Số lần đọc/download: 3727 / 59
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Chương 7
M
ỪNG LÁC QUĂNG CHO NGUYỄN ĐẠM GÓI THUỐC LÁ.
- Hút đi!
Đạm đỡ gói thuốc:
- Cái gì đỡ buồn hơn hút thuốc lá?
Mừng lác xoa tay lên đầu lởm chởm tóc:
- Uống rượu.
Nguyễn Đạm gật đầu:
- Cho uống rượu đi.
- Để nhờ người đi mua.
Lâm sùi hứng lấy công tác:
- Để em đi mua cho.
Mừng lác móc túi quẳng ra giấy năm trăm mới toanh:
- Tiền của “khứa” Mẽo đó. Chú mua chai Whisky Ăng lê nhé!
- Còn đồ nhậu?
- Một ký chả lụa nữa là vừa năm bích.
Lâm sùi chụp mũ lên đầu rồi đẩy cửa bước ra. Buổi sáng, khoảng mười giờ, ở bin đinh yên lặng lắm. Các em điếm có hạng, các em vũ nữ, các em ca sĩ đang say sưa ngủ. Dân ma cà chớp, dân áp phe và dân làm báo đi làm hết cả. Thành ra, cái bin đinh nhỏ nhoi và toàn tiếp người ngoại khổ cư ngụ này trở nên một nơi lý tưởng cho những người mang một tâm sự ủ ê như Nguyễn Đạm.
Nó ngồi trên ghế hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Đôi mắt nó thâm quầng và trũng sâu. Ba ngón tay bên bàn tay phải vàng khè chất độc của thuốc lá. Nó nhìn khói thuốc tan, liên tưởng tới tương lai, tuổi trẻ của nó bay tan. Mối hờn lại đùn lên.
Nguyễn Đạm dập điếu thuốc:
- Liệu uống rượu có hết buồn không?
- Cứ ngủ liên miên là hết buồn. Nhưng khốn nỗi mình chưa ngủ một giấc dài vô tận nên thức dậy thấy mình buồn hơn.
- Thế thì uống rượu làm chó gì?
- Uống để say.
- Say làm gì?
- Say để nôn mửa, để chửi bới và để ngủ.
- Rồi cứ thế mãi hay sao?
- Cứ thể mãi tới khi mục xác.
Đạm nhớ lại những nhân vật say trong văn học. Từ Cao Bá Quát, Lý Bạch, Beaudelaire đến Tản Đà. Ông nào cũng say chí tử. Đối với Đạm, lúc này, cái say của Cao Bá Quát đẹp nhất. Say để... làm loạn. Tại sao Đạm không biết làm loạn nhỉ?
- Say thế vô ích.
- Say thì còn có ích gì nữa, mềm môi nốc và nốc chán mửa ra.
- Muốn say khác được không?
- Say gì nữa?
- Say cho trời nghiêng đất lệch!
Mừng lác cười ha hả:
- Say thì tự nhiên trời nghiêng đất lệch, cần gì muốn.
Mừng lác không hiểu ý Đạm nói. Đạm mặc kệ nó. Nhưng Mừng lác đã hỏi:
- Đạm quen uống rượu chưa?
- Chưa uống bao giờ.
- Chưa uống thật à?
- Thật.
- Vậy tập uống đã, rồi muốn gì thì muốn. Tôi sợ rằng biết uống rượu, nghiền rượu, Đạm sẽ chẳng muốn gì cả. Chỉ muốn có say rồi ngủ. Thức dậy lại nốc, đời sống còn khỉ khô gì mong muốn hở Đạm?
Đạm nín thinh. Lâm sùi đã mang rượu, đồ nhậu về, chai rượu đã mở nút. Men cay bốc ra giết chết sự hồn nhiên của thanh niên Đạm để biến giọng nó thứ giọng chua chát, khinh bạc. Mừng lác dục Đạm:
- Nào, cụng ly.
Đạm nâng ly rượu cụng khẽ vào ly của Mừng lác và Lâm sùi.
- Mừng những ngày khốn nạn của đời chúng ta!
Nó đặt ly vô miệng, nốc Whisky ừng ực. Lâm sùi không thua đàn anh, tửu lượng của nó cũng khá. Chỉ có Nguyễn Đạm là nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Nó ăn chả lụa nhiều hơn uống rượu. Mừng lác nhìn Đạm, toét miệng cười:
- Rồi Đạm sẽ uống nhiều hơn ăn. Rán nốc đi, không cháy cổ đâu. Nốc đi cho nghiêng ngả.
Nguyễn Đạm hỏi:
- Say rồi mà chưa ngủ thì làm gì cho đỡ buồn.
- Gọi gái.
- Làm gì.
- Ngây thơ bỏ mẹ đi ấy, cậu tú ơi! Cứ uống đi, gái nó sẽ dạy cậu tú làm gì.
- Làm gì?
- Thì cứ say đi!
Mừng lác và Lâm sùi cười cợt ra chiều sung sướng lắm. Rượu nó cay môi, cay lưỡi và cháy xé cổ họng. Nhấp mãi môi nó tê đi, cổ họng bình thường. Và cảm thấy ngon vô kể. Nguyễn Đạm đã nhấp mãi, nhấp đến lúc mắt nó hoa lên. Nó cũng đâm ra cười cợt nói năng lảm nhảm.
Mừng lác rót thêm rượu vào ly Nguyễn Đạm:
- Uống hết đi mày.
Nguyễn Đạm khật khuỡng:
- Bố ơi, con làm du đãng Cầu Muối. Con hách quá hả bố? Hí hí hí, nó bảo nó tôn trọng nhân vị. Thế mà nó bầy con ra lộ, bố ạ! Tiên sư cha nó bố ơi! Hí hí hí...
Mừng lác vỗ vai Đạm:
- Mày say rồi chú bé ạ! Say đi, say nữa đi rồi mửa vào cuộc đời.
Lâm sùi đập bóp cái ly vào tường:
- Ba nằm hút thuốc phiện bắt con đi đánh mướn lấy tiền mua thuốc. Lý tưởng vậy à? Hà hà hà...
Nó xô ghế đứng lên:
- Lý tưởng là cái gì hả, các bạn?
Mừng lác đáp:
- Dễ ợt, nó là... Hì hì...
Ba đứa đứng lên, ôm nhau. Bỗng Mừng lác đẩy bạn, hô:
- Nghiêm!
Ba người thanh niên của thế hệ, rường cột của quốc gia cùng ưỡn ngực về đằng trước.
Mừng lác cất giọng:
-... Thanh niên ơi!
Mau hiến thân dưới cờ...
Nguyễn Đạm và Lâm sùi hát theo:
- Thanh niên ơi!
Mau làm cho cõi bờ,
Vẻ vang đời sống
Xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng!
Hát xong điệp khúc “quốc ca”, ba người thanh niên đứng thộn mặt ra một lúc. Rồi chúng nó ôm nhau cười rũ rượi.
Nguyễn Đạm:
- “Thế hệ thanh niên này đã đau khổ quá nhiều”. Cụ Ngô nói vậy đó. Cụ Ngô thương anh em mình quá ta. Hoan hô cụ Ngô Đình Diệm!
- Hoan hô...
- Yêu cầu anh em nghiêm nữa!
- Làm gì?
- Hát bài “Suy tôn cụ Ngô”. Nào, “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình”... Một, hai, ba...
Nguyễn Đạm khụy xuống. Mừng lác cười ha hả:
- Chưa chi đã gục vậy mầy?
Nguyễn Đạm lải nhải cãi:
- Gục đâu mà gục. Hì hì. Đất say đất cũng lăn quay. Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười. Đứa nào cười tao, mẹ cha đứa nào cười tao. Hì hì hì.
Lâm sùi vuốt Nguyễn Đạm:
- Ai cười đại ca đâu. Đứa nào cười đại ca em cắt gân nó.
Nguyễn Đạm ngóc đầu dậy:
- Thật hả?
- Thật.
- Vậy cắt gân nó đi? Nó đây này, nó đang cười tao, ha ha ha, hí hí hí, hố hố hố... Tao cười tao đó!
Nguyễn Đạm lại gục đầu xuống sàn:
- Tiên sư cha đứa nào cười tao.
Mừng lác kê cái chai còn dính chút rượu dốc lên miệng nốc. Nó chép miệng:
- Đây rồi...
Lâm sùi:
- Đâu?
Mừng lác:
- Đây.
Lâm sùi hí hửng:
- Cho xin tí ti.
Mừng lác đập bốp cái chai, xô đổ luôn cái bàn. Nó nhè răng như con quái vật:
- Có à?
Lâm sùi nằm xuống giường theo tư thế người nghiện thuốc phiện đang ngậm tẩu:
- Có mạnh, lý tưởng như khói bay, thơm phưng phức và kêu sèo sèo...
Mừng lác:
- Khoái dữ, nó ở đâu vậy?
Lâm sùi:
- Nó ở cái đèn của bố em.
Mừng lác nhẩy lên giường. Nó ôm chặt lấy Lâm sùi:
- Bảo bố mày cho tao tí lý tưởng đi.
- Dạ.
- Gấp lên!
- Bố ơi! Cho con một điều lý tưởng.
Nguyễn Đạm nằm nghiêng dưới sàn, rên hừ hừ:
-... Lý tưởng ở...
Mừng lác buông Lâm sùi ra ngơ ngác:
- Nó ở đâu?
Nguyễn Đạm:
- Nó ở phòng... tạm giữ!
Mừng lác:
- Ờ, ờ, nó ở phòng tạm giữ. Đúng rồi!
Nguyễn Đạm:
- Lý tưởng nó ở trong tay mấy thằng cớm, anh em ơi!
Nói xong, nó ôm mặt khóc rưng rức. Nó kể lể con cà con kê:
- Bố ơi, con là trùm du đãng Cầu Muối, con là du đãng hách quá, bố ơi!
Mừng lác và Lâm sùi bắt chước Nguyễn Đạm khóc hu hu. Ba đứa vừa cười lúc nãy, bây giờ rống lên khóc rất lâm ly ai oán. Khóc chừng một lúc. Nguyễn Đạm nôn ọe đầy sàn phòng. Chả lụa, rượu và khói thuốc ọe ra. Ghê tởm. Mừng lác đập phá một lúc, dựa lưng vào tường ngáy pho pho. Còn Lâm sùi mắt trợn trừng nhìn lũ thạch thùng đuổi nhau đùa bỡn ái tình trên trần phòng. Nó chưa say lắm. Người nó hơi choáng váng thôi. Nó nằm im, nói một mình:
- Bố ơi, sao bố lại nghèo hả bố?
Nó nhái giọng bố nó, trả lời nó:
- Bố không biết.
- Sao bố lại nghiện thuốc phiện?
- Bố chán thời thế con ạ!
- Sao bố lại chán thời thế?
- Thời thế như thùng rác.
- Sao bố không chết đi, bố sống làm gì?
- Bố sống để dạy con chứ!
- Bố dạy con ở bàn đèn à, bố?
Nó tỉ tê hỏi đáp. Rồi lại khóc. Khóc chán lại cười. Cuối cùng nó cũng nhắm nổi đôi mắt rã rời của nó. Những tiếng ngáy của ba người thanh niên bất mãn nghe như tiếng súng khai chiến với cuộc đời.
Những tiếng súng nổ dồn dập. Nhưng cuộc đời chưa thèm bắn trả đũa. Cuộc đời khinh thường chúng nó, ngoảnh mặt làm ngơ. Chắc chắn cuộc đời cũng bỏ ngoài tai những lời rên xiết thèm lý tưởng của đám thanh niên bị bạc đãi, bị xua đuổi, bị gọt nhẵn thiện ý và ghi dấu hằn thù trên trán chúng. Cuộc đời không chút xót thương, chỉ dẫn chúng. Khiến chúng phải mò mẫm ở men rượu, ở dụng cụ tra tấn, ở phòng tạm giữ. Cuối cùng ở dọc tẩu thuốc phiện.
Nguyễn Đạm cựa quậy. Nó nghiêng người. Má nó đụng phải bãi nôn ói của nó. Nó đưa tay gãi má. Rồi lại nằm ngáy khò khò. Một lúc, nó nằm sấp. Lần này, cả khuôn mặt nó úp lên bãi nôn ói. Nó thở phì phì trườn người sang chỗ khác. Tiếng mảnh vỡ của thủy tinh nghe rau ráu. Mảnh vỡ của chai ly đã đâm thủng da thịt Nguyễn Đạm. Máu thanh niên rươm rướm chảy. Những chỗ bị thương thấm chất nước nôn oẹ sót xa. Làm Nguyễn Đạm tỉnh rượu.
Nó vụt ngồi dậy. Mùi chua bắt nó lợm giọng. Nguyễn Đạm đưa tay vuốt mặt. Nó khạc nhổ liên tiếp. Nhưng mùi chua dường như đã đóng thành từng mảng bám chặt trong cổ họng nó. Nguyễn Đạm đứng lên, bước tới “la va bô”. Nó nhìn nó trong gương. Đôi mắt đỏ ngầu. Đoạn nắm chặt đôi bàn tay.
Bất thình lình, nó đấm mạnh vào gương. Chiếc gương gắn dính chặt vào bờ tường, vỡ tan rơi loảng xoảng xuống “la va bô”, xuống sàn. Nguyễn Đạm rít qua kẽ răng:
- Trời ơi!
Khiến Lâm sùi mở banh mắt, hốt hoảng:
- Cái gì thế anh? Cái gì thế anh?
Nguyễn Đạm xoay người lại. Bàn tay nó máu chảy đầm đìa. Nó lấy bàn tay đẫm máu chỉ vào mặt nó:
- Ngó mặt tao đi, chúng mày!
Lâm sùi thấy máu chảy sợ quá, lay Mừng lác:
- Dậy mau anh, dậy mau anh!
Mừng lác nửa tỉnh nửa mê:
- Thấy rồi hả, mầy?
Nguyễn Đạm đột nhiên cười lớn:
- Ừ, thấy rồi, Mừng lác ơi!
Mừng lác:
- Nó ở đâu?
Nguyễn Đạm:
- Nó ở trước mặt tôi đây này, Mừng lác ơi!
Lâm sùi dựng Mừng lác dậy:
- Anh Đạm tự tử.
“Tự tử”, hai tiếng ghê rợn đó đã làm Mừng lác tỉnh như sáo. Nó vọt đứng lên giường, nhảy bổ xuống ôm lấy Đạm:
- Đừng, đừng, đừng, Đạm ơi!
Nguyễn Đạm vẫn cười:
- Đừng gì?
Mừng lác:
- Đừng tự tử.
Nguyễn Đạm:
- Tự tử ai giết chúng nó. Tôi cần sống, tôi cần phải sống để giết hết chúng nó.
Mừng lác vừa dìu Đạm tới “la va bô” vừa khuyến khích:
- Đúng lắm, cần phải sống để giết chúng nó.
Nó dúi đầu Đạm xuống, mở “rô bi nê”. Vòi nước xối lên đầu tóc Đạm. Nó lấy xà bông vò đầu Đạm, lấy khăn lau khô mặt Đạm. Âu yếm như một người anh săn sóc đứa nhỏ, đứa em “cưng” của thằng anh thiếu chữ nghĩa.
Trong khi ấy, Lâm sùi thu dọn đồ đạc. Nó quét mảnh chai bể, ly vỡ vụn vào chân tường. Rồi kiếm chiếc áo rách lau chùi bãi nôn mửa của Đạm.
Mừng lác dìu Nguyễn Đạm về giường. Nó lột quần áo của Đạm ra. Lau mình mẩy Đạm. Xong xuôi, nó thoa dầu nóng khắp mình mẩy Đạm. Nó cho Đạm uống liền một lúc hai viên “Tranquanil”, đắp mền kín để Đạm đợi chờ giấc ngủ.
Nguyễn Đạm vẫn mở mắt, theo dõi từng cử chỉ của Mừng Lác. Qua khuôn mặt Mừng lác có vẻ bơ phờ, mệt mỏi đó, Nguyễn Đạm mới thấy rõ khuôn mặt thật của Mừng lác. Vẻ anh chị, vẻ du đãng, vẻ giết người không gớm tay của nó chìm lặn dưới lớp da bóng láng. Chỉ nói lên tình thương bạn chân thành.
Nguyễn Đạm chìa tay mừng đón. Mừng lác chụp lấy:
- Ngủ đi, ngủ đi một giấc cho lại sức.
Đạm không muốn rời tay Mừng. Nó níu tay Mừng.
- Gì thế Đạm?
Nước mắt Đạm ứa ra:
- Rồi chúng mình sẽ ra sao?
Mừng lác lắc đầu. Giọng nó nặng trĩu chất buồn:
- Sao biết được mình ra sao hả Đạm?
- Mừng lác!
- Gì thế Đạm?
Đạm chớp mắt liên hồi. Và nước mắt nó cũng ứa ra theo từng chiếc chớp mắt:
- Mừng...
- Sao?
- Thôi Đạm ngủ đây...
Mừng lác gỡ tay nó khỏi tay Nguyễn Đạm. Nó vuốt trán Đạm:
- Ừ, nhắm mắt đi cậu tú...
Nguyễn Đạm nhắm mắt một lúc. Thuốc an thần “Tranquanil” thấm vào người nó. Nó thiu thiu ngủ. Bấy giờ đúng trưa. Sinh hoạt bin đinh bừng dậy. Bọn nhà báo, bọn văn sĩ, bọn áp phe đã lục đục trở về. Và bọn ca sĩ, bọn điếm luých, bọn vũ nữ cũng đã thức giấc vươn vai, ngáp mà rửa mặt đánh răng. Rượu đã hết. Bụng đang cồn cào, đói điên người. Mừng lác rũ Lâm sùi đi ăn. Lâm sách theo chiếc “gà men” mua cơm về cho Đạm.
Nửa tháng trời, từ hôm được cảnh sát trả tự do, Nguyễn Đạm về bin đinh sống với Mừng lác. Nó không hề bước xuống đường. Trừ khi phải tắm rửa, đi cầu Nguyễn Đạm mới ra khỏi phòng. Còn nó nằm bệt giường đọc sách báo và ngủ. Ngủ chán hút thuốc cho đỡ buồn. Hút thuốc vẫn chẳng đốt hết nỗi buồn. Hôm nay, Mừng lác bày thêm trò uống rượu.
Nguyễn Đạm đã uống rượu, đã say, đã nôn mửa và đã ngủ thiếp đi với những vết thương xây xát da thịt. Những vết thương không nặng nhưng đủ khả năng ghi dấu vết một chứng tích đau thương của người thanh niên. Chứng tích đau thương ấy hoặc sẽ làm người thanh niên vươn lên tươi sáng hoặc sẽ làm anh ta ngụp lặn dưới vực thẳm của sa đọa.
Ngồi trong quán ăn, Mừng lác hỏi Lâm sùi:
- Bố mày có hỏi mày kiếm tiền bằng cách nào không?
- Không anh ạ!
- Mày cũng không nói?
- Nói ra đau lòng chết. Chẳng lẽ đưa ngao thuốc về lại nói “Bố ơi thuốc này con đổi bằng máu đây”.
- Mày bị đấm mấy lần?
- Mười lần.
- Bị thương bố mày không hỏi gì?
- Không, bố em lo thiếu tiền hút.
- Ít ra bố mày phải hiểu mày làm gì chứ?
- Ông bảo làm gì cũng được miễn là có tiền!
- Mẹ mày chết lâu chưa?
- Hồi em mười lăm tuổi.
- Mày thấy anh Đạm thế nào?
- Anh ấy khác chúng mình.
- Mày nhận xét đúng lắm.
- Đời anh ấy có như chúng mình không hở anh?
- Tao chịu.
- Em thấy anh ấy lo âu quá. Anh ấy lo gì anh biết không?
- Tương lai.
Mừng lác cúi đầu nhìn dây giầy. Nó buộc lại một bên đã xút ra.
- Tương lai. Chuyện khó quá nhỉ?
- Khó chó gì?
- Tương lai anh ra sao?
- Tương lai tao như hiện tại. Xứ sở có điếm thì có tao làm ma cô. Mày nghĩ sao?
- Em chẳng biết nghĩ sao cả. Em mong bố em chết sớm.
Mừng lác trợn mắt:
- Mày bất hiếu!
- Không phải.
- Có ai muốn bố chết sớm bao giờ?
- Nhưng em mong, anh ạ! Tương lai em bị cái hiện tại của bố em ngăn cản. Anh nghĩ xem, một thằng thanh niên suốt đời chỉ lo kiếm thuốc phiện cho bố hút thì nó còn làm gì được nữa. Bố em chết, em chắc đời em có khúc rẽ.
Mừng lác gật gù:
- Mày nghĩ lạ lùng quá, táo bạo quá. Ừ, giả tỉ bố mày chết, mày sẽ làm gì?
- Em bỏ nghề đấm đá.
- Rồi mày làm nghề gì?
- Em đi lính.
- Giải quyết dễ quá nhỉ?
Hai đứa ngừng nói chuyện. Mừng lác móc gói thuốc, rút một điếu liệng cho Lâm sùi:
- Nói thật đi, nhiều khi mày có thèm đấm đá không?
