Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Ở Cao Độ Bảy Mươi Tám Ngàn Một Trăm Mười Bốn Dặm
huyện gì đã xảy ra? Vì đâu có cái hiện tượng say sưa lạ lùng đến những hậu quả tai hại như thế? Chỉ một lơ đễnh của Michel, may mà Nicholl kịp thời sửa chữa.
Sau một lúc ngất đi khoảng vài phút ông đại uý tỉnh lại trước tiên và đã trở lại minh mẫn hoàn toàn.
Tuy vừa mới ăn sáng hai giờ trước đó, lúc này ông đã thấy đói cồn cào như thể không được ăn uống gì từ mấy ngày nay. Dạ dày, đầu óc và tất cả trong người ông đều bị kích động đến tột độ.
Ông đứng dậy và yêu cầu Michel cho ông ăn bữa phụ. Michel còn bất tỉnh, không đáp lại. Nicholl muốn uống một vài tách nước trà để có thể nuốt trôi chục cái xăng uýt. Trước tiên ông đi châm lửa, ông chà mạnh que diêm. Nicholl vô cùng kinh ngạc khi thấy lưu huỳnh bùng cháy lên, mắt không chịu đựng nổi. Từ cái vòi khí hơi vọt ra một tia lửa giống như những tia điện.
Một phát hiện chợt đến với Nicholl: cái ánh sáng chói chang này, những rối loạn trong cơ thể của ông, tất cả những khả năng đạo đức và tình cảm bị kích động, ông hiểu hết.
- Ôxi – ông kêu lên.
Vừa cúi xuống chiếc máy sản xuất khí thở, ông nhận thấy ngay rằng cái vòi đang cuồn cuộn tuôn ra cái thứ khí không màu sắc, không mùi vị và cần thiết cho cuộc sống nhưng ở trạng thái nguyên chất lại gây ra những rối loạn nghiêm trọng cho cơ thể. Vì lơ đễnh, Michel đã mở toang cái vòi của chiếc máy.
Nicholl vội vàng ngăn bớt lượng ôxi đang tuôn ra, bầu khí chứa đầy ôxi có thể làm các nhà du hành chết, không phải vì ngạt thở mà vì bị cháy. Một giờ sau, khí loãng bớt đi và phổi mới có thể làm việc bình thường trở lại. Rồi từ từ, ba người bạn tỉnh lại sau cơn say, nhưng còn phải làm thoát bớt khí ôxi trong cơ thể họ cũng như người say rượu cần nằm nghỉ cho dã rượu vậy.
Khi Michel biết được rằng mình phải chịu trách nhiệm về tai nạn này, anh cũng chả tỏ vẻ hối hận gì. Cơn say bất ngờ này làm anh mất đi cái buồn tẻ của cuộc du hành. Nhờ đó mà bao nhiêu điều xằng bậy thốt ra đã được quên đi nhanh chóng. Anh chàng người Pháp vui tính này lại nói tiếp.
- Tôi không bực mình vì đã thưởng thức cái thứ khí nồng này đâu. Các bạn biết không, phải chi ta lập ra một cái nhà có đặt phòng ôxi bên cạnh, nơi đó những người suy nhược trong vài giờ có thể sống năng động hơn! Giả sử trong các buổi hội họp tràn ngập cái không khí anh hùng ấy, trong những rạp hát mà ban quản lý duy trì nó trong bầu không khí ôxi với liều lượng cao, chắc là biết bao hăng say sẽ trỗi dậy trong tâm hồn diễn viên lẫn khán giả, ôi, chắc là hăng hái, chắc là phấn khởi và hồ hởi biết chừng nào! Và thay vì chỉ một nhóm người, ta sẽ để cho cả một dân tộc chìm ngập trong thứ khí đó, những hoạt động của họ sẽ hào hứng đến thế nào và cuộc sống của họ sẽ thêm phần kỳ diệu. Từ một quốc gia suy nhược, ta có thể biến thành một quốc gia hùng cường, và tôi nghĩ rằng bất cứ một quốc gia nào của Châu Âu già cỗi của chúng ta cũng phải theo chế độ ôxi ấy để lấy lại sức khoẻ.
Michel nói và linh hoạt hẳn lên như thể cái vòi ôxi vẫn còn để mở. Nhưng rồi chỉ với một câu thôi, Barbicane đã làm anh ta cụt hứng.
- Tất cả chuyện đó tốt cả đấy, anh bạn Michel ạ, nhưng anh không cho chúng tôi biết từ đâu mà những con gà mái này lại trà trộn vào buổi hòa nhạc của chúng ta?
