It's so amazing when someone comes into your life, and you expect nothing out of it but suddenly there right in front of you, is everything you ever need.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 84
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Trong Tay Đã Có Đồng Tiền
hông, nếu anh không tậu ô tô thì thật là sự không thể tha thứ được!
Thấy Phúc không đáp. Tấn quay lại hỏi cụ phán:
— Bẩm cụ, cụ dạy thế nào? Cháu nói thế cụ bảo có phải không?
Cụ phán nói ngay:
— Việc ấy là quyền ở cháu…
Vợ Phúc cũng tán thành:
— Bác ấy nói phải lắm, ở cái xã hội nhố nhăng này, lắm kẻ khốn nạn cũng ô tô hòm kính vênh vang nữa là nhà tôi! Nhà tôi mua xe hơi là xứng đáng lắm.
Nói xong chị Phúc sung sướng vì thấy mình đã biết ăn nói đài các. Mua xe hơi thôi, chứ chị không thèm dùng tiếng tậu, vì sợ nó long trọng quá. Tuy chiếc xe hơi không phải là một mớ rau thật đấy, nhưng bây giờ, vợ chồng nhà chị đã thế rồi, thì nói đến tậu là còn tỏ ý coi cái ô tô là to. Chị ta hỏi chồng là cốt để dùng tiếng mua một lần nữa:
— Thôi cậu ạ, vật thử nó đáng là bao mà còn phải nghĩ ngợi thế nữa! Cứ mua phăng ngay đi! Đắt lắm thì cũng đến dăm, bảy nghìn bạc là cùng chứ gì? Mua đi thôi.
Phúc đáp chung cho cả vợ lẫn bạn:
— Tôi chưa hề nghĩ đến điều ấy đấy.
Tấn cổ động mạnh hơn:
— Anh ấy à? Thì không những tậu một chiếc xe hơi mà thôi, mà lại phải trong một lúc tậu hai cái nữa ấy! Tôi nói thật chứ không nói đùa!
Phúc chỉ cười hoài nghi, thì Tấn tiếp:
—Thật thế đấy, chứ bây giờ, ai còn dám nói đùa với nhà Tư bản, mặc dầu nhà tư bản vẫn còn lòng tốt, vẫn cứ coi mình là bạn! Thế này nhé: Một chiếc bẩy chỗ ngồi, để cả nhà cùng đi, vào những lúc đi lễ các tỉnh, đi trẩy hội chùa Hương, đi Huế, đi Đế thiên, Đế thích, đại khái thế, mà đã đi chiếc xe hơi ấy là có tài xế, cho mình có vẻ đứng đắn, giàu có một cách lâu bền … còn một chiếc nữa, thì chỉ nên mua thứ xe thể thao có hai chỗ ngồi thôi, mình vặn lái lấy cho nó có vẻ công tử bột, trẻ trung, tức là “kẻng” đấy, để đi chơi một mình hoặc cao hứng thì đi với vợ, hoặc là, nói thể này xin bác gái tha lỗi, đi với nhân ngãi “ăn mảnh”. Có thế mới công tử vẹn cả hai bề chứ?
— Bác Tấn, tôi giận bác lắm đấy nhé? Chưa chi bác đã nối giáo cho giặc.
Phúc khen:
— Gớm cái mồm mép anh này! Tán cái gì là tán đâu ra đấy, bánh chưng tám góc rõ ràng lắm!
Tấn thích chí lại tán rộng:
— Chứ không ư? Đức Thánh Khổng đã dạy rằng… đã dạy rằng… Xe hơi xứng kỳ đức! Thí dụ anh chỉ là thầy bói tân thời không mù, hoặc “vua thuốc lậu” mới nẩy nòi mà cần bịp thiên hạ là mình đắt khách, thì tôi chỉ khuyên anh đi mua một chiếc xe hơi cũ sơn lại, đáng độ năm trăm thôi. Đằng này, anh trúng số độc đắc, nếu không tậu ngay hai chiếc thật cừ thì ít ra cũng phải tậu lấy một cái vậy, và thế thì cũng đã nhũn nhặn rồi đấy. Chứ nếu không tậu một cái nào cả, thì không sao nghe được, thế nào thiên hạ họ cũng sẽ nói xấu anh, và anh sẽ bị công kích một cách chính đáng là giàu thế mà bẩn thỉu, keo kiệt…!
o O o
Lúc ấy bốn người còn đương lửng thững đi trên thềm tòa nhà đồ sộ trong đó có chứa nhiều tiền bạc nhất trong nước Nam, tức là Nhà Băng Đông Dương… Họ vừa ở trong ấy ra, vì Phúc vừa đến lấy chữ ký của ông giám đốc Nhà băng ký vì giữ hộ anh số tiền mười vạn mà Sở kho bạc sẽ chuyển sang sau. Phúc cũng đã ký nhận rằng mình vừa lấy ra số tiền rất nhỏ là một nghìn để tiêu vặt. Anh còn đương cảm động về sự tiếp đãi lễ phép của ông giám đốc, cái bắt tay rất chặt, những câu chúc tụng rất quý hóa, cái thái độ rất ngọt ngào của một nhà đại tư bản người quý quốc đương nắm vận mệnh nhiều nhà tư bản khác trong tay. Chưa quen dùng đến ngân phiếu, anh quên khuấy ngay rằng Nhà băng đã trao cho anh một số tiền ngân phiếu mà anh đã đưa cho ông bố bỏ túi. Bây giờ Tấn giục phải đi tậu ngay ô tô, anh tưởng như phải có tiền ngay trong túi đã và muốn thế phải quay vào lĩnh tiền, thì thật phiền cho người ta. Thêm nữa, anh cho việc ấy là không vội gì cho lắm. Trông tới cái vườn hoa Paul Bert trước mặt, anh thấy cái hứng thú ghê gớm lại ra ngồi đó một lát để nhớ lại những lúc êm đềm mà anh đã sống cái đời hàn sĩ lạc đạo vong bần rất quý hóa của anh. Những phút ấy, tuy vậy mà đối với anh, từ nay trở đi, thì thật là hết, anh chẳng có cái quyền thế gì được sống lại nữa, mặc lòng trong đó xưa kia đã có một vài bi kịch nhỏ nhặt nó không làm cho con người ta quên được những kỷ niệm, không quên được quá khứ, để mà biết rõ cái giá trị của hiện tại và tương lai. Tâm cảnh lúc ấy chẳng khác chi tâm cảnh của một ông tân khoa áo gấm hồi hương mà muốn nhìn lại nhà trường cũ tại đó mình đã sống đoạn đời học sinh, có khi bị phạt, bị phải quì… Những cái ấy đối với ta tuy vậy mà đã có thú vị lắm, vì nó đã đi thì không có trở lại nữa.
— Ối chà! Chẳng biết gì cả, ta hãy cứ ra vườn hoa đây ngồi chơi một lát đã.
Vợ anh nhìn trộm anh để yên trí rằng anh vẫn còn gàn, tuy rằng chị không dám nói ra. Cụ phán không hoan nghênh sự ấy nhưng không dám phản đối, cái ấy đã cố nhiên lắm. Còn Tấn, thì anh này vẫn không quên lo cho cái thể diện của bạn đột khởi có lẽ không cần lòng sốt sắng của anh mấy nữa.
—Vậy anh đã thuận chưa? Anh sợ gì nào? Sợ tốn tiền thì điều ấy chắc không rồi. Sợ hại cho đạo đức thì đạo đức quá, vì có xe hơi thế không có gì hại đạo đức. Còn bảo sợ không xứng đáng thì không có ý, vì tôi biết lắm, rất nhiều người chỉ đáng làm đầy tớ anh mà cũng có ô tô rất oai. Vả lại, đức Thánh Khổng đã dạy rằng con người ta ở đời này, đã phú quý, thì cứ việc ăn ở cho rõ ra người phú quý, mà thanh bần thì cứ việc cư xử ra người thanh bần. Đừng có nghèo mà đánh đu với tình, tuy toe tùy tòe, có đồng nào xào đồng ấy, mà cũng đừng nên phú quý mà lại ăn ở ra con người bần tiện. Tiêu tiền không có gì là phạm tội nếu mình có nhiều tiền để mà tiêu. Ấy ở đời rất có nhiều người cứ nhầm, nghĩa là giàu có hẳn hoi mà lại cứ tiết kiệm, coi việc tiêu tiền là hoang phí, là có lỗi đối với những người không có tiền mà tiêu. Thế là nhầm chứ! Đã giàu, mình phải tiêu tiền thì kẻ khác mới được nhờ chứ. Cứ để đánh đống lại, sao cho tiền tệ lưu thông, kỹ nghệ, thương mại phải chết? Dầu anh có hoang phí một chút nữa thì cũng không có gì là trái đạo đức, vì thiên hạ chỉ là sẽ được hưởng, được nhờ, được sống vào cái hoang phí của anh. Đây này: thằng giàu mà lại không tiêu tiền thì tất cả những thằng nghèo chết hết, ấy cái thuyết minh kinh tế của đức Khổng là rất phải, rất mới đó!
Phúc cười rộ lên rồi nói bông lơn:
— Quái cho cái thằng cha này! Đi hát cũng viện được đức thánh Khổng định tậu ô tô cũng lại viện đức thánh Khổng nốt! Chỉ tiếc rằng một người hiểu Khổng giáo đến thế thì chẳng bao giờ hành động sự gì là đạo đức, là bác ái như đức Khổng mà thôi!
Sung sướng, Tấn cũng cười ngây thơ không biết rằng lúc ấy bố và vợ bạn đều lấm lét nhìn trộm mình để cho mình là một đứa nguy hiểm, và có lẽ để đương dự thảo một chương trình phức tạp và khôn khéo mà mục đích là “tẩy” mình đi nữa. Thật vậy, lúc ấy thì cụ phán lẫn chị Phúc đều đã quên khuấy ngay rằng vì có Tấn thạo đời mà việc đi khai trình, ký nhận chuyển tiền của Phúc được dễ dàng, nhanh chóng, trót lọt; rằng Tấn đã vì bạn mà xin nghỉ việc từ sáng đến chiều, cả một ngày để giúp Phúc được bao nhiêu công việc rất lớn lao. Có lẽ vợ Phúc quên cả rằng sở dĩ mình khỏi bị mẹ chửi là vì tiền của Tấn, và cụ phán có lẽ cũng quên nốt cả cái sự to tát tưởng chừng không bao giờ kẻ mất trí khôn nào quên được, là con mình sở dĩ bước nên giàu, ấy cũng là vì có tiền của Tấn thì mới có cái vé số Phúc đức ấy nữa. Còn về Tấn, sở dĩ anh giúp bạn rất hết lòng, và có những ngôn ngữ tự nhiên, thân mật như vậy, là vì Phúc vẫn rõ cả, cho nên anh thấy có một cái quyền, dẫu là người ta chỉ mới cho anh hưởng một cách tinh thần, thấy rằng hạnh phúc của cả gia đình ấy mà có được là nhờ ở anh; và ai kia thì chẳng kể, chứ chính bố và vợ người trúng số, thì chẳng đời nào chưa chi lại quên những điều chẳng nên quên. Nếu Tấn không nói ngay ra lời những ý nghĩa đã còn kín đáo trong óc, thí dụ như đòi hưởng một phần vào số tiền to ấy, là vì Tấn biết rõ Phúc chẳng phải là kẻ bội bạc cho nên anh ta cứ giữ thái độ cao thượng đã.
Bốn người ngồi xuống một cái ghế xi măng trước Nhà kèn. Trừ một Phúc ra thì thôi, chẳng ai thấy thú vị gì ở cái sự phiếm du kỳ quái của người mới giàu bạc vạn ấy. Nếu bảo thế là phí thì giờ thì quả cũng đúng! Nhưng thấy Phúc ra vẻ khoan khoái nhìn khắp chung quanh một cách dễ chịu như người giang hồ khi về cố hương nên không ai dám bình phẩm gì cả.
Chính lúc ấy, Phúc nghĩ lôi thôi như thế này: Ôi, cái vườn yêu quý của ta, lần này thì ta đến đây có lẽ là để vĩnh biệt ngươi mà thôi! Từ nay trở đi, cuộc đời ta đã có một cuộc thay đổi lớn lao, vì số phận đã muốn rằng nhà hàn sĩ phải trở nên ông đại nghiệp chủ… Có ông nhà giàu bạc vạn nào mà lại chịu ra đây ngồi chơi suông để cố tìm mà hưởng những thú vị hoàn toàn tinh thần rất khó hiểu hay không? Than ôi, từ nhà thi sĩ, ta đã trở nên một tay tư bản rồi sao. Ta ước ao rằng địa vị ta dẫu có thay đổi, nhưng tinh thần ta thì vẫn trước sao sau vậy, thủy chung như nhất ngõ hầu một ngày kia, nếu có dạo gót đến chốn này, nhớ lại cái sống thanh bần, những tư tưởng tốt đẹp mà phần nhiều kẻ nghèo có rất nhiều để mà không thực hành được, nghĩa là những tư tưởng mà kẻ giàu thực hành rất dễ nhưng không có được, thì ta phải khỏi âm thầm hổ thẹn với ngươi! Liệu rồi có thế được chăng, hay là số phận đã muốn rằng địa vị ta một khi thay đổi thì chí khí và hành vi của ta cũng theo luôn mà biến hóa, để mà tỏ rõ rằng dẫu là thi sĩ hay là trọc phú, thì cái con người cũng đến vô dụng cho đời như nhau mà thôi? Xưa nay ta vốn hoài nghi, ta không tin chính cả ở ta, thì ta dám biết lòng Giời định cho ta trắng đen ra sao? Cho nên ta nguyện cố gắng được chút nào thì hay chút ấy, chẳng dám hứa gì… Chỉ xin người chứng giám cho ta những ý nghĩ này, bây giờ đây, đó thôi…
Có lẽ cái số anh phu lục lộ đến lúc khá, cho nên nhằm vào giữa lúc ân nhân của anh vừa có những tư tưởng hiếm có ấy, vì cái nhớ ơn tạo vật mà thấy nảy trong hồn cả cái thi vị lôi thôi nó như xúi giục người ta muốn tốt, muốn làm việc thiện ấy, thì anh vác chổi chạy tới. Người phu này cố nhiên không hề đọc báo chẳng biết sự gì, nên chỉ chào hỏi:
—Bẩm lạy cậu mấy hôm nay mới thấy cậu ra chơi. Bẩm cậu vẫn mạnh khoẻ đấy chứ ạ?
Phúc rất vui thấy người ấy chưa biết mình trúng số, vì sự vấn an ấy là vô cùng thành thực. Anh gật đầu giới thiệu:
— Không dám… đây, cụ tôi, và đây nhà tôi…
—Bẩm lạy cụ ạ, bẩm lạy mợ ạ.
Vợ Phúc cau mặt, và tin ngay rằng thằng này hẳn lại chỉ đến xin tiền chồng mình. Cả cụ phán cũng cùng ý nghĩ ấy, cho nên cả hai đều gật đầu lãnh đạm lắm. Phúc nhớ rằng người phu này, chỉ một mình người này, là dám kính trọng anh, là dám bảo anh sẽ có bạc vạn, từ lúc anh chỉ là “cậu áo trắng dài” thôi. Anh không quên mình đã định thưởng, từ lúc mới chỉ ao ước trúng số. Lúc ấy anh phân vân tự hỏi: “Tuy ta phải giả lời hứa với ta thật, nhưng biết cho hắn bao nhiêu bây giờ? Thưởng, ừ thì thưởng, nhưng một cuộc đoán tướng, thì thưởng ra sao? Năm chục? Bốn chục? Hay hai chục?”
—Này, bác nói đúng lắm, tôi rất lấy làm phục.
Nói đến đây thôi, Phúc ngừng lại, anh toan khen ngợi người phu ấy xem tướng giỏi, nhưng lại thôi ngay. Vì anh rất sợ rằng làm thế, tức là xui người này sẽ đổi nghề, sẽ từ chức quét vườn hoa mà nhảy lên làm thầy bói tân thời không thông manh, thì xã hội sẽ nguy to, thì điều thiện của anh có thể trở nên ác mất.
Cho nên Phúc ngừng lại và rồi đổi:
— Phục bác chỗ nghèo mà công nợ trả sòng phẳng lắm, đó là một đức tính tốt nên giữ mãi, và vì thế, nên đây tôi thưởng cho bác.
Phúc đã toan đưa ra hai chục bạc, thế mà không hiểu thế nào lúc đưa ra thật, tự nhiên lại rút bớt đi.
— Cho bác… một chục bạc, vì cái sòng phẳng đó.
Cố nhiên người phu không hiểu, không dám cầm.
— Thì cầm lấy chứ!
Đưa xong, Phúc an ủi ngay mình ở chỗ đã bớt mất nửa số tiền: “Một chục, phải, hãy đưa thế thôi!… Mà này, thì sao thoát khỏi đến cầu ta, sau này, nhiều lần nữa? Cũng trả vội gì, và một chục to lắm rồi “
Vì cảm động chẳng kém bị sét đánh, người phu mãi mới ấp úng:
— Bẩm lạy cậu, con… con lạ quá… Trước kia, cậu cho vay một đồng… cũng đã cứu sống gia đình nhà con. Bây giờ, chỉ vì sòng phẳng… tự nhiên cậu lại cho một chục… quý hóa quá… Không lấy thì phụ lòng cậu, lấy thì tham quá… biết lấy gì nhà báo đáp được!
Phúc đáp:
— Người ta đã cho, người ta lại mong được báo đáp à? Thôi đừng nói lôi thôi! Tôi chỉ muốn thế này: Mai kia, khi nào có kẻ nói xấu tôi, chửi tôi là đểu, không thương người, thì bác phải cãi lại hộ, vì tôi nhân đức thế nào hẳn bác phải biết!
— Dạ, bẩm vâng!
Thế là Phúc sung sướng, có nói thế, có giao hẹn thế, anh mới thật hoàn toàn không tiếc số tiền thưởng. Nhưng vợ anh tiếc của, nghi hoặc, lúc ấy khổ sở lắm tự hỏi: Duyên cớ gì đây? Hay là em gái thằng này là con hàng mía, là con hàng bưởi, là con vú đầm? Thằng này có là ma cô hay không, hở Đức Chúa Giê Su?”
Cụ phán khoanh tay lại, nhìn một hòn cuội trong cái đống mấy vạn hòn cuội. “Chết chết! Thế này thì nguy to! Con cụ, cái nhân đức ấy thì đáng phục, nhưng mà tai hại. Thà xấu! Dại dội thế, dễ dàng thế, hỏng bét! Tốt quá thì hại, thà xấu! Thôi thôi, phải liệu sao, chứ không thì cái lộc kia mấy lúc mà đi đời!” Cụ khẽ thở dài.
Cho đến lúc cả Tấn nữa, anh cũng phải lấy làm lạ, mặc lòng anh đã hiểu Phúc là người dễ thương kẻ khó.
Thấy người phu toan chắp tay nói gì nữa, Phúc đứng ngay lên xua tay:
— Thôi, đừng cảm ơn lôi thôi nữa, bác chưa nói tôi cũng thừa hiểu! Đây này: Tôi trúng số mười vạn, bác nghe rõ chưa? Thế cho nên tôi cho bác chục bạc vì thương bác là con nhà lao động không có gì lạ, hiểu chưa? Bác vẫn quét vườn hoa cho tôi ngồi kia mà. Thôi để lúc khác sẽ nói, đi làm đi!
Nói rồi, Phúc ra hiệu cho ai nấy đứng lên đi theo, mặc người phu sung sướng ngẩn ngơ đến nỗi chưa kịp bỏ vào túi mười tờ giấy bạc nữa.
Đi đã hơi xa chỗ ngồi ấy, Phúc vội cắt nghĩa cho ai nấy khỏi tiếc:
— Có gì đâu! Thằng cha ấy xem tướng giỏi, tháng trước dám đoán tôi giàu to thì thưởng cho hắn đấy.
Vợ anh khẽ thở dài, đã được yên tâm.
Phúc vui vẻ hỏi:
— Đi đâu bây giờ nào? Về ăn có lẽ sớm quá.
Tấn giật tay áo bạn:
— Đi xem mấy hãng ô tô xem có cái nào đáng tậu không?
Vợ Phúc hưởng ứng:
— Bác Tấn nói phải đấy. Ta hãy đi xem cơ mà! Mua ô tô thì cũng nên khảo xét kỹ lưỡng một chút.
Phúc gật đầu, tặc lưỡi:
— Ừ, thì đi!
Phúc chợt nhớ: Nếu tậu ngay cũng không phải trả tiền mặt. Đã có séc kia mà, thì anh ký chơi một cái đầu tiên để xem cái mùi vị tiêu tiền lối đại tư bản Âu Mỹ ấy nó ra sao có lẽ cũng hay hay. Đồng thời, anh lại nhớ đến hãng ô tô mà anh đã đến xin việc tháng trước, thằng chủ đểu có con chó khổng lồ hỗn, lão ký đê tiện, ếch nằm đáy giếng, coi trời bằng vung… “Phải đến đấy, xem chúng tiếp đãi mình thế nào! Nào nào! Xem những cái mặt làm bộ của chúng ra sao! Chúng đã làm mình hiểu thế nào là cái nhục, thì nay mình phải cho chúng rõ cái gì là đồng tiền! Tậu ô tô, không phải vì cái thói rởm đời của kẻ giàu hơi, nhưng vì muốn hiểu thêm cái chó má của loài người, để rửa một cái nhục, dẫu là mấy nghìn bạc! Nghĩ thế, anh hả hê như đã báo thù được rồi.
— Gọi xe đi chứ? Tấn hỏi thế.
Phúc đã toan gật bỗng lại lắc:
— Ấy! Không! Không đi xe! Cuốc bộ thật xa để đi tậu ô tô, thế mới chua ngoa! Vả lại, phải nên nếm trải cho tận cái khổ đi bộ mỏi chân ngay bây giờ đi, kẻo rồi ra lại không còn được dịp đi bộ nữa! Có thế mới là biết hưởng sự đời chứ?
Tấn reo lên:
—Thế thì tuyệt! Tư tưởng ấy mới thật là lỗi lạc đó.
Cụ phán khẽ nói:
—Tôi tưởng hay là về nhà nói chuyện lĩnh tiền, gửi tiền đã, kẻo đi lâu quá, ở nhà không hiểu ra sao, sốt ruột mà đi tìm chăng.
Phúc nói ngay:
— Ấy, thế lại càng hay! Sốt ruột mãi, rồi mà vui, thì cái vui ấy mới thật là cái vui! Biết ngay, yên tâm ngay thì còn thú quái gì? Cho nên ở đời có kẻ chỉ có một đồng kẽm, mà phải nhắm nhắc tung hê nốt đi, để phải tìm cho cực kỳ khổ sở, mục đích là muốn được hưởng cái sướng không đáng mất tiền.
Đi được dăm bước, anh lại nói một cách không thành thực mấy:
—Thế mới biết con người ta ở đời này toàn là hão cả! Cái chân hạnh phúc là cái gì, nào có ai biết đâu! Thí dụ như tôi, trước kia, chẳng có xu nào cũng đến thế mà bây giờ, trong tay có hàng vạn cũng chẳng thấy gì khác.
Thôi chí nguy, vì Phúc đã sắp sửa đổi cái bệnh nay là cái bệnh triết lý mất rồi! Mà kể cũng lạ cho thói đời: chỉ toàn hay nói những lời trái ngược với địa vị. Cho nên Phúc thở dài, làm ra vẻ thâm trầm lắm, tiếp:
— Cái sướng, cái khổ là những cái ta không sao nhận thấy hay hiểu rõ được. Có thể nào quả quyết được không? Biết đâu rằng trúng số mười vạn, đó lại không bắt đầu đi nhận một cái mầm đại họa? Ôi thôi, càng nghĩ càng thấy khó hiểu, khó nói. Con người ta ở đời, chỉ có lúc đậy nắp áo quan, mới biết khôn, dại, sướng, khổ…
Tấn đã lộn ruột về lời lẽ ấy, và muốn bảo ngay bạn: “Thì anh thử đem cho thiên hạ mười vạn ấy đi xem nào! Lại phải hoài nghi gì nữa!” Nhưng anh không dám nói gì, điều ấy cố nhiên… Cụ phán, chị Phúc, thì cứ việc lẽo đẽo đi theo sau lưng Phúc thôi, vì tuy có nghe nhưng không ai hiểu nghĩa lý gì cả.
Họ đi như những kẻ vô công rồi nghề.
Vào cuối mùa thu, những cây hai bên đường đều đã ngả vàng cả, ánh sáng ban ngày hình như có mầu trắng, ta trông cảnh vật vào lúc râm mát như qua một lần kính mỏng có chút hơi nước làm mờ đi. Kể ra, nếu vào lúc hoàn toàn nhàn cư, óc quả thật không có bận bịu một ý nghĩ gì bất cứ là vui hay buồn, thì người ta có thể thấy phong cảnh là đẹp mắt lắm đó. Chợt cụ phán đứng dừng lại, nhăn nhó nói:
— Thôi để tôi xin về, kẻo ở nhà bà ấy sốt ruột. Các ngài cứ đi!
Vợ Phúc thưa:
—Thế thầy cho con cứ đi nhé! Con muốn được chọn kiểu xe.
— Được mợ cứ tự nhiên.
Vốn biết tính bố rất sợ Tây, và do thế dễ nịnh Tây nữa, sợ không khéo ông bố nếu cứ đến đó thì sẽ khúm núm lắm trò với cả ông chủ hãng xe, cho nên thấy bố đòi về, Phúc rất thích chí, chẳng có nửa lời nài ép. Anh bảo:
— Thế thì thầy đi xe về cho nhanh.
Cụ phán gọi xe, mặc cả, và theo lối đa số các cụ thượng lưu nhân vật, nhất định không chịu thua phu xe một đồng xu, làm cho Phúc phải gắt, cụ mới thở dài bước lên cái xe. Khi xe chạy, cụ còn quay lại dặn:
— Này cậu hai! Có tậu thì tậu cái nào tốn ít dầu xăng thôi, nhé?
Xe ông bố khuất rồi, Phúc cũng gọi xe. Cái triết lý đi bộ để nếm tận cùng cái khổ trước khi bị hưởng cái sướng, chưa chi anh đã quên khuấy. Nhưng vợ anh lại tưởng chồng mình đáo để, và đó là một cách kín đáo hành hạ cho ông bố phải đi mệt xác, chán nản mà đòi về đó thôi. Chị lên ngồi xe một cách khoan khoái vì chị cũng ghét bố chồng lắm, cũng cho rằng bố chồng vẫn khinh chồng mình một cách quá đáng và dã man, dẫu rằng xưa kia, mỗi khi thấy bố mắng chồng, chị cũng đã chỉ vào hùa với bố mà thôi, chứ chẳng bênh vực chồng bao giờ.
Đến cửa hàng bán xe hơi, Phúc bảo bạn và vợ:
— Đây này, xin nhớ giúp tôi là cách đây độ một tháng, tôi cầm đơn đến xin việc sở này thì đã bị họ đãi hết sức là nhục. Vậy thì bây giờ, ta cũng phải hách dịch và oẻ họe thế nào cho mặn này bõ nhạt ngày xưa. Ta phải là những khách hàng rất khó khăn, mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng.
Cùng vợ và bạn, Phúc bước nghênh ngang vào tòa nhà hàng có những tấm cửa kính vô cùng to rộng trong đó bầy mấy chục chiếc xe hơi tối tân cái nào cũng có vẻ đẹp riêng. Người tây đen gác cổng, dễ thường vì một thứ khiếu đánh hơi rất mầu nhiệm mà giống họ vẫn có, vội vàng đứng lên chào theo kiểu nhà binh, vì biết ngay đó là những khách sộp chứ chẳng phải bọn người vào xin việc, tuy y phục của ba người nhũn nhặn lắm. Phúc cũng nhận thấy rằng lần trước, cũng đến nơi này thì anh đã sợ từ người tây đen gác cổng sợ đi, mà lần này, thì anh có một cái linh hồn vững chãi một cách khó hiểu, tuy rằng chính thật thì dễ hiểu lắm. Anh đi phăng phăng bằng những bước chân chữ bát sợ còn chưa đủ nghênh ngang, rất mục hạ vô nhân. Có điều này càng đáng lấy làm lạ lắm nữa là cái con chó khổng lồ, cái con chó giống như in con Kin tin tin, nó đã suýt nhảy lên cắn cổ anh khi đến xin việc lần trước, thì bây giờ tự nhiên nó chạy đến ve vẩy cái đuôi mà chạy chung quanh anh một cách mừng rỡ hết sức, đón tiếp anh một cách mặn mà, nồng nàn mà chỉ người Tây phương văn minh mới biết. Phúc cười nhạt: “Lại đến thế này nữa thì… Chó thật!” Và ông ký Sang cũng vừa lúc chạy ra.
Ba người đứng lại, nghênh ngang và hách dịch, rõ ra vẻ những người khách hàng đi tậu xe hơi. Đến nỗi ông ký Sang phải lộ ra vẻ kính cẩn đến bậc như sợ hãi, cúi chào cả ba rồi hỏi ngay:
—Bẩm… Các ngài muốn mua xe?
Phúc lạnh lùng đáp:
—Tôi muốn nói chuyện với ông chủ.
Nhưng người thầy ký nhà buôn thạo nghề ấy chẳng còn nhầm mà coi anh đương là kẻ vác đơn đi xin việc nữa. Người ấy, sau khi nhìn kỹ anh để cau mặt ra vẻ ngờ ngợ một phút, lại nói ngay như thế này:
— Bẩm ông, chủ chúng tôi đi vắng… Được ạ, nếu ¶¶¶¶¶ngài muốn hôi gì thì có chúng tôi là đủ.
Phúc nói ngay:
— Ông chưa đủ, phải có chủ ông ra đây mới đủ!
Người thư ký vẫn chỉ đáp bằng một cái cười rất lễ phép mà thôi. Rồi bỗng hỏi:
— A! Bẩm ngài… Chính ngài… Bẩm chính ngài là người vừa trúng sổ độc đắc! Tôi đã được nom ảnh ngài trên báo..
Phúc gật đầu và nói:
— Nếu còn cái trí nhớ hơn nữa thì tôi chẳng phải chỉ người trúng số mà thôi. Tháng trước tại đây, tôi đã có được ông tiếp một lần.
Phúc chờ ở mặt người thầy ký đê tiện ấy sự phát lộ của một mối hổ thẹn, ngượng ngùng chi đó. Nhưng thầy ký Sáng chỉ gật đầu lia lịa, vẫn rất vui vẻ, mà đáp:
— Dạ, bẩm vâng! Chúng tôi còn nhớ… Hình như quả ngài đã có một lần đến đây đưa đơn, từ lúc ngài chưa được gặp cái may ghê gớm là cái số mười vạn.
— Cái lần ấy, ông chủ nhà ngài tiếp đãi tôi tốt lắm cho nên bây giờ, tôi lại đến đây, trước là để chọn một cái xe, sau là để nhân dịp nhìn lại cái mõm của chủ ngài thế nào! Vì vậy tôi bảo một ngài tiếp tôi, chưa đủ.
— Dạ, bẩm nếu thế thì tôi nói ông ra cho ngài lập tức.
Thầy ký Sáng hí hửng đi ngay, khiến Phúc phải ngẩn người ra. Anh nghĩ: “Gớm, nó lại đồng ý với mình ở chỗ trả thù chủ nó đến thế được! Nó làm như chỉ có một chủ nó là đã đểu với mình mà thôi…”. Bỗng anh thấy ngôn ngữ của anh từ nãy tới giờ mới thù hằn con trẻ làm sao! Hạng ấy, óc nô lệ vốn có từ lúc sơ sinh, thì chấp nó mà làm gì? Cho dẫu cả chủ nó nữa, thì cũng chấp mà làm gì? Những sự về trước đã cố nhiên thay! Đời là thế! Rồi thì là anh định đổi thái độ.
Đến đây, người chủ tây đã ra. Với một cái cười ngoại giao, người ấy cúi đầu chào cả ba người khách, nói liến thoắng hình như chỉ sợ bị Phúc nói len vào mất, có người thầy ký đứng sau lưng.
— Kính chào bà, kính chào hai ông. Thưa ngài, tôi rất hân hạnh được bắt tay nhà triệu phú mới mẻ đã được Thượng Đế công nhận là đáng hưởng sự giàu sang ở đời. Nhân dịp tôi xin chúc quý ông và quý bà sẽ được khoẻ mạnh mãi mãi để mãi hưởng cho thỏa thích cái phú quý ấy, vì ở đời này, ngoài tiền bạc ra, thì sức khoẻ cũng là một thứ báu vật ít ai được hưởng một cách đầy đủ. Thưa quý ông, thư ký của tôi vừa báo tôi thì tôi vọt ra ngay… hắn có nhắc lại câu chuyện cũ mà tôi lấy làm hối hận, thật thế, vô cùng hối hận!…
Nói đến đây, giơ thẳng hai tay lên không khí định đỡ một vật gì đó ở trên cao sắp rơi xuống đầu mình, sắc mặt đương vui bỗng buồn thiu. Giọng nói trước giòn giã thế, bây giờ chỉ khe khẽ, qua những hơi thở:
— Có thể không, thưa ngài? Tại sao tôi, không đã ngu ngốc đến bậc lại đi không biết rằng trong cái đám hàng trăm thanh niên Việt Nam đến nộp đơn muốn giúp vào việc thịnh vượng của hãng tôi, thì có thể có một người. Ấy là ngài, mai sau sẽ được cái may mắn trúng số độc đắc? Được một người thư ký giúp việc mình mà trúng số mười vạn, há đó chẳng là một thứ vinh dự tột bậc cho một kẻ như tôi hay sao? Thế mà cái cơ hội tốt ấy, tôi đã bỏ qua, cái hân hạnh ấy, cái may mắn ấy, đã đến với tôi mà tôi không nhận! Còn biết làm thế nào? Than tôi, tôi chỉ còn có một cách là hối hận, là tự giận nữa mà thôi. Bây giờ, ngài lại đến đây, không phải để báo thù cái thái độ lãnh đạm của tôi khi xưa đâu nhưng mà là để… là để….
Ông chủ hãng xe hơi quay lại sau lưng, hất hàm hỏi người thư ký, không chờ được đáp, cũng quay lại nói tiếp:
—… Mà là để trừng phạt một cử động sơ xuất của tôi ngày xưa. Chính thế, để trừng phạt! Thì nào tôi có dám kêu ca gì đâu! Đó cũng vẫn là một thứ hân hạnh khi ta bị một nhà triệu phú trừng phạt! Tôi biết lắm, đáng lẽ thì ngài sẽ đến hãng khác, tuy rằng hãng tôi bán thứ xe tốt nhất thế giới. Tôi lại cũng biết rằng ý ngài là muốn tậu một lúc những ba chiếc xe hơi kia thì mới đủ dùng cho các nhà triệu phú Việt Nam. Nghĩa là một chiếc 18 mã lực, 8 chỗ ngồi cho cả nhà đi lễ Phật; một cái nữa, 2 chỗ ngồi, để quý ngài đi tự tình với các bà nhân ngãi, và một cái thứ ba nữa, vào hạng xe xoàng nhiều chỗ ngồi, ít mã lực, ăn ít dầu xăng, để ngài dùng để tiễn, để cho mượn những người bạn hữu hoặc họ hàng có tính lôi thôi, họ chỉ đáng ngồi vào cái xe tầm thường ấy mà thôi. Nhưng mà, than ôi, ngài quay lại đây để phạt tôi! Thì đáng lẽ mua ngay cho ba cái một lúc, ngài hãy chỉ mua một cái đã… cái mốt năm nay giá sáu nghìn năm trăm bạc, kia kìa! Và đáng lẽ cũng theo số đông các nhà giàu, các vị thượng quan, mua xe trả làm hai mươi bận, thì ngài không thèm làm như thế, thì ngài mỉa mai tôi một cách chua ngoa hơn nhiều, nghĩa là ngài trả tiền cả cho tôi ngay một lúc! Họa chăng có thể, mới được một bài học xứng đáng của đời!
Nói xong, ông Tây khoanh tay, cúi đầu, lặng im, chứ không cười một tí tẹo nào cả. Đến nỗi những mải nghe cái khúc cao làm hùng biện con buôn ấy, cách nhập đề như thế, cách tả sự như thế, cách kết luận như thế, Phúc chỉ còn biết ngẩn người ra mà thôi! Thật không thể tưởng tượng được!
Tấn nháy mắt bảo Phúc:
— Ấy đấy, thế có xỏ không! Nào đã biết Tây chưa! Mình đến truy nó, để cho nó tóm cổ mình vào cho xiê!
Phúc nhìn thẳng vào mặt ông giám đốc hãng xe hơi hồi lâu, rồi cười to vui vẻ, đoạn vỗ vai ông ta - Ông ta đây là ông Tây - mà nói chớt nhã:
— Eh bien! Je vous admire… Vraiment vousavez une gueule formidable.[45]
Ông Tây cười đủ cả 32 cái răng, so vai một cái, vòng tay sau lưng ôm lấy Phúc một cách thân ái như ôm một nhân ngãi đẹp và bảo thư ký:
— Này, Sang! Mày dẫn quý bà, làm thông ngôn cho quý bà hiểu những lời tao cắt nghĩa với quý ông trong khi ta đi chọn xe đây.
Quay lại Tấn ông hỏi:
— Còn ngài, xin lỗi ngài, hẳn ngài được cái hân hạnh là anh em với nhà triệu phú?
Tấn gật đầu.
— Thế thì tôi xin chúc ngài làm thế nào giúp cho nhà triệu phú được nhiều việc hữu ích.
Tấn cười nhạt bảo Phúc:
— Đấy, thế có cẩu không! Nước chảy chỗ trũng có khác! Nó chúc mình hẳn hoi, vậy mà té ra nó vẫn chỉ là chúc thằng trúng số mười vạn!
Vì lẽ chính ông Tây ấy không biết tí tiếng Nam nào cho nên ông ký Sang cũng dám góp chuyện:
— Thưa các ông, Tây này biết cả ăn mắm tôm là ngon.
Sau khi ưng ý chiếc xe tối tân 18 mã lực, 8 chỗ ngồi! hình dáng cánh cam, đáng giá năm nghìn rưỡi bạc, Phúc bảo muốn đi thử, cố nhiên ông chủ gọi ngay sốp phơ, rồi xin lỗi không có thì giờ cùng lên ngồi xe, chuyện trả tiền, tịnh không đả động đến.
Chiếc xe ấy, sau khi đưa ba người dạo một vòng quanh Hà Thành, thì đỗ lại trước cái nhà bé nhỏ ở phố Hàng Gai. Sau khi mọi người đã xuống, Phúc bảo tài xế:
— Thôi cứ đánh xe về hiệu, nay mai tôi đến lấy.
— Dạ bẩm vâng.
— Có hề gì không?
— Dạ bẩm không.
— Không đem được khách quay lại sở, bác không sợ bị lão chủ nó sẽ trách cứ gì à?
— Bẩm, không hề gì. Thế là thường lắm ạ!
—Thế ngộ tôi quịt mấy giờ rồi không mua?
Người tài xế cười mà rằng:
— Bẩm, thế nào rồi ngài cũng mua ạ.
Phúc cho người tài xế ấy đồng bạc, đứng nhìn theo chiếc xe tối tân cho mãi đến lúc nó đã khuất, chẳng biết lúc ấy bà con hàng phố cũng lố nhố đứng chen vai trong bậu cửa nhìn anh. Trước khi vào nhà, vợ anh đã nói to, có lẽ cốt để thiên hạ cùng nghe cho vui:
— Cậu bảo thế nào, chứ tôi tưởng sáu nghìn cái xe ấy rẻ lắm!
Ba người chưa vào hẳn trong nhà, cụ phán đã lon ton chạy ra với thái độ của người lúc nào cũng cho mình là quan trọng:
— Gớm, nhiều người đến hỏi quá!
Bà mẹ cũng chạy ra đón và hỏi:
— Khốn nạn, đã tậu ô tô ngay làm gì! Đi đâu mà cần ô tô.
Vợ Phúc hơi cong môi lên:
— Cứ như đẻ thì lại để số tiền ấy tậu thêm một cái nhà nữa là hết chuyện!
Phúc hững hờ đáp:
— Không à? Tậu hai cái xe nữa là khác ấy!
Vào hẳn trong nhà rồi, Phúc được cô Đức bưng tới một cái khay trong có hơn hai chục chiếc danh thiếp. Mới giàu được có hai hôm, anh chưa được nếm cái khổ của nhà tư sản khi đi vắng về phải xem danh thiếp, xem tên họ, chức nghiệp của những kẻ đến làm phiền. Cho nên thoạt đầu anh chỉ thấy vui vẻ, cái khoan khoái của người mới được hiểu rõ cái chân giá trị, cái địa vị cao quý của mình, thấy mình là to. Lòng tự ái của anh rất được thỏa mãn. Anh đọc những danh thiếp ấy bằng cái óc tò mò của một thiếu niên lần đầu trong đời được thơ của tình nhân vậy. Vì lẽ những người để danh thiếp lại chẳng phải là không có địa vị to trong xã hội nên chi mỗi dòng chức nghiệp hiện ra trước mắt Phúc cũng đủ là một cái điều khoản trong chương trình kiến thiết cuộc đời vương giả của anh. Trước lúc ấy, anh chưa có một ý kiến rõ rệt về sự tiêu tiền. Bây giờ, ngần ấy cái danh thiếp, đối với anh, anh đã thành một công trình tổ chức. Đó là một ông bầu khoán, một nhà nghiệp chủ, một nhà kỹ nghệ, ba nhà buôn lớn, một kiến trúc sư, một nhà họa sĩ, một nhà cho vay lãi, ba phóng viên nhà báo, và một ông hội trưởng của hội từ thiện.
Phúc hỏi em gái:
— Thế cô tiếp đãi người ta như thế nào?
— Ông nào em cũng mời vào nhà, mời thuốc, mời nước hẳn hoi. Nhiều ông không vào, chỉ đưa danh thiếp rồi đi. Ai cũng bảo để rồi sẽ quay lại.
— Ấy chết, bao giờ họ quay lại.
— Có ba ông nhà báo thì kêu bảy giờ sẽ quay lại, còn những người khác không ai nói rõ.
Phúc đưa cho Tấn cái danh thiếp của ông hội trưởng hội từ thiện, hỏi ý kiến. Tấn đáp ngay:
— Cái mã này thì lại đến xin tiền đây chứ gì. Hồi tôi trúng bốn nghìn, lão này cũng đã tìm tôi mãi.
— Thế anh có cho hội của hắn đồng nào không?
— Có, đã phải quyên cho hội mất hai chục. Nhưng mà ấy là tôi chỉ trúng có bốn nghìn thôi, mới thế. Còn anh chắc phải khác.
Phúc cau mặt giận dữ đáp:
— Cái hội này buôn… Bán cả người chết, thì còn từ thiện chó gì. Chẳng qua một lũ quạ bay chung quanh cái thây ma! Một lũ người hiếu danh, khọm già, đĩ lõa, hội họp nhau để loè đời, mưu việc tư lợi vì huy chương, bài ngà, lấy việc từ thiện ra làm cớ che đậy bao nhiêu hành động bất lương, ám muội.
Phúc thấy còn có thể nói mãi, nói mãi không bao giờ hết những lời buộc tội cay đắng, tuy rằng anh vẫn biết là bạn có thể cười anh chưa chi mới giàu mà đã hết ngay cái lòng vị tha ngày xưa. Nhưng Tấn đứng lên cười nhạt, giơ tay ra, kêu:
— Thôi mọi công việc thế là xong cả rồi, tôi xin phép.
Phúc ngơ ngác một lúc rồi bảo:
— Anh ở đây ăn cơm với tôi có được không?
Tấn lại lắc đầu:
— Thôi, không tiện…
— Ô hay! Sao lại không tiện?
— Đấy, rồi anh sẽ biết. Những lúc như thế này anh đối với người nhà anh, mỗi phút họp mặt nhau đều là quý lắm, nếu tôi cứ ở lại gia đình anh sẽ không nói được những câu chuyện riêng với anh. Thôi để lúc khác. Anh em mình với nhau, còn lo gì?
Phúc vẫn không bắt cái tay bạn giơ ra, nghĩ rồi nói:
— Anh cũng có lý lắm đấy, nhưng mà theo ý tôi, thì tôi lại được cần có anh ở bên cạnh tôi lắm. Rõ tức quá, bọn làm báo lại hẹn chốc nữa, bảy giờ, sẽ quay lại.
— Tôi thấy bốn tờ nhật báo có ảnh cả rồi mà!
— Nhưng tôi chưa đáp một cuộc phỏng vấn của tờ báo.
— Vậy anh đã nghĩ rất kỹ những lời đáp họ?
— Cũng chưa.
— Nếu vậy thì nguy! Thì hãy hoãn lại còn hơn! Nói mà không nghĩ, nông nổi, thì sẽ bị họ lung lạc, công kích, khích bác, mai mỉa, vì bao giờ bọn làm báo cũng sẵn lời phúc đức, sẵn cái lối chọc gậy xuống nước, của người phúc ta, cổ động giúp cho hội từ thiện.
Phúc gọi em gái bảo:
— Này, nhớ như chôn vào ruột đây này: Bảo u già, bảo thằng nhỏ và tất cả mọi người rằng hễ có ba ông nhà báo đến hỏi, thì cứ đáp rằng tôi đi vắng!
— Mà không cứ nhà báo, bất cứ ai cũng bảo tôi đi vắng cả, nghe chưa!
Cụ phán hỏi:
— Nhưng có cái ông gì đấy, là nghiệp chủ chi đó, đến gạn bán một tòa nhà tây kiểu biệt thự ở đường Quan Thánh có vườn hoa chung quanh rất rộng, xem chừng giá cả như thế thì hời lắm, vậy tưởng cậu nên tiếp ngay ông ta, nếu ông ta chốc nữa đến đây.
— Thôi, thế thì tùy thầy. Liệu ai đáng tiếp thì tiếp, duy có bọn nhà báo thì cứ là: Ông chủ đi vắng!
— Dạ, vâng.
Phúc nháy Tấn ra một góc nhà hỏi:
— Đêm nay anh có thích đi chơi không?
Tấn lắc đầu:
— Cũng không thấy cao hứng mấy!
— Nhưng cứ đi nhé!
— Nếu bị anh ép thì đi cũng được.
— Lại đến cái chỗ ấy.
— Được.
Phúc dúi cho bạn một tập năm chục bạc giấy, nháy mắt:
— Đấy, làm thế nào vứt hết chỗ ấy đi, nội đêm nay. Rồi tôi sẽ xuống sau, không biết vào lúc nào, nhưng thế nào tôi cũng xuống. Anh cứ đi trước.
— Được lắm.
Tấn đi rồi, cái gia đình ấy ngồi vào bàn ăn. Bà mẹ và cô em gái ở nhà đã hết sức trổ tài nữ công, vậy mà Phúc vẫn lắc đầu một cách tàn nhẫn, chẳng cho món gì là ngon. Bị cái thất vọng ấy, hai người vốn nhiều lời lắm, bữa nay nói rất ít. Ông bố cũng có hỏi Phúc mấy lần, nhưng vì Phúc không nghe thấy nên ông lại đành ngồi ăn yên lặng theo cái lối ông bố sợ con. Sau cùng, thấy Phúc trầm tư mặc tưởng, tất cả mọi người không dám chuyện trò gì với nhau nữa. Người ta chỉ mời mọc nhau rất khẽ, bật ho cũng không dám ho to, hắt hơi cũng tạm đứng lên chạy ra xa.
Phúc, lúc ấy, nếu là nhà báo, thì là đương nghĩ một cái bài tổng công kích toàn thể các hội từ thiện. Anh thấy như có hiện ra trước mắt một lũ người khăn áo chỉnh tề, thuộc hạng thượng lưu xã hội mà đầu óc rất nô lệ, tư cách rất đê hèn, đương lấy cớ vì xã hội để thỏa mãn những cái danh lợi riêng (tuy rằng những cái danh lợi ấy, Phúc chẳng rõ nó mày ngang, mũi dọc ra sao…) Anh tin vững rằng ở cái xã hội khốn kiếp nhất là cái xã hội Việt Nam ta, chẳng thể nào có kẻ nào làm nổi một công việc công ích gì mà không vì tư lợi. “Phải, phải, nếu quả thật đã có một số người, dầu là số ít đi nữa, hoàn toàn thành thực nghĩ đến đồng loại, thì xã hội này lại còn đốn mạt như thế này hay sao? Việc gì cũng vậy, cứ đến người Việt Nam là hỏng! Tư tưởng nào ở đây thì còn tốt đẹp, mà đến cái xứ Việt Nam, là chỉ gây rặt chuyện thối nát, những trò nhố nhăng..”
Phúc thở dài bĩu môi.
Lúc ấy, anh ta chỉ là nghĩ rất thành thực, công phẫn một cách chính đáng để mà tự cho mình cái quyền bi quan một cách lãnh đạm như các thánh hiền mà thôi. Quả vậy, anh không hề ngờ ngợ rằng đó là cái lòng ích kỷ của anh nó đã biến ra thiên hình vạn trạng trong tâm giới anh, nên chỉ anh mới không biết rằng xã hội sở dĩ không tốt đẹp được, chẳng có người thành thực vì công ích được, ấy chính là vì có kẻ nào khả dĩ hữu ích được thì kẻ ấy chỉ hoài nghi, bàng quan, và chỉ biết thoá mạ như anh, thế thôi. Anh tức giận đến đỏ bừng mặt, vứt đũa bát đứng lên lầm bầm: “Thật thế, làm chó gì có đứa nào tốt được!” Và người nhà anh chẳng hiểu gì, thấy thế ai cũng ngay ngáy lo.
Phúc lấy tăm ngậm ở miệng, lên nằm dài trên sập, tay bắt ngang trán. Trong thân thể anh một thứ nhọc mệt đã thấm vào, một thứ uể oải đã chạy đi khắp tứ chi. Thì ra bộ máy tiêu hóa chạy chậm chạp vì bữa ăn quá no, đã làm cho tư tưởng giới của anh không được minh mẫn xuất sắc như bình nhật. “Thật thế, làm cho gì có đứa nào tốt được!..” Anh thầm nhắc một lần nữa và thấy khoái chí lắm.
Nhưng chợt có một mẩu hồi sức bỗng nổi loạn trong lương tâm anh! Nó làm cho anh phải giật mình, và thần vị kỷ trong lòng anh cũng không được vui cười hả hê mãi nữa. Câu phê bình độc địa kia, Phúc thấy như là một sự khinh tiết, một sự mạn thượng ghê gớm, nó hạ nhân phẩm anh xuống hàng hạ lưu. Ấy thế là anh nhớ ngay đến một buổi vào thăm nhà Hội Tế Sinh ở ngõ Lý Thường Kiệt. Anh ăn năn tự mắng mình: “Chết thật, ta đã nghĩ bậy quá đi mất! Dẫu sao thì ở đời này tuy vậy cũng vẫn có người, dẫu là thuộc số ít - đáng kính trọng thật, chứ sự đời chẳng đến nỗi hoàn toàn xấu cả đâu.”
Bữa ấy, cách nay đã ngót một năm, anh đi dong chơi một cách thư nhàn như số đông người thất nghiệp muốn tìm một điều lợi ích chi đó, trong cái sự đi chơi lang thang, tình cờ đà chân vô định của anh đưa anh đến nhà Hội Tế Sinh. Anh đã được mục kích hàng trăm trẻ con dưới mười tuổi, con nhà lao động, vô sản, sống một cuộc đời công cộng rất có tổ chức, được ăn, học, chơi, tắm, được thay quần áo mỗi ngày một lần, cứ thế mãi ngày nào cũng vậy, mãi cho đến khi nào bố mẹ chúng sau khi không chết đói nữa thì lại đến xin con đem về nhà mà thôi. Cái công cuộc xã hội ấy đã kích thích rất mạnh vào một tâm hồn giàu tình cảm như của Phúc. Trông thấy sự tận tâm rất đáng khen ngợi của một ông giáo học, người thư ký và của những người khác nữa thuộc nhân viên của nhà hội về sự săn sóc lũ trẻ mà con mắt trưởng giả hẹp hòi của đời có thể coi là bẩn thỉu, khó thương, trông thấy những phương pháp chép của Âu Tây mà bọn trẻ ấy được hưởng từ lúc ăn, lúc học cho chí lúc nô đùa, Phúc cảm động hết sức, kính phục không biết đến thế nào mà kể. Đến lúc được chào người hội trưởng lần nữa, thì lòng kính phục của Phúc trở nên một thứ ngưỡng mộ có tính chất tôn giáo của người sùng đạo trước hình tượng đấng Cứu Thế nữa. Anh đã phải vui mừng tự hỏi: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có thể có được một người đáng kính trọng đến bậc này sao? Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?
Kể ra thì sự hoan nghêng ấy cũng là hợp lẽ lắm, vì người hội trưởng là một bà già gần tám chục tuổi mà thiên hạ gọi nôm là cụ Cả Mộc, vẫn tận tâm săn sóc lũ con cháu thiên hạ ấy chẳng kém con cháu của cụ và lại còn phải lo sao cho hội khỏi đóng cửa, bầy trẻ thơ kia khỏi bị vô thừa nhận một lần nữa, bởi có các hội viên rất hay quên đóng tiền.
Nếu quá lạc quan đi nữa, Phúc cũng không dám tưởng rằng ở đời lại có thể có một người đàn bà góa chồng, không con, vốn giàu có, mà lại hy sinh cả cuộc đời mình, vui lòng để sản nghiệp riêng tiêu mòn vào một công cuộc xã hội, “miệng ăn núi lở” như thế mà vững được cho đến lúc già lụ khụ, mà già cả như thế rồi không giảm lòng từ thiện chút nào, quên cả mình, quên cả gia đình, chỉ vì cái vấn đề cơm áo của lũ trẻ kia.
Nghĩ thế xong thì Phúc tự thấy hổ thẹn đáng khinh bỉ không còn để đâu cho hết. Mãi đến lúc ấy, anh mới hiểu rằng những tư tưởng hoài nghi và bi quan mà anh vừa có, gốc tích là tấm lòng ích kỷ nhỏ nhen mà ra. Anh vội giao hẹn ngay với chính anh rằng từ nay trở đi thì chính anh không nên tin ngay cả anh nữa, việc gì cũng phải nghĩ đi nghĩ lại rất thận trọng mới được. Sau cùng Phúc thở dài, vẫn còn giận mình để mắng mình “tự nhiên ta được hưởng tới mười vạn đồng, thế mà ta đê tiện đến bạc không bằng một bà cụ già”. Nhưng ngay sau đấy, anh lại phì cười, vì nếu nói thế thì chẳng những một anh mà thôi, trong thiên hạ, hằng hà sa số những trượng phu, tai to mặt lớn, lương đống đại gia, khai quốc công thần, mà cũng không bằng bà cụ già ấy. Muốn cắt đứt sự bứt rứt lương tâm, anh gật gù khẽ nói với mình:
— Năm trăm! Phải lắm, ta sẽ biếu cụ năm trăm.
Cụ phán bà thoáng nghe thấy sợ tái mặt đi, vội hất hàm cho cụ ông vội để ý. Nhằm lúc cụ ông cũng để ý lắm, nên trông thấy cụ bà tái mặt, cụ ông cũng đâm hoảng, cái xe điếu rơi khỏi môi và khỏi tay. Cụ sặc thuốc lào, cụ ho một hồi rất dài tưởng chừng đến rách cổ. Chị Phúc, cô Đức cũng ngơ ngác nhìn nhau.
Chợt lại thấy Phúc vui vẻ hỏi một cách ngây thơ:
— Thầy nhỉ, năm trăm bạc, thế đã có một số tiền to chưa?
Cụ phán ông lại giật mình một lần nữa, ngẩn người ra, không biết đáp thế nào cả. Còn cụ bà thì không dám nói leo, điều ấy đã cố nhiên, nào ai thèm hỏi tới mình! Cụ ông tự vấn: “Quái thật! Nó muốn cho mình năm trăm à? Chỉ có thể rồi thôi hay sao? Minh đẻ ra nó, thì phải được hưởng vào số tiền mười vạn ấy cho đến lúc quy tiên mới được chứ lẽ nào …! Hay nó cao hứng muốn thưởng mình năm trăm để khai cái ngân tiền năm ngoái và rồi cưới con vợ lẽ hơi?” Nghĩ thế rồi ông cụ chẳng ngần ngại đáp:
— Năm trăm bạc, thì có gì gọi là số tiền to!
Phúc trợn hai mắt thật to lại hỏi:
— Chết nỗi! Năm trăm bạc, “thì có gì”?
Ông bố lại ngất ngưởng cái đầu:
— Chứ không ư? Kể năm trăm đối với người nào khác thì có lẽ cũng đủ là to. Nhưng với cậu, bỗng chốc trời cho có trong tay hàng mười vạn, thì thế lại là nhỏ.
Phúc ngồi dậy, xỏ chân vào giầy, tuyên ngôn:
— Thôi thế thì ít ra tôi cũng phải biếu cụ một nghìn.
Bà mẹ, vẫn chưa thủng chuyện, nhưng cũng đã hơi mừng. Thôi thì một nghìn bạc, nó cho ông ấy hay mình cũng thế, miễn có cho thì thôi. Bèn vui vẻ hỏi:
— Phúc đức quá! Thế biếu cụ nào đấy?
Thấy bố mẹ đều vui vẻ sốt sắc như thế. Phúc chẳng còn sợ bị ngăn trở nữa, tức thì cắt nghĩa:
— Biếu cụ ấy là cụ Cả Mộc, một bà cụ già góa chồng từ lúc trẻ, mà đã hy sinh cho việc xã hội, làm hội trưởng một hội thiện nuôi hàng trăm con nhà nghèo, tức là Hội Tế Sinh. Biếu cụ đây không phải là biếu riêng cụ, nhưng là quyên cho quỹ hội mà cụ trông nom. Phải đấy, mình mà lại không bỏ nổi nghìn bạc ra, thiên hạ nó cũng chửi.
Hai vị phụ mẫu của nhà tư bản đã bắt đầu lấm lét nhìn trộm nhau. Cụ bà thề ngay với thiên địa quỷ thần quyết không tha thứ cho cụ ông về cái tội dám cho năm trăm bạc còn là nhỏ. Nhưng vốn có cái óc thông minh vặt của những viên chức trung thành không khi nào chịu ông sếp mắng dẫu là quả có tội, cụ ông không run sợ về vẻ mặt hình như thốt nhiên mà sa chữ nãi của cụ bà. Cụ chỉ đau đớn, xót xa, muốn ngẫu hứng nên một bài thơ cổ chửi cái thói đời đen bạc một vố chơi.
Lại thấy Phúc sốt sắng nói:
— À, thế này thì tuyệt! Để đấy, mai kia có đem tiền xuống Hội thì thầy đẻ cùng đi với con! Con sẽ để cho thầy đẻ được cái hân hạnh đặc biệt cầm tiền đưa trao tay cụ Cả Mộc, và như thế là thầy đẻ đã làm được một việc từ thiện, một việc phúc đức to tát bậc nhất, chưa có ai làm nổi.
Ông bố cố gượng cười để pha trò:
— Giả dụ con để cho thầy cái hân hạnh đặc biệt cầm nghìn bạc ấy để trao cho thầy thì còn hơn.
Cái giọng “Kẻ Bưởi vơ vào” ấy rõ mới đáng ghét làm sao! Phúc bị cụt hứng tức thì thấy lộn ruột lắm, không thể tha thứ được nữa. Anh ta nghiêm nét mặt lại, đáng sợ như một vị bạo chúa, hỏi xong:
— Tôi nói đùa với ông đấy à?
Cụ phán không dám ngẩng mặt lên nữa. Cụ cầu Giời khấn Phật sao cho cái giận của con cụ chỉ đến thế mà thôi, chỉ vùng vằng lên gác.
Bấy giờ bà vợ mới giẩu mỏ lên mắng đức ông chồng vô tích sự:
— Ừ, ừ! Rõ cái mặt kia! Đã biết sướng chưa? Ấy là người ngợm không đáng nửa đồng xu mà khẩu khí lại to đến thế! Năm trăm bạc, có gì! Rõ nối giáo cho giặc chửa!
Giậu đổ bìm leo, vợ Phúc cũng làm một câu:
— Thầy rõ thật là ăn không nhai, nói không nghĩ!
Cô Đức xưa nay vốn ngoan ngoãn lắm, vốn rất sợ bố nữa, thế mà lúc ấy không thể không dám nói:
— Thầy thì rõ lẩm cà lẩm cẩm, phiền quá!
Bị tổng công kích dữ dội thế, cụ ông vẫn dịu dàng:
— Ô hay! Thì nào tôi biết đâu! Thấy cậu ấy kêu “biếu cụ”, tôi tưởng cậu ấy biếu bà, cho nên tôi cũng đỡ lời hộ, ai ngờ đâu lại đến nông nỗi ấy!
Cụ phán bà cũng nguôi nguôi, tuy chẳng cảm ơn cụ ông. Vì Phúc đã xuống đấy kia, nên không ai dám nói gì nữa. Đã nghe thấy cả, Phúc rất phiền. Anh thấy cả gia đình anh không có một ai ra hồn cả. Anh hiểu ngay tại sao chẳng có một ai làm nổi một việc gì khác thường, trong đám thiếu niên. Mà chỉ vì người ta, ai cũng có bố mẹ, vợ, em gái. Không muốn việc của mình bị phản đối, dẫu là ngấm ngầm, tức thì anh tuyên bố dứt khoát:
— Thôi đừng có ai sợ nhé! Thằng này đã không là thằng đểu, thì nó không hưởng cả một mình đâu! Được được, không vội gì phải om lên! Rồi thì ai ai cũng có phần cả! Không để ai mất phần đâu mà sợ!
Nói xong, Phúc mới thấy mình đã làm như một người phát chẩn cho ăn mày, cho dân đói, khi thấy trật tự của hàng ngũ bị phá vỡ mà phải nói cho đám chúng sinh đừng có xô đẩy hoặc chửi bới lẫn nhau. Thấy mặt mũi ai cũng vui tươi sáng quắc lên, anh yên trí, cho rằng những người ấy chỉ đáng nghe thứ ngôn ngữ ấy là cùng.
Chợt thấy vú già ngoài cửa hàng chạy vào thưa:
— Mợ, cô ra xem là ai. Có khách ạ.
Cả vợ lẫn em Phúc chạy ra. Rồi thấy lào xào:
— Thì tôi đã nói là ông ấy đi vắng! Không ạ, quả thật là đi vắng chưa về. Vâng, không biết bao giờ về… Dạ? Vâng được, để bao giờ về, chúng tôi xin thưa… Vâng, mai các ông đến sớm… Vâng, đúng chín giờ sáng các ông đến.
Rồi cô Đức chạy vào, hí hửng.
— Bọn nhà báo đấy, anh ạ. Em đã tống khứ họ đi cả!
Phúc rất vui, tuy rằng không biết mình đã tỏ, ở chỗ thiên hạ, mà lại báo giới nữa, xin vào hầu anh cũng khó khăn như xin vào Quan Thống Sứ. Anh khen cô em và hứa rộng rãi:
— Được, thế là ngoan lắm, rồi anh sẽ cho dăm nghìn.
Cô gái trẻ mỉm cười, cúi đầu tự nhủ rằng thế thì từ nay mà đi, bất cứ ai đến hỏi cũng phải đuổi đi ngay tức khắc.
Nhưng lại thấy chị Phúc vào với một lá danh thiếp Phúc gắt:
— Rõ khỉ lắm nữa! Đã bảo đi vắng mà lại…
— Người này nên tiếp… Người này gạn bán cái… cái gì nhỉ? Cái vila ở đường Quán Thánh đây. Cậu định mua ngay ô tô, thì có ngay biệt thự chứ?
Phúc đành gật đầu, tuy anh sợ ở dưới xóm, thực quản đã nóng ruột.
Khách là một người đứng tuổi, vận Âu phục, có răng vàng trong miệng, bút máy vàng ở túi áo, đồng hồ vàng ở cổ tay. Lời chào của khách là những câu chúc rất nhã:
— Rất hân hạnh được ngài tiếp ngay thế này. Xin có lời mừng ngài, và chúc ngài rằng với cái tài lộc tự nhiên ấy, ngài sẽ bốc lên hàng trăm vạn nữa.
— Không dám, cảm tạ tiên sinh. Xin tiên sinh an tọa.
Được ngồi, khách vội giở cái cặp to ra, rút một đống giấy, nói liếng thoắng:
— Thưa ngài, nếu ngài tậu ngay cho cái biệt thự này thì ngài mua rẻ được năm nghìn bạc đấy ạ! Chẳng nói giấu gì ngài, tôi đương kinh doanh về mỏ, gặp hồi khó khăn… Bán thế này lỗ mất năm nghìn, mà phải bán. Bẩm nhà ba tầng, xi măng cốt sắt, kiểu tối tân. Có đủ lò sưởi, máy nước, vệ sinh máy. Bếp rất rộng, lại thêm hai mẫu vườn.
— Ngài tha lỗi nhé, thế này thì không phải, nhưng tôi phải đi đằng này tức khắc, mà việc này là can hệ, vậy xin ngài để sáng mai.
Người kia chẳng hiểu có điếc không nhưng cứ nói nữa:
— Vâng, hai mẫu vườn! Cứ một cái chuồng nuôi công của tôi cũng đã đáng ba trăm bạc! Lại có bể bán nguyệt, có giả sơn cao hai thước năm mươi. Vườn hoa đẹp mắt lắm, các thứ cây quý cả, quả đã gần ăn được… Đây là văn tự, địa đồ, đây là ảnh tòa nhà ấy, mới chụp vì sợ ngài không thèm quá bộ đến thăm… Bẩm giá đáng vạn rưỡi, nay chỉ xin ngài cho đúng một vạn.
Phúc cố gắt:
— Vâng, vâng thế thì đây có hai cụ tôi, ngài cứ việc nói chuyện với hai cụ tôi xem sao. Còn tôi thì tôi xin phép ngài phải đi, mai ta lại gặp nhau nữa.
— Bẩm, nếu thế cũng được ạ.
Cụ ông và cụ bà thấy bỗng dưng con lại cho mình cái quyền to tát ấy thì sướng đến nở mũi. Bấy giờ cụ bà mới gọi pha chè mạn sen tiếp ông kia. Hai con cụ thì tranh nhau cái ảnh chụp tòa nhà để xem như đồ trẻ con. Phúc bắt tay ông chủ mỏ đương hẩm vận ấy, rồi ra đi.
Ra đến đường anh mới biết rằng người đến bán nhà cho anh cũng đi xe hơi Ford hẳn hoi. Trông trước nhìn sau cả một phố không thấy tăm hơi một chiếc xe cao su nào, anh rất bực tức. Phải đi bộ mất ít bước, anh cáu, nói một mình như một kẻ phàm phu tục tử, thật xứng đáng với tư cách những quân đột khởi thấy bất cứ sự nhỏ nhặt gì cũng là đại họa:
— Biết nông nỗi thế này thì mua mẹ nó ngay cái xe từ chiều!
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc