Nguyên tác: Catch 22
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:45 +0700
Trung Úy Scheisskopf
N
gay cả Clevinger cũng không hiểu Milo làm được việc đó như thế nào, mà Clevinger thì biết tuốt. Clevinger biết tất cả mọi thứ về cuộc chiến này ngoại trừ lý do tại sao Yossarian lại phải chết trong khi hạ sĩ Snark lại được sống, hoặc tại sao hạ sĩ Snark lại phải chết trong khi Yossarian được sống. Đây là một cuộc chiến nhơ nhuốc và gớm ghiếc, và Yossarian có thể sống mà không cần có nó - có khi còn sống mãi. Chỉ một phần nhỏ trong số đồng hương của y chịu bỏ mạng để giành chiến thắng, và y không có tham vọng được như bọn họ. Chết hay không chết, đó chính là câu hỏi, và Clevinger trở nên yếu ớt hẳn mỗi khi cố trả lời câu hỏi ấy. Lịch sử không đòi Yossarian phải sớm ra đi, công lý có thể đạt được mà không cần việc đó, sự tiến bộ không xoay quanh nó, chiến thắng không phụ thuộc vào nó. Con người rồi ai cũng sẽ chết, đó là điều tất yếu; nhưng ai sẽ chết lại phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, và Yossarian sẵn sàng làm nạn nhân của bất cứ cái gì, ngoại trừ hoàn cảnh. Nhưng đó là chiến tranh. Điều duy nhất mà y thấy có lợi là chiến tranh đã trả lương cao và đã giải phóng trẻ em khỏi vòng ảnh hưởng nguy hại của cha mẹ.
Clevinger biết nhiều như vậy bởi vì Clevinger là một thiên tài với trái tim đập dồn và bộ mặt tái nhợt. Gã là một kẻ thông thái lênh khênh, lóng ngóng, bồn chồn, mắt đờ đẫn. Hồi còn là sinh viên Harvard, gã đã gần như giành được học bổng ở tất cả mọi thứ, và lý do duy nhất gã chưa giành được học bổng ở tất cả mọi thứ là vì gã quá bận rộn với việc ký các bản kiến nghị, tuyên truyền các kiến nghị và phản bác các kiến nghị, gia nhập các nhóm thảo luận và từ bỏ các nhóm thảo luận, tham dự các đại hội thanh niên, cản trở các đại hội thanh niên khác và tổ chức các ủy ban sinh viên để bảo vệ các giảng viên đã bị đuổi việc. Tất cả mọi người đều đồng ý là Clevinger sẽ tiến xa trong giới học thuật. Nói tóm lại, Clevinger là một trong những người có rất nhiều trí thông minh nhưng lại chẳng khôn, ai cũng biết điều đó, nếu không thì cũng sớm phát hiện ra thôi.
Nói ngắn gọn, gã là một thằng đần. Với Yossarian thì gã trông như một trong những hình người vẫn treo khắp các bảo tàng hiện đại với hai mắt nằm ở cùng một bên mặt. Đó là một ảo ảnh, tất nhiên rồi, được tạo bởi cái sở thích chết gí ở một mặt của vấn đề và không hề nhìn thấy mặt bên kia của Clevinger. Về chính trị mà nói, gã là một nhà nhân đạo không biết phân biệt tả hữu, và bị kẹt khốn khổ ở giữa. Gã thường xuyên bảo vệ những người bạn Cộng sản của mình trước những người bạn cánh hữu, và bảo vệ những người bạn cánh hữu trước những người bạn Cộng sản, còn gã thì bị cả hai nhóm ghét nên họ chẳng bao giờ bảo vệ gã trước bất cứ ai bởi vì họ nghĩ gã là một thằng đần.
Gã là một thằng đần rất nghiêm túc, rất chân thành và rất tận tâm. Không thể đi xem phim cùng gã mà sau đó không bị lôi vào một cuộc tranh luận về lòng thuơng cảm, Aristotle, những vấn đề mang tính phổ quát, những thông điệp và những bổn phận của điện ảnh với tư cách một hình thức nghệ thuật trong một xã hội vật chất. Những cô gái gã đưa tới nhà hát phải chờ cho đến giờ giải lao đầu tiên mới biết được từ gã rằng họ đang xem một vở kịch hay hay dở, và sau đó biết ngay lập tức. Gã là một người đầy lý tưởng đấu tranh sẽ nhiệt thành chiến đấu chống lại niềm tin mù quáng về chủng tộc bằng cách ngất đi khi nó xuất hiện. Gã biết tất cả mọi thứ về văn học ngoại trừ việc làm thế nào để thưởng thức nó.
Yossarian đã cố giúp gã. “Đừng làm một thằng đần nữa,” y khuyên Clevinger khi cả hai còn là học viên trường sĩ quan ở Santa Ana, California.
“Tôi sẽ nói với ông ta,” Clevinger nằng nặc nói, khi hai người bọn họ đang ngồi cao trên khu khán đài sân diễu binh quan sát trung úy Scheisskopf giận dữ đi tới đi lui như một ông vua Lear không râu.
“Tại sao lại là tôi?” trung úy Scheisskopf rên lên.
“Ngồi im đi, đồ ngu,” Yossarian lên giọng khuyên bảo Clevinger.
“Anh không biết anh đang nói gì đâu,” Clevinger phản đối.
“Tôi biết đủ để ngồi im, đồ ngu.”
Trung úy Scheisskopf hết vò đầu bứt tóc lại nghiến răng kèn kẹt. Đôi má như cao su giật lên từng chặp vì đau khổ. Vấn đề của gã là phải làm sao cho một phi đoàn toàn những học viên không quân thiếu nhuệ khí phải bước thật đều và thật hùng dũng trong cuộc thi diễu binh vào mỗi buổi chiều Chủ nhật. Họ thiếu nhuệ khí bởi vì họ không muốn diễu binh vào mỗi buổi chiều Chủ nhật và bởi vì trung úy Scheisskopf chỉ định ai được thăng cấp thành sĩ quan học viên(22) chứ không để cho bọn họ tự bầu lấy.
“Tôi muốn ai đó nói với tôi,” trung úy Scheisskopf van nài, chỉ thiếu điều quỳ xuống cầu xin tất cả bọn họ. “Nếu như tôi có chút lỗi lầm gì thì tôi cũng muốn được ai đó cho tôi biết.”
“Ông ấy muốn ai đó nói cho ông ấy biết kìa,” Clevinger nói.
“Ông ấy muốn tất cả mọi người phải đứng im, đồ ngu,” Yossarian trả lời.
“Anh không nghe thấy ông ấy nói à?” Clevinger cãi.
“Tôi có nghe thấy,” Yossarian đáp lời. “Tôi nghe thấy ông ấy nói rất to và rất rõ rằng ông ấy muốn tất cả chúng ta phải câm miệng lại nếu như chúng ta biết điều gì tốt cho mình.”
“Tôi sẽ không trừng phạt các anh đâu,” trung úy Scheisskopf thề.
“Ông ấy nói là ông ấy sẽ không trừng phạt tôi,” Clevinger nói.
“Ông ấy sẽ thiến anh,” Yossarian nói.
“Tôi thề là tôi sẽ không trừng phạt các anh,” trung úy Scheisskopf nói. “Tôi sẽ rất biết ơn người đã nói cho tôi sự thật.”
“Ông ấy sẽ căm thù anh,” Yossarian nói. “Căm thù anh cho tới ngày ông ấy chết.”
Trung úy Scheisskopf là người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy, gã rất vui vì chiến tranh đã nổ ra, bởi vì nó đã đem tới cho gã cơ hội được mặc quân phục sĩ quan mỗi ngày và hô “các anh” bằng giọng quân đội cụt lủn với đám trẻ bị rơi vào tay gã ta đều đặn tám tuần một lượt trước khi bị đưa vào lò giết mổ. Gã là trung úy Scheisskopf giàu tham vọng và không biết đùa, người nghiêm chỉnh đương đầu với những trách nhiệm của mình và chỉ cười khi sĩ quan kình địch nào đấy ở Căn cứ Không quân Santa Ana nhiễm phải một căn bệnh kinh niên. Gã có thị lực kém, lại còn bị xoang mãn tính, điều này đã khiến cho chiến tranh trở nên đặc biệt thú vị đối với gã, bởi vì gã sẽ nằm ngoài mối nguy bị điều ra chiến trường. Điểm tốt nhất ở gã là có một cô vợ và điểm tốt nhất ở vợ gã là có một cô bạn gái tên Dori Duz, cô nàng luôn sẵn sàng ngủ với bất cứ ai khi có thể và có một bộ quân phục nữ mà vợ của trung úy Scheisskopf dịp cuối tuần nào cũng mặc vào rồi cởi ra cho bất cứ học viên nào ở phi đoàn của chồng muốn chui vào trong cô ta.
Dori Duz là một cô nàng phóng đãng nhỏ bé hoạt bát sính màu xanh đồng và vàng, thích nhất là được làm tình trong kho dụng cụ, bốt điện thoại, nhà thay quần áo, và ở trạm xe buýt. Có rất ít chỗ mà cô chưa từng thử, nhưng những chỗ cô sẽ không thử thì còn ít hơn. Cô không biết xấu hổ, rất mảnh mai, mười chín tuổi và rất hung hăng. Cô hủy hoại cái tôi với số lượng lớn và khiến cho sáng dậy lũ đàn ông lại tự ghét bản thân vì cái cách cô đánh giá họ, lợi dụng họ rồi vứt bỏ họ. Yossarian yêu cô. Cô là một bộ mông tuyệt trần chỉ đánh giá y ở mức “tạm được”. Y yêu cảm giác những thớ cơ đàn hồi dưới da cô ở bất cứ chỗ nào y chạm đến vào lần duy nhất cô chịu để y làm thế. Yossarian yêu Dori Duz nhiều tới mức y không thể không nồng nhiệt nhào xuống cô vợ của trung úy Scheisskopf mỗi tuần một lần để trả thù trung úy Scheisskopf vì cái cách mà trung úy Scheisskopf trả thù Clevinger.
Vợ trung úy Scheisskopf đang trả thù trung úy Scheisskopf vì một số tội không thể nào quên được mà cô không nhớ là gì nữa. Cô là một cô gái đẫy đà, hồng hào, chậm chạp, đọc những cuốn sách hay và liên tục nhắc Yossarian đừng có trưởng giả như thế nữa với chữ “trưởng giả” phát âm thiếu chữ g. Bên cạnh cô không bao giờ thiếu một cuốn sách hay, ngay cả khi cô đang nằm ở giường không có gì trên người ngoại trừ thẻ quân nhân của Yossarian và Dori Duz. Cô làm Yossarian chán, nhưng y cũng yêu cô. Cô tốt nghiệp ngành toán trường Kinh doanh Wharton nhưng tháng nào cũng không thể đếm tới ngày hai mươi tám mà không gặp rắc rối.
“Anh yêu ơi, mình lại sắp có em bé rồi,” tháng nào cô cũng bảo Yossarian.
“Em ấm mẹ nó đầu rồi,” y sẽ đáp.
“Em nói thật đấy, cưng à,” cô khăng khăng.
“Anh cũng vậy.”
“Anh yêu ơi, mình lại sắp có em bé rồi,” cô lại nói với chồng mình.
“Tôi không có thời gian,” trung úy Scheisskopf cáu kỉnh càu nhàu. “Cô không biết là đang có diễu binh à?”
Trung úy Scheisskopf quan tâm sâu sắc tới việc giành chiến thắng ở các cuộc diễu binh và quan tâm tới việc đưa Clevinger ra xử trước Ban Hành động vì nghi gã âm mưu ủng hộ việc lật đổ các sĩ quan học viên được trung úy Scheisskopf bổ nhiệm. Clevinger là kẻ chuyên gây rắc rối và hay ra vẻ biết tuốt. Trung úy Scheisskopf biết rằng Clevinger có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn nữa nếu không được giám sát. Ngày hôm qua, đó là chuyện sĩ quan học viên; ngày mai có thể sẽ là chuyện thế giới. Clevinger có đầu óc, và trung úy Scheisskopf đã để ý thấy rằng những người có đầu óc có khuynh hướng thỉnh thoảng sẽ trở nên rất thông minh. Những người như thế rất nguy hiểm, và thậm chí cả những sĩ quan học viên mà Clevinger đã giúp đỡ đều sẵn sàng đối chứng chống lại gã. Vụ Clevinger đã rõ rành rành. Điều duy nhất còn thiếu là tội để kết án gã.
Đó không thể là tội gì liên quan tới diễu binh được, bởi vì Clevinger cũng coi trọng diễu binh như bản thân trung úy Scheisskopf. Vào đầu giờ chiều Chủ nhật hằng tuần, các học viên bắt đầu tập hợp để chuẩn bị cho cuộc diễu binh, lần sờ xếp hàng, mỗi hàng mười hai người bên ngoài doanh trại. Miệng rên rỉ vì tàn tích của buổi trác táng thâu đêm thứ Bảy, họ ủ rũ đều bước đến vị trí của mình trên sân, đứng im tại đó dưới trời nắng nóng suốt một hoặc hai tiếng đồng hồ cùng với những người đến từ sáu mươi hay bảy mươi phi đoàn học viên khác cho đến khi đủ người gục xuống rồi thì mới được thôi. Ngoài rìa sân là một dãy xe cứu thương cùng các đội khiêng cáng chuyên nghiệp đeo điện đàm. Trên nóc các xe cứu thương là các giám sát viên cầm ống nhòm. Một nhân viên chuyên kiểm đếm ghi lại số lượng người đã gục. Giám sát toàn bộ hoạt động này là một sĩ quan quân y có năng khiếu kế toán, có nhiệm vụ duyệt những nhịp tim đã đo và rà soát lại số lượng do nhân viên kiểm đếm kia cung cấp. Ngay khi các xe cứu thương nhận đủ người bất tỉnh, viên sĩ quan quân y sẽ ra hiệu để nhạc trưởng cho tấu nhạc kết thúc buổi diễu binh. Nối đuôi nhau, các phi đoàn đều bước tiến về phía trước, tới khu khán đài thì làm một cú quay đầu nặng nề rồi lại bước đều bước đi xuống cuối sân trở về doanh trại.
Mỗi phi đoàn sẽ được chấm điểm khi đi qua khán đài, tại đó có một viên đại tá mặt sưng húp với bộ ria rậm ngồi cùng những sĩ quan khác. Phi đoàn xuất sắc nhất của mỗi không đoàn sẽ giành được một lá cờ đuôi nheo màu vàng gắn vào một cái cán hoàn toàn vô giá trị. Phi đoàn xuất sắc nhất trong toàn bộ căn cứ sẽ giành được một lá cờ đuôi nheo màu đỏ gắn trên một cán dài hơn thậm chí còn kém giá trị hơn, bởi vì cán cờ nặng hơn nên sẽ phiền toái hơn nhiều nếu phải kéo lê nó theo suốt tuần cho tới khi một phi đoàn khác giành được nó vào Chủ nhật tuần tiếp theo. Với Yossarian, ý tưởng lấy cờ làm giải thưởng thật ngớ ngẩn. Không kèm theo tí tiền nào, cũng không được ưu tiên gì. Cũng như mấy cái huy chương Olympic và cúp tennis, tất cả chỉ để thể hiện rằng người sở hữu chúng đã giỏi hơn mọi người khác trong việc làm một chuyện chẳng có ích gì với bất cứ ai.
Chính các cuộc diễu binh cũng ngớ ngẩn không kém. Yossarian ghét diễu binh. Các cuộc diễu binh đều gợi đến chiến tranh. Y ghét phải nghe về chúng, ghét nhìn thấy chúng, và ghét phải chịu cảnh tắc đường vì chúng. Y ghét bị ép phải tham gia chúng. Nguyên cái việc làm một học viên không quân đã đủ tệ lắm rồi, không cần phải làm ra vẻ lính chiến dưới trời nắng đến rộp da mỗi chiều Chủ nhật nữa. Làm một học viên không quân là quá tệ rồi bởi vì giờ thì hiển nhiên là chiến tranh sẽ không kết thúc trước khi y học xong. Đó là lý do duy nhất mà hồi đó y đã xung phong đi học khóa đào tạo sĩ quan. Là một người lính đủ tiêu chuẩn học khóa huấn luyện sĩ quan không quân, y sẽ có nhiều tuần trời chờ đợi thì mới được phân lớp, thêm nhiều tuần trời nữa mới trở thành người cắt bom, rồi nhiều tuần trời bay thử nữa trước khi sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ ở nước ngoài. Hồi đó người ta không thể hiểu được tại sao chiến tranh lại kéo dài đến vậy, bởi vì Chúa đã ở cùng phía với y, người ta nói với y như vậy, và Chúa, người ta cũng nói với y như thế, có thể làm bất cứ điều gì người muốn. Nhưng chiến tranh còn lâu mới kết thúc, mà khóa đào tạo của y đã kết thúc đến nơi rồi.
Trung úy Scheisskopf luôn khao khát đến tuyệt vọng được chiến thắng trong các lần diễu binh, và gã đã ngồi cả đêm trăn trở nghĩ cách trong khi cô vợ nằm khêu gợi đợi chồng ở trên giường đọc Krafft-Ebing(23), lướt qua các trang đến những đoạn yêu thích. Gã đọc sách về diễu binh. Gã lấy sô cô la làm lính, điều khiển các hộp sô cô la cho đến khi chúng tan chảy ra trên tay gã, sau đó lại xếp đám cao bồi nhựa thành hàng mười hai người một, số cao bồi nhựa này gã đã mua qua đường bưu điện dưới một cái tên giả rồi cất kỹ khóa chặt để không ai nhìn thấy vào ban ngày. Những bài tập vẽ giải phẫu cơ thể người của Leonardo(24) quả là vô cùng quý giá. Một buổi tối khi cảm thấy cần có một người mẫu sống, gã bèn điều vợ đi kiểu diễu binh quanh phòng.
“Trần truồng nha?” cô hỏi đầy hy vọng.
Trung úy Scheisskopf cáu tiết đập tay lên mắt. Nỗi thất vọng của đời trung úy Scheisskopf là lấy phải một người đàn bà không sao nhìn quá được những ham muốn tình dục bẩn thỉu của bản thân mà thấy cuộc đấu tranh khốc liệt để đạt tới điều bất khả mà một người đàn ông cao quý cần phải anh dũng tham gia.
“Tại sao anh chẳng bao giờ dùng roi quất em?” một đêm cô phụng phịu hờn dỗi.
“Bởi vì tôi không có thời gian,” gã gắt gỏng. “Tôi không có thời gian. Cô không biết là đang có diễu binh à?”
Và đúng là gã không có thời gian thật. Đã là Chủ nhật rồi, chỉ còn bảy ngày để chuẩn bị cho buổi diễu binh tiếp theo. Gã không hiểu thời giờ đi đâu mất. Về chót trong ba lần diễu binh liên tiếp khiến trung úy Scheisskopf mang tiếng xấu, và gã đang tìm hiểu mọi cách để cải thiện tình hình, kể cả việc phải đóng đinh mười hai người mỗi hàng lên một thanh rầm dài bằng gỗ sồi khô hai nhân bốn(25) cho thẳng hàng. Kế hoạch này không khả thi, bởi vì sẽ không thể rẽ một góc chín mươi độ mà không có khớp xoay bằng hợp kim nickel gắn vào eo lưng mỗi người, mà trung úy Scheisskopf không lạc quan chút nào về việc kiếm được nhiều khớp xoay hợp kim nickel đến vậy từ bên hậu cần và cũng không lạc quan chút nào về việc tranh thủ được sự hợp tác từ các bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện.
Một tuần sau khi trung úy Scheisskopf nghe theo gợi ý của Clevinger để cho mọi người tự bầu sĩ quan học viên, phi đoàn đã giành được cờ đuôi nheo vàng. Trung úy Scheisskopf phấn khởi trước thành tựu bất ngờ của mình tới mức đã tặng cho cô vợ một cú phang suýt vỡ đầu bằng cán cờ khi cô nàng cố lôi gã lên giường để ăn mừng chiến thắng bằng cách biểu lộ sự khinh miệt của họ trước tập tục tình dục của tầng lớp trung lưu nghèo trong các xã hội văn minh phương Tây. Tuần tiếp theo, phi đoàn giành được cờ đỏ, và trung úy Scheisskopf đã tột cùng phấn khích. Và một tuần sau đó, phi đoàn của gã đã làm nên lịch sử khi giành được cờ đỏ hai tuần liên tiếp! Giờ thì trung úy Scheisskopf đã đủ tự tin vào sức mạnh sẽ làm nên bất ngờ lớn cho gã. Trung úy Scheisskopf đã phát hiện ra từ những nghiên cứu diện rộng của mình rằng tay của người diễu binh, thay vì thoải mái vung theo mốt thời đó, không bao giờ được cách xa đùi quá 7,62 xăng ti mét, cũng có nghĩa là tay gần như không được vung một chút nào.
Trung úy Scheisskopf chuẩn bị rất tỉ mỉ và bí mật. Tất cả học viên trong phi đoàn của gã đều phải thề giữ bí mật và tập vào giữa đêm ở trên sân. Họ tập diễu binh giữa đêm đen như mực và thường xuyên va vào nhau, nhưng họ không hoảng loạn và họ đã học được cách đi đều bước mà không vung tay. Ban đầu trung úy Scheisskopf đã tính chuyện nhờ một người bạn ở cửa hàng đồ sắt chôn các chốt hợp kim nickel vào xương đùi mỗi người rồi nối với cổ tay bằng một đoạn dây đồng dài đúng 7,62 xăng ti mét, nhưng không có thời gian - không bao giờ có đủ thời gian - mà cũng khó kiếm được dây đồng tốt vào thời chiến. Gã cũng nhớ rằng nếu mọi người bị đóng chốt như thế thì sẽ khó mà ngã xuống đúng cách ở buổi lễ ngất xỉu đầy ấn tượng diễn ra trước khi diễu binh và rằng việc không thể ngã xuống đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng tới điểm số của cả đơn vị.
Và suốt cả tuần gã cứ cười như nắc nẻ, cố giấu niềm vui trong câu lạc bộ sĩ quan. Bạn bè gã đã bắt đầu có nhiều đồn đoán.
“Không hiểu tên đầu đất đó sắp sửa làm gì,” trung úy Engle nói.
Trung úy Scheisskopf trả lời với một nụ cười hiểu biết trước những câu hỏi của đồng nghiệp. “Rồi Chủ nhật các anh sẽ thấy,” gã hứa. “Rồi các anh sẽ thấy.”
Trung úy Scheisskopf tiết lộ bí mật trọng đại của gã vào ngày Chủ nhật đó với tất cả sự tự tin của một ông bầu giàu kinh nghiệm. Gã không nói gì trong khi các phi đoàn khác lờ dờ lướt qua khán đài với kiểu lộn xộn như mọi khi. Gã cũng không tỏ dấu hiệu gì ngay cả khi hàng đầu tiên trong phi đoàn của mình xuất hiện với đội hình không-vung-tay và những hơi thở hổn hển đầy báo động đã rít lên từ khắp các sĩ quan đồng nghiệp đang kinh ngạc. Ngay cả sau đó gã cũng kìm nén được, cho đến khi viên đại tá phì nộn ria rậm quyết liệt ào tới trước mặt gã với bộ mặt tím tái, và chỉ đến lúc đó gã mới đưa ra lời giải thích đã khiến gã thành bất tử.
“Nhìn xem, thưa đại tá,” gã tuyên bố. “Không có tay.”
Với những người xem đang đờ ra vì tôn sùng, gã đã phân phối những bản sao có công chứng về quy định mơ hồ của cuộc thi mà nhờ nó gã đã giành được một chiến thắng không thể nào quên. Đây là những thời khắc đẹp nhất trong đời trung úy Scheisskopf. Tất nhiên là gã đã giành chiến thắng, chiến thắng tuyệt đối, và đã vĩnh viễn sở hữu cờ đuôi nheo đỏ, đồng thời cũng chấm dứt luôn các cuộc diễu binh vào Chủ nhật, bởi vì cờ đuôi nheo đỏ trong thời chiến cũng khó kiếm ngang với dây đồng. Trung úy Scheisskopf đã được thăng cấp lên thượng úy ngay tại chỗ và bắt đầu sự nghiệp thăng tiến rất nhanh của mình. Chẳng có mấy người lại không ca ngợi gã như một thiên tài quân sự đích thực vì phát kiến quan trọng ấy.
“Trung úy Scheisskopf đó,” trung úy Travers nhận xét. “Anh ta là một thiên tài quân sự.”
“Ừ, đúng vậy,” trung úy Engle đồng tình. “Thật tiếc là gã khờ đó lại không chịu quất roi lên người vợ gã.”
“Tôi thấy chẳng liên quan gì cả,” trung úy Travers điềm tĩnh trả lời. “Trung úy Bemis cũng quất roi lên vợ mỗi lần họ làm tình, mà lúc điều binh anh ta cũng đâu có đáng một xu.”
“Tôi đang nói về chơi roi,” trung úy Engle cãi. “Ai thèm để ý mẹ gì đến diễu binh?”
Thực ra chẳng có ai ngoài trung úy Scheisskopf thực sự để ý mẹ gì đến diễu binh, viên đại tá phì nộn rậm ria kia lại càng không, gã là chủ tịch Ban Hành động và bắt đầu rống lên với Clevinger ngay khi Clevinger rón rén bước vào phòng để cam đoan rằng mình vô tội trước những lời cáo buộc của trung úy Scheisskopf. Viên đại tá đấm xuống bàn nên bị đau tay, và trở nên càng điên tiết với Clevinger tới mức lại đấm xuống bàn mạnh hơn nữa, và lại làm tay đau hơn nữa. Trung úy Scheisskopf lườm Clevinger, môi mím chặt, và vô cùng xấu hổ trước ấn tượng xấu mà Clevinger đã gây ra.
“Sáu mươi ngày nữa anh sẽ phải đấu với Billy Petrolle(26),” viên đại tá rậm ria rống lên. “Thế mà anh nghĩ rằng đó là một trò đùa ngu ngốc.”
“Tôi đâu có nghĩ đó là trò đùa, thưa sếp,” Clevinger đáp lời.
“Không được ngắt lời.”
“Vâng thưa sếp.”
“Và khi không ngắt lời thì phải nói ‘thưa sếp’,” thiếu tá Metcalf ra lệnh.
“Vâng, thưa sếp.”
“Không phải là anh vừa mới được ra lệnh không được ngắt lời sao?” thiếu tá Metcalf lạnh lùng chất vấn.
“Nhưng tôi không ngắt lời, thưa sếp,” Clevinger phản đối.
“Phải. Và anh cũng không nói ‘thưa sếp’. Hãy thêm cái này vào những cáo buộc chống lại anh ta,” thiếu tá Metcalf hướng dẫn viên hạ sĩ đang tốc ký. “Không nói ‘thưa sếp’ với các sĩ quan cấp trên khi không ngắt lời họ.”
“Metcalf,” viên đại tá nói, “anh đần bỏ mẹ ra. Anh có biết điều đó không?”
Thiếu tá Metcalf khó nhọc nuốt nước bọt. “Vâng, thưa sếp.”
“Vậy thì câm mẹ nó mồm lại. Anh toàn nói vớ vẩn.”
Có tất cả ba người trong Ban Hành động, viên đại tá phì nộn rậm ria, trung úy Scheisskopf và thiếu tá Metcalf, tay này đang cố học cách nhìn chằm chằm nghiêm khắc. Với tư cách là một thành viên trong Ban Hành động, trung úy Scheisskopf là một trong những thẩm phán có vai trò cầm cân nảy mực trong vụ tố cáo Clevinger do công tố đưa ra. Trung úy Scheisskopf cũng là công tố viên. Clevinger có một sĩ quan bào chữa cho mình. Sĩ quan bào chữa cho anh ta là trung úy Scheisskopf.
Toàn bộ chuyện này thật rối rắm đối với Clevinger, gã bắt đầu run bần bật kinh hoàng khi viên đại tá đứng bật dậy như một ngọn núi lửa khổng lồ phun trào và dọa sẽ xé tan cái xác thối tha, hèn nhát của gã ra thành từng mảnh. Có một hôm gã đã vấp chân khi đi đều bước lên lớp; hôm khác thì gã lại bị chính thức kết tội “phá hàng khi đang đứng trong đội hình, tấn công ác ý, có hành vi bừa bãi, phạm tội vặt, phản quốc, khiêu khích, ra vẻ thông minh, nghe nhạc cổ điển, vân vân và vân vân”. Nói một cách ngắn gọn, bọn họ đã truy tố gã tất cả những tội họ có thể nghĩ ra, và gã đang đứng đó đầy khiếp đảm trước viên đại tá phì nộn, tay này lại rống lên rằng sáu mươi ngày nữa gã sẽ phải đấu với Billy Petrolle và đòi được biết xem gã muốn được phơi bụng theo kiểu quái gì và gã có muốn bị chuyển tới đảo Solomon để chôn xác chết hay không. Clevinger nhã nhặn đáp lời rằng gã không muốn như thế; gã là một thằng đần, thà chính mình làm xác chết còn hơn phải đi chôn xác. Viên đại tá ngồi xuống và dựa lưng vào ghế, đột nhiên trở nên điềm tĩnh và kín đáo, lại còn lịch thiệp dễ mến.
“Ý anh là gì nhỉ,” gã chậm rãi hỏi, “khi anh bảo là chúng tôi không thể trừng phạt anh?”
“Khi nào cơ, thưa sếp?”
“Tôi hỏi. Anh trả lời.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi…”
“Anh tưởng chúng tôi đem anh tới đây để anh hỏi rồi tôi trả lời chắc?”
“Không, thưa sếp. Tôi…”
“Bọn tôi đem anh tới đây để làm gì?”
“Để trả lời câu hỏi.”
“Đúng mẹ nó rồi,” viên đại tá lại rống lên. “Giờ thì hãy trả lời vài câu hỏi trước khi tôi kịp bẻ gãy cái cổ chết tiệt của anh. Ý của anh là quái gì vậy, đồ con hoang, khi anh bảo bọn tôi không thể trừng phạt anh?”
“Tôi không nghĩ là tôi đã từng nói câu đó, thưa sếp.”
“Nói to lên xem nào? Tôi không nghe thấy gì cả.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi…”
“Anh nói to lên đi. Đại tá không nghe thấy gì cả.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi…”
“Metcalf.”
“Dạ, thưa sếp?”
“Không phải tôi đã nói với anh rằng hãy câm cái miệng ngu đần của anh lại sao?”
“Vâng, thưa sếp.”
“Vậy thì hãy câm cái miệng ngu đần của anh lại khi tôi bảo anh hãy câm cái miệng ngu đần lại. Anh hiểu chưa? Nói to lên đi. Tôi không nghe thấy gì cả?”
“Vâng, thưa sếp. Tôi…”
“Metcalf, có phải tôi đang giẫm lên chân anh không?”
“Không thưa sếp. Chắc đó là chân trung úy Scheisskopf.”
“Đó không phải là chân tôi,” trung úy Scheisskopf nói.
“Vậy thì có thể là chân tôi,” thiếu tá Metcalf nói.
“Dịch nó ra đi.”
“Vâng, thưa sếp. Nhưng sếp phải dịch chân ra trước, thưa đại tá. Nó đang ở trên chân tôi.”
“Có phải anh đang bảo tôi phải dịch chân ra không?”
“Không, thưa sếp. Ồ không, thưa sếp.”
“Thế thì hãy dịch chân ra và hãy câm cái miệng ngu đần của anh lại. Nói to lên được không? Tôi vẫn không nghe thấy gì!”
“Vâng thưa sếp. Tôi nói rằng tôi đã không nói rằng sếp không thể trừng phạt tôi.”
“Anh đang nói cái quái gì vậy?”
“Tôi đang trả lời câu hỏi của sếp, thưa sếp.”
“Câu hỏi nào?”
“ ‘Ý của anh là quái gì vậy, đồ con hoang, khi anh bảo bọn tôi không thể trừng phạt anh?’ ” viên hạ sĩ nói, miệng đọc từ cuốn sổ tốc ký của gã.
“Được rồi,” viên đại tá nói. “Thế thì ý của anh là cái quái gì vậy?”
“Tôi đã không nói rằng sếp không thể trừng phạt tôi, thưa sếp.”
“Khi nào?” viên đại tá hỏi.
“Cái gì khi nào cơ, thưa sếp?”
“Giờ thì anh lại ra câu hỏi với tôi.”
“Tôi xin lỗi, thưa sếp. Tôi e rằng tôi không hiểu câu hỏi của sếp.”
“Khi nào anh không nói rằng chúng ta không thể trừng phạt anh? Anh không hiểu câu hỏi của tôi à?”
“Không, thưa sếp. Tôi không hiểu.”
“Anh vừa nói với bọn tôi điều đó xong. Giờ thì hãy trả lời câu hỏi của tôi.”
“Nhưng làm sao tôi có thể trả lời được?”
“Lại thêm một câu hỏi mà anh dành cho tôi.”
“Tôi xin lỗi, thưa sếp. Nhưng tôi không biết trả lời như thế nào. Tôi chưa bao giờ nói rằng sếp không thể trừng phạt tôi.”
“Giờ thì anh bảo với chúng tôi rằng anh đã nói điều đó. Tôi đang hỏi anh xem khi nào anh không nói nó cơ mà.”
Clevinger hít một hơi thật sâu. “Tôi luôn không nói rằng sếp không thể trừng phạt tôi, thưa sếp.”
“Thế tốt hơn nhiều, thưa anh Clevinger, mặc dù đó là lời nói dối trắng trợn. Đêm qua ở nhà xí. Không phải anh đã thì thầm rằng chúng tôi không thể trừng phạt anh với thằng chó đẻ bẩn thỉu mà chúng tôi không thích ấy à? Tên của gã ta là gì?”
“Yossarian, thưa sếp,” trung úy Scheisskopf nói.
“Đúng, Yossarian. Đúng rồi. Yossarian. Yossarian ư? Tên của gã thật đấy à? Yossarian ư? Tên quái gì mà lại là Yossarian?”
Trung úy Scheisskopf đã có trên tay giấy tờ xác thực. “Đó đúng là tên của Yossarian, thưa sếp,” gã giải thích.
“Ừ, cứ cho là vậy đi. Không phải anh đã thì thầm với Yossarian rằng chúng tôi không thể trừng phạt anh à?”
“Ồ không, thưa sếp. Tôi đã thì thầm với anh ta rằng sếp sẽ không thể kết tội tôi…”
“Tôi có thể ngu dốt,” viên đại tá ngắt lời, “nhưng tôi không thấy có sự khác biệt gì cả. Chắc là tôi rất ngu dốt, bởi vì tôi không thấy có sự khác biệt gì cả.”
“C…”
“Anh là một thằng chó đẻ hay ba hoa, có phải không? Đâu có ai yêu cầu anh phải làm rõ nhưng anh lại cố làm rõ. Tôi đang đưa ra một khẳng định, chứ không phải một thông tin cần được làm rõ. Anh là một thằng chó đẻ hay ba hoa, có phải không?”
“Không, thưa sếp.”
“Không, thưa sếp ư? Có phải anh nói tôi là một kẻ nói dối chết tiệt?”
“Ồ, không, thưa sếp.”
“Vậy thì anh là một thằng chó đẻ hay ba hoa, có phải không?”
“Không, thưa sếp.”
“Anh có phải một thằng chó đẻ hay ba hoa không?”
“Không, thưa sếp.”
“Chết tiệt, anh đang cố cãi tôi phỏng? Tôi sẵn sàng cá hai xu thối tha rằng tôi sẽ nhảy lên chiếc bàn to mập này và xé tan cái xác thối tha, hèn nhát của anh ra thành từng mảnh.”
“Làm đi! Làm luôn đi!” thiếu tá Metcalf reo lên.
“Metcalf, anh là đồ chó đẻ thối tha. Không phải tôi đã nói với anh rằng hãy câm cái miệng thối tha, hèn nhát và ngu đần của anh lại à?”
“Vâng, thưa sếp. Tôi xin lỗi, thưa sếp.”
“Vậy thì hãy làm điều đó đi.”
“Tôi chỉ đang cố học hỏi, thưa sếp. Cách duy nhất để học hỏi là cố.”
“Ai nói vậy?”
“Tất cả mọi người đều nói vậy, thưa sếp. Thậm chí trung úy Scheisskopf cũng nói vậy.”
“Anh có nói vậy không?”
“Vâng, thưa sếp,” trung úy Scheisskopf nói. “Nhưng tất cả mọi người đều nói vậy.”
“Ồ, Metcalf, vậy hãy cố ngậm cái miệng ngu đần của anh lại, và có thể đó là cách để anh học hỏi. Giờ thì, chúng ta đang ở đâu nhỉ? Đọc lại dòng cuối cùng cho tôi xem nào.”
“ ‘Đọc lại dòng cuối cùng cho tôi xem nào,’ ” viên hạ sĩ tốc ký đọc lại.
“Không phải câu gần nhất tôi nói, đồ ngu!” viên đại tá hét toáng lên. “Của người khác ấy.”
“ ‘Đọc lại dòng cuối cùng cho tôi xem nào,’ ” viên hạ sĩ đọc lại.
“Đó lại là câu cuối của tôi mà!” viên đại tá la lên, mặt tím tái vì điên tiết.
“Ồ, không, thưa sếp,” viên hạ sĩ đính chính. “Đó là câu cuối của tôi. Tôi đã đọc nó cho sếp nghe ngay lúc trước. Sếp không nhớ à, thưa sếp? Chỉ một khoảnh khắc trước đây thôi.”
“Ôi Chúa ơi! Đọc lại cho tôi dòng cuối cùng của anh ta ấy, đồ ngu. À mà này, tên anh là cái quái gì vậy?”
“Popinjay, thưa sếp.”
“Được, anh sẽ là người tiếp theo, Popinjay. Ngay sau khi phiên tòa xử anh ta kết thúc thì phiên tòa xử anh sẽ bắt đầu. Có hiểu không?”
“Dạ hiểu, thưa sếp. Tôi sẽ bị kết tội gì vậy?”
“Thế thì có quái gì khác đâu? Anh không nghe anh ta hỏi tôi cái gì à? Rồi anh sẽ biết, Popinjay - ngay khi chúng ta kết thúc vụ Clevinger thì anh sẽ biết. Học viên Clevinger, anh đã - anh là học viên Clevinger, chứ không phải Popinjay, có phải không?”
“Vâng, thưa sếp.”
“Tốt. Anh đã…”
“Tôi mới là Popinjay, thưa sếp.”
“Popinjay, có phải cha anh là triệu phú hoặc thượng nghị sĩ không?”
“Không, thưa sếp.”
“Vậy tốt. Thế cha anh làm gì?”
“Ông ấy đã chết, thưa sếp.”
“Vậy thì rất tốt. Anh thực sự đang gặp trở ngại đó, Popinjay. Có thật Popinjay là tên của anh không? Tên quái gì mà lại là Popinjay vậy? Tôi không thích nó.”
“Đó là tên của Popinjay, thưa sếp,” trung úy Scheisskopf giải thích.
“Được rồi, tôi không thích nó, Popinjay, và tôi mong sớm được xé cái xác thối tha, hèn nhát của anh ra thành từng mảnh. Học viên Clevinger, anh làm ơn lặp lại những cái quái gì mà anh đã thì thầm hoặc đã không thì thầm với Yossarian vào đêm khuya hôm trước ở nhà xí, có được không?”
“Vâng, thưa sếp. Tôi đã nói rằng sếp không thể kết tội tôi…”
“Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây. Chính xác thì ý của anh là gì, học viên Clevinger, khi anh nói rằng chúng tôi không thể kết tội anh?”
“Tôi đã không nói rằng sếp không thể kết tội tôi, thưa sếp.”
“Khi nào?”
“Cái gì khi nào cơ, thưa sếp?”
“Chết tiệt, anh lại đang chơi tôi nữa phải không?”
“Không, thưa sếp. Tôi xin lỗi, thưa sếp.”
“Vậy thì trả lời câu hỏi đi. Anh đã không nói rằng chúng tôi không thể kết tội anh lúc nào?”
“Đêm khuya hôm qua ở trong chuồng xí, thưa sếp.”
“Có phải đó là lần duy nhất anh không nói như vậy?”
“Không, thưa sếp. Tôi luôn luôn không nói rằng ông không thể kết tội tôi, thưa sếp. Điều tôi đã nói với Yossarian là…”
“Không ai hỏi anh về những gì anh đã nói với Yossarian. Chúng tôi đang hỏi anh về những gì anh đã không nói với anh ta. Chúng tôi không mảy may quan tâm đến những gì anh đã nói với Yossarian. Rõ chưa?”
