Số lần đọc/download: 4891 / 66
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 7 - Vỡ Nam Dương, Ngữ Phu Nhân Tự Ải Từ Phu Tướng
T
hấy binh Tùy đã lui, Thiệu mới hơi an tâm, suốt đêm ngày bỏ ăn bỏ ngủ lên trên mặt thành tuần tiễu. Khi đó tuyết xuống mịt mù. Thiệu nghiến răng chịu rét, phủ dụ khuyên dỗ ba quân cố tỉnh táo giữ thành. Tối đến, dưới trại Tùy san sát như bát úp trùng trùng điệp điệp, đèn sáng lờ mờ trong mưa tuyết. Tiêu Phương lúc nào cũng cắp gươm đi sau Thiệu, thấy Thiệu lo lắng thở dài thì nói:
- Chủ soái nghĩ xem có phải đi cầu viện binh ở đâu chăng? Chúng vây mãi tất quân ta hết lương, chán nản, thành sẽ vỡ như không. Chủ soái mau định liệu.
Thiệu sực nhớ ra nói:
- Ta có người em họ tên là Ngữ Thiên Tích, sức khỏe ghê gớm, võ thuật cao cường lắm, hiện nay xưng Đại vương bên Đà La ở Hà Bắc.
Trên núi có hơn vạn lâu la. Nếu có người cam đoan đến đấy cầu cứu, may ra Tích đương được với sức dũng mãnh của Đô.
Tiêu Phương nói:
- Tiểu tướng xin đi.
Thiệu cả mừng, viết thư đưa Tiêu Phương Phương tạm biệt Vân Thiệu, lên ngựa phi về cửa bắc. Quân Tùy vây đánh, Phương nổi giận đùng đùng múa thương đâm luôn một lúc mấy trăm tên, chúng sợ hãi dãn cả ra. Chúng về báo tổng binh Tân Văn Lễ. Lễ xông ra thì Phương đã phá vỡ ba vòng vây phóng ngựa khá xa rồi, không đuổi nữa.
Phương đi suốt ngày đêm tới Hà Bắc, chưa biết La Đà sơn trại ở đâu. lúc ấy mặt trời đã lặn, mây lại che kín, tuyết xuống và gió rét căm căm, đoái trông bề rừng rậm non cao chẳng thấy nhà cửa đâu hết. Cứ thúc ngựa đi mãi, bỗng thấy một rặng núi cỏ cao, gió rít ầm ầm, chim kêu vượn hót, suối reo róc rách chợt đâu tiếng thanh la vang động rồi có tiếng nhạc reo. Tiêu Phương cả người cả ngựa rơi xuống hố. Lâu la cho móc sắc câu Tiễu Phương lên trói lại.
Chúng dắt ngựa vác thương, giải Tiêu Phương qua mấy quả núi, qua một bãi rộng làm trường luyện võ đến một dinh trại gươm giáo sáng loé.
Chúng dẫn Tiêu Phương vào Tụ nghĩa đường. Chính giữa có một cái ghế cao lót da hổ, dưới chân có chiếc án rải da báo để đặt chân.
Lâu la trói Tiêu Phương vào cái cột, bỗng nổi ba hồi trống, chúng xếp hàng hai bên. Một Đại vương bước lên ghế ngồi. Tên lâu la già ra quỳ bẩm:
- Hôm nay chúng tôi xuống núi bắt được con trâu mộng, xin lấy bộ tim gan để Đại vương xơi.
Tiêu Phương mở mắt ra thấy chúng cầm dao sáng loáng sắp kề vào bụng mình thì thở dài một tiếng kêu lên:
- Tiêu Phương nầy vì việc quân cơ mà chết ở đây thì thực uổng quá, chỉ ngại cho Ngữ nguyên soái ta bị chúng bao vây lương hết, quân nản, mà ngày đêm mỏi mắt chờ quân cứu viện, đau đơn biết bao nhiêu!
Đại vương lắng tai nghe thấy câu “Ngữ nguyên soái” thì vội hỏi:
- Nó nói gì thế bay?
Chúng đáp:
- Bẩm Đại vương, con trâu nó than thở đấy.
Đại vương bảo:
- Dẫn hắn lại đây, ta hỏi.
Chúng dẫn Phương đến trước mặt Đại vương. Hảo hán ấy nói rằng:
- Ngươi vừa than thở chi đó, nói cho ngay kẻo ta mổ bụng.
Phương đáp:
- Chủ soái chúng tôi là Ngữ Vân Thiệu trấn thủ Nam Dương. Hiện nay đại binh Tùy có Võ Văn Thành Đô uy dũng lắm đang vây khốn Nam Dương, nên Ngữ chủ soái sai tôi đến La Đà trại đưa thư cầu cứu ông hảo hán Ngữ Thiên Tích là em ruột. Người ấy có thể đối địch với Thành Đô. Nay tôi vào Đại vương, xin Đại vương tha cho tôi để đi cầu viện binh giải vây cho chủ soái tôi.
Hảo hán kia vùng đứng dậy, nhảy xuống đất hỏi to:
- Ngươi tên là gì đó?
Phương ngẩng lên nói:
- Tới là thống chế Tiêu Phương dưới trướng Ngũ nguyên soái.
Hảo hán vội mời Phong ngồi lên và nói:
- Tôi chính là Ngữ Thiên Tích, núi này chính là La Đà sơn, xin tướng quân miễn lỗi.
Đoạn sai lâu la dâng rượu. Rượu ba tuần, Tích hỏi:
- Anh tôi làm quan trấn thủ một lòng giữ cõi bờ cho chúa, cớ sao Võ Văn Thành Đô lại cử binh vây khốn, tướng quân cho tôi rõ.
Phong thuật hết việc Thái tử Dương Quảng giết Văn Đế, hại em là Dương Dũng lại chém Ngữ Kiến Trương, rồi trừ cỏ nhổ gốc, lại đề binh hòng giết Vân Thiệu cho tuyệt dòng họ Ngữ.
Tích nghe xong gầm lên ba tiếng rồi buông tiếng khóc. Phương an ủi hồi lâu. Tích đập bàn mà nói:
- Hôn quân vô đạo tru diệt cha mẹ anh em ta. Nay lại uy hiếp anh ta, ta thề không cùng nó đội một trời.
Phương sục nhớ phong thư, rút bọc lấy ra. Tích đọc xong, lại gầm như hổ dữ. Sớm hôm sau, Thiên Tích mặc đồ tang rong cờ trắng “Báo phục thù”, điểm năm nghìn lâu la, còn một nửa để lại cho các đầu mục giữ sơn trại. Tích lên ngựa xích thố, cùng Phương đem quân xuống núi, ngày đêm đi một mạch tới núi Thái Hành sơn thì trời mưa tuyết, quân đói quá phải hạ trại nấu cơm.
Trên Thái Hành sơn, có Đại vương Hùng Khoát Hải. Hôm đó Hải đang ngồi trên đại sảnh, lòng mong nhớ nghĩa huynh, băn khoản nghĩ:
- Từ hôm từ biệt, Ngữ Vân Thiệu đại ca ta nói rằng trở về quan ải Nam Dương, sẽ viết biểu tâu lên triều đình chiêu dụ ta, nay chờ đợi đã mỏi mòn con mắt mà nào có thấy chi đâu. Đại ca ta là một bậc anh hùng có khi nào lại quên lời ước hẹn.
Khoát Hải càng nghĩ càng buồn bực, rượu say rồi dẫn lâu la xuống núi để săn bắn và ngóng chờ Vân Thiệu. Khoát Hải mãi theo đuổi hưu nai, cho mấy đầu mục đi tìm hành khách.
Khi ấy có một bọn lái buôn vàng bạc ở Kinh qua đường này. Chúng khôn ngoan bàn nhau trá hình làm hành khất, rách rưới lôi thôi, vừa đi vừa rên rỉ. Đi qua chân núi Thái Hành sơn, chúng ùa té chạy. Mấy đầu mục của Hùng Khoát Hải hò lâu la đuổi.
Chúng nhanh chân chạy qua mấy đợt lui, thấy trước mặt có dinh trại cắm bên dường, bèn chạy thọt vào, quỳ rạp vào dưới chân Ngữ Thiên Tích Đại vương mà van lạy xin che chở.
Thấy bọn lái buôn đúng là ăn mày, Tích cho chúng vào dinh và bảo quân si thổi cơm cho chúng ăn. Bọn đầu mục của Khoát Hải Đại vương đuổi đến nơi biết là là lái buôn đã trốn vào trại, thì lên tiếng quát tháo ầm ĩ:
- Bọn khốn kiếp nào dám hạ trại ở giang sơn chúng tao đây?
Lâu la của Thiên Tích cười mà đáp:
- Chúng mày không thấy lá cờ của Ngữ Thiên Tích Đại vương Đà La trại cắm trên cành cây kia à?
Bọn đầu mục nói:
- Chúng bay nghe ta nói thì hết vía Chúng ta là đầu mục của Đại vương Hùng Khoát Hải đây. Muốn sống thì trả bọn lái buôn, kẻo Đại vương ta đến thì thầy trò bay ra ma hết.
Ngay khi ấy, Ngữ Thiên Tích bước ra, nghe bọn đầu mục léo nhéo thì quát to một tiếng, đuổi đi. Bọn đầu mục thấy Đại vương của mình đã to lớn dữ dội mà Đại vương này có vẻ dũng mãnh hơn, liến xô nhau chạy. Chúng về hốt hoảng lên núi tìm Khoát Hải nói rằng:
- Chúng tôi đuổi một bọn lái buôn vàng chúng nấp vào trại của một Đại vương ở chân núi bên kia Đại vương ấy đánh đuổi chúng tôi và thách Đại vương đến thì hắn xé làm hai mảnh.
Khoát Hải nổi giận đùng đùng phi ngựa tới, gọi Tích ra mà rằng:
- Đại huynh nên nghĩ tình đồng đạo mà trả ta bọn lái vàng.
Tích nói:
- Chúng là một lũ ăn mày rách rưới, chạy đến xin cơm, có lẽ đại huynh say rượu trông gà hóa cáo đấy thôi.
Hải quát to:
- Nếu vậy thì ta không nể ngươi được nữa. Có giỏi hãy cùng ta tử chiến một phen nào!
Nói rồi múa đôi búa đánh. Tích cả cười giơ cây hỗn kim đang đỡ.
Hai hảo hán sức cùng ngang như đôi mãnh hổ, không ai nhường ai một bước, đánh nhau dự trăm hiệp vẫn không phân thắng bại. Cho tới lúc một trời đã lặn, mới chịu nghỉ tay, kẻ về trại người tên núi, và hẹn nhau quyết phân sống chết sớm mai.
Sớm mai, hai mãnh hổ Đãi Vương lại đánh nhau ba trăm hiệp. Lại chưa phân thắng bại.
Cứ thế không ai chịu thua ai. Ngữ Thiên Tích và Hùng Khoát Hải ngày nào cũng dàn trận thế đánh, thanh la và cồng khua vang rừng núi.
Ròng rã sáu ngày trời, Tiêu Phương can ngăn nói mãi, Ngữ Thiên Tích nhất định phải đánh bại Hùng Khoát Hải mới chịu nhổ trại cất quân.
Đây nói Ngữ Vân Thiệu ở Nam Dương ngày đêm mong ngóng Tiêu Phương đi cầu em mang quân đến cứu mà chẳng thấy vân mông. Ngày nào Vân Thiệu cũng lên thành nhìn ra khắp chân trời, chỉ thấy quân Tùy trùng điệp vây đánh thành phá cửa, bắn tên vào.
Chờ mong chán lại lui bước xuống vào dinh, buồn rầu lo lắng. Phu nhân hỏi:
- Viện quân không thấy đến, phu tướng nên tìm cách khác, kẻo thiếp e thành vỡ đến nơi rồi.
Thiện thở dài nói:
- Hiển thê ôi, ta còn ba điều ấy náy, có chết cũng không nhắm mắt.
Phu nhân gạn hỏi, Thiên ứa nước mắt đáp rằng:
- Điều thứ nhất là thù cha chưa báo. Điều thứ hai là hiền thê phận đàn bà yếu ớt sao ra khỏi vòng vây Điều thứ ba là con thơ trứng nước tránh sao được mũi tên hòn đạn của giặc đang dữ như lang sói.
Vừa dứt lời thấy pháo nổ vang trời, quân hốt hoảng vào trình:
- Võ Văn Thành Đô đã phá gần vỡ tây môn, xin chủ soái định liệu cho.
Thiệu biến sắc mặt, nắm tay vợ nói:
- Nguy biến đến nơi rồi, mau ẵm con lên ngựa, ta trốn đi phương khác sẽ tìm cách báo thù sau.
Phu nhân nắm lấy tay chồng khóc mà vào phòng riêng. Ngờ đâu, vào mãi chẳng thấy ra, Thiệu chỉ nghe tiếng ấu nhi gào khóc Thiệu vào ẵm con, còn đang ngơ ngác, nghe thấy tiếng quân sĩ kêu ở phía sau:
- Phu nhân tự ải rồi!
Thiệu hốt hoảng chạy vào, nhìn xuống giếng sâu thẳm thì thương ơi, đã châu chìm ngọc đắm! Thiệu ôm con khóc bên bờ giếng hồi lâu rồi tiện có bức tường bên giếng, Thiệu đẩy đổ xuống lấp kín giếng sâu, đoạn quỳ xuống khấn:
- Hiền thê ơi, sống lành chết thảm linh thiêng phù hộ cho ấu nhi thoát khỏi vòng vây để sau này gìn giữ họ Ngữ báo cái thù không đội trời này.
Khấn rồi chạy ra công đường. Các tướng sĩ chờ tướng lệnh. Vân Thiệu nói:
- Ngữ Bảo ra của tây đánh với Thành Đô.
Ngữ Bảo vâng lệnh cầm đôi búa ba trăm cân xông ra cửa tây đôi búa đến đâu quân sĩ chết đến đấy. Bảo chỉ có sức khỏe chứ không biết vũ nghệ cứ gặp người là bổ. Mấy vòng vây thấy Ngữ bảo khỏe vô địch, phải rẽ cả ra. Chợt có nhạc ngựa reo, Thành Đô đã đến. Bảo coi thường giơ búa đánh. Đô giơ lưu kim đang đỡ, sức hai bên cùng mạnh quá, làm bật cây búa lại đập vỡ sọ Bảo chết tươi.
Vân Thiệu cởi áo bọc ấu nhi đeo trước bụng, phi ngựa ra của nam, gặp Thông Tư Đồ. Đồ phóng thương đâm, Thiệu đối địch rất dũng mãnh Thương Tu Đồ không phải là địch thủ của Vân Thiệu, chịu thua bỏ chạy.
Thiệu không đuổi theo, chạy về phương nam, Thượng Tư Đồ quay lại đuổi để đánh nữa. Ngựa của Thiệu là giống ngựa tốt đi nghìn dặm nhưng long câu của Thượng Tư Đồ sức bay trên mặt đất như gió cuốn.
Đó là giống ngựa lạ thường. Mỗi khi Tư Đồ ra trận gặp nguy, hắn chỉ nhổ một chiếc ở cái chùm lông vàng như cước trên đầu tuấn mã tức thì nó gầm lên một tiếng long tròi, ngựa kẻ địch thủ phải chồm lên, rúm vó tướng trên yên phải ngã liền.
Ngoảnh thấy Tư Đồ đuổi theo ráo riết, Vân Thiệu phải dừng ngựa đánh, được ba hiệp, Tư Đồ luống cuống đuối sức, bèn nhổ một chiếc lông đầu ngựa, tuấn mã gầm lên, mũi thở ra khói đen tanh tưởi khiến ngựa Vân Thiệu hoảng sợ lùi trở lại, làm Vân Thiệu suýt ngã may chống được ngọn thương xuống đất.
Tư Đồ nhổ chiếc nữa, con ngựa lại gầm lên, phun hai luồng khói vào ngựa Thiệu. Con vật ngã lăn ra, co rúm vó, quật Thiệu ngã nhào xuống đất. Tư Đồ phóng thương đâm.
Thốt nhiên, một đại hán mắt to lồi, râu chổi sể bao quanh mặt, mặt vừa xanh vừa tím đội khăn xéo đỏ, mặc áo vàng sẫm, tay vác thanh long yến nguyệt đao xông đến gạt thương Tư Đồ hất bổng lên khiến ngọn thương suýt bắn đi. Thượng Tư Đồ ngẩng nhìn, giật bắn mình kêu:
- Ối chao, Châu Sương giáng thế!
Kêu rồi, quay ngựa chạy. Đại hán mặt đen vác đại đao đuổi, chân lướt trên mặt đường như gió. Vân Thiệu đã cùng ngựa đứng được lên, gọi lớn:
- Hảo hán đừng đuổi nữa.
Người ấy nghe lời, trở lại. Thiệu nghiêng mình xá:
- Nghĩa sĩ cho Vân Thiệu nầy biết đại danh.
Người ấy đáp:
- Chúng tôi họ Chu tên Sáng, ở phía nam thành này.
Cách đây năm năm, anh tôi bị tội bỏ ngục, lão gia thương mà cứu cho, ơn ấy còn ghi khắc. Ban nãy chúng tôi đẵn củi trên núi, thấy tướng công cùng Tư Đồ giao chiến muốn xuống bắt nó nhưng tay không, bèn vào đền thờ Quan Vân Trường mượn đại đao của Châu Sương xuống đánh.
Vân Thiệu nói:
- Đền thờ Quan Công ở đâu Nghĩa sĩ dẫn tôi lên...
Chu Sáng vâng lời dẫn Thiệu lên núi, Thiệu sụp lạy khấn rằng:
- Ngữ Vân Thiệu tôi bị hôn quân giết hại cả nhà, nay sang Hà Bắc mượn quân về đánh báo thù, ngài là bậc trung nghĩa đời Hán, xin phù hộ cho tôi được thành công sẽ xin tu sửa đền đài, truyền nối việc hương đăng sùng bái.
Khấn xong, Thiệu quay lại sụp lạy Chu Sáng nói:
- Nghĩa sĩ ơi, dòng họ Ngữ còn sót lại giọt máu này, nay trao gửi nghĩa sĩ nương náu rùng sâu núi thẳm cố nuôi cho, sau này ấu nhi được nên người thì ơn này dù sống chết Thiệu tôi không quên được. Ví bằng ấu nhi có mệnh hệ nào, đó là tại lòng trời định. Nghĩa sĩ thương tình cháu nhỏ mồ côi mà thương giúp.
Chu Sáng vội quỳ đáp lễ:
- Xin ân tướng cứ tin vào Sáng này.
Liền ẵm công tử, và hỏi nên đặt tên là chi để mai sau nhận biết.
Thiệu nói:
- Hôm nay ta gửi con ở đền này, nên đặt là Ngữ Đăng.
Chu Sáng trả đao Châu Sương, đoạn bế công tử ra khỏi miếu, cúi lạy Vân Thiệu, ân cần nói:
- Sau này còn gặp gỡ, xin ân công giữ lấy thân vàng ngọc để trả thù.
Vân Thiệu đứng ngẩn ra, nhìn theo người nghĩa sĩ ẵm ấu nhi đi khuất vào rừng rậm. Đoạn, lau nước mắt, lên yên phi xuống núi.
Đi chừng trăm dặm tới Thái Hành sơn, Thiệu đang đói khát có ý tìm hàng quân, bỗng nghe vang động tiếng cồng thanh la. Thúc ngựa tới chân núi thấy có binh mã đang đánh nhau, nhìn kỹ rồi la lớn:
- Sao lại thế này, anh em một nhà cả đó, không được đánh nhau như thế.
Hai Đại vương ngẩng lên, nhận ra Vân Thiệu, Thiên Tích gọi:
- Đại ca mau giúp em, đánh chết thằng tướng giặc này!
Hùng Khoát Hải cũng kêu to:
- Đại ca giúp em với không giết được thằng này thì tức lắm.
Thiệu xông vào giơ thương binh khí hai Đại vương ra, quát:
- Hai em ta lầm rồi, Mau xuống ngựa bái kiến nhau đi.
Hai Đại vương vội nhảy xuống đất vái nhau. Vân Thiệu giới thiệu Khoát Hải với Thiên Tích, kể lại chuyện Hải hai chân đá chết Hổ ngày nào vì vậy nên đã cùng nhau kết nghĩa. Hai người đều ôm nhau cả cười.
Ba người đem lâu la lên núi, vào Tụ Nghĩa sảnh ngồi. Ngữ Vân Thiệu thuật rõ chuyện phụ thân bị hại, cả nhà chết chém, thành trì tan vỡ, vợ tuẫn tiết, con thơ gửi nhờ Chu Sáng nuôi.
Tiêu Phương ứa nước mắt sụp lay mà rằng:
- Tiểu tướng vâng lệnh đi cầu cưu Ngữ nhị lang đây, chẳng may giữa đường có chuyện hai hảo hán tranh hùng nên chưa đem quân về phá vòng vây thì đã nên nông nổi ấy. Muôn tội ở như mạt tướng, thật là đáng chết.
Thiên Tích khốc rống lên rồi chỉ mặt Hùng Khoát Hải:
- Đáng lẽ ta đến cứu anh ta thì đâu đến nỗi vợ con anh ta tan tác, chỉ tại anh mặt đen này đòi lũ ăn mày kia mà bây giờ hối không còn kịp nữa.
Khoát Hải cãi:
- Sao đại huynh không nói là cần kíp đi giải vây Nam Dương, nếu tôi được biết thì cùng nhau đi cứu, nay oán tôi thì quá lắm.
Ngữ Vân Thiệu dàn hòa:
- Việc đã lỡ rồi, mọi sự do trời định hết Hai hiền đệ chớ cãi nhau vô ích.
Rượu đã bày. Ba người cùng nhau cạn chén. Thiệu ngậm đắng nuốt cay, luôn luôn cúi xuống thở dài. Khoát Hải cởi áo ngoài, dẫm chân mà nói:
- Thù này là thù chung của ba anh em ta. Ngày mai em cùng nhị lang Ngũ Thiên Tích đây giúp đại ca khởi binh chiếm Thành Đô.
Thiệu nói:
- Đa tạ nhiệt huyết của hiền đệ, nhưng phải xét lại rằng ta ở thành Nam Dương trong tay có mười vạn quân, trăm mãnh tướng mà còn thất bại. Mai ta sang Hà Bắc tìm người em con cô con cậu với ta là Lý Tử Thông mượn quân để báo thù. Lý Tử Thông chiếm giữ Hà Bắc đã từ lâu, bấy nay kéo riêng hiệu cờ không phục nhà Tùy một mình giữ ngôi vương tung hoành dọc ngang một cõi. Hắn giúp ta thì thù này lo gì không rửa được, nay hiền đệ cứ giữ sơn trại, chiêu quân luyện mã, mai kia ta kéo binh qua đây sẽ vời em xuống núi.
Khoát Hải buồn rầu hỏi:
- Đại ca đi như vậy biết bao giờ mới lại thấy mặt nhau?
Thiệu đáp:
- Sớm một năm, muộn cũng hai năm ta biết thế nào mà nói trước.
Sớm sau, Vân Thiệu, Thiên Tích và Tiêu Phương bái biệt Hùng Khoát Hải, cùng nhau xuống núi. Đến chiều tới La Đà trại, lên sơn trại ăn uống no say. Ở đấy một ngày, Vân Thiệu để Tiêu Phương và Thiên Tích ở lại đây chiêu binh tập mã, dự bị lương nhu, đoạn Vân Thiệu một mình cầm thương lên ngựa phi xuống núi, thẳng đường Hà Bắc mà rong ruổi.
Đây nói về Lý Tử Thông, trấn thủ Thọ Châu cai quản các miền Hà Bắc, có trăm vạn hùng binh, ngàn viên dũng tướng, dọc ngang ngót trăm quan ải. Tùy Văn Đế thấy Thông mạnh quá, sợ một ngày kia làm phản, phải lấy lòng phong chức Thọ Châu Vương. Tử Thông biết vậy tự xưng là Thiên tuế.
Ngữ Vân Thiệu đến nơi, xin vào triều kiến. Quân giữ ải vào quỳ bẩm:
- Có một tướng cưỡi ngựa cầm thương, nói là Nam Dương Hầu Ngữ Vân Thiệu xin vào yết kiến.
Lý Thiên Tuế cả mừng nói:
- Đó là biểu đệ của ta.
Bèn sai một quan văn ra đón Thiệu vào. Vào tới nơi, Thiệu sụp lạy nói:
- Dám bẩm Thiên tuế, mạt tướng là Nam Dương hầu vào triều kiến.
Lý Thiên tuế sai tả hữu nâng dậy mời ngồi, hỏi:
- Biểu đệ trấn thủ Nam Dương đến đây có việc chi?
Vân Thiệu ứa nước mắt thuật rõ việc thái tủ Quảng giết cha, hại anh, chém cả nhà mình, lại sai Thành Đô phá Nam Dương. Lý Thiên tuế cả giận đập án mà rằng:
- Hôn quân vô đạo, làm điều bất hiếu, lại tàn sát toàn gia em ta, ta sẽ cử binh báo cái thù ghê gớm đó.
Vân Thiệu siết bao mừng rỡ, lại sụp lạy. Quân sư Cao Đại Tài bước ra tâu:
- Chúa công đang thiếu một Nguyên soái cầm quân, nay nhân Ngữ nguyên soái đến, ta nên cử vào chức ấy.
Lý Thiên tuế hài lòng phong ngay Thiều làm đại nguyên nhung thống lĩnh binh lương suốt cả miền Hà Bắc.
Nhắc lại việc Võ Văn Thành Đô cả phá cổng tây kéo quân vào soái phủ mới biết Vân Thiệu đã trốn đi rồi. Quân sĩ Nam Dương mất chủ soái, mở hết các cửa thành xin hàng hết. Một lát, Thông Tư Đồ đem quân về. Hàn Cầm Hổ nói:
- Ngươi trấn cửa bắc có bắt được phản thần không?
Đồ kể việc Châu Sương hiển thánh múa long nguyệt đao của Quan Công chém. Cầm Hổ tin là thật, rồi vào công sảnh tra soát sổ dân đinh, treo bảng chiêu an dân chúng, Thành Đô nói:
- Bẩm nguyên súy, Mã Thúc Mưu không phải là địch thủ của Vân Thiệu, xin tha cho hồi chúc.
Hổ nể lời, tha ngay. Mưu đang giữ ngựa, được tin, mừng vào sụp lạy Cầm Hổ, lại quay ra lạy tạ Thành Đô hai ba lượt.
Đoạn, Cầm Hổ giao cho Tư Đồ giữ ải Lâm Đồng, Tấn Văn Đế giữ ải Hồng Nê. Hai tướng đi khỏi, Cầm Hổ dặn dò quân sĩ không được quấy nhiễu lương dân, rồi cùng quân tướng kéo cờ hát khải hoàn ca, trở về kinh đô phục chỉ.
Đi mười ngày ròng rã tới kinh sư, Hàn Cầm Hổ đóng quân xa năm dặm, rồi cùng Thành Đô, Mã Thúc Mưu cỡi ngựa vào thành triều kiến.
Tùy Dạng Đế sai vời vào, Cầm Hổ dâng bản sớ kể rõ việc hạ Nam Dương, Ngữ Vân Thiệu trốn thoát. Dạng Đế mừng rỡ, sai rót rượu ngự ban khen đoạn phong Cầm Hổ làm Bình Nam Vương, Thành Đô làm Bình Nam hầu, Mã Thúc Mua làm Đô tổng quản. Các tướng đều được thăng thưởng hết.
Dạng Đế sai đặt ngự yến ban cho hết bách quan văn võ. Sau đó lại giáng chỉ ân xá hết các phạm nhân đã thành hay chưa thành án. Lệnh ân xá ban ra ngoài thiên hạ, may nhất cho một anh chàng bán muối, quê ở Ban cửu điếm, phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, họ Trình tên Giảo Kim. Hảo hán ấy mình cao vai rộng, tay dài, mắt xanh, mũi đỏ, mắt biếc, tướng như hùm beo, ai trông cũng sợ. Phụ thân là Trình Hữu Đức mất sớm, mẹ là Cao thái thái, quanh năm khó nhọc để nuôi Trình Giảo Kim chỉ rong ruổi ăn chơi.
Khi xưa Giảo Kim ở Tế Nam đã cùng Thúc Bảo cùng cắp sách đi học nhưng thiên tính tối tăm, học đến đâu quên đến đấy, rút cục một chữ nhất cũng không biết viết ra sao.
Rồi sao có một bọn du đãng rủ Kim đi buôn muối lậu. Kim bướng bỉnh, khỏe như con voi, bọn phương buôn kinh hãi lắm, gọi Kim là Trình Lão Hổ. Một ngày kia, có quan tuần bộ đi ra bến sông bắt muôi lậu. Kim cáu tiết đá một tên lính của tuần bộ bắn ra giữa dòng sông chết ngóm. Kim không muốn để luỵ cho người, tự vào phủ nha nhận tội.
Quan phủ thương Giảo Kim là tay hảo hán tính thẳng lòng ngay, thì cố ý không làm án vội, cứ giữ Kim ở phủ môn sai bảo vặt.
Đến nay, được nghe chỉ ân xá, các tội nhân khác thì reo mừng kéo nhau vào lạy quan rồi rủ nhau ai về quê hương người ấy. Duy có Giảo Kim là cứ ngồi im không nhúc nhích. Ngục tốt bảo:
- Người ta đi hết rồi, anh Kim còn không nhúc nhích có lẽ định ở lại ăn cơm của phủ chăng?
Kim nổi giận quát to một tiếng nắm cổ tên ngục tốt ném ra sân, rồi hoa quyền đánh hết. Chúng sợ hãi tìm lời van lạy Giảo Kim nói:
- Lão gia sắp đi đây. Nhưng chúng bay lại không biết bảo nhau mua rượu thịt tống tiễn lão gia à? Chính chúng không nhúc nhích sao dám bảo ta?
Chúng ngục tốt vốn sợ sức khỏe của Kim, bèn góp tiền nhau đi mua thủ lợn, rượu ngon bưng vào khoản đãi. Kim đang thèm thuồng như ma đói, vớ được rượu thịt, ăn như rồng cuốn nước, cọp nuốt dê non, đoạn đứng dậy vươn vai, tự ngắm nghía thân hình rồi nói:
- Ta đường đường một tay nam tử, nay ở tù ra mặc quần áo rách coi sao được. Chúng bay mau đem quần áo tới đây cho ta mặc. Nếu chậm ta nhất định không đi đâu hết.
Chúng lo sợ nói:
- Chúng tôi làm việc lương ít, bổng không, vợ con ở nhà rách rưới, làm gì có quần áo đưa cho ông.
Kim trừng mắt, toan hoa quyền đánh. Chúng cuống quít mà rằng:
- Chỉ có chiếc áo tang bằng vải trắng dài rộng, chiếc mũ bằng vải sô, nếu lão gia không dùng thì xin chịu.
