From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Tác giả: Natsume Soseki
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: I Am A Cat
Dịch giả: Bùi Thị Loan
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 10057 / 432
Cập nhật: 2016-06-02 14:08:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
óng như thế này thì đến mèo cũng không chịu nổi. Nghe đâu một người Anh tên là Sidney Smith[1] đã từng than thở “muốn lột hết cả da, cả thịt đi, chỉ còn mỗi xương thôi cho nó mát”. Dẫu không phải là “chỉ còn mỗi xương”, nhưng giá mà có thể giật được cái bộ lông đốm màu tro nhạt, như áo khoác này, hoặc bán quách nó đi cho hiệu cầm đồ được thì tốt.
Trong con mắt loài người thì loài mèo quanh năm chỉ có một bộ mặt. Cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mùa nào cũng chỉ có một bộ cánh và sống đơn giản, không cần nhiều tiền nong cũng xong. Nhưng thực ra, dù là mèo thì cũng vẫn biết thế nào là nóng là lạnh. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn tắm một cái. Nhưng dội nước lên bộ áo lông này thì rất khó khô nên tôi đành ráng chịu mùi hôi. Từ trước đến nay, tôi chưa một lần bước vào nhà hàng nước tắm. Thỉnh thoảng tôi cũng không phải là không muốn quạt, nhưng vì không cầm được quạt nên đành chịu thôi. Ngẫm như vậy mới thấy con người xa xỉ biết bao. Những thức ăn cứ việc ăn sống cũng được mà họ nào là phải nấu lên à, nướng lên à, ngâm vào giấm, dầm vào tương… cố tình làm cho cầu kỳ, rắc rối để sung sướng thưởng thức với nhau.
Quần áo mặc cũng thế. Nếu mà bảo rằng hãy cứ như mèo đây, quanh năm chỉ cần mặc một bộ quần áo cũng được thì e rằng điều đó không thể thực hiện được đối với họ, những kẻ vốn bẩm sinh không được hoàn hảo. Nhưng làm gì mà phải đắp lên da nhiều thứ phức tạp như vậy để sống nhỉ? Có thể nói thẳng ra đó chỉ là một sự xa hoa vô tích sự, gây phiền hà cho loài cừu, làm phiền phức đến loài tằm, phải nhờ vả đến cả cánh đồng bông nữa. Cái ăn, cái mặc, trước hết nhìn rộng ra, là phải phiên phiến thôi. Cứ cố tình gắn vào đó nhũng thứ không lợi hại gì trực tiếp đến sự sinh tồn thì không thể chấp nhận được.
Thứ nhất nói về cái lông mọc trên đầu. Đó là cái tự nhiên, nó mọc ra thì cứ mặc kệ nó có phải đơn giản và tiện lợi không? Vậy mà họ lại thích nghĩ ra kiểu nọ kiểu kia với những lo toan không cần thiết. Những kẻ tự xưng là nhà sư thì bao giờ cũng bôi đầu cho xanh. Khi nóng thì đội ô lên trên đó, khi lạnh thì quấn khăn vào. Về cái này không thể không nhắc nhở họ rằng làm xanh như vậy để làm gì? Thế rồi có kẻ còn sướng dùng một dụng cụ giống như cái cưa, gọi là cái lược, một thứ vô nghĩa lý, để chải rẽ tóc sang hai bên. Nếu không rẽ đều sang hai bên thì phân chia khu vực trên xương sọ theo tỷ lệ 7/3 một cách nhân tạo. Trong số đó, có kẻ thì để cho các vùng phân chia này luồn qua xoáy, thò ra đằng sau, trông như lá chuối giả. Có người thì cắt phẳng trên đỉnh sọ, còn hai bên cắt thẳng xuống. Có người lắp một cái khung vuông vào cái đầu tròn, nhìn chả khác gì cái hàng rào cây sam mà những người thợ làm vườn cắt tỉa. Ngoài ra còn các kiểu để tóc năm phân, ba phân, thậm chí một phân cũng có. Rồi cuối cùng có người cắt sâu vào trong tóc thành âm một phân, âm ba phân… Đây có thể là những mốt thời trang hiện đại cũng nên? Nhưng chẳng hiểu họ tự làm khổ mình như vậy để làm gì?
Tiếp đến, họ có bốn chân nhưng chỉ dùng có hai chân, đó là một thứ xa hoa lãng phí. Nếu đi cả bốn chân thì nhanh biết bao, vậy mà bao giờ họ cũng chỉ đi có hai chân. Còn lại hai chân thì lúc nào cũng bỏ thõng như con cá khô, thật dở hơi. Từ đó mà suy ra, con người nhàn rỗi hơn mèo rất nhiều, quá nhàm chán nên mới hay nghĩ ra những trò đùa bỡn như vậy. Có điều kỳ quặc là, cái bọn người rỗi việc này hễ túm tụm lại với nhau là lại kêu ca bận quá, phiền quá, gay quá. Không chỉ kêu ca đâu mà nét mặt lúc nào cũng tỏ ra rất bận rộn, luôn luôn bức xúc như là không khéo sắp bị cái bận rộn nó cắn chết đấy. Trong bọn họ, có kẻ thỉnh thoảng nhìn thấy tôi lại bảo nó sướng thế, nhàn nhã thế! Nếu thấy nhàn nhã là tốt thì cứ nhàn nhã thử đi xem. Có ai bắt, ai yêu cầu họ phải nhăn nhó, hối hả, bức bối như thế đâu? Tự mình tạo ra bao nhiêu việc, không làm hết rồi kêu khổ, khổ, có khác nào tự đun lửa đùng đùng lên rồi kêu nóng quá, nóng quá không?
Nếu mèo mà cũng nghĩ phải cắt lông đầu theo kiểu này kiểu nọ thì không thể nhàn như thế này đâu. Muốn nhàn nhã thì hãy cố mà luyện tập mùa hè cũng mặc áo lông như mèo đây là được thôi.
Thực ra thì đúng là nóng thật. Áo lông quả là nóng quá. Thế này thì cái sở trường ngủ trưa của tôi cũng không thể thực hiện được. Có việc gì để làm không nhỉ? Lâu nay tôi lười quan sát xã hội con người, hôm nay đang định xem xem họ bận rộn, rối rít như thế nào đây thì tiếc thay, về điều này ông chủ cũng được trời phú cho tính cách rất giống mèo. Ông ngủ trưa cũng không thua kém gì mèo. Nhất là từ hôm nghỉ hè đến giờ, ông chưa làm một cái gì cho có vẻ là người. Vì vậy, có quan sát ông ta cũng chẳng lý thú gì. Những lúc thế này, giá mà có Meitei đến đây thì cái nước da tai tái do bệnh dạ dày của ông chủ cũng ửng lên được một chút, cách xa được loài mèo trong khoảnh khắc ấy. Hỡi tiên sinh, đã đến lúc tiên sinh có thể đến được rồi đấy!
Tôi đang nghĩ thế thì trong phòng tắm có tiếng dội nước rào rào. Không chỉ tiếng dội nước mà thỉnh thoảng còn có cả tiếng đế theo “ôi mát quá” “ôi dễ chịu quá” “nào, cho thêm một gáo nữa nào”… vọng ra cả nhà ngoài. Kẻ đến nhà ông chủ mà nói to, hành động tự nhiên như thế này thì không ai khác, chỉ có Meitei thôi. Ái chà, đã đến rồi đây. Hôm nay sẽ giết được nửa ngày đây. Tôi vừa nghĩ vậy thì đã thấy tiên sinh lau mồ hôi, ung dung bước tận vào trong phòng như mọi khi, vừa vứt mũ xuống sàn chiếu vừa gọi “bà chủ ơi, anh Kushami thế nào?”
Bà chủ đang ở phòng bên cạnh, gục bên cạnh giỏ khâu, ngủ ngon lành, thấy tiếng ồn ào đập vào tai, nghe tiếng gọi, giật mình tỉnh giấc, cố mở thật to đôi mắt chưa tỉnh ngủ, đi ra phòng nghỉ. Ở đó, Meitei mặc áo sợi đay Satuma, tự tìm lấy chỗ ngồi, tay đang phẩy quạt lia lịa. Bà chủ có vẻ hơi luống cuống, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, chào khách:
– À, anh đến chơi đấy à? Thế mà tôi không biết gì cả.
– Không, tôi cũng vừa đến đây thôi mà. Được cô sen dội cho mấy gáo nước trong nhà tắm, vừa mới sống lại đây. Trời ơi, nóng quá đi mất thôi, chị nhỉ?!
– Mấy hôm nay, chỉ ngồi không thôi, mồ hôi cũng cứ vã ra, thật là nóng quá. Nhưng anh vẫn khỏe chứ ạ? – Bà chủ nói. Mồ hôi vẫn chảy trên mũi.
– Vâng, cảm ơn chị. Chỉ nóng một chút thôi chứ không sao cả. Nhưng cái nóng này không bình thường, cứ rã rời cả người.
– Tôi cũng vậy. Tôi vốn có bao giờ ngủ trưa đâu. Vậy mà cái nóng này làm cho…
– Chị ngủ được à? Thế thì tốt đấy. Ngủ trưa, ngủ đêm được là không gì bằng rồi.
Vẫn như mọi khi, Meitei bình thản nói đủ các thứ chuyện. Xem chừng thế vẫn chưa đủ, ông ta lại tiếp tục:
– Tôi thì không muốn nằm. Bẩm tính trời sinh ra thế. Mỗi lần đến đây, thấy anh Kushami ngủ mà thèm. Với cái nóng này, chắc càng đáp ứng mạnh cho những tạng người yếu dạ dày đây. Những ngày như hôm nay mà phải vác cái đầu trên vai thì ngay cả với người khỏe cũng còn thấy vất vả. Nhưng nói vậy thôi, chứ một khi nó đã ở trên đó rồi thì có muốn nhổ đi cũng chả được.
Khác với mọi khi, ông Meitei đang khó xử lý với cái đầu của mình.
– Những người mà trên đầu lại có thêm cả thứ khác nữa như chị thì không thể ngồi được là đúng thôi. Chỉ riêng sức nặng của búi tóc cũng đã làm người ta muốn nằm xuống rồi.
Bà chủ nghe nói thế tưởng là do búi tóc đã làm lộ tẩy việc mình vừa nằm nên vừa cười vừa đưa tay lên sờ tóc, nói:
– Ôi, anh này mồm mép ghê quá nhỉ.
Meitei chẳng để ý đến lời nói đó, tiếp tục nói rất kỳ quặc:
– Này, chị ạ, hôm qua tôi đã phờ-rai (fry – rán) thử một quả trứng trên mái nhà đấy.
– Sao, anh làm cái gì phờ rai cơ?
– Vì nếu dùng ngói trên mái nhà mà rán cái gì đó thì rất tốt, thấy cứ để không như vậy phí quá nên tôi mới đặt bơ lên cho tan ra rồi đập một quả trứng lên đó.
– Trời ơi!
– Nhưng mà ánh nắng không như ta tưởng, mãi không chín. Tôi bỏ xuống nhà đọc báo thì có khách đến, thế là quên mất. Sáng hôm nay nhớ ra, nghĩ là đã chín rồi, lên xem thử thì….
– Thì thế nào?
– Thì không những không chín mà nó còn chảy đi đâu mất.
– Chà, chà… – Bà chủ tròn mắt ngạc nhiên.
– Vài tuần trước lập hạ[2] thì mát, thế mà bây giờ lại nóng như thế này, kỳ lạ thật!
– Vâng, đúng vậy. Mới mấy hôm trước mặc một áo còn thấy hơi lạnh, thế mà từ hôm kia, đột ngột nóng dữ lên.
– Cua thì đi ngang. Còn khí hậu năm nay thì đi giật lùi. Đi ngang, đi ngược rồi đi giật lùi, kiểu gì gì đấy.
– Thế nghĩa là thế nào?
– Không, không có gì cả. Là nói việc khí hậu đi ngược trở lại giống như con bò của Hercules ấy mà.
Đúng như sự chờ đợi, ông ta lại bắt đầu nói cái gì đó mà bà chủ không hiểu. Nhưng chờn vì cái vụ “đi đứng ngược đời” vừa nãy nên lần này bà chủ chỉ “thế à?” chứ không hỏi gì nữa. Không được hỏi thì chủ đề Meitei nêu ra mất giá trị.
– Này, chị có biết con bò của Hercules là gì không?
– Tôi không biết loại bò ấy.
– Không biết à? Thế thì để tôi nói cho chị nghe nhé.
Bà chủ không thể từ chối là tôi không cần nghe nên đành vâng.
– Ngày xưa, Hercules dắt về một con bò.
– Ông Hercules ấy là người chăn bò à?
– Không phải là người chăn bò. Hoàn toàn không phải người chăn bò gì cả. Đó là chuyện vào cái thời Hy Lạp chưa có cửa hàng thịt bò nào cả.
– À, chuyện của Hy Lạp à? Thế mà không nói ngay từ đầu.
Riêng cái tên nước Hy Lạp thì bà chủ có vẻ hiểu.
– Thì tôi chẳng nói Hercules là gì.
– Thế Hercules là Hy Lạp à?
– Vâng, Hercules là anh hùng của Hy Lạp.
– Thảo nào mà tôi không biết. Thế cái ông đó làm sao?
– Cái ông này cũng giống như chị ấy, ông ta buồn ngủ và ngủ khò khò.
– Chán cái anh này.
– Trong lúc anh ta đang ngủ thì Valkan đi tới.
– Valkan là cái gì?
– Valkan là thợ rèn. Con của người thợ rèn này đã ăn cắp con bò đó. Nhưng mà nó nắm đuôi kéo con bò đi nên khi Hercules tỉnh dậy, đi tìm bò thì không thể biết được. Đúng là không thể biết được vì dấu chân bò chỉ hướng về phía này thôi, vì nó kéo bò đi giật lùi mà. Đó là một thành công lớn đối với con của người thợ rèn.
Thế là ông Meitei đã quên chuyện thời tiết.
– Dạo này anh ấy thế nào? Vẫn ngủ trưa à? Ngủ trưa cũng là một nét phong lưu trong thơ của Tàu đấy. Nhưng ngày nào cũng ngủ trưa như công việc hàng ngày trong thời gian biểu của anh Kushami thế này thì cũng hơi bị phàm tục hóa mất rồi nhỉ. Xem ra cứ định chết dần chết mòn mỗi ngày một chút ấy. Này chị, phiền chị đánh thức anh ấy dậy hộ cho một chút đi.
Nghe giục thế, bà chủ nói vẻ đồng tình:
– Vâng, đúng là như vậy, rất khổ anh ạ. Người cứ yếu dần đi. Mà vừa mới ăn cơm xong đấy.
Bà đang định đứng lên thì tiên sinh Meitei không thèm nghe, mặt tỉnh khô, bộc bạch:
– Chị ạ, nói đến cơm thì tôi vẫn chưa ăn gì cả.
– Ôi chết, đã đến bữa mà tôi không để ý gì cả. Vậy thì nhà chẳng còn gì, anh xơi tạm ochazuke[3] nhé.
– Không, ochazuke thì tôi không cần ăn.
– Nhưng anh ạ, nhà chẳng còn gì khác hợp khẩu vị của anh cả.
Bà chủ nói vẻ châm chọc. Meitei tỉnh ngộ nên nói ra cái mà người bình thường khó có thể làm được:
– Không, cơm chan nước chè hay nước sôi thì cũng xin miễn cho. Trên đường đến đây tôi đã chuẩn bị rồi, tôi chỉ xin được ăn ở đây thôi.
Bà chủ chỉ nói ngắn gọn mỗi “thế thì…” nhưng trong đó chứa đựng đủ cả sự ngạc nhiên, sự khó chịu và cả sự vui mừng vì đỡ bị phiền hà.
Đúng lúc đó, có lẽ vì sự ồn ào hơn hẳn mọi khi làm cho giấc ngủ vừa kéo đến bị đánh tan, ông chủ ngật ngưỡng từ phòng sách bước sang, ông vừa ngáp vừa nói với vẻ mặt sưng sỉa:
– Cái thằng cha, lúc nào cũng ngậu xị. Người ta vừa mới đi vào giấc ngủ đang ngon thì phá.
– Ái chà, tỉnh giấc rồi đấy à? Xin lỗi đã làm động giấc phượng nhé. Nhưng thỉnh thoảng như vậy cũng tốt chứ? Nào, ngồi xuống đi.
Một cách chào hỏi thật khó phân biệt đâu là chủ nhà, đâu là khách. Ông chủ lẳng lặng ngồi xuống, rút từ trong hộp gỗ khảm ra một điếu Asahi rồi bắt đầu rít nhè nhẹ. Chợt nhìn thấy cái mũ của Meitei vứt lăn lóc ở góc phòng phía xa, ông hỏi:
– Cậu mua mũ rồi à?
Meitei lập tức cầm cái mũ đến trước mặt ông bà chủ hỏi:
– Thế nào?
Bà chủ xoa lấy xoa để cái mũ, khen:
– Chà, đẹp quá. Mịn và mềm ghê.
– Này, chị ạ, cái mũ này là một bảo bối quan trọng lắm đấy, nó có thể làm theo bất kỳ yêu cầu nào của mình.
Meitei nói và nắm tay thục ngay vào cái mũ Panama thì đúng như ý muốn, một lỗ thủng bằng nắm tay hiện ra. Bà chủ ngạc nhiên kêu “ối cha…” thì ngay sau đó Meitei lại nắm tay thục vào phía sau mũ kéo bành ra, một cái trôn chảo lồi lên. Lần này Meitei cầm lấy mũ, bóp mạnh từ hai bên vành, cái mũ thành phẳng lì như hòn bột bị cán bằng chày cán. Meitei cuộn tròn cái mũ lại, bỏ vào túi, hỏi:
– Thế nào? Đấy, nó là thế đấy!
– Ôi, lạ quá nhỉ!
Bà chủ thán phục như được xem một màn ảo thuật của Kitensai Shoichi[4] vậy. Meitei cũng đắc ý, lôi cái mũ, đã được nhét vào túi áo phía tay phải, ra từ ống tay áo phía tay trái và làm cho nó trở lại cái mũ như cũ. Ông ta bảo “không có chỗ nào bị hỏng cả” rồi chụp mũ vào đầu ngón tay trỏ, xoay tít như chong chóng. Tôi tưởng ông ta thôi không còn trò gì nữa thì cuối cùng ông ta ném bịch cái mũ ra phía sau và ngồi phịch lên trên mũ.
– Cậu này, không sợ hỏng à!
Thậm chí ông chủ cũng lo lắng ra mặt. Bà chủ thì tất nhiên lo sợ nhắc:
– Hiếm có được cái mũ tốt quý như vậy, nhỡ hỏng thì phí quá, thôi, vừa phải thôi, đừng làm quá nữa.
Chỉ có chủ của cái mũ là đắc ý bảo “nhưng mà không hỏng, thế mới kỳ diệu chứ”, rồi lôi cái mũ nhàu nhĩ từ dưới mông ra, đội lên đầu. Điều kỳ diệu là cái mũ đã nhanh chóng hồi phục lại hình dáng nhờ cái đầu. Bà chủ càng thán phục, bảo:
– Cái mũ đúng là tốt quá nhỉ. Sao lại thế được nhỉ?
Meitei cứ đội mũ trên đầu, trả lời:
– Không, có gì đâu, vốn dĩ nó thế mà!
Một lúc sau bà chủ khuyên chồng:
– Mình cũng nên mua một cái mũ như vậy đi.
– Nhưng anh Kushami chả đã có cái mũ rơm cực kỳ rồi đấy thôi?
– Nhưng hôm trước bọn trẻ con nó xéo bẹp rồi, anh ạ.
– Ôi, thế thì tiếc quá nhỉ.
– Nên tôi nghĩ lần này nên mua một cái mũ đẹp và tốt như của anh.
Bà chủ không biết giá của chiếc mũ Panama nên cứ nài nỉ khuyên chồng.
– Mua một cái như thế này đi. Mua đi mình ạ.
Lần này Meitei móc từ túi áo bên phải ra một cái kéo còn đựng trong hộp, chìa cho bà chủ:
– Thôi chị ạ, về cái mũ thì thế thôi. Bây giờ hây xem cái kéo này. Đây cũng là một bảo bối cực kỳ quý, có thể sử dụng theo mười bốn chức năng đấy.
Tôi phát hiện ra rằng nếu Meitei không đưa cái kéo này ra thì ông chủ sẽ bị bà chủ tấn công, ép mua bằng được chiếc mũ Panama kia. Nhưng với tính tò mò vốn có của đàn bà, bà đã miễn cho ông được cái vận xấu kia. Phải nói, đó là một may mắn ngẫu nhiên chứ không phải chỉ là tài ứng biến của Meitei.
– Cái kéo ấy làm thế nào mà có thể sử dụng theo mười bốn kiểu được?
Vừa nghe hỏi thế, lập tức Meitei đắc ý trả lời:
– Bây giờ tôi sẽ giải thích từng điểm một. Hãy nghe đây. Nào, bắt đầu nhé. Chỗ này có một vết mẻ hình lưỡi liềm, đúng không nào? Nếu cho thuốc xì gà vào đây nó sẽ cắt phập một cái. Dưới đáy này có một chi tiết rất tinh vi, có thể cắt dây thép ngọt xớt. Nếu kéo thẳng ra, đặt trên giấy thì nó có thể dùng làm thước kẻ. Phía sau lưỡi có những vạch khắc nên có thể dùng làm thước đo. Còn phía sau này có răng cưa nên có thể giũa móng tay.
Được chưa? Còn cái đầu này, nếu móc vào một cái đinh vít, vặn chặt lại thì có thể dùng làm búa. Nếu cắm thật sâu vào rồi xoáy để mở thì cỡ nắp hòm đóng đinh cũng có thể mở được dễ dàng. Ở đầu mũi kéo này thì có mũi khoan. Chỗ này là để cạo, tẩy những chỗ viết hỏng, nếu tháo rời ra thì có thể dùng như một con dao.
Cuối cùng. Này chị, cái chỗ cuối cùng này mới là chỗ hay nhất đây. Chỗ này có một viên bi cỡ bằng mắt con ruồi. Chị hãy nhìn thử vào đây mà xem.
– Không, tôi không nhìn đâu, chắc anh lại định lừa tôi chứ gì?
– Bị mất lòng tin đến thế thì gay quá nhỉ. Thì chị cứ nghĩ là bị lừa mà nhòm thử một chút xem nào. Sao? Không muốn à? Chỉ một chút thôi mà.
Meitei nói và đưa cái kéo cho bà chủ. Bà chủ nghi ngờ cầm lấy cái kéo, áp mắt vào chỗ điểm mắt ruồi, nhìn chăm chú.
– Thế nào?
– Sao tối đen thế?
– Không tối đâu, quay về hướng cửa một chút di. Thể, đừng hạ kéo xuống thế. Thế, thế, nhìn thấy rồi chứ?
– À, là ảnh à? Tại sao lại kẹp được cái ảnh nhỏ thế này vào đây nhỉ?
– Thế mới hay chứ.
Meitei và bà chủ cứ thế hỏi đáp tíu tít. Ông chủ từ nãy đến giờ ngồi im, đến lúc này hình như cũng rất muốn xem ảnh, nói:
– Này, cho tôi xem với.
– Ôi, đẹp quá. Người đẹp khỏa thân phải không?
Bà chủ vẫn ấp chiếc kéo trên mặt, nói mà không chịu buông ra.
– Này, đã bảo cho tôi xem một chút mà.
– Chờ một tí đã. Tóc đẹp quá nhỉ, dài đến tận lưng. Người hơi ngửa một chút. Người đàn bà cao dễ sợ nhưng đẹp quá.
– Này, đã bảo cho tôi xem với mà. Xem thế thôi, đưa đây.
Ông chủ có vẻ sốt ruột, cuống cả lên, cáu với vợ.
– Đây, xin lỗi đã để ông phải đợi. Xin mời xem đi.
Bà chủ nói và đưa cái kéo cho ông chủ. Vừa lúc đó, cô sen xách hai suất mì sợi luộc về, lên tiếng:
– Hàng của ông khách đặt đã có rồi đấy ạ.
– Này chị, đây là món ngon tôi tự chiêu đãi mình đấy. Xin phép cho tôi ăn ở đây nhé.
Meitei thưa bẩm rất lễ phép, nửa như nghiêm chỉnh nửa như giễu cợt. Bà chủ hình như khó xử chỉ trả lời qua quýt:
– Vâng, xin mời anh cứ tự nhiên.
Ông chủ mãi mới rời được mắt ra khỏi ảnh, nói:
– Này cậu, trời nóng thế này mà ăn soba[5] thì độc hại đấy.
– Hại gì. Không sao cả. Món ăn mà mình thích thì chẳng mấy khi bị ngộ độc đâu.
Ông ta nói và mở nắp cái rá đựng mì sợi luộc.
– Vừa mới luộc xong, tốt quá. Mì luộc để ôi và loại người khờ vốn là những thứ không đáng tin cậy.
Ông ta vừa nói vừa cho gia vị vào nước chấm rồi ra sức quấy. Ông chủ lo lắng nhắc nhở:
– Cậu cho nhiều wasabi thế, cay chết.
– Mì sợi thì phải ăn với nước chấm và wasabi chứ. Cậu thì ghét mì sợi, phải không?
– Tôi thì thích udon[6] cơ.
– Udon là món ăn của trẻ con. Không có gì đáng thương hơn là kẻ không biết vị ngon của soba.
Nói rồi ông thọc đũa rất mạnh vào rá, gắp rất nhiều soba nâng lên cao chừng nửa gang tay, nói:
– Này chị, ăn soba cũng có nhiều cách lắm. Những người mới biết ăn thì chan nước chấm vào rồi và vào miệng, nhai lấy nhai để. Như vậy thì không còn cái ngon của kiều mạch nữa. Người ta phải gắp và nâng nó lên thế này này.
Ông nói và nâng cao đũa. Những sợi mì nhất loạt được nâng lên cao, rủ xuống dài lòng thòng. Tiên sinh Meitei nghĩ là đã được rồi, nhưng nhìn xuống thấy vẫn còn khoảng mười hai, mười ba sợi dính dưới lòng rá.
– Sợi dài quá nhỉ. Thế nào chị, độ dài thế này được chứ?
Ông ta lại bắt bà chủ tiếp chuyện. Bà chủ cũng thán phục trả lời:
– Ôi, dài quá nhỉ.
– Những sợi mì dài như thế này chỉ cần chấm 1/3 vào nước chấm rồi nuốt tuột vào họng, không được nhai. Nhai thì làm mất đi hương vị của kiều mạch. Cái ngon chính là ở chỗ nó chui tọt vào cổ họng mình đấy.
Ông ta nói và ra sức nâng thật cao đũa lên, những sợi mì cuối cùng phải rời khỏi đáy rá. Sau đó ông ta từ từ hạ đũa, chấm vào chén nước chấm cầm bên tay trái. Theo định luật Achimedes thì lượng mì sợi chấm vào chén sẽ làm cho lượng nước chấm dâng lên. Nhưng vốn trong chén đã chứa đầy 8 phần 10 nước chấm rồi, những sợi mì của Meitei chưa vào được 1/4 thì chén đã đầy. Meitei nâng đũa lên khỏi miệng chén ở độ cao chừng 15 cm rồi cứ thế dừng ở đó. Không dừng cũng không được. Hạ thấp xuống một chút là nước chấm trào ra ngay. Đến đây, Meitei có vẻ chần chừ một chút rồi nhanh như chớp ghé miệng vào phía đũa mì. Ngay lập tức nghe tiếng cổ họng kêu tụt tụt. Tiếng sáo cổ trầm bổng cất lên vài ba lần thì những sợ mì treo trên đầu đũa cũng biến hết. Nhìn kỹ mặt Meitei thấy có vài ba giọt gì như nước mắt chảy từ khóe mắt xuống má. Không biết vì wasabi cay quá hay vì vội quá, xương cổ bị gãy chăng, tôi cũng chẳng rõ.
– Phục cậu thật đấy. Thật là giỏi. Làm sao mà nuốt một hơi hết được từng ấy mì cơ chứ!
Ông chủ kính phục khen ngợi. Bà chủ cũng ca ngợi tài năng của Meitei:
– Thật tài tình vô cùng đấy.
Meitei không nói gì, đặt đũa xuống, lấy tay vỗ vỗ vào ngực hai ba lần, bảo:
– Chị ạ, thường thì một suất mì người ta ăn làm ba miếng rưỡi hay bốn miếng, nếu ăn làm nhiều miếng hơn thế thì không ngon.
Nói xong lấy khăn mùi xoa lau miệng, hít một hơi thở mạnh.
Giữa lúc này thì anh Kangetsu, không hiểu sao trời nóng như thế này mà lại đội mũ mùa đông, hai chân bám đầy bụi, ở đâu dẫn xác đến.
– Ái chà, có đấng nam nhi đến đây rồi. Nhưng tôi đang ăn dở, xin mạn phép nhé.
Meitei “ngồi sau đám đông” mà không e dè, thản nhiên ăn hết chỗ mì còn lại. Lần này, thay vì cách ăn tiên tiến như khi nãy, ông ta ăn từ từ nên không phải thỉnh thoảng dùng khăn mùi xoa, nghỉ lấy hơi cũng ăn sạch cả hai suất.
– Kangetsu viết xong luận án tiến sĩ chưa?
Ông chủ cất tiếng hỏi. Meitei cũng tiếp luôn:
– Tiểu thư Kaneda đang nóng lòng chờ đấy, mau nộp đi thôi.
Vẫn nụ cười nhạt khổ sở như mọi khi, anh Kangetsu nói vẻ rất thật lòng một cái điều chả có vẻ thật lòng gì cả:
– Biết là có tội đấy nên tôi cũng muốn cố nộp càng sớm càng tốt để làm yên lòng người ta. Song khổ một nỗi, đề tài là đề tài, phải mất nhiều công nghiên cứu mới hoàn thành được.
– Đúng rồi. Đề tài là đề tài, không thể làm theo ý “cái mũi” được. Hơn nữa, cái mũi đó thì chỉ có giá trị nghi ngờ cái hơi thở đằng mũi thôi.
Meitei cũng đáp lễ theo giọng Kangetsu. Nghiêm chỉnh hơn ai hết là ông chủ:
– Thế đề tài luận văn của cậu là cái gì?
– Là ảnh hưởng của tia tử ngoại đối với tác dụng điện động trên nhãn cầu ếch.
– Thế thì hay nhỉ. Đúng là tiên sinh Kangetsu có khác. Nhãn cầu ếch là rầm rộ lắm đấy, phải không cậu Kushami? Trước khi giảng giải về đề tài luận văn, hãy thông báo ngay cho nhà Kaneda biết đi chứ, chỉ cần đề tài không thôi.
Ông chủ không bắt ý lời Meitei mà hỏi Kangetsu:
– Này, đó là vấn đề mà cậu khổ công nghiên cứu đấy à?
– Vâng, đề tài này tương đối phức tạp. Thứ nhất là cấu tạo mắt kính trong nhãn cầu ếch không đơn giản như ta tưởng, vì vậy phải làm rất nhiều thí nghiệm. Trước hết phải chuẩn bị một viên thủy tinh tròn thì mới làm được.
– Viên thủy tinh thì đến hiệu kính, làm gì mà chả có.
– Làm sao, làm sao?
Kangetsu có vẻ chống lại ý kiến thầy.
– Tròn hay thẳng vốn là vấn đề mang tính chất hình học. Cái ‘‘tròn” và “thẳng” lý tưởng, đúng theo định nghĩa của nó, thực tế không có trên đời này.
Meitei nói xen vào:
– Không có thì thôi đi có được không?
– Vì thế nên tôi định trước tiên phài làm một quả cầu có thể dùng được trong thí nghiệm mà không có trở ngại gì. Tôi đã bắt đầu làm từ cách đây mấy hôm rồi.
Ông chủ hỏi rất vớ vẩn:
– Đã làm được chưa?
– Được thế nào được!
Kangetsu trả lời xong, cảm thấy lời nói của mình hơi mâu thuẫn nên bèn nói một thôi một hồi những điều mà nghe không thể biết được đó là thật hay bịa:
– Làm rất khó. Cứ mài dần mài dần, thấy phía này ngắn quá thì mài bớt phía kia đi. Chà gay quá, bây giờ lại đến lượt phía này dài quá. Cứ ra sức mài, tưởng ra hình cầu thì lại thành méo mó. Chấp nhận cái méo mó này thì lại nảy sinh ra vấn đề bán kính. Lúc đầu mài một khối to bằng quả táo tây, rồi cứ nhỏ dần nhỏ dần, cuối cùng chỉ còn bằng quả dâu tây. Rồi cứ thế miệt mài làm cho đến khi chỉ còn bằng hạt đỗ tương. Bé bằng hạt đỗ tương rồi mà cũng chưa được một hình tròn hoàn toàn. Tôi cũng mài khá cần cù, suốt từ sau Tết đến giờ, đã mài tất cả sáu cục thủy tinh lớn nhỏ rồi.
– Cậu mài như vậy ở đâu?
– Thì cũng ở phòng thí nghiệm của trường. Cứ mài từ sáng đến trưa, nghỉ trưa ăn cơm chút rồi lại mài tiếp cho đến tối. Thật chả dễ tí nào.
– Vậy thì gần đây lúc nào cậu cũng kêu bận rộn là vì ngày nào cũng đến trường, kể cả chủ nhật để mài quả cầu ấy đấy à?
– Vâng, trước mắt thì từ sáng đến tối, hoàn toàn chỉ có mài quả cầu ấy thôi.
– Thì ra là muốn trở thành tiến sĩ chế tạo ngọc kia đấy. Nếu mà được biết về sự chăm chỉ thế này thì dẫu là “mũi” nào cũng phải thấy đáng quý trọng đấy nhỉ. Nói thật, hôm trước tôi có chút việc, có đi qua thư viện, khi về, vừa ra đến cổng thì gặp cậu Robai[7]. Cậu này tốt nghiệp ra trường rồi vẫn còn đi thư viện thì lạ thật. Tôi bảo “cậu chăm chỉ nghiên cứu nhỉ”. Tiên sinh ấy nghe thì cười ranh mãnh bảo “chăm chỉ gì! Tôi đến đây không phải để đọc sách. Tôi đi qua đây, buồn đi tiểu nên ghé vào thôi”. Cậu với Robai là một ví dụ điển hình về sự đối lập, có thể đưa vào “Mông cầu tân tuyển” được đấy.
Như thường lệ, Meitei lại đưa ra một chú thích dài dòng. Ông chủ trở lại nghiêm chỉnh, hỏi:
– Ngày nào cậu cũng mài viên thủy tính như thế thì cũng được, nhưng cậu định đến bao giờ thì viết xong luận văn?
Anh Kangetsu trả lời bình thản hơn ông chủ:
– Chà, với kiểu này thì phải mất mười năm.
– Mười năm cơ à? Sao không mài nhanh lên một chút, hả?
– Mười năm còn là nhanh đấy. Tùy theo đề tài, có khi mãi mãi không biết bao nhiêu năm ấy chứ.
– Thế thì chết. Thì ra thành tiến sĩ không phải dễ nhỉ.
– Vâng, em cũng muốn làm cho người ta yên tâm càng sớm càng tốt. Nhưng chỉ biết rằng nếu không mài xong quả cầu thì không thể làm thí nghiệm được…
Anh Kangetsu ngưng lời một chút rồi nói tiếp:
– Họ cũng chẳng lo lắng đến thế đâu. Kaneda[8] cũng biết em đang mải mê mài quả cầu mà. Thực ra cách đây hai ba ngày, em đã tới đó, nói cho cô ấy biết sự thật rồi.
Bà chủ từ nãy đến giờ nghe chuyện của ba người mà chẳng hiểu gì, nghi ngờ hỏi:
– Nhưng cả nhà ông Kaneda đi Oiso từ tháng trước cơ mà?
Nghe thế Kangetsu có vẻ hơi chùn, nói vờ vịt:
– Thế thì lạ quá nhỉ. Có chuyện gì vậy?
Những lúc như thế này, cái đáng quý nhất là có mặt Meitei. Khi câu chuyện bị ngắt quãng hay đi đến kết cục không hay, khi buồn ngủ hay khi khó khăn… dù bất kỳ tình huống nào, anh ta cũng sẽ chen vào ngay:
– Tháng trước đi Oiso mà hôm qua hôm kia gặp ở Tokyo, thần kỳ như vậy mới hay chứ. Đó là thần giao cách cảm, sự giao cảm của tâm linh mà. Khi tình cảm người ta tha thiết thì thường có hiện tượng như vậy. Nghe thì có vẻ như là mơ, nhưng dù mơ thì cũng là một giấc mơ rõ ràng hơn cả hiện thực đấy. Còn cứ như chị, không yêu, mà cũng chẳng được yêu, vậy mà cũng lấy anh Kushami cho xong chuyện, rồi cả đời không biết thế nào là tình yêu, thì việc đó đúng là có thể khó hiểu thật đấy.
– Ôi, anh căn cứ vào đâu mà nói như vậy? Anh coi thường tôi quá nhi?
Bà chủ bất ngờ cắt ngang lời Meitei. Ông chủ viện trực diện với bà chủ:
– Cậu thì hình như còn chưa bao giờ thèm “yêu đương phiền toái” nữa thì sao?
– Những đồn đại về các mối tình của tôi thì dẫu có bao nhiêu nhiêu cũng chỉ “sau ba bảy hăm mốt ngày, khi qua rồi thì chẳng còn gì đọng lại trong ký ức của các bạn nữa… ” Nhưng thực ra, chính vì bị thất tình mà hậu quả là đến giờ tôi vẫn sống lẻ loi, đơn chiếc đấy.
Ông ta nói và nhìn mặt khắp lượt từng người. Bà chủ cười:
– Hi hi… hay thật.
– Đừng có bịp nhé.
Ông chủ nói và quay mặt ra sân. Chỉ có anh Kagetsu vẫn giữ nụ cười nhỏn nhẻn nói:
– Ôi, em muốn được nghe để học tập kinh nghiệm cái quá khứ đáng nhớ đó của thầy quá!
– Chuyện của tôi cũng ly kỳ lắm. Nếu đem kể cho cố tiên sinh Koizumi Yakumo[9] nghe thì chắc ông ta thích lắm đấy. Đáng tiếc là ông ấy chết mất rồi. Thực ra tôi cũng chẳng muốn nói ra làm gì, nhưng nhân đây tôi cũng xin thổ lộ. Bù vào đó, xin quý vị hãy nghiêm chỉnh mà lắng nghe cho đến hết đấy.
Giao hẹn xong, ông ta bắt đầu câu chuyện:
– Ngẫm lại, chuyện xảy ra cũng đã khá lâu, không biết là cách đây bao nhiêu năm. Thôi cứ cho là mười lăm, mười sáu năm gì đó cũng được, cho đỡ mất công.
– Đừng có đùa.
Ông chủ phì mũi. Bà chủ cũng mát mẻ:
– Anh hay quên quá nhỉ.
Chỉ mỗi anh Kangetsu là có vẻ giữ lời hứa, không nói gì, thái độ như muốn giục hãy nói tiếp đi.
– Chuyện xảy ra cũng vào mùa đông của một năm. Tôi đi qua Kambaragoritakenokodani (thung lũng cánh đồng măng), trong địa phận Echigo, qua đèo Takotsubo (Chum lươn), rồi từ đó đi sang địa phận Aizu.
– Kỳ lạ nhỉ.
Ông chủ lại phá quấy. Bà chủ ngăn:
– Để yên nghe nào, đang hay.
– Nhưng trời thì sắp tối, đường không biết, bụng thì đói, tôi đành phải gõ cửa một ngôi nhà ở giữa đèo. Tôi kể đầu cua tai nheo, tình cảnh thế này thế nọ và xin cho được ngủ nhờ. Thế là “không sao cả, dễ thôi, xin mời anh vào”. Nhìn mặt người con gái vừa chìa ngọn nến vào mặt tôi vừa mời đó, tôi run lên cầm cập. Từ giây phút đó tôi cảm nhận một cách thiết thực cái ma lực của con quái vật kusemono[10] có tên là tình yêu.
– Ồ, làm gì có chuyện. Ở trong núi như thế mà cũng có người đẹp à?
– Dù là núi hay biển thì thưa chị, tôi muốn chị được nhìn thấy cô ấy một lần đấy. Cô ấy búi tóc kiểu Bunkin Takasimada[11] nhé.
– À…? – Bà chủ đã bị lôi cuốn vào câu chuyện.
– Tôi vào trong nhà thì thấy gian phòng rộng tám chiếu có một lò sưởi irori[12] ở chính giữa. Tôi cùng với cô gái và bố mẹ cô, bốn người ngồi xung quanh bếp lửa đó. Cô gái hỏi “chắc là anh đói nhỉ?”. Tôi bảo “vâng, đói lắm, mau lên, cho tôi ăn đi, cái gì cũng được”. Thế là ông già bảo “chẳng mấy khi có khách quý, nấu cơm thịt rắn cho khách đi”. Chà, từ lúc này là bát đầu sắp đến đoạn thất tình rồi đây, xin quý vị chú ý lắng nghe nhé.
– Thưa tiên sinh, chú ý thì chúng tôi vẫn chú ý lắng nghe đây. Nhưng cho dù là Echigo đi nữa thì mùa đông cũng làm gì mà có rắn kia ạ?
– À, đó là một thắc mắc rất hay. Nhưng trong một câu chuyện thơ mộng như thế này mà cứ đưa ra những lý do vặn vẹo thế là không được. Trong tiểu thuyết của Kyoka chẳng có cua bò ra từ trong tuyết đấy như?
Nghe ông ta nói thế, anh Kangetsu chỉ “ừ nhỉ” rồi lại trở lại thái độ lắng nghe chăm chú.
– Hồi đó tôi là kẻ đứng đầu trong việc ăn những thứ khá kinh. Những cào cào, nòng nọc hay con sên thì tôi đã ăn chán ra rồi nên thịt rắn cũng thế. Tôi trả lời ông già để mau được ăn. Thế là ông già bắc nồi lên bếp lò, đổ gạo vào, ninh lục bục lục bục. Có điều lạ là nhìn trên nắp nồi thấy có khoảng chục cái lỗ lớn nhỏ, từ trong đó, hơi nước bốc lên vù vù. Tôi rất cảm phục “sao ở nhà quê người ta nghĩ ra nhiều thứ ngon thế!”.
Ông già đứng lên, đi đâu một lúc rồi quay về, bên hông cắp theo một cái rổ lớn. Ông thản nhiên đặt rổ xuống cạnh lò. Tôi nhìn vào rổ thì… rắn thật. Những con rắn dài, vì lạnh nên quấn quýt vào nhau thành một tảng.
Bà chủ nhăn mặt:
– Thôi, đừng nói những chuyện ấy nữa, kinh quá!
– Sao lại thôi? Đây chính là nguyên nhân chuyện thất tình mà. Không thể bỏ qua được. Cuối cùng, ông già lấy tay trái mở vung nồi, tay phải tự nhiên, thành thạo bắt những con rắn đang cuộn thành tảng kia bỏ vào nồi rồi đậy ngay vung lại. Quả thật, lúc đó tôi tưởng những lỗ hơi thở của mình cũng bị bịt kín mất.
Bà chủ sợ cuống lên:
– Thôi, thôi đi mà, nghe ghê quá.
– Sắp đến đoạn thất tình rồi, cố gắng chịu đựng thêm một chút nữa. Thế rồi khoảng chưa đầy một phút, tôi ngạc nhiên thấy một cái cổ liềm thò ra từ trong lỗ vung. Ông già bảo còn nữa. Chưa nói xong thì từ các lỗ, chỗ này chỗ kia, những cái đầu chui ra. Khắp nắp nồi toàn là đầu rắn.
– Tại sao rắn lại thò đầu ra?
– Trong nồi nóng không chịu nổi thì nó phải chui ra chứ. Ông già bảo “thôi, được rồi, kéo đi!” hay là cái gì đó. Bà già bảo “ừ”. Cô gái thì đáp lại “dạ” rồi túm đàu từng con rắn lôi ra. Thịt rắn còn lại trong nồi, chi có xương long ra, rất dóc… Khi lôi ra, cùng với cái đầu, xương những con rắn cũng chui ra trông rất hay.
Kangetsu cười hỏi:
– Đó là một cách lọc thịt rắn à?
– Vâng, hoàn toàn là rút xương, cách làm rất khéo. Sau đó thì mở vung ra, lấy môi múc ra bát, trộn đều thịt với cơm rồi ăn.
– Cậu đã ăn à?
Ông chủ hỏi lạnh nhạt. Bà chủ mặt đau khổ, phàn nàn:
– Thôi, đừng nói nữa, nghe buồn nôn. Rồi không ăn nổi cơm nữa đâu.
– Chị chưa ăn thịt rắn bao giờ nên nói thế thôi, chứ cứ ăn thử một lần mà xem, sẽ nhớ mùi vị của nó suốt đời cho mà xem.
– Ôi, không đâu. Ai mà thèm ăn.
– Thế là tôi được ăn no, quên cả rét. Rồi tôi nhìn mặt cô gái, không ngần ngại mà nghĩ rằng không còn gì phải ân hận nữa. Vừa khi đó, nghe ông già bảo thôi đi ngủ đi thì cái mệt của đường dài cũng ập đến. Nghe theo lời, tôi nằm ngả xuống cạnh bếp lò và xin lỗi là ngủ ngay, quên hết mọi chuyện.
Lần này chính bà chủ giục, hỏi:
– Sau đó thì thế nào?
– Sau đó thì, sáng hôm sau tỉnh dậy và thất tình.
– Tại sao vậy?
– Cũng chẳng tại sao cả. Sáng hôm sau thức dậy, tôi ngồi hút thuốc lá, từ sau cửa sổ nhìn ra thì thấy trước mặt, bên cạnh máy nước, có một người đầu trọc đang rửa mặt.
Ông chủ hỏi:
– Là ông già hay bà già vậy?
– Tôi cũng khó nhận ra nên cố nhìn thật kỹ. Khi cái đầu bình vôi đó quay lại thì tôi giật mình. Đó chính là cô gái mà tối hôm qua, lần đầu tiên trong đời, tôi đã đem lòng yêu.
– Thế lúc nãy nói là cô ấy búi tóc kiểu Simada cơ mà?
– Tối hôm trước thì đúng là Simada, hơn nữa còn là Simada cực kỳ nữa. Nhưng sáng hôm sau thì đầu bình vôi.
– Thôi đừng có lỡm mọi người nữa. – Ông chủ lại hướng ánh mắt lên trần nhà như mọi khi.
– Tôi cũng quá bất ngờ nên thấy hơi sờ sợ. Tôi gắng theo dõi kỹ thêm một lúc thì cái “bình vôi” rửa mặt xong, rất tự nhiên, thành thạo chụp cái mái tóc Simada giả, để ở hòn đá bên cạnh, lên đầu rồi đi vào nhà. Tôi tự nhủ “thì ra là thế đấy!”. Từ cái lúc mà tôi tự nhủ ấy là tôi bắt đầu mang theo mình một số phận dở dang của kẻ thất tình.
– Cũng có những cuộc thất tình vớ vẩn ấy mà, phải không Kangetsu? Cho nên thất tình mà vẫn cứ vui vẻ, khỏe khắn thế này thì tốt rồi.
Ông chủ quay sang bình luận với anh Kangetsu về sự thất tình của Meitei như vậy. Anh Kangetsu nói tiếp:
– Nhưng giá mà cô gái ấy không bị trọc đầu thì thầy đã đưa cô ấy về Tokyo rồi, có phải tốt biết mấy khong. Như vậy, chắc thầy sẽ còn vui khỏe hơn nữa cũng nên. Dù sao, chả dễ gì mới gặp được một cô gái như vậy mà lại bị trọc đầu nên đã thành mối hận ngàn năm của thầy, đung không ạ? Nhưng lại sao một cô gái còn trẻ như vậy mà lại bị rụng hết tóc thế nhỉ?
– Tôi cũng nghĩ mãi về chuyện đó. Chắc là ăn nhiều cơm thịt rắn quá chăng? Cơm rắn nó nóng mà.
– Thế mà anh không bị làm sao. May quá nhỉ.
– Tôi may mắn không bị hói đầu, nhưng thay vào đó lại bị cận thị nặng thế này đây.
Meitei nói rồi rút khăn mùi xoa ra, lau rất cẩn thận chiếc kính gọng vàng. Một lúc sau, ông chủ hình như chợt nhớ ra, hỏi:
– Vậy thì chuyện của cậu nó thần bí ở chỗ nào?
– Thần bí ở chỗ là cái bộ tóc già đó mua ở đâu hay nhặt được ở đâu? Tôi cứ thắc mắc mãi, cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu được!
Meitei đeo kính lại trên sống mũi. Bà chủ bình luận:
– Cứ như là tấu hài vậy.
Chuyện của Meitei đến đây tạm kết thúc. Tưởng thế là xong. Nhưng vốn bản chất tiên sinh này là không bị bịt miệng thì không thể im lặng được, cho nên lại nói tiếp:
– Vụ thất tình của tôi cũng là một kinh nghiệm cay đắng. Nếu hồi đó mà không biết, rước cái bình vôi đó về thì suốt đời sẽ thành một cái gai trước mắt. Không cẩn thận thì rất nguy hiểm. Kết hôn là chuyện nhiều khi một người nào đó, khi sắp quyết định rồi mới phát hiện ra ở đối phương có một tì vết ở một chỗ vớ vẩn nào đó. Anh Kangetsu cũng đừng có tự mình quá ngưỡng mộ hay lơ đễnh, nên chú ý, thận trọng thì hơn. Mà phải bình tĩnh, cứ mài quả cầu đi đã.
Nghe ông ta đưa ra “dị kiến”[13] như vậy, anh Kangetsu cố tình tỏ ra nhún nhường nói:
– Vâng, tôi cũng sẽ cố hết sức chỉ tập trung vào mài quả cầu thôi. Nhưng phía bên kia không để cho yên, nên tôi cũng yếu thế lắm!
– Đúng rồi, cậu thì phía bên kia họ làm rùm beng lên thế, nhưng trong đó cũng có sự ranh mãnh đấy. Còn cái cậu Robai vào thư viện đi tiểu kia thì cũng có chuyện kỳ quặc lắm nhé.
Ông chủ tiếp giọng, hỏi:
– Nó đã làm gì vậy?
– Chả là thế này, tiên sinh này ngày xưa đã có lần trọ ở cái quán Đông Tây ở Shizuoka, chỉ một đêm thôi. Thế rồi ngay đêm đó đã ngỏ lời cầu hôn cô hầu phòng của quán đó. Tôi cũng là người rất gặp hay chớ, nhưng cũng chưa đến mức như vậy. Vả lại, hồi đó có tin đồn là ở nhà trọ này có một cô hầu đẹp nổi tiếng tên là O Natsu. Chính cô này là người phục vụ phòng cậu Robai hôm đó, cho nên cũng không phải không có lý.
– Không những không vô lý, mà chuyện cũng giống như cậu ngủ trọ ở trên đèo vậy thôi.
– Cũng hơi giống nhỉ. Thực ra thì giữa tôi với Robai cũng chẳng khác nhau là mấy mà! Chỉ biết là cậu ta ngỏ lời xin kết hôn với cô O Natsu và chưa được trả lời thì lại muốn ăn dưa hấu.
– Cái gì?
Ông chủ tỏ vẻ khó hiểu. Không phải chỉ có mình ông chủ mà cả bà chủ, anh Kangetsu đều ngoẹo cổ suy nghĩ. Meitei vẫn mặc kệ, tiếp tục kể:
– Cậu ta gọi O Natsu vào, hỏi ở Shizuoka có dưa hấu không? Cô hầu trả lời dù là Shizuoka thì cái gì chứ dưa hấu làm gì mà không có. Thế rồi cô ấy bưng đến một mâm đầy ụ dưa hấu. Cậu ta ăn hết sạch một mâm đầy như vậy và chờ đợi câu trả lời của cô O Natsu. Nhưng câu trả lời chưa có thì đã bị đau bụng. Cậu ta rên ư ử cũng không hết đau, nên lại gọi cô O Natsu đến. Lần này cậu ta hỏi ở Shizuoka có thầy thuốc không? Cô ấy lại trả lời cái gì chứ thầy thuốc thì có và dẫn đến một vị doctor có cái tên nghe như kẻ trộm trong Thiên tự văn[14] là Thiên Địa Huyền Hoàng.
Sáng hôm sau, nhờ trời bụng cậu ta cũng hết đau. Trước khi lên đường mười lăm phút, cậu ta lại gọi cô O Natsu đến, hỏi xem kết quả cô chấp nhận hay từ chối vụ cầu hôn đêm qua? Cô O Natsu cười bảo ở Shizuoka dưa hấu cũng có, thầy thuốc cũng có, nhưng không có cô dâu nào chỉ qua một đêm mà thành được. Nói rồi cô ta đi biệt, không bao giờ còn thấy mặt nữa. Cậu Robai từ đó cũng thất tình giống tôi và đến thư viện chỉ để đi tiểu thôi. Xem ra đàn bà con gái là những người có tội cả.
Ông ta nói như vậy và ông chủ cũng đồng cảm từ lúc nào, tỏ ra lên nước vào đúng đoạn tế nhị, nói:
– Đúng thế đấy. Hôm trước tôi đọc kịch bản của Musset[15] trong đó nhân vật dẫn lời một thi sĩ La Mã nói là “Nhẹ hơn lông là bụi, nhẹ hơn bụi là gió, nhẹ hơn gió là đàn bà. Nhẹ hơn đàn bà là hư vô”. Ông ta nói rất chính xác. Đàn bà là không thể khác được.
Nghe điều này, bà chủ không thừa nhận:
– Mình nói đàn bà nhẹ thì xấu nhưng đàn ông nặng cũng chẳng tốt đẹp gì.
– Nặng? Cô bảo cái gì nặng?
– Những cái gọi là nặng ấy, như mình chẳng hạn.
– Tôi nặng ở chỗ nào?
– Thế không phải là nặng à?
Một cuộc tranh luận kỳ lạ đã bắt đầu. Meitei lắng nghe một cách thích thú, rồi mập mờ lên tiếng, không ra khen cũng không ra giễu cợt:
– Công kích nhau thẳng thừng thế này mới đúng là chân tướng của vợ chồng đấy nhỉ? Chứ vợ chồng ngày xưa thì chỉ bị ràng buộc vào vật chất một cách vô nghĩa thôi.
Thế rồi, giá ông ta im đi ở chỗ đó thì hay, nhưng không, vẫn cái giọng lên lớp mọi khi, ông ta tiếp tục:
– Nghe nói, ngày xưa không có một người đàn bà nào dám cãi lại chồng. Như vậy thì khác gì lấy một người câm về làm vợ. Tôi chẳng muốn như vậy tí nào. Tôi cũng muốn được vợ bảo “Anh chả nặng là gì” hay gì gì đó, như chị ấy đây xem thế nào. Nếu lấy một người vợ tương đương mà thỉnh thoảng không cãi nhau một chút thì buồn chán chết. Như mẹ tôi thì trước mặt bố tôi chỉ biết vâng dạ là hết. Nghe nói trong suốt hai mươi năm sống với nhau, ngoài đi chùa ra, bà chưa bao giờ đi đâu khác, thật tội nghiệp. Được cái cũng nhờ thế mà tên tuổi cúng cơm của các đời tiên tổ, mẹ tôi thuộc hết.
Về giao tiếp nam nữ cũng vậy, khi tôi còn bé, tuyệt nhiên không có chuyện nào là đi hòa nhạc, giao cảm tâm linh hay gặp gỡ người trong mộng một cách mông lung như anh Kangetsu đây được.
Anh Kangetsu cúi đầu nói một cách lễ phép:
– Tội nghiệp quá nhỉ!
– Quả là tội nghiệp thật đấy. Nhưng không nhất thiết là phụ nữ hồi đó tốt hơn phụ nữ ngày nay đâu. Chị này, gần đây người ta cứ hay khắt khe, phàn nàn là nữ sinh hư hỏng này nọ… Nhưng ngày xưa còn khắt khe, quá quắt hơn nhiều.
Bà chủ hỏi rất nghiêm chỉnh:
– Thế à?
– Vâng, thế đấy. Không phải tôi nói bậy bạ đâu, mà có chứng cớ hẳn hoi đấy. Cậu Kushanu, chắc cậu còn nhớ chứ? Cho đến hồi tụi mình năm, sáu tuổi, người ta vẫn còn bỏ con gái vào quang thúng, gánh đi bán như bán bí đỏ ấy, nhỉ?
– Tôi không biết chuyện đó.
– Ở quê cậu thế nào không biết, chứ ở Shizuoka thì đúng là như vậy.
– Thật à?
Bà chủ cất tiếng hỏi khe khẽ. Lập tức Kangetsu cũng hỏi, vẻ không thật tí nào:
– Thật thế à?
– Thật mà. Thực ra bố tôi còn đã từng định giá nữa kia. Lúc đó tôi khoảng sáu tuổi. Đang đi dạo cùng với bố tôi từ khu Abura sang phố Tori thì nghe có tiếng la rất to ở phía trước “con gái đây, ai mua con gái không?” Khi chúng tôi vừa đến góc phố thứ hai thì gặp người đàn ông ấy trước cửa tiệm quần áo kimono Isegen. Nhà hàng Isegen là tiệm quần áo kimono lớn nhất ở Shizuoka. Cửa hàng rộng mười gian, kho hàng của họ loại năm cửa. Lần sau đi Shizuoka, các cậu đến đó mà xem, bây giờ vẫn còn nguyên như thế. Một ngôi nhà cực kỳ! Người quản lý nhà đó tên là Kanbee, lúc nào cũng ngồi ở quầy tính tiền với bộ mặt như mẹ mới chết cách đây ba hôm. Bên cạnh ông ta là một người trẻ khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi tên là Hachu. Cậu Hachu này cũng có bộ mặt vàng vọt của người đã quy y với Unshorishi[16], ba bảy hăm mốt ngày chỉ uống có nước luộc mì soba cho qua ngày độ tháng. Bên cạnh cậu Hachu là anh Cho. Anh này trông như người vừa được kéo ra khỏi đám cháy hôm qua, buồn bã tì người vào chiếc bàn tính. Ngang hàng với Cho là…
– Cậu định nói về cửa hàng kimono hay là về chuyện bán người đấy?
– Đúng, đúng. Tôi đang định nói về chuyện bán người mà. Thực ra thì cái nhà hàng Isegen này cũng có chuyện rất kỳ quặc, nhưng đành bỏ qua đi. Hôm nay chỉ nói về chuyện bán người thôi.
– Chuyện bán người cũng bỏ qua luôn đi thì tốt,
– Sao lại bỏ? Đây là một tài liệu tham khảo rất hay để so sánh phẩm cách của phụ nữ thế kỷ 20 hiện nay với thời kỳ đầu Minh Trị mà lại. Làm sao mà có thể bỏ qua một cách dễ dàng như vậy?… Thế rồi, tôi và bố tôi đi đến cửa tiệm Isegen thì cái ông bán người này nhìn bố tôi bảo “này ông, ông có mua những đứa con gái ế thừa này không, tôi bán rẻ cho, mua đi”. Rồi ông ta đặt gánh xuống, lau mồ hôi. Nhìn vào thấy trong giỏ phía trước có một đứa, phía sau một đứa con gái, đứa nào cũng khoảng độ hai tuổi. Bố tôi nhìn người đàn ông này bảo “Nếu ông bán rẻ thì tôi mua. Nhưng chỉ còn bằng này thôi à?” “Vâng, đáng tiếc là hôm nay bán hết rồi, chỉ còn lại có hai đứa. Đứa nào cũng được, ông ưng thì lấy đi”. Ông ta nói và lấy hai tay nhấc đứa con gái lên, chìa vào mặt bố tôi như một quả bí đỏ hay quả gì vậy. Bố tôi vỗ bộp bộp vào đầu con bé bảo “chà, tiếng kêu nghe khá đây” rồi hai bên bắt đầu mà cả giá. Kỳ kèo lên xuống mãi, cuối cùng bố tôi bảo “tôi mua cũng được, nhưng chất lượng có tốt không?” “Vâng, đứa phía trước thì tôi đã nhìn kỹ từ đầu đến cuối nên đảm bảo là được. Còn đứa phía sau thì ai có mắt đằng sau để mà nhìn. Có thể cũng có vết rạn nứt nào đấy, tùy hoàn cảnh. Đứa này nếu ông không chấp nhận thì tôi sẽ giảm giá cho”. Những lời mặc cả này cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc đó, trong thâm tâm trẻ con, tôi tự nhủ “quả thật đối với con gái, không thể lơ là khinh suất được”. Nhưng ở năm Minh Trị 38 ngày nay, không còn ai bắt chước cái việc ngu ngốc là gánh con gái đi bán rong như vậy nữa. Mà cũng không nghe ai nói là đứa gánh ở sau không để mắt tới được là đứa nguy hiểm cả. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, nhờ văn minh phương Tây mà phẩm cách phụ nữ đã tiến bộ rất nhiều. Anh Kangetsu thấy thế nào?
Trước khi trả lời, anh Kangetsu đã đằng hắng lấy giọng, rồi bằng một giọng trầm, anh bình tĩnh nêu nhận xét của mình như sau:
– Con gái ngày nay họ đi học, đi đàn hát, đi làm từ thiện, đi hội hè vui chơi. “Nào mua đi! Này ông kia…” Họ tự rao bán mình chứ không cần thuê ông hàng rong đi rao “ai mua con gái không”, một loại buôn bán ủy thác tầm thường như thế nữa. Khi ý thức độc lập của con người phát triển thì tự nhiên nó sẽ như vậy. Những người già cứ gánh lấy cái khổ là hay lo xa vô ích, rồi kêu ca này nọ. Thực tế mà nói thì đây là xu thế của thời đại mà tôi vẫn thầm lặng lẽ tỏ ý hoan nghênh nó như một hiện tượng đáng mừng. Người mua không có ai phải gõ vào đầu để kiểm tra chất lượng một cách thô bạo nữa. Đó là điều làm ta an tâm. Vả lại, trong thế giới phức tạp này, làm nhiêu khê như vậy đến đâu cũng không hết giới hạn. Nếu làm thế thì đến năm, sáu mươi tuổi, người ta vẫn chưa thể đi lấy chồng được.
Là một thanh niên của thế kỷ 20, anh Kangetsu đã bày tỏ rõ ràng quan điểm về thời đại mình như vậy, rồi phả khói thuốc lá Shikisima ra trước mặt tiên sinh Meitei. Meitei không phải là loại người chùn bước trước khói thuốc.
– Đúng như lời dạy rất quý báu này, các nữ sinh, tiểu thư ngày nay có bản lĩnh, tự tin nên cái gì họ cũng làm được. Cho đên tận thịt da xương tủy, họ không chịu thua kém nam giới bất kỳ nột cái gì. Thật đáng kính nể hết chỗ nói. Ở trường nữ sinh gần nhà tôi, mỗi khi các cô ấy đến trường thì khiếp lắm. Họ xắn tay áo lên mà đu xà, trông rất nể. Mỗi khi đứng trên tầng hai nhìn họ tập thể dục, tôi lại nghĩ đến những phụ nữ Hy Lạp cổ đại.
– Lại Hy Lạp à?
Ông chủ cười nhạt buông lời. Meitei lập tức ra vẻ hiểu biết giảng giải:
– Thì tất cả mọi cảm giác về cái đẹp đều bắt nguồn từ Hy Lạp mà, biết làm sao được. Nhà mỹ học và Hy Lạp là hai thứ không thể tách rời nhau. Vì vậy, mỗi khi nhìn những nữ sinh da đen xạm, hì hục chơi thể thao thì tôi lại nghĩ đến chuyện ngụ ngôn về Agnodice.
Anh Kangetsu vẫn tủm tỉm cười:
– Lại có một cái tên khó hiểu nữa!
– Agnodice là một phụ nữ rất giỏi. Tôi thật sự khâm phục. Hồi đó luật pháp Athen cấm phụ nữ làm nghề đỡ đẻ, rất bất tiện. Bà Agnodice cũng cảm thấy sự bất tiện đó chứ sao!
– Cái gì? Cái mà cậu nói là gì gì ấy nó là cái gì?
– Là phụ nữ. Đó là tên một người đàn bà. Người phụ nữ này đã suy nghĩ mãi và nghĩ rằng nếu phụ nữ không trở thành bà đỡ được thì rất xấu hổ nhục nhã và bất tiện. Có cách nào, làm thế nào để trở thành bà đỡ được không? Bà ấy đã khoanh tay suy nghĩ suốt ba ngày ba đêm. Đúng rạng sáng ngày thứ ba thì từ nhà bên cạnh có tiếng trẻ sơ sinh oe oe khóc. A. Đây rồi! Bà ta bừng tỉnh ngộ. Bà ta lập tức cắt tóc ngắn, mặc quần áo đàn ông, đi dự lớp học của Hierophilus. Nghe chăm chú buổi giảng từ đầu đến cuối xong, thế là được rồi, bà ta bắt đầu làm nghề đỡ đẻ. Nhưng mà, chị này, việc đó trở thành trào lưu nhé! Thế là khắp nơi, chỗ nào cũng trẻ con oe oe chào đời. Tất cả những đứa trẻ đó đều nhờ bà đỡ Agnodice nên bà giàu to. Nhưng con người ta, cái gì cũng là “Tái ông mất ngựa” cả, “bảy lần ngã tám lần đứng lên”, “chó cắn áo rách, dậu đổ bìm leo” mà, cuối cùng bí mật bị lộ, bà ta bị ghép vào tội phá vỡ chế độ pháp luật của Bề trên (thần phật) và bị phạt rất nặng.
– Nghe cứ như là Koshaku[17] ấy nhỉ!
– Nói giỏi đấy chứ hả? Nhưng rồi tất cả phụ nữ Athen đã đồng loạt ký tên vào đơn kêu ca và thỉnh cầu, làm cho nhà chức trách đương thời không thể nhắm mắt làm ngơ được. Cuối cùng đương sự được tha bổng, trắng tội. Kết cục, thậm chí còn có đạo dụ tuyên bố từ nay trở đi phụ nữ cũng được làm nghề đỡ đẻ.
– Anh biết nhiều thứ nhỉ. Giỏi thật đấy.
– Vâng, những thứ đại khái thì cái gì tôi cũng biết cả, chỉ có mỗi sự ngu ngốc của mình là không biết thôi. Nhưng cũng hơi biết biết một chút đấy.
– Hí hí… toàn những chuyện kỳ quặc, hay ghê cơ.
Khi bà chủ cười phá lên thì ngoài cửa có tiếng chuông, y hệt như tiếng khi nó mới được lắp ở đây.
– Ôi, lại có khách nữa!
Bà chủ nói và chạy sang phòng nghỉ. Người thay thế chỗ ngồi của bà, tưởng ai, hóa ra là anh Ochi Tofu mà chúng ta đã biết. Có thêm anh Tofu nữa thì ở đây tề tựu, mặc dù không nói được là đủ cả những kẻ dị thường, vẫn thường lui tới nhà ông chủ, nhưng phải nói là đã có được một số lượng đáng ngạc nhiên, đến nỗi có thể xoa dịu nỗi chán chường của tôi. Nếu thế này mà vẫn còn cho là thiếu thì thật đáng tiếc đấy. Nếu rủi mà được nuôi ở một nhà khác thì có thể cho đến khi chết, tôi vẫn chưa biết được rằng ở trên đời này đã từng có, dù chỉ là một người trong các tiên sinh này đã từng tồn tại đâu! May sao tôi đã được làm một đệ tử mèo dưới cửa nhà tiên sinh Kushami, suốt ngày ngồi trước bức trướng da hổ, nhờ vậy mà có thể vừa nằm vừa quan sát, ngắm nhìn mọi cử chỉ hành động của các vị hào kiệt “hơn ngàn lần người khác” mà cả Tokyo rộng lớn này cũng hiếm thấy như Meitei, Kangetsu hay Tofu, và tất nhiên là cả ông chủ nữa. Đó là một vinh hạnh “ngàn năm có một đối với tôi. Nhờ vậy mà tôi quên được cái nóng mùa hè khó chịu, khi phải quấn trong bộ lông dày cộp, qua được một nửa ngày thú vị. Thật là may mắn. Họ tập trung đông đủ thế này không phải là thường đâu. Nhất định sẽ có cái gì đây! Tôi nấp sau cánh cửa, cung kính nhìn ngắm họ.
– Ôi, xin lỗi, lâu quá rồi mới gặp lại quý vị.
Tôi nhìn lên đầu cái người vừa cất lời chào là ông Tofu này thì thấy nó vẫn sáng bóng như lần trước. Nếu chỉ nói về cái đầu thì nó giống đầu một anh kép quèn trong một gánh hát, nhưng nhìn chiếc quần hakama cứng quèo mà anh ta mặc một cách khổ sở thì không thể không nghĩ tới một đệ tử ruột của Sakakibara Kenkichi[18]. Do vậy, thân thể anh ta, chỉ có từ vai đến lưng là giống người bình thường.
– Trời ơi, nóng thế này mà cũng chịu khó đi nhỉ. Nào, vào trong này đi.
Tiên sinh Meitei chào mời cứ như đây là nhà của mình không bằng.
– Lâu lắm rồi không được gặp thầy nhỉ?
– Đúng vậy. Có lẽ từ sau hội ngâm đọc văn thơ hồi mùa xuân đến giờ, bây giờ mới gặp đấy nhỉ. Lại nói đến hội ngâm đọc, dạo này hội đó phát triển mạnh chứ? Sau đó cậu có sắm vai Omiya nữa không? Cái đó hay thật. Tôi đã nhiệt liệt vỗ tay đấy, cậu có biết không?
– Vâng, biết. Nhờ thế mà em đã mạnh dạn lên chèo được đò cho đến cuối cùng đấy.
– Bao giờ thì lại tổ chức? – Lần này là ông chủ hỏi.
– Tháng 7, tháng 8, nghỉ hai tháng. Sang tháng 9 thì định làm một cái gì cho rộn rã hơn. Thầy có ý tưởng gì không ạ?
– Ồ…
Ông chủ trả lời một cách lơ đãng. Lần này đến lượt anh Kangetsu tiếp chuyện:
– Này anh Tofu, các anh có biểu diễn một tác phẩm của tôi sáng tác không?
– Tác phẩm của anh thì chắc là hay đấy. Tác phẩm gì vậy?
– Một kịch bản.
Nghe Kangetsu ra sức vật nài, đúng theo ý đồ, cả ba người cũng trút bớt ác ý, nhất loạt nhìn vào mặt đương sự. Tofu sốt sắng hỏi:
– Kịch bản thì tốt rồi. Bi kịch hay hài kịch đấy?
Kangetsu lạnh lùng đáp:
– Chẳng phải hài cũng chẳng phải bi. Gần đây người ta hay làm rùm beng về vấn đề kịch mới hay kịch cũ, cho nên tôi đưa ra một khoảng cách mới, sáng tác “bài kịch”.
– Bài kịch là thế nào?
– Đó là hai chữ “bài” và “kịch”, chứa đựng chất kịch mang sở thích bài cú.
Nghe nói thế, cả ông chủ và Meitei đều bị bắn hỏa mù, hơi chững lại.
– Vậy thì chủ đề là gì?
Người hỏi vẫn là anh Tofu.
– Gốc rễ của nó từ haiku mà ra nên nếu hay độc ác thì không tốt, do vậy tôi chỉ làm một màn thôi.
– À, thế hả?
– Trước hết nói về đạo cụ. Đạo cụ cũng thật đơn giản mới hay. Chỉ dựng một cây liễu ở giữa sân khấu. Từ cây liễu đó, cho một cành vươn về phía tay phải, trên đó có một con quạ đang đậu.
Ông chủ có vẻ lo lắng, nói một mình:
– Nếu con quạ nó đậu yên một chỗ thì tốt, nhưng…
– Không, làm gì có chuyện. Sẽ lấy chỉ buộc chân con quạ vào cành cây chứ. Thế rồi, bên dưới cành cây đặt một cái bồn tắm. Trong bồn tắm có một người đẹp đang nằm, tay cầm chiếc mùi xoa.
Meitei hỏi:
– Cái đó hoi decadent[19] đấy nhỉ. Nhưng trước hết ai sẽ là người đẹp đó?
– Lo gì, sẽ có ngay thôi mà. Sẽ thuê một người mẫu của trường mỹ thuật.
Ông chủ lại lo:
– Làm thế thì sở cảnh sát sẽ làm khó dễ đấy.
– Nếu không biểu diễn để lấy tiền thì không sao cả. Một chuyện như vậy mà bị nói gì thì ở trường mỹ thuật làm sao mà vẽ được tranh khỏa thân tả chân?
– Nhưng đó là để luyện tập thì hơi khác với để xem chứ?
– Các thầy đây mà vẫn còn nói thế thì nước Nhật chưa thể khá được. Hội họa hay là sân khấu thì cũng đều là nghệ thuật cả.
Anh Kangetsu khí thế tỏ ra rất hăng hái. Tofu có vẻ đồng ý muốn làm lắm rồi, hỏi:
– Thôi, không cần tranh luận nữa. Thế rồi sau đó thế nào?
– Thế rồi, từ cánh gà, thi nhân Takahama Kyoshi[20], tay cầm gậy, đầu đội mũ phớt trắng, áo khoác haori vải gấm hoa, chân đi giày, mặc kimono vải sợi bông Satuma vén vạt, bước ra. Ăn mặc thì trông như một tướng tá lục quân, nhưng lại là một thi sĩ haiku. Vì vậy ông hết sức ung dung, đĩnh đạc, tỏ ra trong thâm tâm không hề có ý định làm thơ. Thế rồi Kyoshi rẽ khỏi cánh gà, tiến dần đến sân khấu chính, bất chợt ngẩng nhìn lên thấy cây liễu. Dưới cây liễu có người đẹp đang tắm. Thi sĩ giật mình ngẩng lên thì thấy đậu trên cành liễu dài, con quạ đang cúi nhìn cô gái. Lập tức Hư Tử tiên sinh cảm thấy một chất bài cú rất mạnh, chỉ trong năm mươi giây, ngài lớn tiếng đọc:
Một cô gái đang tắm.
Mải mê nhìn người đẹp say đắm
Là con quạ đấy ư.
Và đó cũng đồng thời là tín hiệu báo kéo phông, hạ màn.
Thế nào? Ý tưởng của tôi thế nào? Anh thấy có được không? Đóng vai Kyoshi còn hơn vai Omiya nhiều.
Anh Tofu, vẻ mặt như còn cảm thấy thiếu một cái gì đó, trả lời thành thật:
– Không có ý nghĩa lắm. Tôi muốn nó phải là một câu chuyện tình nghĩa gì cơ.
Yên lặng từ nãy tới giờ, tới đây Meitei dường như không thể ngồi yên được nữa:
– Vậy thì “bài kịch” sơ sài nhỉ. Theo thuyết của ông Ueda Bin thì cái mùi vị “bài” (đùa bỡn) hay cái chất hài hước gì đó là những âm thanh vong quốc, tiêu cực. Chỉ mỗi ông Ueda là đã phát hiện ra cái điều rất hay ấy. Ai lại đi làm thử cái thứ vớ vẩn như thế, chỉ tổ bị ông ấy cười cho thôi. Dù đó là kịch hay là trò hề trò hiếc gì thì cũng rất tiêu cực, không hiểu nổi đâu. Nói vô phép chứ, cậu Kangetsu thì tốt nhất là hãy cứ mài cái viên đá trong phòng thí nghiệm đi là hơn, chứ “bài kịch” thì dẫu có sáng tác một trăm hay hai trăm vở mà bi liên lụy với cái vần vong quốc thì cũng vứt đi.
Anh Kangetsu có vẻ hơi tức, liền giải thích chỗ ý nghĩa hai mặt của tác phẩm:
– Tiêu cực thế kia ư? Tôi lại nghĩ là tích cực cơ đấy. Cái ông Kyoshi này ấy à? Tiên sinh Kyoshi đã bắt con quạ phải mê say cô gái bằng câu thơ “mải mê nhìn người đẹp say đắm” là chỗ tích cực nhất đấy.
– Ồ, một lý thuyết mới đấy nhỉ. Xin hãy thuyết trình rõ hơn cho nghe đi.
– Với các nhà khoa học tự nhiên thì, việc một con quạ say mê một cô gái, xem ra có vẻ là vô lý.
– Rất đúng.
– Nhưng cái vô lý đó, nếu được nói lên một cách thành thật, tự nhiên thì nghe lại không vô lý tí nào cả.
– Có thể như vậy à?
Ông chủ hoài nghi hỏi chen vào, nhưng anh Kangetsu vẫn không giảm khí thế:
– Tại sao nghe không thấy vô lý? Cái này, nếu phân tích về mặt tâm lý thì dễ hiểu thôi. Thực ra thì việc “mê” hay “không mê” là tâm trạng tình cảm của thi nhân chứ chẳng có liên quan gì đến con quạ cả. Nhưng việc cảm nhận rằng con quạ này say mê đây, cái đó không phải con quạ nói mà chính là bản thân thi nhân say mê. Bản thân Kyoshi khi bất chợt nhìn thấy người đẹp đang tắm thì giật mình và chắc là say mê. Với con mắt mê say của mình, lại nhìn thấy con quạ trên cành cao, đang im lặng nhìn xuống, nên ngài đã lầm tưởng “à thì ra con quạ kia tâm trạng cũng giống mình”. Rõ ràng đây là sự lầm tưởng. Nhưng sự lầm tưởng này mang tính chất văn học và có tính tích cực. Thản nhiên đem cảm giác của mình mà phóng đại lên một con quạ, chẳng có liên quan gì, chính chỗ này là chỗ mang chủ nghĩa tích cực nhất đấy. Thế nào? Tiên sinh thấy có đúng không ạ?
– À, thì ra là thế. Một lý luận thật là sáng giá. Neu đem lý luận này mà nói cho Kyoshi nghe thì ông ta sẽ vô cùng kinh ngạc đấy. Nghe giải thích thì tích cực đấy, nhưng thực tế, nếu vở kịch này mà công diễn thì những người xem nhất định sẽ tiêu cực, anh Tofu nhỉ?
– Vâng, tôi nghĩ là sẽ quá tiêu cực mất.
Anh ta trả lời rất nghiêm chỉnh, ông chủ hình như không muốn mở rộng thêm việc bàn luận này nữa, quay sang hỏi Tofu:
– Thế nào cậu Tofu, dạo này có kiệt tác gì không?
– Không, chẳng có tác phẩm gì đáng đem ra khoe cả. Nhưng vừa rồi em định cho in một tập thơ. Em có mang bản thảo theo đây, nhân tiện muốn thầy cho ý kiến.
Anh nói rồi rút trong túi ra một cái bọc, gói bằng tấm lụa tím, lôi từ trong đó ra khoảng năm, sáu chục tờ bản thảo, đặt trước mặt ông chủ. Ông chủ có vẻ thích thú, vội cầm lên và “xin phép được bái kiến”. Ông nhìn thấy ở ngay trang đầu tiên hai dòng chữ;
“Xin dâng tặng tiểu thư Tomiko,
Trông yêu kiều yểu điệu chẳng giống ai.”
Ông tiếp tục lẩm nhẩm đọc được chừng một trang, nét mặt lộ vẻ kỳ lạ, bí hiểm thì Meitei ghé ngang nhìn vào, cứ thế khen lấy khen để:
– Cái gì thế? Thơ mới à? Ái chà, dâng tặng à? Cậu Tofu hết lòng dâng tặng tiểu thư Tomiko thì oai thật!
Ông chủ có vè càng hoài nghi hơn, hỏi:
– Này Tofu, cái người tên là Tomiko này là có thật đấy à?
– Vâng, là một trong những phụ nữ trước đây em đã từng mời đến hội ngâm đọc văn học cùng với thầy Meitei đấy. Vả lại, nhà cô ta ở ngay gần đây thôi. Thực ra, lúc nãy em định đến đó để cho cô ấy xem tập thơ này, nhưng trớ trêu thay, cả nhà ấy đã đi nghỉ mát ở Oiso từ tháng trước mất rồi.
Anh ta nói một cách trịnh trọng, nghiêm túc.
– Này, cậu Kushami, đây là thế kỷ 20, cậu không nên giữ cái bộ mặt như vậy, hãy ngâm to kiệt tác ấy lên đi. Nhưng mà cậu Tofu, cái kiểu dâng tặng thê này là hơi dở đấy. Cái nhã từ “yểu điệu” này cậu nghĩ nghĩa là cái gì vậy?
– Là “yếu” hay là “yêu yếu” gì đấy.
– À, thì ra thế hả. Không phải là tôi không luận ra như vậy, nhưng nghĩa gốc của nó vốn là “có vẻ nguy hiểm” “không yên”, cho nên nếu là tôi thì tôi không viết thế này đâu.
– Thế thì viết như thế nào nghe mới thơ hơn?
– Nếu tôi thì tôi sẽ viết thế này:
“Xin dâng tặng dưới mũi nàng Tomiko
Nhìn kiều điệu chẳng giống ai trên đời”
Chỉ cần thêm hai từ “dưới mũi” vào thôi mà cảm giác khác hẳn giữa khi thêm và không thêm.
– À, đúng như vậy thật!
Anh Tofu có vẻ như cố tình chấp nhận một cái mà mình không thể hiểu, ông chủ lẳng lặng lật một trang rồi đọc to lên chương mở đầu:
Sau làn hương chán chường lan tỏa
Đây hồn em hay hương khói thương nhau
Ôi… ta! A! Tôi… trên cõi trần cay đắng
Được thắm thiết hôn hương say ngọt lịm.
– Cái này tôi không thể hiểu được.
Ông chủ phàn nàn rồi giao tập thơ cho Meitei.
– Cái này hơi quá lên gân.
Meitei lại đưa cho Kangetsu. Kangetsu bảo “à, thì ra thế đấy” rồi đưa cho Tofu.
– Thầy ạ, thầy không hiểu được là rất đúng. Thế giới thơ hiện nay đã phát triển, khác hẳn so với mười năm trước. Thơ ngày nay, nằm mà đọc hay ngồi ở bến xe mà đọc cũng đều không thể hiểu được. Ngay cả tác giả của nó, nếu có hỏi cũng khó mà trả lời được. Đó là vì sáng tác hoàn toàn theo cảm hứng ngẫu nhiên (Inspiration) nên tác giả không chịu trách nhiệm gì cả. Tùy người đọc suy diễn, lý giải hay nghiền ngẫm thế nào cũng được. Hôm trước, một người bạn của em tên là Soseki đã viết một truyện ngắn tựa đề là “Một đêm”, ai đọc cũng thấy mung lung, chẳng nắm bắt được gì. Có người tìm đến tác giả hỏi những chỗ nào là sâu sắc, đáng chú ý thì tác giả bảo không biết. Có lẽ đó là cái đặc trưng nhất của nhà thơ chăng?
– Có thể đó là một nhà thơ, nhưng có lẽ là người hơi kỳ dị nhi?!
Ông chủ nói thế. Meitei nói, khẳng định luôn về Soseki:
– Đó là đồ gàn.
Tofu dường như vẫn chưa nói hết, lại tiếp:
– Cái tay Soseki này thì ngay cả nhóm chúng ta cũng phải loại trừ ra rồi, nhưng thơ của tôi thì mong các thầy đọc cho với tinh thần như vậy. Ở đây xin lưu ý đến cái đối lập giữa “cuộc đời cay đắng này” với “cái hôn ngọt ngào” là dụng ý rất công phu của tôi.
– Vâng nhìn thấy rất rõ vết tích của sự công phu vất vả đấy.
– Sự đối lập giữa “cay” và “ngọt” là cái hay của ớt và bột gia vị 17 vị[21] đấy. Đây hoàn toàn là tài năng rất đặc biệt của cậu Tofu, xin bái phục sát đất.
Mọi người cứ thế đùa bỡn, trêu chọc một con người thật thà. Ông chủ không biết nghĩ gì, tự nhiên đứng lên, đi vào phòng sách lấy một tờ giấy rồi quay ra, nói có vẻ thực lòng:
– Chúng ta đã được chiêm ngưỡng tác phẩm của cậu Tofu, bây giờ tôi xin làm một bài văn và xin các vị cho lời bình.
– Nếu là văn bia mộ của Thiên Nhiên Cư Sĩ thì chúng tôi đã nghe hai, ba lần rồi.
– Thôi, im đi. Này anh Tofu, đây hoàn toàn không phải bài tủ của tôi đâu, thực sự là ngẫu hứng, xin hãy lắng nghe đây.
– Vâng, nhất định xin lắng nghe ạ.
– Cậu Kangetsu cũng nghe luôn thể đi.
– Không phải nghe luôn thể đâu mà là nghe thật sự đấy ạ. Chác là không dài chứ ạ?
– Không, độ sáu chục chữ thôi.
Thầy Kushami bắt đầu từ từ đọc tác phẩm danh giá do mình sáng tác:
“Hồn Đại hòa[22], khỉ gào lên
Người Nhật ho như bị đau phổi. ”
Anh Kangetsu khen:
– Nghe thấy cao vời vợi ấy nhỉ.
– “Hiệu bán báo nói Hồn Đại hòa!
Thằng móc túi nói Hồn Đại hòa!
Hồn Đại hòa, nhảy một bước qua biển, sang Anh
Ở nước Anh, Hồn Đại hòa diễn thuyết
Ở Đức, Hồn Đại hòa diễn kịch”
Lần này thầy Meitei ngồi nghiêm lại, nói:
– À, ra thế! Đây là tác phẩm còn hơn cả Thiên Nhiên Cư Sĩ đấy.
– “Đại tướng Đông Hương mang hồn Đại hòa
Ông Ngân hàng cá mang hồn Đại hòa
Nhà lừa đảo, nhà thầu khoán, nhà giết người
cũng mang hồn Đại hòa”
– Thưa thầy, xin thêm vào là cả anh Kangetsu cũng mang nữa ạ!
– “Hồn Đại hòa là cái gì?
Nếu hỏi người ta bảo
Nó là Hồn Đại hòa, rồi bỏ đi
Đi được hơn chục thước thì nghe tiếng “e hèm”
– Câu ấy được nhất đấy. Cậu thế mà có vẻ năng khiếu văn chương nhỉ. Câu tiếp theo thế nào?
– “Cái tam giác là hồn Đại hòa ư?
Cái tứ giác là hồn Đại hòa ư?
Hồn Đại hòa, như cái tên của nó, nó là hồn
Nó là hồn nên lúc nào nó cũng liêu xiêu”
– Thưa thầy, hay đấy, nhưng “hồn Đại hòa” hơi bị nhiều quá, phải không ạ? – Anh Tofu nhắc nhở như vậy.
– Rất tán thành. – Người nói này tất nhiên là Meitei.
– “Không có ai là không nói
Nhưng không có ai nhìn thấy
Ai cũng nghe nói tới
Nhưng chưa có ai gặp bao giờ
Hồn Đại Hòa, vậy phải chăng
Nó giống con Thiên cẩu[23]?”
Ông chủ đã đọc xong tác phẩm với ý định “ý tại ngôn ngoại”, tự nó mang ý nghĩa sâu xa. Song bài thơ hay, quá ngắn, không biết tứ của nó nằm ở chỗ nào, cả ba người cứ tưởng vẫn còn tiếp nên cố chờ. Chờ mãi không thấy gì, cuối cùng anh Kangetsu phải hỏi “hết rồi à?”. Lúc đó ông chủ mới khẽ trả lời “ừ”. Cái “ừ” của ông mới thoải mái làm sao! Đáng ngạc nhiên là ông Meitei, không mấy bình luận về bài tuyệt bút này như mọi khi, mà rút cuộc quay sang bảo:
– Cậu tập trung tất cả các bài viết của mình lại thành một tập, tặng cho ai đó chăng?
Ông chủ thản nhiên bảo:
– Tặng cậu nhé?
Meitei bảo “xin kiếu” rồi móc chiếc kéo khoe với bà chủ lúc nãy ra cắt móng tay “tanh tách”. Anh Kangetsu quay lại hỏi Tofu:
– Cậu biết tiểu thư nhà Kaneda à?
– Tôi đã mời cô ấy đi dự hội ngâm văn học mùa xuân vừa rồi mà. Thấy hợp nhau nên sau đó vẫn quan hệ quen biết. Khi đứng trước cô ấy, không hiểu sao tôi có một sự rung động đặc biệt. Ngay lúc đó, cảm xúc thơ ca cứ vui vẻ trào lên. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, nhiều thơ tình đã nảy sinh, có lẽ do có sự truyền cảm ngẫu hứng mà tình bạn giữa những người khác giới gây ra chăng? Vì vậy, tôi định nhân dịp này phải dâng tặng tập thơ của mình để bày tỏ lòng cảm ơn tha thiết đối với tiểu thư đó. Nghe nói, xưa nay không có một người nào không có bạn gái mà lại làm được thơ hay cả.
– Thế à? – Anh Kangetsu đáp với nụ cười ẩn trong nét mặt.
Dẫu cho đó là những nhà hùng biện tào lao đến mấy thì cũng không thể cứ kéo dài mãi được. Ngọn lửa hăng say của những cây đàm tiếu cũng đã nguội dần. Tôi cũng chẳng có nghĩa vụ phải suốt ngày nghe những chuyện tán gẫu thường lệ của họ, nên vô phép đi ra sân tìm con bọ ngựa.
Mặt trời ngả về tây, để lọt những vầng nắng qua vòm lá xanh của cây ngô đồng. Trên cây, con bosi[24] miệt mài kêu ra rả. Kiểu này chắc đêm nay trời sẽ mưa.
Chú thích
[1] Nhà văn, mục sư người Anh (1771-1848).
[2] Nguyên văn là “lúc thổ dụng” tức thời gian 18 ngày trước khi bước vào tiết mùa hạ.
[3] Cơm chan nước chè.
[4] Nhà ảo thuật nổi tiếng thời đầu Minh Trị, đã tích cực đưa ảo thuật Tây phương vào Nhật Bản.
[5] Mì sợi làm từ bột kiều mạch
[6] Mì sợi to (bằng khoảng 2/3 chiếc đũa ăn cơm), làm từ bột tiểu mạch.
[7] Lão Mai, Lang cẩu, cáo già, gian giảo.
[8] Anh Kangetsu gọi cô này bằng họ, chứng tỏ mức độ quan hệ rất xã giao, xa lạ.
[9] Nhà văn, nhà phê bình người Anh (1850-1904), sinh ở Hy Lạp, làm phóng viên báo ở Mỹ. Năm 1890 sang Nhật lấy vợ Nhật và vào quốc tịch Nhật, lấy tên theo họ vợ. Từng dạy tiếng Anh và văn học Anh tại Đại học Tokyo và Waseda. Tác giả của tác phẩm “Mặt sau không biết của nước Nhật”.
[10] Khúc giả, kẻ méo mó, vạn năng, đồ hâm.
[11] Kiểu búi tóc mốt thịnh hành đương thời.
[12] Loại lò sưởi đốt củi, đồng thời là bếp ở giữa nhà.
[13] “Ý kiến” và “dị kiến” trong tiếng Nhật phát âm như nhau. Trong nguyên bản dùng chữ Hán “dị kiến” có thể hiểu là “ý kiến” hay “ý kiến khác người” hay “ý kiến kỳ dị”.
[14] Sách giáo khoa Trung Quốc thời Lục triều.
[15] Alfred Musset nhà thơ lãng mạn Pháp (1810-1857).
[16] (1827-1909), một vị sư phái Chân ngôn tông.
[17] Chuyện kể chuyên nghiệp.
[18] Sakakibara Kenkichi (1803-1894) một kiếm khách nổi tiếng thời cuối Mạc phủ, đầu Minh Trị.
[19] Trụy lạc, suy thoái.
[20] Cao Tân Hư Tử (1874-1959), một nhà thơ haiku có thực lực của trường phái Masaoka Siki, người đứng đầu tạp chí Hototogisu, là bạn của Natsume Soseki. Chính ông là người đã khuyên N.S viết văn và bắt đầu bằng tiểu thuyết “Tôi là con mèo” này đăng trên tạp chí Hototogisu.
[21] Một câu haiku 17 âm tiết.
[22] Yamato (Đại hòa) là một tên khác của Nhật Bản.
[23] Thiên cẩu là một quái vật trong tưởng tượng, sống trong rừng sâu, có hình người, mặt đỏ, mũi cao, có cánh, có sức thần thông… là tượng tưng cho sự kiêu căng, tự phụ.
[24] Pháp sư, tên một loài ve sầu.
Tôi Là Con Mèo Tôi Là Con Mèo - Natsume Soseki Tôi Là Con Mèo