A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 84
Cập nhật: 2020-11-02 22:23:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Báng Bổ
ọ lái xe ra khỏi thị trấn đâu vào quãng nửa đêm - Harry và bà Delphine ngồi ghế trước để Eileen và Lauren ngồi ghế sau. Bầu trời sáng trong, tuyết đã trượt khỏi cành nhưng vẫn chưa tan dưới gốc cây hay trên những tảng đá thò ra bên đường. Harry dừng xe bên một cây cầu.
“Đây chắc được.”
“Ai đó sẽ thấy mình dừng ở đây mất,” Eileen nói. “Có khi họ dừng lại xem chúng ta làm gì.”
Anh lại rồ xe lái tiếp. Họ rẽ vào con đường đất hẹp đầu tiên, ở đó tất cả xuống xe và thận trọng bước trên bờ ranh, chỉ một đoạn ngắn thôi, giữa những cây tuyết tùng ken lá âm u. Tuyết phát ra những tiếng lách cách nho nhỏ, dù mặt đất phía dưới mềm và sệt bùn. Lauren vẫn mặc bộ đồ ngủ dưới lần áo khoác, nhưng Eileen đã bắt con bé xỏ đôi ủng vào.
“Đây được không?” Eileen nói.
Harry bảo, “Không xa đường cho lắm.”
“Xa vầy là vừa.”
Đó là cái năm sau khi Harry bỏ việc ở tòa tạp chí tin tức bởi anh đã sức cùng lực kiệt. Anh mua lại tờ tuần san nơi thị trấn nhỏ bé anh vuơng vấn từ thời thơ ấu này. Gia đình anh từng có nhà nghỉ hè bên một trong những hồ nhỏ quanh vùng, và anh vẫn còn nhớ mình đã uống cốc bia đầu tiên trong đời tại tòa khách sạn trên phố chính. Anh cùng Eileen và Lauren đến đó ăn vào tối Chủ nhật đầu tiên họ đặt chân tới thị trấn.
Nhưng quầy bar đã đóng cửa. Harry và Eileen đành phải uống nước.
“Sao thế?” Eileen nói.
Harry nhướng chân mày lên với ông chủ khách sạn, đồng thời cũng là bồi bàn phục vụ họ.
“Tại Chủ nhật à?” Harry hỏi.
“Không giấy phép.” Ông chủ nói giọng địa phương đặc sệt - và, hình như, hơi khinh thị. Ông ta mặc sơ mi cà vạt, khoác áo len, còn chiếc quần thì trông như đã lớn lên cùng ông ta - mềm tã, nhàu nhĩ, tưa sờn, cứ như một lớp da ngoài mẩy tróc, xám xạm, chắc chắn giống với lần da thật của ông ta bên dưới.
“Khác với ngày xưa quá,” Harry nói, và khi ông kia không đáp lời thì anh tiếp tục gọi bò nướng cho khắp lượt.
“Thân thiện gớm,” Eileen nhận xét.
“Châu Âu mà,” Harry nói. “Đó là văn hóa. Họ không cảm thấy mình buộc phải luôn luôn mỉm cười.” Anh chỉ ra những thứ trong phòng ăn vẫn còn như trước - mái trần cao, cái quạt quay chậm rì, thậm chí cả bức tranh sơn dầu hoen ố, vẽ một con chó săn ngoạm trong miệng một con chim lông cánh tả toi.
Thêm vài thực khách nữa đi vào. Một bữa tiệc gia đình. Những bé gái đi giày da bóng và váy bèo nhún rườm rà, một đứa nhỏ lẫm chẫm, một thằng bé tuổi vị thành niên mặc com lê sắp chết đến nơi vì ngượng, nhiều cặp cha mẹ và cha mẹ của các cha mẹ - một ông già khẳng khiu lơ ngơ và một bà già đeo hoa tai, ngồi oặt ẹo trong chiếc xe lăn. Bất kỳ người phụ nữ mặc váy hoa nào trong đại gia đình này cũng to gấp bốn lần Eileen.
“Lễ kỷ niệm đám cưới,” Harry thì thào.
Trên đường ra, anh dừng lại để tự giới thiệu mình cùng gia đình mình, bảo với họ rằng anh là nhân sự mới của tòa báo và gửi đến họ lời chúc mừng. Anh hy vọng họ sẽ không phiền nếu anh ghi lại quý danh của họ. Harry sớ hữu một gương mặt rộng, nhìn như thanh niên, với nước da rám nắng và mái tóc nâu sáng bóng. Phong thái sôi nổi và vẻ cảm kích đại thể của anh lan tỏa khắp bàn - mặc dù có lẽ không lan tới thằng tuổi choai hay cặp vợ chồng già. Anh hỏi hai cụ cưới nhau bao lâu rồi và được đáp là sáu mươi lăm năm.
“Sáu mươi lăm năm,” Harry thốt lên, ong o những suy nghĩ về tình tiết này. Anh xin phép hôn “cô dâu” rồi thực hiện liền, chạm hẳn môi vào vành tai dài của bà cụ khi bà nghiêng đầu qua một bên.
“Giờ đến em phải hôn chú rể,” anh nói với Eileen, cô cười mủm mỉm và đặt nụ hôn lên đỉnh đầu cụ ông.
Harry hỏi công thức cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
“Mẹ tôi không thể nói được,” một trong những phụ nữ đồ sộ nói. “Nhưng để tôi hỏi bố tôi nào.” Đoạn chị quát vào tai ông già, “Lời khuyên cho hôn nhân hạnh phúc của bố là gì?”
Cụ nhăn mặt một cách tinh quái.
“Chỉ cần quản lý bà vợ sát sao.”
Tất cả người lớn phá ra cười, và Harry nói, “Được ạ. Cháu sẽ đưa lên báo rằng cụ đã luôn luôn đảm bảo sao cho có sự đồng ý của vợ.”
Ra đến ngoài, Eileen nói, “Họ làm thế nào để béo được đến thế nhỉ? Em không hiểu. Người ta phải ăn cả ngày lẫn đêm mới phì ra được như vậy.”
“Lạ thật,” Harry phụ họa.
“Đó là đậu xanh đóng hộp thôi,” chị nói. “Vào tháng Tám. Chẳng phải là thời điểm đậu xanh chín hay sao? Hon nữa, ngay giữa chốn nhà quê này, người ta định trồng các thứ vào đâu chứ?”
“Lạ còn hơn cả lạ nữa,” anh khoái chí nói.
Khách sạn thay đổi gần như ngay lập tức. Trong phòng ăn trước kia giờ ụp luôn một cái trần giả - những vuông bìa được dằn giữ lại bằng những dải kim loại. Loại bàn tròn lớn được thay thế bằng loại bàn vuông nhỏ, ghế gỗ nặng nề thay bằng ghế kim loại gọn nhẹ, mặt ngồi ốp nhựa màu nâu đỏ. Do trần nhà thấp xuống nên cửa sổ cũng phải nhỏ lại thành những ô chữ nhật lè tè. Một tấm biển đèn neon treo ở một trong những cửa sổ ghi ĐÓN CHÀO ĐẾN TIỆM CÀ PHÊ.
Trái với tinh thần của tấm biển, người chủ, Palagian, không bao giờ mỉm cười hay nói thừa dù chỉ một từ với bất cứ ai.
Chả sao, quán vẫn đầy ắp khách vào buổi trưa, hoặc vào quãng xế chiều. Khách là bọn học trò trung học, đa số từ lớp chín đến lớp mười một. Cũng có cả một số học sinh lớn của trường tiểu học. Sức hấp dẫn chính của nơi này là ai ai cũng có thể hút thuốc tại đó. Nói vậy không có nghĩa là chúng có thể mua được thuốc lá nếu chúng trông có vẻ dưới mười sáu tuổi, về mặt này ông Palagian rất nghiêm ngặt. Cậu không được, ông ta nói bằng cái giọng đặc sệt và ủ ê thường lệ. Cậu không được.
Đến giờ ông ta đã thuê một phụ nữ làm việc cho mình, và nếu có đứa nào mặt non choẹt đến nài nỉ mua thuốc lá thì bà sẽ cười khanh khách.
“Mày giỡn với ai thế hả, đồ mặt búng ra sữa.”
Tuy nhiên đứa nào đó mười sáu tuổi hay hơn có thể gom tiền của tụi nhỏ lại và mua hẳn hàng chục gói.
Vẫn làm theo đúng chữ nghĩa trong luật, Harry nói.
Harry thôi không đến đó ăn trưa nữa - quá ồn ào - nhưng vẫn đến ăn sáng. Anh hy vọng một ngày nào đó ông Palagian sẽ tan băng và kể về cuộc đời ông. Harry tích lũy một tập hồ sơ những ý tưởng để viết sách và luôn lăm le góp nhặt những cầu chuyện đời tư. Kiểu người như ông Palagian - hay thậm chí cả chị bồi bàn béo ú, ăn nói thô thiển kia, anh bảo - đều có thể đang ôm giữ một tấn bi kịch hoặc phiêu lưu đương đại, đủ để xào nên một cuốn sách bán chạy.
Cốt lõi của cuộc sống, Harry hay nói với Lauren, là hãy sống trong đời một cách hăng hái. Hãy mở con mắt to ra mà nhìn vào tiềm năng - nhìn vào nhân tính - ở tất cả mọi người ta gặp. Hãy nhận biết. Nếu anh có điều gì để dạy con bé thì điều ấy là: Hãy nhận biết.
Lauren tự làm bữa sáng cho mình, thường là ngũ cốc với xi rô nhựa phong thay vì sữa. Eileen đem cà phê vào giường uống thủng thẳng. Cô không muốn trò chuyện. Cô cần phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với cả ngày trời làm việc trong tòa soạn báo. Khi đã tự lên dây cót tinh thần đầy đủ - vào khoảng nào đó sau khi Lauren rời nhà đi học - cô sẽ ra khỏi giường, tắm rửa và thay vào một trong những bộ đồ khiêu khích một cách chểnh mảng của mình. Vì đang mùa thu nên bộ này thường là áo len thùng thình và váy da ngắn với quần tất màu rực rỡ. Giống như ông Palagian, Eileen dễ dàng làm mình khác hẳn bất kỳ ai trong thị trấn, nhưng không giống như ông ta, cô xinh đẹp, tóc đen cắt ngắn lộ đôi khuyên tai vàng mảnh như những dấu chấm cảm, và mí mắt phủ phấn màu hoa cà nhạt. Phong cách của cô khi trong tòa báo là quyết đoán, vẻ mặt cô lãnh đạm, nhưng nó bị phá vỡ ngay bởi nụ cười ngoại giao chói lọi.
Họ thuê một ngôi nhà ở ngoại ô thị trấn. Sân sau nhà họ tiếp giáp ngay với vùng hoang vu của khu nghỉ, mấp mô những đồi nhỏ và dốc đá granite, đầm lầy tuyết tùng, hồ con và một khoảnh rừng chuyển tiếp đặc kín cây dương, thông rụng lá, thích đỏ, vân sam. Harry mê tít nơi này. Anh bảo thể nào cũng có sáng họ thức dậy và trông thấy một con nai sừng tấm đứng trong sân sau nhà mình. Lauren đi học về khi mặt trời đang dần lặn xuống và hơi nóng hâm hẩm của ngày mùa thu hóa ra chỉ là một trò lừa. Ngôi nhà giá lạnh và dậy mùi bữa ăn tối qua, mùi bã cà phê thiu và mùi thùng rác mà Lauren có bổn phận phải đem ra ngoài đo. Harry đang ủ một đống phân trộn - năm tới anh định sẽ trồng một vườn rau. Lauren xách xô vỏ cam, lõi táo, bã cà phê, thức ăn thừa ra bìa rừng, chỗ nai sừng tấm hoặc gấu có thể xuất hiện. Lá dương đã ngả sang vàng, thông rụng lá chĩa những lá kim hung hãn màu cam trên nền sẫm tối của rặng thường xuân. Con bé đổ rác rồi xúc đất và cỏ lấp lại, giống như cách Harry đã bày cho.
Cuộc đời con bé thoắt cái đã khác một trời một vực so với cách đây mới vài tuần, khi con bé với Harry và Eileen hay lái xe đi bơi ở hồ vào những chiều nóng nực. Rồi vào các buổi tối, nó và Harry hay đi bộ khám phá quanh thị trấn, trong khi Eileen ở nhà cọ rửa, sơn quét và dán giấy lên tường nhà - cô tuyên bố một mình mình làm sẽ hiệu quả hơn và nhanh hơn. Tất cả những gì cô yêu cầu Harry làm chỉ là mang hết đống thùng giấy tờ, tủ hồ sơ và bàn làm việc của anh vào căn phòng nhỏ tồi tàn dưới tầng hầm, cho khuất mắt chị. Lauren giúp anh.
Có một hộp các tông con bé nhấc lên thấy nhẹ tênh một cách lạ lùng, như thể trong đó đựng thứ gì mềm mềm, không phải giấy, mà giống vải hay sợi hơn. Con bé vừa hỏi, “Cái gì thế này?” thì Harry trông thấy nó đang ôm cái hộp, anh liền la hoảng, “Ê này.” Rồi anh rên, “Lạy Chúa.
Anh giằng cái hộp khỏi tay con bé, tống vào ngăn kéo tủ hồ sơ, đóng sầm vào. “Lạy Chúa,” anh lặp lại lần nữa.
Trước nay anh chưa bao giờ nói với con bé kiểu lỗ mãng cường điệu như thế. Anh nhìn quanh như xem có ai thấy họ không rồi phủi tay chùi vào quần.
“Xin lỗi con,” anh nói. “Ba không ngờ con nhấc cái thùng đó lên.” Anh tì cùi trỏ lên trên mặt tủ hồ sơ, hai bàn tay chống trán.
“Thế này nhé,” anh nói. “Lauren này. Ba có thể bịa ra một chuyện dối trá nào đó để nói với con, nhưng ba sẽ nói cho con sự thật. Bởi vì ba tin rằng trẻ con nên được nói cho biết sự thật. ít nhất là vào lúc chúng trạc tuổi con thì chúng nên biết. Nhưng trong trường hợp này thì con phải giữ bí mật. Được chứ?”
Lauren nói, “Được, ba.” Có gì đó khiến con bé ước rằng ba mình đừng nói gì hết.
“Có tro ở trong đó,” Harry nói. Giọng anh hạ xuống một cách quái lạ khi anh buông ra cái từ tro. “Không phải tro bình thường. Mà tro hỏa táng một đứa bé. Đứa bé này chết trước khi con ra đời. Hiểu không? Ngồi xuống đi.”
Con bé ngồi xuống chồng sổ bìa cứng lưu những bài viết của Harry. Anh ngẩng đầu lên nhìn vào mặt con bé.
“Thế này... ba sắp nói với con những điều khiến mẹ Eileen rất buồn bực, chính vì vậy nên nó phải được giữ bí mật. Chính vì thế mà con chưa bao giờ được nói cho biết về nó, bởi mẹ Eileen không thể chịu nổi khi bị nhắc nhớ về chuyện này. Giờ thì con hiểu chứ?”
Lauren nói câu con bé buộc phải nói. Con hiểu.
“Được rồi, thì... việc đã xảy ra là, ba mẹ sinh đứa bé này trước khi có con. Một bé gái, và khi nó còn tí tẹo thì mẹ Eileen có mang. Đây là một cú sốc kinh khủng cho mẹ con bởi vì mẹ con chỉ vừa mới nhận ra chăm sóc một em bé đòi hỏi phải tốn nhiều công sức kinh khủng ra sao, vậy mà giờ mẹ con lại có mang tiếp, không ngủ được tí nào và nôn mửa vì những cơn nghén buổi sáng. Mà không chỉ nghén mỗi buổi sáng đâu, sáng chiều và cả tối nữa, mẹ con không biết phải đối mặt ra sao với chuyện này. Mang thai. Và thế là, một đêm nọ, khi ở trạng thái quá xúc động, không hiểu sao mẹ con lại nảy ra ý định phải ra ngoài. Mẹ con lên xe, cho đứa bé đi cùng, để nó nằm trong nôi, trời tối, mưa, mẹ con lái nhanh đến nỗi bị trượt ở một khúc cua. Vậy đấy. Em bé không được cột chặt nên bị nảy ra khỏi nôi. Mẹ Eileen bị gãy xương sườn với chấn thương não, và trong một lúc có vẻ như ba mẹ sẽ mất cả hai đứa con.”
Anh hít một hơi thật sâu.
“Ý ba muốn nói là, ba mẹ đã mất một đứa rồi. Khi nảy ra khỏi nôi, nó đã chết ngay. Nhưng ba mẹ không mất đứa bé mẹ Eileen đang mang trong bụng. Bởi vì. Đó là con. Con hiểu không? Đó là con đấy.”
Lauren gật đầu, rất khẽ.
“Thế cho nên, lý do ba mẹ không nói cho con biết điều này - ngoài trạng thái cảm xúc của mẹ Eileen ra - còn là vì nó có thể khiến con cảm thấy mình không được chào đón. Không được chào đón lúc ban đầu. Nhưng con chỉ phải tin ba thôi, con đã được đón đợi. Ôi, Lauren. Đã như vậy. Và vẫn luôn như vậy.”
Anh rời cánh tay khỏi tủ hồ sơ, đi tới ôm con. Từ anh bốc ra mùi mồ hôi và mùi rượu mà anh và Eileen đã uống trong bữa tối, Lauren cảm thấy rất bất tiện và lúng túng. Câu chuyện không làm con bé buồn, mặc dù thứ tro đó hơi ghê ghê. Nhưng con bé ghim trong đầu những lời ba mình nói rằng việc này làm Eileen buồn bực.
“Thì ra đó là điều khiến ba mẹ hay cãi nhau?” Lauren nói mà không hề nghĩ, và anh buông con bé ra.
“Những trận cãi vã,” anh buồn bã nói. “Ba nghĩ rất có thể chuyện ấy đã tạo nên điều gì đó ẩn sâu bên dưới. Bên dưới những cơn điên cuồng của mẹ con. Con biết không, ba cảm thấy rất đau lòng về toàn bộ chuyện này. Thật sự đau lòng.”
Những khi họ ra ngoài đi dạo, thỉnh thoảng anh hỏi con xem nó có lo lắng, hay buồn rầu, về những gì anh đã kể cho nó nghe không. Con bé trả lời, “Không,” bằng giọng rất dứt khoát, có phần hơi mất kiên nhẫn, và anh bảo, “Tốt.”
Mỗi con đường đều có một thứ gây tò mò - ngôi biệt thự thời Victoria (giờ là bệnh xá), cái tháp gạch là tất cả những gì còn sót lại của một nhà máy chổi, nghĩa địa có từ năm 1842. Và có một phiên chợ mùa thu kéo dài vài ngày. Họ xem xe tải từng chiếc nối đuôi nhau cày xuống mặt đường đất, kéo theo một cái bệ chất đầy những khối bê tông cứ chực lao về trước, khiến cho đoàn xe tải tròng trành, phải dừng gấp để đo khoảng cách giữa chúng. Harry và Lauren mỗi người chọn cho mình một chiếc xe tải để reo hò, khích lệ.
Nhưng giờ đây Lauren cảm giác như quãng thời gian đó tỏa ra một ánh hào quang giả tạo, một kiểu nhiệt tình ngớ ngẩn đến khinh suất, không đếm xỉa đến gánh nặng của chuyện thường nhật, hay hiện thực, mà con bé sẽ phải mang theo một khi đã vào năm học mới, khi tờ báo bắt đầu phát hành và thời tiết thay đổi. Gấu hay nai sừng tấm là loài thú hoang có thật vẫn hằng nghiền ngẫm về sự cần thiết của bản thân mình - chứ không phải một trò giật gân ly kỳ nào đó. Giờ con bé không nhảy tưng tưng và la hét ở bãi đất tổ chức hội chợ như cô bé từng làm để cổ vũ chiếc xe tải của mình nữa. Đứa nào ở trường mà trông thấy chắc sẽ nghĩ con bé là đồ lập dị mất.
Dầu sao điều đó cũng gần gần với những gì bọn chúng nghĩ về con bé.
Ở trường Lauren bị cô lập, điều này bắt nguồn từ hiểu biết và kinh nghiệm của con bé, mà theo như nó lờ mờ hiểu, khiến nó nom có vẻ ngây thơ và hợm mình. Những thứ vốn là bí ẩn ghê gớm đối với bọn khác lại chẳng huyền bí tí nào đối với nó, mà nó lại không biết cách giả bộ làm như không biết chi về chúng. Đó là lý do nó bị cô lập, không kém gì việc biết phát âm cụm từ L’Anse aux Meadows và đã đọc Chúa nhẫn. Con bé đã từng uống nửa chai bia khi mới năm tuổi và đã phập thử một điếu cần sa khi lên sáu, cho dù nó không thích uống cũng chẳng thích hút. Thính thoảng con bé nhấp chút rượu vang trong bữa tối, nó thích vậy. Con bé biết về làm tình bằng miệng, biết tất cả những biện pháp tránh thai cũng như biết dân đồng tính làm những việc gì. Con bé vốn thường xuyên thấy Harry và Eileen trần truồng, cũng như đã một lần chứng kiến bữa tiệc khỏa thân của họ với bạn bè quanh đống lửa trại trong rừng. Cũng kỳ nghỉ đó, con bé cùng với những đứa trẻ khác đá trốn ra ngoài rình xem cha chúng lẻn vào lều của những bà mẹ không phải vợ họ. Một trong những thằng con trai rủ con bé làm tình với nó và con bé đồng ý, nhưng thằng đấy không biết xúc tiến gì thêm, thế là bọn chúng cãi nhau thậm tệ, để rồi sau đó con bé ghét phải nhìn thấy cái thằng đấy.
Tất cả những thứ ấy lại là một gánh nặng đè lên con bé ở nơi này - nó gây cho con bé một cảm giác xấu hổ và buồn quái đản, thậm chí cả cảm giác thiếu thốn. Và con bé không thể làm gì nhiều, ngoài việc phải cô nhớ gọi Harry và Eileen là ba và mẹ lúc ở trường. Dường như gọi thế sẽ mang lại cho họ vẻ bề trên hơn, nhưng không còn độc đáo nữa. Khi con bé gọi họ theo cách ấy, những nét phác nét càng về họ sẽ hơi mờ đi, cá tính của họ sẽ bị lấp liếm. Khi mặt đối mặt với họ, con bé không biết làm sao để việc này xảy ra. Con bé thậm chí còn không công nhận rằng việc đó có thể là một niềm an ủi.
Vài đứa con gái học cùng lớp với Lauren thấy khu vực quán cà phê có sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi nhưng không đủ dũng khí để đi vào đấy, cho nên chúng đi vào tiền sảnh khách sạn và đi thẳng tới phòng vệ sinh nữ. Ở đó chúng mất từ mười lăm phút đến nửa giờ đồng hồ làm tóc đủ các kiểu cho mình và cho nhau, thoa loại son mà chắc chúng đã chôm từ hiệu bách hóa Stedmans, ngửi cổ và cổ tay của nhau sau khi đã xịt vô tội vạ tất cả các loại nước hoa cho thử miễn phí ở hiệu thuốc.
Khi chúng rủ Lauren đi cùng, con bé nghi ngờ rằng có cạm bẫy gì đó, nhưng rốt cuộc vẫn đồng ý, phần vì con bé không thích một mình đi về ngôi nhà bên bìa rừng trong những buổi chiều ngắn chưa từng thấy này.
Vừa vào đến tiền sánh là vài đứa trong đám con gái tóm chặt lấy con bé, đẩy nó ra chỗ chiếc bàn, nơi người phụ nữ làm ở nhà hàng đang ngồi trên cái ghế cao cẳng, tính tính toán toán bằng máy tính cầm tay.
Tên người phụ nữ này - Harry từng nói cho Lauren biết - là bà Delphine. Bà có mái tóc dài sợi mảnh, có lẽ là màu bạch kim, hay cũng có thể là màu bạc, bởi vì bà không còn trẻ nữa. Bà thường phải lắc tóc ra sau cho nó khỏi xòa xuống mặt, như bà đang làm đúng lúc này. Đôi mắt bà, ẩn sau cặp mắt kính gọng đen, cụp xuống dưới bờ mí màu tím. Giống như thân hình bà, mặt bà to, nhọt tái và láng. Nhưng ở bà không có nét gì thiếu linh động. Mắt bà, giờ đá ngẩng lên, có màu xanh nhạt, đảo nhìn từ đứa này sang đứa kia, cơ hồ không hành vi ti tiện nào của chúng có thể làm bà ngạc nhiên.
“Đây là nó,” lũ con gái nhao nhao.
Người phụ nữ - tức là bà Delphine - giờ đang nhìn Lauren. Bà hồi. “Lauren? Có phải không?”
Lauren, hoang mang quá chừng, bảo đúng ạ.
“À, bác đã hỏi chúng xem ở trường chúng có ai tên là Lauren không,” bà Delphine nói - bà nhắc tới bọn con gái kia như thể chúng đã ở xa lắc xa lơ, đã tách khỏi cuộc chuyện trò của bà với Lauren. “Bác hỏi chúng là vì có món này được tìm thấy ở đây. Chắc ai đó đã đánh rơi nó ngoài tiệm cà phê.”
Bà mở ngăn kéo lôi ra một sợi dây chuyền vàng. Treo đu đưa trên sợi dây là những mẫu tự ghép lại thành chữ LAUREN.
Lauren lắc đầu.
“Không phải của cháu à?” bà Delphine nói. “Tiếc quá. Bác đã hỏi những đứa cấp ba rồi. Vậy chắc bác cứ giữ nó ở đây. Biết đâu có người sẽ quay lại tìm.”
Lauren nói ngay, “Bác có thể đăng quảng cáo trên tờ báo của ba cháu.” Nó không nhận ra rằng đáng lý mình chỉ nên nói là “tờ báo” thôi, cho mãi tới ngày hôm sau, khi đi ngang qua một đám con gái ngoài hành lang trong trường thì con bé nghe chúng õng ẹo nhại tờ báo của ba cháu.
“Bác có thể làm thế,” bà Delphine nói. “Nhưng sau đó có khi bác sẽ phải tiếp đủ loại người đến nhận vơ là của mình. Thậm chí nói dối cả tên của mình luôn. Nó là vàng mà.
“Nhưng họ đâu thể đeo nó,” Lauren chỉ ra, nếu đó không phải là tên thật của họ.”
“Có lẽ. Nhưng bác tin chắc bọn họ dám làm điều xấu xa đó lắm.”
Mấy đứa con gái kia bắt đầu đi về phía phòng vệ sinh nữ.
“Ê này,” bà Delphine gọi với theo chúng. “Ở đó cấm rồi.”
Chúng quay lại, ngạc nhiên.
“Sao vậy?”
“Vì cấm chứ còn sao trăng gì. Bọn bay đi nơi khác mà lố nhố.”
“Trước kia bà không bao giờ ngăn bọn tôi vào đây mà.”
“Trước kia là trước kia còn bây giờ là bây giờ.”
“Nó là nơi công cộng.”
“Không,” bà Delphine nói. “Cái ở tòa thị chính mới công cộng. Vậy nên phắn đi ngay cho.”
“Bác không có ý nói cháu đâu,” bà bảo Lauren, khi con bé định đi theo bọn kia. “Bác rất tiếc là sợi dây chuyền không phải của cháu. Một hai ngày nữa cháu tới kiểm tra xem sao. Nếu không ai đến hỏi về nó thì bác tính, hừm, dù sao nó cũng có tên cháu trên đấy.”
Hôm sau Lauren trở lại. Con bé thật lòng chả quan tâm gì tới sợi dây chuyền - nó không thể tưởng tượng nổi cái sự đi loanh quanh với tên mình đeo trên cổ. Con bé chỉ muốn có việc gì đó để làm, một nơi để mà đi. Rất có thể nó đã đi tới tòa soạn, nhưng sau khi nghe cái kiểu tụi bạn xách mé tờ báo của ba cháu thì con bé không muốn tới đó nữa.
Nó quyết định là sẽ không vào nếu ông Palagian chứ không phải bà Delphine ngồi sau bàn. Nhưng bà Delphine đang ở đó, tưới nước cho một cái cây xấu xí ở khung cửa sổ mặt tiền.
“Ôi tốt quá,” bà Delphine nói. “Không thấy ai tới hỏi về nó cả. Đợi đến cuối tuần xem sao, bác có linh cảm chắc chắn nó sẽ là của cháu. Cháu cứ đến đây luôn cũng được, cỡ giờ này trong ngày. Buổi chiều bác không làm ở tiệm cà phê. Nếu bác không ở tiền sảnh thì cháu cứ rung chuông, bác chỉ quanh quẩn đây thôi.”
Lauren nói, “Vâng,” rồi quay đi.
“Cháu muốn ngồi xuống một phút không? Bác đang định đi pha cho mình một tách trà. Cháu đã uống trà bao giờ chưa? Cháu có được phép không? Hay cháu uống thức giải khát gì nhá?”
“Nước chanh đi ạ,” Lauren nói.
“Đổ ra ly nhé? Cháu muốn uống bằng ly chứ? Đá không?” “Cứ để nguyên cũng được ạ,” Lauren nói. “Cảm on bác.” Dù sao bà Delphine vẫn mang ra một ly, có đá. “Vì bác thấy hình như nó chưa đủ lạnh,” bà nói. Bà hồi Lauren thích ngồi đâu hơn - trên những cái ghế bọc da mòn vẹt gần cửa sổ hay trên cái ghế cao cẳng đằng sau bàn. Lauren chọn ghế cao và bà Delphine ngồi chiếc ghế kia.
“Giờ cháu có muốn kể cho bác nghe hôm nay cháu đã học gì ở trường không?”
Lauren nói, “Um...”
Gương mặt rộng của bà Delphine giãn ra một nụ cười.
“Bác chỉ hỏi đùa cháu thôi. Bác từng ghét người ta hỏi mình như thế lắm. Cái chính là, bác chẳng bao giờ nhớ được hôm ấy mình đã học cái gì. Thứ nữa, bác không cần nói về trường học khi bác không còn ở trường. Vậy nên chúng ta bỏ qua câu đó nhé.”
Lauren không ngạc nhiên về ao ước muốn kết bạn rất hiển nhiên của người phụ nữ này. Từ nhỏ con bé vốn được nuôi dạy để tin rằng trẻ con và người lớn có thể bình đẳng với nhau, dù nó nhận thấy nhiều người lớn không hiểu điều này và cũng chẳng hại gì nếu bỏ qua điều ấy. Con bé thấy bà Delphine hơi hồi hộp. Chính vì thế bà cứ nói không ngừng nghỉ, cười phá lên vào những lúc dớ dẩn, cũng chính vì thế mà bà phải viện đến động tác lục tìm ngăn kéo và lôi ra một thanh sô cô la.
“Món quà nhỏ kèm với thức uống của cháu đây. Nó cũng đáng để cháu đến thăm bác lần nữa chứ, hả?”
Lauren lúng túng thay cho người phụ nữ, dù sung sướng nhận thanh sô cô la. Ở nhà con bé không đòi nào có kẹo.
“Bác không phải hối lộ cháu để cháu đến thăm bác, nó nói. “Cháu thích đến.”
“Ô hô. Vậy là bác không cần làm thế chứ gì? Cháu đúng là trẻ con. Được, thế thì trả nó lại cho bác.”
Bà đưa tay giật thanh sô cô la, Lauren chúi người xuống che. Rồi con bé cũng phá lên cười.
“Ý cháu là lần sau cơ. Lần sau bác không cần phải hối lộ cháu.”
“Một lần hối lộ là đủ rồi. Phải không?”
“Cháu muốn có gì đó để làm,” Lauren nói. “Ngoài việc cứ đi thẳng về nhà.”
“Cháu không tới nhà bạn bè à?”
“Cháu không có bạn. Cháu chỉ mới vào học trường này hồi tháng Chín.”
“A. Nếu cái lũ hay vào đây có gì là mẫu tiêu biểu để cháu chọn bạn thì bác bảo, tốt nhất cháu hãy cứ tránh xa chúng ra. Cháu thấy thị trấn này thế nào?”
“Nhỏ xinh. Có vài thứ hay.”
“Một đống rác. Toàn là rác rưỏi. Bác đã sống qua nhiều đống rác trong đời đến nỗi cháu nghĩ coi, chắc đến giờ lũ chuột đã ăn mất tiêu cái mũi của bác rồi.” Bà gõ nhịp mấy ngón tay lên lên xuống xuống sống mũi. Móng tay bà trùng với màu phấn mắt. “Vẫn còn đó,” bà nói một cách đầy nghi ngờ.
Một đống rác. Bà Delphine nói những câu như thế. Bà nói một cách kịch liệt - không luận bàn mà tuyên bố thẳng thừng, và phán xét của bà thì rất cay nghiệt và thất thường. Bà kể về chính bà - những thứ bà thích, công việc tay chân bà đã làm qua - như một câu chuyện trinh thám bất hủ, một câu chuyện độc nhất vô nhị và đầy tính phán quyết.
Bà bị dị ứng với củ cái đường. Chỉ cần một giọt đường củ cải lọt vào cổ họng bà thôi, là các mô cơ của bà sẽ sưng phồng lên và bà sẽ phải nhập viện, sẽ cần phải mổ cấp cứu mới có thể thở lại được.
“Còn cháu thì sao? Cháu có bị dị ứng gì không? Không à? Tốt.”
Bà tin rằng phụ nữ phải giữ bàn tay mình đẹp đẽ, cho dù cô ta phải làm công việc gì chăng nữa. Bà thích sơn móng tay màu tím than hoặc màu mận chín. Bà cũng thích đeo hoa tai, loại lớn kêu lách cách, ngay cả khi đang làm việc. Bà không ưa loại hoa tai nhỏ như hột nút.
Bà không sợ rắn, nhưng bà có một nỗi sợ kỳ quặc đối với mèo. Bà nghĩ hình như tại hồi còn bé tí có một con mèo hay tới nằm đè lên bà, do nó bị quyến rũ bới mùi sữa.
“Thế còn cháu thì sao?” bà nói với Lauren. “Cháu sợ cái gì? Màu cháu thích nhất là màu gì? cháu có bao giờ bị mộng du trong khi ngủ không? Da cháu rám nắng hay cháy nắng vậy? Tóc cháu mọc nhanh hay chậm?”
Chẳng phải Lauren không quen với việc ai đó lưu tâm đến mình. Harry và Eileen - nhất là Harry - vẫn thường quan tâm đến suy nghĩ và ý kiến của nó đấy thôi. Đôi khi sự quan tâm này khiến con bé bực mình. Nhưng nó chưa bao giờ nhận ra rằng còn có thể có những điều khác như thế này, những chi tiết rất tùy hứng, mà dường như lại quan trọng một cách thú vị. Và nó không bao giờ có cảm giác - như lúc ở nhà - rằng có sự chất vấn nào khác nằm đằng sau những câu hỏi của bà Delphine, không bao giờ cảm thấy rằng nếu mất cảnh giác thì mình có thể bị xâm phạm đòi tư.
Bà Delphine dạy con bé kể truyện cười. Bà bảo bà biết hàng trăm truyện cười, nhưng bà chỉ kể cho Lauren những truyện thích hợp. Harry chắc hẳn sẽ không đồng tình rằng truyện về những người vùng Newfoundland (Newfie) là thích hợp, nhưng Lauren vẫn phá lên cười cho bà vui lòng.
Con bé bảo với Harry và Eileen là mình thường đến chỗ một người bạn sau khi tan trường. Đó không hẳn là lời nói dối. Dường như họ lấy làm mừng thì phải. Nhưng chính vì họ mà con bé không lấy sợi dây chuyền có tên mình khi bà Delphine bảo con bé cầm đi. Con bé giả vờ ấy là tại nó lo người sở hữu sợi dây có thể vẫn sẽ tới tìm.