“Vâng rõ rồi, thưa sếp.”
“Vậy thì chúng ta tiếp tục nhé. Anh đã nói gì với Yossarian?”
“Tôi đã nói với anh ta, thưa sếp, rằng ông không thể kết tội tôi theo những gì công tố viên đưa ra mà vẫn trung thành với nguyên tắc của…”
“Của cái gì? Anh nói lầm bầm thế.”
“Đừng có lầm bầm nữa.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Và khi lầm bầm thì hãy lầm bầm cả ‘thưa sếp’.”
“Metcalf, đồ con hoang!”
“Vâng, thưa sếp,” Clevinger lầm bầm. “Của công lý, thưa sếp. Rằng ông không thể kết…”
“Công lý ư?” viên đại tá sửng sốt. “Công lý là gì vậy?”
“Công lý, thưa sếp…”
“Đó không phải là công lý,” viên đại tá nhếch mép cười khinh bỉ, và lại nện nắm tay béo bự xuống bàn. “Đó là Karl Marx. Tôi sẽ bảo anh công lý là gì. Công lý là một cái đầu gối trong ruột từ trên sàn nhà nằm trên cằm giữa đêm khuya lén lút với con dao giương lên cao hạ xuống trên một cuốn tạp chí về một con tàu chiến đang bị hàng bao cát chặn lại trong bóng tối mà không cảnh báo lấy một lời. Siết cổ. Công lý là thứ vô nghĩa như thế đấy, khi mà tất cả chúng ta đều cần phải đủ khỏe và đủ dữ để đấu với Billy Petrolle. Từ dưới hông. Có hiểu không?”
“Không, thưa sếp.”
“Đừng có thưa sếp với tôi!”
“Vâng, thưa sếp.”
“Và phải nói ‘thưa sếp’ khi anh không nói,” thiếu tá Metcalf ra lệnh.
Clevinger có tội, tất nhiên rồi, nếu không thì gã đã không bị buộc tội, và bởi vì cách duy nhất để chứng minh điều đó là phải kết tội gã, đó là một nhiệm vụ mà người yêu nước nào cũng phải làm. Gã bị phạt phải đi bộ năm mươi bảy lượt. Popinjay cũng bị nhốt để họ dạy cho một bài học, và thiếu tá Metcalf bị điều tới đảo Solomon để chôn xác. Mỗi lượt trừng phạt Clevinger là năm mươi phút cuối tuần lượn qua lượn lại trước tòa nhà của nguyên soái hiệu trưởng với một đống súng trường đã tháo đạn ở trên vai.
Mọi thứ đều rất khó hiểu đối với Clevinger. Có rất nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra, nhưng điều kỳ lạ nhất, với Clevinger, là sự thù ghét, sự thù ghét tàn bạo, không giấu giếm, không gì lay chuyển nổi của các thành viên Ban Hành động, phủ lên biểu cảm không khoan nhượng của họ một bề mặt cứng rắn, hận thù, lóe lên trong những cặp mắt ti hí của họ như những viên than hồng không sao dập tắt. Clevinger choáng váng trước phát hiện đó. Nếu có thể thì có khi họ đã đem gã đi hành hình không xét xử. Họ là ba người đàn ông đã trưởng thành, còn gã chỉ là một cậu bé, vậy mà họ đã thù ghét gã, đã muốn gã chết. Họ đã thù ghét gã từ trước khi gã đến, đã thù ghét gã khi gã ở đó, đã thù ghét gã sau khi gã rời đi, luôn đem theo lòng thù ghét gã như một kho báu được giấu kỹ sau khi họ giải tán và trở về với nỗi cô đơn của riêng họ.
Yossarian đã cố hết sức mình để cảnh báo gã vào đêm hôm trước. “Anh không có cơ hội nào cả, nhóc ạ,” y đã rầu rĩ bảo gã. “Họ căm thù người Do Thái.”
“Nhưng tôi đâu phải người Do Thái,” Clevinger trả lời.
“Như vậy cũng sẽ chẳng ăn thua gì đâu,” Yossarian nói chắc nịch, và Yossarian đã đúng. “Họ căm thù tất cả mọi người.”
Clevinger rúm người tránh khỏi lòng thù ghét của họ như tránh một tia sáng chói lòa. Ba người thù ghét gã nói cùng thứ tiếng với gã, mặc cùng loại quân phục như gã, nhưng gã thấy bộ mặt không chút tình cảm của họ đã đóng cứng lại thành những đường nét tù túng, hèn hạ của sự thù địch và gã hiểu ra ngay lập tức rằng không đâu trên thế giới này, dù trong xe tăng hay máy bay hay tàu ngầm phát xít, trong boong ke sau súng máy hay súng cối hay sau súng phun lửa, thậm chí cả trong số tất cả đám thiện xạ của sư đoàn phòng không Hermann Goering hay trong số những kẻ mũ ni che tai đáng ghê tởm ở tất cả các quán bia ở Munich và ở tất cả những nơi khác, lại có ba người nào thù ghét gã hơn thế.
22. Cadet officer: cấp bậc dành cho các học viên trường quân sự trước khi trở thành sĩ quan chính thức được phong hàm.
23. Richard Freiherr von Krafft-Ebing (1840-1902): nhà tâm thần học người Đức gốc Áo, nổi tiếng với tác phẩm nền tảng Psychopathia Sexualis (tạm dịch: Tâm bệnh học tính dục) trong đó lần đầu tiên phổ biến các thuật ngữ như ác dâm (sadism) và khổ dâm (masochism), cho dù trước đó các thuật ngữ này đã từng xuất hiện.
24. Leonardo da Vinci.
25. Thanh gỗ sồi tiêu chuẩn dày 2 inch (5,08 cm), rộng 4 inch (10,16 cm).
26. Billy Petrolle hồi đó là tay quyền Anh hạng nhẹ vô địch thế giới.