Số lần đọc/download: 12562 / 212
Cập nhật: 2015-01-28 14:16:33 +0700
Chương 6 -
Đ
ám rước dâu đi về nhà trai lẽ phải đi theo thứ tự họ hàng, và cô dâu phải đi bộ cùng với những người khác, vì phải nhường 5 chiếc xe kéo cho các bậc lớn tuổi của hai họ. Nhưng nhà trai đã có lời xin bên nhà gái cho phép để cô dâu đi một chiếc xe kéo.
Toàn thể họ nhà gái cũng đã bằng lòng. Vì vậy, cả hai họ đều thoả thuận sắp đặt trong số 5 chiếc xe kéo, hai chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà trai, 2 chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà gái, 1 chiếc chở cô dâu.
Còn hết thảy đều đi bộ. Chàng rể một mình một ngựa, thong dong đi sau cùng. Về nhà chồng, cô dâu và chú rể cũng phải lạy trước bàn thờ Ông Bà, xong rồi lạy các ông bác bà bác, ông chú bà thím, và vái chào tất cả những người khác trong họ nhà chồng. Có một lễ riêng biệt để trình diện với làng. Trên một chiếc bàn, họ nhà trai đã đặt một mâm trầu độ 200 lá trầu tươi, sắp từng xấp để quay tròn một mâm, và giữa mâm để một buồng cau. Bên cạnh là một bình vôi, một khay đựng 4 chai rượu, một khay đựng 4 gói trà. Toàn thể hương chức kỳ cựu trong làng đều có mặt. Ông Hương Cả đứng trước, sau lưng là cô dâu chú rể. Ông Hương thưa cho làng biết, chính thức là ngày hôm nay ông cưới vợ cho con trai. Ông nói dứt lời, ông Xã đứng dậy đáp : - Anh em hương chức xin chúc cho hai họ, và lại chúc thầy Ký, cô Ký được bách niên giai lão. Ông Hương Cả đứng né ra một bên để thầy Ký và cô Ký vòng tay cúi đầu vái ba vái tạ ơn làng. Lễ hôn thú như thế là xong xuôi mỹ mãn. Bây giờ hương chức trong làng và hai cha con thầy Ký Thanh vội vàng sửa soạn đón tiếp "cụ Sứ ". Tại vì Lê văn Thanh đã mời "Quan Công Sứ " đến dụ tiệc, và "quan lớn" cùng với "bà lớn" đã nhận lời, cho nên không những gia đình Lê văn Thanh hãnh diện được đón tiếp vị thượng khách chủ tỉnh, mà cả làng xã cũng phải có bổn phận tiếp rước trọng thể "Quan Cai Trị Đại Pháp" dời gót ngọc đến làng. Nào ai dám phàn nàn việc ấy ? Trái lại, các ông hương chức trên dưới đều lo lắng tổ chức cuộc tiếp rước thế nào cho khỏi bị "Quan Lớn" khiển trách. Nếu lỡ sơ sót điều gì, sợ "Quan Lớn Đại Pháp" la mắng, hoặc bỏ tù thì chết cha . Lại nghe thầy Ký cho biết rằng tối nay "Quan Lớn Công Sứ" sẽ đến với "Bà Lớn Sứ" và "Quan Lớn Phó Sứ, Bà Lớn Phó Sứ, Quan Tuần Vũ và Bà Lớn Tuần Vũ " . Quả là một biến cố thật to lớn trong làng, từ xưa đến nay chưa từng có, và cũng chưa làng nào có được "hân hạnh " to lớn ấy ! Ôi thôi, làng xã ai nấy đều lăng-xăng, lít-xít, trên từ ông Hương, ông Xã, qua chú Trùm, chú Thập, dưới đến mấy "thằng dân ngu khu đen" ( danh từ thông dụng trong giới Quan lại Việt Nam chỉ người dân dưới thờ Quân chủ ) rộn rịp lo xanh mặt xanh mày. Riêng Lê văn Thanh rất là hãnh diện. Mảnh bằng "bờ ri me " và chức vị " thông ngôn, ký lục " của chàng kể đã vinh quang lắm rồi, còn oai hơn cả các ông Đồ Nho thi đỗ Cử nhân, Tiến Sĩ lúc bấy giờ đã không còn được trọng dụng nữa. Nhưng đối với Thanh, sự chàng mời được "Quan Công Sứ Đại Pháp" mà chàng gọi bằng tiếng Tây là "Mơ-sừ Lơ Rề-si- đăng đờ Phờ răng xờ" đến dự tiệc của chàng đó mới là một vinh dự quý báu tuyệt trần. Ai mà dám mời quan Công Sứ ? ông Tiến sĩ, ông Phó bảng, dù có được ăn yến tiệc của nhà Vua chăng nữa, cũng đâu có dám mời "Quan Công Sứ " ở tỉnh. Chỉ có chàng. Phải, cả tỉnh này chỉ có chàng, là Lê văn Thanh thông ngôn của "cụ Sứ ", là dám mời cụ sứ đến tận nhà chàng để ăn tiệc cưới của chàng mà thôi ! "Mơ-sừ-Lơ-rê-si- đăng" đã hoan hỉ nhận lời. Cả Bà Đầm nữa ! Cả Quan Phó Sứ và bà Đầm Phó Sứ nữa ! Hãnh diện xiết bao ! Vẻ vang xiết bao ! Cho nên chàng thông ngôn trẻ tuổi Lê văn Thanh đã gọi dân làng từ năm hôm trước, dựng lên một nhà khách, ngay trước mái hiên nhà chàng, để làm nơi tiếp đón "Quan Công Sứ Đại Pháp", và "Quan Phó Sứ, Quan Tuần, với quý bà Đầm, quý phu nhân, quý cụ, quý quan, quý thầy..." Chàng mua chiếu hoa trải kín mặt đất nhà khách, và mua vải xanh, vải trắng, vải đỏ về mượn người may hai chục lá cờ tam tài của nước "Đại Pháp", để cắm từ ngoài cổng vào đến khắp nhà. Vì lúc bấy giờ không có máy may (cả tỉnh không có một bàn máy may nào ) cho nên chàng phải mượn năm người đàn bà trong xóm may bằng tay trong ba ngày mới xong. Làng, thì sai dân đào lổ đóng cờ đuôi phượng loè loẹt đủ mầu, hai bên lề đường từ ngoài phố vào đến cổng nhà thầy Ký Thanh.Theo lời thầy Ký Thanh cho biết thì "Quan sứ " có nói với thầy là "Quan"sẽ đến hồi 20 giờ. Các ông làng hỏi thầy để cho rõ : - 20 giờ là mấy giờ, thầy ký ? Chính Lê Văn Thanh cũng không biết 20 giờ là mấy giờ. Từ lúc đi học đến khi đi làm việc ở toà sứ, chàng chỉ biết theo kiến thức thông thường là mặt trời mọc vào khoảng 6 giờ sáng, đúng ngọ là 12 giờ trưa, mặt trời lặn khoảng 6 giờ chiều. Lần đầu tiên chàng nghe quan công sứ bảo quan sẽ đến dự tiệc lúc 20 giờ, chàng cũng "uỷ, uỷ, mơ-xừ " mà chàng mù tịt, chẳng hiểu : 20 giờ là mấy giờ. Nhưng không lẽ chàng tỏ cho các ông làng thấy rằng chàng không hiểu "giờ tây", nên chàng cứ trả lời ẩu, ra vẻ thông thạo : - 20 giờ là vanh-tờ-rờ. - Vanh-tờ-rờ là mấy giờ an nam ? Giờ Dậu, giờ Tuất hay giờ Hợi ? thầy làm ơn cho làng chúng tôi biết để đón rước "Quan Công Sứ ". Lê văn Thanh nổi quạu : - Vanh-tờ-rờ là giờ Dậu.
Khổ nổi không ai có đồng hồ để coi giờ tây .
Thầy Ký Thanh làm việc nhà Nước mà còn không có đồng hồ nữa là. Đồng hồ là một vật quý chỉ các quan Tây có mà thôi. Mấy phố lớn của khách trú ở tỉnh cũng không có bán. Thầy Ký Thanh nói ẩu 20 giờ là giờ Dậu, rồi ông Tú Phong, nhà Nho thông thái nhất trong làng, chỉ tính ra giờ Dậu, là lúc mặt trời vừa lặn. Cho nên từ giờ Thân, vào khoảng 4 giờ chiều, toàn thể các ông hương chức trong làng đã lo khăn đen áo dài
(riêng ông xã mặc áo rộng xanh) đã đứng chực từ ngoài đường phố. Dân đinh thì kẻ khuâng trống, khiêng chuông, người cầm hèo, cầm lọng. Có hai cây hèo và sáu cây lọng hết thẩy.
Nhưng mặt trời lặn đã từ lâu, trời đã tối, mà các Quan chưa đến. Ông Xã hết sức lo lắng, lật đật sai dân phải đi kiếm xác mía, hoặc rơm, bó làm hai chục cây đuốc, để thắp lên cho sáng. Hôm ấy là ngày 18 âm lịch. Các ông hương chức tính theo phong dao Việt Nam, để biết chừng nào có trăng :
17, nẩy lửa
18, nám đống trấu
19, nín một canh
20, tuất rốt
21, nửa đêm
(đêm 17,vừa nẩy lửa, nghĩa là vừa đốt đèn thì có trăng.
đêm 18, đốt đống trấu vừa nám thì có trăng.
đêm 19, nín một canh qua canh hai có trăng,
đêm 20, thì cuối giờ Tuất có trăng,
đêm 21, đến nửa đếm có trăng. )
Đêm nay 18 ư, "nám đống trấu". Mấy ông làng căn cứ theo câu phong dao rất thông dụng ấy mà đoán chừng rằng vừa đốt đống trấu vừa cháy nám thì sẽ có trăng. Có lẽ quan Công Sứ đợi có trăng lên thì quan sẽ tới chăng ? Nhưng quan Công Sứ bảo với thầy Ký rằng quan sẽ đến lúc 20 giờ. Thầy Ký Thanh nói lại với làng rằng 20 giờ là giờ Dậu, ông Tú Phong cho biết giờ Dậu là lúc mặt trời lặn. Thế mà bây giờ trời đã tối đen, tối thui, ông Xã lật đật chạy đi hỏi ông Tú Phong, ông bảo giờ này là giờ Tuất.
Hay là quan Công Sứ không đến ? Lê văn Thanh cũng bồn chồn lo ngại. Chàng cứ sợ rằng "Mơ-sừ-lơ-Rê-di- đăng" không đến thì... chàng mắc cỡ với làng xóm biết bao.
Nhưng sự thật 20 giờ là mấy giờ ? Chàng băn khoăn suy nghĩ mãi. Trong nhà khách, đèn bánh ú phất bằng giấy ngũ sắc và các ngọn đèn "toạ đăng", đèn "huyền đăng", cái thì thắp bằng dầu phọng, cái thì thắp bằng dầu dừa, có đến hai chục ngọn, toả ra ánh sáng vàng hoe, lúc tỏ lúc mờ. Người ta kẻ ra người vào đông nghẹt, ai nấy đều nóng ruột đợi chờ, bàn tán thì thầm -- không ai dám cười to nói lớn. Bỗng từ ngoài ngõ, có tiếng xôn xao :
- Cụ lớn tới ! Cụ lớn tới !
Rồi tiếng trống, tiếng chiêng nổi dậy : "Thùng !..thùng !... thùng !.. Boong..boong... boong". Trên hai chục bó đuốc thắp lên sáng rực cả một góc trời.
Những đám người đông nghẹt ngoài hè, ngoài sân, ngoài hàng rào, đều thấy hai ông Tây, hai bà Đầm và một ông quan An Nam đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực. Ông Xã và các hương chức đều sụp xuống đất lạy "Qúy Quan". Chàng thanh niên Lê văn Thanh với ông Hương Cả đã chạy ra đến nơi, cúi đầu cung kính vái chào. Ông Sứ gật gật đầu... bà Đầm cũng gật đầu... Lê văn Thanh mời quí vị quan khách vào nhà. Tuy trời tối và gió mát, nhưng dân làng cũng phải theo nghi lễ, cầm sáu cây lọng che sáu vị thượng quan : "Quan Sứ và bà đầm " đi trước, kế đến là "Quan Phó Sứ và bà đầm phó sứ ", rồi mới đến "Quan Tuần và bà lớn". Tất cả các quan khách khác đi theo sau không có lọng. Tiếng trống tiếng chiêng - Thùng ! Thùng ! Thùng ! Boong ! Boong ! Boong ! còn vang rền, cho đến khi "Quý Quan" đã an toạ trong nhà khách.