Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Emma Emma
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2185 / 21
Cập nhật: 2016-02-19 21:20:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
hiếc xe đò Biên Hòa- Sài Gòn ngừng lại nơi Ngã Ba Hàng Xanh. Bước xuống đất, đốt điếu thuốc anh đứng nhìn quang cảnh nhộn nhịp của xa cảng, giao điểm của xa lộ Biên Hòa và con đường nối liền Thị Nghè- Bà Chiểu. Mùi xăng nhớt lẫn trong không khí bụi bặm làm cho anh phải khịt khịt mũi. Tiếng xe gắn máy, xe hơi nổ ầm ỉ. Tiếng người nói chuyện lao xao. Chiếc xe buýt thưa người ngồi đậu lại. Quỳnh chậm chạp bước lên. Ngồi im nơi băng ghế cuối cùng anh lơ đểnh ngắm phong cảnh hai bên đường. Nhà cửa cũ kỹ. Mái ngói rêu móc. Bức tường gạch của viện dưỡng lão dơ dáy đầy những chữ viết nguệch ngoạc. Xe dừng rồi lại chạy. Bao lâu rồi mình mới trở lại Sài Gòn? Quỳnh băn khoăn. Chắc hơn nửa năm. Hình bóng lãng đãng trong trí nhớ. Kỹ niệm hổn độn, chồng đống và trộn lẫn với nhau khiến cho anh mỗi lần muốn hồi tưởng phải tìm kiếm và ráp nối lại mới có thể thấy được. Xe ngừng lại nơi trạm có năm ba người đứng chờ. Chiếc buýt uể oải lăn bánh bỏ lại Quỳnh đứng im nhìn ngôi nhà thờ đối diện với mình bên kia đường. Cây thánh giá màu trắng trên nóc đã ngã sang màu trắng ngà. Mấy bực tam cấp bằng xi măng nứt nẻ, có chỗ rong rêu bám vào. Đi ngang qua căn nhà, anh giơ tay lên chào một người đàn bà đang đứng ngó mong ra đường. Đó là vợ của một người anh bà con đã chết trận từ lâu lắm, có lẽ hồi Quỳnh còn ở trung học đệ nhất cấp. Vào nhà xác để nhìn mặt ông ta lần cuối, anh hiểu được nỗi khổ đau của những người có chồng con đã hy sinh vì tổ quốc qua tiếng khóc nghẹn ngào và bi ai của họ. Hy sinh vì tổ quốc, anh dũng đền nợ nước. Mấy tiếng đó nghe xa vời quá. Người lính nằm xuống thì được xưng tụng anh hùng. Chỉ riêng vợ con họ còn sống thời gian truân và vất vả suốt đời. Mười hai tháng lương trong thời buổi vật giá leo thang so sánh còn ít hơn giá tiền chiếc nhẫn hột xoàn của một bà tướng hay chếnh tứ sắc của phu nhân một ông bộ trưởng. Sinh mạng của người lính Việt Nam rẻ mạt cũng như thân phận bọt bèo của vợ con họ trong nhiệm vụ thiêng liêng được hô hào bởi hai thế lực đối nghịch.
- Ê Quỳnh...
Đang thọc hai tay vào túi quần và trầm tư nghĩ ngợi, nghe tiếng người gọi tên mình Quỳnh ngước đầu lên dáo dác nhìn. Trong chiếc quán cóc bên con hẻm nhỏ có bàn tay vẩy vẩy. Bước tới gần anh nhận ra Châu, thằng bạn thân cùng lớp 11 với mình đang ngồi nhâm nhi xị đế.
- Mày về thăm nhà?
Châu lên tiếng. Quỳnh hơi ngạc nhiên khi thấy nó mặc quân phục rằn ri.
- Mày đi lính hồi nào vậy?
- Gần một năm rồi... Tao sẽ lên Kontum...
Rót đầy chung rượu đế đẩy sang cho bạn Châu hỏi nhỏ.
- Mày nhớ thằng Cương?
Quỳnh trả lời bằng cái gật đầu. Đốt điếu thuốc Châu lên tiếng.
- Nó chết rồi...
Quỳnh thở dài khi nhớ tới thằng bạn thân cùng lớp. Trong trí anh hiện lên hình ảnh một thằng con trai nhà giàu, thông minh, hào sảng, vui vẻ, rất được con gái thích. Đậu tú tài xong ba má nó tính cho nó đi du học nước ngoài. Thế mà nó lại tình nguyện đi lính dù đang học khoa học. Ra võ bị Đà Lạt nó chọn nhảy dù. Lần gặp nhau cuối cùng nó nói với Quỳnh là đi nhảy dù mới bảnh. Bảnh thì cũng bảnh mà lên bàn thờ cũng sớm hơn.
- Uống đi mày...
Châu lên tiếng nhắc. Quỳnh cười đưa chung đế lên ực một cái. Mùi rượu cay nồng làm chảy nước mắt. Bóc miếng khô mực, chấm vào dĩa tương đầy ớt đỏ tươi anh bỏ vào miệng nhai xiệu xạo. Chị chủ quán cười bắt chuyện với Quỳnh.
- Em về thăm nhà hả?
Dù quen mặt song phải khá lâu Quỳnh mới nhớ ra tên của chị là Thoa.
- Dạ... Em về thăm nhà... Anh Bá ở đâu hả chị?
- Ảnh ở Ban Mê Thuột...
Uống vài chung rượu đế xong Quỳnh từ giã Châu. Hai thằng bạn bắt tay nhau, không có lời chúc lành vì biết chẳng đứa nào cần cũng như nhớ tới lời chúc lành của bạn. Chết hoặc sống đều tùy thuộc vào những gì mà người ta không biết hoặc không thể đoán định trước.
Quỳnh đứng tần ngần trước cổng vào nhà của mình. Vẫn không có gì thay đổi. Ao nước đầy rau muống. Cây cầu ván nhỏ. Con đường trải đá. Hàng so đũa lá xanh xanh. Cây dừa xiêm mà bà ngoại đem từ quê lên giờ đã có trái xum xê. Cây chùm ruột già cỗi. Chùm trái vàng ươm. Mấy chậu mai tứ quí. Nhà tôn vách ván cũ kỹ. Có tiếng gâu gâu rồi con chó già vẩy đuôi chạy ra mừng cậu tiểu chủ trở về thăm nhà. Má anh rơi nước mắt. Trong tất cả năm người con trai và gái, anh được bà thương nhất. Có lẽ vì giống và hợp tính với bà. Sau khi bị bán thân bất toại bà trông già nua và hom hem. Còn đâu một tiểu thư từng trẻ đẹp và giàu sang. Dĩ vãng như trôi mất theo bụi thời gian còn trơ lại một nét mặt buồn bã, âu sầu vì thương nhớ hai đứa con trai vắng nhà. Quỳnh nói đôi lời thăm hỏi ba của mình. Ở giữa tình cảm cha với con vẫn còn có một khoảng cách mà anh biết không bao giờ có thể nối liền được. Hai mươi lăm năm không thấy nhau là hố sâu để ngăn cách tình cha con. Tuy nhiên hai người, dù không nói ra đều cố gắng giữ hòa khí để cho tình cảm không đi tới chỗ tồi tệ hơn. Bất đồng về quan điểm chính trị, tuổi tác, nền văn hóa đã được hấp thụ cộng thêm tính tình khác biệt; những điều đó tạo thành một bức tường chia ngăn cha con với nhau. Anh kính trọng ba của mình nhưng cảm thấy không thể gần gụi và thương mến ông được. Tình thương không thể có nếu thiếu sự cảm thông, đùm bọc, che chở và xẻ chia với nhau. Ba anh đã không có những điều đó với con cái của ông.
Bữa cơm gia đình chỉ có ba người diễn ra trong im lặng ngoại trừ câu chuyện trời mưa trời nắng. Quỳnh có vài điều muốn nói với má nhưng vì có mặt ba nên anh đành im lặng chờ dịp khác. Anh muốn khoe với má về Hy vì biết bà sẽ vui vẻ bàn tán khi được con trai kể cho nghe chuyện tình cảm. Bà biết tính mơ mộng, lãng mạn của con. Ăn cơm xong, nhân lúc không có mặt ba, Quỳnh nhét vào túi áo của má nguyên cả tháng lương vừa lãnh. Anh biết số tiền của mình không có bao nhiêu song cũng đủ cho bà xài vặt và mua quà bánh cho cháu nội ngoại.
- Con làm gì vậy?
Đang cặm cụi lục trong đống sách cũ, nghe tiếng má hỏi Quỳnh ngước lên nhìn rồi cười trả lời.
- Dạ con tìm sách cũ mang lên cho Hy...
- Cô bé bao nhiêu tuổi?
- Dạ 16...
Quỳnh thấy được thoáng ngạc nhiên trong mắt đấng sinh thành. Lát sau bà cười đùa.
- Tình cảm không phân biệt tuổi tác hả...
Cầm lấy quyển Chân Trời Tím của Văn Quang, Quỳnh cười nói lại.
- Dạ... Cảm thông không phân biệt tuổi tác như con với má...
Quỳnh cảm thấy lòng ấm áp khi nghe má mình bật ra tiếng cười. Lâu lắm rồi anh mới nghe được giọng cười tươi vui của bà vì thỉnh thoảng anh mới trở về nhà hai ba ngày rồi lại vội vả đi. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó anh lại mãi vui chơi với bạn bè nên bỏ quên với người mẹ già của mình. Với lại anh nghĩ khi có chồng bên cạnh thời bà sẽ không cần tới sự săn sóc của con cái nữa. Nhắc chiếc ghế mời bà ngồi xong Quỳnh bật ra câu hỏi. Khi hỏi rồi anh mới biết là không nên hỏi. Tuy nhiên đó cũng chính là thắc mắc mà anh muốn biết.
- Má hạnh phúc với ba...?
Quỳnh thấy được nét băn khoăn của má mình. Có thể bà không biết cái ý của anh hoặc chữ mà anh dùng. Có thể lớp tuổi của bà tiếng hạnh phúc được hiểu theo một nghĩa khác. Cuối cùng bà thở dài. Giọng nói của bà chậm và đều đặn.
- Mình không thể thay đổi những gì đã xảy ra cho nên mình phải chấp nhận và chịu đựng...
Hình như không muốn bàn luận thêm về đề tài trên nên bà cười hỏi.
- Bé Hy...
Hiểu ý má Quỳnh kê khai lý lịch một cách vắn tắt.
- 16 tuổi, học lớp 10, nhà nghèo, cha Việt mẹ Tàu, không sắc nước hương trời nhưng duyên dáng, thông minh và nhạy cảm. Thích đọc sách...
- Có vợ xẩm lai con tha hồ xực phàn...
Quỳnh cười hắc hắc vì câu nói đùa của má mình. Liếc nhanh ra sân trước nơi chỗ ba đang ngồi hóng gió anh nói một câu thoạt nghe như giỡn song anh biết nó rất thật với mình.
- Có được một người vừa là mẹ vừa là bạn thời thật vui thích...
Má Quỳnh vỗ vỗ lên lưng con trai trong lúc nói một câu làm cho anh rưng rưng nước mắt.
- Có được một người vừa là con vừa là bạn thời còn sung sướng hơn nữa...
Quỳnh cười nhìn má của mình. Bước đi được vài bước bà quay đầu lại nói với đứa con trai cưng của mình.
- Nói với Hy là má có lời hỏi thăm...
Ngước trông theo dáng đi khập khiểng của bà Quỳnh nói nhỏ.
- Dạ... Con sẽ...
Cầm quyển Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ lên ngắm nghía Quỳnh biết Hy còn nhỏ tuổi để đọc các loại sách này nhưng cuối cùng anh tặc lưỡi.
- Cứ đưa cho cô bé đọc...
Chậm chạp anh bỏ vào túi vải một lô sách báo và tiểu thuyết của các cây viết nổi tiếng đương thời. Anh cũng không quên nhét vào cái túi trọn bộ truyện Tam Quốc như đã hứa với Hy. Đêm Sài Gòn yên lặng qua khi anh tắt đèn nằm trong bóng tối. Khuôn mặt của cô học trò có đôi mắt đen lay láy và mái tóc dài hiện ra lung linh.
Đang ngồi nơi hàng hiên ngoài sân, thấy nhỏ Hiếu xách một cái túi vải nặng Hy hơi ngạc nhiên. Khi cô bạn tới gần nàng hồi hộp vì nhận ra cái túi vải quen thuộc của Quỳnh.
- Mày đi đâu vậy?
Hy hỏi cho có lệ. Xà vào chỗ bạn đang ngồi Hiếu thì thầm.
- Anh Quỳnh ghé nhà tao trưa thứ bảy. Anh nhờ tao đưa sách cho mày...
- Vậy à...
Hy hỏi gọn hai tiếng xong rồi mới cười tiếp.
- Còn gì nữa không?
- Còn...
- Gì?
- Thư của ảnh. Mày muốn đọc hông. Nếu mày nói không tao trả lại ảnh...
Hy đấm vào lưng con bạn thân.
- Quỷ... Đưa đây...
Móc trong túi áo bà ba ra lá thư đựng có phong bì được dán cẩn thận Hiếu cười cười.
- Mày cho tao coi ké nghen...
Hy vùng vằng.
- Thôi đi... Kỳ lắm...
Hiếu nắm chặt phong thư.
- Hổng cho coi là tao hổng đưa...
- Mày coi để làm gì... Thư của người ta mà...
Hiếu cười hắc hắc.
- Để rút kinh nghiệm. Mày nói ảnh viết văn thời viết thư tình chắc phải mùi lắm... Tao muốn học...
Hiếu cười hắc hắc. Đấm nhẹ vào vai bạn Hy gật đầu.
- Quỷ... Được rồi sau khi tao coi xong...
Vừa nói Hy vừa giựt phong thư trên tay bạn. Hiếu đứng dậy nói nhanh.
- Thôi tao về...
- Ừ mày về... Mai mốt tao sẽ đem thư tới trường cho mày coi nghen...
Đợi cho Hiếu khuất bóng nàng mới đưa phong thư lên nhìn. Phong thư được dán lại song không đề tên người nhận. Hy cảm thấy hai bàn tay của mình run run và trống ngực đập nhanh hơn bình thường khi mở thư. Trên nền giấy học trò những dòng chữ hiện ra. Nét chữ gãy gọn. Hy nhận thấy ông lính thủy viết tháu và viết tắt khá nhiều. Chữ không thay vì viết đủ anh lại viết ra khôg; những thời viết thành nhữg... Hy nghĩ thầm trong trí của mình Viết như vầy là sai chính tả, là bị khẽ tay nghe chưa... Viết như vầy mà cũng khoe viết văn.... Nàng bật cười hăng hắc vì ý nghĩ của mình.
- Hy mến...
Cô bé cảm thấy mặt mình nóng bừng, tim đập mạnh và hai bàn tay run lên vì e thẹn lẫn sung sướng. Lần đầu tiên nàng được một người con trai gọi bằng thứ ngôn ngữ chở chất chút tình cảm.
- Hôm qua anh về thăm nhà. Anh có nói chuyện với má anh về Hy. Bà rất vui khi được biết anh quen với Hy...
Bật cười Hy lắc lắc đầu nói như có Quỳnh đang đứng trước mặt mình.
- Chưa có gì hết mà đã đi khoe... Ông này kỳ quá...
Tuy lẩm bẩm như vậy song Hy lại thầm cám ơn Quỳnh. Điều đó chứng tỏ anh thành thực chứ không có xạo. Nàng nghĩ nếu ba má mình biết điều này chắc sẽ không ngăn cấm nàng giao du với Quỳnh.
- Anh buồn vì không gặp được Hy để nói với em tin vui này. Tuy nhiên vì không có nhiều thời giờ nên anh phải nhờ Hiếu trao thư và sách cho em. Mai mốt anh về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn...
Hy gấp lá thư còn hơn một trang chưa đọc bỏ vào túi áo của mình. Nàng muốn để dành đọc sau khi học bài xong. Bây giờ còn phải lo nấu cơm chiều. Xách cái túi vải khá nặng chứa đầy sách báo của Quỳnh đem giấu vào dưới gầm giường của mình, nàng mong gặp lại anh lính thủy để bàn luận với anh về những cuốn tiểu thuyết mà mình đã đọc qua. Nghĩ tới đó nàng háo hức muốn biết anh đã đưa cho mình loại sách gì.
Quỳnh tất tả bước vào căn nhà tiền chế dành làm bộ chỉ huy nhẹ của giang đoàn 24 xung phong. Giơ tay chào trả cái chào kính của Quỳnh, trung úy Bình cười vui vẻ lên tiếng.
- Tôi chỉ có dầu cho anh thôi. Đạn thời phải chờ tuần tới. Tiếp tế của mình bết lắm... Anh nên dặn nhân viên tiết kiệm đạn dược...
- Tôi biết thưa trung úy... Tôi bảo lính đếm từng viên thưa trung úy...
Quỳnh nói gọn một câu. Cầm lấy cái phiếu tiếp liệu anh chào Bình rồi quay ra cửa. Nửa tiếng sau hai chiến đỉnh ngược con nước đi lên thượng nguồn. Ngồi trên mui tàu Quỳnh cầm lấy ống nói.
- 9 đây 11...
- 9 nghe 11...
Giọng của Quốc rời rạc và mỏi mệt.
- Mày có bao nhiêu dầu?
- Bốn ngàn lít...
- Đạn?
- Đủ xài nếu Vẹm hổng có bắn mình nữa...
Quỳnh nhếch môi cười vì câu nói diễu của thằng bạn thân.
- Mày năn nỉ tụi Vẹm đi... Bảo mấy thằng em của mày nếu bị Vẹm bắn thời đưa lưng ra đỡ chứ đừng có bắn lại...
Quốc cười khặc khặc.
- Mày đưa lưng đỡ trước cho tụi tao bắt chước đi...
Tuấn cười hắc hắc vì câu nói diễu của Quốc. Dứt điện đàm Quỳnh lắc lắc đầu thở dài sườn sượt. Hôm qua anh bảo Kỳ chùi mấy khẩu đại liên thời nó nhăn mặt bảo hết dầu chùi súng rồi. Đạn mỗi khẩu chỉ còn ngàn viên. Với các khẩu súng điều khiển bằng điện này, ngàn viên đạn chỉ chớp mắt là hết nhẵn. Ngay cả các loại súng cá nhân như M16, M79, M60 và lựu đạn cũng dưới cấp số tồn trữ. Thấy Kỳ mặc bộ quân phục cũ rách nhiều nơi anh thắc mắc hỏi thì nó trả lời hơn năm rồi chưa được cấp phát quần áo. Anh im lặng vì biết điều đó. Chính anh cũng vậy. Lính thiếu quần áo mặc nhưng chợ trời thời có đủ thứ. Muốn có quân phục cứ ra đó mà mua. Quỳnh nhớ có một ông tướng nào đó đã nói một câu Một vị tướng mà còn để cho người lính dưới quyền của mình thiếu đôi giày để mang thời ông ta không làm tròn trách nhiệm của mình.... Căn cứ vào câu nói này thời có rất nhiều ông tướng tá của quân lực đã không chu toàn trách nhiệm của mình. Quần áo thiếu thốn mà khi lãnh được thời chẳng đủ vào đâu. Giày mới chính là cái thảm hại nhất vì chỉ mang được ba tháng là bung đế liền. Ra chợ trời mua giày và quần áo còn tốt hơn của quân đội cấp phát.
Nắng tháng 9 chói chang. Không khí ngột ngạt. Chơn, người lính mới vừa được bổ xung sau khi Biên chết chưa được một tháng ló đầu lên nói với Tuấn.
- Mày để tao lái cho...
Tuấn gật đầu rời ghế lái leo lên mui ngồi kế bên thuyền trưởng. Vì tàu chưa vào vùng nguy hiểm do đó không ai mặc áo giáp và đội nón sắt kể cả Quỳnh. Tiếng phi cơ phản lực chiến đấu gầm rú trên cao tiếp theo tiếng bom nổ ì ầm vọng lại từ hướng tây. Quỳnh cười chúm chiếm khi thấy Tuấn hút thuốc lá một cách thành thạo dù chỉ mới hơn một tháng. Học cái tốt khó khăn chứ học thói hư tật xấu thời dễ dàng và nhanh chóng. Nhớ lúc vào quân trường Nha Trang anh không biết hút thuốc và uống rượu mà bây giờ thuốc lá ngày hai ba gói còn uống rượu như tàu uống dầu cặn. Anh nhớ lại thời ở Rạch Giá, theo mấy đứa bạn đi vào tiệm hút thuốc phiện thử cho biết. Anh chỉ đi một lần rồi thôi vì không thích cái không khí lù mù ánh đèn dầu phọng, tiếng dọc tẩu kêu lọc cọc, nhất là sự yên lặng của tiệm hút. Khung cảnh dơ dáy, ẩm mốc và phảng phất cái mùi hăng hắc đó không hấp dẫn được một thanh niên mới lớn như anh. Anh thích uống rượu hơn. Khi cơn say la đà anh để cho tâm hồn của mình vượt qua giới hạn thường tình đi vào thế giới của mộng mơ, tưởng tượng, trong đó có ánh mắt, nụ cười, tà áo màu chuyển động, giọng nói thánh thót, hình thành một xuyến xao dịu nhẹ nhờ âm thanh và ngôn từ của những bản tình ca.
- Quỳnh Hoa đây Biên Hùng...
Quỳnh cầm lấy ống nói.
- Quỳnh Hoa nghe Biên Hùng...
- Anh tới U Minh Hiệp Hòa gặp Ông Địa... Họ cần hai lần tango...
- Tôi nghe Biên Hùng 5/5...
Ngưng nói với trung úy Bình, Quỳnh bốc máy gọi Quốc.
- 9 đây 11...
- 9 nghe 11...
- Mình tới U Minh Hiệp Hòa để bốc mấy Ông Địa đi hai lần tango... Nghe rõ trả lời...
- 9 nghe 11 rõ...
Chiếc Alpha 9 phun khói trắng dẫn đầu. Quỳnh ra lệnh cho Chơn.
- 1500 đi...
- Hai lần tango là gì hả anh?
Quỳnh giải thích vắn tắt.
- Hai lần tango là tuần tiễu...
- Tôi nghe anh nói năm ô vuông là gì?
Quỳnh cười đốt điếu thuốc. Hít hơi dài, trải tấm bản đồ hành quân ra anh vừa chỉ vừa nói.
- Mày thấy bản đồ có đường ngang và đường dọc...
Chơn nhẹ gật đầu nhìn vào tấm bản đồ chi chít địa danh và những đường ngang dọc.
- Các đường ngang và dọc này làm thành một ô vuông. Tùy theo tỷ lệ của bản đồ, mỗi ô vuông chỉ khoảng cách nhất định như 1, 5 hoặc 10 cây số... Như tấm bản đồ mà mình dùng đây thời khoảng cách là 5 cây số. Bởi vậy khi mình nói đang ở cách U Minh Hiệp Hòa 3 ô vuông có nghĩa là mình cách 15 cây số...
Gật đầu tỏ vẻ hiểu Chơn hỏi tiếp.
- Mình đi đâu hả anh?
- Đi Uyên Hưng...
Biết thế nào Chơn cũng hỏi nên Tuấn xen vào.
- Mày chạy theo thằng 9...
Quỳnh cười nhẹ không nói gì. Có lính mới là Chơn xuống tàu nên Tuấn không còn là lính mới nữa. Là lính cũ cho nên anh cũng nên để cho nó có chút quyền hành.
- Mình chạy theo thằng 9 hả anh?
Chơn hỏi lại và Quỳnh trả lời bằng cái gật đầu.
- Hai thằng bây đứa lái tàu đứa nghe máy còn tao đi hút thuốc...
Nói xong Quỳnh leo xuống đứng nơi ụ súng 50 có Sang đang ngồi nghe nhạc.
- Tao nghe nói vợ mày có thai hả?
Sau khi đốt điếu thuốc Quỳnh lên tiếng hỏi. Vặn nhỏ cường độ âm thanh từ chiếc máy phát thanh Sang cười vui vẻ.
- Có rồi anh... Tôi hy vọng có thằng cu tí... Ba má tôi muốn có cháu nội trai để nối dõi tông đường...
Quỳnh bật cười. Tuy ngồi ở trên cao nhưng Kỳ cũng nghe được nên nói vọng xuống.
- Đường cát hay đường phèn...
Tuấn và Chơn phá ra cười khiến cho Sang xụ mặt.
- Đường gì kệ cha tao... Mắc mớ gì mày chỏ cái miệng vào...
- Tại tao nghe mày nói nối dõi tông đường nên tao thắc mắc...
Sang hừ tiếng nhỏ cười nói với Quỳnh.
- Gia đình tôi có mình tôi là con trai...
Kỳ cười ha hả chọc tiếp.
- Vậy là mày cần có con trai để nối dõi đường chôm chĩa của mày...
Không nhịn được được Quỳnh bật cười nhưng vội ngậm miệng lại khi thấy Sang trợn mắt nhìn mình. Ngoài cái danh Ông Từ, Sang còn được bạn bè ở dưới tàu đặt cho cái tên Sang Xách. Lúc giang đoàn còn ở chung với lính hải quân Mỹ, nó nổi tiếng lì lợm và phớt tỉnh Ăng Lê. Lính Mỹ giàu có nên đồ tiếp liệu để lềnh khênh ngoài trời không cần canh gác. Dò biết chuyện này nên mỗi lần đi ăn sáng về, khi đi ngang qua chỗ chứa đồ tiếp liệu là Sang hai tay xách hai thùng sơn đem về tàu. Không ai dám chôm chĩa kiểu này vì e ngại chuyện đổ bể sẽ bị mất mặt hay quê xệ. Bởi vậy nó mới nổi danh Sang Xách. Sau khi làm ăn một thời gian nó mới tiết lộ cho Quỳnh biết là mỗi thùng sơn như vậy đem về Khánh Hội bán được bốn năm chục ngàn. Nhờ đó mà nó có tiền cất nhà, mua xe Honda cho vợ đi làm.
Tàu chạy ngang qua Rạch Ông Tiếp. Nhìn núi Bửu Long vọt cao lên nền trời xanh lơ Quỳnh nhớ tới Hy. Anh đã hứa đưa cô bé đi núi chơi mà chưa thực hiện được lời hứa của mình. Tháng rồi anh không gặp được cô bé khi từ Sài Gòn trở lại Biên Hòa. Vì đã đi học nên cô bé không còn trông coi tiệm tạp hóa cho má nữa. Muốn đưa sách báo cho Hy anh phải tới nhà của Hiếu và nhờ Hiếu trao lại. Nàng khuyên anh đừng nên tới nhà nữa vì sau lần gặp nhau tại nhà nàng bị ba má rầy la, cấm không cho nàng gặp anh viện lý do nàng còn nhỏ phải lo học hành. Anh buồn nhiều vì chuyện quen biết bị cấm ngăn nhưng càng khó khăn và nhiều trắc trở anh càng muốn gần gụi và nhớ cô bé nhiều hơn.
- Anh có bồ hả?
Đang trầm ngâm suy nghĩ nghe Sang hỏi Quỳnh hơi giật mình. Thấy cử chỉ đó Sang tủm tỉm cười hỏi lại lần nữa. Giọng của nó thấp xuống như không muốn cho ai nghe.
- Anh có bồ hả?
Không trả lời Quỳnh hỏi lại.
- Sao mày biết?
Sang hiểu câu hỏi của Quỳnh như là nhìn nhận.
- Tôi để ý thấy anh có hơi đổi khác. Mọi lần tàu cặp bến là anh cặp kè với anh Quốc đi nhậu li bì. Còn bây giờ anh xé lẻ đi một mình, tất nhiên phải có cái gì lạ xảy ra. Anh thì chỉ mê rượu và con gái thôi...
Quỳnh bật lên cười một cách thích thú. Nhìn Sang anh nói trong tiếng cười.
- Mày mà cũng để ý nữa à...
Sang cười hề hề.
- Anh Quốc kiếm anh hoài hổng thấy nên đoán anh có bồ...
Quỳnh cười cười hít hơi thuốc xong búng tàn thuốc bay xuống sông.
- Tôi để ý thấy anh lôi về hai ba cây thuốc lá một lần...
- Tao mua để dành. Mua ở chợ Biên Hòa rẻ hơn ở các chỗ khác như Uyên Hưng...
Quỳnh chống chế mặc dù biết Sang không tin vào lời nói của mình. Cuối cùng anh nói nhỏ vừa đủ cho thuyền phó của mình nghe.
- Ừ... Tao có bồ...
- Đẹp không?
- Đủ để người ta thương...
Quỳnh cười sau khi trả lời.
- Cô ta làm gì?
- Còn đi học...
- Bao nhiêu tuổi?
Quỳnh nhăn mặt khi bị Sang điều tra.
- 16...
- Trời đất...
Kêu hai tiếng Sang trợn mắt nhìn Quỳnh đăm đăm.
- Anh nói thiệt anh...
- Đang học lớp 10...
- Nhà giàu hay nghèo...
Đốt điếu thuốc, hít hơi dài, nhả khói ra từ từ Quỳnh vặn.
- Mày hỏi chi vậy...
- Coi anh có tính chuyện đào mỏ hông...
Quỳnh cười hắc hắc khi nghe câu nói giễu của Sang. Nước chảy xiết cuộn thành xoáy ngay ở ngã ba. Hai chiếc tàu sắt cắm mũi ngay trước ngôi đồn có cây cột cờ cao. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong một ngày nắng ráo tháng 11.
Trăng Buông Trăng Buông - Chu Sa Lan Trăng Buông