Nguyên tác: Горячий Снег
Số lần đọc/download: 811 / 9
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Chương 6
V
iệc được triệu tập lên Đại bản doanh đối với ông là bất ngờ. Lúc đó Bét-xô-nốp không ở trong căn nhà của mình ở Mát-xcơ-va mà ở tại Viện hàn lâm nơi ông dạy lịch sử nghệ thuật quân sự trong hai năm trước chiến tranh. Khi nghe nói sắp ký lệnh mới về việc bổ nhiệm ông, ông tìm gặp thủ trưởng Viện hàn lâm, tướng Vô-lu-bốp, một người bạn học cũ đã cùng ông tham gia cuộc chiến tranh ở Phần Lan, một người tính táo, tinh tế, am hiểu nghệ thuật quân sự hiện đại, khiêm tốn, không nổi danh rộng rãi trong giới quân sự nhưng rất có kinh nghiệm và Bét-xô-nốp thành thực coi trọng những lời khuyên bảo của ông. Tiếng chuông điện thoại đã ngắt quãng cuộc trò chuyện thư thả, xen lẫn với nhiều hồi tưởng sau khi uống trà trong phòng làm việc của tướng Vô-lu-bốp. Sau khi nói vào máy điện thoại mấy tiếng thông thường “trung tướng Vô-lu-bốp” thủ trưởng Viện hàn lâm với vẻ mặt thay đổi dướn mắt nhìn Bét-xô-nốp, nói thêm khe khẽ:
-Trên muốn gặp anh, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích… Trợ lý của đồng chí Xta-lin. Anh hãy cầm ống nghe.
Bét-xô-nốp cầm ống nghe, xưng danh; một giọng nói không quen biết, đều đều và nhẹ nhàng, đã luyện được thói quen bình tĩnh, không có vẻ gì ra lệnh cả, chào hỏi, gọi Bét-xô-nốp không theo quân hàm mà “đồng chí Bét-xô-nốp”, sau đó nhã nhặn hỏi ông có thể tới gặp đồng chí Xta-lin vào hai giờ trưa hôm nay hay không và phải đưa xe tới đón ông ở đâu.
-Nếu không có gì trở ngại, xin đón ở cổng Viện hàn lâm,-Bét-xô-nốp đáp và sau khi chấm dứt cuộc đàm thoại, ông im lặng hồi lâu trước con mắt dò hỏi của tướng Vô-lu-bốp, định không bộc lộ sự xúc động bất chợt xâm chiếm ông, những dấu hiệu bề ngoài của sự xúc động ở mọi người bao giờ cũng khiến ông khó chịu. Rồi ông nhìn đồng hồ và thốt lên bằng giọng bình thường:-Sau một giờ rưỡi… tôi sẽ lên gặp Tổng tư lệnh tối cao.
-Tôi chỉ xin anh một điều, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích,-thủ trưởng Viện hàn lâm ngăn ngừa trước, giữ lấy khuỷu tay Bét-xô-nốp,-ở đó dù người ta có hỏi gì anh cũng đừng vội trả lời. Tất cả những ai đã được gặp Tổng tư lệnh đều nói rằng Người không thích những kẻ hấp tấp. Và vì Chúa, anh đừng quên điều này: đừng xưng hô theo tên và phụ danh mà hãy xưng hô một cách chính thức: đồng chí Xta-lin. Người không chịu được cách xưng hô theo tên và phụ danh… Chiều tối tôi sẽ ghé đến anh, nghe anh kể chi tiết mọi chuyện…
Hai vị tướng mà Bét-xô-nốp không quen biết lặng lẽ ngồi chờ đợi trên những chiếc ghế dựa vững chãi bọc vải cứng trong phòng chờ của Đại bản doanh dát bằng gỗ sồi và lờ mờ ánh sáng màu sương xám xám của một ngày cuối thu lãnh lẽo dọi qua cửa sổ. Khi người đại tá có tuổi, mái tóc hoa râm cùng đi với Bét-xô-nốp trên xe dẫn ông vào phòng đó, từ chiếc bàn viết rộng để nhiều máy điện thoại, một người hói trán, tầm vóc nhỏ bé với một nụ cười không nói lên điều gì cả. Mặc bộ âu phục dân sự xoàng xinh, với vẻ mặt xam xám vì mệt mỏi, không có gì đáng chú ý, đứng lên. Nhìn vào tận tròng mắt vet, bắt tay ông bằng một bàn tay yết ớt, mềm như bún, người đó nói rằng phải chờ đợi tuy không nói rõ phải đợ bao lâu và đích thân dẫn Bét-xô-nốp tới chiếc ghế bỏ trống gần chỗ hai vị tướng.
-Mời anh ngồi đây…
Bét-xô-nốp ngồi xuống còn con người hói trán mệt mỏi mặc áo dân sự-chính ông ta đã gọi điện tới Viện hàn lâm-mỉm cười với ông ta và theo phép lịch sự quen thuộc khẽ chạm đầu những ngón tay vàng khè của mình vào chiếc gậy của ông:
-Xin anh cho phép, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, tôi sẽ đặt gây vào góc phòng. Như thế sẽ tiện cho anh hơn.
Ông thận trong nhấc cái gậy của Bét-xô-nốp lên, lặng lẽ đem đặt nó vào góc phòng, sau bàn làm việc và cũng lặng lẽ như thế ngồi xuống chỗ giấy tờ và các máy điện thoại của mình. Trong phòng im lặng, phảng phất mùi gỗ và ấm áp vì lò sưởi hơi. Cái ồn ào của một ngày thu đã bắt đầu có tuyết ở Mát-xcơ-va không xuyên thấu được tới đây, ngay cả tiếng rì rào nhè nhẹ cũng không lọt qua được chiều dày cổ kính của những bức tường đá, không nghe rõ cả tiếng người nói cũng như tiếng chân đi trong hành lang.
Trong phòng chờ cũng không có một âm thanh, một cử động, không một tiếng ghế cọt kẹt; người mặc đồ dân sự lặng lẽ ngồi sau bàn; hai vị tướng không quen biết im lặng. Bét-xô-nốp cũng im lặng, càng ngày ông càng cảm thấy cái cảm giác kỳ lạ, đầy quyền uy buộc ông phải hòa mình vào sự im lặng như tờ ấy, ông cảm thấy mình chưa được chuẩn bị cho cuộc tiếp kiến này khi nghĩ rằng có lẽ Xta-lin đang ở đây đó sau bức tường, sát ngay cạnh mình, rằng lát nữa đây cánh cửa sẽ mở ra và con người đó sẽ bước vào đây, vào phòng chờ này, con người mà diện mạo đã được khắc sâu vào ý thức ông hơn cả khuôn mặt của ông bố và bà mẹ ông đã quá cố. Chắc hẳn các vị tướng không quen biết và con người mệt mỏi ngồi sau bàn cũng cảm thấy như thế.
Tất cả đều nói lên sự hiện diện hàng ngày ở đây của con người quyết định số phận cuộc chiến tranh và số phận của hàng triệu con người sẵn sàng tin tưởng chết vì người đó, sẵn sàng chịu đựng đói khát, đau khổ, sẵn sàng cười vang vì hạnh phúc và thét lên trong niềm phấn khởi không kìm giữ được khi nhận ra chỉ một nét thoáng cười của con người đó, một cái vung tay của con người đó trên lễ đài. Bét-xô-nốp cảm thấy sự chờ đợi căng thẳng này còn vì lẽ tên tuổi của Xta-lin đã trở thành quen thuộc, chắc nịch và du dương, tựa hồ như nó không thuộc về chỉ một con người; đồng thời cái tên đó chỉ gắn với một con người duy nhất có khả năng thực hiện một sự nghiệp chung cho tất cả mọi người, vốn đã trở thành niềm tin và hy vọng.
Trong phòng chờ không ai quyết định lên tiếng trước: tiếng nói bình thường của con người dường như có thể đưa mọi nguời sang một trạng thái khác, nó phá hủy một cái gì đó thiêng liêng. Vị thượng tướng đứng tuổi, phục phịch choãi cặp đầu gối mập mạp, khẽ thay đổi tư thế ngồi, đôi giày của ông bất chợt cọt kẹt dưới ghế và chừng như sợ hãi trước tiếng động đó ông đỏ mặt liếc nhìn người bên cạnh, vị trung tướng pháo binh trẻ tuổi đang căng người ra. Bảnh bao, ngực đeo đầy huân chương, ưỡn thẳng, cái áo cổ đứng không một nếp nhăn, vị này ngồi, mắt nhìn chằm chằm vào con người nhỏ bép mặc đồ “dân sự” vẫn đang lần giở giấy tờ ở sau bàn.
Đồng hồ chỉ 14 giờ 10 phút khi con người hói trán mệt mỏi mặc đồ dân sự qua những dấu hiệu mà chỉ mình ông ta biết xác định được rằng Xta-lin đã có mặt ở phòng bên cạnh.
Ông nhẹ nhàng đứng dậy không chờ gọi, đi thẳng vào phòng làm vệc và quay trở ra, để cửa ngỏ, nói:
-Xin mời đồng chí Bét-xô-nốp.
Cố gắng không khập khiễng, Bét-xô-nốp bước vào.
Trong khoảnh khắc đầu tiên, ông không nhìn được tường tận căn phòng làm việc thênh thang như một phòng lớn, trên tường có treo chân dung Xu-vô-rốp và Cu-tu-dốp, chiếc bàn dài để hội họp, trang trọng phủ tấm dạ màu xanh lá cây, tấm bản đồ địa hình để trên một bàn lớn khác, với những chiếc máy điện thoại có dây dài cùng với những cái vòng cuộn trong trên thảm trải ở lối đi. Lúc ấy Bét-xô-nốp toàn thân căng thẳng, chăm chú, chỉ nhìn thấy một mình Xta-lin-vóc người tầm thước, thoạt nhìn không giống với các bức chân dung của mình, Tổng tư lệnh tối cao đi gới gặp ông, dáng đi nhẹ nhõm, hơi đu đưa, đôi giày da mềm không một tiếng động; Người mặc chiếc áo quân phục cổ đứng, bó sát lấy đôi vai xuôi. Hàng ria dày, cặp lông mày rậm của Người hơi bạc trắng, cặp mắt hẹp, vàng vàng trông bình thản. Và Bét-xô-nốp nghĩ: “Bây giờ Người sẽ hỏi về vấn đề gì nhỉ?”.
Sau khi chào hỏi không bắt tay, không mời Bét-xô-nốp ngồi, bản thân cũng không ngồi, Xta-lin nhẹ bước và đều chân đi trên tấm thảm dọc cái bàn để bản đồ, tay trái đặt trước bụng, tựa hồ như không co duỗi hẳn lại được.
Sau khi im lặng khá lâu, Người đi tới bàn viết ở cuối phòng, dừng lại đó, quay nửa người về phía Bét-xô-nốp và hỏi bằng một giọng không rõ rệt:
-Đồng chí nghĩ thế nào về những biến cố gần đây, đồng chí Bét-xô-nốp?
Không hiểu rõ câu hỏi lắm, Bét-xô-nốp muốn hỏi cho rõ hơn: “Về những biến cố nào, thưa đồng chí Xta-lin?-nhưng ông đã trả lời bằng một giọng dè dặt quá mức:
-Thưa đồng chí Xta-lin, nếu nói tới những biến cố gần đây ở Xta-lin-grát thì chúng có thể mở đầu cho một cuộc tiến công lớn và tôi thấy duờng như cho một thời kỳ mới của cuộc chiến nếu chúng ta không cho phép bọn Đức phá được vòng vây bên trong và vòng vây bên ngoài của chúng ta…
-Dường như hay là tin chắc, đồng chí Bét-xô-nốp?
-Tôi tin chắc, thưa đồng chí Xta-lin. Tôi nghĩ rằng điều đó phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta biết triệt để chia cắt và tiêu diệt kẻ thù trong vòng vây đến mức nào.
Bét-xô-nốp im lặng, ông tưởng như tấm lưng tròn, rộng của Xta-lin đụng đậy sau khi nghe câu trả lời đó, chừng như có ý ngăn ông lại và tán thành ý kiến của ông.
Trong phòng mát dịu và tĩnh lặng. Xta-lin nhấc tẩu thuốc từ chiếc gạt tàn lên, quay người khỏi bàn, bật diêm hút tẩu thuốc và qua ánh lửa diêm nhìn chằm chằm vào Bét-xô-nốp, thốt lên một cách kiên trì, như thể Người không nghe thấy câu trả lời của ông:
-Nếu tôi cử đồng chí chỉ huy một tập đoàn quân ở Xta-lin-grát, đồng chí sẽ không phản đối chứ, đồng chí Bét-xô-nốp? Tôi biết rõ hoạt động của quân đoàn đồng chí trước cửa ngõ Mát-xcơ-va và đã trao đổi ý kiến với Rô-cốt-xốp-xki…
“Thế nghĩa là tin đồn về việc bổ nhiệm mình là đúng. Trả lời rằng vì lẽ này hay lẽ khác mình không hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân do việc bổ nhiệm mình hoặc trả lời rằng việc bổ nhiệm này đối với mình là bất ngờ đều là sự thành thật hơi ngốc nghếch. Hóa ra Rô-cốt-xốp-xki đã tiến cử mình. Mình không ngờ sự thể lại như vậy”.
-Thưa đồng chí Xta-lin, tôi là một người lính và việc cử tôi vào bất cứ cương vị nào cũng đều là mệnh lệnh.
-Tôi cho rằng sau khi điều trị tại viện quân y, lúc này chắc đồng chí cũng muốn đi chiến đấu rồi, đồng chí Bét-xô-nốp. Theo tôi về vấn đề này chắc đồng chí cũng không phản đối.-Xta-lin uể oải xua tay, tắt que diêm.-Đồng chí hãy lại gần bản đồ.
Thiếu gậy chống, Bét-xô-nốp cố khắc phục khoảng cách ngắn đi tới cái bàn. Giờ đây ông đứng gần Xta-lin đến nỗi cảm thấy rõ mùi thuốc lá thơm ngát toát ra từ quần áo của Người và nhìn nghiêng thấy rõ hàng lông mày rộng lấm tấm điểm bạc, làn da xù xì trên má hơi bị rỗ hoa. Và khi Xta-lin lặng lẽ nghiêng mình trên tấm bản đồ, thong thả ngước cặp mắt vàng vàng lên, trong mắt Người lóe lên một ánh hiền dịu chứng tỏ Người cảm thấy hài lòng.
-Tôi không phản đối các phán đoán của đồng chí Bét-xô-nốp, -Xta-lin bắt đầu nói khẽ.-Chắc đồng chí biết đấy, chúng ta cũng đã nghĩ tới việc bao vây quân thù trước Mát-xcơ-va. Nhưng không đủ sức. Kể cả sức của quân đoàn đồng chí. Mỗi người làm tướng đều mơ tới những trận Can-nơ, đồng chí Bét-xô-nốp ạ. Nhưng chúng ta, những người cộng sản, chúng ta tin vào hoàn cảnh khách quan. Người ta nói rằng trước Mát-xcơ-va, Hít-le chỉ thiếu có một sư đoàn xe tăng mới tinh và một mùa hè kéo dài. Một vài người khẳng định: đã xuất hiện một quy luật nào đó-địch tiến công vào mùa hè, ta nện chúng vào mùa đông. Không, trong chiến tranh không thể có một quy luật như thế. Những điệu hát rũ rích… Như thế là đồng chí nói tới những trận Can-nơ phải không, đồng chí Bét-xô-nốp? (Chỉ trận thắng của quân Các-ta-giơ do danh tướng An-ni-ban (247-183 trước Công nguyên) chỉ huy đánh bại quân La mã vào năm 216 trước Công nguyên)-Xta-lin nhắc lại, mặc dầu Bét-xô-nốp không dùng chữ này và Người ngậm tẩu thuốc, dùng đuôi tẩu khoanh một vòng tròn đều đều quanh vùng Xta-lin-grát trên tấm bản đồ.-Bọn kẻ cướp Hít-le ở đây như nằm trong chảo và đó sẽ là những trận Can-nơ đầu tiên của chúng ta, đồng chí Bét-xô-nốp ạ. Đồng chí đồng ý chứ?
-Vâng, thưa đồng chí Xta-lin. Tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí.
-Bởi vậy tập đoàn quân của đồng chí được trang bị rất tốt,-Xta-lin tiếp tục nói sau khi ngừng lại hồi lâu,-chúng tôi rút nó từ lực lượng dự bị của Đại bản doanh để trao cho đồng chí và sẽ đưa nó tới tăng cường cho ba phương diện quân nhằm đánh tan bọn Đức trong vòng vây. Đồng chí sẽ đánh quỵ tên Pao-luýt-xơ, kết thúc chiến dịch “Cái vòng”. Đồng chí có những suy nghĩ gì về vấn đề này, đồng chí Bét-xô-nốp?
-Thưa đồng chí Xta-lin…-Bét-xô-nốp lên tiếng, hiểu rõ vì sao Xta-lin nhắc lại tình hình trước đây ở trước Mát-xcơ-va và kiên trì lặp lại như vậy ba lần tiếng “Can-nơ” khi nói về tình hình ở Xta-lin-grát hình thành do kết quả cuộc phản công tháng Mười một của các phương diện quân của chúng ta.-Thưa đồng chí Xta-lin, tôi muốn nói rằng giờ đây mọi sự đều lệ thuộc vào việc tiêu diệt nhanh chóng đạo quân to lớn này của bọn Đức. Không loại trừ khả năng bọn Đức mưu toán đánh phá vây từ bên trong hoặc khả năng chúng đánh giải vây, thọc qua mặt trận phía ngoài của ta để tới ứng cứu cho bọn bị bao vây. Người ta nói với tôi rằng hành động của quân đội ta nhằm tiêu diệt quân địch bị bao vây đã bị chậm lại trong những ngày gần đây, còn bọn Đức chống cự kịch liệt và thậm chí đang phản công…
“Người biết rõ hơn mình và chắc là mình nói không đúng chỗ”-Bét-xô-nốp nghĩ sau khi vừa nói câu cuối cùng nhưng Xta-lin đưa que diêm đã bật lên châm tẩu thuốc, khẽ gật đầu.
-Đồng chí nói tới mưu toan đánh phá vây? Đồng chí không nhầm chứ, đồng chí Bét-xô-nốp? Có những tin tức cho biết việc bọn Đức chuyển quân từ Tây Âu sang hướng Xta-lin-grát… Đồng chí tiếp tục đi.
-Vì thế tôi mong muốn chuyển càng nhanh càng tốt tập đoàn quân tới mặt trận, thưa đồng chí Xta-lin.
Dường như Xta-lin mải suy nghĩ về một ý định gì đó của mình, Tổng tư lệnh tối cao dùng cán tẩu rẽ hàng ria mép dày màu hung; một phút sau Người lên tiếng với một giọng đặc biệt rõ rệt:
-Chúng ta phải tiến hành chiến dịch “Cái vòng” nhằm chia cắt và tiêu diệt đám quân địch bị bao vây bằng các lực lượng của phương diện quân của Rô-cốt-xốp-xki và về cơ bản bằng tập đoàn quân của đồng chí, đồng chí Bét-xô-nốp ạ. Không muộn hơn ngày hai mươi ba tháng Chạp. Vấn đề còn là ở chỗ trước trận Xta-lin-grát bộ đội của chúng ta, thậm chí các sĩ quan của chúng ta cũng chưa quen bao vây cho đến nơi đến chốn và đánh tiêu diệt kẻ thù bị bao vây. Tiếng “người Đức” trong một thời gian khá lâu đã vang lên như một sức mạnh rất tích cực. Đó là một yếu tố tâm lý. Cần phải đập tan cái yếu tố đó trong ý thức. Đập tan vĩnh viễn. Có phải như vậy không, đồng chí Bét-xô-nốp? Hay là hoàn toàn không phải như thế?
-Thưa đồng chí Xta-lin, tôi nghĩ rằng,-Bét-xô-nốp nói,-cuộc rút lui năm bốn mốt còn chưa hoàn toàn rời khỏi đầu óc của bộ đội. Và cả mùa hè năm bốn hai nữa. Nhưng sự thay đổi đang diễn ra hoặc đã diễn ra rồi. Anh em chiến sĩ bắt đầu hiểu rằng chiến tranh đã diễn ra theo cách khác, không phải bọn Đức bao vây chúng ta mà chính ta bắt đầu bao vây chúng.
Không một cơ bắp nào trên khuôn mặt vàng xám, lạnh nhạt của Xta-lin thể hiện sự đồng ý hay là sự phản đối và khi thì húng hắng ho, khi thì khục khặc vì ngứa họng, Người bắt đầu đi bách bộ trong phòng, trên tấm thảm dày không gây tiếng động, tay trái của Người không được mềm mại, co về phía khuỷu, hơi đưa về phía đằng trước, đặt trước bụng, đôi vai xuôi, hẹp, hơi gù xuống; nhưng trong giây phút đó Bét-xô-nốp bỗng tưởng như Xta-lin có điều gì đó băn khoăn, không hài lòng, có lẽ do việc nhắc tới năm bốn mốt hoặc do nhận xét về hoạt động chậm trễ của quân ta chống lại đám quân Đức của Pao-luýt-xơ bị bao vây và ông thấy khi Xta-lin lại gần, cặp mắt lạnh lùng chăm chú với vẻ cứng rắn bình thản chằm chằm nhìn ông.
-Nhiệm vụ và mục đích của người tướng cầm quân là gì,-Xta-lin nói, không phải hướng về Bét-xô-nốp nữa mà như nói với bản thân mình, suy nghĩ, cân nhắc chính xác từng lời.-Nhiệm vụ chủ yếu của người cầm quân là nhận mặt, nghiên cứu kẻ thù. Chuẩn bị và chờ đợi thời cơ. Rèn luyện gân bắp. Giáng đòn bất ngờ. Và giành thắng lợi.
Người dùng động tác nhấn mạnh mấy chữ “giành thắng lợi”, khuôn mặt ram ráp, đầy những vết rỗ hoa nhỏ xíu chợt tỏ ra hài lòng.
-Và tất cả những kẻ thiếu tin tưởng sẽ bị đào thải,-Xta-lin nói tiếp, lần thứ hai Tổng tư lệnh tối cao dùng động tác để nhấn mạnh lời nói.-Những kẻ hèn nhát và những kẻ hoài nghi non gan, đồng chí Bét-xô-nốp ạ. Tiếc thay những kẻ như thế vẫn hãy còn.
Và Xta-lin với vẻ mặt cau có của một con người giờ đây không muốn nghe, đi lại phía bàn viết ở cuối phòng làm việc, nhấc ống điện thoại lên nhưng vừa khục khặc, húng hăng ho vừa chậm rãi đặt nó xuống. Tiếp đó là hai phút Người đứng dửng dưng, nghiêng người về phía Bét-xô-nốp, y như đã quên mất sự có mặt của ông; rồi Người đưa bàn tay nhỏ nhắn rám nắng sẫm, phủ đầy lông tơ màu vàng vỗ vỗ vào chiếc tẩu đã tắt để hất tàn thuốc đi; Người mở hộp thuốc lá ở trên bàn, kẹp nó vào các ngón tay, giơ lên phía trên chiếc gạt tàn, xé rách các điếu thuốc để lấy sợi thuốc nhồi vào tẩu.
“Tổng tư lệnh tối cao đã tỏ ý cho biết là mình phải đi ra. Có lẽ Tổng tư lệnh tối cao cho triệu mình tới chỉ để xem mặt một tư lệnh mới và đã tỏ ra rất không hài lòng về mình-Bét-xô-nốp nghĩ.-Thì ra việc cử mình phụ trách tập đoàn quân theo lời khuyên của Rô-cốt-xốp-xki hình như có tính chất ngẫu nhiên…”
Xta-lin tiếp tục nhồi thuốc vụn vào tẩu, nén chặt và sau khi ngừng lời khá lâu, Người bắt đầu lên tiếng rất khẽ:
-Đồng chí Bét-xô-nốp này, đồng chí đã theo học và sau đó giảng dạy ở Viện hàn lâm quân sự phải không? Việc đó ai cũng biết. Đồng chí có quen với một tướng Vla-xốp nào đó không nhỉ?
“Tại sao Tổng tư lệnh tối cao lại hỏi mình về Vla-xốp nhỉ?-Bét-xô-nốp thoáng nghĩ.-Nhân chuyện gì mà Tổng tư lệnh tối cao nhớ tới vấn đề này?”.
-Tôi có biết,-Bét-xô-nốp trả lời, tim đập mạnh, ông đã nghe những người công tác ở Bộ Tổng tham mưu nói về những biến cố tháng Sáu trên mặt trận Vôn-khốp, về bi kịch của tập đoàn quân xung kích số Hai trong đó con trai ông phục vụ và bị mất tích.-Tôi có biết,-Bét-xô-nốp nhắc lại.-Chúng tôi cùng học với nha ở Viện hàn lâm…
-Riêng đồng chí có ý kiến gì về Vla-xốp trong những năm đó? Người ta nói rằng anh ra là kẻ hay tự ái và hay mếch lòng một cách quá quắt phải không?
-Thưa đồng chí Xta-lin, những cái đó không đập vào mắt mọi người, trong những năm đó ông ta không giao du mật thiết với ai cả, theo như tôi nhớ được.
-Người ta nói rằng ông tướng hay tự ái đã đầu hàng quân Đức là một kẻ hèn nhát, rất dút dát trong chiến đấu, giống như ông tướng nào đó của Ec-mô-lốp. Có đúng thế không?
-Tôi không thể nói về những nhận xét đó, thưa đồng chí Xta-lin. Tôi không gặp Vla-xốp ở ngoài mặt trận,-Bét-xô-nốp khẽ đáp.-Tuy nhiên tôi biết chắc một điều: lúc ở Viện hàn lâm ông ta không có gì nổi bật đặc biệt, đó là con người với những khả năng trung bình.
-Mọi người đều biết tên phiêu lưu chính trị khả năng trung bình đó đã đi hầu hạ bọn Đức,-Xta-lin giận dữ thốt lên.-Do tội lỗi của tên tướng hèn nhát đó, sáu nghìn người trong tập đoàn quân của hắn đã bị giết, tám nghìn người mất tích. Đồng chí Bét-xô-nốp, theo tôi thường thường những kẻ không kiên định về chính trị và đạo đức chịu để địch bắt làm tù binh. Trong một chừng mực nào đó chúng bất mãn với chế độ ta… Trừ một vài ngoại lệ. Đồng chí đồng ý chứ?
“Không có lẽ nào Vích-to nằm trong số tám nghìn người bị mất tích đó và đã bị bắt làm tù binh!… Tại sao Tổng tư lệnh tối cao lại nói về chuyện đó?”-Bét-xô-nốp lại suy nghĩ, ông cảm thấy chỗ đau ở chân nhói lên như một vết bỏng và ông có ý muốn không cưỡng được là lau mồ hôi nóng bỏng vã ra do cơn đau chảy từ thái dương xướng. Lúc ở Mát-xcơ-va, sau khi điều trị tại viện quân y, trước khi được cử ra mặt trận, Bét-xô-nốp thường xuyên nghĩ tới con trai, nghĩ tới tính mạn của con hoặc khả năng con bị chết; Bét-xô-nốp đã tìm hiểu mọi tin tức về tập đoàn quân xung kích số Hai, về những người chạy thoát khỏi vòng vây nhưng ông tránh nói chuyện đó ngay với vợ vì bà vẫn còn chưa mất hy vọng. Vích-to chết hay bị bắt làm tù binh, những đau khổ của anh đã chấm dứt cùng với cái chết hay chỉ mới bắt đầu trong trại tù binh, tất cả những cái đó được Bét-xô-nốp cảm nhận theo cách riêng của ông, được đánh giá bằng ý nghĩa của đời ông, ý nghĩa của tình thương muộn mằn của ông đối với con trai, ý nghĩa của vợ ông và niềm tin của ông. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại viện quân y gần Mát-xcơ-va trước khi Vích-to ra trận, sự trìu mến thiết tha của con trai đối với ông, những viên đạn súng ngắn rơi ra từ túi áo mưa sĩ quan mới tinh, cách hút thuốc lá vụng về, tiếng cười và khát vọng được đi chiến đấu với các bạn học-Bét-xô-nốp nhớ mãi những hình ảnh đó như một giấc mơ được lặp lại nhiều lần.
Bản thân Bét-xô-nốp cũng đã nhiều lần trải qua cái cảm giác về sự bất lực trong những tháng đầu tiên của năm bốn mốt, ông biết rõ thế nào là tâm trạng chán nản chung của mọi người khi bị bao vây, tâm trạng này nảy sinh như một bệnh dịch, nhưng ông cũng đã biết và đã trông thấy những anh chàng trung úy còn rất trẻ con, nhưng chỉ huy đại đội và tiểu đoàn không cạo râu bao giờ, do nhiều nguyên nhân bị đứt liên lạc, họ đã tập hợp được bộ đội trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không lối thoát và với sự phẫn nộ cùng cực, tuyệt vọng họ đã phá được vòng vây siết chặt hoặc hy sinh ngay trước mũi xe tăng; ông hình dung những cái đó một cách rõ rệt và ông không nghi ngờ, tin chắc rằng Vích-to-mà ông mới nhìn thấy một cách mới mẻ-sẽ phá vòng vây như thế khi đơn vị của anh bị bao vây…
-Sao đồng chí lại im lặng thế, đồng chí Bét-xô-nốp?
Bét-xô-nốp trấn tĩnh lại, những nếp nhăn của tuổi già hằn sâu trên khuôn mặt hốc hác của ông,ông không thể giãn được cặp môi ra; còn cơn đau không gì chống lại được ở cẳng chân do đứng quá lâu ngày càng dai dẳng, mãnh liệt lan trên đùi ông như kẹp chặt lấy ông bằng những gọng kìm nung đỏ; ông sực nhớ tới cái gậy đã trao lại cho con người hói trán nhã nhặn ở phòng chờ, cảm thấy muốn ngồi xuống nhưng đồng thời biết rằng mình sẽ không ngồi. Sau cùng ông lên tiếng:
-Con trai tôi chỉ huy một đại đội trong tập đoàn quân xung kích số Hai. Tôi không biết rõ số phận của nó nhưng thưa đồng chí Xta-lin, là một người cha, tôi không có lý do gì để ngờ rằng nó phản bội nếu nó đã bị bắt làm tù binh.
Xta-lin ho khan, đặt mạnh chiếc tẩu xuống bàn, xem nó như một sinh vật quấy rầy, đẩy nó ra xa-đó là dấu hiệu của sự không hài lòng cố nén lại, điều mà Bét-xô-nốp không thể biết được,-Tổng tư lệnh tối cao đi bách bộ trong phòng, mí mắt ngăm ngăm, đùng đục của Người nhăn lại:
-Tôi không ám chỉ số phận con trai đồng chí. Theo như tôi được biết anh ta còn rất trẻ. Tôi không nghĩ về điều đồng chí đang nghĩ đâu, đồng chí Bét-xô-nốp. Tôi muốn nói về một nhân vật khác hẳn. Tôi nghĩ rằng sự phản bội bao giờ cũng có gốc rễ trong quá khứ. Thanh niên không có quá khứ,-Xta-lin.
Bét-xô-nốp cảm thấy cơn đau không chịu được ngày càng lan mạnh từ đầu gối lên đùi, lâm râm như lửa đốt, những dòng mồ hôi nóng bỏng chảy xuống nách, ông nghĩ thầm: “Lúc này giá được chống gậy thì hay quá”.
-Tên Vla-xốp này đã có một thời thậm chí được đánh giá tốt. Không ai biết rõ bản chất thối nát của hắn. Cả ở Viện hàn lâm cũng như trong quân đội,-Xta-lin thốt lên, cái nhìn lạnh lùng của Người xói vào mặt Bét-xô-nốp đến mức ông muốn đưa tay lên má để gạt cái giá lạnh như thép đó khỏi da thịt mình.-Không đúng thế sao, đồng chí Bét-xô-nốp?
-Tôi thấy khó trả lời câu hỏi này, thưa đồng chí Xta-lin. Cứ theo như cảnh ngộ Vla-xốp bị bắt làm tù binh mà tôi có thể hình dung được, tôi cắt nghĩa việc đó bằng khía cạnh súc vật trong sự sa đọa của con người. Còn như sự gần gũi với bọn Đức… thì đó, theo tôi, đã là một hành động có tính chất chính trị…
o0o
Trong giây phút đó Bét-xô-nốp cố gắng hiểu cho thật cặn kẽ ý nghĩa những lời nói của Tổng tư lệnh tối cao về tù binh, ông gạt bỏ, không chấp nhận tất cả những cái gì có thể gieo rắc bóng đen lên số phận con trai ông, ông không tin vào sự yếu đuối, sự nhát gan của anh. Không thấy có tên Vích-to trong danh sách mười sáu nghìn người thoát khỏi vòng vây. Đồng thời kinh nghiệm của Bét-xô-nốp phủ nhận lối nhìn ngây thơ, toàn một màu hồng, sự đinh ninh thiếu căn cứ cho rằng đối với con trai ông mọi việc đều trơn tru. Vẫn như trước đây, ông nghĩ rằng trong những hoàn cảnh đó Vích-to khó mà tránh không bị bắt làm tù binh, giống như những người khác khi lâm vào tình huống bi đát đó nhưng cho dù điều đó đau đớn đến thế nào đi nữa, Bét-xô-nốp ngày càng quả quyết rằng con trai ông đã chết trong những ngày tập đoàn quân xung kích số Hai mưu toan đánh phá. Điều đó gần với sự thật hơn.
Nhưng Bét-xô-nốp không thể biết được nguyên do dẫn tới cuộc trò chuyện này, cái gì thúc đẩy Xta-lin tò mò chú ý tới tướng Vla-xốp.
