Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Aldous Huxley
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Brave New World
Dịch giả: Hiếu Tân
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 116
Cập nhật: 2023-07-16 17:10:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
Kỳ cục, kỳ cục, kỳ cục, là lời kết án của Lenina đối với Bernard Marx. Thật ra là quá kỳ cục, đến nỗi trong thời gian hai tuần kế tiếp, cô phải hơn một lần tự hỏi liệu cô có nên thay đổi quyết định về chuyến đi nghỉ New Mexico không, và thay vào đó là đi Bắc Cực với Benito Hoover.
Chuyện rắc rối là cô đã biết Bắc Cực rồi, chỉ mới mùa hè vừa rồi cô cùng đi với George Edzel tới đó và hơn nữa, cảm thấy nó khá buồn chán. Không có việc gì để làm, và các khách sạn thì lạc hậu khủng khiếp, không có tivi trong các phòng ngủ, không có đàn organ-mùi, chỉ có thứ nhạc tổng hợp tệ nhất, không nhiều hơn hai mươi lăm Sân Bóng quần trên Thang cuốn cho hai trăm khách. Không, nhất định cô không thèm đến Bắc Cực thêm lần nữa. Thêm vào đó, trước đây cô mới chỉ đến Mỹ có một lần, mà lại không thỏa! Một kỳ nghỉ cuối tuần rẻ tiền ở New York – không biết hồi đó là với Jean-Jacques Habibullah hay với Bokanovsky Jones nhỉ? Cô không nhớ nổi. Dù sao, chuyện đó đâu có gì quan trọng. Cái viễn cảnh được bay về phía tây lần nữa, mà phải cả một tuần, xem ra thật hấp dẫn. Hơn nữa, ít nhất ba ngày trong tuần ấy phải là ở Khu Bảo tồn Hoang dã. Là một nhà tâm lý Alpha Cộng, Bernard là một trong số rất ít người mà cô biết có quyền đến đó. Đối với Lenina, cơ hội này là có một. Và cái anh chàng Bernard này cũng kỳ quặc có một không hai, đến nỗi cô phải do dự có nên đi không, thậm chí đã nghĩ hay là đành đi Bắc Cực lần nữa với anh già Benito vui tính.
Ít nhất thì Benito cũng còn bình thường. Trong khi Bernard thì…
Fanny thì luôn giải thích bất kỳ sự kỳ quặc nào là: “Có rượu trong máu-giả của hắn”. Nhưng Henry, trong một đêm ngủ với nhau, cô đã lo lắng bàn với anh về người tình mới của cô, Henry đã so sánh Bernard trơ lì như một con tê giác.
“Em không thể dạy cho một con tê giác về những mánh khóe” – anh giải thích một cách ngắn gọn và mạnh mẽ. “Một số đàn ông cứ như những con tê giác, họ không phản ứng thích đáng với điều kiện hóa. Những thằng quỷ tội nghiệp! Bernard là một trong số đó. Phúc cho hắn, hắn khá giỏi nghề. Nếu không Giám đốc đã không bao giờ giữ hắn. Tuy nhiên” – anh nói thêm để an ủi – “anh nghĩ hắn khá vô hại”.
Khá vô hại, có lẽ, nhưng cũng khá bất an. Cái tính gàn ấy, lúc đầu là làm mọi việc một cách kín đáo. Có nghĩa là, thật ra, cóc làm gì hết. Vì có cái gì mà người ta có thể làm kín đáo (trừ khi ngủ với nhau, nhưng việc ấy đâu thể làm suốt ngày được). Ừ, có cái gì? Cực kỳ. Buổi chiều đầu tiên họ đi chơi với nhau là một buổi chiều tuyệt đẹp. Lenina đề nghị đi bơi ở Câu lạc bộ Nông thôn Toquay vào bữa tối ở Oxford Union. Nhưng Bernard cho là chỗ ấy đông người quá. Thế chơi một vòng Golf Điện từ St. Andrew nhé? Nhưng lại không: Bernard cho là chơi Golf Điện từ phí thời gian. “Thế thời gian để làm gì?” – Lenina hỏi hơi ngạc nhiên. À, hình như để đi bộ bên Lake District; vì đó là điều mà lúc này gã đề nghị. Đậu trên nóc nhà Skiddaw, rồi đi bộ một hai giờ trên bãi cỏ. “Chỉ với mình em thôi, Lenina.”
“Nhưng mình sẽ có cả đêm nay ở một mình với nhau mà, anh Bernard.”
Bernard đỏ mặt lên và ngó lơ. “Ý anh là, một mình để nói chuyện” – gã lẩm bẩm.
“Nói chuyện à? Nhưng về cái gì chứ?” Thưởng thức một buổi chiều mà chỉ có đi bộ và nói chuyện thì thật là ngớ ngẩn.
Cuối cùng thì cô thuyết phục được gã, nhưng ngược với ý muốn của gã, bay sang Amsterdam để xem trận Tứ kết giải Vô địch Vật Nữ Hạng nặng.
“Lại đám đông” – gã càu nhàu – “như mọi lần”. Gã cứ âu sầu dai dẳng suốt cả buổi chiều đó, không nói chuyện với các bạn của Lenina (mà họ gặp cả chục người trong quán kem soma giữa các trận đấu vật) và mặc dầu tâm trạng khốn khổ như thế, gã vẫn từ chối nửa gram kem quả mâm xôi mà cô cố ép gã uống. “Tôi muốn là bản thân tôi” – gã nói. “Bản thân tôi và buồn bực khó chịu, chứ không muốn làm ai khác, cho dù có vui đến đâu.”
