Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 6: Nỗi Lòng A Tử
J’ai rêvé j’allais t’épouser si jort que rien, rien ne pourrait nous séparer – que la mort
Je pense qu’elle peut rapprocher, au contraire… oui, rapprocher ce qui a été séparé pendant la vie
(-Anh mơ thấy anh sẽ cưới em, ước mơ mãnh liệt đến nỗi không có gì có thể ngăn cách được chúng ta – trừ cái chết.
-Em thì nghĩ ngược lại rằng, chính cái chết mới có thể nối kết, vâng, nối kết được những gì đã bị cách ngăn trong cuộc sống)
André Gide – La porte étroite
Trên đây là lời đối thoại giữa Jérôme và Alissa, hai nhân vật chính trong tác phầm nổi tiếng La porte étroite của André Gide. Tác phẩm này đã được ngòi bút tài hoa của nhà thơ Bùi Giáng chuyển sang tiếng Việt với tựa đề “Khung cửa hẹp”.
Alisa yêu Jérôme nhưng cô biết em gái mình là Juliette cũng yêu Jérôme, nên cô đã khước từ tình yêu để tìm đến Đấng Tối Cao qua “khung cửa hẹp” theo lời gọi thiêng liêng của tôn giáo. Cô đã đem cả tuổi xuân để làm chất phân bón cho loài cây chỉ nở những cành hoa cô liêu giữa vùng trời sa mạc, với ước vọng điên rồ rằng, cánh hoa của sự hy sinh sẽ tỏa hương thơm vào cõi Vĩnh Hằng huyền hoặc.
Có lẽ cô tin sẽ tìm lại được Jérôme trong cõi chết – nơi mà những cặp tình nhân sẽ gặp lại nhau để nối lại những cung đàn dang dở. Juliette lập gia đình, Alissa qua đời, để lại nhân vật Jérôme cô liêu trong ngậm ngùi bi hận.
Nào đâu là mộng hoài tuổi thanh niên, nào đâu là mùi hương xuân sắc, tất cà đều tan tác trong cơn lốc lặng lẽ của tình yêu ngang trái.
Đọc đoạn văn trên lòng lại nhớ đến cô bé A Tử trong Thiên long bát bộ. Nếu ai đã từng đọc Khung cửa hẹp và Thiên long bát bộ ắt hẳn có người cho rằng sẽ khiên cưỡng khi đem hình ảnh Alissa – một nhân vật dịu dàng cô độc – đề nói về A Tử - một nhân vật nữ tinh quái và ác độc nhất trong mọi tác phẩm văn học cổ kim. So sánh Alissa với A Châu còn có thể được, vì cả hai đều là những “linh hồn bao dung”. Dù biết thế, nhưng trong thâm tâm, vẫn thấy giữa Alissa và A Tử, trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, vẫn có điềm tương đồng: Đó là sự thiết tha trong tâm nguyện.
Cuộc đời vẫn luôn có những người con gái đỏng đảnh và tai quái thường đem những kẻ yêu họ (mà họ không yêu lại, dĩ nhiên!) ra làm đối tượng chế giễu. Như một trò đùa và để thõa mãn cái tôi.
Thuở còn đi học, đâu phải thiếu những cậu học trò phải bao phen xấu hổ bởi những lá thư tỏ tình vụng dại mà họ âm thầm nhét vào gầm bàn học lại trở thành “đề tài nghiên cứu” cho cả lớp!
Nhưng tinh quái đến mức tàn ác như A Tử đối với Du Thản Chi có lẽ trên đời này chỉ có một. Cô đày đọa gã si tình kia đến thân tàn ma dại, chỉ để mua vui và đem gã làm vật hy sinh cho những trò luyện công tà quái.
Cô cho cột gã vào ngựa rồi kéo lên để làm trò “diều người”, bắt gã để tay cho rắn rít cắn để cô luyện công phu “Hóa công đại pháp”. Tàn nhẫn nhất là cô cho người hầu dùng cái khuôn sắt nung cháy trùm lên đầu Du Thản Chi và hủy hoại khuôn mặt của kẻ si tình khốn khổ.
Cô cũng không một chút động lòng khi biết Du Thản Chi đã hy sinh đôi mắt để đem lại ánh sáng cho mình. Cô không hiểu rằng trong tâm hồn cuồng điên si dại đó, máu và lệ của mối tình câm đã ngập tràn, như muốn nhận chìm cả mối hờn căm đã từng sục sôi thuở vượt Nhạn môn quan để trả mối phụ thù.
Với A Tử, Du Thản Chi hay tất cả mọi người khác để chỉ là những con sâu cái kiến. Chúng hoàn toàn vô nghĩa và chỉ có một lý do duy nhất đáng để tồn tại là được dùng để phục vụ cho tham vọng của cô.
Cô chỉ biết có Tiêu Phong. Cô dửng dưng tàn ác với tất cả mọi người, thậm chí với cả những người thân, nhưng với Tiêu Phong thì trái tim lạnh lùng và vô cảm kia lại sẵn sàng hy sinh tất cả. Hình ảnh người anh rễ đã chiếm trọn tâm hồn của cô bé mới mười mấy tuổi đầu. Càng tàn nhẫn với Du Thản Chi bao nhiều thì cô lại càng tha thiết với Tiêu Phong bấy nhiêu. Hai thái cực tàn nhẫn và đắm say cùng ở chung trong tim một thiếu nữ đã đẩy mối tình ngang trái vô vọng kia đến tận cùng thảm họa.
Trái tim tàn nhẫn vô tình
Chỉ chôn chặt mỗi bóng hình tỷ phu
Hận lòng máu nhỏ thiên thu.
Khi thấy Tiêu Phong luôn hờ hững với mình, cô từng ném độc châm vào Tiêu Phong để mong Tiêu phong sẽ bị thường, và sẽ ở mãi bên cô! Khi nghe cô kể chuyện Du Thản Chi hy sinh cặp mắt cho cô với giọng thản nhiên và giễu cợt, Tiêu Phong đã trách mắng cô bạc nghĩa, thì cô lại khóc òa lên và nói một câu mà mọi nam nhi trong thiên hạ đều phải động lòng: “Nếu như đại ca bị mù hai mắt thì muội cũng xin hiến đôi mắt mình để cứu đại ca”.
Câu nói chí tình và tha thiết đó có “cứu vãn” được những điều tàn ác mà cô đã gây ra? Quả chữ tình đã gây ra bao oan nghiệt cho cõi trần gian. “Tu là cội phúc, tình là dây oan" (Kiều). Tu có là cội phúc hay không thì chưa thấy, nhưng tình là dây oan thì quả là nhiều.
Sợi dây tình đã trói chặt số phận Tiêu Phong, Du Thản Chi và A Tử vào vòng tròn nghiệt ngã, mà các nhân vật đó chưa hẳn đã cắt đứt được, ngay cả khi họ cắp tay nhau đi về bên kia thế giới.
Cõi chết vẫn là điểm tương phùng cho những cặp tình nhân bất hạnh. Không tin tưởng lắm về Ngày phán xét cuối cùng của mọi tôn giáo, hoặc sự cứu rỗi linh hồn nhờ vào một đấng Tối Cao, nhưng lại rất tin thuyết luân hồi, không phải theo nghĩa tôn giáo mà như là một hình ảnh của nghệ thuật.
Những tâm nguyện chưa thực hiện, những tình yêu dang dở, những hoài vọng không thành… sẽ khiến cho cuộc sống trở nên chua chát và cõi đời trở nên ngậm ngùi biết mấy, nếu như chúng ta không tạo được niềm tin rằng chúng ta sẽ được tựu thành ở kiếp lai sinh?
Trong bài thơ Adieu (Lời vĩnh biệt), Apollinaitre đã từng nói lên những lời tha thiết
J’ai cueili ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens – t’en?
Nous ne nous verrons plus sur Terre
Odeur du Temps brin de bruyère
Et suoviens – toi que je t’attends
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó
(Bùi Giáng dịch)
Bài thơ của Apollinaire nghe ngậm ngùi man mác, nỗi sầu trong thơ nghe như bàng bạc nhẹ nhàng, nhưng nó lại đậy con người đối diện với nỗi trống vắng khôn cùng “Nous ne nous verrons plus sur Terre” Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa. Mộng trùng lai không có ở trên đời. Và bao hoài mộng, người ơi, xin hãy chờ đợi nhau trong hương thời gian và hồn thạch thảo.
Trong khi đó, Nguyễn Du đã dìu chúng ta từ cõi lạnh giá về nơi ấm áp. Kiếp sau họa gặp, kiếp này hẳn thôi (Kiều). Lời thơ đó dù có đau thương nhưng vẫn còn nồng ấm vì nó mở ra cho chúng ta một khoảng trời, để ước mơ và hy vọng. Mộng trùng lai nếu không có ở trên đời thì còn có ở kiếp sau. Đó chính là lối về cho A Tử và cho cả Du Thản Chi lẫn Tiêu Phong.
Tiêu Phong vẫn luôn ở bên cô nhưng cô hiểu “dẫu trong gang tấc gấp mười quan san” (Kiều), vì hình ảnh của người chị A Châu. Cô bị hoàng hậu nước Liêu lừa để đem thuốc độc cho Tiêu Phong uống, vì cô ngỡ đó là “thuốc yêu”, Tiêu Phong uống vào sẽ yêu cô mãi mãi!
Liều “thuốc yêu” đó đã khiến Tiêu Phong mất hết nội lực, và bị bắt khi dẫn cô chạy trốn.
Trách sao được cô bé tai quái tàn ác kia, khi hiệu quả của liều thuốc yêu là điều cô luôn mơ tưởng? Cõi đời, từ thuở xa xưa cho đến cả thời hiện đại, vẫn đâu thiếu những thiếu nữ nhẹ dạ cho rằng có một loại thuốc thần diệu nào đó giúp họ níu kéo được những trái tim phụ bạc hoặc đang theo đuổi một hình bóng khác. Vô lý là thế, nhưng họ vẫn tin, bởi vì những tâm hồn yếu đuối đáng thương kia sẽ bám víu vào đâu khi mà mọi nỗ lực chiếm hữu tình yêu đều dẫn vào tuyệt lộ?
Chỉ đến khi Tiêu Phong ngả xuống tại Nhạn môn quan, cô mới thấy rằng, bây giờ vị tỷ phu mà cô trọn đời thương nhớ kia mới thực sự là của cô. Sẽ không còn ai tranh giành trái tim đó với cô nữa. Sẽ không còn những lời trách mắng, cũng như những lời răn dạy nghiêm khắc khi cô bày tỏ nỗi lòng, vì bị xem là đứa trẻ con.
Chỉ bây giờ cô mới có quyền ôm vị tỷ phu một cách đắm say mà không bị phản đối, cự tuyệt. Đó có lẽ là giây phút đớn đau nhưng hạnh phúc nhất trong đời A Tử. Chỉ giờ đầy, cái chết mới nối kết được cho cô những gì đã bị cách ngăn trong cuộc sống.
“…rapprocher ce qui a été séparé pendant la vie…” Cuộc sống đã đẩy mối tình trái ngang vào chốn tận tuyệt của thảm khốc, đoạn trường thì xin em hãy ghì siết lấy xác thân còn hơi ấm của người yêu để cung bậc trùng phùng được nối tiếp ở thế giới bên kia. O love! O life! Not life, but love in death! (Ôi tình yêu! Ôi cuộc sống! Không phải là cuộc sống, mà là tình yêu trong cõi chết – Shakespeare – Romeo & Juliet, Act 4, Scene 5).
Hình ảnh A Tử móc mắt trả lại cho Du Thản Chi, rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm, quả quá đủ để đẩy mọi trang sách viết về bi kịch tình yêu vào bóng tối.
Đứng bên hình ảnh đoạn trường kia, mọi cảnh tượng đau thương thảm khốc nhất của tình yêu trong mọi nền văn học đều trở nên mờ nhạt và ảm đạm.
Và tin rằng, từ vực thẳm đó tại Nhạn môn quan, một bài tụng ca thIêng liêng sẽ bay vút lên tận cõi trời Đâu Suất để làm hồi sinh một tình yêu dang dở trái ngang.