Số lần đọc/download: 2288 / 19
Cập nhật: 2016-03-11 16:32:39 +0700
Chương 8 -
T
hấm thoát rồi cũng gần đến ngày rời trại. Hùng và Diễm đã trải qua một Giáng Sinh, Năm mới và Tết Việt Nam trên đất Phi này. Mẹ cô nhân có người quen cũng từ Việt Nam đến trại này nên đã gửi cho hai người chút ít mứt me, mứt mãng cầu và hạt dưa. Lại có người Việt ở đây nấu bánh chưng bán kiếm thêm tiền nên cô cũng qua một cái Tết đầu tiên xa gia đình với đầy đủ mứt, bánh chưng, thịt kho, dưa giá. Chỉ còn một tuần nữa là khóa học 6 tuần WO (khóa học giới thiệu về những việc làm ở Mỹ) chấm dứt. Mọi người đang tíu tít chuẩn bị hành trang cho ngày lên đường vào đất Mỹ. Một tuần hai lần đều có danh sách của những người được sắp xếp chuyến bay và ngày lên đường. Vì không có thân nhân bảo lãnh, hai người đều không thực sự chuẩn bị vì không biết mình sẽ về đâu. Hai tuần sau, tên anh và cô cũng có trong danh sách rời trại vào tuần sau đó, và hai người được một hội Tin Lành bảo lãnh về một tiểu bang ở miền Bắc. Anh đã đến thư viện, tìm tài liệu để đọc và biết trước về nơi sẽ đến. Thành phố này có vẻ ít hỗn độn hơn so với tiểu bang California hay những nơi đông người Việt sinh sống khác và việc làm có vẻ cũng ổn định hơn. Hai người cũng tất bật cho việc gói ghém hành lý, thu dọn lại nhà cửa cho những người đến sau. Thật may mắn là cô vẫn còn giữ được hơn phân nửa số dollar mà mẹ đã bọc theo cho cô. Cô không lo nghĩ gì đến nơi ở mới mà chỉ lo làm sao có tiền để mua tem gửi thư về cho mẹ cô và Nguyên. Hành lý của cô bây giờ nặng thêm hơn với những lá thư của mẹ cô và Nguyên gửi. Cô đã không chịu đốt đi khi rời khỏi nơi này mà nâng niu từng lá một. Còn hành lý của anh thì có phần ít hơn so với lúc từ Việt Nam đi vì không còn những ký tỏi, tôm khô, lạp xưởng nữa. Nhờ vậy mà cô có thể ké một phần hành lý của mình qua bên anh. Hai người cũng đã bán lại cái thùng phuy đựng nước, hai cái thùng nhôm hành lý đem theo từ Việt Nam và mua hai cái túi đựng hành lý thay vào cũng như đổi được từ tiền peso ra thêm được 30 dollar, tăng thêm vốn liếng của họ đến đất Mỹ là 130 dollar trong túi. Chặng đường cuối cùng này, Diễm không còn thấy sợ hãi như chặng đường trước nữa. Cô đã có anh đồng hành, chở che và lo lắng cho mình. Diễm tin chắc rằng với nghị lực của anh, cô có thể nương theo anh mà bước đi không sợ gì cả.
Rồi ngày lên đường cũng đến, cô đã khóc sướt mướt khi chia tay với bé Hà. Gia đình của Hà cũng sẽ rời khỏi trại vào tuần sau, cả hai đã trao đổi địa chỉ cho nhau, nhưng cô biết rằng rồi đây sẽ rất khó có cơ hội gặp lại khi đến Mỹ. Bạn bè của cô và của anh cũng ra tiễn, địa chỉ trao đổi qua lại như bươm bướm với lời hứa hẹn sẽ cố gắng giữ liên lạc với nhau. Xe từ từ lăn bánh rời khỏi trại, cô nhìn qua làn nước mắt như cố ghi lại lần cuối cảnh tượng của trại, tay cô bất giác nắm lấy tay anh và bàn tay còn lại của anh quàng qua ôm vai cô như muốn cho cô thêm sự an tâm cho cuộc lên đường này.
Hai người đến nơi định cư vào những ngày đầu tháng tư. Đã vào cuối mùa xuân rồi nhưng không khí vẫn còn khá lạnh với những người lần đầu tiên đến từ xứ xích đạo này. Hội Tin Lành ở đây đã mướn sẵn cho hai người một căn apartment rẻ tiền với tiền mướn trả trước trong 3 tháng. Trong nhà cũng có sẵn một số đồ cũ do giáo dân nhà thờ đem đến như một cái giường cũ với mền gối, một cái bàn ăn với hai cái ghế và một cái sofa nhỏ. Cũng có một chút ít thức ăn để sẵn trong tủ lạnh, dụng cụ nhà bếp và quần áo ấm cũ. Nhưng khi đưa lên để ngắm thì mọi người cười bò ra vì nó quá thùng thình với cô. Thấy vậy bà mục sư hứa sẽ dẫn cô đến Goodwill để tìm cho cô vài bộ đồ cũ vừa với vóc người của cô. Hai ông bà mục sư tỏ ra vui mừng vì họ có thể hiểu được tiếng Anh khá thông thạo so với những người trước đây, tuy nhiên khi nói thì vẫn phải lập đi lập lại vài lần, đôi khi phải viện trợ cả đến tay chân và giấy viết để làm cho hai ông bà có thể hiểu được. Sau khi hai ông bà mục sư ra về và hẹn ngày mai sẽ đến đưa họ đi làm giấy tờ, anh mau chóng sắp xếp chỗ ngủ cho hai người, ưu tiên cho cô ở trong phòng, còn mình thì chiếm chỗ ở ghế sofa. Cô thích thú đi khám phá, tập làm quen với những tiện nghi trong nhà và reo to lên khi phát hiện ra một chai nước mắm trong nhà bếp:
− Anh Hùng ơi, vậy là mình sống được rồi. Cưng cứ sợ sẽ không có nước mắm để kho thịt cá. Ông bà mục sư này người Mỹ nhưng thấu hiểu dân Việt Nam mình quá xá đi.
Anh bật cười trước vẻ hý hửng của cô:
− Những chuyện quan trọng khác không lo như đi tìm việc làm, tìm trường học… mà chỉ lo không có chai nước mắm. Cưng thiệt là…
− Ý, những chuyện đó có anh lo rồi, Cưng chỉ việc làm theo anh thôi. Còn chuyện nấu nướng bếp núc này là của Cưng chứ bộ.
Nghe cô nói, anh cảm thấy sung sướng vô cùng. Cô xử sự như một người vợ Việt Nam đảm đang, chỉ biết lo lắng việc nội trợ trong nhà mà giao phó những việc lớn cho người đàn ông là trụ cột của gia đình gánh vác.
Rồi anh cũng nhanh chóng tìm được việc làm ở một hãng tiện do lời giới thiệu của ông mục sư. Còn cô thì trong lúc chờ đợi trường học khai giảng vào mùa thu, cũng đòi đi làm để phụ với anh. Mặc dù khi đến Mỹ, cô mới 19 tuổi, vẫn còn đủ tuổi đi học High School nhưng cô không muốn phí thời gian của mình mà muốn vào học ở Đại Học Cộng Đồng liền. Bà mục sư sắp xếp cho cô công việc làm ở một tiệm bán bánh cho đến khi cô vào học toàn thời gian trong trường thì sẽ chuyển qua làm hai ngày cuối tuần. Hai người tìm mua được một chiếc xe cũ nhưng còn tốt do một giáo dân bán rẻ lại cho với toàn bộ tháng lương đầu tiên của cả hai.