Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 7
K
hông trở lại Sài Gòn, theo đề nghị của nhà báo Davis, ngày mai hai chúng tôi sẽ cùng xuống Ban Mê Thuột dự Đại hội Thượng vụ do tướng Trị tổ chức. Đại hội được sửa soạn gấp rút nhưng đủ mọi lễ nghi và liên hoan. Buổi khai mạc, ngoài Thủ tướng là một ông Tướng, còn có đông đủ chánh khách ngoại giao đoàn và đặc biệt là cả ông Đại sứ Mỹ. Tướng Trị có vẻ thành công trong chánh sách thoả hiệp mềm dẻo, trái hẳn với đường lối cứng rắn thẳng băng của tướng Thuyết. Lại cũng vẫn tái diễn hơn một lần cảnh giết trâu ăn thề và những nghi thức tỏ lòng trung thành với chánh phủ Sài Gòn. Với sự họp mặt đông đủ của đại diện hơn ba mươi sắc dân rải rác trên khắp lãnh thổ, đó là một sự kiện hiếm có và cũng là công lao của viên thiếu tá Y Ksor trong cố gắng tiến tới chỗ hàn gắn. Cử toạ đã phải đặc biệt chú ý tới bài diễn văn đọc bằng một giọng bùi ngùi đầy nước mắt của Nay Ry, một nhân sĩ Thượng. Ông thống thiết nói lên cái cái ước muốn tuyệt vọng để tồn tại trong cộng đồng Kinh Thượng cùng với sự cần thiết vẹn toàn lãnh thổ. Vết thương nào cũng là một thảm kịch gói ghém trong sự tráng lệ của chữ nghĩa văn chương. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, trải qua bao nhiêu biến đổi tang thương, cho đến cả mỗi người Thượng cũng không còn chút gì gọi là nguyên vẹn nữa. Giữa một cuộc chiến kéo dài 25 năm còn cả những vận chuyển của một thảm kịch và âm mưu kéo dài hàng thế kỷ. Tôi tự hỏi liệu còn phải đổ thêm bao nhiêu máu và nước mắt để có một cuộc sống canh tân ở cao nguyên. Hình ảnh mờ nhạt của tướng Trị giữa lố nhố những người lính Mũ Xanh Mỹ không đủ thắp sáng niềm hy vọng đó. Tôi nghĩ tới tướng Thuyết đang ngự trị ở miền Trung và huyền sử xoay quanh đường lối cai trị bằng bàn tay sắt bọc nhung của ông. Xem ra ông là một cần thiết cho nhiều người nuôi hy vọng xây dựng đó. Trước khi trở lại Sài Gòn, tướng Trị đã huy động một đại đội thiện chiến gốc Rhadé lặn lội vào rừng lùa thú săn cho phái đoàn chánh phủ. Ông Tướng Thủ tướng vốn thích săn cọp, những con cọp bị xua đuổi thất thế tới trước những họng súng. Viên Trung tá phòng Năm đã theo bén gót ông Tướng để bày tỏ sự lo lắng thiết tha tới vận mệnh mà ông cho là lâm nguy của một vùng Đất Hứa Cao nguyên. Khi kể lại, ông ta không giấu được vẻ cay đắng xen lẫn hài hước khi nói về cuộc gặp gỡ:
“Ông ấy tưởng rừng rậm cũng khoảng khoát như trời xanh nên mới bảo khi hoà bình trở lại chỉ cần hai giờ để dẹp tan lũ phiến loạn Thượng, một lực lượng ly khai mà ông coi là không đáng kể. Phải nói là tôi thất vọng, thực sự thất vọng vì hơn ai hết tôi thấy rõ mối hiểm nguy là thế nào. Không phải chỉ có bọn lính Mũ Xanh mà chính đám Trung ương Tình báo Mỹ giẫm nát cao nguyên. Mọi biến cố hay dở ở đây không thể coi đơn giản chỉ là mối bất hoà Kinh Thượng. Bọn chúng lộ liễu lắm, mua chuộc mời đám lãnh tụ Thượng tới nhà nói thẳng với họ là chính người Việt dù cộng sản hay không cũng tìm cách tiêu diệt dân thiểu số, bởi vậy chỉ còn một cách là đi tới cùng con đường ly khai của họ. Ông nhà báo có biết ai đã nói với họ câu đó không. Chẳng phải Tacelosky, viên tư lệnh LLĐB Mỹ mà là ông mục sư; nhưng lão Denman không ngờ là trong đám người Thượng tưởng đã hoàn toàn mua chuộc được lại có lẫn cả người của mình, khi trở về họ kể lại với tôi hết.”
“Thật khó mà tin, cả Y Ksor cũng tỏ lòng tôn kính ông mục sư hết sức.”
Mối hoài nghi của tôi như là một kích thích đối với viên Trung tá, ông hăng hái phân tích và trưng ra những bằng cớ:
“Phải tôi cũng nghĩ như anh nếu chỉ thấy được chiếc áo thầy tu và những hoạt động xã hội bề ngoài của ông ta. Nhưng sự thật thì rất khác, tôi dám chắc cả tướng Thuyết cũng không biết rõ điều mới mẻ này. Mối nguy hiểm cho sự chia lìa cao nguyên không phải ở một Tacelosky hung ác mà chính là bộ óc đầy tình toán trầm tĩnh của ông già Denman. Chắc anh không thể tưởng tượng được tác giả của những sáng kiến các bức thư cùng những văn kiện của phe tranh đấu đều do một tay lão ấy. Còn trường hợp của Thiếu tá Y Ksor cũng dễ hiểu, vốn là người có đạo nên lòng sùng kính ông mục sư chỉ mang nặng tính cách tôn giáo.”
“Thế còn vai trò của những ông cố đạo người Pháp?”
“Dĩ nhiên họ vẫn được cảm tình của những người Thượng nhưng chẳng thể làm được gì dù có sự trợ lực của Hội Trồng tỉa Pháp. Bởi người Thượng rất thực tế mà chánh sách của Mỹ là thứ chánh trị con nhà giàu nên họ đánh bại ảnh hưởng trăm năm của người Pháp một cách dễ dàng. Mâu thuẫn và cay cú, chính các chủ đồn điền người Pháp đã ve vãn thoả hiệp với du kích quân cộng sản và chính trong các đồn điền cao su bây giờ được coi như là khu an ninh nhất. Kẻ tử thù của cộng sản cách đây ít năm bây giờ bỗng nhiên trở thành đồng minh thân tín của họ.”
Khi tôi hỏi về cái đích xa nhất mà người Mỹ muốn đi tới ở cao nguyên thì viên Trung tá đưa ra nhận định một cách xác tín:
“Hơn sáu mươi trại LLĐB là những miếng mồi ngon tung ra giữa một hoang địa thiếu ăn, nó quyến rũ người Thượng xúm lại như những đàn kiến, phần lớn dân số quy tụ ở đấy được người Mỹ nuôi ăn, mộ lính tổ chức thành những đội Dân sự Chiến đấu và hoàn toàn ngoài quyền kiểm soát của chánh phủ. Đó là những thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung khi đụng một tia lửa nhỏ, một ngày đẹp trời nào đó người Mỹ sẽ mồi tia lửa này, chúng ta sẽ đứng trước một sự kiện đã rồi vô phương cứu chữa. Rất có thể một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với sự giám sát quốc tế và anh biết chắc chắn kết quả sẽ thế nào.”
“Rồi làm sao nữa?”
“Sau chế độ ông Diệm, sự suy sụp của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, trong khi Mỹ lại sắp phải trả căn cứ Okinawa cho Nhật, phi cảng Clark cho Phi và sự ra đi ở mấy nơi khác. Cho dù mất Sài Gòn, người Mỹ vẫn còn được tất cả với dải đất từ vĩ tuyến 17 tới Đồng Xoài trong đó có Đà Nẵng Chu Lai và nhất là hải cảng Cam Ranh. Có thấy tận mắt công trình xây cất của người Mỹ ở hải cảng này mới biết rằng họ trông xa đầu tư hàng trăm năm mà thời gian đó sự hợp tác chung thuỷ và bền vững chỉ có với những người Thượng. Theo nguồn tin tình báo thì ngay ở Nam Vang, có cả một mạng lưới gián điệp nhằm móc nối chiêu dụ cả những lãnh tụ Thượng cộng bất mãn.”
