Nguyên tác: Hands Of A Stranger
Số lần đọc/download: 169 / 14
Cập nhật: 2020-06-07 21:40:03 +0700
Chương 7
N
ew York. Buổi xế chiều. Tại góc đại lộ 5 và đường 52, gã thanh niên chờ dòng xe đang lưu thông dừng lại rồi băng về hướng ngôi đền Hy Lạp dài bằng cả khu nhà. Cao trên chóp bậc cấp là thư viện công cộng. Hắn mặc một bộ đồ com-lê và xách một chiếc cặp da. Tên hắn là George Lyttle. Những bậc cấp phía trước thư viện có hai con sư tử đá ở hai đầu. Đấy là một ngày ấm áp. Khoảng độ chục người đang ngồi sưởi nắng ở bậc cấp. Một số đang mở thức ăn từ những bao giấy nâu ra. Một số đưa mắt nhìn lơ đãng. Một số ít mở ra giữa đầu gối những tờ báo, đọc các tin gây phẫn nộ mới nhất trong mục tin chiều vô giá trị của tờ Post và New York. Dù hắn đã tìm được một chỗ ngồi và ngồi xuống giữa họ, George Lyttle không có thì giờ cho những người thuộc loại như thế. Sau khi mở cặp da ra, hắn lấy ra một quyển vở dùng như tờ báo của hắn và đọc đề mục của nó với vẻ đắc ý. Hắn đã tự mình kẻ câu này bằng chữ hoa đậm trên bìa: Sự khôn ngoan của George Lyttle.
George đang đợi một người nhưng người ấy vẫn chưa xuất hiện, do đó hắn có thì giờ để ghi vào cuốn sách tay của hắn những ý nghĩ thật sâu sắc mà hắn vừa nghĩ ra, và từ túi áo veste, hắn lôi ra chiếc bút máy xanh kiểu cũ và vặn nắp.
Trong lúc hắn nhìn xuống dòng xe cộ lưu thông dọc theo đại lộ 5, hắn bỗng phát hiện một chiếc Rolls Royce. Những chiếc taxi màu vàng kẹp nó vào giữa. Từ nửa bậc cấp trên, hắn không thể nào trông thấy bên trong nó nhưng hắn cóc cần. Chữ viết trong lúc cây bút của hắn bắt đầu bò trong trang giấy, nhỏ, nắn nót, hầu như rất đẹp. “Nếu một chiếc Rolls Royce đi ngang qua bạn với một người anh em ở tay lái”, hắn viết, “bạn có thể tính đến việc nhìn thấy một trong hai điều: Hoặc một người da trắng trong chiếc ghế sau lưng hắn hoặc một tên cảnh sát trong xe sau lưng hắn.”
George Lyttle là một gã đàn ông tin rằng tốt hơn hết mỗi khi có thể được nên nói bằng cách ngôn. Hắn thích những câu cách ngôn. Khi hắn đã tán thưởng câu này một lúc, hắn vặn nắp vào lại cây viết máy, gấp cuốn sổ lại và để cho những luồng không khí của thành phố, với tiếng động và chuyển động của nó, những mùi lợm giọng của nó, xâm nhập vào ý thức của hắn, tích tụ vào luồng phổi của hắn. Hắn thích hít thở không khí của thành phố, mô tả những biến cố đang xảy ra ngay cả bây giờ. Trong các tiệm ăn đắt tiền ở Midtown, mọi người đã bỏ đi trừ những người hầu bàn đang dọn chỗ cho bữa ăn chiều và đồ đạc đang kêu leng keng trong tay họ. Quanh thư viện, đông, tây, nam, bắc, nổi lên những cao ốc. Ở đây George tưởng tượng ra những nhân viên văn phòng bất bình thường trở lại bàn giấy của họ; một số, vì đã quá chén ở bữa ăn trưa, thi hành công việc của họ một cách uể oải, thiếu sinh khí. Trong các dãy phòng điều hành còn tệ hơn nữa và George Lyttle cũng mơ tưởng đến điều này nữa. Những bữa ăn ba ly Martini đã tính phần của chúng. Những viên phó giám đốc lần sần đang ngủ ngồi trong những chiếc ghế cao và giật mình thức dậy vì những cú điện thoại đến.
