A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ái ngõ ở bãi rác lúc nào cũng nhộn nhịp. Tuy nhiên trông vào nhà bác cả Chù hình như vẫn chỉ êm đềm như thường ngày.
Nhưng không phải vậy.
Người ta tưởng nhà bác cả Chù êm ả thế chỉ vì nhà bác lúc nào cũng được sắp đặt gọn ghẽ đâu ra đấy. Bác cả Chù thường nói: con người có chân có tay, đi được làm được thì ở đâu phải ra ở, không thể luộm thuộm. Ở đây là cái lều tạm bợ, nhưng không thể xô bồ. Miếng vá dán cẩn thận của tờ giấy dầu trên mái phẳng phiu. Bốn phía mép, đã nẹp kỹ, còn chặn những hòn đá, cao như gờ tường, gió không thể lật được.
Cái hỏa lò có khói có lửa, đề phòng lúc bất cẩn, để tận góc xa. Cạnh đấy, một bao bì lá khô, mùa nào lá ấy. Hai cô con gái, khi đi chợ, khi đi lấy đất thó, lại khi đi quét lá. Lá xà cừ, lá sấu, lá nhội, lá bàng đổi nhau rụng cả năm, phố nào cũng có, chịu khó một chút, chẳng bao giờ thiếu cái đun.
Cạnh đấy, lù lù hai ụ đất, trong nhốt hai con gà. Gà đứng trong ụ, thò mỏ ra đớp cơm nguội. Bác cả Chù nuôi gà trong ụ đã quen. Bác kể ngày xưa các cụ còn nuôi gà trong ống, vỗ béo chóng lắm. Nửa đêm, gà trong ụ gáy tiếng ồ ồ lòng đất.
Chỗ bác cả Chù ngồi làm, một tấm phản ghép mấy miếng gỗ thùng đựng đồ, mua được ở đâu không biết. Những mảnh ván gỗ thông trắng đã ngả màu bồ hóng, vẫn còn lại dòng chữ đen và vẽ cái ô dựng, biết đấy là thùng đựng hàng nước ngoài. Phản ấy, làm đấy, ăn cơm, khách khứa đấy, bác cả cũng ngủ luôn ở đấy.
Những con giống xếp hết trên gờ tường đất sau lưng phản. Ngày nắng, phơi quanh nhà. Mưa cất vào trong vách. Một góc bầy những con tu huýt bôi phẩm đỏ, cạnh mấy chú lợn ống chưa tô vẽ, lù lù như hòn gạch mộc.
Bố con bác cả Chù đều chăm học. Đã bập bẹ biết mặt chữ, càng ham. Và bác cả Chù còn tính những chuyện làm ăn nền nếp hơn. Bác định mở lò gốm. Đã nặn được con giống, bác cũng biết nghề gốm.
Con giống chỉ bán được có mùa. Nhưng bác để ý không thấy chợ nào bán cái chậu, cái lon cho lợn. Lon cho lợn hay lon để làm cái rửa bát, thật tiện. Bác sẽ nặn lon đem bán các chợ ngoại ô, chợ Bưởi, chợ Mơ...
Mọi thứ đã sửa soạn đủ. Cũng chẳng có gì lôi thôi. Một bàn tay bác làm ra cả. Bác đóng lấy bàn xoay, làm khuôn. Sợi tơ tằm đem xe lại, bện thành dây bàn xoay, bền hết chỗ nói. Cái lò cũng đắp rồi. Lò nung chỉ vừa bằng chiếc hỏa lò, thật gọn. Lò đắp nhỏ, mỗi lần nung năm cái lon thì vừa.
Bác cả Chù đã làm thử một mẻ. Đống giả đất như bột xám để vuốt khỏi dính khuôn đã vẹt hết một góc. Vào lò chuyến thử ấy, chín già lắm. Bác đem cho nhà anh Bốn một cái, ông Ba Gác một cái. Ai cũng khen bác cả Chù thật có hoa tay.
Bác cả Chù nói:
– Tôi còn làm được cả liễn đựng canh men da lươn, men hạt lựu. Nhưng thôi, làm những của ấy lích kích lắm. Bao giờ nhà nước cần, cho tôi vào mở lò sứ, tôi sẽ ra tay. Còn bây giờ chỉ tạm cái lon mộc thế này thôi.
Nhiều người đến xem bác cả Chù nặn, khéo quá. Bác ngồi nghiêm, chăm chú. Chỉ có hai bàn tay vừa vuốt vừa xoay với chiếc khuôn bằng con mắt nhìn mà đem cục đất thành cái lon, cái chậu.
Ông Ba Gác chỉ khuyến khích bác cả Chù làm chậu. Ông nói: bây giờ ta là thành phố sản xuất, ai có nghề gì rồi sướng. Cái bát cái chậu, nhà nào cũng cần.