Không phải là không tin nhưng tôi vẫn cười bảo với viên Trung tá rằng đó là một loại điệp vụ giả tưởng Mission Impossible, sự phủ nhận của tôi luôn luôn là một kích thích đối với ông ta:
“Thì chính Trung ương Tình báo Mỹ là cơ quan chuyên môn thực hiện những đặc vụ không thể được đó. Ý muốn của họ đôi khi ngây ngô nhưng với thủ đoạn và khả năng vô biên về tiền bạc họ cũng đã thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Còn ở đây, với sự thần phục dễ dàng của đám người Thượng, tôi có thể quả quyết với anh còn lâu mới có sự mỏi mệt trong tham vọng của một số người Mỹ.”
Viên Trung tá tỏ vẻ e ngại thực sự về cái mà ông gọi là sự xoá đi bày lại của những tay phù thuỷ chánh trị như ông già Denman. Hiện giờ vẫn có những dấu hiệu chuyển động, những đám mây đen báo trước những cơn giông bão; chúng ta còn phải đổ thêm nhiều máu và nước mắt cho một tương lai tốt đẹp ở cao nguyên.
Người con gái của viên Trung tá ra mời chúng tôi vào bàn, tôi để ý tới bàn tay mềm mại với những ngón búp măng trắng muốt khi nàng khệ nệ bưng ra mâm cơm. Ở một vùng đất đen đủi với mù bụi đỏ, hiện diện một người con gái trắng đẹp như vậy thật hiếm.
“Nhiều dịp lên cao nguyên đây là lần đầu tiên tôi được hân hạnh mời ông nhà báo một bữa ăn theo lối Nam cho chính tay con gái tôi nấu. Đặc biệt hôm nay có cả rượu nếp than, uống mãi whisky với rượu cần đâm ra nhàm chán. Bắt đầu nâng ly đi ông nhà báo.”
Dù gia cảnh đơn sơ, ông Trung tá đã tiếp đãi tôi bằng tất cả cởi mở thuần hậu của tâm hồn người Nam với nặng mối thâm tình. Trong men rượu cao hứng ông bảo đùa sẽ gả con gái cho tôi khiến má nàng thẹn đỏ. Đó là hình ảnh đẹp của người đàn bà muôn thuở mà người đàn ông mơ ước cưới làm vợ. Ở những phút trơ trụi của đời sống mới thấy sự cần thiết xoa dịu của đôi bàn tay người đàn bà.
“Với tôi đi đâu cũng được nhưng khi con gái tôi lên đại học, tôi không muốn ở xa nó, nó muốn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật thì phải.”
“Ra Tết tôi sẽ tạm nghỉ làm báo và nhận dạy Mỹ thuật ở Huế, nếu Trung tá đổi ra Vùng I, ông có thể gởi cô ấy theo học ngoài đó.”
Ông Trung tá đầy vẻ ngạc nhiên khi khám phá ra tôi nguyên là một hoạ sĩ. Tôi cũng bảo với ông rằng tuy là giáo sư mỹ thuật nhưng tôi không mấy tin vào hiệu quả của sự dạy dỗ và điều tôi không thể nói ra là động cơ thúc đẩy tôi quyết định là Nguyện.
“Vậy có hy vọng gặp anh ở ngoài đó.”
“Trung tá biết nhiệm sở mới rồi sao?”
“Tướng Trị giao hoàn tôi về bộ Quốc phòng nhưng tôi đã liên lạc được với tướng Thuyết và ông chấp thuận cho tôi ra vùng hoả tuyến. Quan điểm của tôi rõ lắm, một là xin giải ngũ về dạy học, hai là nếu còn trong quân đội tôi muốn được phục vụ đúng với khả năng và cương vị của mình và tôi chắc sẽ không phải thất vọng khi ra làm việc với ông Thuyết.”
Tôi không ngờ rằng tướng Thuyết lại là một cần thiết cho nhiều người và cho cả tương lai sống động trên cao nguyên. Có tiếng chó sủa, thấp thoáng từ ngoài ngõ chiếc áo già lam của một nhà sư. Khỏi cần đợi giới thiệu, tôi cũng đã nhận ra Giác Nghiệp, một tu sĩ rất trẻ tuổi từ Phương Bối Am sang chơi. Tên ông đã một thời sáng chói trong cuộc vận động tranh đấu của Phật giáo nhưng sau đó rút lui vào bóng tối, ẩn nhẫn tiếp tục con đường tu hành và thực hiện những công tác xã hội. Dù Giác Nghiệp tôn xưng nhà sư Pháp Viên lên làm thầy nhưng ông ta có cốt cách tu hành hơn. Tôi không ngờ một người suy tôn ông Diệm như viên Trung tá lại có thể là một bạn thân của một nhà sư tranh đấu hạ ngã ông ta. Cuộc nói chuyện thân mật dễ dàng và có vẻ tương đắc. Giác Nghiệp có nhiều điểm đối chọi với bậc thầy của mình: lý luận sắc bén và tình cảm nồng nhiệt của nhà sư Pháp Viên dễ gây cảm phục nhưng Giác Nghiệp thì khác hẳn, như một đạo sĩ ông có lối nói chuyện tự nhiên và trầm tĩnh và dễ cảm lòng người. Từng sống nhiều năm ở một đại học Mỹ mà ông ta không có vẻ gì Tây phương hoá, dễ dãi hoà mình và đầy tình tự dân tộc. Giác Nghiệp có vẻ là một thi sĩ đồng quê, yêu mến lao động hơn nơi thị tứ. Ông còn là một lý thuyết gia của nhóm tu sĩ tiến bộ chủ trương hiện đại hoá Phật giáo, ông rất quan tâm tới khía cạnh xã hội và đang tìm kiếm một địa bàn hoạt động cho các lớp tăng sinh. Khi nhắc tới những thực hiện ở Phương Bối Am, không phải là Giác Nghiệp mà là viên Trung tá kiêu hãnh nói với tôi:
“Chỉ trong vòng không đầy một năm, trở lại đó anh sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến sinh hoạt của một nông trại kiểu mẫu. Tôi đã có lần tường trình với tướng Thuyết việc tổ chức những Buôn Hdíp Mrâo nên theo phương thức của Phương Bối Am nhưng...”
Viên Trung tá không nói tiếp nhưng đó chính là những nghi kỵ của nhà cầm quyền đối với Phật giáo đưa tới tình trạng gần như bất hợp tác. Không có những chỉ trích trách móc, Giác Nghiệp vẫn lạc quan nhận định:
“Dù bị giới hạn về điều kiện an ninh nhưng vẫn có những địa điểm thí nghiệm thật tốt. Phương Bối Am chỉ là một thí điểm đầu tiên do các anh em tăng sinh thực hiện bằng những phương thức nghèo nhất. Nó mang mô hình của những kibbutzim nhưng có những biến đổi thích ứng khác. Theo tôi khi hoà bình trở lại với ngót một triệu quân nhân giải ngũ và một con số tương đương thợ thuyền sẽ thất nghiệp thì cao nguyên sẽ là vùng Đất Hứa cho căn bản kinh tế hậu chiến để điều hoà mật độ dân số trên toàn quốc. Tôi cũng đã gửi bản điều trần về vấn đề này cho ông Lilienthal ở Sài Gòn và hy vọng sẽ được Ủy ban đó chú ý.”
Với viên Trung tá, Lilienthal là một cái tên xa lạ. Riêng tôi biết trong Ủy ban này có mặt cả ông giáo sư Luật khoa, một cố vấn rất thân cận của tướng Thuyết.
“Lilienthal là một người Mỹ rất nổi tiếng về những kế hoạch kinh tế tại các nước chậm tiến mà thành quả lớn nhất là công cuộc mở mang vùng tây nam Iran. Bây giờ người ta cũng hy vọng ông sẽ đem lại một phép lạ tương tự cho Việt Nam.”
Giác Nghiệp thì mỉm cười, nụ cười tin tưởng độ lượng chứ không nhuốm vẻ mỉa mai chua xót.
“Kế hoạch gì thì cũng cần có những cán bộ và bàn tay cần mẫn của những người dân Việt Nam.”
Ông ta tiếp. Khi đứng dậy giã từ, Giác Nghiệp còn ân cần mời tôi tới thăm Phương Bối Am và có thể thì sống ít lâu với ông ta. Cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà sư đã lưu lại nơi tôi những cảm tình trong sáng nhất.