Số lần đọc/download: 2089 / 57
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Chương 7
H
ai tháng liền, Khoa đánh nhau với giặc dốt. Nhi đồng thôn dưới không còn thằng nào mù chữ nữa. Trước khi đáng giặc Pháp, phải tiêu diệt giặc dốt. Những vở kịch của thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, diễn ở sân khấu đình, toàn nói về sự tệ hại của nạn mù chũ. Bài hát Cô Tú 1 vang vọng ngày đêm:
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa
Đánh vần năm ngoái năm xưa
Năm nay quên hết cô chưa biết gì
Lưng trời tiếng sáo vu vi
Vẳng nghe ai học chữ i chữ tờ
Sách i tờ phát không cho học
Liệu cô mình đã đọc được chưa
Đôi bên bác mẹ cùng già
Lấy cô hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông
Ruộng vườn thóc lúa tinh thông chẳng nhầm
Nụ tầm xuân còn đang phong nhụy
Xin cô mình đừng phí ngày xanh
Bình Dân Học Vụ lập thành
Cô mau tới đó học hành cho thông
Sách i tờ phát không cho học được hát là Sách i tờ Pháp không cho học. Có lý ghê. Giặc Pháp muốn dân ta mù chữ, ngu dốt, nên sách i tờ nó không cho dân ta học! Trên tường đình, tường miếu, tường quán, những khẩu hiệu cũ bị xoá đi, viết những khẩu hiệu khuyến học:
Lấy chồng biết chữ là tiên
Lấy chồng mù chữ là duyên con bò
Hay:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Vì không biết chữ nên chồng cô chê
Hay Đi học là yêu nước, Giặc dốt nguy hiểm như giặc Pháp, Tiền tuyến diệt giặc Pháp, hậu phuong diệt giặc dốt… Mỗi buổi trưa, trên các chòi phát thanh, cán bộ Bình dân học vụ gọi loa chống giặc dốt.
Hôm nay, là ngày kiểm điểm kết quả. Con đường duy nhất thông ra đường Lầy, để qua Thọ Bi, và đi đến chợ Ô Mễ, bị chắn ngang bằng cây tre bương. Có hai cổng: Cổng sáng và cổng dốt. Cổng dốt là cái hố sâu, đầy bùn quyện lấy rơm và phân trâu bò. Cổng sáng rộng thênh thang, sạch sẽ. Một tấm bảng đen dựng bên cổng sáng. Rất đông người đứng ở ải địa đầu của dân đi chợ. Bất cứ ai, muốn qua lối này, phải đọc nổi hàng chữ viết sẵn trên bảng. Đọc nổi thì qua cổng sáng, được vỗ tay hoan hô. Không đọc được thì… lội bùn, bị chế nhạo xấu hổ. Phần đông, các cô đọc thông, vì đã đi học Bình dân học vụ. Còn các bà đứng tuổi, các cụ già vẫn mù chữ. Nhiều bà đội gạo nặng, không thể đội gạo lội bùn, phải nhờ người đỡ thúng gạo xuống, chuyển sang bên kia đường, rồi mới vén váy tới háng, mà lội bùn. Quang cảnh buồn cười vỡ bụng. Nhiều bà sợ lội bùn, phải trở lại, tìm đường tắt qua cánh đồng, đi chợ. Lội bùn xong, đi kiếm vũng nước rửa bùn. Còn bị gọi là giặc dốt, người mù chữ… Cụ già sáu mươi van nài qua cổng sáng không xong, chửi ầm ỹ, rồi cũng đành lội bùn. Đạo quân diệt giặc dốt trẻ không tha, già không thương. Muốn thoát cảnh lội bùn, đi học i tờ. Học i tờ dễ lắm. I tờ giống móc cả hai, I ngắn có chấm tờ dài có ngang.
Ngày đầu kiểm điểm kết quả, thấy dân làng vẫn đông đàn bà mù chũ. Người ta hoạt động hăng hơn. Nếu không còn ai mù chữ, giặc Pháp sẽ thua bét tĩ, chẳng cần đánh, giặc Pháp cứ thua như thường. Khoa nẩy ra cái ý mở ở thôn nhà một lớp Bình dân học vụ. Nó chọn từ đường nhà họ Vũ làm trường học. Ban ngày, đi học mãi tận trường Ô Mễ, buổi tối, Khoa về dạy học i tờ.
Đi học thật khổ. Năm giờ sáng thức dậy, ăn một bữa cơm no căng bụng, chờ mẹ nắm cho nắm cơm ép vào mo cau, gói thêm vài con tôm kho mặn, hay dúm muối vừng bỏ trong cặp, chân đất, cuốc bộ năm, sáu cây số tới trường. Buổi trưa, ở lại, ăn cơm nắm, học đến chiều. Những hôm trời nhiều sương muối, đạp chân lên ngọn cỏ, sương muối cơ hồ mũi kim đâm vào da thịt. Thiếu thốn đủ mọi dụng cụ học trò. Chép bài trên giấy dầy cộm, mà ngòi bút ấn mạnh, là lôi cả mảng giấy lên. Học vất vả quá, chẳng đi tới đâu. Vừa học, vừa lo máy bay Pháp bỏ bom. Mỗi cậu học trò phải đào một cá hố cá nhân, phòng máy bay giặc oanh tạc. Trời mưa hay trời nắng, mùa đông hay mùa hè, học hành chả đâu vào đâu, Khoa vẫn lóp ngóp đến trường.
Khoa ngỏ ý mở lớp Bình dân học vụ với mẹ. Me Khoa bằng lòng ngay:
- Còn hơn mày di tập kịch; ngũ lang, ngủ chạ bệ rạc, ghẻ lở.
Cha Khoa không ở nhà thường xuyên. Ông sang Đống Năm, xuống Tiền Hải, qua Thần Đầu, Thần Huống buôn bán, mỗi tháng, về nhà vài hôm, nghỉ ngơi. Ông đi khắp nơi, cố ý tìm Vũ, bắt Vũ trở về.
- Mày làm thầy giáo, chắc buồn cười lắm nhỉ?
- Con là chiến sĩ chống giặc dốt.
- Chiến sĩ i tờ!
- Mẹ giúp đỡ con nhé!
- Bảo Liên của mày nó giúp đỡ mày.
Khoa mở cờ trong bụng. Nó có nhiều dịp gần gũi Liên rồi. Khoa nín thinh. Nó lần mò sang nhà cu Đường. Gặp Đường ở cổng nhà nó, Khoa hỏi:
- Con Liên đâu?
Đường trổ tài… Bình dân học vụ:
- Nờ o no sắc nó ngờ u ngu hỏi ngủ.
- Mày đánh thức nó dậy đi.
- Nờ o no sắc nó bờ ao bao hỏi bảo nờ o no sắc nó bờ uôn buôn huyền buồn nờ o no sắc nó thờ ích thích sắc thích ngờ u ngu hỏi ngủ.
- Ai dạy mày đánh vần thêm nhiều chữ khó thế?
- Con Liên. Ông biết viết cả chữ hoa rồi.
- Nó có xưng cô với mày không?
- Không.
- Nó là cô giáo của mày. Mày phải xưng con với nó.
Đường chìa khuỷu tay:
- Cái này này…
Kho vỗ nhẹ vai Đường:
- Đêm hôm lâu rồi, mày rủ tao về nhà mày ăn khoai nướng ấy mà, con Liên bảo để phần cho tao một miếng, nó có để phần không?
Đường toét miệng cười:
- Mày không chịu sang, nó đem miếng khoai để phần cho mày nuôi kiến. Bọn kiến chưa ăn hết đâu.
- Nó buồn chuyện gì?
- Bố nó sắp đi làm nhà in báo của chính phủ. Chú tao cũng đi theo.
- Mẹ nó có đi không?
- Không.
- Thế thì buồn ở cái khổ nào?
- Nó nhớ Hà Nội.
- Bao giờ nó mới dậy?
- Còn lâu.
- Tao ngồi đây chờ.
- Làm gì?
- Làm nó hết buồn.
Tự nhiên Đường nói:
- Nó khen mày hát hay đấy. Ba chê là khen đấy, Khoa ạ!
Hai đứa ngồi trên bậc cổng. Buổi trưa, im vắng. Ở nhà quê, không ai biết chủ nhật. Một mình Khoa biết thôi, vì nó nghỉ học hôm nay. Sắp tết rồi. Trời đã hết mưa, và bớt lạnh. Nắng hanh vàng ấm áp. Khó chịu cho lớp da mặt, không tệ hại như mưa dầm gió bấc. Con chích chòe, có thể, thảnh thơi đậu trên cành soan cao, hót một điệu tuyệt vời nhất. Con cu gáy, có thể, núp kín trong đám lá rậm của cây bòng, làm thời gian dài ra, bằng tiếng gáy của nó. Ở sân nhà Đường, lũ chim chích đang cãi nhau chí chóe, dưới chân đống rơm mới.
Mùa xuân gần kề. Bài giảng văn Khoa vừa chép: Mưa xuân đã rắc bụi. Lộc tơ đã nẩy ra những chồi xanh ngắt, để báo hiệu cho chúng ta biết, ngày tết Nguyên Đán sắp tới. Nhưng năm nay, toàn dân ta vẫn còn phải nỗ lực kháng chiến chống bọn thực dân xâm lăng Pháp… Tết kháng chiến năm nay sẽ buồn tẻ như tết kháng chiến năm ngoái. Tết không đốt pháo, không phải là tết. Bài thơ, Khoa mới học:
… Xuân trời đất làm bằng hoa bằng lá
Người Việt Nam làm bằng súng bằng gươm
Xuân muôn năm lấy sắt lửa mà làm
Hoa hạnh phúc nẩy tự nòng đại bác
Lòng lựu đạn chứa hương thơm ngào ngạt
Bắn đi, ném đi, gươm dáo chém đi
Chặt ngang thây phường cướp nước gian phi
Lũ cỏ dại bắn vào hàng ngũ chúng
Xuân sẽ mở khi đứt đầu phản động
Máu Việt Nam không chen máu tanh hôi
Binh sĩ ta đem cả sức vô hồi
Bắt tạo hóa nở nụ cười độ lượng…
Như thế, tết, hay không tết, đối với Khoa, cũng chả ăn thua gì. Chỉ làm Khoa tương tư mùi khói pháo, không thoát lên được, bởi lớp sương dầy, trong không khí lạnh. Khoa đã hết nhỏ bé, để thích tranh gà, tranh lợn, để thích tiền mừng tuổi và mặc quần áo mới. Mà, chẳng ai mừng tuổi ai. Người ta mừng tuổi cụ Hồ, gửi tiền mừng tuổi bộ đội. Tết kháng chiến đó. Tết kháng chiến. Đám cưới kháng chiến. Đám giỗ kháng chiến. Đám ma, cũng kháng chiến nốt! Nhiều tập tục đã bị kháng chiến giết chết oan uổng. Cái trống cơm, cái kèn đám ma chết trước. Đàn bầu thôi nẩy những điệu lãng mạn thuần túy của quê hương. Mà, chơi… chào cờ, mặc niệm! Ngay cả tranh gà, tranh lợn mộc bản cũng bị khắc thêm câu thơ thi đua tăng gia sản xuất:
Cụ ông thi với cụ bà
Nuôi lợn cho béo nuôi gà cho to
Chẳng còn gì cả. Mầu sắc tết cổ truyền chìm lấp dưới lớp hắc ín kháng chiến. Khoa thì chỉ thấy tết tẻ nhạt, vì thiếu pháo nổ, thiếu vôi bột rắc đầy ngõ, thiếu cây nêu cao. Cây nêu cao phải treo cờ!
- Sắp tết rồi. Khoa nhỉ?
- ừ.
- Đã tập vở kịch diễn tết chưa?
- Chưa. Tao chán diễn kịch rồi. Tao sắp làm việc khác.
- Tát ngòi, bắt cá lấy tiền mua trống đồng chứ gì! Ông biết tỏng.
Thẳng Vĩ nói khúc ngòi chúng mình nhận tát, có hai cái hang cá trê.
- Thế à?
- Ừa.
Hai thằng bạn quay mặt ra ngõ, không biết con Liên tinh quái đã thức, và rón rén tới cổng. Nó nhẹ nhàng leo lên ngồi trên cây tre, bắc ngang cái cổng, làm như căn nhà nhỏ bé. Nó lặng thinh hóng chuyện.
- Này Khoa!
- Gì?
- Mày học giỏi thế, mày đã đọc truyện Trên bến Búng 2 chưa?
- Chưa.
- Tao đọc rồi.
- Nói phét. Mày mới đánh vần thông thạo thôi.
- Con Liên kể cho tao nghe. Nó bảo bà lão chở thuyền ở bến Búng đục thuyền, làm hai mươi thằng thực dân Pháp chết đuối.
Liên phá ra cười. Cả hai thằng cùng quay lại. Khoa ngỡ ngàng. Đường xấu hổ. Liên nheo mắt:
- Cu Đường là cu Cuội… Liên kể chuyện Trên bến Búng cho cu Đường nghe bao giờ? Người ta mới hứa kể, đã khoe.
Đường cười trừ. Liên trách Khoa:
- Cu Khoa cũng là cu Cuội. Bảo sang ăn khoai nướng không sang, bắt tội kiến ăn no nê.
Kha móc trong túi ra gói lạc rang:
- Khoa đền tội, nhé!
Liên hỏi:
- Cái gì đó?
Khoa đáp:
- Lạc rang.
Liên cầm ngay gói lạc, liến thoắng:
- Lạc rang à? Liên thích lắm.
Con bé bóc gói lạc, nhón một hạt, còn bao nhiêu đổ vào túi áo mình. Nó vê vỏ, tách hạt lạc làm đôi. Một nửa, Liên thảy vô miệng, nhai ròn. Một nửa, nó đặt ngửa giữa lòng bàn tay, chỉ cái chấm nhỏ trên đầu hạt lạc:
- Cu Khoa biết không?
- Biết.
- Nói xem nào.
- Trúng được gì?
- Muốn gì được nấy.
- Muốn hai điều thôi.
- Ừ.
- Điều thứ nhất, cấm gọi Khoa là cu Khoa,
- Còn điều thứ hai?
- Sẽ nói sau.
- Vậy, chấm nhỏ trên đầu nửa hạt là gì?
- Ông cụ! Ông cụ bé tí ti. Tí ti ông cụ!
- Còn là gì nữa?
- Ông lão. Một ly ông lão, một ly ông cụ…
Liên cười:
- Ăn lạc rang khoái nhất là nhấm ông cụ, bằng răng cửa.
Khoa nói:
- Liên thua cuộc rồi.
Liên nhìn Khoa, nhấm nhẳn:
- Thế à, cu Khoa?
Khoa nhắc:
- Cấm gọi cu Khoa.
Liên nheo mắt:
- Ờ nhỉ, Liên quên. Điều thứ hai ra sao hở, Khoa?
Khoa hơi bối rối. Nó sợ nhỡ tầu lắm. Ở đây, bị Liên cho nhỡ tầu, làm gì có ô tô ray mà đi? Khoa không đáp câu hỏi của Liên. Nó ngó Đường:
- Cu Đường đánh vần cừ ghê.
- Mày cũng học đòi cái Liên à?
Liên dọa Đường:
- Hễ gọi cái Liên, không thèm dạy học nữa, cho mù chữ luôn.
Đường vênh mặt đáng yêu:
- Đây hết mù rồi.
Khoa lắc đầu:
- Mày hết mù, nhưng còn chột. Mày chột chữ.
Liên thích chí:
- Cu Đường chột chữ vẫn bị lội bùn!
Đường cáu quá, chạy vào nhà. Khoa đang mong thế. Để có nhỡ tầu, chỉ mình Khoa biết. Nó nói:
- Thôn mình đông người mù chữ quá, Liên ạ!
Liên ỡm ờ:
- Thôn mình là thôn nào?
- Thôn này.
- Liên tản cư mà. Dân tản cư mà…
- Tản cư về đây, thì đây là thôn mình.
- Rồi sao?
- Khoa định mở lớp Bình dân học vụ tối, thi đua với thằng Huệ, Liên đến dạy với Khoa nhé!
- Dạy i tờ?
- Ừ.
- Làm cô giáo?
- Ừ.
- Được gì?
- Mỗi tối, một gói lạc rang.
- Giúp Khoa thôi, hở?
- Giúp nhiều người.
- Liên không gia nhập thiếu nữ đâu. Liên ở đây chờ về Hà Nội.
- Càng tốt. Khoa không thích Liên gia nhập thiếu nữ.
- Tại sao?
Khoa muốn trả lời, tại vì Khoa không thích Liên quen với thằng nào, ngoài cu Đường nhà quê và Khoa. Khổ nỗi, Khoa ngập ngừng, chẳng thể nói một câu ngon ơ như sáo chó. Nó đưa ngón tay cái lên miệng, cắn móng:
- Liên bằng lòng chứ, Liên?
Liên hỏi:
- Dạy tối, về khuya, Liên sợ ma. Khoa dẫn Liên về cơ.
Khoa lặng thinh giây lát, cho niềm sung sướng thấm vào tâm hồn nó. Đôi mắt Khoa long lanh. Đôi mắt ấy, nhìn Liên. Bỗng dưng, sự láu lỉnh, vẻ hóm hỉnh của Liên trốn đâu mất. Con bé cúi đầu, vân vê mép áo. Khoa nói nhỏ, thật nhỏ:
- Khoa sẽ dẫn Liên về.
Tiếng nói của Khoa chìm biến. Chỉ còn nghe rõ tiếng hót tuyệt diệu của con chích chòe trên cành soan, gần đó. Và, tiếng gió luồn qua bụi tre. Và, tiếng nắng nhảy múa, làm rung rinh những chiếc lá không muốn úa vàng.
--------------------------------
1 Tác giả bản nhạc Cô Tú là Châu Long (hay Long Châu) thuộc phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ ra đời trước 1945. Nhưng giặc dốt bị thanh toán ồ ạt vào khoảng 1947. Và, Bình Dân Học Vụ thay thế Truyền Bá Quốc Ngữ
2 Trên bến Búng, một truyện vừa của Hoàng Công Khanh, đề cao lòng yêu nước của một bà lão