“Một gram đúng lúc bằng chục gờ-ram” 1 – Lenina nói, đưa ra một câu ngạn ngữ quý báu học được trong lúc ngủ. Bernard nóng nảy đẩy cốc người ta mời ra xa.
“Bình tĩnh nào anh” – cô nói – “Hãy nhớ rằng một centimet-khối trị được mười mối u sầu”.
“Ôi, xin vì Ford, im lặng cho!” – gã kêu lên.
Lenina nhún vai. “Một gram bao giờ cũng tốt hơn một câu nguyền rủa” – cô nghiêm trang kết luận, và uống hết cốc kem quả của mình.
Trên đường về qua eo biển Măng-sơ, gã khăng khăng đòi dừng và cho trực thăng bay tà tà cách mặt sóng khoảng ba chục mét.
Thời tiết đang trở nên xấu đi, gió Tây Nam thổi mạnh, trời đầy mây.
“Nhìn đi” – gã ra lệnh.
“Nhưng kinh quá” – Lenina nói và thụt vào khỏi cửa sổ. Cô kinh hoàng vì cái trống rỗng đột hiện của đêm, vì mặt nước nhấp nhô những đốm bọt đen bên dưới, vì vẻ xanh xao của mặt trăng, trông thật trơ vơ hoang dại giữa những đám mây đang hối hả bay. “Mở ngay radio. Nhanh lên”. Cô với lên nút vặn trên bảng điều khiển và xoay hú họa.
“… Bầu trời xanh bên trong bạn” – mười sáu giọng nam cao run rẩy cất lên – “thời tiết luôn luôn…”
Rồi có sự trục trặc và im lặng. Bernard đã tắt điện.
“Tôi muốn nhìn biển trong yên lặng” – gã nói – “Không thể nhìn gì được trong tiếng ồn ào quái quỷ ấy”.
“Nhưng hay mà. Em không muốn nhìn.”
“Nhưng tôi muốn” – gã khăng khăng. “Nó làm tôi cảm thấy như thể…” – gã ngập ngừng, tìm từ để diễn tả – “như thể tôi là một cái gì đó nhiều hơn là tôi, nếu cô biết tôi muốn nói gì. Nhiều hơn chính tôi, không phải là một bộ phận của một cái gì khác. Không phải chỉ là một tế bào trong cơ thể xã hội. Nó không làm cho cô cảm thấy thế sao, Lenina?”
Nhưng Lenina đang khóc. “Thật khủng khiếp, thật khủng khiếp” – cô nhắc đi nhắc lại. “Và làm sao anh có thể nói như thế về việc không muốn là một bộ phận của cơ thể xã hội? Dù sao, mọi người làm việc vì mọi người khác cơ mà. Chúng ta không thể thiếu bất cứ ai. Ngay cả các Epsilon…”
“Phải, tôi biết” – Bernard nói một cách nhạo báng – “Ngay cả các Epsilon cũng có ích! Cả tôi cũng thế. Và tôi mong đến chết giá tôi không có ích”.
Lenina sững sờ trước lời báng bổ ấy. “Bernard!” – cô phản đối bằng giọng đau khổ kinh hoàng – “Sao anh dám?”
Với một phong thái khác hẳn, gã nhắc lại một cách trầm tư – “Sao tôi dám?”. “Không, vấn đề thật sự là, sao tôi lại không dám, hay đúng hơn – bởi vì, dù sao, tôi hoàn toàn biết rõ rằng tại sao tôi không dám – nó sẽ như thế nào nếu tôi dám, nếu tôi được tự do – không bị nô lệ bởi sự điều kiện hóa của tôi.”
“Nhưng, Bernard ạ, anh đang nói những điều kinh tởm nhất.”
“Cô không muốn cô được tự do à, Lenina?”
“Tôi không hiểu anh muốn nói gì. Tôi tự do. Tự do hưởng những gì tuyệt diệu nhất. Ngày nay tất cả mọi người đều hạnh phúc.”
Gã cười. “Phải. Ngày nay tất cả mọi người đều hạnh phúc. Chúng ta bắt đầu nhồi cho bọn trẻ điều này vào lúc năm tuổi. Nhưng chẳng lẽ cô không muốn được tự do cảm nhận hạnh phúc theo một cách khác ư, Lenina? Chẳng hạn, theo cách riêng của cô; không phải theo cách của mọi người?”
“Tôi không hiểu anh muốn nói gì” – cô nhắc lại. Rồi, quay sang gã. “Ôi, quay về thôi, Bernard” – cô khẩn khoản – “Tôi ghét ở đây”.
“Cô không thích đi với tôi?”
“Tất nhiên là có, Bernard. Cái tôi ghét là cái nơi kinh khủng này.”
“Tôi nghĩ ở đây chúng ta gắn bó với nhau hơn, hơn… ở đây chẳng có gì ngoài biển và trăng. Gắn bó hơn khi ở trong đám đông đó, hay ngay cả trong phòng tôi. Cô không hiểu điều đó à.”
“Tôi không hiểu gì sất” – cô nói quả quyết, nhất định giữ lấy sự ngoan cố không thể hiểu được của mình. “Không gì hết, không chút nào” – cô tiếp tục bằng giọng khác – “tại sao anh không dùng soma khi anh có những ý nghĩ chết người ấy trong anh. Anh đã quên tất cả rồi. Và đáng lẽ phải cảm thấy thật thê thảm, thì anh lại thấy vui. Quá vui”. Cô nhắc lại và mỉm cười, vì tất cả những lo âu khó hiểu trong mắt cô, với những gì có vẻ như một lời tán tỉnh hấp dẫn và khêu gợi.
Gã im lặng nhìn cô chăm chú, mặt gã trông nghiêm trang và lãnh đạm. Sau vài giây mắt Lenina nao núng, cô bật ra tiếng cười nho nhỏ bối rối, cố nghĩ điều gì để nói nhưng nghĩ không ra. Im lặng kéo dài.
Cuối cùng khi Bernard nói, đó là một giọng khe khẽ mệt mỏi. “Thôi được” – gã nói – “chúng ta về” – và đạp mạnh lên bàn đạp tăng tốc, gã cho máy bay vọt thẳng lên trời. Ở độ cao bốn nghìn foot, gã khởi động cánh quạt máy bay. Họ bay trong im lặng trong một hai phút. Rồi, đột nhiên Bernard bật lên cười. Khá kỳ quặc, Lenina nghĩ, nhưng dù sao cũng còn là tiếng cười.
“Thấy khá hơn chưa?” – cô đánh liều hỏi.
Để trả lời, gã nâng một bàn tay lên khỏi bàn điều khiển, vòng cánh tay quanh cô, và bắt đầu mơn trớn ngực cô.
“Ơn Ford” – cô tự nhủ – “Anh ấy ổn lại rồi”.
Nửa giờ sau, họ đã trở lại trong phòng của gã. Bernard nuốt một ngụm liền bốn viên soma, bật radio và tivi, và bắt đầu cởi quần áo.
“Thế nào” – Lenina hỏi với vẻ tinh quái khi họ gặp lại nhau chiều hôm sau trên sân thượng – “anh thấy hôm qua có vui không?”
Bernard gật đầu. Họ leo lên máy bay. Một cú xóc nhẹ, và họ bay lên.
“Mọi người bảo em phổng phao trông gớm quá” – Lenina nghĩ ngợi, tự vỗ đùi mình, nói.
“Gớm quá”. Nhưng trong mắt Bernard có một vẻ đau khổ. “Cứ như miếng thịt ấy” – gã nghĩ.
Cô nhìn lên lo lắng. “Nhưng anh không nghĩ em béo quá đấy chứ?”
Gã lắc đầu. Trông như quá nhiều thịt.
“Anh nghĩ em ổn chứ?” Lại gật. “Về mọi mặt?”
“Tuyệt vời” – gã nói to lên. Và trong thâm tâm: “Cô ta nghĩ cô ta thế đó. Cô ta không phiền là mình trông như miếng thịt”.
Lenina mỉm cười đắc thắng. Nhưng cô ta đã thỏa mãn quá sớm.
“Dù sao” – gã tiếp tục sau một lát ngưng – “anh vẫn muốn tất cả kết thúc một cách khác”.
“Một cách khác? Có kết thúc khác sao?”
“Anh không muốn chúng mình kết thúc bằng cách lên giường với nhau” – gã nói rõ hơn.
Lenina kinh ngạc.
“Không phải là làm ngay. Không phải là ngay ngày đầu tiên.”
“Nhưng thế thì sao?”
Gã bắt đầu nói nhiều điều vô nghĩa không sao hiểu được và nguy hiểm. Lenina trong thâm thâm rất không muốn nghe; nhưng lâu lâu vẫn cứ phải nghe một câu: “Thử cái tác động của việc chặn lại những cơn bốc đồng của tôi”. Cô nghe thấy gã nói. Những lời ấy như chạm phải một chiếc lò xo trong tâm trí cô.
“Vui hôm nay chớ để ngày mai” – cô nói một cách trang trọng.
“Hai trăm lần lặp lại, hai lần mỗi tuần từ mười bốn đến mười sáu tuổi rưỡi” là lời bình của gã. Cuộc trò chuyện điên điên tồi tệ cứ thế dông dài. “Tôi muốn biết đam mê là gì” – cô nghe gã nói – “Tôi muốn cảm một cái gì mãnh liệt”.
“Khi cá nhân say, thì cộng đồng quay” – “Ờ, tại sao nó không quay cuồng một chút nhỉ?”
“Bernard!”
Nhưng Bernard vẫn không nao núng.
“Người lớn về mặt trí tuệ và trong khi làm việc” – gã tiếp tục – “trẻ con trong cảm giác và trong mong muốn”.
“Ford của chúng ta yêu trẻ.”
Phớt lờ việc ngắt lời. “Bỗng có một ngày tôi ngộ ra rằng” – Bernard tiếp tục – “lúc nào cũng có thể làm người lớn”.
“Tôi không hiểu” – Lenina lạnh lùng nói.
“Tôi biết cô không hiểu. Và đó là lý do vì sao chúng ta lên giường với nhau đêm qua – như những đứa con nít – thay vì là người lớn và chờ đợi.”
“Nhưng mà vui” – Lenina khăng khăng – “không phải sao?”
“Ồ, cực vui” – gã trả lời, nhưng với một giọng thê lương, một vẻ buồn khổ sâu xa, đến nỗi Lenina cảm thấy cái đắc thắng của cô bay đi mất. Có lẽ rốt cuộc, anh ta đã thấy là cô quá béo.
“Tớ đã bảo mà” – đó là câu Fanny nói khi Lenina tìm đến cô ta để tâm sự. “Đó là do rượu trong máu-giả của lão đó mà.”
“Dù sao” – Lenina vẫn khăng khăng – “tớ rất thích lão. Lão có đôi bàn tay xinh ghê cơ. Và cái cách lão nhún vai – chà, thật hấp dẫn”. Cô thở dài. “Nhưng ước gì lão đừng hâm như thế.”
2
Dừng một lát trước cửa phòng Giám đốc, Bernard hít một hơi sâu và so vai, căng người chuẩn bị gặp trong phòng kẻ không ưa mình và chắc chắn sẽ phản đối mình. Gã gõ cửa bước vào.
“Đây là Giấy phép xin ông ký tắt” – gã cố nói nhẹ nhàng nhất, và đặt tờ giấy trên bàn viết.
Giám đốc cáu kỉnh liếc nhìn gã. Nhưng con dấu của Phòng Kiểm soát Thế giới và chữ ký của Mustapha Mond, đen và đậm, chạy ngang bên dưới. Mọi việc đúng quy trình một cách tuyệt hảo. Giám đốc không có lựa chọn nào khác. Lão ghi lí nhí hai chữ cái đầu tên họ của lão dưới chân chữ ký của Mustapha Mond, và khi sắp trả lại tờ giấy, không một lời bình luận hay một lời động viên ân cần kiểu Ford, thì tia mắt Giám đốc bỗng chạm phải một câu gì đó ở giữa tờ giấy phép: “Tới Khu Bảo tồn Hoang dã New Mexico?”. Ngước lên nhìn Bernard, giọng lão biểu lộ kinh ngạc đến kích động.
Ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của lão, Bernard gật đầu. Một thoáng im lặng.
Giám đốc ngả người ra lưng ghế, cau mày hỏi: “Bao lâu rồi?” – như tự nói với mình hơn là với Bernard. “Hai mươi năm, tôi nghĩ vậy. Gần hai mươi lăm năm, chắc phải bằng tuổi cậu”. Lão lắc đầu và thở dài.
Bernard cảm thấy vô cùng bối rối. Một con người cực kỳ chuẩn mực, cực kỳ kỹ lưỡng đến như Giám đốc mà lại phạm sai lầm thô thiển đến vậy? Gã muốn giấu mặt đi và chạy ra khỏi phòng. Không phải vì bản thân gã thực mục sở thị cái điều thật sự chướng ở người nói về quá khứ xa xôi; đây là một trong những định kiến được nhồi vào gã trong khi ngủ mà gã đã vứt bỏ hoàn toàn (gã tưởng tượng thế). Điều gã cảm thấy ngượng ngùng là gã biết rằng Giám đốc đã phản đối – phản đối đến mức đã đi làm cái điều bị cấm. Do thôi thúc nội tâm nào? Vì khó chịu nên Bernard càng muốn nghe.
“Tôi có suy nghĩ giống cậu” – lão nói. “Muốn đi ngó cái tình trạng man di mọi rợ, nên đã kiếm giấy phép đi New Mexico và đến đó nghỉ hè. Với cô gái mà tôi vừa có được. Cô ta là Beta Trừ, và tôi nghĩ” – lão lim dim – “tôi nghĩ cô ta có mái tóc vàng hoe. Cô ta khá phổng phao, tôi nhớ là cực kỳ phổng phao. Ờ, chúng tôi đã đến đó, chúng tôi xem những người hoang dã, và chúng tôi cưỡi ngựa chạy loanh quanh, đại loại vậy. Và rồi, gần như đúng ngày nghỉ phép cuối cùng của tôi, thì, ờ, cô ta bị lạc. Chúng tôi đã cưỡi ngựa vào đến vùng núi nổi loạn ấy, trời nóng và ngột ngạt kinh khủng, ăn trưa xong chúng tôi đi ngủ. Hay ít nhất tôi đã ngủ. Chắc lúc ấy cô ta đi dạo, một mình. Dù sao thì lúc tôi tỉnh dậy cô ta không có ở đó nữa. Rồi một cơn dông tố ghê gớm nhất mà tôi từng thấy đổ xuống. Mưa như trút, sấm chớp đùng đùng. Rồi những con ngựa giật đứt dây chạy mất; và trong lúc cố đi bắt chúng, tôi ngã, bị thương ở đầu gối, tập tễnh lết không được. Tôi vẫn cố tìm, tôi kêu gào tìm cô ta. Nhưng không có một dấu vết gì của cô ta cả. Rồi tôi nghĩ chắc cô ta đã tự mình tìm về nhà-nghỉ rồi. Rồi tôi bò vào thung lũng theo đường chúng tôi đến. Đầu gối tôi đau đớn khổ sở, mà tôi thì lại đánh mất soma của mình. Tôi phải bò đến mấy tiếng, nửa đêm vẫn chưa về được đến nhà nghỉ. Và cô ấy không có ở đó, cô ấy không có ở đó”. Giám đốc nhắc lại. Một thoáng im lặng. “Ờ” – lão tiếp tục – “ngày hôm sau có một cuộc tìm kiếm. Nhưng chúng tôi không tìm thấy cô ấy. Chắc cô ấy đã bị ngã xuống một khe rãnh nào đó; hay bị sư tử núi ăn thịt. Có Ford mà biết. Dù sao thì cũng thật kinh khủng. Lúc ấy tôi hoảng loạn lắm. Hoảng loạn hơn đáng thế, tôi dám nói. Bởi vì dù sao thì cũng là loại tai nạn có thể xảy ra cho bất kỳ ai, và, tất nhiên, cơ thể xã hội vẫn còn dù các tế bào cấu thành của nó có thể thay đổi”. Nhưng điều an ủi học trong khi ngủ này dường như không mấy hiệu quả. Lão lắc đầu. “Tôi thật sự đôi khi vẫn mơ đến nó”. Giám đốc hạ giọng tiếp tục. “Mơ thấy giật mình vì hồi sấm và thấy cô ta đã đi mất, mơ thấy tìm hoài tìm hoài cô ta dưới những tán cây”. Lão chìm vào im lặng hồi tưởng.
“Chắc ông bị sốc ghê lắm?” – Bernard nói gần như ghen tị.
Nghe giọng nói của gã, Giám đốc bỗng giật mình nhận ra mình đang ở đâu; lão liếc nhanh Bernard và nhìn vội đi hướng khác; mặt đỏ sậm lên; nhìn lại gã lần nữa một cách ngờ vực và giận dữ với giọng hách một cách bất ngờ: “Đừng tưởng tôi có quan hệ bất minh gì với cô gái ấy. Không có chuyện tình cảm ở đây, không có chuyện ve vãn quyến rũ, tất cả là hoàn toàn lành mạnh và bình thường”. Lão ta đưa trả Bernard tờ giấy phép: “Tôi không hiểu tại sao cậu mất công với mấy cái chuyện nhảm nhí này”. Tự giận mình đã lỡ để lộ ra một bí mật đáng xấu hổ, lão xả cơn giận lên Bernard, “và cậu Marx, tôi muốn luôn tiện đây nói rằng tôi không hài lòng với những báo cáo về hành vi của cậu ngoài giờ làm việc. Cậu có thể bảo đấy không phải là việc của tôi. Nhưng đó chính là việc của tôi. Tôi phải nghĩ đến thanh danh của Trung tâm. Nhân viên của tôi phải đứng trên mọi nghi ngờ, nhất là những người đẳng cấp cao nhất. Những Alpha đã được đào luyện 2 – đào luyện – để không ngây thơ trong những hành vi tình cảm. Nhưng như thế họ càng phải cố gắng hết sức để tuân thủ. Bổn phận của họ là phải ngây thơ, dù phải đi ngược với thiên hướng của họ. Và đấy, Marx, tôi cảnh báo cậu”. Giọng Giám đốc rung lên với một cơn phẫn nộ lúc này đã trở nên hoàn toàn chính đáng và một vẻ vô tư như đang biểu thị sự chê trách của chính Xã hội vậy.
“Tôi mà nghe được bất kỳ một sai sót nào của cậu so với chuẩn mực ngây thơ trong sáng, tôi sẽ yêu cầu chuyển cậu sang một Tiểu Trung tâm Băng Đảo. Thôi chào cậu”. Rồi ngoáy hông trên ghế bành, lão cầm bút lên và bắt đầu viết.
“Cái ấy sẽ dạy cho nó” – lão tự nhủ. Nhưng lão đã lầm. Vì Bernard ra khỏi phòng với thái độ nghênh ngang, hớn hở, đóng sầm cửa sau lưng gã, với ý nghĩ rằng gã đứng đó một mình, dàn trận chống lại trật tự hiện hành, phấn chấn với cái ý thức say sưa về ý nghĩa và tầm quan trọng cá nhân của gã. Ngay cả cái ý nghĩ khủng bố kia cũng không làm gã nao núng, nó khiến gã mạnh mẽ hơn là buồn chán. Gã cảm thấy đủ mạnh để đương đầu và chiến thắng tai ách, đủ mạnh để đối mặt với Băng Đảo (Iceland).
Đơn giản là không thể chuyển người ta đến nơi như thế. Băng Đảo chỉ là một đe dọa. Một mối đe dọa đầy kích thích và truyền cho ta sức sống. Bước đi trên hành lang, thậm chí gã còn huýt sáo.
“Quả cảm” là lời giải thích gã đưa ra về cuộc phỏng vấn với GĐLÂ. “Tôi chỉ bảo lão, lúc này, hãy về với Quá Khứ Không Đáy của ông, và bước ra khỏi phòng”. Gã nhìn Helmholtz Watson, anh bạn này từ nãy vẫn ngồi đợi gã, hy vọng nhận được từ anh một sự đồng cảm, cổ võ, khâm phục xứng đáng. Nhưng chẳng có lời nào được thốt ra cả. Helmholtz ngồi im lặng, nhìn chằm chằm xuống sàn.
Anh thích Bernard, anh biết ơn gã vì trong số người quen của anh, gã là người duy nhất anh có thể trao đổi những vấn đề mà anh cảm thấy là quan trọng. Tuy nhiên, trong con người Bernard có những cái anh ghét. Như cái lối khoác lác này chẳng hạn. Hay đôi khi thay thế cho nó là những cơn bộc phát thương thân hèn mọn. Và cái thói xấu tỏ ra mình can đảm sau những cuộc đấu, tỏ ra có sự khôn ngoan phi thường khi đó, nhưng kỳ thực là không có. Anh ghét những điều ấy, chính vì anh thích Bernard. Nhiều giây trôi qua. Helmholtz tiếp tục nhìn chằm chằm xuống sàn. Bỗng Bernard đỏ bừng mặt và quay đi.
3
Chuyến đi hoàn toàn vô sự. Tên lửa Thái Bình Dương Xanh đến New Orleans sớm hai phút rưỡi, mất bốn phút trong một cơn bão ở Texas, nhưng bay vào một luồng không khí thuận ở Kinh độ 95 Tây, và có thể đổ bộ vào Santa Fe trước thời gian dự tính là bốn mươi giây.
Bốn mươi giây trên sáu tiếng rưỡi bay. Không tồi, Lenina thừa nhận.
Đêm đó họ ngủ ở Santa Fe, khách sạn tuyệt hơn rất nhiều so với chẳng hạn lâu đài Aurora Bora, tại đó Lenina đã phải chịu cực quá nhiều trong mùa hè trước. Không khí ẩm ướt, vô tuyến truyền hình, massage rung-chân không, giải pháp caffein sôi, thuốc tránh thai, và tám loại dầu thơm khác nhau đặt trong mọi phòng ngủ. Máy phát nhạc tổng hợp đang hoạt động khi họ đi vào hành lang và không còn mong muốn gì hơn nữa. Một thông báo trong thang máy nói trong khách sạn có sáu mươi Sân Bóng quần trên Thang cuốn, và cả hai Sân Golf Điện từ và Chướng ngại có thể chơi trong công viên.
“Này, nghe có vẻ tuyệt đấy” – Lenina kêu lên – “Em muốn chúng mình cứ ở mãi đây. Sáu mươi Sân Bóng quần trên Thang cuốn...”
“Không còn cái nào trong Khu Bảo tồn” – Bernard cảnh báo cô – “Và không hương thơm, không truyền hình, thậm chí không nước nóng. Nếu em thấy có thể chịu được, thì cứ ở lại đây đến lúc anh quay lại”.
Lenina hết sức tổn thương. “Tất nhiên em chịu được. Em chỉ nói ở đây rất tuyệt bởi vì... ờ, vì tiến bộ là rất tuyệt phải không?”
“Mỗi tuần một lần lặp lại năm trăm lượt từ mười ba đến mười bảy” – Bernard nói giọng mệt mỏi, như thể nói với chính mình.
“Anh nói gì?”
“Anh nói tiến bộ là rất tuyệt. Đó là lý do em không được đến Khu Bảo tồn trừ khi em thật sự muốn đến.”
“Nhưng em thật sự muốn đến.”
“Vậy thì rất tốt” – Bernard nói; và nó gần như một lời đe dọa.
Giấy phép của họ cần có chữ ký của viên Quản lý Khu Bảo tồn, mà sáng hôm sau họ đã trình diện đúng giờ tại văn phòng của ông.
Người da đen gác cổng, một Epsilon Cộng, nhận danh thiếp của Bernard, và họ được tiếp hầu như tức khắc.
Viên Quản lý là một Alpha Trừ đầu ngắn tóc vàng hoe, lùn, đỏ, mặt tròn vành vạnh, và vai rộng, với giọng nói oang oang, rất thích hợp để phát ra những lời giáo huấn trong-khi-ngủ. Ông ta là một kho những thông tin bố láo và những lời khuyên không ai cần. Một khi mở máy là ông ta cứ sa sả không ngừng.
“... Năm trăm sáu mươi nghìn kilômét vuông, chia thành bốn Tiểu khu riêng biệt, mỗi Tiểu khu được bao quanh bằng hàng rào lưới điện cao áp...”
Đúng lúc này, và không có lý do gì rõ ràng, Bernard bỗng nhớ ra là gã đã để vòi Eau-de-Cologne trong buồng tắm mở và vẫn chảy.
“... Được cung cấp điện từ trạm điện-hydro Grand Canyon.”
“Cứ thế này đến lúc về thì mình sạt nghiệp mất”. Bằng con mắt bên trong, Bernard thấy kim đồng hồ đo nước hoa nhích dần nhích dần vòng quanh, như con kiến, không biết mỏi. “Phải gọi ngay cho Helmholtz Watson.”
“... Lên đến năm nghìn kilômét hàng rào ở sáu mươi nghìn volt.”
“Ông đừng nói thế” – Lenina nói một cách lễ phép, không hề biết nhà Quản lý vừa mới nói gì, mà chỉ đế vào theo quãng ngưng đầy kịch tính của ông ta. Khi viên Quản lý bắt đầu xổ ra, cô đã kín đáo nuốt một nửa gram soma, để bây giờ cô có thể ngồi lặng thinh, không nghe không nghĩ gì hết, nhưng đôi mắt xanh mở to của cô dán lên mặt viên Quản lý với vẻ chú ý mê say.
“Chạm vào hàng rào là chết ngay tức khắc” – viên Quản lý tuyên bố một cách nghiêm trọng. “Không có lối thoát từ Khu Bảo tồn Hoang dã.”
Từ “thoát” là một gợi ý. “Có lẽ” – Bernard nhấp nhổm – “chúng ta nên nghĩ đến việc ra về”. Chiếc kim đen nhỏ xíu chạy gấp gáp như một con côn trùng gặm nhấm thời gian, cắn vào tiền của gã.
“Không có lối thoát” – viên Quản lý nhắc lại, vẫy gã quay lại ghế ngồi, và vì giấy phép chưa được ông ta ký tiếp, nên Bernard không có cách nào khác là nghe lời. “Những ai sinh ra trong Khu Bảo tồn, và hãy nhớ, quý cô thân mến” – ông ta nói thêm, liếc nhìn Lenina với ánh mắt dâm dật, rồi nói với giọng thì thầm đểu đểu – “hãy nhớ rằng trong Khu Bảo tồn, trẻ con vẫn được sinh ra, ngay bây giờ vẫn được sinh ra, thật ghê tởm thế đấy...” (Hắn hy vọng nhắc đến chủ đề đáng xấu hổ này có thể làm Lenina đỏ mặt, nhưng cô chỉ mỉm cười giả vờ hiểu biết và nói: “Ông đừng nói thế!”. Thất vọng, viên Quản lý lại tiếp tục.) “Những ai, tôi nhắc lại, sinh ra trong Khu Bảo tồn có số mệnh phải chết ở đó.”
Có số phải chết... Mỗi phút một đề-xi-lít 3 Eau-de-Cologne. Sáu lít một giờ. “Có lẽ” – Bernard cố thử nhắc lại, “chúng ta nên…”.
Ngả người ra phía trước, viên Quản lý dùng ngón tay trỏ gõ gõ mặt bàn. “Cô hỏi tôi có bao nhiêu người sống ở Khu Bảo tồn. Và tôi trả lời” – giọng đắc thắng – “tôi trả lời rằng tôi không biết. Chúng ta chỉ có thể đoán”.
“Ông đừng nói thế.”
“Quý cô thân mến, tôi nói thế đấy.”
“Sáu lần hai mươi bốn, không, phải là sáu lần ba mươi sáu”. Bernard tái nhợt và run rẩy vì nóng ruột. Nhưng giọng oang oang vẫn tiếp tục không nao núng.
“... Khoảng sáu mươi ngàn người da đỏ và lai, những người tuyệt đối man rợ... Các thanh tra của chúng ta đôi khi có đến thăm, nếu không, chẳng có liên lạc gì với thế giới văn minh... vẫn giữ nguyên những phong tục tập quán gớm guốc của họ... Hôn nhân, nếu cô biết điều đó là gì, quý cô thân mến, các gia đình không hôn phối, những mê tín dị đoan gớm guốc... Đạo Cơ đốc, và tín ngưỡng tô tem, thờ cúng tổ tiên, những ngôn ngữ đã mai một, như tiếng Zuni và Tây Ban Nha và Athapascan... Những con báo sư tử, những con nhím và các loài vật hung dữ khác... Những bệnh truyền nhiễm... những thầy cúng... những con thằn lằn độc.”
“Ông đừng nói thế chứ.”
Cuối cùng họ cũng thoát được. Bernard lao bắn đến điện thoại. Nhanh, nhanh; nhưng cũng phải mất gần ba phút mới gặp được Helmholtz Watson. “Suýt nữa thì chúng tớ đã ở trong lũ mọi rợ ấy rồi” – gã phàn nàn – “lũ bất tài chết tiệt”.
“Nuốt một gram” – Lenina gợi ý.
Gã từ chối, gã thích cáu giận hơn. Cuối cùng, ơn Ford, đường dây cũng thông, và đấy là Helmholtz; Helmholtz, người mà gã giải thích điều gì đã xảy ra, và anh ta hứa sẽ đến ngay, đến ngay, và khóa vòi, vâng, ngay lập tức, nhưng tranh thủ cơ hội báo gã biết GĐLÂ đã nói gì trước mọi người tối hôm qua...
“Cái gì? Ông ấy đang tìm kiếm người thay thế mình à?” – giọng Bernard tuyệt vọng. “Vậy là bây giờ đã quyết định rồi? Ông ấy nhắc đến Băng Đảo? Cậu bảo ông ấy đã nói? Ford ơi! Băng Đảo...” – gã treo máy và quay lại Lenina. Mặt gã tái mét, bộ dạng cực kỳ ủ rũ chán nản.
“Có chuyện gì thế?” – cô hỏi.
“Chuyện gì à?” – gã thả phịch người xuống ghế – “Anh sắp bị đẩy đi Băng Đảo”. Trong quá khứ, gã thường xuyên tự hỏi sẽ như thế nào khi bị khuất phục (không có soma và gã chỉ có thể dựa vào nguồn sức mạnh bên trong mà thôi) bởi một thử thách to lớn, một nỗi đau, một sự ngược đãi; thậm chí gã còn mong đợi tai ách đó xảy đến.
Mới chỉ cách đây một tuần, tại phòng làm việc của Giám đốc, gã đã tưởng tượng bản thân gã can đảm phản đối, chấp nhận đau khổ một cách khắc kỷ không nói một lời. Lời đe dọa của Giám đốc đã thật sự làm gã hãnh diện, khiến gã được huênh hoang khác lác. Nhưng cái đó, như bây giờ gã nhận ra, là bởi vì gã đã không nhìn nhận những đe dọa ấy một cách nghiêm túc, khi nghĩ đến chuyện này, gã chưa tin rằng GĐLÂ sẽ thật sự làm cái gì đó. Bernard bàng hoàng, bây giờ có vẻ như những mối đe dọa ấy đã thật sự được thực hiện. Và tính khắc kỷ tưởng tượng ấy, sự can đảm lý thuyết ấy, chẳng để lại tí dấu vết nào cả.
Gã nổi xung lên với bản thân – đồ ngu – với Giám đốc – sao bất công thế không cho gã một cơ hội khác, cái cơ hội mà gã bây giờ không có gì nghi ngờ cả, gã luôn có ý sẵn sàng nhận. Và Băng Đảo, Băng Đảo.
Lenina lắc đầu. “Nó đã và sẽ còn làm tôi phát ốm” – cô trích dẫn – “tôi lấy một gram và chỉ…”
Cuối cùng cô khuyên gã nên nuốt bốn viên soma. Năm phút sau rễ và quả biến mất; hoa nở ra rực rỡ. Một thông báo từ người gác cổng cho biết, theo lệnh Quản lý, một Đội Bảo vệ Khu Bảo tồn đã đến bằng một máy bay và đang đợi trên mái khách sạn. Họ đến tức khắc. Một octoroon 4 trong bộ đồng phục Gamma Xanh lục chào và bắt đầu đọc chương trình buổi sáng.
Nhìn toàn cảnh có mươi mười hai bản (pueblo – làng da đỏ) hiện ra. Sau đó hạ cánh ăn trưa ở thung lũng Malpais. Nhà nghỉ ở đó đủ tiện nghi, và trong làng da đỏ hình như người ta đang cử hành lễ hội mùa hè. Đây sẽ là nơi tốt nhất để nghỉ đêm.
Họ lên ngồi trên máy bay và cất cánh. Mười phút sau, họ vượt qua biên giới giữa văn minh và hoang dã. Trên và dưới đồi, xuyên qua những sa mạc muối và cát, qua những khu rừng, trong hẻm núi tím sẫm, trên những vách đá lởm chởm, những chóp và đỉnh núi mặt bàn, xuất hiện những hàng rào nối tiếp nhau thành đường thẳng đẹp mắt không cưỡng lại được, dấu hiệu địa lý cho mục đích đắc thắng của con người. Và đây đó dưới chân nó, một bức khảm bằng xương trắng, một mảng tối của xác súc vật chưa thối rữa trên nền đất hung hung đánh dấu nơi hươu nai và bê nghé, báo sư tử, hoặc nhím hoặc chó sói đồng hoang, hay những con kền kền châu Mỹ tham lam bị luồng hơi kinh tởm của xác chết kéo xuống và nổ tung như thể bị trừng phạt, vì đã đến quá gần những đường dây hủy diệt kia.
“Chúng không bao giờ biết” – viên phi công mặc đồng phục xanh lục, chỉ xuống những đống xương trên mặt đất bên dưới họ và nói. “Và chúng sẽ không bao giờ biết” – anh ta nói thêm và cười, như thể cách nào đó anh ta đã giành được một thắng lợi cá nhân đối với những con vật bị điện giật chết kia.
Bernard cũng cười; sau hai gram soma, trò đùa này có vẻ tốt. Cười và sau đó, hầu như ngay lập tức, rơi vào giấc ngủ, và giấc ngủ được đưa sang Taos và Tesuque; sang Nambe và Picuris và Pojoaque, sang Sia và Cochiti, sang Laguna và Acoma và the Enchanted Mesa, sang Zuhi và Cibola và Ojo Caliente 5, và cuối cùng tỉnh dậy thấy máy bay đang đậu trên mặt đất, Lenina đang xách các va-li vào một ngôi nhà vuông nhỏ, còn anh chàng octoroon Gamma Xanh lục thì đang nói chuyện với một người da đỏ trẻ tuổi mà chẳng bên nào hiểu gì.
“Malpais” – viên phi công giải thích, khi Bernard bước ra. “Đây là một nhà nghỉ. Và chiều nay trong bản có nhảy múa. Nó sẽ dẫn anh đến đó”. Anh ta chỉ một người da đỏ mặt mày sưng sỉa. “Ngộ lắm, tôi hy vọng thế” – anh ta cười toét. “Họ làm cái gì cũng buồn cười”. Nói xong anh ta leo lên máy bay và nổ máy. “Mai quay về. Nhớ nhé” – anh ta nói thêm để bảo đảm với Lenina một lần nữa. “Họ đã thuần hóa hoàn toàn, những người thổ dân này không bao giờ làm hại ai. Họ đã có đủ kinh nghiệm về bom hơi để biết rằng không thể dùng mẹo lừa được”. Vẫn cười, anh ta gài số chiếc trực thăng, tăng tốc, và bay đi.
--------------------------------
1 Nguyên văn: “A gram in time saves nine” – những câu cách ngôn học trong lúc ngủ thường có vần. (ND)
2 Xem chú thích trang 46. (ND)
3 Decilitre: 1dl = 0,1l. (BT)
4 Octoroon: một người lai có một phần tám máu da đen. (ND)
5 Những địa danh (quận, làng da đỏ) ở New Mexico, Hoa Kỳ. (ND)
Thế Giới Mới Tươi Đẹp Thế Giới Mới Tươi Đẹp - Aldous Huxley Thế Giới Mới Tươi Đẹp