A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
La Mác-Xây-E
ùa hè, một chiều chủ nhật dịu trời, tôi đi dạo trong công viên Lênin, rồi ngồi lại đọc sách ở ghế đá, dưới bóng liễu. Tôi đọc chăm chú và vừa đọc vừa liên miên hút thuốc. Hộp diêm và bao Ngựa Trắng tôi vứt bày ra bên cạnh, trên mặt ghế.
Chợt, cảm giác có một ai đang nhìn mình, tôi rời mắt khỏi trang sách, ngước lên. Và giật nảy mình. Một người ăn mày. Một lão già. Lão đã đến sát ngay trước mặt tôi mà không làm không khí xao động nhiều hơn một bóng ma.
Hai con mắt của lão thụt sâu trong hai hốc xương dán vào mặt tôi một cái nhìn chằm chằm nhưng mờ mịt và vô hồn. Sợ rằng lão sẽ cứ thế mà xô phải mình, tôi vội dặng hắng và vội cho tay vào túi lần tiền lẻ.
- Cậu đọc sách đó ư… Xin chào cậu… - Tôi thậm chí không ngờ là ông quần chúng vô sản này lại còn có thể nói năng và phát biểu, tôi kinh ngạc thấy lão nghiêng mình tỏ sự lịch thiệp khi mở miệng, một cái miệng đen ngòm, chắc chắn là còn rất ít răng. Tôi ậm ừ.
- Thật là làm phiền cậu quá. Xin cậu làm ơn cho châm nhờ điếu thuốc. Muốn hút, ấy thế mà tôi lại quên mất diêm.
Cổ họng ông lão chằng chịt gân tím gân xanh. Yết hầu chạy giật cục. Giọng nói khàn, song không quá khó nghe.
- Đây đây, diêm đây! - Tôi nói vội vội, vội vội cầm bao diêm đưa lão. Một cảm giác ớn ẩm, ghê ghê truyền dọc người tôi.
Ông già không đón lấy bao diêm mà thong thả lùa bàn tay khô khỏng vào túi của cái thứ tựa hồ như một áo bạcđờxuy ông đang vận trên người. Tôi tưởng chừng ông sẽ lôi ra cho tôi thấy một con chuột chết.
Nhưng, vật ông lão moi trong túi ra lại rất bảnh. Một hộp đựng thuốc hình chữ nhật, to và dày, sáng loáng như thể bằng vàng khối, chạm trổ cầu kỳ và có khắc những hàng chữ Tây. Từ từ như pha một chút kiêu hãnh và tự đắc, lão run run ngón tay cái ấn một cái núm tý xíu. Tuyệt khéo, nắp hộp nhẹ nhàng mở ra và từ đâu đó xa xăm trong lòng hộp vẳng lên một khúc mấy nốt nhạc. Nhưng mà, rỗng không, trong hộp chẳng có lấy một vụn thuốc!
- Ôi chao, cực chưa này! Diêm quên, lại thuốc cũng quên - Chủ nhân của chiếc hộp sang trọng than lên khàn khàn - Thế đó, cậu ạ, người già là thế! Lú lẫn, lú lẫn… Quên diêm, quên thuốc, quên dần mọi sự cho đến khi quên thở. Thôi, đành vậy, chứ biết sao bây giờ.
Lão lắc lắc cái đầu khô khốc.
- Cám ơn cậu. Xin lỗi đã làm phiền cậu.
- Hượm đã, cụ! - Tôi rút một điếu Ngựa Trắng trong bao ra - Mời cụ!
- Cám ơn. Quí hóa quá. Xin cậu! - Lão lí rí trong họng. Những ngón tay khô đét đón diếu thuốc, run run.
- Đây nữa này, - Tôi dốc ra một túm năm, sáu điếu - Cụ cầm thêm mà hút, hả!
- Ui cha, quí hóa quá! Nhưng chỉ dám xin cậu điếu nữa thôi, cho có đôi.
Lão bỏ tọt hai điếu thuốc vào túi cái áo dạ cũ nát.
- Thuốc lá thời các cậu có gắn phin nên hộp của thời xưa không chứa được.
Lão giải thích và đóng nắp hộp lại. Lần này, táng tàng tang, bản nhạc ngân nga lâu hơn lúc mở hộp, phát hẳn thành giai điệu. Tôi sững người. Tôi đã nhận ra.
“Hỡi những người con của Tổ quốc, ngày vinh quang đã tới rồi…”
Tang táng tàng. Còn ngờ gì nữa. Nhưng chính là ông ta? Không. Không có lẽ. Không thể thế được.
Ông lão nửa ăn mày bái biệt tôi. Rờ rờ, lụ khụ, mù dở, lưng còng còng, lử lả lão dò dẫm lết đi dọc lối sỏi ven hồ. Tôi đờ đẫn nhìn theo. Con người thảm hại, nhân dạng tàn rữa kia chẳng có gì chung với nhân vật cao sang tôi đã từng biết thuở xưa, ngoại trừ chiếc hộp với khúc dạo đầu của bài ca Đại Cách mạng.
Hồi ấy trước chiến tranh, gia đình tôi từ trong phố chuyển về căn hộ ở Kim Liên. Một chung cư kiểu Bắc Triều Tiên hết sức là sang đối với thời bấy giờ, mà phải có chức vụ kha khá như cha tôi thì mới đến phần. Hàng xóm gần nhất, kề vách với chúng tôi là gia đình một ông công chức hưu trí của Bộ Giáo dục. Một vị nhân sĩ có chân trong Mặt trận Tổ quốc. Cha tôi dặn chúng tôi phải lễ độ với ông, song dù người không nói chúng tôi cũng biết rõ là phải thế.
Bạn đọc hãy nhớ lại một viên chức lưu dung hưởng lương chín chục về hưu thuở trước chiến tranh nom thế nào thì sẽ mường tượng ra được cùng tôi ông già ấy.
Tuổi về hưu của một ông lưu dung chỉ ngoài năm lăm song ngay cả cái tuổi đó ông cũng có vẻ còn lâu mới già tới. Ở ông luôn toát lên một vẻ sung mãn hồn hậu, một sự sự hài lòng kín đáo và một sự cao sang mực thước. Dáng dấp của ông thong thả khoan thai với phần nào trịnh trọng. Ông lễ độ nghiêng mình chào ông nội tôi, ông bắt tay cha tôi và ông xoa đầu chúng tôi. Ông nói cám ơn, ông nói xin lỗi, làm ơn, ông nói xin kính chào, xin miễn thứ, và phải phiền trách, phải ta thán một cái gì ông chỉ nhún vai hoặc là ông lắc đầu, ông nói: C’est la vie!
Ông ít tiếp xúc với hàng xóm láng giềng song ông tử tế với tất cả. Góa vợ nhưng ông sống không trễ nải. Nhịp điệu hàng ngày của ông đều đặn. Ông mua hoa mỗi ngày. Ông đặt báo tháng. Ông thuê người giúp việc. Trang phục của ông và của con trai ông, một sinh viên kinh tế, bao giờ cũng nền nã, tươm tất.
Tôi từng được vào phòng ông đôi lần. Tôi thấy vô vàn sách, phần lớn là sách Tây, xếp ngăn nắp trên những giá được đóng bằng gỗ tốt, đánh véc ni. Trên tường treo một bức sơn dầu. Nền nhà trải thảm. Những đồ gia dụng, những đồ văn phòng trong nhà đều xinh xắn, đẹp đẽ và kỳ lạ, và đều là của ngoại.
Ông nghiện thuốc, hút nhiều và hút sang, nên thú sưu tầm của ông cũng gắn với thuốc lá. Ông chơi như chơi tem các loại nhãn thuốc lá trên thế giới. Các loại bật lửa, gạt tàn, các kiểu píp tẩu, ống điếu và các dạng hộp đựng thuốc bằng nhựa, bằng kim loại. Trong tập hợp tất cả những vật xinh xắn và lỉnh kỉnh đó, ông đặc biệt quí chiếc hộp có phát ra bài Mác-xây-e. Nghe nói đấy là quà tặng của vợ ông khi hai ông bà mới đính hôn.
- Ông ơi, ông hút thuốc đi ông.
Bọn nhãi trong chung cư thường đề nghị ông thế, để ông lấy hộp thuốc ra, mở nắp và cho chúng được nghe khúc nhạc tinh xảo.
Dân tình trong khu phố gọi ông là đờ San. Người ta đồn rằng me xừ có những bạc trăm ở quĩ tiết kiệm.
Ấy là chuyện hai mươi năm về trước. Có một ông như thế. Một cái hộp thuốc lá như thế.
Tôi lớn lên, trải mười năm trận mạc, khi trở về đất nước đã cập bờ thời đại khác, và Hà Nội, và khu Kim Liên, và nói chung phố phường, cảnh vật, con người đã biến tướng. Về me xừ đờ San thì tôi được biết là ông đã chuyển sang bên khu cao cấp tại Bách Khoa. Nhưng đấy là theo tiêu chuẩn nhà ở của con ông bây giờ đã thành đạt và đã trở thành một yếu nhân.
Rốt cuộc thì mối liên tưởng của tôi là kỳ quặc. Làm sao có thể nhét chung me xừ San vào cùng một hộp với ông lão cầu bơ cầu bất kia được?
* * *
Một thời gian không biết là bao nhiêu lâu sau, không ngờ tôi lại nom thấy nó, cái hộp biết chơi nhạc ấy trong tay ông chủ quán cà phê gần khu lầu của chuyên gia Liên Xô.
- Đẹp hết ý, đúng không? - Tay chủ quán thấy tôi chú ý liền khoe - Nhưng quan trọng nhất không phải cái mẽ ngoài. Mà đây này…
Y ấn núm. Nắp hộp mở và quốc thiều Pháp được cử lên trang trọng. “Hỡi những người con của Tổ quốc…”
- Một thằng Ivan già muốn mua với giá nửa vé. Nhưng tớ chả. Của cực hiếm đấy. Ngay ở Paris cũng không lùng nổi đâu. Vậy mà tớ lại nhặt được nó từ trong tay một lão hành khất. Có một dạo lão già ấy lấy hiên nhà tớ đây làm ô ten đờ la hiên. Thấy lão có cái hộp hay quá, tớ gạ mà lão lắc.
Dọa đuổi không cho ngụ nữa lão cũng không nghe. Vậy mà biết không, lấy nửa cây Sông Cầu dí vào mũi lão thì lão lại ô kê. Lão ăn mày này nghiện thuốc kinh khủng.
- Bây giờ ông ấy ở đâu?
- Nào biết. Không thấy lai vãng nữa. Chắc ngỏm đâu rồi. Nghe nói thằng con trai lão làm lớn lắm, nó cho đăng tin tìm lão trên tivi, bảo rằng lão bị điên. Hứa sẽ hậu ta cho ai dắt được lão về cho nó. Là thiên hạ chúng kháo thế. Chả biết có phải trường hợp lão già này không. Vì lão này đâu có điên, lão chỉ nghiện ngập thôi.
Tay chủ quán đậy cái hộp lại. La Mác-xây-e khẽ ngân lên. Ngày vinh quang đã tới rồi.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn