ sự khâm phục:
- Chị viết văn nữa, phải vậy không?
Tôi giật nẩy mình, không hiểu tại sao cô bé này lại biết tới chuyện đó. Ngoài ba tôi, vú già và chú Sỹ, còn ai biết tôi viết văn đâu! Gia đình dì Tân tôi biết, em Thủy biết thì họ ở mãi tận Sàigòn kia mà… Không lẽ chú Sỹ nói? Không lẽ chú Sỹ lại quen với Nhung? Vô lý, nếu hai người quen nhau thì Nhung hẳn phải gọi chú Sỹ bằng tên chứ sao lại gọi “ông vườn nhà bên kia”? Hơn nữa tôi có thấy chú Sỹ quen ai ngoài tôi? Nghĩ thế tôi hỏi:
- Ai nói với Nhung điều đó?
Mắt cô bé tinh ranh:
- Bí mật quân sự. Chị chỉ cần biết là em “biết” chị là một nữ văn sĩ là được.
Tôi cảm thấy nóng bừng ở má. Quả thật, những phát giác của Nhung khiến tôi vừa ngượng nghịu, vừa sung sướng. Chưa bao giờ tôi được một người lạ gọi là “nữ văn sĩ”. Nhung là người đầu tiên nói lên điều đó với tôi. Tự dưng tôi thấy cô ta dễ thương hơn. Tôi làm ra vẻ nhún nhường:
- Đâu có gì, chị chỉ viết lách cho vui vậy thôi!
- Chị khiêm nhượng quá, chị Uyên ạ. Em tưởng một nữ văn sĩ đã từng xuất bản truyện như chị phải đầy kiêu hãnh, người thường sẽ khó mà gặp được và khó mà được tiếp chuyện một cách vui vẻ. Nhưng chị không thế, chị dễ mến quá chị Uyên à. Vú già đã nói với em rằng chị chỉ thích viết văn, và vì sở thích đó, chị đã bỏ một dịp hè để vùi đầu vào công việc viết lách. Chị đã phát hành được một cuốn tiểu thuyết với nhan đề thật hấp dẫn là “Cái vạc của con quỷ”, quyển sách rất đẹp và các tiệm sách đã bày bán…
- Đó chỉ là một sở thích…
Nhung ngắt ngang:
- Nhưng là một sở thích hay, một lý tưởng đẹp. Biết bao nhiêu người ước ao được trở thành văn sĩ mà không được. Bộ chị tưởng dễ lắm sao? Em đã từng thấy có người cố gắng hết truyện này đến truyện khác mà vẫn không xuất bản được. Trở thành một nhà văn là trở thành thần tượng đấy chị. Nhất là với một cô gái trẻ, xinh xắn như chị. Chị sẽ nổi tiếng như những nhà văn hiện đại ở một lớp tuổi quá trẻ. Trời ơi, em ham thích được như chị quá chị Uyên ạ. Sao chị tài thế?
Nhung nói mà không để tôi có thì giờ giải thích sự lầm lẫn của cô ta. Tôi muốn nói với Nhung là tôi không phải, hay chưa phải là một nữ văn sĩ chính hiệu, như cô ta đã ngộ nhận. Tôi muốn nói với Nhung là có những người họ cố gắng mà không thể xuất bản nổi một cuốn sách là vì họ không có phương tiện, nhưng có thể họ có tài. Còn tôi, tôi không có tài thì cũng xuất bản được vì ba tôi lo việc đó.
Nhưng những lời nói muốn thốt ra môi tôi đều nghẹn ngang bởi những lời ca tụng nồng nhiệt và ánh mắt đầy ắp vẻ khâm phục chiêm ngưỡng của Nhung. Tôi chợt cảm thấy mình quan trọng hẳn lên. Tôi chợt cảm thấy mình đang đứng thật vững trên cương vị một nữ văn sĩ nổi tiếng, đang được người ái mộ tán dương bằng tất cả nhiệt thành.
Tôi nghĩ, chấp nhận những lời của Nhung cũng không có hại gì. Chính vú già đã nói ra những điều ấy, thì tôi có im lặng cũng là phải lúc. Giữ được cho mình một niềm sung sướng ảo tưởng thì đâu có gì tai hại?
Nhung nói với vẻ hăng hái:
- Em mà khoe với bạn bè là em quen với một nữ văn sĩ như chị và được chị nhận làm em gái thì tụi nó sẽ phục em sát đất. Tụi nó “mê” các nhà văn lắm chị ạ. Có lần tụi em đã viết thư cho mấy nhà văn lớn, nhưng có lẽ họ bận việc quá nên họ không trả lời tụi em.
Tôi gật gù:
- Có lẽ họ bận việc thật.
- Chị thì chị phải biết điều đó hơn ai hết chứ. Cũng như chị bận viết tối ngày vậy mà!
- Chị cũng đâu có viết nhiều, chỉ viết khi cần.
- Em nghe người ta nói viết văn cũng tùy hứng phải không chị? Và nhất là phải có thiên khiếu nữa!
Tự dưng bị một màn phỏng vấn ghê quá, tôi vừa bối rối, vừa buồn cười mà cũng sung sướng. Tôi cảm thấy mình trở nên một nhà văn thực sự. Tôi nói:
- Thường là như thế Nhung ạ! Viết văn phải có khiếu mới hay được.
- Như cuốn tiểu thuyết của chị, chị viết chắc là lâu lắm?
- Không. Cũng không lâu bao nhiêu.
- Chị viết vào những lúc nào?
Tôi nhớ đến giờ giấc làm việc của mình:
- Bất cứ lúc nào, thấy thích là viết. Có khi vào buổi sáng thức dậy, có khi vào buổi trưa hay tối.
- Hay quá chị nhỉ. Lúc nào mình muốn viết cũng được.
- Dĩ nhiên. Đâu có ai bắt buộc mình đâu.
- Nghề tự do thích quá hả chị? Em cũng mong sau này em sẽ vào được nghề văn như chị. Chắc là khó lắm. Chị dìu dắt em với nghe chị Uyên!
Nhung nói câu đó với tất cả bi thiết van cầu. Tôi cảm động thật sự. Sự cảm động mà tôi không biết là có ở bà Mai Văn không khi tôi đến cầu xin một sự chỉ dẫn của bà. Tôi nghĩ giá như tôi được là một nhà văn có tài như Nhung nói, chắc chắn tôi sẽ không từ chối sự van xin của cô bé. Tôi nói với Nhung:
- Thôi được. Em cứ cố gắng học đi. Bao giờ thành tài rồi, muốn viết văn, chị sẽ chỉ cho. Chị cũng mới chập chững vào nghề, còn phải học hỏi ở các bậc đàn anh, đàn chị nhiều lắm.
Nhung nói một câu mà tôi tin là cô bé thốt ra bằng sự thật tận đáy lòng:
- Chị giỏi quá trời! Em phục chị lắm.
Khi tiễn Nhung ra cổng nhà, tôi đã tặng cho nàng một cuốn tiểu thuyết “Cái vạc của con quỷ”, bản đặc biệt với chữ ký của tôi. Cô bé sung sướng ra mặt. Còn tôi, tôi cũng cảm thấy cõi lòng nao nao khi tự mình được yêu cầu ký tặng một tác phẩm…
o O o
Chú Sỹ nói với tôi:
- Như thế là có người biết tài cô rồi đấy nhé!
Tôi hơi cúi mặt:
- Cô bé ấy chưa phải là người mà Uyên mơ ước biết tài mình.
- Thế cô bé muốn ai biết nào?
Tôi mơ màng:
- Những nhà văn lớn.
Giọng chú Sỹ điểm vẻ diễu cợt:
- Ai là những nhà văn lớn, theo cô?
- Như bà Mai Văn, như ông Mặc Uy chẳng hạn.
Chú Sỹ nhìn tôi chăm chú:
- Cô bé biết cả Mặc Uy nữa à?
Tôi vênh mặt:
- Mặc Uy mà không biết thì còn biết ai bây giờ? Ông ta là một nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay.
Chú Sỹ nheo mắt:
- Ghê thế cơ à?
Tôi bực tức:
- Chú và Uyên không bao giờ gặp nhau ở ý tưởng. Chú không bao giờ chịu đọc sách, chịu để ý tới văn chương cả.
- Tôi cũng có đọc, thỉnh thoảng, nhưng chắc rằng không siêng năng bằng cô. Tôi tưởng Mặc Uy là một nhà văn xoàng, rất xoàng.
Tôi cảm thấy ấm ách:
- Chú có đọc văn ông ta à?
- Hình như có lần tôi đọc một đoạn văn của hắn. Nhưng tôi đâu thấy gì đặc sắc. Cũng như tất cả những tiểu thuyết đăng trên các nhật báo, tuần báo.
Tôi kêu lên:
- Thế chú còn muốn gì nữa? Trở thành một nhà văn, được hầu hết các báo mời cộng tác, còn vinh hạnh nào hơn không? Biết bao nhiêu người mơ ước được địa vị đó!
- Kể cả cô?
- Uyên sức mấy mà được như ông ta. Mình chỉ mong có một chỗ đứng nhỏ mà cũng không xong nữa là…
- Cô đã biết mặt ông ta chưa?
Tôi phịa đại để chứng tỏ sự hiểu biết của mình:
- Biết chứ sao không?
- Ông ta là người như thế nào?
Tôi diễn tả ngay cái hình ảnh mà tôi vẫn vẽ trong trí về Mặc Uy:
- Ông ta cao lớn, bệ vệ, đẹp và nghiêm khắc. Ông ta đã khá lớn tuổi, ăn mặc sang trọng, đeo kính gọng vàng, ngậm “pipe” và ngồi chễm chệ trên một chiếc xe hơi lộng lẫy. Một tiếng nói của ông ta không biết bao nhiêu người tuân theo.
Chú Sỹ le lưỡi:
- Ghê quá! Cô diễn tả làm tôi hình dung ra được ông ta như một ông giám đốc hạng bự, có vẻ… tài phiệt nữa.
Tôi cãi:
- Nghề nghiệp đã cho ông ta vinh dự đó.
- Tôi thì tôi thấy ông ta cũng chả có gì cao quí cả. Ông ta cũng tầm thường như bao người tầm thường khác, chỉ tại người ta quan trọng hóa thêm thôi.
- Quan trọng hóa sao được? Ông ta là một nhà văn, một thần tượng mà!
Chú Sỹ nhếch môi, nụ cười kiêu bạc khiến tôi tức muốn điên lên. Chú bướng bỉnh như vầng trán rộng của chú. Chú cương quyết như đôi mắt đăm chiêu của chú. Chú không cùng ý tưởng với tôi. Chú không bao giờ hiểu được tôi. Tôi bực tức vò nát những chiếc lá của cây ngọc lan tôi đang tựa. Nước mắt tôi chực ứa ra. Chú Sỹ không nhìn thấy những cử chỉ đó, chú thản nhiên nói tiếp:
- Ở đời không có gì là quan trọng. Một văn sĩ thì cũng như một người làm vườn. Văn sĩ cày xới trí óc để tạo nên những luống hoa văn chương đẹp, thì người làm vườn cũng dùng sức lực đôi tay để cày xới đất đai, gieo những hột giống thành cây và trổ những bông hoa đẹp. Tất cả đều là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là tánh tự nhiên trong mỗi con người, không phải là một cố gắng tìm kiếm hay rèn luyện xa xôi.
Tôi uất nghẹn. Nước mắt lăn dài trên má. Tôi gào lên:
- Nhưng chú không phải là một nghệ sĩ. Không bao giờ chú có thể trở thành nghệ sĩ. Chú chỉ là người làm vườn. Chú không thấy sự lố bịch khi tự so sánh với một nhà văn tăm tiếng sao?
Dứt lời, tôi dợm chạy. Nhưng nhanh hơn, chú Sỹ đã dằn tay tôi lại:
- Giận tôi hở cô bé?
- Không! Tôi không giận.
Chú Sỹ cười:
- Đúng là trẻ con. Vừa nói chạm tự ái một chút xíu đã khóc rồi.
Tôi phụng phịu:
- Không thèm nói với chú nữa.
Và tôi vụt chạy. Tiếng chú Sỹ đuổi theo:
- Uyên! Uyên!
Bên Hàng Giậu Bên Hàng Giậu - Ý Yên Bên Hàng Giậu