Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 6
B
ên ngoài cửa sổ bão tuyết gầm rú như một bầy sói đói. Những tấm kính cửa sổ rung lên. Cổng ngõ khóa lỏng lẻo đập lạch cạch. Luôn luôn có cảm giác như có người nào đó lạc đường trong đêm tối mù mịt bão tuyết này đang đập tay vào tường nhà, không còn sức để nói mà chỉ im lặng cầu xin được nương nhờ.
Gôrbiacốp ngồi giữa nhà. Chiếc đèn dầu che kín có cái bóng tròn to tướng đặt dưới sàn nhà. Xung quanh đều là những giấy tờ: hai cuốn vở mỏng loại vở học trò, những tờ giấy rời viết dầy đặc chữ bằng nhiều thứ mực màu, một cuốn sách nhỏ bằng giấy màu xám in tại một nhà in bí mật, một chiếc phong bì với những tờ giấy bạc. Bên cạnh chiếc ghế đẩu là một khúc gỗ bị khoét sâu hoắm.
Thỉnh thoảng Gôrbiacốp lại ngừng công việc sắp xếp giấy tờ để lắng nghe tiếng rít của cơn bão tuyết, tiếng gió đập vào tường nhà. Đêm dài của mùa đông đã qua đi quá nửa. Kim đồng hồ quả lắc nặng nề treo trên tường đã chỉ một giờ rưỡi.
Lúc ban ngày Gôrbiacốp đã quyết định phải ngay lập tức cất những tài liệu của đảng sang một nơi khác bảo đảm hơn. Giấu chúng ở trong chiếc lọ bằng thủy tinh dưới những gói thuốc đặt trong chiếc tủ thuốc cũ kỹ, rất có thể bị rơi vào tay cảnh sát nếu bọn này khám xét kỹ càng. Mặc dầu ở chiếc lọ đó đã có dán một mảnh giấy với dòng chữ đáng sợ là: «Cẩn thận! Thuốc độc» - dòng chữ ấy chắc gì đã làm cho bọn cảnh sát sợ hãi...
Khúc gỗ được khoét sâu ấy là do ông Phêđốt làm theo yêu cầu của Gôrbiacốp. Ông già chắc là đã hiểu được mục đích của việc làm ấy cho nên vừa nghe con rể giao nhiệm vụ xong, ông nói:
- Mọi việc sẽ đâu vào đấy, Phêđo ạ. Tôi sẽ khoét cẩn thận không chê vào đâu được. Tôi sẽ đặt nó vào góc nhà kho, dưới những chiếc lưới của tôi, khi cần anh có thể tìm thấy được.
o O o
Đã hai ba năm qua đi, từ dạo ấy. Vẫn chưa có lúc nào cần đến khúc gỗ ấy, nhưng rồi bỗng giờ phút đáng lo ngại đã đến...
Vừa được biết ý định của viên cảnh sát trưởng là sẽ tổ chức cuộc vây lùng nhờ sự giúp đỡ của nông dân, Gôrbiacốp liền thắng ngựa và vội vàng phóng về các làng Gôlêsikhinô, Côxtarêvô và Nhêxtêrôvô, những nơi có một số nông dân từ lâu vẫn bí mật giúp đỡ ông trong hoạt động cách mạng.
- Tên cảnh sát trưởng sẽ huy động đi vây lùng, các bác đừng có tham gia, dù tiền thuê có cao đến mấy, - ông nói với những người nông dân.
Những người ấy, tất nhiên họ đã làm tròn nhiệm vụ của mình: đi báo lại với những người hàng xóm và họ hàng thân thích. Hàng xóm và họ hàng thân thích, đến lượt mình, cũng lại làm như vậy.
Khi viên cảnh sát trưởng Philatốp lao về các làng để thuê nông dân đi làm công việc vây lùng, hắn đã gặp phải một sự chống đối là im lặng nhưng rất kiên quyết. Philatốp lúc đầu thì dỗ dành, dùng tiền công để dử họ, nhưng sau cùng thì nổi xung lên và bắt đầu quát tháo:
- Đấy, các người giúp đỡ kẻ tôi tớ của vua cha làm nhiệm vụ nhà nước như thế đấy! Thôi được, rồi các người sẽ còn phải nhớ đến cái ngày hôm nay!
Một gã mugích ở làng Nhêxtêrêvô đã buột mồm nói trước mọi người:
- Thưa ông, làm sao mà ông lại ngoác mồm ra mà quát tháo chúng tôi?! Chúng tôi là cái gì, không là cái gì cả! Ông y sĩ ở Parabên không cho phép chúng tôi tham gia vào cái công việc hèn hạ ấy!
Philatốp không tin ở tai mình nữa. Hắn hỏi lại. Một lần rồi hai lần. Gã nông dân biết mình đã lỡ lời, vội vàng tìm cách trườn ra khỏi cái hố mà vì ngốc nghếch đã ngã xuống. Gã nói tựa hồ như bản thân gã không gặp ông y sĩ, không nghe thấy những lời ấy từ miệng ông ta, mà chỉ là nghe những người nông dân nói vậy.
Philatốp phóng ngay đến Parabên để hỏi Gôrbiacốp: nóng lòng, nổi giận, nửa ngờ, nửa tin vào những lời lẽ mà người nông dân nói.
Vừa nhìn thấy viên cảnh sát trưởng bất thình lình chạy xộc vào nhà mình, Gôrbiacốp đã hiểu ra ngay: có một sự gì đó đã xảy ra không thể nào cứu vãn được. Chắc là Akimốp và ông Phêđốt không kịp chạy trốn và đã sa vào lưới bủa vây của cảnh sát. Trong một giây phút rất ngắn ngủi, Gôrbiacốp đã hình dung ra tất cả cái cảnh tượng diễn ra. Tình hình thật bi đát. Thất bại! Và không phải chỉ là thất bại trong cuộc chạy trốn của Akimốp mà cả của bản thân ông nữa. Làm sao ông lại để cho sự việc xảy ra như vậy?! Ông đã sơ hở ở chỗ nào, ở điểm nào? Ông là một người thận trọng lắm kia mà, quá thận trọng là khác...
- Ơ kìa, anh làm sao thế, anh Varxônôphi, anh điên rồi đấy à?! - Gôrbiacốp kêu lên trước, không để cho viên cảnh sát trưởng kịp mở miệng, và hai tay ông nắm lại rung rung.
Viên cảnh sát trưởng người gầy đét và cao ngỏng hoảng hốt lùi lại phía cửa, mắt nháy lia lịa vẻ bối rối, vì hoàn toàn không ngờ viên y sĩ lại nói những lời như vậy.
- Anh Phêđo, sao anh lại đặt gỗ ngáng đường đi của tôi? Ngài quận trưởng cảnh sát sẽ lột da tôi, - viên cảnh sát trưởng lẩm bẩm, mất hết về hùng hổ sau khi nghe tiếng kêu của Gôrbiacốp:
- Gỗ nào kia chớ? - Gôrbiacốp hỏi đã dịu giọng hơn.
- Gỗ bình thường chứ còn gỗ nào nữa, anh Phêđo! Tôi đi nhờ nông dân, nhưng họ nhất định không chịu: họ nói rằng anh không cho phép! - Philatốp trề môi ra vẻ giận dỗi, và đôi mắt hắn ứa nước mắt.
Trong giây phút Gôrbiacốp hiểu ra rằng tình hình chưa đến nỗi quá bi đát như lúc đầu ông tưởng.
- Anh Varxônôphi ơi, tôi với anh chẳng thể nào nói với nhau cho tử tế được sao? - Gôrbiacốp nói bằng một giọng có vẻ ôn hòa hơn, nhưng ông vẫn nói to và với thái độ kiên quyết như trước đó. - Chẳng phải là tôi đã van anh là anh cần phải nghỉ ngơi ư? Anh hãy cứ thử nhìn vào cái tấm thân anh xem. Làm thế nào mà anh vẫn còn cứ sống được! Thế nếu anh nằm liệt ra đấy mà cấp trên hỏi tôi: «Vì sao không giữ gìn sức khỏe cho người của nhà nước?» thì tôi biết nói thế nào? Đối với mọi người thì lời chỉ dẫn của thầy thuốc là pháp lệnh, nghĩa là không ai được vi phạm, thế mà đối với anh - nó chẳng là cái quái gì cả. Thôi thì xin lỗi anh, chỉ có thế này mới được: anh có quyền hành trong tay, và tôi cũng có quyền hành. Tôi vừa nghe về việc anh định làm, tôi bèn nhảy ngay lên ngựa phóng về các làng. Tôi dặn tất cả những người nông dân một cách rất nghiêm chỉnh: «Không ai được đi một bước theo Philatốp! Ông ta đang ốm nặng, ông ta sẽ tự hại mình, mà còn các người thì sẽ bị hỏi tội đấy. Rồi thì các người sẽ bị lôi đi các cửa!» Và còn điều này nữa, anh Varxônôphi ạ: nếu như anh là kẻ tôi tớ trung thành của vua cha thì anh phải làm sao khỏe mạnh, phấn khởi để có thể thực hiện bất cứ lệnh nào của nhà vua chứ. Anh nên nhớ rằng: đức vua không trọng những kẻ tôi tớ ốm o đâu.
Gôrbiacốp cứ nói mãi nói mãi, vừa để ý xem thái độ của viên cảnh sát trưởng và cân nhắc xem mình có hiểu đúng cái tình hình phức tạp vừa xảy ra không, và mình đã bắt đúng được cái giọng cần thiết để nói với Philatốp chưa.
Viên cảnh sát trưởng rất cảm động vì những lời của Gôrbiacốp. Hắn cứ nháy mắt liên hồi, thu mình lại rồi đập hai bàn tay vào nhau với vẻ rất đau khổ. Hắn bỗng cảm thấy tự thương thân vô hạn. «Người của nhà nước! Kẻ tôi tớ trung thành của vua cha!» Những lời ấy làm cho hắn có thể khóc tướng lên hoặc chạy bổ vào chỗ góc nhà có bàn thờ Chúa và đứng thẳng trước ảnh đức mẹ và bức tranh vẽ vị bảo trợ lòng dũng cảm của quân nhân Ghêôrghi Pôbeđônoxetxơ và trịnh trọng hát bài «Hỡi chúa, hãy gìn giữ lấy vua cha», và sẽ hát cho đến mức những tấm kính cửa sổ phải rung lên.
Nhưng Gôrbiacốp không để cho hắn kịp nghĩ. Ông lại nói tiếp, giọng hạ thấp và không giấu sự đe dọa thoáng qua trong các câu:
- Vậy thì còn biết làm gì? Biết làm gì nhỉ? Tôi chỉ còn biết ngay lập tức bây giờ đến gặp chị Agraphena Vaxiliépna người vợ quý hóa và yêu dấu của anh, anh Varxônôphi quý mến, và với trách nhiệm của một người thầy thuốc tôi buộc phải đặt thẳng vấn đề với chị ấy rằng: hoặc là anh tuân theo những chỉ dẫn của tôi, và khi đó tôi sẽ phải có trách nhiệm về sức khỏe của anh một con người cần cho Tổ quốc, hoặc là Chúa sẽ phán xử, tùy anh, muốn làm thế nào cũng được! Xin lỗi vì tôi đã nói với anh những lời gay gắt... Nghĩ mà thấy sợ! Tôi đã nói với ai kia chứ? Không phải là nói với một gã mugích ngu ngốc, cục cằn nào đó không chia nổi một bát xúp bắp cải chua cho ba con lợn, mà là nói với một vị chức trách của nhà nước, với người gìn giữ cho sự vững bền của ngôi báu... Thế đấy, thế đấy... Cứ để cho Agraphena Vaxiliépna tự mình suy nghĩ...
Ôi, Gôrbiacốp đã tính toán thật là chính xác, sắc sảo và rất trúng! Việc nhắc tới vợ viên cảnh sát trưởng lúc này sao mà đúng chỗ và hợp thời làm vậy. Ngay đến ngài quận trưởng cảnh sát thì Philatốp cũng không sợ bằng Agraphena Vaxiliépna... Tính tình của bà ta khắc nghiệt, còn nắm đấm thì lại nặng như đổ chì. Đã có trận, nổi cơn tam bành bà ta vớ cả thanh củi cả bàn giặt choảng ông chồng... Philatốp nhăn nhó như thể bị đau răng. Cơn cảm kích và trang trọng qua đi, cái thân hình thẳng đuỗn của y ỉu xìu, đôi vai rũ xuống dưới lần dạ xám của tấm áo capốt.
- Xin anh đừng quá giận nữa, anh Phêđo. Ta nên giải quyết theo cách đàn ông với nhau. Anh cũng biết cái trò đàn bà là ra sao đấy! - Philatốp lắp bắp, vẻ quị lụy ra mặt, nhìn đôi mắt nghiêm nghị của Gôrbiacốp và hoảng sợ thái độ thanh liêm hiện ra trên từng nếp nhăn của ông y sĩ.
Gôrbiacốp không vội trả lời. Ông đi lại ở phòng ngoài, đưa tay quệt mồ hôi trán, thở phào nhẹ nhõm. Những giây phút trải qua thật gay go, gay go không thể tưởng tượng nổi. Nhưng thế là cái điều kinh khủng nhất đã qua. Tuy nhiên từ giờ phút này càng phải thận trọng, thận trọng gấp trăm lần, anh Phêđo ạ!
- Anh Varxônôphi, anh đã biết tôi không phải một hai năm gì, - Gôrbiacốp lên tiếng, giọng hoàn toàn đổi khác, đưa đôi mắt đã dịu dàng hơn nhìn tên cảnh sát trưởng. - Và tôi cũng biết anh. Biết cả tính nết của chị Agraphena Vaxiliépna nữa. Tôi không khi nào lại muốn hại anh. Nhưng một lần nữa xin nói với anh: anh phải tỉnh táo ra, phải kìm cơn thịnh nộ...
- Nhưng đâu có phải tự tôi muốn? Ông quận trưởng cảnh sát sẽ khiến tôi... Chính bản thân tôi cũng cảm thấy: con bệnh nó gặm nhấm. Phải thương tôi mới phải...
- Phải nằm, anh Varxônôphi ạ, anh phải nằm tĩnh dưỡng, nếu anh không muốn vợ anh trở thành góa bụa, và con cái anh trở thành côi cút.
- Được, tôi sẽ báo cho ông quận trưởng cảnh sát: rằng chúng tôi đã càn tất cả các cánh rừng, rằng tên trốn tù đã chết rấp... có thế nào thì anh cũng có lời thêm vào cho.
- Sao lại không nói thêm nhỉ?! Bởi vì quả thực có như thế. Thì tôi có hỏi dân mugích ở các làng, mọi người đều nói như nhau cả: tên trốn tù đã lẩn rồi, lẩn ngay từ khi ấy, theo con nước lũ.
- Cả với tôi họ cũng bảo vậy, nhưng ông quận trưởng cảnh sát lại cứ khăng khăng: tìm đi, lùng bắt cho được.
Gôrbiacốp nhún vai, làm thinh, sợ lỡ ra lại lộ vai trò của mình.
Khi Philatốp ra về sau khi một lần nữa hứa hẹn sẽ đi nằm ngay để tĩnh dưỡng, ông Gôrbiacốp ngồi vào bàn trong phòng làm việc của mình, để bình tĩnh suy nghĩ lại diễn biến vừa xảy ra.
Không, chỉ dừng lại ở cuộc nói chuyện vừa qua là không ổn. Philatốp đần độn, ngu ngốc và hèn nhát, mà thế gian chưa từng thấy, nhưng một khi đã hèn nhát thì cũng lại đểu cáng. Tên quận trưởng cảnh sát mà dọa hắn là hắn có thể làm mọi chuyện đê mạt, cốt chỉ để bảo toàn cái mạng mình. Cần phải nghĩ ra một chuyện gì nữa... Chỉ đặt cái tên đần độn này lên giường thôi chưa đủ, cần phải xóa sạch cái sự việc xảy ra bữa nay, để sao cái cành củi khô này quên đi tất cả những gì hắn moi được ở anh chàng mugích nọ, để sao cuộc đụng độ hôm nay biến khỏi ký ức của hắn.
Gôrbiacốp đã từng biết theo kinh nghiệm cũ, biện pháp tốt nhất để củng cố quan hệ với tên Philatốp - là tổ chức một bữa nhậu nhẹt; mời bạn bè của tên cảnh sát trưởng đến, và cho chúng chè chén thỏa thuê; bí tỉ đến không còn biết trời đất gì nữa, để sau đó, sau bữa rượu túy lúy chúng còn phải lẫn lộn đến hai ba ngày mới tỉnh.
Chỉ thoáng nghĩ đến chuyện truy hoan giữa đám tai mắt Parabên, bộ mặt ông Gôrbiacốp đã phải nhăn nhó ghê tởm. Những cái mõm thô kệch, đần độn, những câu chuyện nhạt nhẽo, rỗng tuếch, những thích thú mạt hạng... Ông Gôrbiacốp lắc mái tóc đen bù xù, tựa hồ vừa chịu cơn nôn mửa. Nhưng dù sao đi nữa, cũng không nghĩ ra được cách gì tốt hơn, dù có vắt óc thâu đêm suốt sáng... Đành phải nén chặt tình cảm của mình lại, giấu nỗi khó chịu của mình vào nơi sâu kín và đóng cái trò hiếu khách theo phong tục Narưm, khi bọn chúng ăn uống quá mức...
Gôrbiacốp lấy một tờ giấy ra và bắt đầu tính toán xem công việc như vậy, sẽ phải tốn kém bao nhiêu. Món tiền hóa ra là khá lớn, nếu tính theo số lương bổng nghèo nàn của ông. Tuy nhiên, ông đâu có nản chí. Cánh tay của ông hiện thời còn chưa run, con mắt vẫn tinh tường như trước. Ngay sáng sớm ngày mai ông sẽ mang súng vào rừng bá hương. Vào lúc này gà rừng đã bay đến ăn lá non của cây bá hương, chừng năm sáu chú gà, độ ba chục phuntơ là coi như đủ cho cả bọn. Cá hồi để làm nhân bánh ông mua giá rẻ của dân Ôxchiác trên sông Ôbi, mặc dù Êpiphan Crivôrucốp mới trở thành dâu gia của ông, đã lần đến khắp các chỗ đánh cá của họ, khua chai vốtca lên nhử rồi. Đôi thứ đồ nhắm - dưa chuột muối, bắp cải chua, cá tầm hong khói - do cố gắng của ông Phêđốt nhà đã có thừa thãi để dưới hầm chứa đồ, ngoài sân...
o O o
Gôrbiacốp đang sắp sửa kết thúc các khoản tính toán thì đột nhiên ông vội phải thu dọn những tờ giấy đã viết đầy chữ số và hối hả nhét cả vào ngăn kéo. Ông có cảm giác hình dáng quen thuộc của bà vợ ông cha đạo vùng Parabên Glaphira thấp thoáng ngoài cửa sổ. Ông Gôrbiacốp vội ra phòng ngoài xem xem có đúng là bà ta đi ngang qua cửa sổ hay ông lầm. Không, ông không lầm. Bà Glaphira đang thận trọng, lắc lư bộ hông đi theo lối mòn nhỏ hẹp do chân người giẫm thành xuyên qua các đống tuyết đầy, tiến gần đến cổng nhà. Tấm khăn san theo kiểu người Xưgan nhiều mầu sắc sặc sỡ của bà ta gợi cho ông Gôrbiacốp nhớ đến rừng thu, chớm gặp những đợt băng giá đầu mùa: lá liễu hoàn diệp cháy rực màu đỏ chói chang, bạch dương sáng những vết vàng sầu não, liễu lá nhọn bừng bừng mầu lửa đỏ thắm, những cành thanh lương trà mầu da cam xòe rộng ra các mép khăn san. Chiếc áo lông chồn dài gần chấm gót ôm chặt lấy thân hình mảnh dẻ mềm mại của bà. Có nét gì đó trang trọng cao sang và đồng thời cũng lại tuyệt vọng và đáng thương hiện ra trong dáng đi lặng lẽ của người đàn bà, trong cái tư thế mái đầu hơi hất lên của bà ta. Trong trang phục như vậy, với thân hình dóng dả như cây phong ấy, đáng ra bà ta phải dạo bước trên đường phố thị thành để cho thiên hạ dừng bước, ngạc nhiên về dáng điệu của bà ta, trầm trồ thốt lên khi nhìn thấy gương mặt nước da ngăm ngăm, hơi gầy, với đôi lưỡng quyền hơi cao, làm cho khó ai có thể rời mắt ngay, vì nó hấp dẫn bởi một nét gì đó huyền bí, xúc động, khi một nỗi suy tư thầm kín bí ẩn nào đó đã đặt lên vầng trán dấu ấn của sự tuyệt vọng và điều đó dường như khêu gợi ở mọi người lòng trắc ẩn. Còn ở đây thì ai có thể nhìn ngắm bà ta? Các ô cửa sổ câm lặng lấp lánh ở các căn nhà gỗ, những ống khói trên các mái nhà câm lặng tuôn ra những cột khói, tuyết trắng muốt, không có gì có thể so sánh được mầu trắng ấy, bất động, nằm câm lặng, những cánh rừng bá hương âm u, buồn rầu, trầm mặc, ắng đi, dường như trước một tai họa lớn nào đó, cũng câm lặng thẫm mầu tối lại.
«Hẳn cơn u buồn lại kéo đến rỉa rói Glaphira», - ông Gôrbiacốp thầm nghĩ và, nghe thấy tiếng chân của người đàn bà ở ngoài hiên cửa, vội coi lại mình từ đầu đến chân, vuốt lại bộ râu cằm và những món tóc đen cứng chen đốm bạc trên cái đầu tròn, những món tóc mà từ thuở ông còn trai trẻ vẫn bướng bỉnh, đôi khi đâm ra tua tủa, như chỏm đống rơm.
- Chào anh! Chào anh quý mến! Tôi không làm anh gián đoạn công việc, nếu như xin chuyện trò với anh dăm phút chứ? - Giọng nói của Glaphira thanh cao lảnh lót và vì vậy mà căng thẳng như sợi giây cung: có cảm giác, chỉ một khoảnh khắc, chỉ một lời nữa thôi - thế là nó đứt tung, và sẽ xảy ra một điều khủng khiếp không gỡ lại được. Nhưng giọng nói vẫn cứ vang vang và chỉ ở cuối mỗi câu mới nghe thấy chút ít âm sắc run rẩy nhẹ nhàng.
- Chào Glaphira! Cô cởi áo ngoài ra! Mời cô vào nhà. Tôi sẵn sàng được hầu chuyện cô. - ông Gôrbiacốp giúp Glaphira cởi bỏ áo lông, nhận ở cô chiếc khăn san cháy rực hoa lá nhiều màu rực rỡ, đem treo tất cả lên đinh tường.
Glaphira vuốt thẳng lại áo váy pha len hoa giống như khăn san, sửa lại bím tóc vấn thành vòng trên đầu, đưa cặp mắt bồn chồn, mang nỗi lo sợ thường xuyên nhìn ông Gôrbiacốp, lên tiếng:
- Cả trong nhà anh bây giờ cũng trở nên lặng lẽ. Con chim họa mi Pôlia của anh thôi tiếng hót, ngôi nhà anh trống không. Mà sao mắt anh đỏ thế, anh Phêđo? Không lẽ ngồi trong cái tổ của anh, anh vừa khóc bởi nỗi cô đơn?
- Nào, đủ rồi, Glaphira, cô lập tức xua nỗi sầu đến cho tôi đấy! Tiếc Pôlia, nhưng đâu có ra lệnh được cho trái tim con người. Nó đã yêu thương. Còn đôi mắt của tôi đỏ lên là vì nguyên nhân khác. Khó ở thế nào ấy, thỉnh thoảng hơi ớn lạnh, đặc biệt về chiều. Nào vào đi, vào trong phòng, đừng đứng ở cửa thế. Ở đây gió lùa qua kẽ hở. Cứ lần lữa mãi mà không làm sao thu xếp đóng lại được tấm nỉ.
Glaphira bước gượng nhẹ mà vẫn cứ đường bệ đi theo vào phòng làm việc. Ông Gôrbiacốp đóng chặt cửa ra vào lại. Bà nấu bếp sắp sửa đến chuẩn bị bữa tối, sắp sửa khua vang xoong chảo, còn Glaphira, chắc hẳn, sẽ lại giãi bày tâm sự, thổ lộ nỗi lòng với ông Gôrbiacốp, vật nài một liều thuốc độc cho trường hợp cùng cực nhất. Thì đã từng như vậy không phải một lần...
o O o
Ông Gôrbiacốp quen biết cô Glaphira có lẽ đã chục năm rồi. Số phận đời cô cay đắng, gian truân. Cô đến Narưm để dạy học. Bấy giờ cô mới hai mươi hai tuổi. Cô đã vỗ cánh rời khỏi tổ ấm cha mẹ một cách đột ngột bất ngờ. Ông bố cô vốn là một viên chức, đã liều lĩnh toan tìm hạnh phúc ở công việc tìm kiếm vàng. Thay vào mỏ sa khoáng ở Martaiga ông rơi vào nhà tù vì những mưu chước gì đó. Đó là những mưu chước gì? Cô con gái không hay biết gì cả. Một người bạn cũ của gia đình đã bảo cho hay: «Cháu đừng tin kẻ nào hết, Glaphira. Mưu chước của bố cháu rõ cả: đó là cái nghèo. Xuất hiện các địch thủ giàu có hơn. Chúng thu cái mỏ về tay chúng, còn bố cháu - chúng đem giấu cho khuất tội lỗi của chúng. Bài học là: đừng đánh nhau với kẻ mạnh, đừng kiện tụng với kẻ giàu».
Do chỗ ngốc nghếch của mình Glaphira lao đi khôi phục lại lẽ công bằng, nhưng chẳng bao lâu sau cô nguội xỉu. Cuộc sống mà cô va chạm ngay ở những bước đi đầu tiên, đã gợi cho cô cảnh vũng nước sâu thẳm: trên mặt nước phẳng lặng như tờ, vậy mà càng xuống sâu càng tối mịt tối mờ, đáy thẳm không cùng càng thêm khủng khiếp.
Cha cô, thực ra, không phải chịu cơ cực lâu dài cho lắm. Chúa đã cho căn bệnh thương hàn đến đón ông trước đấy trong bệnh viện của nhà tù. Sau đó, mẹ cô cũng chỉ sống thêm được hai tuần lễ. Glaphira còn lại một thân một mình như con chim nhỏ còn chưa mọc đủ lông cánh trong cái tổ ấm bị tàn phá. Tất nhiên, đủ các hạng cố vấn liền tới tấp từ tứ phía sà ngay tới. Con phải làm thế này, còn thế kia thì, hỡi cô bé thân yêu, đừng có làm. Nhưng chẳng bao lâu, té ra là các vị cố vấn ấy tụ họp tới khuyên dạy cô đâu có phải không công, đâu chỉ cần một lời cảm ơn. Một số vị bắt đầu nhòm ngó bàn ghế trần thiết, số khác quan tâm đến tủ quần áo của mẹ cha cô, số thứ ba với thái độ thèm thuồng trắng trợn nhòm ngó cô, ướm đặt cô vào vai nhân tình nhân ngãi, số thứ tư trổ hết tài ba làm ra bộ các vị bảo trợ vô tư của cô, trơ tráo mò vào lục các ngăn của cha cô, cố công tìm bới xem ông viên chức già đã từng phục vụ ở sở thuế tiêu thụ gần bốn chục năm còn để lại ít tiền nong nào chăng ở nhà băng, hoặc các giấy tờ có giá trị. Nhưng than ôi, cái món kiếm chác được hóa ra là nhỏ mọn đối với những kẻ có những mưu đồ tăm tối. Đồng hồ vàng, bộ complê, cái can chạm bạc. Tiền nong cả ở nhà băng, cả trong các giấy tờ giá trị đều không có gì. Ngược lại: còn lại các món nợ. Người ta tịch biên của cải, nhanh chóng bán đi, nhưng cả cái đó cũng còn ít không đủ để trang trải các món nợ về những chuyện mua bán khó hiểu mà người cha cả tin của cô đã dính líu.
Đến lúc này thì Glaphira liền lao đến Narưm, miền xa xăm chưa từng biết. Mọi cái cô đều chán ngán, mọi chuyện cô đều thấy đáng ghét. Sau khi học qua loa khoa sư phạm thuộc trường giáo học ở Tômxcơ, cô thi được bằng làm giáo viên trường dòng. Cô thi xuất sắc. Là một cô gái có khả năng, đầu óc biết suy nghĩ, thêm vào đó, sự chuẩn bị về mặt kiến thức chung đã cho phép cô thậm chí có thể khá hơn những người khác học trường trung học. Cô đã tốt nghiệp một cách trôi chảy, thầm mơ ước dần dà có thể được về Pêtécbua học trường nữ sinh cao đẳng Bêxtugiép, mà có thể, thậm chí liều lĩnh tìm sang cả Duyrích hay Luân Đôn, nơi đã từ lâu lắm rồi phong trào giải phóng phụ nữ đang diễn ra sôi nổi, các cô gái đã được ngồi trên ghế các trường đại học bình đẳng với con trai.
Nhưng mơ ước của cô đã sụp đổ nhanh chóng và vĩnh viễn. Narưm đã đón tiếp cô một cách nghiêm khắc, ác nghiệt, mà kể ra thì nó đã từng đón tiếp như vậy đâu chỉ một mình cô. Trường học được mở trong một căn nhà cũ kỹ, mục nát, chủ nhà đã bỏ đi từ lâu. Bà con mugích đón tiếp cô giáo không lấy gì làm vui vẻ. Cô đem đến cho họ cái gì nào? Những mối lo toan mới, mà không có chúng họ cũng đã có không ít rồi. Của đáng tội, đôi ba người trong bọn họ, hiểu rằng tiếp sau sự đơn điệu buồn tẻ của những năm qua đi, một thế kỷ mới sẽ tới - thế kỷ của học thức - họ đã sẵn sàng giúp đỡ cô trong vài việc: lấy ván đóng bàn ghế học, vá lại những chỗ thủng ở các góc nhà, chở củi đến, là những người đầu tiên đưa con đến lớp, đi quyên góp cho cô giáo ít đồ ấm, cái bát cái nồi, chút ít thức ăn...
Mùa đông năm ấy lạnh giá khủng khiếp và bão tuyết liên miên. Dù có đốt bao nhiêu lửa, thiêu bao nhiêu củi, vẫn không giữ được hơi ấm. Vào những ngày như vậy - mà có lúc Glaphira có cảm giác, những ngày như vậy cứ nối tiếp không cùng, không hiểu từ đâu cứ kéo đến mặt đất để vĩnh viễn trao cô vào tay cái băng giá tàn nhẫn này, - trẻ con không đến trường học, bản thân căn nhà gỗ trường học lút sâu ngập đến tận ống khói trong tuyết. Mặc lên người tất cả đồ ấm có thể tìm ra, Glaphira ngồi nép sát vào bên bếp lò, sợ hãi không dám rời nó ra nửa bước, không dám ló ra khỏi cửa. Tuyệt vọng vì rét và đói, cô đã toan bịt ống khói lại khi than còn nhả thán khí. Bước tính toán đơn giản: hít thán khí và thiếp đi vĩnh viễn. Nhưng trong căn nhà gỗ này, ngạt thán khí cũng không nổi. Những luồng gió lùa đã thổi bay hết thán khí, và cô đã mắc phải chứng đau đầu nặng nề và chán ngán.
Vào đúng những ngày nguy kịch ấy trong cuộc đời của Glaphira, ông Gôrbiacốp đã làm quen với cô. Cái làng mà cô gái đến dạy học, nằm trên đường giữa Parabên và Narưm.
Một lần, ông Gôrbiacốp từ Narưm trở về nhà. Đến đêm trời lại nổi bão tuyết, băng giá càng mạnh thêm. Không dám liều đi tiếp, Gôrbiacốp dừng lại nghỉ đêm tại nhà viên trưởng thôn. Về chuyện có cô giáo đến làng dạy học ông đã được nghe nói đến và lần này lấy làm mừng có dịp làm quen với cô.
Lấy hai chân đi ủng giẫm dí tuyết xuống, dùng thanh gỗ gạt tuyết sang hai bên, ông Gôrbiacốp mở đường đi đến căn nhà, khó khăn lắm ông mới mở được cửa và lách vào nhà. Glaphira nằm ở góc nhà sau bếp lò nguội lạnh, không còn biết ngày giờ và nắm chắc là giờ phút chót đời của cô đã dịch đến gần rồi. Ông Gôrbiacốp lao trở lại nhà viên trưởng thôn, nơi ông gửi các đồ nghề thầy thuốc và túi thuốc. Khi trở lại với cô giáo, ông thấy cô đã ngồi dậy. Glaphira làm ông kinh ngạc bởi cái bộ dạng kiệt sức của cô. Đã ba ngày rồi cô không ăn không uống. Cái chết đói trong căn nhà gỗ lạnh giá cô thấy còn ít khủng khiếp hơn là cuộc sống ở nơi vùng đất băng giá này, giữa những con người không quen biết, không hiểu và xạ lạ.
- Cô bị mất hoàn toàn nghị lực rồi đấy, cô gái đáng mến ạ! Cô cần phải trấn tĩnh lại, giũ sạch nỗi chán chường đi. Ở đây, ở Narưm này, không chỉ có thú, mà còn có cả những con người. Mà trong số họ có cả những con người ở lại đây một cách tình nguyện, do chính kiến của mình. Và cô cứ hình dung xem - họ không chỉ có những nỗi đau xót và u buồn, mà có cả những niềm vui kia. Phải, phải, những niềm vui... Một trong số người ấy đang ngồi trước mặt cô.
Glaphira nghe ông Gôrbiacốp một cách lơ đãng, dửng dưng, nhưng không chỉ có lời lẽ của Gôrbiacốp mà chủ yếu là thức ăn ngon lành mang từ nhà viên trưởng thôn đến dần dà đã đem lại sức lực cho cô.
Ông Gôrbiacốp ở lại cho đến khi Glaphira trở lại tình trạng sức khỏe bình thường và đi lại được, cho đến khi bà con mugích chở củi và khuân đến cho cô các đồ ăn thức uống, cho đến khi dân làng bốc hết những đống tuyết phủ kín căn nhà gỗ của cô.
Rồi một tuần sau ông Gôrbiacốp lại trở lại đây. Glaphira đã bình phục, ngượng ngùng đón ông, sợ không dám nhìn vào mắt ông. Ông Gôrbiacốp không một lời nào nhắc nhở đến chuyện đã qua, không một tiếng nào tỏ ra răn dậy và khuyên nhủ. Ông kể lại một cách tin cậy và đơn giản cho cô nghe về bản thân mình, về nỗi bất hạnh của mình cách đây ít lâu, về đứa con gái Pôlia côi cút của mình, mà từ nay đối với ông quí giá hơn hết thảy trên đời, về lời thề nguyền đã nung nấu tâm can ông: sống cho đến trọn đời ở đây, ở Narưm này, ở bên cạnh ngôi mộ vợ và sẽ không làm tủi hương hồn bà bằng bất cứ điều gì - cả lời nói cũng như việc làm.
Sự tin cậy ấy của Gôrbiacốp đối với một con người ít quen biết đã làm rung động tâm can Glaphira.
- Ông là người anh trai của tôi, ông Gôrbiacốp ạ. Người anh trai cùng nỗi bất hạnh! - Glaphira thốt lên. - Tất cả những gì ông làm khi ấy, khi cái chết đã đứng bên đầu giường tôi, mỗi người cao thượng đều có thể đã làm. Nhưng chỉ là người anh em mới có thể giãi bày những điều sâu kín của lòng mình cho người khác một cách chân thành vô biên đến như vậy.
Glaphira òa khóc, và gương mặt gầy gò của cô đột nhiên trở nên rạng rỡ, trang trọng đến đau đớn và đáng yêu không tả được. Gôrbiacốp lặng đi, cảm thấy những cơn co thắt cũng đang chẹn lấy cổ ông.
Từ cuộc gặp gỡ đó, giữa họ hình thành những quan hệ quả thực là rất hiếm khi xảy ra: những quan hệ cởi mở, chất phác, gần như ruột thịt. Họ thỏa thuận xưng hô với nhau bằng anh em và gọi nhau bằng tên. Bây giờ họ biết về nhau hầu như tất cả mọi chuyện. Phải, hầu như tất cả mọi chuyện, nếu không kể điều bí mật thiêng liêng mà Gôrbiacốp nắm được với tư cách là ủy viên Ban chấp hành đảng bộ bônsêvích bí mật ở Narưm, là đầu mối nắm trong tay tất cả các đường dây liên lạc của Đảng, trải từ các làng Narưm đến thủ đô của đế quốc Nga - Pêtrôgrát và đến nhiều thành phố các nước khác, những nơi mà các nhà cách mạng bônsêvích Nga đang tạm lánh.
Thành thực ra mà nói, thì sau khi đặt những mối quan hệ chân thành với Glaphira, ông Gôrbiacốp đã nhiều lần nghĩ tới chuyện làm cho cô quen với các ngọn nguồn của tư tưởng và hành động cách mạng của Đảng. Glaphira là nạn nhân trầm trọng của sự bất công xã hội. Tình cảm và suy nghĩ của những người cùng khổ gần gụi và dễ hiểu đối với cô. Còn với ông, Gôrbiacốp, thêm vào đấy nữa, trên đoạn đường giữa Narưm và Parabên này đang thiếu một người của mình, có khả năng cho nương nhờ, sưởi ấm, đảm bảo an toàn cho đồng chí này hay đồng chí khác chạy trốn theo quyết định của đảng ủy bí mật.
Chính vì vậy mà thỉnh thoảng đến thăm Glaphira, Gôrbiacốp lần nào cũng cố gắng khêu gợi ở cô sự quan tâm đối với cuộc sống xã hội, kể lại các sự kiện ngoài mặt trận, tâm trạng binh lính, ông không lựa chọn những từ ngữ quá ư thận trọng, khi cần phải phê phán chính phủ Nga hoàng về sự bủn xỉn, về những khoản chi bần tiện mà chính phủ bỏ ra cho trường học và bệnh viện. Và ở Glaphira qua biểu hiện của cặp mắt đôi khi sáng rực lên, qua thái độ cô hăng hái ủng hộ các ý kiến nhận định của ông, Gorbiacốp có cảm giác rằng ông đang tiến gần đến mục tiêu tuy có chậm nhưng đúng: Glaphira dần dà đi đến chỗ tham gia một cách có ý thức vào cuộc đấu tranh cách mạng.
Nhưng thực ra Gôrbiacốp còn xa chân lý đến chừng nào! Ông thậm chí không thể hình dung ra được là sự xuất hiện của ông bên Glaphira đã khơi dậy trong cô một nếp tình cảm và suy tư hoàn toàn khác hẳn. Những lần ghé thăm ngắn ngủi và khá hiếm hoi của ông càng tô đậm thêm nỗi cô đơn trong tâm trí cô, nỗi cô đơn giày vò cô mỗi ngày một mạnh hơn. Mỗi lần ông ra về cảm giác bơ vơ bó tay khủng khiếp trước những đòn giáng của cuộc sống khắc nghiệt, những đòn giáng đe dọa cô từ bất cứ phía nào mà cô định bước tới, trải ra trước mắt cô càng thêm rành rọt hơn.
Và Gôrbiacốp còn khơi lên trong cô một tình cảm nữa: bản năng của người phụ nữ còn chưa trở thành người vợ và người mẹ, nhưng khao khát kêu gọi người ấy thực hiện tiếng gọi của thiên nhiên. Gôrbiacốp thậm chí cũng không ngờ rằng Glaphira có cảm tình sâu sắc với ông như với một người đàn ông và cô đã phải tốn nhiều công sức kìm mình để khỏi thổ lộ với ông điều thầm kín nhất của đời mình. Gôrbiacốp, con người thông minh sắc sảo và toàn vẹn ấy, còn không biết một chi tiết vô cùng quan trọng nữa: không phải chỉ một mình ông để ý đến Glaphira, mà cả những người, nếu có thể nói như thế được, những người của phía bên kia, cũng chú ý đến cô.
Vào ngày lễ trong tuần đại trai, một cha đạo cùng với thầy trông coi đồ đã từ Narưm về làng, nơi Glaphira ở. Thu hút đám học trò tham gia vào lễ rước thánh thể, cha cùng với thầy phụ lễ không thể không chú ý đến cô giáo lặng lẽ, nhưng đầy vẻ tự hào. Thầy trông coi đồ lễ Vônhiphati đặc biệt có cảm tình đối với cô giáo. Ông ta không còn trẻ trung gì, hơi nặng tai, khi ra ngoài trời mắt nheo như thong manh dở, nhưng hoàn cảnh con người độc thân, dù sao cũng đã đạt được một cái gì đó, cho phép ông ta cư xử với một thái độ khá tự tin trên sóng gió đường đời.
Cuộc đời, những con sông con suối của đời vốn kỳ quặc đỏng đảnh, và chẳng ai biết trước, chúng sẽ ngoặt dòng và nổi sóng ở chỗ nào, ra sao và vì sao. Và trong câu chuyện này cũng xảy ra như vậy. Thầy giữ đồ lễ Narưm Vônhiphati đột ngột đứng trước khả năng nhận được chức sắc thầy trợ tế. Chuyện cưới xin buộc phải lo gấp, bởi vì theo các giáo điều kẻ hầu chúa ở chức sắc như vậy không thể được chấp thuận trong tình trạng độc thân.
Vôniphati không phải đắn đo lâu. Từ Narưm đến nhà Glaphira ngựa tốt phóng chỉ mất hai giờ đồng hồ. Nỗi kinh hoàng Vônhiphati gây cho người mình lựa chọn thật là nặng nề. Glaphira bỏ chạy ra khỏi làng, vào rừng, và ở đó, nhìn lên bầu trời lạnh lùng, hờ hững, nước mắt đầm đìa và đau khổ cô quyết định tương lai cuộc đời mình. Nếu không nói gay gắt hơn, Vônhiphati ít gây được thiện cảm đối với cô, nhưng - và về điều này không thể nghĩ tới mà không run sợ - ngay lập tức, chỉ sau một tuần lễ, là cuộc sống lạnh lẽo và đói khát của cô sẽ chấm dứt và trước cô sẽ dựng lên tấm lá chắn có khả năng dù đại khái chăng nữa cũng che chở cho cô tránh các đòn giáng của số kiếp cuộc đời. Chuyện tương tự thế này ở nước Nga không có gì mới, đã gần như là chuyện muôn thuở, nhưng vì thế mà ai sẽ được nhẹ gánh hơn?
Còn Vônhiphati thì gặp may ông ta không phải ngồi lâu ở chức vụ trợ tế. Do chỗ cha địa phận Parabên về theo chúa đột ngột, Vônhiphati được nhận xứ đạo.
Đến mùa xuân, đúng vào lúc nước lũ, một chiếc thuyền lớn chở của cải và người dong vào nhánh sông Parabên. Đó là đức cha Vôniphati cùng với Bà vợ đến thăm. Ông Gôrbiacốp đã biết việc Glaphira bỏ đi sang thế giới khác, xa lạ đối với ông và đáng căm ghét, và, nói của đáng tội, ông cũng không phải suy nghĩ day dứt quá nhiều về chuyện này. Tất nhiên, ông xót xa vì cái chuyện bị nhầm lẫn trong các ý niệm của mình. Nhưng điều này ngày một ngày hai cũng sẽ qua đi, như đã qua đi nhiều chuyện khác. Tuy nhiên, quỉ tha ma bắt thật, có một điều làm ông Gôrbiacốp không yên lòng: với ông, một người tai mắt trong địa phương này, thêm vào đấy lại đóng vai một thần dân trung thành với ngai vua, không thể không đến thăm đức cha mới, không tỏ ra quan tâm đến ông ta, trong cái giờ phút trọng đại ông ta lãnh chức cai quản cái nhà thờ thánh Mikhain và xứ đạo, gồm hầu như cả một vùng. Nếu không làm việc đó, thì tức khắc hành động của Gôrbiacốp sẽ được nhìn nhận một cách bất lợi cho ông, là hại cho thanh danh vững vàng của ông. Ông Gôrbiacốp suy tư, buồn bã, đi đi lại lại trong phòng; cân đi nhắc lại. Nhưng có điều là ông đã làm cuộc sống của mình phức tạp lên một cách vô ích.
Ngay ngày hôm chiếc thuyền lớn từ Narưm cập bến Parabên, vợ ông giáo sĩ trông coi bữa ăn nhà thờ đã mang mảnh thư của Glaphira chạy đến nhà ông Gôrbiacốp. Glaphira xin ông Gôrbiacốp cho phép cô đến thăm ông, và cho phép ngay lập tức ngay ngày hôm nay.
- Vâng, nếu như đức bà khó ở, thì bác Uliana ạ, bác chuyển lời cho bà, mời bà đến nếu như có thể, ngay bây giờ, - Gôrbiacốp bảo người đưa thư, vì biết rằng việc đến thăm ông y sĩ, thêm vào đấy lại được phép của ông, thì ai cũng có quyền và điều đó không gây điều tiếng gì trong làng.
Glaphira dường như vẫn đứng ở góc phố chờ câu trả lời của ông. Cô lập tức lao tới nơi. Xộc vào phòng làm việc của Gôrbiacốp và không nói với ông một lời nào, cô quì sụp xuống trước ông, òa lên khóc nức nở, cất lời, giọng kích động đến cực độ:
- Phêđo, anh đánh em đi, vả mạnh vào vì cái tội phản trắc đê mạt và hèn hạ, vì tội phung phí những nhiệt tình cao thượng của anh. Ôi những kẻ phản trắc, ôi những quân nuốt lời thề... Trên đời không có, không có giống nào kinh tởm hơn là chúng... Nào anh Phêđo, anh đánh em đi! Anh đánh đi rồi anh tha thứ cho em. Em đã hoảng sợ cuộc đời, hoảng sợ đấu tranh... Nào anh bảo cho em biết, anh khinh em phải không? Khinh em ư?
«Thần kinh... con bệnh tâm thần điển hình... cũng may, rất may là mình không lôi kéo cô ta vào công tác bí mật... Trong giây phút khó khăn cô ta có thể tiết lộ, gây ra tai họa, phá vỡ hết cả tổ chức», - nghe giọng nói kích động của Glaphira, Gôrbiacốp thầm nghĩ.
- Glaphira, đứng dậy nào, và cô ngồi xuống đây, - Gôrbiacốp nói một cách kiên quyết, tính toán làm thế nào để cô ta không trở nên đối lập chống lại ông và đồng thời cũng lại bảo toàn công tác bí mật của mình cho cách mạng, cho đảng.
Glaphira ngồi lên ghế, vẫn còn thút thít và cầm tấm khăn bằng batít sức nước thơm che khuôn mặt đầm đìa.
- Glaphira, cô nghe điều tôi nói với cô đây: ai có thể sống và muốn sống ra sao thì tùy người ấy. Người muốn đấu tranh sẽ tìm ra môi trường hoạt động, nơi cuộc đấu tranh sôi sục. Người khao khát yên ổn sẽ tìm ra yên ổn. Cô đã hành động theo như lương tâm cô mách bảo cho cô.
- Lương tâm mách bảo ư?! Nhưng nếu cái lương tâm ấy ngày đêm cắn rứt em đây! Em biết làm gì hả anh Phêđo?! Làm gì? - Glaphira chắp hai tay lại đưa ra sau ôm lấy đầu.
Gôrbiacốp không vội trả lời.
- Làm gì ư? - cuối cùng sau khi im lặng kéo dài ông mới nói: - Sống, Glaphira, sống tiếp làm người. Mà làm người thì có thể ở bất cứ hoàn cảnh nào. Trong hoàn cảnh của cô cũng vậy. Không lẽ quanh cô không phải là người hay sao? Không lẽ họ không cần sự giúp đỡ? Chính bản thân cô đã nuốt nỗi đắng cay đến ứa nước mắt thì cô phải biết sự quan tâm giúp đỡ của người khác quí giá đến chừng nào, khi cuộc sống bẻ ngang số phận của cô, khi nỗi bất hạnh chà đạp cô...
Đưa mắt liếc nhìn Glaphira, Gôrbiacốp thấy khuôn mặt cô rạng rỡ ra, đôi mắt cô sinh động và hơi thở trở nên nhịp nhàng hơn. Ông cứ nói, nói tiếp, cố sao trong ký ức của cô mãi mãi in sâu hình ảnh đẹp đẽ bao la và lòng nhân ái của Chúa Giêxu, tuôn trào ra từ tâm khảm ông. Bởi vì trong những cuộc trò chuyện trước đây với cô ông nói ra quá nhiều những suy nghĩ qua đó không còn nghi ngờ gì về các lý tưởng xã hội của ông: ông là nhà cách mạng, ông đang cầm mai đào không mệt mỏi huyệt sâu để chôn vùi cái thế giới cũ này. Bây giờ đòi hỏi phải làm nhòa đi ít nhiều những ý kiến phán xét của mình, nhuốm chúng thành các công thức mập mờ của chuyện thông cảm giữa những người đau khổ và điêu linh, nhưng cũng không đẩy xa người phụ nữ đi, không làm tổn hại mối thiện cảm chân thành của cô ta đối với mình. Muốn gì thì gì, sống hòa thuận và thân ái với cô ta, ông có thể trông mong, nếu không phải vào sự giúp đỡ trực tiếp của cô ta, thì cũng vào sự thông cảm đồng tình gián tiếp trong một số công việc. Ngay cái việc ông sẽ biết được trong nhà của cha người ta làm gì, những tin tức gì từ tất cả mọi điểm khác nhau của vùng đất rộng lớn chảy đến đấy, cũng không phải không giá trị!
- Cô biết không, Glaphira, tôi hài lòng là cô không còn phải sống độc thân nữa, mà đã có những thứ đầy đủ, ấm áp rồi. Còn thần kinh của cô thì sẽ chữa khỏi thôi. Tôi cho cô ít thuốc nước: rễ hiệt thảo, cà độc dược, lam chuông, Cô chịu khó uống. Cam đoan với cô là sẽ công hiệu...
Ông Gôrbiacốp lôi trong tủ con ra một cái chai nhỏ đựng thuốc và trao cho Glaphira.
- Anh là thiên thần của em, anh Phêđo! - Cô nhảy tâng tâng, hôn vào bên má mọc đầy râu cứng quèo và sực mùi thuốc lá của ông, bắt đầu mời ông đến chơi.
- Anh cứ đến tự nhiên, thế nào cũng đến và không khách sáo gì hết... Vôniphati dù là cha cố đấy, nhưng đâu phải là thánh, cũng thích chén chú chén anh. Còn em thì em sẽ vui biết chừng nào. Với em anh là ánh sáng duy nhất trên cửa sổ ở nơi đây...
o O o
Từ cái lần đầu tiên Glaphira đến thăm tới nay đã trải qua biết bao thời gian. Không phải một, hai lần nữa mà thôi, cô tìm đến ông Gôrbiacốp nhờ cậy che chở cho cô trước cuộc sống phè phỡn và ngu độn. Những cơn hối hận tuyệt vọng, những nỗi u sầu, những chuyện phát giác ra Vônhiphati như một tên bợm nhỏ nhen, nhiều khi hành hạ cả đám con chiên tăm tối và cả tin, lòng căm ghét dữ dội đối với «sự phản trắc» của mình không cản trở cô tổ chức các bữa ăn trưa ăn tối ầm ĩ, thức ăn thức uống tràn trề, có mặt đủ các quan khách giàu sụ cũng như các vị chức trách cảnh sát ở Narưm, tổ chức ca hát có đệm đàn ghi ta các bản tình ca và ca khúc Xưgan nội dung khá là phóng túng.
Mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của Glaphira, Gôrbiacốp đều biết trước tất cả mọi người. Đôi khi sự tin cậy của bà cố trẻ đặt ông vào tình trạng khó xử, ông phải giấu nỗi bối rối của mình dưới thái độ bình thản giả tạo, nhưng ông không thể để mất đi những quan hệ này, một tấm màn che chở tốt như vậy cho các hoạt động của mình.
Cha Vôniphati biết rằng bà vợ ông ta ngưỡng mộ ông y sĩ ít lời, vẻ ngoài cau có này, nhưng không hiểu vì sao đó ông lại không ngờ vực gì ở lòng cao thượng của ông Gôrbiacốp và không chỉ không ghen tuông gì ông vì nàng Glaphira yêu quí, mà còn vui mừng và hài lòng, khi vời được ông Gôrbiacốp đến nhà chơi một hai giờ đồng hồ. Mọi chuyện đó được giải thích rất giản đơn thường tình: không phải bất cứ ai cũng có thể chung sống dưới một mái nhà với con người tính khí thất thường, đồng bóng như Glaphira. Thì ra, ông cha vẫn lập luận theo đạo lý cổ xưa: mặc trẻ muốn đùa nghịch thế nào cũng được, miễn là đừng có khóc...
...Lần này, ông Gôrbiacốp đã đoán nhầm: Glaphira không định giãi bày tâm sự gì với ông. Chuyện hóa ra lại tồi tệ hơn nhiều.
- Anh Phêđo, em mang tin không vui đến cho anh.
«Không lẽ có chuyện gì lọt ra có liên quan đến cuộc chạy trốn của Akimốp?» - ông Gôrbiacốp thoáng nghĩ, và ông liền chú ý đề phòng.
- Glaphira, cô định làm tôi kinh ngạc về điều gì thế? - giấu nỗi hồi hộp dưới nụ cười, ông Gôrbiacốp hỏi, cố không để Glaphira nhìn thấy đôi mắt lo lắng của mình.
- Vôniphati nghe một mụ ở Gôlêsikhinô xưng tội. - Glaphira nói. - Chuyện này chuyện nọ. Hỏi gì, mụ cũng chỉ trả lời có một điều: «Thưa cha, con có tội, con có tội». - «Ừ, - Vônhiphati hỏi, - con dối trá chăng?» - «Con đã dối trá, - mụ ta nói, - thưa cha, con đã dối trá». Đáng ra mụ nói thế là đủ, cái mụ ngu ngốc ấy. Đằng này lại không, bắt đầu kể đầu đuôi xuôi ngược... Mụ nói: «Con đã nói không đúng sự thật với ông cảnh sát, khi ông căn vặn con về chuyện tên tù trốn từ Narưm. Con có nhìn thấy hắn, thấy hắn lần mò qua các bụi thùy liễu, con còn nhìn thấy hắn lần khác nữa: cái ông lưu đày Phêđốt đã dẫn hắn đến rừng bá hương phía ngoại Bônsôiê Nhêxtêrôvô, Cả hai, - mụ nói, - đều đi bàn trượt tuyết, mang súng».
Glaphira im lặng, húng hắng ho không lấy gì làm tự nhiên cho lắm, lấy khăn lau đôi môi. Ông Gôrbiacốp có cảm giác cô ta cố ý làm việc ấy, cho ông có điều kiện suy nghĩ về sự cố này.
- Thế thế, thế đấy Glaphira! Rồi sao nữa, - ông Gôrbiacốp hỏi, giọng vui vẻ, đi đi lại lại trong phòng và hút tẩu.
- Còn mọi chuyện tiếp theo, anh Phêđo, anh có thể hình dung ra: Vônhiphati về tới nhà tất nhiên là bắt đầu bàn tính: có nên nói lại cho ông cảnh sát không nhỉ? Có thể, mụ đàn bà ba hoa không phải bâng quơ. Có thể, người ta bày trò kiểm tra ông ấy chăng? Ông ấy bảo, ở Narưm này, người của ty cảnh sát mỗi làng có tới dăm nhân viên mật vụ chứ không ít.
- Về chuyện này thì ông Vônhiphati nói đúng đấy, hoàn toàn đúng. Nhân viên mật vụ có quá đủ. Nhưng ông ấy ngờ vực mụ đàn bà là uổng. Phải thuyết phục ông ấy về chuyện này, Glaphira. Mụ nói nhăng nói cuội do chỗ quá nhiệt thành, trong cơn kích động xưng tội. Với những loại người tâm thần thường xảy ra như thế luôn. Tôi với ông Phêđốt đi bàn trượt tuyết đấy chứ. Chúng tôi đi săn gà rừng ở các rừng bá hương ngoài Bônsôiê Nhêxtêrôvô. Thế mà mụ lại nói: tên trốn tù!
- À ra thế kia đấy! - Glaphira thốt lên, nhưng qua ánh mắt của cô thì Gôrbiacốp hiểu ra rằng cô ta không lấy gì làm tin ông. - Nhưng dù sao đi nữa, anh Phêđo, em cũng quyết định báo cho anh biết. Nếu người trốn tù quả thực được anh che chở, thì anh với người ấy phải cẩn thận, - Glaphira nói tiếp, hạ thấp giọng.
- Cám ơn cô, Glaphira, nhưng có điều tôi nói thành thực với cô: tôi chẳng có quan hệ gì đối với những người trốn tù. Chính cô cũng biết đấy, không có chuyện ấy công việc của tôi cũng ứ tận cổ, còn những người đi đày thì hầu như ngày nào chẳng bỏ trốn. Còn cái anh trốn tù Narưm độ mùa thu có lẽ đã lần về tới các thành phố rồi đấy, Không lẽ anh ta vẫn còn chịu ngồi ở đây, vùng Parabên này ư?! - ông Gôrbiacốp khéo léo xoay người trên gót giày, búng đầu ngón tay kêu một cách ngang tàng, thay đổi giọng điệu, nói: - Mà thôi, thì kệ họ với Chúa, Glaphira, kệ cả những người trốn tù cả các ông cảnh sát! Tốt hơn là cô nói cho hay, cô sống ra sao? Hình như đã lâu rồi không nghe tiếng cô, không gặp mặt cô.
- Em đang lo thu xếp tổ chức mừng sinh nhật của Vônhiphati, anh Phêđo ạ, Em hi vọng rằng anh sẽ không quên bớt chút quan tâm tới ông ấy?
- Sao cô lại nói vậy, làm sao có thể như thế được! Thế ngày nào nhỉ, nếu như không phải là bí mật.
- Vào ngày chủ nhật. Đúng hai giờ trưa. Anh đừng quên đấy. Mà anh có quên em sẽ nhắc. Anh nhớ nhé. Không có anh là mọi người không ngồi vào bàn đâu đấy.
- Thế khách khứa có nhiều không, Glaphira?
- Anh Phêđo ạ, sẽ có các vị khách lớn đấy. Mặc dù hiện thời cái đó còn là bí mật, nhưng mọi người đều hồi hộp ghê gớm, đặc biệt là anh Vônhiphati. Đức giáo chủ sẽ đến đây thật không đúng lúc. Mà người ta bảo, người không phải đi một mình. Cùng với người có cả cảnh sát trưởng huyện. Thế là buộc phải mời cả ông ta. Vônhiphati vừa nhận được tin từ Cônpasêvô.
- Lẽ đương nhiên! - ông Gôrbiacốp thốt lên và im lặng một chút, nói thêm: - Vậy thì, Glaphira, xoay xở đi, đừng để mất mặt trước các nhân vật quan trọng. Thành thực mà nói, cả tôi cũng chưa từng có mặt trong một đám quí khách như vậy. May mà cô nói cho tôi biết. Chứ không thì khéo tôi lại tha đôi ủng thường, mặc áo da thuộc như chỉ có người nhà với nhau. Tôi sê chú ý.
- Nhưng anh đừng có thổi phồng quá, anh Phêđo! Một thời gian em đã quan sát chán đám cử tọa này ở nhà bố em. Và cũng khóc hết nước mắt. Thường xảy ra chuyện, họ uống say, họ sán đến...
- Thì bấy giờ cô là cô gái không ai che chở, còn bây giờ, - là phu nhân rồi, lại là bà cố.
Glaphira bật dậy, xua hai tay, trong đôi mắt cô bùng lên những đốm lửa dữ dội.
- Anh chớ khơi lại, anh Phêđo, làm đau lòng, đừng chạm vào những vết thương!
Ông Gôrbiacốp lặng thinh, cúi đầu hối lỗi, rõ là ông đã chạm phải không đúng sợi tơ lòng. Glaphira vội ra về. Ông Gôrbiacốp giúp cô mặc áo ấm, đi ra hiên cửa, chia tay chúc cô mọi điều tốt lành nhất. Cô quay lại nửa người, nhắc:
- Hẹn chủ nhật đấy, anh Phêđo.
o O o
Glaphira vừa khuất sau các đống tuyết, ông Gôrbiacốp vội mặc áo lông lửng, đội mũ lông, đi găng và ra ngoài sân. Ở đây, ở trong cái nhà kho nho nhỏ, trong đống củi, có gộc cây đục rỗng lòng. Nó đã đợi giờ phút của nó quá lâu. Cuối cùng thì giờ phút ấy đã tới.
Chà một ngày mới đáng nhớ làm sao, mãi suốt đời không thể quên được! Thoạt đầu một cuộc đụng độ với viên cảnh sát, sau đó là vợ cha cố xuất hiện với những tin tức không vui. Đã bao nhiêu năm trời ông Gôrbiacốp đi trên lưỡi dao, nhưng tình trạng hiểm nghèo như thế này còn chưa bao giờ gặp phải. Tất nhiên có thể sự việc sẽ dịu đi thế nào đấy, nhưng ông sẽ không ngồi bó tay. Một khi kẻ thù còn chưa có được những chứng cớ chính xác về công việc bí mật của ông, cần phải làm cho mình an toàn khỏi vướng vào những sự phức tạp khác có thể. Và điều quan tâm đầu tiên của ông là các giấy tờ.
Ông Gôrbiacốp thận trọng lấy giấy tờ từ trong cái ve đựng thuốc ra, đem vuốt phẳng trên đầu gối, đọc lướt qua, sau đó cuốn lại vừa cái lỗ hổng trong gộc cây bạch dương.
Đây, ông mở một cuốn vở học trò, đưa mắt lướt qua các dòng chữ ngoằn ngoèo khó đọc bằng mực xanh. Đây là biên bản hội nghị đảng của những người bônsêvích Narưm. Bấy giờ ở hội nghị này cả bọn mensêvích, cả bọn cách mạng xã hội, cả bọn dân chủ lập hiến đều bị một đòn nặng. Cả những kẻ a tòng của chúng - những tên cơ hội đủ các màu sắc - cũng không quên được. Nụ cười thoáng nở ra trên môi ông Gôrbiacốp. Ông nhớ lại ngay một số chi tiết của cuộc hội nghị đáng ghi nhớ này. Cuộc hội nghị diễn ra trong một hai ngày: thoạt đầu ở trong khe núi sau làng dưới hình thức một cuộc vui chơi, rồi sau đó ở căn nhà một đồng chí ốm. Trong khi mọi người phát biểu, ông ngồi mặc áo choàng trắng, tay cầm ống nghe, sẵn sàng nhận trách nhiệm trong bất cứ giây phút nào. Kể ra, cửa dự phòng qua cái nhà hầm ngỏ cũng sẵn sàng. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp. Cả những viên chức cảnh sát công khai, cả bọn mật vụ của chúng, cả các địch thủ tư tưởng của những người bônsêvích thuộc các đảng phái khác đều chẳng hay biết gì về cuộc hội nghị xảy ra. Mà hội nghị này thật cực kỳ quan trọng. Không chỉ ông Gôrbiacốp, tất cả các đại biểu tham gia hội nghị ra về trong lòng đều hoàn toàn sáng tỏ về các vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống: chiến tranh, hòa bình, cách mạng. Dù đường tới Narưm có xa xôi cách trở biết bao nhiêu, nhưng ở đây cũng nhận được các tin tức chính xác về Hội nghị Đảng ở Praha, về các hội nghị Cracốp, và Pôrôninô của Ban chấp hành Trung ương với các cán bộ Đảng.
Để cuốn vở ấy vào lỗ hổng ở gộc cây, ông Gôrbiacốp vớ một cuốn vở khác. Ồ, chính quyền hiện nay hẳn không tiếc tiền của để có được cuốn vở mỏng này: ở đây có tất cả các địa chỉ, các chỗ liên lạc và các đảng ủy, mà những người bônsêvích Narưm vẫn liên hệ. Địa chỉ viết bình thường, mặc dù nấp dưới tên các hiệu thuốc. Cuốn vở mỏng manh này mà rơi vào tay kẻ thù thì chúng hẳn có thể đã khai thác ra được nhiều điều để gây tội ác chống cách mạng.
Khi tất cả giấy tờ đã xếp đặt xong, ông Gôrbiacốp đậy chặt nắp. Những mảnh vỏ bạch dương cũ kỹ, nhưng chắc chắn đã che kín vết khoét. Gộc cây chẳng có gì khác một gộc cây. Những gộc cây như thế này sân nhà nào mà chẳng đầy ra.
Bây giờ cần đem gộc cây này ra nhà kho và nhét nó vào bên đống củi bạch dương khô ở trong góc, giữa đống gỗ gẫy hỏng đã tích lũy lại trong bao nhiêu năm rồi. Ông Gôrbiacốp đã thấm mệt, bả vai nhức nhối, mạng sườn mỏi rời, đầu đau ong ong. «Đợi đến sáng mai chăng? Lúc này ở nhà kho tối lắm», - một ý nghĩ mê hoặc thoáng qua và ông muốn đi nằm ngay mà thiếp ngủ. Nhưng cảm giác tai họa đang đến gần mà ông đã có từ lúc chạm trán với viên cảnh sát vẫn canh cánh. Những tin tức đáng lo ngại mà bà vợ ông cố đạo đem đến, cũng không làm ông vui. «Không, không, Phêđo, việc này không thể trì hoãn được. Phải làm ngay tức khắc», - ông tự bảo mình và ông mệt mỏi đưa bước ra phòng ngoài.
Trên cái giá gỗ cạnh bếp lò có chiếc đèn lồng. Ông Gôrbiacốp châm đèn, mặc áo lông, đội mũ lông, trở lại phòng làm việc lấy gộc cây. Ông cắp nách gộc cây, lấy vạt áo lông che cây đèn nhấp nhảy, bước ra hiên nhà. Sân nhà ông được bao bọc bằng một tường rào gỗ có trát cành nhỏ trộn rơm, như sân mọi nhà ở vùng Narưm. Nhưng cửa rào ra vườn rau bỗng mở toang, và luồng gió tuyết thốc qua đấy như thốc vào ống khói. Gió đập vào ngực ông té tát, tuyết lạnh buốt. Chùi mặt vào cổ áo, ông Gôrbiacốp lần mò trong đêm tối bưng tối bít tìm ra tới nhà kho. Ở đây sau bức tường gỗ dán gió không đáng sợ. Ông Gôrbiacốp đặt cây đèn lên đống củi, để gộc cây xuống đất. Dùng rìu, ông dọn sạch một chỗ ở góc nhà để đặt cái gộc cây, chính cái chỗ mà trước đây nó đã nằm chờ đợi giờ phút của nó, sau đó cũng lại dùng rìu ông dồn rác rưởi vùi nó đi. Nhìn quanh trong bóng tối, ông Gôrbiacốp ném thêm mấy khúc củi khô vào góc nhà và, sau khi tắt đèn, ông đi trở lên nhà.
Bước lên hiên cửa, ông Gôrbiacốp dừng lại. Bão tuyết vật vã gầm rú, rên rỉ, khóc lóc. Đâu đó xa tít đầu kia Parabên, có tiếng chó sủa điên loạn. «Hẳn là chó sói lang thang quanh nhà», - ông Gôrbiacốp nghĩ bụng.
Ông đóng cửa cài then ngoài phòng đệm, bước vào nhà trong, thoạt đầu tắt đèn ở phòng ngoài, rồi sau đó ở phòng làm việc và, cảm thấy thèm hơi ấm, bèn leo lên mặt bếp lò Nga, cười nghĩ thầm: «Người anh em ơi, tự liệt vào hàng các ông già khí sớm đấy. Ông Phêđốt chưa nhường chỗ đâu. Ở đây, trên mặt bếp lò Nga này, thật là thần tiên, thiên đường, ấm áp thật sự cho tâm hồn và thể xác».