Lâm sùi châm thuốc, hít một hơi, nhả khói ra rồi đáp:
- Thèm lắm chứ?
- Sao vậy?
- Ức đời quá, nỗi ức nó dồn vào đôi bàn tay mình, không đấm đá chịu sao thấu.
- Lúc nào là lúc mày thích đấm đá?
- Là lúc chỉ muốn chết, là lúc bố em mè nheo chuyện thiếu thuốc hút.
Mừng lác dập điếu thuốc mới hút được chưa quá nửa:
- Sao mày giống tao vậy?
Nó nói:
- Mua cơm cho Đạm chưa?
- Rồi anh ạ!
- Hôm nay món gì?
- Cơm sườn nướng. Anh ấy chỉ khoái mỏi món sườn nướng thôi.
Mừng lác khe khẽ đập hộp quẹt lên bàn:
- Tao thương Nguyễn Đạm quá. Đời không ai thương tao, tao cũng chẳng thèm thương đời. Không hiểu sao tao thương Nguyễn Đạm thế, tao tự hỏi nhiều lần mà tao đếch trả lời nổi.
Lâm sùi đưa đẩy khói thuốc:
- Anh chơi với Đạm lâu chưa?
Mừng lác cười khì:
- Tao nói chắc mày ngạc nhiên lắm. Thú thật tao mới quen Nguyễn Đạm ở phòng tạm giữ.
Quả nhiên Lâm sùi trợn mắt:
- Thật sao anh?
Mừng lác chửi thề:
- Đ.m. tao chưa hề nói dóc đứa nào cả.
Lâm sùi cúi đầu:
- Em xin lỗi anh.
Mừng lác nói tiếp:
- Nguyễn Đạm không phải là du đãng đâu. Tao quý nó lắm. Tao đã thề không đâm chém nữa, nhưng đứa nào động tới lông chân nó, tao sẽ đâm nó lòi ruột. Mày đã biết tao đó. Tao ít nói. Hễ tao nói là tao làm liền.
- Em hiểu rồi.
- Mày có bổn phận che chở cho Nguyễn Đạm.
- Dạ.
- Mày đã nhất định theo tao chưa?
- Em nhất định.
- Làm nghề ma cô tuy khốn nạn thật đấy nhưng còn nhàn hạ hơn làm nghề đánh mướn. Nghề ma cô là nghề lý tưởng để tao tôn thờ.
Tự nhiên Mừng lác xuất khẩu ra một lý tưởng để tôn thờ. Nó khoái quá cười ha hả:
- Tìm hoài, lý tưởng ở đó chứ ở đâu. Mày đồng ý không?
- Đồng ý.
- Bắt đầu từ mai tao cho mày. Cuộc đời không cho mày lý tưởng. Tổ quốc không cho mày lý tưởng. Thì tao cho mày lý tưởng vậy.
Lâm sùi có vẻ cảm động:
- Cám ơn anh.
Mừng lác phát mạnh lên vai Lâm sùi:
- Lý tưởng... ma cô vẫn là lý tưởng, hé mày?
- Dạ.
- Đ. có lý tưởng thì theo tạm lý tưởng ma cô.
Mừng lác gọi bồi tính tiền. Hai đứa kêu taxi trở về “bin đinh”. Nguyễn Đạm ngủ được một giấc thoải mái. Thức dậy nó khát nước đến khô cổ. Mừng lác bắt Lâm sùi phóng ra chợ Bến Thành mua cho Nguyễn Đạm một ký cam “Outspan”.
Nguyễn Đạm bóp nẫu trái cam cắn một miếng vỏ và vắt chất tươi vô dạ dày. Chất cam tươi vào đến đâu Nguyễn Đạm tỉnh đến đó. Tỉnh rồi nó mới thấy cuộc đời trống rỗng tẻ nhạt hơn cả lúc chưa uống rượu.
Nguyễn Đạm ăn cơm cho xong chuyện. Rồi nó hỏi Mừng lác:
- Còn gì giết nỗi buồn chóng chết hơn rượu không?
Mừng lác lắc đầu có vẻ thương cảm. Ba người thanh niên nhìn nhau. Tâm trạng của họ bây giờ rã rời y hệt đĩa cơm tiệm lổn nhổn mấy miếng sương sườn. Họ nhìn nhau, đầu cúi thấp xuống. Không nói năng gì thêm nữa...