Nguyên tác: Quidditch Through The Ages
Số lần đọc/download: 0 / 27
Cập nhật: 2023-06-22 21:33:40 +0700
6.Những Thay Đổi Trong Quidditch Từ Thế Kỷ Mười Bốn
Zacharias Mumps mô tả sân đấu Quidditch thế kỷ mười bốn có hình bầu dục, dài năm trăm thước, rộng một trăm tám mươi thước, cùng một vòng tròn nhỏ (đường kính khoảng hai thước) ở giữa sân đấu. Theo Mumps, trọng tài (hay sau này gọi là Quijudge) mang bốn trái banh vào vòng tròn trung tâm, còn các tuyển thủ đứng xung quanh. Khi các trái banh bay ra (trái Quaffle được tung ra bởi trọng tài), các tuyển thủ sẽ rượt vào không trung. Vào thời Mumps sống, cột gôn vẫn là những chiếc rổ lớn gắn trên các cột trụ, như trong Fig. C.
Năm 1620 Quintius Umfraville viết một cuốn sách có tiêu đề Môn Thể thao Quý tộc Giới Phù thủy, trong đó có một lược đồ về sân đấu thế kỷ mười bảy (xem Fig. D). Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về phần mà chúng ta gọi là “khu vực ghi điểm”. Những chiếc rổ thời kỳ này nhỏ hơn, được đặt cao hơn nhiều so với thời của Mumps.
Khoảng năm 1883 người ta không sử dụng rổ để ghi bàn nữa mà thay vào đó là những cột gôn như ngày nay chúng ta vẫn sử dụng, cải biến này được đăng trên Nhật báo Tiên tri lúc đó (xem phía dưới). Còn sân thi đấu Quidditch không hề thay đổi kể từ đó.
Hãy Trả Lại Rổ Cho Chúng Tôi!
Đó là lời kêu gọi của các tuyển thủ Quidditch khắp cả nước tối ngày hôm qua khi hai năm rõ mười là Sở Thể thao Pháp thuật đã quyết định đốt bỏ những chiếc rổ ghi bàn được sử dụng trong Quidditch hàng thế kỷ qua.
Khi được yêu cầu đưa ra lời bình hồi tối qua, một đại diện Sở có vẻ đổ quạu đáp, “Chúng tôi sẽ không đốt, đừng có rối lên. Các vị thấy rồi đó, mấy cái rổ có quá nhiều kích cỡ. Chúng tôi nhận thấy rằng chuẩn hóa kích thước rổ để đồng bộ hóa cột gôn trên khắp nước Anh là nhiệm vụ bất khả thi. Rõ ràng các vị có thể nhận thấy đây là vấn đề về tính công bằng. Ý tôi là, có một đội bóng gần Barnton dùng những cái rổ nhỏ tí xíu, rồi gắn vô mấy cây cột của đối thủ, đến quả nho các vị cũng chẳng thảy vào được. Lại chính họ tự gắn cho đội mình mấy cái hang bự chảng bằng liễu gai đu đa đua đưa. Sẽ không tiếp diễn nữa. Chúng tôi đã quy định sẵn kích cỡ vòng gôn, và thế đó. Mọi chuyện sẽ êm đẹp và công bằng.”
Đến đây, đại diện Sở buộc phải thối lui dưới trận mưa rổ liệng ra bởi những người biểu tình phẫn nộ đang tụ tập ở tiền sảnh. Dù sự náo loạn sau đó được cho là do bọn yêu tinh nổi loạn, nhưng điều chắc chắn là đêm nay người hâm mộ Quidditch toàn nước Anh sẽ than khóc cho sự ra đi của môn thể thao mà chúng ta vẫn biết.
Một lão pháp sư có đôi gò má phúng phính nghẹn ngào nói, “H…hông có rổ, nó ch…ẳng như trước nữa. Tôi nhớ khi còn nhỏ, chúng tôi đã từng châm lửa đốt mấy cái rổ, vui vẻ suốt cả trận đấu. Mấy người không thể làm như vậy với mấy cái vòng gôn được đâu. M…ột nửa c…cái niềm vui đã mất r…rồi.”
Nhật báo Tiên tri, 12/2/1883
Banh
Trái Quaffle
Từ nhật ký của Gertie Keddle chúng ta đã biết từ thuở sơ khai trái Quaffle đã làm bằng da. Trong bốn trái banh Quidditch, chỉ có riêng trái Quaffle là không cần ếm bùa, chỉ là một trái banh từ những miếng da chắp lại, và thường có dây quai kèm theo (xem Fig. E) vì các tuyển thủ phải bắt và ném trái Quaffle bằng một tay. Một vài trái Quaffle còn có những cái lỗ để đặt ngón tay. Tuy nhiên, vào năm 1875, khi Bùa Giữ được phát minh, dây quai và lỗ đặt ngón không còn hữu dụng, vì các Truy thủ có thể giữ một tay bằng miếng da đã được ếm bùa mà không cần công cụ hỗ trợ nào.
Trái Quaffle hiện đại có đường kính mười hai tấc và trơn láng, không có đường chỉ. Lần đầu tiên, sau một trận đấu trời mưa tầm tã khiến các tuyển thủ không thể nhận diện được khi trái Quaffle rơi xuống đất, nó đã có màu đỏ tươi, đó là vào mùa đông năm 1711. Không lâu sau đó, các Truy thủ ngày càng phát cáu khi phải liên tục lao xuống mặt đất để tìm trái Quaffle mỗi khi bắt trượt, bởi vậy, một phù thủy tên Daisy Pennifold có sáng kiến phù phép trái Quaffle để lỡ có rơi xuống đất thì sẽ rơi từ từ giống như chìm xuống nước, nghĩa là, các Truy thủ có thể chụp được ngay trong không trung. “Trái Quaffle Pennifold” vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.
Trái Bludger
Những trái Bludger đầu tiên (hay trái “Truy sát”), như chúng ta đã biết, là những tảng đá bay, vào thời của Mumps, Bludger chỉ là những tảng đá được đẽo thành hình trái banh. Những trái banh này có nhược điểm nghiêm trọng là: những cây gậy đã được yểm lực bằng phép thuật của các Tấn thủ vào thế kỷ mười lăm có thể làm vỡ đá, trong trường hợp này, tất cả các tuyển thủ sẽ bị các miểng đá vỡ truy đuổi suốt phần còn lại trận đấu.
Chắc chắn vì lý do này mà vào đầu thế kỷ mười sáu, một vài đội Quidditch bắt đầu thử nghiệm những trái Bludger bằng kim loại. Agatha Chubb, một chuyên gia nghiên cứu đồ pháp thuật cổ, đã nhận định rằng hơn mười hai trái Bludger làm bằng chì trong giai đoạn này đã được tìm thấy ở đầm than Ái Nhĩ Lan và ở đầm lầy Anh. Bà Agatha viết, “Chắc chắn là Bludger chứ không không phải đạn đại bác.”
Chúng ta có thể thấy những vết lõm mờ do những cây gậy được yểm lực bằng phép thuật và những dấu hiệu dễ thấy do phù thủy gia công (trái lại với Muggle) – đường nét mềm mại, độ cân đối hoàn hảo. Điểm cuối cùng là mỗi trái đều rít vèo vèo quanh phòng làm việc của tôi và ra sức đánh bật tôi vào cửa mỗi khi được thả ra khỏi hộp đựng.
Rốt cuộc người ta cũng phát hiện ra rằng chì quá dẻo để làm trái Bludger (bất kỳ vết lõm nào đều ảnh hưởng đến khả năng bay thẳng của trái Bludger). Ngày nay, các trái Bludger đều làm bằng sắt, có đường kính mười tấc.
Bludger được ếm bùa đuổi theo bất kỳ tuyển thủ nào. Nếu chọn ngẫu nhiên, Bludger sẽ tấn công tuyển thủ gần nhất, vì thế nhiệm vụ của các Tấn thủ là đập trái Bludger càng xa đội mình càng tốt.
Trái Snitch Vàng
Trái Snitch Vàng kích cỡ bằng quả óc chó, giống như là chim Snidget Vàng. Snitch được ếm để tránh bị truy bắt càng lâu càng tốt. Có một giai thoại về việc bắt một trái Snitch Vàng trong sáu tháng trên trảng Bodmin vào năm 1884, cuối cùng cả hai đội đành bỏ cuộc trong nỗi chán nản với màn thể hiện kém cỏi của hai Tầm thủ. Cho tới ngày nay, các pháp sư người Cornwall thân thuộc vùng này vẫn khẳng định trái Snitch còn nhởn nhơ trên trảng, dù tôi chẳng thể biết được thực hư câu chuyện ra sao.
Tuyển thủ
Thủ Quân
Chẳng nghi ngờ gì, rằng, vị trí Thủ quân có từ thế kỷ mười ba (xem Chương Bốn) dù kể từ đó, vai trò đã dần biến đổi.
Theo Zacharias Mumps, Thủ quân
phải là người với tới giỏ gôn trước nhất bởi vì cản trái Quaffle không lọt vô trỏng là nhiệm vụ của anh ta. Thủ quân cần thận trọng khi rời vị trí của mình quá xa, phòng khi cái giỏ gôn nhà anh ta bị tấn công lúc anh ta vắng mặt. Nhưng nếu là một Thủ quân nhanh nhẹn thì có thể ghi điểm rồi trở lại giỏ gôn kịp thời cản đối thủ san bằng tỉ số. Đây là một vấn đề đối với lương tâm riêng của Thủ quân.
Hiển nhiên là vào thời của Mumps các Thủ quân chơi như các Truy thủ kèm thêm nhiệm vụ khác. Họ được phép di chuyển khắp sân đấu và được phép ghi bàn.
Tuy nhiên, khi Quintius Umfraville viết cuốn Môn Thể thao Quý tộc Giới Phù Thủy vào năm 1620, nhiệm vụ của Thủ quân đã được lược đi. Lúc này sân đấu có thêm khu vực ghi bàn và dù Thủ quân được phép bay ra khỏi khu vực ghi bàn nhằm đánh tâm lý hoặc cản đường các Truy thủ đội khác, nhưng người ta khuyến khích Thủ quân nên ở trong khu vực này, bảo vệ giỏ gôn.
Tấn thủ
Qua các thế kỷ, nhiệm vụ của các Tấn thủ dần thay đổi chút ít và có thể vị trí Tấn thủ đã có từ khi trái Bludger được đưa vào thi đấu. Nhiệm vụ đầu tiên của các Tấn thủ là bảo vệ các thành viên của đội mình khỏi trái Bludger với sự hỗ trợ của các cây gậy đánh bóng (một thời là cây chùy, xem lá thư của Goodwin Kneen ở Chương Ba). Các Tấn thủ chưa bao giờ là người ghi bàn, cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ từng đụng vào trái Quaffle.
Các Tấn thủ cần có sức khỏe tốt để chống trả lại những trái Bludger. Đó là lý do vì sao mà vị trí Tấn thủ, hơn bất kỳ vị trí nào khác, thường do pháp sư đảm nhận chứ không phải phù thủy. Các Tấn thủ cũng cần có khả năng thăng bằng cực kỳ tốt, vì thi thoảng họ phải thả cả hai tay khỏi chổi để thực hiện cú đập Bludger bằng hai tay.
Truy thủ
Truy thủ là vị trí lâu đời nhất trong Quidditch, bởi vì ngày trước tất cả những gì cần làm khi chơi môn này là ghi bàn. Các Truy thủ ném trái Quaffle cho nhau và mỗi lần thảy Quaffle qua vòng gôn sẽ được mười điểm.
Lần thay đổi quan trọng duy nhất là vào năm 1884, một năm sau khi vòng gôn thay thế cho giỏ gôn. Luật mới được đề ra rằng chỉ Truy thủ mang trái Quaffle mới được tiến vào khu vực ghi điểm, nếu nhiều hơn một Truy thủ ở trong khu vực này, thì bàn thắng không được công nhận. Luật này được đề ra nhằm ngăn chiêu "kèm người" (xem phần “Các chiêu Gian lận” phía dưới), sẽ có hai Truy thủ tiến vào khu vực ghi điểm và ép Thủ quân về một bên để vòng gôn trống cho Truy thủ thứ ba ghi điểm. Phản ứng về luật mới này được tường thuật trên tờ Nhật báo Tiên tri thời đó.
Truy Thủ Của Chúng Tôi Không Hề Gian Lận!
Đó là phản ứng kinh thiên động địa của người hâm mộ Quidditch trên khắp nước Anh tối ngày hôm qua khi Sở thể Thao Pháp thuật thông qua cái gọi là “Phạt đền Kèm người”.
Đại diện Sở nhìn có vẻ căng thẳng cho hay, “Những trường hợp kèm người ngày càng nhiều. Chúng tôi thấy rằng luật mới sẽ loại bỏ những chấn thương nghiêm trọng của các Thủ quân mà chúng ta chứng kiến nhiều như cơm bữa. Từ nay trở đi, sẽ chỉ có một Truy thủ nỗ lực mà vượt qua, thay vì những ba Truy thủ hè nhau dập Thủ quân. Mọi chuyện sẽ trở nên trong sạch và công bằng hơn rất nhiều.”
Nói đến đây, đại diện Sở buộc phải thối lui vì đám đông đang giận dữ bắt đầu oanh tạc tới tấp những trái Quaffle. Các pháp sư của Sở Cưỡng chế Thi hành Luật Pháp thuật đã tới giải tán đám đông đang đe dọa sẽ kèm chính Bộ trưởng Bộ Pháp thuật.
Một cậu bé sáu tuổi mặt đầy tàn nhang nhấn chìm cả cái tiền sảnh trong nước mặt.
Cậu nức nở với Nhật báo Tiên tri, “Con thích chiêu kèm người. Con cả bố con đều thích coi mấy Thủ quân bọn họ bị hạ bẹp hoàn toàn. Con chả còn muốn đi coi Quidditch nữa.”
Nhật báo Tiên tri, 22/3/1884
Tầm thủ
Thường là người nhỏ con nhất và nhanh nhất, Tầm thủ phải vừa có con mắt nhạy bén vừa có khả năng buông một hoặc cả hai tay khi bay. Tầm thủ có tầm ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chung cuộc trận đấu, bởi vì chỉ cần bắt được trái Snitch là sẽ giành lấy được chiến thắng dù trên bờ vực thất bại, nên Tầm thủ thường là đối tượng bị các đối thủ chơi xấu nhiều nhất. Quả thực, vị trí Tầm thủ có một sức hút khó có thể cưỡng lại, bởi trong sân đấu, trước giờ Tầm thủ là người bay tốt nhất, và thường là người bị chấn thương nghiêm trọng nhất. “Trục xuất Tầm thủ” là nguyên tắc đầu tiên trong cuốn Cẩm nang Tấn thủ của tác giả Brutus Scimgeour.
Luật chơi
Các luật sau đây đã được Sở Thể thao Pháp thuật ghi vào hệ thống luật năm 1750:
1. Dù chẳng có quy định nào giới hạn độ cao mà một tuyển thủ được phép di chuyển trong suốt trận đấu, thì vẫn không được phép lấn đường biên. Nếu có tuyển thủ nào bay quá đường biên, thì đội của anh ta phải nhường lại trái Quaffle cho đối thủ.
2. Đội trưởng có thể đề nghị “tạm ngừng” bằng cách ra hiệu cho trọng tài. Trong cả trận đấu, chỉ có quãng thời gian này các tuyển thủ mới được phép chạm chân xuống đất. Thời gian tạm ngừng có thể kéo dài trong hai giờ đồng hồ nếu trận đấu đã kéo dài hơn mười hai tiếng. Đội nào không trở lại sân thi đấu sau hai giờ sẽ bị mất tư cách thi đấu.
3. Trọng tài có quyền cho phép phạt đền. Truy thủ thực hiện cú phạt đền sẽ bay từ khu vực vòng trung tâm thẳng vào khu vực ghi điểm. Tất cả các tuyển thủ khác trừ Thủ quân của đội bị phạt phải giữ khoảng cách nhất định khi cú phạt đền diễn ra.
4. Được phép giật trái Quaffle từ tuyển thủ khác nhưng dù trong bất kỳ trường hợp nào người chơi cũng không được phép chộp nắm bất kỳ phần da thịt nào của người khác.
5. Trong trường hợp bị chấn thương, sẽ không có người thay thế. Đội chơi sẽ tiếp tục chơi mà vắng mặt tuyển thủ bị thương.
6. Được phép mang đũa phép vào trong sân đấu (Quyền được mang theo đũa phép bất cứ lúc nào do Liên đoàn Pháp thuật Quốc tế thiết lập vào năm 1692, khi họ bị Muggle bức hại vào thời điểm cao trào và các pháp sư đang lên kế hoạch để ẩn náu.) nhưng không được phép sử dụng đũa phép để trù ếm tuyển thủ, chổi bay của đội khác, trọng tài, banh thi đấu, hay bất kỳ người nào trong khán đài trong mọi trường hợp.
7. Một trận Quidditch chỉ kết thúc khi bắt được trái Snitch Vàng, hoặc có sự đồng thuận của cả hai Đội trưởng.
Các chiêu Gian lận
Lẽ dĩ nhiên, luật “được tạo ra là để phá vỡ”. Có bảy trăm chiêu gian lận được ghi lại trong kỷ lục của Sở Thể thao Pháp thuật, và đều được trình diễn trong trận chung kết tại mùa Cúp Thế giới đầu tiên năm 1473. Tuy nhiên, danh sách liệt kê toàn bộ bảy trăm chiêu gian lận này chưa bao giờ được công khai trước công chúng. Sở cho rằng các pháp sư và phù thủy xem xong danh sách này “chắc sẽ nảy ra ý tưởng.”
Thật may cho tôi đã được tiếp cận với những tư liệu có liên quan đến các chiêu gian lận này khi đang trong quá trình tìm hiểu cho cuốn sách này và xin khẳng định rằng chẳng có một ấn phẩm nào hiện nay là thảnh quả của bản danh sách này. Miễn là lệnh cấm sử dụng đũa nhằm hạ đối thủ còn được duy trì thì đến chín mươi phần trăm các chiêu gian lận đã được liệt kê đều không khả thi trong mọi trường hợp (lệnh cấm này được ban hành năm 1538). Mười phần trăm còn lại, cứ yên tâm là hầu hết sẽ không xảy ra kể cả khi có tuyển thủ bẩn tính nhất; ví như, “khiến đuôi chổi đối thủ bén lửa”, “tấn công chổi của đối thủ bằng gậy”, “tấn công đối thủ bằng cây rìu.” Điều này không có nghĩa là các tuyển thủ Quidditch ngày nay không chơi ăn gian. Dưới đây là danh sách liệt kê mười chiêu gian lận thường thấy. Thuật ngữ chính xác về các chiêu gian lận trong Quidditch nằm trong cột đầu tiên.
Trọng tài
Giám sát một trận đấu Quidditch là nhiệm vụ chỉ dành cho những pháp sư, phù thủy gan dạ nhất. Zacharias Mumps kể rằng một trọng tài ở hạt Norfolk tên là Cyprian Youdle đã thiệt mạng trong trận đấu hữu nghị của các pháp sư bản địa vào năm 1357. Người ta chẳng thể bắt được kẻ đã phóng ra lời nguyền nhưng họ cho rằng kẻ đó là một khán giả trên khán đài. Trong khi chẳng có vụ ám sát trọng tài nào có chứng cứ xác thực từ bấy đến giờ, thì cũng có hàng loạt những vụ ếm chổi nhiều thế kỷ qua, nguy hiểm nhất là biến chổi của một trọng tài thành Khóa Cảng, khiến người này biến mất hút khi trận đấu đang diễn ra nửa chừng và xuất hiện trên Sa mạc Sahara hàng tháng sau đó. Sở Thể thao Pháp thuật đã đề ra đường lối chỉ đạo nghiêm khắc về vấn đề bảo an liên quan tới chổi của các tuyển thủ và những tai nạn bất ngờ giờ đây, ơn giời, gần như không còn nữa.
Một trọng tài Quidditch hiệu quả không chỉ là một người cưỡi chổi giỏi. Người này còn phải quan sát hết chiêu trò của cả mười bốn tuyển thủ một lúc, bởi vậy chấn thương trọng tài thường gặp là trẹo cổ. Tại những trận đấu chuyên nghiệp, trọng tài được trợ giúp bởi trọng tài biên đứng quanh đường biên, đảm bảo việc không có tuyển thủ hoặc trái banh nào vượt quá biên.
Tại Anh, trọng tài Quidditch do Sở Thể thao Pháp thuật lựa chọn. Họ phải vượt qua bài kiểm tra bay khắt khe và bài thi viết thực lực về luật Quidditch và chứng tỏ, bằng hàng loạt các bài thử nghiệm chuyên sâu, rằng họ sẽ không gây rắc rối hoặc nguyền rủa các tuyển thủ chướng mắt dù đang chịu áp lực khủng khiếp.