Số lần đọc/download: 1314 / 18
Cập nhật: 2016-06-09 04:38:44 +0700
Chương 7
H
ai bên cổng Bộ Hình, một đôi cờ đỏ sắc máu cắm ở hai giá gỗ sơn son theo chiều gió bay phấp phới, thỉnh thoảng phô ra hai chữ “Tĩnh, Túc” thêu bằng kim tuyến sáng rực.
Một lối đi rộng chừng ba thước, lát gạch, chạy từ cổng tới thềm. Hai bên lối đi này cắm san sát những cờ ngũ hành, bát quái phủ bóng xuống hai hàng lính mặc áo nâu đỏ, đội nón sơn, thắt lưng nhiễu quan lục bỏ múi sang cạnh sườn, cầm những mã tấu, roi quất, hèo hoa, thiết lĩnh nom rất nghiêm trang.
Ngay dưới bậc thềm, hai viên tả hữu phòng thành cầm hai thanh trường kiếm đứng thị lập oai phong như hai ông hộ pháp của nhà chùa.
Trên thềm, cách giọt ngói độ ba thước, đặt một tấm bình phong khung gụ cẩn, lòng gấm căng hai chữ “Thu Quan”. Và sau bình phong, ngay chỗ giáp khuôn cửa chính, một cái giá trắc đánh bóng cài đủ bộ bát bảo.
Giữa phòng, ba chiếc sập chân quỳ sơn son thiếp vàng, trên trải chiếu cói cạp điều. Một cái bàn dài kê trước ba chiếc sập và kèm hai bên hai hàng ghế phương kỷ. Hai tên lính cầm quạt lông trắng và bưng điếu khảm đứng chực sẵn ở hai bên mỗi sập, mặc dầu vào mùa này, quạt là một vật thừa, vô dụng.
Suốt công đường Bộ Hình tuy lính tráng, kẻ hầu người hạ đông đảo mà im phăng phắc. Dân gian qua lại bên ngoài cổng cũng chẳng ai dám thóc mách, chỉ khẽ liếc trông qua rồi lại cắm cúi đi mau, và rỉ tai nhau như sợ ai nghe tiếng:
- Hôm nay tòa Tam Pháp đăng đường xử cái án dâm loạn của Thái tử Lê Duy Vỹ và việc phá ngục do bọn Nguyễn Lệ thủ xướng.
- Ta liệu mau mau lên kẻo chỉ lát nữa là đường này bị cấm!
Quả nhiên, đúng giờ Mão, ba hồi trống cái bỗng từ trong Bộ Hình nổi lên vang dậy.
Tiếp theo ba hồi trống vừa dứt, chiêng bên “Giám ngục ty” cũng đổ ba hồi, báo hiệu các tội nhân sắp bị giải từ đề lĩnh sang tòa “Tam Pháp”.
Thì kia rồi, một đoàn giáp sĩ hiện ra với những lá cờ đuôi nheo đỏ ké, đi kèm hai bên các chính phạm: Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ, Ngự tiền Hiệu điểm Nguyễn Lệ, Phó hiệu điểm Vũ Bá Cảnh, cung nhân Lê thị Phương Mai.
Tội nhân bị giải thẳng lên hè “Tam Pháp ty”, ở đây được tháo bỏ xiềng xích, ngồi xổm cả xuống hàng hiên, trừ Lê Duy Vỹ được đặc biệt ngồi trên một cái ghế đẩu. Nếu ai tò mò nhìn vẻ mặt các tội nhân, người ấy sẽ nhận thấy Thái tử Lê Duy Vỹ bình tĩnh lạ, Nguyễn Lệ thì tức giận rõ rệt, Vũ Bá Cảnh, trái lại, đau đớn rũ rượi vì chàng đã bị tra tấn đến cực hình. Tên cung nhân vẫn nhởn nhơ, không tỏ ra lo lắng gì hết.
Đúng giờ Thìn, một hồi trống nữa nổi lên trong công đường, tiếp đến tiếng trống khẩu long tong từ ngoài xa tiến lại.
Các quan đăng đường!
Ba chiếc võng đào, có che lọng, từ từ ghé xuống thềm Bộ Hình. Rồi lần lượt hiện ra một vị lão quan râu dài, tóc bạc, mình mặc áo dạ màu lam, đầu quấn khăn nhiễu tam giang, ung dung lên ngồi vào sập chính giữa. Ấy là ngài Hình bộ Thượng thư, Tham tụng Lê Hạo. Một vị nữa, đầu râu cũng bạc trắng, mặc áo chẽn màu cổ đồng, ngồi vào sập bên tả. Ấy là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Sau cùng, một vị áo lam, mày râu nhẵn nhụi, ấy là Thái giám Phạm Huy Định. Hai vị này vốn không ở tòa Tam Pháp, sở dĩ có mặt ở đây là do đặc chỉ của Tĩnh Đô vương.
Theo sau ba vị ấy là tam viên thị lang, chủ sự, tư vụ, lại mục đều ngồi ở hai hàng phương kỷ đặt quanh chiếc bàn dài. Mấy tên lính đệ hồ sơ tử lập trên mặt bàn rồi lui ra hè.
Im lặng một lúc, Hình Bộ Thượng thư Lê Hạo truyền:
- Cho bị cáo vào. Bắt đầu từ cung nhân Lê thị Phương Mai.
Thiếu phụ tiến vào vào trước ba tòa quan lớn sụp lạy xong ngồi chờ hỏi.
Lê Hạo: “Đầu đuôi việc dâm loạn này ra sao, nhà ngươi phải nhắc lại cho thực và đúng với lời cung trước”.
Phương Mai: “Bẩm lạy ba tòa quan lớn, hôm ấy chúng tôi vâng lệnh Vương Thái phi cầm một câu ‘đăng mê’ sang hỏi nghĩa Đức ông Hoàng trừ...”
Hoàng Ngũ Phúc thét:
- Phải nói là tội phạm Lê Duy Vỹ!
- Bẩm, sang hỏi Lê Duy Vỹ. Ông ta thấy tiện thiếp là đàn bà, lại nhân lúc ấy không có ai, liền giở ngón lả lơi nài ép. Tiện thiếp không nghe, đương giãy giụa thì Thái giám Phạm đại nhân sịch vào bắt được. Sự này đầu đuôi toàn do tự ý Lê Duy Vỹ cả, tiện thiếp không có tội gì, xin ba tòa quan lớn minh xét cho!
Lê Hạo: “Được, cho thị lui. Đòi Vũ Bá Cảnh!”
Cảnh vào, dáng khúm núm và sợ sệt.
Lê Hạo: “Mày cùng Nguyễn Lệ và Lương Giản âm mưu chực phá ngục thất cứu tội nhân Lê Duy Vỹ, tội ấy có không?”
- Bẩm ba tòa quan lớn, sự ấy có và đều do lệnh truyền từ trước của Thái tử cùng Nguyễn Lệ, chúng tôi phận dưới chỉ biết vâng theo.
- Cho lui. Đòi Nguyễn Lệ!
Lệ vào.
Lê Hạo: “Tên Vũ Bá Cảnh đã cung khai và nhận tội rồi. Mày sao còn gan góc mãi để thêm khổ vào thân?”
Lệ trừng mắt nhìn ba người:
- Các ngươi đã có gan làm chó săn cho Trịnh Sâm, các ngươi sao lại thiếu can đảm để ra mặt đường hoàng mà giúp chúa các ngươi làm ác! Cần gì phải bày ra phiên án Tam Pháp này để lừa dối đàn bà con trẻ! Đàn bà con trẻ vị tất đã mắc lừa các ngươi...
Thái giám Phạm Huy Định thét:
- Quân bay, vả!
Võ sĩ liền kéo đến, dùng bàn vả gỗ đập vào miệng Nguyễn Lệ đến gãy cả răng, máu ra lênh láng.
- Lôi nó đi!
Nguyễn Lệ bị kéo tuột ra ngoài.
Đến lượt Thái tử Duy Vỹ vào.
Huy Định, Ngũ Phúc đều có dáng thẹn khi Thái tử ung dung bước vào phòng án.
Hình bộ Thượng thư Lê Hạo cũng thương chàng tự nhiên bị hãm vào vòng tù tội, liền dịu giọng hỏi:
- Đức ông là bậc Trừ quân của cả nước, lại rất am hiểu lễ nghĩa của Thánh hiền, vậy mà cũng nhảm nhí thế ư?
Thái tử mỉm cười:
- Ông bảo tôi nhảm nhí, vậy tôi đã nhảm nhí những gì?
Huy Định nói:
- Toan cưỡng bức cung phi của Tiên Vương là nhảm nhí, ông không hiểu ư?
Thái tử trừng mắt:
- Im ngay! Phận mày là liếm giày cho thằng Trịnh Sâm thì mày hãy nên chỉ làm cái việc của mày, nghe chưa?
Quay lại Lê Hạo, Thái tử tiếp theo:
- Ông, chức đến Hình bộ Thượng thư, một vị đại thần của nhà Lê mà cũng hùa theo kẻ loạn thần tặc tử mà hại ta sao? Nếu quả việc nhảm nhí đáng trách thì chính là việc này. Tôi nghĩ mà buồn cho nhân tâm thế đạo đời bây giờ quá đi mất, văn võ trăm quan hốt ngà đai ngọc, ăn lộc của nhà Lê mà quay lại giúp thằng giặc Trịnh Sâm lấn bức vua Lê, làm tình làm tội Thái tử nhà Lê, liệu có còn trời đất nào nữa! Họ Trịnh phỏng thử đã có công giúp vua trung hưng đế nghiệp chăng nữa, ấy chẳng qua cũng chỉ là cái việc đáng làm trong nhân luân đó thôi. Vậy mà tổ phụ ta cũng hậu đãi họ Trịnh trên cả nhân thần, phong vương phong tướng, cũng nghĩ rằng kẻ có công thì ban thưởng, ngờ đâu đẽo đòn gánh đè lên vai. Trước sự lăng loàn ấy, các văn thần vũ tướng, do khoa mục xuất thân, chẳng người nào dám có một cử chỉ hùng dũng, tỏ ra biết vì vua vì nước, tất cả chỉ chắp tay cúi đầu, vâng theo phường Tháo, Mãng để cầu vinh hoa cho thân mình. Ấy thế mà chúng còn cứ xoen xoét những cương thường, đạo lý nọ kia mà không biết thẹn!
Dứt lời, Thái tử bước ra khỏi phòng án:
- Ta chờ xem các ngươi làm những gì!
Ba tòa quan lớn ngồi ngây ra như tượng gỗ cả một lượt.
Sau cùng, Lê Hạo cất tiếng nói trước:
- Việc này tuy là theo lệnh của Đức Vương thượng bắt phải làm, nhưng cái thiển ý tôi xem ra thì tình ý đều mập mờ lắm, sợ không đủ lừa tai mắt thiên hạ. Huống hồ, Thái tử Lê Duy Vỹ là người tài cao, học rộng, đức hậu, thuần cẩn, không những đấng Tiên Vương đã tin yêu mà thần dân đều kính phục. Nay, buộc cho ngài cái tội dâm loạn tiên cung thị nữ, không có chứng cớ xác thực, tôi e thiên hạ sẽ bất bình và dị nghị thịnh đức và uy danh của Chúa thượng có thể bị tổn thương chăng. Các ngài nghĩ sao?
Phạm Huy Định cãi:
- Ngài bảo không đủ chứng cớ xác thực. Vậy thế nào mới là chứng cớ xác thực? Chính tôi bắt được quả tang hắn đương nài ép cung nhân Lê Thị mà lại.
- Ngài bảo chính ngài bắt được quả tang Thái tử...
- Chứ sao nữa!
- Thế ngộ thiên hạ hỏi: Tại sao giữa lúc ấy, ngài lại biết mà đến bắt quả tang?
Huy Định lúng túng:
- Thiên hạ!... Cần gì thiên hạ! Đứa nào bàn tán lôi thôi, cứ cắt phăng lưỡi nó đi. Vả lại, việc này hoàn toàn do ý Chúa thượng muốn, mình trái ý ngài, đầu mình sẽ không còn.
Lê Hạo đánh tháo:
- Ai dám trái lệnh Chúa thượng! Chẳng qua tôi cũng bàn góp chút ý kiến của tôi đó mà thôi, còn nên chăng thế nào, xin tùy hai ngài!
Hoàng Ngũ Phúc đáp:
- Quan Hình bộ Thượng thư chớ lo, đâu đó đã có Chúa thượng. Bọn mình chỉ biết sai làm là làm.
Huy Định tán thành:
- Phải rồi! Người trên sai làm là ta cứ việc làm. Tội vạ, chê cười chẳng đâu đến phần ta.
Lê Hạo vuốt râu:
- Xin vâng! Thế bây giờ ta nên luận tội từng tên một để khép vào hình án. Trước hết hãy bàn về tên cung nữ Lê Thị.
Thái giám ngắt:
- Nó là tay sai của tôi, nhờ có nó ta mới khép án bọn Duy Vỹ được. Như vậy là nó có công chứ không có tội gì. Vậy cho nó trắng án để Chúa thượng còn thưởng cho nó.
- Không được!
Phạm Huy Định kinh ngạc, giương to hai mắt nhìn Việp Quận công:
- Sao lại không được?
- Phàm muốn vu oan cho người nào và lại muốn cho sự vu hãm ấy không lộ ra ngoài, điều cần là phải bịt miệng...
- Nghĩa là tướng công bàn nên giết cung nữ?
- Phải!
- Ồ...
- Nếu ông không nghe tôi, bao điều bí mật chỉ vài hôm là ra ngoài hết.
Lê Hạo lấy lòng Ngũ Phúc:
- Việp tướng công nói phải!
- Nếu vậy, tôi cũng tùy!
Lê Hạo:
- Giờ xin bàn đến Vũ Bá Cảnh và Nguyễn Lệ...
Cả Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Định cùng nói:
- Giết!
- Thế Lê Duy Vỹ?
- Tam ban triều điển!
Án quyết.
Tám người thuộc viên cắm cúi viết.
Một lát sau, trống rung ba hồi. Ba hồi trống gấp, ngắn, hằn học, cay nghiệt, nghe rất ghê rợn. Xong đâu đấy, các tội phạm đều phải ra đứng sắp hàng trước án thư, đằng sau có giáp sĩ cắp gươm đứng kèm.
Viên thị lang tào hình, theo lệnh ba tòa án quan, cất tiếng dõng dạc tuyên bố:
“Thừa Thánh chỉ ngày, tháng, do nội các cung lục;
Thừa ý chỉ Đại nguyên súy Thống quốc chính Tĩnh Đô vương, do thị nội phiên cung lục.
Hình bộ Đô sát viện, Đại lý hợp thành Tam Pháp ty xét tội Lê Duy Vỹ, Lê thị Phương Mai can tội dâm loạn, và các tên Lương Giản, Vũ Bá Cảnh, Nguyễn Lệ đồng âm mưu phá nhà linh ngũ để cứu thoát tội nhân Lê Duy Vỹ.
Cứ lời cung của nguyên cáo là Thái giám Phạm Huy Định, lời cung của Vũ Bá Cảnh thì các việc dâm loạn và phá ngục cướp tù nói trên là có thực cả vì đều bị bắt quả tang.
Nghĩ theo đúng quốc pháp, tội nhân nặng nhẹ tùy theo công việc phải chịu hình phạt như sau:
Lê Duy Vỹ phải tội lăng trì xử tử.
Lê thị Phương Mai phải tứ mã phanh thây.
Vũ Bá Cảnh, Nguyễn Lệ trảm quyết.
Lương Giản xử tử vắng mặt.
Nhưng nghĩ: Lê Duy Vỹ vốn dự vào cành vàng lá ngọc, lại đã ở ngôi Trừ quân thì được ơn chịu ‘tam ban triều điển’.
Tất cả ngần này tội nhân đều chờ lệnh chỉ của Vương thượng ban xuống là hình phạt tức khắc thi hành”.
Viên thị lang tào hình vừa dứt tiếng, cung nữ họ Lê liền vật mình khóc tru lên:
- Thái giám ơi, tôi có tội gì mà ngài nỡ để quan tòa giết tôi! Tôi chỉ vâng lệnh ngài và ý chỉ của Chúa thượng mà thôi... Vậy mà nay tôi phải ngựa xé. Trời ơi là trời!
Huy Định thét:
- Võ sĩ đâu, nhét giẻ vào miệng nó!