"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Tứ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1217 / 28
Cập nhật: 2016-01-30 21:45:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
êm đến, làng Phi Lạt nhắm mắt nín thở sau hàng rào lông nhím. Những người đi phu về ngồi trên đầu cầu thang, bốc ăn chập chuội mấy nắm củ còi chấm muối ớt, miếng mặn miếng nhạt. Pháp cấm đốt lửa. Mé đồn đèn sáng giăng giăng. Họ ngó về chỗ ấy, miếng củ nổi gai trong cổ, không nuốt được.
Riêng nhà mè Xỉ cứ đốt lửa. Con gái mè trở dạ đẻ. Lão nai bản dẫn lính làng đi tuần, đảo qua mấy lượt bắt dập lửa. Mè đứng trên nhà chửi xuống xơi xơi: "Mày là cháu tao, con tao không gì cũng là chị mày, chẳng giúp được thì chớ lại còn gây sự!" Cái bìu trên cổ mè nhảy lên, đôi vú một bên dẹt một bên đầy cũng nhảy lên theo ngón tay xỉa xói. Bọn kia phải lảng, không dám trêu vào bà lão, vì đứa nào cũng có họ hàng dây mơ rễ má với mè Xỉ cả. Anh Chum đắp sân bay chưa về.
Mè chạy tròn con quay trong nhà. Nghe tiếng rên mè lo quắt ruột. Mè ra ngồi bếp, kéo củi ra lại đẩy củi vào, lóng ngóng như người mù tìm gậy. Mè chực mãi từ chiều, đứa cháu vẫn không ra, chỉ quẫy đạp trong bụng mẹ. Nó giận. Mè nói một mình cho đỡ sốt ruột:
- Tao ăn muối nhiều hơn chúng mày ăn cơm, mà bảo cấm biết nghe. Báng bổ cả lũ. Hồi xưa tao với bà vợ cụ Thít La kiêng khem lắm mới nuôi được con gái. Con Pha cũng bị giết đâu trên đồn rồi. Cụ tiệt nòi giống rồi cụ Thít La ơi... Chúng mày hỏng, hỏng. Bảo phơi váy ngược cho con nó ra đầu trước chân sau cũng quên. Tao dặn chớ ăn cà to mà bị bọc nước trong thai. Ăn nhộng ong sau này con nó quấy...
Chị vợ anh Chum đang rên quằn quại trong buồng, bỗng nín hơi một lúc, cãi mẹ:
- Con quên bao giờ?
- Ừ, mày không quên. Chứ đứa nào ngồi bậc cuối cầu thang hôm nọ?
- Ối... Lạy Phật cứu khổ... chết mất... ngồi cuối cầu thang từ khi chưa có mang, mẹ cứ lú lẫn... ối, dà ơơơi!
Mè chạy nháo vào buồng, bày sẵn cái nia để đặt đứa trẻ vào đấy. Mè ra ngoài, vặn tay thì thào với cái bóng mình trên phên: "Mời thầy cúng đến xem. Lấy ai đi mời bây giờ hở Phật?" Hàng xóm vắng quá. Đàn ông đi phu cả. Chị cháu mè lên cơn sốt rung sạp. Cô gái nhà bên bị quan đồn gọi, giữ lại mấy đêm chưa trả. Không ai chạy việc giúp mè, còn nói chi đến cái sự tụ họp ngoài nhà, đàn hát làm vui cho người đau đẻ theo tục xưa! Tiếng rên xoắn vào tai, lôi giật mè vào buồng, lại đẩy mè ra.
Anh Chum đâm bổ lên nhà, hỏi dồn: "Nó ra chưa?" Mè Xỉ rền rẫm, đay đả con rể như chính mè đang đẻ khó. Bỗng mè nín tắp. Một vệt đen cắt chéo ngang mặt Chum, che lấp một mắt. Cái môi sưng vếu. Mè lắp bắp: "Xa thú! Nó lại đánh mày ư con?" Chum không đáp, chỉ ngây mặt nghe tiếng rên, bóp vụn một mẩu củi. Cánh tay cũng vằn mấy đường tím như rắn quấn xà nhà. Mè Xỉ đẩy anh:
- Vào đi con. Vào cho nó dựa lấy hơi.
