Số lần đọc/download: 908 / 20
Cập nhật: 2017-05-20 08:34:35 +0700
Chương 6
T
ôi và Phan vừa từ trên đỉnh đầu của pho tượng xuống. Phan nhìn ra biển, còn tôi, tôi nhìn pho tượng. Tôi thích cái cách xử sự của chúa Giêsu với cô gái điếm có tên là Madeleine khi cô này bị ném đá. Ông đã hỏi họ: Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá vào người đàn bà này. Thế là không còn ai dám ném đá nữa. Chúa Giêsu đã có thể buộc cái đám đông đạo đức giả kia phải tự soi lại mình, còn tôi, một thiếu nữ mười tám đôi mươi có thể làm gì được giữa cái xã hội miền Bắc cách đây hơn hai mươi năm?
Thời ấy những người lớn, trong tay ai cũng lăm le một hòn đá, nhưng vì không có ai dám hỏi cái câu mà chúa Giêsu đã hỏi. Vì thế mà người ta ném đá nhau tơi bời.
Hai mươi tuổi, tôi lên công tác tại vùng rừng núi Tuyên Quang. Ðoàn chúng tôi gồm bốn người: một trưởng đoàn, một tài xế, một chị bảo quản phim tên là Xuân. Và tôi, vừa chiếu phim vừa đọc thuyết minh. Buổi chiều mới đến vùng rừng núi này, trưởng đoàn dặn chúng tôi:
–Lên đây đàn bà con gái phải cẩn thận nhé. Toàn thanh niên, suốt năm không thấy đàn bà.
Tôi nghe thế rất sợ. Buổi chiều tôi dặn chị Xuân:
–Chị tắm trước, em đứng ngoài canh. Tắm xong chị canh cho em nhé.
Xuân đồng ý. Phòng tắm được dựng bằng mấy miếng phên tre đơn sơ, phía trên lợp lá. Nước xách từ suối lên đựng trong chậu. Tôi canh gác rất cẩn thận. Những người đàn ông đi ngang cứ nhìn tôi chằm chằm. Thế mà Xuân không hề biết, vừa tắm lại vừa hát, còn tôi thì co rúm lại trước những cái nhìn sỗ sàng. Lúc Xuân ra, tôi dặn:
–Chị đứng đây canh, không được đi đâu đấy.
–Tất nhiên, Xuân nói.
Tôi bước vô phòng tắm. Sàn gỗ gập ghềnh, gió lạnh. Tôi lắng nghe chung quanh thấy không có tiếng bước chân đi qua liền cởi quần áo máng trên sợi dây. Ngay lúc ấy tôi cảm thấy có điều gì khác thường nên ngửng lên, chạm phải một cặp mắt trừng trừng phía ngoài khe hở chỗ díp mí hai tấm phên. Cặp mắt ấy sáng quắc và không hề chớp. Tôi lấy tay che ngực và ngồi thụp xuống.
–Chị Xuân ơi! Chị Xuân!
Nhưng chị đã bỏ đi đâu từ lúc nào. Tôi sợ cuống cuồng vơ vội quần áo. Lúc mặc xong, quay lại vẫn thấy cặp mắt dán chặt sau khe hở.
Tôi chạy như bị ma đuổi. Về đến trại còn run. Lúc ấy Xuân đang ngồi nói chuyện với trưởng đoàn, ông ta bỏ mắt kính cận ra, trông mặt lạ hoắc, Xuân hỏi:
–Chuyện gì vậy?
–Chị chơi ác lắm nhé. Tôi nói mà muốn khóc, vùng vằng bỏ đi ra ngoài hiên phơi cái áo thun trên dây cho mau khô.
Tuy vậy buổi chiếu phim tối hôm đó tôi đã đọc thuyết minh rất xuất sắc. Khán giả gồm phần lớn là người dân tộc, một ít bộ đội và thanh niên xung phong.
Trời trong vắt, không khí mát mẻ, sự chăm chú của khán giả làm tôi có cảm hứng. Tối đó trở về trại tôi rất vui, nói chuyện một hồi với những người trong đoàn rồi đi ngủ, bỏ quên chiếc áo thun phơi ngoài hiên.
Sáng ra chiếc áo vẫn còn đó. Gió đã làm cho nó khô đi, màu vàng của nó rực lên như nắng. Tôi gấp chiếc áo lại, chợt cảm thấy có một vết bẩn trên ngực áo, liền lật ra xem. Vết bẩn ấy to bằng nửa bàn tay, dày cộm như một bệt hồ đã khô cứng. Tôi không biết đó là cái gì, thử đưa lên mũi ngửi. Trời ơi! một cái mùi tanh tưởi chưa từng thấy làm tôi muốn lộn mửa. Tôi ném cái áo xuống đất nhưng lại tiếc vì nó là cái áo đẹp nhất của tôi. Thế là đành nhặt lên, cầm nhón bằng hai ngón tay.
Người đàn bà cấp dưỡng đi ngang, thấy vậy, hỏi:
–Áo làm sao thế?
Tôi khều chị lại, chỉ cho chị xem vết bẩn.
–Em không biết ai đã làm gì cái áo của em. Mùi của nó kinh lắm.
Chị cười, nhìn đăm đăm vào mặt tôi rồi tát nhẹ vào má:
–Con gái Hà Nội xinh thế này, thảo nào.
–Thảo nào sao ạ?
–Thảo nào bọn đàn ông chẳng làm thế.
–Làm gì cơ ạ?
Người đàn bà to lớn ấy vít đầu tôi xuống, thì thầm vào tai:
–Nó dí cái của quý vào đó.
Tôi nghe mà nổi da gà.
Nhưng tôi vẫn tiếc cái áo. Tôi ngâm nước suốt một ngày, giặt bằng xà bông bốn năm lần nhưng dường như cái mùi ấy vẫn còn lẩn quất, đeo bám, ám ảnh. Cuối cùng đành vứt áo xuống suối.
°
Anh xem, cái áo ấy so với bây giờ có là gì đâu. Trong cửa hàng em có những bộ đầm năm bảy trăm nghìn, đủ mốt đủ kiểu, lộng lẫy sang trọng. Ðôi khi em vẫn nghĩ đó chính là luật bù trừ anh ạ. Cũng giống như ngày xưa ba chị em xài chung một đôi guốc mộc, chỉ dùng để thay phiên nhau rửa chân mỗi tối trước khi lên giường chứ không dám mang. Lúc đó em đang tuổi dậy thì, đến lớp mà đi chân đất thì mắc cỡ nên lén giấu guốc trong cặp, gần đến trường mới dám lấy ra mang. Anh xem cái đời sống nó tàn nhẫn cỡ nào. Nhưng cũng chưa thảm bằng lúc em đi làm ở Cục Ðiện ảnh. Hai mươi tuổi nhé, sáng dậy sớm đi chuyến xe vé tháng năm giờ ba mươi. Chuyến xe ấy rất vui vì có nhiều bạn bè, nhiều chàng trai để ý tán tỉnh, vậy mà cũng chỉ đi đôi dép mượn của má. Dép đã quá cũ. Bữa kia lên xe gặp một ông khách đạp phải chân đứt quai, nhưng ngồi trên xe không ai biết. Các chàng trai vẫn tán tỉnh, cười nói, còn mình thì rầu rĩ. Ðến trạm ngừng, bước xuống xe mới thật dở khóc dở cười. Vì có dám bước đâu. Chẳng lẽ lấy dép lên kẹp nách mà đi? Ðành kẹp cái quai dép giữa hai ngón chân rồi cứ thế mà lê. Các chàng trai vẫn theo tán cũng bằng những lời hoa mỹ, còn mình thí đi cà nhắc, khốn khổ vì cái quai dép. Còn bây giờ ở cửa hàng em có hàng trăm đôi dép. Anh thấy không, đúng là luật bù trừ rồi chứ còn gì.
Khi yêu anh, thì đó cũng chính là luật bù trừ.
Năm ấy em hai mươi bốn tuổi, sợ ế chồng đã cuống cuồng lên rồi. Có biết yêu đương là gì đâu. Có ai dạy cho em lấy chồng phải như thế nào đâu. Có ai biết mô tê gì về chuyện tình dục. Bảo lấy chồng thì lấy đại. Anh nghĩ xem có buồn cười không? Lấy chồng xong thấy đời sống vợ chồng nó tẻ nhạt, nó đơn điệu lạ lùng. Ban đầu em nghĩ chắc là do bản tính của em nó lạnh lùng như thế, nhưng bây giờ mới hiểu là không phải. Ðó là em đang ngủ. Ông chồng đã không đánh thức được em, chính em cũng không đánh thức được em. Chỉ có anh, khi anh đến thì mọi thứ trong em thức dậy.
Em khám phá ra mình là một kẻ cuồng nhiệt, mê đắm và táo bạo, giống như con khủng long chuyển mình sau một ngàn năm ngủ vùi trong lòng đất. Nó tạo ra bão tố và đổ nát.
Em ghê sợ cho cái luật bù trừ của tạo hóa.
Có những lúc em nhớ anh điên dại. Và thèm khát cũng điên dại. Cho nên anh đừng cười em về chuyện làm tình nhé. Ðã vào cuộc là không chấp nhận sự dừng lại dù chỉ một giây. Lên tục, mãnh liệt và vắt cho kiệt hết tinh lực. Em ghét cái gì nửa vời.
Ba mươi bảy tuổi mới được yêu. Em đã trễ mất hai mươi năm. Ðuổi cho kịp cái khoảng cách ghê gớm ấy nào phải dễ.
Hai người nằm trên cỏ, dưới bóng cây. Phan không nhìn biển, không nhìn trời, không nhìn cây cỏ chung quanh, chàng nhìn nghiêng khuôn mặt Ngọc, khuôn mặt ấy thân thuộc với chàng biết bao, đôi môi đã một ngàn lần chàng đặt cái-hôn-đầu-tiên lên đó, sống mũi rất “đầm” và đôi mắt, và mái tóc, và vầng trán thanh thản. Lúc này chàng không muốn hôn, mà nhìn ngắm, chờ đợi, như đứa trẻ con chờ con bướm nhỏ bay lên, chờ cánh hoa dại hé nở. Chàng thổi hơi thở của mình lên những sợi tóc, lên má, lên hàng mi cong. Chàng sẽ đổi cả đời mình để cầu mong cho thời gian ngừng lại ở giây phút vĩnh cửu đó.
Ðến một lúc Ngọc xoay người lại và đưa cho chàng một thỏi kẹo cao su. Phan hỏi:
–Lẽ nào trong thời gian ấy em không có một mối tình sao?
–Không có. Vì em có yêu ai đâu.
–Thế còn anh có biệt tài huýt sáo?
–Khi ngờ rằng chính anh ta đã viết cái câu nhơ bẩn ấy trên tường ở khu Kim Liên thì em không chơi nữa. Nhưng về sau em nghĩ rằng có lẽ không phải anh ta viết câu ấy đâu mà là do bọn trẻ con.
Tuy vậy em cũng không giao thiệp với anh ta nữa. Anh ta tìm mọi cách để gặp em. Một bữa anh ta chặn em trên đường đi, mặt mày hốc hác, thiểu não.
–“Ngọc ơi, ngày mai tôi đi bộ đội.”
–“Nhưng Tuấn là con một, được miễn nghĩa vụ mà.”
–“Tuấn muốn xa cái thành phố này. Muốn quên. Tối nay Ngọc cho mình gặp lần cuối được không? “
Em thấy tội nghiệp. Em đồng ý. Nhưng cuối cùng em lại không đến nơi hẹn. Thế là anh ta ra đi một mình. Hai năm sau, khi cả nhà em đang ngồi ăn cơm trưa thì có một anh bộ đội ốm nhom, quần áo xốc xếch, da mặt tái xanh, mắt trũng sâu, tóc rụng xơ xác gần như trọc, bước vào nhà. Ðó là Tuấn. Lúc em đi rửa bát thì Tuấn đến bên.
Em hỏi:
–“Tuấn về phép hả? “
–“Không, Tuấn đáp ngập ngừng, tôi trốn về.”
Em ngửng lên nhìn, sự khinh bỉ trong đôi mắt em làm cho anh ta muốn bật khóc. Trông anh ta xác xơ thảm hại như một thằng ăn mày. Tuấn như van lạy:
–” Tôi bị sốt rét rừng, tôi suy sụp. Và tôi rất nhớ.”
–“Anh là một thằng hèn, một tên đào ngũ. Hãy cút đi! Tôi không muốn nhìn thấy mặt anh nữa.”
Trời ơi, ai đã dạy cho em nói những lời độc ác ấy? Bởi trong thâm tâm em rất thương Tuấn mà, em hiểu vì sao Tuấn vào lính, em cũng hiểu vì sao Tuấn quay về. Anh có biết ai đã dạy em nói những lời ấy không?
Tuấn bước ra khỏi cửa nhà em, như một bóng ma. Chỉ hai tháng sau Tuấn chết ở trên rừng.