Bác cả Chù ngừng tay xoay:
– Mời hai ông xơi nước. Cũng chưa biết thế nào đâu, ông ạ. Các đấng thì lạc loài, mà con chim thì có tổ. Tôi nghe bà con lên nói dưới quê tôi bây giờ làm ăn vui lắm. Mình là con người đồng đất, ngồi đây như ngồi cũi.
Ông Ba Gác nói:
– Hãy biết thế, ông ạ.
Bác cả Chù cười với Bốn xế lô:
– Ông Bốn cũng như tôi thôi.
Bốn nói:
– Tháng sau tôi về. Nhưng đằng nào cũng phải lo làm cái lễ bế mạc lớp bình dân này cho ra trò đã. Ngõ ta nhất nhà ông cả, ba bố con đi học được cấp bằng tốt nghiệp.
Ông Ba Gác cười, xuề xòa:
– Các người cứ đi cứ về hết đi. Đi cho biết đó biết đây. Còn lại một mình lão ở lại giữ Hà Nội cũng được.
Một buổi tối, lễ bế mạc phát bằng thanh toán nạn mù chữ. Như đám mít tinh ở ngay giữa bãi cỏ bên hồ.
Cả mấy phố quanh đấy kéo đến, lại thêm người đi đường đứng lại vào xem, đông có đến hàng nghìn. Những tốp thiếu nhi đi đánh trống cà rình, cà rình rình... khua vào từng ngõ. Các tổ thông tin gióng giả. Ở ngã ba, ngã tư, ông thông tin chồng cái ghế lên mặt bàn ngồi vắt vẻo, ghếch loa gọi bốn phía: a lo... a lo...
Các cán bộ dạy học thường ngày, hôm nay đến như những người giúp vui.
Các anh các chị ấy tham dự tiết mục hát. Một anh kéo đàn ắc–coóc, nghiêng ngả đầu nhịp cho tiếng đàn phập phồng. Vì nhân dân quên mình... Qua miền Tây Bắc... Nhị lang sơn... Đã bao lần nghe, đến độ trẻ em đương xúm quanh hội trường cũng biết dạt dào hát theo.
Người phát biểu là tổ phó ngõ phố - ai cũng biết, ông Ba Gác. Đời cũ nó ác như thế đấy, cái người vào Nam ra Bắc một đời như ông Ba Gác, thế mà bây giờ mới biết chữ. Ông Ba Gác vừa được xóa mù chữ trong lớp này.
Ông Ba Gác gấp gay mắt. Nhưng ông cầm tờ giấy lên, đọc rành rọt:
– Thưa bà con, tôi vừa biết chữ xong. Bây giờ thay mặt ban tổ chức, tôi cám ơn các vị đại biểu và xin phát biểu. Có chỗ nào tôi đọc sai, các vị bỏ quá cho, đừng cười.
Bao nhiêu người đứng xung quanh vỗ tay hoan nghênh câu nói chân thật vang ra đến tận bờ hồ xa xa.
Có đến hơn một trăm người đã đọc thông viết thạo. Hầu khắp người trong ngõ phố. Cô Mỹ Lan, chị Gái, cả bà lang thuốc ê... Người vỗ tay rầm rầm, nhất lúc ba bố con bác cả Chù được gọi lên lĩnh giấy chứng nhận. Chủ tịch khu Hàng Cỏ ra bắt tay, đưa cho từng người. Phóng viên báo Thời Mới đề nghị ba bố con bác cả Chù đứng một chỗ, tay cầm bằng, cho phóng viên bấm điện chụp một bô ảnh, mai đăng báo.
Một ông đứng xem, nói một câu lừng khừng. Mà ai cũng cười, không phản đối.
– Người Hà Nội mặt đẹp như vẽ thế mà hóa ra khối anh dốt đặc. Bây giờ mới chịu lòi cái đuôi dốt ra cho người ta cắt đi.
Lễ phát giấy chứng nhận xong. Bác cả Chù nói với anh Bốn xế lô:
– Mời ông về nhà tôi xơi nước. Tôi đã nói với ông Ba rồi.
Nhà bác cả Chù đèn sáng trưng ra cả bờ nước. Cạnh búi cỏ và bóng bãi rác xám, cũng xanh rờn, trắng mênh mông.
Không phải xơi nước như bác cả Chù mời đâu.
Có một người cũng trạc đứng tuổi, đã ngồi trên phản. Bác ấy mặc áo đại cán ka ki xám. Trông cái quần nâu thì có thể đoán là người làm việc ở xã.
Giữa phản, đậy lù lù chiếc lồng bàn.
Bác cả Chù chắp tay, nói:
– Chú cháu ở quê lên chơi. Tài thế, tìm được đến đây. Thì ra hỏi trên khu thì nhà ai ở đâu cũng biết hết. Chú cháu làm thư ký ủy ban xã. Còn đây là ông Bốn, ông Ba công tác ở hàng phố, anh em cả, chú ạ.
Đồng chí cán bộ xã cười cười:
– Lúc nãy ra xem lễ phát bằng vui quá, em biết rồi.
Bác cả Chù nói to:
– Em bàn thế này khí không phải. Các ông mừng cho, cả ba bố con đều được bằng biết chữ. Vừa là để... Chuyến này, nhân có chú nó lên, em cho các cháu xuôi ạ.
Bốn hỏi:
– Dưới quê ta bây giờ thế nào?
Đồng chí cán bộ xã nói:
– Vui lắm ạ. Chúng tôi đương đi các nơi tìm bà con về. Mới biết hồi theo người ta ra đến Hải Phòng mà còn nhiều người ở lại lắm. Về cả rồi. Phố Trì Chính bây giờ trên bến dưới thuyền, cũng như bờ hồ Hà Nội. Vui lắm ạ. Khi nào thong thả, mời các bác về chơi.
Bác cả Chù nói:
– Nào, xin các ông...
Cô gái mở lồng bàn. Một mâm thịnh soạn, nổi nhất hai đĩa thịt gà láng mỡ vàng hây.
Đồng chí cán bộ xã nói:
– Mời các đồng chí lên vui với chúng em.
Ông Ba Gác hỏi:
– Bác cả định về quê thật à?
Ông Ba Gác ngồi lên góc trong, gật gù so đũa:
– Phải truyền lại xong cho tôi cái nghề xoay xoay ra cái lon, cái chậu rồi mới về được.
Đùa thế thôi, chứ ông Ba Gác tối ấy thật phấn khởi. Ông Ba Gác cứ chuyện đi chuyện lại với đồng chí cán bộ xã.
– Tôi đã bảo mà, phải giải tán bớt người đi. Đất nước bây giờ đầy việc, ở đâu cũng có việc, ở làng đương cần người thì về làng, ngồi lê ở đây không được. Người như ông hộ pháp mà ngồi Bờ Hồ bán lơ hồng, thuốc sâu răng thì còn ra thể thống gì nữa!
Ông Ba Gác khoái đời đến lúc lên tiết mục nghêu ngao thì cả đến các nhà xung quanh cũng cười vọng sang, ầm lên, nhộn ngõ.
Anh biểu em đừng có lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa kỷ trà ai dâng
Bỗng một lúc, ông Ba Gác lặng im rồi nói:
– Trần đời không ai sốt ruột thống nhất bằng tôi đâu. Câu chuyện dài lắm, nó vắt lên tận khúc, tôi đi phu cao su năm ấy...
Cứ kể, cả phố này, chỉ có tâm sự ông Ba Gác thật xót xa. Ông hay nói ba lơn, hay hát, nhưng đời ông buồn. Ông vào Nam làm ăn từ khi còn phải xuống Hải Phòng đi tàu thủy. Khi hết “công ta” thứ hai ở sở mủ cao su Quảng Lợi, ông ở lại, lấy vợ ra làm rừng làm ruộng quanh quanh. Người nghèo thì đâu kiếm được miếng, đấy là quê.
Nhưng rồi đến ở nơi hẻo lánh cũng không kiếm ra cái sống. Vợ chồng đem nhau về Sài Gòn, đi kéo xe. Nhưng cái xe cũng chẳng nuôi nổi nhà bấy giờ bốn miệng ăn.
Một hôm, chồng bảo vợ:
– Cứ chúi đầu mãi ở cái chỗ chết giẫm này thì cất đầu lên sao được. Nghe đồn ngoài Bắc bây giờ không đến nỗi đói kém như trước. Hay là tôi thử về Bắc.
– Lại nghe đồn... chả nghe đồn mà về đây à...
Nhưng rồi người vợ ở lại với con nhỏ. Chồng và con lớn ra Bắc. Thời ấy, không phải mỗi lúc dễ chạy được suất tiền tàu hỏa mà đi ra đi vào đâu. Về đến đất Bắc, những lời nghe đồn vẫn là nghe đồn... nghe đồn... ở đâu, ở đâu... Thế là cái đau cắt đôi đời người từ đấy cho đến bây giờ.
Tiếng loa bên hồ vọng sang. Bản tin giờ chót trước nửa đêm của đài Tiếng nói Việt Nam. Loáng thoáng những tiếng... I Rắc... Li Băng... Rút ngay quân Mỹ... Sương đã xuống mù mịt ngoài trời thành phố. Ngọn đèn điện lắc lư như một cục bông trắng mỗi lúc một dày hơn.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố