Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Tác giả: Iuri Tomi
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Khánh Giang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 95 / 3
Cập nhật: 2020-06-24 21:53:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
uối cùng, Tôlic đã chán cảnh im lặng. Nó đến cạnh Misca, nhìn qua vai bạn. Misca cẩn thận ghi đáp số. Tôlic cảm thấy buồn cười.
- Thế nào, xong rồi chứ? – Tôlic hỏi – Thế hai lần hai là mấy?
- Cậu tự trả lời lấy, - Misca nói – Tốt hơn là để cho tớ yên.
Tôlic đi bách bộ một lúc nữa. Hình như có cái gì đấy cào vào cửa ra vào, Tôlic mở cửa. Con chó béc-giê to lớn tên là Maida đi vào phòng. Con chó không để ý đến Tôlic mặc dù quen biết. Nó đi đến cạnh Misca và đặt hai chân trước lên vai chủ.
- Tôlic, bỏ ngay – Misca nói.
Tôlic bật cười. Misca quay lại, và Maida dụi mồm vào má chủ.
- Nằm xuống! – Misca ra lệnh.
Maida thở ra và nằm xuống cạnh Misca.
- Đứng dậy! Maida! – Tôlic nạt.
Maida nghiêng về phía nó.
- Ngồi lên!
Nhưng Maida chẳng thèm vẫy tai. Nó chỉ vâng lời chủ.
Tôlic chống hai tay xuống đất, bò về phía Maida. Nó chìa má cho con chó, nhưng Maida xoay mõm sang hướng khác. Con chó nhắm mắt lại dường như khó chịu khi phải nhìn Tôlic.
- Đồ ngu. – Tôlic nói.
Maida thở dài, đứng dậy vươn vai rồi đi ra khỏi phòng với vẻ như không muốn nghe những lời xằng bậy.
- Misca – Tôlic nói bằng giọng buồn rầu – ba lần ba là mấy?
Misca ghi đáp số của bài toán cuối cùng rồi đứng lên.
- Xong – nó nói – Có thể đi đến trường.
- Không, cậu nói đi, ba lần ba là mấy?
- Chín.
- Giỏi! – Tôlic nói – Giáo sư số học đây!
Nhưng Misca không cãi lại. Bọn trẻ cùng nhau đến trường.
Có lẽ không cần thiết phải kể lại ngày hôm ấy trôi qua như thế nào. Bởi những sự kiện chính không phải xảy ra trong lớp học mà sau đó. Trong buổi học Tôlic được gọi ba lần và cả ba lần nó đều đạt điểm năm. Và để đạt được nó chẳng phải tốn một chút sức lực nào. Lưỡi tự nó những điều gì cần thiết. Nó trả lời đúng như sách. Tôlic cũng không cần biết là lưỡi mình nói gì. Bởi tất cả đều đúng.
Các thầy giáo khen nó. Cô Anna Gavrilôvna cũng khen, nhưng cô lưu ý là không cần phải nói đúng từng từ trong sách mà hãy sử dụng ngôn ngữ của mình. Nhưng điểm năm thì cô vẫn cho. Tất cả đều đã quên chuyện ngày hôm qua.
Tan học, Tôlic cùng bạn bè đi ra đường phố.
- Này, các cậu ơi, - nó nói – lại đây coi tớ búng trán Misca. Nó bị thua cuộc tớ, Misca, lại đây!
- Vâng, tớ thua – Misca nói – Có thể, Nhưng cậu nói láo là không học bài. Nếu cậu không học thì cậu sẽ không được điểm năm.
- Thề danh dự là tớ không học!
- Thề danh dự là nói láo! – Xasa Ardukhanhan nói.
- Rõ ràng là nói láo – Lênha Travin khẳng định.
- Ai nói láo?! – Tôlic sửng sộ.
- Cậu, - Lôna Seglêva nói – Cậu, cậu, cậu … và cậu, cậu, cậu.
- Tớ nói láo?! Có muốn tớ chứng minh không?
- Không chứng minh được đâu – Lêna nói – Không được đâu, không được đâu …
- Tớ … không được? Đây tớ … Đây tớ có … - Tôlic nói và thò tay vào túi nhưng kiềm lại được.
- Thế cậu có gì?
- Chẳng có gì, - Tôlic trả lời – Misca, đưa trán đây.
Tất cả đều đứng về phía Misca, nhưng không anh bênh nó, bởi đứa nào cũng muốm biết nó sẽ chịu một trăm búng như thế nào. Và chính Misca cũng không cho phép ai bênh vực mình. Nó đến gần Tôlic và chìa trán ra:
- Búng đi!
Lần đầu tiên Tôlic búng vào lương tâm mình. Ngón tay trở nên đau đớn, Bọn trẻ vây quanh chúng cười đùa, vì cái búng kêu to, còn Misca thì nhăn mặt.
Sau hai mươi cái, trán của Misca quầng đỏ.
- Bây giờ hãy búng vào chỗ khác, - Lênha Travin gợi ý.
- Đâu thích thì tớ búng – Tôlic nói – Đúng không Misca?
- Cậu cứ búng đi – Misca trả lời – Tốt hơn là đừng hỏi tớ.
Tôlic búng thêm ba cái nữa.
- Đủ rồi, - Tôlic nói – Còn lại tớ tha cho cậu.
Misca đỏ mặt. Nó dạng chân ra, như muốn đứng thật vững.
- Tớ không cần sự tha thứ của cậu – Misca nói – Còn bảy bảy cái nữa. Búng tiếp.
- Tớ sẽ không búng nữa! – Tôlic ngang bướng.
- Thế thì tớ sẽ không nói chuyện với cậu – Misca nói.
- Dù sao tớ cũng không.
Misca lườm mắt nhìn Tôlic, xách cặp lên rồi đi thẳng. Bọn cùng lớp cũng phân tán mỗi đứa một ngả. Còn lại một mình Tôlic. Nó cảm thấy nặng nề và đơn độc. Dường như chỉ còn lại một mình nó trên thế giới này. Nó tự nhủ là nó đã làm theo danh dự. Bởi thực thế nó đã không học bài và nhưng cái búng là chính đáng. Nhưng sâu xa trong lòng nó cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
- Misca chờ một tý. Tôlic gọi và chạy đuổi theo – Có phải cậu thua cuộc không nào? – Tôlic giữ tay bạn – Tại sao cậu giận?
- Xéo đi! – Misca nói – Tớ chẳng giận. Tớ sẽ không nói chuyện với cậu, thế thôi.
- Thế cậu muốn búng tớ không? – Tôlic đề nghị.
Misca cúi đầu bước nhanh hơn. Nó không trả lời Tôlic thêm một tiếng. Tôlic tự nhiên thấy thương Misca và thương cả thân mình. Nó muốn nghĩ ra một điều gì để mọi chuyện trở lại êm đẹp như trước đây.
Tất nhiên, nó chỉ cần bẻ một que diêm và Misca sẽ chạy lại ôm lấy nó. Nhưng như thế Misca sẽ không còn là Misca trước đây nữa. Bạn bè dạng đó thì hộp diêm thần này có thể tạo nên bao nhiêu cũng được. Nhưng Misca thì chỉ có một.
Bất thình lình Tôlic quyết định lấy hộp diêm ra khỏi túi, chạy đến bên Misca và chìa cho bạn:
- Misca – nó nói – chúng ta sẽ chia hai hộp diêm này. Cậu tự chia lấy, rồi tớ sẽ kể hết cho cậu nghe.
Nhưng Misca im lặng đẩy tay Tôlic, diêm trong hộp vung ra vỉa hè. Khi Tôlic thu nhặt hết diêm thì Misca đã đi xa.
Buổi tối trước ngày Tôlic đến bãi tập khúc côn cầu ba và mẹ cãi nhau rất lâu. Tất nhiên, mẹ sẵn sàng cho phép Tôlíc ra sân tập, nhưng ba phản đối. Ông cho rằng khúc côn cầu là một trò chơi nguy hiểm. Không gãy tay chân thì cũng gãy răng.
- Tôi không muốn thấy con tôi tàn tật – ba nói – Mà khúc côn cầu là trò chơi chết người.
- Thế không phải chính anh ngồi suốt buổi trước tivi là gì? – mẹ trả lời.
- Ở đấy chỉ người lớn chơi thôi. Mà họ đều không phải là con tôi – ba nói.
- Nhưng Tôlic là con tôi. Và nó có quyền làm những gì nó thích – mẹ nói, âu yếm nhìn Tôlic.
- Có lẽ nó cũng là con tôi – ba tức giận nhìn mẹ.
- Anh hoàn toàn không thương nó!
- Tôi không hiểu là gần đây cái gì đã xảy ra với cô – ba nói – Cô cho phép con bất cứ việc gì. Còn nó thì lợi dụng điều đó. Gần đây nó luôn cố tình giấu chúng ta một việc gì đó. Nó còn nói dối nhiều hơn trước kia. Hay cô muốn con trở thành kẻ lừa dối.
- Vâng, - mẹ nói một cách tự hào – Nó là đứa bé nói dối đáng yêu. Và vì thế, tôi yêu nó …
Ba nghi ngờ nhìn mẹ. Sau đó ông đuổi Tôlic ra khỏi phòng và nó không nghe thêm được gì nữa. Chỉ biết là sáng hôm sau ba mẹ đã đồng ý cho nó đi đến bãi tập …
Bây giờ, trên đường đến sân vận động. Tôlic thầm mơ ước một ngày không xa mình sẽ chơi trong đội tuyển khúc côn cầu quốc gia và sẽ được phát lên vô tuyến truyền hình. Ba sẽ không giận nữa khi thấy Tôlic mười lần làm tung lưới một đội nước ngoài nào đấy. Và điều đó chẳng phải nghi ngờ! Bởi lẽ trước khi đi Tôlic đã bẻ một que diêm và thầm nhủ rằng hôm nay sẽ chơi hay nhất thế giới.
Khi Tôlic đến nơi, đội người lớn đang chơi trong sân. Trên khán đài trống trải đếm được ba mươi cậu bé, trong đó có Misca. Tôlic đến gần chào các bạn mới. Tất cả đều chào lại, chỉ riêng Misca là không nhìn về phía nó. Misca ngước nhìn bầu trời lúc đó chẳng có gì ngoài một đám mây nhỏ.
“Tớ chỉ cần bẻ một que thôi là cậu sẽ bò tới bên tớ cho mà xem” – Tôlic nghĩ. Nó đang suy tính xem có nên tốn một que diêm vào những chuyện nhảm nhí như thế này không thì huấn luyện viên đến. Đây là người đàn ông đã mời Misca và Tôlic đến đây.
- Tôi là Bôric Alêchxanđrôvich Altưnôp – huấn luyện viên nói – Hôm nay là buổi tập đầu tiên của chúng ta. Áo may ô, quần đùi, giày vải, đẩy đủ chứ?
Bọn trẻ nhìn nhau thầm thì, một đứa mạnh dạn hỏi:
- Thưa anh, áo may ô và giày vải để làm gì ạ? Chẳng lẽ chúng em sẽ mang giày vải để chơi sao?
- Bây giờ chúng ta chưa chơi đâu – huấn luyện viên nói – Đầu tiên chúng ta sẽ rèn luyện thể lực. Sau đó sẽ học cách cầm gậy cho đúng và cách đứng vững trên giày trượt băng. Ít nữa chúng ta mới chơi. Còn bây giờ vào gian thể thao dưới khán đài kia.
- Thế còn ai đã biết chơi thì sao? – Tôlic hỏi.
- Trong các em chưa có ai biết chơi đâu. Các em còn phải tập đứng trên băng đã.
- Nhưng em biết. – Tôlic nói – Thật mà!
- Em tưởng đấy thôi! – huấn luyện viên cười nói.
- Em biết thật mà – Tôlic không chịu.
Huấn luyện viên nhìn những khuôn mặt ỉu xìu. Tất cả đều muốn chơi ở sân băng chứ không ai muốn “rèn luyện thể lực”. Trên khuôn mặt huấn luyện viên thoáng một nụ cười khó hiểu.
- Valôđia! – anh gọi trọng tài trong sân – lại đây!
Trọng tài dừng trận đấu, đến gần.
- Đây là các “cầu thủ” mới của tôi – huấn luyện viên nói – Tất cả đều muốn chơi. Cậu lấy một đứa chơi thử xem sao. Và, nói nhỏ vào tai trọng tài: - Tất cả các cậu bé đều có năng khiếu khúc côn cầu và tưởng là đã biết chơi. Đặc biệt là cậu kia. Cậu ta cũng chính là người có khả năng nhất. Nhưng phải nói trước để cầu thủ đừng xô phải, hiểu không?
- Hiểu rồi – Trọng tài nháy mắt với huấn luyện viên và quay sang phía Tôlic: - Vào phòng thay quần áo đi! Ở đây họ sẽ đưa cho em mọi thứ cần thiết.
Trong phòng thay quần áo Tôlic không tài nào mặc được những thứ người ta đưa cho mình, may mà có người giúp đỡ.
- Em sẽ chơi ở vị trí nào? – Huấn luyện viên hỏi.
- Tiền đạo ạ.
- Rất tốt. Em sẽ chơi cho đội xanh. Ra đinh.
Tôlic ra sân … Các cậu thủ mìm cười nhìn cầu thủ tí hon. Bên cạnh những vận động viên cao hơn, Tôlic trông bé nhỏ và yếu ớt. Nhưng “quân xanh”, “quân đỏ” với đôi vai rộng, lưng vuông trông giống như những rôbốt. Tất cả đều là kiện tướng thể thao.
Trận đấu bắt đầu. Cầu thủ áo đỏ dẫn bóng, Tôlic nhanh nhẹn lùi về phòng ngự. Áo đỏ trượt đến trước mặt Tôlic không để ý đến nó. Anh ta còn không định lừa qua Tôlic mà chỉ đưa bóng sang một bên để khỏi tông phải cậu bé.
Tôlic đưa gậy ra và … áo đỏ trượt qua, còn sai-ba bị giữ lại. Tôlic không phải suy nghĩ gì hết. Mọi động tác đều tự phát. Tay chân nó cũng tự cử động lấy. Không bỏ phí một giây, Tôlic tăng vận tống và dẫn bóng về phía gôn đối phương. Nó lừa qua hậu vệ rồi đánh mạnh sai-ba về phía cầu gôn. Thủ môn té sấp, nhưng còn kịp dùng gậy chặn sai-ba. Quả bóng bật lại với một sức mạnh ghê gớm giống như bị bắn ra từ nòng đại bác. Ngay lập tức các cầu thủ áo đỏ lại lấy được bóng và dẫn về phía gôn đối diện.
Thủ môn nằm trên băng kinh ngạc nhìn Tôlic. Một cú đánh mạnh như thế chỉ có thể là của kiện tướng thể thao, đằng này lại là cậu bé con. Những thủ môn không biết rằng cậu bé này hôm nay là cầu thủ mạnh nhất thế giới. Và điều đó các cầu thủ áo đỏ còn lại, thật đáng tiếc, cũng không biết.
Lúc đầu các kiện tướng thể thao chẳng chú ý gì đến Tôlic. Hay đúng hơn là họ cố gắng để không tông phải nó. Họ chỉ muốn chứng tỏ cho cậu bé thấy rằng cậu trả giá cho sự lầm lẫn … Trong khi người lớn “tế nhị” thì Tôlic nhiều lần lấy bóng của “quân đỏ”, tự mình dẫn sai-ba đến gôn đối phương và sút. Lấy bóng của Tôlic hầu như không thể được.
Sau hai phút Tôlic ghi bàn đầu tiên. Qua bốn phút “quân xanh” ghi được hai bàn nữa nhờ đường truyền của Tôlic.
Cả bên xanh và đỏ đều chẳng hiểu ra sao. Một thằng bé con trên sân tranh cướp bóng nhanh nhẹn và làm bàn như một kiện tướng thể thao! Hơn thế nữa, nó còn chơi hay hơn tất cả. Điều đó đã rõ ràng.
Đứng chôn chân trên khán đài, huấn luyện viên Altưnôp – cầu thủ đội tuyển Liên Xô – không rời mắt khỏi sân. Anh bấm nhẹ tai mình để xem thử là mơ hay thật. Anh tự nhủ là cậu bé còn chơi hay hơn cả anh. Hơn thế nữa, trong đời mình anh chưa hề thấy một cầu thủ khúc côn cầu nào tài ba như thế.
Trong khi ấy tiếng đồn về sự kỳ diệu trên sân khúc côn cầu đã truyền đi khắp sân vận động. Các nhà thể thao, giám đốc và cả những người quét dọn đều leo lên khán đài theo dõi trận đấu.
Tất cả đều nhìn về phía Tôlic và chế giễu các kiện tướng “quân đỏ” không làm được gì với một cậu bé con.
“Quân đỏ” đã bắt đầu giận dữ. Bây giờ họ không tránh Tôlic nữa mà xông vào tranh giành bóng với nó. Nhưng lấy được sai-ba của Tôlic quả là khó. Khi Tôlic làm bàn quả thứ hai, trọng tài suýt làm rơi còi khỏi miệng bởi quả sai-ba được đánh từ xa mà thủ môn cũng không kịp động đậy.
Trên khán đài người ta la hét, cười nói ầm ĩ vì hào hứng. Một mình cậu bé gần như ăn đứt cả một đội kiện tướng.
Cuối cùng trọng tài không kiềm chế được, thổi còi chấm dứt trận đấu sớm hơn thời gian đã định.
- Tôi không thể tiếp tục được – trọng tài nói với huấn luyện viên – Tôi sẽ điên mất. Hay là tôi điên rồi cũng nên? Anh lấy đâu ra cái của kỳ dị này?
- Hình như tôi cũng điên mất – Altưnôp nói – Cậu bé này đáng giá bằng một đội. Tôi không cần dạy gì cho cậu ta nữa. Cậu ta còn chơi hay hơn cả tôi.
- Nhưng nó … bình thường chứ? – trọng tài hỏi, nghi ngờ nhìn về phía Tôlic – Không thể như thế được. Có thể cậu ta bị bệnh thần kinh đặc biệt đấu – bệnh khúc côn cầu chăng?
Huấn luyện viên vuốt tóc ra sau gáy suy nghĩ rồi đến cạnh Tôlic đang bị bao vây bởi “quân xanh”, “quân đỏ” và nhiều người khác. Không nói một lời anh cầm tay Tôlic dấn đến phòng y tế.
- Một cậu bé bình thường – bác sĩ nói sau khi khám cho Tôlic – Hoàn toàn bình thường. Thể trọng, cơ bắp chưa phát triển nhưng rồi đâu sẽ vào đấy. Anh nói cậu bé này thắng cả một đội “quân đỏ” à? Xin lỗi, tôi không tin. Cậu bé này cao tay là 11 – 12 tuổi. Người ta chưa cho phép cậu chơi cho đội trẻ nữa là.
- Chính tôi cũng không tin – huấn luyện viên nói. – Cậu ta là cầu thủ cỡ quốc tế. Ngay bây giờ tôi có thể đưa cậu ta vào đội tuyển Liên Xô!
Đi dọc theo khán đài ra công, Tôlic cảm thấy mình như một anh hùng. Bằng mắt mình, nó thấy mọi người đều hướng về nó. Bằng tai mình, nó nghe thấy những tiếng thầm thì ngạc nhiên và thán phục: “Nó đấy”. “Nhìn kìa, nó đang đi đấy” “Cậu ta chơi hay hơn bất cứ một kiện tướng thể thao nào”
(PHẦN NÀY BỊ THIẾU MẤT MỘT TRANG)
Một phần cho mình, và một phần cho Misca. Còn lại tất cả là ba mươi chín que diêm. Như thế là thừa một que. Không suy nghĩ lâu, Tôlic thêm cho mình một que. Phần nó hai mươi que, còn Misca – mười chín. “Một con số nhảm nhí, chẳng chia hết cho một số nào” – Tôlic nghĩ và bổ sung cho mình một que nữa. Bây giờ Misca còn lại mười tám. Một con số lý tưởng: có thể chia hết cho hai, cho ba, cho sáu, cho chín. “Hay thật! – Tôlic lại nghĩ – Cần phải chia cho hai” Thêm chín que diêm nữa chạy về bên phải, Misca còn lại chín. Đống bên phải trở lên to lớn, đống bên trái bé tí. “Như thế là không công bằng – Tôlic nghĩ – nếu Misca biết được, nó sẽ tự ái. Mà không nói với Misca cũng không được, bởi như thế là không chân thật. Mà không chân thật thì không nên. Nhưng để Misca tự ái cũng không nên. Có nghĩa là phải làm thế nào để vừa chân thật mà lại vừa không xúc phạm bạn. Điều đó thật đơn giản: không phải chia mà cũng chẳng phải nói gì hết.”
Tôlic dồn hết diêm vào hộp. Nó cất hộp diêm vừa đúng lúc. Cửa vào buồng tắm xịch mở.
- Tôlic – mẹ nói, tỏ vẻ xin lỗi – mẹ không quấy rầy con chứ? Khuya rồi con ạ. Mẹ có thể đi ngủ được không? Hay con cần gì nữa?
- Con … không có gì, - Tôlic trả lời, nhưng sực nhớ lại điều gì, nó tiếp: - À, con … cần một chiếc xe đạp mẹ ạ. Mẹ mua chứ?
Mẹ ôm đầu:
- Tội nghiệp con tôi. Tại sao mẹ lại không nghĩ ra từ trước nhỉ! Con của mẹ thật là khiêm tốn: cần chiếc xe đạp mà cũng không dám hỏi. Đi với mẹ con!
Mẹ cầm tay Tôlic dắt vào phòng nơi ba đang xem tivi.
- Anh này – mẹ nói hồ hởi – con nó cần một chiếc xe đạp đấy.
- “Cần” nghĩa làm sao?
- Nghĩa là con nó muốn có xe đạp.
- Thế tàu thủy nó có muốn không?
- Anh đùa không đúng lúc đấy.
- Tôi không đùa. Cô biết đấy, hiện nay chúng ta còn ít tiền. Xe đạp có thể chờ lúc khác.
- Không, không thể! - mẹ nổi giận – Tại sao phải chờ khi mà con trai đáng yêu của chúng ta đang cần đi xe đạp?
- Nó chưa đáng yêu đâu – ba nói – Còn em thì gần đây hoàn toàn nuông chiều nó. Tôi phải tự giáo dục nó mới được.
- Anh đã nói điều đó hàng trăm lần rồi.
Ba đứng lên nặng nề tắt tivi.
- Tôlic, ra khỏi phòng ngay – ba nói to – Đi ngủ ngay lập tức. Sẽ không có xe đạp xe điếc gì hết.
- Tôlic, khỏi phải đi, - mẹ nói gay gắt – Không phải đi ngủ. Con sẽ có hai xe đạp. Loại tốt nhất.
Tôlic đưa mắt từ ba sang me, thở ra, hối hận vì đã gây nên cuộc cãi vã này. Nó hoàn toàn không muốn ba mẹ la nhau. Trước đây ba mẹ thường tranh luận chứ chưa bao giờ to tiếng. Còn bây giờ thì họ đang cãi nhau kịch liệt.
- Cô có thể không cãi lại tôi trước mặt con được chứ? – ba hét.
- Con đối với anh là gì đâu – mẹ cũng hét - Anh hoàn toàn không yêu con!
- Tôi không yêu?!
- Anh không yêu! Anh ghét bỏ nó!
- Đồ ngu! – ba mắng.
Mẹ ối lên một tiếng. Mặt mẹ trắng bệch. Ba im bặt, hoảng sợ nhìn mẹ. Mẹ quay đi, chạy vào bếp.
Ba ôm đầu đi lại trong phòng, như không nhìn thấy Tôlic. Còn Tôlic đứng giữa phòng không biết phải làm gì.
Cuối cùng, ba dừng lại trước mặt Tôlic, vẻ hối hận:
- Chúng ta đã làm gì không phải với nhau, ông già? – ba nói nhỏ.
Tôlic thấy thương ba quá. Và cả mẹ nữa. Nhưng nó cũng tiếc một que diêm có thể làm yên chuyện. Nếu như phải làm lành tất cả những người cãi nhau thì bao nhiêu diêm cho vừa. Nhưng đây lại là ba mẹ nó! Tôlic thở ra và chạy vội vào buồng tắm. Nó bẻ một que diêm và lầm bầm để ba mẹ làm lành với nhau.
Ngay sau đấy nó nghe thấy tiếng guốc của mẹ đi qua buồng tắm và ngoài hành lang, tiếng giày nặng nề của ba. Tôlic nhìn ra cửa.
Ba và mẹ đứng giữa hành lang ái ngại mỉm cười nhìn nhau.
- Em đừng giận anh nhé! – ba nói.
- Đúng hơn là anh đừng giận em, - mẹ nói.
- Tất nhiên anh có lỗi.
- Lỗi tại em chứ!
- Không, không, - ba nói – Em vất vả như thế. Ở nhà rồi ở cơ quan. Chẳng lẽ anh không thấy sao? Và anh … rất yêu em.
- Em cũng yêu anh, - mẹ trả lời – Chúng ta có thể mua cho con xe đạp chứ?
- Để thử xem – ba không phản đối.
Tôlic im lặng ra khỏi buồng tắm và đi ngủ.
Sáng chủ nhật Tôlic dắt chiếc xe đạp mới tinh hiệu “Đại bàng con” ra sâu. Nó đứng bên hàng dậu một lúc để kiểm tra lại phanh tay và phanh chân, bóp chuông một hồi. Tất nhiên, có thể không cần kiểm tra gì – mọi thứ đã được xem kỹ ở cửa hàng, rồi cả sáng nay ở nhà. Nhưng Tôlic muốn để bọn trẻ chạy đến đông thêm.
Bọn trẻ quây quanh nó cũng thử phanh, thử chuông. Đứa nào đã có xe đạp thì không nói gì. Còn đứa nào không có xe thì nói: “Đại bàng con” – thường thôi, “Du lịch” tốt hơn nhiều: đến ba tốc độ kia!
Sau đó Tôlic lên xe. Ba lần nó đạp xe ngang qua cửa sổ nhà Misca, xem thử Misca có nhìn ra không. Nhưng chẳng thấy cậu bé đâu. Tôlic đạp xe ra một bãi nhỏ, nơi bọn bé con đang chơi khúc côn cầu bằng thanh gỗ nhỏ. Tôlic đạp xe ngang qua chúng để quấy phá. Bọn nhỏ tức lắm nhưng không dám nói gì bởi Tôlic to khỏe hơn chúng nhiều. Chúng cũng chẳng to thái độ chống đối nên chẳng mấy chốc Tôlic đã thấy chán.
Tôlic lại đạp xe về phía hàng rào nhà Misca. Nó biết Misca thế nào cũng đi dạo với con chó Maiđa.
Đúng vậy. Sau đó 5 phút Misca và Maiđa đi ra cổng. Tôlic đuổi theo và cho xe chạy sát Misca, suýt nữa thì đâm phải nó. Nhưng Misca tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Chỉ có con Maiđa là chồm lên chủ, dường như muốn hỏi: có đáng xé xác cái thằng lưu manh kia không?
- Yên nào! – Misca nói và con chó yên ngay.
Tôlic lại vượt lên trước Misca rồi đạp ngược lại. Chiếc xe lạc vào sợi dây buộc chó. Con Maiđa nhảy lên, sợi dây căng ra và Tôlic phanh không kịp. Nó bị ngã xuống đường nhựa. Tôlic nằm trên đường và phía trên là con Maiđa đang sủa inh ỏi. May mà mõm nó đeo rọ!
- Lùi lại! – Misca ra lệnh. Maiđa lùi về phía chân chủ.
Tôlic đứng lên gần như khoe. Nó giận quá. Nó chỉ muốn đùa thôi. Hơn thế nữa nó còn muốn làm lành với Misca. Thế mà …
- Tại sao cậu thả chó ra? – Tôlic hỏi.
- Cậu tự chui vào thì có – Misca nói – May mà con chó đeo rọ. Không thì cậu chỉ còn là đống xương vụn thôi.
- Cậu cũng phải đeo rọ vào! – Tôlic trả lời – Tớ chỉ cần muốn là cậu và cả Maiđa của cạu chỉ còn là đống xương ngay.
- Muốn đi.
- Vậy thì nhìn đây! – Tôlic nói và đút tay vào túi.
Misca thản nhiên nhìn Tôlic. Nó đã được Maiđa bảo vệ. Hơn nữa Misca đã quen nghe Tôlic khoác lác. Nó hoàn toàn không nghĩ rằng chỉ sau một giây nó có thể biến thành một con bồ câu hoặc một con giun mà suốt đời sẽ phải sống dưới đất và chỉ bò lên vào những đêm mưa.
Tôlic có hộp diêm trong túi và mất vài giây suy nghĩ nên biến Misca và Maiđa thành con gì. Nhờ sự chậm trể đó mà chủ và chó được cứu thoát, bởi ngay lúc ấy Tritra đi tới.
- Mới quá nhỉ! – Tritra nói – Tớ rất khoái những chiếc xe đạp mới như thế này. Đưa đây tớ đi một tí nào!
- Tôi đã đi đâu – Tôlic nói.
Tritra cười mỉa:
- Tao đâu có hỏi là mày đã đi hay chưa. Tao nói: đưa cho tao!
Không đợi trả lời, Tritra giơ tay định nhấc xe đạp lên.
Tôlic bối rối nhìn Tritra, nó cảm thấy mình lúc này cũng giống như mấy đứa nhỏ bị nó quấy phá ban nãy. Tất nhiên,
Tôlic có thể biến Tritra thành con giun, con dế. Nhưng Tôlic không nghĩ ra điều đó bởi lẽ nó quá sợ Tritra.
Bỗng Tôlic nghe thấy tiếng của Misca:
- Không được đụng xe đạp. không phải của anh – anh không được đụng đến.
- A, nhà thể thao đấy à?! – Tritra cười mỉa – chắc đã lâu chú mày chưa được ăn gậy?! Tớ có thể …
Nhưng Misca không thèm cãi nhau với Tritra. Nó chỉ chiếc xe đạp và nói với Maiđa:
- Hãy giữ lấy.
Maiđa lại nằm cạnh chiếc xe. Con chó béc-giê lè lưỡi, nghiêng đầu về một phía, thản nhiên nhìn Tritra, như nhìn một đứa nhóc con. Tritra đỏ mặt. Nhưng nó không muốn rút lui trước mặt mọi người. Nó lại đưa tay về phía xe đạp. Con Maiđa gầm gừ, nhe hàm răng nhọn hoắt.
- Tốt hơn là đi đi, Tritra – Misca nói – Chúng tôi chẳng đụng gì đến anh kia mà.
Tritra chịu thua. Nó chắp tay ra sau lưng vừa đi vừa huýt sáo, như không có chuyện gì xảy ra.
Misca dựng xe lên.
- Nhìn kìa, pêđan bị gãy rồi – nó nói với Tôlic bằng một giọng như chúng chưa bao giờ cãi nhau. Và Tôlic cũng trả lời nó như là chưa bao giờ muốn biến Misca thành giun dế:
- Không sao. Bây giờ mẹ tớ có thể mua cho tớ hàng chục chiếc như thế.
Dù sao Misca vẫn quyết định đưa Tôlic về nhà. Nó dắt con maiđa về nhà mình rồi sau đó hai đứa cùng khiêng xe đạp lên cầu thang.
Mẹ mở cửa cho chúng. Thật là may. Mẹ là người đầu tiên nhìn thấy chiếc pêđan gãy và thầm thì:
- Giỏi thật! Chưa kịp ra khỏi sân thì pêđan đã gãy. Con thật là một cậu bé cừ khôi. Nhưng đừng nói với ba. Ngày mai chúng ta sẽ sửa lại thôi.
Misca ngạc nhiên nhìn mẹ Tôlic. Nó chưa bao giờ thấy cha mẹ khen con vì xe đạp gãy.
Nghe động ba cũng đi ra. Mẹ đứng che chiếc xe đạp nên ba không thấy gì.
- Xin chào, Mikhail! – ba nói – Sao đã lâu không thấy cháu tới chơi?
- Dạ … - Misca ngập ngừng. Nó không muốn nói là bọn chúng đã cãi nhau – Dạ … bài vở nhiều quá. Và cháu còn phải đi tập khúc côn cầu nữa.
- Chơi cẩn thận chứ không thì dễ bị gãy chân lắm – ba nói – Anatôli chơi thế nào, được chứ?
- Nó chơi giỏi lắm. Huấn luyện viên nói: nó chơi hay nhất.
- Chơi hay nhất à – ba cười to, tỏ vẻ hài lòng. Ông còn gọi vào bếp – Bà già ơi, nghe chưa, Anatôli của chúng ta chơi hay nhất đấy!
- Tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều đó – mẹ nhô ra khỏi bếp – Nhưng một lần nữa tôi yêu cầu anh không được gọi tôi là bà già.
- Thôi bà già ơi, tôi đùa đấy mà – ba cười – mọi người đều thấy là em còn trẻ và đẹp chán.
- Thôi, ông già, đi ăn cơm trưa đi.
- Nào thôi đi, các cụ - ba nói – Tôi còn phải xem khúc côn cầu nữa. Hôm nay ta đấu với Mỹ.
Sau bữa ăn, như thường lẹ, mẹ đi rửa bát đĩa. Ba đứng bên mẹ một phút tán chuyện rồi đi mở tivi xem trận đấu với Mỹ
Thầy Phù Thủy Đi Trong Thành Phố Thầy Phù Thủy Đi Trong Thành Phố - Iuri Tomi Thầy Phù Thủy Đi Trong Thành Phố