Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 47
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Truyện Thứ Sáu - Điệp Vụ Bắc Cực
iệp vụ này là thành công lớn lao bậc nhất của Đức Quốc xã về địa hạt Phản gián điệp trong đại chiến thứ hai. Và dĩ nhiên đối với đồng minh, đó là thất bại đau buồn bậc nhất, và cũng là khó hiểu bậc nhất. Cho đến nay, gần 30 năm trôi qua, những người ở trong cuộc, bạn cũng như thù, đã chết hoặc còn sống, đã viết lại hồi ký, những tập hồ sơ mật được khui mở, người ta vẫn chưa giải thích được tại sao cơ quan điệp báo đồng minh ở Luân đôn gồm những bộ óc điều khiển kỳ tài và những nhân viên sáng nước, lại có thể lầm lẫn một cách tai hại đến thế...
Về phía Đức, linh hồn của sự thành công là một quân nhân chuyên nghiệp, đại tá H.J Jiskes, chỉ huy phòng Nhì tại tỉnh La Haye (The Hague - Hòa lan). Gích lập kế bắt sống được một điệp viên đồng minh, người Hòa lan, tên Lô (Hubertus Lauwers) cùng với điện đài còn nguyên vẹn. Với Lô và điện đài này, đại tá Gích đã gây ra một chuỗi thất bại đầy nước mắt và máu cho S.O.E (Special Operations Executive), do cố thủ tướng Sơc-sin thành lập tại Luân đôn năm 1940, với nhiệm vụ điều khiển mọi hoạt động bí mật của đồng minh trong các quốc gia Âu châu bị Đức tạm chiếm.
Chi tiết đáng kể trong giai thoại này là ngay sau khi bị cầm tù, bị cưỡng bách làm việc cho Phòng Nhì địch, điệp viên Lô đã thông báo cho Luân đôn biết. Và chẳng hiểu sao Luân đôn nhắm mắt làm ngơ. Và cũng chẳng hiểu sao đại tá Gích không hề ngờ vực Lô....Thẽ mới biết con người, dầu là con người siêu đẳng, vô cùng khôn ngoan, vô cùng sáng suốt, vô cùng hữu hiệu, thì bao giờ cũng vẫn là con người, con người với tất cả những khuyết điểm cố hữu...
I.
Tháng 5-1943, điệp viên mặt ma Giang Ri-bích nhảy dù xuống lãnh thổ tạm chiếm Hòa lan. Chàng đã đến nơi an toàn. Nhưng trước đó 2 tháng, một điệp viên khác của đồng minh lại không gặp may như chàng.
Điệp viên này là Đua-lin (Pieter Dourlein), cựu thủy thủ, trong hải quân hoàng gia Hòa lan, được xung vào phần vụ hành động của S.O.E. Đêm tháng 3-1943 ấy, chàng vừa nhảy dù xuống thì bị vướng lủng lẳng vào cành cây. Chàng loay hoay hồi lâu mới cắt được dây dù, rồi đánh đu trèo xuống. Chàng ưỡn ngực thở một hơi dài để tự thưởng công, Tuy trời mát lạnh, chàng vẫn đồ đầy bồ hôi.Chàng thầm nghĩ "Số mình hên, nếu không mình treo tòng teng như này, Phản gián địch mà nhìn thấy, và mình tiêu đời".
Chàng đinh ninh mình gặp số đỏ. Chàng không dè đấy là số đen. Không những số đen cho riêng chàng, mà còn là số đen cho các chiến hữu của chàng, và cho cả sở S.O.E. ở Luân đôn nữa. Nhưng khi ấy, chàng cảm thấy hân hoan. Trên tầng cao, chiếc máy bay chở chàng qua biển đến Hòa lan đã quay mũi, thẳng một mạch về Anh quốc. Chàng được thả xuống với 2 chiến hữu Hòa lan khác và 14 thùng chất nồ đầy ắp.
Cách chàng một quãng ngắn, chàng vừa thấy ánh đèn bấm tắt cháy, cháy tắt làm hiệu. Đúng với mật hiệu liên lạc. Tuy nhiên, chàng vẫn nằm trong bụi rậm, tay rút sẵn khẩu súng lục. Hai bóng đen lặng lẽ bước tới. Đèn pin lại được bật sáng. Rồi tắt ngúm. Rồi có tiếng gọi nhỏ, vừa đủ nghe:
- Pôn, Pôn (Paul) ở đâu?
Pôn là mật danh của Đua-lin. Trung ương S.O.E. đã đánh điện báo tin cho quân kháng chiến địa phương biết ngày giờ Đua-lin đến nơi, với mật danh là Pôn. Chàng mỉm cười, cất súng vào túi, từ bụi rậm bước nhanh ra. Một bóng đen chìa tay, giọng thân mật:
- Chào bạn Pôn. Kháng chiến Hòa-lan hân hạnh được đón tiếp các bạn.
Hai bạn dù của Đua-lin chờ sẵn gần bìa rừng 1 với toán kháng chiến quân gồm khoảng một tiểu đội. Như thể xa nhau lâu ngày mới gặp mặt, mọi người xà lại, trò truyện thân mật, người nhắc tới đời sống cơ cực ở Hòa lan, kẻ thèm ước bầu không khí tự do bên Anh cát lợi. Riêng đối với Đua-lin chàng rời Luân đôn tự do qua Hòa lan chiếm đóng mà lòng vui sướng vì chàng có dịp đoàn viên với đồng bào và thân bằng quyến thuộc.
Mọi người lần lượt ra khỏi rừng. Trưởng ban tiếp đón yêu cầu 3 nhân viên S.O.E. đưa võ khí cho y cất Đua-lin ra sau lưng. Trước khi chàng có hành động đối phó, tên trưởng ban tiếp đón đã dí họng súng lạnh ngắt vào hông chàng, và một tên khác chụp cái mơ-nốt sáng loáng khóa cứng cườm tay chàng lại.
Té ra ban tiếp đón này là khảng chiến quân giả hiệu. Đua-lin sợ cứng người khi thấy một toán quân nhân Đức từ sau bụi cây đen ngòm chạy ra. Hai bạn dù đồng hành của chàng cũng đã bị còng tay như chàng. Chàng quay tại đám người Hòa-lan, nhổ nước bọt, khinh bỉ:
- Các anh không xứng đáng là công dân Hòa-lan. Rõ đồ phản quốc, làm chó săn cho giặc.
Không ai trả lời chàng. Ba tù binh bị kéo ra đường lớn, xe hơi bít bùng đậu thành một hàng dài. Một người đàn ông ngồi trong xe sau cùng ngoắt tay hiệu. Đoàn xe phóng thẳng về trụ sở Phòng Nhì trong cái hơi lạnh teng teng gần sáng của đồng quê Hòa-lan.
Người đàn ông kín tiếng này là thiếu tá Gích, chỉ huy trưởng Phản gián Đức tại Hòa-lan và Bỉ...
II.
Như mọi lần, thiếu tá Gích mỉm nụ cười đắc thắng. Lại một điệp viên đồng minh khác sa lưới. Từ trước đến nay Gích mỉm cười như vậy một cách nhàm chán. Tình báo Anh thả hàng đống điệp viên xuống Hòa-lan. Họ không thể ngờ rằng Gích đã đích thân lựa chọn ngày giờ và địa điểm thả dù cho từng vụ. Và mỗi lần điệp viên đồng minh nhảy xuống là thiếu tá Gích đều có mặt với một cười đắc thắng quen thuộc.
Sự thành công của Gích là một phần của kế hoạch phản gián được đặt tên là điệp vụ Bắc cực 2, Một thời gian ngắn sau khi chiếm đóng toàn cõi Âu châu, Đức quốc xã bắt đầu băn khoăn về triển vọng một cuộc đổ bộ của đồng minh. Năm 1940, Hít-le gác bỏ chiến dịch "Sư tử biển" 3 nhằm tung hải quân xâm lăng Anh cát lợi, do đó bộ tổng tư lệnh Đức càng thêm băn khoăn. Họ muốn biết nếu đồng minh đổ bộ lên lục địa thì họ sẽ đổ bộ ở đâu trước tiên? Kế hoạch Bắc Cực được hình thành để giải đáp mọi mối băn khoăn của bộ tổng tư lệnh quốc xã.
Trong khuôn khổ của kế hoạch phản gián này, Gích đã thành công quá dễ dàng. Điều ông không dè là buổi sáng tháng 3-1943 ấy là tù nhân Đua-lin vừa bị Phòng Nhì chặn bắt không giống như những tù nhân khác. Dầu muốn dầu không, Gích và Đua-lin đã trở thành hai chứng nhân lịch sử hàng đầu. Gích là người tạo ra kế hoạch Bắc Cực, và Đua-lin là người phá hỏng kế hoạch Bắc Cực...
Thật ra kế hoạch Bắc Cực là một kế hoạch đặt ra để lừa tóm sống các điệp viên đồng minh, nó chẳng có liên hệ nào với vùng Bắc cực lạnh giá. Giới quân sự cao cấp Đức gọi nó là "tấn trò Anh cát lợi".
Trong vòng một năm rưỡi bưng tai bịt mắt tình báo Anh, thiếu tá Gích đã tỏ ra khôn khéo đến nỗi Luân đôn tin tưởng, và thả đù hơn 50 điệp viên xuống Hòa lan, để rồi... đi thẳng vào khám đường. Các điệp viên này được gửi đến gia nhập một đạo quân kháng chiến bí mật... tưởng tượng mà Gích là tác giả. Và tuy Gích không chủ trương nhưng hầu hết các điệp viên bị bắt đều thiệt mạng một cách thảm thương.
Gích lại phỉnh gạt tình báo đồng minh thả xuống hàng chục tấn võ khí và đạn dược cho đạo quân ma này. Gích tung tay sai, lũng đoạn nội bộ kháng chiến trên toàn lục địa. Gích còn lừa phi cơ hoàng gia Anh vào những ổ phục kích rồi bất ngờ bắn hạ.
Thiếu tá Gích được thuyên chuyển từ Ba-lê tới Hòa-lan vào mùa hạ năm 1941.Trước đó tại Pháp, ông đã góp phần vào việc khám phá và tiêu diệt một hệ thống gián điệp liên hệ đến một số viên chức sứ quán Hoa kỳ giữa lúc Hoa kỳ còn duy trì thái độ trung lập trước cuộc chiến. Gích đinh ninh Hòa-lan buồn tẻ, không có việc gì để làm. Và hắn đã lầm...
Thiếu tá Gích không phải là đảng viên đảng Quốc Xã. Ông ta chỉ trung thành với nước Đức, và dĩ nhiên với sở quân báo Đức khi ấy do đô đốc Canari (Canaris) chỉ huy. Sau này Canari bị đảng Quốc xã hành quyết. Canari cũng ghét đảng Quốc xã như thiếu tá Gích. Gích hoạt động một cách hăng say và đắc lực, vì ông hiểu rằng trong trường hợp các quân nhân chuyên nghiệp như ông thất bại, bọn đảng viên quốc xã sẽ lấy cớ giành quyền điều khiển toàn bộ các cơ quan an ninh điệp báo.
Thoạt đầu, tình hình ở Hòa lan chẳng có gì đáng nói. Hai điệp viên Anh bị bại lộ và bị bắt. Ban kiểm thính của thiếu tá Gich báo cáo là hệ thống liên lạc giữa Luân đôn và kháng chiên quân Hòa-lan bằng vô tuyến đã bị gián đoạn.
Gích tin cậy ban kiểm thính nên ông không để ý khi Kup (Willy Kup) thuộc viên của ông báo cáo là một điệp viên đồng minh vẫn tiếp tục hoạt động tự do và vẫn tiếp tục đánh điện về Luân đôn. Thiếu tá Gích đọc hết tờ trình, lắc đầu rồi lấy bút phê bằng những lời rí rỏm như sau "anh mang chuyện này lên Bắc Cực mà kể".
Kúp lặng lẽ tìm kiếm. Mật báo viên của y xác nhận một lần nữa, y bèn gõ cửa phòng thiếu tá Gích với bản bảo cáo mới. Bản này mang tựa đề "Về vụ Bắc Cực". Hàng chữ "Về vụ Bắc Cực" không làm thiếu tá Gích tức giận. Trái lại, ông mỉm cười và khoan dung.
Ông vốn là người khoan dung và bình dân với thuộc cấp. Đặt tên kế hoạch này là Bắc Cực, được lắm, ông sẽ dùng danh từ Bắc Cực. Thành thử mấy tiếng phê bình trào lộng nghiễm nhiên trở thành một kế hoạch phản gián nghiêm chỉnh và quan trọng. Và thực tế đã chứng tỏ ban kiểm thính của thiếu tá Gích sai bét.
Số là cuối năm 1941 Luân đôn móc nối với nhiều điệp viên ở Hòa lan, ra lệnh cho họ hoạt động mạnh mẽ. Những điệp viên này gồm 2 thành phần: một số chưa từng ra khỏi Hòa lan, và một số đã qua Luân đôn tham dự khóa huấn luyện rồi được thả dù xuống quê hương.
Một tiểu tổ điệp báo - Mật danh của tiểu tổ này là Ebenezer - được đặt dưới quyền điều khiển của trung úy Lô, người mang hai quốc tịch Anh, Hòa. Trung úy Lô trạc 25-26 tuổi, người cao, đeo kiếng cận thị, tướng mạo không có nét nào đặc sắc.Lô từng kinh doanh tại Tân gia ba trước ngày đảo này bị Nhật chiếm đóng.
Cùng hoạt động điện đài với trung úy Lô là Tacôni (Thijs Taconis). Cặp bài trùng Lô và Tacôni ngụy trang tài tình, song không qua mặt được thiếu tá Gích. Ông sử dụng những dụng cụ tầm đài tinh vi gắn trên xe hơi di chuyển thường trực, ông đã phăng ra nơi trung úy Lô phát tín hiệu. Đó là một phòng bin-đinh ở gần trung tâm thành phố 4. Sau nhiều ngày nghe ngóng, phân tích, thiếu tá Gích đã nắm được phương pháp chuyển mật điện và thời khóa biểu liên lạc với điệp viên đồng minh.
Công an Phản gián quốc xã lặng lẽ vây kín chung cư. Nhác thấy nhiều xe hơi đen khả nghi đậu dưới đường, Lô vội đóng diện đài và tìm lối tẩu thoát. Lô mới rời bin-đinh được mấy bước thì công an Đức từ giẫy xe đen vọt ra, chĩa súng bắt giơ tay. Khi bị sa lưới, trung úy Lô còn giấu trong túi 3 bức mật điện chưa kịp chuyển đi.
Chủ nhân cho trung úy Lô tá túc 5 nhét điện đài trong va-li rồi ném qua cửa sổ xuống sân. Định mạng éo le đã khiến cái va-li mắc kẹt giữa hai hàng dây thép phơi quần áo, và nó cứ lắc lư không chịu rớt. Nếu nó rơi xuống nền gạch, chắc chắn điện đài bị vỡ nát và "tấn trò Anh cát lợi" đã không được phát động. Thiếu tá Gích đứng ở góc sân nhìn thấy cái va-li điện đài, và một ý kiến đã chớp qua óc ông.
Người Anh không biết điệp viên Lô và Tacôni bị bắt. Với điện đài còn nguyên vẹn, ông có thể chuyển các tin tức láo khoét qua Luân đôn. Mưu kế này không mới lạ trong ngành phản gián, vả lại thành công cũng không dễ chút nào, vì bất cứ sở điệp báo nào cũng dậy điệp viên một số thể thức ngầm báo khi bị địch bắt. Muốn thành công, phải chiêu dụ kỳ được trung úy Lô...
III.
Trung úy Lô được giam tại khám đường gần đấy. Nhân viên thẩm vấn đối xử một cách đàng hoàng, hầu như lịch sự nên chàng hết sức ngạc nhiên. Chàng đã nghe nói nhiều đến những hành động dã man tột độ trong nhà giam quốc xã. Bởi vậy, chàng hồi hộp lo lắng sau 8 ngày bình yên vô sự.
Ngày thứ 9, chàng được dẫn lên văn phòng thiếu tá Gích. Gích hỏi chàng có bị hành hạ không, chàng đáp không và cảm ơn, Gích bèn đốt cho chàng điếu thuốc lá thơm, rồi lên tiếng phàn nàn về việc đồng minh lén lút thả khí giới và chất nổ xuống Hòa lan. Gích lập luận rằng sự võ trang này chỉ mang lại những tổn thất thê thảm cho dân chúng vô tội, dầu đồng minh cung cấp thật nhiều khí giới cũng chỉ võ trang được một sổ ít người có điều kiện chiến đấu, và lực lượng nhân dân võ trang không thể đương đầu lại với quân đội cơ giới quốc xã. Không riêng gì quân đội chiếm đóng Đức, quân đội chiếm đóng của bất cứ nước nào cũng áp dụng biện pháp trả đũa đại qui mô khi bị phục kích, phá hoại, cho nên Gích nghĩ rằng sự võ trang của đồng minh sẽ làm Hòa lan đắm chìm trong tang tóc.
Gích trình bày vấn đề rất khéo nên trung úy Lô khó phản đổi. Vả lại, mới mấy ngày trước, không quân Đức oanh tạc tan tành thị trấn Rốt-te-đam, khiến cho hàng chục ngàn thường dân bị thương vong. So sánh với tình trạng ấy thì vài ba cái điện đài, năm bảy thùng thuốc nổ của đồng minh thả xuống Hòa lan chẳng có nghĩa gì...
Hơn nữa Gích lại hứa không xử bắn Lô và Tacôni. Chỉ cần Lô chuyển 3 bức điện chàng cất trong túi. Dĩ nhiên ai chả muốn sống, Gích tỏ ra thành thật, đánh 3 bức điện cũng không có gì tai hại nên Lô nhận lời. Gích còn nói thêm:
- Tôi có thể sai thuộc viên của tôi đánh 3 bức điện. Như vậy an toàn hơn. Nhưng trong trường hợp này tôi khó có thể trình thượng cấp là anh đã hợp tác với tôi và khó miễn hành hình anh và bạn anh. Giữa quân nhân với nhau, tôi xin khen ngợi tinh thần can đảm và hy sinh của anh. Nhưng nếu ở vào địa vị của anh, tôi cũng chẳng dại mà chết. Vì là chết uổng..
Trong 3 bức mật điện, có một bức báo cáo về nơi một tàu chiến Đức cặp bến. Gích cho phép trung úy Lô đánh toàn vẹn, không sửa đổi một chữ. Luân đôn tiếp nhận cả 3 bức điện, và phúc đáp yêu cầu Lô tìm địa điểm thuận lợi cho điệp viên mang bí danh là A-bo (Abor) nhảy xuống Hòa-lan.
Thiếu tá Gích liền chọn địa điểm, giờ giấc và nhờ trung úy Lô liên lạc với trung ương S.O.E. Lần này Lô từ chối. Lô nói là lương tâm chàng không cho phép chàng lừa bạn đồng ngũ vào chỗ chết. Gích khẳng định là những điệp viên Bắc Cực bị bắt sẽ chỉ ngồi tù chứ không bị giết. Còn nếu chàng cương quyết từ chối thì...
Lô không còn lối thoát nào khác. Thiếu tá Gích lại có vẻ đàng hoàng. Trên thực tế, Gích không hề lừa Lô. Ông đã khẩn khoản yêu cầu bộ chỉ huy Mật vụ ở Bá linh cam kết tha mạng sống cho các điệp viên, Bắc Cực, và họ đã đồng ý. Tuy nhiên, trùm mật vụ Him-le đã nuốt lời hứa một cách trắng trợn. Nhưng đó là việc sau, Khi ấy trung úy Lô còn đặt niềm tin vào mật vụ quốc xã.
Chàng nhận lời chuyển bức điện của Gích về Luân đôn. Như mọi lần bức điện được ký tên chàng. Chuyên viên quốc xã vây quanh điện đài trong khi chàng đánh điện, chàng chỉ ho he là họ chặn lại. Và buổi "hợp tác" đầu tiên này đã diễn ra như Gích dự tính.
Tại sao trung úy Lô chịu hợp tác với thiếu tá Gích? Lô là một thanh niên can đảm và khôn ngoan. Các điệp viên Bắc Cực chết hầu hết, Lô ở trong số rất ít người còn sống sót. Chàng đã giải thích hành động của chàng. Và chính phủ Hòa lan cũng đã bạch hóa hồ sơ về chàng. Nói cách khác, sau khi hòa bình lập lại, chính phủ Hòa lan đã công nhận trung úy Lô không có hành động phản quốc.
Tại sao?
Vì ngay từ bức mật điện thứ nhất trung úy Lô đã ngầm báo cho Luân đôn là chàng bị địch bắt. Thể thức ngầm báo này rất giản dị. Khi đánh điện, chàng chỉ cần cố tình bỏ quên an-tự. Bất cứ điệp viên đồng minh nào hoạt động trên lục địa cũng được lệnh mỗi khi điện về phải đánh an tự kèm theo, ở vị trí đã định sẵn trên bức điện. An-tự (Security check) của trung úy Lô là cứ 16 chữ phải cố ý sai một một chữ. Nếu bức điện thiếu an-tự thì là bức điện giả.
Chuyền những bức điện do thiếu tá Gích đọc về Luân đôn, Lô tin chắc trung ương S.O.E. sẽ khám phá ra sự giả mạo. Và kết quả là điệp viên của đồng minh sẽ không được gửi qua Hòa lan.
Nhưng điệp viên Abo vẫn được thả dù xuống đúng giờ giấc và địa điểm được ghi trong bức điện. Và đương nhiên là Abo đút đầu vào cạm bẫy quốc xã như mấy chục điệp viên đồng minh bất hạnh khác. Một người Hòa lan làm việc cho phản gián Đức vui vẻ tiếp đón Abo, trò truyện huyên thuyên với Abo suốt trong 2 tiếng đồng hồ. Sau khi Abo đã nói chán chê, nhân viên Đức mới xuất hiện, tống lên xe, và giải về xà-lim.
Trung úy Lô giựt mình sững sờ khi được biết Abo bị tóm. Thì ra Luân đôn chẳng chịu hiểu gì cả. Lần sau, chàng lại bỏ quên an-tự, và không những thế chàng còn nhét thêm những chữ đề cao cảnh giác nữa.
Đầu năm 1942, kháng chiến Hòa lan đang ở thời kỳ tổ chức chập chững nên đồng minh chia họ thành nhiều tiểu tổ riêng biệt, không ai biết ai hầu dễ bảo vệ bí mật. Chính vì sự phân ngăn này phản gián Đức thâm nhập ngon ơ.
Một nhân viên điện đài đồng minh ngã nhầm giếng đá và thiệt mạng. Một nhân viên khác hỏng điện đài khi nhảy xuống. Luân đôn yêu cầu Lô đến tận chỗ xảy ra tai nạn. Thiếu tá Gích đã thay mặt Lô tới nơi, và tóm được nhân viên còn sống tên là Jót-đan (Hendrick Jordaan). Gích bắt Jót-đan điện về Luân đôn. Thế là Gích có được 2 điện đài do 2 điệp viên đồng minh phụ trách. Và thế là kế hoạch Bắc Cực đã bành trướng mạnh mẽ...
Nhiều điệp viên đồng minh được thả xuống Hòa lan để rồi được gặp Phản gián Đức đội lốt kháng chiến tiếp đón trọng hậu, moi móc tin tức trước khi bị còng tay. Thời kỳ cực thịnh của kế hoạch Bắc Cực, Gích có dưới tay 6 vô tuyển điện viên đảm trách 14 điện đài liên lạc riêng biệt với Luân đôn. Trung ương S.O.E. đinh ninh mỗi điện đài là một đường dây tình báo của kháng chiến, dưới quyền điều khiển của những điệp viên từ Luân đôn tới. Phi cơ đồng minh thả hơn 150 lần tiếp tế gồm khí giới, đạn được, chất nỗ và lương thực. Tất cả những thứ này đều được chở cam-nhông về kho Phản gián Đức.
Đạo quân kháng chiến Hòa lan do đồng minh nuôi dưỡng, thế tất phải thu hoạch được thành tích đáng kể, thiếu tá Gích đã nghĩ đến điều ấy nên thỉnh thoảng ông gửi qua Luân đôn những báo cáo tốt đẹp về hoạt động phá hoại hậu địch. Các sĩ quan cao cấp Anh-Hòa tại trung ương S.O.E, đã tỏ ra hài lòng. Người Anh muốn biết rõ thêm về tình hình các hải cảng, đồng thời yêu cầu gia tăng công lác làm nổ các bến tàu. Thiếu tá Gích tức thời tiến hành một vụ phá hoại bịp. Với sự phụ lực của không quân, ông cho chở dọc sông Ranh (Rhin, Rhine) về Đức một con thuyền cũ che bạt kin mít, với những bộ phận máy bay hư lộ ra ngoài,, tạo cảm tưởng đây là tàu chở phi cơ chiến đấu mới lắp ráp. Tàu chạy đến cảng Rốt-te-đam, giữa giờ ăn trưa thì bị giật bom, đứt ra làm đôi và chìm nghỉm. Người Hòa lan đứng đông nghẹt trên bến, chỉ trỏ, cười nói thích thú. Gích đoán chắc trong đám đông có mật báo viên S.O.E., và mật báo viên này sẽ không quên điện về Luân đôn thuật lại thành tích của kháng chiến quân, Gích cũng gửi một phúc trình dài, và được khen ngợi.
Tháng 6-1942, Luân đôn hạ lệnh cho kháng chiến quân phá nổ đài bá âm Kút-uýt (Kootwijk) trên bờ biển Hòa lan. Thiếu tá Gích bèn thảo kế hoạch, xin sự đồng ý chi tiết của Luân đôn. Sau đó, ông nói là cuộc đột kích sẽ do Tacôni chỉ huy. Luân đôn chấp thuận. Tội nghiệp...họ không thể ngờ lúc ấy Tacôni đang nằm khàn trong nhà lao quốc xã...
Rồi Luân đôn nhận được một bức điện ngắn ngủi. Bức điện cho biết cuộc tấn công đã diễn ra theo dự tính, tuy nhiên, toán kháng chiến quân bị vào bãi mìn nên phải rút lui sau trận đọ súng ác liệt với binh sĩ Đức. Ba kháng chiến quân hy sinh. Tacôni vẫn còn sống.
Trung ương S.O.E. gửi lời chia buồn và úy lạo, đồng thời loan tin Tacôni sẽ được gắn huy chương về tinh thần chiến đấu dũng cảm trong cuộc đột kích. Thật buồn cười vì Tacôni là người duy nhất từ xưa đến nay được thưởng mề-đay Anh cát lợi về một cuộc tấn công chỉ có trong trí tưởng tượng của Phản gián Đức.
Mặc dầu phỉnh gạt được Luân đôn dễ dàng, thiếu tá Gích cũng chưa được yên tâm. Vì nhiều lần trung ương S.O.E. yêu cầu một số điệp viên đích thân trở về Luân đôn báo cáo. Họ còn cho Gích biết tường tận lộ trình bí mật nhưng an toàn qua Tây ban nha khi ấy là quốc gia trung lập, và các điệp viên được triệu hồi sẽ xử dụng con đường này. Gích không thể từ chối. Song ông cũng không thể rềnh rang được mãi, sợ Luân đôn ngờ vực. Ông tìm cách trì hoãn với những lý do xác đáng, nhưng đến một lúc nào đó thì những lý do xác đáng cũng trở thành không xác đáng nữa.
Gích liền nghĩ ra một mưu kế thần tình. Mưu kế này được thực hiện cách xa trụ sở Phản gián Đức gần một ngàn cây số 6trên vùng núi Py-rê-nê ngập nắng vàng, biên giới thiên nhiên giữa Pháp và Tây ban nha.
Đường dây của đồng minh gồm nhiều người, phụ trách từng chặng rải rác từ Hòa lan xuống đến phía nam nước Pháp, và nhân viên phụ trách đoạn đường vượt biên cuối cùng là một bác tài-xế cam-nhông. Gích bố trí cho 3 nhân viên Phản gián Đức đội lốt nhân viên kháng chiến Hòa lan đến gặp bác tài-xế để xin được dẫ qua biên giới. Một trong 3 nhân viên Đức nói tiếng Pháp, song là tiếng Pháp giọng Đức, nếu bác tài-xế có nhiều kinh nghiệm tất đã hoài nghi. Nhưng bác tài-xế không hề hoài nghi, bác vui vẻ vì bác lại có thêm dịp đóng góp vào phong trào kháng chiến giấu 3 hành khách ở sau xe, trong đống thùng gỗ đựng cam. Chiếc cam-nhông trèo đèo, sửa soạn vượt biên. Nhưng lính Đức chặn lại. Bác tài-xế vội thắng xe, kêu báo động 3 hành khách, đoạn băng mình qua núi chạy trốn. Ngoảnh lại, bác nhìn thấy 3 hành khách kháng chiến bị lính Đức lôi từ sau xe ra và dí súng bắt giơ tay. Bác trở về thuật lại với tiểu tổ kháng chiến địa phương và tiểu tổ này đánh điện báo tin về Luân đôn.
Trung ương S.O.E. nghĩ rằng đường dây vượt biên qua Py-rê-nê đã bị lộ nên tạm gác chuyện triệu hồi điệp viên tại Hòa-lan. Trong khi ấy thiếu tá Gích ung dung ngồi uống cà-phê tại trụ sở Phản gián.
Lừa đồng minh thả khí giới, chất nổ, điệp viên xuống đất Hòa lan chưa đủ, Gích còn chờ phi cơ đồng minh trên đường về để phục kich bắn hạ. Gích biết rõ đường bay của phi cơ đồng minh nên việc phục kích này chẳng có gì là khó khăn. Và 12 máy bay đồng minh đã biệt tích trong các phi vụ tiếp tế cho bộ đội kháng chiến Hòa lan.
Kế hoạch Bắc Cực đã thành công ngoài sự trù liệu của thiếu tá Gisch. Trong vòng một năm trời, khám đường quốc xã lần lượt nuốt gọn các điệp viên S.O.E., bị thộp cổ ngay trước khi có thể hoạt động.
Nhưng có một điệp viên mà phản gián Đức không sao nốt nổi
Điệp viên hóc búa này là Đua-lin.
IV.
Đua-lin mới 22 tuổi. Năm 1940, Đức xâm lăng Hòa lan, Đua-lin đang là một thủy thủ trên một diệt lôi hạm. Chàng cao và to ngang, bộ mã vạm vỡ, khỏe mạnh. Song khuôn mặt chàng gần như tầm thường, dường như chàng sinh ra chỉ để làm nghệ cạo giấy, sáng vác ô đi, tối vác về, không thích nổi trôi, sóng gió. Ấy thế chàng lại là con người ham hoạt động, ham hiểm nguy, và gan lì...tướng quân mới lạ...
Cuộc sống trong quân ngũ của Đua-lin chỉ vẻn vẹn có 18 giờ đồng hồ. Thủy thủ Đua-lin vừa lên tàu thì không quân Đức bay lượn trên chiếc diệt lôi hạm bé bỏng chạy gần bến Rốt-te-đam và ném bom cho đến khi chìm nghỉm. Mấy ngày sau, Hòa lan đầu hàng, và Đua-Iin được giải ngũ.
Chàng không thể sống trong vùng địch tạm chiếm, tính tình chàng ưa độc lập, tự do, hơn nữa chàng lại có lần nổi máu anh hùng đánh rừ xương một người Hòa lan theo đảng Quốc xã làm xếp cảnh sát cho quân đội Đức. Cùng một anh bạn, Đua-lin đánh cắp xuồng máy, tìm cách né tránh phi cơ, và hải quân tuần tiễu Đức, vượt biển sang Anh, tại đó chàng gia nhập Không quân Hòa lan tự do. Nhưng hải quân Hòa lan Tự do cũng đang cần thủy thủ, nên chẳng bao lâu chàng được đưa xuống một diệt lôi hạm. Chàng tham chiến tại Địa trung hải và được ân thưởng huy chương. Chàng không mấy tha thiết với hải quân, do đó nhân dịp về Luân đôn nghỉ phép chàng lại mầy mò xin quay lại không quân.
Rồi tình cờ chàng được giới thiệu theo lớp huấn luyện của S.O.E. Sau khi tốt nghiệp, Đua-lin về nước với nhiệm vụ móc nối với kháng chiến. Nhưng chỉ sau khi chàng rời khỏi chiếc oanh tạc cơ Ha-li-fắc (Halifax) 4 tiếng đồng hồ, chàng đã bị giải đến nhà lao và bị một sĩ quan Phản gián Đức mặc thường phục thẩm vấn.
Đua-lin biết là hàng ngũ kháng chiến bị địch thâm nhập. Sự trà trộn này có tính cách đại qui mô, bằng chứng là chàng gặp lại hơn 40 điệp viên đồng minh vừa từ phi cơ nhảy xuống thì bị bắt. Sĩ quan Đức thẩm vấn chàng hiểu biết cặn kẽ về nội tình kháng chiến đến nỗi chàng cảm thay hoang mang một cách ngớ ngẩn.
Cũng may Đua-lin không phải là người thiếu nghị lực và can trường. Chàng chỉ hoang mang một thời gian ngắn. Chàng nhận thấy địch quân đã làm ung thối kháng chiến. Chàng phải tìm mọi cách thông báo cho S.O.E.
Đua-lin bị giam chung với Bô-gát (Bogaart), một trong hai điệp viên cũng nhảy dù một lượt với chàng. Chàng bàn bạc với bạn, và hai người quyết định sẽ bàn bạc với các bạn đồng tù khác ở tầng dưới. Đua-lin biết các điệp viên Bắc Cực bị giam ở lầu nhì. Tầng dưới cũng có. Chàng chưa biết họ gồm những ai, song chàng có cảm tưởng là họ bị bắt từ lâu nên được nhiều tự do hơn chàng. Đua-lin và Bô-gát liên lạc mã-tự với xà-lim tầng dưới bằng cách gõ vào ống lò sưởi chạy luồn qua trần bê-tông.
Té ra tù nhân ở xà-lim tầng dưới là thường dân bị Đức bắt giam làm con tin trong các cuộc khủng bố. Đua-lin và Bô-gát hỏi họ, vẫn bằng mã tự:
- Các bạn có liên lạc được với bên ngoài không?
Họ đáp "có". Đua-lin bèn đặt một câu hỏi táo bạo, gần như huyễn hoặc:
- Chúng tôi muốn gửi qua Luân đôn một báo cáo, các bạn chuyển giùm được không?
Đua-lin ngạc nhiên thật sự. Vì họ trả lời:
- May ra được.
Đua-lin nhờ chuyển một mật diện ngắn, nội dung như sau:
- "Hãy ngừng thả người và dụng cụ-stop-toàn thể điệp viên đều bị bắt và giam tại khám Haaren-stop- Đức đã biết hết kể cả mật mã-stop-Đua-lin và Bờlike (Bliker)"
Bờ-li-ke là bí danh của Bô-gát. Cả Đua-lin lẫn Bô-gát đều không hy vọng mấy vào khả năng của các tù nhân ở xà-lim dưới. Nhưng khoảng hai tuần sau, xà-lim dưới báo tin lên rằng bức mật điện đã được chuyển tận nơi và Luân đôn phúc đáp như sau:
- "Đang tiến hành cuộc điều tra".
Bức mật điện của Đua-lin được mang đến tòa đại sứ Hòa lan tự do tại Thụy Sĩ. Trung ương S.O.E. vẫn tiếp tục nhận được những mật điện ký tên Đua-lin. Vậy mật điện từ sứ quán Hòa lan tại Thụy Sĩ gửi về Luân đôn cùng ký tên Đua-lin thật ra là của ai? Trong hai chữ ký, phải có một chữ ký là chữ ký giả. Nhưng đâu là giả, đâu là thật?
Dầu muốn dầu không, S.O.E. bắt buộc phải ngờ vực. Ngày 22-5, một điệp viên được thả xuống Hòa lan do kháng chiến quân yêu cầu. Và đó là điệp viên cuối cùng. Đồng minh vẫn duy trì liên lạc điện đài, và thả dù dụng cụ nhưng không gửi điệp viên nữa. Nói cho đúng, điệp viên S.O.E. vẫn được thả xuống song với tư cách hoàn toàn biệt lập, không bắt liên lạc với kháng chiến như trước.
Trong khi đó, Đua-lin thảo kế hoạch trốn khỏi nhà giam. Chàng không dám cả quyết bức điện của chàng đã đến tay trung ương S.O.E. Chàng lại sợ nếu tình hình kéo dài sẽ có nhiều điệp viên đồng minh mất thêm vào tay địch. Người Đức cam kết không hành quyết tù nhân, tuy vậy Đua-lin vẫn có ấn tượng lời hứa này không được tôn trọng.
Vì thế, khi được đổi xà-lim chàng dò hỏi ngay thái độ của bạn đồng giam, và những người bạn ở phòng bên. Chỉ có một người bằng lòng trốn theo, tên là Benny (Benny tức là Jan Ubbink) cũng là thủy thủ như chàng. Đua-lin và Benny khoét lỗ trong tường ngăn xà-lim, dưới chậu rửa mặt, hai người nằm ép trên sàn trò truyện với nhau. Suốt nhiều tuần lễ, họ bàn bạc, sau cùng họ chấp thuận một kế hoạch thoát thân hết sức liều lĩnh và mặc dầu có rất ít hy vọng thành tựu, họ cũng cứ tiến hành.
Cửa sổ xà-lim mở ra sân được canh phòng vô cùng cẩn mật. Không thể ra ngoài bằng lối này. Chỉ còn cách đào tẩu bằng cửa trước. Cửa trước gồm toàn những song sắt to tướng. Đua-lin nhớ đến một huấn luyện viên S.O.E. đã dặn chàng là chấn song sắt trong nhiều nhà lao thường cách quãng không đều, và đôi khi một người khéo uốn thân thể có thể chui lọt. Huấn luyện viên này nói:
- Thật đấy, không phải chơi đâu. Thoạt nhìn, các anh không thể nhận ra. Song sắt lớn, dựng sừng sững, cái nọ nối liền cái kia nên các anh có cảm giác là khoảng giữa hai song rất nhỏ. Các anh đừng vội thất vọng, hãy kiếm dây đo đàng hoàng, và tôi đảm bảo với các anh là nó chẳng nhỏ tí nào.
Đua-lin trèo lên ghế, đo khoảng cách chấn song trên cửa xà-lim bằng sợi chỉ rút từ đệm giường. Rồi chàng tự đo bề dầy của vai. Chàng cởi áo ra, chịu khó nín thở và trầy xớt một mảng da, chàng có thể luồn qua. Benny cũng vậy.
Cửa chẩn song được bịt lại bằng tấm thép mắt cáo. Trong nhiều ngày, Đua-lin móc kéo những cây đinh ở chung quanh, rồi cắm hờ vào chỗ cũ. Theo dự tính, hai người sẽ trèo qua cửa xà-lim, ra hành lang, chạy đến phòng vệ sinh công cộng ở góc, rồi thòng dây tuột xuống đất bên ngoài. Muốn chấm đất an toàn, cần bện sợi dây dài chừng 10 mét. Đua-lin và Benny cắt vải bọc đệm rút từng sợi, kết thành dây, mỗi người làm phân nửa. Đêm thứ bẩy và chủ nhật thường ít lính gác nên họ chọn đêm chủ nhật 29-8-1943 vì khoảng này không trăng.
Những người bạn cùng xà-lim với Đua-lin khuyên chàng đừng bỏ trốn vì họ tin rằng chàng sẽ bị bắt và bị đem bắn. Song ý Đua-lin đã quyết, không ai lay chuyển nổi.
Bữa ăn tối được mang tới, cửa xà-lim đóng chặt và tên lính gác duy nhất ngoài hành lang đang đẩy xe chở thức ăn ra ngoài. Đây là giờ giấc thuận tiện nhất mà Đua-lin mong đợi từ lâu. Chàng vội cởi áo, tháo vứt các cây đinh, nhịn đau luồn qua khe song sắt, nhảy nhẹ xuống nền hành lang. Benny thót xuống bên chàng. Lần đầu tiên, chàng mới biết mặt Benny, một thanh niên to lớn, tóc quăn khuôn mặt còn non choẹt song khá cương nghị.
Hai điệp viên bước nbanh về phía ba phòng vệ sinh công cộng. Họ núp luôn trong đó 6 tiếng đồng hồ, không dám cử động mạnh hoặc ho hen.
Họ gặp vận hên vì trước nửa đêm một trận bão nổi lên. Sấm sét rền trời, họ có thể tự do hành động khỏi sợ bại lộ. Mưa lại đổ trút như xối. Hai điệp viên oặn mình chui qua chấn song sắt lần nữa rồi buộc sợi dây 10 mét vào cửa sổ, từ từ tuột xuống.
Họ bò qua một khoảng rộng 50 mét, bụng dán đất bùn. Nửa chừng họ phải nín thởồ, tim đập như trống trận vì một toán lính chiếu đèn bấm đi tuần qua. Ra đến hàng rào kẽm gai, họ lại hút chết một phen nữa: một tên lính Đức nện ủng lộp cộp trên nền xi-măng, chỉ cách nơi Đua-lin núp một vài xải tay. Mưa bão tiếp tục hoành hành, tên lính gác phải chui vào trạm canh; hai điệp viên đồng minh liền trèo qua dây kẽm gai. Mấy phút sau, họ đã hòa mình vào đám cỏ cao ở bên kia đường, đối diện khám, thân thể mệt mỏi, ướt sũng và đầy vết thương.
Cuộc phiêu lưu tìm tự do của họ bắt đầu. Họ trải qua bao nguy hiểm mới thoát khỏi các quốc gia Âu châu bị Đức chiếm đóng và đến Thụy Sĩ, họ tường thuật mọi chuyện với tướng Tờ-rít (Van Tricht), tùy viên quân sự tòa đại sứ Hòa lan Tự do. Tướng Tờ-rít thở phào:
- Trời ơi, chúng tôi đoán phỏng là có gì trục trặc. Nhưng chỉ đoán phỏng mà thôi. Mãi đến bây giờ mới biết rõ.
Tướng Tờ-rít gửi cho trung ương S.O.E. ở Luân đôn một bản mật điện dài báo cáo tự sự. Luân đôn hạ lệnh cho hai điệp viên về trình diện ngay. Hai điệp viên vượt rặng núi An-pờ (Alpes), trở lại Pháp, và từ Pháp xuống Tây ban Nha theo lộ trình riêng an toàn do tòa đại sứ Hòa lan hướng dẫn. Với sự yểm trợ của bộ dội kháng chién — thứ thật 100% — họ đã băng qua rặng núi Py-rê-nê, ngày 1-12-1943 họ đến Tây ban Nha thì bàn chân họ sưng vù tưởng như muốn què.
Sứ quán Anh tại Tây ban Nha lo liệu việc chở họ sang Anh, nghĩa là họ được dùng phương tiện vận chuyển chính thức, vậy mà họ cũng phải chờ đỏ mắt những 2 tháng. Một oanh tạc cơ Anh chở Đua-lin và Benny đến một phi trường ở gần Luân đôn.
Đua-Iin không ngăn được sửng sổt khi thấy kế hoạch Bắc Cực vẫn tiếp diễn. Chàng đinh ninh được S.O.E. đón tiếp nồng hậu, điều chàng không ngờ là những ngày đầu về Luân đôn cũng làm lòng chàng buồn khổ như những ngày đầu sa lưới địch ở Hòa lan. Đành rằng chàng được đưa về ngụ trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở Luân đôn, nhưng bên ngoài lại có lính gác, và chàng không được tự ý đi đâu. Chàng đã hy sinh tính mạng hàng chục lần mới về được Luân đôn báo cáo sự thật thê thảm các nhân vật điều khiển tình báo đồng minh, mà chàng bị coi là tù giam lỏng. Chàng yêu cầu giải thích thì người ta thoái thác này nọ.
Ba tuần sau ngày về Luân đôn, Đua-lin phúc trình chi tiết với một viên thiếu tá tình báo Anh bên trong tòa nhà đồ sộ của bộ Ngoại giao. Mỗi bên chàng có một người lính quân cảnh đeo súng đứng kèm. Nghe xong, viên thiếu tá lạnh lùng phán:
- Chúng tôi không thể tin vụ trốn thoát của anh là thật. Đó là truvện tưởng tượng, không thể xảy ra. Hừ...anh chính là gián điệp của Đức.
Chao ôi, S.O.E. cho Đua-lin là gián điệp địch ư? Thật ra, họ không hẳn kết tội chàng như vậy. Họ cũng đang hoang mang tột độ. Có điều họ biết chắc là những hoạt động đưọc báo cáo là tốt đẹp của họ ở Hòa lan chẳng có gì là tốt đẹp. Họ đã bị địch phỉnh phờ cách nào? S.O.E. chưa tìm ra. Vả lại, cuộc đổ bộ khổng lồ lên lục địa đang được chuẩn bị ráo riết, họ không có thời giờ cứu xét tình trạng của Đua-lin. Thôi thì cứ cô lập Đua-lin ở một nơi rồi xử trí sau...
Kết quả là Đua-lin bị canh chừng đêm ngày.Và sau cùng chàng bị nhốt vào khám Bờ-rít-tơn (Brixton) lẫn lộn với thường phạm. Nhờ các sĩ quan Hòa lan tự do can thiệp, chàng mới được phóng thích. Đua-lin đăng ký ngay vào không quân, binh chủng mà chàng vẫn thích, và được chọn làm xạ thủ. Trong những tuần lễ trước khi chiến tranh chấm dứt, chàng được dịp nhìn thấy lại quê hương từ trên phi cơ oanh tạc.
Đua-lin vẫn không quên kế hoạch Bắc Cực. Nhưng khi chàng trở thành xạ thủ không quân thì kế hoạch này đã đến hồi chung cuộc. Điều đáng ghi nhận là không phải đồng minh đình chỉ các liên lạc. Kế hoạch Bắc Cực được chấm dứt bằng một bức thư của thiếu tá Gích.
Bức thư kỳ lạ này được gửi cho hai sĩ quan đặc trách phân bộ Hòa lan, trung ương S.O.E., Luân đôn (Trên nguyên tắc, phương danh các sĩ quan chỉ huy tình báo được giữ tuyệt đối bí mật). Nó được viết bằng lời lẽ lịch sự nhưng khô khan, tương tự như bức thư của nhà buôn này viết cho nhà buôn kia. Nó được chuyển trên làn sóng của 10 điện đài trong ngày 1-4-1944. Đó là vố đau điếng cho S.O.E., vì theo truyền thống của người phương Tây ngày 1-4 này thường được coi là ngày đùa bỡn, tục gọi là "cá tháng tư".
Nội dung bức thư từ giã như sau:
- "Kính gửi các quý ông Bờ-lơn, Bing-ham (Blunt, Bingham and Co) và Công ty, Luân đôn. Chúng tôi hiểu rằng quí ông đã cố gắng từ ít lâu để kinh doanh tại Hòa lan mà không cần chúng tôi giúp đỡ. Chúng tôi rất lấy làm ân hận, chúng tôi lại càng ân hận hơn vì trong thời gian dài như vậy chúng tôi đã đại diện độc quyền cho quý ông tại Hòa lan, và quý ông cũng như chúng tôi đều cảm thấy hài lòng.