Trong cuộc chiến tranh nào chả xảy ra những sự phản bội, hèn nhát, sự phản trắc của cả một đạo quân, việc trao tài liệu mật cho quân thù. Sự phản bội của Vla-xốp vào tháng Sáu năm bốn mốt không phải là sự phản bội của cả đạo quân đã chiến đấu đến người cuối cùng ở gần làng Xpa-xcai-a Pô-li-xtơ. Tàn quân của các sư đoàn đã chiến đấu thoát khỏi vòng vây. Sự phản bội của Vla-xốp là sự phản bội hèn nhát của một tên tướng ban đêm đã bí mật rời bỏ bộ tham mưu của mình và đi tới làng Pi-at-nít-xa đã bị bọn Đức chiếm rồi nói lên những lời khiếp sự và sỉ nhục: “Các anh đừng bắn, tôi là tướng Vla-xốp đây”. Hắn đã cứu cái mạng hắn mà từ giờ phút đó đã chết rồi bởi vì bất kỳ sự phản bội nào cũng đều là cái chết vì tinh thần. Nhưng sự phản bội của Vla-xốp và thất bại của một tập đoàn quân trên một hướng không phải là chính yếu cố nhiên đã không thể làm thay đổi tình hình trên toàn bộ mặt trận Xô-Đức. Trong lúc nguy cơ nghiêm trọng nhất là ở phía Nam và Tổng tư lệnh tối cao lúc ấy đang bận tâm vào các mặt trận ở phía Nam, nơi quân Đức chuẩn bị giáng đòn chủ yếu, không muốn tập trung chú ý vào các biến cố ở Vôn-khốp. Nhưng trong những ngày ba phương diện quân đạt được thành tích lớn ban đầu ở Xta-lin, trong những ngày phản công tháng Mười một của chúng ta thì họ tên của tên tướng Vla-xốp lại thấp thoáng hiện lên trong các bản tin tình báo, điều ấy khiến cơn phẫn nộ trước đây lại bừng bừng lên trong người Xta-lin, đồng thời Người luôn luôn hình dung xem giờ đây, khi ngồi ở hậu phương của bọn Đức, liệu tên Vla-xốp cảm thấy thế nào lúc nghe tin chiến thắng của Hồng quân. Khi nghĩ về quá khứ theo các hồi tưởng ám ảnh mình, Xta-lin chờ đợi Bét-xô-nốp, người đã từng có lúc biết rõ kẻ nguyên là tư lệnh tập đoàn quân xung kích số Hai do cùng học với nhau ở Viện hàn lâm, một vị tướng đứng tuổi đã cống hiến nhiều năm trong quân đội, xác định cái gì nổi bật trong bụng dạ tên phản bội, những gốc rễ sâu xa từ những năm trước khả dĩ giải thích được hành động hiện tại của Vla-xốp. Và Xta-lin muốn biết chính xác về điều đó.
Sau khi nghe Bét-xô-nốp trả lời, theo thói quen đã luyện được nhiều năm, Xta-lin không trực tiếp để lộ sự không hài lòng của mình; với vẻ uể oải chậm rãi Người đi bách bộ dọc con đường trải thảm từ đầu phòng đến cuối phòng và từ chỗ đó Người nói bằng một giọng rất khó nghe rõ:
-Một hành động có tính chất chính trị? Đúng, đó là chính trị… Đồng chí Bét-xô-nốp này, người ta nói rằng đôi khi đồng chí phát biểu quan điểm riêng… của mình về nhiều biến cố khác nhau. Về những tù binh đó chẳng hạn. Dư luận về đồng chí có phù hợp với thực tế không?
Đang chờ nói chuyện tiếp về Vla-xốp, Bét-xô-nốp không dè câu hỏi này và ông hơi chuyển dịch cẳng chân đến tê dại trên tấm thảm, ông bỗng cảm thấy như có một làn gió thoảng thốc vào ngực và có cảm giác về một trạng thái khác thường đối với mình, mình sắp bị ngã lăn từ trên một bờ dốc cao dựng đứng xuống, như thể đã có ý thức chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cái kết cục khốc liệt đó, ông chật vật thốt lên:
-Thưa đồng chí Xta-lin, có lẽ người ta còn nói cả những điều không hay về tôi nữa. Tôi biết có dư luận cho rằng tôi xấu tính. Và tôi chắc đã có những lời phàn nàn về tôi.
Xta-lin mở mí mắt nặng trĩu, ngạc nhiên chăm chú nhìn rồi lại khép ngay mi mắt xuống.
-Tại sao đồng chí không trả lời thẳng vào câu hỏi?-Xta-lin hỏi và bất chợt cười không thành tiếng và dùng ngón tay cái vuốt vuốt cái tẩu kẹp trong tay, vai khẽ động đậy, rồi lại bước tới bàn viết ở cuối phòng làm việc.-Đồng chí Bét-xô-nốp, là một người cộng sản, đồng chí háy trả lời tôi như một người cộng sản. Bao giờ đồng chí cũng có quan điểm riêng của mình về các biến cố khác nhau phải không?
-Tôi cố gắng như thế, thưa đồng chí Xta-lin. Nhưng không phải bao giờ tôi cũng bảo vệ được quan điểm đó đến cùng.
Xta-lin nheo mắt, nhìn ra ngoài bàn viết. Từ lâu đã quen với việc mọi người xung quanh tán thành ý kiến của mình, không bàn luận, xem ý kiến đó như là chuẩn mực, đôi khi Người cho phép một số rất ít người thân cận được bày tỏ ý kiến riêng biệt của họ và câu trả lời của Bét-xô-nốp gợi cho Người nhớ tới một trong những đại diện của Đại bản doanh, con người đôi khi vừa như chọc tức Người đồng thời lại cần thiết khi giải quyết các vấn đề tác chiến vì người đó vốn cương trực, không sợ hãi. Nhưng sự sáng suốt giàu kinh nghiệm khiến mọi người ngạc nhiên xem đó như là sự đánh giá tình hình một cách chắc chắn và chính xác đã khiến Xta-lin tin chắc rằng các phán đoán của mình không sai lầm và Người nêu những phán đoán đó lên không do dự.
-Tôi hiểu, đồng chí Bét-xô-nốp… Ý kiến của đồng chí hình như có liên quan tới số phận của một vài người chỉ huy quân sự mà chúng ta đã trừng phạt?
-Đó chỉ là quan điểm của tôi, thưa đồng chí Xta-lin-Bét-xô-nốp đáp, như thể ông nhích lại gần hơn làn gió lạnh đang thổi vào mặt, vào chân ông; và sau khi trả lời như thế, sau khi hiểu rằng Xta-lin buộc ông phải nói tới điều ông không định nói, ông nói thêm với thái độ bình tĩnh khiến chính ông cũng ngạc nhiên:
-Quan điểm này của tôi hình thành vì tôi phải cộng tác cùng với vài vị chỉ huy quân sự về sau đã trở thành nạn nhân của sự vu khống. Tôi tin chắc rằng, thưa đồng chí Xta-lin…
Xta-lin đặt chiếc tẩu xuống và gạt nó ra xa trên mặt bàn như gạt một vật xa lạ, cản trở Người rồi Người nói một cách lạnh nhạt:
-Tôi biết rõ những hoài nghi kiểu đó. Đấu tranh là một việc gay go. Nhưng nhiều kẻ trong số những người hồi đó bị ta nghi ngờ đã có lòng dạ kiểu Vla-xốp. Những lệch lạc và sai lầm đã được sửa chữa từ lâu. Rô-cốt-xốp-xki và Tôn-bu-khin đã chiến đấu thắng lợi ở Xta-lin.
“Thế còn những người khác?”-Bét-xô-nốp nghĩ.
-… Nhưng nếu như tên Vla-xốp điên rồ đó tỉnh ra, đoạn tuyệt với bọn Đức, chúng ta cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn!…
Cuộc trò chuyện này hình như gợi cho Xta-lin nhớ lại những chuyện khó chịu, bực mình và sau khi húng hắng ho, Người lại nhẹ nhàng, không một tiếng động đi đến bên bản đồ, xem xét hồi lâu những chỉ dẫn chi tiết về tình hình bố trí sáng nay của ba phương diện quân và bây giờ, do muốn chuyển hướng suy nghĩ, Người nghĩ tới thắng lợi của ba phương diện quân này ở Xta-lin-grát và Người nói sau khi xua tay:
-Nhân tiện nói tới những chuyện đó thôi! Còn về con trai đồng chí, đồng chí Bét-xô-nốp, chúng ta sẽ không ghi tên anh ta vào danh sách tù binh mà sẽ coi như nó mất tích. Rồi đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn. Và rồi chúng tôi sẽ thông báo cho đồng chí biết. Con trai cả của tôi là I-a-cốp cũng mất tích vào hồi đầu chiến tranh. Như thế chúng ta đều lâm vào một cảnh ngộ như nhau, đồng chí Bét-xô-nốp ạ.
Xta-lin còn toan nói thêm điều gì đó về người con trai cả của mình, nhưng Người trùng trình, xê dịch kính lúp trên bản đồ và thốt lên những điều khác hẳn:
-Đồng chí hãy đưa tập đoàn quân của mình vào hoạt động không trì hoãn. Tôi chúc đồng chí, đồng chí Bét-xô-nốp, trong biên chế chung với phương diện quân của Rô-cốt-xốp-xki, bao vây thắng lợi và tiêu diệt đạo quân của Pao-luýt-xơ. Sau những hoạt động tích cực của quân đoàn đồng chí ở cửa ngõ Mát-xcơ-va, tôi tin tưởng ở đồng chí, đồng chí Bét-xô-nốp. Tôi vẫn nhớ chuyện đó.
-Tôi sẽ không tiếc sức, thưa đồng chí Xta-lin. Đồng chí cho phép đi?
-Chính là đồng chí phải dè xẻn sức lực. Tôi không nghĩ rằng đồng chí là một lực sĩ.-Xta-lin dang rộng hai cánh tay ngang với khổ người của Bét-xô-nốp, đồng thời Người bất chợt mỉm cười, chòm ria mép rung rinh và trong giây phút đó-Bét-xô-nốp cảm thấy điều đó-vẻ lạnh lùng cứng nhắc tan biến trong đôi mắt của Người, khuôn mặt lấm tấm rỗ hoa của Người trở nên hiền dịu, thân mật, đôn hậu như Bét-xô-nốp quen nhìn thấy trong các bức chân dung.-Đồng chí gầy quá, đồng chí Bét-xô-nốp ạ. Đó là do đồng chí có cái chính kiến của mình phải không?… Vết thương không bị loét chứ? Chắc là đồng chí kém ăn. Và rồi đồng chí sẽ nuôi quân kém. Mà không được phép làm như thế dù rằng việc tiếp tế ở Xta-lin-grát không được khá cho lắm.
-Tôi vừa ở viện quân y ra, thưa đồng chí Xta-lin. Nhưng tôi vốn là tạng người gầy gò,-Bét-xô-nốp đáp, ông trông thấy nụ cười của Xta-lin-grát dường như khuyên ông quên hết tất cả những gì không liên quan đến công việc trong cuộc chuyện trò này.
Ba giờ sau máy bay liên lạc cất cánh từ sân bay quân sự đưa ông tới vùng Xta-lin-grát. Nhưng ngay lúc đã ngồi trên máy bay ông cũng vẫn không thể phân tích tường tận ấn tượng phức tạp về cuộc nói chuyện bốn mươi phút với Tổng tư lệnh tối cao.
Ba ngày sau khi Bét-xô-nốp đến nhiệm sở, nơi triển khai của tập đoàn quân, tình hình ở vùng Tây Nam Xta-lin-grát đã thay đổi hoàn toàn.
Từ ngày 24 đến ngày 29 tháng Mười một, phương diện quân sông Đông và phương diện quân Xta-lin-grát phối hợp tổ chức tiến công liên tục vào đạo quân Đức đông đảo bị siết chặt trong vòng vây và kháng cự kịch liệt, có những lúc chuyển sang phản công trên một số khu vực nhất định. Nhưng vào những ngày đầu tháp Chạp, các khu vực do các đạo quân bao vây chiếm giữ đã thu hẹp lại một nửa, chiều dài từ Tây sang Đông không quá tám mươi-chín mươi ki-lô-mét và từ Bắc xuống Nam không quá ba mươi-bốn mươi ki-lô-mét. Tư lệnh tập đoàn quân dã chiến số 6, thượng tướng Pao-luýt-xơ đã gửi điện vô tuyến khẩn về đại bản doanh của Hít-le xin phép được đánh phá vây với điều kiện hội quân ở phía Tây Nam và tin vào sự đồng ý của Hít-le, hắn đã ra lệnh cho tập đoàn quân của mình cũng như cho tập đoàn quân xe tăng số 4 phối thuộc chuẩn bị để rút từ phía sông Vôn-ga về hướng Rô-xtốp. Trong vòng mấy ngày, hai tập đoàn quân này vội vã đốt bỏ tất cả những gì không thể sử dụng được khi đánh phá vây-trang bị dự trữ về mùa hè của sĩ quan, những xe kéo, những ô tô bị bỏ lại bì thiếu nhiên liệu-phá hủy các kho tàng chứa những tài sản làm cho quân đội thêm cồng kềnh, thiêu hủy những giấy tờ về công tác tham mưu.
Thông qua những phái viên do đích thân hắn cử đi, Hít-le am hiểu cặn kẽ tình hình quân đội ở đây, hắn dao động, do dự nhưng tin vào lời hứa của Gơ-rinh là sẽ lập cầu hàng không để tiếp tế cho Xta-lin mỗi ngày tới năm trăm tấn hàng, hắn đã gửi điện vô tuyến trả lời Pao-luýt-xơ ra lệnh không được rời bỏ Xta-lin-grát, giữ vững lối phòng ngự vòng tròn, đánh cho đến tên lính cuối cùng. Tiếp đó là một mệnh lệnh gửi tới bộ tham mưu của tập đoàn quân dã chiến số 6 nói về một chiến dịch với tên gọi bí mật là “Cơn dông mùa đông”, về việc chuẩn bị đánh giải vây, nghĩa là tập đoàn quân “Sông Đông” của chuẩn thống chế Man-sten sẽ đánh giải vây từ phía Cô-ten-ni-cô-vô và Toóc-mê-xin để ứng cứu đạo quân bị bao vây của Pao-luýt-xơ. Phối thuộc với tập đoàn quân của Man-sten giờ đây còn có tất cả các đơn vị đóng từ phía Nam trung lưu sông Đông tới các thảo nguyên ở A-xtơ-ra-khan, nghĩa là tới ba chục sư đoàn kể cả một sư đoàn cơ giới và sáu sư đoàn xe tăng được ném từ Đức, Pháp, Ba Lan và các khu vực khác của mặt trận tới.
Quyết định giữ cho được Xta-lin-grát bằng bất kỳ giá nào đó của Hít-le đồng thời còn nhằm một mục đích chiến lược là bảo đảm cho đạo quân Đức ở phía Bắc Cáp-ca-dơ đang bị đe dọa đánh vu hồi rút về phía Rô-xtốp.
Ngày 11 tháng Chạp, sau khi bàn bạc một lần nữa về tình hình ở vùng Xta-lin-grát, Hít-le đã hạ lệnh cho Man-sten đánh giải vây.
Rạng sáng ngày 12 tháng Chạp, sau khi đã tạo ra một ưu thế số lượng là ba chọi một trên một dải đất hẹp dọc tuyến đường sắt Ti-khô-rê-xcơ-Cô-ten-ni-cô-vô-Xta-lin-grát, tư lệnh đạo quân xung kích đánh giải vây, thượng tướng Gôt dùng hai sư đoàn xe tăng với sự yểm trợ dày đặc của không quân giáng một đòn vào chỗ tiếp giáp giữa hai tập đoàn quân của phương diện quân Xta-lin-grát. Xe tăng của chúng đã chọc thủng vòng vây và tới ngày 15 tháng Chạp đã tới bờ sông Ác-xai và sau khi cường tập dòng sông này, trong ba ngày tiến công liên tục chúng đã tiến được bốn mươi ki-lô-mét về hướng Xta-lin-grát. Tình báo của ta đã bắt được những bức điện vô tuyến không viết bằng mật mã của Gôt gửi cho bộ tham mưu của Pao-luýt-xơ: “Hãy giữ vững. Sắp được giải thoát rồi. Chúng tôi sẽ tới!”.
Tình hình ở phía Tây Nam trở nên cực kỳ phức tạp. Bị yếu sức đi do những trận đánh phòng ngự và tiến công trước đây, quân đội ta bị thương vong, khi rút lui đã ngoan cường bám giữ ác liệt từng điểm cao. Tất cả lực lượng dự trữ đã được đưa tới hướng chính, tuy nhiên điều đó cũng không thể thay đổi được tình hình một cách cơ bản đạo quân của thượng tướng Gôt được tăng cường them sư đoàn xe tăng số 17, tiếp tục tiến nhanh về phía Xta-lin-grát, về phía tập đoàn quân số 6 của Pao-luýt-xơ bị bao vây và đang từng giờ từng phút chờ đợi hiệu lệnh đánh phá vây để tiến ra hội quân với các sư đoàn xe tăng đến giải vây cho nó.
Khi tập đoàn quân vừa mới thành lập của Bét-xô-nốp vừa đổ xuống phía Tây Bắc Xta-lin-grát thì tin tức dồn dập đưa tới nói tỉ mỉ về việc quân Đức đã bắt đầu phản công trên hướng Cô-ten-ni-cô-vô, về những trận đánh đẫm máu trên bờ sông Ác-xai.
Cùng với tham mưu trưởng tập đoàn quân, thiếu tướng I-a-xen-cô, Bét-xô-nốp được triệu tập khẩn cấp tới dự cuộc họp Hội đồng quân sự phương diện quân, lúc ấy đại diện của Đại bản doanh cũng có mặt ở đây. Sau những báo cáo chi tiết của tư lệnh phương diện quân và các tư lệnh tập đoàn quân, ai cũng thấy rõ rằng không thể chối cãi được là số phận của phương diện quân Xta-lin-grát đang chịu đựng đòn tập kích chủ yếu, không đủ lực lượng để chống lại sức ép của Man-sten là kẻ có ưu thế về số lượng tại khu vực đột kích giải vây.
Khi nghe báo cáo. Bét-xô-nốp im lặng và nghĩ rằng lúc này mà đưa tập đoàn quân của ông vào khu vực của phương diện quân sông Đông với nhiệm vụ đánh quỵ đạo quân của Pao-luýt-xơ bị siết chặt trong vòng vây thì sẽ là một hành động thiếu tính toán, một bước phiêu lưu trong lúc có nguy cơ đe dọa ở phía Nam. Và khi đại diện Đại bản doanh đề nghị với ông về việc rút tập đoàn quân được trang bị rất tốt của ông ra khỏi phương diện quân sông Đông và tập kết tại Tây Nam để chống lại đạo quân xung kích của Man-sten, ở đây số phận của chiến dịch sẽ được quyết định, ông đã sẵn sàng tán thành đề nghị đó trong thâm tâm, trùng trình một lát rồi trả lời rằng cho đến lúc này ông thấy không có giải pháp này khác.
Nhưng sau khi trả lời như vậy, Bét-xô-nốp lập tức yêu cầu tăng cường cho tập đoàn quân còn chưa được thử lửa, chưa kinh qua chiến đấu của mình một quân đoàn xe tăng hoặc cơ giới. Thiếu tướng I-a-xen-cô thận trọng nhìn ông và Bét-xô-nốp nhận xét rằng tham mưu trưởng-mà ông còn ít hiểu biết-quá ư lo lắng trước nhiệm vụ mới mà tập đoàn quân phải đảm nhiệm, cái nhiệm vụ mà vị tư lệnh mới tới đã nhận một cách dễ dàng, dường như không thắc mắc gì.
“Biết làm sao được, anh ấy cũng có cái lý của anh ấy”,-Bét-xô-nốp nghĩ.
Đại diện Đại bản doanh trả lời rằng ông sẽ gọi điện ngay cho Xta-lin và hy vọng rằng đề nghị của Hội đồng quân sự về việc rút tập đoàn quân của Bét-xô-nốp ra khỏi phương diện quân sông Đông và chuyển nó tới khu vực Cô-ten-ni-cô-vô đang nguy kịch nhằm chặn đứng và đánh tan đạo quân của Man-sten đang trên đường tiến về phía Xta-lin-grát, sẽ được chấp nhận.
Nghe thấy tiếng “đánh tan” giục giã Bét-xô-nốp nghĩ rằng ở giai đoạn đầu, thậm chí làm được việc “chặn đứng” quân địch cũng đã có nghĩa là thắng lợi rồi.
Đại bản doanh đã tán thành ngay đề nghị đó và tập đoàn quân của Bét-xô-nốp hành quân cấp tốc, không dừng, không nghỉ từ phía Bắc xuống phía Nam, tới bờ sông Mư-scô-va-cái ranh giới tự nhiên cuối cùng, bên kia sông là những thảo nguyên phẳng lì chạy dài tới tận Xta-lin-grát mở rộng trước xe tăng của bọn Đức.