Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Quân
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1202 / 12
Cập nhật: 2015-12-20 16:19:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ai và Cúc đã nói với Hinh là chớ nên gặp nhau tại gốc phượng hoa vàng nữa. Nhưng hai chị em không thể bỏ được thói quen thỉnh thoảng trở lại cánh rừng gần đó dạo chơi hóng mát:
Cúc hăm hở nói với chị:
- Chị Mai! Ngày mai chị em mình đào bới tìm được kho báu vật của cụ Lầm đem về thì phải biết, hả chị Mai! Không hiểu anh Hinh nghĩ thế nào mà cứ bảo chị em mình nên chờ đợi cho tới khi toàn thể các anh chị em công nhân bình tĩnh lại đã. Em e rằng dù có bình tĩnh trở lại, không căm giận chị em mình nữa nhưng lòng mê tín dị đoan của họ cũng sẽ chẳng vì thế mà hết được. Như vậy thì chúng mình sẽ phải chờ đợi tới đời kiếp nào.
- Cúc không kiên nhẫn chút nào hết. Hinh nói rất phải. Chúng mình nên nghe theo là hơn.
- Thôi được! Em cũng nghe theo lời chị Mai. Nhưng em muốn coi lại xem phiến đá có còn ở nguyên chỗ chị em mình dấu không. Chẳng lẽ, các tín đồ của thần linh lúc nào cũng ẩn nấp ở gần đó, rình chộp bắt chị em mình sao?
- Cái đó chị chưa biết chắc. Có điều, Cúc còn lạ gì: các anh chị công nhân, nhất là đồng bào Thượng, có biệt tài di chuyển rất nhẹ nhàng trong rừng rậm. Họ đến lúc nào không ai hay, đi bao giờ không ai biết. Gìn giữ cẩn thận một chút vẫn hơn chứ! Hai đứa mình đã gây khá nhiều rắc rối cho người lớn rồi. Hai chị Huệ, Trà đã phải vất vả không ít. Cúc không thương các chị lớn sao?
Cúc giậm hai chân bạch bạch vẻ mặt rất bướng:
- Sao lại không thương? Nhưng cứ trì hoãn mãi cái ngày vinh quang của chúng mình, em thấy thật là dại quá. Để lâu, lỡ một cái, có kẻ nào bất ngờ phát giác được phiến đá, lần mò khám phá ra ý nghĩa của các chữ ghì chú, rồi một đêm tối trời nào đó, họ đem xẻng cuốc ra...! Thế là... hỡi ôi! Cứ nghĩ thế là em lại không yên tâm chút nào. Đi với em, chị Mai! Tụi mình vào xem lại xem có bị mất mát gì không, đi!
Cô chị miễn cưỡng:
- Ừ, đi thì đi!
Cây phượng hoa vàng ở cách chỗ hai chị em Mai, Cúc đứng chừng hai mươi thước. Đến nơi, Cúc cúi xuống cào đất phủ trên mặt phiến đá. Mới gạt được hai ba cái, em chợt thét lên một tiếng kinh hoàng. Hai người đàn ông, mặt mũi che kín bằng vải đen, từ bụi rậm nhảy xổ ra, chộp bắt em. Cúc há miệng kêu lớn. Tiếng kêu bị tắt nghẹn trong cuống họng. Một chiếc mùi-xoa lớn tọng thật nhanh vào đầy miệng cô bé.
Mai nghe tiếng hét của em cũng hoảng hốt gào lên:
- Bớ người ta! Bớ... cứu chúng tôi! Bớ người ta!
Đồng thời, em lao người chạy như bay tới gốc cây thần bí: vắng ngắt không một bóng người. Cách khoảng chừng hai chục thước, tiếng vó ngựa lộp cộp trên mặt đất mỗi lúc mỗi xa khiến trái tim em như thót lại. Mai gọi thất thanh:
- Cúc! Cúc ơi! Cúc!
Vô ích! Quay ra, nhẩy phóc lên xe gắn máy, em phóng thật nhanh trên con đường dẫn về trại mía Ngọc San
Xộc vào hàng ba, miệng em không ngớt la lên giật giọng:
- Chị Huệ, chị Trà, anh Giang, chị Dung ơi! Chị Huệ..
Mấy người trong nhà hốt hoảng đổ xô tới:
- Cái gì thế Mai? Cúc đâu? Hả, Cúc đâu?
- Bị bắt đi rồi! Cúc bị bọn gian bắt đi rồi! Trời ơi!... Hai đứa em đi dạo mát trong rừng, bỗng nhiên, nghe tiếng Cúc la lên. Em quay lại, thì nó đã biến đi đâu mất! Đi tìm ngay đi, chị Huệ, chị Dung, anh Giang! Trời ơi! Nguy quá!
Chị Dung rên lên thảm thiết:
- Trời đất thánh thần ơi! Tôi đã biết mà. Tôi biết là nhà này còn nhiều tai họa lắm mà! Chiều hôm qua, một đàn quạ đen ở đâu kéo tới đây, bay lượn mãi trên mái nhà. Tôi biết ngay mà! Phải báo cho ông chủ hay liền mới được! Trời ơi, đất ơi...
Huệ giơ hai tay đỡ em. Mai lả người ngã vật vào vòng tay chị. Huệ lắp bắp nói không ra hơi:
- Lần này, chị cho rằng chị Dung nói đúng. Phải nói cho ba biết mới được. Sức khỏe của ba đã khá nhiều, có thể chịu đựng được tin dữ. Và rồi ba sẽ bảo chúng mình nên làm gì. Đầu óc chị cũng mê mụ hết rồi đây!
Khi ba chị em vào tới phòng ba thì được biết chị Dung đã nói cho ông Ngọc San biết rồi. Người cha kinh ngạc đến lặng người đi không nói nên lời. Ông lại còn như không tin điều chị gia nhân người Thượng vừa nói nữa. Nhưng khi các con ông bước vào, chợt nhìn thấy nét mặt vô cùng hốt hoảng của Huệ, Trà, Mai, ông Ngọc-San phải công nhận việc ghê gớm vùa xảy ra là có thật.
Người cha khẽ la lên thảng thốt:
- Trời ơi! Thật hả? Con Cúc bị bắt đi thật rồi hả? Trời ơi, tại sao vậy? Ai bắt nó? Và bắt như thế nào chứ, hả?
Mai run rẩy quỳ gối bên giường cha:
- Em Cúc và con đang dạo chơi trong rừng. Cúc vui chân chạy tách hơi xa một chút. Chợt nghe nó hét lên thất thanh. Con vội chạy đến thì em đã biến mất. Con chỉ nghe tiếng vó ngựa đập lộp cộp trên mặt đất... rồi là hết.
Đôi mắt trừng trừng ngó sững lên trần nhà, đôi bàn tay ông Ngọc San nắm chặt. Giọng nói của ông sắt lại lọt qua hai hàm răng nghiến chặt:
- Hừ! Dám cả gan động chạm đến con gái ta. Đúng vào lúc mình bị bán thân bất toại như thế này. Trời ơi! Này, tất cả các con! Không được để chậm trễ một phút nào. Nghe ba nói đây!
Huệ nhìn cha, giọng run run:
- Dạ, chúng con nghe! Ba nói đi ba. Bây giờ chúng con phải làm gì đây ba?
- Thứ nhất, không được khóc, đưa cho ba điện thoại. Ba gọi gấp cho Cảnh-Sát. Rồi các con chạy đi nói cho anh Giang, bác An, bác Mẫn biết ngay. Bảo ba người đó tức tốc đi truy lùng lập tức. Gặp ai cũng hỏi tin tức em con. Nói rõ cho ba người ấy biết như thế. Ba sẽ treo giải thưởng cho bất cứ ai có thể mách bảo được một tin tức gì có ích. Mai ở đây với ba. Huệ, Trà điệu chị Dung đi chỗ khác. Ba nghe tiếng than vãn rên rỉ của nó, ba chịu không nổi đâu.
Huệ, Trà đứng phắt lên, chạy lao ra cửa, lôi theo chị gia nhân người Thượng lúc ấy vẫn còn sụt sịt, nước mắt nước mũi choàm ngoàm.
Tiếng ông Ngọc-San gọi vang vang qua máy điện thoại. Cuộc Cảnh-Sát địa phương sôi động hẳn lên vì tin tức: con gái út ông chủ mía Ngọc-San mất tích.
Đến tối mịt, không khí bồn chồn khắc khoải lại càng tràn ngập toàn khu nhà ở của Ngọc San. Nỗi ưu tư như luồng điện, lan truyền đến cả toàn thể anh chị em công nhân trong trại mía Ngọc-San. Mặc dầu vừa trải qua một cơn xáo động trầm trọng, mọi người vẫn phải công nhận là các cô chủ nhỏ, con gái ông chủ lớn, là những cô gái rất đáng quý mến. Việc cô út bị mất tích khiến họ sửng sốt bàng hoàng, băn khoăn nghĩ ngợi không hiểu tại sao. Ồ, phải! Biết đâu đây lại chẳng là, vì tức giận, thần linh đã ra tay trừng phạt.
Khi ba cô con gái thất vọng quay về báo tin truy lùng vô hiệu quả, trong một phút vô cùng tuyệt vọng, ông Ngọc San đã buột miệng thốt:
- Sao trại mía của ta cứ bị hết nạn nọ đến họa kia thế này?
Huệ dịu dàng nắm tay cha:
- Cái gì, ba? Ba nói cái gì thế?
Người cha giơ một cánh tay lên, nhưng lại buông vật xuống, mệt mỏi rã rời:
- Chắc con cũng biết là ba đã mất tích một đứa con trai trước khi má con sanh con chớ hả? Và thằng bé bị biệt tung trong trường hợp vô cùng bi đát.
- Vâng, biết chứ ba! Nhưng không nghe ba nhắc tới chuyện buồn ấy bao giờ, chúng con cũng không dám đả động tới làm gì. Ba má đặt tên anh ấy là Trung phải không ba?
- Ừ, đúng đó, con! Má con và ba yêu quý nó, hãnh diện vì nó vô cùng. Nó, đẹp, mập mạp, khỏe mạnh hơn mọi đứa con nít cùng lứa tuổi. Khi được đúng một năm, chợt một đêm kia, chị vú nuôi nó, vốn là người Thượng cho ba má biết là thằng bé bị sốt nặng. Sáng hôm sau, ba cho nó đi nhà thương, mổ cái nhọt bọc ở phía sau tai bên phải. Hồi đó cây phượng hoa vàng kia đã có từ lâu rồi. Chị vú của bé Trung nói xưng xưng rằng toàn thể công nhân bất mãn vì trong khu trại nhà mình lại có cây quý đó. Họ bảo rằng cây quý khiến thần linh ghen hờn nổi giận đã hành lên thể xác bé Trung. Nghe tin vậy, ba má chỉ nhún vai mỉm cười. Sau khi mổ cái ung nhọt rồi, thằng Trung bình phục rất mau chóng, nhưng xem ra sức khỏe của nó lại kém sút hồi chưa bị mổ. Nó lại hay khóc, nét mặt không còn hớn hở sởn sơ như trước nữa. Bác sĩ khuyên ba má nên cho nó ra vùng biển ở ít lâu, thay đổi không khí... Vừa may, chị vú lại có nhà bà con ở ngoài Nha Trang. Thế là ba má thu xếp cho chị ấy đem bé Trung ra ngoài đó ít lâu. Chị vú tên là Tô-Lách, rất thông minh, tháo vát và thật tận tâm. Ba má xuống thăm bé Trung luôn luôn và vui mừng hết sức khi lại thấy nó hồng hào và khỏe mạnh như hồi trước...
Thế rồi, một hôm, tin ghê rợn báo về: bé Trung, chị vú đặt đặt nằm trong nôi hóng gió ngoài bãi biển, đã bị một luồng sóng biển khổng lồ cuốn đi mất tích.
Sau một tiếng thở dài rầu rĩ, người cha bệnh tật nói tiếp. Giọng ông trầm trầm, khe khẽ như tiếng người tụng kinh:
- Chịu, ba không thể nào tả nổi cho con nghe nỗi đau lòng của ba má lúc đó. Thôi thì thuê người, mướn ghe thuyền đi kiếm, dù là chỉ tìm kiếm cái thi hài của nó mà thôi, đều hoàn toàn vô hiệu... Cũng từ đó, ba và má con, chẳng còn ai dám bén mảng đến gần "cây phượng hoa vàng" đó nữa.
Huệ nhìn cha thương xót:
- Tội nghiệp ba quá chừng!
- Nhưng ít lâu sau, con ra đời, rồi đến các em con. Ba má được các con nên cũng nguôi dần thương nhớ.
Mai hỏi cha:
- Rồi chị vú Tô-Lách ấy đâu hả ba?
- Tô-Lách nó cũng xót thương khóc lóc muốn hư cả đôi con mắt luôn. Nhưng ba má vẫn phải buộc lòng cho nó nghỉ việc. Tội nghiệp! Nghe nói hiện giờ nó mở được một cửa hàng vải trên chợ ĐàLạt, buôn bán khá lắm.
Viền môi người ốm nhếch lên. Nét cười gượng trông thảm não hơn cả một nét nhăn đau khổ:
- Chuyện đứt ruột ấy, chẳng hiểu sao bữa nay ba lại buộc miệng nói ra như thế nhỉ, Huệ! Đã buồn, cho nó buồn luôn thể. Bây giờ đến lượt bé Cúc của ba mất tích. Trời ơi!
Giọng nói ông Ngọc San nghẹn ngào thương tâm hơn tiếng khóc. Mai âu yếm nắm tay cha:
- Cứ yên trí đi ba! Con chắc họ không làm gì bé Cúc đâu! Dân ở vùng này không phải là những người tàn ác. Họ chỉ muốn làm cho cha con mình sợ hãi để hả giận về việc xúc phạm đến cây thiêng đó thôi.
Người cha trợn tròn đôi mắt, kinh ngạc:
- Xúc phạm đến cây thiêng? Bao giờ thế? Và ai đã làm gì mà bảo là xúc phạm? Từ hai chục năm nay, có người nào dám lai vãng đến gần chỗ ấy đâu. Mà ba cũng đã cấm các con không ai được tới chỗ đó rồi mà, phải không?
Mai khẽ cúi đầu:
- A... a, lâu quá thành ra chúng con quên bẵng mấy lời ba dặn. Cúc bị bọn gian bắt đi đúng lúc em đứng hóng mát dưới gốc cây phượng hoa vàng đó ba.
Từ trắng xanh, da mặt ông Ngọc San đổi thành màu đỏ ửng, những nét đanh lại. Trán anh hằn xuống mấy nếp nhăn rõ rệt. Hai hàm răng ông nghiến ken két như muốn nhai nát mối căm hận. Căm hận vì hai cẳng chân tê liệt khiến ông không thể nhẩy ra khỏi giường nằm đặng cử động, hò hét, múa may cho hả.
- Nhất định lại bọn người cuồng tín này rồi. Hừ! Họ có gan làm tất cả mọi việc, kể cả những việc ghê gớm nhất. Đồng bào mình, dù Thượng hay Kinh, khi bị đụng chạm đến vấn đề tín ngưỡng là rắc rối không để đâu hết. Bé Cúc giờ này lọt vào tay họ. Trời ơi! Không ai mách bảo được chút xíu tin tức gì. Hai tay An, Mẫn và tên Giang, chỉ há miệng kêu than vô ích mà thôi! Biết đâu chúng nó lại cũng đã chẳng sợ rúm người vào rồi? Cảnh-Sát gặp trường hợp này cũng kẹt lắm, không thể thẳng tay can thiệp được. Rồi ngay đến cả những người thân tín nhất cũng im miệng luôn. Hoặc có nói thì lại chỉ nhắc đến thần linh, đến ma quỷ... Trời ơi!
Người cha đau khổ quắc mắt nhìn ba đứa con gái:
- Thôi! Tùy các con! Làm sao đó thì làm! Làm sao cứu được em Cúc thoát khỏi tay tụi ăn cướp ấy thì làm! Báo cho tất cả họ hàng bà con, người quen nhà mình biết. Gặp ai cũng hỏi thăm xem sao. Họ sợ lắm! Ba biết! Nhưng họ cũng lại quý mến các con. Chắc chưa một ai quên các điều tốt lành chị em con đã đem lại cho vợ, cho con họ đâu.
Dứt lời, ông Ngọc San mệt nhọc úp mặt vào hai bàn tay. Huệ nắm cổ tay cha:
- Ba! Ba đừng vội thất vọng nghe ba! Ba đau ốm nằm mãi một chỗ, lo buồn quá nên hơi quẫn chí đây. Riêng con, con cam đoan với ba rằng em Cúc không sao hết đâu. Em sẽ về được, con nói chắc với ba như vậy đó! Theo con nghĩ: đây chỉ là một hăm dọa cho bọn mình hoảng sợ mà thôi. Để con gọi anh Giang lên đỡ ba nằm nghỉ cho khỏe. Có khỏe rồi cha con mình mới vững lòng chiến đấu được chớ ba.
Nhà trồng tỉa buồn bã gật đầu:
- Con nói đúng! Thôi, các con ra ngoài cho ba nằm nghỉ! Gọi anh Giang vào đây! Ba ngủ một giấc, khi tỉnh dậy chắc trí óc sẽ sáng suốt hơn một chút.
Sáng hôm sau, khi thức tỉnh, Mai đưa tay lên xoa hai bên thái dương nhức buốt và vầng trán nóng hổi. Công việc cần làm hôm nay: đi tìm kiếm em Cúc, hỏi thăm tất cả mọi người. Nhất định thế nào cũng có người biết tin tức chứ. Khó một điều: họ sẽ im miệng không nói gì hết. Gạn hỏi cho lắm và dù cho họ có quý mến mình tới mức nào đi nữa, bất quá cũng chỉ là một tin tức mơ hồ chẳng có gì rõ rệt. Phải khéo léo lắm mới được! Hai chị lớn Huệ, Trà khôn ngoan hơn, sẽ đảm đương việc điều tra, dò xét. Mai lại truy lùng tin tức em Cúc cách khác, và cách đầu tiên, còn gì tốt hơn là báo cho Hinh biết tin.
Khi nghe tiếng xe gắn máy nổ ròn từ phía trại Mộng Bảo vẳng tới, Mai đã đứng sẵn giữa đường, giơ tay chờ bạn. Hinh hãm thắng, xuống xe. Thấy bạn có mỗi một mình, cậu trai hỏi ngay:
- Ủa, bữa nay Mai đi học một mình? Tại sao vậy?
Mai rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào:
-... Cúc... Cúc bị bắt đi rồi! Chiều hôm qua. Tại gốc cây phượng hoa vàng đó. Khi nghe nó kêu thét, tôi chạy tới thì đã muộn. Không ai nhìn thấy bọn người bí mật nữa kia mà. Báo Cảnh-Sát rồi, nhưng vẫn chưa có tin tức gì hết.
Hinh nín lặng, không nói một câu. Da mặt cậu trai trắng bệch như sáp ong. Gần phút sau, Hinh mới rít qua kẽ răng:
- Hừ! Tụi cướp thế thì gớm thật! Dám cả gan làm chuyện tày trời đó... Cũng tại Mai, Cúc một phần! Tôi đã dặn phải dè dặt đề phòng mà chẳng chịu nghe. Cái này... cái này... chắc lại đám công nhân người Thượng đây thôi. Tôi có thể đoan chắc với Mai như vậy đó. Và căn cứ vào đâu mà tôi biết được như thế. Hiện giờ chưa thể nói ra, nguy hiểm lắm!
Mai mừng khấp khởi:
- Hinh chắc chắn thế chứ?
- Chắc chắn! Chỉ có thể cho Mai biết được điều này! Rồi cố mà tìm hiểu thêm nghe: trại Ngọc San hiện đang bị một kẻ địch dòm ngó dữ lắm. Nó chỉ rình cơ hội là phá hoại liền. Hiện thời thì y đang lợi dụng đầu óc mê tín của công nhân, nhất là các đồng bào Thượng chất phác, nghĩa là những người dị đoan tin cây phượng hoa vàng kia là ghế ngồi của thần linh. Họ dễ nổi giận khi có người léo hánh tới chỗ thiêng liêng ấy! Cúc dại dột lại lần mò tới đó. Tụi người bắt cóc Cúc biết rõ rằng khi bắt được quả tang Cúc xúc phạm cây thiêng, họ sẽ khiến được tất cả các công nhân Thượng trong trại Ngọc San nổi dậy đương đầu với gia đình Mai, Cúc. Nhưng Mai cứ yên tâm, họ không dám làm gì cho Cúc phải đau đớn đâu. Và nhất định là khi nhận thấy lòng căm hờn của công nhân đã phát tác đầy đủ, họ sẽ thả Cúc về ngay.
Mai run giọng như sắp khóc:
- Trời ơi! Nếu vậy thì ghê gớm quá. Hinh nói cho tôi biết tên kẻ thù bí mật ấy coi! Để tụi này sẽ ra tay buộc y phải buông tha Cúc lập tức!
Cậu trai khẽ lắc đầu, hàm răng cắn viền môi dưới:
- Chưa phải lúc đâu, Mai ơi! Tay này mạnh hơn chúng mình nhiều lắm. Bây giờ tụi mình ra mặt đối chọi chỉ tổ khiến hắn càng bước mau tới chỗ thắng lợi mà thôi. Có cách này hay nhất này: phải hết sức can đảm, hết sức kiên nhẫn, "nữ tứ tử" sẽ làm cho hắn phải thất bại ê chề. Phần tôi, tôi sẽ gây trở ngại cho bất cứ hành động gì của hắn.
Cô gái nắm chặt hai bàn tay:
- Tên cường đạo này thật là tàn nhẫn. Gây cuộc đình công, phóng hỏa đốt xưởng đường của trại Ngọc San còn chưa thỏa ý hay sao mà lại còn...
- Tôi đã nói là Mai cứ yên tâm. Đây nhé: Trại Ngọc San không chỉ có kẻ thù không mà thôi. Ngoài ra còn... những "lời báo trước" cho mà đề phòng nữa. Do đó, tôi cho rằng hiện thời, bên Mai, có một người nào đang âm thầm giúp đỡ nhằm khiến sự thiệt hại nhẹ bớt đi được phần nào đó.
Mai tươi cười nhìn bạn:
- Nghe Hinh nói, tôi vững lòng rất nhiều. Hinh thật là một người bạn tốt. À, nhưng phải nói cho tôi biết là tôi phải làm cái gì bây giờ chứ. Cứ bỏ liều Cúc ở trong tay bọn kia sao? Ba Mai thì bức rức, tức giận vì ở cái thế không thể làm gì được. Chị Huệ, chị Trà chạy ngược chạy xuôi hỏi tin tức để dò tìm em Cúc. Nhưng chắc gì...
- Đối với các công nhân, nhất là đồng bào người Thượng, biện pháp cứng rắn là điều tối kỵ. Càng gay go với họ, họ càng im miệng không nói gì hết. Nghi ngờ họ, chỉ tổ khiến họ thêm tức giận mà thôi. Cứ giữ thái độ bình tĩnh đàng hoàng. Sự điềm tĩnh và lòng dũng cảm của chị em Mai sẽ khiến họ được cảm động. Và rồi lại còn những tin mật báo trước cho biết các việc xẩy ra nữa. Thế nào cũng sẽ còn nhiều nhiều. Tôi khuyên Mai cứ yên tâm là vì thế.
Mai cảm động nhìn cậu bạn trai:
- Hinh còn nhỏ tuổi mà nói năng có vẻ khôn ngoan quá. Cứ như người lớn ấy thôi. Chắc Hinh đã phải mất nhiều ngày lắm mới tìm hiểu được người và việc như thế chứ, hả?
Hinh nhè nhẹ gật đầu, mặt hơi có vẻ buồn:
- Thì Mai cũng biết đó! Bên nhà tôi thật ra chẳng có cái gì có thể gọi là vui vẻ cả. Do đó, để giải trí, tôi thường chú ý nhận xét những việc xẩy ra quanh mình. Vui lắm! Khi người ta tiết kiệm lời nói, sẽ có được nhiều thì giờ để suy nghĩ, tìm hiểu người khác.
Mai vui mừng nắm ta bạn:
- Hinh quả là một người bạn quý hóa. Cố giúp cho tụi này kiếm cho bằng được em Cúc nghe. Tôi sẽ báo cho Hinh hàng ngày mọi tin tức gì mới lạ. Cầu trời cho chúng mình không phải chờ đợi lâu.
Ðôi bạn chia tay, khi Mai về tới nhà, đã thấy Huệ, Trà đang châu đầu đọc một tờ giấy gì.
Huệ nhìn Mai, cất giọng run run:
- Coi ai viết này, Mai! Chị và chị Trà thấy mảnh giấy gài dưới khe cửa đầu hàng ba đó.
Mai hồi hộp dở mảnh giấy lạ, lẩm nhẩm đọc:
’’ Cô bé bị bắt cóc, vẫn mạnh khỏe, bình an ‘’.
Phiến Đá Hoa Cương Phiến Đá Hoa Cương - Nam Quân Phiến Đá Hoa Cương