Số lần đọc/download: 897 / 39
Cập nhật: 2020-03-12 22:18:07 +0700
Nguyên Thủy Thiên Tôn
*Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn còn gọi là “Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn”, là vị tối cao trong Tam Thanh, cũng là vị Tôn Thần hạng nhất của Thần Tiên Đạo Giáo. Theo “Lịch đại thần tiên thông giám” tôn xưng Ngài là “Vị Tổ chủ trì cõi trời”. Địa vị của Ngài tuy cao, nhưng lại xuất hiện muộn hơn Thái Thượng Lão Quân.
Hồi đầu của Đạo giáo không thấy nói đến Nguyên Thủy, trong “Thái Bình Kinh”, Tưởng Nhĩ Chú” cũng đều không thấy ghi tên Ngài, kể cả trong thần thoại xưa Trung Quốc cũng không thấy nói đến hành trạng Ngài. Danh xưng Nguyên Thủy xuất hiện sớm nhất trong “Chẩm trung thư” ghi là “Trước lúc hổn độn chưa phân rõ (thái cực), đã có “tinh hoa của trời đất” hiệu là “Nguyên Thủy Thiên Vương” sẵn bên trong, sau phân hóa thành hai phần (lưỡng nghi), Nguyên Thủy Thiên Vương ở phía trên cõi trời, ngẫng lên hút thiên khí, cúi xuống uống địa tuyền (suối đất ) trải qua vô số kiếp, cùng với Thái Nguyên Ngọc Nữ thông khí kết tinh mà sanh ra Thiên Hoàng Tây Vương Mẫu. Thiên hoàng sanh ra Địa Hoàng, Địa Hoàng sanh ra Nhân Hoàng, tiếp tục sanh ra con cháu là Bào Hi, Thần Nông. Cho nên bảo rằng: “Phía trên Đại La có bảy ngọn núi báu gọi là Huyền Đô Ngọc Kinh, có ba cung. Thượng cung là nơi ở của Bàn Cổ Chân Nhân, Nguyên Thủy Thiên Vương và Thái Thái Thánh Mẫu”. Như vậy, từ đây mới có danh xưng Nguyên Thủy Thiên Vương.
Đến thời kỳ Nam Bắc triều, trong sách “Chân linh vị nghiệp đồ” của Đào Hoằng Cảnh nước Lương, mới ghi danh hiệu Nguyên Thủy Thiên Tôn. Sách nầy nói rằng vị thần tối cao làm chủ tất cả là “Thượng thai hư hoàng đạo quân”, hiệu là Nguyên Thủy Thiên Tôn, cũng xưng là Ngọc Thanh Cảnh Nguyên Thủy Thiên Tôn. Nhưng trong sách nầy lại cũng có ghi vị “Nguyên Thủy Thiên Vuơng” được xếp vào vị trí thứ tư, gọi là “Tả vị đệ tứ thần”.
*Sách “Kinh Tịch Chí Tứ” đời Tùy giải nghĩa đặc tính của Nguyên Thủy Thiên Tôn và chư thần, nói rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn sanh trước khi có trời, cho Ngài là “Thể của trời, còn mãi không mất. Mỗi khi mở ra trời đất, nhận cái đạo thể bí mật thần diệu đó mà sinh trưởng. Trời đất chẳng phải cùng có một lần, mà phải qua các trình tự:- diên khang, xích minh, long hán, khai hoàng, trải suốt bốn mươi triệu năm. Hàng thượng phẩm của chư Tiên có Thái Thượng Lão Quân, Thái Thượng Trượng Nhân, Thiên Hoàng Chân Nhân, Ngũ Phương Ngũ Đế và các Quan Tiên”.
Các đạo sĩ đời Tùy lại xưng Ngài là “Lạc Tĩnh Tín”. Như vậy, bắt đầu từ đời Tùy, Đường mới có xuất hiện các chuyện thần thoại nói về các vị thần tối sơ và nêu lên tín ngưỡng của tín đồ Đạo giáo đối với Nguyên Thủy Thiên Tôn.
*Liên quan đến danh xưng Nguyên Thủy Thiên Tôn, trong “Sơ Học Ký” quyển thứ hai mươi ba có dẫn theo “Thái Huyền Chân Nhất bản tế kinh” giải thích:-“Không gì tôn kính hơn, không gì cao cả hơn, là bậc duy nhất khởi đầu cho muôn vật, nên có tên là “Nguyên Thủy”, chuyển vận cái “Đạo” hết sức tôn quí, lại thường cai quản nhị thanh (thượng thanh và thái thanh), ở trên các trời, nên xưng là “Thiên Tôn”.
*Sách “Lịch đại thần tiên thông giám” nói:- “Nguyên chính là gốc, thủy chính là khởi đầu, tức là khí tiên thiên vậy”. Điều đó nói lên Nguyên Thủy là nguồn gốc tối sơ của muôn vật, ở trên tất cả thần tiên, gọi là “Thiên Tôn” (tôn quí hơn cả trong hàng chư thiên).
* Căn cứ vào Đạo Kinh thì:- “Nguyên Thủy Thiên Tôn vốn là “Khí tự nhiên”, có trước vũ trụ vạn vật. Thể của nó còn mãi chẳng mất, cho dù trời đất có hủy diệt thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của nó. Cứ mỗi lần hình thành “trời đất mới” thì Thiên Tôn lại giáng lâm nhân thế, khai mở đạo pháp áo bí để độ chúng sanh. Chỗ độ người nầy là những phẩm cao nhất của thiên tiên, kể cả “Thái Thượng Lão Quân”, “Thiên Chân Hoàng Nhân”, các thần tiên năm phương cõi trời. Những lần hình thành “trời đất mới” đều có niên hiệu như là:- “Diên Khang”, “Xích Minh”, “Long Hán”, “Khai Hoàng” v.v…Mỗi niên hiệu kéo dài 41 triệu năm. Do đó, đức Nguyên Thủy Thiên Tôn ở nơi tầng cao nhất là cõi “Đại La Thiên” trong 36 cõi trời. Theo Ngọc Kinh diễn tả là, đất bằng vàng ròng, thềm bậc là ngọc thạch. Trong cung có bảy báu, ngọc quí, các vị Tiên Vương, Tiên Công, Tiên Khanh, Tiên Bá, Đại phu Tiên cùng ở điện trung ương và điện hai bên. Hình thái nầy là do người thế gian mô phỏng theo sinh hoạt của vua chúa trần gian mà tả ra.
*Như vậy, ta thấy quá trình biến hóa gốc từ “nguyên tủy” vốn đầu tiên là thuật ngữ triết học của Đạo gia, về sau mới được “thần hóa” dần dần trở thành Vị Tối Cao của các thần trong Đạo giáo, đứng đầu Tam Thanh. Nếu nhìn ở giác độ lịch sử thì việc chuyển từ quan điểm cá nhân của đạo gia trở thành quan điểm chung của đạo giáo cũng là điều dễ hiểu, cho việc tạo thành “Đấng tối sơ duy nhất” nầy.
*Cũng theo “Lịch đại thần tiên thông giám” mô tả về Nguyên Thủy Thiên Tôn “hào qung bao quanh đầu, toàn thân có 72 sắc”, cho nên trong điện thờ “Tam Thanh”, hình tượng Nguyên Thủy đầu có vầng hào quang, tay cầm viên linh đan màu đỏ; hoặc tay phải như đang bưng một vật gì còn tay trái thì ném cái gì đó ra ngoài. Hình tượng nầy mang ý nghĩa “trời đất chưa thành hình, còn hỗn độn chưa mở ra, muôn vật chưa sanh ra” để diễn ý “trạng thái vô cực” và “thời hỗn độn chưa phân rõ âm dương” ở vào đại thế kỷ thứ nhất.
Cho nên về sau, Đạo gia lấy ngày “ Đông Chí” mang nghĩa “dương sanh âm giáng, ngày ngắn đêm dài” làm ngày thánh đản của đức Nguyên Thủy Thiên Tôn.
Thời gian trải qua khá lâu, sự sùng bái Ngài được sâu rộng, trên là từ vua chúa, dưới đến thứ dân, không ai là chẳng thành tâm lễ lạy.
Nguyên Thủy Thiên Tôn
Nguyên Thủy Thiên Tôn còn được tôn xưng là 「Nguyên Thủy Thiên Vương 」,「Ngọc Thanh Tử Hư Cao Thượng Nguyên Hoàng Thái Thượng Đại Đạo Quân 」, là Ông Tổ của Đạo Giáo. Ngài đã hiện hữu từ lúc “Thái nguyên” (lúc chưa mở ra vũ trụ vạn vật) cho nên được xưng là “Nguyên Thủy” (bắt đầu).
Theo truyền thuyết, lúc “Thái cực” chưa phân thành “Lưỡng nghi”, trời đất mặt trời mặt trăng chưa có, đã hiện hữu một vị “Bàn Cổ Chân Nhân”, là tinh hoa đầu tiên của vũ trụ, tự xưng là 「Nguyên Thủy Thiên Vương ].
Trải qua thời gian tám kiếp số, mới phân thành hai nghi âm dương. Khi ấy, Nguyên Thủy Thiên Vương trụ tại Ngọc Kính Sơn, phía trên của trung tâm. Ngài đã hấp thu tinh hoa của khí trời và suối đất (thiên khí địa tuyền) mà sống.
Thông thường, dân gian hay lầm lẫn cho rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn cùng với Ngọc Hoàng Thượng Đế là một vị, kỳ thực không phải thế.
*Căn cứ vào sách “Đào Hoành Cảnh Đích Chân Linh Vị Nghiệp Đồ”, chia các thần thành bảy cấp, để Nguyên Thủy Thiên Tôn ở chính vị của “Thượng Thanh”, Thái Thượng Lão Quân ở chính vị của “Thái Thanh”, còn Ngọc Hoàng Thượng Đế ở trung vị thứ nhất của cung thứ ba “Ngọc Thanh”.
Nói cách khác, trên Ngọc Hoàng Thượng Đế còn có Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân, mà hai vị nầy khác nhau, nên chủ tể chân chính của trời đất muôn vật phải là Nguyên Thủy Thiên Tôn.
Thế gian đem Nguyên Thủy Thiên Tôn cho đồng với Ngọc Hoàng Thượng Đế chẳng qua là tại tinh thần kính trời sợ thần, e rằng thiếu sự tôn kính mà thôi.
Phong tục dân gian cứ vào đêm trừ tịch, cử hành nghi thức cúng lễ Nguyên Thủy Thiên Tôn tại các điện thờ, bắt đầu từ 11 giờ 30 phút đêm ấy, số người tham dự quá đông, kẻ đến sau không thể chen chân vào lễ lạy được.
*Ngày vía của Nguyên Thủy Thiên Tôn là ngày mùng một tháng giêng.