A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đất Say - Bành Thụy Cao
gôi nhà của Bách Sâm lọt giữa những thửa ruộng màu mỡ nối tiếp nhau, chỉ cách cánh đồng lớn một con đường đất. Con đường mọc đầy cỏ gà. Gió đông mặc sức luồn vào mọi căn phòng của ngôi nhà cửa lớn, cửa nhỏ đều mở toang. Mùi bùn, mùi hoa, hơi nhòa trộn vào nhau từng đợt, từng đợt ào vô, dễ khiến người ta say được.
Bách Sâm và Bách Lâm ngồi đối diện nhau, uống rượu. Thức ăn bày trên chiếc bàn nhỏ, thứ nào cũng bóng nhẫy dầu rán và tương, có đủ rau, đậu, cá. Hai người ăn uống chậm rãi, chai rượu trắng đã vơi nửa.
Bách Sâm và Bách Lâm là hai anh em. Tiếng Trung Quốc chữ tượng hình, Sâm hơn Lâm một chữ mộc nên là anh. Hai người cách nhau sáu tuổi, nhưng cứ nhìn mặt thì người anh phải hơn em đến hơn mười tuổi. Cả hai đầu cắt cua, tóc người anh đốm bạc, tóc người em còn đen nhánh. Gương mặt khô khốc của người anh đầy nếp nhăn, gầy trơ xương. Người em thì ngược lại, da mặt láng bóng, lúc nào cũng như vừa rời bàn tiệc. Làng xóm coi sự khác biệt này là do sự phân công khác nhau của xã hội: người anh từ trước tới giờ chuyên cày ruộng, người em thì chuyên giữ chức chủ tịch xã. Tuy nhiên, dù có thế nào họ vẫn là hai anh em, đối với nhau rất tốt, nổi tiếng trong làng. Hàng xóm láng giềng vẫn lấy anh em họ làm gương. Anh em nhà nào tranh chấp nhau, ba mẹ đều bảo: "Chúng mày cãi nhau cái gì! Hãy xem anh em nhà Bách Sâm, Bách Lâm đấy, chúng mày phải ngượng chứ! Anh em nhà người ta tuần nào cũng cùng nhau uống rượu, đến nay đã mười mấy năm rồi, thật là hòa thuận! Còn chúng mày, gà cùng một mẹ đá nhau, sao không chết đi!"
Mỗi tuần một lần cùng ăn uống chuyện trò, ai ai cũng thấy. Từ lúc anh em ra ở riêng, đến nay quả đã mười mấy năm thật. Tấm gương đó, khoan nói khắp huyện, thử tìm khắp vùng này xem được mấy nhà. Đâu cũng thấy anh chị em cãi cọ, đánh chém nhau. Ăn ở tốt với nhau cả đời như anh em Bách Sâm, Bách Lâm, không khiến người ta kính trọng sao được, không khiến người ta thèm muốn sao được.
Nồi cháo cạn nước sôi lục đục. Có mùi khét.
Người em nói:
— Mũi anh thính chứ?
Người anh nói:
— Chú nói cái gì?
Người em nói:
— Cháo khê rồi, hạ nhỏ lửa xuống.
Người em là chủ tịch xã, quen sai khiến mọi người. Người anh đi về phía bếp lò, dùng que cời vụn than ướt vào giữa, giảm bớt ngọn lửa. Đưa mắt nhìn, thấy trong lòng bếp nóng hừng hực tối đi một chút, người anh đứng dậy trở lại chỗ ngồi, đôi mắt cũng chợt tối đi.
Người anh ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, cảm thấy nóng, bèn phanh cổ áo nói:
— Hừ, vừa mới qua lập hạ mà nóng không chịu nổi.
Người em nói:
— Nóng dữ thật, năm nay nóng sớm.
Người anh nói:
— Trời bắt đầu nóng, sâu bọ cũng ra nhiều. Tuần sau tôi bắt con rắn làm thịt mời chú ăn.
Người em nói:
— Thịt rắn em cũng đã ăn rồi. Hôm trước đội chăn nuôi mời, nhưng chúng nó nấu kém, thịt không mềm lại không tươi.
Người anh nói:
— Hỏng bét rồi. Giết và làm thịt rắn tuyệt đối không được dùng dao hoặc các vật sắc bằng sắt. Phải dùng mảnh sành hoặc thủy tinh sắc.
Người em nói:
— Các bác sĩ cũng thừa nhận, ăn thịt rắn có nhiều cái tốt.
Người anh nói:
— Lại còn phải bảo, ăn thịt rắn nhiều phòng được bệnh mụn ngứa, bệnh phong, da dẻ tốt lắm. Phàm người mắc bệnh nhiệt ăn thịt rắn đều tốt.
Đôi mắt người em vốn sáng, rượu vào bốc lên biến thành màu đỏ, nơi khóe mắt hắt ra cái gì đó khó hiểu. Anh ta nháy mắt phấn khởi hỏi:
- Thật anh bắt được rắn chứ?
Người anh nói:
— Sao lại không bắt đuọc? Chú quả không đáng làm người làng nữa. Ngày xưa ruộng phá bỏ, dùng thuốc trừ sâu, tôm cá, rắn lươn đều hiếm. Bây giờ chia ruộng rồi, vạn vật đẻ nhanh nhiều, kiếm con rắn có gì khó.
Người em hỏi:
— Rắn ráo chứ?
Người anh đáp:
— Tất nhiên là rắn ráo. Chú thích ăn nướng à?
Người em nói:
— Hôm qua đội chăn nuôi mời ăn. Nhưng thịt không ngon. Cá cú thịt mới tuyệt vời.
Người anh giật mình hỏi:
- Chú ăn thịt cá cú, liều mạng nhỉ?
Người em nói:
— Đâu có. Lúc chưa gắp, quả có sợ.
Nguời anh cười cười, nói:
— Điều này chú nói thật. Chú là chúa sợ chết.
Người em nói:
— Bọn họ chuyên ăn thịt cá cú, bảo: đừng có sợ, cá cú moi hết ruột gan, sửa sạch máu thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Họ còn chuẩn bị sẵn cả rễ lau, nói chẳng may trúng độc có thể lập tức giải độc.
Đôi mắt sáng lên, người anh hỏi:
— Mùi vị thế nào, có ngon không?
Đôi mắt cũng sáng lên, người em lúc lắc đầu nói:
— Còn nói thế nào đuọc nữa. Ăn cá cú rồi, các thức khác đều như rác cả. Cũng coi như mở rộng đuợc kiến thức.
Người anh lườm em, nói:
— Chú hay đi ăn cơm khách, cũng mở rộng được kiến thức đấy nhỉ?
Người em nhấp một hụm rượu, không giấu nổi tự mãn nói:
— Chẳng có cách nào khác, mình là quan phụ mẫu của cả xã mà.
Người anh nhăn mũi, nhìn người em gần như miệt thị. Anh ta chẳng bao giờ coi người em là quan phụ mẫu cả: Ngữ ấy mà cũng là Chủ tịch xã. Thuở nhỏ, học thì dốt đặc cán táu, lưu ban mấy lớp, chữ viết cho đến bây giờ vẫn như gà bới. Láo thì thành thần. Buổi sáng đi học bị thầy giáo mắng, buổi tối đem chậu nước đái đặt ở cửa ra vào nhà thầy. Thầy mở cửa bước ra đâm phải, mùi khai đeo cả buổi. Học mãi mà thi vào cấp hai không đỗ. Loại người như thế mà lại được chọn làm cán bộ. Nói về học vấn: đến tí, sửu, dần, mão cũng không hiểu, nói về làm ruộng thì không phân biệt nổi cày, búa, cuốc, thuổng. Tóm lại là văn dốt, võ dát nhưng gặp vận đỏ cứ lên vùn vụt: Từ đội phó sản xuất lên phó bí thư hợp tác xã. Mấy năm trước đây được cử đi học một lớp bồi dưỡng chính trị kiếm được mảnh bằng dọa mọi người sợ hết hồn, thế là leo lên làm Chủ tịch xã. Người khác không biết tổ chấy ở dau, còn ta là anh mi, chả lẽ ta lại không biết rõ mi. Một người như thế làm Chủ tịch xã hỏi dân xã trông mong gì được.
Chủ tịch xã thấy anh im lặng bèn đứng dậy bước ra ngoài, vạch quần đái ngay cánh cửa. Gió đầu mùa hạ mát rượi gợi lên cảm giác thỏa mãn khiến người em sung sướng muốn kêu lên. Người em ngẩng đầu phóng tầm mắt nhìn ra xa, ôm trọn cả xã và mấy cánh buồm trắng trôi chầm chậm trên sóng Hoàng Phố, càng thấm thía sức mạnh của một chủ tịch xã. Tiếng nước tiểu phóng xuống đất mạnh mẽ và vang xa khiến người em cảm thấy tự tin vào sức lực sung mãn của mình, miệng lẩm bẩm: "Dưỡng khí còn vượng lắm!" Bất giác cười thành tiếng.
Người em vừa bước vào thì người anh ra thay.
Người anh hẳn có bệnh. Buồn đi tiểu là vậy, mà mãi không tiểu được. Chủ tịch xã lắc đầu cười nhạt. Anh ta cũng chẳng coi anh mình là gì. Năm mươi tuổi rồi vẫn chỉ xới đất, đầu óc cổ hủ, gàn dở. Kêu đi làm kế toán cho đội, một cơ hội tốt để thoát khỏi việc chân lấm tay bùn, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, lại không chịu đi. Nói nhà có một người làm cán bộ, đủ rồi, đi thêm người nữa dân làng lại bảo trục lợi. Dào ôi, trục lợi gì? Em thấy nhiều rồi. Lại bảo đi làm ở cửa hàng đại lý, bán thuốc lá, bán thực phẩm, việc nhàn nhã, cũng không đi, kêu sợ dính dáng đến tem phiếu. Gàn dở thế hỏi làm sao có đời sống tốt đẹp được. Chỉ độc trông vào cày mấy sào ruộng, nuôi vài con lợn lại muốn nhậu nhẹt hàng ngày! Sống suốt đời như thế thà chết còn hơn.
Tiếng tiểu ở ngoài cửa nhỏ, ngắt quãng, không liền mạch. Chủ tịch xã lại lắc đầu. Ôi, ông anh như mặt trời sắp lặn rồi. Nghe kiểu này chắc nước tiểu rớt ngay nơi chân. Thân xác yếu ớt vậy, sống còn có ý nghĩa gì nữa. Làm anh đàn ông phải như em đây, cuộc đời mới có hương vị chứ. Người em cười, cảm thấy mình hơn đứt người anh, sung sướng đến run lên.
Người anh bước vào, ngồi xuống, tợp một hụm rượu, khà một tiếng, nhắm mắt để cho rượu từ từ trôi qua miệng, thực quản xuống dạ dày, để cảm thấy cái nóng của rượu vẽ lên một đường cong dài, sau đó mới hé miệng, mở mắt. Ngụm rượu không những làm cho người anh khoái trá, mà kỳ lạ thay còn làm anh ta cảm động. Khi anh ta mở mắt thì nước mắt cũng ràn rụa.
— Em nghĩ anh phải cai rượu rồi.
Người em chợt cao giọng nói với anh.
Người anh giật mình nhìn chăm chăm vào em, giận dữ hỏi:
— Bảo anh cai rượu? Có thật chứ nghĩ vậy không?
— Em thấy sức khỏe anh càng ngày càng yếu, — người em nói. — Rượu là thứ làm hại sức khỏe. Anh có đọc báo không? Cồn rượu làm giảm tuổi thọ. Uống rượu nhiều mặt cũng kém. Người vợ uống rượu cũng ảnh hưởng đến việc nuôi con. Em nghĩ, đối với anh phải cấm rượu. Cấm có nghĩa là không nên uống hàng ngày. Mỗi tuần anh em cùng nhau uống một bữa thì chả sao.
— Nghe báo có ăn cám, — người anh nói. — Trung y thì lại cho rằng, uống chút rượu lưu thông mạch máu, chỉ có tốt, không có hại. Uống rượu hại mắt ư? Tại sao mắt anh không vằn đỏ mà mắt chú lại vằn đỏ. Còn nói ảnh hưởng đến con cái, thì anh đã qua tuổi ấy lâu rồi. Chứ đừng nghe báo viết láo khoét. Chú đọc báo về nhà nói láo, lại còn nói láo khắp cả làng.
Người em khó chịu, rít liền mấy hơi thuốc, phát ho khan.
— Ngược lại, anh khuyên chú nên bỏ thuốc, — người anh nói. — Thuốc lá cũng là thứ có hại.
Đôi mắt người em đỏ lên, nhìn anh với vẻ thù địch, hai ngón tay kẹp chặt điếu thuốc như sợ bị cướp mất.
— Bảo em cai thuốc? — Giọng người em lạc đi. — Anh tưởng tượng ra đấy chứ?
— Anh thấy chú ho, ho dữ hơn trước. Thuốc lá có nhiều độc tố. Đài phát thanh nói, các nhà khoa học thí nghiệm, thấy chất độc trong một điếu thuốc lá có thể giết một con ngựa. Chả nhẽ chú chịu độc khỏe hơn ngựa ư?
Người em cười nói:
— Đài phát thanh mới đích thực là láo toét. Tại sao đến bây giờ em vẫn không bị chất độc thuốc lá giết chết?
Người anh nói:
— Hút thuốc không chết ngay, mà chết từ từ, gọi là tự sát dần dần.
Người em nói:
— Thôi đi, người ta sống đấy cũng có nghĩa là đang chết đấy. Em làm Chủ tịch xã, không hút thuốc lấy gì tiếp khách, lấy gì làm tư thế. Bỏ đi, sống chẳng còn mấy ý nghĩa nữa.
Người anh nói:
- -Thì thôi, anh không khuyên chú cai thuốc nữa.
Người em nói:
— Thì em cũng không khuyên anh cai ruợu nữa.
Vậy là hai người tiếp tục uống rượu, đầu cúi thấp, không nói một lời.
Một con mèo lượn đi lượn lại dưới chân hai người, kêu gừ gừ nhưng không đòi ăn. Lửa bếp cũng tắt ngấm. Căn phòng mát dịu đi.
Thời gian trôi qua, hai anh em đều lơ mơ. Nhìn ra như có hai người em, hai người anh. Mượn rượu say, hai anh em bắt đầu to tiếng.
Người em nói:
— Bách Sâm, anh nên bớt đi lại với cái mụ góa ngoài xóm, dân làng bàn tán ồn cả lên.
Người anh nói:
— Chú nói lăng nhăng cái gì đấy. Tôi chỉ những lúc đi đưa củi, đi gánh nước mới vào ngồi nghỉ. Chồng người ta đi làm cho xã, ngã từ tầng sáu xuống chết, chú không hỏi han giúp đỡ lại còn vấy bùn, có là người hay không?
Người em nói:
— Ai vấy bùn anh. Người dân có thư tố cáo gửi lên xã kia kìa.
Người anh nói:
— Thư của người dân nào, chú cứ thử nói tên ra coi, tôi thì vặn đầu nó đằng trước ngược ra đằng sau.
Người em nói:
— Người ta sợ anh bảo thủ, mới không ký tên. Mà dù có ký tên tôi cũng không nói với anh. Đó là kỷ luật Đảng.
Người ánh nói:
— Thôi thôi! Kỷ luật Đảng, chú bôi xấu Đảng thì có. Người ta cưới nhau, chú đến đánh chén. Người ta mừng đầy tuổi con, chú đến đánh chén. Người ta dựng nhà mới, chú đến đánh chén. Nhà người ta có người chết, chú cũng đến đánh chén, chú đánh chén ở đội chăn nuôi, ở nhà trồng nấm, ở xuồng cơ khí. Đều tay không đi ăn chạc, lại còn nói đến Đảng.
Mặt người em càng đỏ tợn:
— Anh đừng nói bừa.
Ngược lại, mắt người anh trắng bệch:
— Ai nói bừa?
Người em nói:
— Tóm lại anh đừng dan díu với người đàn bà góa ngoài xóm nữa. Bấy nhiêu tuổi đầu rồi, cứ tiếp tục thì chỉ thân bại danh liệt mà thôi.
Người anh nói:
— Thôi thôi, chú cũng đừng ăn Đảng nữa, thật đấy.
Người em nói:
— Ái chà chà, Đảng mà ăn được à? Anh say rồi.
Người anh nói:
— Sao lại không ăn được? Chứ không phải ba ngày hai bận ăn đó sao. Có mà chú say.
Có tiếng chân nhiều người. Một đám dân làng qua đường, thấy anh em Bạch Sâm ngồi uống rượu liền túm lại.
— Ông cả, uống rượu vui vẻ chứ?
— Vui, vui. Chúng tôi nhấm nháp một tý ấy mà.
— Chủ tịch, anh em đồng chí hòa thuận đến già đấy nhỉ?
— Ừ, ừ. Hòa thuận đến già.
— Mọi người được như anh em nhà đồng chí có phải đời tốt biết bao không?
— Vậy hả? Tốt lắm, tốt lắm.
— Ăn ngon nhé!
— Ăn ngon, ăn ngon. Các đồng chí lại cùng uống chút nhé?
Tiếng bước chân lại vang lên. Đám dân làng cảm kích, tan đi.
Hai anh em nhìn nhau, im lặng.
Lần nào cũng như vậy. Người ngoài không biết được. Anh em họ cũng chẳng để người ngoài biết. Bảo vệ danh dự của gia tộc cũng là sứ mệnh mà anh em họ ngầm thỏa ước với nhau.
Nghĩa là mỗi lần mọi người nhìn thấy anh em họ ngồi uống với nhau cũng là mỗi lần họ hoàn thành sứ mệnh đó. Đến lúc phải chia tay rồi.
— Tuần lễ sau lại đến nhé. Anh bắt con rắn làm thịt chú ăn.
— Vang tuần lễ sau lại đến. Có bình rượu Cổ Tinh đội thủy sản biếu, em sẽ mang lại.
— Được rồi! Được rồi!
— Được rồi! Được rồi!
Lại một cơn gió mát thổi tới. Tiếng còi tàu trên sông Hoàng Phố ngân nga trong không trung. Mặt đất đầy hoa vàng sáng lên dưới ánh trăng làm cho người say càng thêm say.
HÀ PHẠM PHÚ dịch
100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc - Nhiều Tác Giả 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc