Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1148 / 33
Cập nhật: 2017-03-31 13:33:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Mông Cổ Gây Hấn
ắt đầu từ năm Đinh Tỵ (1257), Mông Cổ rầm rộ gây hấn với ta để hòng mở rộng phạm vi đế quốc về mặt Nam Á. Nhưng sau trận đọ sức với quân, dân đời Trần120 trong năm Đinh Tỵ (1257), Mông Cổ vấp phải sức đề kháng rất mạnh, bị thất bại về quân sự, bèn xoay sang mặt chính trị và ngoại giao.
Chương này dựa tài liệu trong Nguyên sử (quyển 9), An Nam chí lược (quyển 4) và Toàn thư (quyển 5), xin thuật qua những việc Mông Cổ gây hấn và bên ta đối phó...
Mùa hạ năm Mậu Ngọ (1258), Mông Cổ sai Nột Loát Đan sang dụ vua Trần: “Xưa, ta sai sứ sang thông hiếu, các ngươi (!) một niềm mê man, không tỉnh ngộ, nên ta mới phải có việc xuất quân năm ngoái121. Thấy Quốc chủ ngươi (!) phải chạy dài nơi đồng nội, ta lại sai hai sứ giả122 đi chiêu an cho về nước; ngươi (!) lại trói sứ giả của ta rồi thì cho về.
Nay ta đặc biệt sai người đến mở lòng dụ bảo... Nếu các ngươi (!) thề xin một lòng nội phụ thì Quốc chủ phải thân hành sang đây. Ví bằng vẫn còn không chừa (!) thì cứ bảo rõ cho ta biết.”
Vua Trần Thánh Tôn trả lời: “Nếu tiểu quốc thành tâm thờ đại quốc, thì đại quốc sẽ đối đãi thế nào?”.
Tháng chín, năm Nhâm Tuất (1262), Mông Cổ yêu sách:
Kể từ Quý Hợi (1263), cứ ba năm một lần cống.
Về người, phải kén: nho sĩ, thầy thuốc, hạng người thông âm dương, bói toán và các thợ, mỗi hạng thợ ba người.
Về đồ vật, phải cống: dầu tô hợp, quang hương, vàng, bạc, chu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi, bông trắng, đĩa, chén...
Tháng chạp, năm Bính Dần (1266), vua Trần Thánh Tôn sai Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn đưa sang ba tờ biểu: tờ thứ nhất nói về việc cống phương vật; tờ thứ hai xin miễn việc tuyển lấy những hạng tú tài123 và thợ thuyền; tờ thứ ba xin cứ để Nột Loát Đan làm “Đạt lỗ Cát tề”124 ở bản quốc.
Mới dàn xếp xong việc trên thì khoảng tháng mười, năm Đinh Mão (1267), Mông Cổ lại yêu sách sáu việc:
Quân trưởng phải thân sang chầu;
Phải gửi con em nhà vua sang làm con tin;
Biên số dân;
Nộp phú thuế;
Chịu quân dịch;
Vẫn đặt Đạt lỗ Cát tề để thống trị.
Tháng một125, năm ấy (Đinh Mão, 1267), Mông Cổ lại đòi ta trao trả những lái buôn người Hồ Hoạt để họ xét hỏi chúng về việc Tây Vực.
Tháng một, năm Kỷ Tỵ (1269), vua Trần sai trả lời: Lái buôn Hồ Hoạt, một người tên là Y Ôn, chết đã lâu rồi; một người tên là Bà Bà, sau cũng đau ốm mà chết.
Ta lại thoái thác về việc Mông Cổ yêu sách voi: “... Cứ theo như Hòa Lâm Cáp Nhã nói, thì ra Bệ hạ (chỉ vua Nguyên) muốn cần dùng vài con voi lớn, nhưng giống thú ấy mình mẩy xù xụ to lắm, bước đi rất chậm, không bằng ngựa của thượng quốc. Vậy xin Bệ hạ ban sắc chỉ để đến chuyến sau, sẽ xin dâng cống”.
Tháng một, năm Canh Ngọ (1270), Mông Cổ lại bắt bẻ về việc vua Trần tiếp chiếu thư, không chịu lạy, không đãi sứ Nguyên bằng lễ vương nhân.
Tháng chạp, năm Tân Mùi (1271), vua Trần Thánh Tôn sai trả lời vua Mông Cổ qua Trung thư sảnh nhà Nguyên. Nguyên văn bức thư ấy bằng chữ Hán, nay xin dịch nghĩa như sau đây:
“Bản quốc đã được Thiên triều126 phong cho vương tước: há không phải là vương nhân sao? Sứ giả của Thiên triều lại xưng mình là “vương nhân”, đứng ngang với Bản quốc thì e làm nhục mất phong thể Triều đình127; huống chi Bản quốc trước đã tiếp được chiếu chỉ bảo cứ để theo nguyên tục cũ128. Hễ khi tiếp được chiếu lệnh thì để yên nơi chính điện, còn mình lui lánh ở chỗ nhà riêng: Đó là điển lễ cũ của Bản quốc.
Còn việc đòi voi như có nói trong tờ dụ gửi sang, trước đây, Bản quốc sợ trái ý chỉ, nên cứ nấn ná chưa dám thưa thực duyên cớ: Quản voi không nỡ lìa nhà, thì sai đi là một chuyện khó.
Tờ dụ lại đòi nho sĩ, thầy thuốc và thợ thuyền. Nhưng khi bồi thần là lũ Lê Trọng Đà vào bệ kiến: tấc gang gần bóng sáng oai nghiêm, không thấy ban chiếu dụ bảo gì cả. Huống chi năm Trung Thông thứ tư129 đã được miễn rồi. Nay lại nói đến, bao xiết sợ hãi lạ lùng! Vậy xin các hạ130 nghĩ lại cho...”
Trước đây, chừng vì lực lượng chưa dồi dào, chuẩn bị chưa đầy đủ, nên cuối năm Bính Dần (1266), ta bất đắc dĩ phải đưa biểu tạm nhận Nột Loát Đan làm Đạt lỗ Cát tề (Quan trưởng ở Bản quốc như Nguyên sử đã chép), nhưng sau đó, chín năm qua, chắc ta bấy giờ đã có hậu thuẫn, có thể “nói chuyện” với Mông Cổ bằng quân sự được, nên mới tấn công mạnh về ngoại giao.
Tháng giêng, năm Ất Hợi (1275), vua Trần Thánh Tôn sai gửi sang Mông Cổ một bài biểu trong có nói:
“... Dẫu được ba năm một lần cống, nhưng đổi thay sai phái sứ thần đi về nhọc mệt, chưa được ngày nào nghỉ ngơi!
Đến như Đạt lỗ Cát tề do Thiên triều131 sai sang đất nước bên tôi, thì lúc về há chịu về không? Huống chi kẻ được sai sang ấy làm gì cũng cậy thế, động tí thì lấn lướt đè nén nước bé nhỏ này. Ngài132 là Thiên tử dẫu sáng suốt ngang với mặt trời, mặt trăng nhưng đâu dễ soi tới dưới đáy chậu úp?
Vả, Đạt lỗ Cát tề chỉ đáng thi hành với những hạng “xấu xí nhỏ mọn” nơi rợ mọi ở biên giới, lẽ nào tôi được phong, liệt vào bậc vương, đứng làm phiên rào một phương, mà lại còn lập Đạt lỗ Cát tề để coi quản, thì há chẳng bị các nước chư hầu cười ư? Vì sợ dám làm mà phải cống, sao bằng trong lòng vui phục mà tự cống?...” (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Tháng chạp, năm Mậu Dần (1278), Mông Cổ lại sai bọn Sài Xuân133 sang hạch hỏi về sáu khoản134 mà trước kia, Mông Cổ đã yêu sách.
Bọn Sài Xuân nói với vua Trần Thánh Tôn: “Nước ngài nội phụ (!) hơn hai mươi năm, sáu việc vừa rồi hãy còn chưa thấy làm theo. Nếu ngài không sang chầu, thì ngài cứ việc sửa sang thành trì, chỉnh bị quân sĩ để chờ đợi quân bên tôi”.
Xuân lại nói: “Thân phụ ngài vâng mệnh (!) lên làm vua, ngài không xin phép (!) đã tự lập, nay lại không chịu sang chầu. Ngày khác, Triều đình trị tội (!) thì ngài sẽ trốn lỗi ấy ra sao? Xin ngài nghĩ kỹ lại”.
Vua Trần theo lệ cũ, thết yến ở nhà hành lang (lang hạ); bọn Xuân không đến dự yến.
Khi thấy bọn Xuân dỗi về sứ quán, vua Trần sai Tước minh tự họ Phạm đưa thư xin lỗi, rồi đổi chỗ đặt yến vào Tập Hiền điện. Vua Trần Thánh Tôn nói: “Tiên quân135 qua đời, tôi mới nối ngôi, thấy thiên sứ đến khai dụ chiếu thư, khiến tôi vừa mừng vừa sợ, hồi hộp trong lòng. Trộm nghe: chúa nhà Tống thơ ấu, Thiên tử đoái thương, còn phong cho công tước. Đối với tiểu quốc, thế nào chẳng được thương tình? Trước đây có dụ sáu việc, nhưng đã được miễn cho rồi.
Còn lễ thân đi triều cận, thì tôi sinh trưởng ở nơi cung sâu, không quen đi thuyền, cưỡi ngựa không hợp phong thổ, e chết ở dọc đường sá. Con em tôi từ chức Thái úy trở xuống cũng đều thế cả. Vậy, khi thiên sứ về, tôi xin kính cẩn dâng biểu đạo đạt lòng thành và xin kèm theo những của báu, vật lạ”.
Xuân nói: “Chúa nhà Tống chưa đầy 10 tuổi, cũng sinh trưởng ở thâm cung, thế sao còn đến kinh sư được? Ngoài chiếu chỉ, tôi không dám nghe theo mệnh lệnh nào khác. Vả, bốn chúng tôi đến đây cốt để vời ngài, chứ không phải đi lấy các của sang, vật lạ”.
Tháng một, năm Kỷ Mão (1279), Mông Cổ giữ sứ giả ta là Trịnh Quốc Toản ở lại quán hội đồng, rồi sai bọn Sài Xuân bốn người cùng một sứ giả ta là Đỗ Quốc Kế đem tờ chiếu sang dụ lần nữa: Nếu vua Trần quả không sang chầu được thì phải làm người bằng vàng thay thân mình, lấy hai hạt ngọc trai thay đôi mắt, thêm vào đấy lại phải tuyển những người hiền sĩ, phương kỹ, tử đệ, thợ thuyền, mỗi hạng hai người để thay cho nhân dân. Bằng chẳng thì cứ việc sửa thành trì mà đợi xét xử.
Năm Canh Thìn (1280) vua Trần Nhân Tôn sai chú họ (tụng thúc) là Trần Di Ái (tức Trần Ải) thay mình sang Nguyên giao thiệp. Mông Cổ bèn đặt nước ta làm An Nam tuyên úy ty và lập Di Ái làm An Nam quốc vương (Tân Tỵ, 1281).
Năm Nhâm Ngọ (1282), Mông Cổ cho Sài Xuân làm An Nam tuyên úy Sứ đô nguyên súy, đem một nghìn quân, hộ tống Di Ái về nước, đưa chiếu thư hiểu dụ mọi người trong tông tộc nhà Trần và các quan lại bên ta.
Cuộc ngoại giao giữa ta và Mông Cổ tan vỡ từ đây và cũng từ đây, ta bị dồn vào chỗ chỉ có thể nói chuyện với Mông Cổ bằng gươm, giáo, cung, nỏ và tên thuốc độc.
Cương quyết chống lại, Trần Nhân Tôn sai đón đánh bọn Sài Xuân ở gần ải Nam Quan: Sài Xuân bị tên bắn lòi mất một mắt, phải chạy trốn về Nguyên; lũ Di Ái đều bị bắt, phải tội đồ, sung làm quân lính.
Tháng bảy, năm Quý Mùi (1283), vua Trần Nhân Tôn sai đưa thư sang đòi Mông Cổ trả lại sứ giả của ta bị giữ từ trước136. Kết quả được thắng lợi: Mông Cổ phải thả sứ ta về.
Tháng mười, năm ấy (Quý Mùi, 1283), nhà Nguyên sai Đào Bỉnh Trực đem tỉ thư (quốc thư có đóng ngọc tỉ) sang dụ ta giúp binh lương để Mông Cổ đi đánh Chiêm Thành.
Vua Trần liền sai Trung lượng Đại phu Đinh Khắc Thiệu và Trung đại phu Nguyễn Đạo Học đem đồ phương vật theo sứ Nguyên là Triệu Chử sang giao thiệp với Mông Cổ. Lại sai Trung phụng Đại phu Phạm Chí Thanh và Triêu thỉnh lang Đỗ Bão Trực đến sảnh137 dàn xếp mọi việc và đưa thư, do vua Trần Thánh Tôn đứng tên, cho chức Bình chương Mông Cổ để từ chối việc nài ép ta góp quân giúp lương trong cuộc Nguyên đánh Chiêm Thành:
“Chiêm Thành phục thờ nước nhỏ đã lâu; lão phụ tôi chỉ chăm vỗ về họ bằng đức tốt. Kịp đến đời tôi cũng nối theo ý chí của cha. Từ khi lão phụ tôi quy thuận Thiên triều đến nay đã ba mươi năm, can qua tỏ ra không dùng nữa, quân lính thì đổi làm dân đinh, một là để dùng vào việc cống hiến Thiên triều, một là để chứng tỏ không dám hai lòng. Xin các hạ thương tình mà xét cho thì hay lắm.
Còn việc giúp lương: nước tôi bé nhỏ, đất giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ sau khi đại quân kéo đi rồi138, trăm họ siêu dạt, thêm nỗi nước lụt, hạn hán, no bữa sớm, đói bữa hôm, ăn cũng không đủ! Nhưng đối với mệnh lệnh của các hạ đâu có dám trái, nên nghĩ xin đến địa phận châu Vĩnh An ở bờ cõi Khâm Châu, đợi để góp nộp.
Kế đó lại dụ tôi đây phải thân hành đến cửa cung khuyết, nghe lời thánh dạy tận mặt. Việc ấy, khi còn lão phụ đã được Thiên triều thương xót, làm ngơ, gác bỏ ngoài lòng. Bây giờ lão phụ đã mất139, tôi ở trong tang tóc, cảm thương đến nay hãy còn chưa được lành mạnh. Huống chi tôi đây sinh trưởng ở chốn hẻo lánh xa xôi, không chịu nắng rét, không quen thủy thổ, nếu phải vất vả dọc đường, thì tất uổng phơi xương trắng! Ngay như những kẻ bồi thần nước nhỏ này, mỗi khi đi lại còn bị cảm nhiễm khí độc, chết đến năm sáu phần mười hoặc quá nửa. Các hạ cũng đã biết rõ rồi đấy. Vậy mong uốn lựa mà yêu thương nâng đỡ, tâu bày với Thiên triều, hầu cho biết rõ cái ý tham sống sợ chết của hết thảy họ hàng và quan lại bên tôi. Thế há những riêng tôi may được chịu ơn, mà sinh linh một nước nhờ được an toàn, cũng cùng chúc các hạ được hưởng phúc trời lớn lao lâu dài nữa”. (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Tháng hai, năm Ất Dậu (1285), Mông Cổ lại yêu sách phải vận lương đến Chiêm Thành để giúp việc quân.
Trước tình hình khẩn trương và quyết liệt ấy, bên ta một mặt vẫn chuẩn bị, đem binh chẹn đóng miền biên cương140, một mặt vẫn mềm mỏng đưa thư cho Mông Cổ, nói chuyện ngoại giao bằng từ lệnh.
Tuy nhận được quốc thư của ta nói từ bản quốc đến Chiêm Thành đường thủy đường bộ đều không tiện và xin tùy sức mà cung quân lương141, Mông Cổ cũng vẫn yêu sách ta phải dọn đường, sắp lương và đòi vua Trần phải thân đi đón quân của Thoát Hoan, quân xâm lược...
Thế là cuộc chiến tranh tự vệ lần thứ hai rồi lần thứ ba lại bùng nổ từ đấy.
Chú Thích
120. Sẽ trình bày ở chương “Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất”.
121. Tức năm Đinh Tỵ (1257).
122. Hai sứ giả này đều bị ta giam giữ ở trong ngục, đến khi thả ra thì một người chết.
123. Xưa dùng tiếng “tú tài” có nghĩa như là kẻ sĩ, tức chỉ những hạng nho sĩ, thầy thuốc,... nói trên.
124. Tức là “Đạt lỗ Hoa xích”. Tiếng Mông Cổ, mà đời Thanh dịch lại, nghĩa là Quan trưởng Mông Cổ. Theo chế độ nhà Nguyên thì các cấp hành chính và quân sự, trên từ lộ, dưới đến huyện, ở các hành sảnh, đều dùng người Mông Cổ làm “Đạt lỗ Hoa xích” hoặc gọi “Đạt lỗ Cát tề”.
125. Tháng một ở đây chỉ tháng 11 âm lịch. (BT)
126. Chỉ triều đình Mông Cổ.
127. Chỉ triều đình Mông Cổ.
128. Tháng chạp, năm Canh Thân (1260), Mông Cổ đưa chiếu thư sang bảo ta: Đối với quan liêu, sĩ, thứ trong nước, phàm mũ áo, điển lễ, phong tục, nhất nhất cứ để y theo pháp chế có sẵn của Bản quốc.
129. Tức năm Quý Hợi (1263) đời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
130. Chỉ viên đứng đầu Trung thư sảnh bên Mông Cổ.
131. Chỉ nước Mông Cổ.
132. Chỉ vua Mông Cổ.
133. Có sách phiên âm lầm là Sài Thung.
134. Tức là những khoản đòi Quốc vương phải sang chầu và con em nhà vua phải sang làm con tin,... như trên đã nói.
135. Chỉ vua Trần Thái Tôn.
136. Bọn Trịnh Quốc Toản và một người họ Phạm tước Minh tự sang sứ Mông Cổ từ năm Kỷ Mão (1279).
137. Có lẽ là sảnh Bình Chương như dinh thủ tướng ngày nay.
138. Chỉ cuộc Mông Cổ sang xâm lần thứ nhất (Đinh Tỵ, 1257).
139. Chỉ vua Trần Thái Tôn.
140. Sẽ trình bày ở chương “Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ hai”.
141. Do Sứ bộ Trung lượng Đại phu Trần Đức Quân và Tản lang Trần Tự Tông đem quốc thư sang.
Trần Hưng Đạo Trần Hưng Đạo - Hoàng Thúc Trâm Trần Hưng Đạo