Số lần đọc/download: 1922 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 16:16:40 +0700
Chương 6
T
ôi về nhà vào lúc bốn giờ chiều. Cơn mưa được báo hiệu bởi những đám mây chất nặng hơi nước đã tan, tuy bầu trời còn thấp và không gian còn giữ được chiếc áo màu tro cùng với hơi mát luồn trong những cơn gió và những chiếc lá trên mặt đường lạnh lẽo. Hiên được theo ở phía sau xe, như một vị thần hộ mạng, ép phải ra tay cứu độ cho một người khổâng lồ (là tôi) thoát khỏi mối đe dọa chập chờn một trận mắng thậm tệ. Tôi không muốn áy náy vì sự đi chơi băng qua cả buổi trưa, không ăn cơm và cũng không xin phép trước, nhất là trong buổi đi chơi lại có mặt anh Các. Tôi muốpn chứng tỏ với mọi người: tôi đã lớn. Có lẽ đó là một trong những khao khát mãnh liệt nhất của tôi trong những năm còn ngồi trên ghế trung học.
Mà tôi không lớn là gì, khi năm nay tôi đã bước vào tuổi hai mươi mốt. Cái tuổi mà một lần nào đó, ngồi trong thư viện, vô tình mở cuốn sách Luật, đúng phần nói về tuổi trưởng thành, tuổi hai mươi mốt (tuổi tôi bây giờ). Tôi lặng người vì sung sướng ngây ngất. Tôi hai mươi mốt. Tuổi thành niên, trong trí tưởng tôi có nghìn khung trời với những cánh cửa lớn được mở ra cho tôi bước vào, cho tôi bay lượn, nhảy múa. Ôi, cái tuổi hai mươi mốt. Tôi gấp sách lại, nhắm nghiền đôi mắt và mỉm cười một mình giữa thư viện. Tôi muốn hét lớn “anh”. Tôi muốn chắp cánh để bay ngay tới Hãn và chỉ nói với Hãn một câu “Em đã hai mươi mốt”. Và tôi nghĩ chàng hiểu được nỗi hân hoan tràn dâng ở trong tôi như ngọn triều cao khiếp nhất. Tôi sẽ chờ đợi ở Hãn một câu nói gì đó khác hơn câu Hãn vẫn dành cho tôi kèm theo cái cốc đầu: nhỏ, liệu. Nhưng tôi càng muốn chứng tỏ mình lớn bao nhiêu lúc được ra khỏi nhà, lúc đứng trước mặt Hãn, trước mặt bạn bè, thì lúc trở về tôi lại càng thấy mình không thể phồng to lên được trước mặt mẹ tôi, với cái nhìn nghiêm khắc hay nồng nàn yêu mến. Hình như tôi không thể to lớn hơn cái hình ảnh đã được định vị từ bao nhiêu năm trong mắt nhìn lo lắng của bố. Những lúc đó hình như tôi còn mỏng hơn nữa. Mỏng hơn cả chiều dầy của một thân cây ốm o bị xẻ đôi (lời Hãn bình phẩm đấy). Những lúc đó hình như tôi đã thu rút người lại, để hiện nguyên hình một đứa trẻ bị đeo trước ngực cái bằng “nói dối”… “nói láo” to hơn cả cái chiều ngang của ngực mình. Đó là những lúc mà tôi cảm thấy như nước mắt (người bạn thân thiết và dễ thương nhất của tôi) từ đâu đó chạy tới. Nước mắt, cái lợi khí lớn nhất mà tôi có được trong những năm tháng niên thiếu vừa qua đi (những năm tháng trước khi nhắm mắt ngủ phải có hơi mẹ). Nhưng bây giờ đã khác. Làm sao không khác cho được khi tôi mới nói rằng: Tôi đã lớn. Tôi nghiêm chỉnh. Tôi ra dáng… Và do đấy tôi không thể triệt để khai thác cái khả năng thiên phú kia. Dù những ngày vừa chớm hai mươi, tôi đã hiểu thế nào là những giọt nước mắt thầm vụng của một kẻ xa gia đình. Thế nào là buổi chiều cuối năm, khi ngày cúng ông Công tới, tôi còn lầm lũi với những con đường chỉ có gió, bóng cây và sương núi. Tôi khóc một mình, lần đầu tiên vào những ngày cuối năm ấy. Cảnh tượng líu tíu của chị Quyến và mấy đứa con sửa soạn cho buổi cúng tiễn đưa ông Công, cảnh anh Quyến bảo: “Cô Phiến mặc áo dài vào lạy bàn thờ”, tuy có thân mật đấy, nhưng tôi vẫn không làm sao hòa nhập được. Trái lại, lời nói kia, vẻ lăng xăng nọ của chị Quyến có thương yêu tôi cách nào thì chị cũng đã có một đời sống riêng để sống. Chị cũng đã có những bổn phận, những công việc, những thú vui và những hân hoan riêng để hưởng thụ hay để đau khổ. Tất cả những thứ đó, dù có muốn, chị Quyến cũng chẳng thể chia xớt cho tôi. Và một vấn đề khác được đặt ra: Liệu tôi có nhận?
Những ngày chớm hai mươi, với phấn trắng, với bầy học trò xinh ngoan như những con búp bê, đã cho tôi hiểu thế nào là nước mắt của những kẻ cô đơn. Chỉ những ai từng xa gia đình mới hiểu được thế nào là những giọt nước mắt những chiều cuối năm. Chỉ ai lìa bỏ cha mẹ đi phương xa cầu thực khi tuổi chớm hai mươi (như tôi) mới hiểu được thế nào là sự cần thiết của một ngôi nhà quen thuộc, một cái bàn, một cái ghế, một cái giường, nơi những năm tháng ấu thơ được ấp ủ, ấm những giấc mơ thần tiên cùng những kỷ niệm không thể có nữa. Rồi những ngày cuối hai mươi, một lần nữa, tôi chợt hiểu thế nào là nước mắt của xúc động khi Hãn tới.Những ngày cuối hai mươi, những ngày mở ra và khép lại ngay sau đấy là dấu giày Hãn bước lên chậm chạp và hung bạo. Những ngày cuối hai mươi, ở thị trấn, được đánh dấu bằng đôi mắt chàng lầm lì trên cao ngó xuống, hay buốt lạnh từ dưới thấp trông lên. Tôi đã khóc trong đêm cuối cùng của những ngày hai mươi. Những giọt nước mắt không còn mang ý nghĩa một trôi đi, một xóa nhòa, khuây lãng. Những giọt nước mắt, lần đầu tiên mang ý nghĩa của một giữ lại, một dấu yêu, một định mệnh khai lối. Nước mắt đã là nước mắt cho người một đời. Trái tim đã là trái tim dành cho kẻ một kiếp, thực sự lớn lên và khác đi sau những giọt nước mắt ấy. Rồi những ngày đầu tiên của tuổi hai mươi mốt, những ngày tôi thẳng thắn ngửa mặt bước ra khỏi bóng tối, tách khỏi hàng ngũ, đứng lên từ lẫn chìm trong hàng ghế đám đông để tiến đến tiền trường của một sân khấu lớn. Thứ sân khấu chỉ dựng lên một lần, cho một người. Ánh sáng đã chói lòa trong từng bước chân đi. Nhục hờn cũng mướt trơn trên sàn gỗ nhẵn. Nhưng mà tôi muốn. Nhưng mà tôi bằng lòng, hân hoan đón nhận. Chỉ vì tôi muốn sống. Tôi thèm lắm, được sống.
Cũng như buổi trưa nay, hai giờ, ra khỏi rạp ciné, thấy nắng vàng hanh trên những thước cỏ xanh non, tôi vịn tay Ngọc, lao chao như vừa trông thấy, một lần thèm cái giây phút của một đời, cái cánh cửa bởi những bước chân dẫn lên của một kiếp. Và sau đó, trong ngôi quán hoắm sâu, trên một chiếc ghế mỏng, tựa bên bức tường đen, tôi đã mặc cho tâm trí mình quay quắt với cái so sánh tương phản bật nhanh trong óc. Tôi không run sợ tháng ngày đang tới. Những tháng ngày không chấm dứt theo mùa mưa. Những tháng ngày sẽ mãi mãi là gió lớn. Tôi nhìn trở lại ánh sáng nơi tiền trường để đi sâu hơn, vững mạnh hơn, vào bóng tối chờn vờn ở đàng sau cánh gà. Có gì mà phải ân hận nhỉ? Khi giữa sân khấu, tôi được mọi người hoan hô (và một số người phỉ nhổ) và phía sau ở hậu trường, đã có cánh tay, đã có ánh mắt để nương theo đó mà bước đến. Tôi bảo Ngọc khi ngồi vào chỗ: “Người ta sống hình như để chờ đợi những cơn mưa nhiều hơn là những ngày nắng”. Ngọc ngơ ngác, im lặng. Hãn lờ mờ hiểu được ý tôi. Hãn nói: “Mưa hay nắng trong trường hợp đó cũng chỉ là ý niệm”. Ý niệm không nhất thiết phải là trắng hay đen”. Anh Các cười rung cái bụng bự góp vào câu chuyện mù mù: “Điều giản dị là hiện tại trước mắt sao không hưởng, nói chuyện vòng vo đâu đâu cho mệt?” Anh Các nói nhưng nhìn Ngọc. Ngọc yên lặng. Hiên thật thà: “Các anh nói chuyện em chả hiểu gì hết”. Hãn cười lớn. Chàng đáp: “Làm sao Hiên hiểu khi mà chính những người nói cũng chẳng hiểu họ đã nói gì?”. Cả bọn cười ồn ào. Lát sau anh Các nhìn Hiên hỏi giọng nghiêm trang: “Vấn đề của Hiên là đọc thư Lãng chưa? Có thế thôi”. Anh ngập ngừng trước khi tiếp… “và như thế cũng đã là mệt lắm rồi đấy”. Hiên cười bằng cánh mũi nhỏ và đôi môi chúm.
Những người vắng mặt lần lượt hiện ra. Đó là những người bạn của cả bọn.
Hãn lần tìm tay tôi dưới gầm bàn. Chàng xiết mạnh. Tôi không đọc được ý nghĩ của Hãn lúc đó, nhưng tôi hiểu mỗi lần Hãn xiết chặt như thế: Hãn muốn hôn tôi. Tôi tựa đầu vào tường, nó nhỏ đủ Hãn nghe: “Coi chừng. Giữa phố xá mà. Anh”. Hãn cười cúi thấp mặt xuống. Hãn đem bàn tay tôi lên khỏi gầm bàn. Rồi bất ngờ, thản nhiên Hãn đưa lên môi. Tôi chín nhừ cả người vì ngượng. Hãn bình tĩnh rút thuốc hâm lửa hút. Mấy ngườk kia quay đi hướng khác. Chắc họ muốn tránh cho tôi những ngượng ngập, xấu hổ. Nhưng họ làm thế, tôi còn ngượng hơn là họ nhìn thẳng vào hai đứa. Tôi cấu tay Hãn: “Anh làm em sợ”. Hãn cười gượng: “Anh thích”.
Tới hết bữa ăn, chúng tôi không nói chuyện với nhau một lời nào, mặc dù thỉnh thoảng lại thò tay xuống gầm bàn và tôi lại chìa tay mình cho Hãn nắm lấy. Nếu không đưa tay cho Hãn, lỡ Hẵn nắm bừa ngay ở trên mặt bàn còn khổ nữa, báo hại anh Các phải “độc diễn” và nhận được những phụ họa rời rạc của chúng tôi.
Cơn mưa lại xăm xăm trở về với những đám mây mới. Những đám mây xám và dày đặc ở khắp bầu trời. Tôi dựng xe trước cửa. Hiên gom sách vở trong chiếc giá xe, ôm vào ngực và đứng chờ. Màu xanh của chiếc áo dài lướt thướt lụng thụng trên người. Hiên bị gió hất tung. Hiênn nhỏ như thêm. Có lẽ con bé đang nín thở không chừng, vì lúc đó ở trong nhà tôi vẳng ra những lời nói lớn. Có ai ngờ được rằng kẻ đi cầu viện phải quay lại trấn an cho chính kẻ mà mình nhờ cậy giúp đỡ. Tôi nói: “Không sao đâu Hiên. Chắc ở nhà chị có khách. Mà có khách là yên trí, sẽ không bị mắng”. Hiên cười nụ cười ngơ ngác, vô tội. Lấy dáng điệu tự nhiên như không có chuyện gì quan trọng, tôi bước vào nhà, chỉ Hiên ngồi salon, quơ cho Hiên một cuốn báo mới:”Hiên đọc đi. Chờ chị đi thay quần áo. Đọc xong em nên về nhà ngay, không muộn”.
Những tiếng ồn ào trong nhà chợt khựng lại. Vừa để sách lên bàn học tôi đã nghe tiếng hét ở đằng sau:
- A. Con Phiến đây hả?
Tôi nhìn lại. Chị Hồ. Tôi chưa hết kinh ngạc, chị đã liếng thoáng:
-Trời ơi. Sao mới có vài năm mà đã trông già dặn thế này? Đi học về phải không? Ai kia? Bạn hả? Sao đang đi dạy lại bỏ về nửa chừng vậy cô?
Tôi choáng váng với những câu hỏi dồn dập của chị Hồ, đồng thời lòng cũng ngập mừng rỡ. Tôi chạy ra tới chị. Hai chị em lâu lắm mới được gặp nhau. Chị Hồ là chị của anh Long. Mẹ tôi có tất cả bốn người con gái. Trừ chị Quyến, những người còn lại đều nói nhiều và nói nhanh. Tôi không nghĩ mình cũng nằm trong số còn lại đó. Nhưng có lần Hãn đã bảo tôi nói nhiều và nói nhanh như khiếu. Chàng nói riết một lúc nào đó, tôi cũng dám tin như lời của Hãn lắm. Bây giờ, tôi mới chỉ nói nhanh và nhiều khi ở bên cạnh Hãn mà thôi.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà chị về bất ngờ vậy?
Chị Hồ không trả lời và lại nhìn sang Hiên. Hiên đứng dậy, có lẽ Hiên mới chào chị Hồ. Chị Hồ nói:
- Ngồi xuống chơi đi Hiên. Và quay sang tôi mắng liền:
- Bạn cô mời về nhà, chưa nói chuyện gì với người ta đã dúi cho người ta cuốn báo bảo đọc xong rồi về.
Tôi nháy mắt Hiên, Hiên lúng túng lí nhí:
- Chị mặc em. Em với chị Phiến mà…
- Xa lạ gì cũng vậy. Thế đâu có được. Vào nhà rót nước đi. Hỏi cô ấy có uống nước đá không, lấy cho cô ấy.
Nói thêm một hơi, chừng cho rằng như thế đã tạm đủ thành một bài học về phép lịch sự dành cho tôi sau bao năm xa cách, chị Hồ mới trở lại với tôi:
- Anh bị đổi đi em ạ. Chị về báo cho bố mẹ hay. Với lại xem có thể chạy chọt gì được không.
Và thế là tôi bị túm lấy, để phải nghe chuyện anh Hồ bị đổi đi xa làm sao, bất ngờ như thế nào. Chị nghi ngờ ai là người ám hại anh Hồ. Rồi những khó khăn rắc rối biết cơ man nào mà kể, nếu anh Hồ phải đi nơi khác. Các cháu còn nhỏ. Học hành, trường lớp dở dang v.v… Tôi chỉ biết cười trừ và chịu trận.
Đợi cho nguồn cơn trong chị tạm lắng xuống, tôi nói:
- Chị phải từ từ. Chị bảo em lấy nước cho Hiên mà chị bắt em đứng thế này làm sao em đi được.
Chừng đó, như chợt nhớ, chị Hồ cười, phát liên tiếp mấy cái lên vai tôi, bảo Hiên chữa ngượng:
- Tại hai chị em lâu quá mới gặp nhau, Hiên à.
Hiên tròn xoe mắt, chẳng hiểu đầu đuôi sao, cũng toe miệng cười.
- Thôi đi lấy nước mau đi. Hiên uống nước đá cho mát.
Hiên lại lúng túng. Con bé thật buồn cười. Hình như nó không dám có ý kiến riêng một khi người lớn đã có ý kiến.
Chị Hồ tiếp tục câu chuyện còn dở dang với mẹ. Thay đồ thật mau, tôi ra bảo Hiên:
- Đọc được gì không? Hiên lắc đầu. Tôi làm dấu bảo. Thôi Hiên về được rồi đấy.
- Chị bảo em về hả? Hiên hỏi lại. Tôi khoèo chân con nhỏ. Như vậy là êm xuôi hết rồi, không sao cả. Hiên cười:
- Thế em về nha.
- Ừ. Mau đi kẻo ở nhà trông.
Hiên tỏ ý muốn chào mọi người, tôi lắc đầu bảo không sao hết, cứ việc về rồi tôi sẽ nói lại. Tiễn Hiên ra cửa, đứng nhìn theo bỗng lòng tôi quặn thắt nỗi xót xa lạ lẫm. Có phải Hiên đã là hình ảnh của tôi, những ngày trước khi bước chân vài đời sống? Tôi không nghĩ đã tìm thấy mình những ngày niên thiếu nơi Hiên, nhưng rõ ràng ở Hiên có một cái gì tôi đã mất. Một cái gì phảng phất hình bóng tôi những ngày xưa cũ. Tôi nhớ Hãn. Chắc Hãn đã trở về nhà với anh Các hoặc hai người lại kéo nhau đi ngồi quán tiếp.
Hiên chưa ra khỏi ngõ thì anh Hữu tới. Anh Hữu bước vội vã. Có lẽ anh hay tin chị Hồ về. Tôi sợ gặp anh Hữu dù đó là điều không thể tránh. Anh Hữu biết phong phanh chuyện tôi và Hãn. Hơn lúc nào hết, tôi mong trời mưa. Hãy mưa. Hỡi người bạn thân thiết nhất của bao nhiêu mùa đời tôi, quạnh quẽ.