Kim nói:
- Thôi cũng được, lấy mau cho lão gia xem.
Một lát chúng mang áo tang đến. Kim đội mũ, mặc áo, ngắm nghía một tí rồi vung tay áo thụng, ra khỏi ngục, chạy một mạch về làng thăm mẹ.
Một lát tới nhà, Trình mẫu ôm lấy con mà khóc. Trình mẫu nói:
- Ba năm nay con bị tội tù, mẹ muốn vào thăm nhưng không có tiền đút lót, khi nào chúng cho mẹ vào thăm con. Mẹ bỏ ăn bỏ ngủ, nay tại sao con lại được về?
Kim nói:
- Nhà vua tha con về hầu mẹ đấy. Mẹ khá mừng đi.
Trình mẫu vui vẻ nói:
- Trong vại còn năm thưng gạo, con có đói thì đi thổi mà ăn.
Kim đi vét gạo thổi ăn hết cả nồi mới lửng dạ. Trình mẫu vừa mừng đã lo ngại nói:
- Mẹ thì già, nhà nghèo túng, sức con ăn khỏe thế, lấy gì nuôi con?
Kim nói:
- Mẹ còn đồng nào lại đua con đi buôn muối lậu thì lo gì đói.
Trình mẫu nói:
- Mẹ làm gì ra tiền mà đưa cho con.
Kim nói:
- Có vật gì đưa con đem bán vậy.
Bà mẹ nói:
- Mẹ còn độc chiếc quần kia, con đem chợ bán. Đừng đi buôn muối nữa, cứ buôn lấy cây tre về chẻ cho ta đan rồi con đem ra chợ bán mà đong gạo.
Nói rồi mở hòm đưa quần cho con bán. Giảo Kim ra đến phố, hai bên thiên hạ cùng sợ hãi vội hô nhau đóng cửa. Kim xông vào trong chợ đang đông, thét to:
- Ai có tiền có bạc hãy gần ta, không thi cút hết!
Vừa nói vừa đẩy vừa đá, mọi người ngã giúi xuống, kêu ầm ĩ cả lên.
Kim treo cái quần lên mái chợ, nhảy lên cái tường thấp, ngồi vắt vẻo quát vang:
- Đứa nào có tiền đến mua quần đẹp này đi, mau mau, kẻo lão gia phóng hỏa thiêu trụi hết hàng hóa hàng quán đó. Mua đi! Mua đi!
Mọi người run sợ xô nhau chạy. Có một người nhận biết Trình Lão Hổ, rón rén lại gần nói:
- Không biết đại gia đã về, thật là có lỗi. Chẳng hay vật này đáng giá bao nhiêu xin cho biết.
Giảo Kim nói:
- Không là bao nhiêu ta lấy một lạng thôi.
Người ấy nghĩ:
- Không mua thì hắn còn quấy nhiễu, chi bằng thí cho hắn một lạng cho xong.
Đoạn móc túi lấy một lạng, hai tay đưa lên nói:
- Chúng tôi gọi có lạng bạc để mừng lão gia đã được về. Còn cái quần lão mẫu vốn là vật quý, lão gia xuất thân ở đấy mà ra xin mang về không nên bán.
Kim thấy tiền thì cả cười, không hiểu nghĩa câu nói ấy, liền nhảy xuống đất nói:
- Bác này biết lễ nghĩa, ăn nói thông văn tự, lão gia có lời khen.
Nói rồi thu quần bỏ vào bọc, đút tiền vào túi đi ngay. Giảo Kim đến hàng tre. Gã bán tre trước là Vương tiểu nhị trước có đánh bạc với Giảo Kim đã bị Kim đánh cho một trận, nay thấy Kim ở tù ra thì vội quay vào bảo gia nhân:
- Mau xếp tre cho gọn ghẽ kẻo người ta ăn cắp đấy!
Kim sáng tai từ xa đã nghe thấy, tức thì xông đến nắm lưng áo Tiểu nhị ném vào đống tre, mặt mũi sưng vếu lên. Tiểu nhi nói:
- Ngươi là một tên tù, danh giá gì mà dám bắt nạt ta?
Kim túm ngực nhấc bổng lên ném tít lên trời, lại giơ tay hứng đỡ như kẻ đá cầu. Tiểu nhị hết hồn bạt vía rối rít van lạy. Mãi Kim quát:
- Lão gia cần mấy cây tre, mi có biếu không?
Tiểu nhị xin vâng. Tức thì Kim xuống bờ sông hai tay khuân hai bó tre to tướng, ước độ ba mươi cây, nặng đến ba trăm cân chạy đi vun vút.
Tiểu nhị và mọi người ngây mặt ra sợ hãi.
Kim vác hai bó tre về ném giữa sân, lại lấy bạc ra đưa mẹ. Trình mẫu nửa mừng nửa sợ nói:
- Con lấy đâu ra nhiều tre nhiều bạc thế?
Kim đáp:
- Thưa mẹ, con ra chợ có người nhận biết mừng con lạng bạc mà không dám lấy quần. Còn tre kia là người quen cũ tặng con làm vốn.
Bà mẹ mừng rỡ nói:
- Con lại đi sắm dao tốt về chẻ tre cho mẹ đan giỏ mai đem ra chợ bán.
Kim vâng lời đi mua con dao, mấy đấu gạo một vò rượu, một cân thịt, nấu nướng một lát rồi hai mẹ con ngồi ăn uống no nê. Ăn xong Kim chẻ tre để mẹ đan. Kim nói:
- Mẹ già nua còn làm khó nhọc. Con đâu dám ngủ.
Rồi ngồi bên mẹ chờ đến canh tư. Trình mẫu đan được đủ mười chiếc giỏ. Kim mới rũ ổ rơm mời mẹ đi nằm, còn mình xuống bếp chui vào thùng trấu ngủ một giấc, ngáy vang như sấm.
Chợp một lát, Trình mẫu dậy thổi cơm sáng, đánh thức con dậy ăn.
Cơm xong, Kim hỏi mẹ:
- Sọt giỏ bán thế nào, mẹ dạy cho con biết.
Bà mẹ nói:
- Mỗi cái độ ba phân thôi.
Kim vâng lời quảy gánh giỏ ra chợ, tới nơi người ta thấy mặt Kim nhốn nháo, thu xếp hàng hóa đi tản mát. Ai cũng tránh mặt, Kim ngồi đến trưa đến chiều chẳng ma nào dám đến gần. Kim điên tiết, lại đói như cào, thầm nghĩ:
- Ta phải tìm hàng quán ăn uống đã.
Rồi quảy gánh sọt đi vào phía đông, thấy ngôi hàng rượu. Chủ quan là một cặp vợ chồng già mới ở nơi xa đến, không biết Giảo Kim, thấy khách vội ra mời. Kim đặt gánh vào ngồi vắt vẻo. Lão bà đi làm rượu.
Lão ông thái thịt luộc rau.
Kim ăn uống một hồi rồi đứng dậy quảy gánh đi. Lão ông sợ hãi chạy theo nắm áo đòi tiền. Áo bằng vai sô mỏng như giấy, mó vào rách tơi ra ngay. Kim tức giận quay lại tát ông già một cái.
Lão ông bị đau kêu ầm ĩ. Lảo bà cũng tru tréo. Kim vào đá tung cả bàn ghế, đập vỡ hết nồi niêu. Mọi người càng thấy đôi vợ chồng kêu to càng sợ Giảo Kim nổi nóng nên chạy hết. Vợ chồng già đành níu lấy Kim mà van lạy. Đang lúc đó, một tay đại hán mặt to, mắt sáng như sao, râu mọc thưa thớt, đầu đội khăn tía, mình mặc áo xanh, bước đến can:
- Hảo hán đừng nóng nảy, tôi xin thưa chuyện đã.
Người ấy móc túi lấy hai lạng bạc đưa vợ chồng ông lão, rồi xá Giảo Kim mà rằng:
- Nhà tiểu đệ gần đây, mời đại huynh đến chơi xơi chén rượu.
Kim cười nói:
- Đến chơi uống rượu thì tốt lắm Nhưng còn mười chiếc sọt công trình của mẹ tôi đan suốt đêm qua.
Người ấy nói:
- Đại huynh cho hàng rượu, cần gì vật mọn.
Rồi đó hai người vào một trang viện lớn, cách chợ ba bốn dặm, vườn rộng, ao sâu, cỏ hoa rực rỡ. Người ấy sai đem nước, và lấy áo quần mới mời Giảo Kim tắm gội và thay bỏ áo sô rách tả kia đi. Tắm rửa xong, người ấy dắt Kim vào đại sảnh, bắt ghế cao mời Kim ngồi, rồi nói:
- Chẳng hay hảo hán đại danh chi? Song thân còn hay mất?
Kim xưng danh rồi tiếp:
- Tôi vừa ở tù ra, mẹ con túng đói phải đan giỏ bán, còn ông tên gọi là gì, tiếp đãi thằng Kim tôi như thế này nghĩa làm sao?
Người ấy đáp:
- Tiểu đệ tên gọi Vưu Thông tự là Tuấn Đạt ở đây đã mười đời, từ thuở nhỏ đã theo cha đi giang hồ buôn đồ châu báu. Mấy năm nay giặc cướp nổi như ong, một mình đi buôn bán lấy làm lo ngại. Thấy đại huynh vũ dũng hơn người có ý rủ về đi buôn châu báu cùng, cho có bạn đường xa, đại huynh nghĩ thế nào?
Kim liền đứng phắt lên, ré chân chạy. Tuấn Đạt đuổi theo xuống thềm kéo tay hỏi:
- Tiểu đệ thất thố câu nào mà đại huynh bỏ đi như vậy?
Kim trừng mắt nói:
- Ông khinh Kim này nghèo rách nên chế giễu Kim đó chăng? Cái thằng khố trụi áo ôm này làm gì có vàng bạc đầy kho mà bảo rằng đi buôn châu báu với ông.
Tuấn Đạt nói:
- Tiểu đệ bỏ vốn mà chỉ phiền đại huynh xuất lực thôi.
Kim ngơ ngác hỏi:
- Thế nào là xuất lực, tôi dốt nát, ông đừng nói chữ.
Đạt nói:
- Nghĩa là đại huynh cầm binh khí đi bên tiểu đệ, gặp cướp thì đánh, gặp trộm thì bắt, gặp cường đao dọc đường thì chém giết tha hồ, châu báu bán được bao nhiêu lãi sẽ chia đôi sòng phẳng.
Kim suy nghĩ:
- Như thế thì thú lắm. Vừa được ăn uống dọc đường, lại được chia vàng bạc! Nhưng hiềm một nỗi mẹ già tôi yếu lắm, chả chắc chịu cho đi.
Đạt nói:
- Tiểu đệ xin biếu lão mẫu năm mươi lạng bạc và vải lụa, đại huynh về kể rõ, rồi mai sớm đến đây, chúng ta khỏi hành luôn.
Giảo Kim mừng lắm. Đang nói chuyện thì gia nhân dọn rượu hai người cùng say sưa tới lúc trăng lên, Giảo Kim mới đứng lên bái biệt.
Tuấn Đạt đưa hai mươi lạng bạc, bộ áo mới, hái tấm lụa hoa. Kim nhận rồi ra về.
Tới nhà, Trình mẫu thấy con mặc áo đẹp lại sặc mùi rượu thơm, vội hỏi nguyên do. Giảo Kim thuật rõ. Bà mẹ mừng rỡ, hai mẹ con lại dọn cơm ăn, rồi đi nghỉ.
Trưa hôm sau, Tuấn Đạt nóng ruột chưa thấy Kim đến bèn cho gia đinh khiêng hai kiệu đến đón cả mẹ con Trình mẫu đến gia trang. Kim đỡ mẹ lên kiệu, mình đi đất. Phu kiệu nhất định mời Giảo Kim lên ngồi. Kim gắt:
- Người ta thế này mà ngồi kiệu như một ông quan hay một tiểu thư coi sao được. Ta đi đất lại nhanh hơn.
Lát sau tới trang viện, mẹ con Trình mẫu cùng Tuấn Đạt thi lễ. Đạt cung kính mời Trình mẫu ngồi lên chiếu trên. Gia nhân bày tiệc.
Rượu vài tuần, Đạt buông chai nói:
- Ta đi buôn đường sá có phần nguy hiểm. Chẳng hay đại huynh dùng khí giới gì?
Kim đáp:
- Tôi quanh năm vào rừng đẵn củi, chỉ quen dùng búa mà thôi ngoài ra chẳng biết dùng khí giới gì khác cả.
Tuần Đạt sai gia đinh lấy cây búa nặng sáunăm cân tên gọi là Bát quái tuyên hoa phủ. Kim cầm búa múa không ra lối võ gì. Tuấn Đạt nói:
- Tôi cũng có quen đánh búa, xin dạy đại huynh.
Hai người cởi áo ra ngoài sân luyện búa. Chẳng ngờ Đạt dạy được bài trước, Kim lại quên bài sau, học bài sau lại quên bài thứ nhất, vì Kim tối dạ quá, Tuấn Đạt không biết làm sao đành bảo thôi hãy vào uống rượu ăn cơm rồi đi ngủ.
Đêm ấy, Giảo Kim nằm một mình ở gian phòng cạnh vườn hoa, bỗng thấy một cơn gió thơm ngát tạt vào giường rồi hiện ra một cụ già mặt đỏ như táo chín, mắt sáng như sao sa. Cụ nói:
- Khải thổ tinh quan mau tỉnh dậy, ta vâng lệnh Ngọc hoàng xuống day ngươi nghề đánh búa, sau này phò chân chúa làm nên khanh tướng, ngôi cao tột bực ở trong triều.
Cụ già nói xong, cúi đầu cầm phất trần phẩy khẽ ba cái vào đầu Giảo Kim rồi lâm râm niệm chú, tức thì Giảo Kim nghe trong mình khoan khoái và đầu óc tưởng chừng như sáng suốt ra. Đoạn, cụ cầm búa múa tít như mây vần gió cuốn, một lúc dạo sáu mươi tư bài. Giảo Kim nhìn đến đâu nhập tâm đến đấy ngay. Dạy xong cụ già nói:
- Ta dạy thế đủ rồi. Khải thổ tinh quan khế nhớ để mai đây giúp chân chúa dẹp yên thiên hạ. Dứt lời vút lên mây biến mất. Giảo Kim vỗ tay reo:
- A, giỏi quá!
Tức thì mở mắt, té ra một giấc nam kha. Kim vui sướng nghĩ:
- Tiên ông xuống trần dạy ta võ nghệ. Phải luyện lại ngay kẻo rồi quên hết. Nhưng hiềm nỗi không có ngựa. Ngồi trên yên mà múa mới hay.
Bèn nhìn quanh quẩn, chợt reo to:
- A có ngựa rồi, ta dùng tấm ván kia làm ngựa, cỡi lên nó mà mua cũng được chứ sao.
Nghĩ, làm luôn: Kim lấy một sợi thừng buộc vào đầu tấm ván, lại quàng vào cổ giả làm cương, cỡi lên tấm ván, hai tay hai búa chạy quanh nhà mà múa. Sẵn gian buồng đó làm bằng ván hết, nên đang đêm tiếng ngựa gỗ phi làm vang động cả nhà. Tuấn Đạt đang ngủ chập chờn, nghe tiếng động vội vàng trở dậy tìm đến chỗ động xem sao, trông thấy Giảo Kim đang cỡi ván huy động đôi búa nặng như mưa đổ tuyết rơi, thì vui mừng quá buột miệng kêu to:
- Tuyệt lắm! Tuyệt lắm! Võ nghệ đến thế thì vô địch.
Kim đang dồn hết tinh thần để ôn lại võ của tiên, bất ngờ nghe tiếng phàm nhân, Kim giật mình quên lú mất, chỉ còn nhớ 3sáu bài thôi.
Nhờ bóng trăng Tuấn Đạt nhận rõ từ đầu cảm phục mà rằng:
- Võ nghệ như thế mà ban ngày giấu giếm nhau, tệ thế!
Giảo Kim cười ha hả:
- Trong lúc mới gặp nhau, cha lẽ ta thi thố hết tài năng mang tiếng là khoe khoang. Có lẽ đâu ta đây tướng mạo hảo hán đến thế này mà dốt đặc không biết vài mươi miếng búa hay sao, ta nghe nói, người anh hung thì bao giờ cũng phải nhún nhường.
Đạt kính phục nói:
- Còn những bài sau, xin cho tiểu đệ xem nốt.
Thực tình thì Giảo Kim quên lú mất rồi, bèn nói lảng:
- Muốn xem hết tài ta phải kiếm cho ta con ngựa tốt, võ của ta là lối võ của danh tướng mặc giáp trụ, lên yên múa búa phá thành, chém giặc chứ phải đâu võ nghệ tầm thường như mấy anh đại hán bán thuốc cao ngoài chợ.
Đạt lại càng kính phục, sai mã nô dắt một chiếc ngựa ra. Con ngựa hý vang lên, co chân đập tung mặt đất. Kim chú ý nhìn quả là loài chiến mã, dài hơn một trượng, bốn chân thon nhỏ đen như mực, lông xoáy trắng như hoa mai. Tuấn mã thấy Giảo Kim vỗ vào đầu càng hí như mừng chủ cũ. Kim mừng nói:
- Hãy cho nó vào chuồng, chờ canh năm ta sẽ thử xem ngựa có tốt thực không.
Gia nhân được lệnh dọn đồ nhắm. Tới khi trời sáng rõ, Kim chếnh choáng gọi mã nô lại dắt ngựa ra. Kim nhảy phắt lên yên. Tuấn mã hí vang ba tiếng, sải dài chân phi như gió lướt là là trên mặt đất. Kim mặc cho ngựa chạy bay theo con đường thẳng, cúi rạp xuống ôm bờm ngựa mà cười ha hả. Chạy chừng vài ba mươi dặm đến một trái núi, thấy một con thỏ ra vờn trước ngựa rồi lại lao minh chạy. Giảo Kim thúc ngựa đuổi theo. Thỏ chạy vào một khe sâu biến mất. Con ngựa tự nhiên dừng lại, hí to ba tiếng như sấm động suýt lật Giảo Kim nhào xuống. Thấy lạ, Kim nhảy xuống đất, bước tới cửa hang cho tay vào, sờ thấy một cái bọc bằng gấm vàng, giở ra thấy chiếc mũ bằng thép giát vàng lóng lánh, một cái áo giáp sắt vẩy hoa xanh. Giảo Kim biết là trời cho, bèn đội mũ mặc giáp, tự ngắm lấy làm thú vị lại nhảy lên yên.
Tuấn mã không chờ giật dây cương lại sải chân phi vun vút về trang viện.