The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ÊM TÂN HÔN
Bốn cái áo sơmi
bốn chiếc khăn trải giường
bốn cái váy
tóm lại, mỗi thứ bốn. Như con nhện kiên nhẫn chăng từng sợi tơ, bà mẹ dành dụm hôm nay một xu, mai một xu, tạo nên được cho cô con gái hồi môn mà bà không ngớt đem khoe với láng giềng.
- Ít ỏi thôi nhưng mà chu tất.
Hai bàn tay nhẫn nhục của bà xanh lướt, co quắp, cả đời chỉ làm những công việc nặng nhọc, lôi từ trong chiếc hòm cũ kỹ hẹp và dài như chiếc áo quan, những đồ đạc xinh đẹp. Nâng niu như trong buổi rước thánh thể bà lấy ra, đem bày trên giường nào khăn voan, nào áo dài, một chiếc để con gái mặc trong lễ cưới, cổ thêu và gấu viền lụa, ba chiếc kia may bằng vải len nhưng không diện bằng. Ngắm nghía những thứ đó, miệng nở nụ cười thỏa mãn bà lẩm bẩm: “Hồi môn ít thôi, nhưng mà chu tất”: Niềm vui làm hai bàn tay bà run run và giọng nói đứt quãng:
- Các bác biết rồi đấy, tôi góa bụa, - bà nói. - Hai bàn tay này đã làm đủ thứ việc nặng nhọc cho nên bây giờ đã tê dại. Tôi đã vất vả ngày mưa cũng như ngày nắng, hết giặt giũ dưới sông lại ngoài suối. Nào bóc hạnh nhân, nào hái ôliu. Trong vùng này không có làng nào tôi không đến làm thuê, không nhận gánh nước hay quét dọn… Mà việc gì phải kể ra kia chứ? Họa chỉ Đức Chúa Trời mới biết tôi đã đổ bao nhiêu nước mắt, tôi đã cực khổ đến mức nào. Chắc vì thương tình nên Ngài đã ban cho tôi sức lực và tránh cho tôi bệnh tật. Nhưng tôi làm lụng đã không phí công. Bây giờ thì tôi có thể yên tâm mà nhắm mắt được rồi. Chồng tôi lúc này đang đợi tôi trên Thiên đường, nếu như khi ấy có hỏi về đứa con gái của chúng tôi, thì tôi có thể thanh thản trả lời: “Mình yên tâm, không phải lo lắng gì hết. Tôi đã thu xếp cho con một chỗ chắc chắn rồi. Con nó không phải chịu khổ cực gì nữa, bởi vì khi ở dưới trần, tôi đã chịu đủ khổ cực cho cả hai xuất rồi”. Tôi khóc vì vui đấy thôi, các bác đừng lưu tâm làm gì.
Rồi bà Antô đưa góc tấm khăn choàng màu đen lên lau nước măt, tâm khăn bà chít lại dưới cằm.
Mặc vào người toàn những thứ mới may, hôm ấy trông bà khác hắn, và lời bà nói bỗng nhiên gợi cho người nghe một cảm giác không giống mọi khi.
Bà con láng giềng thi nhau ca ngợi và phụ họa thêm giọng đồng cảm. Cô con gái bà tên là Maraxtela đã mặc chiếc áo cưới bằng gấm mầu tro (trông sang trọng hẳn lên!), tấm khăn lụa màu xanh da trời quàng cổ, đang tự ngắm vuốt cẩn thận trước cái sự kiện trọng đại đến như vậy trong cuộc đời cô. Thấy mẹ khóc, cô cũng thổn thức.
- Maraxtela, cô làm sao thế?
Bà con hàng xóm xúm quanh cô gái, ai cũng cố tìm cách khuyên giải.
- Phải vui lên chứ! Sao lại khóc thế? Ngày hôm nay mà lại khóc à?... Tục ngữ có câu, dù trong lòng có buồn đến mấy thì hôm nay cũng hãy thấy bổn phận là phải vui!
- Cháu nhớ đến bố cháu! - Maraxtela đưa hai bàn tay lên che mặt khẽ nói.
Cách đây bảy năm cha cô qua đời chỉ vì một tai nạn. Bấy giờ ông đang làm ở Phòng hải quan ngoài Cảng, đêm nào cũng ngồi trên xuồng máy đi tuần tra. Một lần chiếc xuồng bị lật lúc đang chạy gần mỏm Due Riviera, thế là chìm xuống đáy biển, dìm chết cả ba người ngồi trong đó.
Dân ven biển vẫn nhớ rất rõ sự việc hôm ấy. Họ còn nhớ rằng, cô Maraxtela cùng với mẹ vừa gào khóc vừa chạy ra mỏm đá gần cảng mới, nơi ba xác người thiệt mạng còn nằm ở đó. Người ta phải mò suốt hai ngày trời mới tìm được ba cái xác ấy. Hai mẹ con đứng lại đau đớn đến tuyệt vọng, hai tay giơ lên trời, không để ý thấy gió thổi mạnh và nước biển bắn lên lạnh buốt. Sau đấy, đáng lẽ quỳ xuống trước thi hài cha thì cô Maraxtela lại đứng lặng đi trước thi hài một người khác, hai tay ôm ngực rên rỉ:
- Anh yêu quí! Anh yêu quí của em! Sao anh nỡ bỏ em lại một mình!...
Bà Antô, họ hàng của người bị nạn và tất cả những ai có mặt trên bờ biển lúc đó sửng sốt nghe lời thú nhận bất ngờ kia. Riêng bà mẹ chàng trai xấu số (tên anh ta là Tinô Xpacti, vốn là một chàng trai đáng quý vô cùng), khi nghe thấy Maraxtela gào lên như thế, đã ôm chầm lấy cô gái, ghì chặt cô vào ngực mình, rồi như tỏ sự thân tình giữa cô và bà ta cũng như con trai bà vừa thiệt mạng, bà đã nói rất to, cho tất cả mọi người đều nghe thấy:
- Con thân yêu của mẹ! Con thân yêu của mẹ.
Chính vì vậy mà hôm nay, khi nghe thấy cô gái Maraxtela nói rằng “Cháu nhớ đến bố cháu”, hàng xóm đều đưa mắt nhìn nhau và trong bụng ai cũng thương cho cô. Không phải cô ấy nhớ đến cha đâu, tội nghiệp! Mà cũng có thể là cô ấy nghĩ đến bố, bởi vì nếu ông ta còn sống, không đời nào ông ta chịu gả con gái cho đám này, cái đám mà bà vợ ông do góa bụa và nghèo túng coi là một đám rất hời.
Bà Antô đã phải đấu tranh gay gắt đến mức nào để buộc con gái phải chấp thuận cái đám ấy!
- Mày thử nhìn tao xem! Tao đã già rồi, sắp xuống lỗ rồi. Không lấy chồng đi, đợi tao chết mày sẽ dựa vào ai mà sống?
Mà bà mẹ nói thế là đúng. Nhưng cô Maraxtela đưa ra những lý lẽ cùng rất vững chắc để bác lại. Cô thừa nhận ông Lidi Kiricô mà bà mẹ bắt cô lấy là người danh giá. Nhưng quá nhiều tuổi, lại đã có một đời vợ. Vợ ông mới chết cách đây chưa đầy một năm, và bây giờ ông đi bước nữa là do cần người chứ đâu phải vì tình yêu. Ông đang cần người trông nom nhà cửa, lo cơm nước, chính vì vậy mà ông lấy vợ kế.
- Thế thì đã sao? - Bà mẹ vặn lại con gái. - Mày cần phải lấy người nào hiểu biết để làm chỗ dựa. Ông ấy nhiều tuổi ư? Đã làm gì đến bốn chục? Lấy ông ấy mày không bao giờ sợ thiếu thốn tiền bạc. Ông ấy có chỗ làm tốt, lương lại cao. Mỗi ngày những năm lia, bằng cả gia tài của người khác.
- Đúng là chỗ làm tốt thật!
Chính đấy là trở ngại lớn nhất! Thoạt nghe, bà Antô đã hiểu ngay con gái định ám chỉ cái gì. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ làm của Ngài Kiricô.
Và thế là vào một ngày đẹp trời tháng Năm, người phụ nữ bất hạnh ấy rủ một vài bạn gái dạo chơi đến đó, lên đỉnh quả đồi cao nhất trong vùng.
Ông Lidi Kiricô nhìn thấy đám phụ nữ thấp thoáng bên kia hàng rào sơn trắng của nghĩa trang nằm trên sườn đồi, bèn mời họ vào chơi.
- Thế nào? Mày nghĩ sao, hả? Sao mà lắm hoa thế, chỗ nào cũng hoa, chẳng kém gì ở vườn hoa… - bà Antô bảo cô Maraxtela lúc họ trên đường trở về nhà - mà hoa ở đây không bao giờ héo. Xung quang là đồng ruộng mênh mang. Mày chỉ cần ngó qua cái hàng rào ấy xuống dưới, sẽ nhìn thấy quang cảnh cả làng mình, nghe rõ cả mọi tiếng động dưới đó… Mày có thấy, có để ý căn phòng không? Đúng là tuyệt vời: vôi quét trắng tinh, sạch sẽ, rộng rãi. Buổi tối mày chỉ cần khép cửa lại, cả cửa ra vào lẫn cửa sổ rồi thắp đèn lên, thế là mày cảm thấy ấm cúng ngay. Không thua gì người khác. Mày còn suy tính gì nữa chứ?
Đám láng giềng cũng hùa theo:
- Đúng thế! Đúng như thế! Với lại cái gì rồi cũng quen đi tất. Chỉ ở đấy vài ngày là cô không còn để ý thấy gì nữa hết. Rồi cô xem. Với lại, cháu ạ, người đã chết không làm hại ai được. Sợ là sợ người sống ấy chứ. Cháu ít tuổi hơn chúng tôi, tất cả chúng tôi rồi sẽ lần lượt đến đấy với cháu. Dinh cơ lớn thế này mà cháu được làm chủ tất cả.
Cô gái trẻ vẫn con đang sụt sịt thì ông Lidi Kiricô đã bước vào nhà, cắp dưới nách hai hộp to tướng. Trông ông hôm nay khác hẳn mọi khi.
- Lạy Đức bà Maria! - bà Antô kêu lên. - Sao ông vất vả làm vậy?
- Tôi ấy ư? À, đây là… Râu chứ gì… - Ngài Lidi Kiricô lúng búng cặp môi dày và nhợt nhạt.
Hôm nay ông không chỉ cạo râu mà cạo luôn cả nhiều chỗ không có râu. Bộ râu của ông tua tủa và cắm chặt vào da thịt đến nỗi lúc này trông ông như vừa bị tróc da.
- Tôi đấy. Tôi bắt anh ấy cạo bộ râu đi. - Bà em gái chú rể vội vã đỡ lời ông anh. Đấy là bà Nêla, béo phị nhưng nhanh nhẹn lạ lùng.
Ôm mấy chai rượu vang bọc trong tấm khăn choàng, bà vừa thở hổn hển vừa bước qua ngưỡng cửa. Vạt áo dài lụa màu xanh lá cây sột soạt như tiếng suối chảy và chiếm phần lớn không gian của căn phòng.
Chồng bà gầy khẳng khiu giống như ông Lidi Kiricô, đi theo sau vợ.
- Nhưng tôi làm thế là đúng chứ? - bà Nêla quăng cái khăn ra. - Để cô dâu cho ý kiến xem thế nào? Nhưng cô dâu đâu rồi? Anh Lidi ạ, em đã bảo rồi mà. Cô ấy đang khóc. Mà cô ấy khóc là đúng. Chúng tôi đến chậm quá. Tại anh Lidi đấy. Cứ loay hoay, không biết có nên cạo râu đi hay không. Suốt hai tiếng đồng hồ mà chưa quyết định được. Có phải bây giờ trông anh ấy trẻ hẳn ra không nào? Chú rể đến đám cưới ai lại mang theo bộ râu kia chứ?
- Cưới xong, tôi sẽ lại để râu như cũ. - Kiricô ngắt lời cô em gái rồi buồn bã nhìn cô dâu trẻ măng. - Cạo râu đi, tôi cũng không trẻ thêm được tý nào mà lại còn khó coi hơn trước nhiều.
- Anh ngốc lắm! Đàn ông cần đẹp làm gì! - Bà Nela giận dữ lên giọng răn dạy ông anh. - Và đừng có quên anh đang mặc bộ quần áo mới! Anh sắp làm nhầu nó bây giờ.
Bà vội vã phủi bột bánh rây trên ống tay áo của ông anh, bột bánh rơi từ trong hai chiếc hộp ông Kiricô vẫn đang cặp ở nách.
Đã muộn rồi. Trước hết phải ra Tòa Thị chính để Ngài Thư ký thị chính khỏi phải chờ lâu. Sau đấy ra nhà thờ. Đám cưới phải làm xong trước khi trời tối. Ông Kiricô đòi phải tiến hành đúng như thế, bởi vì ông rất thận trọng trong công vụ. Lúc ngồi ở bàn tiệc, ông cứ nhấp nhổm sốt ruột, đặc biệt tại bà em gái, có thói hễ ăn uống no say là rất thích ba hoa và nô giỡn.
- Nhạc đâu? Sao đám cưới mà lại không có dàn nhạc gì cả thế này? Ta nhảy nào! Cử ai đi mời ông Xiđôrô mù mau… Đem đàn lại đây, cả măngđôlin, ghita nữa!
Bà Nele hét dữ dội đến nỗi ông anh phải kéo bà em ra một góc:
- Có im đi không nào, Nela? Cô phải biết là tôi không thích đàn hát nhảy nhót gì hết chứ?
Bà em trợn tròn mắt nhìn ông anh:
- Sao vậy? Tại sao lại thế?
Ông Kiricô cau mày thở dài:
- Thì cô cũng phải hiểu chứ. Chị vừa mới mất chưa được một năm…
- Thế ra anh vẫn còn nghĩ đến chị ta kia à? - Bà Nela ngắt lời ông anh với nụ cười mỉa mai trên môi. - Vậy mà anh đã lấy cô vợ khác rồi? Tội nghiệp bà chị dâu Nunxiata!
- Đúng thế, tôi lấy vợ khác. - Ngài Kiricô tái mặt, cúi gằm đáp. - Nhưng tôi không muốn đám cưới lại có cả dàn nhạc, nhảy nhót. Bụng dạ tôi không chịu nổi những cái trò ấy.
Mặt trời sắp lặn, ông đứng dậy sửa soạn ra về và bảo mẹ vợ sắp các thứ để cô dâu đem theo về nhà chồng.
- Bà biết đấy, tôi còn phải kéo chuông buổi cầu kinh chiều, ở trên kia.
Trước khi bước ra khỏi nhà, cô Maraxtela ôm ghì lấy cổ bà mẹ rồi lại khóc nức nở, cô khóc như không bao giờ ngừng lại được. Cô gái tội nghiệp kia rất không muốn một mình theo đi con người lạ lẫm ấy về nhà ông ta.
- Mẹ đưa con đi kia mà, đừng khóc nữa. - bà Antô an ủi con gái. - Đừng khóc nữa, con!
Nhưng rồi chính bà cũng không cầm được nước mắt, và khách khứa cũng khóc theo họ.
Một cuộc tiễn đưa không vui vẻ gì!
Riêng bà Nela, em gái ông Kiricô thì mặt đỏ ửng hơn cả lúc bình thường, không hề xúc động gì hết. Theo bà nói thì bà đã đi dự mười hai đám cưới nhưng chưa hề khóc và cũng chưa hề thấy vui thú gì.
- Con gái chia tay mẹ khóc, mẹ chia tay con gái cũng khóc. Đấy là chuyện bình thường. Bây giờ mỗi người ta nốc thêm một ly rượu nữa rồi biến mau khỏi đây cho nhanh, nếu như anh Liđi tôi đang vội.
Họ lên đường. Đám cưới giống như đám tang. Thấy cảnh tượng buồn bã đến như vậy, dân làng đứng hết ra cửa nhìn, hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, hoặc đứng lại trên đường xem và thở dài: “Tội nghiệp cô dâu”.
Trên đồi, ở trên cái sân nhỏ trước cổng và nghĩa trang mọi người đi tiễn đứng lại, để chia tay với cô dâu Maraxtela khích lệ cô và nói thêm vài lời nhắc nhủ. Mặt trời đã lặn. Chân trời đỏ rực, và mặt biển cũng đỏ rực. Từ dưới làng vọng lên tiếng ì ầm như tiếng vọng của sấm rền nơi xa. Những âm thanh náo nhiệt ấy đập vào bức tường trắng tinh và câm lặng của nghĩa trang.
Hồi chuông trong vắt, ngân lên báo buổi cầu kinh chiều do ngàu Lidi kéo, như nhắc họ rằng đã đến lúc họ phải trở về làng. Tiếng chuông ngân làm những bức tường của nghĩa trang như càng trắng hơn mọi khi. Cũng có thể do bóng tối bao quanh khiến họ có cảm giác như thế. Trời đã tối. Phải quay về thôi. Mọi người vội vã chào cô dâu và chúc cô hạnh phúc.
Riêng bà mẹ và hai cô bạn thân vẫn đứng không nhúc nhích bên cạnh cô dâu hoang mang. Những đám mây chiều, mới rồi còn đỏ rực, giờ đã chuyển sang màu đen và như được phủ bằng làn khói dày đặc.
- Hay bà với các cô hãy vào nhà đã. - Ngài Kiricô hỏi mấy phụ nữ vẫn còn chần chừ đứng lại bên cạnh cổng.
Nhưng bà Antô ra dấu khẽ với chú rể, ý bảo đừng nói gì và đợi thêm một chút. Maraxtela nước mắt lưng tròng van nài bà mẹ cho cô quay về làng.
- Vì Chúa, mẹ ơi! Vì đức Chúa lòng lành mẹ ơi! - cô lạy van.
Cô không gào thét mà nói rất khẽ, giọng run rẩy, khiến tim bà mẹ như vỡ tung. Tất nhiên rồi, con gái bà hoảng sợ nhìn những cây thập tự kia và cả bóng đêm đang len lỏi giữa những ngôi mộ.
Ông Lidi Kiricô vào châm ngọn đèn trong căn phòng nhỏ bên trái cổng. Ông soát lại mọi thứ xem có đâu vào đấy không, rồi đứng dừng lại lúng túng. Nên vào nhà hay đợi bà mẹ vợ khuyên được con gái để cô chịu vào.
Kiricô rất hiểu và rất thương hại cô. Ông thừa biết rằng một người đàn ông nhiều tuổi và hình dạng xấu xí như ngài làm sao có thể khiến cho một cô gái trẻ yêu mến và tin cậy được. Và chính bản thân ông cũng thấy trong lòng trào lên một nỗi buồn.
Tối hôm qua ông đã quỳ xuống trước một ngôi mộ khiêm nhường có cây thánh giá nhỏ cũng nằm trong nghĩa trang này. Và giống như một đứa trẻ con, ông đã khóc thổn thức, chia tay cùng người vợ trước. Từ đây, ông không có quyền nghĩ đến bà nữa. Ông sắp phải đóng vai cả chồng lẫn cha cho cô gái trẻ sẽ về sẽ về sống với mình. Nhưng bận bịu về người vợ trẻ đến đâu, ông cũng không có quyền coi nhẹ bổn phận mà đã bao nhiêu năm nay ông nhận được trước những người nằm kia, dù quen hay lạ, những người đang nằm thanh thản bên trong cái hàng rào này. Đêm qua ông đã long trọng thề với tất cả những cây thánh giá kia như vậy, lúc ông đi dạo quanh nghĩa trang.
Cuối cùng Maraxtela đành vâng lời mẹ, đi vào nhà. Bà Antô vội khép cánh cửa lại, như để con gái khỏi hoảng sợ khi nhìn ra bên ngoài. Mà đúng thế. Nhìn thấy những đồ đạc quen thuộc cô gái dần dần trấn tĩnh trở lại.
- Con cởi khăn quàng ra. - bà Antô bảo con gái. - Mà thôi, để mẹ cởi cho. Bây giờ thì con đã ở nhà của con rồi…
- Và cô ấy là chủ thực sự của cái nhà này. - ông Kiricô rụt rè nói, môi nở một nụ cười buồn bã và trìu mến.
- Con nghe thấy chồng con vừa nói gì không? - bà mẹ của Maraxtela bắt luôn câu nói kia như để khuyến khích chàng rể tiếp tục nói thêm nữa.
- Đúng thế! Cô sẽ là chủ của tôi và của tất cả mọi thứ ở đây. - Ông Kiricô nói tiếp. - Cô hãy nhớ cho kỹ điều ấy. Cô sẽ sống cùng với người yên mến cô; chăm sóc cô như mẹ cô ở nhà chăm sóc cô vậy. Và cô đừng sợ hãi gì hết.
- Đã đành rồi. Ở đây có cái gì mà sợ nào? - bà Antô khẳng định thêm. - Với lại còn bé bỏng nữa đâu! Có gì đáng sợ kia chứ? Vả lại thì giờ đâu, bao nhiêu công việc con phải làm… Đúng không nào?
Maraxtela chốc chốc lại gật đầu. Nhưng khi bà mẹ và hai cô bạn thân sửa soạn ra về thì Maraxtela lại òa lên khóc nức nở, ôm chầm lấy mẹ, ôm chặt cổ bà như nhất định không chịu buông. Bà mẹ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết gỡ tay con ra, lần cuối cùng nhắc con phải tin cậy vào chồng và giao phó cuộc đời cho Chúa. Xong rồi, bà cùng hai cô gái bạn của con bước ra. Hai cô cũng lau nước mắt.
Maraxtela đứng sững như pho tượng bên cạnh cửa, nơi bà mẹ khi đi ra đã không khép chặt. Cô ôm hai tay lên mặt, cố đè xuống những tiếng nấc cứ chợt bùng lên. Trong khi đó, một làn gió nhẹ đẩy cánh cửa mở toang.
Lúc đầu do hai bàn tay che kín mặt, cô không nhìn thấy. Bỗng nhiên, cô chợt linh cảm, không biết do đâu, một nỗi trống rỗng dễ chịu giống như cô thường thấy trong giấc mơ: tiếng dế kêu từ xa vẳng tới, mùi hoa thơm ngát tỏa vào phòng. Cô buông hai bàn tay ra và nhìn thấy bên ngoài nghĩa trang ánh trăng đang tỏa sáng. Ánh trăng như quyện vào mặt đất khiến mọi vật đều nổi lên, bất động và rõ ràng.
Ông Lidi Kiricô bước vào định đóng cửa lại. Bỗng nhiên Maraxtela hoảng sợ run lên bần bật, nép vội vào một góc, hét toáng lên:
- Đừng, em van ông! Đừng đụng vào người em!
Sửng sốt trước tiếng hét đầy vẻ ghê tởm, ông Kiricô đứng sững lại.
- Tôi đã đụng vào người em đâu nào? - ông lẩm bẩm. - Tôi chỉ định ra đóng cửa.
- Đừng! Đừng! - Maraxtela vội vã nói rất nhanh, cố tránh cho xa khỏi chồng. - Cứ để mở cũng được. Em không sợ nữa đâu.
- Thế bây giờ chúng ta làm gì?... - ông Kiricô lắp bắp cảm thấy hai tay rã rời.
Đột nhiên không khí vắng lặng hẳn đi. Từ rất xa vẳng đến tiếng hát vui vẻ của một bác nông dân nào trên đường về nhà dưới ánh trăng. Từ dưới chân đồi đưa đến múi cỏ khô mới cắt hăng hắc, đêm khuya càng hắc hơn.
- Nếu em cho phép tôi đi ngang qua em, tôi sẽ ra đóng cánh cửa ngoài kia lại. Hình như cổng vẫn còn để mở. - ông Kiricô nói giọng buồn bã và nhịn nhục.
Maraxtela vẫn đứng nép ở góc phòng, bất động. Ông Lidi từ từ bước ra phía cổng. Đóng xong, ông sắp quay vào bỗng nhìn thấy cô gái chạy như bay ra.
- Bố em nằm ở đâu? Ông chỉ cho em đi! Mộ bố em ở chỗ nào?
- Được thôi. Em làm thế là đúng. Tôi sẽ dẫn em ra đấy. - Kiricô đáp giọng khàn đặc lại. - Tối nào trước khi đi ngủ tôi cũng đi một vòng khắp các ngôi mộ. Nhiệm vụ của tôi mà. Riêng hôm nay tôi đã định bỏ một buổi vì em. Nào ta đi. Không cần mang theo đèn làm gì. Trăng sáng lắm!
Họ bước trên những lối đi trải sỏi, giữa những bụi cây đầy hoa.
Dưới ánh trăng, những ngôi mộ nhà giàu trắng toát. Những cây thánh giá bằng sắt của những ngôi mộ nhà nghèo đen đủi, khiến người ta có cảm giác như những cây thánh giá ấy nằm ngang trên mặt đất.
Tiếng dế từ dưới chân đồi vọng lên nghe càng rõ, và tiếng sóng biển vọng lại cũng vậy.
- Đây rồi, - Kiricô nói, trỏ ngôi mộ khiêm nhường và thấp trên có phiến đá khắc câu chuyện không may đã làm mấy người thiệt mạng. - Dưới này chôn cả cậu Xpácti, - ông Kiricô nói thêm, khi nhìn thấy Maraxtela quỳ xuống trước ngôi mộ. - Em ngồi khóc một lát, tôi phải đi tiếp đến đằng kia nữa.
Mặt trăng thản nhiên rọi sáng xuống nghĩa trang nhỏ bé. Và chỉ mỗi vầng trăng nhìn thấy trong cái đêm tháng Năm tuyệt diệu này hai bóng đen trên nền sỏi vàng bên cạnh hai ngôi mộ.
Ông Kiricô, cúi xuống ngôi mộ người vợ thứ nhất, khóc thổn thức:
- Nunxia, Nunxia, em có nghe thấy tiếng anh gọi không?!
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi