He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Siêu
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1109 / 17
Cập nhật: 2016-06-17 12:51:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Nhà Ở
ghiên cứu về nhà ở thì có thể biết được rõ ràng quan niệm về sự sống người ta.
Cái nhà cũ thường nhắm sự cân đối. Bao giờ cũng ba gian, ba gian hai chái, hoặc năm gian hai chái, hay bảy gian hai chái, để lấy gian chính giữa đặt bàn thờ.
Gian thờ trang trọng nhất, mọi đồ quý đều trưng bầy ở đấy. Mọi cuộc tiếp tân đều ở trước cái bàn thờ ấy bố trí thành nội tự ngoại khách. Mọi cuộc lễ lớn như cưới xin, ma chay, giỗ tết, khao vọng, hoặc tuần tiết, cúng lễ, đều ở đấy.
Gian thờ ở giữa với hai gian hai bên, không ngăn vách, càng làm cho gian thờ cao quý rộng lớn và trội hẳn hơn tất cả những thứ gì khác trong nhà. Người khác ngồi chơi hay người nhà nằm ngồi ăn uống ở tất cả khoảng rộng ba gian đều nhìn lên thấy bàn thờ, vừa đặt cao hơn, vừa có những đồ thờ với câu đối hoành phi mầu đỏ và vàng rực rỡ.
Đó là cái tinh thần báo bản tôn tổ, theo định nghĩa của danh từ văn hiến. Dù là ngày giỗ gần hay xa, giỗ trọng hay giỗ dúi, con cháu có tiền làm được mâm cơm cúng đã đành mà không thì bát cơm quả trứng đệ lên cũng được, miễn là phải có dầu đèn hương khói trên bàn thờ.
Cái tài sản ruộng vườn của ông bà để lại cho, gọi là của hương hỏa, ấy là để làm ăn hằng ngày mà sống, và sống thì giữ lấy dòng hương lửa cho khỏi tắt. Người ăn thừa tự là người được hưởng của gia tài để thờ ông bà quá cố.
Trong lễ cưới, cô dâu chú rể đến lễ nhà thờ, không phải người nào cũng có quyền đốt hương và vén cái màn thờ, mà phải là trưởng và đứa cháu ăn thừa tự. Người nhiều tuổi rồi mà chưa có con, phải đi lễ các cửa đền cửa chùa để xin một đứa con trai. Con trai ấy gọi là con cầu tự tức là đứa con người ta cầu cho có để lo việc thờ ông bà.
Những ngày tết, người ta đến thăm nhau, gọi là đi lễ tết, nghĩa là đến lễ ở cái bàn thờ ấy trước rồi sau mới xoay ra chúc năm mới mọi người cùng mừng tuổi cho con trẻ.
Người nói lời bạc bẽo. gọi là nói đổ cả hương án bàn độc, tức là nói mất cả ân thâm nghĩa trọng mà con người phải có đối trước cái bàn thờ ấy.
Như vậy, ta thấy cái bàn thờ được đặt lên hàng quan trọng đến bực nào. Bực nào mà trong cuộc sống, từ mọi việc vui buồn đến khi giỗ, ngày tết, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, cho đến làm ăn, nói năng, xử đối đều quy về cái bàn thờ cả và cũng đều từ cái bàn thờ ấy mà ra.
Nguyền rủa thì nguyền rủa là tuyệt tự, (hết con cái nối giòng). Thề bồi thì thề chết một đời cha ba đời con. Chúc tụng thì chúc xin năm đẻ bẩy (để có con cháu nối dòng). Nhận định thì nhận mẹ tròn con vuông, là cả mẹ lẫn con đều được hưởng phúc ấm tổ tiên rộng như trời đất, nên may mắn và khoẻ mạnh cả. Khi gặp may tránh được tai họa thì lời đầu tiên thốt ra là nhờ trời, nhờ tổ ấm. Khi thi đỗ về làng là vinh quy bái tổ. Nghĩa là trong cả cuộc sống lúc nào người ta cũng chỉ thấy có cái bàn thờ. Những bức hoành phi treo ngay trước bàn thờ cùng những câu đối thường có những chữ nói lên cái tinh thần báo bản tôn tổ ấy, để hàng ngày nhắc nhở và giáo hóa mọi người.
Tổ công tôn đức bách thế bất thiên
Tử hiếu tôn hiền vạn đại như kiến.
Tổ công tôn đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích học kế gia phong
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sanh
Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh
Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân.
Hoành phi thì có chữ kính như tại Phúc mãn đường hay bách thế bất thiên đức lưu phương.
Trên bàn thờ ấy, nhiều đồ thờ đã chứa đựng nhiều ý nghĩa tượng trưng mà ta cần lưu ý.
THẦN CHỦ: làm bằng gỗ táu, là một khúc gỗ vuông bào nhẵn, dài cỡ 30 phân, giữa viết tên họ chức tước và hai bên đề ngày sinh ngày tử của cụ quá cố, ngày thường có hộp vuông úp ngoài.
Ngày cúng giỗ mở ra (Đinh, lim. sến, táu là bốn loại gỗ rắn gọi là thiết mộc).
Thần chủ làm bằng gỗ táu, hàng ngàn năm không hư không mục, nên có ý nghĩa vĩnh cửu. Khi đã tới năm đời thì người ta chôn thần chủ đi (NGŨ ĐẠI MAI THẦN CHỦ), ấy là người ta tin rằng tới đấy thì cụ tổ đã đi đầu thai kiếp khác rồi.
HƯƠNG: Do tích xưa làn khói của hương bay Đi gíup cho sự cảm ứng của thần linh với người ở trần thế.
TAM SƠN: Cái hộp ba từng xếp như hình chữ sơn trên để ba đài rượu, ấy là cúng thì phải cúng ba tuần rượu mới là đủ lễ, và đặt trên chữ sơn là tỏ rằng các cụ quy tiên ở trên cõi sơn thủy thanh cao xuân bất tận.
TRẦU CAU: là hai phẩm vật nhai trong miệng thì hòa với nhau thành đỏ tươi, được tôn quý cho đến độ không có thì không thành lễ. Truyện cổ tích về trầu cau cũng như tục lệ dẫn cưới, phải có trầu cau biếu xén, tiếp khách (miếng trầu là đầu câu truyện) đã khiến cho khi đệ cúng trầu cau là người ta đệ cúng với tất cả lòng chân thành của mình.
BÁT CƠM QUẢ TRỨNG: Hai món cúng căn bản và tối thiểu, người nghèo hết sức cũng có thể có nổi để tỏ lòng thành kính với người quá cố. Khi người chết còn trong nhà chưa đưa đi chôn thì cơm xoay đặt quả trứng luộc ở trên, kẹp trong đôi đũa tre vót có tua lên gọi là đũa bông. Còn ngày cúng giỗ thường thì cơm xoay để riêng và một đĩa riêng để quả trứng. (Ý nghĩa tượng trưng của phẩm vật dâng cúng này đã nói ở trên).
CHÉN NƯỚC LẠNH: Tức là thanh thủy tượng trưng lòng trong trắng thanh khiết.
CÁC ĐỒ THỜ ĐỂ MỘC HAY SƠN: Người mới chết chưa đoạn tang dù con cháu có quý hóa đến đâu cũng chỉ dùng toàn đồ thờ để mộc, với câu đối bằng vải trắng, viết chữ mực đen và quấn bằng vải trắng vẽ chữ mầu chàm để cho thấy vẻ tang tóc. Khi nào đã đoạn tang mới được dùng màu sơn. Đèn nến cũng phải mầu trắng cho đến khi đoạn tang mới dùng mầu đỏ.
VÀNG THOI: cúng ma mới chỉ dùng vàng hồ đểthấy ngay vẻ tang tóc. Cúng các cụ chết đã lâu mới dùng vàng hoa.
HOA CÚNG: hoa rời bầy trên đĩa trầu cau, chỉ thường dùng hồng, kim cúc, ngọc lan, sói, huệ. Các thứ khác không thơm thì không dùng, còn thơm như nhài thì lại bị liệt vào loại lẳng lơ, không dùng. (Vì nhài là giống hoa nở về đêm).
HOA CẮM LỌ: thường dùng huệ vì thơm và có mầu trắng tinh khiết, sen vì thơm mà lại sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, thêm nữa cuộc sống của sen đồng thời có cả hương tượng trưng cho dòng sống ở quá khứ hiện tại vị lai. Mùa lạnh thì dùng đào vì mầu hoa đẹp lại thuộc giống cây có trái tượng trưng sự sống lâu. Người ta cũng dùng mai nữa vì mai tượng trưng cho sự hồi sinh sau mùa đông khô héo.
HOA VÀ CÂY TRỒNG TRONG CHẬU: thường dùng cúc vàng tượng trưng sự an nhàn của mùa thu, quất trái đỏ, nhiều, trong lại nhiều hột, tượng trưng dòng họ đông đúc, phật thủ bàn tay bởi phật tượng trưng quyền lực vô biên, thạch lựu, quả nhiều hột tượng trưng con cháu đông đúc, thủy tiên thơm và đẹp như tiên nữ.
Những cây hoa khác có sắc không hương không bầy vào bàn thờ.
LỘNG HÀNH: cần lưu ý: dù bàn thờ là nơi cao quý nhất và con cháu có thể có rất nhiều tiền để trang trí bàn thờ nhưng phải giữ không được dùng những thứ dành riêng cho vua chúa hay thần linh vì là phạm tội lộng hành.
Tỷ dụ như cửa võng dưới bức hoành, có thể chạm trổ và sơn son thếp vàng, nhưng không được dùng lưỡng long triều nguyệt hoặc tứ linh, mà chỉ được dùng dây hoa. Câu đối có con dơi là phúc, chạy triện đơn hay kép.
Các án thư sập sơn son cũng vậy. Nhà quan có thể dùng dầu hồ phù.
Những đồ bát bửu, nhà quan mới được có. Những đồ để thờ thần như cờ quạt tàn lọng cũng không được dùng.
GIAN BÊN: hai gian hai bên gian thờ, không ngăn vách với gian thờ ở chính giữa, nên cũng kể như trong cùng một phòng chánh của nhà vậy.
Hai gian này cũng có thể có bàn thờ riêng của ông bà hay cha mẹ mới mất. Nếu không thì là tủ chè, sập của vị gia chủ, rồi đến bàn ghế cho khách ngồi chơi. Nhàhay phải tiếp bà con ăn uống và ngủ lại thì hai bên là hai giường gian hay hai cái bục lớn và dài để vừa dùng làm chỗ ăn, vừa dùng làm chỗ ngồi chơi, đánh bài, nói chuyện, và vừa dùng làm chỗ ngủ cho con cháu và khách khứa.
Nơi hai gian này, ở vách ngăn với hai chái nhà thường treo tranh vẽ,trướng thêu, câu đối, tứ bình hoặc dán các tranh tết.
Đó là phòng ngủ của ông cụ gia trưởng. Bà cụ nằm gian bên kia với các cháu. Chăn màn gối chiếu ban ngày lại cuộn và chất vào hai bên chái nhà. Chỉ có cái tráp trong đựng sách với cái quạt, ít cây bút. Và trên bàn tiếp khách có khay trà, cái điếu, tráp trầu, với một ngọn đèn nhỏ, lửa xanh và nhỏ như hạt đỗ.
Cửa của gian giữa và cửa của hai gian bên là cửa bức bàn, sang thì có chấn song con tiện, mở ra đóng vào trên cối xoay, đặt trên bực cửa cao đến đầu gối và không có bản lề.
Ngày giỗ tết mở hết và nếu có tế tự thì nhấc luôn cánh cửa ra của gian bên. Ánh sáng hắt từ sân đất lên vào nhà nơi tiếp khách không quá gay gắt, làm cho cảnh đã yên tĩnh lại càng yên tĩnh hơn. Có khi bên ngoài cửa còn có một hành lang rộng cỡ hai thước trở lên, rồi mới tới một lớp trại bằng tre. Tức là một thứ mành sáo đứng, để lọc nắng và ánh sáng chiếu vào hành lang trước khi hắt vào nhà.
Ta thấy nhà ở đã thật rất hợp với tâm hồn con người hướng nội không ưa sự bộc lộ.
HAI CHÁI NHÀ: mỗi bên vách ngăn đã nói ở phòng giữa có cửa đi vào chái nhà (nếu là nhà ba gian hai chái) Chái nhà bít bùng ở dưới mái thấp, chỉ có khe hở dưới đầu vách và mái với mấy vuông cửa sổ nhỏ cho gió và ánh sáng lọt vào. Đó là phòng ngủ của những cặp vợ chồng trẻ, cũng vừa dùng để chứa thóc lúa, các đồ lặt vặt (nếu nhà nghèo).
Nhà giàu và đông người thì làm năm gian, ba gian giữa lối cửa vách đi sang hai bên, rồi mới tới hai chái chỉ dùng chứa thóc lúa và các đồ vặt, còn phòng ngủ ở hai gian bên.
NỀN NHÀ: Toàn bộ cái nhà ba gian hay năm gian ấy thường ở trên một nền cao hơn sân từ bốn mươi đến năm mươi phân, phải bước hai bực thềm mới lên tới hành lang.
Những bực thềm xây ở chính gian giữa. Ngày thường khách bước lên gặp cửa giữa của gian thờ đóng. Phải rẽ sang bên mới bước qua bực cửa vào nhà được. Còn ngày lễ tết có tế tự cửa mở hết, thì từ sân ngoài thấp nhìn lên thấy bàn thờ uy nghi và tôn nghiêm vô cùng.
VÁCH VÀ MÁI: Nhà nghèo thì vách đất mái lá, nền đất sân đất; giầu thì tường gạch mái ngói, sân gạch nền gạch, tường xây. Nhưng cách bố trí thì đều như nhau cả.
SÂN: là nơi đập và phơi lúa thường rộng mười thước, dài hai mươi thước. Những nhà lớn và giàu còn rộng dài hơn. Hành lang càng để rộng là vì khi chạy mưa thì chỉ cần hốt hết các thứ đương phơi từ sân lên.
Khi nhà có cưới xin ma chay thì tất cả cái sân ấy sẽ dùng dựng rạp ngồi ăn uống, tế lễ, hát xướng.
Chứng tỏ cả nhà, cửa, sân, hành lang, cần phải thỏa mãn những đòi hỏi thông thường cũng như bất thường của gia chủ, và mọi việc hệ trọng trong đời sống của gia chủ đều có nơi ấy để diễn tiến. Việc hệ trọng dính dáng đến danh dự và cả lẽ sống nữa là ma chay, cưới xin, khao vọng, lễ tết… là những việc có liên quan chung đến họ hàng.
Còn việc riêng cho cá nhân thuộc phạm vi tiện nghi của sự sống thì người ta đã không coi là hệ trọng.
BẾP: Gia đình ăn uống ngày thường đều ở dưới bếp cả. Có khi cả ngày người ta cũng quanh quẩn và làm việc ở nhà bếp. Bếp làm rộng lắm. Một góc là chỗ đun nấu, choán từ hai tới ba thước rộng và bốn tới năm thước dài, nghĩa là một gian. Tới gian giữa là cái chõng tre khiêng và xoay ngang xoay dọc được, để cả nhà ngồi ăn cơm. Có khi chỉ ông già bà già ngồi, còn trẻ thì ngồi ngay bực giữa, còn lớn thì vừa ăn vừa trông bếp.
Chỗ để cái chõng ấy, dẹp chõng ra gốc tre, là một khoảng trống cho người sàng xẩy lúa gạo: gạo để nấu cơm ăn, tấm để cho gà, cả đàn nó nhảy vào tận bếp để cướp, còn cám để nuôi heo, chuồng heo ngay sau bếp.
Cạnh gian giữa ấy đến gian nữa là cối giã và cối ăn xay. Gà què ăn quẩn cối xay là cứ quanh ở đấy ăn không dám ra gian giữa sợ những gà khác mổ.
Có khi nhà hàng xóm bà con đến xay giã nhờ vì cối nhà họ hư, mượn luôn cả đồ dùng: dần, xàng, nong, nia, gác ở dưới mái bếp. Người ta luộc khoai luộc bắp nấu cháo, nấu chè, vừa ăn vừa nói chuyện vừa làm. Cho nên bà con chạy qua chạy lại thường cứ nhà bếp mà ngồi lấy làm chỗ thân mật nhất. Nước uống là nước vối nấu và ủ ngay trên bếp. Thuốc lào thì có điếu cầy và thổi lửa giấm sẵn trong bếp suốt ngày và đêm. Chỗ ngồi thì sẵn chõng và bực cửa đấy.
Quả đúng rằng trung tâm sinh hoạt nội bộ của gia đình là cái bếp. Còn trung tâm sinh hoạt của gia đình liên hệ đến họ hàng là cái nhà trên.
Nhà trên ngăn nắp trang trọng bao nhiêu thì nhà bếp sập xệ xuề xòa bấy nhiêu. Bếp ngồi, mỗi chỗ đun là ba cục đất nung, gọi là ba ông đồ rau cũng gọi là vua bếp. “Đói no có vua bếp hay, đắng cay có bồ hòn chịu”.
Người đun bếp ngồi xổm, mỏi thì có ghế thấp đóng bằng miếng ván với hai chân. Rơm thì lấy và ôm từ cây rơm vào để đống sau lưng rồi với tay dồn vào bếp, luôn luôn tay kia phải có cái que cời để đẩy bớt tro ra thì mới có chỗ cho rơm kia vào. Trên gác bếp thì đầy cả mồ hóng, mạng nhện, lại thấy để thúng mủng, rổ rá, hàng ngày khói lửa rơm un lên. Ngoài ra còn lương khô để trên ấy như măng, nấm hương, mộc nhĩ, cho khỏi mốc và còn lá vối để hàng ngày lấy xuống một ít rửa đi và nấu uống. Cạnh bếp là cái trạn bát, còn gọi là cũi bát vì đóng bằng tre giống kiểu cái cũi chó. Trên vách đất của tường bếp là những nồi niêu đen ngòm móc vào những cái đầu đinh. Lủng lẳng treo từ mái nhà là những quang bằng tre hay mây trong để mâm cơm hay nồi thịt, cá kho, chồng lên nồi cơm nguội “chó treo mèo đậy”, phải treo thức ăn lên như thế thì chó mới không ăn vụng được. Nhưng nếu nhà đi vắng cả thì gà có thể nhẩy lên quang lục lọi; thế là “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”.
Nhà bếp để trống không có cửa. Người nhà ngủ thì lên nhà trên. Đêm ai hút thuốc lào thì tự xuống bếp mà thổi lửa hoặc uống nước thì xuống bếp mà uống.
Trẻ nhỏ cũng quen dần với lề thói sống giản dị hết sức như thế.
VỆ SINH
Tắm thì ra sông ra ao. Người già không thể bơi lội được thì ở nhà, lấy nước ở bể nước mà con cháu gánh về, dội ít gáo. Đàn bà con gái thì có cái váy là vật lợi hại nhất để thay đồ ướt.
Đi tiêu thì vào chuồng lợn. Trẻ con đã có chó dọn cho. Hai ba ngày đi tiêu một lần mới là người vô bịnh. Tiểu tiện thì có nồi hông ở ngay đầu cổng cho khách vừa bước đến cổng, còn người nhà thì có nồi khác để ở đầu nhà.
Rửa mặt thì có khăn cũng được, không thì dùng bàn tay mà rửa, rồi vuốt một cái.
Rửa chân thì rửa bùn đất ở ao hay nước cạnh bếp rồi đi đất, đợi một lát cho khô khi bước lên giường thì ngồi buông thõng xuống, xoa vào nhau cho hết bụi cát, là rửa chân cạn,
Đánh răng là chuyện không thấy ai nói đến.
NGỦ
Giường ngủ nhà giầu mới có bộ ghế ngựa hay sập dành cho các ông bà già còn nhà nghèo thì giường đóng bằng tre trên có cái dát giường cũng bằng tre, rồi cái chiếu. Nằm đau lưng lắm, mà cựa mình thì nó kêu cót két. Gối thì là một cục gỗ bào nhẵn và đẽo lượn xuống cho khỏi vướng cổ. Có nhà làm tre. Nhà có tiền mua gối mây. Các cụ già có gối xếp bằng bông, ban ngày chồng lên ngồi tựa vào đọc sách. Nhiều người gối lên tay mình mà cũng ngủ được.
Trời rét thì đắp chiếu. Có tiền mới sắm chăn rạ chăn bông, mà cũng là để cho các cụ già.
CHỮA BỆNH
Khi đau ốm cần thuốc men thì thường dùng toàn thuốc lá và thường theo lời người ta chỉ dẫn cho để chữa mẹo.
Ta thấy thật là cùng tột của sự giản dị và thật là một thái cực đối với những thận trọng từng ly từng tý khi phải hành lễ ở nhà trên hay đại diện cho họ hàng mà xử sự ở trong làng.
Nhà nghèo thì mức độ giản dị còn hơn nữa để chẳng giường phản gì hết, tất cả toàn nằm ổ rơm, nhưng vẫn có cái bàn để thờ ông bà. Nhưng đời sống giản dị ấy có thể chỉ là một sự bắt buộc nếu không tính kể được là một chủ trương tư tưởng. Ta hãy để ý xem những nhà giầu xây nhà theo kiểu gì.
KIỂU NHÀ CHỮ NÔM: Nhà lớn làm thành ba dãy, mỗi dãy từ ba đến năm gian, dãy chính nằm chính hướng trông ra sân, hai dãy kia nằm hai đầu sân trông vào. Hành lang trước gian nhà chạy bắt vần quanh sân thành hình chữ U.
Sở dĩ có thể sắp đặt được như thế một cách dễ dàng là vì tất cả các gian phòng đã không cần phải lo cho có cái cầu tiêu, phòng rửa mặt, phòng tắm như kiến trúc âu tây. Mỗi gian chỉ là một phòng ngủ của anh em hay cô chú, các gian sắp đặt như vậy là để cứu ứng nhau khi nhà có cướp, và lúc bình thường thì cái sân ấy là chỗ chơi vui chung, lúc có công việc thì sân sẽ dựng rạp cho cả vài trăm khách khứa ăn uống một lúc cũng đủ chỗ.
KIỂU NHÀ CHỮ ĐINH: Kiểu nhà chữ đinh là kiểu ba gian hai chái hay năm gian hai chái, bảy gian hai chái thay vì gian giữa đặt bàn thờ, thì đầu mái ở gian giữa ấy làm thêm một căn riêng sâu vào trong để thờ (thường gọi là chuôi vồ) còn gian giữa để làm phòng tiếp khách.
KIỂU NHÀ CHỮ CÔNG: Kiểu chữ công là kiểu hai dãy song hành với nhau, cách bởi một sân lớnrồi ở giữa cách một hai gian có một dãy đấu góc mà nối hai dãy với nhau nó gần như chữ H lệch và đặt nằm ngang.
NGOÀI RA: còn những kiểu nội công ngoại quốc, kiểu chữ vạn hoặc những gì người ta biến chế thêm nữa.
Tất cả những nhà lớn theo kiểu chỉ những quan lại và những phú hộ nhiều vợ lắm con mới có nổi và mới cần phải cáó. Vừa để bảo vệ lẫn cho nhau, khỏi bị cướp vừa để thật gần gũi với nhau cho tiện sự làm ăn và có cái thú sống đại gia đình.
THÚ SỐNG ĐẠI GIA ĐÌNH:
Buổi tối người ta soi dèn đi lượm trẻ con nằm ngủ ở các hiên nhà cùng các giường trong các phòng. Chúng chơi rồi bạ đâu ngủ đấy. Trẻ con cứ như trứng gà trứng vịt, có khi không nhớ được tên chúng. Mỗi đứa phải có một thành tích nghịch ngợm hay trò chơi gì đặc biệt để có những biệt hiệu cho dễ nhớ mà gọi để chia bánh qui. Chúng ăn ăn uống uống ào ào, “của chẳng ngon nhà nhiều con cũng hết” và chơi đùa chạy nhảy hết các bệnh tật cho đến thật dễ nuôi, như “tre ấm bụi” cả ngày góc nhà nào cũng thấy có tiếng trẻ reo hò, lẫn cả tiếng cười, tiếng khóc và gào thét bắt. buộc không ai công đâu can thiệp kịp. Đành cứ mặc chúng.
Các ông bà già đau yếu thì con cháu đến thăm nom suốt ngày, lúc nào cũng có người bên giường bệnh, không hề bao giờ cảm thấy mình trơ trọi.
Những ngày giỗ tết hoặc có việc vui mừng thì tấp nập kẻ ra người vào như đám hội. Những ngày thường, nguyên người nhà trẻ con người lớn bốn năm chục người cũng đã đủ nhộn nhịp rồi.
Ăn uống thì không cần phải nói đến sự tốn kém Vì đông người lại nhiều ruộng làm để có nhiều lúa gạo, khoai sắn ngô đậu. Mà mọi người thì đặc biệt, ai cũng có tính quen có gì ăn nấy và thế nào cũng ăn được. Qua bữa thì thôi. Niềm vui đời vẫn cứ có thể đến được với những người ăn thiếu chất bổ dưỡng, nhưng thở thì thừa không khí và cái tình ở với nhau cũng thừa.
Ở trong những nhà lớn như vậy, ta thấy nổi lên rõ rệt cái thích thú và cái chủ trương sống theo đại gia đình cho lúc nào cũng nhìn thấy có gốc, có ngọn, kẻ nọ nương tựa hay che đỡ cho người kia Vì tất cả cùng vui cùng buồn với nhau.
Con người quen sống giản dị như vậy đã không có gì để lo nhiều về vật chất. Ăn ở, mặc, đi lại, chơi bời, chữa bịnh... số tốn kém không nhiều và sức làm có thể cung ứng dễ dàng được. Ngoài ra những phẩm vật kỹ nghệ đối với họ tuy là xa sỉ như nhu yếu phẩm để nâng cao đời sống và mức sống, nhưng họ có cũng được không có cũng không thấy làm sao, nên những phẩm vật ấy không thôi thúc nổi họ dời bỏ lối sống giản dị quen thuộc của họ. Vì vậy họ dễ tìm thấy cái thanh thản nó làm cho con người sống lâu.
Truyền Thống Dân Tộc Truyền Thống Dân Tộc - Lê Văn Siêu Truyền Thống Dân Tộc