Số lần đọc/download: 2689 / 107
Cập nhật: 2019-05-14 10:20:44 +0700
Chương 7
C
ó một quan niệm đôi khi có thể khiến người ta sợ hôn nhân, đó là người ta sợ rằng, sau này con cái sẽ đối xử tệ bạc với mình như mình đã đối xử tệ bạc với cha mẹ. Con nghĩ quan niệm đó không có ảnh hưởng gì lắm tới mình, bởi vì ý thức tội lỗi của con có nguyên do từ bố, và nó cũng thuộc loại đặc biệt, có một không hai. Vâng, cảm giác về điều có một không hai này làm nên bản chất đau khổ của sự việc, khó hình dung là điều đó lại có thể lặp lại. Mặc dù vậy con vẫn phải nói rằng, có lẽ con cũng sẽ không thể chịu đựng được một đứa con lầm lì, tối tăm, khô héo, ủ dột như thế; nếu không còn cách nào khác, có lẽ con cũng sẽ chạy trốn khỏi nó, như bố đã từng muốn bỏ nhà đi vì đám cưới của con. Và có lẽ điều này cũng ảnh hưởng phần nào tới sự bất lực với hôn nhân của con.
Nhưng quan trọng hơn nhiều vẫn là nỗi sợ cho bản thân mình. Có thể hiểu thế này: Như con đã nói trước đó, trong việc viết cũng như tất cả những việc khác liên quan, con đã có một số thử nghiêm tự lập, thử nghiệm chạy trốn với một số thành công nhỏ xíu nhất định, mà hôn nhân sẽ khiến con không thể tiếp tục viết, có nhiều bằng chứng xác nhận điều đó. Mặc dù vậy, viết là bổn phận, hay còn hơn thế, toàn bộ cuộc sống của con nằm ở việc canh giữ nó, không để cho mối nguy nào mà con không thể chống đỡ tiếp cận nó, phải, không cho phép mối nguy ấy có cơ hội xuất hiện. Hôn nhân chính là cơ hội cho một mối nguy như vậy, tuy nhiên, hôn nhân cũng có thể là cơ hội cho sự thúc đẩy lớn nhất. Có điều, chỉ cần nghĩ tới nó có thể là một mối nguy thôi, với con thế là đã đủ. Con sẽ phải bắt đầu như thế nào đây, nếu đó thực sự là một mối nguy! Con biết phải sống tiếp trong hôn nhân như thế nào đây, nếu con có cảm giác về một mối nguy như thế, cảm giác không thể chứng minh nhưng lại không thể bác bỏ! Dĩ nhiên cảm giác đó có thể lung lay, nhưng rốt cuộc con vẫn phải thoát ra, con phải chấp nhận sống không có hôn nhân. Ví dụ so sánh giữa con chim sẻ trên tay và con bồ câu trên mái khó có thể áp dụng ở đây. Trên tay con không có gì hết, còn trên mái thì có tất cả, nhưng con vẫn phải chọn cái không có gì hết - dựa trên tương quan của cuộc đấu và sự nguy khốn của cuộc sống. Điều này cũng tương tự như khi con lựa chọn nghề nghiệp vậy.
Nhưng cản trở lớn nhất cho hôn nhân chính là niềm xác tín sắt đá rằng, để giữ một gia đình, chưa nói đến việc là trụ cột, người ta nhất thiết phải có những tính cách tương tự như con đã nhận thấy ở bố, nghĩa là tất cả, tính tốt lẫn tính xấu, như chúng hòa quyện với nhau về mặt sinh học trong bố, bao gồm: sức mạnh và khả năng đè nén người khác, sức khỏe và một chút bạo lực nhất định, giỏi ăn nói và phét lác, tự tin và không hài lòng với bất kì ai, có tầm nhìn xa và lối ứng xử bạo chúa, hiểu người khác và nghi ngờ hầu hết mọi người; ngoài ra còn cần cả những phẩm chất tuyệt đối khác như chăm chỉ, dẻo dai, thực tế, không sợ hãi. Nhìn chung con không có gì, hoặc chỉ có rất ít từ những tính cách đó, vậy mà con dám kết hôn sao? Trong khi chẳng phải con đã thấy, chính bố cũng phải vật lộn khó nhọc thế nào và thậm chí vẫn thất bại với con cái đó sao? Tất nhiên, con không đặt thẳng câu hỏi này ra với chính mình và cũng không trả lời thẳng vào nó, nếu không tư duy lành mạnh sẽ tác động vào sự việc và chỉ ra cho con những người đàn ông khác khác hẳn với bố (ở đây chỉ xin nêu ra một người trong họ hàng khác hẳn bố: chú Richard), nhưng họ vẫn lấy vợ và dù thế nào thì họ cũng không bị sụp đổ vì hôn nhân. Điều này rất đáng kể, và hẳn là sẽ làm con thấy thỏa mãn. Nhưng con không hề đặt câu hỏi này, mà đã trải nghiệm nó từ bé. Con luôn tự vấn mình, không phải đến lúc muốn kết hôn mới tự vấn, mà đã luôn tự vấn trước mỗi chuyện nhỏ nhặt. Đối với mỗi chuyện nhỏ nhặt, bố luôn chứng minh cho con - bằng tấm gương của bố và bằng sự giáo dục của bố, như con đã miêu tả - rằng con là đứa bất lực thế nào. Mà điều này lại luôn đúng, bố đã luôn có lí. Đối với những chuyện nhỏ nó đã luôn đúng thế rồi, vậy hẳn nó cũng phải vô cùng đúng đối với chuyện lớn nhất: hôn nhân. Tới lúc muốn kết hôn, con đã lớn lên đại loại như một nhà buôn có đủ những tính lo âu lẫn dự cảm tăm tối, nhưng lại không biết gì về kế toán. Nhà buôn ấy có vài lần lãi nhỏ, và vì những lần như thế chỉ hiếm khi xảy ra, y cứ ve vuốt và phóng đại chúng mãi trong tưởng tượng, còn thường thì ngày nào y cũng lỗ. Tất cả đều được ghi chép lại, nhưng không bao giờ quyết toán. Giờ là lúc buộc phải quyết toán, nghĩa là dự định kết hôn. Và bây giờ, trên tổng số lớn này, việc tính toán chỉ cho ra một số lỗ khổng lồ duy nhất, như thể y chưa từng bao giờ có một lần lãi dù là nhỏ nhất. Vậy mà y muốn kết hôn ư? Không sợ bị phát điên hay sao?
Cuộc sống của con với bố từ trước đến nay là thế đó, và nó sẽ mang theo những viễn cảnh như vậy tới tương lai.
Nếu bố đã thấy rõ toàn bộ những lý giải của con về việc tại sao con sợ bố, có thể bố sẽ trả lời con như sau: “Anh cho rằng tôi đã coi nhẹ việc này, bằng cách đơn giản đổ lỗi cho anh trong quan hệ bố con hay sao? Nhưng tôi tin rằng, mặc dù bề ngoài anh có làm ra vẻ cố gắng, nhưng thực ra anh cũng không hề coi trọng nó hơn tôi, mà chỉ tìm cách nói sao có lợi cho mình. Đầu tiên, anh phủ nhận tất cả lỗi và trách nhiệm của anh, về phương pháp thì hai ta đều giống nhau. Nhưng trong khi tôi nói thẳng, nói đúng như tôi nghĩ, rằng tất cả là lỗi của anh, của riêng anh, thì anh lại muốn tỏ ra “cao đạo” và “tình cảm” bằng cách gỡ bỏ mọi tội lỗi cho tôi. Tất nhiên, về điểm này anh có vẻ đã thành công (anh cũng đâu có muốn nhiều hơn), và mặc dù bóng gió đủ kiểu, nào là “bản thể”, nào là “tự nhiên”, nào là “đối nghịch”, nào là “vô phương cứu chữa” v.v..., thực ra rốt cuộc, tôi vẫn là kẻ tấn công, trong khi tất cả những gì anh làm đều chỉ là tự vệ. Giờ thì bằng sự trí trá, anh đã đạt được đủ rồi, bởi vì anh đã chứng minh được ba điều: Thứ nhất là anh vô tội, thứ hai là tôi có lỗi, và thứ ba - bằng sự vĩ đại của anh - anh không chỉ sẵn sàng tha thứ cho tôi, mà ít nhiều anh còn muốn chứng minh, hay thậm chí muốn tin rằng tôi cũng vô tội - cho dù sự thật không phải như vậy. Lẽ ra đến đây anh đã phải thấy thỏa mãn rồi, nhưng chưa. Anh tự nhét vào đầu anh ý tưởng rằng, anh hoàn toàn không hề muốn sống dựa vào tôi. Tôi thừa nhận là chúng ta đấu với nhau, nhưng có hai kiểu đấu. Kiểu đấu quí tộc, là kiểu đấu mà trong đó các đối thủ độc lập đọ sức với nhau, ai ở phe người đó, thua hay thắng đều tự chịu. Và kiểu đấu của bọ, không chỉ chích, mà còn hút máu đối thủ để sinh tồn. Đó là kiểu của bọn lính nhà nghề, và anh thuộc loại đó. Anh là kẻ bất lực trong cuộc sống. Nhưng để được sống thoải mái, vô lo mà không phải tự dằn vặt, anh bèn chứng minh rằng tôi đã lấy đi tất cả năng lực của anh và bỏ vào túi tôi. Nhưng anh bận tâm gì chuyện anh bất lực cơ chứ? Tôi mới là người gánh vác trách nhiệm, còn anh thì cứ việc nằm dài lưng ra và để tôi tha đi trong cuộc đời, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ví dụ: Khi anh muốn lấy vợ, đấy là do anh muốn, chính anh cũng thừa nhận như vậy trong bức thư này, nhưng đồng thời anh lại không muốn lấy vợ, nhưng chỉ vì anh không muốn nhọc thân, nên anh muốn tôi giúp anh để anh không-lấy vợ, bằng cách tôi cấm anh cưới, vì đám cưới sẽ gây “ô nhục” cho thanh danh của tôi. Có điều tôi đã không hề nhận ra mục đích của anh. Thứ nhất, trong chuyện này, cũng như trong mọi chuyện khác, tôi chưa bao giờ muốn “ngăn cản hạnh phúc” của anh, và thứ hai, tôi không bao giờ muốn nghe một lời trách móc như vậy từ đứa con của mình. Liệu khi tôi “biết vượt lên chính mình”, tôi cho anh tự do cưới vợ, thì điều đó có giúp ích gì cho anh không? Chẳng giúp ích gì hết. Việc tôi phản đối đám cưới đã không hề ngăn cản anh, ngược lại, việc này tự nó còn có thể kích thích anh, khiến anh quyết tâm cưới bằng được con bé đó, bởi vì khi đó, cái gọi là “thử nghiệm trốn chạy” của anh, như cách anh nói, sẽ còn trở nên hoàn hảo hơn nữa. Và nếu tôi cho phép anh cưới vợ, thì nó cũng chẳng thay đổi được những điều anh trách tôi, bởi vì anh đã chẳng chứng minh rằng, đằng nào tôi cũng có lỗi trong việc anh không-lấy vợ đó sao? Có điều ở đây, cũng như ở mọi trường hợp khác, anh đã chẳng chứng minh được gì hết, ngoại trừ việc chứng minh rằng, tất cả những điều tôi trách cứ anh đều xác đáng, và trong đó còn thiếu một điều đặc biệt xác đáng nữa, đó là: Anh là một thằng trí trá, một thằng xun xoe, một thằng hút máu người. Mà nếu tôi không lầm, anh còn đang muốn hút máu tôi bằng chính bức thư này nữa.” [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Con xin trả lời rằng, toàn bộ phác thảo này, trong đó có phần đề cập đến bố, không phải là phác thảo của bố, mà trước hết là phác thảo của con. Ngoài ra, sự nghi-ngờ-người-khác của bố chưa bao giờ lớn hơn sự nghi-ngờ-chính-mình của con, vốn là kết quả giáo dục của bố. Con không phủ nhận rằng, trong phác thảo này có những điểm xác đáng nhất định, tự nó góp phần mang lại điều mới mẻ trong việc nhận diện bản chất mối quan hệ giữa hai chúng ta. Tất nhiên, những điều xảy ra trên thực tế không thể trùng khớp hoàn toàn với những bằng chứng đưa ra trong phác thảo, cuộc đời vốn rộng hơn trò chơi ghép hình. Nhưng theo con, việc đối chiếu bản phác thảo với thực tế, một việc mà con không thể và cũng không muốn thực hiện chi tiết, vẫn có thể đưa chúng ta đến rất gần sự thật, giúp bố và con có thể được an ủi phần nào, để chúng ta có thể sống và chết nhẹ nhàng hơn.
CON FRANZ