Dầu sao chúng tôi cũng xin đảm bảo là trong trường hợp quý ông nghĩ đến việc qua lục địa viếng thăm chúng tôi trên một quy mô rộng lớn. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đối xử với nhân viên của quý ông như xưa, nghĩa là đối xử một cách nồng hậu.
Hy vọng được gặp quý ông".
Đau ôi là đau! Đã phỉnh gạt cả năm trời lại vuốt đuôi bằng đá móc và xỏ ngọt nữa...
Hồ sơ Bắc Cực được đóng lại, sau thế chiến mới được mở ra. Một ủy ban Hạ viện Hòa lan được thành lập để điều tra tại sao S.O.E. nổi danh năm châu về khả năng tình báo lại có thể nhắm mắt nhận bừa những bức điện thiếu an-tự tức là thiếu căn bản an ninh thiết yếu như họ từng giảng dậy cho điệp viên của họ. Dư luận ở Anh và Hòa lan sôi lên sùng sục, mọi người đều bực bội và đòi tìm thủ phạm của vụ phản bội hầu trừng phạt đích đáng.
Ủy ban Hạ viện đã bác bỏ giả thuyết phản bộị. Tuy nhiên, ủy ban không ngần ngại chỉ trích S.O.E. bằng những lời lẽ nặng nề. Ủy ban nhận định rằng S.O.E. đã chểnh mảng, không áp dụng những biện pháp được coi là sơ đẳng nhất trên địa hạt truyền tin mật mã. Cũng theo Ủy ban, những lầm lẫn của S.O.E. không phải do xét đoán thiếu chính xác, mà là do sự bất lực và ẩu tả, không chú trọng đến chi tiết.
Chính phủ Anh có vẻ gượng nhẹ hơn với S.O.E. (vì S.O.E. là con đẻ của Anh quốc). Sau một cuộc điều tra, chính phủ Anh cho biết rằng thảm trạng Bắc Cực là hậu quả của sự xét đoán thiếu chính xác, S.O.E. đã lưu tâm đến an-tự nhưng vẫn ra lệnh tiếp tục thả nhân viên xuống Hòa lan vì suy luận rằng có lẽ điệp viên của họ trên đất địch còn non nớt, tinh thần lại bị khủng hoảng nghiêm trọng nên... quên những bài học về an-tự ở trường.
À ra thế... Trăm dâu đổ đầu tằm...
Tháng 2-1951, Đua-lin được mời đến hoàng gia ở Am-te-đam(Amsterđam) và được hoàng hậu Hòa lan thưởng huy chương quân sự cao nhất về "lòng can đảm, sự trung thành và hành động trong thời chiến". Ngày nay Đua-lin là kỹ sư bảo trì phi cơ trong hải quân Hòa lan. Đua-lin sống thầm lặng tại một thị trấn nhỏ, bên cạnh 3 con và người vợ quốc tịch Anh mà chàng gặp hồi còn là xạ thủ trong những tháng cuối cùng của thế chiển. Láng giềng của chàng và những người bạn thụt bi-da với chàng không biết gì về thành tích kháng chiến của chàng. Thỉnh thoảng Đua-lin liên lạc thư từ với Benny, người bạn vượt ngục ngày xưa, nay là đại diện hãng tàu tại Nam Phi.
Đối với thiếu tá Gích (sau trở thành đại tá), vụ Bắc Cực cũng lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Sau đại chiến, Gích bị bắt giải sang Luân đôn. Hầu hết (47 trong số 51) điệp viên Bắc Cực đều bị mật vụ quốc xã hạ sát. Một số không chịu nổi sự hành hạ trong trại giam đã cố ý chạy ra cổng khám để lính gác nổ súng giải phóng cho họ. Thiếu tá Gích không liên quan đến sự bội hứa này. Bởi vậy, ông được miễn tố.
Năm 1947, Gích lại phải ra tòa án Hòa lan trả lời về tội phạm chiến tranh. Hồi này, dân chúng Hòa lan đang ghét cay ghét đắng người Đức, vì những vết thương tàn bạo do binh sĩ Đức gây ra trên đất Hòa chưa được băng bó hết, cho nên nhiều người tiên đoán Gích bị xử nặng. Nhưng trước khi luật sư của bị cáo lên tiếng biện hộ, tòa đã miễn tố cho Gích. Thái độ của nền tư pháp Hòa lan đã chứng tỏ một sự vô tư đáng ca ngợi, sở dĩ Gích được miễn tố vì tòa án cho rằng "tấn trò Anh cát lợi - England-spiel", cũng giống tấn trò đánh phé, ai có tẩy tốt, ai bịp giỏi thì thắng. Tình báo S O.E. thua Phòng Nhì Đức là vì chơi phé tồi. Chỉ có thế thôi. Không khen Gích thì thôi, chứ kết án tù Gích là vô lý. Và Gích được trả tự do.
Còn trung úy Lô thì sao?
Lô còn lận đận hơn Đua-lin một bậc. Trở về Luân đôn, chàng bị mọi người nghi ngờ, rẻ rúng. Nhưng ủy ban điều tra cũng như tòa án đã đồng ý là Lô hoàn toàn vô can. Trung úy Lô đã làm tròn nhiệm vụ. Khi bị địch bắt, chảng đã qua mắt địch, đánh điện báo tin cho S.O.E. Nếu S.O.E. cứ tiếp tục thả dù, nếu điệp viên S.O.E. tiếp tục bị bắt, bị giam, hàng ngũ kháng chiến Hòa lan tiếp tục bị Phản gián địch tham nhập phá hoại thì đó là lỗi của người khác.
Được bạch hóa, trung úy Lô nhòa biến vào quên lãng. Cũng như đại tá Gích.
Cho đến năm 1953. Hai năm sau ngày Đua-lin được ân thưởng huy chương dũng cảm... Đại tá Gích ấn hành cuốn hồi ký với tựa đề "Luân đôn gọi Bắc Cực", thuật lại toàn bộ sự việc đã xảy ra. Điều độc giả ngạc nhiên là cuốn hồi ký của đại tá Gích được kết thúc bằng một chương giành cho trung úy Lô, giải thích tường tận về hành động của mình.....
1 Hai bạn đồng hành của Đua-lin là Arnold Arendsen và Pieter Bogaart.
2 Opération Pôle Nord, Operation North Polo. Người Đức gọi làlà England-Spiel (Spiel là trò chơi)...
3 Còn gọi là Hải Sư, Lion de mer, Operation Sea Lion...
4 Nằm trên đường Fahrenheitstraat, thị trấn La Haye.
5 Người chủ nhân căn nhà này là Teller.<
6 Trụ sở của thiếu tá Gích tọa lạc ở Scheveningen - Hòa lan.
Z.28 - 13 Giờ Định Mạng Z.28 - 13 Giờ Định Mạng - Người Thứ Tám Z.28 - 13 Giờ Định Mạng