George lại đưa cặp mắt xuống các vỉa hè của đại lộ 5 trước mặt. Tắc nghẽn với các nhân viên văn phòng một giờ trước đây, bây giờ tương đối thưa đi. Nhưng lưu thông xe cộ còn dày hơn cả trước kia nữa, và các chiếc xe chở hành khách chở phần đông là phụ nữ - George nhìn họ như là những bà vợ giàu có từ ngoại ô lên để đi phố. Các gara đậu xe ở đường phụ chắc sẽ đầy tràn nhanh thôi. Các cửa hàng tổng hợp cũng thế.
Khắp thành phố, các điều xảy ra riêng tư cũng sẽ xảy ra và cả những điều này nữa, cũng có thể cảm giác đang chạy nhanh trong mạch máu mình là hàng triệu điều bí mật đang thì thầm ngay bây giờ và George ý thức được chúng. Các cuộc sống cá nhân đã gặp phải các sự biến trong giờ vừa qua này và đang được xếp đặt lại ngay cả khi hắn ngồi trên bậc cấp thư viện chờ một người đặc biệt xuất hiện. Thanh tra Hearn đang ngồi trong một tiệm ăn với một người đàn bà không phải là vợ mình. George Lyttle chưa bao giờ nghe đến tên thanh tra Hearn, nhưng hắn cảm giác được cuộc gặp mặt này. Người vợ điên cuồng của Hearn, trong lúc ấy, vẫn còn lục lọi trong một khách sạn nào đấy để tìm quần áo không có ở đây của nàng, và George cũng cảm giác được điều này nữa. Marty Loftus, chân thấp chân cao, rảo bước đến ga Penn, sau khi đã giải thoát khá nhiều khỏi tình trạng khó khăn của bản thân. George Lyttle không biết những chi tiết như thế nhưng tin rằng hắn cảm nhận được chúng. Thành phố như là hàng triệu con kiến đang vật lộn dưới một chiếc mền, và hắn đang nhìn xuống nó. Sự hiểu biết của hắn về thành phố thật rộng rãi đến nỗi hắn tin mình được tiền định để đóng một vai trò quan trọng trong đó. Cuộc đời của hắn sẽ là một cuộc đời lịch sử. Để chuẩn bị cho mình, hắn phải tìm sự khôn ngoan. Hắn phải ấp ủ mọi kinh nghiệm học hỏi cản trở hắn. Cho đến nay, hôm nay chắc chắn rất có tính cách giáo dục đấy.
Nhưng rốt cuộc, một lãnh tụ được biết đến qua bút tích của người ấy, và thế là cây bút máy của George Lyttle lại hạ xuống một trang mới trong cuốn sổ của hắn. “Phiếu xã hội”, hắn viết, “là một món lương mà người da trắng trả cho bạn để bạn sẽ không cạnh tranh với hắn ở trường học và thị trường. Hắn không muốn bạn được học giỏi. Hắn không muốn bạn đủ khả năng cho các công việc lương cao. Hỡi người anh em, bạn đang bị trả lương kém. Bạn đang chấp nhận lương tháng ba trăm đô la, để tiếp tục nghèo túng. Bạn đang bị trả lương kém để quyền lợi bị thiệt thòi đấy”.
Lần này khi George nhìn lên, hắn phát hiện ra Willy Johnson đang lách vai qua dòng xe cộ lưu thông muôn màu sắc của đại lộ 5. Những chiếc taxi vàng, những chiếc xe buýt xanh; một chiếc xe cảnh sát được nhìn thấy giữa đám xe cộ, xanh trắng. Ánh nắng phản chiếu ở chúng cũng như ở những ô cửa sổ trên các tòa nhà. Johnson bước lên bực cấp thư viện hai bậc một và George gấp tờ báo của hắn lại. “Ngồi xuống đi, cậu”, hắn bảo.
