Số lần đọc/download: 3681 / 152
Cập nhật: 2017-05-10 22:12:22 +0700
Hai - Chiếc Nhẫn Cưới
Y
vonne d’ Origny ôm hôn đứa con trai của nàng và dặn dò nó hãy ngoan ngoãn:
- Con biết là bà nội d‘Origny của con không thích trẻ con lắm. Mỗi lần bà con cho gọi con đến, con phải tỏ ra cho bà nội biết rằng con là một cậu bé biết nge lời đấy.
Rồi nàng nói với cô bảo mẫu:
- Fraulein, nhất thiết cô phải đưa em nó về ngay sau bữa cơm chiều... ông còn ở đây không?
- Thưa mợ, có ạ. Ông bá tước ở trong phòng làm việc ạ.
Ngay khi ấy, Yvonne d’Origny bước đến cửa sổ để nhìn thấy con trai của nàng ngay khi nó đang ở bên ngoài. Thực tế, sau một lát thằng bé đã ra khỏi tòa nhà, ngửng đầu lên và gửi cho nàng những chiếc hôn như mọi ngày. Rồi Yvonne nhác thấy cô bảo mẫu nắm tay thằng bé bằng một điệu bộ thô bạo. Nàng rất ngạc nhiên về cử chỉ khác thường đó của cô bảo mẫu. Nàng thò đầu thêm ra ngoài cửa sổ nhìn theo. Khi hai người đến góc đại lộ, bỗng nhiên một người đàn ông từ trên một chiếc xe hơi bước xuống và đến gần thằng bé. Nàng đã nhận ra đấy là Beinart, người đấy tớ trung thành của chồng nàng cùng nắm lấy tay kia của thằng bé và cùng cô bảo mẫu bắt nó lên xe. Gã đàn ông ra lệnh cho tài xế chuyển bánh.
Tất cả diễn ra chưa lấy mười giây.
Yvonne hoảng hốt, chạy về phòng, lấy một chiếc áo rồi bước đến cửa.
Cửa đã khoá chặt và không có chìa khoá cắm sẵn trong ổ!
Nàng vội quay sang phòng khách.
Phòng khách cũng đã khoá kỹ.
Ngay lập tức, bóng dáng của chồng nàng va phải nàng, khuôn mặt tối sầm ấy không có một nụ cười rọi sáng bao giờ, cái nhìn tàn nhẫn ấy dù nhiều năm nay nàng đã cảm thấy biết bao hận thù và căm ghét.
- Chính ông ấy!.. Chính ông ấy!. Nàng tự nhủ...- ông ấy đã bắt thằng bé Ôi! Khủng khiếp.
Tay đấm, chân đạp, nàng xô vào cửa, rồi nhảy đến lò sưởi và bấm chuông, bấm điên loạn.
Ở lâu đài, từ cao đến thấp, cả toà nhà, tiếng chuông lanh lảnh rung lên. Những tên đầy tớ nhốn nháo, chạy đi chạy lại. Có thể nhiều khách đi đường đã tụ tập trên đường phố. Rồi nàng lại bấm chuông với một hy vọng cuồng nhiệt.
Có tiếng mở khoá, cánh cửa mở toang. Bá tước hiện ra ở bậc cửa phòng khách, sắc mặt của chàng đanh lại đến kinh khủng làm cho Yvonne bắt đầu run rẩy.
Chàng bước tới cách nàng năm, sáu bước. Bằng một cố gắng tột bậc, nàng thử cử động nhưng không thể nào nhúc nhích và thừa lúc đang tìm cách thốt lên vài lời thì chỉ có thể mấp máy được cặp môi, để phát ra những câu rời rạc. Nàng cảm thấy tuyệt vọng. Ý nghĩ về cái chết làm nàng hoang mang. Đầu gối nàng khuỵu xuống, suy sụp, nàng rên rỉ: Bá tước nhào đến, nắm lấy cổ họng nàng.
- Câm mồm!.. Không được kêu... - chàng nói bằng một giọng khản đặc - như thể mới tốt cho cô.
Thấy nàng không chống cự lại, bá tước nới lỏng tay và rút trong túi ra những dải băng bằng vải dài ngắn khác nhau. Chỉ trong vài phút, người đàn bà đã bị trói hai tay dọc theo thân người và bị đặt nằm trên một chiếc ghế băng.
Bóng đêm đã tràn ngập phòng khách. Bá tước thắp sáng điện rồi đến trước một tủ bàn, nơi Yvonne thường sắp xếp thư từ của nàng ở đấy. Không thể mở tủ, chàng dùng một cái móc sắt nậy phá, dốc các ngăn kéo ra thành một đống giấy tờ, tuồn vào trong một hộp bìa cứng rồi mang đi.
- Mất thời gian phải không? - chàng cười khẩy – chỉ có những hoá đơn và những giấy tờ vô vị... Không có một chứng cứ nào phản lại cô... Thây kệ!... Đừng hòng cản trở ta đây trông coi con trai của ta và ta thề có trời là ta không nhả nó ra đâu!
Khi bước ra, chàng gặp tên đầy tớ Rernard của chàng gần cửa. Hai người nói chuyện nhỏ với nhau; Yvonne đã nghe được mấy lời của tên đầy tớ nói với chàng: - Người thợ kim hoàn đã trả lời cho tôi. Ông ấy sẽ làm theo sự sắp xếp của tôi.
Bá tước đáp:
- Phải để chuyện đó đến đúng trưa mai. Mẹ tôi vừa gọi dây nói cho tôi rằng không thể đến trước được.
Sau đấy Yvonne nhận thấy có tiếng lách cách ổ khoá và tiếng bước chân đi xuống tầng trệt, nơi có phòng làm việc của chồng nàng.
Nàng hãy còn trơ ì rất lâu, đầu óc bải hoải với những ý nghĩ lờ mờ và mau lẹ thiêu đốt nàng như có những ngọn lửa lướt qua. Nàng nhớ lại cách đối xử xấu xa của bá tước d’Origny. Những hành động ngược đãi của chàng đối với nàng, những lời đe nẹt, những dự định ly hôn đã làm cho nàng dần dần hiểu ra rằng mình là nạn nhân của một sự phản bội thực sự. Khi những người đầy tớ theo lệnh ông chủ của họ đã nghỉ làm việc cho đến tối ngày hôm sau. Cô bảo mẫu theo lệnh của bá tước, đã đồng mưu với Bernard, bắt cóc con của nàng đi và thằng bé không trở về với nàng nữa. Nàng sẽ không bao giờ được thấy lại nó.
- Con ơi - nàng kêu lên - con trai của mẹ ơi!
Phẫn nộ vì nỗi đau. Thần kinh và cơ bắp căng thẳng, mỏi nhừ, nàng đã cứng rắn lên với một sự nỗ lực đột biến. Nàng kinh ngạc: bàn tay phải của nàng còn giữ được một chút thoải mái nào đó không trói buộc.
Thế là một hy vọng phi thường làm cho nàng kiên nhẫn, chậm rãi, bắt đầu tìm cách để tự giải thoát.
Việc này ắt phải lâu, mất nhiều thì giờ để đủ nới rộng nút buộc rồi sau đó lại phải mất nhỉẻu thời gian khi bàn tay đã được giải tỏa để dần dần tháo gỡ dây trói phía trên cánh tay ép sát vào nửa thân trên của nàng, rồi tháo gỡ dây trói mắt cá chân của nàng vào nhau.
Nhưng ý nghĩ về đứa con trai đã cổ vũ nàng và khi chiếc đồng hồ treo điểm tám tiếng thì dây trói cuối cùng đã rời ra. Nàng đã tự do.
Vừa đứng lên được, nàng nhào ngay đến cửa sổ, xoay nắm đấm cửa với ý định kêu gọi người đi đường đầu tiên mà nàng trông thấy. Đúng lúc ấy, một nhân viên cảnh sát đang dạo trên vỉa hè. Nàng nhô người ra, nhưng không khí se lạnh của ban đêm phả vào mặt nàng làm cho nàng bình tĩnh hơn. Nàng nghĩ đến điều điếm nhục, đến cuộc điều tra, đến những cuộc hỏi cung, đến con trai của nàng. Lạy Chúa! Lạy Chúa lòng lành! Làm thế nào để chiếm lại được con nàng? Bằng cách nào để tự thoát ra? Với một tiếng động nhỏ, bá tước có thể đến bất chợt. Và ai biết đuợc điều gì xảy ra trong một hành động điên rồ...
Nàng run lên, từ đầu đến chân, cảm thấy một nỗi lo sợ đột biến. Sự rùng rợn về cái chết xen lẫn vào trong đầu óc khốn khổ của nàng, vào ý nghĩ về đứa con trai của nàng, nàng ấp úng trong cổ họng nghẹn lại của nàng: - Cứu tôi! Cứu tôi!
Nàng ngừng lại ngay, rồi lại nói rất nhỏ, nhiều lần: - Cứu tôi... Cứu… như chính những lời ấy làm thức tỉnh được trong lòng nàng một ý định, một hồi ức, một sự trông chờ. Sự cứu giúp đối với nàng lúc này không phải là một việc không thể được. Trong vài phút nàng vẫn còn mải mê trong một sự trầm tư sâu lắng đầy nước mắt và đầy run rẩy. Rồi bằng những cử chỉ có thể nói như một cái máy, nàng đã với tay lên một giá sách treo phía trên tủ bàn, lần lượt nhấc ra bốn cuốn sách. Nàng lật từng trang rồi đặt lại tại chỗ. Cuối cùng đến cuốn sách thứ 5, nàng tìm thấy một tấm danh thiếp nằm giữa các trang và nàng đọc được hai từ nổi bật: Horace Velmont, ở phía dưới là địa chỉ ghi bằng bút chì: Câu lạc bộ phố Royate.
Và trí nhớ của nàng gợi lại cho nàng câu nói kỳ cục mà người đàn ông ấy nói với nàng vài năm trước đây ngay tại ngôi nhà này trong một buổi chiêu đãi: - “Nếu bao giờ có một hiểm hoạ đe doạ bà mà bà cần có cứu viện thì xin bà đừng ngại ngần ném cái thẻ này của tôi để trong cuốn sách này vào thùng thư. Bất cứ giờ nào dù có trở ngại gì, tôi cũng đến ngay.
Với vẻ lạ thường, người đàn ông kia nói lên câu đó và ông đã gây nên ấn tượng của sự tin tưởng vững chắc, của sức mạnh, của quyền lực tuyệt đối, của sự táo bạo không thể khuất phục.
Bất thình lình, bằng một hành động bộc phát, một quyết định mạnh mẽ mà nàng không hề dự đoán hậu quả của nó; như một cái máy, nàng nhanh chóng lấy một chiếc phong bì, bỏ tấm danh thiếp vào trong, ghi lên hai dòng: Horace Velmont Câu lạc bộ phố Royale, rồi đến gần cửa sổ hé mở. Bên ngoài, người nhân viên cảnh sát đang tản bộ. Nàng ném chiếc phong bì, phó thác cho may rủi. Biết đâu mảnh giấy lộn này lại được nhặt lên như một bức thư bị lạc, đem đến bưu điện?
Chuyện này sao có thể được, hành động đó nàng cảm thấy hoàn toàn phi lý. Thật điên rồ để nghĩ rằng lá thư sẽ đến đúng địa chỉ của nó và càng điên rồ hơn khi hy vọng rằng người đàn ông mà nàng kêu gọi lại có thể đến cứu nàng dù giờ nào, dù có trở ngại gì.
Thế rồi, thời gian trôi đi, thời gian buồn tẻ của những buổi tối mùa đông mà chỉ có xe cộ là phá vỡ sự im lặng của phố xá. Tiếng đồng hồ treo gõ nhịp không ngừng. Trong giấc ngủ chập chờn nửa thức nửa tỉnh làm cho người đàn bà trẻ uể oải đếm từng tiếng một, nàng cũng nhận ra một số tiếng động ở những lầu khác của ngôi nhà và đại thể nhận biết được chồng nàng đã ăn tối, đang bước lên phòng riêng, rồi lại đi xuống phòng làm vỉệc của chàng. Nhưng tất cả những cái ấy đối với nàng dường như đơn điệu và sự đờ đẫn của nàng như thể nàng không nghĩ gì hơn là nằm dài lên chiếc đi-văng dù trong trường hợp chồng nàng sẽ bước vào.
Mười hai tiếng chuông điểm nửa đêm... Rồi mười hai giờ rưỡi sáng... Rồi một giờ... Yvonne không nghĩ đến nữa, chờ đợi những sự việc sắp xảy ra và đối với những cái đó, tất cả sự chống lại đều vô ích. Nàng tưởng tượng đến con trai của nàng và cả nàng nữa như người ta tưởng tượng đến những con người ấy đã chịu nhiểu đau khổ và họ không còn đau khổ nữa, họ ôm chặt nhau bằng những cánh tay trìu mến. Nhưng một cơn ác mộng đã giày vò nàng. Bỗng hai con người kia, người ta muốn giằng người nọ ra khỏi người kia và nàng có cảm giác ghê tởm, trong con mê sảng nàng đã khóc và nàng đã càu nhàu...
Bằng một cử động, nàng đứng dậy. Chìa khóa vừa xoay trong ổ. Bị tiếng la của nàng thu hút, bá tước sẽ hiện ra. Yvonne đưa mắt tìm một vũ khí tự vệ. Nhưng khi cánh cửa đã bị đẩy ra, nàng kinh ngạc dường như cảnh tượng đang ở trước nàng là một điều kỳ diệu hết sức khó hiểu đối với nàng, nàng ấp úng: - Ông... Ông..
Một người đàn ông mặc áo choàng, chiếc mũ cặp dưới nách đang bước tới phía nàng. Người đàn ông còn trẻ - tầm vóc mảnh dẻ, lịch sự, nàng đã từng quen biết. Đấy là Horace Veimont.
- Ông! Nàng nhắc lại.
Ông chào nàng và nói chậm.
- Tôi xin bà thứ lỗi cho. Thư của bà đến tay tôi hơi chậm.
- Có thể thế ư? Có thể đây là ông... ông nghe lời cầu cứu của tôi...
Người đàn ông tỏ ra rất ngạc nhiên.
- Tôi đã chẳng hứa là phải đến theo lời gọi của bà đó sao?
- Vâng - nhưng...
- Vậy thì, tôi đây! Ông tươi cười nói.
Người đàn ông xem xét những dải băng bằng vải mà Yvonne đã tháo ra tự giải thoát rồi gật đầu và tiếp tục việc kiểm tra của mình.
- Vậy đây là cách mà người ta đã dùng ư? Bá tước Origny, phải không? - Tôi cũng đã trông thấy ông ấy giam bà... Nhưng bức thư bà chuyển? Ồ... qua cửa sổ này... Thật khinh xuất biết chừng nào khi không đóng nó lại.
Ông đẩy hai cánh cửa ra. Yvonne hốt hoảng
- Nếu người ta nghe được?
- Không có ai trong toà nhà. Tôi đã kiểm tra.
- Nhưng...
- Chồng bà đã đi được mười phút.
- Ông ấy ở đâu?
- Ở nhà mẹ. Bá tước phu nhân d’Origny. 1
- Làm sao ông biết ông ấy đi?
- Ôi rất đơn giản. Ông ấy vừa nhận được cú điện thoại báo tin là mẹ ốm. Như tôi đã dự kiến, ông Origny vội vàng đi ngay và có tên đầy tớ đi theo, vì chính tôi đã gọi điện thoại. Lúc này nhờ có chìa khoá riêng, tôi đã vào được đây - người đàn ông kể lại điều ấy rất tự nhiên cũng như người ta kể một mẩu chuyện ngắn vô vị trong phòng khách. Nhưng bỗng dưng Yvonne lo lắng hỏi: - Vậy không phải như thế à?... Mẹ ông ấy không ốm chứ?... Trong trường hợp này, chồng tôi sẽ trở lại...
- Hẳn thế, bá tước nhận thấy người ta chơi xỏ mình, và chỉ đến bốn mươi lăm phút nữa là cùng...
- Ta đi thôi... Tôi không muốn ông ấy trông thấy tôi ở đây. Tôi phải gặp con tôi...
- Chờ một lát..
- Một lát?... Nhưng ông không biết là người ta bắt mất con tôi à? Có thể người ta làm cho nó đau.
Sắc mặt cau lại, cử chỉ cuống cuồng, nàng tìm cách thúc giục Velmont, Với thái độ hết sức dịu dàng, ông buộc nàng ngồi xuống và cúi xuống trước nàng với một thái độ nghiêm trang, ông nói với giọng nghiêm túc: - Bà hãy nghe tôi và chúng ta đừng mất thì giờ mà mỗi phút bây giờ rất quý. Trước tiên bà hãy nhớ thế này:
Cách đây sáu năm chúng ta đã từng gặp nhau bốn lần... Và lần gặp thứ tư trong phòng khách của toà nhà này như tôi đã nói nhiều với bà... tôi nói như thế nào nhỉ? Vì quá xúc động, bà đã làm cho tôi cảm thấy rằng những lần đến thăm của tôi đã làm cho bà phật lòng. Từ đấy, tôi đã không gặp bà nữa. Nhưng, dù sao lòng tin của bà đối với tôi, bà đã giữ kỹ như bà đã giữ tấm thiếp mà tôi để lại giữa cuốn sách này và sáu năm sau, chính tôi chứ không phải ai khác đã được bà gọi. Lòng tin ấy tôi mong bà vẫn giữ. Cần phải nhất nhất nghe theo tôi. Cũng như tôi đến qua tất cả những trở ngại. Đúng thế, tôi sẽ cứu bà dù bất cứ tình huống nào...
Sự bình tĩnh của Horace Velmont, giọng nói khẩn thiết với những âm điệu chân tình làm cho người đàn bà trẻ dần dần yên tâm. Còn rất yếu, trước mặt người đàn ông này nàng lại nghiệm thấy một cảm giác bớt căng thẳng và an toàn.
- Bà đừng sợ gì cả - ông nói tiếp - bá tước phu nhân d'Origny ở cuối cánh rừng Vincennes. Cứ cho là chồng bà có tìm được một chiếc ôtô, thì ông ấy cũng không trở về được trước ba giờ mười lăm phút. Mà bây giờ mới là hai giờ ba mươi lăm, tôi thề với bà đến ba giờ đúng chúng ta sẽ đi và tôi sẽ dẫn bà đến chỗ con trai của bà. Nhưng tôi không muốn ra đi trước khi được biết tất cả.
- Tôi phải làm gì?
- Bà hãy trả lời tôi thật rõ ràng, chúng ta còn hai mươi phút nữa. Thế là đủ. Không quá đâu.
- Ông cứ hỏi đi.
- Bà có tin là ông bá tước có những dự định phạm tội ác không?
- Không.
- Vậy là chỉ có vấn đề là con trai của bà thôi à?
- Vâng.
- Ông ấy bắt cóc nó, chỉ vì ông ấy muốn ly dị bà và để lấy vợ khác, một người bạn cũ của bà mà bà đã đuổi khỏi nhà phải không?... Ồ! Tôi đề nghị bà hãy thật thà trả lời cho tôi biết, đừng vòng vo gì. Đấy là những việc mọi người đều biết, và sự do dự của bà cùng với sự ngại ngùng đắn đo, tất cả phải được chấm dứt ngay từ bây giờ. Vì nó có quan hệ với con trai của bà. Vậy là chồng bà định cưới một người vợ khác?
- Vâng.
- Người phụ nữ ấy không có tiền. Về phần mình, chồng bà đã bị sa sút không có một nguồn tài sản nào khác ngoài việc trông chờ vào khoản tiền trợ cấp của mẹ ông ấy là bá tước phu nhân d'Origny. Với lại những thu nhập của một sản nghiệp lớn mà con trai của bà được thừa kế của hai người chú của bà. Chính cái gia sản này chồng bà thèm nhỏ dãi nên ông ấy cố làm cho nó dễ dàng, hợp thức nếu con trai của bà được phó thác cho ông ấy trông coi. Muốn thế, chỉ có một cách là ly hôn. Tôi không nhầm đấy chứ?
- Không.
- Cái gì đã ngăn cản ông ấy cho đến bây giờ, đấy là sự khước từ của bà chứ?
- Vâng, kể cả sự phản đối của mẹ chồng tôi mà những ý thức tôn giáo phản đối ly hôn. Bá tước phu nhân d'Origy sẽ chỉ chấp nhận ly hôn trong trường hợp...
- Trong trường hợp nào?
- Trường hợp mà người ta có thể chứng minh rằng đạo đức của tôi xấu xa, không xứng đáng...
Velmont nhún vai:
- Vậy thì ông ấy không thể có gì để chống lại bà và cũng như con trai của bà. Về phương diện luật pháp cũng như về mặt quyền lợi của ông ấy. Ông ấy vấp phải một trở ngại khó vượt qua được: đó là tiết hạnh của người vợ. Thế nhưng bỗng đùng một cái ông ấy bước vào cuộc chiến đấy.
- Ông muốn nói như thế nào?
- Tôi muốn nói rằng nếu một người đàn ông như ông bá tước sau nhiều đắn đo, do dự và mặc dù không có nhiều khả năng mà đã đánh liều lao vào một cuộc phiêu lưu không chắc chắn thì ít ra ông ấy đã có hoặc ông ấy tin rằng mình đã có những vũ khí trong tay.
- Những vũ khí nào?
- Nếu không thì ông sẽ không bắt đầu bằng sự bắt cóc con trai của bà.
Yvonne thất vọng.
- Thật khủng khiếp... Giá mà tôi biết được điều gì ông ấy có thể làm... điều gì ông ấy có thể bịa ra..
- Bà tìm kỹ đi... Bà nhớ lại những kỷ niệm của bà coi... này, trong chiếc tủ bàn mà ông ấy phá tung, không có một lá thư mà ông ấy có thể lấy cớ, trở mặt chống lại bà à?
- Không có cái nào cả.
- Và trong những lời nói mà ông ấy đã nói với bà, những lời doạ nạt của ông ấy không có gì làm cho bà đoán được ư?...
- Không.
- Thế nhưng... thế nhưng.. Velmont nhắc lại - phải có cái gì chứ?...
Rồi ông lại nói:
- Ông bá tước không có một người bạn mật thiết nhất, để ông thổ lộ ư?
- Không.
- Hôm qua có ai đến gặp ông ấy không?
- Không có ai.
- Khi ông ấy trói bà và giam bà, chỉ có một mình ông ấy thôi à?
- Lúc ấy thì có.
- Nhưng sau đấy?
- Sau đấy, người đầy tớ của ông ấy đã gặp ông ấy gần cửa ra vào và tôi nghe họ nói đến một người thợ kim hoàn.
- Chỉ có thế thôi à?
- Và đến một việc của ngày hôm sau, tức là ngày hôm nay đấy, giữa lúc trưa, bởi vì bá tước phu nhân d’Origny không thể đến trước.
Velmont suy nghĩ:
- Sự nói chuyện ấy có một ý nghĩa, nó làm cho bà sáng tỏ về những dự định của chồng bà phải không?
- Tôi không thấy thế...
- Đồ trang sức của bà để đâu?
- Chồng tôi đã bán hết rồi.
- Không sót lại cái nào cho bà à? Ngay cả một chiếc nhẫn cũng không?
- Không. Nàng nói và đưa hai bàn tay ra, chỉ có cái nhẫn này thôi.
- Nó là chiếc nhẫn cưới của bà?
- Nó là... nhẫn của tôi...
Nàng ngừng lại, sững sờ. Velmonl nhận thấy nàng đỏ mặt và anh nghe nàng ấp úng:
- Có thể như thế ư?... Không đâu... Không đâu.. ông ấy không biết...
Ngay khi ấy Velmont thúc giục, hỏi dồn nàng, còn Yvonne lặng thinh, bất động, nét mặt lo âu. Cuối cùng, nàng hạ giọng trả lời:
- Đây không phải nhẫn cưới của tôi đâu. Một hôm, đã lâu lắm rồi, tôi đã làm rơi chiếc nhẫn từ trên lò sưởi của phòng tôi. Tôi đã để ở đấy một lát thôi và mặc dầu tôi tìm mãi nhưng không thấy. Tôi chẳng nói gì cả, tự đi thuê làm một cái khác... Đây, tôi đang đeo ở tay đây.
- Cái nhẫn thật kia có khắc ngày cưới của bà?
- Vâng... 23 thắng mười.
- Còn cái này?
- Cái này không khắc ngày thắng nào cả.
Anh cảm thấy ở nàng có chút do dự và bối rối. Tuy nhiên nàng tìm cách che giấu.
- Tôi van bà - anh kêu lên - bà đừng nên giấu tôi gì cả... Bà nên thấy rằng con đường chúng ta đã đi trong vài phút có phần lôgic và bình tĩnh. Chúng ta tiếp tục, tôi đề nghị bà cứ kể.
- Ông có chắc không - Nàng nói-có cần thiết không?
- Tôi chắc là một chi tiết nhỏ cũng có cái quan trọng của nó và chúng ta gần đạt đến mục đích rồi đấy. Nhưng phải khẩn trương lên. Giờ phút nghiêm trọng lắm.
- Tôi chẳng có gì giấu diếm cả - nàng ngẩng đầu lên nói. Đấy là thời kỳ thảm hại nhất và nguy hiểm nhất của đời tôi. Tôi nhục nhã ở nhà, ngoài thiên hạ thì tôi đã từng được nhiều nhân vật săn đón bằng những lời cảm phục, những lời cám dỗ, những cạm bẫy như bất kỳ một người đàn bà nào bị chồng ruồng bỏ. Thế là tôi đã nhớ lại. Trước đám cưới của tôi, có một người đàn ông yêu tôi mà tôi đã đoán được là tình yêu ấy không đi đến kết quả và từ đấy chàng đã chết. Tôi đã cho khắc tên người đàn ông ấy vào nhẫn và tôi đã đeo cái nhẫn này như người ta đeo một cái bùa. Không có được tình yêu trong tôi đối với người đàn ông ấy chính là vì tôi đã là vợ của một người khác. Nhưng trong nơi sâu kín của tim tôi có một kỉ niệm, một mộng tưởng đã bầm tím, có gì đấy đã che chở tôi...
Nàng nói chậm rãi, không bối rối còn Velmont thì không nghi ngờ một giây nào mà nàng nói lên sự thật triệt để. Khi anh im lặng, nàng lại trở nên lo âu và hỏi anh: - Ông nghĩ chồng tôi như thế nào?...
Anh cầm bàn tay nàng và nói trong khi xem xét chiếc nhẫn vàng:
- Ẩn ngữ là đây. Tôi không hiểu như thế nào mà chồng của bà lại biết được sự đánh tráo. Đến giữa trưa, mẹ ông ấy sẽ đến. Trước những người làm chứng, y buộc bà tháo chiếc nhẫn bà đang đeo và như thế cũng là lúc ấy mẹ ông đồng tình với ông việc ly hôn của ông, bởi vì ông ấy đã tìm ra được chứng cứ.
- Tôi sẽ thất bại - nàng rên rỉ - Tôi thất bại…
- Ngược lại bà được cứu giúp! Bà đưa tôi chiếc nhẫn... và chiều nay, sẽ có chiếc nhẫn khác cho bà, một chiếc nhẫn sẽ có trước mười hai giờ trưa, nó khắc ngày 23 thắng mười. Như vậy...
Anh ngừng lại ngay. Trong khi anh nói, bàn tay Yvonne lạnh cóng trong bàn tay anh. Khi nàng ngước mắt lên, anh thấy nàng xanh xao, xanh xao như tàu lá chuối.
- Bà làm sao thế? Tôi xin bà...
Người đàn bà quá đau buồn, quá thất vọng:
- Có điều... có điều... tôi chịu rồi. Tôi không thể nào tháo chiếc nhẫn này ra được! Nó đã trở nên quá nhỏ... ông hiểu không? Điều ấy không quan trọng và tôi không còn nghĩ đến nó nữa... nhưng ngày hôm nay... Bằng chứng ấy... lời buộc tội ấy.. Ôi sự tra khảo đến nhục nhã làm sao! Ông xem này.,. Chiếc nhẫn đã thuộc về ngón tay của tôi... Nó ăn sâu vào da thịt của tôi rồi. Tôi không thể, tôi không thể...
Nàng dùng hết sức để rút chiếc nhẫn, có nguy cơ toác da. Nhưng thịt của nàng đã phồng lên xung quanh nhẫn và chiếc nhẫn không nhúc nhích.
Môi nàng ấp úng, bực bội vì một ý nghĩ làm cho nàng khiếp sợ. - Tôi nhớ lại một đêm nọ... Tôi bị bóng đè.. Hình như có người nào đó đã vào trong phòng tôi và giữ chặt tay tôi. Tôi không thể nào thức dậy được. Chính là ông ấy! Chính là ông ấy, ông ấy đã làm cho tôi ngủ mê đi, tôi tin như vậy... Ông ấy đã nhìn chằm chằm vào chiếc nhẫn... Và chiều nay ông ấy sẽ giật chiếc nhẫn này ra trước mặt mẹ ông ấy... Ôi! Tôi biết tất cả... người thợ kim hoàn đó... Chính anh sẽ chặt đứt bàn tay của tôi... ông xem.. Tôi chết mất...
Nàng che mặt khóc. Nhưng trong sự im lặng, chiếc đồng hồ treo điểm một tiếng, rồi hai tiếng, lại một tiếng nữa và Yvonne bật đứng dậy.
- Kia rồi ông ấy sắp đến! Ông ấy sắp đến... Đã ba giờ... Chúng ta đi thôi.
- Bà không đi đâu cả.
- Con trai tôi... Tôi phải gặp nó... Đem nó về với tôi...
- Nhưng bà có biết cháu ở không?
- Tôi muốn đi!
- Bà sẽ không đi đâu hết! Như thế là điên rồ.
Anh nắm hai cổ tay nàng - Nàng định giật ra. Velmont phải dùng đến phương pháp thô bạo để khắng lại sự khắng cự của nàng. Cuối cùng ông kéo bà đến chiếc ghế rồi áp bà nằm xuống và không để ý đến những lời than vãn của nàng và ngay lập tức lấy băng vải buộc cánh tay và cổ chân của nàng lại.
- Phải, ông nói - thật là điên rồ! Ai đã giải thoát cho bà? Ai đã mở cửa này ra? Một kẻ tòng phạm à? Lý lẽ nào chống lại bà và chồng bà đã dùng đến lý lẽ đó của mẹ mình sao? Thế rồi, để làm gì? Bà trốn, đó là chấp nhận ly hôn... và có bao giờ nguời ta mới biết được kết quả. Cần phải ở lại đây.
Nàng khóc nức nở.
- Tôi sợ... Tôi sợ... Chiếc nhẫn này làm bỏng, trầy da tôi, ông phá vỡ nó đi... phá đi... Đem nó đi... Để người ta không tìm lại đuợc...
- Thế người ta không thấy nhẫn ở ngón tay của bà nữa thì ai là người đã phá? Vẫn là một tên tòng phạm, một tên tiếp tay… Không được, cần phải đương đầu với cuộc chiến và phải dũng cảm mới được vì chính tôi sẽ trả lời tất cả... Bà hãy tin ở tôi... Tôi trả lời tất... Tôi cần phải tìm cách giải quyết vấn đề bá tước phu nhân d'Origny và như thế làm chậm được việc giải quyết vấn đề của họ…Chính tôi phải đến lúc giữa trưa; đấy là chiếc nhẫn cưới mà người ta sẽ giật khỏi ngón tay của bà... Tôi thề với bà như vậy... Và con trai của bà sẽ trở về...
Bị chi phối, trở nên dễ bảo, theo bản năng, Yvonne đã tự trao lại những băng trói để Horace Velmont trói nàng lại như trước.
Ông kiểm tra lại gian phòng để đảm bảo rằng không có một dấu vết nào chứng tỏ ông đã có mặt ở đây. Rổi ông lại cúi mình về phía người đàn bà và thì thầm: - Bà hãy nghĩ đến con trai của bà, dù có xảy ra như thế nào, bà cũng đừng sợ gì cả... tôi sẽ để mắt đến bà...
Nàng nghe tiếng ông mở, rổi đóng cửa phòng khách, rồi vài phút sau cả cửa ra phố cũng đóng.
Đến ba rưỡi, một chiếc ô tô dừng lại. Có tiếng mở cửa ở dưới rồi đóng sập lại ngay. Và hầu như sau đấy Yvonne nhận thấy chồng mình nhanh chóng bước vào, vẻ mặt giận dữ. Ông chạy đến phía nàng, tin chắc vợ còn bị trói, vồ ngay lấy bàn tay nàng, xem xét chiếc nhẫn. Yvonne ngất xỉu...
Khi tỉnh dậy, nàng không biết chính xác nàng đã ngủ bao nhiêu lâu. Nhưng ánh nắng ban ngày lọt vào phòng khách và khi cử động đầu tiên mà nàng đã làm được, nàng nhận ra là những băng trói đã bị cắt đi. Thế là nàng quay đầu lại phía chồng nàng đang đứng gần và nhìn nàng, nàng rên lên: - Con tôi... con tôi... tôi muốn thấy con tôi!
Chồng nàng đáp lại bằng một giọng mà nàng cho là giễu cợt:
- Con của chúng ta đang yên ổn. Và bây giờ cô không có liên quan gì đến nó cả. Chúng ta, người này đang ở phía trước người kia chắc là lần cuối cùng, nhưng lời giải thích mà chúng ta sắp có được là hết sức nghiêm trọng. Tôi cần báo cho cô là lời giải thích này sẽ xảy ra trước mặt mẹ tôi. Cô không thấy như thế là phiền phức chứ?
Yvonne cố gắng che giấu sự bối rối của nàng và đáp:
- Không chút nào.
- Tôi có thể mời mẹ tôi đến được chứ?
- Được, trong khi chờ đợi, cứ để mặc tôi - Tôi sẽ sẵn sàng khi bà đến.
- Mẹ tôi đang ở đây.
- Mẹ ông ở đây à? Yvonne kêu lên, cuống cuồng và nhớ đến lời hứa của Horace Velmont.
- Ừ.
- Thế bây giờ chứ?... Anh muốn ngay lập tức ư?
- Ừ.
- Tại sao?... Tại sao không là chiều nay?... Mai được không?
- Ngày hôm nay và bây giờ, bá tước tuyên bố-Trong đêm nay xảy ra một việc khá kỳ cục mà tôi không hiểu lý do: ai đó đã bảo tôi đến nhà mẹ tôi với mục đích rõ ràng là làm cho tôi phải rời khỏi đây. Điều ấy làm cho tôi muốn tiến hành sớm sự giải thích này. Cô không muốn dùng một ít thức ăn gì trước đã ư?
- Không, không.
- Vậy thì tôi đi mời mẹ tôi.
Ông đến phòng Yvonne. Nàng liếc nhìn đồng hồ treo tường, lúc ấy đã mười giờ ba lăm!
- Ôi, nàng thốt lên với một cái rùng mình ghê sợ.
Mười giờ ba lăm! Horace Velmont không cứu nàng và sẽ không có ai trên đời này cứu nàng vì không có phép mầu nhiệm nào có thể làm cho chiếc nhẫn vàng không ở trên ngón tay của nàng.
Ông bá tước trở lại cùng với bá tước phu nhân d'Origny và mời mẹ ngồi. Đấy là một người đàn bà khô khan, xương xương, luôn luôn có biểu hiện chống Yvonne bằng những tình cảm thù địch. Bà cũng không hề hỏi han gì người con dâu của bà cũng như tỏ ra là bà phải thắng trong việc buộc tội.
- Ta tin rằng - phu nhân nói - thật vô ích để nói dài dòng. Bằng hai lời nói, con trai ta dám chắc là…
- Mẹ ạ, con không dám chắc - chàng bá tước nói - con khẳng dịnh. Con khẳng định bằng lời lẽ mà cách đây ba thắng, suốt kỳ nghỉ hè, người thợ dệt thảm trong khi trải những tấm thảm trong phòng khách này và phòng ở đã thấy chiếc nhẫn cưới mà con đã tặng cho vợ con trong một đường rãnh của ván sàn. Chiếc nhẫn ấy đây; ngày 23 tháng mười đã khắc ở mặt trong.
Bá tước phu nhân hỏi:
- Thế chiếc nhẫn mà vợ con đang đeo..
- Chiếc nhẫn ấy đó cô ấy đặt làm thay cho chiếc nhẫn kia. Theo chỉ dẫn của con, người đầy tớ của con Bernard sau nhiều ngày điều tra, tìm kiếm đã phát hiện ra ở vùng phụ cận của Paris nơi anh ta sinh sống, có một người thợ kim hoàn đã đánh chiếc nhẫn này cho vợ con, ông ấy hoàn toàn nhớ chính xác việc này, sẵn sàng làm chứng rằng người khách hàng thuê anh ta đánh nhẫn là một phụ nữ không yêu cầu khắc ngày thắng mà chỉ khắc vào đấy một cái tên. Anh ta không nhớ là khắc chữ gì nhưng người thợ cùng làm với anh trong cửa hàng thì nhớ. Được con viết thư báo trước cho anh này là con cần được anh phục vụ tại nhà. Hôm qua anh này đã trả lời là sẵn sàng đến đây và phục vụ theo yêu cầu. Sáng nay lúc chín giờ Bernard đã đến gặp anh ta và cả hai người đang chờ trong phòng làm việc của con.
Chàng bá tước quay về phía vợ:
- Cô đã sẵn sàng trao lại chiếc nhẫn cho ta chưa?
Nàng nói:
- Ông biết rõ đấy, từ cái đêm mà ông đã thử lấy nó ra khi tôi ngủ mê mà không được thì tôi không tài nào tháo nó ra khỏi ngón tay của tôi.
- Trong trường hợp này, tôi có thể báo cho người này nới rộng ra được chứ? Anh ta có những dụng cụ cần thiết.
- Vâng, nàng nói, giọng yếu ớt.
Nàng nhẫn nhục, cam chịu. Với cách thức này, nàng nghĩ tương lai nàng sẽ phải chịu điều điếm nhục, chịu đến sự ly hôn, đến đứa con phải giao cho người cha mỗt khi bản án được công bố. Nàng chấp nhận cái ấy đồng thời nàng nghĩ là phải chiếm lại đứa con trai của nàng, nàng sẽ đi với nó thật xa đến cùng trời cuối đất, để hai mẹ con được sống vui vẻ, sum vầy.
Người mẹ chồng nói với nàng:
- Cô được nhẹ nhàng, Yvonne.
Yvonne sắp nhận lỗi với bà và xin bà che chở. Để làm gì cơ chứ? Làm thế nào mà công nhận rằng bá tước phu nhân có thể tin tưởng nàng là trong trắng? Nàng không đáp lại gì cả.
Vả lại ngay lập tức, chàng bá tước trở vào theo sau là tên đầy tớ của chàng và một người đàn ông mang theo một chiếc túi dụng cụ dưới nách.
Bá tước nói với người đàn ông:
- Anh có biết vì sao mà thế này không?
- Có – người thợ nói - một chiếc nhẫn đã trở nên quá bé, cần phải chặt.. Dễ thôi... Dùng kìm băm một cái là xong.
- Thế thì anh kiểm tra đi, sau đó - chàng bá tước nói-sau đó anh xem xét nét chữ khắc ở bên trong có phải là của anh không?
Yvonne quan sát chiếc đồng hồ. Đã mười một giờ kém mười. Dường như nàng nghe ở đâu đó trong toà nhà có tiếng ồn ào của những giọng nói đang cãi nhau, và không hiểu sao lúc ấy nàng lại hy vọng. Có thể là Velmont thành công. Những tiếng ồn ào lại xảy ra lần nữa, nàng nhận ra đấy là những người bán hàng rong đi qua dưới cửa sổ và đã đi xa.
Thế là hết. Horace Velmont không thể đến cứu nàng và nàng hiểu ra rằng muốn gặp lại con trai thì nàng cần phải hành động bằng chính sức lực của nàng vì những lời hứa của người khác chỉ là hảo huyền.
Nàng hơi lùi lại; nàng đã thấy trên bàn tay của nàng bàn tay của người thợ và sự tiếp xúc bỉ ổi ấy làm cho nàng phẫn nộ. Người đàn ông lúng túng xin lỗi. Chàng công tước nói với vợ: - Nào, cô phải quyết định đi chứ.
Thế là nàng giơ bàn tay mảnh dẻ và run rẩy ra, người thợ nắm lấy, lật ngửa đặt lên bàn. Bàn tay hơi xòe ra.
Yvonne cảm thấy cái lạnh giá của sắt thép, nàng mong mình bỗng dưng chết quách đi cho rồi, và nói đến cái chết, nàng lại nghĩ đến thuốc độc, giá như nàng mua được và như thế nó sẽ làm cho nàng xỉu dần đi mà không hay biết gì cả?
Một thao tác rất nhanh. Bằng đường chéo xiên, hai lưỡi kìm nhỏ xíu bằng thép đã đẩy lùi ra thành chỗ hở và kẹp vào chiếc nhẫn. Một cố gắng khẽ nhưng hung bạo..
Chiếc nhẫn gãy ra, chỉ cần tách rộng hai đầu mối gãy để cho ngón tay ra khỏi nhẫn. Đấy là động tác của người thợ đã làm.
Chàng bá tước reo lên đắc thắng:
- Xong rồi. Chúng ta sẽ xem... Chứng cứ là đây! Chúng ta đều là nhân chứng...
Chàng nhón tay cầm chiếc nhẫn và nhìn chữ khắc. Một tiếng kêu sững sờ của chàng thốt lên. Chiếc nhẫn mang ngày thắng 23.10, ngày cưới của chàng.
Chúng tôi ngồi trên bồn đất ở Monte Carlo. Câu chuyện của anh đã kể xong, Lupin châm một điếu thuốc, bình thản phả ra một làn khói thành những vòng tròn đuổi nhau hướng lên trời xanh.
Tôi hỏi anh:
- Thế nào?
- Thế nào cái gì?
- Rồi ra sao nữa? Kết cục của cuộc phiêu lưu?
- Kết cục của cuộc phiêu lưu à? Nhưng chẳng có kết cục nào khác cả.
- Nào... Anh đùa đấy à?
- Tuyệt nhiên không. Kết cục như thế đối với anh chưa đủ sao? Nữ bá tước đã được bảo toàn, ông chồng không có một mảy may chứng cứ chống lại nàng, đã không được toại nguyện bởi người mẹ từ chối không chấp nhận sự ly hôn và đã trả lại đứa con cho nàng. Thế thôi. Từ đấy, ông ta xa rời khỏi vợ... và nàng đã sống vui vẻ với con trai của nàng, một thiếu niên mười sáu tuổi tráng kiện khôi ngô.
- Ờ… ờ nhưng nàng nam tước đó đã được cứu giúp bằng cách nào?
Lupin cười ha hả:
- Ông bạn thân mến... có thể ông bạn có một địa chỉ nào đó để kể chuyện những chiến công của tôi, nhưng chà! Cần phải đặt dấu chấm trên những chữ i. Tôi thề với ông rằng nàng bá tước không cần đến sự giải thích.
- Tôi không có một chút tự ái nào dâu - tôi cười, trả lời anh. Anh hãy đặt dấu chấm trên những chữ i đi.
Anh lấy một đồng năm phờ - răng và đặt nó trên lòng bàn tay rồi nắm lại.
- Cái gì trong bàn tay này?
- Một đồng năm phờ - răng.
Anh mở bàn tay ra. Đồng năm phơ răng không còn đấy nữa.
- Ông xem. Dễ ợt. Một người thợ kim hoàn dùng cái kìm cắt cái nhẫn trên đó có khắc một cái tên, anh ta đưa cái nhẫn ra nhưng nó lại không phải cái nhẫn ấy mà là cái nhẫn khắc ngày hai mươi ba thắng mười. Đấy là một trò ảo thuật đơn giản, tôi đã có sẵn chiếc nhẫn này trong đáy cái túi của tôi, cũng như bao cái khác. Mẹ kiếp! Tôi đã làm việc sáu thắng với Pikmann.
- Nhưng...
- Người thợ kim hoàn là ai?
- Đấy là Horace Veimont. Đấy là gã Lupin tử tế. Khi rời khỏi nàng bá tước lúc ba giờ sáng, tôi đã tận dụng mấy phút đồng hồ trước khi người chồng đến để xem xét phòng làm việc của ông ta. Tôi nhìn thấy lá thư của người thợ kim hoàn đã viết nằm trên bàn. Nhờ lá thư này mà tôi biết được địa chỉ của anh ta. Với vài đồng luis, tôi đã thế chân người thợ, rồi tôi lại đến với một chiếc nhẫn vàng gãy có khắc sẵn chữ. Ảo thuật đấy mà, chàng bá tước chẳng biết gì hết.
- Tuyệt vời! - Tôi kêu lên.
Đến lượt tôi, tôi nói thêm, có chút mỉa mai:
- Nhưng anh không tin là chính anh cũng đã bị lừa đấy sao?
- Ồ, ai lừa nào?
- Nàng nữ bá tước, chứ ai nữa?
- Về cái gì?
- Chà. Không biết là tên người được khắc trong nhẫn như một cái bùa... Cái con nguời ù lì tội nghiệp ấy yêu cô nàng và đau khổ vì nàng... Toàn bộ cái đó theo tôi là huyễn hoặc và tôi cứ hỏi, nếu thật chính đấy là Lupin thì anh đã chẳng rơi vào giữa một cuốn tiểu thuyết ái tình thực sự... và không quá ngây thơ.
Lupin liếc nghiêng sang phía tôi.
- Không.
- Làm sao anh biết?
- Nếu nàng bá tước không bộc lộ hết sự thật khi nói với tôi rằng nàng đã yêu người đàn ông ấy trước đám cưới của nàng và người ấy đã chết và nếu nàng âm thầm yêu người ấy trong tận đáy lòng nàng.. thì ít ra tôi cũng có được chứng cứ rằng tình yêu ấy là lý tưởng và nàng không nghi ngờ gì người ấy.
- Thế chứng cứ ấy là gì?
- Đã được khắc vào chỗ lõm của chiếc nhẫn mà chính tôi đã cắt gãy ở ngón tay của nàng mà tôi còn đem theo đây. Đây. Nó đây. Anh có thể đọc tên mà nàng đã thuê khắc.
Anh đưa tôi xem chiếc nhẫn. Tôi đọc: “Horace Velmont”
Một lát im lặng giữa Lupin và tôi. Quan sát anh, tôi nhận thấy trên khuôn mặt anh có một sự xúc động hơi hơi u buồn...
Tôi lại nói:
- Tại sao anh lại quyết định kể cho tôi nghe câu chuyện này... mà anh thường nói bóng gió trước mặt tôi?
- Tại sao à?
Anh ra hiệu chỉ cho tôi thấy một người đàn bà còn rất trẻ đi qua trước mặt chúng tôi cạnh một chàng thiếu niên.
Người đàn bà nhác trông thấy Lupin và cất tiếng chào.
- Chính nàng đấy - anh nói thêm - chính nàng và con trai của nàng.
- Vậy chị ấy nhận ra anh?
- Nàng vẫn nhận ra tôi mặc dù tôi đã cải trang.
- Nhưng từ vụ cướp lâu đài Thibermesnil, cảnh sát đã nhận dạng cả hai cái tên Lupin và Horace Velmont.
- Đúng.
- Vì thế mà chị ấy biết anh là ai?
- Đúng
- Và chị ấy chào anh? Tôi kêu lên.
- Vậy anh có tin rằng đối với cô ấy, tôi là Lupin không? Anh có tin rằng dưới con mắt của nàng, tôi là một tên trộm cướp, một tên lừa đảo, một tên vô lại không?... Nhưng tôi sẽ là kẻ khốn khổ nhất của những kẻ khốn khổ, tôi đã kiệt quệ, dù thế nàng vẫn còn chào tôi.
- Tại sao? Vì nàng đã yêu anh?
- Thôi nào? Đấy là một lý do thì đúng hơn. Nếu ngược lại thì nàng đã khinh miệt tôi rồi.
- Thế là thế nào?
- Tôi là người đã trả lại con trai cho nàng.