A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Cao
Upload bìa: Duy Cao
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2021-04-18 17:57:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
HỮNG CON CHIM LẠ ĐÃ CHỊU GHÉ giàn hoa giấy dưới nhà và trên sân thượng. Tường Thanh kể rằng, mấy bữa nay, có con chích choè bị ai bắn mù một mắt, đậu suốt buổi sáng trên chiếc lồng chim khuyên kết hoa rực rỡ. Con chích choè hót thật hay, thật não nùng. Như thể nó cũng mang niềm u ẩn. Nó không sợ sa bẫy. Chắc nó biết
ởđây người ta cần nó, cần tiếng hót của nó. Nó đã làm những con chim khuyên ngứa cổ, ca hót chẳng thiết ăn uống, chuyền nhẩy.
Nhờ tiếng hót của loài chim, Tường Vi ngủ không giật mình. - Ông sẽ thấy con chích choè kỳ diệu đó, ông Hoài ạ!
Tôi nhìn nàng đăm đăm. Khiến Tường Thanh ửng hồng đôi má.
Nàng bẻ bão tay, cố che giấu một xúc động thơm nồng.
-Tôi chỉ muốn thấy con bướm cũ về âu yếm nụ hoa xưa. Nàng chớp mắt:
-Nụ hoa xưa không nở nữa. Con bướm đã hóa kiếp rồi. Hai giọt nước mắt nàng ứa ra. Tôi rút khăn đưa cho nàng:
-Ở miền hoa lan của cô, tôi chắc nụ nào cũng phải nở hoa.
Nàng đỡ chiếc khăn của tôi không ngần ngại. Thấm nước mắt, nàng gượng cười:
-Làm một sợi dây leo trên cây hạnh phúc đã đủ hạnh phúc rồi, ông Hoài nhỉ? Đôi khi, tôi thích bị tật nguyền.
Nàng trả tôi chiếc khăn:
-Ông đã đọc truyện ngắn "Bàn tay sáu ngón" của Bình Nguyên Lộc chưa?
Tôi đáp:
-Rồi. Nàng hỏi:
-Ông nghĩ sao? Tôi thở dài:
-Thấm thía.
-Đấy, ông Hoài coi, cái anh chàng thư ký hèn mọn được nhiều người chú ý đến mình chỉ vì bàn tay phải của anh ta có sáu ngón. Anh ta chả chịu hiểu ngón tay dư là hạnh phúc của mình, dại dột đem chặt đi. Khi bàn tay anh ta còn năm ngón, ai thèm chú ý tới anh ta. Cũng như Tường Vi...
-Cô Thanh.
-Dạ.
-Cô đừng nói thêm về Tường Vi.
-Ông nên hiểu thêm để bỏ qua ý định chữa lành tật nguyền cho con bé. Dẫu chữa lành hẳn, Tường Vi cũng từ chối. Nó đã vất nạng, bỏ học...
-Tự lúc nào?
-Tự lúc nó biết nó là con gái. Ông Hoài, xin ông hãy tưởng tượng...
Tôi tưởng tượng ngôi trường con gái tôi đang học. Con bé mới chỉ học lớp I. Trường có sân rộng, nhiều cây, nhiều bà Mẹ hiền, nhiều bà Sơ đẹp. Học trò xếp hàng trên lớp đá sỏi vào lớp. Đó là trường Régina Mundi. Mỗi buổi trưa, tôi thường đi đón con về học. Tôi gặp một đứa bé bị tê liệt, hai chân bó kim khí nhẹ và chống đôi nạng gỗ ngắn. Nó rất hồn nhiên, chưa biết buồn. Mầm chán nản còn ở xa thơ ấu. Con bé cười nói luôn miệng. Bạn bè, cô giáo, các Sơ, các Mẹ, dường như, thương nó lắm. Tưởng tượng con bé lớn dần. Và đôi nạng gỗ của nó cao dần. Tưởng tượng một ngày kia những cậu học trò con trai trường lạ nhìn ngó bạn bè nó bằng những đôi mắt thiết tha. Tưởng tượng bạn bè nó bỏ rơi nó, chạy theo cuộc tình. Con bé chống nạng đứng bơ vơ giữa sân đá sỏi. Nó sẽ tủi thân chừng nào! Và rồi, con bé biết úp mặt dưới gối, khóc rưng rức. Nó phải xa bạn bè, trường lớp. Phải quên kỷ niệm học trò. Nó cũng sợ chết chứ. Vậy thì con bé bắt đầu đan dệt cuộc sống riêng tư của nó bằng tơ mộng. Tơ mộng mong manh hơn tơ trời.
-Cô Thanh.
-Dạ.
-Cô muốn ví tôi như con chích choè bị bắn mù một mắt? Nàng im lặng.
-Phải, tôi là con chích choè bị bắn mù. Khi người ta mơ mộng, người ta không cần mở mắt.
Tường Thanh cắt đứt ý nghĩ của tôi:
-Ông là người cuối cùng đến đây. Tôi hỏi:
-Trước tôi nhiều người đã đến? Nàng khẽ gật đầu:
-Và họ không biết phiêu lưu trên nỗi buồn. Họ không thích cái "Thú đau thương ". Ông lại tưởng tượng đi...
-Đủ rồi.
-Đành gian dối với ông và bây giờ.,.
-Sao?
-Bây giờ, dù ông nói ông yêu Tường Vi, thì chỉ con bé tin rằng ông thật tình yêu nó. Còn tôi, tôi thấy thương ông...
-Cô thương tôi?
-Vâng, ông phải tạo thêm một đời sống giả.
-Mỗi đời sống thật còn cần một đời sống giả. Đời sống giả chỉ là cái bóng mát che nắng cho đời sống thật. Đôi khi, đời sống giả tạo ý nghĩa cho đời sống thật. Tôi yêu đời sống giả của Quang Ngọc, Nhị nương hơn đời sống thật của Phạm Thái, Trương Quỳnh Như. Đời sống thật của Phạm Thái là anh hủ nho, đi ngược chiều cách mạng, đâu có rực rỡ như Tiêu sơn tráng sĩ! Sở dĩ, Phạm Thái đáng yêu là nhờ Khái Hưng đã trùm lên ông ta một đời sống giả ý nghĩa. Đời sống giả đó là Quang Ngọc. Tôi tự hỏi đời sống thật của tôi là gì, đã làm nổi cái gì? Chẳng là cái gì cả và chỉ làm phiền muộn nhiều người, nhất là những người thân yêu của mình. Ở đây, với đời sống giả, tôi đã phả hương khói vào căn nhà lạnh lẽo này, đã đem hy vọng đến cho một người con gái. Tôi lại tự hỏi, tại sao, đời sống thật
của tôi không đủ khả năng làm vợ tôi hạnh phúc, làm con tôi sung sướng, làm bạn bè tôi vừa lòng. Tại sao, cô biết chứ?
-Tôi chịu.
-Bởi vì, khi ta sống đời sống thật của ta, ta phải mở mắt, ta phải đi và nếu cần, phải bò nữa.
Tôi chợt nhớ đã coi phim "Le passage du Rhin " do Charles Aznavour và Georges Rivière đóng. Quan niệm của người làm cuốn phim này thật rộng rãi. Ở đâu ta sống thoải mái với tâm hồn ta, ở đấy là quê hương ta. Nơi nào nhiều người tin cậy ta, cần thiết sự có mặt của ta, nơi ấy là miền hạnh phúc của ta. Anh thợ làm bánh Aznavour sống với bố mẹ vợ. Anh ta là một người con rể gương mẫu. Khi quân Đức chưa đặt chân lên đất Pháp, mỗi buổi sáng, bà mẹ vợ khó tính của anh ta, giọng cằn nhằn, gắt gỏng vọng xuống hầm: "Có bánh chưa?". Anh ta vội vàng mở nắp hầm, bưng bánh nóng hổi, lễ phép: "Dạ, bánh đây ạ! ". Cái đầu anh thợ nướng bánh chui lên, trông thảm hại quá chừng. Ngày lại ngày, tháng qua tháng, năm và năm, anh đã sống một đời sống thật tẻ nhạt, buồn tênh. Rồi quân Đức tới. Anh bị bắt làm tù binh. Aznavour khai anh là nông dân. Quân Đức chở anh về bên Đức phục vụ hậu phương. Thấy anh hiền lành, người ta cho anh giúp việc một ông xã trưởng già vì trai tráng nước Đức đi lính hết cả. Anh tận tụy làm việc. Dân làng bên Đức quên anh là tù binh Pháp. Và anh, anh cũng quên anh là dân Pháp. Không ai ghét bỏ anh. Mọi người thương yêu anh. Khi ông xã trưởng già chết, Aznavour được bầu lên thay thế. Anh thấy anh quan trọng quá. Đời sống giả của anh đầy ý nghĩa. Anh muốn ở mãi ngôi làng này đề giúp ích mọi người. Anh không thích trở về căn hầm nướng bánh tù túng và không thích nghe cái giọng cằn nhằn, khó chịu của bà mẹ vợ. Nhưng Đức bị bại trận. Chiến tranh chấm dứt. Anh thợ nướng bánh Aznavour được giải phóng. Dẫu anh khoái làm nô lệ, người ta vẫn đưa anh về nước Pháp của anh. Và Aznavour đành trở về đời sống thật với bao quyến luyến đời sống giả. Đời sống thật của anh thợ nướng bánh đã có cái bóng mát của đời sống giả.
-Cô Thanh.
-Dạ.
-Có người coi đời sống giả là kỷ niệm của đời sống thật.
-Nhưng mọi người vẫn phải sống đời sống thật của mình trọn vẹn, phải quên kỷ niệm, quên hết. Ông cũng vậy.
Tôi cũng vậy. Dĩ nhiên rồi. Nàng đã chích vào mạch máu tôi một ống thuốc buồn. Bất giác, tôi thương đời quá thể. Nếu không có đời sống thật, chẳng có đời sống giả, liệu trái sầu đau có rơi rụng khỏi hồn mình? Tôi chép miệng:
-Hãy cứ biết, ở đây, người ta cần tiếng hót của con chích choè mù. Tôi lảng chuyện:
-Tường Vi bình thường chứ, cô Thanh?
Nàng đáp:
-Mấy hôm nay sức khoẻ con bé suy yếu. Nó tập thức trắng đêm và băn khoăn không hiểu thiên thai còn hay hết. Bữa nọ nghe tỉn người Mỹ chinh phục mặt trăng, con bé khóc nức nở.
-Tôi lên thăm nàng.
-Con bé đang ngủ.
Ngủ rất ngoan. Tấm chăn mỏng che kín từ ngực xuống chân. Hơi thở đều đều, Đôi mắt khép kín. Tường Vi đó. Tên một loài hoa quê hương, một quê hương chở chất đầy mộng mị, u sầu. Quê hương cũng có hai đời sống. Đời sống thật của quê hương là què quặt, bệnh hoạn. Đời sống giả của quê hương chỉ còn dĩ vãng vàng son. Nàng nằm im lặng như quê hương im lặng. Nhưng tâm hồn đang viễn du. Tôi thấy yêu tên một loài hoa quê hương mình tha thiết,
Hãy viễn du, hãy thoát lên khỏi cái thực tại vuốt nhọn cào cấu đời mình, em yêu dấu. Anh đã từng băn khoăn kể từ ngày người Mỹ cắm nổi lá cờ chinh phục của họ lên mặt trăng, là dấu chân thô lỗ của họ đã giẫm nát cõi thiên thai thêu dệt bằng chỉ mầu huyền thoại của quê hương mình. Làm chi có chốn Đào Nguyên lạc bước của lãng tử Lưu Thần, Nguyễn Triệu. Làm chi có Tiên Nga hong tóc bên bờ suối thơm, nghe Kim Đồng vi vút sáo thần. Làm chi có lá đào rơi rắc lối đi tâm tưởng một lần tống biệt của Tản Đà. Thiên thai chỉ có đá. Và đá ấy chẳng hơn gì đá trần gian. Đá ấy lại không biết khóc.
Phải vậy chăng, thế là hết thiên thai? Là tàn lụi mộng mơ của quê hương mình? Anh không bao giờ tin rằng thiên thai đã bị cầy nát. Và càng không bao giờ tin rằng thiên thai là Thiên Đàng là Cực Lạc do Đấng Tạo Hóa, do Chúa Trời hay do Đức Phật tạo ra. Không bao giờ có thiên thai cả, nếu không có nghệ sĩ. Nghệ sĩ không tạo nổi thiên thai nhưng cơn lốc của mộng mơ đã đưa tâm hồn họ lên cao vút. Tới một nơi, tâm hồn nghệ sĩ định cư, không muốn bay cao hơn, nơi đó là thiên thai. Mỗi người đều có sẵn trong trái tim mình một cõi thiên thai. Hiềm vì chả ai chịu tin thiên thai ở trái tim mình, ở suối mộng mơ của riêng mình nên nghệ sĩ phải sáng tạo một thiên thai. Và thiên thai bỗng trở thành huyền thoại lung linh mầu sắc. Đường lên thiên thai diệu vợi khôn lường. Phải tu nhân tích đức nhiều kiếp mới tìm nổi con đường đưa lên cõi thiên thai. Tự nhiên, loài người hiểu sai ý muốn của nghệ sĩ. Và thiên thai chỉ còn là trại tập trung của những ông tiên đắc đạo, tối ngày đánh cờ, uống rượu, chỉ còn là trại tập trung của những bà tiên không biết yêu đương; chỉ còn là thời gian ngất ngư, cụt hẫng. Không, thiên thai không bao giờ là cõi chết của người đã chết. Nếu thiên thai cư ngụ toàn lũ người gỗ, chúng ta đâu thèm mơ ước lên thiên thai. Thiên thai là của chúng ta, của những người còn sống. Ai cũng biết đường lên thiên thai. Bản đồ chỉ lối là mộng mơ. Thiên thai, do đó, là sự thoát thực tại cùng khổ, ê chề, đau đớn nhất của một kiếp người. Con đường thoát thực tại dẫn lên thiên thai nhiều lối. Mỗi người một lối lên thiên thai. Nhà tu hành lên thiên thai ồn ào hơn hết. Phải tụng kinh, gõ mõ. Phải rung chuông, giảng đạo. Chúng ta lên thiên thai rất im lặng. Không kiêng cữ. Không trình diễn. Không khoe khoang. Chúng ta lên thiên thai của chúng ta. Của riêng từng người. Nhất định không cõi thiên thai nào giống cõi thiên thai nào. Và không ai đủ quyền thế, phù phép ngăn lối lên thiên thai của ta hay giẫm nát thiên thai của ta. Em yêu dấu, cõi thiên thai óng ánh mầu sắc huyền thoại của lòng ta vẫn còn. Chưa hết. Không mất. Bây giờ rực rỡ hơn cả bao giờ. Vì chúng ta đang đau khổ cực độ. Thiên thai chính là nơi của những người đau khổ. Nhất là khi đau khổ vì thiếu tình yêu.
Tôi chẳng muốn đánh thức Tường Vi. Để tâm hồn nàng viễn du và cảm giác mình cũng đang viễn du.
Tên Một Loài Hoa Quê Hương Tên Một Loài Hoa Quê Hương - Duyên Anh Tên Một Loài Hoa Quê Hương