- Những con gà mái?
- Phải.
Quả thật, nửa tá gà mái và một con trống oai vệ đang lững thững tiến lại, vừa đập cánh, vừa cục tác.
- Chà! Cái bọn này vụng về thật! – Michel kêu lên – Khí ôxi làm chúng nổi loạn chắc?
- Anh muốn làm trò gì với những con gà mái này thế? – Barbicane hỏi.
- Đưa chúng lên Mặt Trăng sống đấy!
- Thế sao anh lại giấu chúng?
- Đùa một chút chơi mà, ông chủ tịch đáng kính ạ, một màn khói bị thất bại thảm hại! Tôi muốn thả chúng lên Mặt Trăng mà không cho các ông hay biết gì! Ồ! Chắc các ông sẽ sửng sốt khi thấy những con gà của Trái Đất lại đang ăn thóc trên những cánh đồng Mặt Trăng!
- Chà! Thật là con nít, con nít quá! – Barbicane đáp lại – Anh chả cần ôxi mới say. Anh luôn luôn sống trong tình trạng bất bình thường mà chúng tôi chỉ bị khi chịu ảnh hưởng của thứ khí đó. Anh luôn luôn là một thằng điên.
- Ê! Ai nói chúng ta không khôn ngoan nào! – Michel Ardan vặn lại.
Sau một lúc suy nghĩ và triết lý, ba người bạn lại dọn dẹp những bừa bộn trong vật phóng. Lũ gà mái và con gà trống lại được nhốt vào trong lồng. Nhưng trong khi dọn dẹp, Barbicane và hai người bạn của ông đã cảm thấy rất rõ một hiện tượng mới.
Từ lúc họ rời Trái Đất đến giờ, trọng lượng của chính họ, trọng lượng của quả đạn và những đồ đạc bên trong đã giảm đi từ từ. Nếu họ không thấy được điều đó thì một lúc nào đó, họ sẽ nhận thấy ngay hậu quả đối với chính họ và những đồ đạc dụng cụ đang dùng.
Tất nhiên, cái cân sẽ không giúp họ thấy được sự hao hụt này, vì quả cân dùng để cân cũng đã nhẹ đi như đồ vật được cân vậy, nhưng một cái cân thiên bình có lò xo mà trọng lực không chịu ảnh hưởng của hấp lực sẽ đánh giá chính xác sự hao hụt đó.
Người ta biết rằng sức hút, hay nói cách khác là trọng lực tỷ lệ thuận với khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách. Vì thế nếu trong không gian chỉ có một mình Trái Đất, nếu những thiên thể khác bỗng chốc bị triệt tiêu, theo định luật Newton thì đầu đạn càng ở xa Trái Đất, nó càng nhẹ, nhưng sẽ không bao giờ mất hẳn trọng lượng vì sức hút của Trái Đất vẫn luôn luôn tác động lên nó dù nó ở một khoảng cách nào đi nữa.
Nhưng ở đây sẽ có lúc đầu đạn không bị chi phối bởi những định luật trọng lực nếu chúng ta loại trừ những thiên thể khác vì ảnh hưởng của chúng không đáng kể.
Thật vậy, lộ trình của đầu đạn là từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Nó càng xa Trái Đất thì sức hút của Trái Đất càng giảm vì tỷ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách, nhưng sức hút của Mặt Trăng cũng lại tăng theo tỷ lệ đó. Vì thế, sẽ có lúc hai lực hút này trung hoà và quả đạn sẽ không còn trọng lượng nữa. Nếu khối lượng của Mặt Trăng và Trái Đất bằng nhau thì điểm này sẽ cách đều hai thiên thể. Nhưng vì sự chênh lệch giữa hai khối lượng nên ta dễ dàng tính được là điểm này sẽ nằm ở bốn mươi bảy phần năm mươi hai của cuộc hành trình, nếu tính bằng số thì nó sẽ nằm cách Trái Đất bảy mươi tám ngàn một trăm mười bốn dặm. Ở tại điểm này, một vật thể không có tốc độ hoặc sự dịch chuyển nội tại sẽ[17] chịu đứng yên mãi mãi ở đó, vì bị hai lực hút bằng nhau của hai thiên thể, và sẽ không có một lực nào kéo nó lệch được về bên này hay bên kia. Nếu lực phóng đầu đạn lên được tính đúng thì phải đến điểm đó lúc vận tốc của nó là không, sau khi trọng lực của nó bị triệt tiêu cũng như tất cả những vật nó mang theo.
[17] Phần do người hiệu đính dịch bổ sung (Caruri).
Lúc ấy việc gì sẽ xảy ra? Ba giả thuyết được đặt ra.
Hoặc đầu đạn vẫn còn một vận tốc nào đó và khi vượt điểm có lực hút bằng nhau, nó sẽ rơi xuống Mặt Trăng, vì sức hút của Mặt Trăng lớn hơn sức hút của Trái Đất.
Hoặc nó thiếu tốc độ và không đến được điểm có lực hút bằng nhau nên nó phải rơi lại xuống Trái Đất vì sức hút của Trái Đất mạnh hơn sức hút của Mặt Trăng.
Hoặc vì có được một tốc độ đủ đến được điểm trung hoà này nhưng lại không đủ sức để vượt qua nên nó sẽ mãi mãi treo lơ lửng ở chỗ đó như cái gọi là mộ của Mahomet lênh đênh đâu đó giữa thiên đỉnh và thiên để.
Tình huống là vậy, ông Barbicane đã giải thích cặn kẽ những hậu quả cho các đồng hành nghe. Điều đó làm họ thích thú vô cùng. Vậy làm thế nào họ có thể biết là đầu đạn đã đến được điểm trung hoà cách Trái Đất bảy mươi tám ngàn một trăm mười bốn dặm này hay chưa? Thật ra đó chính là lúc họ và những đồ vật bên trong vật phóng không còn bị chi phối bởi những định luật trọng lực nữa.
Cho đến lúc này các nhà du hành nhận thấy tác dụng của trọng lực giảm dần nhưng vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Nhưng vào lúc mười một giờ sáng ngày hôm đó, khi Nicholl làm rớt một cái cốc, thay vì rơi xuống nó vẫn tiếp tục treo lơ lửng trong không khí.
- Ái chà! – Michel Ardan reo lên – Kìa, một chút vật lý vui kia.
Và ngay sau đó, những vật khác: vũ khí, chai lọ thả xuống vẫn treo lơ lửng như một phép lạ. Michel đặt con Diane trong khoảng không, nó làm được cái trò treo lơ lửng tuyệt vời của mấy ông Caston và Robert Houdin mà không cần dùng một xảo thuật nào. Ngoài ra, con chó hình như không nhận ra nó đang lơ lửng trong không khí.
Cả bọn họ cũng ngạc nhiên, kinh ngạc mặc dù họ có những hiểu biết khoa học, ba người bạn đồng hành gan dạ này cảm thấy mình rơi vào thế giới kỳ ảo, họ cảm thấy thân thể họ không còn trọng lực nữa. Cánh tay giơ ra không hạ xuống được. Đầu họ lắc lư bên trên vai. Chân họ không còn chạm đáy đầu đạn nữa. Họ giống những người say không thể đứng vững được. Cái huyền hoặc đã tạo ra những nhân vật không hiện thực thiếu bóng đen! Nhưng thực tế ở đây, do sự trung hoà những sức hút đã tạo nên những con người không cảm giác được sức nặng và những con người không có trọng lượng!
Thình lình, Michel nhảy vọt lên một cái; chân bổng lên khỏi sàn và cứ thế treo lơ lửng như ông thầy tu tốt bụng trong truyện Cuisine des Anges[18] của Murillo. Hai người bạn của anh cũng như thế ngay sau đó, và cả ba lơ lửng ở giữa đầu đạn như một phép thăng thiên kỳ lạ.
[18] Nhà bếp của các thiên thần (ND).
- Có thể tin được không? Có thật không? Có thể thế sao – Michel kêu lên – Không. Nhưng nó là như vậy! Chà! Nếu nhà danh họa Raphael thấy chúng ta như thế này, chắc là ông sẽ vẽ một bức tranh “Thăng Thiên” mất!
- Sự thăng thiên này không thể kéo dài – Barbicane trả lời – Nếu đầu đạn đi qua điểm trung hoà, lực hút của Mặt Trời sẽ kéo chúng ta về hướng Mặt Trăng.
- Chân chúng ta lúc ấy sẽ chạm vào vòm của đầu đạn – Michel đáp.
- Không – Barbicane nói – bởi vì trọng tâm của đầu đạn rất thấp nên đầu đạn sẽ từ từ quay đầu lại.
- Thế thì tất cả mọi sự bố trí của chúng ta sẽ bị đảo lộn mà toàn bộ, không thể tránh khỏi điều đó.
- Yên trí, Michel ạ – Nicholl đáp – không có đảo lộn nào đâu mà sợ. Không một vật nào động đậy cả. Không một vật nào động đậy cả, vì đầu đạn sẽ quay từ từ, ta không cảm thấy được.
- Đúng thế, – Barbicane nói tiếp – khi đầu đạn vượt qua điểm lực hút bằng nhau, thì đế của nó lúc ấy tương đối nặng hơn sẽ kéo nó theo một đường thẳng đứng với Mặt Trăng. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra thì chúng ta cần phải vượt qua đường trung hoà kia trước đã.
- Vượt qua đường trung hoà ư? – Michel reo lên – Thế thì chúng ta hãy làm như những thuỷ thủ khi vượt qua đường xích đạo. Chúng ta hãy uống rượu mừng cuộc hành trình của chúng ta!
Bằng một cái hất hông nhẹ, Michel đến bên vách. Ở đó, anh lấy một chai rượu và những cái cốc, anh để chúng trong “không gian”, trước mặt các bạn đồng hành, vừa vui vẻ chạm cốc, họ vừa chào đường trung hoà bằng ba tiếng hoan hô.
Ảnh hưởng của những lực hút này kéo dài gần được một giờ. Lúc bấy giờ, những nhà du hành từ từ nhận thấy mình đảo ngược đầu và ông Barbicane chú ý thấy cái mũi hình nón của đầu đạn rơi xa khỏi đường hướng bình thường về Mặt Trăng một chút. Và với cử động ngược lại, cái đế của đầu đạn tiến lại gần. Lực hút của Mặt Trăng đang mạnh hơn lực hút của Trái Đất. Quá trình rơi xuống Mặt Trăng đã bắt đầu, nhưng vẫn chưa nhận rõ được, trong giây đầu tiên vận tốc chỉ là một milimét một phần ba, tức năm trăm chín mươi phần ngàn linhơ[19] trên giây. Nhưng dần dần, lực hút sẽ tăng lên và quá trình rơi sẽ thấy rõ hơn, đế của đầu đạn đi trước, mũi hướng về Trái Đất, nó sẽ rơi với một vận tốc tăng dần cho đến lúc chạm bề mặt của nguyệt cầu. Mục tiêu sẽ đạt được. Bây giờ thì không gì có thể cản trở sự thành công của công trình, Nicholl và Michel Ardan cùng chia sẻ niềm vui của Barbicane.
[19] Ligne: 2,26mm (ND).
Rồi họ bàn bạc về tất cả những hiện tượng đã liên tục gây cho họ những ngạc nhiên. Họ bàn luận không biết chán đề tài này về sự vô hiệu hóa của những định luật trọng lực. Michel Ardan luôn luôn vui vẻ suy ra những hệ quả mà thật ra chỉ là sự tưởng tượng thuần tuý.
- Chà! Các bạn ạ – anh reo lên – sẽ tiến bộ biết bao nếu trên Trái Đất người ta thoát được cái trọng lực này, thoát được sợi dây xích trói buộc các bạn với Trái Đất! Khi ấy người ta như thể một người tù sẽ được tự do, không còn mệt mỏi, khổ cực nữa, không cần đến tay chân nữa và muốn bay là là trên mặt đất hoặc lơ lửng trên không bằng chính đôi chân của mình thay vì cần một lực một trăm năm mươi lần, lực mà chúng ta có, thì chỉ cần một tác động của ý chí, một ước muốn ngông nghênh, là đủ đưa ta vào không gian ngay, nếu quả thật sức hút không còn có hiệu lực trên địa cầu nữa.
- Đúng thế – Nicholl vừa cười vừa nói – nếu người ta loại bỏ được trọng lực như người ta làm mất sự đau đớn bằng gây mê thì bộ mặt của xã hội hiện đại sẽ thay đổi rất nhiều!
- Phải! – Michel gặp ngay đề tài ưa thích vội reo lên – Chúng ta hãy huỷ bỏ trọng lực, sẽ không còn gánh nặng nữa! Không cần dùng đến cần trục kích, tời đứng, tay quay và những thứ máy móc khác sẽ không còn lý do tồn tại nữa!
- Đúng đấy! – Barbicane đáp lại – nhưng nếu không có gì nặng nữa, không có gì giữ lại nữa thì cái mũ của bạn sẽ không còn trên đầu bạn nữa, bạn Michel ạ: nhà của bạn sẽ không có nữa vì những viên đá chỉ dính lại được khi trọng lượng của nó vẫn còn tồn tại! Sẽ không có tàu thuỷ nữa vì nước chẳng qua là biểu hiện của sự tồn tại của trọng lực. Không còn đại dương vì chỉ có những con sông nếu có lực hút của Trái Đất mà thôi. Sau cùng, không còn khí quyển nữa vì những phần tử không được giữ lại sẽ bay tứ tung trong không gian.
- Thật là bực mình – Michel buồn rầu – Những người có đầu óc thực tiễn bao giờ cũng đưa các bạn trở về với thực tế.
- Nhưng dù sao thì anh cũng hãy tự an ủi mình Michel ạ – Barbicane nói tiếp – vì nếu không một thiên thể nào không bị chi phối bởi những định luật trọng lực thì ít ra anh sẽ đi đến được một nơi mà trọng lực kém hơn trọng lực trên Trái Đất.
- Ông muốn nói đến Mặt Trăng à?
- Đúng, Mặt Trăng, ở bề mặt của Mặt Trăng, vật thể nhẹ hơn sáu lần ở bề mặt Trái Đất, một hiện tượng dễ nhận ra mà thôi.
- Và chúng ta sẽ cảm thấy được điều đó chứ? – Michel hỏi.
- Dĩ nhiên, bởi vì hai trăm kilôgam sẽ chỉ còn nặng ba mươi kilôgam ở bề mặt nguyệt cầu.
- Và lực của cơ bắp không giảm chứ?
- Không giảm gì cả. Thay vì anh nhảy cao được một mét, anh sẽ nhảy cao được mười tám bộ.
- Thế thì chúng ta sẽ là những Hercules trên Mặt Trăng! – Michel reo lên.
- Còn hơn thế nữa – Nicholl đáp – Nếu vóc dáng của người nguyệt cầu tỷ lệ với khối lượng của Mặt Trăng thì họ chỉ cao một bộ thôi.
- Những người bé tí hon Lilliput! – Michel đáp – Tôi sẽ đóng vai trò của Gulliver! Chúng ta sẽ thực hiện huyền thoại về những người khổng lồ! Đó chính là ưu điểm của chúng ta khi rời xa hành tinh của mình để đi vào Thái Dương hệ!
- Khoan đã Michel ạ – Barbicane đáp – Nếu anh muốn đóng vai Gulliver, chỉ nên đi thăm những hành tinh nhỏ như Thủy Tinh, Kim Tinh, hoặc Hoả Tinh vì khối lượng của những hành tinh này nhỏ hơn khối lượng của Trái Đất một tý. Nhưng đừng dại dột mà đến những hành tinh lớn như Mộc Tinh, Hải Vương Tinh, vì ở đó các vai sẽ bị đảo ngược cả, anh sẽ trở thành một tên Lilliput.
- Còn ở Mặt Trời thì sao?
- Ở Mặt Trời, nếu tỷ trọng của nó nhỏ hơn bốn lần tỷ trọng của Trái Đất thì trái lại thể tích của nó lớn hơn một triệu ba trăm tám mươi bốn ngàn lần và lực hút ở đó lớn hơn lực hút của Trái Đất đến hai mươi bảy lần. Cứ theo tỷ lệ đó thì người dân trung bình ở đó cao hai trăm bộ.
- Trời đất quỷ thần! – Michel kêu lên – Nếu thế thì tôi sẽ chỉ còn là một kẻ lùn tịt, một người tí hon!
- Gulliver trong xứ những người khổng lồ – Nicholl nói.
- Đúng – Barbicane đáp.
- Thế nên cần phải mang theo một vài trái đạn trọng pháo để tự vệ chứ.
- Được! – Barbicane đáp – Nhưng những quả đạn của anh sẽ không dùng được vào việc gì cả trên Mặt Trời, chúng bay lên được vài mét đã rơi xuống đất rồi.
- Lạ đấy!
- Chắc chắn là như thế – Barbicane đáp – Lực hút ở thiên thể khổng lồ này lớn đến nỗi một vật trên Trái Đất nặng sáu mươi bảy kilôgam thì ở trên Mặt Trời nó sẽ nặng một ngàn chín trăm ba mươi kilôgam! Điếu xì gà sẽ nặng nửa pao. Sau cùng, nếu anh ngã trên Mặt Trời, với trọng lượng như thế – khoảng hai ngàn năm trăm kilôgam – anh sẽ không tài nào đứng dậy được!
- Quỷ thần! – Michel nói – cần phải mang theo một cần trục! Thôi, các bạn ạ, hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với Mặt Trăng cái đã. Ở đó, ít ra chúng ta cũng sẽ là những nhân vật quan trọng! Về sau rồi chúng ta sẽ xem xem liệu có nên đi đến Mặt Trời không, nơi mà muốn uống người ta phải cần đến một cần trục để đưa cái cốc đến miệng của mình!
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng