In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Những Chuyện Tình Báo…
hiệm vụ phụ:
Ngoài những nhiệm vụ chính mà tôi phải đem hết nghị lực, khả năng để phải thực hiện bằng được, trong quá trình sống và di chuyển ở Hà Nội, tôi phải để ý tới những hiện tượng dưới con mắt nghiệp vụ những số nhà sau đây:
- Số 6 phố Cầu Gỗ.
- Số 1 phố Đường Thành.
- Số 27 phố hàng Đường
Theo nguồn tin tình báo, ba nơi này thường xuyên đào tạo, huấn luyện gián điệp rồi tung vào miền Nam hoạt động. Tình báo miền Nam đã bắt được hai vụ nổi tiếng, và Cục đã cho tôi biết chi tiết để rút ra nhiều kinh nghiệm như một bài học. Dưới đây là hai vụ điển hình. Tất nhiên còn nhiều vụ khác nữa:
1. Khoảng 1957, do nhân dân bí mật tố cáo, tình báo miền Nam đã bố trí bắt được một nhân vật có hạng về tình báo của miền Bắc. Khi đem về khai thác, điều tra. Sau hơn một năm trời, dùng mọi khả năng của những nhà chuyên môn, ta cũng đành chịu khuất phục trước sự kiên trì, lì lợm của y.
Nếu ở trong tay công an dưới chính quyền miền Bắc, nhận tội hay không, tội nhân cũng cứ bị tù cho tới khi nào cơ thể không chịu được nổi, hoặc cho tới già, rồi về với ông vải, thì thôi.
Nhưng chính quyền miền Nam, nếu thiếu chứng cớ cụ thể, chỉ giam tội nhân tới một mức quy định, rồi cũng phải thả ra. (Cụ thể như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình v.v…)
Anh ta, trước sau chỉ một mực chối lá vô tội. Ta đã dùng nhiều biện pháp tinh vi hơn như: Khổ nhục, tra tấn, dụ dỗ, khích lệ v.v… cũng đều vô hiệu. Việc này đã làm điên đầu những người có trách nhiệm của Cục tình báo miền Nam.
Sau nhiều phiên họp gay cấn, chính ông Cục Trưởng đã đưa ra một kế hoạch, và ông xin chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch đó.
Vào một buổi cuối Đông, bầu trời Huế xám xịt, những cơn gió mùa Đông Bắc về muộn mang theo những trận mưa rả rích, nhạt nhòa … Từ cổng nhà lao Thừa Thiên, hai chiếc xe Dodge 4 phủ mui kín mít, lao về quốc lộ 1 hướng về Nam, chuyển tù vào Sài Gòn.
Xe trước, băng sau chở 4 phạm nhân bị khóa tay, trong đó có tên Cộng Sản lì lợm nói trên, và hai người mặc quân phục có vũ trang áp tải. Băng trên, ngoài tài xế, còn có một trung úy và một hạ sĩ. Ông hạ sĩ này chính là ông Cục Trưởng mà tên Cộng Sản đó chẳng lạ gì.
Xe sau, chở một thiếu úy và nửa tiểu đội, tất cả đều mặc quân phục và có vũ trang. Hai chiếc xe theo nhau chạy mãi vào đêm tối. Hơn 4 tiếng đồng hồ sau, lúc đó khoảng 11 giờ khuya, giữa quãng đường dài vắng vẻ, hai bên là triền rừng; bất chợt hai loạt trung liên nổ ròn rã phía trước xe. Đạn réo lên ngay phía trên mui. Ngay lúc đó, tài xế và mọi người đều đã nhìn rõ một chướng ngại vật là một thân cây to nằm chặn ngang đường. Biết là đã lọt vào ổ phục kích, các quân nhân trên hai xe vội vàng nhẩy xuống đường, tìm địa thế cấp thời để chống trả.
Nhưng, tất cả đã nằm gọn trong vòng vây, với đầy mũi súng tua tủa của đoàn quân phục kích. Chỉ sau 10 phút, tất cả quân nhân trên hai xe đều bị tước hết vũ khí, bị trói gô và bắt ngồi tập trung vào một chỗ. Một người, có lẽ là chỉ huy đoàn quân phục kích, ra lệnh lục soát trên hai xe, tịch thu một số đồ cần thiết, trong đó có cả giấy tờ, hồ sơ, v.v…
Riêng 4 phạm nhân, tay vẫn bị khóa, bị dẫn xuống bắt ngồi cùng với đám quân nhân, sau khi biết họ đều là tù hình sự can tội an cướp hoặc giết người.
Người chỉ huy đoàn quân phục kích nhìn những quân nhân đang bị trói, dõng dạc tuyên bố:
- Các anh là ngụy quân, lầm đường lạc lối, làm tay sai cho đế quốc Mỹ bắn lại nhân dân, làm hại đồng bào, lẽ ra chúng tôi bắn bỏ hết. Nhưng, theo chính sách khoan hồng của đảng (lúc đó chưa có Mặt Trận Giải Phong Miền Nam), chúng tôi sẽ tha hết, kể cả 4 phạm nhân hình sự. Các anh hãy trở về cải tà quy chính. Riêng hai tên sĩ quan, vì đã có nhiều nợ máu với nhân dân, chúng tôi phải mang vào bưng xử lý.
Rồi người đó ra lệnh cởi trói cho hết các quân nhân, còn bắt đưa chìa khóa mở còng cho 4 người tù. Giữa lúc đó, tên tù Cộng Sản lì lợm, đứng bật dậy, rút ở trong ve áo ra một miếng vải đỏ hình vuông mỗi bề 4 phân, ở giữa có hai ngôi sao vàng nằm trên sọc trắng. Y đưa cho tên chỉ huy đoàn quân phục kích xem và nói:
- Các đồng chí, tôi là Trưởng K 10 nội thành Sài Gòn, thuộc cục R. Hôm nay, vô tình các đồng chí đã lập được một kỳ công vô cùng to lớn. Các đồng chí hãy trói ngay tên hạ sĩ kia, nó chính là tên Cục Trưởng Trung Ương tình báo của Sài Gòn.
Cả đoàn quân phục kích sáng mắt hân hoan. Bốn, năm mũi súng đều chĩa vào ông hạ sĩ và trói nghiến lại.
Thay vì đưa vào bưng, người chỉ huy mặc áo bà ba đen ra lệnh tất cả lên xe trở về miền … sông Hương, núi Ngự.
2. Sự việc xẩy ra vào năm 1959 ở ngôi nhà, hình như mang số 126 hay 128 (tôi không nhớ rõ), đường Phan Đình Phùng Sài Gòn.
Ngôi nhà này có cửa sắt, tuy ở mặt phố nhưng không bao giờ thấy mở, trừ đôi lúc có người ra vào. Chủ ngôi nhà là một quả phụ, gần 60 tuổi. Trước đây, bà có một người em trai ở cùng. Ông này học hành đã thành đạt, nên hiện đang làm việc trong Phủ Tồng Thống. Người ta chẳng biết ông làm gì, chỉ nghe đồn ông rất có uy thế, thường gần gũi với ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Có thể do đòi hỏi của công việc, hoặc vì lý do nào khác, ông đã được cấp một căn biệt thự ở đường Công Lý, gần dinh Độc Lập, để đi vể được thuận tiện. Và vì vậy, ngôi nhà ở Phan Đình Phùng càng vắng vẻ đìu hiu. Ngoài bà Hân là chủ nhà, trong nhà chỉ còn một bà giúp việc cũng họ gần xa với gia đình bà Hân.
Những người mới đến ở dãy phố này không biết chồng con bà ra sao, chứ những người đã ở lâu gần đó đều hiểu hoàn cảnh gia đình bà. Bà Hân rất hiền lành phúc hậu, bà thường hay đi chùa đền để niệm phật ăn chay và làm việc phúc đức. Theo câu chuyện bà kể lại với những người quen biết, vợ chồng bà đều là con những gia đình giàu có thế phiệt trước đây ở Huế. Bà hiếm hoi, chỉ sinh được một cậu con trai duy nhất, đúng vào lúc xẩy ra những biến cố lớn lao của đất nước 1945. Khi Việt Minh cướp chính quyền, ông Hân là một thành phần đảng phái, ông đã hiểu rõ sự hiểm độc của Việt Minh nên cương quyết không hợp tác trong Chính Phủ Liên Hợp của cáo Hồ bịp bợm. Ông đã bị chúng bí mật thủ tiêu ngay thời gian ấy. Giữa cảnh hỗn loạn Nhật, Pháp, Anh, Tàu, và Việt Minh thời đó, dân chúng đã phải trôi dạt, đẩy đưa khắp nơi, và bà đã thất lạc đứa con trai yêu quý, niềm an ủi độc nhất của đời bà. Sau đó, theo giòng đời, bà đã trôi dạt về Sài Gòn với người em trai nói trên.
Do của cải trước đây để lại, hiện bà là người giầu có, thừa thãi tiền tài, nhưng lại rất thiếu nghèo tình đầm ấm của gia đình. Bà đã mất biết bao tiền bạc, tâm lực để thăm dò, tìm kiếm người con thất lạc, nhưng đều bặt vô âm tín. Nỗi nhớ thương buồn phiền của bà suốt 14 năm càng ngày càng cô đọng lại, dồn nén dần vào chỗ sâu kín nhất của tâm hồn bà. Nhũng người quen biết bà đều hiểu rõ như thế. Nhưng, Cộng Sản lại đào sâu, nghiên cứu kỹ, nên đã hiểu biết hơn thế nữa. Chúng đã triệt để lợi dụng, khai thác bối cảnh này. Chúng thấy đây là cơ hội để chúng đưa người lọt vào ở sát nách cơ quan đầu não của chính quyền miền Nam.
Chúng đã tìm và tuyển mộ được một thanh niên theo ý chúng muốn. Chúng ra sức đào tạo, huấn luyện, từng động tác, thái độ, lời ăn tiếng nói, kể cả về tình cảm để đóng vai trò người con thất lạc của bà Hân.
Nói về ngôi nhà của bà Hân. Ngôi nhà này thường đóng cửa, cho nên ở phía trước sát vỉa hè, một người đàn bà nghèo trong xóm đã kê một chiếc ghế dài nhỏ và một cái phản gỗ con, trên bày ít kẹo, chuối, nước sôi…bán cho các bác xích lô…ít tiền.
Tên điệp viên là một cậu trai 19- 20 tuổi, khôi ngô, quần áo lam lũ; thuy khoẻ mạnh đầy sức trai, nhưng bộ mặt lúc nào cũng đăm chiêu mang nặng một nỗi niềm. Hàng ngày, sau những cú xe đường dài mệt nhọc, anh thường ghé chiếc xích lô đạp sát lề, uể oải ngồi vào ghế, gọi mua nước trà, nhấm nháp, lúc thì cái kẹo, lúc thì quả chuối…anh tỏ ra rất ít nói. Dần dần, hà hàng quen mặt. Bà cũng để ý và đôi khi nhìn bằng ánh mắt thương hại người còn trẻ, mặt mũi sáng sủa mà đã phải lam lũ cuộc đời! Trước, còn là những câu hỏi bâng quơ:”Hôm nay chạy khách có khá không?”, “Trời này, lại sắp mưa!”, “Sao hôm nay cậu đến muộn?” v.v… Cậu trai càng tỏ ra rất ít nói. Mặt lúc nào cũng buồn như che dấu một tâm sự riêng tư. Khi đã có thiện cảm với một cậu bé nghèo, cái tính tất nhiên của người đàn bà là sẽ dần dà thăm hỏi đến gia đình, thân thế, bố mẹ ra sao? v.v…
Lúc đầu, cậu tỏ ra không muốn nói về cuộc đời bất hạnh hẩm hiu của mình, sau thấy bà già nghèo tử tế nên dần dần kể sự tình…
Cậu chẳng biết bố mẹ là ai cả. Ngay từ lúc 4- 5 tuổi đã đi làm con nuôi cho người ta. 9- 10 tuổi phải đi ở, hầu hạ nhiều người. Rồi phiêu bạt đi làm đồn điền cao su đầy gian chuân, cực khổ. Cuối cùng, trôi dạt về Sài Gòn thân cô, thế cô, phải đi đạp xích lô mưu sinh.
Bà bán nước, đã biết về câu chuyện của bà chủ nhà, nên cũng hơi nghi, vì vậy hỏi tới:
- Thế cậu có nhớ ngày xưa bố mẹ cậu như thế nào không?
Cậu trả lời, mường tượng, lúc nhỏ sung sướng, được mặc quần áo đẹp, được ngồi xe với bố có người kéo…Bà bán nước càng hỏi tiếp, hình như chạnh nỗi niềm đau buồn, cậu không muốn trả lời nữa, và trả tiền, đứng dậy đi.
Bà bán nước tưởng tượng, càng suy nghĩ, biết đâu đây chả là chuyện cơ trời, nên chiều đó, sau khi gửi phản, ghế, bà nói với người giúp việc muốn gặp bà Hân.
Khi gặp bà chủ nhà, bà bán nước thuật lại câu chuyện về người đạp xích lô trẻ tuổi. Đến đây ai cũng hiểu. Có bệnh thì vái tứ phương. Khi nỗi lòng của bà Hân như vậy, hỏi sao lòng bà chả xốn xang, bồi hồi, mong sớm gặp người xích lô đó để hỏi rõ đầu đuôi. Vì thế bà Hân vồn vã dặn:
- Khi nào cậu ấy đến, bà dẫn vào đây ngay cho tôi hỏi chuyện.
Ngày hôm sau, và cả mấy ngày sau nữa; bẵng đi bốn năm ngày không thấy cậu xích lô đó lại, khiến bà hàng nước lẫn bà Hân càng nôn nóng, bồn chồn mong đợi.
Mãi tới hơn một tuần sau; vào một buổi chiều mưa giăng ẩm ướt, cậu xích lô ướt át ghé lại bà hàng nước. Bà hàng tíu tít hỏi:
- Sao mấy bữa nay cậu không ghé đến?
Sau khi rót ly nước trà để đó, bà hàng vội vàng bấm chuông vào nhà bà Hân. Chừng 5 phút sau, bà hàng nước hơ hải ra bảo:
- Này cậu, mời cậu vào đây chơi một tí đã!
Y tỏ vẻ không muốn vào, nên lắc đầu. Bà hàng nước lại vồn vã như níu kéo:
- Cậu vào đây một chút thôi mà, đàng nào trời cũng đang mưa, cho bả chủ ở đây hỏi thăm cậu một câu chuyện.
Rồi đến lúc bà hàng nước phải cầm tay lối kéo, y mới miễn cưỡng đi theo. Ngay khi bà Hân thấy người xích lô bước vào nhà, ánh mắt của bà hình như đã tràn đầy tình thương yêu, mặc dù bà chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ người con trai ấy là con bà. Lòng bà bồi hồi xốn xang, đến nỗi bà quên cả mời người xích lô đó ngồi. Khi bà mời, cậu xích lô ấy dè dặt ngồi xuống chiếc ghế gụ cạnh bàn, đầu cuối gầm. Bà hàng xóm cũng thấy lòng không yên, bỏ cả quán nước để mong được chứng kiến cái giây phút hồi hộp rấp ranh này. Mãi sau, như dằn được lòng xốn xang, bà Hân mới hỏi với một giọng còn xúc động:
- Cậu bây giờ có họ hàng thân thích gì không?
Y lắc đầu mà không nói.
- Cậu có nhớ ngày xưa, gia đình cậu như thế nào không?
Y vẫn đăm chiêu im lặng. Bà lại hỏi, trong niềm nghẹn ngào dâng trào:
- Có phải cậu nhớ, lúc nhỏ cậu đi xe với bố có người kéo phải không?
Y gật đầu. Bà Hân nôn nóng, tiếp tục hỏi:
- Cậu cố nhớ lại xem, lúc nhỏ cậu hay chơi gì, làm gì?
Y nhìn ra phía cửa sổ, mắt như dõi về một phía trời xa, về những quãng đời ấu thơ. Tới khi bà Hân nhắc lại câu hỏi, y mới chậm rãi:
- Cháu chẳng nhớ gì rõ lắm….Cháu chỉ nhớ láng máng lúc nhỏ, cháu được bố mua cho con cù, con cù có cái đinh rất dài…..
Bà Hân mắt sáng lên long lanh, hỏi như hết hơi:
- Gì nữa?
- Cháu có một quyển sách, có hình con rùa, bố cháu dạy cháu tô theo bằng bút chì màu đỏ.
- Còn gì nữa không cháu?
Y càng cúi gằm, trong khi không khí căn buồng như rên lên, căng đầy xúc động đợi chờ, cuối cùng y giơ ra ngón tay cái trái, chỉ vào một cái sẹo nhỏ, ngập ngường nói:
- Một lần ở bếp với mẹ, cháu nghịch dao, đứt tay chảy máu. Mẹ đã khóc.
Không kìm được nữa, bà Hân xô đến, ôm chầm lấy cậu xích lô, nước mắt chan hòa, nức nở:
- Ôi, con ơi!
Y cũng khóc, cả bà bán nước người ngoài cũng nước mắt vòng quanh. Hình như bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ của tình mẫu tử thiêng liêng bây giờ cuồn cuộn chảy ra theo giòng nước mắt, bà hổn hền tưởng như xỉu đi, dù vậy bà vẫn cố gắng lôi tay đứa con yêu:
Con ơi! Con cù và quyển sách của con má vẫn giữ, vì đó là di vật duy nhất của con, má vẫn để ở ngăn tủ đầu giường má.
Bà vừa nói vừa kéo người con trai lên gác. Bà rối rít hết sờ mặt, xoa tay, lại vuốt lưng cậu xích lô thân yêu, trong khi bà bán nước cũng lây nỗi vui mừng, cứ chạy lăng xăng hết đầu này, đầu kia chẳng biết làm gì cả.
Ngay chiều hôm ấy, bà Hân báo tin gọi người em trai về. Thôi thì cậu cháu, mẹ con hàn huyên nỗi niềm máu mủ ruột thịt, của buổi trùng phùng nước mắt đầy vơi.
Thương bà chị cả cuộc đời cô đơn heo hút, ông cậu nhìn thằng cháu khoẻ mạnh, khôi ngô, ông hứa sẽ đem hết khả năng dạy dỗ, nâng đỡ đứa cháu yêu đến khi thành đạt. Ông bàn, nào là đón giáo sư về kèm cặp, nào là tập lái xe để chở mẹ đi chùa,v…v…Ngôi nhà giờ đây tràn ứ đầy sự sống, sự ấm cúng và niềm vui tươi.
Riêng tên điệp viên, ngay khi vào Sài Gòn đã được cấp trên y chỉ định phải thường xuyên liên lạc, cặp bồ với cô Ngân làm chiêu đãi viên cho một quán cà phê ở ngã Bảy, để dự phòng, nếu sau này bà Hân và ông cậu bắt lấy vợ thì phải cương quyết đòi lấy cho bằng được cô Ngân. Dĩ nhiên, cô Ngân cũng trong mạng lưới hoạt động của Cộng Sản ở Sài Gòn.
Đến đây, mọi việc tường êm xuôi trôi lọt như ý Việt cộng mong muốn, nhưng không, trái lại đã bắt đầu trục trặc. Nguyên nhân cũng chỉ vì diễn viên đã không khéo đóng trọn vai trò.
Bà Hân tin tên xích lô là con nên tình bà vẫn thắm thiết thương yêu. Ngược lại, y biết y không phải con bà. Mẹ y hiện đang ở ngoài Bắc. Lúc đầu, vì cố gắng nổ lực để công tác thành công, nên y đã xuất thần thủ đúng vai trò. Sau một thời gian, những biểu lộ thương yêu với người mẹ giả trở nên cứng ngắc, không có hồn. Nỗi buồn của bà càng ngày càng khoét sâu, càng lớn. Bà thổ lộ với người thân quen và tất yếu, cả với em trai.
- Tôi không hiểu sao, tôi thương yêu nó như trời biển, nhưng hình như có cái gì ngăn cách, tôi chỉ cảm thấy sự tẻ nhạt, gắng gượng ở bên trong của nó.
Sự phàn nàn, ca thán của bà dần dần đến tai những nhân vật phản gián. Một sự việc không bình thường! Tình mẹ con ruột thịt là sự thiêng liêng, phải có những chiếc dây vô hình gắn bó. Thấy một sự không bình thường thì phải đặt vấn đề. Mà nguyên tắc tình báo cũng như công an, nếu đã đặt vấn đề thì phải tìm mọi cách để biết rõ hư thực của vấn đề đó, cho nên, họ đã dùng chính ông cậu trong nhà làm tấm bình phong để bí mật theo dõi và phanh phui sự việc.
Gần một năm sau, trọn ổ gián điệp vùng đó đều bị sa lưới.
Trở lại nhiệm vụ phụ:
Dale và Brown mang đến hai chiếc máy bay MIG –15 và MIG- 19 dài chừng 20 phân, nhưng thật tinh vi, sắc sảo như máy bay thật, thu nhỏ; với đầy đủ cả động cơ, phù hiệu, cờ quạt…..Hai ông đã giảng cho tôi rõ ràng tính năng từng loại; để suốt quá trình thời gian tôi ở miền Bắc, nếu thấy loại máy bay đó trên bầu trời, về báo lại.
Ngoài hai máy bay MIG, hai ông còn đưa tôi xem hai cuốn sách có hình mầu: lon, phù hiệu các binh chủng, từ lính cho tới nguyên soái; cả y phục mùa Đông cũng như mùa Hè của quân đội Trung Cộng và Bắc Triều Tiên.
Ngoài ra, trong thời gian ở Hà Nội, tôi phải quan sát các hiện tượng ngoài đường phố. Theo dõi các báo chí, phát thanh những đơn vị nhỏ tập tành. Tiếp xúc quan hệ với mọi từng lớp người dân, v.v…Để từ đấy đánh giá (nếu ghi được số lượng cụ thể càng tốt) những điều tai nghe mắt thấy, nói chung về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, xã hội…và tư tưởng chung của quần chúng, cán bộ, bộ đội.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen