Số lần đọc/download: 1701 / 49
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Chương 7
G
iao xong một trăm hai chục lít sữa, cầm tấm giấy biên nhận từ tay người đàn bà mập ú trưởng trạm thu mua mặt lúc nào cũng cau cáu soi mói như những người nuôi bò mang đến cho mụ toàn thứ sữa pha nước giếng, còn mụ chia cho họ những tấm giấy biên nhận thanh toán như dứt từ máu thịt mụ, Út lầm lầm quay ra. Mỗi lần giao sữa, mặc dù biết sau này chuyện tiền nong, vào cuối tháng, Ba Bá đều tới tận trạm nhận sòng phẳng, hắn vẫn bần thần như bị con mụ mập ăn cướp hết mồ hôi nước mắt. Hắn đã làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Còn những con bò, từng lít sữa của chúng, lẽ ra phải được dành cho lũ con... Thế mà, mỗi ngày hai lần đến đây đổi nỗi cực nhọc của mình và sự hy sinh tình mẫu tử của lũ bò lấy tấm giấy mỏng dính không to hơn bàn tay là mỗi lần tai hắn vang tiếng kêu thảm khốc của lũ bê đói sữa vì bị dứt sớm khỏi vú mẹ; mắt hắn như bắt lại cái nhìn thiểu não, tuyệt vọng của lũ bê đực vừa sinh đã phải ăn cháo cám, buộc ngoài vườn chờ ngày bị bán làm món bê thui. Trong tất cả công việc của nghề nuôi bò, trừ một hồi phải đi cắt cỏ, việc hắn miễn cưỡng nhất là đi giao sữa, mặc dù đó là lúc được thoải mái trên đường, tạm thoát khỏi cảnh lam lũ, đầu tắt mặt tối. Hắn đã quá quen với đời sống chuồng bò. Phải xa cái không khí có mùi hôi nồng của nước tiểu và phân bò, mũi hắn đã quen như sinh khí, hắn thấy bứt rứt, ngột ngạt ở buồng phổi như chú cá bị ném lên bờ. Hắn cũng thân thiết với lũ bò bằng tình cảm tương tư, mê mẩn đến độ đi đâu cũng nhấp nhổm mong chóng xong việc sớm để về với chúng.
Hắn đút tờ biên nhận vào túi ngực, cài nút cẩn thận rồi bước đến chiếc xe Sác dựng lẫn với đủ loại xe gắn máy của dân giao sữa quen mặt nhau trong vùng.
Một gã thanh niên tuổi chừng ngoài hai mươi, mặt lì, để ria con kiến, mặc bộ đồ mốt thùng thình, từ bên kia đường đã chức sẵn, chỉ chờ hắn ra là bước sang.
- Xin lỗi... Gã thanh niên nắm một bên tay lái chiếc xe Sác: Có người cần gặp anh.
Hắn nhìn kỹ gã thanh niên bằng ánh mắt đề phòng. Hình như đã gặp gã ở đâu. Hắn cố nhớ. À! Gã mới đến trại bò hỏi mua bê giống. Ba Bá đã đón gã xởi lởi, dẫn đi đến thăm chuồng, giới thiệu ưu điểm của từng loại bò, lại mời gã thuốc thơm và cà phê, vì gã tính mua tới bốn con bê lận. Không hiểu sao, hôm đó, gã cứ luôn săm soi để ý hắn. Còn hắn, chỉ một lần gã lướt qua bên cạnh, ngửi mủi quần áo và nhìn qua hình dáng, hắn đã biết gã chỉ là kẻ tào lao chứ chẳng chuyên mua bán gì hết. Dân nuôi bò thứ thiệt dù có tắm gội, mặc đồ có sạch đến đâu vẫn cứ có "mùi bò" và ánh mắt cũng có hồn như mắt bò. Hắn có khứu giác đặc biệt để nhận biết điều đó.
- Anh là Út Nhân? Gã thanh niên hỏi và rút bao thuốc thơm 555 chìa cho hắn. Mời anh.
Hắn xua tay từ chối. Nhưng chịu dắt xe theo gã thanh niên qua tiệm cà phê Mi xế bên kia đường.
- Để xe ở đây đi. Gã thanh niên nói. Quán quen khỏi khóa.
Xe của tao có quăng ra đường cũng chẳng có ma nào lấy. Hắn nghĩ vậy rồi dựng xe vào dãy những chiếc xe gắn máy đủ loại đã xếp chật lề hè. Lúc quay đi, tầm mắt hắn bỗng chạm vào chiếc ba-bét-ta màu đỏ dựng gần. Đường dây nhạy cảm trong đầu hắn bỗng rung nhẹ nhưng không đủ đánh thức điều gì rõ rệt. Ai cần gặp mình? Hay thằng giả mạo này lại bày đặt dò dẫm chuyện mua bê giống.
Quán cà phê hơi tối. Vắng khách (!). Những bộ ghế nhựa màu đặt quanh những bàn gỗ nhỏ trong khuôn quán rộng hầu hết bỏ không. Vài cặp trai gái ngồi rải rác trong im lặng hướng về màn ảnh ti-vi đang chiếu bộ phim vi-đê-ô tình ái Hồng Kông. Nhạc, tiếng động, tiếng nói từ trong phim nghe inh tai, để câu khách ngoài đường là chính. Một nhóm hơn chục cô gái trẻ mặc váy ngắn hoặc quần Jean bó, áo thun ba lỗ, cũng đang ngồi xem, nhưng mắt luôn liếc ra cửa hóng khách. Cái khác lạ trong quán đối với hắn là sự sang trọng mà cả đời quen với nếp sống chuồng bò và các loại hàng quán bình dân, chưa bao giờ hắn dám bén mảng. Nhưng hắn không hề mặc cảm. Những cô gái nhắc thấy điệu bộ thô kệch của hắn trong bộ đồ cũ bạc nhàu nát, tưởng hắn được gọi vào để làm thuê việc gì đó, đều thờ ơ để mắt tiếp vào màn hình ti-vi. Hắn chẳng hề coi đó là điều xúc phạm.
Gã thanh niên tỏ ra quen thuộc, đưa hắn qua quầy bán hàng ra hẳn phía sau nhà như thể gã đang vào chính nhà gã. Hun hút hết hành lang của dãy buồng hẹp, đèn điện leo lét như đèn dầu, hắn được đứng trước khu vườn chừng nửa công đất cây um tùm và rợp bóng toàn mít là mít. Cây nào cây nấy sai trĩu quả. Dưới mỗi gốc cây đều bày thật kín những bàn nước nhỏ và loại ghế bố hai người. Ở đây mới thật sự là bộ mặt của quán. Mỗi chiếc ghế đều có một cặp trai gái ôm ấp, vuốt ve, mơn trớn nhau. Những ly cà phê hay nước giải khát đặt trên bàn chỉ là cái cớ. Hắn hiểu ra tại sao xe để ở lề hè rất nhiều trong khi gian bên ngoài vắng khách.
- Lại đây đi.
Bị gã thanh niên hích nhẹ vào tay, hắn mới sực nhớ mình theo gã. Hắn được đưa tới trước cô gái ngồi một mình, ngón tay cặp điếu thuốc thơm, đang nhiu nhiu mắt nhìn gã chăm chú. Nàng mặc chiếc váy bó liền áo bằng thứ hàng mềm màu xanh thẫm bó khít khuôn người cao, khỏe. Bộ mặt đẹp nhám nắng gần như không trang điểm của nàng toát ra vẻ hoang dã và lãnh đạm. Chân dung nàng đối với hắn thật xa lạ, nhưng khuôn người thì... Hắn ngờ ngợ. Cái khuôn người của cô gái hắn bắt gặp ở bãi rác đã ngày đêm ám ảnh, như một dấu ấn được nung đỏ, đóng chặt vào cảm xúc thị giác khiến hắn thuộc lòng đến từng chi tiết. Hắn sững sờ, trân trân nhìn đường eo chảy mềm qua cùng mông xuống cặp đùi trắng nuột, cặp giò, lớp lông tơ, và đôi giày cao gót đen... Mắt hắn như tối lại... Chiếc Ba-bét-ta màu đỏ...
- Ngồi đi anh.
Nàng chỉ chiếc ghế đối diện. Hắn lúng túng nghe theo, lòng tin chắc ngồi trước chính mình là nàng. Sao nàng nhớ được mình? Hắn nhìn lại bộ đồ mình đang mặc: chiếc áo sơ mi xanh trứng sáo cộc tay loại may sẵn, chiếc quần Âu cứt ngựa cũng loại may sẵn, đều là đồ cũ Ba Bá quẳng cho hắn sau trận đòn, khác hẳn chiếc sơ-mi si-mi-li xám tay dài, hai túi nắp cùng chiếc quần ốp-pho màu ghi trong đêm gặp nàng. Còn mặt mũi hắn đêm đó, chính hắn không gõ mặt nàng, làm sao nàng có thể nhận ra hắn.
Nàng đưa mắt cho gã thanh niên. Gã biết ý lẳng lặng bỏ ra ngoài.
Chờ gã đi khuất, nàng mỉm cười, đôi môi dày hơi cong, thoa nhẹ lớp son màu cánh sen thoáng cười.
- Anh có nhận ra em không?
Hắn bối rối, miệng mấp máy không ra tiếng.
- Em mời anh vô đây để cảm ơn. Nàng nói. Nếu không có anh đêm đó, chắc em chết rồi. Em là Sương...
Ánh mắt nàng rung nhẹ những tia vui như thể mắt bò khi được vắt hời bầu sữa. Sự liên cảm gần gũi đó khiến hắn yên tâm. Hắn nhìn nàng, vòng ngực nở thả lỏng sau lần vải áo của nàng bắt hắn bâng khuâng hình như để lộ hết ra nó đẹp hơn.
- Anh uống gì? Cà phê nghen?
- Không - Hắn lung túng - Tôi không...
- Phải uống đi... Sương ngoắc nhẹ ngón tay cho cô gái trẻ mặc váy ngắn đang đứng chờ phục vụ từ xa: Em cho chị một ly đen. Nàng lại cười với hắn: Anh phải uống. Hôm nay anh sẽ là "nạn nhân" của em... Nàng đẩy về phía hắn bao 555. Anh hút tự nhiên đi.
Hắn lắc đầu:
- Tôi không...
Sương nháy mắt tinh nghịch:
- Từ nay chúng mình là bạn. Em sẽ tập cho anh tất cả những cái mà anh... Nàng nhăn nhăn bắt chước bộ tịch của hắn và nhại: "Không... tôi không..." Từ nay có em, anh sẽ biết cà phê, rượu, thuốc là và... cả... đàn bà. Chịu không?
Hắn thấy gờn gợn trong họng. Ly cà phê đen vừa được mang lên, hắn uống ực một nửa. Vị đắng và thơm ngát khác hẳn thứ cà phê bình dân nhạt thếch những quán ngoài phố gần trại bò. Hắn hơi nhăn mặt.
Sương xúc một muỗng đường ở hũ nhỏ trên bàn đổ vào ly của hắn:
- Anh chưa bao giờ uống cà phê đường riêng hả?
Trong hắn bỗng lây lan cảm giác bủn rủn là lạ. Không phải từ cà phê mà từ cử chỉ chăm sóc của nàng. Lần đầu tiên trong đời kể từ khi bị là thằng khùng, hắn được một phụ nữ cư xử thân tình và trân trọng như thế. Hắn rưng rưng cảm động.
- Anh có ngạc nhiên khi em biết anh không? Nàng kể bằng giọng trầm ấm: Em đã sai thằng Huy đệ tử của em hỏi dò quanh khu bãi rác ai là chủ chiếc xe Sác có ổ sơn trắng đỏ. Thật dễ tìm, vì cả vùng chắc chỉ còn lại sót mỗi chiếc xe đó. Huy về nói với em, anh là "thằng khùng". "Út Khùng". Đúng không? Em nói: Không đúng. Anh tỉnh táo, thậm chí khá được trai... Thằng Huy nói: Nếu vậy, không phải người này. Nó liền vào hẳn trại bò điều tra lần nữa. Không phải những người lối xóm mà cả cha Hai Vương, Ba Bá, Năm Thiên, dân nuôi bò toàn vương bá không à, anh ruột anh cũng nói anh khùng. Huy nắm được quy luật ngày hai lần đi giao sữa của anh. Em đã chờ ở quán cà phê ngoài phố ngay đầu hẻm vô trại bò. Chỉ một lần thấy anh cưỡi xe từ trong con hẻm đi ra, em đã xác định đúng anh. Thoáng nhìn, anh có vẻ khùng thật, nhưng... Sương lắc đầu: Không phải. Em tin chắc thế. Chẳng qua sống hoài trong cảnh mạt rệp, anh mới có bề ngoài như thế. Nàng trầm ngâm ngắm kỹ hắn: cái thần mặt khờ khạo và đôi mắt buồn như mắt bò của anh khiến người ta dễ nghĩ anh khùng.
Hắn tê dại như bị điểm trúng huyệt. Nghe nhận xét của nàng, hắn chẳng sung sướng mà còn thấy buồn hơn, nặng nề hơn. Từ trước tới nay, đã quen làm thằng khùng, bị người ta hiểu là khùng, hắn an tâm và sống thật với mình hơn. Bây giờ được đánh giá đúng bản chất, được đề cao, hắn thấy sợ, thấy lạ, như bị bắt quả tang về tội đội lốt. Và hắn bỗng lo từ nay phải thay đổi cách sống, điều hắn chẳng hề ham muốn. Hắn rùng mình nóng khô ở phổi. Đã nhấc ly cà phê lên, hắn lại bỏ xuống. Mặc dù cà phê đã cho đường, hắn vẫn nghĩ, chính cà phê đã làm cho hắn nôn nao sờ sợ.
- Hay anh uống thứ khác? Sương như đọc được sự không hợp khẩu vị ở hắn, dịu dàng nhắc. Uống thứ khác đi. Hôm nay em không để anh về nhà sớm đâu.
Nàng lại ngoắc cô tiếp viên.
Hắn buột miệng:
- Sữa...sữa tươi...
- Thưa! Cô tiếp viên hỏi: Anh dùng lạnh hay nóng?
- Nóng.
- Em sẽ mang đến ngay, thưa anh.
"Thưa anh"! Tưởng tai mình vừa nghe câu nói dành cho người khác, hắn dáo dác đảo mắt ra xung quanh. Giữa khung cảnh chỗ nào bên bàn nước cũng từng cặp, từng cặp trai gái ngồi dính nhau công khai hôn hít, mơn trớn, hắn có cảm giác mình lạc lõng giữa khu vườn tội lỗi. Ấy vậy mà tại nơi dung dưỡng sự suy đồi này, hắn, thằng khùng, luôn được cư xử lịch thiệp và kính trọng. "Thưa anh". Ôi! Chính là mình.
Ly sữa nóng được cô tiếp viên lễ phép đặt lên bàn. Hắn chộp lấy. Và uống. Độ nóng cao của sữa làm lưỡi bỏng rát. Hắn chép miệng cười khan. Đã lâu lắm, hắn không cười.
- Sữa này bị pha...
Sương cười giòn hồn nhiều. Nàng cười đến phát ho, phải dùng khăn tay chấm nước mắt, sau đó, cầm ly sữa nhấp thử:
- Em chịu không phân biệt được thế nào là sữa thật.
Hắn lầm ầm nhắc lại:
- Đúng sữa pha.
Sương thôi cười. Còn hắn chăm chú vào vết son dính nhẹ trên miệng ly sữa. Ở nhà hắn, nhiều thứ dĩa chén, tô, nồi...các anh và chị dâu hắn có thể dùng chung với bò, chó, gà nhưng không bao giờ dùng chung với hắn. Vết son. Hắn nghĩ, không biết mùi vị có giống như dãi bò? Hắn ngập ngừng đưa cái ly, chỗ vết son, lên miệng. Thấy nàng chăm chú nhìn, hắn bối rối xoay chệch vết son trước khi nhấp ngụm sữa. Mùi thơm thoảng ngọt. Hắn nhớ ra đó chính là một phần của mùi thơm hôm nào khi dìu nàng từ bãi rác vào trong lều. Tự nhiên mặt hắn bỗng bì lên. Trước hắn là nàng không mảnh áo quần nào trên người.
- Em còn biết đêm đó, anh quan tâm đến em giữa lúc con bò cái nhà anh sanh khó bị chết con. Gã anh Ba đã nện cho anh một trận nhừ tử.
Hắn bừng tỉnh. Lại thấy nàng trong bộ áo váy xanh mềm.
- Tại sao cô...Hắn ấp úng hỏi chỉ để lấp khuất ánh mắt tội lỗi mà hắn rất sợ nàng đọc được.
- À. Sương hít hơi thuốc thật sâu. Em cũng làm nghề giống các cô gái ở đây nhưng ở một nơi sang trọng hơn trong trung tâm thành phố. Những tên anh Hai trong khu vực muốn em tiếp một thằng già khả ố, em không chịu. Em không từ chối đi khách nhưng không phải ai em cũng đi. Thế là chúng nó chặn đường về để trừng phạt. Do tình cờ anh đi qua, chúng thấy động bỏ chạy. Nếu không, không biết chuyện gì xảy ra.
- Nhà cô ở đâu? Biết rõ nàng là ai, hắn không còn bị gợn bởi khoảng cách giữa đài các sang trọng của nàng với vẻ bình dân thô kệch của mình. Hắn tự tin hơn.
- Nhà em ở trong khu nghĩa trang...
Hắn sững sờ. Khu nghĩa trang, theo đường qua bãi rác, vào chừng hai cây số, chẳng xa lạ gì với hắn. Đấy là nơi dân gốc Gò Vấp và cả dân Bắc di cư năm 1954 không ai ở vì có nhiều ma. Khoảng chục năm gần đây, những gia đình kinh tế mới, hầu hết thuộc tầng lớp cùng quẫn, hồi cư về thành phố mất chỗ ở, kéo nhau tới xây dựng lều, cất nhà, sống bằng đủ mọi nghề hạ đẳng. Hắn nhìn nàng. Sao không thấy ở nàng nét nào gần gũi với đám dân lam lũ bần cùng khu ổ chuột nghĩa trang?
- Từ lần đó, em phải thuê vệ sĩ. Nàng kể tiếp: thằng Huy vừa đưa anh vô đây. Tháng em trả nó một triệu. Có nó, em mới an tâm hành nghề.
Huy từ bên ngoài lừ lừ đi vào đặt lên bàn túi đồ lớn rồi tự kéo ghế ngồi cạnh Sương.
- Anh Nhân à...
Út ngỡ ngàng trước cái tên lạ tai. Cái tên trừ mấy năm ít ỏi xa xưa được thầy, cô giáo và bạn học hay gọi hồi cắp sách tới trường, đã quá lâu không nhắc nên hắn cũng quên khuấy.
- Từ nay chúng ta là bạn. Nàng nói. Hàng ngày anh đều đi giao sữa, em dễ đón anh thôi. Còn anh, khi nào cần em, cứ nhắn chị My chủ quán này. Nàng đặt bàn tay nuột nà đeo đầy nhẫn vàng 18K lên túi đồ. Đây là bộ quần áo em nhờ tiệm may theo đúng bộ đồ cũ của anh, đúng cả màu, nhưng vải tốt hơn, để tặng anh. Bộ mà anh mặc cho em hôm đó cũ quá, em đã giặt giũ cẩn thận nhưng anh cho em giữ làm kỷ niệm. Nàng cười thú vị. Ít nhất nó cũng đã một lần như lá bùa hộ mệnh.
Hắn đẩy túi đồ sang phía nàng:
- Tôi không lấy.
Nàng nói:
- Hoàn cảnh của anh, Huy đã điều tra kỹ rồi, chớ có sĩ. Anh không nhận, em sẽ mang tới tận trại bò...
Hắn nhột người. Hắn không muốn nàng đến trại chút nào. Nàng quá đẹp, quá cao sang, song nàng là gái điếm. Nếu nàng đến nhà, chỉ một trong hai giá trị trên cũng biến hắn thành mục tiêu thảm hại cho các anh, các chị dâu và bà con chòm xóm xài xể, móc máy độc ác. Hắn nín lặng lôi bộ quần áo trong túi ra coi. Đúng như Sương nói. Thoạt nhìn, hắn tưởng chính bộ đồ cũ nhưng giũ ra mới rõ vải mới. Thứ vải dày mềm rất bền.
- Được không? Sương hỏi và rút trong bóp nhỏ đặt lên bàn tờ biên nhận sữa quen thuộc đối với Út. Cái này ở trong túi áo cũ...
- Cám ơn. Hắn sáng mắt cầm luôn tờ biên nhận, đứng dậy: tôi về đây.
Không đợi Sương nói lời chia tay, hắn ôm cái túi quần áo,cắm đầu đi một mạch ra cửa.
Hắn bị mất bình tĩnh. Loay hoay mãi, chiếc xe Sác không nổ được máy, hắn càng luýnh quýnh. Hắn sợ xe hư, sẽ thêm một lần nữa về nhà trễ hơn thường lệ, lại mệt với Ba Bá.
Sương và Huy đủng đỉnh từ trong quán ra theo. Thấy tình trạng chiếc xe của Út, Huy bước lại rồi cúi vặn xuôi cái khóa xăng. Út sực biết là sự vô ý. Hắn ngồi lên yên, chỉ đạp guồng một vòng, máy đã nỗ bành bạch, ống xả tuôn khói đen mù mịt. Khi hạ chân chống xe để đi, hắn liếc về phía Sương và Huy thay lời chào. Nàng giơ tay, huơ nhẹ, kèm theo nụ cười ưu ái. Hắn chẳng cười đáp, cũng chẳng mở miệng. Hắn không quen cởi mở dù chỉ là xã giao.
Hắn rồ mạnh tay ga. Chiếc xe ré lên rèn rẹt chồm ra mặt đường, những can không phía sau xe này tung và vào nhau lộp độp.
Hình ảnh nàng đẹp rực rỡ ở cửa quán Mi với thân hình đầy gợi cảm bó khít bởi bộ váy liền áo xanh thẳm, nụ cười thân tình, cái huơ tay chào điệu nghệ, như dòng sữa nóng ấm loang tràn vào vùng não bộ hoang vắng giá lạnh của hắn. Nàng thanh cao và thánh thiện. Lòng hắn cồn lên niềm phấn chấn lạ kỳ. So với tất cả các anh hắn, những gì họ từng trải và thành đạt: những ngôi nhà lầu đúc, vợ con, đàn bò, những dàn cát-xét đời mới, ti-vi màu, tủ lạnh, công lao đi theo cách mạng của Hai Vương, quyền lực cai quản trại bò của Ba Bá, Những cuộc nhậu tối ngày của Năm Thiên, và Chín Liên người vợ thiên thần của Bảy Thiện...Ha ha ha... Chuỗi tiếng cười ngạo nghễ bật tung cõi lòng "ngàn năm" câm lặng của hắn. Tất cả mọi thứ của các người cộng lại cũng không bằng một phần niềm vui sướng của ta. Ta đã được thấy nàng lúc tuyệt vời nhất. Ta được quen biết và được nàng quý trọng.
Hắn phóng xe hết ga, bất chấp phố xá đang đông xe cộ. Suốt dọc đường, miệng hắn thường xuyên mấp máy muốn cười. Sự biểu lộ niềm vui là bình thường với mọi người nhưng lại xa lạ với hắn. Từ khi bị là thằng Khùng lúc mới mười tuổi, nay đã là ba mươi hai, phần hồn hắn đã bị hun khô thành sa mạc, thành sỏi đá, quên khóc, cũng quên cười.
Trời nắng, gió bụi. Quang cảnh triền miên của những dãy phố vùng ngoại vi giữa mùa khô là thưa vắng buồn tẻ. Nhà đơn thô. Vườn xơ xác, Sự nghèo nàn, lam lũ chung hiện lên qua bức tranh toàn cảnh chắp vá và xen kẽ tùy tiện bởi những ngôi nhà mặt tiền khiêm tốn tự xác định tồn tại an phận bằng đủ loại dịch vụ may mặc, quán ăn, tiệm tạp hóa, hớt tóc, sửa xe, tiệm cà phê, chủ bình dân, khách cũng bình dân. Bình thường, Út không để ý gì trên đường. Hắn rất sợ dân phố nhìn thấy hắn. Từ người lớn đến con nít, suốt mấy dãy phố, không ai không biết hắn là thằng Khùng. Cứ thấy hắn, họ buông lời giễu cợt, chọc quê và lấy đó làm chuyện vui cười giải trí. Thói quen không bao giờ nhìn ngang liếc dọc, không dừng nơi này, rẽ nơi khác hằn sâu tới mức, giữa phố phường mà hắn luôn tưởng mình đi trên đường không người, phố không nhà. Nhưng hôm nay không thế. Tuy phóng nhanh, mắt hắn vẫn thu nhận tất cả. Dường như ai trên đường phố cũng cười chào. Mọi căn nhà, cửa tiệm đều mở toang cười chia vui với hắn. Phải về nhà ngay. Hắn muốn san sẻ niềm hân hoan với đàn bò. Cảm ơn chúng mày. Nếu không đi giao sữa, làm sao tao gặp được nàng hôm trước, cũng làm sao gặp được nàng hôm nay.
Chiếc xe Sác lao thẳng vào cổng sau vào tới gốc si, nơi buộc Xoáy Trắng, con bê đực xấu số, đầu dãy chuồng bò.
Con Xoáy Trắng (dù đời mỗi con bê đực thật ngắn, hắn vẫn đặt tên cho chúng) vừa thấy hắn đã nghểnh cao cái mõm ướt, rậm rực đôi chân trước gày mảnh hòng bứt khỏi sợi dây buộc cổ chạy ra đón.
- Xin lỗi nghe, mày. Lẽ ra về sớm như mọi khi nhưng hôm nay tao gặp nàng...Tao sẽ cho mày ăn ngay. Tao sẽ lén lấy sữa để đền bù cho mày chịu đói chờ tao.
Hắn dựng xe, bước tới an ủi và vuốt ve đám lông mịn như nhung trên trán và cổ Xoáy Trắng.
- Sao bây giờ mày mới về?
Hắn giật mình. Ba Bá đã đứng bên hắn từ lúc nào. Mọi hưng phấn từ ánh mắt, nét mặt hắn bỗng lặn biến, trở nguyên về thần sắc thằng khùng, lấm lét và nín nhịn. Bá nhăn nhó nhó nhìn hắn soi mó, rồi chỉ mặt:
- Mày muốn giở chứng hả? Đừng để tao phải nện mày như nện chó giống hôm rồi. Mày biết ở nhà bao nhiêu việc? Bá bỗng chú ý chiếc túi nhựa móc ở tay lái chiếc xe Sác. Cái gì đây? Gã mở miệng túi. Thấy bộ quần áo, gã chau mày. Tại sao nó trở về với mày? Tự động lôi từng thứ trong túi ra, gã nhận ra ngay bộ đồ bằng vải tốt: Làm sao mày có của này?
Hắn lung túng:
- Tôi mua.
- Tiền đâu mua? Bá nghi ngờ: Biên nhận sữa đâu?
Hắn móc túi ra tờ biên nhận mỏng manh kèm thêm cả tờ hôm trước. Bá cầm xem mặt trước mặt sau thật kỹ hai tờ giấy như muốn tìm trong đó dấu vết sơ hở khiến thằng Út có thể móc được tiền từ số sữa giao cho trạm thu mua.
- Mày mua bao nhiêu? Sau khi an tâm không có sự gian lận, Bá giơ chiếc quần lên ngắm: Bao nhiêu?
- Hơn chục ngàn... Hắn tiện miệng nói phứa, chứ từ cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ hắn thực sự quan tâm đến đồng tiền cùng những nhu cầu liên quan tới chuyện mua bán và giá cả của mọi thứ vật chất - kể cả giá sữa nếu như việc quản lý đàn bò ở trên vài người khác. Việc ăn và mặc của hắn trước đây do cha hắn lo, còn bây giờ do Ba Bá lo hết. Ăn thì ngày ba bữa đủ no. Quần áo cái nào vừa rách là được mua cái mới. Đến vụ hớt tóc, hai ba tháng một lần khi tóc dài phủ vai, người trong nhà nhắc nhở, hắn cũng đi tay không ra đầu hẻm vào tiệm bình dân của ông Tư Già cho ổng hớt trọc, sau đó, khi nào cha hoặc Ba Bá đi hớt tóc tiện thanh toán luôn. Ngoài ra, thuốc không, cà phê không, ăn uống vặt không, nhậu nhẹt cũng không. Sợ hắn khùng không biết tiêu tiền nên ngay cả khi cưỡi chiếc xe Sác đi giao sữa, trong túi hắn cũng không được cha hoặc anh lót vài ngàn phòng khi hư máy, bể vỏ. Chính bởi không có thực tế về đồng tiền nên lời nói bừa về giá bộ quần áo mong cho qua chuyện, đã tự tố cáo hắn nói dối.
Ba Bá gườm gườm quăng bộ quần áo vào người Út:
- Tao biết vì sao mày có tiền sắm đồ rồi. Còn tiếp tục lao vào trò cờ bạc, tao sẽ đuổi mày ra khỏi nhà như đuổi chó dại.
Mắt Út khờ đi trong thoáng chốc. Hắn không nói không rằng, lẳng lặng quay ra gỡ những chiếc can ở sau xe xếp vào kho. Không phải lần đầu Bá hiểu sai hắn, nhưng hắn không quan tâm đến việc thanh minh. Hắn đã quen nhẫn nhục trước những lời xỉ mắng vu oan, xúc phạm. Hắn cũng chẳng để ý Ba Bá vẫn đứng bên gốc si nhìn theo hắn chằm chằm, nghi nghi, hoặc hoặc.