Nhưng Johnson bỏ mặc lời chào hỏi này và mặc dầu George đập vào bực cấp bên cạnh hắn, Johnson vẫn ngồi cách hơn một thước. Trong một lúc hắn chỉ khẩn trương nhìn ra đại lộ 5. Hắn mặc quần đen, một áo sơ mi hở cổ trắng và đôi giày bát-két đã mòn. Khi hắn lên tiếng, tiếng nói phát ra từ khóe miệng và không thừa nhận sự hiện diện của George. Như một người nói bằng bụng, môi hắn không động đậy. “Việc ấy thế nào rồi?”
George Lyttle cười to. “Chẳng cần phải có những chiến thuật thận trọng như thế”, hắn đáp. “Chẳng có cuộc theo dõi tích cực nào đã được tiến hành nhắm vào cậu cả. Chẳng cần phải bối rối.”
Điều ấy còn làm Johnson căng thẳng hơn và giận nữa. “Cậu không thông minh mấy - chỉ vì bạn nói quá hay.”
Trước khi người ta có thể kiểm soát thuộc hạ, George nghĩ, một lãnh tụ phải kiểm soát ngôn ngữ. Tài hùng biện là điều then chốt. Hắn bảo, “Đừng tự mình chế nhạo mình với điều nhục nhã rằng cậu ăn nói khô khan đấy nhé. Dù sao cũng không phải là ngôn ngữ của cậu đâu. Tôi không biết văn xuôi của người da trắng sẽ tao nhã thế nào nếu hắn cố gắng diễn dạt bằng tiếng Swahili đấy”.
Nhưng Johnson vẫn khẩn trương. “Cậu có gì cho tôi chứ?”
Trải ví tay ra, George Lyttle trao ra hai tờ hai mươi đô la và một tờ năm đô la.
Johnson nhìn số tiền. “Chỉ có thế thôi à?”
“Theo lần trả đầu tiên, tôi cảm thấy không phải là vô nghĩa đâu, đặc biệt nên xét về phạm vi đóng góp nhỏ nhoi của cậu. Quả thật không phải vô nghĩa đâu.”
Đôi giày thể thao của Johnson chà xát xuống bậc cấp phía dưới hắn. “Bốn mươi lăm đô”, hắn khịt mũi. “Cậu và ý nghĩ lớn của cậu đấy.”
“Mỗi ngày cậu lãnh tiền thù lao bao nhiêu nhỉ?” George Lyttle cật vấn. “Bốn mươi lăm đô la cho chỉ một cú điện thoại thôi đối với tôi hình như thật là một món tiền thù lao tuyệt vời đấy.”
Johnson nhét các tờ bạc vào trong một chiếc túi. “Thế này là lừa đảo đấy.”
“Tại sao thỉnh thoảng cậu không diễn đạt ngôn ngữ của cậu cho đúng nghĩa nhỉ? Thỉnh thoảng cậu sẽ nhận thấy rằng lời nói của cậu không được diễn đạt thích hợp như nghĩa chính xác mà cậu muốn truyền đạt đấy.”
“Tiền ít quá.”
George muốn đồng ý với ý kiến này. Cho đến nay, chẳng có “khách hàng” nào của họ đã tỏ ra có nhiều tiền như hắn đã dự tính lúc đầu cả. Nhưng kể từ hôm nay, hắn đã quyết định bù lại điều này. Các diễn biến vừa chấm dứt chẳng chấm dứt tí nào cả. Những khách hàng của ngày hôm nay và tất cả khách hàng tương lai, sẽ nhận được những cú điện thoại tiếp theo, có thể nói như thế. Nhưng chẳng cần phải nói gì cho Johnson về vấn đề này cả.
“Và nhiều nguy hiểm quá”, Johnson bảo.
“Cậu có cổ phần một phần ba đấy. Sự liều lĩnh mỗi lần là của tôi, không phải của cậu đâu.”
“Họ đi đến pháp luật và điều ấy trở về lại với tôi đấy.”
“Họ là những kẻ vô lại. Họ bị chộp được nơi lẽ ra họ không được phép đến”, George Lyttle kiên nhẫn nói. “Những kẻ vô lại không thể đến với pháp luật, như cậu phát biểu quá sống sượng đấy. Chính họ cũng vi phạm pháp luật. Đấy là vẻ đẹp của nó. Tôi đã giải thích với cậu về vẻ đẹp của nó rồi đấy”.
Người ta mang những quyển sách qua mặt họ lên xuống các bậc cấp thư viện.
“Cậu bảo sẽ có nhiều tiền hơn đấy”, Johnson cố chấp bảo.
“Và sẽ có như thế.”
“Chưa bao giờ chúng ta kiếm được 300 đô la cả.”
“Từ nay về sau, tôi định thực hiện những bước có lợi.”
“Những bước nào vậy?”
“Những tin như thế không đòi hỏi về phần cậu.”
“Hãy xem thử nếu không có tôi cậu đi được bao xa đây”, Johnson đe dọa.
George Lyttle thở dài. “Tôi đề nghị với cậu nên tự an ủi mình bằng cách suy nghĩ đến ba đức tính lớn. Ba đức tính lớn là kiên nhẫn, tin tưởng và trung thành”. Nhưng đức tính lớn nhất trong tất cả, George Lyttle ngẫm nghĩ, là tài hùng biện. Biệt tài của những cái lưỡi. “Hãy xem bốn mươi lăm đô la như là lần trả đầu tiên đi.”
“Và phần còn lại?”
“Đúng lúc.”
“Khi nào?”
“Hôm nay, như đã được tiết lộ, tôi đã thực hiện một số bước có lợi trong một kế hoạch gì nhỉ, hết sức rõ ràng. Từ ấy có nghĩa là bằng chứng chống lại ngay cả những tên khùng. Nhưng tiền lời chủ yếu của kế hoạch này sẽ chỉ đến đúng lúc.”
“Đúng lúc à?”
“Khi nào đúng lúc, em bé ạ, cậu sẽ hiểu thôi”.
Johnson nhìn đăm đăm ra đám xe cộ lưu thông, lẩm bẩm, “Cậu sẽ đợi lâu cho cú điện thoại lần sau đấy.”
George Lyttle lại thở dài, “Cậu muốn một chiếc đồng hồ không?”
“Đồng hồ à?”
“Cậu có vẻ cảm thấy được thù lao không đủ đấy.”
“Cậu định nói về chiếc đồng hồ nào thế?”
Sau khi đưa chiếc cặp da lên đùi, George mở nó ra và lôi ra một chiếc bao xăng-uých plastic đựng hai chiếc đồng hồ và một chiếc nhẫn cưới vàng.
“Cái nào?” Johnson hỏi.
“Đối với tôi không quan trọng”, George bảo.
“Chiếc đồng hồ đàn ông.”
“Nhất định. Đây.”
“Còn chiếc nhẫn thế nào?
George lấy nó ra xem xét. “Tôi định giữ lại chiếc nhẫn. Nó có, gì nhỉ, giá trị tình cảm đấy”.
Johnson trầm trồ chiếc đồng hồ mới của hắn.
“Tôi nghĩ rằng khách sạn trở nên nóng bỏng đấy”, hắn bảo. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bỏ đi thôi”.
George Lyttle hoảng sợ ngay. “Có gì bất lợi xảy ra sau khi tôi bỏ nơi ấy đi không?”
“Anh chàng ấy chạy xuống cầu thang qua mặt tôi và ra cửa. Họ không cùng xuống chung với nhau như mọi khi. Anh chàng ấy chỉ ăn mặc một nửa thôi”. Johnson nhớ lại cười khúc khích. “Y như đứa con gái đá hắn ra lúc nửa chừng, vậy đấy.”
“Không, con đàn bà không đuổi hắn đâu”, George Lyttle bảo. Hắn rơi vào im lặng.
“Con ấy vẫn còn trên ấy khi tôi ra đây gặp cậu đấy”. Johnson dò xét George Lyttle. “Cậu không làm hại gì con ấy à?”
“Tôi có thể lưu lại trong tâm trí nó như một kinh nghiệm bổ ích đấy, nhưng tôi chẳng làm hại gì nó cả. Tôi bỏ nó ở đấy trong tình trạng khỏe mạnh. Cậu có thể yên trí về điều ấy đi.”
“Cậu lãnh đạm đấy, tôi cho cậu nhiều đến thế đấy”.
“Cậu sợ hậu quả thôi. Có hậu quả nào xảy ra trước hôm nay không?”
“Không”.
“Chẳng ai phàn nàn với khách sạn về những điều xảy ra chứ?”
“Tôi nên biết điều ấy đấy.”
“Và cũng chẳng phàn nàn với cảnh sát nữa. Cậu có thể cứ yên trí đi. Nếu không họ sẽ ghé vào đấy.”
“Một ý kiến chẳng làm tôi vui tí nào cả.”
“Cậu cứ trở về công việc của cậu thoải mái đi”. Rồi hắn nói thêm, “Cậu sẽ không được tin của tôi một thời gian. Tuần sau là sinh nhật của tôi và tôi định đưa vợ tôi đi một chuyến nhỏ đấy. Tôi sẽ tiếp xúc với cậu ngay lúc trở về và chúng ta có thể bắt đầu lại.”
Johnson đứng dậy. “Cậu trả đợt tiếp theo đi nếu không chúng ta sẽ chẳng khởi sự gì cả”, hắn đáp và bắt đầu đi xuống các bậc cấp thư viện.
George Lyttle nhìn hắn đi, khẽ buồn bã lắc đầu. Johnson là một gã đàn ông thật buồn. Hắn sợ đủ mọi thứ. Sợ cảnh sát, sợ mất công việc hạ cấp mà hắn đang giữ tại khách sạn nóng nực - một mẫu người tuyệt vời bị người da trắng dọa dẫm. Sau khi mở lại cuốn sổ tay của hắn, George viết một mục mới: “Một người da trắng nào đấy đã dạy bạn nghĩ rằng bạn không thể làm khá hơn được”, hắn viết “Và bạn tin hắn. Chẳng có gì thay đổi kể từ khi có đạo luật cải tổ năm 1976 cả. Đạo luật dân quyền năm 1964 cũng chính là đạo luật ấy và cũng có kết quả như nhau. Nó làm cho tất cả các bạn u mê, luôn luôn sung sướng, các người da đen có đầu óc đơn giản nghĩ rằng bạn đã có ít nhiều tiến bộ. Nhưng bạn đọc sai bản văn. Bản văn không thay đổi vì giải pháp không thay đổi. Giải pháp không thay đổi vì vấn đề không thay đổi và vấn đề không thay đổi vì kẻ thù không thay đổi. Nếu bạn phải là một phần của giải pháp thì bạn là một phần của vấn đề”.
Sau khi liếc mắt vào chiếc đồng hồ còn lại trong bao xăng-uých, chiếc đồng hồ đeo tay đàn bà, George Lyttle thấy rằng hắn còn trong tay ít phút nên tiếp tục trầm ngâm. Hắn nhớ lại người đàn ông cùng với người đàn bà như hắn đã trông thấy họ lúc đầu tiên. Rồi hắn suy nghĩ riêng về một người đàn ông trong lúc mũi viết của hắn do dự trên một trang mới. Người đàn ông đã xử sự hèn nhát. “Người da trắng là những người hay thay đổi nhất trên mặt đất”, George viết. “Cho họ chạm trán với điều bất ngờ là nhân phẩm của họ tiêu tan ngay. Điều này chắc là lý do khiến nhiều người trong bọn họ nhảy xuống cầu. Ngay cả Tarzan cũng chẳng khác gì cả. Khi hắn đến New York trong “Cuộc phiêu lưu New York của Tarzan”, hắn muốn làm gì đầu tiên nhỉ? Nhảy xuống cầu đấy!”
Hắn liếc nhanh vào ví người đàn ông và biết được tên hắn, Loftus. Đồ đạc của người đàn ông nằm một bên chiếc cặp da, đồ đạc trong ví tay của người đàn bà ở bên kia, vì George Lyttle là một con người tỉ mỉ. Sự tiếp xúc của hắn với Loftus ngắn ngủi thôi.
Hắn quan tâm đến Loftus ít hơn người đàn bà. Sau khi quyết định áp dụng năng lực tập trung cho vấn đề Loftus vào một ngày khác, George khắc sâu người đàn bà vào tâm trí. Hắn nhớ lại nàng sợ hãi như thế nào, thân thể nàng trở nên ướt đẫm mồ hôi như thế nào. Hắn thò tay vào cặp da và khua khoắng đồ đạc của nàng: năm hoặc sáu thẻ tín dụng mang tên nàng, Mary Hearn, cộng với bộ phấn sáp, kính mốt, chìa khóa nhà nàng và một vài bức ảnh chụp nàng mà hắn lôi ra nghiên cứu. Trong một tấm ảnh, nàng đứng với một người đàn ông chắc là chồng nàng và trong tấm kia, với một vài đứa trẻ có lẽ là con nàng. Sau khi nghiên cứu những nhân vật này, George tin rằng hắn biết rõ nàng cũng như bất kỳ người đàn ông nào dù có là chồng nàng hay không. Hắn đã nhìn thấy nàng trong sự riêng tư của nàng, có thể nói như thế. Hắn còn biết cả nơi nàng sống, vì địa chỉ của nàng nằm trên bằng lái xe của nàng. Hắn liếc vào đấy. Hắn quen thuộc với khu ngoại ô đặc biệt ấy và tay hắn mơn trớn chìa khóa nhà nàng trong lúc tâm trí hắn đặt nàng vào trong đấy: vợ của một người giàu có; nàng thuê những người đàn bà da đen chùi nhà cho mình trong lúc đi ra Câu lạc bộ Đồng quê chơi gôn. Hắn lại lấy ra chiếc nhẫn cưới của Mary và lăn nó giữa ngón cái và ngón trỏ.
Với sự giúp đỡ của Johnson, hắn đã làm việc tại khách sạn này độ mười ngày trong thời gian hai tháng. Trước đây, hắn chỉ cướp các người ngoại tình. Đã chẳng có hậu quả loại nào cả. Làm sao có thể có được nhỉ - những cặp như thế chẳng có điều kiện nào để đến cảnh sát cả. Hôm nay là một cuộc thử nghiệm. Phòng thí nghiệm tốt nhất để quan sát những người khác. George đã nhận ra, là phòng thí nghiệm khẩn cấp. Để phát triển ý thức và kiến thức của mình người ta phải đẩy những người khác vào tận cùng ý thức và kiến thức của họ. Sau khi cột một sợi dây cao su quanh các tấm thẻ và ảnh của Mary, hắn thả chúng vào lại trong chiếc cặp da. Nàng đã sử dụng rất hay cơn sợ hãi. Vì hắn đã không bao giờ có ý định giết nàng cả, dù nàng có thể nghĩ gì đi nữa, hắn không thấy hắn làm tổn thương nàng ở đâu và có lẽ còn dạy được cho nàng một bài học bổ ích nữa.
Sau khi đóng cặp lại, hắn đưa nó trở về vị trí thẳng đứng cạnh chân hắn, mở lại cuốn sổ và chuẩn bị khắc mục cuối cùng trong ngày, bỏ ra nhiều phút suy nghĩ trước khi cây bút máy hạ xuống lại trang giấy. “Bất kỳ sự tự do và công lý nào mà người da trắng có vẻ muốn cho bạn đều là của bạn lúc mới sinh cả” hắn viết, “thực ra hắn chẳng cho bạn gì. Nếu tôi có từ chối sự tự do của bạn, nếu tôi có cướp, không tôn trọng và hãm hiếp bạn, bạn có cảm giác rằng bạn nợ tôi điều gì đấy khi cuối cùng tôi trả tự do cho bạn không? Tôi đã không lấy mọi thứ của bạn trước tiên ư? Vậy thì món nợ của bạn nằm ở đâu nhỉ?” George Lyttle dừng lại một lúc rồi viết thêm, “Đây là cách của người da trắng tại Mỹ đấy.”
Chiều đã bắt đầu xuống. George đứng dậy và bước vào thư viện sau lưng hắn, nơi hắn tìm một quyển sách hắn cần cho một lớp về học thuyết xã hội tiến bộ mà hắn đã theo học tại phân khoa Đại học Hunter.
Sau này, trên đường lên phố đến phòng học, hắn bước vào một cơ quan du lịch và mua hai vé phi cơ đi Las Vegas với thẻ nhanh ưu tiên Mỹ của Marty Loftus. Vợ hắn, lúc hắn về nhà đêm ấy và cho nàng xem vé, sẽ rất hài lòng với hắn.