Số lần đọc/download: 5742 / 349
Cập nhật: 2015-09-23 21:50:33 +0700
Chương 6
S
au khi ăn những con cua vừa béo vừa bùi, ông già tỉ mẩn rửa sạch hàm răng giả của mình, gói nó lại trong khăn mùi-xoa. Ông dọn sạch sẽ mặt bàn, vứt tất cả rác xuống sông, rồi mở một chai rượu Frontera và chọn lấy một quyển truyện.
Mưa như trút tứ phía, càng làm tăng thêm vẻ ấm cúng của căn nhà. Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn.
“Paul trao cho nàng một nụ hôn nồng cháy trong khi người cầm lái đồng lõa với bạn mình, giả vờ nhìn đi chỗ khác. Chiếc gondola (1) mà bên trong được lót bằng những tấm gối mềm lướt êm ả trên những kênh đào ở Venise".
Ông già cất cao giọng đọc to nhiều lần.
Đó có thể là cái gì nhỉ, chiếc gondola?
Cái vật đó có thể lướt trên kênh đào, chắc chắc nó phải là một chiếc thuyền hay cái xuồng. Thế còn Paul, hắn rõ ràng không phải là một người đáng tin cậy, bởi hắn đã trao những “cái hôn nồng cháy” cho một cô gái trước mặt một người bạn, hơn nữa đó lại là một kẻ đồng lõa.
Mở đầu của câu chuyện làm ông thích thú. Ông biết ơn tác giả đã chỉ ngay từ đầu nhân vật nào là xấu. Như vậy, người ta sẽ tránh được những hiểu nhầm cùng những thiện cảm không xứng đáng dành cho nhân vật.
Còn lại “những cái hôn nồng cháy”. Người ta có thể thực hiện nó như thế nào?
Ông nhớ lại những lần hiếm hoi ông hôn Dolores. Có thể ông không để ý, nhưng một trong những cái hôn ấy là “cái hôn nồng cháy” như của Paul trong tiểu thuyết.
Dù sao đi nữa, ông không trao nhiều cái hôn lắm, bởi vì hoặc vợ ông cười phá lên, hoặc cô ấy sẽ nói với ông rằng đó chắc chắn là một tội lỗi.
Một cái hôn nồng cháy. Một cái hôn. Giờ đây ông mới phát hiện ra, ông không hôn bao nhiêu và duy nhất chỉ hôn vợ mình, bởi vì người Shuars không biết hôn.
Họ, cả đàn ông và đàn bà chỉ vuốt ve khắp thân thể nhau và không hề quan tâm tới sự có mặt của một người thứ ba. Ngay cả khi làm tình với nhau, họ cũng không hôn. Phụ nữ thích ngồi lên trên người đàn ông. Những người đàn bà nói rằng, ở vị trí ấy họ cảm nhận tình yêu rõ rệt hơn, ngay cả những anents đi cùng với hành động cũng ngân lên mãnh liệt hơn.
Không. Đối với người Shuars cái hôn không tồn tại.
Ông nhớ nhìn thấy một lần, một kẻ đi tìm vàng muốn làm tình với một phụ nữ Jivaro. Một cô gái tội nghiệp, chuyên môn lượn quanh đám dân khai hoang và những kẻ tìm vàng để xin một ngụm rượu. Nếu muốn, tất cả cánh đàn ông đều có thể mang cô ta vào một góc để chiếm đoạt. Đờ đẫn vì rượu, cô gái tội nghiệp không còn nhận thức được người ta đang làm gì cô. Nhưng lần ấy, gã phiêu lưu kia đè cô ra bãi cỏ, rồi tìm cách dán môi mình vào mồm cô ta.
Cô gái đã hành động như một con thú hoang. Cô đẩy hắn ngã lăn ra đất, ném một vốc cát vào mắt, rồi chạy đi nôn oẹ một cách ghê tởm.
Nếu một cái hôn nồng cháy là như thế, thì anh chàng Paul ở trong tiểu thuyết chỉ là một con lợn.
Cho đến giờ ngủ trưa, ông đã đọc được khoảng bốn trang và nằm ngẫm nghĩ về nội dung của nó. Ông bận tâm nghĩ về việc không thể hình dung ra Venise bằng cách gán cho nó những gì ông tưởng tượng được từ những thành phố khác. Những thành phố mà ông khám phá ra trong các cuốn tiểu thuyết.
Có vẻ như ở Venise, các đường phố bị ngập lụt và dân chúng bắt buộc phải di chuyển bằng gondola. Những chiếc “gondola”! Rốt cuộc, từ “gondola” đã hấp dẫn ông đến mức ông nghĩ rằng sẽ là một điều rất thú vị, nếu ông đặt tên cho cái xuồng của mình là gondola của sông Nangaritza.
Ông suy nghĩ đến đó, thì cơn buồn ngủ trưa ập đến. Ông nằm duỗi dài trên cái võng thiếp đi với một nụ cười sung sướng khi nghĩ tới chuyện dân chúng ở Venise có thể ngã thẳng xuống nước, lúc họ bước qua bậc thêm nhà mình.
Lúc chiều xẩm tối, sau một bữa tiệc cua nữa, ông định tiếp tục đọc sách, nhưng đầu óc bị phân tán bởi những tiếng kêu làm ông phải đội mưa thò đầu nhìn ra ngoài.
Một con lừa trong cơn hoảng sợ đang phóng như bay trên đường, vừa chạy nó vừa kêu thất thanh. Nó đá hậu lung tung khi có người định giữ nó lại. Bị kích thích bởi sự tò mò, ông choàng vội miếng ni-lông lên vai rồi đi ra ngoài xem có chuyện gì đã xảy ra.
Sau rất nhiều cố gắng, dân chúng cũng bao vây được con vật sổ chuồng. Họ vừa siết dần vòng vây vừa tránh những cái đá của nó. Có nhiều người bị ngã bổ chửng, rồi họ lại đứng dậy, người lấm bê bết bùn. Cuối cùng, con vật cũng bị ghìm lại và đứng im.
Con lừa mang trên mình những vết rạch sâu ở bên sườn, và ra nhiều máu từ một vết thương dài chạy từ cổ xuống phía dưới bắp chân trước.
Xã trưởng, lần này không đội ô, ra lệnh cho dân chúng vật ngã nó xuống để giết. Con vật nhận một loạt đạn, đạp chân mấy cái trong không khí rồi nằm im bất động.
— Đấy là con lừa của Alkaseltzer Miranda. — Một người nào đó nói.
Những người vây quanh gật đầu. Miranda là một người khai hoang ở cách làng El Idilio bảy cây số. Hắn ta đã bỏ làm ruộng, khiến chúng bị biến thành rừng, để mở một cái quán xập xệ. Hắn bán rượu mạnh, muối, thuốc lá, và alkaseltzer,(2) từ đó mà tên thuốc trở thành tên lóng của hắn. Khách hàng là những người đi tìm vàng không muốn mất công đi vào tận làng.
Con lừa được đóng yên, đó là dấu hiệu chứng tỏ người ta phải tìm thấy người cưỡi ở đâu đấy.
Xã trưởng hạ lệnh cho mọi người chuẩn bị một cuộc tìm kiếm vào sáng ngày mai về hướng quán của Miranda, đồng thời chỉ định hai người xẻ thịt con lừa.
Những con dao rừng bắt đầu hoạt động dưới trời mưa, chúng xẻ con lừa còm cõi một cách chính xác, khéo léo. Mỗi lần những lưỡi dao đẫm máu giơ lên, chúng lập tức được rửa sạch bằng nước mưa xối xuống, trước khi con dao được giáng xuống tiếp để chiến thắng xương cốt con vật.
Thịt phay ra được mang tới trước cửa toà thị chính, để lão béo chia phần cho những người có mặt.
— Này lão, ông muốn miếng thịt nào?
Antonio José Bolivar trả lời ông chỉ muốn ít gan và hiểu rằng sự quan tâm của xã trưởng là có ý ngầm tính ông vào những người tham gia cuộc tìm kiếm ngày mai.
Cầm miếng gan còn nóng trên tay, ông quay về lều của mình. Theo sau ông là những người đang mang đầu, và những bộ phận không ăn được của con vật vứt xuống sông. Màn đêm kéo xuống. Trong tiếng mưa rơi, người ta còn nghe thấy tiếng chó sủa. Chúng đang tranh nhau bộ ruột của con lừa rơi vung vãi trong bùn.
Vừa rán miếng gan với những lá thơm dùng làm gia vị, ông vừa lầm bầm nguyền rủa tai nạn đã kéo ông ra khỏi cuộc sống yên bình của mình. Ông không thể tập trung đọc sách được, vì ông bắt buộc phải suy nghĩ tới cuộc tìm kiếm ngày mai dưới sự chỉ huy của xã trưởng.
Mọi người đều biết, xã trưởng luôn luôn để mắt tới ông, sự khó chịu của hắn chắc chắn càng tăng thêm sau cái chết của thằng Mỹ và hai người thổ dân Shuars.
Lão béo có thể gây phiền phức, ông đã có kinh nghiệm về điều đó.
Ông càu nhàu lắp hàm răng giả vào, và bắt đầu nhai miếng gan. Ông vẫn nghe nói tuổi già mang đến sự thông thái và ông chờ đợi nó với sự tin tưởng chắc chắn rằng cái giá trị đạo đức ấy sẽ mang lại cho ông điều ông mong muốn nhất: khả năng làm chủ được những dòng ký ức mà không bị rơi vào cái bẫy lãng quên của trí nhớ...
Nhưng ngay lần này nữa, ông cũng không cưỡng lại được, trong khi bên ngoài vẫn vọng vào tiếng mưa rơi đều đều.
Cách đây mấy năm, vào một buổi sáng có một chiếc tầu mà chưa một ai nhìn thấy bao giờ cập bến làng El Idilio. Một cái tầu đáy phẳng chạy bằng động cơ. Nó cho phép chở được 8 người một cách rộng rãi. Người ta có thể ngồi ngang hai người một cạnh nhau, chứ không phải ngồi theo hàng dọc, chân bó gối như trên thuyền độc mộc.
Phương tiện hiện đại ấy mang tới bốn tên Mỹ, được trang bị máy ảnh, lương thực dự trữ, cùng với những dụng cụ tinh vi khác mà dân chúng không biết dùng để làm gì. Họ bám theo xã trưởng mấy ngày liền, chuốc rượu Whisky cho hắn tới lúc hắn vênh mặt lên vì kiêu ngạo và giới thiệu ông lão như là người thông thạo nhất vùng Amazon. Rồi xã trưởng dẫn chúng đến cửa nhà ông.
Lão béo người nồng nặc mùi rượu không ngớt gọi ông già là người bạn và là người cộng sự thân thiết, trong lúc những thằng Mỹ chụp ảnh ông và tất cả những gì lọt vào ống kính của chúng.
Chúng đi vào nhà mà không xin phép. Một gã trong số đó, sau khi phá lên cười, nhất định đòi mua bằng được cái khung ảnh có hình ông và Dolores. Gã còn tự tiện gỡ nó xuống nhét vào trong xắc và đặt lên bàn một nắm đô-la.
Ông già phải khó khăn lắm mới làm chủ được mình để thốt ra lời.
— Ông hãy bảo thằng mất dạy kia đặt ngay tấm ảnh vào chỗ hắn đã lấy ra, nếu không lão sẽ dùi hai phát đạn làm cho hắn mất dái bây giờ. Hãy nói thêm với hắn, khẩu súng này luôn nạp đạn sẵn.
Nhưng kẻ không mời mà đến kia đều hiểu tiếng Tây-ban-nha, nên chẳng cần xã trưởng truyền đạt lại tỉ mỷ ý định của ông già. Lão béo phân bua với chúng về tình bạn, yêu cầu chúng thông cảm, giải thích rằng ở chốn này những kỷ niệm gia đình là thiêng liêng, van xin chúng đừng phật ý, rồi bảo đảm rằng những người Ecuador nói chung, và hắn nói riêng, rất quý những vị khách Bắc Mỹ. Hắn còn nói rằng nếu chúng muốn tìm mua những đồ lưu niệm, hắn có thể đích thân đi tìm hộ.
Khi bức ảnh được đặt vào chỗ cũ, ông già lên đạn và ra lệnh cho chúng đi ra khỏi nhà.
— Lão già ngu ngốc. Lão làm ta mất một món béo bở. Cả lão cũng vậy, lão cũng mất một dịp làm ăn. Chúng nó đã trả lão tấm ảnh, lão muốn đòi gì hơn nữa.
— Chúng hãy cút đi, lão không muốn dính đến những kẻ không biết tôn trọng nhà riêng của người khác.
Xã trưởng muốn nói thêm vài câu, nhưng khi nhìn thấy nét mặt khinh miệt của những vị khách trước khi chúng quay đi, hắn không kìm nổi cơn giận dữ.
— Kẻ phải đi là lão, lão già khốn kiếp!!!
— Lão ở trong nhà lão.
— Thế hả? Lão chưa bao giờ tự hỏi cái khu đất này là của ai, nơi lão dựng cái đống khốn khiếp như tổ chuột này lên?
Câu hỏi làm ông lão giật mình. đúng là trong quá khứ ông có cái giấy chứng nhận sở hữu hai héc-ta đất, nhưng chỗ đó cách đấy mấy cây số về phía thượng nguồn.
— Không của ai cả. Chỗ đất này không có chủ.
Xã trưởng nở một nụ cười đắc thắng.
— Lão lầm to. Tất cả đất đai trong vòng 100 mét, chạy dọc theo hai bờ sông là của nhà nước. Nhà nước ở đây là tôi. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau sau. Tôi không dễ quên những gì lão làm với tôi đâu.
Ông già cố kìm ý định bóp tay vào cò súng. Ông tưởng tượng hai viên đạn sẽ khoan vào cái bụng phệ kia, xuyên thủng ra sau lưng, làm lòi ruột hắn ra.
Lão béo nhìn thấy đôi mắt sáng rực của ông già, tự hiểu là mình không nên chậm trễ chạy theo nhóm người Mỹ kia.
Sáng hôm sau khi con tầu rời bến, nó có thêm hai người khách nữa. Một người là dân khai hoang còn người kia là một thổ dân Jivaro. Họ được xã trưởng giới thiệu làm nhiệm vụ dẫn đường vì những hiểu biết của họ về rừng.
Antonio José Bolivar chờ đợi cuộc viếng thăm tiếp theo của lão béo với khẩu súng lên đạn sẵn.
Nhưng lão béo giữ khoảng cách, không đến gần ngôi nhà. Ngược lại ông lại có một cuộc viếng thăm của Onecen Salmundio, một ông lão tuổi đã 80 người vùng Vilcabamba. Một người vẫn coi ông là bạn bởi họ cùng là đồng hương từ trên cao nguyên xuống.
— Có chuyện gì xảy ra thế?
— Chẳng có chuyện gì. Còn cụ, cụ đến chơi có việc gì không?...
— Tôi biết được vài chuyện. Con sên trần tới nhà yêu cầu tôi dẫn tụi Mỹ vào rừng. Tôi phải khó khăn lắm mới giải thích được, với tuổi tác của mình, tôi không thể dẫn họ đi xa. Phải xem hắn tán tỉnh khéo như thế nào, cái con sên trần ấy. Hắn không ngừng nói với tôi, tụi Mỹ sẽ rất mừng khi có tôi dẫn đường, bởi vì tôi có một cái tên Mỹ.
— Thế là thế nào?
— Nó là thế này. Tên tôi là Onecen, đấy là một cái tên của một vị thánh của chúng. Nó được viết trên tiền của người Mỹ, với một chữ “t” ở sau cùng, One cent.(3)
— Linh tính nói với tôi, cụ tới đây không phải để nói chuyện đó.
— Đúng vậy, tôi đến để khuyên ông nên cẩn thận. Con sên trần đang để ý tới ông. Hắn đã nói với mấy thằng Mỹ trước mặt tôi. Hắn muốn trên đường về chúng sẽ qua yêu cầu quận trưởng công an đồn El dorado gửi đến đây hai cảnh sát. Hắn muốn đuổi ông đi khỏi nhà.
— Tôi có đủ đạn để tiếp đãi chúng. — Ông khẳng định với vẻ không chắc chắn lắm.
Những tối tiếp theo, ông không làm sao ngủ được.
Liều thuốc an thần đến một tuần sau đó, khi con tầu quay trở về. Nó cập bến một cách vội vàng, khiến thân tầu va vào những cọc gỗ ke bờ. Chẳng ai quan tâm đến chuyện mang đồ lên bờ. Tàu chỉ chở có ba người Mỹ. Vừa đặt chân lên bờ, chúng vội vàng chạy đi tìm xã trưởng.
Một lúc sau, xã trưởng tới thăm ông để giảng hòa.
— Lão nghe đây. Giữa những người công giáo với nhau, chúng ta có thể nói chuyện và kết thúc bằng thoả thuận với nhau. Những gì tôi nói là đúng. Nhà của lão xây trên đất của nhà nước, và lão không có quyền ở lại đây. Đáng nhẽ tôi phải cho bắt lão vì việc chiếm đất bất hợp pháp. Nhưng chúng ta là bạn bè với nhau. Thân đến mức như người ta vẫn nói hai bàn tay rửa lẫn cho nhau, vì cả hai đã cùng rửa đít. Chúng ta phải có nhiệm vụ giúp đỡ lẫn nhau.
— Bây giờ ông muốn gì?
— Trước tiên lão hãy nghe tôi nói. Tôi sẽ kể cho lão chuyện gì đã xảy ra. Vừa đến chỗ dừng chân thứ hai, tên thổ dân Jivaro đã chuồn mất với tất cả số rượu whisky mang theo. Lão biết bọn mọi rồi đấy. Chúng chỉ nghĩ tới việc ăn cắp. Tên khai hoang nói với tụi Mỹ, điều đó không có gì là quan trọng. Tụi Mỹ muốn đi sâu vào rừng để chụp ảnh người Shuars. Tôi chẳng hiểu điều gì làm chúng thích tụi thổ dân cởi truồng đến thế. Dù sao, tên khai hoang cũng dẫn chúng đến tận chân núi Yacuambi không có vấn đề gì. Nhưng chúng nói ở đó chúng bị khỉ tấn công. Tôi chẳng hiểu gì cả, vì chúng lên cơn điên hết rồi. Cả ba cùng tranh nhau nói. Chúng nói khỉ đã giết chết tên dẫn đường và một người trong bọn chúng. Tôi không thể tưởng tượng được. Từ khi nào tụi khỉ ouistitis giết người? Chỉ cần một cái tát, người ta cũng đủ đánh bay cả chục con khỉ. Tôi nghĩ, đó là tụi Jivaro. Lão nghĩ thế nào?
— Ông biết rất rõ là người Shuars luôn tránh chuyện rắc rối. Nếu đúng như chúng nói, thì người ta đã dẫn chúng tới tận chân núi Yacuambi. Ông phải biết người Shuars không còn ở đó từ lâu. Ông cũng phải biết tụi khỉ có thể tấn công. Đúng là chúng bé nhỏ, nhưng với cả đàn ngàn con, chúng đủ khả năng gặm nát một con ngựa.
— Tôi không hiểu. Tụi Mỹ không đi săn. Ngay cả súng chúng cũng không mang.
— Có quá nhiều điều ông không hiểu. Còn tôi, tôi đã sống bao nhiêu năm với rừng, tôi biết. Ông có biết người Shuars làm thế nào khi họ đi qua vùng khỉ sinh sống? Đầu tiên, họ gỡ tất cả đồ trang sức sặc sỡ trên người để không làm chúng tò mò. Sau đó họ bôi đen những mũi giáo bằng tro cọ. Ông có thấy không, với máy ảnh, đồng hồ, dây chuyền bạc, mặt thắt lưng, dao găm, bọn Mỹ đã làm tất cả mọi điều để khiêu khích của tụi khỉ. Tôi biết vùng rừng đó và biết loài khỉ sinh hoạt thế nào. Tôi có thể nói với ông, nếu ông nhỡ quên một chi tiết gì đó, khi trên người ông có một chút gì có thể thu hút sự tò mò của khỉ, khiến chúng tụt từ trên cây xuống để lấy, thì ông nên để cho chúng lấy. Nếu ông chống cự lại, chúng sẽ rú rít lên, và chỉ trong vài giây đồng hồ, cả ngàn con khỉ lông lá giận dữ sẽ lao xuống.
Lão béo vừa nghe vừa thấm mồ hôi.
— Tôi tin lão. Nhưng tất cả những chuyện đó là lỗi của lão, vì lão đã từ chối không đi dẫn đường cho chúng. Đi với lão sẽ chẳng có chuyện gì xẩy ra. Bọn chúng còn có giấy giới thiệu của thống đốc bang. Bây giờ tôi đang sống dở chết dở. Lão phải giúp tôi.
— Bọn chúng sẽ chẳng nghe lời tôi đâu. Chúng luôn nghĩ chúng biết hết mọi điều. Nhưng ông vẫn chưa nói ông muốn gì ở lão.
Xã trưởng rút từ trong túi ngực một bình whisky và mời ông già một ngụm. Ông đón lấy, chỉ để nếm cho biết mùi. Ngay lập tức ông cảm thấy xấu hổ bởi tính tò mò như tụi khỉ ouistitis của mình.
— Họ yêu cầu cần có một người để đi nhặt những gì còn lại của người chết. Tôi thề với lão chúng sẵn sàng trả nhiều tiền cho việc này, và lão là người duy nhất có thể làm điều đó.
— Đồng ý. Nhưng tôi không muốn dính dáng vào chuyện của các người. Tôi sẽ mang về những cái gì còn lại của thằng Mỹ. Còn ông, ông để cho lão yên.
— Tất nhiên rồi, ông lão. Tôi đã nói với ông, giữa những người Công giáo với nhau, chúng ta có thể bàn bạc để cuối cùng sẽ thoả thuận được với nhau.
Ông chẳng cần phải cố gắng nhiều lắm để tìm thấy chỗ tụi Mỹ nghỉ lại đêm đầu tiên. Rồi ông dùng dao rừng phạt cây mở đường đi tới Yacuambi, nơi có rừng đại ngàn, giầu hoa quả dại, chỗ ở của nhiều bầy khỉ. Ở đây ông chẳng cần tìm dấu vết. Trong cuộc bỏ chạy của mình, những người Mỹ đã bỏ lại một số lượng vật dụng đủ để ông tìm đến nơi còn sót lại những mảnh xác của kẻ xấu số.
Ông nhận ra người dẫn đường trước. Ông biết điều đó bởi cái sọ người không có răng. Thằng Mỹ nằm cách xa hơn vài mét. Kiến rừng đã làm việc một cách tuyệt vời. Chúng chỉ để lại duy nhất những mẩu xương nhẵn nhụi, sạch sẽ trơn tru như những cục phấn trắng; những con kiến đang dọn dẹp nốt bộ xương. Giống như những người thợ rừng bé tí hon da nâu sẫm, chúng đang khiêng nốt đi từng sợi tóc mầu vàng rơm để phủ lên cái chóp ra vào của tổ kiến.
Ông vừa chậm chạp châm một điếu xì-gà vừa ngắm nhìn công việc của loài côn trùng trong khi chúng hoàn toàn thơ ơ với sự có mặt của ông. Chợt ông nghe thấy một tiếng động vọng đến từ phía trên cao khiến ông không nén nổi một nụ cười. Một con khỉ ouistitis bé tí xíu đang bị lôi tuột xuống gốc cây bởi sức nặng của cái máy ảnh mà nó không muốn buông ra.
Ông hút hết điếu xì-gà. Với con dao rừng, ông giúp lũ kiến cạo sạch sẽ hộp sọ, rồi bỏ bộ hài cốt vào một cái túi.
Tên người Mỹ xấu số chỉ thành công giữ lại được một vật dụng duy nhất: cái thắt lưng, mà bầy khỉ không tháo được mặt khoá mạ bạc có hình móng ngựa.
Ông trở về làng El Idilio đưa tất cả những đồ tìm được cho xã trưởng. Hắn để cho ông yên. Còn ông cũng cố gắng làm tất cả mọi điều để giữ lấy không khí hoà bình. Bởi những khoảnh khắc hạnh phúc lúc ông đứng trước bàn, mặt hướng ra dòng sông, đọc tiểu thuyết tình yêu phụ thuộc vào điều đó.
Chú thích
(1): Gondola: loại thuyền thoi hai mũi thuyền nhô lên cao, dùng trong giao thông ở thành phố Venise, Ý.
(2): Alkaseltzer là một loại thuốc của hãng dược phẩm Bayer, chuyên trị đầy hơi, sình bụng, chuột rút ở bắp chân, tiêu chảy và đau lưng.
(3): “one cent” nghĩa là một xu, tiếng Anh, viết gần giống như tên ông lão Onecen.