Chum ngồi cho vợ dựa lưng. Chị vợ quờ bàn tay chồng, nắm chặt như người sắp chết đuối bíu vào dây. Mồ hôi trên lưng vợ thấm qua áo đến lưng Chum, nóng hổi.
- Em ơi, vợ quý ơi, cố lên!
- Chết... em chết mất... ối! Quỷ nó ăn ruột đây mà... Lạy Phật, lạy Phạ In, lạy Nang Tholani... ối!
Một tiếng cú rúc ngoài xa lọt qua hơi thở hồng hộc nóng bỏng bên vai Chum. Anh giật mình. Từ nãy, anh đã nghe cú rúc hai lần, ba lần, không để ý đến ám hiệu. Bác Cống đợi từ chiều...
- Vợ quý ơi, em níu vào cột nhé. Dựa đây! Thế!
- Em chết...
- Em ngồi vững chưa? Anh đi lấy thuốc, gọi người giúp...
Sợ mè Xỉ chửi, Chum nhảy ào xuống đất, vọt ra rừng. Bác Cống đợi đã hơn một giờ. Chum đứng ngẩn một lúc mới nhớ ra tình hình:
- Bọn ba trăm xe mới đến không đào hầm. Chúng nó chặt cây gác qua loa. Vợ tôi đẻ bác ạ... Thằng Muôn không chết. Đồ trời đánh! Sáng nay nó lại quật tôi một trận, nó nghi tôi giấu chị Pha. Máy bay xuống hai chiếc to. Thằng Mỹ đến, tôi nom thấy cứ tưởng con buôn. Bọn lính bảo nhau nó tinh lắm, nơi nào cũng đi xem. Nó mặc Tây như thằng tỉnh trưởng, gầy lêu đêu...
Một tiếng rú dài ngạt hơi. Chum hộc lên:
- Vợ tôi chắc chết! Đau bụng từ sáng, không đẻ được.
Chum lẩy bẩy ngồi bệt xuống đất, úp mặt trên hai gối. Cống sờ nắn cái gói tạp hóa đeo lưng, nghĩ một lúc. Rồi bác theo Chum về nhà, trèo lên cầu thang sau mái hiên. Chum ra trước nhà, đứng gác. Mè Xỉ tròn mắt:
- Mày dẫn ai về đấy hử?
- Thầy cúng. Mẹ đừng vào buồng, để ông ta phù phép...
Nửa giờ sau, trong buồng im tiếng rên. Đột ngột, tiếng khóc oe oe bật lên khiến Chum ứa nước mắt. Mè Xỉ vào buồng, chỉ thấy con gái nằm thở trên chiếu và đứa bé quẫy khóc trong cái nia. Từ đầu đến cuối mè không nom rõ ông mỏ xađo (thầy cúng), cũng không nghe ông nói câu nào. Mè xoắn xuýt giục con rể:
- Phúc đức! Mày bắt gà cho ông đi. Bắt con mái vàng đang đẻ, lấy chai mật ong...
Chum chạy ra đến gốc me cạnh hàng rào, thấy Cống đang lau tay. Bác dúi cho Chum mẩu quế. "Anh mài cho chị uống. Che buồng lại thật kín nhé. Đừng cho đi tắm ngay. Bà con ở đây mới đẻ vài hôm đã ra suối tắm, dễ ốm lắm". Chum ấp úng: "Bác ạ, bác..." Anh vơ bàn tay Cống áp vào cổ vào mặt mình, nghẹn lời.
Sáng hôm sau, mè Xỉ còn giục con rể đi lễ tạ:
- Cái móng con gì ông mỏ xađo đưa mày ấy, uống nóng hơn uống rượu. Mày bắt con mái vàng béo nhất, lấy chai mật ong...
Nhưng con gà mái vàng đã bị bọn lính đi tuần cuỗm mất tối hôm qua, giữa lúc bối rối. Vết giày đinh hằn rõ cạnh ổ. Mè Xỉ tắm cho cháu xong, ra đứng đầu hiên nhà chửi có ngành có ngọn. Cả làng không ai biết chửi như mè cả, nghe mè chửi lính ai cũng sướng bụng.
o O o
Hòn núi Vượn vẫn sừng sừng nhô cao cái hình thắt cổ bồng bí hiểm. Nhưng trong hang núi Vượn, từ ngày đội rút đi, chỉ còn một mình bác Cống lui lủi ra vào như con dơi bay trong nhà hoang.
Bác Cống ngồi xổm trước cửa hang, tỉ mẩn gọt khúc ngà voi thành cái cán dao găm. Thằng Khiêm thích con dao găm cán ngà. Bác đi đào củ rừng, vớ được cái xác voi chết, đôi ngà dài hơn ba gang. Bác vác ngà về gọt cán dao� cho con nuôi, chạm cả lá cờ có ngôi sao vào đấy.
Đàn vượn trắng trong hang chui ra, nhấm nháy dòm bác, rồi vọt lên cây hú gọi nhau dồn dập. Bụi phấn bay lả tả trên lá. Gãi lông một lúc, chúng đen dần. Bác Cống để cho vượn vào ngủ hang tự nhiên. Đôi gấu nâu cũng kéo đến. Hôm đầu gấu còn làm dữ, đứng dựng hai chân xù lông hét inh. Không thấy ông cụ kia tranh ăn hạt dẻ, gấu làm lành. Đôi bên quen nhau. Gấu liếc mắt nhìn người, gãi mõm ra dáng xin lỗi, rồi bám gốc trèo lên cây. Thỉnh thoảng chúng ngừng nhai, gật gù. Bên dưới, bác Cống ngồi gọt ngà voi cũng gật gù cái núm tóc củ tỏi, theo đà nghĩ ngợi.
Thoạt nhìn ông lão mới bốn mươi bảy mà còm cõi như ngoài sáu mươi ấy, không ai đoán là tay trinh sát vững kiêm dân vận cừ. Bác Cống quanh năm mặc quần cộc phơi cặp chân đầy lông, nhưng áo sơmi luôn luôn cài cúc tay và nhét trong quần cộc cẩn thận. Kè kè cái bọc "tạp hóa" gói trong phạ phe đeo lưng, từ cái bấc bật lửa đến cái kéo cắt tóc, sợi dây trói tù binh đều có đủ. Ai xin gì bác sẵn lòng cho, nhưng tay đưa mà miệng căn dặn đến phát ngấy với cái câu kề cà: "Ấy tức thị rằng là... " Người chậm, yếu, nhưng lĩnh việc gì cứ nhẩn nha làm kỳ xong, chắc như cua gạch.
Ngày mới gặp Khiêm, bác không ưa cái thằng nom như con gái mà lêu têu nghịch quấy, trẻ chẳng tha già chẳng thương. Tổ Đảng giao cho bác đào tạo Khiêm thành trinh sát. Bác dạy một nó làm được hai ba, chỉ hơn tháng đã tuồn vào đồn như con chạch, bác cứ phải nắm cẳng kéo lại. Đến cái đêm bác sốt thương hàn, nó cầm đuốc chạy suốt bốn mươi cây số đường rừng về bệnh xá lấy thuốc cho bác, thì bác đâm phải lòng đứa con nuôi nhận đùa mà thương thật. Nó khổ mổ côi, đầu không chằng đít không rễ. Bác chắt chiu để dành được hai trăm Đông Dương, định tổ chức cho nó cưới cái Soan xong bác hẵng về hậu phương mà tăng gia, nộp thuế nông nghiệp nuôi đồng đội.
Về hậu phương...
Cấp trên cho về mấy lượt, bác còn chần chừ. Bởi cái lão chánh Tam thối tai râu quặp cắm ruộng bác vẫn còn trờ trờ làm chủ tịch Liên Việt xã, ngồi đâu cũng khoe công tác Việt Minh từ hồi còn bóng tối. Chả dạo trước khởi nghĩa nửa tháng có anh cán bộ Việt Minh đến ở nhà lão mấy hôm, thế thôi. Bây giờ ban ngày lão hầm hừ đi đòi tô, tối đến họp thôn lão kêu gọi đoàn kết hy sinh. Bác ngại khi giải ngũ về làm việc với lão, nóng tiết lên lại phạm chính sách. Mà đảng viên không nhận công tác địa phương thì bỏ cho ai?
Ngày xưa hai vợ chồng anh Cống ăn cơm vay cày ruộng rẽ, chiều ba mươi Tết còn lội đầm móc củ sen ăn cầm hơi. Quần quật như trâu lăn suốt một năm mới vỡ xong sáu sào bảy thước tư đất màu trên đồi hoang, vợ chồng ngỡ phen này mở mặt được đây, bèn mua cả hai lạng thịt về cho con sướng miệng một bữa. Lão chánh Tam bấy giờ mới lật sổ địa bạ, chiềng làng rằng đất đồi ấy của lão trưng khẩn, nộp thuế nhà nước từ lâu. Anh Cống uất máu chửi vung. Lão nhe răng cười, để đấy. Đến vụ thuế anh xin khất tạm hai hào, bị lý trưởng con lão bắt lên cùm một ngày một đêm, đánh đủ hai chục hèo mây. Chị Cống phải bán chạy con lợn, biện gà rượu lên xin mãi mới lĩnh được chồng về, thành thử khất hai hào hóa đi ba tong ba đồng bạc. Anh Cống bỏ làng ra tỉnh kéo xe hơn năm, khi về chỉ thêm được đôi dép cao su mỏng, có cái quai xỏ ngón chân trỏ vào cho con nó nghịch. Anh lì lì như người ra dại, hay gắt vợ đánh con hơn trước.
Anh hỏi dò cụ đồ được tên cúng cơm ông tổ lão chánh Tam là lý Nòng, bèn đặt tên thằng con út là thằng Nòng. Trước chỉ gọi là thằng Cún. Hôm nào rỗi việc nhớ chuyện cũ anh ra quán chợ mua xu rượu, ngồi nhấm nháp rõ lâu cho thiên hạ thấy, giả vờ nát rượu say lử cò bợ tuy rượu chưa đủ cay mồm, rồi về nọc thằng cu Nòng ra. Tay anh quất roi đen đét xuống chiếu, miệng anh réo đến ngũ đại lục đại thằng Nòng ra chửi inh làng nước. Phải cái bố con chánh Tam xem trong gia phả thấy ghi tên cụ tổ là lý Nòng, nên tuy ngờ ngợ mà không động lòng, mặc anh Cống chửi thì anh Cống nghe. Chỉ tội cho thằng cu Nòng không ăn roi mà khiếp quá bị đòn hằn, nhác thấy bố là lẩn. Đến năm đói nó chết sau cùng. Đã hấp hối mà thấy bố khóc lại tưởng bố say, nó còn chắp tay van.
Mãi đến bây giờ, nghĩ đến gia đình, bác Cống lại thấy hai bàn tay khô đen như cẳng hạc của thằng con út thò ra dưới mép chiếu, vái vái bố. Chao ôi con!
Bác Cống buông khúc ngà voi gọt dở, quờ tay đấm đấm lưng, thở dài.
Thôi thì trước sau cũng phải về, phải đoàn kết với chánh Tam ít lâu nữa. Đánh Tây xong là người cày có ruộng, nhất định thế. Làm cách nào có ruộng thì sau này Đảng bảo cho, áng chừng cũng chả khó... "Tây không sợ, sợ đếch gì thằng râu quặp thối tai! Hẵng cứ nhả ruộng nông dân ra, trả sáu sào bảy thước tư đất màu của ông đây rồi đoàn kết thì đoàn! Nào, có muốn ăn báng súng không thì bảo?". Những nghĩ suông cũng đủ mát ruột...
Đàn vượn hú dồn, chuyền ra xa. Đôi gấu ục ịch bỏ đi. Cống quờ tay lấy tiểu liên, đứng dậy. Anh Chum xồng xộc chạy lên dốc núi. Khuôn mặt sần sùi mụn cá lúc này cắt không ra giọt máu. Cả vết roi bầm chéo ngang mặt cũng xanh nhợt.
- Nó bắn chết đội anh Lương rồi bác ơi!
Khẩu súng buột khỏi tay Cống.
- Thế nào?
- Nó phục ngang sông Nậm Phỉ, bắn chết sạch. Mỗi đồn kiêng về một xác.
Chum òa khóc to. Cống nhặt khẩu súng, lau đất bám, lau mãi một chỗ như máy. Chum ném trên bệ đá một gói lá chuối con:
- Nó đặt anh Lích nằm trên bàn, gọi dân đến. Ruột anh lòng thòng, mắt còn chớp. Nó rút dao mổ bụng lấy lá gan... Anh còn chửi, còn thở... Đây này, mỗi người phải bỏ hai đồng mua một miếng gan. Nghe nói các đồn khác đều làm thế cả.
Cống vẫn lau hoài cái báng súng. Một bàn tay lông lá bóp mạnh tim bác đến vỡ tung. Bác nuốt nước bọt, tưởng nuốt hòn than lửa. Chết hết... Không, vô lý! Không thể chết cả một lần từng ấy người!
Buổi chiều, súng cắc bọp trên đồn lại nổ ba tiếng gọi phu.
Dân làng Phi Lạt kéo đến. Một dây người đen sạm, mắt trắng dã, mặc áo lính ngụy rách như lá chuối héo. Có ông cụ đi chen giữa, hình như người thiểu số. Hai tai đeo lủng lẳng hai khoanh ngà voi tròn, tóc búi sau gáy, đóng khố, trông người gầy gùa lom đom. Ai hỏi gì, cụ chỉ bấm be, bấm be. Anh Chum đỡ lời:
- Ông lão trên núi xuống mua muối, đi thay vợ tôi đang đẻ. Khốn nạn, câm điếc từ bé.
Thằng Muôn đứng cạnh cổng, cánh tay buộc băng treo trước ngực, tay kia vẫn ngoe ngoảy cái roi da. Nó đi vòng qua những chỗ cuốc đất đắp sân bay. Ông lão nhẩn nha dọn gốc gần bọn lính. Bọn này kháo nhau đủ chuyện. Thằng Muôn đến. Nó cười gằn, hàm răng vàng bật tia lửa:
- Chúng mày có thằng chết. Tao biết cả.
- Thàn biết gì?
- Bảo nhau bắn lên trời chứ gì. Chó đ. mẹ chúng mày! Tao cho hai thằng vào tù rồi. Đi phục kích, mới thấy Itxala nhô ra đã bập ngay.
- Thàn ngứa mồm, cứ nói. Dọa già đây đếch sợ.
- Mày dám nói thế hở?
- Đây còn lưỡi, đây không buộc không vu ai. Cái bọn nói điêu, ra trận hay ăn đạn trước. Chả Trời Phật phạt tội mà.
Muôn tím mặt, vung roi. Hai người lính gân mặt, ngoáy ngoáy một ngón tay trên họng súng. Muôn quay lại, quát ông lão dọn gốc:
- Thằng khọm, nghe gì?
Trên cái lưng còng bật lên một con lươn đỏ sậm. Cụ già bấm be lảng đi. Một người lính nhổ toẹt, nói to:
- Con gái ông tỉnh trưởng chắc đẻ ra vượn mày ạ.
- Đúng cái giống thằng Muôn.
Cả bọn cười. Một chiếc máy bay lên thẳng lừ lừ hạ, bên sườn nó vẽ chữ thập đỏ. Bốn năm cái cáng chui thun thút vào bụng nó. Giữa bọn lính, một câu lè nhè:
- Bặc hà măn! Chúng nó vất khối xác trong rừng. Ngay chỗ suối đằng kia còn một cái chân thò ra, thối hoăng.
Tối hôm ấy, tổ Itxala làng Phi Lạt họp ngoài rừng.
Chum đánh lửa châm đèn chai. Ngọn lửa đào hõm thêm những hố mắt đen, sâu, điểm một chấm trắng dưới đáy, gọt nhọn các gò má lồi xương như sắp chọc bung da. Tám hội viên bó gối nhìn lửa, không nói, sợ mở miệng sẽ bật ra tiếng khóc mất.
Bác Cống ngồi né sau lưng Chum. Bác vẫn đóng khố, cởi trần. Chum bắt đầu báo cáo. Anh cố gò đúng những từ chính trị nên ấp úng.
- Tổ ta họp gấp vì có tình hình xấu. Đội anh Lương bị phục kích (một chị sụt sịt). Anh Lích bị bắt mổ bụng. Anh không khai cơ sở. Nhiều người tưởng đội anh Lương chết cả. Sai, sai hết. Đội vẫn còn...
- Xa thú!
- Tin đâu thế?
- Anh Văn Thon nói hở?
Cống gãi tai định nói, lại im. Bác sợ lấn việc của Chum. Chum đợi mãi không nghe bác lên tiếng, lại báo cáo:
- Bác Cống với tôi đi phu đồn, nghe rõ hết. Thằng Muôn chửi lính làm phản, thấy Itxala vội nổ súng ngay cho họ biết. Cơ sở lính ngụy cũng nói vậy. Địch chết nhiều, đâu ngót hai chục. Dân các làng gần sông Nậm Phỉ thấy nó khiêng về một mình anh Lích. Thế là đội thắng, hiểu chưa? Đội về gọi quân xuống đánh Pà Thạc. Ấy nghĩa là chúng mình nay mai ngóc cổ lên được...
Ánh lửa bùng cao hơn. Các khuôn mặt dãn dần nếp nhăn. Chị đang sụt sịt cũng quệt má, cười. Chum im một lúc bỗng nói tướng lên, không ấp úng nữa:
- Mẹ nó, giết thế chó nào được hết Itxala! Còn Pháp là còn khổ, còn khổ ắt còn người nổi dậy đánh Pháp, còn Itxala. Nó chặt một đầu ta mọc chín đầu, để rồi xem cá ăn kiến hay kiến ăn cá!
Đột ngột, tiếng voi rống vọng đến. Không phải tiếng rống vui hay sốt ruột của con voi chở hàng nom thấy bầy. Nó là tiếng rú ằng ặc lạc giọng của con vật bị chọc tiết sắp chết còn rướn lên tiếng gọi bầy cuối cùng, khi bọt máu đã phòi ra dưới cổ.
Một người nói, môi nhợt chỉ hơi máy:
- Con voi cụ Thít La. Nó không dậy được nữa.
- Chúng mình rồi cũng thế...
Câu nói như ngòi lửa châm vào thuốc súng. Một anh thanh niên chồm lên, thở hồng hộc, đấm nắm tay vào lửa, hét:
- Cũng thế mà được à? Thù oán chất lên núi núi sụp, đổ xuống sông sông đầy. Đợi mãi rồi. Bảy khẩu súng kíp của cụ Thít La không bắn rồi gỉ hết, làng Phi Lạt không vào núi cũng chết hết. Ai vào du kích với tôi?
- Tôi. Đánh ngay bây giờ!
- Muốn ăn tim voi phải chịu gai cào!
- Lão nai bản mới mang về tám thứ thuế nữa, vị chi mười chín thứ. Cây cau năm đồng, con trâu ba chục...
- Người Lào không phải sâu bọ nhé!
Tổ Itxala nhốn nháo, chửi vung, chẳng ai nghe ai. Chỉ có ông lão ngồi lẩm nhẩm tính mãi các thứ thuế trên đầu ngón tay là không quát tháo: xe bò ba chục, máy khâu trăm rưởi... ấy là anh ruột của nai bản. Ông lão tính chán, rồi xua tay nói tự nhiên:
- Khoan, im tôi nói... Tối nay bắt thằng Muôn đi đánh bạc, tế cụ Thít La với anh Lích. Sau đó lấy súng của lính làng, sáng sớm mai úp luôn bọn đi tuần. Cả làng chỉ gọi một tiếng là chạy vào núi theo ta cả. Thằng nai bản em tôi hậm họe thế, chứ không lòng dạ nào bán làng cho Pháp đâu. Các anh còn trẻ, ăn chưa no lo chưa tới, đừng hét inh lên mà lộ. Đánh giặc phải im, phải kín chứ!
Bác Cống sững sờ nhìn quanh khắp tổ. Không, bác không ngờ được lòng căm thù của dân Pà Thạc đã mạnh và sâu đến thế. Từ anh thanh niên xốc nổi, chị phụ nữ hay khóc, đến ông lão đếm đầu ngón tay tính thuế lẩm cẩm kia, ai cũng như cái bẫy căng quá sắp tung dây, phóng ra một loạt mũi lao tẩm thuốc độc. Người bác cồn lên, sung sướng và lo ngại. Tổ trưởng Chum sẽ xử trí thế nào đây?
Chum lặng lẽ nhả khói thuốc, đợi mọi người hơi nguôi mới nói. Anh trầm giọng nhắc lại nhiệm vụ của cơ sở Itxala khu dồn dân. Những người uất đến quẫn trí cũng im lặng, nghe. Họ không được đánh. Phải cắn răng chịu đòn nữa, nộp gạo thịt, đi phu, đổ máu, phải uống nhiều nước mắt nữa để thu góp từng con số, từng mẩu tin, góp vào một bản báo cáo nào đó. Quét được địch, cứu được dân hay không đều trông cậy vào bản báo cáo. Trong tổ Itxala, chưa ai trông thấy nó bao giờ. Nhưng nó quan trọng thế, chắc phải rộng bằng tàu lá chuối, và dày như mấy bộ sách lá cọ chép thơ của cụ Thít La.
Mãi đến nửa đêm, tổ Itxala còn bàn việc kết nạp hội viên mới. Cảm tình hội thì nhiều, nhưng sàng đi lọc lại mới chọn được năm người. Cô bé Lả mới mười bảy tuổi được ghi tên đầu tiên. Hôm nọ thấy lính xuống đốt nhà chị Pha, Lả kéo hơn chục phụ nữ ra giằng xé, hô hoán rầm làng nước, cuối cùng giật lại được mấy bộ sách cổ, cái đàn khoỏng vông có mười sáu đĩa đồng và bộ đồ rèn.
Một chị đề nghị bà mẹ vợ của Chum. Cả tổ phá lên cười ồn ào:
- Vào để chửi tổ trưởng đấy chứ?
- Cử bà ta làm cái việc đánh giặc mồm. Ha ha ha!
- Xa thú! Đừng khinh phụ nữ...
- Chết, chết, mè Xỉ cũng là đàn bà thật à?
Một đàn vạc ăn đêm đang quần trên cái chấm sáng le lói giữa rừng đêm đen ngòm. Nghe tiếng cười, chúng giật mình bay lảng ra xa, kêu quang quác.
Trước Giờ Nổ Súng Trước Giờ Nổ Súng - Phan Tứ Trước Giờ Nổ Súng