To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Tác giả: Graham Green
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Hà Hùng
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
rong bóng đêm nặng trĩu mây dông, thanh niên thanh nữ đi đi lại lại trên quảng trường: thanh niên một bên, thanh nữ một bên, không bao giờ nói gì với nhau.Phía bắc, những tia chớp xé toạc bầu trời. Có thể nói nó giống như một nghi lễ tôn giáo đã mất hết phần ý nghĩa bên trong, nhưng người ta còn mặc cho nó những phẩm phục tốt nhất. Đôi lúc, có một nhóm phụ nữ lớn tuổi hơn đến nhập vào nhóm- họ cười và năng động hơn những người kia, như thể là họ còn giữ được ký ức về những lễ nghi trước khi người ta huỷ bỏ hết sách vở. Từ bậc thềm kho bạc, một người đàn ông-súng lục bên hông- canh gác quảng trường, và một người lính nhỏ thó ngồi bên cạnh cổng nhà tù, súng kẹp giữa hai đầu gối: bóng những cây dừa, như những bóng kiếm, chĩa về phía họ. Một khung cửa sổ nhà nha sĩ có ánh đèn qua đó ta thấy cái ghế bành xoay, nệm màu đỏ, cái tủ nhỏ xíu giống như đồ chơi chứa đầy dụng cụ. Đắng sau những khung cửa lưới sắt, trong nhà tư nhân, các bà nội đung đưa trên ghế xích đu giữa những tấm hình kỷ niệm…Không có gì để làm, không có gì để nói. người ta phục sức hơi quá lố và hơi chảy mồ hôi. Đây là tỉnh lỵ.
Người đàn ông mặc bộ đồ cũ mòn trơ sợi nhìn tất cả những thứ đó từ cái ghế băng ông ngồi nghỉ. Một phân đội cảnh sát có vũ trang đi qua. Họ về trại, họ đi không đều bước, súng ống loạn xạ. Quảng trường được chiếu sáng bởi những chùm đèn ba cái đặt mỗi góc và được nối với nhau bằng những sợi dây xấu xí. Một tên ăn mày đi từ ghế băng nầy qua ghế băng khác, thất vọng.
Nó đến ngồi cạnh người mang bộ đồ quân phục cũ và bắt đầu dài giòng giải thích. Thái độ anh ta vừa thân mật vừa doạ dẫm. Từ mọi phía, những con đường đều xuôi xuống sông, bến cảng hay đầm lầy.Anh ta giải thích anh ta có vợ và đông con và suốt mấy tuần nay, anh ta hầu như không có gì để ăn; anh ta ngừng nói để sờ mó bộ đồ người bên cạnh đang mặc.
• Bộ đồ nầy anh mua bao nhiêu?
• Rẻ đến bất ngờ.
Khi đồng hồ điểm chín giờ ruỡi, mọi ánh đèn phụt tắt. Tên ăn mày nói:
• Không nên để người anh em tuyệt vọng.
Anh ta nhìn qua bên trái, bên phải đoàn rước đang đi xuống đồi.Người mặc đồ lính đứng lên, tên ăn mày cũng làm theo, đi ngang qua quảng trường.
« Một vài pesô có nghĩa gì với ông đâu…tên ăn mày lải nhải.
• Ông có biết là chúng đáng giá như thế nào với tôi không …
Những lời nầy làm tên ăn mày tức giận.
• Một người như tôi đôi lúc có thể làm bất cứ điều gì để có được vài pesô. »
Bây giờ, đèn trong thành phố đã tắt,hai người đi trong bóng tối.
• Tôi nói sai à?
• Không không,tôi không nghỉ vậy.
Nhưng những gì người đàn ông nói chỉ làm cho tên ăn mày thêm tức giận.
• Đôi lúc, nó nói tiếp, tôi tin là tôi có thể giết người…
• Như thế anh sẽ là sát nhân.
• Sát nhân? tôi bóp cổ ai đó?...
• Dĩ nhiên,người đang chết đói có quyền tự bảo vệ… »
Tên ăn mày giận dữ vì thấy ông ta nói như đang giải trình một vấn đề khoa học.
« Về phần tôi, dĩ nhiên, cái đó không đáng để tôi bị nguy hiểm. Tôi chỉ có mười lăm pesô bảy mươi lăm xu. Chính tôi, tôi cũng không ăn gì từ hai ngày nay.
« Mẹ Chúa tôi, tên ăn mày la lên, ông thật cứng như đá. Ông không có tim sao?
Người mặc áo vải thô bật cười.Tên ăn mày nói:
• Ông nói dối.Tại sao ông không ăn gì khi ông còn có mười lăm pesô?
• Phải, nhưng tôi muốn dùng để mua một số đồ uống.
• Đồ uống gì?
• Thứ đồ uống mà người xa lạ với chốn nầy không biết mua ở đâu.
• Ông muốn nói đến rượu à?
• Vâng, nhất là rượu nho.
Tên ăn mày áp sát lại, gần đến nỗi chân nó chạm vào chân người đàn ông; nó đặt tay lên tay áo người kia. Có thể xem họ như đôi bạn thân, hay là anh em đang nói chuyện thân mật trong bóng đêm: dù đèn bên trong các căn nhà bây giờ đã tắt, và những chiếc taxi đợi khách cả ngày trên triền dốc đã đi về; rồi một ánh đèn lồng nhấp nháy và biến mất sau đồn cảnh sát.
« Nói nghe nè, hôm nay anh gặp may đó. Anh sẽ cho tôi bao nhiêu…?
• Khoản đồ uống?
• Để giới thiệu anh với một người có thể bán lại cho anh một ít rượu, rượu ngon …sản xuất tại Veracruz.
• Thật ra, người đàn ông mặc áo lính giải thích, với cái mồm của tôi, nó chỉ thích rượu nho.
• Có rượu pulca hay mescal, đủ cả.
• Còn rượu nho?
• Ruợu mộc qua.
Người kia tuyên bố nhẹ nhàng nhưng đích đáng:
“ Tôi trả tất cả những gì tôi có, trừ mấy đồng xu để đổi thứ rượu nho nguyên chất.”
Dưới chân đồi, gần con sông, có tiếng trống cắc tùng và tiếng bước chân đi đều.Lính hay cảnh sát đi về đồn. Tên ăn mày kiên nhẫn:” Bao nhiêu?”
• Tôi sẽ giao cho anh mười lăm pesô và anh muốn trả cho người ta bao nhiêu thì trả.
• Đi với tôi.
Họ đi xuống đồi: ở ngả tư, trước tiệm thuốc tây con đường cắt ngang dẫn đến khách sạn, bến tàu,kho hàng của công ty United Banana, người mặc áo lính dừng lại. Cảnh sát đang đi lên, súng mang sau lưng.
• Đợi chút.
Cùng với toán cảnh sát, có một tên tạp chủng có hai răng nanh chìa ra. Người mặc áo vải từ trong bóng tối nhìn họ đi qua: có lúc, tên tạp chủng quay đầu lại và ánh mắt họ gặp nhau. Toán cảnh sát đi qua rồi đến quảng trường.
• Đi nhanh lên.
• Họ không làm phiền mình đâu, tên ăn mày nói.Họ săn con mồi to hơn.
• Người đàn ông kia làm gì trong đám cảnh sát?
• Không biết, có thể là một con tin.
• Nếu là con tin, họ phải trói tay chứ, đúng không?
• Làm sao tôi biết được.
• Anh có muốn mua rượu không?
• Tôi muốn rượu nho nguyên chất.
• Tôi không thể nói trước được ông ta có cái gì. Anh phải mua cái gì anh ta có.
Họ đi vào con đường dẫn xuống sông, tên ăn mày nói:”Không biết hôm nay anh ta có nhà không nữa?
Những con mối bay ra thành đàn và bò lúc nhúc trên mặt đường. Chúng nổ lách tách dưới bước chân đi; từ dưới sông, bốc lên mùi chua. Bức tượng bán thân một ông tướng trong công viên được chiếu sáng và một máy phát điện gầm gừ đâu đó dưới tầng trệt khách sạn duy nhất của tỉnh lỵ. Chiếc cầu thang gỗ rộng, đầy mối dẫn lên tầng một.
Tên ăn mày nói:”Tôi đã cố gắng hết sức, không ai có thể làm hơn được.”
Ở tầng trên, một người đàn ông mặc quần đen, áo len trắng sát da, từ phòng ngủ bước ra, khăn vắt vai. Ông ta có bộ râu mép xám quí phái và ngoài giây treo, còn mang cả nịt da. Đâu đó có tiếng nước chảy và lũ mối lao nhao đâm vào bóng đèn không có chụp. Tên ăn mày trình bày vẻ nghiêm trọng; trong khi nó nói, đèn đóm tắt hết, rồi sáng lên yếu ớt, run rẩy. Hành lang khách sạn có mấy cái ghế mây và trên một tấm bảng ghi tên khách lưu trú…Hai mươi phòng nhưng chỉ có ba khách.
Tên ăn mày quay về phía bạn mình nói.
“ Ngài đây chuẩn bị đi ra ngoài. Ông giám đốc nói với tôi như thế. Ông muốn đợi không?
• Tôi không có việc gì gấp.
Họ cùng vào trong một phòng lớn, hầu như trống trơn, nền lót gạch. Cái giường sắt nhỏ màu đen giống như một vật mà chủ nhân đã quên lại khi ra đi. Họ cùng ngồi đợi trên giường,lúc nầy mấy con mối bay vào phòng qua lỗ thông hơi.
“Đó là một nhân vật quan trọng, tên ăn mày nói. Ông ta là em họ quan tỉnh trưởng, ông ta có thể cung cấp cho ông bất cứ cái gì, bất cứ khi nào.Nhưng, dĩ nhiên là phải có người tin tưởng giới thiệu.
• Ông ta tin tưởng anh à?
• Tôi có lần đã làm việc cho ông ta.. Ông ta buộc phải tin tôi, tên ăn mày nói thêm cách đơn giản.
• Ông tỉnh trưởng có biết không?
• Chắc chắn là không. Ông tỉnh trưởng là người nguyên tắc.
Thỉnh thoảng, ống thoát nước lại kêu lên xối xả.
• Và tại sao ông ta lại phải tin tưởng tôi?
• Ồ, dễ nhận biết người uống rượu lắm.Anh phải trở lại mua rượu thôi. Ông ta bán hàng giá rẻ. Đưa mười lăm pesô cho tôi, như thế hay hơn.
Ông khách đếm tiền cẩn thận, rồi đếm lại.
• Tôi sẽ mua cho anh một chai cô nhác Veracruz thượng hạng.Anh sẽ thấy.
Ánh sáng tắt ngúm và họ ngồi trong bóng tối: cái giường kêu cọt kẹt khi một trong hai người hơi nhúc nhích.
• Tôi không thích cô nhác, hay ít thôi.
• Thế thì ông muốn mua gì?
• Tôi đã nói là rượu.
• Rượu đắt lắm.
• Không sao. Rượu hay không mua gì hết.
• Rượu mộc qua đựoc không?
• Không,không.Rượu nho Pháp.
• Đôi khi có rượu nho California
• Cũng tạm được.
• Dĩ nhiên, ông ta, ông ta được cấp miễn phí đó. Ở hải quan.
Máy phát điện lại gầm gừ và lại có đèn. Cửa mở và ông giám đốc khách sạn ra dấu với tên ăn mày; họ trao đổi thật lâu.Người mang quần áo lính ngồi trên giường, dựa lưng vào tường: cằm bị trầy xước đôi chổ vì cạo râu quá sát; khuôn mặt rám nắng, vẻ bệnh hoạn làm cho người ta có ý nghĩ trước đây ông ta có khuôn mặt béo,tròn, nhưng bây giờ thì tóp rọp. Ông ta làm cho ta liên tưởng đến một doanh nhân hết thời.
Tên ăn mày lại xuất hiện.
“Ông kia bận, nó nói, nhưng ông ta sắp về. Ông giám đốc đã cho thằng nhỏ đi kiếm.
• Ông ta ở đâu?
• Không thể quấy rầy ông ta được. Ông ta đang chơi bi da với ông cảnh sát trưởng.
Tên ăn mày quay lại giường, chân đạp hai con mối.
• Khách sạn nầy rất đẹp, tên ăn mày nói. Ông ở khách sạn nào? Ông không phải là dân ở đây,phải không?
• Tôi chỉ đi ngang qua đây.
• Ông nầy là người quyền thế. Ông nên mời ông ta một ly. Dù sao thì anh cũng không định mang đi tất cả,phải không.Uống ở đây hay nơi khác cũng vậy thôi.
• Tôi để dành một ít để đem về.
• Cũng vậy thôi. Ở đâu cũng là nhà miễn là ở đó có một cái ghế và một cái ly.
• Nhưng...”
Cùng lúc đó, đèn điện tắt ngúm. Những tia chớp sáng loé trên trời. Từ xa, tiếng sấm vọng về, vượt qua màn chống muổi, giống như tiếng ầm ầm nghe được từ phía bên kia thành phố khi có trận đấu bò vào ngày chủ nhật.
“ Anh làm nghề gì? Tên ăn mày ra vẻ thân thiện.
• À tôi làm lung tung,nơi nầy nơi khác, làm gì được thì tôi làm….
Cả hai cùng im lặng lắng nghe tiếng bước chân đi lên cầu thang gỗ. Cửa mở ra nhưng họ không thấy được ai hết. Có tiếng càu nhàu rồi cất lên “ Ai đó?” rồi có tiếng đánh diêm soi sáng một cái cằm nhẵn thín. Lại có điện:
• A,mầy đấy à, người mới đến nói giọng hờ hững.
• Dạ,tôi đây.
Một con người nhỏ thó nhưng khuôn mặt lớn quá khổ và béo phị. Ông ta mặc áo vét xám hơi chật; khẩu súng sáu cộm lên trong áo gilê.
• Tao không có gì cho mầy hết, người đó nói,không có gì hết.
Tên ăn mày đi ngang qua phòng với những bước chân trần nhẹ nhàng. Nó bắt đầu thì thầm mặc cả; trong vài giây,nó lấy chân đạp nhẹ vào giày của người kia. Người kia thở ra, phồng má và nhìn chăm chú về phía cái giường như thể sợ hai người lạ ăn cắp cái gì đó. Ông ta nói với người mặc áo treilli giọng nhát gừng:
“ Như thế là anh muốn mua cô nhác Veracruz phải không? Như thế là phạm luật….
• Không,không phải cô nhác. Tôi không muốn mua rượu mạnh.
• Còn bia, anh không uống được bia sao?
Đầy quyền uy, ông ta tiến ra giữa phòng, dáng bệ vệ, tiếng giày nghiến cót két trên nền ca rô- ông ta là người bà con của quan đầu tỉnh.
• Tôi có thể cho bắt ông, ông ta đe doạ.
• Dĩ nhiên rồi, thưa ngài…
• Ông tưởng rằng tôi không có việc gì làm ngoài việc lo giải khát cho những tên tứ cố học làm sang như anh sao...
• Tôi sẽ không bao giờ dám đến quấy rầy ngài nếu như người nầy…
Người bà con của ông tỉnh trưởng khạc một phát lên sàn nhà.
• Nhưng nếu ngài muốn tôi đi thì tôi xin phép…Ông kia ngắt lời.
• Tao không phải là người không biết thương xót, tao luôn luôn muốn đồng loại…khi cái đó nằm trong thẩm quyền của tao mà không hại đến ai. Tao có chức vụ quan trọng, hiểu chưa. Những thức uống nầy tao sở hữu cách hợp pháp.
• Dạ, dĩ nhiên rồi.
• Tao phải khó nhọc..
• Dạ đúng thế ạ.
• Nếu không, tao sạt nghiệp.
Ông ta bước đến giường và cẩn thận giở nệm lên.
• Mầy có nhiều chuyện không?
• Tôi biết giữ mồm giữ miệng.
• Tao muốn mầy nói với người khác….đúng cách.
Trong tấm nệm, có một đường hở lớn: ông ta rút ra một nắm rơm rồi lại thọc tay vào. Người mặc áo treilli nhìn lơ ra cửa sổ, làm bộ không quan tâm, công viên, bờ sông phủ bùn đen và những cột buồm, phía sau là những tia chớp; tiếng sấm mỗi lúc một gần. Người bà con tỉnh trưởng nói:
• Đây. Tao có thể bán hết chổ nầy cho mầy.Hàng tốt đó.
• Nhưng tôi không muốn mua cô nhác.
• Phải mua cái gì tao có.
• Như thế,xin ngài trả mười lăm pesô lại cho tôi.
• Mười lăm pesô à! người bà con của tỉnh trưởng la lên.
Tên ăn mày bắt đầu phân bua rằng ông đây muốn mua một ít rượu nho và rượu mạnh. Đừng gần giường, họ mặc cả nhỏ tiếng nhưng quyết liệt về giá cả.
• Khó có rượu lắm,người bà con của tỉnh trưởng nói, tôi chỉ có thể bán cho ông hai chai rượu mạnh.
• Một chai rượu mạnh và một…
• Đó là cô nhác Veracruz loại hảo hạng.
• Nhưng tôi nghiện rượu nho…ông không thể biết là tôi thèm rượu nho đến thế nào…
• Rượu nho đắt quá. Mầy có đồng ý trả thêm ít tiền không?
• Tôi chỉ còn có bảy mươi lăm xu.
• Tao có thể bán cho mầy một chai têkila.
• Không,không.
• Vậy thì thêm năm mươi xu nữa, mầy sẽ được một chai lớn.
Ông ta lại lục lọi trong tấm nệm, và kéo ra một nắm rơm. Tên ăn mày nháy mắt với người mặc áo trêilli và làm bộ như đang khui rượu, rót vào ly.
• Đây, người bà con của tỉnh trưởng nói, lấy hay không tuỳ.
• Vâng, tôi lấy.
Người bà con của tỉnh trưởng bỗng nhiên mất đi thái độ trịch thượng. Ông ta xoa tay và nói:
• Trời hôm nay nực quá. Năm nay chắc mưa sớm.
• Xin ngài cho phép tôi mời ngài một ly mừng vụ mua bán của chúng ta thành công.
• Chúa ơi, Chúa ơi…có lẽ…
• Tên ăn mày mở cửa và vui vẻ gọi lấy mấy cái ly.
• Lâu rồi, người bà con của tỉnh trưởng nói, rất lâu rồi, tôi chưa được uống một ly rượu nho nào. Nếu ông muốn cụng ly, rượu nho là thích hợp nhất.
• Dĩ nhiên rồi, xin tuân theo ý ngài, người đàn ông mặc áo treilli nói.
Ông ta đau đớn nhìn tên ăn mày khui chai rượu nho: « Xin lỗi ngài, tôi nghĩ là tôi sẽ uống cô nhác » và gượng gạo cười khi nhìn rượu trong chai vơi đi.
Họ cụng ly, cả ba cùng ngồi trên giường…tên ăn mày uống cô nhác.
• Tôi rất hãnh diện về cái rượu nho nầy, người bà con của tỉnh trưởng nói. Đây là loại rượu ngon.Rượu California tốt nhất.
• Tên ăn mày nháy mắt ra hiệu:
• Xin mời ngài thêm một ly nữa, người mặc áo treilli nói, hay cho phép tôi mời ngài một ly cô nhác?...
• Cô nhác nầy là loại ngon, nhưng tôi thích uống thêm ly rượu nho nữa.
Họ rót đầy ly.
• Tôi muốn mang một ít rượu nho về cho mẹ tôi, người mặc áo treilli nói, mẹ tôi rất thích rượu.
• Bà ta có lý, người bà con của tỉnh trưởng nói, rồi uống cạn ly. Như thế anh cũng có mẹ.
• Chúng ta ai cũng có mẹ…
• Nhưng anh may mắn hơn tôi.Mẹ tôi mất rồi.
Ông ta với tay, và làm như vô ý rót thêm rượu. « « Nhiều lúc tôi nhớ mẹ tôi lắm. Tôi gọi đùa bà là: cô bạn nhỏ của tôi! » Ông ta nghiêng chai rót: « Ông cho phép chứ!
• Dĩ nhiên rồi, thưa ngài, người kia đáp với vẻ tuyệt vọng rồi uống một ngụm lớn cô nhác.
• Tôi cũng có mẹ, tên ăn mày nói.
• Mầy chỉ rách việc, người bà con của tỉnh trưởng nói. Ông ta lùi lại phía sau là cái giường kêu lên răng rắc.
• Tôi thường nghĩ rằng, ông ta nói, một bà mẹ mang lại cho ta nhiều điều hơn một người cha. Ảnh hưởng của mẹ là an bình,dịu dàng, nhân ái…Ngày giỗ mẹ tôi, tôi thường đi thăm mộ bà….mang hoa cho bà.
Người mặc áo treilli kín đáo dấu một cái nấc.
• Ôi,phải chi tôi cũng làm được như thế…
• Nhưng ông vừa nói mẹ ông còn sống kia mà, chắc là anh muốn nói đến bà nội anh.
• Không thể tin được. Tôi không nhớ gì về bà nội tôi.
• Tôi cũng thế.
• Tôi thì có, tên ăn mày chen vào.
• Mầy nhiều chuyện quá, người bà con của tỉnh trưởng la lên.
• Xin phép cho tôi nhờ người bọc chai rượu nho nầy lại. Vì uy tín của ngài,không nên để người ta biết…
• Đợi đã, gấp gáp gì đâu. Anh là khách của tôi. Tất cả những gì ở đây là của anh.Thêm ly rượu nho nhé?
• Tôi nghỉ là…cô nhác…
• Vậy thì, xin phép anh…Ông ta nghiêng chai rót rượu,một chút rượu đổ trên khăn trải giường. « Chúng ta đang nói gì nhỉ?
• Chuyện các bà nội.
• Không. Tôi nghĩ là không phải. Tôi không còn nhớ gì về bà nội tôi. Những ký ức xa xôi nhất của tôi… »
Cửa mở,giám đốc khách sạn báo: « Ông cảnh sát trưởng đang lên.
• Hoan hô, mời ông ta vào.
• Anh có chắc không?
• Dĩ nhiên. Đó là tay chịu chơi. Ông ta quay qua phân trần, chỉ trừ khi chơi bi da thì không nên tin ông ta.
Một người cao to mặc áo len,quần trắng, mang bao súng xuất hiện trên bục cửa.
• Vào đi,vào đi, người bà con với tỉnh trưởng nói.Răng anh sao rồi? Chúng tôi đang bàn chuyện các bà nội.
Ông ta đột nhiên ra lệnh cho tên ăn mày: « Tránh chổ cho ông cò. »
Ông cò còn đứng trên bục cửa, hơi do dự.
• Cái gì,cái gì…ông ta nói.
• Chúng tôi đang có buổi liên hoan bỏ túi. Anh có muốn tham gia không? Đó sẽ là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
Khuôn mặt ông cò bổng sáng lên khi thấy rượu nho:
• Rất sẵn sàng.Một chút bia có làm hại ai đâu.
• Chính xác,mang ly cho ông cò.
Tên ăn mày rót đầy rượu nho vào ly của mình rồi đưa cho ông cò, ông ngồi xuống và uống cạn ly.
Rồi ông ta lại nói, tay cầm lấy cái chai: “ Bia nầy ngon quá. Ông chỉ có chai nầy thôi sao?”
Người mặc áo treilli nhìn ông cò, đờ người vì lo lắng.
• Vâng, chỉ có chai nầy thôi.
• Chúc mừng.
• Thế thì, người bà con của tỉnh trưởng lên tiếng, chúng ta đang nói gì nào?
• Về kỷ niêm xa xưa, tên ăn mày nói.
• Với tôi, kỷ niệm xa xưa nhất, ông cò nói chậm rãi…nhưng ông nầy không uống sao?
• Tôi uống chút cô nhác.
• Sức khoẻ.
• Sức khoẻ.
• Kỷ niệm đầu tiên mà tôi nhớ rõ là ngày rước lễ lần đầu. Ôi, thật xúc động! Cha mẹ tôi bao quanh tôi…
• Họ bao nhiêu người?
• Dĩ nhiên là hai người.
• Vậy thì làm sao họ bao quanh anh được!...Phải có ít nhất bốn người…ha,ha,ha!
• Sức khoẻ.
• Sức khoẻ.
• Dĩ nhiên,nhưng như tôi đã nói, cuộc đời có những oái oăm: sau nầy, trong nhiệm vụ của mình, tôi phải hiện diện trong buổi hành quyết ông linh mục đã cho tôi rước lễ lần đầu…đó là một ông già. Tôi thú thật không xấu hổ, là tôi đã khóc. Niềm an ủi duy nhất là khi nghĩ rằng ông ta đã trở thành vị thánh tử đạo và cầu bầu cho chúng ta. Không phải ai cũng được một vị thánh cầu bầu cho đâu.
• Phương pháp không thông dụng…
• Nhưng cả cuộc đời là một huyền nhiệm!
• Sức khoẻ.
Người mặc áo treilli đề nghị:
• Mời ông cò một ly cô nhác?
• Còn chút ít rượu và tôi nghĩ…Tôi muốn mang về cho mẹ tôi chút ít…
• Ôi,một vài giọt thế nầy sao…thế là anh nhục mạ bà cụ. Chỉ còn cặn thôi mà… »
Ông cò rót hết chai… « …nếu mình nói rằng bia có cặn. » Rồi ngồi im lặng, chợt ông la lên:
• Sao anh lại khóc!
• Chắc là tác động của rượu cô nhác, ông ta nói…Xin lỗi các vị. Tôi dễ say lắm và khi đó,tôi thấy…
• Anh thấy gì?
• Ồ,tôi không biết …Tất cả hy vọng trên cõi đời nầy tàn lụi và biến mất.
• Chúa ơi, ông thật là một thi sĩ.
• Thi sĩ,tên ăn mày nói,là linh hồn của xứ sở.
Một tia chớp giăng ngang trước cửa sổ và sấm sét bỗng nhiên nổ ra trên đầu họ. Ngon đèn duy nhất trên trần chao đảo rồi tắt ngúm.
• Đây là tin xấu cho lính của tôi rồi, ông cảnh sát trưởng nói, chân nghiến một con gián đang bò lại gần.
• Tin xấu gì?
• Mùa mưa đến quá sớm. Họ đang phải truy lùng.
• Tên tướng cướp…
• Không, không vui vẻ gì, nhưng ông tỉnh trưởng phát hiện là còn có một linh mục ở đây và các anh biết ông ta nghĩ gì về chuyện nầy rồi. Nếu là tôi thôi, tôi sẽ để cho ông linh mục tội nghiệp kia yên. Rốt cuộc rồi ông ta cũng chết vì đói, sốt rét hay là ra tự thú. Hiện nay thì ông ta cũng không làm được cả cái tốt, cả cái xấu. Chúng tôi cũng không biết ông ta hiện diện cho đến mấy tháng gần đây.
• Các anh phải làm gấp lên.
• Ông ta không thoát được tay chúng tôi đâu, trừ trường hợp anh ta vượt biên giới. Chúng tôi có người biết rõ mặt ông ta.Người đó đã nói chuyện với ông ta, đã ở chung với nhau một đêm. Thôi,nói chuyện khác đi. Có ai muốn là cảnh sát đâu?
• Ông nghĩ là linh mục đó đang ở đâu?
• Nếu tôi nói, chắc các ông không tin đâu.
• Tại sao?
• Ông linh mục đang ở đây… trong thành phố nầy. Tôi kết luận như vậy theo phép loại suy. Các anh biết không, từ khi chúng tôi bắt đầu giữ các con tin trong các làng, ông ta còn ở vào đâu được…Dân làng xua đuổi ông ta, họ không muốn chứa chấp ông ta nữa.Người chỉ điểm cho chúng tôi, chúng tôi cũng mới thả ra, như thả chó ấy mà…một ngày nào đó,nó sẽ đánh hơi thấy đường đi…và lúc đó… »
Người mặc áo treilli hỏi:
• Ông đã bắn nhiều con tin chưa?
• Chưa.Chỉ mới bắn ba hay bốn tên gì đó. Thôi, đây đúng là những giọt bia cuối cùng.Sức khoẻ!.
Ông ta tiếc nuối đặt ly xuống.
• Bây giờ, tôi có thể nếm chút… nước chanh của anh không?
• Xin vâng.
• Hình như tôi có gặp ông đâu đó rồi? Tôi không biết tại sao khuôn mặt anh…
• Tôi chưa được hân hạnh đó.
• Lại thêm một điều kỳ diệu, ông cò nói, duỗi chân ra luôn tiện nhẹ nhàng hất tên ăn mày xuống mép giường, khi mình tưởng đã gặp ai đó…nơi nào đó. Mơ sao,hay là trong tiền kiếp? Ngày nọ,tôi nghe một ông thầy thuốc nói đó là vấn đề ký ức thị giác. Nhưng đó là một tên người Mỹ, một tên duy vật.
• Tôi nhớ có lần… » người bà con của tỉnh trưởng nói.
Sét nổ trên bến cảng và giông nổ trên mái nhà: đó là tình hình chung của cả tỉnh. Bên ngoài,mưa rơi và bên trong căn phòng, cuộc nói chuyện vẩn tiếp tục…những chữ như « mầu nhiệm » hay « linh hồn » hay « nguồn sống » được lặp đi lặp lại nhiều lần; họ ngồi trên giường và đấu láo, vì họ không có việc gì để làm, không có gì để tin, và cũng không biết đi đâu.
• Chắc là tôi phải đi rồi, người mặc áo treilli nói.
• Anh đi đâu?
• Tới nhà mấy người bạn, ông ta đáp mù mờ, hai tay làm một cử chỉ ngụ ý nói đến một thế giới bạn bè tưởng tượng.
• Mang rượu của ông đi, người bà con của tỉnh trưởng nói. Dù sao anh cũng trả tiền rồi.
• Xin cảm ơn ngài.
Ông ta lấy chai cô nhác còn chút rượu. Chai rượu nho thì hết sạch.
• Dấu đi, người bà con của tỉnh trưởng nói.
• Đương nhiên rồi, thưa ngài,tôi sẽ cẩn thận.
• Ông không cần gọi anh ta là ngài, ông cò nói. Ông ta rú lên cười và đạp tên ăn mày rớt xuống giường.
• Không,không, chỉ là…
Ông ta ra khỏi phòng và cẩn thận bước đi, lau những giọt nước mắt; trong phòng tiếp tân, ông còn nghe câu chuyện tiếp tục… « mầu nhiệm », « linh hồn » như bất tận, để không đi đến đâu cả.
Lũ mối đã biến mất; mưa đã quét sạch bọn chúng.Mưa rơi thẳng đứng với cường độ có tính toán như thể đóng đinh vào nắp quan tài.Nhưng không khí cũng vẫn ngột ngạt: mồ hôi và nước mưa đẩm hết áo quần. Trong vài giây,linh mục đứng trước cửa khách sạn, tiếng máy phát điện ì ầm sau lưng, rồi ngài chạy một vài mét cho đến một hiên nhà và ngài trú ở đó,mắt nhìn lên tượng ông tướng,lên những chiếc thuyền buồm đậu trong cảng và trên chiếc xà lan cũ mà ống khói là một ống sắt phế liệu. Ngài không biết đi đâu: ngài không tính đến chuyện bị mưa- ngài nghĩ là ngài có thể lân la đâu đó, ngủ trên băng ghế hay trên bờ sông.
Hai tên lính đi về phía cảng, vừa đi vừa tranh luận to tiếng- họ mặc kệ mưa, như thể họ không biết có mưa, như thể mọi thứ đều quá tồi tệ, mưa chẳng quan trọng gì cả…Linh mục đẩy cánh cửa gỗ nơi ngài đang trú mưa- cửa một quán ăn và bước vào để tránh mưa: một đống chai nước khoáng và một bàn bi da có mấy cái vòng để ghi điểm, ba bốn người…Một người đã cởi bao súng đặt trên quầy bar. Linh mục hấp tấp bước tới và đụng khuỷ tay một người đang chơi. Người kia quay lại: « Mẹ kiếp!... Đó là một tên áo đỏ. Ở đâu cũng không được yên một phút sao?
Linh mục nhẹ nhàng xin lỗi rồi bước lùi ra cửa, nhưng vì lùi nhanh quá, túi của ngài đụng vào tường và nghe có tiếng chai thuỷ tinh lanh canh.Ba bốn khuôn mặt nhìn ngài vẻ vui mừng: một người lạ mặt, sắp có trò vui đây.
• Cái gì trong túi vậy? Tên áo đỏ hỏi. Đó là một thanh niên chừng hai mươi tuổi, vẻ cao ngạo, hãnh tiến.
• Nước chanh, thưa ông.Linh mục trả lời.
• Sao lại để nước chanh trong túi?
• Tôi uống ban đêm,với thuốc ký ninh.
Tên áo đỏ đến gần, vẻ tự mãn và dùng cây gậy bi da chọc vào túi của linh mục.
• Nước chanh, đúng không?
• Vâng, nước chanh.
• Được,cho xem chai nước chanh của anh chút nào?
Nó hãnh diện quay về phái đồng đội:
• Cách hai mươi bước, tao cũng ngưởi được mùi của những tên phạm pháp.
Nó thọc tay vào túi vị linh mục và lôi ra chai rượu.
• Đây rồi, tao nói có sai đâu.
Linh mục nhào ra cửa và chạy thục mạng dưới mưa. Một tiếng hô:
• Bắt lấy nó.
Họ nô đùa như những tên điên.Ngài chạy đến quảng trường, rẽ bên trái, chạy bên phải. May là đường tối và trăng bị mây che khuất. Chừng nào ngài còn đứng xa các cửa sổ có đèn, không ai có thể thấy được ngài...Nhưng đám lính không bỏ cuộc: rượt bắt vui hơn chơi bi da. Tiếng còi vang lên. Cảnh sát đã đến tăng viện.
Đây là nơi mà ngài đã mong muốn đượcc chuyển đến với một chức vụ quan trọng, sau khi đã đi khỏi Conception và để lại cho ngưòi kế vị một món nợ. Chạy dích dắc để tránh cảnh sát, ngài nghĩ đến nhà thờ chánh toà, đến Montez và đến một kinh sĩ ngài quen biết trước đây. Ước muốn trốn thoát cho ngài thấy một tình huống kinh khủng và khôi hài.Ngài bật cười, lấy hơi và lại cười.Ngài nghe tiếng còi, tiếng lính gọi nhau trong bóng đêm và tiếng mưa rơi nặng hạt; giọt mưa rơi xuống rồi tung lên trên nền xi măng của nơi ngày xưa là sân nhà thờ chánh toà. Ngài chạy trở lại xuống chân đồi. ngài chợt nghỉ ra một ý.
Tiếng bước chân tới gần, rồi ngài nghe tiếng một nhóm khác từ dưới sông đi lên,họ đang truy lùng có phương pháp: qua tiếng bước chân đều đều, ngài nghĩ họ là cảnh sát, dân chuyên nghiệp. Ngài đứng giữa hai nhóm truy lùng, nhóm tài tử và nhóm chuyên nghiệp. Nhưng ngài biết chổ: ngài đẩy cửa,lẩn vào sân trong và đóng cửa lại.
Ngài đứng trong bóng tối, thở hổn hển, lắng nghe tiếng bước chân bên ngoài, dưới trời mưa. Rồi ngài thấy bên cửa sổ,có ai đó đang nhìn mình,một khuôn mặt tối tăm, nhăn nhó giống như những cái đầu xác ướp mà khách du lịch thường mua. Linh mục đến gần song cửa gọi: Cha Jôsê ở đâu?
• Đằng kia.
Sau lưng người mới xuất hiện, có một khuôn mặt thứ hai, rồi thứ ba: những cái đầu mọc ra như nấm. Ngài cảm thấy những tia nhìn hướng về phía mình trong lúc ngài bì bõm lội qua sân và gõ cửa.
Chỉ sau một vài giây ngài mới nhận ra cha Jôsê, tay cầm đèn, mặc một cái áo ngủ kỳ dị và gió đêm làm nó căng phồng lên. Lần cuối họ gặp nhau, đó là lần cả hai tham dự hội nghị và họ ngồi ở hàng cuối, cha Jôsê lúng túng cắn móng tay, sợ người ta nhận ra mình. Điều đó vô nghĩa: không một vị nào trong hàng giáo sĩ hiện diện hôm đó trong nhà thờ chánh toà biết tên ngài. Ngài thấy kỳ lạ là ngày hôm nay, ngài đã có một chút tiếng tăm nhiều hơn họ.”Jôsê” ngài gọi nhỏ trong đêm mưa.
• Ông là ai?
• Cha không nhận ra tôi à? Vâng đúng rồi, sau chừng đó năm….cha không nhớ buổi hội nghị ở nhà thờ chánh toà sao?
• Đúng rồi,Chúa ơi,cha Jôsê la lên.
• Họ đang truy đuổi con. Con nghĩ rằng, đêm nay,một đêm thôi…cha có thể….
• Đi đi,cha Jôsê la lên, đi đi…
• Họ không biết con là ai. Họ chỉ xem con là một tên buôn lậu vặt. Nhưng họ sẽ bắt con về đồn và họ sẽ biết.
• Đừng nói lớn, vợ tôi…
• Xin cha dẩn con tìm chổ trốn, thế thôi, linh mục thì thầm.
Cái sợ lại bắt đầu xâm chiếm ngài. Có lẽ hiệu quả của cô nhác đã hết ( trong cái khí hậu xứ nóng nầy, khó có thể say lâu được, rượu tự đào thải dưới nách và trên trán bạn qua những giọt mồ hôi) hay đó chỉ là sự quay vòng của ước muốn được sống,sống như thế nào cũng được.
Dưới ánh đèn, cha Jôsê có vẻ hận thù.
• Tại sao ông lại đến nhà tôi? Cái gì làm ông tin rằng…?Nếu ông không đi,tôi gọi cảnh sát. Ông biết tôi là người như thế nào.
• Con biết cha là một người tốt, cha Jôsê, con vẫn luôn nghĩ vậy, ngài nhẹ nhàng năn nỉ.
• Ông không đi thì tôi la lên đó.
Ngài cố gắng tìm trong ký ức xem tại sao ngài ghét mình. Có tiếng lao xao ngoài đường, tiếng cãi vã, tiếng đập cửa…Họ xét nhà sao?
• Cha Jôsê, nếu con đã có lỗi gì với cha, xin tha lỗi cho con. Con là người tự đắc, kiêu ngạo, đầy tính tự phụ...một linh mục xấu. Con luôn biết tự đáy lòng con là cha tốt hơn con.
• Đi đi, cha Josê thét lên giọng the thé. Tôi không muốn có thánh tử đạo ở nhà mình. Tôi không thuộc phe các người. Để cho tôi yên thân.
Ngài cố gắng gom góp hết nọc độc vào trong cục đờm ngài nhổ vào mặt vị linh mục, nhưng không đủ lực, cục đờm rơi xuống giữa hai người.
« Đi đi, chết lẹ đi. Đó là việc duy nhất mà ông làm được. » rồi ngài đóng mạnh cửa. Cánh cửa sân trong lập tức bị cảnh sát mở ra. Qua cửa sổ ngài thấy cha Jôsê đang kín đáo nhìn theo, rồi có một cái bóng khổng lồ mặc đồ ngủ kéo ngài ra xa, che chở cho ngài như thiên thần bản mệnh sẳn sàng gìn giữ ngài khỏi những xung đột của trần gian.
-Chính hắn, ai đó hô lên. Đó là tên áo đỏ. Linh mục mở tay đánh rơi cuộn giấy bên tường nhà cha Jôsê: sự đánh mất trọn vẹn quá khứ.
Ngài biết từ nhiều năm nay, đây là khởi đầu của đoạn cuối...
Trong khi họ rút cái chai cô nhác ra khỏi túi ngài, ngài thì thầm đọc kinh ăn năn tội, nhưng ngài không cầm trí được. Ảo tưởng về sự ăn năn trên giường bệnh: sự thống hối là kết quả của sự luyện tập, kỷ luật lâu dài, sợ thôi không đủ. Ngài cố gắng cảm thấy xấu hổ vì đã có con,nhưng ngài chỉ cảm thấy một thứ tình yêu tuyệt vọng...Nó sẽ ra sao? Và cái tội nầy, ngài đã phạm quá lâu năm nên ngài đã quên đi cái xấu xa mà chỉ còn lại một thứ tri ân nào đó đến thay thế. Tên áo đỏ đập vỡ cái chai trên nền đường, mùi rượu xông lên- không nồng lắm,có còn bao nhiêu đâu.
Rồi họ dẫn ngài đi; bây giờ đã tóm được ngài,họ đối xử với ngài có vẻ thân mật hơn và họ chọc ghẹo ngài vì đã cố gằng trốn thoát.- trừ tên áo đỏ đã bỏ lỡ không ghi được điểm bi da. Ngài không tìm được cách đối đáp với những câu bông đùa của họ: lo lắng để thóat thân ám ảnh ngài. Lúc nào họ sẽ phát hiện ra mình là linh mục? Khi nào mình sẽ gặp tên tạp chủng hay viên trung uý đã hỏi chuyện mình? Toán lính đi ngược lên quảng trường. Một cái báng súng đập lên nền đất trước đồn cảnh sát khi họ đến nơi. Họ đi vào,một ngọn đèn phun khói đặt áp vào tường vôi trắng rất bẩn: trong sân, trên những chiếc võng đung đưa có những người đang ngủ.
« Anh có thể ngồi xuống », một người nói rồi ân cần dẫn ngài tới một cái ghế băng. Bây giờ, mọi sự đã rõ ràng: viên lính canh đi lui đi tới trước cửa và ngoài sân, từ những chiệc võng vang lên tiếng ngáy.
Có người đã nói gì đó: há hốc mồm, ngài nhìn lên.
• Cái gì?
Cảnh sát và bọn áo đỏ có vẻ như bất đồng về việc phải đánh thức ai đó.
« Nhưng đó là việc của ông ta, tên áo đỏ lặp đi lặp lại: răng nó làm ta nghĩ tới hàm răng thỏ.
• Tôi sẽ báo cáo với tỉnh trưởng.
• Anh nhận tội, đúng không.Một viên cảnh sát hỏi ngài.
• Vâng,linh mục đáp.
• Đó, thấy không? Anh cần gì nữa? Phạt năm pesô. Cần gì làm phiền ai?
• Vậy ai bỏ túi năm pesô đó?
• Đó không phải là việc của anh.
• Sẽ không ai lấy được cả, đột nhiên vị linh mục lên tiếng.
• Sao?
• Tôi chỉ có hai mươi lăm xu.
Cửa mở, viên trung uý bước vào.
• Trời ơi, cái gì lộn xộn thế nầy?
Uể oải, đám lính nghiêm chào.
• Chúng tôi đã bắt một người có mang rượu trên mình, tên áo đỏ nói.
Linh mục cúi nhìn xuống đất: «...vì chúng đã đóng đinh Ngài trên thánh giá...trên Thánh Giá.... » những lời kinh tắt ngấm vô vọng trong nỗ lực sám hối. Ngài không cảm thấy gì hết ngoài cái sợ.
• Vậy thì, viên trung uý nói, có liên quan gì đến anh nào? Chúng tôi bắt hàng chục đứa.
• Có giam nó lại không? một người hỏi.
Trung uý liếc nhìn tội nhân ngồi trên ghế băng.
• Đứng dậy, trung uý ra lệnh.
Vị linh mục đứng dậy. « Đến lúc rồi, ngài nghĩ... » Trung uý đã quay mặt đi và đang nhìn tên lính đi đi lại lại ngoài cửa. Khuôn mặt rám nắng và ốm o của viên trung uý toát ra vẻ lo âu, chán chường.
• Hắn ta không có tiền,một cảnh sát nói.
• Trời ơi, trung uý la lên, đến lúc nào các người mới hiểu được... Ông ta bước hai bước về phía người lính rồi quay lại: » Lục soát nó. Nếu nó không có tiền, giam nó lại.Mai bắt nó lao động… »
Ông ta đi ra, đưa tay tát người lính.
• Mầy ngủ à. Bước đi đàng hòang một chút. Và ngọn đèn tiếp tục phun khói lên bức tường vôi trắng,mùi nước tiểu trong sân, người ngủ trong võng.
• Có cần ghi tên họ không, viên trung sĩ hỏi.
• Đương nhiên rồi.Trung uý trả lời không cần nhìn lại.
Ông ta bước ra sân, đứng dưới mưa, nước mưa chảy dọc theo bộ quân phục đẹp, còn ông ta thì nhìn quanh. Có vẻ như ông ta đang bị ám ảnh bởi một điều gì đó: hình như ông ta bị dằn vặt bởi một nỗi đam mê thầm kín, nỗi đam mê đã làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của ông. Ông quay lại. Không đứng yên được một chổ.
Trung sĩ đẩy vị linh mục vào phòng trong. Trên tường vôi long tróc, có treo một cuốn lịch in hình một cô gái lai, da sậm màu, đang gọi một thứ nước khoáng nào đó. Ai đó đã viết với nét chữ học trò, to và rỏ một câu ngạn ngữ rằng con người không có gì để mất, ngoài xiềng xích.
• Tên gì? Trung sĩ hỏi.
Không do dự, linh mục đáp:” Montez”
• Quê ở đâu?
Ngài khai hú hoạ tên một làng nào đó, ngài đang bận ngắm hình của chính mình. Ngài thấy mình đang ngồi giữa đám áo trắng của những em rước lễ lần đầu. Ai đó đã dùng viết chì khoanh tròn mặt ngài. Còn một bức thứ hai trên tường: hình tên tướng cướp gốc San Antonio, Texas, truy lung vì tội sát nhân và cướp ngân hàng.
• Tôi nghĩ ông không biết tên người bán rượu, viên trung sĩ dè dặt hỏi.
• Vâng.
• Ông không tả hình dáng hắn ta được phải không?
• Đúng.
• Lúc nào cũng vậy.Trung sĩ tuyên bố.
Rõ ràng là anh ta không muốn gây chuyện phiền phức. Anh ta nắm tay vị linh mục, rất thân thiện, đưa ngài băng qua sân: ông ta mang một cái chìa khoá to đùng như trong truyện đạo đức hay truyện cổ tích để làm biểu trưng. Ai đó cựa quậy trên giường- một cái cằm treo bên thành võng, một cái tai sứt sẹo, kia là một cái đùi trắng đầy lông. Linh mục tự hỏi lúc nào ngài sẽ thấy khuôn mặt rạng ngời vì vui sướng của tên tạp chủng khi nó nhận ra ngài.
Trung sĩ mở khoá một cánh cửa nhỏ, và dùng chân đá một vật cản gì đó trên lối đi.
-Đây toàn tay anh chị, toàn tay anh chị. Ông dùng bốt mở lối đi. Một mùi hôi kinh khủng tràn ngập phòng, trong bóng tối mờ, ai đó đang khóc.
Linh mục chần chờ ở cửa và tìm cách nhìn trong bóng tối. Một khối đen thui, động đậy.
• Tao khát nước quá, cho xin chút nước.
Mùi hôi thối ngập mũi ngài: ngài muốn ói.
- Mai rồi uống, trung sĩ nói. Hôm nay mầy uống như thế đủ rồi. Rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai linh mục, ông ta đẩy ngài tới, rồi khoá cửa. Linh mục bước vài bước, đạp lên tay ai đó, ngài sợ hãi phân bua:
-Không có chổ.Tôi không thấy gì hết. Ai đây?
Bên ngoài, viên trung sĩ cười.
-Ông kia ơi, ông mới vào tù lần đầu à?
Vinh Quang Và Quyền Năng Vinh Quang Và Quyền Năng - Graham Green Vinh Quang Và Quyền Năng