Bà Delphine biết Harry, bà hay mang đồ ăn sáng ra cho Harry ở quán cà phê, bà hoàn toàn có thể nhắc tới việc Lauren tới thăm mình, nhưng có vẻ như bà không làm thế.
Thỉnh thoảng bà đặt lên bàn một tấm biển - Rung chuông phục vụ - rồi dẫn Lauren cùng đi tới những khu khác trong khách sạn. Thi thoảng cũng có khách tá túc ở đó, cho nên giường của họ cần được dọn, toa lét, bồn rửa phòng cần được cọ, sàn phòng cần được hút bụi. Lauren không được phép giúp. “Cứ ngồi đó nói chuyện với bác,” bà Delphine nói. “Loại việc này phải làm một mình thôi.”
Nhưng bà mới là người nói. Bà kể tràng giang về cuộc đời mình không theo bất kỳ kiểu trật tự gì. Những nhân vật hiện ra rồi biến mất và Lauren nghiễm nhiên phải tự biết ai với ai mà không cần hỏi. Những người được gọi bằng Ông hay Bà là những người chủ tốt. Còn những người chủ bị kêu bằng Thịt Muối Thiu hay Mông Ngựa Già (đừng lặp lại ngôn ngữ của bác đẩy nhé) thì là những kẻ kinh khủng. Trước kia bà Delphine từng làm ớ bệnh viện (Làm y tá ư? Bác có đùa không đấy?), ở những cánh đồng thuốc lá, trong những nhà hàng tầm trung, trong những quán rượu chui, ở một trại gỗ xẻ nơi bà nấu ăn cho mọi người, rồi tại một bến xe nơi bà rửa dọn và thấy những thứ tởm lợm kinh hồn đến mức chẳng muốn nhắc tới, và trong một cửa hàng tiện ích mở suốt đêm nơi bà bị bắt chẹt đến phải bỏ việc.
Đôi khi bà la cà choi với Lorraine và có lúc là Phyl. Phyl có thói mượn đồ người khác mà không buồn hỏi - cô này mượn áo của bà Delphine để mặc đi khiêu vũ rồi tướp mồ hôi nhiều đến nỗi làm mục luôn mảng áo dưới cánh tay. Lorraine tuy tốt nghiệp trung học nhưng lại phạm một lỗi tày đình là cưới một tên đầu đất cho nên bây giờ chắc hẳn là đang hối tiếc khôn nguôi.
Lẽ ra bà Delphine đã có thể lấy chồng rồi đấy. Trong những gã đàn ông bà cặp kè, một số đã cư xử với bà không đến nỗi nào, một số biến thành kẻ ăn bám, số khác bà mù tịt chả biết chuyện gì xảy ra với họ. Bà mê tít một cậu trai tên là Tommy Kilbride nhưng cậu ta là người theo đạo Thiên Chúa.
“Có lẽ cháu không biết điều đó có nghĩa là gì đối với một phụ nữ đâu.”
“Điều đó có nghĩa là không thể dùng biện pháp tránh thai,” Lauren nói. “Eileen theo đạo Chúa, nhưng đã bỏ đạo vì không đồng ý với điều đó. Eileen mẹ cháu ấy.”
“Dù sao mẹ cháu cũng chẳng việc gì phải lo lắng, sự thể hóa ra như thế còn gì.”
Lauren không hiểu ý bà nói vậy là sao. Sau đó con bé nghĩ bà Delphine xem ra đang nói về việc mình - Lauren - là đứa con duy nhất. Chắc bà nghĩ Harry và Eileen hẳn rất mong có thêm con sau khi họ sinh Lauren nhưng Eileen không còn khả năng đẻ thêm nữa. Theo như Lauren biết đến lúc này thì sự việc không phải như vậy.
Con bé nói, “Ba mẹ cháu có thể có thêm con nếu họ muốn. Sau khi họ sinh cháu ra.”
“Cháu nghĩ như thế đấy hả?” bà Delphine nói giọng bông lơn. “Có khi họ chẳng thể có đứa nào cả. Họ nhận nuôi cháu cũng nên.”
“Không. Không phái. Cháu biết là không phải.” Lauren chỉ chực nói tuốt tuồn tuột sự việc xảy ra khi Eileen mang thai, nhưng con bé kìm lại vì Harry đã nhấn mạnh đó là điều bí mật. Con bé rất ngây thơ tin rằng không bao giờ được nuốt lời, dù nó đã nhận thấy người lớn thường chẳng ngần ngại nuốt lời hứa của họ.
“Đừng nghiêm trọng thế chứ,” bà Delphine bảo. Bà đưa tay ôm mặt Lauren và nhịp nhịp những ngón tay sơn màu mâm xôi đen lên má nó. “Bác chỉ đùa thôi mà.”
Bộ phận sấy trong máy giặt của khách sạn đang bị xịch đụi, bà Delphine phải phơi ga giường và khăn tắm ướt lên cho khô, và vì trời mưa nên chỗ tốt nhất để phơi là trong chuồng ngựa cho thuê cũ. Lauren giúp bà khiêng ga vải lanh trắng đầy ú qua cái sân nhỏ rải sỏi đằng sau khách sạn vào trong ngăn chuồng trống trơn xây bằng đá. Người ta vừa láng sàn xi măng ở đó nhưng mùi đất từ bên dưới vẫn rỉ qua đấy xông lên, hoặc có lẽ mùi từ những bức tường đá-xà-bần phả ra. Đất sình, da ngựa sống, da thuộc và thoang thoảng mùi nước đái. Cả một không gian trơ trụi, chẳng có gì ngoài dây phơi, vài cái bàn ghế gãy. Bước chân họ dội âm.
“Thử gọi tên cháu lên coi,” bà Delphine nói.
Lauren cất tiếng, “Del-phee-een.”
“Tên cháu cơ mà. Cháu định âm mưu gì đó?”
“Tên đó vang hơn,” Lauren nói, rồi gọi thêm lần nữa, “Del-phee-een.”
“Bác không thích tên mình,” bà Delphine nói. “Không ai thích tên mình cả.”
“Cháu thích tên cháu.”
“Tên Lauren hay chứ. Nó thuộc vào loại tên hay. Họ đặt tên cho cháu hay đấy.”
Bà Delphine biến mất đằng sau tấm ga trải giường mà bà đang kẹp vào sợi dây phơi. Lauren luẩn quẩn xung quanh, miệng huýt sáo.
“Ở đây mà hát sẽ hay cho mà xem,” bà Delphine nói. “Hát cái bài cháu thích nhất đi.”
Lauren không nghĩ ra được bài nào mình thích. Điều đó hình như làm bà Delphine ngạc nhiên, ngạc nhiên hệt như khi bà vớ lẽ Lauren không biết câu chuyện tếu nào cả.
“Bác biết khối,” bà nói. Rồi cất tiếng hát.
“ Dòng sông trăng, trải dài muôn dặm.
Đó là bài Harry thỉnh thoảng vẫn hát, lần nào cũng theo kiểu cười cợt bài hát, hoặc tự cười cợt chính mình. Lối hát của bà Delphine khác xa. Lauren cảm thấy nỗi buồn trầm mặc trong giọng hát của bà Delphine kéo mình về phía những tấm trải giường treo đu đưa. Những tấm trải giường hình như tự tan biến quanh con bé - không, quanh con bé và bà Delphine - tạo nên cảm xúc ngọt ngào sâu sắc. Giọng bà Delphine giống như một vòng ôm rộng mở, để ta chạy ùa vào. Đồng thời, cảm xúc buông lơi trong đó khiến cho Lauren rùng mình quặn ruột, một cảm giác buồn nôn mơ hồ chực trào.
“ Chờ nơi ngã rẽ
Hỡi người bạn từ thời thơ trẻ của em... “
Lauren làm gián đoạn bài hát khi kéo một chiếc ghế đã long bàn ngồi lại gần, khiến chân ghế cạ lê mặt sàn.
“Có điều này từ lâu con định hỏi ba mẹ,” Lauren nghiêm trang nói với Harry và Eileen bên bàn ăn tối. “Có khi nào con là con nuôi của ba mẹ hay không?”
“Con lấy cái ý tưởng đó ở đâu ra thế?” Eileen hỏi.
Harry ngừng ăn và nhướng mày lên cảnh cáo Lauren, rồi bắt đầu tếu táo. “Nếu ba mẹ nhận nuôi một đứa nhỏ,” anh nói, “con nghĩ coi ba mẹ có thèm nhận một đứa hỏi lắm câu cắc cớ không?”
Eileen đứng phắt dậy, lần mò kéo khóa váy. Chiếc váy vừa tuột ra, cô tụt quần tất và quần lót xuống.
“Xem đây,” cô nói. “Cái này chắc sẽ nói cho con biết.”
Bụng cô, khi mặc váy trông phẳng là thế, giờ phô ra một khối hơi tròn và sệ. Bề mặt da, vẫn hơi rám nắng xuống đến vùng bikini, lằn lên những vệt trắng nhợt, bóng ngời trong ánh đèn bếp. Trước kia Lauren đã nhìn thấy chúng rồi nhưng không nghĩ ngợi gì cả - xem ra chúng chỉ là một phần thuộc cơ thể riêng tư của Eileen, giống như hai nốt ruồi sinh đôi chỗ xương đòn của cô vậy.
“Do da bị rạn đấy,” Eileen nói. “Mẹ đã mang con đằng trước này.” Cô giữ tay ở một khoảng phóng đại phía trước bụng mình. “Giờ con đã tin chưa?”
Harry cúi đầu rúc vào cái bụng trần của Eileen. Xong anh quay lại nói với Lauren.
“Trong trường hợp con thắc mắc tại sao ba mẹ không sinh thêm em nữa thì câu trả lời rằng con là đứa trẻ duy nhất ba mẹ cần. Con thông minh và xinh xắn, con có óc hài hước. Làm sao ba mẹ chắc chắn sẽ có một đứa trẻ nữa tuyệt vời như con? Thêm nữa, chúng ta không phải là gia đình chuẩn mực. Ba mẹ thích di chuyển. Thử làm việc này việc kia, linh hoạt. Ba mẹ đã có một đứa con hoàn hảo và dễ thích ứng. Không cần phải tiếp tục thử vận may của mình đâu.”
Mặt anh, gương mặt Eileen không thể thấy, đang hướng thẳng vào Lauren bằng cái vẻ trông nghiêm trọng hơn lời anh nói. Toát lên sự báo động không ngừng, hòa trộn với nỗi thất vọng và kinh ngạc.
Nếu Eileen không đứng đó thì hẳn Lauren đã hỏi anh rồi. Nhỡ họ mất cả hai đứa trẻ, thay vì chỉ một đứa, thì sao? Nhớ con bé chưa bao giờ ở trong bụng Eileen và không phải nguyên nhân gây ra những vết rạn trên bụng cô? Làm sao nó có thể chắc chắn họ không nhận nuôi nó để thay thế? Nếu đã từng có một bí mật hệ trọng đến thế mà mãi đến gần đây con bé mới hay biết, thì tại sao không thể có thêm một bí mật nào khác?
Ý tưởng này thật bức bối, nhưng đồng thời cũng có sức hấp dẫn lập lờ.
Lần kế tiếp Lauren bước vào tiền sảnh khách sạn sau giờ học là lúc con bé đang bị ho.
“Đi lên gác nào,” bà Delphine nói. “Bác có thuốc này hay lắm.”
Ngay khi bà vừa trưng tấm biển “ Rung chuông phục vụ” lên thì ông Palagian từ quán cà phê xuất hiện trong tiền sảnh. Một chân ông mang giày và chân kia đi dép lê, mũi dép rạch một đường để thò bàn chân băng bó ra. Ở ngay phía dưới chỗ là ngón chân cái có một vệt máu khô.
Lauren nghĩ bà Delphine sẽ bỏ tắm biển xuống khi trông thấy ông Palagian, nhưng bà không làm thế. Bà chỉ nói với ông, “Này, ông nên tranh thủ thay miếng băng đó ngay đi.”.
Ông Palagian gật đầu nhưng không nhìn bà.
“Chút nữa tôi xuống,” bà nói với ông.
Phòng của bà trên gác ba, dưới mái hiên. Vừa leo vừa ho, Lauren nói, “Chân ông ấy bị làm sao đấy ạ?”
“Chân gì?” bà Delphine nói. “Chắc ai đó giẫm lên, bác đoán vậy. Có lẽ là gót giày, nhỉ?”
Mái trần phòng bà chúc dốc xuống hai bên một cửa sổ vòm. Có một chiếc giường đơn, một bồn rửa, một cái ghế, một cái bàn. Trên ghế có một cái bếp điện mini đặt ấm đun nước bên trên. Trên bàn la liệt đồ trang điểm, lược, thuốc tây, hộp trà túi lọc và một hộp bột sô cô la. Ga giường là loại vải mỏng sọc nổi màu nâu trắng, giống loại trải giường cho khách.
“Không tươm tất lắm nhỉ?” bà Delphine nói. “Bác không hay ở đây.” Bà hứng đầy ấm nước ở bồn rồi cắm phích bếp điện, xong bà giật tấm ga giường để lấy chăn. “Chui ra từ cái áo khoác ấy mau. Quấn cái này vào cho ấm,” bà nói, đoạn chạm tay vào nút bấm lò sưởi. “Phải mất cả ngày may ra mới có chút hơi ấm lên tới đây.”
Lauren làm theo bà bảo. Hai bộ tách muỗng được lấy ra khỏi ngăn kéo trên cùng, bột sô cô la được đong ra khỏi hộp. Bà Delphine nói, “Bác chỉ pha với nước nóng thôi. Bác đoán là cháu quen thêm sữa vào rồi. Bác không cho sữa vào trà hay vào bất cứ thứ gì. Mang lên đây chỉ tổ thiu mất. Bác chả có tủ lạnh.”
“Pha với nước là tốt rồi ạ,” Lauren nói, mặc dù nó chưa bao giờ uống sô cô la nóng theo cách này. Bỗng nhiên nó ước gì lúc này mình đang ở nhà, quấn chăn trên sofa coi ti vi.
“Sao cứ đứng ra đó,” bà Delphine nói bằng giọng hơi sẵng hoặc hơi run. “Ngồi xuống thoải mái đi. Ấm nước sắp sôi rồi.”
Lauren ngồi xuống mép giường. Thình lình bà Delphine quay phắt lại, chộp vào dưới hai cánh tay nó - khiến nó lại ho hắng - xốc nó lên ngồi dựa lưng sát tường, chân thò ra sàn. Giày con bé bị tháo ra và bà Delphine lẹ làng bóp bàn chân nó coi vớ có bị ướt không.
Không.
“Ối. Hồi nãy bác đang định đi tìm cái gì để trị cơn ho của cháu cơ mà. Xi rô ho của ta đâu rồi nhỉ?”
Cũng từ ngăn kéo trên cùng đó hiên ra một cái lọ đựng chất lỏng màu hồ phách còn phân nửa. Bà Delphine rót ra muỗng. “Há mồm ra,” bà nói. “Không ghê đâu.”
Lauren nuốt xong bèn hỏi, “Trong đó có whisky à?”
Bà Delphine ngó cái chai, không dán nhãn.
“Bác chả thấy ở đâu nói vậy. Cháu thấy thế à? Ba mẹ cháu có nổi tam bành lên không nếu bác cho cháu uống một thìa whisky để trị ho?”
“Thỉnh thoảng ba pha cho cháu một ít rượu mạnh.”
“Thế á, thật không?”
Nước sôi, bà Delphine rót ra những cái tách, và khuấy nhanh, vừa nghiền những tảng vón cục vừa nói với chúng.
“Mau lên, bọn bay. Mau lên.” Giả bộ vui nhộn.
Hôm nay có gì đó không bình thường ở bà Delphine. Bà có vẻ quá bối rối và kích động, có lẽ còn giận dữ trong lòng. Lại nữa, bà quá dềnh dàng, khoa tay múa chân quá đáng và quá cường điệu, so với căn phòng này.
“Cháu nhìn quanh nơi này xem,” bà nói. “Bác biết cháu đang nghĩ gì. Cháu đang nghĩ, chao ơi, bà ấy nghèo rớt mùng tơi. Sao bà ấy không có nhiều đồ đạc hơn? Nhưng bác không tích lũy của nả. Lý do chính đáng là bác có dư thừa kinh nghiệm về việc thu dọn đồ và chuyển nhà. Vừa mới ổn định là lại có việc gì đó xảy ra, thế rồi ta phải dọn đi. Mặc dù vậy, bác gửi tiết kiệm. Người ta sẽ ngạc nhiên khi biết bác có gì trong ngân hàng cho xem.”
Bà trao tách sô cô la cho Lauren rồi thận trọng ngồi yên vị ở đầu giường, lấy gối dựa vào lưng, bàn chân mang vớ lụa đặt lên tấm trải giường. Lauren có cảm giác gớm gớm bàn chân trong đôi vớ lụa đó. Con bé vốn không thấy gớm ghiếc với bàn chân trần, hay chân mang vớ dày, hay chân mang giày, hay chân đi vớ lụa bọc trong giày, mà chỉ e dè chân mang vớ lụa bày trưng ra, nhất là nó chạm vào thứ vải khác thì càng ghê. Đây chỉ là cảm giác ơn ớn rất riêng tư - như cảm giác con bé hay cảm thấy về phòng giặt hoặc ngũ cốc nổi lềnh phềnh trong sữa.
“Cháu vào đây chiều nay đúng lúc bác đang buồn,” bà Delphine nói. “Bác đang nghĩ về một cô gái bác từng biết và bác nghĩ mình sẽ viết cho cô ta một lá thư nếu biết cô ta ở đâu. Joyce là tên cô ta. Bác đang nghĩ không biết đời cô ta ra sao rồi.”
Trọng lượng thân thể bà Delphine làm cho nệm võng xuống, cho nên Lauren chật vật để không bị trượt về phía bà. Việc con bé nỗ lực để không đụng vào cơ thể bà khiến nó lúng túng và phải cố làm ra vẻ hết sức lịch sự.
“Bác biết cô ấy khi nào?” con bé hỏi. “Hồi bác còn trẻ à?
Bà Delphine cười lớn. “ừ. Hồi bác còn trẻ. Cô ta cũng trẻ, cô ta đã phải bỏ nhà ra đi, sau đó cô ta giao du với một chú chàng để rồi bị dính. Cháu biết ý bác nói gì không?”
Lauren đáp, “Mang thai.”
“Đúng. Thế nhưng cô ta cứ sống dật dà dật dờ vậy thôi, có lẽ cô ta nghĩ rồi nó cũng qua đi. Ha ha. Như bệnh cúm vậy. Thằng cha dan díu với cô ta đã có hai mặt con với một con mẹ khác mà hắn chả cưới xin gì, nhưng ít nhiều cũng già nhân ngãi non vợ chồng, với lại hắn luôn tơ tưởng chuyện trở lại với con vợ hờ đó. Nhưng trước khi tếch đi thì hắn bị tóm. Cả cô ta - Joyce ấy - cũng bị tóm bởi vì cô ta giao hàng loanh quanh giùm cho hắn. Cô ta nhét hàng vào những nút Tampax*, cháu biết thứ đó là cái giống gì chứ? Và cháu có biết ý bác nhắc tới hàng gì không?”
Tampax: nhãn hiệu một loại băng vệ sinh thông dụng của phụ nữ.
“Dạ có,” Lauren trả lời cho cả hai câu hỏi. “Biết chứ. Ma túy.”
Bà Delphine làm âm thanh sùng sục trong miệng, nuốt ngụm sô cô la đi. “Bí mật tối thượng đấy, cháu hiểu chứ?”
Không phải mọi tảng bột sô cô la đều được nghiền và đã tan hết, Lauren không muốn dằm chúng bằng cái thìa vẫn còn vị của thứ gọi là xi rô ho.
“Cô ta ra tù với một cái án treo, như vậy mang thai không phải là điều tệ lậu tí nào, nó đã giải thoát cô ta khỏi tù tội. Tiếp đó, cô ta gặp một nhóm người theo đạo Thiên Chúa, họ biết vợ chồng một ông bác sĩ nọ chuyên chăm những cô gái sinh con rồi lo thủ tục cho bọn trẻ làm con nuôi ngay lập tức. Hành động ấy không đáng trọng cho lắm đâu, họ kiếm tiền từ những đứa bé này, nhưng dù sao thế cũng giúp cô ta tránh được lũ nhân viên xã hội. Vì vậy cô ta sinh con ra rồi thậm chí không bao giờ nhìn thấy nó nữa. Tất cả những gì cô ta biết là cô ta có một đứa con gái.”
Lauren nhìn quanh tìm đồng hồ. Không có. Đồng hồ đeo tay của bà Delphine khuất dưới ống tay áo len màu đen của bà.
“Thế là cô ta ra khỏi nơi đó, sau đấy biết bao chuyện này chuyện nọ xảy đến với cô ta khiến cô ta chẳng mảy may nghĩ gì đến đứa bé. Cô ta nghĩ mình sẽ lập gia đình và sẽ có thêm những đứa con khác. Nhưng, hừ, chuyện này không xảy ra. Nói vậy không có nghĩa cô ta để tầm đến chuyện ấy nhiều nhặn gì cho cam, vì với một số người chuyện lập gia đình này nọ không xảy ra. Cô ta thậm chí còn bị mổ hai lần. Cháu biết loại mổ gì không?”
“Phá thai,” Lauren đáp. “Mấy giờ rồi ạ?”
“Cháu là loại con nít biết nhiều thứ đó,” bà Delphine nói. “ừ, đúng. Phá thai.” Bà xắn tay áo lên nhìn đồng hồ đeo tay. “Chưa đến năm giờ. Bác đang định nói tiếp rằng cô ta bắt đầu nghĩ đến đứa con gái nhỏ và tự hỏi nó thành ra thế nào rồi, thế là cô ta bắt đầu điều tra tìm tông tích nó. Không biết may phước làm sao mà cô ta tìm thấy đúng những người kia. Những người theo đạo Thiên Chúa. Cô ta buộc phải hơi ác độc với họ, nhưng cô ta thu thập được một số thông tin. Cô ta biết được tên của cặp vợ chồng nhận nuôi con bé.”
Lauren ngọ nguậy trượt xuống giường. Trườn một nửa người ra khỏi chăn, nó đặt cái tách lên bàn.
“Cháu phải về đây,” con bé nói. Nó nhìn ra ô cửa sổ nhỏ. “Tuyết đang rơi.”
“Thế à? Còn tin gì mới nữa không? Cháu không muốn biết chuyện còn lại sao?”
Lauren xỏ chân vào giày, cố làm một cách lơ đãng để bà Delphine không để ý quá nhiều.
“Người đàn ông được cho là đang làm việc cho một tờ tạp chí, thế là cô ta tới đó, người ta bảo anh ta không ở đó nữa nhưng họ cho cô ta biết nơi anh ta tới. Cô ta không biết họ đặt tên cho đứa con của cô ta là gì, nhưng đó lại là một điều khác cô ta tìm hiểu được. Phải đến khi cố làm thì người ta mới biết mình có thể tìm được những gì. cháu đang cố chạy trốn khỏi bác đấy à?”
“Cháu phải về. Bụng cháu khó chịu quá. Cháu bị cảm lạnh.”
Lauren giật chiếc áo khoác bà Delphine treo trên cái móc cao sau cánh cửa. Khi không thể giật áo xuống được ngay, mắt con bé bỗng trào nước.
Bà Delphine thả chân xuống đất, từ từ đứng lên khỏi giường, đặt tách xuống bàn.
“Nếu cháu đau bụng thì nằm xuống đi. Chắc tại cháu uống nhanh quá đó mà.”
“Cháu chỉ muốn lấy áo của cháu.”
Bà Delphine nhấc cái áo ra nhưng giữ nó ở trên cao. Khi Lauren tóm trúng được nó, bà vẫn không buông ra.
“Sao thế hả?” bà hỏi. “Cháu không khóc đấy chứ? Bác không ngờ cháu lại là một đứa mít ướt đấy. Được rồi. Được rồi. Đây này. Bác chỉ trêu cháu thôi mà.”
Lauren xỏ tay vào hai ống tay áo nhưng biết mình sẽ không thể kéo khóa được. Con bé liền đút cả hai tay vào túi áo.
“Được chưa?” bà Delphine nói. “Giờ cháu đỡ rồi há?
Cháu vẫn là bạn của bác đấy chứ?”
“Cảm ơn sô cô la nóng của bác.”
“Đừng bước hấp tấp quá, cháu không muốn bao tử mình nhộn nhạo đâu phải không.”
Bà Delphine cúi người về phía con bé. Lauren lùi lại, sợ mái tóc trắng, cái mớ tóc mềm mượt thõng xuống kia, sẽ chạm phải miệng mình.
Nếu ta già đến mức tóc bạc hết cả thì ta không nên để tóc dài.
“Bác biết cháu có thể giữ được bí mật, bác biết cháu giữ kín chuyện đến đây chơi bời nói chuyện với bác và đủ mọi thứ. Rồi sau này cháu sẽ hiểu. Cháu là một bé gái tuyệt vòi. Vậy đấy.”
Bà hôn lên đầu Lauren.
“Cháu đừng lo lắng về cái gì hết,” bà nói.
Những bông tuyết lớn rơi thẳng xuống, để lại trên vía hè một lớp áo lốp xốp tan thành những vệt đen ở những chỗ người ta qua lại, sau đó lập tức lấp đầy như cũ. Dòng xe trôi thận trọng, lóe ra những ánh đèn vàng mờ mờ. Lauren chốc chốc lại nhìn quanh xem có ai đi theo mình không. Nó nhìn không rõ cho lắm do tuyết dày đặc và ánh mặt trời đang tắt dần, nhưng nó nghĩ không ai đi theo mình cả.
Con bé cảm thấy như bao tử mình vừa sưng lên vừa hõm tọp xuống. Coi bộ xoi loại thức ăn thích hợp nào đó thì nó sẽ tống khứ được cảm giác ấy đi, thành thử vừa về đến nhà nó liền tiến thẳng đến tủ bếp, rót luôn một tô ngũ cốc điểm tâm quen thuộc. Không còn xi rô nhựa phong, nhưng nó tìm thấy một ít xi rô bắp. Con bé đứng trong gian bếp lạnh, ăn không kịp cởi cả giày và áo khoác ngoài, mắt dõi ra mánh sân sau mới bị phủ trắng xóa. Tuyết làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng, ngay cả khi đèn bếp cũng đang bật sáng. Con bé thấy chính mình phản chiếu trên nền khoảng sân sau ngập tuyết, những tảng đá chỏm trắng và những cành thường xuân rũ oằn vì chở tuyết.
Nó sắp sửa đút thìa cuối cùng lên miệng thì đột nhiên chạy ù té vào buồng tắm ọc ra hết - miếng cốm bắp hầu như chưa đổi dạng, cả xi rô nhớt sệt và những sợi sô cô la trơn bợt bạt cũng vậy.
Khi ba mẹ nó về nhà, nó đang nằm trên sofa, vẫn còn nguyên giày và áo khoác, xem ti vi.
Eileen lột sạch mớ đồ mặc ngoài đường ra khỏi người con bé, mang chăn cho nó, đo nhiệt độ cho nó - bình thường - rồi nắn bụng nó xem có bị cứng không, bảo nó gập đầu gối phải lên sát ngực xem làm vậy có khiến nó đau sườn bên phải không. Eileen luôn lo sợ căn bệnh viêm ruột thừa vì có lần cô đang dự một bữa tiệc - loại tiệc tùng kéo dài nhiều ngày - thì có một cô gái chết vì bục ruột thừa, trong khi tất cả mọi người quá say sưa đến nỗi không nhận ra cô gái đang gặp tai họa chết người. Khi đã chắc chắn ruột thừa của Lauren không sao, cô đi nấu bữa tối, Harry ở lại bên Lauren.
“Ba nghĩ con bị viêm trường thừa* thì có,” anh nói. “Chính ba đã từng bị bệnh đó mà. Có điều hồi ba còn bé người ta chưa phát minh ra phương pháp chữa trị nó. Con biết cách chữa là gì không? Nằm ườn ra trường kỷ coi ti vi.”
Harry trêu Lauren bằng cách chơi chữ, đọc appendicitis (viêm ruột thừa) thành schoolitis, tức cảm giác nôn nao khó chịu khi phải đi học.
Sáng hôm sau Lauren nói mình vẫn còn bệnh mặc dù đó không phải sự thật. Con bé từ chối bữa sáng, nhưng ngay khi Harry và Eileen đi khỏi nhà nó liền vớ ngay một ổ bánh quế to tướng, cứ thế vừa coi ti vi vừa ăn, không kịp nướng lại cho nóng. Con bé chùi những ngón tay nhớp nháp vào tấm chăn đang đắp trên người, cố nghĩ ngợi về tương lai của mình. Con bé muốn tương lai của nó diễn ra ở ngay đây, bên trong ngôi nhà này, trên chính chiếc ghế sofa này, nhưng trừ phi con bé sản xuất ra một căn bệnh thật sự nào đó, còn không thì nó không biết chuyện ấy sẽ xảy ra bằng cách nào.
Chương trình tin tức trên ti vi kết thúc, tiếp nối là một trong những bộ phim truyền hình lê thê vẫn chiếu hằng ngày. Đây là thế giới con bé từng quen thuộc khi bị viêm phế quản mùa xuân năm ngoái, rồi kể từ đó đã quên khuấy nó luôn. Bất chấp việc con bé đã bỏ không xem một thời gian dài, bộ phim dường như không có nhiều thay đổi. Hầu như vẫn những nhân vật đó xuất hiện - trong những tình huống mới, dĩ nhiên - và họ vẫn giữ nguyên cách cư xử (quý phái, thô lỗ, gợi cảm, rầu rĩ), rồi vẫn nguyên xi những ánh nhìn xa xăm và những câu thoại lấp lửng khi nhắc đến tai nạn và bí mật. Con bé thích thú ngồi xem một lúc, nhưng rồi bất chợt một điều nảy ra trong tâm trí nó và bắt đầu khiến nó bồn chồn. Con nít và cả người lớn trong những câu chuyện này thường vỡ lẽ ra mình thuộc về những gia đình khác với những gia đình họ luôn nhận là gia đình mình. Những người lạ hoắc, thường là bị điên và rất nguy hiểm, bất thình lình hiện ra, mang theo những tuyên bố và cảm xúc chất chứa đầy tai họa của họ, và thế là bao nhiêu cuộc đời bỗng bị đảo lộn.
Tình tiết này hẳn có thời đã là một kết cuộc đầy hấp lực đối với con bé, nhưng giờ không còn thế nữa.
Harry và Eileen không bao giờ khóa cửa. Hãy tưởng tượng rằng, Harry nói, chúng ta sống ở một nơi có thể bước ra ngoài mà không bao giờ phải đóng cửa. Giờ, Lauren bật dậy ra khóa cửa, cả cửa trước lẫn cửa sau. Rồi nó kéo hết rèm cửa sổ lại. Hôm nay không có tuyết rơi, nhưng cũng không có tuyết tan. Tuyết mới đã nhuốm màu xam xám, như thể đã già đi chỉ qua một đêm.
Con bé không cách chỉ che kín được những ô kính nhỏ trên cánh của trước. Có ba ô cả thảy, hình thù như những giọt nước mắt xếp thành một đường chéo. Eileen rất ghét chúng. Cô đã xé hết giấy dán đi và son tường ngôi nhà rẻ tiền này bằng những màu không ngờ - xanh trứng sáo, hồng dâu, vàng chanh - cô đã dẹp sạch những tấm thảm xấu xí và đánh bóng mặt sàn, nhưng cô không thể làm gì với những ô kính vớ vẩn này.
Harry nói chúng đâu đến nỗi tệ, rằng mỗi ô dành cho mỗi người trong nhà, mà lại cao vừa tầm nữa, để mỗi người có thể nhìn ra ngoài. Anh đặt tên cho chúng là ô Gấu Cha, ô Gấu Mẹ và ô Gấu Con.
Tập phim kết thúc thì đến lượt hai ông bà nọ bắt đầu đàm đạo về những loại cây kiểng trồng trong nhà, Lauren ngủ lơ mơ mà hầu như không biết mình đang ngủ. Nó chỉ biết chắc chắn mình có ngủ khi bừng tỉnh khỏi giấc mơ về một con thú, một loại thú mùa đông như chồn xám hay một con cáo gầy giơ xương - con bé không chắc con nào - đứng ở sần sau giữa ban ngày ban mặt, rình rập ngôi nhà. Trong giấc mơ ai đó bảo với con bé rằng con thú này bị bệnh dại, bởi vì nó không sợ người hay những ngôi nhà có người sống.
Điện thoại reo. Con bé trùm chăn kín đầu để không nghe thấy. Nó chắc chắn đó là bà Delphine. Bà Delphine muốn biết nó khỏe chưa, tại sao nó trốn, nó nghĩ gì về câu chuyện bà đã kể cho nó, và khi nào thì nó lại tới khách sạn?
Thật ra đó là Eileen gọi, để kiểm tra coi Lauren đang cảm thấy như thế nào và tình trạng ruột thừa của con bé ra sao. Eileen để chuông điện thoại reo mười hay mười lăm hồi thì chạy tuột khỏi tòa báo mà không kịp mặc áo khoác và lái xe về nhà. Khi thấy cửa cái khóa, cô dộng thình thình vào cửa
và rung tay cầm cành cạch. Cô ép mặt vào ô cửa Gấu Mẹ và thét gọi Lauren. Cô nghe thấy tiếng ti vi. Cô chạy vòng ra cửa sau rồi vừa đập vừa thét gọi lần nữa.
Lauren nghe thấy hết, dĩ nhiên, với cái đầu trùm chăn kín mít, nhưng phải mất một lúc con bé mới nhận ra đó là Eileen chứ không phải bà Delphine. Nhận ra vậy rồi, nó rón rén vào bếp kéo cái chăn lết bết theo sau, vẫn hoài nghi cái giọng gọi kia là trò lừa.
“Lạy Chúa, con bị làm sao vậy?” Eileen thảng thốt, vòng tay ôm lấy con bé. “Tại sao cửa khóa, sao con không trả lời điện thoại mẹ, con đang âm mưu chơi trò gì vậy?”
Lauren câm nín được khoảng mười lăm phút, trong khi Eileen hết ôm chặt cứng lại quát tháo nó. Sau đó thì nó đổ sụp xuống và kể tất tần tật. Quả là một sự nhẹ nhõm, tuy nhiên ngay cả khi đang run lẩy bẩy và khóc bù lu con bé vẫn cảm thấy một điều gì đó riêng tư và phức tạp đang bị đánh đổi để mua lấy sự an toàn nhẹ nhõm. Không thể nào kể ra toàn bộ sự thật bởi lẽ chính con bé cũng không thể sắp xếp cho ra đầu ra đuôi. Con bé không thể giải thích mình đã muốn gì, nó gần như chẳng muốn gì hết.
Eileen gọi điện cho Harry, bảo anh phải về nhà ngay. Anh sẽ phải cuốc bộ, cô không thể tới đón anh, cô không thể bỏ Lauren lại một mình.
Cô đi ra mở cửa trước và trông thấy một chiếc phong bì, được đẩy vào qua khe bỏ thư nhưng không dán tem, cũng không có gì viết trên đó ngoài chữ LAUREN.
“Con có nghe thấy tiếng cái này đút qua khe không?” cô hỏi. “Con có nghe ai ở ngoài hiên không, sao lại có chuyện quái quỷ này xảy ra hở?”
Cô xé phong thư lôi ra một sợi dây chuyền vàng có chữ Lauren trên đó.
“Con quên kể cho mẹ nghe phần này,” Lauren nói.
“Có một mẩu giấy nhắn.”
“Đừng đọc,” Lauren thét. “Đừng đọc. Con không muốn nghe.”
“Đừng ngốc thế. Nó không biết cắn đâu. Bà ấy nói đã gọi điện tới trường nhưng con không ở đó, cho nên bà ấy thắc mắc hay là con bị ốm rồi và đây là món quà để làm con vui lên. Bà ấy nói dù sao thì bà ấy mua nó cho con chứ không ai làm mất nó cả. Cái này nghĩa là sao? Lẽ ra nó sẽ là món quà sinh nhật khi con mười một tuổi vào tháng Ba nhưng bà ấy muốn con có nó ngay bây giờ. Bà ấy lấy đâu ra cái ý tưởng sinh nhật con vào tháng Ba? Con sinh vào tháng Sáu mà.
“Con biết điều đó,” Lauren nói, bằng giọng trẻ con, kiệt lực, dằn dỗi mà giờ con bé lại sa vào.
“Con thấy chưa?” Eileen nói. “Bà ta sai bét cả. Bà ta là đồ điên.”
“Nhưng bà ấy biết tên ba mẹ. Bà ấy biết chỗ ba mẹ ở. Nếu con không phải con nuôi của ba mẹ thì sao bà ấy biết được những điều ấy?”
“Mẹ không biết làm thế quái nào bà ta biết, nhưng bà ta sai toét. Sai toét toẹt. Coi này. Ba mẹ sẽ lấy cho con xem giấy khai sinh của con. Con sinh ở bệnh viện Wellesley, Toronto. Ba mẹ sẽ đưa con tới đó, mẹ có thể chỉ cho con chính xác phòng con sinh...” Eileen nhìn lại tờ giấy nhắn một lần nữa rồi vò nát nó trong tay.
“Chó đẻ. Gọi tới trường. Mò đến tận nhà. Chó điên.”
“Giấu cái đó,” Lauren nói, hàm ý sợi dây chuyền. “Giấu nó đi. Cất đi. Cất ngay?
Harry không cuồng nộ như Eileen.
“Bà ta trông hoàn toàn như người bình thường bất cứ khi nào anh nói chuyện với bà ta,” anh nhận xét. “Bà ta không bao giờ nói những chuyện như vậy với anh.”
“Hừm, mụ sẽ không làm thế đâu,” Eileen điên tiết. “Mụ muốn tiếp cận Lauren. Anh phải đi nói chuyện phải trái với mụ. Không thì em sẽ đi. Ngay hôm nay.”
Harry nói để anh đi. “Anh sẽ làm cho ra ngọn ngành với bà ta,” anh nói. “Triệt để luôn. Sẽ không còn rắc rối gì nữa. Thật nhục nhã.”
Eileen làm bữa trưa sớm. Cô làm bánh hamburger quết xốt mayonnaise và mù tạt, theo kiểu cả Harry và Lauren đều thích. Lauren ăn xong hết phần bánh của mình rồi mới nhận ra rằng phô bày sự ngon miệng như vậy có lẽ là một sai lầm.
“Thấy khá lên chưa?” Harry nói. “Chiều nay đi học lại được rồi chứ?”
“Con vẫn bị cảm lạnh.”
Eileen nói, “Không. Không đến trường nữa. Em sẽ ở nhà với con.”
“Anh hoàn toàn không thấy vậy là cần thiết,” Harry nói.
“Đưa trả mụ cái này,” Eileen nói, ấn cái phong bì vào túi anh. “Đừng để tâm, đừng mất công nhìn nó, nó chỉ là món quà ngu si của mụ. Bảo mụ đừng bao giờ bày ra trò này nữa kẻo không thì mụ biết tay. Đừng bao giờ. Đừng bao giờ.”
Lauren không bao giờ phải trở lại trường nữa - trong thị trấn đó thì không.
Buổi chiều hôm đó Eileen gọi cho chị gái của Harry - Harry đã cạch không nói chuyện với chị do những lời chỉ trích của chồng chị về cách anh, Harry, sống - và họ nói chuyện với nhau về ngôi trường chị đã từng học qua, trường tư thục nữ sinh ở Toronto. Thêm nhiều cuộc gọi sau đó, một cuộc hẹn gặp được sắp đặt.
“Tiền bạc không thành vấn đề,” Eileen nói. “Harry có đủ tiền. Không thì anh ấy có thể xoay được.”
“Mà cũng không chỉ tại chuyện này xảy ra đâu,” Eileen nói. “Con không đáng phải lớn lên ở cái thị trấn nhạt phèo này. Con không đáng phải chịu phận của một kẻ dân quê tỉnh lẻ. Mẹ đã suy nghĩ về điều này suốt rồi. Mẹ chỉ định hoãn cho tới khi con lớn hơn một chút thôi.”
Harry nói, khi anh về nhà, rằng chắc chắn quyết định là tùy ở ý Lauren.
“Con muốn sống xa nhà không, Lauren? Ba tưởng con thích ở đây. Ba tưởng là con có bạn bè.”
“Bạn bè?” Eileen ngắt ngang. “Nó chỉ có mỗi con mụ đó. Del-phine. Có thật anh đã nói chuyện với mụ thật rồi không? Mụ đã nhận được lời nhắn của em chưa?”
“Anh đưa rồi,” Harry nói. “Bà ấy nhận rồi.”
“Anh có trả lại mụ của hối lộ không?”
“Nếu em thích gọi nó thế. Rồi.”
“Không rắc rối thêm nữa? Mụ hiểu chứ, không được lằng nhằng nữa?”
Harry bật radio và họ lắng nghe tin tức trong khi ăn tối. Eileen mở một chai rượu.
“Gì thế này?” Harry nói với giọng hơi đáng sợ. “Ăn mừng à?”
Lauren biết rõ những dấu hiệu này, con bé nghĩ nó có thể thấy trước mình sắp phải trải qua chuyện gì, cái giá gì sẽ phải trả cho sự cứu rỗi thần kỳ này - nào là không bao giờ phải trở lại trường học hay phải léo hánh đến khách sạn đó nữa, có lẽ còn không bao giờ phải đi bộ ngoài đường luôn, không bao giờ phải bước ra khỏi nhà trong hai tuần còn lại trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Rượu có thể là một trong những dấu hiệu. Có khi là vậy. Có khi không. Nhưng một khi Harry đã lôi chai gin ra và rót nửa cốc cho mình, không thêm gì ngoài chút đá - và chẳng bao lâu thậm chí không thêm đá - thì tiến trình đã được định đoạt. Tất cả mọi thứ xem ra vẫn hoan hỉ nhưng là nỗi hoan hỉ sắc tựa dao. Harry sẽ nói chuyện với Lauren, cả Eileen cũng nói chuyện với Lauren, nhiều hơn lệ thường hai người hay nói với con bé. Thi thoảng họ nói với nhau, theo kiểu ngỡ như bình thường. Nhưng có cái gì đó bồn chồn bứt rứt, chưa bật ra thành lời. Lauren hy vọng, hoặc cố hy vọng - chính xác hơn, con bé đã từng cố hy vọng - rằng làm sao đó họ sẽ ngăn chặn không cho trận cãi nhau bùng nổ. Con bé đã luôn tin - vẫn còn tin - rằng mình không phải là người duy nhất hy vọng điều này. Họ cũng hy vọng. Một phần trong họ hy vọng. Nhưng một phần họ lại sốt sắng đón nhận những gì sắp xảy ra. Họ chưa bao giờ chế ngự nỗi sốt sắng này. Chưa một lần nào khi cảm giác này hiện diện trong phòng, bầu không khí thay đổi, ánh đèn sáng choang khiến cho tất cả những hình thù, tất cả đồ đạc và ly tách đều sắc nét hơn, nhưng lại dày đặc hơn - chưa một lần nào cái điều tệ hại nhất lại không xảy ra tiếp theo sau.
Lauren từng không thể vào trú ngụ trong phòng riêng của mình, con bé buộc phải ở lại chỗ họ đang hiện diện, quăng mình vào giữa họ, phản đối và khóc ngất, cho tới khi một trong hai người tới nâng nó dậy, dìu nó trở vào giường, vừa đi vừa dỗ dành, Thôi thôi, không sao đâu mà, đừng nghe trộm ba mẹ, đừng nghe trộm làm gì, đó là cuộc sống của ba mẹ, ba mẹ cần phải nói chuyện với nhau.” “Nói chuyện với nhau” có nghĩa là đi lồng lộn quanh nhà, tuôn ra những bài quy tội rất tỉ mỉ, thét rống lên những bất đồng, cho tới khi họ phải ném gạt tàn, chai lọ, chén đĩa vào nhau. Có lần Eileen chạy bổ ra ngoài gieo mình xuống bãi cỏ, hùng hục dứt lên từng táng đất lẫn cỏ trong khi Harry rít chín chịt ở khung cửa, “Ối, phong cách làm sao, đem trình diễn cho thiên hạ xem đi.” Lần khác Harry khóa mình trong phòng tắm, hét vọng ra, “Chỉ có một cách duy nhất thoát khỏi địa ngục tra tấn này.” Cả hai bọn họ cùng dọa sẽ dùng thuốc ngủ và dao lam.
“Lạy Chúa, chúng ta đừng như vậy nữa,” Eileen có lần đã tha thiết nài nỉ. “Làm ơn, làm ơn. Dừng chuyện này lại đi.” Và Harry nhại giọng rên rỉ của cô, “Cô mới là kẻ gây rối... cô mới phải ngưng.”
Lauren đã qua cái thời cố tìm hiểu xem những cuộc gấu ó như thế này là vì cái gì. Mỗi lần lại là vì một điều mới (đêm nay con bé nằm trong bóng tối và nghĩ có lẽ kỳ này là do con bé sắp phải đi xa, và Eileen đã tự ý quyết định một mình) mà cũng vì một điều đã cũ rích - cái điều thuộc về bản chất mà họ không đời nào từ bỏ được.
Con bé cũng đã qua cái thời ảo tướng rằng có một điểm nhạy cảm tinh vi trong cả hai con người họ - rằng Harry luôn đùa tếu bởi vì anh buồn, còn Eileen nhanh nhảu và bất cần là vì ở Harry có gì đó gạt cô ra rìa - rằng nếu nó, Lauren, có thể giải thích điều ấy cho người này rồi người kia thì sự thể có lẽ sẽ tốt hơn.
Ngày hôm sau họ nín thinh, đau khổ, xấu hổ và làm ra bộ vui vẻ một cách quái gở. “Người ta cần phải hành động như thế, đè nén cảm xúc là không tốt,” Eileen có lần bảo với Lauren. “Thậm chí còn có cả một học thuyết cho rằng kìm nén nỗi giận dữ sẽ gây ra bệnh ung thư.”
Harry thích ám chỉ những trận đánh nhau đó là cãi vã hơn. “Xin lỗi con vì trận cãi vã,” anh nói. Tính Eileen đồng bóng lắm. Tất cả những gì ba có thể nói, cưng à... lạy Chúa, tất cả những gì ba có thể nói là những việc như thế này vẫn sẽ xảy ra.”
Còn đêm nay, Lauren đã ngủ thiếp đi trước khi công cuộc đập phá của họ thực sự bắt đầu. Thậm chí trước cả khi con bé chắc chắn họ sẽ thực hiện điều đó. Chai gin chưa xuất hiện khi con bé đứng lên đi ngủ.
Harry đánh thức con bé dậy.
“Ba xin lỗi,” anh nói. “Xin lỗi, cưng. Con dậy rồi xuống lầu nhé?”
“Sáng rồi ạ?”
“Chưa, vẫn còn khuya lắc. Eileen và ba muốn nói chuyện với con. Ba mẹ có chuyện muốn nói cho con biết. Chuyện này con đã phần nào biết rồi. Nào, đi. Con muốn lấy dép lê không?”
“Con ghét dép lê,” Lauren nhắc anh. Con bé vượt lên đi xuống lầu trước anh. Anh vẫn chưa thay đồ ngủ, cả Eileen cũng chưa thay, đang chờ ở hành lang. Cô nói với Lauren, “Ở đây còn một người nữa, người này con đã biết.”
Đó là bà Delphine. Bà Delphine đang ngồi trên ghế sofa, khoác áo đi tuyết ngoài bộ áo len quần đen bình thường bà hay mặc. Trước đó Lauren chưa bao giờ trông thấy bà mặc đồ ra ngoài trời. Mặt bà xụ xuống, da như cái túi nhão, toàn thân rã rời.
“Chúng ta không vào bếp được sao?” Lauren nói. Con bé không biết tại sao, nhưng hình như trong bếp an toàn hơn. Một nơi ít đặc biệt, có bàn để vịn vào nếu tất cả cùng ngồi quanh bàn.
“Lauren muốn vào bếp, chúng ta đi vào bếp vậy,” Harry nói.
Khi họ ngồi cả trong bếp, anh nói, “Lauren. Ba vừa giải thích rằng ba đã nói với con về đứa bé. Đứa bé ba mẹ sinh ra trước con và những gì xảy đến với đứa bé đó.
Anh chờ cho tới lúc Lauren đáp, “Vâng.”
“Giờ để tôi nói được chứ?” Eileen chen vào. Để tôi nói với Lauren được không?”
Anh nói, “Dĩ nhiên.”
“Harry không thể chịu nổi ý tưởng có thêm một đứa bé nữa,” Eileen nói, nhìn xuống hai bàn tay cô đang đặt trên đùi dưới gầm bàn. “Ba con không thể chịu nổi ý nghĩ rằng cá gia đình sẽ biến động. Anh ta còn phải viết lách. Anh ta muốn lập thành tựu, vì vậy anh ta không thể để mình bị bấn bíu gia đình. Ba con muốn mẹ nạo thai và mẹ nói được, sau đó mẹ lại nói không, rồi mẹ lại bảo được, nhưng cuối cùng mẹ không nạo thai, thế là ba mẹ cãi lộn, mẹ bế đứa bé lên xe, mẹ định đến nhà bạn. Mẹ không phóng nhanh và dĩ nhiên cũng không hề say rượu. Chỉ tại ánh đèn đường yếu quá và thời tiết xấu.”
“Cũng tại cái nôi không được thắt dây an toàn nữa,” Harry nói.
“Nhưng hãy để việc đó qua bên,” anh tiếp. “Tôi không cương quyết bắt nạo thai. Có thể tôi từng đề cập đến nạo thai, nhưng không đời nào có chuyện tôi bắt buộc cô. Tôi đã không nói điều đó cho Lauren bởi vì việc đó có thể làm con bé buồn. Nó chắc chắn sẽ gây bấn loạn.”
“Đúng, nhưng đó là sự thật,” Eileen nói. “Lauren có thể hiểu được, con bé biết đấy không phải là nó.”
Lauren bật nói, ngạc nhiên với chính mình.
“Đó là con. Còn là ai khác nữa nếu đó không phải là con?
“Phái, nhưng mẹ không phải là người muốn nạo thai,” Eileen nói.
“Cũng chẳng phải cô không muốn làm thế,” Harry nói.
Lauren gào lên, “Thôi đi.”
“Chúng ta đã hứa sẽ không cãi nhau nữa cơ mà,” Harry nói. “Chẳng phải đây là những gì chúng ta hứa sẽ không làm sao? Còn nữa, chúng ta nên xin bà Delphine thứ lỗi.”
Bà Delphine từ nãy không nhìn ai trong khi cuộc nói chuyện này diễn ra. Bà chưa kéo ghế của mình lại gần bàn. Có vẻ như bà còn không nhận ra khi Harry nhắc tới tên mình. Không phải sự rã rời khiến bà bất động. Mà là sức nặng của sự ngoan cố, thậm chí ghê tởm, mà Harry và Eileen không nhận ra.
“Chiều nay ba đã nói chuyện với bà Delphine, Lauren ạ. Ba đã kể cho bà ấy về đứa bé. Nó là con bà ấy. Ba chưa bao giờ nói với con rằng đứa bé đó được nhận nuôi bởi vì nói như thế - rằng ba mẹ đã nhận nuôi đứa bé đó, rồi thì ba mẹ đã làm hỏng chuyện như thế nào - chỉ làm cho mọi việc xấu đi. Năm năm trời cố gắng, ba mẹ không bao giờ nghĩ mình lại có thể có con, nên ba mẹ đã nhận con nuôi. Nhưng lúc đầu thì bà Delphine mới là mẹ nó. Ba mẹ đặt tên cho nó là Lauren, sau đó ba mẹ cũng đặt tên con là Lauren - chắc bởi đó là cái tên ba mẹ thích nhất và nó cũng cho ba mẹ cảm giác mình đang làm lại từ đầu. Bà Delphine muốn biết về con mình và bà ấy tìm ra ba mẹ đã nhận nuôi nó, cho nên rất tự nhiên bà ấy lầm tưởng đó là con. Bà ấy đến đây để tìm con. Chuyện buồn thế đấy. Khi ba kể cho bà ấy biết sự thật thì, hoàn toàn dễ hiểu thôi, bà ấy muốn có chứng cứ xác đáng, vì vậy ba bảo bà ấy tối nay đến đây, ba sẽ cho bà ấy xem giấy tờ. Bà ấy không bao giờ muốn đánh cắp con đi hay làm chuyện gì đại loại mà chỉ muốn kết bạn với con thôi. Bà ấy cô đơn và hoang mang.”
Bà Delphine kéo khóa áo khoác xuống như thể muốn hớp thêm không khí vào trong người.
“Ba bảo với bà ấy rằng chúng ta vẫn giữ... rằng chúng ta chưa sắp xếp được thời gian, hay có lẽ chưa tìm được thời điểm thích hợp để...” Harry khoát tay về phía cái hộp các tông đang đặt ngay trên quầy bếp. “Thế rồi ba cho bà ấy thấy cái đó luôn.”
“Vì vậy đêm nay, với tư cách là một gia đình, anh nói, “đêm nay khi mọi chuyện đều đã sáng tỏ, chúng ta sẽ ra ngoài thực hiện điều ấy. Để tống khứ hết tất cả... đau khổ và trách cứ. Bà Delphine và Eileen và ba, ba cũng muốn con đi cùng mọi người nữa... vậy có được không? Con có đi được không?”
Lauren nói, “Con buồn ngủ. Con bị cảm lạnh.
“Con nên làm như bố Harry nói,” Eileen bảo.
Bà Delphine vẫn chưa nhìn lên lần nào. Harry lấy cái hộp ra khỏi quầy và trao cho bà. “Có lẽ bà nên là người cầm nó,” anh nói. “Bà không sao chứ?”
“Tất cả mọi người ổn cả,” Eileen nói. “Chúng ta đi.
Bà Delphine đứng giữa trời tuyết, ôm cái hộp, vì vậy Eileen bảo, “Tôi lấy nhé?” rồi kính cẩn đón lấy nó từ tay bà. Cô mở nắp hộp ra định đưa cho Harry, nhưng rồi đổi ý, liền chìa nó ra cho bà Delphine. Bà Delphine vốc một nắm tro cốt, nhưng bà không cầm cái hộp để chuyền đi cho mọi người. Eileen bốc một vốc rồi đưa cái hộp cho Harry. Khi bốc xong một nắm tro anh định trao hộp cho Lauren, nhưng Eileen bảo, “Không. Con bé không cần.”
Lauren đã đút sẵn hai tay vào túi áo.
Trời tịnh không một chút gió, vì vậy tro roi xuống tuyết ngay tại chỗ Harry và Eileen và bà Delphine thả.
Eileen nói như thể bị viêm họng. “Cha chúng con ở thiên đường...”
Harry nói rành rọt, “Đây là Lauren, là con chúng con và là người mà tất cả chúng con yêu thương... chúng ta hãy cùng nhau nói.” Anh nhìn bà Delphine rồi nhìn Eileen và họ cùng đồng thanh, “Đây là Lauren,” giọng bà Delphine mấp máy rất khẽ, giọng Eileen căng lên thành thật, và giọng Harry hùng hồn, dẫn dắt, hết sức nghiêm trang.
“Chúng con nói lời vĩnh biệt bé và trao bé về lại với tuyết.”
Vào lúc cuối cùng Eileen nói gấp gáp, “Xin tha thứ cho tội lỗi của chúng con. Xin tha thứ cho sự báng bổ của chúng con. Xin tha thứ cho sự báng bổ của chúng con.”
Bà Delphine lên ngồi ghế sau với Lauren trong lượt lái về thị trấn. Harry đã giữ cửa mở cho bà vào ghế trước bên cạnh mình nhưng bà lấp vấp bước qua anh để vòng xuống ghế sau. Nhường lại chỗ ngồi quan trọng hơn bởi vì bà không còn ôm cái hộp nữa. Bà thọc tay vào túi chiếc áo khoác đi tuyết lấy ra một mảnh khăn giấy Kleenex, khi làm thế, bà rút luôn một món gì đó rơi xuống sàn xe. Bà buột miệng càu nhàu và cúi xuống tìm nó, nhưng Lauren đã nhanh hơn. Lauren nhặt lên một chiếc của đôi hoa tai nó hay thấy bà Delphine đeo - kiểu chuỗi hạt đa sắc cầu vồng dài chấm vai lấp lóa xen lẫn trong tóc bà. Đôi hoa tai hẳn là bà đã đeo tối nay, nhưng rồi lại thấy tốt hơn hãy nhét nó vào trong túi áo. Vừa chạm vào chiếc hoa tai, cảm giác của chuỗi hạt lóng lánh lạnh lẽo truyền qua những ngón tay con bé, khiến Lauren bất thần ao ước một số thứ hãy tan biến đi, ước bà Delphine trở lại là người như bà lúc ban đầu, ngồi sau quầy khách sạn, khỏe khoắn và sinh động.
Bà Delphine không nói một lời. Bà nhận chiếc hoa tai mà không để ngón tay hai người chạm nhau. Nhưng lần đầu tiên trong buổi tối đó bà và Lauren nhìn vào mặt nhau. Mắt bà Delphine mở to, và trong chớp nhoáng, có một nét biểu cảm quen thuộc xuất hiện nơi họ, một thoáng nhạo báng và đồng lõa. Bà nhún vai rồi đút chiếc hoa tai vào túi. Thế thôi - kể từ đó bà chỉ chăm chăm nhìn vào gáy Harry.
Khi Harry lái chậm lại thả bà xuống khách sạn, anh bảo, “Hôm nào đó bà không phải làm việc thì mời bà tới ăn tối với chúng tôi.”
“Tôi luôn luôn làm việc,” bà Delphine đáp. Bà xuống xe và nói, “Tạm biệt,” không hẳn với ai cụ thể, rồi mệt mỏi lê bước trên vỉa hè lầy lội vào khách sạn.
Trên đường về nhà Eileen nói, “Em thừa biết mụ sẽ không tới.”
Harry nói, “Ờ. Nhưng có lẽ bà ấy sẽ cảm kích vì chúng ta đã mời.”
“Mụ không quan tâm đến chúng ta. Mụ chỉ quan tâm đến Lauren khi nghĩ Lauren là con của mụ. Giờ mụ cũng chẳng quan tâm đến con bé nốt.”
“Nhưng chúng ta quan tâm,” Harry cao giọng nói. “Nó là con của chúng ta.”
“Ba mẹ yêu con, Lauren,” anh nói. “Ba chỉ muốn một lần nữa nhắc lại với con điều đó.”
Của mụ. Của chúng ta.
Có cảm giác gì buồn buồn như kiến bò nơi hai mắt cá để trần của Lauren. Con bé cúi xuống và thấy cỏ may, cả một cụm cỏ may bám vào ống quần pyjama của mình.
“Con bị quả ké từ dưới tuyết bám vào. Con bị hàng trăm quá ké bám vào.”
“Mẹ sẽ nhặt hết cho con khi chúng ta về nhà,” Eileen nói. “Lúc này mẹ không thể làm gì với chúng được.”
Lauren điên cuồng dứt đám quả ké ra khỏi quần. Nhưng vừa dứt được ra thì con bé lại thấy chúng dính vào ngón tay mình. Con bé cô lấy tay kia dứt chúng ra, thế là chúng lại nhanh chóng dính vào tất cả các ngón của bàn tay còn lại. Con bé phát gớm vì đám quả ké này đến nỗi muốn đập vào tay mình và thét tướng lên, nhưng con bé biết rằng điều duy nhất mình có thể làm là ngồi đó, và chờ đợi.
Trốn Chạy Trốn Chạy - Alice Munro Trốn Chạy