One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2990 / 75
Cập nhật: 2015-12-10 02:35:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi ăn một cái Tết trong cachot đề lao Gia Định. Nữ hoàng cachot trở về với thần dân vương quốc C1 rực rỡ hơn bao giờ hết. Tù nhận được thông tin mau lẹ. Họ biết hết tên ba chúng tôi, biết cực hình chúng tôi phải chịu đựng và biết Nhi chết. Nhưng họ mù tịt bài điếu văn mà Nga đọc cạnh xác Nhi. Tôi không mấy quan tâm đến sự hiểu biết của họ về chúng tôi. Sau vài hôm duỗi chân, vươn tay thoải mái, tôi chợt nhớ người bạn chuột nhắt thân mến của tôi. Tôi lục tung bị hành lý. Không thấy chú nhỏ. Chắc chú ấy đã chết đói hoặc đã tìm đường về bầy rồi. Tôi bỗng thấy trống trải và buồn bã vô cùng. Bây giờ là tháng 6 năm 1977, ông Đinh Xuân Cầu và các tử tù vụ Vinh Sơn bị nhốt hết ở khu cachot C1. Đêm đêm, nghe Ali Hùng thổi sáo, lòng tôi nhàu nát như tàu lá uá. Tiếng sáo của kẻ sắp chết, của kẻ chờ đợi từng giây phút người ta bắt há mồm ra, tống trái chanh vào, dán bằng keo kín miệng, buộc chặt mắt và dẫn đi bắn giữa đêm khuya, sao mà não nuột! Nó gợi tưởng sự tuyệt vọng. Nó hiện ra một biên giới tối tăm của tha ma, mộ chí. Tôi không thích nghe tiếng sáo của tử tù Ali Hùng mà vẫn phải nghe ròng rã mấy tháng.
Ròng rã mấy tháng, người ta bắt tôi tự khai năm mươi hai ngày còng dính chùm, bài diễn văn của Nga và cái chết của Nhi. Bị còng dính chùm sướng hơn tự khai nhiều. Tôi tự hỏi, với sự đọa đầy mà chúng tôi phải chịu đựng, thì sự tình nguyện vào các trại tập trung, tự khai tập thể một lần, sống phơi phới dưới nắng trời, đắm mình giữa suối, lao động vớ vẩn, cười nói tíu tít, quà cáp ê hề, thấm tháp gì đâu mà người ta cứ lên mặt tự hào! Người ta cứ tưởng người ta gánh hết thương đau cho dân tộc, người ta được độc quyền yêu nước, thao túng lịch sử, làm chứng nhân thời đại bằng ngọn gió buốt dao cau miền Bắc! Và, ngu xuẩn hơn cả, người ta đòi kết án thiên hạ, phán xét thiên hạ. Những con mối chỉ có thể bay trước cơn mưa. Sau đó, chúng nó làm mồi cho thạch thùng và nát bấy dưới cống rãnh, cạnh thùng rác. Nỗi thống khổ không bao giờ là thành tích để khoe khoang. Nỗi thống khổ vàng mười mới là nỗi thống khổ làm con người khôn lớn, cao thượng và khoan dung. Tôi học điều đó ở Nga, ở Nhi, những người tù chẳng khi nào thèm khát chuyện thăm nuôi, chẳng khi nào mong ước được kẻ thù tha tội.
Cuối năm 1977, người ta đưa tôi sang khám Chí Hòa va nhốt luôn ở cachot khu FG. Địa ngục được mô tả trong kinh giới rắn là có chín tầng. Nếu nhà tù đem ví với địa ngục thì các trại tập trung của cộng sản mới chỉ là tầng đầu. Nhà văn Soljenitsyne đã thừa nhận thế. Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh là tầng thứ hai. Đề lao Gia Định, tầng thứ ba. Đề lao Đại Lợi, tầng thứ tư. Khu ED, khám Chí Hòa, tầng thứ năm; khu AH, tầng thứ sáu; khu BC, tầng thứ bẩy; khu FG, tầng thứ tám và cachots khu FG, tầng thứ chín, cái đáy địa ngục thăm thẳm mịt mùng, đủ khả năng soi mòn thịt xương trong khoảnh khắc. Tôi ở cachot khu FG, ở dưới đáy địa ngục. Những cái chuồng cọp ngoài Côn Đảo nghĩa lý gì. Thế mà có dạo, dưới những con mắt thiên vị, những con mắt lé, mắt chột, mắt đóng màng thành kiến, báo chí Mỹ đã bi thảm hóa những cái chuồng cọp Côn Sơn như là đáy khổ địa ngục, toa rập với bọn mù lòa Ủy ban Cải thiện chế độ lao tù! Những con mắt ấy chưa hề biết cachot FG hôm nay và chẳng bao giờ dám bén mảng tới để nhìn cachot FG dầu chỉ nhìn bằng mắt lé, mắt chột mà lên tiếng giùm.
Cachots FG nằm trên tầng chót của cái lô bát quái. Đó là những cái hộp nhỏ trong cái phòng giam y hệt những cái tủ bầy biện trong căn nhà. Khác chút thôi, là những cái hộp giam người kê sát nhau, đối diện nhau bằng một hành lang hẹp. Nên gọi cachots FG là cachettes mới đúng. Ban ngày tối mù như ban đêm. Thời gian ở đây là bóng tối âm u. Không gian là cõi tanh nồng, hôi hám. Buổi trưa nắng rực ngoài trời, dơ tay sát mặt, chẳng thể nào nhìn rõ tay mình. Tù nhân bị đẩy vào cachots FG phải tập cách sinh hoạt giống người mù. Không có cầu tiêu và vòi nước. Một cái xô thiếc đặt ở góc phòng chiều ngang tám mươi phân, chiều dài hai thước. Tù nhân tiêu, tiểu vào đó, cuối tuần xách nước xuống sân khám, đổ phân, rửa xô và tắm gội. Cũng như An Ninh Nội Chính, ở đề lao Gia Định, mọi thứ giấy bị cấm mang vào. Tù nhân đành xé quần áo làm giẻ chùi đít sau khi đại tiện. Người ta không phát chiếu, tù nhân phải nằm trên cái nền mà phân để đống lớp dầy cả gang tay, khô cứng qua các chế độ. Chưa hề một lần quét dọn, rửa lau nào cho những cachots thượng thặng này kể từ khi người ta khánh thành khám Chí Hòa. Nhiều cuộc cách mạng đã xảy ra ở Sài Gòn, Chí Hòa không biết dâu biển thời thế. Mỗi cách mạng là mỗi đông tù, là mỗi nhiều thành phần chống phá cách mạng nên Chí Hòa chỉ được bổ xung những hình phạt khe khắt nghiệt ngã. Tù nhân thèm từng sợi gió, từng tia nắng. Thèm cả đến ánh điện vàng hiu hắt.
Người ta nhốt tử tù mọi thành phần ở cachots FG và người ta giao nhiệm vụ phát cơm ăn, nước uống cho bọn trật tự đầu trâu mặt ngựa. Bọn này vốn là công an can đủ các tội hình sự, có án tích rõ rệt. Công an cộng thêm vô lại, chúng đã hành hạ, bóc lột chúng tôi không nương tay. Một đồng bạc một cây nến nhỏ và dài bằng chiếc bút chì thêm que diêm mồi cháy. Linh mục Nghị, tử tù vụ Vinh Sơn sang Chí Hòa trước tôi hai tháng, đã đốt mấy chục cây nến và đã mù thật sự. Ali Hùng hết hơi, không còn huýt sáo buồn bã nữa. Người ta cho chúng tôi ăn uống theo quy chế kỹ luật, nghĩa là một tháng chín kí lô gạo với thức ăn rau muống nấu canh muối. Chúng tôi thường nói chuyện nửa đêm. Lúc ấy, tám cửa ngục nặng hàng tấn đã đóng chặt, khóa kỹ, không một điệp viên tài ba nào trốn nổi dù là Hubert hay James Bond. Và, lúc ấy, dầu tù nhân biết tù nhân khác chết rũ, có khan cổ họng báo cáo cán bộ thì tiếng hô hoán cũng chỉ chìm vào sự hiu quạnh hãi hùng của địa ngục Chí Hòa bao la, năm vòng đai công an võ trang bảo vệ. Khi đã quen với bóng tối và thán khí, tôi tham dự vào các cuộc «tù đàm» trong đêm đen. Và tôi biết tôi cùng chung số phận giam nhốt với linh mục Nguyễn văn Nghị, Ali Hùng người nhái, Nguyễn Việt Hưng, thủ lãnh Phục Quốc vân vân... Đối diện cachot của tôi là Chung, tên cướp phi thường, kẻ dám vào Ngân Hàng thành phố hốt bạc, đã chống trả công an, đã phóng xe hơi như bay trên đường Hàm Nghi, đã bị bắt trong chiếc xe đang chạy và lật ngửa.
Tôi đã gặp mặt Chung tại cachot C2 đề lao Gia Định. Nó bị siết chặt đùi bằng giây điện nhỏ. Sau ba tháng giam giữ để thẩm vấn, người ta đưa nó ra tòa. Giây điện lằn vào thịt đùi nó, sâu cả đốt ngón tay cùng nút thắt. Người ta phải cắt phần giây bên ngoài. Cuộc đời nó bị đánh dấu bởi hai vòng giây điện lún trong da thịt. Nó đã bị kết án tử hình. Mạng sống của nó còn chờ đợi sự ân xá của Chủ Tịch Nhà Nước. Nó sắp ra tòa lần chót. Hai tuần lễ, khi tôi nhận nó ở cạnh cachot tôi bên đề lao Gia Định, Chung đi hầu tòa phiên chung thẩm. Buổi chiều, về phòng, nó hân hoan báo tin vui.
- Được tha chết hả, Chung? Tôi hỏi.
- Em xin được ve dầu cù là lớn, chị ạ! Nó đáp. Chúng vẫn muốn giết em. Lần này dứt khoát em bị chết rồi. Em cầu nguyện chúng nó bắn em đêm nay.
- Dầu cù là giúp gì, Chung?
- Em hít hà cho đỡ hôi hám. Chị chịu đựng giỏi thật. Chị đúng là nữ hoàng cachot. Nếu em không bị tử hình, em sẽ cố gắng chịu đựng. Sự sống là ước mơ, chị nhỉ? Còn được ước mơ, ta còn ham sống và ta chịu đựng hết. Em đã tàn tạ ước mơ nên mỗi phút em sống là mỗi bản án tử hình. Em bị xử tử hàng triệu lần. Chúng lên án tử hình mà không thèm bắn bỏ luôn. Chúng nó thích thấy em dẫy dụa trước cái chết, thích xử tử em cả triệu lần. Em không sợ chết mà sợ sống trong cachot FG. Em lại sợ cả tự tử, chị ạ! Chị nhớ giùm em nhé, kẻ không sợ chết nhưng rất sợ sống ở cachot FG khám Chí Hòa.
Đâu chỉ riêng Chung sợ sống. Tất cả tử tù của cộng sản đều sợ sống. Linh mục Nguyễn Văn Nghị bị kết án tử hình, bị đày đọa ở cachot FG đến mù lòa mà vẫn chưa được chết. Một lần đi tắm, tôi gặp Ali Hùng người nhái chỉ còn là bộ xương cách tri phơi nắng, tay còng xích vào chân song sắt dưới hành lang khu tập thể. Những kẻ không sợ chết, những kẻ chọc trời khuấy nước, những kẻ đã có án tử hình, đều sợ sống trong cachot FG. Tại sao người ta cứ bắt người muốn chết phải sống? Ai hiểu nổi từng phút chết của con người sợ sống. Thế giới còn u mê trong cái đêm đen như những đêm đen cachots FG khám Chí Hòa. Hình như, đối với nhân loại nhởn nhơ, chuyện người chết sợ sống ở cachots FG chỉ là tiểu thuyết giả tưởng. Nhưng, đối với người viết tiểu thuyết thì có phần khác, là y đã thiếu khả năng, thiếu ngôn ngữ để diễn tả cachots FG, người bị nhốt trong đó, cảm giác đầy đọa, ý nghĩa của từng con người, sự chịu đựng, niềm hy vọng, nỗi mơ ước, dù y đã có lần trọ ở đây như một thứ khách thượng hạng.
Một cái gì đó cơ hồ điềm báo trước sự chết, sự giải thoát vĩnh cửu của Chung. Nửa đêm cuối năm, nó gọi tôi dậy đứng nghe nó nói chuyện:
- Chị Lan ơi, chị nghĩ gì về thằng tướng cướp?
- Tôi không nghĩ gì cả.
- Thật chứ, chị?
- Tôi không thích phán xét những người cùng cảnh ngộ.
- Cám ơn chị. Em mong ngày nào đó, chị trở về đời sống, sẽ nhắc tới em, thằng tướng cướp chuyên đánh cướp ngân hàng mà mẹ nó vẫn bán thuốc lá ở vỉa hè. Thế thôi, chị nhé!
- Tại sao vậy?
- Vì nó cướp tiền của kẻ cướp tiền của dân, nó cướp lại và phát cho dân.
- Tôi sẽ nhớ. Tôi phải nhớ.
- Có kẻ thích rắc truyền đơn, có kẻ lại thích cướp tiền. Em sợ sống quá rồi. Chắc chắn, em nên can đảm một tí.
Tôi không biết an ủi Chung ra sao. Làm sao an ủi được một người sắp chết? Nó gọi tôi dậy chỉ để nghe có thế. Rồi nó đánh thức linh mục Nghị.
- Cha ơi, con vừa nằm mơ thấy được đem ra bãi bắn. Xin cha rửa tội giúp con. Con chưa rửa tội để lên Thiên Đàng, nay con rửa tội để xuống Địa Ngục. Con một đời lương thiện, thưa cha.
- Mai hãy tính.
- Ngay bây giờ đi cha. Cha phiên phiến giùm. Cha sẽ không còn được rửa tội cho ai, ngoài con.
Linh mục Nghị chiều ý Chung. Ngài đọc tiếng la tinh, nhân danh Chúa, ban cho Chung những bí tích trước giờ lâm chung. Bây giờ, chỉ cần một que diêm ai bật lên, mọi người sẽ tưởng đó là ánh sáng của thiên thần. Rất tiếc, đêm cachot FG tối mò như ngày cachot FG. Và Chúa khó lòng vô đây vì những năm vòng đai công an võ trang bảo vệ và tám cửa ngục vĩ đại kín mít, khóa chặt. Nhưng tử tù Chung tin Chúa đã đến, Chúa đang ban bí tích cho nó từ một cachot cuối dẫy. Mười giờ sáng hôm sau, bọn trật tự rọi đèn pin vào cachot nhốt Chung, dục nó dậy lấy cơm. Không nghe tiếng Chung trả lời. Ngọn đèn rọi dưới chân cửa sắt. Tôi nhìn qua ô gió thấy hai dòng máu đen đặc. Bọn trật tự bỏ chạy. Lát sau, cai ngục kéo nhau lên. Cửa cachot mở tung. Người ta lôi xác Chung ra.
- Nó đập ve dầu cù là, dùng miểng ve cắt hai mạch máu! Ai cho nó ve dầu?
Cai ngục la lối một lát rồi sai trật tự khiêng xác Chung xuống dưới. Tôi hiểu, Chung đã «can đảm một tí». Nó can đảm một tí hay nó hết can đảm chờ chết thì cũng vậy. Chung đã nói dối cha Nghị. Tôi ứa nước mắt thương sót nó. Giọt nước mắt cho Chung, cho con người không sợ chết, chỉ sợ sống lây lất ở cachot FG. Cachot FG nhốt Chung không hề quét rửa, tẩy uế. Vài hôm sau, người ta tống một phần tử nguy hiểm mới vô. Sinh hoạt bình thường, sinh hoạt trong bóng tối. Nghĩ đến cái chết của Chung, cái cachot thấm máu nó xuống nền phân khô đã thấm máu nhiều người. Trước khi chết, Chung cho tôi một bài học: Sự sống là ước mơ, còn được ước mơ ta còn ham sống và ta chịu đựng hết nỗi thống khổ đòi đoạn. Hôm nào, chị Nga dặn tôi: bằng cách nào cũng phải sống, bằng giá nào cũng phải sống để viết diễn văn. Chúng tôi còn nợ cô giáo triết học Trần Thu Nhi «Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ», bài diễn văn sẽ dài bằng một đời tù ngục của chúng tôi. Bài diễn văn khỏi sự bên xô cứt, dang dở giữa cái chết tay chân vẫn đeo còng là một trong ước mơ của tôi. Nó sẽ được tiếp nối ở cachot khu FG khám Chí Hòa và, có thể, sẽ kết thúc ở đề lao hay tập trung thứ 10.756! Đừng ngạc nhiên về con số này, Riêng thành phố mang tên Người giải phóng nô lệ Hồ Chí Minh đã trên 100T. Đề lao Gia Định bí số T20, Chí Hòa T30, Tế Bần T50. Mẫu tự Việt Nam có 23 chữ, đều bị đem đặt tên các trại tập trung. T chưa đủ, thêm TH. Riêng Z là chữ lạ đã có 30. Rồi Z30A đến Z30Y! Tôi sợ con số 10.754 hãy còn quá khiêm tốn. Bởi vì, ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta còn nhốt tù trong các bin đinh Đại Nam, Đại Lợi...
Và nếu ngang qua ngôi biệt thự vắng vẻ nào, thấy cái biển nền đỏ chữ vàng «Không có gì quý hơn độc lập, tự do», hãy nghĩ ngay đó là một cái nhà tù. Chẳng hạn biệt thự số 4 đường Phan Đang Lưu, quận BìnhThạnh.
Nghĩ tới bài diễn văn, tôi lại nhớ chị Nga. Lúc này chị ở đâu? Trong một cái cachot tương tự cachot của tôi hay còn ghê gớm hơn, thảm não hơn? Giá mà được còng chung với chị hết một đời tù ngục, tôi sẽ thấy cái cachot tồi tệ này sẽ chỉ giống cái miếng sân đời làm phong phú sự hồi tưởng mai sau. Cachot FG, tôi không thể quên nó. Với tay lên, tôi đụng cái trần đục xi măng cốt sắt. Quơ tay bên phải đụng tường, bên trái đụng tường. Nó là cái quan tài nhốt người còn sống. Nó là vết ô nhục của loài người. Nó là dấu ấn ghê tởm hằn lên lá cờ dân chủ đang phần phật bay ở nửa trái đất bên kia. Nó là mụn nhọt đặt mủ trong trái tim những kẻ buôn bán nhân quyền. Nó tối tăm, cô quạnh hơn cả địa ngục của Diêm Vương, của Satan. Nó nhốt sắt thép, sắt thép hoen rỉ, hao mòn. Nhưng nó đã nhốt con người. Con người trở về thời đại ở hang đá. Con người mò mẫm, ăn, uống, ngủ, ỉa, đái trong cái quan tài kín mít. Bọn trật tự mang cơm cho chúng tôi ăn phải soi đèn nhận lối. Chúng tôi nuốt cơm, nuốt bóng tối. Người ta đã kiểm soát được khí trời, ở đây.
Tự hào biết bao nhiêu, chúng tôi vẫn sống. Tôi vẫn sống. Tướng cướp tử tù Chung đã để lại một di chúc ngắn cho tôi: Sự sống là ước mơ. Tôi vẫn sống vì tôi vẫn ước mơ. Ước mơ trong thống khổ. Ước mơ bên cạnh xô cứt. Ước mơ với còng Mỹ toòng teng.
Mỗi tuần một lần, tôi được xuống sân tù tắm gội và đổ phân, rửa xô. Tôi có dịp nhìn cái lò bát quái Chí Hòa, cái lò giết dần giết mòn mười ngàn người khốn nạn. Hãy kể con người, không kể tội trạng. Thời đại của chúng ta ai cũng có tội và chẳng một ai được phép tự cho mình phân biệt tội trạng. Mỗi lần từ bóng tối ra ánh sáng, mắt tôi hoa lên muốn ngất xỉu. Lên và xuống hàng trăm bậc thang, chân tôi rã rời. Tôi đã cố gắng phấn đấu bằng sức khỏe mỏng manh của mình để khỏi ngã gục. Nói cho đúng, tôi đã phấn đấu bằng ước mơ định nghĩa làm người, trước hết, tìm hiểu tại sao con người và ước mơ của nó có thể tồn tại trong cachot FG và, những cachots tương tự. Tháng 5 năm 1978, sau 240 ngày sống mòn mỏi trong chiếc quan tài bê tông cốt sắt, ăn một cái Tết lổn nhổn vài miếng thịt mỡ, người ta lại đưa tôi về đề lao Gia Định, cachot C1. Tám tháng xa cách, C1 thay đổi nhiều. Khách hàng cũ của các phòng tập thể đã bị đẩy hết tới các trại cải tạo. Khách hàng mới của cachots C1, bây giờ, là quý vị Đại đức, Thượng tọa chùa Ấn Quang. Láng giềng của tôi, một bên là Thượng tọa Thích Quảng Độ, một bên là tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng. Tấc cả đều xa lạ đối với tôi. Họ không hề biết nữ hoàng cachot Ngô Kim Lan. Họ nhìn tôi sót sa giùm thân con gái phải vào cachot. Trở về Gia Định, được thấy ánh sáng mặt trời, thấy loài người dù loài người trong cũi - tôi hiểu tôi không thể chết dễ dàng. Nhưng mắt tôi đã lờ mờ và sức khỏe sa sút thậm tệ. Cởi quần áo lúc tắm gội, tôi bỗng tội nghiệp cái hình hài tôi. Thêm ba tháng nữa thôi, nếu còn ở cachot FG, chắc chắn, tôi sẽ chết thảm. Nhưng tôi lại thèm ở thêm ba tháng nữa, để xem sức chịu đựng của tôi tới mức nào.
Người ta chưa tha tôi. Nhiều tháng ngày bị lãng quên, người ta gọi tôi đi tự khai từ đầu. Người ta muốn truy cái nguồn mà các tổ chức tuôn ra mỗi ngày một đông. Đến nỗi, nhà tù thành phố chặt cứng, hết chỗ giam giữ. Cái đau nhất của tôi là bị kết tội làm tay sai cho đế quốc Mỹ! Tự khai của tôi như tôi đã tự khai, chỉ dài thêm chứ không khác đi. Tôi có dịp viết 240 ngày trong quan tài. Người ta thản nhiên hỏi tôi cảm thấy ra sao! Tôi cảm thấy hình phạt của thù hận và sự chịu đựng hình phạt ấy... Rốt cuộc, tôi nói, sự chịu đựng sẽ chiến thắng hình phạt. Kết quả của sự phát biểu cảm tưởng rất chân thành của tôi là tôi không được viết thư về gia đình báo tin tôi còn sống và bị còng chân lưu lạc khắp các cachots C1, C2, B và A. Hãy hình tưởng một người con gái mảnh mai, chân xích tay còng, lang thang qua các cachots của các nhà tù danh tiếng của thành phố Hồ Chí Minh 1390 ngày đêm đói khát, rã rượi thể xác, mệt nhoài tâm hồn! Hãy hình tưởng 52 đêm của ba người con gái còng dính chùm trong một cachot hôi hám! Hãy hình tưởng 240 ngày đêm, người con gái mảnh mai nằm trong cái quan tài cachot FG khám Chí Hòa! Hãy hình tưởng tàm tạm thế thôi, đã đủ suy nghĩ cho những kẻ hò hét chiến đấu phục hồi dĩ vãng. Hàng triệu công dân Việt Nam đang là cô gái mảnh mai ấy. Và chẳng ai trông cậy xa lộ xuyên Thái Bình Dương hư ảo, trông cậy ở sự tự tử giả vờ của mệnh phụ lỗi thời, trông cậy ở sự mô phỏng quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ và cung cách chiến đấu của kẻ thù. Phải nhớ, hàng triệu công dân Việt Nam quả cảm, chống Cộng không cần Mỹ, đã bị cộng sản siết chặt chân tay bằng còng Mỹ.
Tháng 12 năm 1979, tính ra là 46 tháng hay 1390 ngày tôi bị nhốt ở cachots. Nếu một phút ở đây địa ngục là một lần bị xử tử, tôi đã bị xử tử 345.000 lần, đã lãnh 345.000 nhân với 10 phát đạn không tiếng nổ của đội hành quyết gớm ghiếc nhất của thời đại mà 345.000 viên đạn ân huệ của họ cũng phi thường như chủ nghĩa của họ vậy. Lịch sử tù đày của tôi sang những trang mới. Tôi hy vọng sẽ sống lâu, sẽ viết dùm chị Nga «Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ» nếu chị Nga chết sớm, chết mà tay chân còn dính còng Mỹ như chị Nhi. Bài diễn văn mơ ước ấy, chị Nhi kính mến, chỉ thế hệ chúng ta mới có quyền soạn thảo, có quyền đọc, có quyền phán xét, có quyền chê trách. Bởi vì, dĩ vãng của chúng ta là mặt trăng, hiện tại của chúng ta là mặt trời. Chúng ta đứng thẳng, bình đẳng tuyệt đối với bè bạn, với kẻ thù. Bởi vì, chúng ta chưa hèn mọn, không thèm chạy trốn và dám trực diện chiến đấu trong nỗi cô đơn.
Sỏi Đá Ngậm Ngùi Sỏi Đá Ngậm Ngùi - Duyên Anh Sỏi Đá Ngậm Ngùi