Số lần đọc/download: 1100 / 17
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:38 +0700
Chương 7
V
ì suốt ba tháng hè chỉ đọc kiếm hiệp, tôi không hy vọng được vào trường Cao đẳng tiểu học nữa. Cần gì! Trước kia, tôi sở dĩ đã cố công học để thi, ấy là chỉ tại tôi muốn chiếm bằng được cái xe đạp thưởng mà thầy tôi đã hứa cho tôi. Bây giờ thì thôi rồi. Đỗ hay trượt là một điều tôi không để ý. Tôi đặt tự ái của tôi nơi khác, bởi tôi đã không tin tưởng ở sự học, theo cái lối hiểu của thầy tôi.
Tôi vừa nói đã đặt tự ái của tôi nơi khác, kỳ thực câu ấy chỉ là một câu nói bừa. Sau trận đòn thấm thía của bác thợ nề, lòng tự ái của tôi đâu đã lành được! Tôi buồn hết sức, và đã nhiều khi tôi dùng ngay cái giọng không cười đùa của các ông nhà báo mà mạt sát kiếm hiệp. Tôi công kích kiếm hiệp, cho nó chính là nguyên nhân sự rồ dại của tôi; tôi lại thù ghét lây cả những ai đã viết truyện kiếm hiệp, và gọi họ là tụi văn sĩ ba xu. Trời, nhưng làm thế rồi, tôi mới càng thấy buồn vô cùng. Tôi chán nản, tôi trở nên trơ trọi, không có lấy một chút an ủi, một chút ham say nào nữa. Thời khắc trở nên lẵng nhẵng như ngựa trun. Ngày ấy qua ngày khác, tôi cứ mỏi mắt chờ mong một cái gì quan trọng lắm, tuy vẫn biết chẳng bao giờ nó đến. Mỗi buổi sáng, tôi tự nhủ: "Chắc hôm nay đây", và mỗi buổi chiều: "Chắc sẽ chỉ trong ngày mai". Tất cả sức hoạt động của não cân tôi đều căng thẳng. Cả người tôi bị một bí mật đâu đó thu hút, như chiếc kim địa bàn luôn luôn rung động và hướng về Bắc Cực.
Chính vào độ ấy, một người đàn ông lạ mặt đã đến thăm thầy tôi...
Tôi còn nhớ cái lúc ông ta thoạt đến, buổi quá trưa một ngày tháng bảy tây. Thực là cả một đại sự, bởi nhà tôi ít khách đến chơi, nhất là khách đường xa. Hơn thế, cách phục sức của người lạ càng khiến tôi chú ý đặc biệt; tôi có cảm tưởng như ông ta chính là cái mà tôi từ bao lâu, vẫn chờ đợi một cách mơ hồ.
Người đàn ông ấy trạc độ ba mươi tuổi, thân thể cao lớn, ngực nở, hai cánh tay để trần, đầy những gân guốc và rám nắng. Ông ta đội mũ vải vàng may kiểu cow-boy, mặc chemisette vải vàng, quần short cũng bằng vải vàng; chân đi tất thể thao màu rêu bể, và giày da mũi vuông. Vòng quanh cổ, ông ta cuốn chéo một cái khăn sặc sỡ; và ông ta đeo trên lưng một bọc vuông có quai da vòng qua nách. Dáng đi của ông ta hùng dũng chừng nào, vẻ mặt ông ta hiền lành, tươi tỉnh, và đáng yêu chừng nấy. Thoạt tiên, tôi đoán là một người lính mặc quân sắc riêng; sau, nghe lỏm chuyện, tôi mới biết tôi lầm.
Thầy tôi đón khách ở thềm hè rồi mời khách vào sa lông. Tôi tò mò quá, cũng đánh liều theo vào.
- Thưa ngài, tôi là Đặng Chính Bình, đoàn trưởng hướng đạo, bạn thân của giáo sư Trường.
Thầy tôi bắt tay khách một lần nữa:
- Rất hân hạnh!... Rước ông ngồi chơi...
- Nhân tôi đi rally Đà Lạt, giáo sư Trường cậy tôi đưa hầu ngài một bức thư.
- Cảm ơn ông... Thực, ông đã giúp anh em tôi một việc đáng kể!
Thầy tôi vừa nói vừa thò tay tiếp bức thư do ông Bình đưa, nhưng thầy tôi không đọc vội:
- Ít lâu nay, tôi thường nghe nói nhiều về chủ nghĩa hướng đạo. Nhưng, thực tình tôi chưa hiểu rõ chủ nghĩa ấy thế nào, do ai xướng lập. Vậy, nhân đây, giá ông làm ơn chỉ dẫn cho tôi được biết thì hay quá!...
- Thưa ngài, chủ nghĩa hướng đạo là một chủ nghĩa rất hay, rất bổ ích cho sự giáo dục, do vị huân tước Anh Cát Lợi Baden Powell đề xướng...
Ông Bình thuật cho thầy tôi nghe những cái hay ho, cao quý của hướng đạo. Giọng ông ta nói đầy nhiệt thành và tin tưởng, giống hệt cái giọng của một tay tuyên truyền. Thầy tôi luôn luôn gật đầu, hai mắt sáng hẳn lên. Và sau cùng, thầy tôi kết luận:
- Chủ nghĩa hướng đạo như thế thì hay lắm!
Ấy là lần thứ nhất thầy tôi khen ngợi một cái không phải là cái đạo của Khổng Tử.
Riêng phần tôi, vì đứng từ xa, không nghe được suốt. Nhưng tôi cũng đã hiểu đại cương rằng cái đích của chủ nghĩa hướng đạo là dạy trẻ con biết yêu điều thiện, lẽ công bình và tình bác ái; tinh thần của hướng đạo là cái tinh thần nhân hiệp; phương pháp của hướng đạo là huấn luyện trẻ con ở ngay giữa thiên nhiên, giữa cuộc đời. Tất cả những cái ấy lại chính là những cái tôi ưa thích. Trẻ con và hạng bình dân chất phác bao giờ cũng ưa lý tưởng là thế. Và, đến lúc được gọi lại gần để xem cuốn album, trong đó dán những tấm ảnh chụp các hướng đạo sinh chơi đùa, làm việc, nghỉ ngơi, cắm trại trên rừng hoặc trên bãi biển, và được ông đoàn trưởng cho nghe mấy bài ca hướng đạo, tôi náo nức không bút nào tả xiết: tôi đã là một hướng đạo sinh hăm hở, nhiệt thành hơn hết các hướng đạo sinh. Ồ, cái tinh thần hướng đạo chẳng giống cái tinh thần kiếm hiệp đấy ư? Nó lại hơn kiếm hiệp ở chỗ không hoang đường, không có những cách tu luyện khắc khổ, nhất là không phộng phạo, không nguy hiểm, không cần đến sự đánh nhau mà tôi đã chán ghét lắm. Thế thì còn gì bằng! Tôi run lên, tôi thở mạnh. Tôi thực đã thấy cái mà tôi vẫn đợi chờ. Tôi không tìm được tiếng để diễn tả những xúc cảm của tôi. Tôi chỉ hết nhìn ông đoàn trưởng lại nhìn thầy tôi. Và chắc hẳn hai mắt tôi đã nói hộ tôi nhiều lắm, nên thầy tôi khẽ gật gù bảo với ông khách quý: "Rồi tôi cũng cho thằng cháu này vào hướng đạo!".
Câu ấy làm tôi ứa nước mắt. Tôi muốn phục ngay xuống ôm lấy chân thầy tôi để cảm tạ. Tôi yêu thầy tôi quá, tôi hối các ý nghĩ mà tôi đã có về thầy tôi. Tôi muốn thú tội rõ to, vì có làm thế mới đủ cho tôi chuộc tội.
Nhưng ông đoàn trưởng hướng đạo đã đứng lên để từ biệt thầy tôi. Ông ta đi thật à? Có thể nào ông lại đi nhanh như vậy được!... Thế còn tôi? Ông phải nghĩ cho tôi thế nào đã chứ?...
Ông đoàn trưởng và thầy tôi đã ra hè, đã xuống sân, đã tới cổng... Tôi vẫn đứng ngây giữa phòng, mắt nhìn không chớp...
Bỗng, cánh cửa sắt rít lên rồi sập lại đánh rầm một tiếng. Trong tôi, cả một cái gì đổ vỡ... Thế là xong!...
Tôi thở một hơi dài. Tim tôi thắt lại, đầu tôi rỗng tuếch. Ánh sáng như tắt hẳn, khiến tôi không thấy gì nữa.